Đơn vị tôi sau khi rút từ vùng Dầu Giây về Bình Dương đêm 26/4/75 tiếp tục cuộc hành quân suốt buổi sáng 28/4/75 đến Tân Uyên thiết lập phòng tuyến trong một cánh rừng cao su .
Phía trước mặt là một cánh đồng lúa còn trơ gốc rạ , trống trải dễ quan sát, án ngữ phía sau lưng cách đó không xa là đồn của lính Địa Phương Quân. Vòng cung bên trái là một ngôi làng nhỏ với những nếp nhà tranh xen kẽ mái ngói , những chuồng trâu phảng phất mùi rơm rạ .
Nếu không có chiến tranh thì thật là thanh bình nơi vùng quê yên ắng này .
Vào buổi trưa hôm sau , tôi và vài người lính băng qua cánh đồng vào nhà dân có mở một quán nước nho nhỏ để xin nước tắm ở một cái giếng bên hè nhà . Quán này có bán rượu đế nữa , vì vậy sau khi tắm xong như một lời cám ơn tôi đã làm vài ly để làm nhẹ vơi đi thực tại nhưng vẫn đề cao cảnh giác với suy nghĩ họ là ai trong tình hình căng thẳng này .
Một buổi chiều êm ả trôi qua thật dễ chịu , không có dấu hiệu gì khả nghi cho tình huống xấu . Đêm vắng lặng không một tiếng súng , chỉ có tiếng động cơ của đoàn quân xa vọng lại từ xa nghe u.....uu.......đến nửa đêm , ánh sáng màu xanh yếu ớt lập lòe của bầy đom đóm thoắt ẩn thoắt hiện qua những hàng cây như trêu ngươi những người lính tự hỏi ngày mai sẽ ra sao .Tình hình đất nước ngày càng nguy ngập vẫn được theo dõi thường xuyên qua chiếc Radio .
Tưởng rằng sau một ngày hành quân mệt nhọc , đêm nay sẽ làm một giấc thật say để lấy lại sức thì đến nửa đêm bỗng từ đâu dội tới ÙNG .....OÀNG .....ÙNG ....OÀNG ...... , phía sau thì đồn Địa Phương Quân bị VC đánh úp , tiếng súng AK , B40 nổ loạn xạ , .....uột ....uột ..... Cả đơn vị báo động sẵn sàng chống trả , đạn pháo liên tiếp dội vào đội hình , tiếng miễng đạn pháo bay vèo vèo găm vào thân cây cao su phụp ...phụp ..., lách cách .....nghe rợn người . Trung đội Trưởng bò qua sát miệng hố cá nhân truyền lệnh của Đại Đội Trưởng nói giọng gấp rút với tôi :
- " Nhớ nhắc con cái ngóc đầu quan sát , nó sắp tấn công đó " . Với quân số áp đảo , hỏa lực hùng hậu VC đã tràn ngập đồn Địa Phương Quân , buộc số quân còn lại dạt ra phía bìa rừng . Có tiếng loa văng vẳng vọng lại kêu gọi đầu hàng ngắt quảng rồi im bặt .
Cường độ pháo kích càng dữ dội hơn , khói bụi mù mịt dấy lên khuất cả tầm nhìn , ngôi làng phía bên trái có nhiều nhà bị bốc cháy , lửa đỏ phủ trùm , tiếng người dân bị thương gào khóc thê lương , trâu bò hoảng loạn phá chuồng chạy ra đám ruộng trước mặt từng bầy . Trời ơi ! sợ nó chạy vào phòng tuyến là vỡ trận . Mừng quá! Vọng lại tiếng pháo depart nghe ùng ...ục ... từ Lai Khê đáp trả .
Chịu trận gần hai giờ , pháo địch thưa dần rồi dứt hẳn, cả đơn vị thức suốt đêm chờ địch . Sáng sớm hôm sau đơn vị tiếp tục lên đường bỏ lại sau lưng một khung cảnh thê lương , ảm đạm . Đoàn quân lặng lẽ đi , đi trong vô định , vẻ mặt đầy ưu tư không ai muốn nói với ai một lời nào .
-----------------
NÓI VỚI KẺ THÙ CỦA DÂN TỘC, CHÚNG TÔI "BÊN THUA CUỘC" NHƯNG KHÔNG BAO GIỜ BÒ CUỘC.
Tưởng niệm ngày 30.4.1975 lần thứ 48, chúng tôi những quân, cán, chính miền Nam VN còn sống sót sau cuộc chiến vẫn không quên con đường mà chúng tôi vẩn phải tiếp tục đi...một con đường đầy chông gay đang còn phía trước.
Tuy cuộc đấu tranh có nhiều khó khăn hơn những ngày chinh chiến trên bốn vùng chiến thuật. Vi người chiến sĩ VNCH cầm bút vẩn còn mang nặng trên vai lý tưởng DANH DỰ-TỔ QUỐC-TRÁCH NHIỆM" của người lính chưa giải ngủ.
Hành trang của "bên thua cuộc" như chúng tôi, những đứa con của mẹ vẩn không chạy trốn bóng đêm vẩn âm thầm lên đường, tiếp tục việc khử bạo, diệt thù đúng với điều tâm niệm thứ nhất của những binh sĩ VNCH:
"TÔI LÀ CHIẾN SĨ CỘNG HOÀ, NGUYỆN CHẤP NHẬN MỌI HY SINH GIAN KHỔ ĐỂ CHIẾN ĐẤU CHO SỰ SỐNG CÒN CỦA TỔ QUỐC, CỦA GIA ĐÌNH VÀ CỦA CHÍNH BẢN THÂN TÔI"
Đúng vậy,!! Tự Do và Dân Chủ chỉ đến bằng đấu tranh, không ai cho không biếu không. Thế nên những người chiến sĩ VNCH chưa nhận được lệnh giải ngủ, vẩn phải cầm bút thay súng cá nhân, bước vào mặt trận mới là đi tìm ánh bình minh cho dân tôc.
Cuộc chiến cho dù đã ngưng tiếng súng sau ngày 30.4.1975, nhưng tổ quốc và dân tộc chúng ta vẩn chưa có tự do, công bằng và dân chủ, nên chúng ta vẩn chưa hoàn thành trách nhiệm của ngưòi lính VNCH. Nay trong thân phận bên thua cuộc, hãy cùng nhau cất tiếng nói cho dân ta biết, chúng ta chưa bao giờ hổ thẹn là những người "bên thua cuộc" , chúng ta sẽ không bao giờ bỏ cuộc., vẩn tiếp tục tiến vào mặt trận văn hoá chính trị....
Hãy san sẻ niềm tin đến cho mọi người: dân tộc chúng ta rồi đây sẽ có ngày được hồi sinh !!!
Nhân mùa kỷ niệm 48 năm Quốc Hận, người lính già xa quê hương không quên thắp nén tâm hương cho tất cả quân, cán, chính VNCH đã tuẫn quốc trong suốt chiều dài cuộc chiến chống sự phá hoại và xâm lược của cộng sản Bắc Việt.
Người lính già xa quê hương, Trịnh Khánh Tuấn 29.4.2023
-----------------
VU Thanhthai
Những người LÍNH năm xưa
Năm xưa chồng tôi là người lính,
Nơi vùng lửa đạn,
Mồ hôi anh đã đổ,
Từ Hố Bò, Bình Long, Kontum...
Đến Thừa Thiên, Quảng Trị...
Rồi một ngày anh gục ngã,
Tại chiến trường Tây Ninh.
Tôi góa phụ xuân xanh,
Con thơ chưa tròn tuổi,
Tiễn đưa anh lần cuối,
Nơi nghĩa trang quân đội Biên Hoà.
