Friday, June 16, 2023

Kỷ Niệm ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (19/6/2023)

Kỷ Niệm ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa
(19/6/2023)
Hồng Trang, Tiến Hà,Thiên Lan, Hiền Trương,Dạ Lan, Anna & Donna Trong Nhạc Phẩm "Lục Quân Hành Khúc"
Cục Tâm Lý Chiến - Xin Kính Mời
.
Ban Hợp Ca Hồn Việt Trong Ngày Quân Lực 19/6 Được Tổ Chức Vào Chiều Chủ Nhật 06/18/2023 Tại Tượng Đài Việt Mỹ.
Video - Ta Sẽ Về Đông Hà - Tác Giả:Cục Chính Huấn
 
----------------------
 
Phieu Le
Đúng 50 năm về trước…
Hình ảnh kỷ niệm nhân ngày Quân lực VNCH 19-6-1973 , phi diễn đội hình F-5 của phi đoàn Hồng Tiễn 538 Đà Nẵng, bức ảnh này do đích thân trung tá PĐT Phạm đình Anh bay vòng ngoài chụp lưu niệm.
Xin dâng một nén hương lòng tưởng niệm Thiếu tá Mai tiến Đạt bay leader, thiếu tá Đảo v Lập , trung uý Hồ Ba đã bay về vùng Trời miên viễn!…
Chỉ còn lại Lưu Chinh bay số 2 và Lê Phiếu bay số 5 , nay đã là hai ông già U 77 và U 73 với bao ngậm ngùi thương tiếc !
 
----------------------- 
 
---------------
 
 
----------------------
 
 
Trinh Khanh Tuan
Kỷ niệm ngày quân lực 19.6.1965 

------------------------
 
----------------------- 
Đỗ Hữu Quý
Ngày này năm xưa 50 năm về trước...
19/6/1973 - 19/6/2023
 
 
Anh Kim Le
(ngày quân lực 19.6)
Trung tướng, Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu người đã lèo lái con thuyền quốc gia trong cơn lửa đạn vượt sóng dử...Tuy không may mắn đến đich, nhưng ông đã để lại một công đức vô biên trong viêc xây dựng một chế độ chính trị thật sự dân chủ, tự do, đa đảng với một nền kinh tế thị trường theo xu hướng của thời đại.
Một điểm son của nền đệ nhị CH, mặc dù do quân đội thành lập nhưng không đưa đến việc miền nam VN rơi vào tình trạng độc tài quân phiệt, như nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Chúng tôi Hậu Duệ VNCH vinh danh công đức của cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu , không quên thắp nén hương lòng dâng lên anh linh ông và tất cả các quân , cán, chính đã hy sinh trong việc bảo vệ thành trì tự do cho miền nam.
 

 ---------------
----------- 
 
Lã Bố
QUÊN LÃNG
Tác giả: Nguyên Thạch
-Kỷ niệm ngày Quân lực VNCH 19-6
Dạo tháng Ba. em vừa tròn mười chín
Anh chiến trường trót phận kẻ thương binh
Những lá thư xanh ấp ủ trang tình
Bỗng đau đớn đời sinh viên đại học.
Tháng Tư đến, dòng đời theo cơn lốc
Bão giao mùa tang tóc gợi thương đau!
Tuổi trẻ niềm tin tha thiết dạt dào...
Bỗng nhập cuộc chung niềm đau đất nước.
Tôi trở lại cao nguyên miền sơn cước
Đường mù sương đẫm ướt nửa tấm thân
Kẻ một chân lê nẻo bước phong trần
Cánh tay phải cũng trọn dâng cho Tổ Quốc.
Từ dạo ấy, nỗi niềm dâng chất ngất
Tây Nguyên buồn lất phất giọt thu rơi
Bước lang thang lạnh buốt giữa đất trời
Thầm giã biệt Hương ơi, em nào biết.
Mai có về xin em đừng luyến tiếc
Kẻ phế tàn đời ngã nghiệt thương đau
Hạnh phúc nào, hay tủi thẹn bên nhau?
Thầm tiễn quá khứ nhói đau lời vĩnh biệt.
Cũng từ dạo ấy tôi làm người thua thiệt
Dĩ vãng buồn như tiếng võng kẽo kịt đong đưa
Chiều tàn hoang, dấu binh lửa tàn chưa?
Đời hiện nét những lọc lừa căm hận.
Nay còn gì đâu để tôi dấn thân vào thế trận!
Một mối hận thù, một mối thương đau
Bao oan khiên, những con tim nguyên vẹn thét gào
Nhân thế đã ném tôi vào quên lãng!
Phận tật nguyền đâu được làm người di tản!
Trôi lững lờ dạ hôm đói sáng lo
Đêm lạnh về, một tay ấp ủ một chân co
Còn đâu nữa những hẹn hò cuộc sống.
Chiều tha hương lần về đôi mắt ngóng
Người yêu xưa biệt dạng bóng phương nao
Tím thẫm hoàng hôn ngã dáng vẫy tay chào
Cô đơn nạn gỗ, niềm đau...Thôi từ giã.
Mây ngàn thu giọt rơi buồn phiến đá
Gió thu ơi nghiêng ngã bóng quê hương
Người phế binh lê cuộc sống tha phương
Nửa tấm thân biền biệt chốn sa trường, nửa còn lại bụi vương mờ lối mộng.
Nguyên Thạch
Courtesy internet images
-----------

Trần Đại Phương
Lính Miền Nam (KỸ NIỆM NGÀY 19/6)
Bạn tôi, phần lớn, đều là lính hết ráo. Chúng tôi không chỉ có chung những năm cầm súng, và một quãng đời tù, mà còn chia chung rất nhiều… cố tật! Hễ gặp nhau là uống, và câu chuyện trên bàn rượu trước sau gì rồi cũng xoay quanh kỷ niệm về đám chiến hữu hồi còn chinh chiến: Những thằng đã chết, những đứa đang vất vưởng ở quê nhà, hay lưu lạc (đâu đó) nơi đất lạ xứ người.
 
Thỉnh thoảng, khi (quá) vui, chúng tôi cũng hay mang những vị thượng cấp cũ ra làm đề tài giễu cợt. Hai ông huynh trưởng thường bị nhắc tới để cười chơi là Trần Hoài Thư, và Phan Nhật Nam. Lý do: Cả hai vị vẫn nhất định chưa chịu giải ngũ, dù cuộc chiến đã tàn từ lâu rồi!
 
Trung Úy Trần Hoài Thư vẫn thản nhiên đưa quân "Qua Sông Mùa Mận Chín". Đại Úy Phan Nhật Nam vẫn cứ tiếp tục la hét um xùm qua máy truyền tin (giữa Mùa Hè Đỏ Lửa) như thể là cái mùa Hè năm 1972 đó vẫn còn kéo dài đến bây giờ, dù hơn 40 năm đã lặng lẽ trôi, với cả đống nước sông – cùng nước suối, nước mưa, nước mắt… – đã ào ạt chảy qua cầu và qua cống.
 
Sau khi cạn mấy ly đầy, rồi đầy mấy ly cạn (và sau màn trình diễn "một ngàn bài Bolero") tôi hay xin "trân trọng tuyên bố cùng toàn thể các chiến hữu các cấp" rằng: Ai viết cái gì tôi cũng đọc tuốt luốt, trừ hai vị thẩm quyền (nhí) này thì khỏi!
 
Sao vậy cà?
Bởi vì thơ với văn của hai ổng có nhiều câu mà "lỡ" đọc cái là nó bị kẹt luôn trong đầu, gỡ không ra, nên tui không dám đọc thêm nữa:

Trên đầu ta mũ rừng nhẹ hẫng
Trong túi ta một gói thuốc chuồn
Bắt tù binh mời điếu thuốc thơm
Ðể thấy miền Nam lính hiền ghê gớm

Ta lính miền Nam hề, vận nước ngửa nghiêng
Ta cũng lênh đênh cùng cơn mạt kiếp
Ta trèo lên cây hỏi rừng cho biết
Một nơi nào hơn ở Việt Nam?
Có người lính nào bi tráng hơn lính miền Nam?

Trần Hoài Thư ("Ta Lính Miền Nam")
Những người lính cuối cùng của quân lực VNCH tháng 5/1975 (Ảnh: Francoise De Mulder/Roger Viollet via Getty Images)
 
Không chỉ bi tráng, bi hùng, hay bi phẫn mà (đôi khi) người lính miền Nam còn phải đối diện với lắm nỗi bi thương:
"Tôi đi vào ngôi nhà đang âm ỉ cháy, những chiếc cột lớn lỏng chỏng hỗn độn bốc khói xám… Một người đàn bà áo trắng quần đen tay ôm chiếc lẵng mây trước ngực ngồi im trên nền gạch đôi mắt nhìn thẳng ngơ ngác. Thấy chúng tôi đi vào chị ta đứng dậy, đứng thẳng người như pho tượng, như thân cây chết với đôi mắt không cảm giác. Thằng bé theo tôi cùng cùng tên hiệu thính viên lẻn ngay vào bếp kiếm thức ăn. Tôi đi đến trước chị đàn bà…
- Làm gì chị ngồi đây, không biết đang đánh nhau sao?
Im lặng, đôi mắt ngơ ngác lóe lên tia nhìn sợ hãi. Bỗng nhiên chị ta đưa thẳng chiếc lẵng mây vào mặt tôi, động tác nhanh và gọn như một người tập thể dục. Sau thoáng ngạc nhiên tôi đưa tay đón lấy… Hai bộ áo quần, chiếc khăn trùm đầu, gói giấy nhỏ buộc chặt bằng dây cao su. Mở gói, hai sợi giây chuyền vàng, một đôi bông tai.
- Của chị đây hả? – Vẫn im lặng. Nỗi im lặng ngột ngạt, lạ lùng.
- Con mẹ này điên rồi thiếu uý, chắc sợ quá hóa điên…
Tên lính xua tay đuổi người đàn bà đi chỗ khác. Lạnh lùng, chị ta xoay người bước đi như xác chết nhập tràng.
- Chị kia quay lại đây tôi trả cái này… Tôi nói vọng theo.
Người đàn bà xoay lại, cũng với những bước chân im lặng, trở về đứng trước mặt tôi nhưng đôi mắt bây giờ vỡ bùng sợ hãi, vẻ hốt hoảng thảm hại làm răn rúm khuôn mặt và run đôi môi… Chị ta còn trẻ lắm, khoảng trên dưới hai bảy, hai tám tuổi, da trắng mát tự nhiên, một ít tóc xõa xuống trán làm nét mặt thêm thanh tú.
 
Tôi đưa trả chiếc lẵng mây, chị đàn bà đưa tay đón lấy, cánh tay run rẩy như tiếng khóc bị dồn xuống. Chiếc lẵng rơi xuống đất, hai cánh tay buông xuôi mệt nhọc song song thân người. Dòng nước mắt chảy dài trên má. Tôi hươi mũi súng trước mặt chị ta:
- Ngồi đây! Tôi chỉ nòng súng vào bực tam cấp. Khi nào tụi tôi đi thì chị đi theo… Tại sao khóc, nhặt vàng lên đi chứ… Im lặng, chỉ có nỗi im lặng kỳ quái, thân thể người đàn bà cứ run lên bần bật, nước mắt ràn rụa… Từ từ chị đưa bàn tay lên hàng nút áo trước ngực…
 
Không! Không thể như thế được, tôi muốn nắm bàn tay kia để ngăn những ngón tay run rẩy đang mở dần những hàng nút bóp để phơi dưới nắng một phần ngực trắng hồng! Không phải như thế chị ơi… Người đàn bà đã hiểu lầm tôi…
 
Chị ta không hiểu được lời nói của tôi, một người Việt Nam ở cùng trên một mảnh đất. Chị ta tưởng tôi thèm muốn thân xác và đòi hiếp dâm! Tội nghiệp cho tôi biết bao nhiêu, một tên sĩ quan hai mươi mốt tuổi làm sao có thể biết đời sống đầy máu lửa và đớn đau tủi hổ đến ngần này.
 
Tôi đi lính chỉ với một ý nghĩ: Đi cho cùng quê hương và chấm dứt chiến tranh bằng cách góp mặt. Thê thảm biết bao nhiêu cho tôi với ngộ nhận tủi hổ này…"
(Phan Nhật Nam. Dấu Binh Lửa. Sài Gòn: Hiện Đại, 1969).
 
Ở thời điểm này, có lẽ, Phan Nhật Nam không hề biết rằng, "sự ngộ nhận đớn đau tủi hổ" của dân chúng với những người lính miền Nam chẳng phải là "ngẫu nhiên" đâu. Nó đã được đối phương chuẩn bị rất kỹ, và tuyên truyền rất công phu, theo như nhận xét (gần đây) của giáo sư Nguyễn Văn Tuấn:
"Ngày xưa ở miền Bắc Việt Nam, tôi đoán người ta tuyên truyền nói xấu về chế độ miền Nam Việt Nam dữ lắm. Bộ máy tuyên truyền ngoài đó đã thành công gieo được vào đầu óc của người dân thường rằng chế độ Mỹ Nguỵ rất ác ôn; lính Nguỵ chỉ đánh thuê, rất ác ôn đến nỗi họ ăn gan uống máu người…"
 
Và đây cũng chả phải chỉ là chuyện "ngày xưa ở miền Bắc" đâu. Sau khi thắng cuộc, "bộ máy tuyên truyền" vẫn tiếp tục bôi bẩn và sỉ nhục những người lính miền Nam, như thể họ vẫn còn là những kẻ thù ác độc và nguy hiểm.
 
Rảnh, thử xem qua vài đoạn trong một truyện ngắn ("Chuyện Vui Điện Ảnh") của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Bà viết về "tai nạn nghề nghiệp" xảy đến cho một tài tử nghiệp dư, chỉ vì lỡ thủ vai một thằng lính miền Nam:
"Chú Sa diễn vai thiếu úy Cón (nghe cái tên thôi cũng thấy ghét rồi), một tên ác ôn giết vợ, hãm hại vợ người, tàn sát trẻ nít, huênh hoang phá xóm phá làng, sau chết vì bị chó điên cắn…
 
Khi chú mặc bộ đồ rằn ri vô mình rồi, ông đạo diễn không chê vào đâu được. Long Xưởng hô máy một cái là nét mặt chú Sa lạnh như người chết, con mắt trắng dã, lừ đừ, nụ cười bí hiểm. Lúc quay cận cảnh khuôn mặt chú còn ghê nữa, da sần sùi, u uẩn như da cóc, tay chân đầy lông lá, cái răng cửa gãy chìa ra một nụ cười chết chóc với lỗ trống sâu hun hút.
 
Hồi đầu mọi người còn khen chú mặc bộ đồ mắc toi đó coi oai thiệt, nhưng rồi sau đó nín bằn bặt, người ta quên chú Sa ở hẻm Cựa Gà đi, chỉ còn lại thằng Cón ác ôn. Thằng Cón cưỡng hiếp vợ một cán bộ Đảng mình đang mang thai.
 
Tới chừng biết đứa bé kia không phải con mình, hắn xé đứa nhỏ làm hai ngay trên giường đẻ, trước mặt người mẹ, cầm bằng đã giết chị ta. Phim bạo lực, trần trụi. Thằng Cón chết, nó cũng không chết bình thường như người ta, nó chết trong dằn vặt.
 
Cái mặt lạnh tanh gớm ghiếc của nó co giật méo xệch, bọt mép sùi sụt. Nó cắn vô mấy thằng lính đứng quanh nó. Điên dại tới lúc bị bắn chết. Mọi người theo dõi thằng Cón chết, vừa hể hả vừa ghê tởm…
 
Chú Sa vẫn tiếp tục đi về trên con hẻm hẹp te mà nghe trống vắng thênh thang. Tụi con nít nghe tiếng xe đạp chú tè tè lọc cọc thì chắc mẩm đứa nào đứa nấy mặt xanh mặt tím chạy vô nhà trốn. Tụi nó hỏi nhau: "Ổng đi chưa?", cũng tại má tụi nó nhát hoài, lì lợm, không ăn cơm là bị chú Sa ăn thịt. Rõ ràng là ấn tượng về thằng thiếu úy Cón mạnh mẽ quá sức tưởng tượng, rõ ràng là người ta bị giật mình bởi tội ác.
Bà con ngại ngần ác cảm dạt ra xa chú… Chú Sa thấy đây đúng là một tai nạn…"
 
Cái "tai nạn" riêng của chú Sa chỉ xảy ra trong phạm vi của một con hẻm nhỏ và sẽ không kéo dài lâu. Còn hàng triệu thằng lính miền Nam thật – cùng vợ con, thân nhân của chúng – không chỉ phải chịu đựng sự "ngại ngần ác cảm" của đám đông mà còn bị Nhà Nước Cách Mạng kỳ thị (và miệt thị) không biết đến bao giờ!
 
Mãi cho đến ngày 2 tháng Năm 2014, người ta mới nghe một viên chức ngoại giao của phe thắng cuộc, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn, nói đôi lời "tử tế":
"Ngày xưa ta không thể nói là không có chính phủ Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam. Đó là chính phủ cũng được quốc tế thừa nhận chứ. Đó cũng là một nhà nước có quân đội thực thi nhiệm vụ quốc gia của họ để bảo vệ chính nghĩa theo lý tưởng của họ".
 
Và đó cũng chỉ là "sự tử tế ngoài miệng"! Ngày 12 tháng Tư năm 2015, công an quận Hoàn Kiếm đã bắt giữ và buộc tội "gây rối trật tự công cộng" một số thanh niên đã mặc quân phục hay áo thun màu đen có biểu tượng Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, trong cuộc tuần hành vì cây xanh ở Hà Nội. Sau đó, công an quận Hoàn Kiếm đã kết hợp với công an Nghệ An khám xét nhà của anh Nguyễn Viết Dũng (tức Dũng Phi Hổ) tịch thu quân phục lính VNCH của anh Dũng.
 
Việc gì mà phải hốt hoảng đến nỗi "khám nhà", "tịch thu" và "vu vạ" tội trạng cho vài thanh niên chỉ vì y phục mà họ mặc trên người như vậy? Chả lẽ cái chế độ hiện hành có thể bị rung chuyển chỉ bởi vài cái áo "thun màu đen, có biểu tượng Quân lực Việt Nam Cộng Hòa" hay sao?
 
Hơn nửa thế kỷ tuyên truyền lừa gạt, bôi bẩn, miệt thị những kẻ thua cuộc, bộ chưa đủ nguôi ngoai thù hận hay sao? Nắm trọn quyền bính của cả một nhà nước trong tay mà sao có thể hành xử một cách đê tiện, và tiểu nhân đến thế?
----------------
 
Khiet Nguyen
Nhân kỷ niệm NGÀY QUÂN LỰC, kể lại chuyện đời lính ngày xưa.
TẠI SAO CÓ CÂU "CHA CHƠI, MẸ SƯỚNG?
Đã có nhiều bạn hỏi nhau câu này, và mới đây có một bạn trẻ trong nước hỏi tôi. Vậy nên tôi xin trả lời như sau.

Ngày xưa, khi chúng tôi vào quân đội thì nếu ở Vùng 3, chúng tôi vào Trung Tâm 3 Tuyển Mộ và Nhập Ngũ để làm thủ tục. Sau đó, nếu như đủ sức khoẻ thì sẽ được gửi đi các quân trường. Có khi chúng tôi được cho về nhà nghỉ một thời gian cho đến khi có đủ số lượng khoá sinh để nhập khoá. Ở đây, chỉ xin nói về Trung Tâm 3 Tuyển Mộ và Nhập Ngũ.

Trung tâm này được xem như Ngưỡng Cửa Quân Đội. Lý do là ai tình nguyện, ai bị bắt vì trốn quân dịch, cũng đều được đem vào đây. Nơi mà chúng tôi đến đầu tiên là Khu Tiếp Nhận. Tại đây, chúng tôi được chụp hình và lăn tay để làm Căn Cước Quân Nhân. Sau đó là cấp số quân và rồi lãnh thẻ bài có khắc số quân đó. Thật ra thì số quân được máy dập lên thẻ bài, chứ không phải là khắc.