Bao nhiêu năm trôi qua,
Bây giờ,
Tôi về tìm mộ bia anh giữa chập chùng cỏ dại cây hoang,
Để thắp một nén nhang,
Nhớ người lính của một thời chinh chiến,
Nhớ người chồng của một thuở gối chăn
Năm xưa chồng tôi là người lính,
Một lần hành quân,
Anh đã bị thương,
Máu anh loang ướt vạt cỏ ven đường,
Ôi vùng đất không tên,
Đã giữ chút máu xương người lính trẻ.
Bao nhiêu năm trôi qua,
Bây giờ,
Anh thương binh tàn tạ,
Sống giữa quê hương đôi khi vẫn thấy mình xa lạ,
Bạn bè anh,
Kẻ mất người còn,
Kẻ vô tình giữa dòng đời bươn chải.
Năm xưa chồng tôi là người lính,
Nồng nhiệt tuổi đôi mươi,
Ngày đầu tiên ra chiến trường,
Anh mất tích không tìm thấy xác,
Mẹ anh gào khóc,
Tôi ngẩn ngơ như chim nhỏ lạc đàn,
Đã bao nhiêu năm,
Vẫn không có tin anh.
Anh ơi,
Bây giờ quê hương mình đã hết chiến tranh,
Tàn cơn khói lửa.
Anh đã biết chưa ?
Hỡi người tử sĩ không tên, không một nấm mồ.
Năm xưa chồng tôi là người lính,
Sống sót trở về sau cuộc đao binh,
Sau những tháng năm tù tội,
Bây giờ là một ông H.O. gìà,
Sống ở Mỹ.
Những tháng năm chinh chiến đã đi qua,
Nhưng vết thương đời còn ở lại,
Trong lòng anh,
Trong lòng những người lính năm xưa.
Nguyễn thị Thanh Dương
Tên thật Nguyễn Thị Thanh. Sinh 1951 tại Hà Nội. Năm 1954 theo cha mẹ di cư vào Nam. Học tại trường Trung học Lý Thường Kiệt, Quang Trung, Hốc Môn
- Qua Mỹ diện H.O 1991. Định cư tại Dallas, Texas.
--------------
Trần Ngọc
NGƯỜI LÍNH MẤT QUÊ HƯƠNG
Mai nếu ta lìa xa Quán Trọ
Nợ chưa thanh toán, biết thế nào ?
Thêm, vì trót yêu cô chủ nhỏ
Quỵt tiền thì được (?) duyên thì sao ?
Nhiều khi ngộ nhận là tửu tiên
Nhưng ai biết được thuở viễn tiền
Thái Thượng Lão Quân - Tây Vương Mẫu
Tư tình đẻ ta giấu hậu viên ?
Xuống trần khi đất nước điêu linh
Thôn trang, phố thị ngập lửa binh,
Giày saut, mũ lệch dăm ba đứa
Rượu mềm môi hát Lính Đa Tình .
Có lúc thẫn thờ trên chiến địa
Thần tiên nhỏ lệ khóc quê hương,
Non sông hoa gấm ai là kẻ
Vâng lệnh ngoại bang hóa chiến trường .
Lòng ta những vết chém không dao
Xác mẹ, xác em, xác đồng bào
Bọn xài bạc giả phung phí quá
Máu đào xem như nước hồ ao .
Người lính năm xưa chẳng còn chi
Giày gai, nón sắt, áo treillis
Nước mất nhà tan thân chiến bại
Ngẩn ngơ như những chú lính chì .
Lữ Khách giờ đây hiểu nghĩa nào
Quán Trọ Trần Gian tựa chiêm bao,
Hay kẻ lưu vong không tổ quốc
Cúi mặt thần tiên giấu lệ trào .
Ảnh copy xin miễn thứ bản quyền .
--------------
Le Van Quy
tháng tư.
ra chợ mua bông.
một bó cho chồng một bó cho cha.
đường bay gãy gánh sơn hà.
áo người thiếu phụ viền tà đợi trông.
tháng tư.
gánh lúa ra đồng,
một gánh thay chồng một gánh nuôi con.
chồng tôi nợ trả nước non.
thay chồng nuôi một đàn con ngoan hiền.
tháng tư.
viếng lại Tây nguyên.
mồ xưa đất lạnh.
tình duyên vẫn nồng,
buôn mê đêm ở với chồng.
hai phương cách biệt nhưng lòng còn nhau.
tháng tư.
hoa bưởi hương cau.
trầu duyên em ướp tình vào thiên thu.
cao nguyên mây thấp sương mù.
tháng tư đượm nét ngục tù xót xa.
tháng tư.
tang phủ quê nhà.
tháng tư một mối Sơn Hà đau thương.
mỗi độ tháng tư về
thơ: nguyên thạch
LeVanQuy sưu tầm
-------------
Người Lính Già Tqlc
Tổ Quốc Ghi Ơn
Đứng thẳng người trước bàn thờ Quốc Tổ
Đốt nén nhang hương khói toả lung linh
Hồn chiến sỹ quyện vào hồn sông núi
Xin trở về gìn giữ đất cha ông
Sông núi hỡi hồn anh linh chiến sỹ
Tổ quốc này sẽ mãi mãi ghi ơn
Người nằm xuống theo thăng trầm lịch sử
Bia thời gian ghi rõ cả ngọn nguồn
Ngày hôm nay trước bàn thờ Tổ Quốc
Nhớ nhục xưa thật tủi hổ đau thương
Lệnh buông súng màn đen dầy phủ kín
Mất tuổi xuân cùng đất me mịt mù
Đứng thẳng người chào anh linh đồng đội
Vì nước nhà đã Vị Quốc Vong Thân
Xin tha thứ cho những người còn lại
Muốn thật nhiều nhưng chỉ có đôi tay
Hôm nay đây nhớ ngày này năm cũ
Mượn khói nhang thành kính gửi cầu xin
Hồn Tổ Quốc hồn anh linh Chiến sỹ
Mong quê hương Tổ Quốc được trường tồn…
Người Lính Già TQLC T.TT
“nỗi buồn Tháng Tư Đen”
------------
SAIGON THÂN YÊU !
Yến Ngọc Hải Âu
48 NĂM ĐÁNH MẤT .
Bốn tám năm từ ngày đánh mất
Những khổ đau nước mắt lầm than
Bao nguy nan đói rách cơ hàn
Một băng đảng mafia thống trị
Bốn tám năm từ khi thống nhứt
Những con người bỏ xứ ra đi
Khi quê hương nghèo đói chia ly
Biệt kinh kỳ lệ nhòa cố quốc
Chất niềm đau lên vạn đồng bào
Bao thống khổ kiếp người nô lệ
Mất tự do kể cả bất công
Vòng lao lý trò hề thiên hạ
Một đất nước cúi đầu nhục nhã
Những sử gia toàn gã lưu manh
Toàn mánh khóe đấu đá tranh giành
Sự giả dối gian manh vô hạng
Bốn tám năm giang san đem bán
Phận người như tháng lá mùa thu
Một đất nước như cái ngục tù
Sống ủ rũ chờ ngày rụng xuống .