Trong thời gian đầu ở Khu Tiếp Nhận, các quân nhân cơ hữu làm việc ở đây thường dùng loa phóng thanh để gọi người này, người kia lên làm thủ tục kế tiếp, hoặc lên văn phòng có việc gì cần. Vì có sự trùng hợp họ và tên nên người ta phải gọi thêm tên cha và tên mẹ của anh tân khoá sinh hay tân binh. Vậy nên mới có một anh kia, cha tên là Chơi và mẹ thì tên là Sương nên người ta xướng danh trên loa phóng thanh rằng "Trần Văn B., cha Chơi mẹ Sương". Sau đó, đám ba trợn sửa lại là "Cha Chơi, Mẹ Sướng" rồi truyền khẩu cho đến ngày nay.

Sau đó, anh nào đã có số quân rồi thì người ta gọi tên mình kèm theo số quân, không còn dùng đến tên cha và tên mẹ nữa. Tuy nhiên, mấy tiếng CHA CHƠI MẸ SƯỚNG thì vẫn theo chúng tôi ra tận đơn vị.

Phái nữ mà tên là Sương thì rất hiếm ngoài miền Bắc, nhưng trong miền Nam thì khá phổ biến. Chính cá nhân tôi cũng có một cô bạn tên là Sương, sinh năm 1955, nhà ở phía sau Chợ Biên Hoà.

Đơn vị của tôi cũng có một anh trung sĩ tên là Bùi Văn Chơi. Anh này "chơi" cũng được lắm. Rất dễ tính và hay mời mọc bạn bè, trong đơn vị ai cũng mến.

Hình đinh kèm là những người mới đến trung tâm tuyển mộ và nhập ngũ, chưa lãnh quân trang nên còn mặc thường phục.
----------------
 
Hong Le
NGÀY QUÂN LỰC 19-06
Những bước chân oai hùng trên đất Thủ Đô,
Cã Toàn Dân hân hoan đón mừng Ngày Quân Lực,
Mẹ Việt Nam vui mừng trái tim thổn thức,
Chào đón những người con từ muôn hướng trở về đây.
Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ ngạo nghể tung bay,
Vì Tổ Quốc quyết liều thân chiến đấu,
Vì Đồng Bào nào tiếc chi xương máu,
Tô màu cờ thắm mãi với núi sông.
Bốn Quân Khu đã thề quyết một lòng,
Đứng thẳng dậy cùng chen vai sát cánh,
Từ Quảng Trị lần phản công dủng mảnh,
Đến KonTum với hào khí kiêu hùng.
Vào mùa Hè vùng dậy một Bình Long,
Quân Khu Bốn bảo vệ vùng Châu Thổ,
Quân Binh Chủng Toàn Quân đều hăm hở,
Dưới bóng Cờ thề tiêu diệt lủ xâm lăng.
Bọn Cộng Nô thật hết sức bạo tàn,
Trong Sử sách vết nhơ không rửa được,
Quỳ trước Mẹ Việt Nam trước Tượng Đài Tổ Quốc,
Chúng con đây dòng máu chảy muôn đời.
Vì giống nòi cho dù có tàn hơi,
Vẫn vang vọng rền vang Ngày Quân Lực.
B.PAS
Nhóm Sóng Nước Trùng Dương
Gocong 1962
June 19, 2023
--------------- 

Yến Ngọc Hải Âu
KỶ NIỆM NGÀY QUÂN LỰC VNCH. (19/06)
HUYNH ĐỆ CHI BINH.
Mày không ngại tao đút mày ăn
Tâm sự những tháng năm đời lính
Đừng toan tính mặc kệ thế gian
Tao mày từng một thuở hiên ngang.
Lính Cọp vằn nào ngán chi ai
Nơi Cổ thành rừng hoang cỏ dại
Hay những trận Pleimer đỏ lửa
Huynh đệ chi binh thêm chút nữa
Nhớ thuở xưa mày đã cứu tao
Giữa núi rừng quân thác lao xao
Tao gục xuống mày nhào ra cứu
Tao với mày một thời mảnh thú
Con hùm thiêng giây phút sa cơ
Bụi thời gian chôn giấu mịt mờ
Cọp vẫn nhớ về nơi rừng núi
Nơi sống chết với bao hờn tủi
Cuộc đời thoáng qua như gió bụi
Chết ngang tàng cuối tháng tư đen
Nơi sa trường tao _mày đã quen
Thêm tủi nhục trui rèn nhân cách
Sống vẫn ngẩng cao đầu trong sạch
Kiếp tử sinh nhận lấy kiêu hùng
Tao với mày dòng máu chảy chung
Vẫn hiên ngang không hề khuất phục .
Yến Ngọc Hải Âu
-------------
 
Yến Ngọc Hải Âu
VINH DANH NGÀY KỶ NIỆM QUÂN LỰC VNCH. (19/06)
Video - BÊN BỜ LAU SẬY !
Chiếc nón sắt bên bờ lau sậy
Người nằm đây hây tận phương trời nào
Mấy mùa mưa gió thét gào
Chiến bào áo trận bão hòa sa cơ
Thế cờ xoay chuyển xóa mờ
Chinh nhân một thuở bây giờ ở đâu ?
Hồn xưa dấu tích bể dâu
Chôn sầu dĩ vãng chân trời xa xăm
Bao năm dạ khúc quân hành
Màu xanh áo trận bạc màu gió sương
Chông gai phủ kín nẻo đường
Thương anh lính chiến giữ yên quê nhà
Mẹ già ra ngóng chờ trông
Mắt buồn thấm lệ theo dòng thời gian
Chờ con thắng trận vẻ vang
Muôn ngàn câu hát sử vàng ghi tên
Bên bờ lau sậy lãng quên
Lênh đênh ngày tháng trên đường hành quân
Dấu chân in đậm chiến trường
Thương người tử sĩ cuối cùng nằm đây.
Y. N. HẢI ÂU
--------------- 
 
Yến Ngọc Hải Âu
KỶ NIỆM NGÀY QUÂN LỰC VNCH (19/06)
NGƯỜI GÓA PHỤ !

Tang thương cảnh vắng lòng cô phụ
Chinh chiến tan rồi anh ở đâu ?
Rừng thiêng nước độc hay sông sâu
Trại Ba Sao hay tù Suối Máu .
Không còn gặp nhau nữa sao anh ?
Đêm đông canh cánh trong lòng
Bóng người góa phụ mãi chờ mong
Chạnh lòng nghĩ tới người hiu quạnh .
Bốn bức tường giam lạnh lẽo nằm
Trăm ngàn thù roi lòng ai oán
Giáng xuống người anh những căm hờn
Vạn lời xỉ vả xả nguồn cơn.
Chịu ải trầm luân cảnh chán chường
Thương anh ! Em sống đời góa phụ
Dẫu nỗi buồn buốt thấu trời xanh
Anh linh thiêng yên lòng an nghỉ .
Ái ân tình em nguyện khắc ghi
Dẫu qua đi những gì kỷ niệm
Người góa phụ lặng lẽ trong đêm
Để tìm về quá khứ không quên
Tháng tư đen ba mươi ngày ấy
Triệu con người góa phụ như em
Đêm từng đêm khóc vạn nỗi niềm
Nỗi uất nghẹn ghi khắc trong tim .
------------------------
Chân Dung Người Vợ Lính VNCH
-------------
 
Dương Bá Đương
Lịch Sử Ngày Quân Lực VNCH (19 Tháng 6)
Hằng năm vào khoảng 19 Tháng 6, có nhiều tổ chức thuộc Quân Lực VNCH ở hải ngoại tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Quân Lực. Năm nay là năm thứ 48.
 
Ngày 19 Tháng 6, được coi là Ngày Quân Lực VNCH là vì sau đảo chánh lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm năm 1963, Chính quyền và Quân Đội VNCH bị suy yếu trầm trọng bởi tình trạng chỉnh lý, tranh giành quyền lực liên tục giữa các tướng lãnh trong QLVNCH . Tình trạng chính trị , quân sự cũng như kinh tế của Miền Nam lúc đó thật bi đát.
 
Lợi dụng tình thế bất ổn này, quân chính quy CS Bắc Việt ồ ạt xâm nhập vào Miền Nam. Trước tình trạng khẩn trương, nguy ngập đó Chính phủ dân sự Phan Khắc Sửu quyết định trao trách nhiệm và quyền hành lãnh đạo Quốc Gia cho Quân Lực VNCH.
 
Một buổi lễ ra mắt Ủy ban Lãnh Đạo Quốc Gia và Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương được long trọng tổ chức tại Thủ Đô Saigon vào ngày 19 Tháng 6, 1965. Hai Ủy ban này đã tuyên thệ trung thành với Tổ Quốc, nhận trách nhiệm chỉ huy QLVNCH trong việc bảo vệ đất nuớc, quê hương.
 
Từ đó ngày 19 Tháng 6 là một ngày lịch sử, có tên là “Ngày Quân Lực VNCH”. Sau đó hằng năm ngày Quân Lực 19 Tháng 6 được cử hành rất trọng thể với sự tham gia các đơn vị của các quân binh chủng trong QLVNCH, để biểu dương sức mạnh và ý chí đoàn kết, quật khởi của toàn quân, toàn dân Miền Nam, quyềt chiến đấu chống CS xâm lược Miền Bắc.
 
Ngày nay, Quân Lực VNCH không còn nhưng người quân nhân VNCH vẫn không ngừng chiến đấu cho Tự Do, Dân Chủ, Nhân quyền và sự vẹn toàn lãnh thổ. Tập thể Chiến Sĩ VNCH đã được hình thành để nâng nỗ lực đấu tranh lên tầm mức cao hơn, mạnh mẽ hơn.
Người chiến sĩ VNCH và đồng bào ở hải ngoại hôm nay không có vũ khí trong tay để anh dũng chiến đấu trên chiến trường như ba mươi ba năm trước đây, nhưng với ý chí kiên cường, bất khuất, người chiến sĩ VNCH và đồng bào hải ngoại vẫn tiếp tục đấu tranh đem lại nhiều thắng lợi trên Bình diện chính trị. Chắc chắn ngày tự do và hạnh phúc cho toàn dân Việt Nam khắp mọi miền đất nước không còn bao xa.
 
Dưới bất cứ hoàn cảnh nào, nơi đâu, tôn chỉ của người quân nhân vẫn là Danh Dự - Tổ Quốc - Trách Nhiệm.
--------------
 
Cao Minh Hoàng
LẦN SAU CUỐI
Cho ta quỳ dưới cờ lần sau cuối
Không quân trang, không súng ống quanh mình
Trót sinh ra vào giữa cuộc chiến chinh
Tàn chiến cuộc đã thành người thua trận
Cho con nắm tay mẹ già lận đận
Mẹ buồn không? Sao mẹ cứ thở dài
Con còn đây và mẹ cũng còn đây
Con xin lỗi! Dù con không hèn nhát...
Trong mắt mẹ có đôi hàng nước mắt
Con rời đi có lẽ chẳng quay về
Thương mẹ già mòn mỏi nơi chốn quê
Quay lưng bước mà lòng con chết điếng
Cho anh gửi đến người tình yêu mến
Chuyện vợ chồng đành gác lại ngày sau
Cứ ngỡ rằng khi thôi cuộc binh đao
Mình an ổn cùng nhau xây tổ ấm
Bốn vùng ơi..giày sô và áo trận
Gửi cho đời những uất hận ngàn sau
Trong mắt người nước mắt mặn niềm đau
Lần sau cuối chào nhau buồn khôn xiết..
Cao Hoàng
Ảnh cop xin miễn thứ bản quyền
------------ 

Kim Qui Huế
TÌNH RƯỢU , RƯỢU TÌNH .
* Chuyện tình nay mới kể .
Ngày xưa, rất xa xưa .
Có một người thiếu nữ .
Yêu lữ khách bụi đường .
* Nàng, học lớp Mười Hai .
Viền bảng tên màu tím .
Ngày hai buổi đến trường .
Chân sáo rất vô tư .
* Chàng, một người lính trận.
Chiến y bạc xám màu .
Râu ria ra lởm chởm .
Miệng luôn cười rất tươi .
* Ngày về phép cuối năm .
Chàng dìu nàng dạo phố .
Áo lụa trắng thơ ngây .
Bên chàng, vai áo vá ... !!!
* Đi bên nhau trời Huế .
Lành lạnh rồi ôm nhau .
Cầu Trường Tiền ghen tức .
Nước sông Hương gục đầu .
* Rồi trăng khuya phải lặn .
Rồi nắng chiều nhạt phai .
Chàng và nàng xa nhau .
Không biết bởi do ai ?
* Rượu tình mới nhắp môi,
Đã nghe niềm ly biệt .
Ai cứ mãi ngóng trông .
Chuyện tình đầu lỗi hẹn ... !!! .
* Chai rượu tình đứng đó .
Sầu viễn xứ thênh thang .
Ai có về xứ Huế ?
Cho chàng, gửi nụ hôn ... .
# Hòa Khánh, Đà Nẵng .
* 19.06.2023 *
-----------
 
Cao Minh Hoàng
ĐÃ LÀ NGÀN THU
Ngày xưa đi dưới bóng cờ
Ngày nay khóc giữa mịt mờ mây trôi
Gần nửa thế kỷ qua rồi
Những hồn tử sĩ ngậm ngùi cỏ xanh
Nghĩa trang mây trắng hiền lành
Có về ngang hãy hóa thành cơn mưa
Như là mắt lệ người xưa
Chí trai thời loạn còn chưa hoàn thành
Bây giờ dưới đám cỏ xanh
Hồn người u uẩn có thành mây tan
Hay trong gió nội trăng ngàn
Bóng người lính trận lang thang cõi nào
Đời buồn hơn cả chiêm bao
Một lần gãy súng nghiêm chào ngàn thu...
Cao Hoàng
--------------

Người Lính Già Tqlc
Dậy Đi Em
Dậy đi em đường đi còn xa thẳm
Đường rất dài cùng vất vả đợi em
Em đang ngủ hay em đang mệt lả
Dậy đi em tiếp tục cuộc hành trình
Trong chiến tranh đạn bom nào cũng thế
Phá tan hoang đốt cháy cả quê hương
Em nằm ngủ vòng tay ôm đất mẹ
Tìm thương yêu trong khói lửa điêu tàn
Dậy đi em nếu mai này còn sống
Tiếp cha ông đi nốt đoạn đường dài
Hồn liệt nữ và hồn thiên sông núi
Gương anh thư Trưng Triệu nối tiếp đường
Dậy đi em dù chông gai trước mặt
Cha giờ này chắc chiến trận phong ba
Me bận bịu với đàn em nhỏ dại
Cậy nhờ em dựng lại mảnh cơ đồ
Thôi em nhé sau này em hãy ngủ
Nước non nhà như thế ngủ yên sao
Dù nhi nữ nhưng em là gái Việt
Dậy đi em … quê mẹ vẫn đang chờ…
Người Lính Già TQLC T.TT
“Ân Tình Ngày Cũ” 

-----------------

Lê Duy Đài
MỪNG NGÀY QUÂN LỰC VNCH 19/06
Một thời để nhớ ... Suốt chiều dài của chiến tranh Nam Bắc VN hơn 20 năm người lính QLVNCH là những người lính chịu thiệt thòi nhiều nhất cũng là những người lính chấp nhận tất cả những hy sinh cho quê hương đất nước VN đến khi tàn cuộc chiến tranh VN họ lại bị bắt đi tù Cộng Sản, các anh đã hy sinh tuổi trẻ, hạnh phúc cho đất nước VN.
 
Suốt những năm tháng trong đời binh nghiệp, không có gì danh dự và hãnh diện hơn khi một người lính được đề cử và chọn làm một “Chiến Sĩ Xuất Sắc” của đơn vị về Thủ Đô Sài Gòn tham dự ngày Quân Lực 19-06. Tinh thần chiến đấu dũng cảm kiên cường của người lính và vinh danh những người con ưu tú của Quân Lực VNCH đã được đãi ngộ một cách xứng đáng của chính quyền đương thời và đồng bào Miền Nam Việt Nam trước năm 1975.

TỔ QUỐC-DANH DỰ-TRÁCH NHIỆM.
Những chiến sĩ bất khuất của quân lực VNCH. Hình ảnh của các anh sẽ mãi mãi được tổ quốc ghi ơn. Lịch sử VN ngàn đời luôn luôn được tri ân tất cả những người lính QLVNCH một thời đã hy sinh cho quê hương đất nước VN.
Xin cảm ơn Anh người lính QLVNCH...❤️
Lê Duy Đài -Montreal 19/6/2023
Video: NGÀY QUÂN LỰC VNCH 19 - 06 - 1973
 
-----------------


 ----------------------  
Vong Ngay Xanh
Em lửa binh lưu lạc
Anh chinh chiến xa nhà
Chiều quê hương đổ nát
Kể nhau niềm xót xa
----------------
 
Mỗi năm đến tháng 6, tôi thường hay nhớ lại nhiều chuyện đã qua… và năm nay rất đặc biệt 50 năm trước vào dịp VB về diễn hành ngày Quân Lực 19/6/1973 , vào ngày Chủ Nhật 17/6 trước lễ, tôi đi với S cùng 2 anh lên vườn trái cây Lái Thiêu, lúc qua Cầu Ngang tình cờ lại thấy NGƯỜI XƯA của NGƯỜI TA anh Đ cười ghẹo tôi “chắc sau này Th phải nhớ mãi hôm nay…” dạ, bây giờ tôi vẫn nhớ nhưng là
“Hình bóng trên chiếc cầu, tà áo xanh.
Một bức tranh tình còn mãi nơi anh…”
Hôm nay, 50 năm sau với người năm xưa cũng đứng bên cầu, nhưng không ở Cầu Ngang Lái Thiêu mà ở quê người, tôi và anh cùng quay lưng ra biển, như hình bóng quê hương đã bỏ lại bên kia biển .😔
“Nhớ nhiều quê hương ơi…
Giờ này đã xa rồi …”
thoáng kỷ niệm xưa trở về nhớ ôi là nhớ…và cũng nhớ Anh, một người đã đi vào thiên cổ nghìn thu…
---------------- 

Yến Ngọc Hải Âu
NGÀY KỶ NIỆM QUÂN LỰC VNCH (19 /06)
ÁNH MẮT ...QUÊ HƯƠNG !
Lúc bất động ngồi trên xa lộ
Dáng trầm tư súng đặt ngang đùi
Khi chiều buông nắng ngang nửa mặt
Đôi mắt nhìn sao anh không vui ?
Nhưng anh là ai hay là tượng
Về từ biệt mọi ngả quê hương
Khu Bình Giã rừng cao su thẫm
Kontumsẫm đất đỏ nhiều sương
Bóng anh thường dân đã từng gặp
Quanh khu rừng bên núi Bồng Sơn
Dường như cạnh chân đèo Phủ Cũ
Máu trên vai áo đủ đã sờn
Quê em thương ngày còn thơ ấu
Dẫu rất nghèo, trên đất Gio Linh
Anh lính đã nhiều phen chiến đấu
Đến ra tử nhiều hơn vào sinh
Nhắc tới tên mình vùng Quảng Trị
Anh ngồi im ánh mắt hiển linh
Qua rồi Đông Hà, sông Thạch Hãn
Bâng khuâng như xa nhớ người tình
Anh là người thiên thần mũ đỏ
Ngực vẫn còn lấp lánh huy chương
Ôi chao ! Thương em chưa nhìn rõ
Dường như máu tỏ rỉ bên sườn
Lãng đãng thương áo anh đổi sắc
Cánh hoa rừng đã trở màu đen
Huy hiệu trên vai nhạt nhòa biển
Mọi quân nhân binh chủng thay phiên
Anh như Kình Ngư hay Ó Biển
Mà cánh tay "Sát Cộng" ngang tàng
Anh là người Thủy Quân Lục Chiến
Mùa hè đỏ lửa vẫn hiên ngang
Em muốn sang mời anh ly nước
Được rót từ dừa xứ Tam Quan
Đôi hàng mi anh như mím chặt
Mặt lạnh như đồng đúc khô khan
Đêm sau dáng em nghe rờn rợn
Mắt anh như rực lá Quốc Kỳ
Để hãnh diện đền ơn Tổ Quốc
Chuốc chiến bào nào anh ra đi ? .
Y. N. HẢI ÂU
 
----------------

Kim Qui Huế
@DÁNG NGỌC.
* Trên chiếc xe đạp thồ .
Anh ngồi đón niềm vui .
Không phải một cuốc xe .
Sự chia sẻ muộn phiền ...
* Ngày xưa là chiến binh .
Trong binh chủng Nhảy Dù .
Từ ... C. 130 .
Anh vào vùng mây ấm ...
* Cánh dù đã nở hoa .
Trên chiến địa điệp trùng .
Anh rơi trên đầu giặc .
Bóng hỏa châu nghẹn ngào .
* Hồn ... Kinh Kha thuở ấy .
Một đi không trở về .
Xác thân là tro bụi .
Rồi trở về bụi tro ...
* Nhưng rồi, không ai nghĩ .
Phải sống khi hòa bình .
Đêm không nghe tiếng súng .
Mà lại nghe xót xa ... !!!
* Anh trở về Huế xưa .
Cơm bữa rau, bữa cháo.
Ru hồn người chiến bại .
Bên hiên vắng tồi tàn ...
* Nhìn anh trong ngào nghẹn .
Tôi quá đỗi nghẹn ngào .
Ước gì dòng sông xưa .
Trôi hiền hòa muôn thuở ...
* Trên chiếc xe đạp thồ .
Một mảnh đời mong manh .
Nhìn dòng người hối hả .
Chợt nghe hồn bỗng ... Mưa !!!
# BếnNgự,Huế.
* 17.06.2023 *
 
-----------------

Sóc Cưng
* Long lanh hoài niệm 19/6
SINH NHẬT CỦA TRÁI TIM

LÝ THỤY Ý
Vì một lý do nào đó, tôi có thể quên ngày mình có mặt trên đời...Nhưng ngày "SINH NHẬT CỦA TRÁI TIM" thì không bao giờ.
 