Y. N. HẢI ÂU
-------------------------------
THÁNG TƯ LẠI VỀ
Phạm Gia Đại
Năm nay Tháng Tư lại về. Mỗi năm khi Tháng Tư trở lại thì bao nhiêu kỷ niệm bi thương đau buồn lại ùa về trong tâm tưởng. Cứ nghĩ những bi thương, u buồn, uất hận ấy đã nằm sâu trong tiềm thức, đã đi vào vùng quên lãng theo tháng ngày, nhưng hình như niềm đau ấy cứ tăng lên mãi theo tháng ngày chứ không thuyên giảm, hay không mờ dần đi trong vùng quên lãng. Người ta thường nói thời gian là liều thuốc mầu nhiệm sẽ giúp xoa đi những niềm đau, những bất hạnh, những khốc liệt của chiến tranh đã tàn phá vào đời người, nhưng hình như những đau thương, mất mát, tang tóc của ngày ba mươi tháng Tư năm đó quá kinh hoàng và quá to lớn đến nỗi Thời Gian đành khoanh tay đứng nhìn và thở dài và tiếc nuối. Nhìn những tờ lịch treo trên tường cứ rơi dần đi từng ngày một trong tháng Tư, ngày ba mươi càng gần kề thì những hình ảnh ngày ấy lại hiện về rõ nét như mới ngày nào chẳng làm sao quên được.
Buổi sáng hôm ấy, không phải một buổi sáng đầy sương thu và gió lạnh - một áng văn tuyệt tác, đẹp như một bài thơ của nhà văn Thanh Tịnh trong “Tôi Đi Học” - mà buổi sáng ngày ấy có nhiều nắng ấm của những ngày cuối Xuân sang Hè, nhưng Sài Gòn, Thủ đô của nền Đệ Nhị Cộng Hòa, Hòn Ngọc Viễn Đông của vùng Đông Nam Châu Á, đã như trong cơn mê loạn với hiểm nguy cận kề, và đang thở những hơi cuối cùng như một người đang khỏe mạnh chợt mất dần sức sống đi vào hấp hối.
Đó là ngày Ba Mươi tháng Tư năm Một Chín Bảy Lăm, tôi đang ở nhà mẹ tôi trên con đường Trương Minh Giảng thân quen, trong Quận Ba của thành phố Sài Gòn. Tôi đã đưa gia đình từ vùng Phú Lâm, Quận Sáu, ven đô về nhà mẹ hai ngày nay để tạm trú vì vùng ven đô mấy hôm nay không được an ninh, và cộng quân đã pháo kích vào cả nhà dân và chợ búa.
Sài Gòn sáng ngày Ba Mươi tháng Tư đã trở nên sôi động và hoảng loạn khi Dương Văn Minh, người vẫn được dân Sài Gòn xem như tay chân của chính quyền Mỹ, đã lên đài phát thanh tuyên bố Lệnh Đầu Hàng để buộc tất cả các đơn vị quân đội Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) phải buông súng và mở cửa cho cộng quân vào thành phố và vào miền Nam. Sau hai mươi mốt năm chiến đấu anh dũng và thắng lợi trên khắp mặt trận của Bốn Vùng Chiến Thuật, những người lính chiến đã phải buông súng trong uất nghẹn và nền Đệ Nhị Cộng Hòa đã phải cáo chung vì đồng minh Hoa Kỳ phản bội, vì những đánh phá của thành phần thứ ba ăn cơm Quốc Gia thờ ma Cộng Sản đã hoạt động có lợi cho cộng sản, vì phong trào phản chiến tại Mỹ đã được thổi bùng lên cao độ để đâm sau lưng VNCH, vì tay cố vấn gốc Do Thái ma đầu Henry Kissinger đã đi đêm với Trung Cộng để Mỹ ký hiệp ước Thượng Hải với Tầu, bán đứng miền Nam cho quân thù.
Tôi đứng trên lầu ngôi nhà mang số 357 của mẹ tôi nhìn qua cánh cửa sổ hé mở, lần đầu tiên và có lẽ cũng là lần cuối nhìn thấy những chiếc xe tăng của Nga mà lính Bắc Việt đang lái từ hướng Tân Sơn Nhất, ầm ầm lăn bánh trên con đường Trương Minh Giảng, đang tiến vào thành phố thân yêu của tôi. Hình như bầu trời trước mắt tôi đang sụp đổ, và những xích bánh xe tăng kia như đang nghiền nát đời tôi và hàng triệu người dân Sài Gòn. Một biến cố không thể nào có được đã xảy ra: miền Nam đang mất vào tay cộng quân, và tương lai trước mắt, miền Nam sẽ phải chịu bao nhiêu oan khiên, tủi nhục, nghiệt ngã như miền Bắc đã phải chịu đựng từ khi cộng sản vào tiếp thu thủ đô Hà Nội năm Một Chín Năm Tư. Thời gian đó khi còn là một cậu bé theo cha mẹ di cư vào Nam, trong đầu óc non nớt của tôi chỉ nghĩ rằng tôi đã mất quê hương miền Bắc, mất hết những kỷ niệm yêu dấu trong căn nhà như biệt thự trên phố Cầu Đất, Hải Phòng, và giòng sông Bến Hải sẽ mãi mãi chia đôi hai miền nam bắc. Không bao giờ ngờ có một ngày toàn quê hương bị nhuộm một mầu đỏ sắc máu.
Ngày Sài Gòn sụp đổ, người Mỹ mà đai diện lúc đó là Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ đã thất hứa với chúng tôi, họ đã bỏ rơi tất cả những nhân viên người Việt làm việc cho họ . Họ đã bỏ đi hết - những nhân viên Mỹ, Phi Luật Tân, Thái Lan, Đài Loan, v.v… còn lại, họ đã ra đi trong chuyến trực thăng bốc người di tản cuối cùng rời nóc của Tòa Đại Sứ Mỹ trên đường Thống Nhất vào đêm Hai Mươi Chín rạng sáng ngày Ba Mươi tháng Tư. Thế là hết, một dấu chấm to tướng cho miền Nam và cho cá nhân tôi. Người Mỹ thừa biết rằng những nhân viên làm việc cho họ, trong đó có tôi, khi sa vào tay giặc sẽ khó mà bảo toàn tính mạng, nhưng họ vẫn thản nhiên ra đi để hoàn thành sứ mạng cho lợi ích của nhóm nắm quyền tại Mỹ muốn làm ăn buôn bán với Hoa Lục trên một tỷ người.
Trong buổi họp cuối cùng cuối tháng Tư tại Tòa Đại Sứ Mỹ tại Sài Gòn, viên cố vấn Mỹ cho biết kế hoạch sau cùng là chúng tôi vẫn phải yểm trợ cho các bộ các phủ của chính phủ VNCH cho đến giờ phút cuối, và họ cam kết sẽ đem trực thăng đến bốc gia đình chúng tôi tại nhà dù lúc đó Sài Gòn có trong cơn bão lửa - đó là Plan A. Viên cố vấn còn trấn an rằng, dù đường bay Tân Sơn Nhất có bị trở ngại, người Mỹ sẽ huy động năm ngàn TQLC từ Đệ Thất Hạm Đội vào Sài Gòn và làm một Hành Lang Thép ra Vũng Tầu để chương trình di tản sẽ tiếp tục cho đến ngày mười lăm tháng Năm mới chấm dứt - và đó là Plan B.
Trong manifest tôi nộp cho Tòa Đại Sứ từ Tháng Ba có cả gia đình mẹ và các em sẽ cùng được di tản theo gia đình tôi, nên tôi quyết định sẽ theo lệnh của Tòa Đại Sứ Mỹ phổ biến, sẽ ở lại cho đến giờ phút cuối với hy vọng mẹ và các em sẽ được cùng đi với tôi qua vùng trời tự do. Nhưng đời người không ai học được chữ ngờ - tôi đã bị bỏ rơi, và bị cộng sản tập trung “cải tạo” lao động khổ sai lưu đầy mười bảy năm theo chính sách “khoan hồng” của họ trong các trại giam mọc lên như nấm từ bắc xuống nam. Nhờ Ơn Trên: Trời Phật thương, Mẫu độ, và Đức Mẹ và Đức Chúa che chở, và gia đình cha mẹ, anh chị em, con cái, nhất là những người vợ tù, đã hết sức cứu giúp, nên hàng trăm ngàn quân dân cán chính VNCH, trong đó có tôi, đã sống sót trở về sau những năm tháng bị đọa đầy sau ngày miền Nam mất vào tay giặc Cộng.