Không chỉ vì đó là một ngày thiêng liêng, mà còn là chuỗi hồi ức ngọt ngào đã nuôi dưỡng tôi qua nhiều năm tháng điêu linh...Khi ngỡ như ngã gục vì kiệt sức.. Khi cuộc đời tưởng chừng băng hoại trong vỡ nát của quê hương thì hồi vọng anh linh sông núi đã giữ tôi lại giữa những bước thăng trầm.....
 
Đó là tiếng kèn thúc quân từ ngàn xưa đánh thức những trái tim mê ngủ...Tiếng vó ngựa trong tiếng trống dồn...
 
..." LỆNH VUA HÀNH QUÂN TRỐNG KÊU DỒN...QUAN VỚI QUÂN LÊN ĐƯỜNG...HÀNG NGỰA XE CUỐI CÙNG VỪA ĐUỔI THEO LỐI SÔNG...PHÍA...CÁCH QUAN XA VỜI...CHIÊN TRỐNG KHUA TRĂM HỒI...NGẦN NGẠI TRÊN NÚI ĐỒI...RỒI DẬY VANG KHẮP NƠI...PHẤT PHỚI NGẬM NGÙI BAY..."
..."QUA TIÊN SAN KÌA AI TIỄN RƯỢU VỪA TÀN...VUI CA XANG RỒI ĐI TIẾN BINH NGOÀI NGÀN...NGƯỜI ĐI NGOÀI VẠN LÝ QUAN SAN...NGƯỜI ĐỨNG CHỜ TRONG BÓNG CÔ ĐƠN..."!!!
..."BÊN MAN KHÊ CÒN TUNG GIÓ BỤI MỊT MÙNG
BÊN TIÊU TƯƠNG CÒN THƯƠNG TIẾC NƠI NGÀN TRÙNG...NGƯỚI KHÔNG RỜI KHỎI KIÊP GIAN NAN. NGƯỜI BIẾN THÀNH TƯỢNG ĐÁ ÔM CON...
*
Tiếng trống thúc quân...Không ai...Không một ai chối từ Tổ Quốc...Những chàng trai của miền Nam nước Việt! Họ bước ra từ tiếng vọng núi sông...Từ một ngày "SINH NHẬT CỦA TRÁI TIM- 19 Tháng 6...
Những người trai đã dấn thân. Hơn 20 năm chiến tranh khốc liệt ! Bao nhiêu người đi không về ! Những cuộc tình dang dở...Những đứa con côi ! Những khăn sô trên tóc góa phụ ngây thơ...Tất cả đều không ngăn được những bước chân ra trận !
Cuộc chiến đã tàn trong nước mắt ! Tiếng súng ngừng nhưng chưa hết đau thương ! Miền Nam trù phú bỗng hóa điêu tàn ! HÒN NGỌC VIỄN ĐÔNG phủ một màu xám ngắt !...
..."CÓ AI XUÔI VẠN LÝ, NHẮN ĐÔI CÂU GIÚP NÀNG...LẤY CÂY HƯƠNG THẬT QUÝ...THẮP LÊN THƯƠNG TIẾC CHÀNG..."!!!
Bao nhiêu nén tâm hương đã được thắp lên trong thương tiếc vô bờ ! Lời đau nghẹn trong những giọt nước mắt trầm luân !..
Người Lính ngày xưa đã trở về...Chân dồn theo vó ngựa để giấc mơ cố hương hiện dần trong nỗi nhớ không cùng...
..."ĐƯỜNG CHIỀU MỊT MÙ CÁT BAY TỎA BƯỚC NGỰA PHI ĐƯỜNG TRƯỜNG NẾP TÀN Y HÙNG CƯỜNG VẪN CÒN BAY TRONG GIÓ, BÓNG TỪ XA SĂP DẦN QUA...
"BÓNG CHÀNG CHẬP CHÙNG VƯỢT NÚI NON CŨ VỚI HÀNH LƯƠNG ĐỘ ĐƯỜNG CHIẾC HÙNG GƯƠM DANH TƯỚNG DƯỚI TÀ HUY ĐẾM NHỊP ĐI VÓ NGỰA PHI..."
Chàng về ! Để thấy người xưa đã hóa đá ôm con đứng chờ ! Chàng về, để thấy vết cứa chiến tranh tàn khốc !...
..." TIẾNG NÚI NON LƯU LUYẾN TẤM LÒNG BAO NGÀN NĂM..."
Ngày xưa...Bây giờ...Vẫn là tiếng gọi thiêng liêng...Vẫn là chia ly! Mất mát...Vẫn là những trái tim rướm máu...Và người về...
Đâu đó trong tiếng gió còn vương từng đêm khắc khoải của chinh phụ ! Đâu đó nơi ngàn trùng còn dấu giày vội vã của chinh phu!...Họ tìm nhau trong mơ ước ngày tàn chinh chiến...Nhưng chiến chinh tàn đâu có nghĩa đoàn viên...!!!
Gần một nửa trăm năm những vết thương còn rỉ máu...Tôi vẫn có những đêm buồn mơ ánh sáng hỏa châu...Vẫn nghẹn ngang khi nhớ về 19 / 6...Ngày QUÂN LỰC VNCH hào hùng, thiêng liêng như còn vang những âm vọng từ ngàn xưa...
..."LỆNH VUA HÀNH QUÂN TRỐNG KÊU DỒN...QUAN VỚI QUÂN LÊN ĐƯỜNG..."( * )
***
Sài Gòn - Tưởng nhớ ngày QLVNCH 19 / 6
Ảnh ST& NS LÊ THƯƠNG và LÝ THỤY Ý ( * ) Trích nhạc phẩm
"HÒN VỌNG PHU" của NS LÊ THƯƠNG
 
---------------
 
Phu Chinh Nguyen
Hai bức ảnh một khoảng cách 50 năm (1973-2023)cho một phần đời.Tôi đã phải cố gắng không ngừng nghỉ để tồn tại .để vươn lên.
Tôi phải cám ơn kẻ thù đã rèn luyện tôi trong địa ngục để tôi không còn sợ hãi bất cứ điều gì.Tôi đã bị hành hạ,đói khát trong một khoảng thời gian dài rất dài.Nên bây giờ tôi ăn bất cứ một thứ thức ăn nào tôi cũng thấy ngon ,mặc bất cứ bộ quần áo nào tôi cũng thấy đẹp .Tôi đã từng chấp nhận làm việc 15 giờ một ngày để kiếm tiền mà chẳng thấy e ngại .
Tôi cảm thấy đời tôi thật sự hạnh phúc không phải vì tôi có tất cả những gì tôi muốn mà vì tôi cảm thấy thật vừa ý với những gì tôi cố gắng để có được.
Bây giờ nhìn xem những gì trong 65 năm làm việc của đời mình ,đã chịu đựng ,đã cố gắng mà chẳng có được một căn nhà cho riêng mình ,phải đi ở nhờ !Chỉ có được một đống quần áo và số lương hưu thuộc vào hạng thấp nhất của nước Mỹ .Tự nhìn mình thấy thật buồn cười,tuổi trẻ sống nghèo trong cảnh mồ côi cha.Rồi trong 10 năm chiến trận tham dự hầu hết những biến cố quan trọng,may mắn còn sống và chịu đựng thời gian dài tù đầy cố gắng để không mất danh dự.Chịu làm việc nhưng không khả năng nên chỉ được nhận một số lương tối thiểu.
Không phải vì nghèo mà tôi có ý nghĩ như vầy :Ngày trong tù tôi thấy mấy anh bạn tù giầu có nhiều nỗi lo lắm ,không biết cái nhà nhiều tầng hay số vàng để lại không biết bây giờ ra sao ?Ta nghèo nên tối ta vểnh bàn giò ngủ lăn quay.Bây giờ chẳng nhà cửa nên chẳng phải lo âu gì ,cứ ngày 3 hằng tháng lãnh lương hưu xài dứt điểm không phải dành dụm gì .Có bao nhiêu chới tất tay luôn coi bộ khỏe re !
Vui nhỉ sinh ra trong khổ cực và khi ra đi cũng trắng tay .
Bản tính liều mạng nên chẳng thấy khổ lúc nào .Cứ xả láng sáng về sớm là lúc nào cũng vui như Tết he he !
 
---------------- 

Son H Cao
Quân lực Việt Nam Cộng Hoà: 1968-1975
 "Phần 1"
Bài của nhà nghiên cứu về Việt Nam Bill Laurie
- Người dịch: Nguyễn Tiến Việt.
Lời người dịch: Bill Laurie là sử gia Hoa Kỳ, một trong những chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam và nhân chứng được mời trình bày quan điểm trong cuộc hội thảo mang tên “Quân Đội Việt Nam Cộng Hoà: Suy ngẫm và tái thẩm định sau 30 năm” (ARVN: Reflections and reassessments after 30 years) do Trung Tâm Việt Nam thuộc đại học Texas Tech tổ chức tại Lubbock trong hai ngày 17 và 18 tháng 3 năm 2006.
 
Trong số nhiều diễn giả Việt Mỹ, ông Laurie là người nêu ra quan điểm trung thực và thẳng thắn nhất của riêng ông về một quân đội mà ông từng sát cánh với cương vị một chuyên viên tình báo cao cấp trong nhiều năm, song song với những ý kiến không quanh co che đạy về giới truyền thông và chính trị Hoa Kỳ trong thời chiến tranh tại Việt Nam. Bài này dịch thuật nguyên văn bài viết của Bill Laurie, mà ông dùng để trình bày lại, vắn tắt hơn, trong buổi hội thảo. Bill Laurie gửi tặng bài viết cho dịch giả, cho phép được dịch và phổ biến trong giới truyền thông Việt ngữ.
Trong bản dịch dưới đây, những chữ in nghiêng trong ngoặc đơn là chú thích thêm của người dịch để làm rõ nghĩa câu văn Mỹ của tác giả, những chữ in đậm là nguyên văn tiếng Việt mà tác giả viết trong tài liệu. Hình ảnh lấy từ website của Trung tâm Việt Nam, Lubbock, Texas.
 
QLVNCH thay đổi một cách đáng kể cả về số lượng lẫn phẩm chất trong khoảng thời gian từ 1968 đến 1975.Sự thay đổi không hề được giới truyền thông tin tức (Hoa Kỳ) lưu ý, và nhìn chung thì đến nay vẫn không được công chúng Mỹ biết đến, vẫn không được nhận chân và mô tả đầy đủ trong nhiều cuốn sách tự coi là “sách sử”. Một phần nguyên nhân của sự kiện này là do bản chất và tầm mức của sự thay đổi không dễ được tiên đoán hay tiên kiến, dựa trên hiệu quả hoạt động và khả năng của QLVNCH trước năm 1968.
Bài này không hề muốn chối bỏ những vấn đề nghiêm trọng đã hiện hữu, hay chối bỏ rằng vấn đề tham nhũng, lãnh đạo kém cỏi không tiếp tục gây hoạ cho khả năng của QLVNCH bảo vệ đất nước họ. Tuy nhiên, ở một mức độ nào đó những vấn đề này có được giải quyết, và những khía cạnh tích cực của QLVNCH không thể bị xóa khỏi trang lịch sử vinh quang.
Tôi đã tự chứng nghiệm điều này, khi đến Việt Nam cuối năm 1971, phục vụ 1 năm tại MACV, rồi sau đó trở lại thêm hai năm, từ 1973-1975, làm việc ở phòng Tuỳ viên quân sự.
 
Khởi thuỷ, được huấn luyện và dự trù phục vụ như một cố vấn, tôi tham dự khoá huấn luyện căn bản sĩ quan lục quân tại Fort Benning, Georgia, Tình báo chiến thuật và chuyên biệt về Đông nam Á ở Ft. Holabird, Maryland, và học trường Việt ngữ tại Ft. Bliss, Texas. Tới Việt Nam thì được biết những nhiệm vụ cố vấn đang được giảm dần để đi đến chỗ bỏ hẳn; nên thay vào đó tôi được chỉ định vào MACV J-2 với cương vị một chuyên viên phân tích tình báo, trước hết phụ trách Cambodia, rồi tập trung vào Quân Khu IV, bao quát toàn vùng đồng bằng châu thổ sông Mekong. Công việc này mở rộng một cách không chính thức để bao gồm công tác liên lạc giữa bộ Tổng tham mưu QLVNCH, các toán cố vấn Mỹ, các chính quyền tỉnh của Việt Nam, và cả các đơn vị QLVNCH ở vùng IV. Trong 3 năm đó tôi có mặt lúc chỗ này, lúc chỗ khác, trên khắp 18 trong số 44 tỉnh của VNCH, liên lạc không những với các đơn vị Mỹ và VNCH mà cả với người Úc, cơ quan vịên trợ Mỹ USAID, và CIA. Khi thì đứng vào vị trí rất cao cấp trong những buổi thuyết trình ở tổng hành dinh của MACV cũng như ở bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH, tuần lễ sau đó tôi có thể đã lội trên những ruộng lúa tỉnh Kiến Phong cùng với các binh sĩ Địa phương quân, hay bay ngang tỉnh Định Tường trên một chiếc trực thăng Huey của QLVNCH, hoặc là nằm trong căn cứ Biệt động Quân Trà Cú bên sông Vàm Cỏ Đông.
 
Nói tiếng Việt là điều vô cùng quan trọng, và trong vòng một tháng sau khi tới Việt Nam, thật rõ ràng hiển nhiên là những điều tôi từng nghe ở Mỹ, dù là tin tức báo chí hay là những cuộc thảo luận ngốc nghếch trong các trường đại học, mà có thể diễn tả được những gì tôi đang trải qua và gặp phải. Nói vắn tắt, tôi tự hỏi “Nếu tất cả những người ở Mỹ quả là đang nói về Việt Nam, thì mình đang ở nơi nào đây?”
 
Những thời khắc ngoài giờ làm việc của tôi được dàn trải trọn vẹn trong một kích thước thực tế hoàn toàn Việt Nam. Dù là ở Sài Gòn, Cao Lãnh, hay Rạch Giá, tôi cũng lui tới những cái quán nhỏ, với những bàn cà-phê, mì, cháo... háo hức lắng nghe người dân người lính Việt Nam nói chuyện, tôi hỏi han, và học được thật nhiều, nhiều hơn những gì tôi từng học ở Hoa Kỳ.
 
Sự học tập của tôi không dừng lại ở năm 1975. Từ đó đến nay tôi đã đọc hằng feet khối những tài liệu giải mật và hằng trăm cuốn sách, kể cả những tác phẩm tiếng Việt, phỏng vấn đến mức từ kỷ lục này qua kỷ lục nọ những người cựu chiến binh gốc Đông Nam Á và gốc Hoa Kỳ, săn tìm trong hằng trăm trang web Việt Nam và Đông nam Á trên Internet. Vẫn còn rất nhiều điều về Việt Nam, Lào, Cambodia và Thái Lan hơn là những gì công chúng Hoa Kỳ tưởng, và những kết luận do những người ở những xứ ấy tự trình bày lên thì lại không phù hợp với những gì mà hầu hết mọi con người (ở Mỹ) tưởng là họ biết.
 
Quả là có những vấn đề nghiêm trọng về tham nhũng. Đúng là có những tấm gương về lãnh đạo bất xứng. Tuy nhiên, chẳng phải ai nói hay gợi ý gì với tôi, mà chính là ngay lần đầu tiên đến vói Sư đoàn 9 bô binh VNCH, tôi đã phát giác khả năng dày dạn và đầy chuyên nghiệp trong những hoạt động mà tôi chứng kiến ở một trung tâm hoả lực cấp sư đoàn. Cũng chẳng ai nói với tôi là Sư đoàn 7 bộ binh VNCH, cái đơn vị mãi bị kết tội vì khả năng chiến đấu kém cỏi ở Ấp Bắc nhiều năm trước, đã biến thái thành một đơn vị có hiệu năng chiến đấu cao dưới tài lãnh đạo chỉ huy của tướng Nguyễn Khoa Nam, một con người thanh liêm không một tì vết, song song với tài năng về chiến thuật, mà đến nay vẫn không hề được công chúng Hoa Kỳ biết tới, tuy đã được người Việt Nam tôn sùng đúng mức. Cũng không hề có ai ngụ ý hay nói với tôi rằng có thể là lực lượng Địa phương quân tỉnh Hậu Nghĩa, là những dân quân của tỉnh, đã làm mất mặt chẳng những một mà tới ba trung đoàn chính quy của quân đội miền Bắc trong chiến dịch tấn công năm 1972 của Hà Nội. Họ đã nhai nát và nhổ phun ra nguyên cả lực lượng tấn kích của đối phương, một lực lượng có thể đã làm đổi chiều lịch sử vào thời kỳ đó. Địa phương quân không được pháo binh và không quân sẵn sàng yểm trợ như lực lượng chính quy VNCH, trong đó kể cả Nhảy Dù, Biệt Động Quân, Thuỷ quân lục chiến. Quân địa phương chỉ dựa vào kỹ thuật chiến đấu căn bản bộ binh. Nếu quân Bắc Việt đánh thủng được chiến tuyến này thì họ đã lập tức trực tiếp đe doạ Sài Gòn, chỉ cách đó 25 dặm, buộc sư đoàn 21 bộ binh VNCH phải rút khỏi quốc lộ 13, từ đó để cho lực lượng Bắc Việt hướng thẳng vào An Lộc. Và như tiến sĩ James H.Willbanks viết trong tác phẩm xuất sắc của ông (về trận An Lộc), Sư đoàn 21 tuy không thành công trong việc phá vòng vây An Lộc nhưng cũng đã buộc Bắc Việt phải đưa một sư đoàn đổi hướng khỏi chiến truờng An Lộc, nếu không, nơi này có thể đã sụp đổ với những hậu quả khốc liệt.
Nói vắn tắt, QLVNCH, một cách toàn diện, đã có khả năng cao hơn nhiều so với những gì tôi biết trước khi tôi qua Việt Nam, và càng cao hơn nhiều so với những gì được chuyển tới cho người dân Mỹ. Ngày trứoc... và ngày nay cũng vậy.
 
Trở lại thời kỳ đang thảo luận trong bản thuyết trình này, ai cũng biết QLVNCH vướng mắc nhiều vấn đề trầm trọng. Điều này là hiển nhiên. Nếu không như vậy thì đã chẳng cần phải yêu cầu những đơn vị chiến đấu của Hoa Kỳ, Úc, Nam Hàn, Thái Lan và New Zealand tới đó.
 