Tôi đã bước ra khỏi trại giam Hàm Tân Z-30D trong số hai mươi người tù cuối cùng sau mười bảy năm và trở về thành phố thân yêu - mà suốt thời gian trong tù không lúc nào tôi không thương nhớ, thành phố giờ đã thay tên và những con đường quen thuộc ngày xưa giờ trở thành lạ lẫm. Ngày trở về, tôi đã ngơ ngác và lạc lõng trong chính lòng thành phố thân yêu mà tôi đã lớn lên trưởng thành trong suốt hai mươi mốt năm sau ngày di cư vào Nam. Tất cả đã đổi thay hay chính lòng tôi cũng đang thay đổi bởi tôi không còn nhìn đời qua lăng kính mầu hồng nữa, và nhận thức được một điều đau xót rằng ngoài việc chống cộng nô – vì Quốc Gia và Cộng Sản không thể cùng đội chung một bầu trời, chúng ta còn phải rất thận trọng với ông bạn đồng minh Mỹ đã từng phản bội trắng trợn người Quốc Gia, năm Một Chín Bảy Lăm, kẻ đã làm mâm cao cỗ đầy dâng lên mời quân Bắc Việt và làm món quà trao đổi với khối cộng sản quốc tế. Vô hình chung, người Việt Quốc Gia rơi vào Thế Chân Vạc: Quốc Gia- Cộng Sản- Hoa Kỳ. Ngoài việc chống Cộng, còn phải đề phòng thế lực ngầm chi phối chính quyền Mỹ, họ sẽ chỉ là đồng minh tạm thời và giai đoạn mà thôi, không phải là đồng minh vĩnh cửu.
Thời gian lưu đầy ngoài miền Bắc, tôi có cơ duyên gặp được những vị chân tu như Thượng Tọa Thích Thanh Long, người đã làm sáng danh Đạo trong những năm tháng đen tối nhất của đời người trong một ngục tù tồi tệ nhất tên thế giới, và đem lại niềm tin cho người tù. Tôi còn có Duyên Lành gặp được Thầy Tâm, Hòa Thượng Thích Thiện Chánh, người thầy đã khai tâm cho tôi về Đạo Phật. Nnờ ơn đức đó mà tôi có được một nghị lực phi thường giúp cho mình sống sót sau bao nhiêu khốn khó, tai ương, và những thử thách quá sức người như muốn nhấn chìm mình xuống trong vùng ngục tù đen tối, trong tuyệt vọng, hay những khi sức cùng lực kiệt đang hấp hối trên giường bệnh và Tử Thần với Lưỡi Hái như đang đứng bên cạnh. Tôi đã qua được hết như một phép lạ.
Bởi thế, sau khi cửa tù đóng lại sau lưng, tôi nguyện sẽ đem hết sự hiểu biết và tấm lòng thành của mình để giúp người, giúp đời, và giúp quê hương Việt Nam mau được hưởng dân chủ, có nhân quyền và hạnh phúc, thanh bình như những quốc gia khác trong khối tự do. Cuốn Hồi Ký “Những Người Tù Cuối Cùng” ra mắt năm 2011 và bản Anh Ngữ năm 2016, và audio đọc hồi ký “Những Người Tù Cuối Cùng” ra đời lên Youtube cuối năm 2022, là tâm huyết một đời người viết ra để lại cho mai sau một thiên anh hùng ca bất diệt của người Quốc Gia chống Cộng- một quân sử chưa từng có của quân lực VNCH đã đơn thương độc mã chiến đấu oai hùng và chiến thắng chống lại cả khối cộng sản Nga-Tầu-Đông Âu- Bắc Hàn-Cu Ba, khi mà đồng minh Hoa Kỳ đã tự ký “Hòa Đàm Ba Lê” để rút lui, xóa hết những cam kết của năm đời tổng thống Mỹ với đồng minh VNCH.
Nhìn lại quê hương sau 48 năm chỉ thấy một phồn vinh giả tạo trong cuộc sống xa hoa bề mặt tại trung tâm một số thành phố như Sài Gòn, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, v.v… dành cho người ngoại quốc và Việt kiều hay dành cho gia đình thân nhân những thành phần cai trị của chế độ tư bản đỏ, còn đa số người dân đều nghèo khổ, thiếu ăn thiếu mặc, xa thành phố và trên vùng cao nguyên nhiều nơi vẫn không có điện nước. Người dân nghèo xa thành phố hay thiểu số bị kềm kẹp bởi các cán bộ nhà nước. Những kiện hàng, những gói quà gửi khi vừa đến tay người dân nghèo khổ, thì ban đêm các cán bộ địa phương lại đến tịch thu hết hay chỉ cho người dân nghèo một chút ít trong những phần quà cứu trợ từ ngoại quốc gửi về cho họ mà thôi.
Trên chín mươi triệu dân trong nước và hàng triệu người Việt tại hải ngoại đều mong muốn cho nước Việt chúng ta sớm có một đời sống xứng đáng cho con người. Vì thế, sự đoàn kết trong các hội đoàn, các tổ chức người Việt tại hải ngoại, là điều tiên quyết cho một cộng đồng hùng mạnh- như một quốc gia VNCH sống lại bên ngoài Việt Nam. Bởi cộng đồng người Việt trên trên giới sẽ là niềm tin, niềm hy vọng cho toàn dân Việt còn khốn khổ và đang bị đàn áp trong nước.
Thế giới luôn biến động theo an bài của Đấng Tạo Hóa, con người lại càng phải Thuận Thiên để Hành Đạo, như thầy Tâm vẫn dạy tôi rằng mình đang sống trong thời Mạt Pháp- cái Thiện sẽ bị chìm xuống và cái Ác nổi lên. Nhưng không vì bất cứ tiền tài, danh vọng gì mà theo cái Ác được. Cái Ác ngày nay chính là Chủ Nghĩa Cộng Sản, một chế độ chỉ tồn tại nhờ vào tuyên truyền dối trá và bạo lực máu lửa.
Phạm Gia Đại
Chú thích :
1- (Ảnh chụp vào khoảng Tháng 3 năm 1992 tại Trại Giam Hàm Tân Z-30D, Bình Thuận, Nam VN về 12 trong số 20 người tù cuối cùng (NTCC). Lúc bấy giờ chỉ còn lại 20 NTCC tập trung vào đội 23. Họ đã phục hồi phần nào sức khỏe nhờ gia đình tiếp tế, thăm nuôi, và tin sẽ được thả ra nay mai để qua Mỹ định cư - nên đã lấy lại phong độ. Vào những năm 1976-1977, 1978, họ chỉ còn da bọc xương vì bị bỏ đói và lao động khổ sai trong những vùng núi lạnh giá. Từ trái qua phải và hàng bên dưới: cố Thiếu Tướng Lê Minh Đảo, Trung Tá Huỳnh Kim Hiếu (ANQĐ), Phạm Gia Đại (Tòa Đại Sứ Mỹ), cố Thiếu Tướng Trần Bá Di, Trung Tá Huỳnh Văn Kiên (ANQĐ). Hàng đứng và từ trái:Trung Úy Nguyễn Đức Thắng (Phủ Đặc Ủy TUTB), cố Trung Tá Trần Văn Xoàn (Cảnh Sát Đặc Biệt), Miên (hồi chánh viên), cố Trung Tá Nguyễn Đạt Phong (ANQĐ), con gái một vị đại tá vào thăm)
2- Một biểu Tượng của Sài Gòn- Chợ Bến Thành
-------------------------------
Kevind Duong
GIỜ NÀY, NGÀY ẤY...
- Chín giờ 30 sáng 29/4/75, nhận lệnh cho con cái cơm nước sớm, thu dọn trang bị, cắm hoa ( cài thêm mìn bẫy ) bỏ tuyến phòng ngự cầu Cỏ May. Chuẩn bị di chuyễn cùng thiết đoàn 15 đến...đâu chưa biết (?! )
Tớ còn chưa biết khi ấy, định mệnh đang sắp đặt cho mình 1 cuộc hẹn hò nóng bỏng cuối cùng của đời trận mạc.
GIỜ NÀY, NGÀY ẤY...
- Chín giờ 30 sáng 29/4/75, nhận lệnh cho con cái cơm nước sớm, thu dọn trang bị, cắm hoa ( cài thêm mìn bẫy ) bỏ tuyến phòng ngự cầu Cỏ May. Chuẩn bị di chuyễn cùng thiết đoàn 15 đến...đâu chưa biết (?! )
Tớ còn chưa biết khi ấy, định mệnh đang sắp đặt cho mình 1 cuộc hẹn hò nóng bỏng cuối cùng của đời trận mạc.
-------------
* Thanh Nguyen - Ngày nầy 48 năm trước, đại đội 151/LĐ4/ND của tôi giữ an ninh tại phía nam đầu cầu Bình Triệu (ngày 29/4, xem số 1). Ngày 30/4 tại số 2
Số 1 và 2 là vị trí của trung đội của tôi trấn giữ. Gồm 28 người lính Nhảy Dù; cả lính lẫn quan. Tại vị trí số 2, sáng ngày 30/4/1975. NẾU. NẾU...
Nếu 1 ai trong đoàn người di tản; nhìn đến tận chân trời, mà trước mặt tôi phần nhiều là binh sĩ của chúng ta, bước qua RÀO CẤM của tôi, thì có lẽ giờ này tôi không có cơ hội viết đoạn văn này cho qúy vị đọc. Bỡi vì, quân lệnh tôi nhận được lúc ấy là:""CHẬN HỌ LẠI" hay nói khác hơn "NGỌAI BẤT NHẬP". Tôi đã ra lệnh cho binh sĩ Nhảy Dù BẮN cả tôi, nếu ai bước qua hàng rào kẽm gai của lính Nhảy Dù chúng tôi.
Nếu 1 ai trong đoàn người di tản; nhìn đến tận chân trời, mà trước mặt tôi phần nhiều là binh sĩ của chúng ta, bước qua RÀO CẤM của tôi, thì có lẽ giờ này tôi không có cơ hội viết đoạn văn này cho qúy vị đọc. Bỡi vì, quân lệnh tôi nhận được lúc ấy là:""CHẬN HỌ LẠI" hay nói khác hơn "NGỌAI BẤT NHẬP". Tôi đã ra lệnh cho binh sĩ Nhảy Dù BẮN cả tôi, nếu ai bước qua hàng rào kẽm gai của lính Nhảy Dù chúng tôi.
Bây giờ đây, viết lại đoạn văn này, tôi không khỏi Rùng mình bỡi lẽ chỉ cần 1 người bước qua hàng rào kẽm gai, thì trung đội của tôi sẽ NỔ SÚNG. Dĩ nhiên, máu của tôi sẽ đổ xuống đầu tiên vì tôi đứng trên đường đạn đạo đi đến đoàn người DI TẢN.
Sự việc ngiêm trọng thế nào? MÁU, và MÁU....,
27 người lính Dù của tôi với cấp số đạn đầy đủ. Có người dấu thêm đạn và lựu đạn trong ba lô, ngoài cấp số đạn bình thường. Quý vị có thể tưởng tượng, nếu tôi ngã xuống, thì binh sĩ của tôi sẽ làm gì? Họ điên lên ra sao?
Nếu điều ấy xảy ra, thì lịch sử sau này sẽ viết thế nào?
* Chúng tôi là anh hùng, tử sĩ vào giờ thứ 25? hay
* Chúng tôi, trung đội 1, đại đội 1, tiểu đoàn 15, lữ đoàn 4. Nhảy Dù là TỘI NHÂN THIÊN CỔ?
Tôi xin cảm tạ sự hiểu biết của các vị sĩ quan và binh sĩ VNCH của chúng ta năm xưa, có mặt tại phía Nam cầu Bình Triệu vào sáng ngày 30/4/1975.
Chúc qúy vị và gia đình an vui, khỏe mạnh.
Nguyễn Văn Thành,
Tr/đội1/ĐĐ15/LĐ4/ND
* Vinh Tấn Nguyễn
Ngày nầy 48 năm trước gia đình bác Chín Dù lên những con cua M113 rời khỏi cầu Cỏ May về bến Đá Vũng Tàu. ZZ94
* Ba Tran
Giờ nầy mấy thầy trò tui vẫn còn nằm giữa rừng Long Nguyên chờ lịnh ... mà không biết lịnh gì ...
* Hung Vo
Tao ang ngữ cầu Bến Lức Long An
* Vinh Tấn Nguyễn
Hung Vo Cọp xuống đồng bằng đi đâu từ rừng Pleiku mãi tới Bến Lức Long an lận trời ??
* Hung Vo
ngày 16/3/75 tao dẫn Đại đội trinh sát LĐ 23 đi tiền sát phối hợp với chi đoàn 2 thiết kỵ và LĐ 2 công binh chiến đấu mở đường LT lộ 7...sau đó thì LĐ 23 bị đánh úp ở Thanh An tao mất liên lạc nên vừa đánh vừa chạy về tới Đại lãnh dưới chân Đèo Cả rồi lấy thuyền đánh cá chạy về Vũng Tàu...ngày 15/4 trình diện Long Bình nhận lệnh về LĐ 9 sư đoàn 101 ( nhớ vậy chứ có thấy mặt ông nào cấp trên đâu) xuống nằm ở Cầu Bến Lức Long An chặn tụi Vịt từ sông Vàm cỏ ra...con bà nó ngày này tao ra lệnh bó thuốc nổ TNT dưới chân cầu hết rôi....chờ lệnh là rút xuống Cần thơ....
* Binh Nguyen
Có mọt đệ gần đến bến tàu bị nằm lai chiến trường
* Vinh Tấn Nguyễn
Binh Nguyen . Anh biết chiếc M113 bị B40 bắn ở trường truyền tin gần trường thiếu sinh quân trước khi TĐ đến bến đá.
* Binh Nguyen
Vinh Tấn Nguyễn nơi này vc có dựng bia chiến thắng đi qua lại hoài thấy thật ngậm ngùi
* Vinh Tấn Nguyễn
Binh Nguyen . Năm râu thường vụ Đ/Đội cũng bị thương gãy chân trái ngay chỗ nầy lúc xe của anh chạy ngan qua trường truyền tin .
* Vinh Tấn Nguyễn
Josef Thượng Hiền Đúng 5/5. Đặng Văn Chinh . Anh ta qua đời hơn 10 năm nay rồi..! Bị stroke .! Vỡ mạch máu anh ta qua đây có vợ có con rồi qua đời .!
* Vinh Tấn Nguyễn
Josef Thượng Hiền Sau nầy lúc vô Thường Đức năm Râu lên thượng sĩ nhất thường vụ đại đội 94 và lúc tôi nắm 94 từ Phước Tuy di tản về Bến Đá ngồi cùng xe M113 năm râu bị thương gãy chân trái di tản ra tàu Mỹ bó bột cùng qua Mỹ ở cùng tiểu bang. Louisiana
* Diễm Ngọc
Chuyện buồn nhớ dai .