Tuy nhiên, còn có những chỉ dấu cho thấy lực lượng VNCH khi được trang bị đúng mức và chỉ huy tốt đẹp thì sẽ có khả năng tới đâu. Năm 1966 một tiểu đoàn Biệt động quân VNCH đã gây thiệt hại nặng và đã “giúp” giảm quân số chỉ còn 1 phần 10 cho một trung đoàn Bắc Việt đông gấp ba lần họ ở Thạch Trụ. Tiểu đoàn này được Tổng Thống Johnson tặng thưởng “Huy chương của Tổng Thống Hoa Kỳ”. Đại Uý Bobby Jackson, cố vấn tiểu đoàn này, đã mô tả người đối tác của ông, đại uý Nguyễn Văn Chinh (hay Chính?), như là con người tuyệt nhiên không hề sợ hãi. Tiểu đoàn 2 TQLC, mang huy hiệu Trâu Điên, đã từng bắt nạt nhiều đơn vị cộng sản miền nam và chính quy Bắc Việt, chứng tỏ sự xứng hợp của huy hiệu trâu điên (càng có ý nghĩa đối với những ai đã từng gặp phải một con trâu đang nổi giận (và bị nó ăn hiếp!) Công trạng của họ không hề được tường trình trong giới truyền thông tin tức của Hoa Kỳ, và về sau cũng bị bỏ quên trong cái gọi là “lịch sử”...
 
Năm 1968, trong bối cảnh cuộc tổng công kích 68 thất bại của Hà Nội, các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ thấy rõ là kế hoạch Việt Nam hoá phải được tăng tiến, nhưng nhiều người (Mỹ) lại lầm tưởng đó là ranh giới giữa hai thời kỳ, thời kỳ QLVNCH không chiến đấu, và bây giờ là lúc họ bắt đầu chiến đấu. Thái độ này đã bỏ quên dữ kiện là mức tử vong vì chiến sự hằng tháng của QLVNCH đã vượt xa mức tổn thất trong toàn cuộc chiến của tất cả các lực lượng đồng minh cộng lại.
 
Rốt cuộc thì QLVNCH cũng được cung cấp vũ khí tối tân, thay thế những trang bị thời thế chiến thứ hai mà hầu hết quân lực này phải sử dụng (khoảng đầu năm 1968 chỉ có 5% quân đội VNCH được trang bị súng M16), nhìn chung thì thua kém vũ khí của Việt cộng và bộ đội Bắc Việt. Đồng thời, quân số cũng tăng tiến, theo như bảng dưới đây trình bày:
(bảng ghi những con số gia tăng quân số của các lực lượng chính quy và Địa phương quân, Nghĩa quân, từ năm 1968 đến năm 1972, cho thấy quân số tổng cộng tăng 28%, từ 820 ngàn lên 1 trịêu 48 ngàn quân. Trong đó, không quân gia tăng quân số tới 163%, hải quân tăng 110%, lục quân tăng gần 8% quân số)
Trong bảng này, nhóm từ Anh ngữ ARVN, tức the Army of Republic of Vietnam, có nghĩa là Lục quân Việt Nam, chỉ bao gồm 38% QLVNCH (tác giả không đồng ý dùng nhóm chữ ARVN để chỉ QLVNCH, và ông dùng nhóm chữ RVNAF, Republic of Vietnam’s Armed Forces). Ngoài ra còn những thành phần khác, gồm cảnh sát dã chiến, Nhân dân tự vệ, và các toán xây dựng nông thôn. Lực lượng xây dựng nông thôn không được coi là lực lượng chiến đấu, còn lực lượng Nhân dân tự vệ thường bị chế diễu nhưng (những lực lượng này) cũng là chướng ngại cho quân Việt cộng và quân đội Bắc Việt (North Vietnam’s Army trong nguyên bản). Có lần một toán cán bộ xây dựng nông thôn đã đẩy lui cả một tiểu đoàn Việt cộng ở tỉnh Vĩnh Long. Các toán viên biết gọi pháo binh của tỉnh yểm trợ. Chuyện này cũng không được biết đến để ghi nhận vào tài liệu.
 
Thành phần của lực lượng Nhân dân tự vệ thì quá trẻ, hay quá già, hay vì thương tật nên không gia nhập quân đội chính quy, chỉ phục vụ như lực lượng phòng vệ làng ấp chống lại những toán thu thuế, tuyển mộ, hay tuyên truyền của cộng sản địa phương. Nhưng Nhân dân tự vệ cũng là một yếu tố mà cộng sản địa phương phải đối phó sau năm 1968. Trứoc đó không có lực lượng này, Việt cộng ở địa phương tự do đi vào ấp xã lúc ban đêm. Nhiều lúc Nhân dân tự vệ không có hiệu quả, nhiều khi họ bị tuyên truyền để đi theo Việt cộng, nhưng có nhiều lúc khác lại có những báo cáo như sau: (trích từ các sách vở của các tác giả người Mỹ)
 
“ Hai Việt cộng đang bắt cóc một Nhân dân tự vệ thì một Nhân dân tự vệ khác xuất hịên, bắn chết hai Việt cộng này bằng súng M 1 (không ghi rõ garant hay carbine), tịch thu được một súng AK47 và một súng lục 9 ly.”
 
Và “cả hai ấp Prey Vang và Tahou đêm nay bị bắn súng nhỏ và B-40. Nhân dân tự vệ địa phương đẩy lui hai toán trinh sát nhẹ”
 
Còn nữa: một Nhân dân tự vệ 18 tuổi đã là người bắn cháy chiếc xe tăng đầu tiên trong rất nhiều xe tăng T 54 của Bắc Việt bị tiêu huỷ tại An Lộc trong cuộc bao vây năm 1972.
 
Hà Nội không mấy hài lòng về lực lượng này, theo như tài liệu sau đây:
“Chúng (QLVNCH) tăng cường các lực lượng bù nhìn, củng cố chính quyền bù nhìn và thiết lập mạng lưới tiền đồn cùng các tổ chức Nhân dân tự vệ bù nhìn ở nhiều làng xã. Chúng cung cấp thêm trang bị kỹ thuật và tính lưu động cho lực lượng bù nhìn, thiết lập những tuyến phòng vệ, và dựng ra cả một hệ thống phòng thủ và đàn áp mới ở những khu vực đông dân cư. Kết quả là chúng đã gây nhiều khó khăn và tổn thất cho lực lượng bạn (Việt cộng).”
 
Sự kiện này không thể xảy ra trước năm 1968, khi lực lượng Nhân dân tự vệ được thành lập và trang bị bằng những vũ khí thời thế chiến thứ hai do các lực lượng QLVNCH chuyển giao lại.
 
Tương tự như vậy, lực lượng Nghĩa quân, Địa phương quân với sự trợ giúp của các toán cố vấn Mỹ lưu động, được tuyển mộ thêm từ năm 1968 và trang bị vũ khí tốt hơn, khởi sự tiến bộ, như cố vấn David Donovan thuộc một toán lưu động chứng kiến trong một trận tấn công bộ binh năm 1970: “ Chúng tôi vừa vuợt khỏi khu mìn bẫy chính thì bị hoả lực từ một rặng cây trước mặt bắn tới. Nước văng tung toé xung quanh, đạn bay véo véo trên đầu, trong tiếng súng nhỏ nổ dòn. Binh sĩ bây giờ phản ứng tốt lắm, không giống như trước kia cứ mỗi khi bị bắn là họ gần như tê liệt. Trung sĩ Abney chỉ huy cánh đuôi của đội hình hàng dọc, bung qua bên phải, sử dụng như thành phần điều động tấn kích, trong khi chúng tôi ở phía trước phản ứng lại hoả lực địch. Khi toán của Abney tới được chỗ địa thế có che chở thì họ dừng lại và bắt đầu tác xạ. Duới hoả lực bắn che đó chúng tôi tràn tới một vị trí khác. Hai thành phần chúng tôi yểm trợ nhau như vậy và tiến được tới hàng cây, sẵn sàng xung phong. Ba người trong toán của tôi bị trúng đạn, không biết nặng nhẹ ra sao nhưng mọi người đều xông tới. Chúng tôi đã hành động khá hay.”
 
Kinh nghiệm của Donovan không phải là độc nhất. Cố vấn John Cook nhắc lại niềm lạc quan của ông vào năm 1970:
“Chúng tôi (tức Cook và sĩ quan đối tác phía Việt Nam) đang rất lên tinh thần, cảm thấy như mình là “kim cương bất hoại”.
 
Tinh thần chiến đấu và hăng hái chủ động tấn công trong quận hết sức cao, khiến chúng tôi truy kích quân địch một cách gần như khinh suất, liều lĩnh.”
Những thành tích như vậy không phải mọi nơi đều có. Có những đơn vị không đáp ứng được trong thời kỳ thay đổi và vẫn bị lãnh đạo chỉ huy kém cỏi, chẳng thực hiện một cuộc hành quân lục soát với chiến thuật chủ động tấn công nào. Có khi cố vấn Hoa Kỳ suýt bị giết hay bị dọa giết bởi những sĩ quan địa phương của Việt Nam mà họ không hoà thuận được. Nhiều cố vấn Mỹ khác không gặp cảnh ngộ khó chịu đó, nhưng cũng chẳng có ấn tượng tốt nào về hoạt động của những đon vị mà họ cố vấn. Dù sao thì những chuyện tích cực và thích thú do cố vấn Mỹ chứng kiến cũng đầy rẫy, nhưng lại hoàn toàn vắng bóng trong những cuộc thảo luận trên nước Mỹ hay trong ý tưởng của những người Mỹ bình thường, cũng như trong những gì được dạy dỗ tại các trường học Hoa Kỳ.
 
Sự tiến bộ hay những tấm gương xuất sắc ngay trước mắt không phải chỉ hiển hiện trong những lực lượng lãnh thổ và những sư đoàn bộ binh VNCH, (là những đơn vị) thường bị cho là không mấy nổi trội về chiến thuật chủ động tấn công. Cố vấn về kế hoạch bình định của tỉnh Quảng Trị Richard Stevens, trước đó từng phục vụ trong Thuỷ quân lục chiến Mỹ tại Việt Nam, tỏ ra ngạc nhiên trước thành tích của một đơn vị thụôc sư đoàn 1 bô binh Việt Nam trong trận tấn công một vị trí phóng hỏa tiễn của quân Bắc Việt:
“Tôi có ấn tượng hoàn toàn tốt, và thực sự là kinh ngạc, về cách thức hành quân và sự táo bạo của họ trong mọi việc... Đây là cuộc hành quân thứ 13 như vậy do vị tiểu đoàn trưởng này chỉ huy. Ta đang nói chuyện về những chuyên gia hết sức tinh thục trong những gì họ làm, những người đã từng thực hịên những công tác sởn tóc gáy và vẫn tiếp tục thực hiện... Các cố vấn của trung đoàn này luôn luôn nói với tôi lúc tôi ra đó, rằng ‘anh đang làm việc với những người giỏi nhất. Chúng ta không có điều gì để mà có thể nói cho những người này làm. Chúng ta (các cố vấn) chỉ có việc yểm trợ hoả lực mà thôi. Còn về sự hiểu biết trong hành quân, thì họ là người dạy chúng ta’ Chúng tôi có các cố vấn người Úc và người Mỹ, họ đều nói y như nhau” (tác giả trích luận án Master năm 1987 của Howard C.H Feng, đại học Hawaii)
 
Ở miền Nam, trong lãnh thổ tỉnh Định Tường thuộc quân khu IV, sư đoàn 7 bộ binh VNCH cũng thi hành nhiệm vụ không hề có khuyết điểm, theo lời xác nhận của các cố vấn và các phi công Mỹ lái trực thăng chuyển quân cho các binh sĩ sư đoàn 7 trong những trận tấn công. Sư đoàn này từng bị mang tiếng là sư đoàn “lùng và né” (thay vì “lùng và diệt”, search and destroy), có thể vì trận Ấp Bắc hồi 1963, nhưng những ai trực tiếp công tác với họ không thể nói gì hơn là những lời ca tụng, ngưỡng mộ về sự tinh thông chiến thuật và tinh thần hăng hái xông xáo. Một cựu cán binh Bắc Việt xác nhận về sự dũng cảm của sư đoàn 7 bộ binh:
“Vùng giải phóng bị thu hẹp... Tôi mất thêm thời gian di chuyển quanh, cố tránh xa các cuộc hành quân của quân đội VNCH.
 
Ở Bến tre (tức tỉnh Kiến Hoà) sư đoàn 7 VNCH là lực lượng chính gây nên nhiều khó khăn. Hầu hết sư đoàn được tuyển mộ ở vùng châu thổ sông Cửu Long nên họ biết rành hết cả vùng. Họ thông thuộc vùng này cũng như chúng tôi” (tác giả trích dẫn David Chenoff và Đoàn văn Toại, sách Chân dung kẻ địch, Random House ở New York xuất bản năm 1986)
 
Tình hình còn tồi tệ hơn khi các đơn vị quân đội Bắc Việt điền khuyết cho các đơn vị “Việt cộng”, không hiểu biết chút nào về vùng này và được trang bị kém cho cuộc chiến kiểu các rặng cây ở phía bắc vùng châu thổ. Một tù binh cho biết bị bắt sống không bao lâu sau khi tới, lúc anh ta và những người khác được lệnh phục kích một cuộc hành quân càn quét của sư đoàn 7 vào ngày hôm sau. Bố trí xong trước bình minh, đội quân đáng lẽ phục kích người ta thì lại bị tấn công từ phía sau do thành phần bên sườn của sư đoàn 7, trước khi tới lượt lực lượng chính. (tài liệu trích dẫn) Kết quả của điều này thêm hiển nhiên trong thời gian giữa 1968 và 1971, thời kỳ mà quân số lực lượng Hoa Kỳ giảm thiểu hơn một nửa, trong khi những cuộc hành quân tấn công của Việt cộng và quân Bắc Việt lại bị suy giảm rõ rệt:
(Bảng thống kê trong bài ở đoạn này cho thấy lực lượng Mỹ ở Việt Nam từ năm 1968 đến 1971 đã giảm 322 ngàn quân, tức 58%, các cuộc tấn công của Việt cộng và quân Bắc Việt cấp tiểu đoàn trở lên giảm 98%, chỉ còn 2 trận, những cụôc tấn công lẻ tẻ của phía cộng sản cũng giảm, kể cả những vụ bắt cóc, khủng bố, trong khi số xã ấp có an ninh tăng 56%, diện tích trồng tỉa lúa tăng 9,8%, thương vong vì chiến tranh của dân và quân phía VNCH giảm 55%, quân số của Việt cộng, Bắc Việt trên toàn miền Nam giảm 21%)
 
Tỷ lệ về các cuộc tấn công lớn nhỏ của phía cộng sản giảm hơn là tỉ lệ giảm quân số, cho thấy một sự sa sút toàn diện về khả năng quân sự, duới tỉ lệ dự đoán là 21% quân số sụt giảm. Điều này xảy ra trong khi quân số tham chỉến của Hoa Kỳ giảm tới 58%. Quân cộng sản Bắc Việt và Việt cộng không những chỉ có mặt ít hơn trên toàn lãnh thổ, mà còn kém khả năng tung ra những cuộc hành quân tấn kích.
 
Nhiều con số thống kê của VNCH không chính xác, nhất là con số xã ấp có an ninh thì lại còn kém xác thực hơn, nhưng biểu đồ khuynh hướng khá rõ ràng, và không có bằng chứng dù về thống kê hay tin đồn vặt, mà nêu ra điều gì khác hơn là sự xuống dốc thẳng đứng trong thời vận của quân Việt cộng và quân đội Bắc Vịêt trong khoảng thời gian từ 1968 đến 1971.
 
 Trong khi Việt cộng, gọi như vậy để phân biệt với quân Bắc Việt, không bị tiêu dịêt hoàn toàn, và những ổ kháng cự có ảnh hưởng mạnh do họ kịểm soát vẫn tồn tại ở những tỉnh như Chương Thiện, Định Tường, Quảng Nam, Quảng Ngãi, thì Việt cộng ở địa phương cũng không còn là một lực lượng chiến lược. Nếu không có sự xâm nhập đại quy mô của quân Bắc Việt và sự cung cấp vũ khí hiện đại, thì chiến tranh đã dần dần tự tàn lụi. Những đơn vị và khu vực của Việt cộng tồn tại được cũng hoàn toàn không phụ thuộc vào quân đội Bắc Việt để sống còn. Tác giả “phản chiến” Frances Fitzgerald của cuốn “Lửa trong hồ” (thật khôi hài, là cuốn sách bị đả kích bởi cả người chỉ đạo về tư tưởng của Hà Nội, Nguyễn Khắc Viện, lẫn người ủng hộ Mặt trận Giải phóng và Hà Nội, Ngô Vĩnh Long), nhìn nhận rằng khả năng sinh tồn của cả Việt cộng lẫn QLVNCH hồi năm 1966 là mỗi bên 50%, nhưng đến 1969 thì cơ hội sống còn của Việt cộng chỉ còn 10%, trong khi tỉ lệ này phía QLVNCH lên hẳn 90%. Nguyễn Văn Thành, sau 23 năm theo Việt cộng, hồi chánh năm 1970, cho rằng cứu cánh của Mặt trận giải phóng là vô vọng. Ông ta nêu ra những cuộc hành quân gia tăng của QLVNCH, sự phát triển những đơn vị Nghĩa quân xã quận và các chương trình Nhân dân tự vệ, cùng với kế hoạch cải tổ về ruộng đất của chính phủ VNCH, coi đó là những việc không thể đối phó được nữa. Stanley Karnow khẳng định thằng thừng trong cuốn sách được đánh giá cao quá đáng của ông, không cần giải thích nguyên do, rằng đến năm 1971, thì “riêng phía Việt cộng không phải là đối thủ của quân đội chính quyền Sài Gòn”.
 
Don Colin trải qua nhiều năm ở Việt Nam, được nhiều người biết đến qua lối bày tỏ thô lỗ, phản bác thô bạo và quá đáng, cộng với lối rủa xả om xòm những gì mà ông ta coi là tào lao nhảm nhí. Ông này đã phải chịu đựng những khó khăn trở ngại, những khởi đầu sai lạc cùng những vấn đề tương tự, bị coi như toàn những điềm gở . Nhưng năm 1971 Don Colin cũng thấy những kết quả tích tụ hiển hiện ở vùng châu thổ:
“Ba mươi tháng trước, con số những cấp chỉ huy giỏi ở quân khu IV chỉ đếm được trên một bàn tay. Ngay cả tư lệnh quân đoàn, một cấp chỉ huy tốt, trong sạch và tương đối có khả năng, cũng nhút nhát, thiếu óc sáng tạo và không đủ sức kích động thuộc cấp vào những hoạt động xông xáo và tích cực. Cấp tư lệnh sư đoàn thì phần lớn thiếu khả năng, hầu hết các tỉnh trưởng cũng kém cỏi và tham nhũng. Các cấp chỉ huy thuộc quyền của họ thì chẳng những noi gương xấu mà nhiều khi còn phạm khuyết điểm quá hơn cấp trên nữa. Nhưng nay thì chuẩn mực chung về tài năng, sự trong sạch và tận tâm đã tăng lên tới mức mà trước kia tôi cho là không thể tưởng tượng được. Sự thay đổi đặc biệt này khiến tôi thêm lạc quan tin tưởng ở khả năng tối hậu của chính phủ trong việc kiểm soát được Việt Nam và thành lập một chính quyền ổn định.”
 

Son H Cao
Quân lực Việt Nam Cộng Hoà: 1968-1975
Bài của nhà nghiên cứu về Việt Nam Bill Laurie
- Người dịch: Nguyễn Tiến Việt.
Phần 2 hết
Rồi tới cuộc tấn công 1972 của Hà Nội, một cuộc tấn công tốc chiến phối hợp phương tiện cơ khí kiểu cổ điển (a classical blitzkrieg), với đặc điểm là những vũ khí hạng nặng và những vũ khí chết người được đưa ra sử dụng như hoả tiễn tầm nhiệt phòng không SA-7, hoả tiễn công phá điều khiển bằng dây AT-3, những đoàn chiến xa T-54 đuợc yểm trợ bằng mấy trăm khẩu đội hoả tiễn 122 ly, đại bác 130 ly, hơn hẳn tất cả mọi thứ từng được Hoa Kỳ cung cấp cho lực lượng pháo binh QLVNCH. QLVNCH bị đánh tơi bời, có lúc đã gần tới kết cuộc, và sự đổ vỡ hiển hiện rõ ràng. Nhưng cái quân lực đang nằm đo ván đã đứng dậy ở tiếng đếm thứ 8, hồi phục sức lực và bẻ gãy cuộc tấn công nặng nề nhất ở Việt Nam, tính tới lúc đó.
 
Không ai khác hơn là học giả hàng đầu của Hoa Kỳ về Việt Nam, Douglas Pike, đã tuyên bố cuộc xâm lược của Hà Nội thất bại là vì “... Nam Việt Nam chiến đấu hơn hẳn quân đội xâm lăng đến từ phương bắc” Nhiều nhà bình luận, kể cả tướng Ngô Quang Trưởng, nói tới không lực Hoa Kỳ như một yếu tố quyết định, thì đó đúng là yếu tố chính. Nhưng những điều ngụ ý nói là QLVNCH không thể chiến đấu nếu như không có không lực Mỹ, thì đã thiếu sót hai điều căn bản. Thứ nhất, quân đội Mỹ cũng chỉ được yểm trợ bằng không lực giống như QLVNCH đã được. Thứ hai, là điểm người ta ít nhìn ra: không lực Hoa Kỳ là một yếu tố bổ sung để cân bằng với hai lực lượng vuợt trội của Bắc Việt là thiết giáp và, lợi hại hơn cả, là lực lượng pháo binh hơn hẳn, hoả tiễn 122 ly chính xác và đại pháo 130 ly gây tàn phá quy mô ở tầm tối đa 19 dặm (32 km). Hoa Kỳ không cung cấp cho đồng minh của họ, VNCH, những vũ khí lợi hại ngang bằng, nhất là về pháo binh, như Liên Xô và Trung Cộng cung cấp cho Hà Nội. Hà Nội có hằng trăm hoả tiễn 122 và đại pháo 130. QLVNCH không đủ đại bác để phản pháo, chỉ có 24 khẩu 175 ly, không chính xác bằng, bắn chậm hơn các loại 122 ly và 130 ly. Cả pháo đài kiên cố cũng không chịu nổi đạn 130 ly khoan hầm, nổ chậm. Tựu chung, trở lại đề tài không lực, thì không quân Việt Nam đã thi hành nhiệm vụ một cách đáng kính phục trong các trận chiến năm 1972, nhưng vẫn bị giới bình luận Hoa Kỳ hoàn toàn quên lãng. Một chuyên viên điều không tiền tuyến của Hoa Kỳ tỏ ra ngưỡng mộ một phi công A-37 của Việt Nam mà anh ta cùng thi hành một vụ tấn công không lục vào vị trí quân Bắc Việt:
“Anh ta đâm chúc đầu chiếc máy bay xuống tới tầm vũ khí liên thanh, và quả nhiên tôi thấy nhiều lằn đạn lửa vạch đường sáng bao quanh Pepper dẫn đầu. Tôi la lên báo động, thì đã thấy anh thả bom ở độ cực thấp và ghi một bàn tuyệt hảo trúng ngay bức tường. Trong những lần oanh kích tiếp theo ngay đó, các phi công của không quân Việt Nam cũng ghi bàn hoàn hảo mỗi lần đâm xuống, cũng là mỗi lần họ bị đạn phòng không bắn lên xối xả... Hoả lực từ mặt đất vô cùng mạnh mẽ. Quân Bắc Việt có vẻ như biết rằng đối thủ của họ là người Nam Việt Nam.
 
“Tôi tin chắc là hai chiếc A-37 sẽ bị bắn rơi, nhưng cả hai đều xả hết bom đạn của họ trúng đích, không hề hấn gì. Hai phi công không quân Việt Nam đã trình diễn một màn tuyệt vời, và tôi ngưỡng phục lòng can đảm của họ trên cả sự thông minh. Trong giây phút đó lòng can đảm ấy đã vuợt hẳn sự khôn ngoan trong những tính toán hơn thiệt về sự an toàn của cá nhân họ"
 
Đây không phải là một sự kiện riêng lẻ, theo như một quan sát viên không quân của Mỹ chứng thực:
“Không quân Việt Nam tự chứng tỏ sự trưởng thành trong cuộc tấn kích 1972... Trong trận phòng thủ Kontum KQVN thật cừ khôi, hết sức tuyệt diệu”
 
QLVNCH lãnh cú mạnh nhất của Hà Nội năm 1972, mạnh hơn nhiều so với trận Tết Mậu thân 1968, về khía cạnh quân số và hoả lực. Ước lượng có khoảng gần 150 ngàn quân Bắc Việt đã tham chiến trong giai đoạn 1, và thêm 50 ngàn quân khác bổ sung khi trận chiến tiếp diễn. Mặt khác, trong trận Tết ’68 chỉ có 84 ngàn quân Việt cộng và Bắc Việt tham chiến, với pháo binh và xe tăng rất hạn chế (ngoại trừ ở quân khu I) QLVNCH tiếp tục hoạt động tốt đẹp sau khi hịêp định Paris gian lận được ký kết và bị vi phạm lập tức. Cuối tháng 11 năm 1973 một lực lượng đặc nhiệm VNCH đã đánh đuổi sư đoàn 1 Bắc Việt ra khỏi căn cứ Thất Sơn, gây tổn thất nặng tới nỗi sư đoàn 1 này của Bắc Việt phải giải thể, số quân sống sót phải gia nhập các đơn vị khác. Ít tháng sau sư đoàn 7 VNCH tung ra cuộc hành quân lớn để quét các đơn vị Bắc Việt khỏi mặt khu Tri Pháp ở vùng giáp ranh ba tỉnh Định Tường-Kiến tường-Kiến Phong, gây tổn thất nặng cho địch. Tri Pháp chưa bao giờ bị xâm phạm trong suôt cuộc chiến tranh, có đặc điểm là những vị trí phòng thủ kiên cố; cuộc thất trận gây hổ thẹn tới mức nhà cầm quyền cộng sản cảnh cáo các cấp là phải dấu sự thất bại đừng để bộ đội của họ biết, sợ bộ đội xuống tinh thần. Các phái đoàn Ba Lan và Hungary trong cái Ủy ban liên hiệp quân sự bốn bên bất lực, chỉ là gián điệp cho cộng sản Hà Nội. Nhưng một trong những báo cáo của họ năm 1973 xác định là không có đơn vị Việt cộng nào ngang sức với QLVNCH, và cả những đơn vị thiện chiến nhất của Bắc Việt cũng không sánh được với các đơn vị Nhảy DùThuỷ quân Lục chiến của VNCH.
 

Tuy nhiên đến giữa 1974 thì việc Hoa Kỳ cắt giảm viện trợ bắt đầu từ từ siết cổ QLVNCH, và đạo quân này chỉ còn nước xuống dốc dần dần từ khi ấy. Đến 1975 cấp số cung ứng có sẵn (Available Supply Rate- ASR) dành cho đạn đại bác đã giảm nhanh tới mức không thể chấp nhận, như theo bảng dưới đây, cho mỗi khẩu đội bắn trong một ngày:
năm 1972 năm 1975 tỉ lệ giảm
Đạn 105 ly 180 viên 10 viên 94%
Đạn 155 ly 150 viên 5 viên 97%
Đạn 175 ly 30 viên 3 viên 90%
 
Mọi thứ bị cắt đến tận xương, rồi tận tuỷ. Nhiều binh sĩ bộ binh được cấp số đạn căn bản là 60 viên M16 cho một TUẦN LỄ. Nhiều đơn vị cấm binh sĩ bắn M16 liên thanh, chỉ được bắn phát một. Các đơn vị chạm địch có khi bị giới hạn chỉ còn được bắn yểm trợ hai trái đạn đại bác, ngoại trừ khi bị tràn ngập. Thiếu cơ phận thay thế, xe tăng, tàu giang tuần, máy bay... nằm ụ chờ rỉ sét (“cho mối mọt ăn”). Tệ hơn nữa, binh sĩ QLVNCH và gia đình họ phải chịu thiếu thốn khi nền kinh tế bị lạm phát 50%, và 25% thất nghiệp. Một bản nghiên cứu của cơ quan DAO thực hiện năm 1974 tiết lộ 82% binh sĩ VNCH không có đủ thực phẩm cho nhu cầu của gia đình. Đói kém và suy dinh dưỡng làm xuống tinh thần cùng khả năng chiến đấu. Tình hình những tháng sau đó càng xuống dốc, và người ta đau lòng chứng kiến một cái chết chắc chắn sẽ đến vì hằng ngàn vết thương. Một năm sau, khi chính phủ Việt Nam cuối cùng sụp đổ, và, theo như những sách gọi là sách sử, thì nhiều người Mỹ ngạc nhiên, tự hỏi tại sao mọi thứ có thể sụp đổ nhanh chóng như vậy. Lẽ ra câu hỏi đáng chú ý hơn phải là tại sao QLVNCH đã có thể chiến đấu dài lâu sau thời gian giữa năm 1974, với sự thiếu thốn về vũ khí, trang bị, đạn dược, nhiên liệu, thuốc men, với những cái bụng lép kẹp, và gia đình cũng đói khát không kém?
 
Khi bắt đầu sự đổ vỡ tan hoang, và đám đông hỗn độn theo lệnh ông Thiệu rút khỏi vùng cao nguyên, thì khủng hỏang và kinh hoàng xảy đến, phần nào tăng thêm vì những lệnh lạc trái ngược phát xuất từ dinh Tổng Thống. Nhưng trong sự sụp đổ nhục nhã sau cùng, vẫn có không ít những trận “Alamo” nhỏ của những người lính VNCH chiến đấu đến phút cuối.
Sư đoàn 18 đứng vững ở Xuân Lộc là một trận anh hùng ca, nhưng sự có mặt và vai trò của của Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù trong trận này không hề được biết đến. Khi quân khu II đổ vỡ và kết cuộc đã gần, sư đoàn 7 VNCH vẫn đánh bại một nỗ lực của quân Bắc Việt muốn cắt quốc lộ 14, con đường quốc lộ duy nhất nối vùng châu thổ Cửu Long vói Sài Gòn. Vào ngày cuối, gọi là “ngày quốc hận” (tác giả viết bằng tiếng Việt), một máy bay AC-119 trang bị liên thanh sáu nòng do các trung uý Thanh và Trần Văn Hiền (hay Thành, Hiển?) còn bay quanh Sài Gòn yểm trợ hoả lực cho những đơn vị VNCH lâm chiến sau cùng. Hết xăng, hết đạn, họ đáp xuống đổ xăng và lấy thêm đạn, sĩ quan hành quân biểu họ không cần cất cánh nữa, tất cả đã mất hết rồi. Nhưng các trung uý Thanh và Hiền vẫn vững chí, nhận nhiên liệu và đạn dược, và được hai chiếc A1H-Skyraider tháp tùng do thiếu tá Trương Phụng và đại uý Phúc lái, họ tiếp tục lại một trận chiến tuyệt vọng. Sau cùng chỉ còn đại uý Phúc sống sót, oanh kích đến khi hềt đạn. Hai trung uý Thanh, Hiền và thiếu tá Trương Phùng đều bị SA-7 bắn rơi, tử trận. Họ đã chiến đấu đến mãi tận giây phút cuối cùng!
 
Một cách tổng quát, cứ bị đói như QLVNCH đã bị thì không một quân đội nào có thể chống lại cuộc tấn công cuồng bạo của quân đội Bắc Việt, với thừa ứ những khẩu pháo, xe tăng, vũ khí, nhiên liệu, xe tải quân, đạn dược, do khối cộng sản cung cấp. Truớc một đạo quân VNCH bị rút ruột vì cắt vịện trợ như vậy, quân đội Bắc Việt đã phải tung ra tất cả những gì họ có. Chừng 400 ngàn quân cộng sản, gần 90% là bộ đội miền Bắc, được đưa ra trận để đánh bại QLVNCH. Hà Nội chưa bao giờ từng tung ra một lực lượng khổng lồ và hiện đại như họ đã ném vào trận chiến năm 1975. Hà Nội chưa từng rút ra tất cả các đơn vị từ Lào, Cambodia. Về lượng, quân số 400 ngàn là gần gấp 5 số quân Việt cộng và Bắc Việt lâm chiến hồi tết 1968, trong khi về phẩm, còn có hằng trăm đại bác tầm xa, hằng trăm xe tăng, hằng ngàn xe tải, và nguyên một kho vũ khí hiện đại, Đoàn quân viễn chinh năm 1975 có hơn gấp năm lần khả năng chiến đấu của lực lượng cộng sản hồi tết Mậu thân 1968.
Xem xét sự việc từ một khía cạnh khác, có thể phán đoán mà không sợ sai lầm rằng giả sử quân đội Bắc Việt bị yếu đi vì cắt giảm mức cung ứng như QLVNCH đã gánh chịu, thì họ không bao giờ có thể tung ra một cuộc tổng công kích sau cùng, mà hẳn đã yếu kém hơn thế nhiều. Ưu thế hoả lực quyết định chiến trường, chẳng phải là điều gì mới lạ trong lịch sử quân sự. Vào lúc cuối, QLVNCH chịu sự tổn thất khoảng 275 ngàn tử trận, không kể con số bị ám sát, trong một quốc gia mà dân số trung bình khoảng 17 trịêu. Nước Mỹ với dân số 200 trịêu, nếu chịu tổn thất với tỉ lệ tương đương trong cùng khoảng thời gian ấy, con số tử vong sẽ là 3 triệu 200 ngàn, cần dựng thêm 56 bức tường đá đen nữa mới đủ ghi tên tử sĩ. Điều này không lọt qua mắt của một số nhà quan sát. Sir Robert Thompson, tuy biết rõ những nhược điểm của QLVNCH, cũng kết luận:
“ Quân đội và chính phủ VNCH vượt qua những cuộc khủng hoảng quốc gia và cá nhân mà có thể đã nghiền nát hầu hết mọi người, và mặc dù mức tổn thất có thể gây kinh ngạc và làm sụp đổ Hoa Kỳ, VNCH vẫn duy trì được một trịêu quân dưới cờ sau hơn 10 năm chiến tranh. Vương quốc Anh cũng làm được như thế, theo tỉ lệ tương đương, trong năm 1917, sau ba năm chiến tranh, nhưng không bao giờ làm được nữa. Hoa Kỳ chưa bao giờ làm được điều này.” (được nhấn mạnh và thêm vào)
 
Ký giả Peter Kann, sáng suốt hơn rất nhiều so vói những đồng nghiệp, cũng nhập cuộc, sau khi Sài Gòn thất thủ: “Nam Việt Nam quả đã phấn đấu để kháng chiến trong nhiều năm ròng rã, không phải lúc nào cũng được Hoa Kỳ giúp đỡ dồi dào. Ít có quốc gia hay xã hội nào mà tôi cho là có thể chíên đấu được lâu dài đến thế.”
 
Kế hoạch Việt Nam hoá có hiệu quả không? QLVNCH có trưởng thành nên một lực lượng chiến đấu có khả năng?
Có thể biện luận rằng kế hoạch Việt Nam Hoá có hiệu quả, nhưng lại bị moi ruột vì cắt giảm viện trợ chí tử. Năm 1974 có cuộc thăm dò các tướng lãnh Hoa Kỳ từng phục vụ tại Việt Nam, nhằm tìm hiểu chương trình Việt Nam hoá thành công tới mức nào. Các câu hỏi và trả lời như sau:
1. QLVNCH là lực lượng chiến đấu rất đáng chấp nhận?: 8% đồng ý.
2. QLVNCH xứng đáng và cơ may hơn 50% đứng vững trong tương lai?: 57% đồng ý.
3. Có nghi ngờ khả năng QLVNCH có thể đẩy lui một cuộc tấn công mạnh của lực lượng Việt cộng- Bắc Việt trong tương lai?: 25% nghi ngờ
4. Ý kiến khác và không ý kiến: 10%
 
Như vậy 65% các tướng lãnh chỉ huy của Hoa Kỳ dành cho QLVNCH tỉ lệ phiếu thuận, tuy nhiên những câu trả lời này có thể đã mang khuynh hướng lệch theo chiều xuống. Không biết bao nhiêu vị tướng phục vụ trong khoảng 1966-1967, trước khi QLVNCH thực hiện những đổi thay to lớn nhất. Chức vụ mà các sĩ quan này đảm trách là gì, họ làm việc với ai, và họ quen thuộc với quân đội VNCH ở mức độ nào, sự tăng tiến hiệu năng của lực lượng Địa phương quân, Nghĩa quân vân vân... cũng không được tiết lộ. Câu hỏi cũng không hỏi :”Nếu quân đội Mỹ cũng bị cắt giảm cung ứng như QLVNCH vào năm 1974-1975 thì còn đứng vững được bao lâu?”
 
Điều có thể nói chắc chắn, là QLVNCH từ 1968 trở đi đã hoàn thành nhiệm vụ tốt đẹp hơn nhiều so với những gì được biết đến một cách chung chung, rằng các đơn vị QLNCH đã thi triển tài năng để có thể đứng vững và đánh bại quân xâm luợc Bắc Việt trong năm 1972, thuờng là không cần tới sự yểm trợ hỏa lực ồ ạt của pháo binh và không quân chiến thuật, như trong trường hợp của Nghĩa quân và Địa phương quân. Điều có thể nói chắc chắn nữa là sự hiểu biết của người Mỹ về việc này thấp kém đến kinh tởm, thấp tít mù xa như vực thẳm không đáy.
 
Một yếu tố rất quan trọng nữa mà nhiều nhà bình luận bỏ qua và tới nay vẫn không biết gì hơn, là thế hệ các sĩ quan, hạ sĩ quan QLVNCH trẻ trung hơn, hết lòng hết dạ vì mục tiêu một nước Việt Nam không cộng sản. Họ cởi mở, ngay thật, biết lẽ phải, trong sạch, biết nhìn nhận phải trái, ví dụ như họ cho là người Thượng không nên được đối xử thấp kém hơn, rằng tham nhũng cần bị công kích, rằng một quốc gia Việt Nam mới cần được tạo thành, bung ra khỏi mọi xích xiềng quá khứ. Nhiều người trong số này có thể có vị trí tốt để tránh quân dịch hay giữ một chỗ an toàn, không ra trận; nhưng họ không cần cả hai thứ đó, đã có mặt trong hàng ngũ phục vụ tại những vị trí chiến đấu đầy nguy hiểm, với tư cách những người tình nguyện. Thái độ của họ được một sĩ quan trẻ của QLVNCH bày tỏ:
“Những người ở cỡ tuổi tôi vào quân đội vì chúng tôi có một lý tưởng, chúng tôi hiểu được cuộc sống trong một thế giới tự do ra sao, và sống trong thế giới cộng sản ra sao. Không phải như người ta nói, rằng những ai vào quân đội thì chỉ vì đến tuổi lính và không có lý tuởng gì riêng cho mình. Nhưng người Mỹ không bao giờ có vẻ hiểu ra điều đó.”
 
Trần Quốc Bửu là chủ tịch Liên Đoàn Lao công Nam Việt Nam, tương đương với AFL-CIO của Hoa Kỳ. Ông có ảnh huởng và có thể xếp đặt cho con trai ông tìm một chỗ an toàn, an toàn hơn nhiều so với vị trí của anh này là một sĩ quan bộ binh VNCH. Trong những tuần lễ sau cuối của VNCH, lúc bị Bắc Việt dập pháo tơi bời, tuyệt vọng trong cảnh thiếu đạn, con ông Bửu viết cho ông một lá thư:
“Ba phải giải thích cho người Mỹ hiểu sự nghiêm trọng của tình hình chúng ta... Họ phải cung cấp vịên trợ quân sự và kỹ thuật như họ đã hứa. Con xin ba, ba à, hãy can thiệp với họ. Nếu không, chúng ta sẽ bị đè bẹp và thất trận. Tụi con không hèn nhát. Tụi con không sợ chết... Trong mọi tình huống, con sẽ giữ vững vị trí và không rút lui.”
 