* Vinh Tấn Nguyễn
Diễm Ngọc Những giây phút thập tử nhất sinh nầy không bao giờ quên và nhớ để cảm tạ Thượng Đế đã chở che qua khỏi con bảo lửa sống đến giờ nầy
* Hien Truong. Hiền
Vinh . Giờ này Mình trên đường Từ Hố Nai - Biên Hoà Rút về Căn Cứ Sóng Thần của SĐ/TQLC ! Tới đây 10 Giờ sáng 30/4 . Ông Minh Tuyên bố ĐH ! Thôi Thả Tay - Cuốc bộ về SG! THẦN ƯNG 6 là Của Mình …!!!
* Nguyễn Quế
Hien Truong. Hiền Giờ này mình nằm trong trại cải tạo Lam Sơn!!!
* Hungnam Nguyen
Hêy Vinh, kể ra mày với gia đình Bác 9 cũng sướng hén, đi M113; còn tao với gia đình Bác 8 từ Láng Cát phải lội và bơi qua một cái đầm rộng cả hơn cây số mới ra được Bến Đá trước khi theo ghe về Gò Công rồi về Sài Gòn đúng tối 30 tháng 4, 1975... kkk... NDCG...!!!
* Vinh Tấn Nguyễn
Hungnam Nguyen Bởi vậy lính 94 nói với tao là : ông may mắn có M113 tăng phái nên ra được cầu Cỏ May chứ không thì chắc không cách nào ông qua được mấy con lạch nước chảy mạnh và sâu ..! Tụi tôi có thương ông cũng chỉ đưa ông qua một hoặc hai cái thôi ..!! Trời thương nên mới còn đến hôm nay
* Vinh Tấn Nguyễn
Hungnam Nguyen. Và mầy biết lúc đoàn xe M113 của TĐ tao chạy từ cầu Cỏ May về tới cầu Cây Khế thì bị khựng lại vì trên cầu gài mìn chống chiến xa do một đại đội TQLC trấn giữ . Và Th/ tá TĐT Lê Mạnh Đường của tao phải nói chuyện với ông Đ/ úy Đ/ đội trưởng hơn 10’ anh ta mới chịu gỡ mìn cho tụi tao qua cầu ..! Và đoàn xe về đến trường truyền tin và trường thiếu sinh quân bị phục vịt con bắn cháy một xe ..! Tụi tao tiếp tục về Bến Đá Vũng Tàu . Xuống tàu đánh cá về Vàm Láng Gò Công . ZZ94
* Hungnam Nguyen
Vinh Tấn Nguyễn mày ở Trường Truyền Tin thì tụi tao cũng ở gần đó, hậu cứ TĐ6/ND... kkk...!!!
Ngày nầy 48 năm trước gia đình bác Chín Dù lên những con cua M113 rời khỏi cầu Cỏ May về bến Đá Vũng Tàu. ZZ94
* Ba Tran
Giờ nầy mấy thầy trò tui vẫn còn nằm giữa rừng Long Nguyên chờ lịnh ... mà không biết lịnh gì ...
* Hung Vo
Tao ang ngữ cầu Bến Lức Long An
* Vinh Tấn Nguyễn
Hung Vo Cọp xuống đồng bằng đi đâu từ rừng Pleiku mãi tới Bến Lức Long an lận trời ??
* Hung Vo
ngày 16/3/75 tao dẫn Đại đội trinh sát LĐ 23 đi tiền sát phối hợp với chi đoàn 2 thiết kỵ và LĐ 2 công binh chiến đấu mở đường LT lộ 7...sau đó thì LĐ 23 bị đánh úp ở Thanh An tao mất liên lạc nên vừa đánh vừa chạy về tới Đại lãnh dưới chân Đèo Cả rồi lấy thuyền đánh cá chạy về Vũng Tàu...ngày 15/4 trình diện Long Bình nhận lệnh về LĐ 9 sư đoàn 101 ( nhớ vậy chứ có thấy mặt ông nào cấp trên đâu) xuống nằm ở Cầu Bến Lức Long An chặn tụi Vịt từ sông Vàm cỏ ra...con bà nó ngày này tao ra lệnh bó thuốc nổ TNT dưới chân cầu hết rôi....chờ lệnh là rút xuống Cần thơ....
* Binh Nguyen
Có mọt đệ gần đến bến tàu bị nằm lai chiến trường
* Vinh Tấn Nguyễn
Binh Nguyen . Anh biết chiếc M113 bị B40 bắn ở trường truyền tin gần trường thiếu sinh quân trước khi TĐ đến bến đá.
* Binh Nguyen
Vinh Tấn Nguyễn nơi này vc có dựng bia chiến thắng đi qua lại hoài thấy thật ngậm ngùi
* Vinh Tấn Nguyễn
Binh Nguyen . Năm râu thường vụ Đ/Đội cũng bị thương gãy chân trái ngay chỗ nầy lúc xe của anh chạy ngan qua trường truyền tin .
* Vinh Tấn Nguyễn
Josef Thượng Hiền Đúng 5/5. Đặng Văn Chinh . Anh ta qua đời hơn 10 năm nay rồi..! Bị stroke .! Vỡ mạch máu anh ta qua đây có vợ có con rồi qua đời .!
* Vinh Tấn Nguyễn
Josef Thượng Hiền Sau nầy lúc vô Thường Đức năm Râu lên thượng sĩ nhất thường vụ đại đội 94 và lúc tôi nắm 94 từ Phước Tuy di tản về Bến Đá ngồi cùng xe M113 năm râu bị thương gãy chân trái di tản ra tàu Mỹ bó bột cùng qua Mỹ ở cùng tiểu bang. Louisiana
* Diễm Ngọc
Chuyện buồn nhớ dai .
* Vinh Tấn Nguyễn
Diễm Ngọc Những giây phút thập tử nhất sinh nầy không bao giờ quên và nhớ để cảm tạ Thượng Đế đã chở che qua khỏi con bảo lửa sống đến giờ nầy
* Hien Truong. Hiền
Vinh . Giờ này Mình trên đường Từ Hố Nai - Biên Hoà Rút về Căn Cứ Sóng Thần của SĐ/TQLC ! Tới đây 10 Giờ sáng 30/4 . Ông Minh Tuyên bố ĐH ! Thôi Thả Tay - Cuốc bộ về SG! THẦN ƯNG 6 là Của Mình …!!!
* Nguyễn Quế
Hien Truong. Hiền Giờ này mình nằm trong trại cải tạo Lam Sơn!!!
* Hungnam Nguyen
Hêy Vinh, kể ra mày với gia đình Bác 9 cũng sướng hén, đi M113; còn tao với gia đình Bác 8 từ Láng Cát phải lội và bơi qua một cái đầm rộng cả hơn cây số mới ra được Bến Đá trước khi theo ghe về Gò Công rồi về Sài Gòn đúng tối 30 tháng 4, 1975... kkk... NDCG...!!!
* Vinh Tấn Nguyễn
Hungnam Nguyen Bởi vậy lính 94 nói với tao là : ông may mắn có M113 tăng phái nên ra được cầu Cỏ May chứ không thì chắc không cách nào ông qua được mấy con lạch nước chảy mạnh và sâu ..! Tụi tôi có thương ông cũng chỉ đưa ông qua một hoặc hai cái thôi ..!! Trời thương nên mới còn đến hôm nay
* Vinh Tấn Nguyễn
Hungnam Nguyen. Và mầy biết lúc đoàn xe M113 của TĐ tao chạy từ cầu Cỏ May về tới cầu Cây Khế thì bị khựng lại vì trên cầu gài mìn chống chiến xa do một đại đội TQLC trấn giữ . Và Th/ tá TĐT Lê Mạnh Đường của tao phải nói chuyện với ông Đ/ úy Đ/ đội trưởng hơn 10’ anh ta mới chịu gỡ mìn cho tụi tao qua cầu ..! Và đoàn xe về đến trường truyền tin và trường thiếu sinh quân bị phục vịt con bắn cháy một xe ..! Tụi tao tiếp tục về Bến Đá Vũng Tàu . Xuống tàu đánh cá về Vàm Láng Gò Công . ZZ94
* Hungnam Nguyen
Vinh Tấn Nguyễn mày ở Trường Truyền Tin thì tụi tao cũng ở gần đó, hậu cứ TĐ6/ND... kkk...!!!