Con ông Bửu hy sinh tại chiến trường.
Bác sĩ Phan Quang Đán là quốc vụ khanh về định cư và tị nạn, một cựu đối lập với ông Ngô Đình Diệm, nổi tíêng nhờ trong sạch. Ông có đủ quyền lực và ảnh hưởng để giữ con trai là Phan Quang Tuấn khỏi bị nguy hiểm. Cả hai cha con đều không chọn điều đó, và Tuấn tình nguyện lái A-1E Skyraider, chỉ dùng để yểm trợ chiến thuật gần cho các dơn vị dưới đất. Sau khi tiêu diệt 7 xe tăng quân Bắc Việt tại khu vực ngưng chiến, trong trận tấn công 1972 của Hà Nội, đại úy Tuấn bị hoả lực phòng không địch bắn rơi, tử trận. Những cá nhân ấy không phải là duy nhất. Người viềt bài này hằng ngày gặp những phi công trực thăng võ trang trẻ tuổi, những sĩ quan trẻ trong Biệt động quân, Thuỷ quân lục chiến, Nhảy dù, tất cả đều tình nguyện lãnh nhiệm vụ tác chiến nguy hiểm, bị “luỡng đầu thọ địch”, với hệ tư tưởng về một nước Việt Nam cộng sản, và với nạn tham nhũng trở thành thông lệ hằng ngày ở Sài Gòn. 
 
- “Anh sắp bị giết đó!
- Vâng.
Một sinh viên sĩ quan trả lời.
- Sao vậy? Đã kết thúc rồi mà!
- Tại vì chúng tôi không ưa cộng sản”
Và, lòng đầy can đảm, những sinh viên trẻ tuổi trong bộ quân phục mới toanh, tuyệt đẹp, giày bóng loáng, tiến ra để chờ chết”
 

Trường Thiếu Sinh quân ở Vũng Tàu
, là trường nội trú, trong học trình có dạy quân sự cho các thiếu niên Việt Nam có cha tử trận. Khi đến lúc cuối, những em trai 12-13 tuổi đuổi các em thiếu sinh quân nhỏ hơn về nhà, lập chướng ngại vật bảo vệ trường và đối đầu với các đơn vị quân Bắc Việt:
“Họ tiếp tục chiến đấu sau khi tất cả mọi người khác đã đầu hàng!... Nhiều người trong số họ bị giết. Và khi quân cộng sản tiến vào, các thiều sinh quân đánh trả. Cộng sản không vào được ngôi trường ngay lúc đó.”
Những con người tương tự (lúc đó) đang gia tăng trong mọi cấp bực của QLVNCH, và nhu cầu cấp bách của tình hình buộc sự thăng thưởng phải dựa trên khả năng, không dựa trên quan hệ chính trị hay quan hệ gia đình.
 
Giới truyền thông Hoa Kỳ đã thất bại tại Việt Nam, thua bại hoàn toàn và thê thảm hơn nhiều so với các lực lượng quân sự của VNCH, Hoa Kỳ và các đồng minh. Họ thường lên án bằng những lối can thiệp đầy tự phụ và tự mãn. Một cuộc thăm dò 9,604 chương trình truyền hình của NBC, CBS và ABC từ 1963 đến 1977 cho thấy rõ những sự thiều sót của những cái gọi là bài tường thuật truyền hình. 0,7% chưong trình nói về việc huấn luyện QLVNCH. 0,8% về bình định. 2,7% về chính quyền hay quân lực VNCH hay Cambodia. Tổng cộng chỉ có 392 chương trình, tức 2,7% toàn bộ các chương trình tin tức truyền hình Mỹ, tường trình về Việt Nam. Không có một lời nào về hơn 200 ngàn hồi chánh viên, không một lời về QLVNCH thiện chiến. Không có gì về những phi công Ong Chúa lừng danh của trực thăng Việt Nam cứu mạng cho những toán lực lượng đặc biệt Hoa Kỳ chạm địch dọc đường mòn Hồ Chí Minh. Hầu hết người Mỹ, nếu không phải là tất cả, đều nhớ hình ảnh bi hùng của một người Trung Hoa đứng trước đoàn xe tăng ở quảng trường Thiên An Môn, nhưng không ai biết trung sĩ thuỷ quân lục chiến Việt Nam Huỳnh Văn Lượm đứng trên cầu Đông Hà chặn đứng đoàn xe tăng Bắc Việt, tác xạ bằng khẩu súng chống tăng LAW của anh:
“Cảnh tượng anh lính TQLC nặng có 95 cân Anh trụ ngay trên đường tiến của 40 xe tăng không có ý nào muốn dừng lại, trên một khía cạnh thì là dại dột một cách khó tin. Trên khía cạnh khác, quan trọng hơn, hình ảnh này mang đầy niềm phấn khích đối với một lực lượng phòng thủ mỏng manh đến thê thảm, và với nhiều người tị nạn, ít ai trong số đó từng chứng kiến một hành động thách đố dũng cảm đến thế... Sự anh dũng lạ thường của người lính thuỷ quân lục chiến Nam Việt Nam này đã khiến đợt tấn công bằng xe tăng, tới lúc đó chừng như chắc chắn phải thắng lợi, đã bị mất đà tấn kích.”
 
Trong một khoảnh khắc mà giới truyền thông mang tật cận thị lên tiếng, thì phóng viên Donald Kirk tuyệt đối không tỏ ra sự quan tâm nào khi đến thăm sư đoàn 7 bộ binh VNCH, nơi đã trở nên một đơn vị có hiệu năng cao tuyệt dưới tài lãnh đạo của tướng Nguyễn Khoa Nam. Quân nhân trong sư đoàn nhận thức rõ giá trị những nông trại của sư đoàn do tướng Nam thiết lập để giảm bớt gánh nặng kinh tế cho binh sĩ của sư đoàn 7. Nhưng khi Kirk và các phóng viên khác bị giữ lại ở một điểm chắn đường của quân đội Bắc Việt rồi được thả ra sau đó, thì Kirk lại thất vọng vì anh ta không có cơ hội để nói chuyện với bộ đội Bắc Việt:
“Tôi cứ nghĩ mãi về việc trông họ như vừa bước ra khỏi cuốn phim. ... Họ có vẻ là những tay chính quy, vậy đó. Tôi chỉ mong sao chúng tôi đã có thể ở lại thêm và nói chuyện với họ lâu hơn.”
 
Ông Kirk có thể yên tâm rằng quân sĩ sư đoàn 7 đều là “những tay chính quy”, rất đáng để nói chuyện, và học hỏi nơi họ. Anh chàng này, cũng như đông đảo trong giới truyền thông làm tin tức, đã không để ý gì đến việc đó, cho nên không có gì kỳ bí về nguyên nhân vì sao hầu hết những người Mỹ từng phục vụ tại Đông Nam Á đều nhìn cái giới truyền thông tin tức này với sự khinh miệt gay gắt.
 
Phải chi giới này chịu khó quan hệ với quân dân Việt Nam mà họ gặp gỡ, như tôi đã làm nhiều lần, thì đám ký giả hẳn đã biết trong mắt những người Việt ấy chủ nghĩa cộng sản của Hà Nội là điều đáng khinh bỉ và kinh tởm, như một loại phản bội văn hoá và truyền thống Việt Nam. Không phải những người Việt này chiến đấu và hy sinh để bảo vệ “chế độ tham nhũng của Thiệu”, mà là để gìn giữ một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân, cho con cái, và cho đất nước của họ. Một thuỷ quân lục chiến Việt Nam diễn giải và lột tả chân xác nhất về điều này, khi anh ta nói với tôi rằng sau khi quân đội VNCH giải quyết xong với quân đội miền Bắc, họ sẽ quay súng lại chống đám tham nhũng ở Sài Gòn. Những sự kiện thảm thiết bi thương sau năm 1975đã chứng thực tính thuận lý và giá trị của điều quyết tâm ấy
 
Giới truyền thông giải trí và giới giáo dục ở Hoa Kỳ cũng chẳng khá gì hơn, mà còn mãn nguyện khi lặp lại, nếu không phải là thêm mắm thêm muối vào cái chuyện thần thoại do truyền thông dựng lên. Một cuốn sách sử trung học được sử dụng rộng rãi ở Mỹ có chương sử về Việt Nam không hề nói đến QLVNCH, chỉ viết rằng :”Việt Nam hoá thất bại,” ngoài ra còn gom góp hơn 200 điều khẳng định có thể được chứng minh là sai trái và mang hoàn toàn tính chất dẫn dắt lạc hướng, trong 13 trang bài học. Có nói đến vụ tấn công sang Cambodia, nhưng không nói gì về việc quân VNCH tham dự đông đảo hơn lực lượng Hoa Kỳ, 29 ngàn quân so với 19,300 quân Mỹ tham chiến. Sách cũng không nói lên rằng trước khi chính thức mở chiến dịch, quân đội VNCH đã tấn công trước vào các vị trí phòng thủ của quân đội Bắc Việt ở Cambodia. QLVNCH đã hoàn toàn vô hình, như một đề tài sẽ được trình bày nơi đây (trong cuộc hội thảo)
 
Phim ảnh và truyền hình lại càng tệ hơn, mặc dù có được một số phim tài lịêu lịch sử. Cả cuốn phim “Bat 21”, nhằm miêu tả cuộc tìm cứu trung tá Iceal Hambleton năm 1972, không thể hiểu được tại sao đã loại hẳn sự kiện là một chiến sĩ Người Nhái Việt Nam, Nguyễn Văn Kiệt, người cùng thi hành công tác tìm cứu đó với người nhái Hoa Kỳ Tom Norris, được tặng thưởng huy chương US Navy Cross do sự dũng cảm và anh hùng của Kiệt. Làm sao công chúng có thể trông mong được biết bất kỳ điều gì khi mà chề độ “kiểm duyệt” trên thực tế đã bôi xoá tất cả và từng dấu vết của sự hoạt động gương mẫu của QLVNCH
 
Sau cùng, cần phải nhìn nhận rằng QLVNCH đã bị đè bẹp bởi một gánh nặng trầm kha không thể nào vượt thắng: đó là một đồng minh bất xứng, ngu dốt và gây rối một cách đáng kinh ngạc, dưới hình thức cái chính phủ Hoa Kỳ.
 
Một hội nghị chuyên đề toàn diện nên được tổ chức về đề tài này, và cần phải có hội nghị đó. Những chiến luợc giả hiệu phát xuất từ Washington, về bản chất, phải bị coi là cẩu thả mang tính cách tội ác. Không một hành động nào được tung ra để chặn và giữ đường mòn Hồ Chí Minh. Không có con đường này thì cuộc chiến tranh của Hà Nội đã không thể nào tiến hành được. Không một việc gì được thi hành để giao chiến với chiến tranh thông tin tuyên truyền-phản tuyên truyền dưới hình thức gọi là địch vận, một trong những chiến lược quan trọng của Hà Nội, được thi hành với những sự lừa gạt quỷ quyệt xuất chúng. Không làm một việc gì mãi đến khi cơ quan CORDS được thành lập để ra kế hoạch và phối hợp những hoạt động quân sự và bình định về mặt tình báo. Không làm một việc gì để khai triển một liên minh rộng lớn như một chiến trường chung của người Việt, người Lào, người Cambodia và Thái lan, chống lại kẻ thù chung, trong khi Hà Nội đã làm y như vậy: thiết lập một cấu trúc chỉ huy chiến trường Đông Dương nhằm kết hợp mọi yếu tố vào một chiến lược gắn bó cho toàn khu vực. Lý cớ về lãnh đạo của Hoa Kỳ là mù loà , lần mò vụng dại như con heo trên tảng băng, như một con cóc vàng, rất giàu có nhưng cũng rất ngu độn. (những chữ in đậm là những chữ tác giả viết bằng tiếng Việt) Những kế hoạch, những đề nghị đi ngược giòng lịch sử khó có thể được chứng minh hoàn toàn chăc chắn, và có thể chiến tranh ( Việt Nam đã qua) là một cựôc chiến không thể nào thắng được.
Có thể như vậy. Tuy nhiên những người Mỹ, người Úc đã phục vụ sát cánh những chiến hữu của họ trong QLVNCH, “những chiến hữu, bạn bè, giống như anh em ruột,” (viết tiếng Việt trong nguyên bản) mang trong lòng họ nỗi buồn sâu xa vì đã thua cuộc, hay đã mất biết bao bạn bè tận tuỵ, mất cả niềm vinh dự lớn lao cho việc đã cố gắng đạt cho kỳ được một thế giới tốt đẹp hơn cho những người dân thường của Việt Nam, Lào, Cambodia và Thái Lan. Họ không bị thúc đẩy vì những quan niệm tinh vi về địa lý chính trị thế giới, nhưng đúng hơn, là do sự kính trọng và ngưỡng mộ đối với nhiều người Đông Nam Á đã biềt yêu quý xứ sở, những con người đã “thề bảo vệ giang sơn quê hương”
 
Nhiều trang lịch sử còn chưa được lật ra, phản ảnh sự tiếp nối cái khuynh hướng của Hoa Kỳ chỉ toàn nhìn qua con mắt người Mỹ, bị lọc qua định kiến của người Mỹ. Một số sách vở nói đến Việt Nam như một “giai đoạn thử thách đầy khổ đau của Hoa Kỳ,” mà chưa từng một lần hỏi xem người Đông Nam Á đã trải qua loại thử thách khổ đau nào. Đầy rẫy những dữ kiện lịch sử quý giá và những nét quan sát sắc sảo nằm trong những cuốn sách được viết do người Việt Nam (và cả người Lào,) Thiếu những sách đó, không thể nào có được sự hiểu biết toàn diện. Những tác phẩm của Lý Tòng Bá, Hà Mai Việt, Phạm Huấn, Phan Nhật Nam, Trần Văn Nhựt, và nhiều người khác, đang kêu gào đòi được dịch thuật, cũng như hằng chục bài phổ biến hằng năm trên sách báo tạp chí quân sự và các ấn bản khác. Nhiều bài trong đó mô tả những trận đánh, những diễn tiến và những nhân cách, không hề được các sử gia Hoa Kỳ biết đến. Không tham khảo những nguồn đó thì chắc chắn là chiến tranh Việt Nam, cũng là chiến tranh Đông Dương của Hà Nội, sẽ mãi là những bí ẩn không thể giải đoán, và lịch sử chân thực của QLVNCH sẽ mãi bị chôn vùi dưới tầng lớp này qua tầng lớp nọ của những chuyện hoang đường, của sự không thông hiểu, và của sự giả định vô căn cứ.
 
Bill Laurie – March 18, 2006.
Nguyễn Tiến Việt dịch thuật.
 
----------------------

Son H Cao
Vinh Danh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa
Thắp Nén Hương Tưởng Niệm Chiến Sỉ Anh Hùng 
 
CÁC LỮ ĐOÀN NHẢY DÙ VNCH CHIẾN ĐẤU TRONG NHỮNG NGÀY THÁNG CUỐI CÙNG -Trung Tá Lê Minh Ngọc – Thiếu Tá Nguyễn Đức Tâm 
 
------------------------
Lính Nhảy Dù ngày 29 tháng 4, 1975 đang giữ thủ đô Sài Gòn

Cuộc chiến đã chấm dứt ngày 30 tháng 4, 1975. Sau đó những người ra hải ngoại viết sách, viết báo theo lời kể hay suy diễn theo cảm hứng, thiếu nghiên cứu và không đúng với sự thực chiến trường, nhất là khi ghi lại những ngày cuối cùng cuộc chiến Việt Nam, ở đó khó tìm kiếm vì không ai ghi lại trong buổi giao thời. Trong đó có một cuốn sách mà nhiều người dùng làm tài liệu “Cuộc Triệt Thoái Cao Nguyên”của ký giả chiến trường Phạm Huấn viết về một dơn vị thiện chiến Lữ Đoàn 3 Nhảy Dù (LĐ3ND). Rất may, được Trung Tá Lê Minh Ngọc, sĩ quan xuất thân khóa 16 trường Võ Bị Đà Lạt, Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 2 Nhảy Dù và Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 4 nhảy dù đính chính để làm sáng tỏ nhiều vấn đề.
 
Hàng năm, cứ mỗi độ tháng Tư về, là thiên hạ lại thấy xuất hiện trên báo chí và báo mạng, những tin tức hình ảnh liên quan đến biến cố tháng Tư năm 1975. 
 
Năm nay, cuốn “Cuộc Triệt Thoái Cao Nguyên” của tác giả Phạm Huấn bỗng được thấy đặc biệt được chiếu cố, khai thác đều trên các trang mạng. Và tên tuổi Phạm Huấn được đặc biệt nhắc nhở, đề cao. Một nét đặc biệt hơn nữa: đến những chữ nghĩa trong cuốn “Đại Thắng Mùa Xuân” của răng-đen-mã-tấu Văn Tiến Dũng, cũng được trang trọng trưng bày, xen kẻ với chữ nghĩa của ký giả Phạm Huấn! Lý do tại sao, xin dành quyền thẩm định phê phán khách quan lại cho quý độc giả, sau khi đọc xong bài viết nhỏ bé này.
 
Khoan thai mà nhận diện tin tức, chúng ta thấy có hai phần khác nhau:
Phần 1: Là những trích dẫn từ ngay trong chính cuốn “Cuộc Triệt Thoái Cao Nguyên” của tác giả Phạm Huấn. Và phần 2: Là những bài viết khác, nhưng cũng nhằm vào một hướng: mạt sát Miền Nam Việt Nam ngày trước!
 
Hãy bắt đầu bằng những trích dẫn từ ngay trong cuốn “Cuộc Triệt Thoái Cao Nguyên”.
 
Trong phần này, trên nhiều mạng Internet, thấy có trích ra nhiều đoạn, mô tả nhiều diễn tiến dồn dập, ào ạt, nóng bỏng. Trong dòng diễn tiến cuồn cuộn đó, có một đoạn trích dẫn “bắt mắt” tôi nhất. Bắt mắt tôi, vì cường độ chữ nghĩa của tác giả cũng có, và vì giá trị xác tín của nguồn tin cũng có.
 
Xin chép lại nguyên văn đoạn này:
“Lữ đoàn 3 Nhẩy Dù tăng phái cho Mặt trận Khánh Dương, buông súng trưa ngày 1/4/1975, sau khi vỡ tuyến, bị tràn ngập, và không còn được tiếp tế, liên lạc được với quân đoàn II. Lữ Đoàn 3 Nhẩy Dù bị tổn thất 70% lực lượng. Đó là thực trạng và tinh thần chiến đấu của các đơn vị chủ lực Quân Đoàn II, và Lữ Đoàn 3 Nhẩy Dù trong những ngày sau cùng trên chiến trường Cao Nguyên, Pleiku, Kontum, Nha Trang: Chưa đánh đã bỏ chạy! Đúng!”…
 
Lữ Đoàn 3 Nhảy Dù bổ sung quân số những ngày cuối cùng cuộc chiến (30/04/1975)
 
Nếu là “người dưng nước lã”, đọc thoáng qua, chắc tôi cũng chỉ dững dưng đọc tiếp. Nhưng riêng tôi, không là người dưng nước lã với Lữ Đoàn 3 Nhảy Dù (LĐ3ND). Tôi đã có những tháng năm phục vụ trong đơn vị này. Sự thật không phải như vậy. Hoàn toàn không!!!
 
Nhân đây, tôi cố gắng trình bày lại, hầu quý độc giả, tất cả những diễn tiến, mà các đơn vị Nhảy Dù Việt Nam Cộng Hòa có tham dự trong những tháng ngày cuối cùng của cuộc chiến. Trước khi mổ xẻ đoạn văn của Phạm Huấn trên đây, tôi xin thưa trước một điều.
Vì nhu cầu trình bày mạch lạc tin tức dữ kiện, để Quý Vị dễ theo dõi, sẽ có đôi lúc tôi phải viết lên liên hệ của cá nhân tôi với các đơn vị này. Xin đừng hiểu lầm, là người viết muốn nói về “cái tôi” của mình.
 
Trong biển lửa mênh mông và cường độ khốc liệt của cuộc chiến bất hạnh đó, tôi nghĩ, và tôi chắc rằng, mỗi chúng ta chưa đáng là con đom đóm. Từ các cấp lãnh đạo, chỉ huy của Việt Nam, cho đến cả Đại Sứ Mérillon của Pháp, ngay cả chính Đại sứ Graham Martin của Mỹ, cũng chỉ là nạn nhân, phục vụ cho quyền lợi kinh tế và chiến lược tối thượng của Hoa Kỳ và Trung Cộng. Ra hải ngoại này, “cái tôi” là điều mà đại đa số quý vị độc giả, trong đó có chính tôi, đã quá kinh tởm, trong rừng lúc nhúc các “Bút ký chán chường”!
 
Trọn năm 1973, tôi là Lữ Đoàn Phó LĐ3ND này, hành quân vùng “Động Ông Đô” ở Quảng Trị. Đụng chạm suốt năm, nhiều kỷ niệm mồ hôi xương máu, ký ức còn nóng hổi như mới ngày hôm qua.
 
Tháng Giêng năm 1974, Bộ Tư Lệnh Nhảy Dù bổ nhậm tôi làm Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 2 Nhảy Dù, thay thế Đại Tá Nguyễn Thu Lương (K4TĐ).
 
Trung Tá Lê Minh Ngọc Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 2 ND
LĐ2ND ở lại bắc Quảng Trị, trách nhiệm vùng khoảng phía tây quận Phong Điền/La Vang, dưới sự phối hợp và kiểm soát hành quân của Thiếu Tướng Bùi Thế Lân, Tư Lệnh sư đoàn Thủy Quân Lục Chiền (TQLC). Còn lại, SĐND(-) được Trung Tướng Ngô Quang Trưởng TL/QĐI điều động về phía nam đèo Hải Vân để giúp trấn giữ Đà Nẵng.
 
Hòa Đàm Ba-Lê kết thúc ngày 27 tháng giêng năm 1973: Henry Kissinger và Lê Đức Thọ được giải “Nobel Hòa Bình”. Sau đó, là bản án bức tử cho “đồng minh” Nam Việt Nam, vì quyền lợi chính trị và chiến lược của chính “đồng minh” Hoa Kỳ! Cộng sản Hà Nội không còn có nhu cầu nhắm chiếm Huế để làm “Thủ đô” cho Nguyễn Hữu Thọ và Nguyễn Thị Bình nữa. Họ dồn áp lực tối đa vào Đà Nẵng, Ban Mê Thuột, và mục tiêu tối hậu là …thủ đô Saigòn.
 
Sau đúng 1 năm ở lại Quảng Trị, tháng 12 năm 1974, tôi bất thần lại được Chuẩn Tướng Lê Quang Lưỡng, Tư Lệnh Sư Đoàn Nhả Dù sau cùng, cho lệnh tôi bàn giao LĐ2ND ngược lại cho Đại Tá Nguyễn Thu Lương.
Tôi trở về BTL/Phòng 3 Hành Quân (ở Non Nước, Đà Nẵng) nhận lệnh mới. Tiễn tôi ra trực thăng Chỉ huy, là “Moshe Dayan” Tr/tá Lữ Đoàn Phó Trần văn Sơn K8TĐ. Anh em Dù gọi Sơn như vậy, vì Sơn đã bị thương mất một mắt, ngày còn là ĐĐT ở TĐ5ND, nhưng vẫn tình nguyện ở lại với đơn vị.
Tại căn cứ Non Nước, công việc của tôi hằng ngày, là bay đi kiểm soát phần Huấn luyện của các đơn vị Nhảy Dù
 
Tiểu đoàn 11 ND ở căn cứ Charlie 1972 – Trung Tá Nguyễn Đình Bảo (Phải)
“Đa Năng”. Đây là những Trung đội và Đại đội, được rút ra từ 6 Tiểu đoàn Nhảy Dù cũ đang tham chiến trong vùng Thượng Đức và Đại Lộc, phía tây Đà Nẵng, thuộc các LĐ1ND (Tr/Tá Nguyễn Văn Đỉnh K15/VBĐL) và LĐ3ND (Đại Tá Lê Văn Phát). Khi tôi còn trách nhiệm LĐ2ND tại bắc Hải Vân trong năm 1974, chính tôi cũng nhận được lệnh rút các Trung đội và Đại đội từ các Tiểu đoàn Cơ hữu của tôi (TĐ5, 7, và 11 ND), gởi đi huấn luyện “Đa Năng”.
 
Địa điểm Huấn luyện nằm ngay trong vùng trách nhiệm hành quân của LĐ3ND, phía Tây Đà Nẵng, nên tôi gặp “Bố Già” Phát rất thường xuyên.
Các đơn vị Huấn luyện, đi “bứng chốt” ban ngày, và chạm địch ban đêm như cơm bữa.
 
Hạ tuần tháng Giêng năm 1975, tôi được lệnh Chuẩn tướng Lê Quang Lưỡng, đưa “Lữ Đoàn 4 Nhảy Dù”, đơn vị có cái tên mới cáo cạnh, về Sài Gòn nhận lệnh Bộ Tổng Tham Mưu (vì Bộ Tư Lệnh/SĐND còn ở Đà Nẵng).
 
Khi kéo quân ra khỏi vùng hành quân của LĐ3ND, tôi hỏi “Bố Già” Phát:
“Đại Tá Lương đang ở đây, sao ông Tướng không để Đại Tá Lương đi, mà kéo tới kéo lui chi rắc rối vậy, Đại Tá có biết không?”
 
Tôi hỏi vậy, vì các Tướng Bùi Thế Lân, Tướng Lê Quang Lưỡng, Tướng Ngô Quang Trưởng, và hai ông Đại Tá này là bạn cùng khóa 4 TĐ với nhau. Giọng Bố Già Phát bỗng nghiêm trọng hơn thường ngày:
“Ở đây nặng, nhưng đơn giản. Chỉ có thằng Việt cộng trước mặt thôi. Mấy năm nay, TQLC và Dù không được về Sai Gòn. Về đó, Ngọc nhớ phải thận trọng mọi mặt… ”
 
Sáng ngày 20 tháng Giêng năm 1975, tôi đang ngồi trên xe Jeep tại bến tàu Đà Nẵng để xem các Tiểu đoàn chuyển quân xuống Chiến hạm của Hải Quân VN để về Vũng Tầu, thì Chuẩn Tướng Lưỡng đến nơi bằng xe. Ông hỏi diễn tiến công việc ra sao. Tôi trình bày vắn tắt, là suôn sẻ như kế hoạch. Và nhân đó, có hỏi “mi mí” ông Tướng, xem nhiệm vụ của tôi ở Sài Gòn trong vài ngày sắp tới, đại khái như thế nào.
Tướng Lê Quang Lưỡng đăm chiêu:
“Đánh rắn, phải đánh đập đầu. Đáng lẽ phải có Tổng Trừ Bị bảo vệ Biệt Khu Thủ Đô và Tổng Tham Mưu từ sớm hơn, như hồi Mậu Thân vậy. Anh về đó, tình hình sẽ không nhẹ nhàng gì hơn ngoài này đâu. Khác với các Lữ Đoàn còn lại đây, là tình hình có thể đột biến bất ngờ, mà anh chỉcó một mình. Ngoài việc điều binh ra, anh phải cảnh giác luôn luôn, báo ông Tướng không nói rõ, nhưng tôi đã hiểu mi mí, qua câu nói của ông anh “Bố Già” Lê Văn Phát. Dĩ nhiên, chuyện loại này, chả ông nào nói rõ trước cả. May quá, thời cuộc không xoay chuyển về hướng đó. Sau này, đọc Hồi ký của Tướng Lê Quang Lưỡng ở hải ngoại, mới thấy ông nói rõ hơn.
 
Và ông tướng vội vã ra đi, trước khi bảo tôi giao cho các Tiểu Đoàn Trưởng đôn đốc việc hải hành. Còn tôi, thì ra ngay phi trường, đã có nhân viên BTL/Phòng Tư lo phương tiện C-130 bay về trước, trình diện Bộ Tổng Tham Mưu nhận lệnh.
 
Tôi ghi lại đoạn này, để quý độc giả theo dõi mạch lạc hơn, vì trong những biến cố sau cùng, các LĐ2ND và LĐ4ND vừa kể, lại sẽ còn dính líu đến hoạt động của LĐ3ND, đơn vị đã bị Phạm Huấn khai tử trước, trong cuốn “Cuộc Triệt Thoái Cao Nguyên”, trước khi lịch sử của cuộc chiến tranh lạnh thế kỷ thứ 20 bức tử Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa sau đó.
Tôi rời Bố Già Phát, nhưng không phải vì thế mà tôi “mất dấu” LĐ3ND.
 
Pháo Binh Nhảy Dù trong cuộc hành quân Hạ lào 1971
Tình hình điều động và tham chiến của các Lữ Đoàn và Tiểu Đoàn bạn trong binh chủng, đều được ban tham mưu Lữ Đoàn thuyết trình hằng ngày. Sau nhiều trận chạm địch, các Tiểu đoàn được hoán chuyển, để Binh sĩ được về thăm gia đình, đơn vị được bổ sung và chỉnh bị. Cho nên tại vùng hành quân, ít khi các Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn có được đủ mặt các Tiểu đoàn Cơ hữu của mình.
 
Thường thì mỗi Lữ Đoàn Nhảy Dù tham dự hành quân với 3 Tiểu đoàn tác chiến, một Tiểu đoàn Pháo Binh ND, một Đại đội Công Binh ND, một Đại đội Truyền Tin ND, một Đại đội Quân Y ND, một Đại đội Trinh sát ND, và Đại đội Chỉ Huy Công Vụ (Gồm các ban Tham mưu Lữ Đoàn, Quân cảnh, An ninh, Súng cối ..)
 
Đúng 2 tháng sau khi tôi rời Vùng I Chiến Thuật, thì Sư Đoàn ND cũng được Bộ TTM điều động về Sài Gòn. LĐ3ND xuống tàu Hải Quân, rời Đà nẵng ngày 15 tháng 3. Đang lênh đênh trên biển, thì được lệnh tấp vào Cầu Đá Nha Trang: LĐ3ND được tăng phái cho QĐ II, theo đơn xin của Thiếu Tướng Tư Lệnh Phạm Văn Phú. Bộ Tư Lệnh/SĐND cùng các Lữ Đoàn 1 và 2 tiếp tục hải hành về hướng Nam.
 
Đại Tá Lê Văn Phát được lệnh di quân gấp lên đèo Khánh Dương, lập phòng tuyến. Nhiệm vụ là: trì hoãn trục tiến của các đơn vị Cộng quân, bọc hậu cho các đơn vị bạn trong vùng giao phó.
 
Sau khi Ban Mê Thuột thất thủ, lực lượng Cộng quân ào ạt trên các trục đông tiến này, gồm có các các Sư đoàn F10, 316 và 320 của CSBV.
 
Trục địch quân đi ngay vào tuyến án ngữ của LĐ3ND trên đèo Khánh Dương, chính là Sư đoàn F10, cùng với một Trung-đoàn chủ lực miền, và Đặc công, Giao liên. Tổng cộng đông gấp 5 lần lực lượng của Nhảy Dù tại đây. Cộng quân có đầy đủ pháo yểm, trong khi LĐ3ND chỉ có hỏa lực của 1 Tiểu Đoàn Pháo binh 105 ly cơ hữu. Đó là tương quan lực lượng chính xác tại đèo Khánh Dương ngày 17/3/1975.
 
Lúc bấy giờ LĐ3ND của Bố Già Phát gồm có TĐ2ND (Th/tá Trần Công Hạnh K20/VBĐL), TĐ5ND (Tr/Tá Bùi Quyền K16/VBĐL), và TĐ6ND (Tr/tá Nguyễn Văn Thành, K9TĐ). Th/tá Nguyễn Ngọc Triệu là TĐT/TĐ2 Pháo Binh/ND. Lữ Đoàn Phó là Trung tá Trần Đăng Khôi K16/VBĐL.
 
Sĩ quan Nhảy Dù đang bay trực thăng quan sát trận địa – Đại tá Lê Quang Lưỡng (P) – Trung Tá Nguyễn Văn Đỉnh (giữa)
 
Quân Nhảy Dù giữ vững đèo Khánh Dương, chận đứng Sư Đoàn F10 tại đây cho đến ngày 22 tháng 3. Sáng hôm đó, địch giảm cường độ tấn công, chỉ bám sát tuyến đang chạm, nhưng lại tung 2 trung đoàn đánh bọc hông. ĐT Phát xin không yểm. Tướng Phú chấp thuận, nhưng lại không có phi tuần để thỏa mãn yêu cầu. Tướng Phú cho lệnh LĐ3ND tuần tự lui quân về Nam, xa nhất là dừng lại Cam Ranh chờ lệnh.
 
Khi về ngang Huấn Khu Dục Mỹ, ĐT Phát có gặp ĐT Nguyễn Hữu Toán, Chỉ Huy Trưởng Huấn Khu Dục Mỹ và Đại Tá – BĐQ Nguyễn Văn Đại, CHT/Trung Tâm Huấn Luyện Biệt Động Quân, K8/VBĐL.
 
ĐT Phát ND cho ĐT Nguyễn Văn Đại BĐQ biết về tình hình địch trước mặt, nói thẳng với ĐT Đại hai điều. Một là, địch đông hơn mình nhiều lần, có đủ tiếp liệu và hỏa yểm hùng hậu. Còn mình thì đến hôm nay, khó còn trông cậy gì vào “ở trên” và “sau lưng” nữa. ĐT Phát hỏi ĐT Đại có phụ giúp được gì trong việc giữ an ninh trục lộ phía sau, dẫn về Ninh Hòa hay không, vì địch thế nào cũng bọc hông đặt chốt để gây khó khăn cho điều động chung của các đơn vị thuộc huấn khu này.
 
Đại Tá Đại đồng ý, và gửi Viễn Thám BĐQ đi thi hành. Nhờ vậy, cuộc lui binh tại đây, thảm cảnh ở Quốc Lộ 7 đã không xảy ra.
 
LĐ3ND chưa về đến Cam Ranh. Ngày 30 tháng 3, mới về đến đèo Rù Rì, phía Bắc Nha trang, thì mất liên lạc với Bộ Tư Lệnh/QĐ II. ĐT Phát không còn cách nào khác hơn, là phải liên lạc thẳng về BTL/SĐND ở Sài Gòn bằng máy GRC-106 để xin lệnh.
 
Lệnh của Tướng Lê Quang Lưỡng cho LĐ3ND là trực chỉ Phi trường Bửu Sơn Phan Rang, để phối hợp với Chuẩn Tướng Phạm Ngọc Sang, Tư Lệnh SĐ6/KQ, tổ chức phòng thủ phi trường này, và tái lập an ninh trật tự tại hai Thị xã Phan Rang và Tháp Chàm.
 
Ổn định vừa được Nhảy Dù phục hồi tại đây, thì Trung Ương cử Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi ra đến, đặt Bộ Tư Lệnh nhẹ của Quân Đoàn III tại Bửu Sơn đúng ngày 1 tháng 4 năm 1975.
 
Trước mặt Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, LĐ3ND vẫn còn cầm súng trên tay, và đang hiển hiện là niềm tin tưởng, là nỗi vững tâm của Quân dân Tháp Chàm Phan Rang, của Tiểu Khu Ninh Thuận. Vậy mà LĐ3ND nào chưa đánh, đã buông súng bỏ chạy, đầu hàng?!
Ngày 4 tháng 4, LĐ3ND được tướng Lê Quang Lưỡng cho thay thế bằng LĐ2ND, do ĐT Nguyễn Thu Lương đưa ra Bửu Sơn bằng vận tải cơ C-130. Không Quân VN chuyển các Tiểu đoàn 3, 7 và 11 Nhảy Dù đến Bửu Sơn, và bốc các Tiểu đoàn 2, 5 và 6 Nhảy Dù về Tân Sơn Nhất.
 
Lập tức LĐ3ND được bổ sung và chỉnh bị nhanh chóng. Tr/tá Trần Đăng Khôi được bổ nhậm làm Lữ Đoàn Trưởng/LĐ3ND, thay thế Bố Già Phát (lên Tham Mưu Phó Hành Quân BTL/SĐND).
 
Trở lại với Lữ Đoàn 4 Nhảy Dù tại Vùng III Chiến Thuật. Tôi từ Đà Nẵng bay C-130 về Sài Gòn ngày 20 tháng giêng/1975, trình diện Bộ TTM. Gặp Chuẩn Tướng Trần Đình Thọ, Trưởng Phòng 3. Ông ta hỏi tôi ngay về khả năng tham chiến của LĐ4ND.
 
Tôi thưa, có 2 Tiểu đoàn sẵn sàng ngay, ba Tiểu đoàn nữa (15, 16 và 18) sẽ về đến và sẵn sàng khoảng 2 tuần sau. Và tôi cũng không quên khai thật, là tôi chưa có hậu cứ, chưa có Lữ Đoàn Phó, nhất chưa có Pháo binh Nhảy Dù cơ hữu như các Lữ Đoàn cũ.
 
Tướng Thọ vào đề: “Tôi ghi nhận những điều đó. TTM sẽ phối hợp với hậu cứ Sư Đoàn Nhảy Dù lo tiếp cho anh. Bây giờ tình hình phía tây bắc Biệt Khu Thủ Đô nghiêm trọng. Địch đã vượt sông Vàm Cỏ, chiếm xã Lương Hòa. Vùng Đức Hòa, Đức Huệ bị uy hiếp nặng nề. Phải nhờ anh lên đó giúp họ ngay. Anh sang Phòng 2 nghe tình hình chi tiết vùng này. Tôi nhờ Phòng Tư lo phương tiện cho anh lên đó”.
 
Hai ngày sau, tàu HQ cập bến Sài Gòn. Tôi hướng dẫn hai Tiểu Đoàn 12 và 14 ND về tạm trú tại sân cờ của TĐ8ND trong Hoàng Hoa Thám. Các Phòng sở của BTL/Hậu cứ đến, nhanh chóng giúp đỡ các trang bị cần thiết. Tôi gọi các Tiểu Đoàn Trưởng đến, trải bản đồ ra, chỉ tình hình và mục tiêu.
 
Và tôi nhấn mạnh trang bị: Bản đồ, Điện trì, Lựu đạn M-26 tối đa, phóng lựu M-79, và ống phóng chống tăng M-72 (Vì không có pháo binh, khi hữu sự, sẽ phải đánh như đơn vị khinh chiến).
 
Đoàn xe đến, LĐ4ND “xuất hành” trận đầu tay, trực chỉ lên hướng Tây Ninh. Đến “Thành Ông Năm” (Một trại Công Binh trên Quốc lộ 13), xuống xe, lấy đội hình hướng về mục tiêu Vàm Cỏ Đông.
 
Quần thảo 2 ngày ven bờ con sông nổi tiếng, đẩy lui được đầu cầu vẹm về bên kia, tái chiếm được Lương Hòa, an ninh lại trục lộ. Trận đầu tay này, cũng như những lần chạm địch mấy tháng sau đó, LĐ4ND đã “đánh khô”, vì không có pháo cối yểm trợ.
 
Hai Tiểu Đoàn 12 và 14 ND bắt được rất nhiều vũ khí đạn dược, dọc theo dãy lùm bụi, ngay vùng đầu cầu mà địch vượt sông hai đêm trước, còn nguyên trong nhiều thùng gỗ bọc giấy dầu, bôi đầy mỡ bò màu vàng của Trung cộng: AK47, B-41, và “Thượng liên nồi” mới toanh (Hộp băng đạn bự và tròn).
 
Tôi cho Ban 2 và Ban 5 đi tìm, liên lạc với giới chức địa phương, để phối hợp việc an ninh, cứu trợ và bình định. Tưởng là ai, hóa ra người trai khói lửa, lại là Thiếu tá Tô Công Thất, cùng khóa 16 với tôi ở Trường Võ Bị Đà Lạt!
 
Bắt tay bắt chân qua loa, hỏi cần gì không? M-79, M-26, Claymore! Tôi kêu đệ tử để hết các loại này lại, rồi bái biệt người trai khói lửa, lội ngược ra Quốc lộ, vì truyền tin báo có Ch/tướng Trần Đình Thọ sắp lên Thành Ông Năm.
 
Tướng Thọ bắt tay tôi: “Đơn vị anh không cần huấn luyện nữa. Vả lại, tình hình không cho phép”.
 