Ngày Cuối Tháng Tư
Thuong Hoai Nguyen
MỖI ĐỘ THÁNG TƯ VỀ
Tháng tư
Ra chợ mua hoa
Một bó cho chồng một bó cho cha
Đường bay gãy cánh sơn hà
Áo người thiếu phụ viền tà đợi trông
Tháng tư
Gánh lúa ra đồng
Một gánh thay chồng một gánh nuôi con
Chồng tôi trả nợ nước non
Thay chồng nuôi một đàn con ngoan hiền
Tháng tư
Viếng lại Tây Nguyên
Mồ xưa đất lạnh
Tình duyên vẫn nồng
Buôn mê đêm ở với chồng
Hai phương cách biệt nhưng lòng còn nhau
Tháng tư
Hoa bưởi hương cau
Trầu duyên em ướp tình vào thiên thu
Cao nguyên mây thấp sương mù
Tháng tư đượm nét ngục tù xót xa
Tháng tư
Tang phú quê nhà
Tháng tư một mối Sơn Hà đau thương
California 4/29/2023
Thương Hoài Nguyễn
Tg Nguyên Thạch
Bây giờ là cuối tháng Tư. Một tháng tư ở Việt Nam (thường) là một ngày mưa. Một buổi chiều mưa, trời chuyển âm u thấp xám. Thời gian và không gian như ngưng đọng lại trong giây phút chuyển mùa. Rồi sấm chớp và kế tiếp là những giọt mưa nặng hạt, ào ạt, xối xả, phủ kín vạn vật.
Mưa gội sạch cây lá, tưới mát những bãi cỏ úa vàng, thấm ướt đất khô cằn cỗi. Nước mưa, nguồn sinh lực kỳ diệu đã làm vạn vật hồi sinh sau những ngày nắng cháy .
Rồi mưa tạnh, trời quang. Mặt trời lại hiện ra từ một nơi nào đó, rọi những tia vàng ấm khắp nơi. Đất bốc hơi thơm nồng ngai ngái. Cây cỏ sạch tươi dịu mát. Chim chóc ca hát trong trẻo líu lo…
Những buổi chiều mưa não nề diễm tuyệt như vậy rồi cũng mất hút trong đời.
Có những buổi chiều mưa đầu mùa bao nhiêu kẻ bỗng dưng bị bỏ rơi rồi rã ngũ. Hốt hoảng, căm hận, sợ hãi, người ta chạy tán loạn về thành phố. Những thành phố quê hương yêu dấu thoáng chốc mà ngùn ngụt khói lửa. Súng nổ râm ran ở khắp nơi. Dân chúng bồng bế dắt díu nhau để chạy.
Chạy đi đâu nữa? Có còn nơi nào an toàn để chạy khi mà chính mình cũng đành buông súng với sự ray rứt, xót xa, đớn đau, hoang mang, sợ hãi.
Rồi đến những buổi chiều mưa tháng Tư của những năm tháng kế tiếp. Có bao nhiêu kẻ nằm mê man chờ chết bởi những cơn sốt rét ở trại tù binh xa xôi, heo hút. Trong cái cảm giác rối loạn của một thần trí không còn tỉnh táo, người ta vẫn mơ hồ cảm nhận được cái tâm cảm não nề u uẩn vào những lúc trời chuyển âm u. Người ta vẫn cứ nghe tiếng sấm chớp ngang trời và vẫn cứ thầm mong đó là tiếng súng. Chao ôi ! Phải chi mà có những tiếng súng gầm thét vang trời vào những ngày tháng lao tù nghiệt ngã ấy thì dẫu có phải chết, chết ngay tức khắc, chắc chắn cũng có nhiều kẻ cam lòng.
Nhưng người ta đã không chết dù phải chịu đựng hàng trăm thứ đòn thù thâm độc, dù đã trải qua bao nhiêu là cơn sốt thập tử nhất sinh. Con người còn sống được không phải chỉ nhờ vào cái kháng lực mong manh của cơ thể mà còn là nhờ vào cái ý chí khao khát được sống, cái ước mơ có ngày được trở lại thành phố quê hương của mình để nhìn cảnh khói lửa, để nghe súng đạn nổ ròn. Và lần này thì do chính tay họ siết cò…
Cái giấc mơ đó chưa bao giờ đến. Nỗi ước vọng được nghe tiếng súng đại bác nổ vang giữa đêm tù cũng chưa hề xẩy ra trong suốt thời gian người ta bị giam cầm. Vậy mà bao kẻ vẫn cứ mãi trông chờ, ngóng đợi!
Trong bao nhiêu đêm khuya, có người chợt thức giấc vì chợt nghe tiếng súng vọng lại từ một nơi xa xôi nào đó. Tiếng nổ mơ hồ, nhỏ bé phát ra từ một nòng súng cá nhân đến khi lọt vào thính giác của một tù binh bỗng bùng vỡ lên trong óc họ như tạc đạn.
Tim người ta liền đập hụt đi mấy nhịp, rồi sau đó là những nhịp dồn dập, rộn ràng. Mạch máu da thịt của những người tù căng ra. Mắt người ta mở lớn, trợn trừng trong bóng đêm.
Tai vểnh lên như tai của loài thú rừng khi đang rình rập. Họ nằm nín thở, nghe ngóng, chờ đợi đặt hết niềm tin hy vọng vài tiếng súng vừa phát ra. Họ chờ đợi một tiếng nổ kế tiếp, rồi một tiếng nổ kế tiếp nữa. Sau đó là hàng loạt những tiếng nổ xé gió vang trời thì càng tốt.
Rồi họ tưởng tượng thêm, lẫn trong tiếng nổ đều đặn ấy là tiếng nổ ròn tan của những nòng súng cộng đồng. Chưa hết, bằng vào cái ảo giác của những kẻ đã bao năm trông chờ khao khát người ta như nhìn thấy được cả ánh hỏa châu soi sáng đêm tối bao la. Sau đó là bom đạn, phi pháo và nhà cửa, đồn bót cháy sáng một góc trời…
Đã bao nhiêu kẻ ước ao, nếu có phải chết xin cho họ được chết trong bối cảnh khói lửa bom đạn ngất trời như vậy. Không ai có thể đành tâm chết mỏi mòn, khắc khoải giữa những vòng rào thép gai tù ngục. Hận thù không phải là một tình cảm tốt đẹp. Tuy nhiên, trong rất nhiều trường hợp, rửa hận là một điều cần thiết và công bằng.
Suốt những năm dài của đời sống tù binh khắc nghiệt bao người đã nhờ vào sự trông chờ hy vọng để giữ cho mình khỏi bị gục ngã. Niềm hy vọng thỉnh thoảng lóe lên khi họ chợt nghe được tiếng súng nổ; rồi tắt lịm dần trong những giây phút im lặng tàn nhẫn phũ phàng sau đó.
Vậy mà người ta vẫn cứ không thôi trông chờ, mong đợi. Đợi mãi cho đến một lúc, lẫn trong cái tâm trạng mong chờ mòn mỏi người ta bắt gặp trong tâm hồn mình có thêm một thứ tình cảm buồn phiền oán hận.
Người ta oán hận những kẻ đang sống ngoài vòng tù ngục. Chắc chắn họ có nhiều đồng ngũ đang sống lẩn quất bên ngoài, có nhiều đồng ngũ khác đang sống tự do ở những phương trời xa xăm nào đó. Rồi người ta cảm thấy chua chát khi biết mình đã bị bỏ quên cho chết dần mòn, khắc khoải trong vòng tay kẻ thù. Có phải rằng chính họ đã bặm môi, cắn chặt răng bắn đến viên đạn cuối cùng để cho cấp chỉ huy, để cho đồng đội có đủ thời gian “di tản!”
Và rồi người ta quyết định…. phải tìm cách đào thoát, không ít kẻ may mắn đã thoát thân.
Bây giờ là một ngày cuối tháng Tư. Tháng Tư ở một vùng đất thuộc miền ôn đới. Nơi đây bây giờ không phải là những ngày tháng bắt đầu cho mùa mưa. Ở đây bây giờ là mùa Xuân. Mùa Xuân xứ người.
Một buổi sáng mùa Xuân ở một nơi an bình và phú túc. Đường phố nhộn nhịp người đi. Những bộ quần áo ngắn, mỏng, lạ mắt và đẹp mắt. Những cặp đùi thon. Những cánh tay trần, hồng, trắng, nõn nà. Những bộ ngực căng đầy nhựa sống. Có kẻ lái xe đi giữa phố phường, hòa nhập với giòng người, giòng đời, vui lây với niềm vui của những người dân bản xứ bao quanh. Mùa Xuân đến với vạn vật với mọi người, kể cả người tị nạn.
Bất chợt có một tiếng còi. Tiếng còi lanh lảnh ghê rợn xoáy vào thính giác. Người ta giật bắn người tắp ngay xe vào lề đường. Có một chiếc xe khác thắng gấp phía sau. Một khuôn mặt đỏ gay vì giận dữ quay lại nguýt nhìn, lầu bầu chửi rủa. Người ta không quan tâm đến điều đó. Người ta chỉ muốn ngoái người lại nhìn xem chuyện gì đã xẩy ra?
Không có gì cả. Tiếng còi chỉ do một người vừa thổi để chận đứng giòng xe đang xuôi ngược cho những đứa bé được an toàn băng qua đường đến trường học. Thế thôi ! Thế là thở phào nhẹ nhỏm, rút khăn lau mồ hôi trán.
Hoàn toàn chả có chuyện gì nghiêm trọng cả. Tiếng còi lanh lảnh ở đây không còn biểu tượng cho sự bắt bớ, khủng bố, giam cầm đầy ải nữa. Mọi người vẫn sinh hoạt bình thường. Ở đây mọi-chuyện-đều-luôn-luôn-rất-bình-thường.
Bây giờ là một ngày cuối tháng Tư. Một buổi chiều Xuân. Trời xanh cao, mây trắng nõn, nắng hanh vàng. Có kẻ đứng trước sân nhà, mải mê nhìn những con bướm trắng tung tăng trên thảm cỏ xanh, những con ong bầu bĩnh lượn vòng quanh những khóm hoa… và chợt người ta nghe tiếng súng.
Tiếng súng nổ gần. Người ta lại giật thót người. Ly rượu trên tay sóng sánh. Vài giọt tràn ra tay. Điếu thuốc đang hút dở dang tắt ngấm. Những con chim sâu nhỏ bé đang lẩn quẩn, an bình trên những cành mai hồng thắm vụt cánh bay. Người ta không thấy sợ hãi nhưng chợt cau mày với cái cảm giác bực dọc khó chịu. Không có thêm một tiếng súng nào tiếp theo đó. Không gian, khung cảnh trở lại an bình, yên tĩnh.
Chỉ có tâm hồn người là không an bình nữa. Mặt người ta chợt đỏ lên dù ly rượu trên tay chưa kịp uống. Người ta vừa trực nhận một cái cảm giác hổ thẹn. Tại sao lại bực dọc và khó chịu nhỉ? Có phải vì tiếng súng đã làm hỏng mất một buổi chiều Xuân êm đềm và thi vị không?
Vậy mà đã có lúc người ta thiết tha mong nhớ một tiếng súng. Một loạt những tiếng súng thì càng tốt ! Mới ngày nào tiếng súng nổ còn là dấu hiệu cho sự bạo động quật khởi, báo thù rửa hận. Bây giờ ở một nơi an bình, tiếng súng chỉ còn là biểu hiện cho sự bất an và lâm nguy !
Bây giờ là một ngày cuối tháng Tư. Một đêm tháng Tư xứ lạ. Có kẻ buổi chiều quá chén, nửa đêm thức giấc không biết mình đang nằm ở đâu? Có tiếng máy sưởi tự động giảm nhiệt độ. Sự đàn hồi của kim loại phát ra những tiếng kêu tí tách. Trong cái cảm giác ngái ngủ người ta tưởng như mình đang nghe tiếng mưa rơi.
Tiếng mưa rơi trên mái tôn của một căn nhà trong một con hẻm lầy lội, hắt hiu vàng ánh điện câu. Đã bao đêm mưa người ta được bao che để sống chui nhủi dưới một mái nhà tôn như vậy. Đã bao đêm người ta thức giấc nằm nghe tiếng thằn lằn tắc lưỡi, tiếng ú ớ của những đứa em thơ nói trong mơ, tiếng động lục đục của những người mẹ già tảo tần lo lắng cho gánh hàng rong bán vào sáng sớm, tiếng xe xích lô nổ ròn đầu xóm. Và đôi khi tiếng ru con ầu ơ buồn não ruột của một người đàn bà hàng xóm.
Chiếc máy sưởi nguội dần, những tiếng kêu tí tách của kim loại đàn hồi từ từ nhỏ lại. Người ta lại nghe như là tiếng mưa rơi trên những mái tranh. Những mái tranh trống lốc, gió thổi tứ bề của trại tù Suối Máu, Cà Tum. Những mái nhà tranh của trại Minh Rồng, Đại Bình, Đại Lộc… người ta đã thức giấc bao nhiêu lần ở những trại tù heo hút đó để nghe tiếng mưa rơi, để chờ mong một tiếng súng vọng về từ rừng thẳm.
Đêm nay ở phương trời xa xăm cũ biết trời có mưa không?
Đêm nay trong vòng rào tù ngục có bao nhiêu kẻ (chợt) thức giấc giữa đêm trường nằm mong chờ khắc khoải trong đói lạnh một tiếng súng mơ hồ?
Và đêm nay – ở chốn xa xôi, an bình này – ai có bạc đầu không?
---------
Thuong Hoai Nguyen
MỖI ĐỘ THÁNG TƯ VỀ
Tháng tư
Ra chợ mua hoa
Một bó cho chồng một bó cho cha
Đường bay gãy cánh sơn hà
Áo người thiếu phụ viền tà đợi trông
Tháng tư
Gánh lúa ra đồng
Một gánh thay chồng một gánh nuôi con
Chồng tôi trả nợ nước non
Thay chồng nuôi một đàn con ngoan hiền
Tháng tư
Viếng lại Tây Nguyên
Mồ xưa đất lạnh
Tình duyên vẫn nồng
Buôn mê đêm ở với chồng
Hai phương cách biệt nhưng lòng còn nhau
Tháng tư
Hoa bưởi hương cau
Trầu duyên em ướp tình vào thiên thu
Cao nguyên mây thấp sương mù
Tháng tư đượm nét ngục tù xót xa
Tháng tư
Tang phú quê nhà
Tháng tư một mối Sơn Hà đau thương
California 4/29/2023
Thương Hoài Nguyễn
Tg Nguyên Thạch
No comments:
Post a Comment