Và ông xỉa cho tôi một phóng đồ hành quân, cho đất đai làm ăn, án ngữ về hướng Bắc và tây Bắc Thủ đô.
LĐ1ND vừa đặt chân đến hậu cứ khoảng giữa tháng 3/1975, là liền được bổ sung, tái tiếp tế nhanh chóng. Và Tr/Tá Nguyễn Văn Đỉnh được lệnh trực chỉ lên Xuân Lộc ngay, để tăng cường cho SĐ18BB. Theo dõi phần thuyết trình hằng ngày, tôi được biết TĐ8ND của Thanh Râu, tức Thiếu tá Nguyễn Viết Thanh K19/VBĐL, đã làm ăn một trận để đời tại “Vườn cây Ông Tỵ”.
 
Trong tháng này, có Tr/tá Nguyễn Đình Ngọc cầm công điện mang tay, về trình diện tại Thành Ông Năm. Nội dung công điện: “Chỉ định Tr/tá Nguyễn Đình Ngọc giữ chức vụ Phụ tá Hành Quân LĐ4ND. Quyết định hợp thức hóa Lữ Đoàn Phó sẽ theo sau”. Có ông này về, thật đỡ cho tôi quá, K19/VBĐL, nguyên TĐT/TĐ2ND ngày còn ở Động Ông Đô với LĐ3ND hai năm trước.
Giữa tháng 3, Biệt Khu Thủ Đô cũng có yêu cầu đến giúp Tiểu Khu Gia Định, giải tỏa xóm Cư Xá Thanh Đa (Bị một đại đội đặc công xâm nhập), đến đầu cầu Thương cảng Xa lộ. Th/tá Nguyễn trọng Nhi K20/VBĐL được gởi đi với 2 đại đội của TĐ12 ND, và đã thanh toán xong trong cùng ngày 22 tháng 3.
 
Ngày 10 tháng 4, tôi được gọi về họp ở BTL/BKTĐ. Tại đây, tôi gặp Trung tá Trần Đăng Khôi, LĐT/LĐ3 ND, cũng đến họp nhận lệnh.
 
Lữ Đoàn 3 được tăng cường hoạt động cho BKTĐ, thay thế LĐ4ND. Còn tôi được lệnh di quân LĐ4ND xuống tăng phái cho BTL/Quân Đoàn III, trách nhiệm khu vực từ Tam Hiệp, Biên Hòa, vắt qua sông Đồng Nai, hướng về Long Thành. Đấy là lần sau cùng tôi gặp, lần cuối tôi thấy LĐ3ND điều động đi thi hành một nhiệm vụ chiến thuật khác: bảo vệ khu kho xăng Nhà Bè, và an ninh trục thủy lộ Rừng Sát.
 
Tối 13 tháng 4, tôi được tin LĐ2ND chạm địch nặng nề tại Bửu Sơn Phan Rang. Lực lượng tấn công, vẫn là Sư Đoàn F10 của Việt Cộng, bị chận khựng lại.
 
Ngày 15 tháng 4, Sư Đoàn 325 Cộng Sản Bắc Việt từ quốc lộ 11 tăng cường đến, cùng với đông đảo chiến xa và pháo nặng. Tối 16 rạng ngày 17, ĐT Nguyễn Thu Lương và Tr/tá Trần văn Sơn bị báo cáo mất tích, cùng với Trung Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi và Chuẩn Tướng Phạm Ngọc Sang KQ.
Bửu Sơn thất thủ, tiếp theo là Tháp Chàm và Phan rang!
 
Sau cùng, LĐ3ND cũng đã buông súng, cùng với tất cả các đơn vị khác, khi hai ông Vũ Văn Mẫu và Dương văn Minh tuần tự cho lệnh buông súng chiều 29 và sáng 30 tháng 4 năm 1975.
 
Tôi không phải là người xa lạ đối với LĐ3ND. Mặc dù vậy, để đảm bảo sự chính xác của dữ kiện, tôi vẫn điện thoại kiểm chứng chi tiết kỹ lưỡng với những nhân vật trong cuộc, trước khi viết lại những diễn tiến cuối cùng của cuộc chiến, mà các đơn vị Nhảy Dù VN có can dự.
 
Tất cả vẫn còn đấy, chỉ trừ có Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang SĐ6KQ đã qua đời cách đây 3 năm, và “Moshe Dayan” Trung tá Trần Văn Sơn đã nằm xuống trong những năm tháng tù đày ngoài Bắc.
 
Bây giờ, mời Quý Vị hãy nhìn lại câu chuyện, kể về cùng một đơn vị đó, trong cùng thời gian đó, bởi ký giả chiến trường Phạm Huấn trong cuốn “Cuộc Triệt Thoái Cao Nguyên”, đã phổ biến khắp thế giới, để mà ngán ngẩm cho điều mà chính các ngài viết lách này, gọi là .. Lương Tâm Ngòi Bút:.. “ Buông súng trưa ngày 1.4.1975, sau khi vỡ tuyến, bị tràn ngập… Lữ Đoàn 3 Nhẩy Dù trong những ngày sau cùng trên chiến trường Cao Nguyên, Pleiku, Kontum, Nha Trang: Chưa đánh đã bỏ chạy! Đúng!”!!!
 
Trong khi đó, chính Đại Tá Nguyễn văn Đại BĐQ, người cùng có mặt tại trận với LĐ3ND lúc bấy giờ, hiện đang cư ngụ tại Oregon, vừa nói điện thoại với tôi đêm qua:
“Tình hình đó, địa thế đó, nhiệm vụ đó, LĐ3ND đã làm quá sức mình. Và ĐT Phát còn về ổn định lại Phan Rang Tháp Chàm, giúp Tướng Phạm Ngọc Sang, Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi nữa, trước khi được thay thế ..”.
Đến tháng cuối cùng của chiến cuộc, tác giả Phạm Huấn vẫn còn lĩnh lương Thiếu Tá của QLVNCH, sao lại có thể ăn nói khinh bạc đến vậy? Đành rằng, chung cuộc vẫn là sự sụp đổ của Miền Nam Việt Nam, nhưng vẫn phải xin để cho, sự thật còn được là sự thật …
Chỉ trong một đoạn viết ngắn khoảng nửa trang giấy, tác giả đã đề cập đến diễn tiến và số phận của mấy chục đơn vị, một cách ngắn gọn, dễ dàng và tàn nhẫn: Thảm sát hết: “Từ các trung đoàn 41, 42, 47 Bộ Binh, mấy Liên đoàn BĐQ, Lữ đoàn 2 Thiết kỵ, Liên đoàn 6 Công Binh Chiến Đấu, các đơn vị Pháo Binh, đến các đơn vị Lôi Hổ, Thám kích và LĐ3ND”.
Đơn vị Nhảy Dù này, sự thật ra sao, tôi là người trong cuộc, đã vừa thưa cùng Quý Vị.
 
Từ sau ngày rời Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, tôi về trình diện Liên Đoàn Nhảy Dù Việt Nam. Và tuần tự phục vụ qua các TĐ3ND, TĐ7ND, LĐ3ND, LĐ2ND, LĐ4ND. Tôi chưa hề được gặp gở ký giả chiến trường Phạm Huấn lần nào. Chỉ thỉnh thoảng đọc sách, thấy hình ông ta mặc quân phục Nhảy Dù!
 
Còn mấy chục đơn vị khác, mà Phạm Huấn nêu tên ra trên đây, thì sao? Tôi không rõ là Phạm Huấn hiểu biết thế nào về các đơn vị đó. Và càng không biết, các đơn vị đó, có được Phạm Huấn đến thăm viếng lần nào chưa. Nhưng khi trên giấy trắng mực đen, Phạm Huấn đã viết truyện chiến trường như đoạn viết về LĐ3ND trên đây, thì nếu người đời họ có chọn “Cuộc Triệt Thoái Cao Nguyên”, để sắp chung với “Đại Thắng Mùa Xuân” của Văn Tiến Dũng, cũng là điều hiểu được mà thôi!
 
Thiếu tá Phạm Huấn suốt đời ở thiên cung, mới trở thành tiên đọa xuống trần-gian Quân Khu II, chỉ vài tháng trước cuộc dầu sôi lửa bỏng, làm sao nắm vững được từng ấy tin tức dữ kiện? Từng dữ kiện này, nếu được trình bày bởi các Vị Đại Tá, chức vụ tối thiểu từ Trưởng Phòng Nhì, Trưởng Phòng 3 Quân Đoàn trở lên, thì họa may mới khả tín …
 
Chua chát chưa chịu dừng lại tại đó
Mãi đến nay, vài chục năm sau, tại hải ngoại, vẫn có những nhà văn, nhà báo, viết theo, lên án gắt gao tất cả, từ lãnh đạo đến thứ dân, từ Tướng xuống Quân! Và khôi hài ở chỗ là, hầu hết đều nhập đề bằng câu “Có đọc Phạm Huấn, chúng ta mới thấy …”, hoặc là: “Cuốn Cuộc Triệt Thoái Cao Nguyên” của tác giả Phạm Huấn đã phơi bày ra tất cả “Sự thật …”!
 
Với các ông gọi là Nhà báo, Nhà bình luận này, chữ nghĩa cẩu thả trên đây của Phạm Huấn, đã trở thành chữ nghĩa của Thánh kinh! Rồi tất cả những văn chương, tư tưởng siêu việt này, rốt cuộc hội tụ về một đoạn tiểu sử, được phổ biến rộng rãi trên khắp các mạng lưới toàn cầu.
 
Xin chép lại nguyên văn, để Quý Vị thưởng lãm:
“Phạm Huấn là một nhà báo quân đội và trong “Bộ Biên Tập Diều Hâu”, Thành viên Ban Liên Hợp Quân Sự 4 Bên và 2 Bên, đặc trách về Báo Chí, khi Hiệp Định Paris 1973 được ký kết, Chủ tịch Hội Phóng Viên Chiến Tranh Việt Nam, 1972-1975.
 
Tác giả đã theo học … Trường Đại Học Quân Sự năm 1963. Và cả Trường Quân sự tại Hoa Kỳ: Infantry School (Fort Benning, GA, 1958), Civil Affairs School (Fort Gordon, GA) và Special Warfare School (Fort Braggs, NC, 1965)…
 
Trong nghề Phóng viên Chiến tranh, Phạm Huấn có một chỗ đứng riêng biệt, dù đi chung với những Phóng viên nổi tiếng hàng đầu của thế giới như Moshe Dayan, Dickey Chapel, hay chỉ đi có một mình, bao giờ anh cũng được đón nhận nồng nhiệt của mọi chiến hữu ở ngoài mặt trận … ”
 
Đọc qua đoạn trên, quý vị có thấy độc giả bị coi thường quá hay không?
Cùng một “Văn phong” này, tôi nhớ đã được đọc đâu đó vài lần.
 
Lần đầu, năm 2005 thì phải. Anh Bùi Đăng, bạn cùng khóa 16 Võ Bị Đà Lạt với tôi, ở San Jose bắc Cali, gởi cho tôi nguyên một trang Nhật báo Việt Ngữ khổ lớn. Nguyên trang báo, là bài Phân Ưu Trung Tá Phạm Huấn. Với nửa trang trên, đầy đủ sự nghiệp vĩ đại của người nằm xuống. Toàn là các khóa du học Ngoại quốc, và các việc Văn phòng. Anh Huấn quả đã được Quân đội đãi ngộ, ưu ái, và đầu tư vào kỹ hơn ai hết.
 
Và nửa trang dưới, đầy đủ tên tuổi Quân nhân Nhảy Dù, từ Đại Tướng Cao văn Viên, Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi … cho đến em út cấp Úy, trong đó có tên tôi. Cầm tờ báo, tôi mới hay tin ông anh qua đời vì bạo bệnh.
 
Anh bạn Bùi Đăng gởi báo cho tôi, không họ Bùi, mà cũng chẳng phải tên Đăng tên thật là Phâm Kim Bằng. Mùa hè 1972, anh dẫn TĐ6ND nhảy xuống Đồi Gió Bình Long, mở đường máu vào cứu An Lộc. Bị trận địa pháo, Phạm Kim Bằng bỏ lại Đồi Gió một con mắt, đi vào An Lộc với một con. Trở thành Bằng Đui (tiếng lái của Bùi Đang), nhưng Bùi Đăng không chịu rời tiểu đoàn tác chiến Nhảy Dù.
 
Đầu năm 2007, Trung Tướng Ngô Quang Trưởng lại ra đi Trên Internet và báo chí, liền ngay dưới sự nghiệp của Trung Tướng Trưởng, lại có hàng chữ: “tài liệu của Đại Tá Phạm Huấn, Chủ Tịch Hiệp Hội Ký Giả Chiến Trường”(!).
 
Ông lỏi tì nào đó ơi, “Văn phong” này nặng mùi lắm, xin ông dừng tay lại, đừng đem tên tuổi của ông anh mình ra mà diễu dở. Cấp bậc, thì ai cho bằng Thiếu Tướng Nguyễn cao Kỳ và Đại Tướng Nguyễn Khánh. 
 
Chức vụ, thì ai sánh nổi với Quốc Trưởng Nguyễn Khánh và Thủ Tướng Nguyễn cao Kỳ! Có thơm tho chi đâu. Phải nói ngay từ bây giờ, kẻo nay mai, có một vì sao sáng nào khác rơi rụng, ông lỏi tì lại lôi ông anh Phạm Huấn dậy mà truy thăng lên Chuẩn Tướng! Tội nghiệp cho ông anh.
 
Ông anh đã và đang sám hối về cuốn “Cuộc Triệt Thoái Cao Nguyên” dưới kia. Khó ăn, khó ở khi “hội ngộ” với anh em lính tráng người phàm, đã tham dự Cuộc Triệt Thoái Cao Nguyên ngày xưa lắm.
 
Hởi ông lỏi tì ơi, hãy để cho ông anh được yên nghỉ.
Dậu đổ, bìm leo. Viết lách chửi bới, mạt sát, mọi thứ thuộc Miền Nam Việt Nam ngày trước, đã và vẫn đang là kiểu thời trang thịnh hành.
 
Có nhiều người viết, để vẽ lên hình ảnh mình là … người hùng! Một số khác viết lên, để tỏ ra mình là người trí giả, là nhà tư tưởng, dựa vào cuốn Kinh Tân Ước Phạm Huấn! Riêng nhà báo vĩ đại Phạm Huấn, thì hùng dũng tỏ ra mình là nhà siêu Quân sự, siêu lãnh đạo, chê bai xoa đầu từ trên xuống dưới, chả chừa một ai.
 
Chỉ nửa trang giấy, dẹp hết cả lực lượng một Quân đoàn. Phạm Huấn luận về các ông anh, ông thầy, các ân nhân của chính anh ta, như Gia Cát Khổng Minh nói về các mạt Tướng Trương Phi, Ngụy Diên!
 
Anh Phạm Huấn chỉ quên có một đôi điều nho nhỏ. Thật nhỏ. Nhỏ xíu. Vì tầm mắt anh không thấy. Mặc dù anh vẫn mặc Quân phục tác chiến Nhảy Dù, mang lon Thiếu tá của QLVNCH làm việc tại Ủy Ban Quân Sự 2 bên, 4 bên. Đó là việc Lập Pháp Mỹ, qua Quốc Hội Dân Chủ ngày đó, đã cúp hết Viện trợ Quân sự cho QLVNCH từ mùa Hè 1973!
 
Đó là việc Hành Pháp Mỹ, qua tên Do Thái nói ngọng Henry Kissinger, đã công khai đứng về phía Lê Đức Thọ và Nguyễn Thị Bình, để bức thúc Hòa Đàm Ba Lê, bức tử VNCH. Cho nên, chuyện gì phải đến, đã đến. Theo Mỹ và Trung Cộng, chuyện đó, đáng lẽ phải xảy ra sớm hơn …
 
Trong hoàn cảnh đó, nếu rước đại Ký giả Phạm Huấn vào Dinh Độc Lập, liệu đương sự gồng được mấy phút? Trong hoàn cảnh đó, nếu mời nhà báo Phạm Huấn sang Bộ Ngoại Giao, liệu ông anh gồng được mấy giờ? Trong hoàn cảnh đó, nếu phong cho Thiếu tá Phạm Huấn thay thế Đại Tướng Cao Văn Viên, Thiếu Tá Huấn lãnh đạo một Tiểu đội ngày giờ nào chưa?
 
Các ông lính thợ vịn, ăn lương Quân đội Miền Nam, mạt sát các đơn vị Quân đội thiện chiến Miền Nam, nhưng chả bao giờ biết chút gì về các Đơn vị này. Mạt sát, vì ganh tị, vì mất mát.
 
Bất cứ ai thật sự có trải qua những tháng ngày gạo sấy nước ruộng, đều biết rằng, cùng một cỡ Đơn vị, cùng hỏa lực xấp xỉ nhau, Bộ đội Cộng sản chưa hề là đối thủ của Quân Đội Quốc Gia, dù là Chính quy, hay Địa phương, dù là TQLC, BĐQ, hay Bộ Binh, Không Quân, Hải Quân. Chiến thuật của Cộng sản, có hai chữ “biển người”, là vì vậy.
 
Một phần ba thế kỷ đã trôi qua, bao nhiêu tài liệu đã được giải mật. Henry Kissinger trước sau ba lần thú nhận, đã bán đứng Nam Việt Nam. Lính tráng chúng tôi, là người phàm mắt thịt, chả nói làm chi. Còn các ông nhà văn, nhà báo, nhà bình luận: chất xám các ông để đâu, nấu bún ốc hết rồi sao? Bây giờ không có bom rơi đạn réo, mà còn phù thịnh, còn nói vuốt theo Văn Tiến Dũng, thì làm sao ngày xưa các ông dám phù suy, mà đỡ đần phần tí ti nào cho Quân Dân Miền Nam? Bây giờ mà còn nói vuốt theo Văn Tiến Dũng, là vô liêm, là bất trí …
 
Thảm cảnh tháng Tư, người khách quan, không ganh tị, không càm ràm bệnh hoạn, ai cũng thấy là vì hai lý do: Thứ nhất: Dân chúng nghe quân Cộng sản tiến đến gần, đã kinh hoảng, đưa tới náo loạn. Có đúng vậy không, thưa Quý Vị? Và thứ hai: các đơn vị Quân đội lại không có được những tiếp liệu, yểm trợ và hỏa lực tối thiểu nữa, để chu toàn nhiệm vụ chiến thuật được giao phó, vì QLVNCH đã bị cúp Quân viện từ năm 1973, chỉ còn cầm hơi, “Liệu cơm gắp mắm”.
 
Mùa Hè năm sau, Trung Tướng Tùy Viên Quân Sự tòa Đại Sứ Anh Quốc ra thăm hỏa tuyến, có ghé qua Bộ Chỉ Huy/LĐ2ND ở phía Nam sông Thạch Hãn. Nghe thuyết trình xong, ông đứng lên trước bản đồ, quay lại nói trước mặt tôi và đông đủ Sĩ quan Tham mưu hiện diện:
“Giới quan sát Quốc tế cho rằng, các ông không tồn tại nổi quá 6 tháng, sau Hiệp Định Ba Lê. Bây giờ, hơn một năm đã trôi qua ..”. Bấy giờ, là tháng 7 năm 1974.
 
Suốt chiều dài cuộc chiến, người lính mồ hôi, xương máu. Người dân quằn quại, thống khổ điêu linh.
Còn các ông thợ vịn, lính kiễng, sống phè phỡn ngay trong lòng Hòn Ngọc Viễn Đông, ăn tục nói phét, làm chơi ăn thiệt. Bây giờ, mồ ma Miền Nam Việt Nam không còn nữa, các ông muốn ăn thiệt, thì phải bò ra làm thiệt, dù là ăn welfare! Nên các ông tiếc nuối cái thời vàng son, sáng Thanh Thế, trưa Givral, chiều Đồng Khánh. Và các ông cay cú, các ông hằn học…
Có nhiều lý do làm sụp đổ Miền Nam.
 
Trước hết, là bàn tay lông lá của Mỹ-Nga-Tàu, và xuẩn vọng của tên đồ tể họ Hồ.
 
Kế đến, là những tham nhũng thối nát, mà các ông đã ngoắc mồm ra chửi bới hơn ba chục năm qua.
Mỹ, Pháp, Nga, Tàu, và nhất là Cộng sản Việt Nam bây giờ, có thối nát tham nhũng hay không?
 
Lý do thứ ba là ai? 
- Là đám làm chơi ăn thiệt, 
- là lũ kiêu binh hàm thụ. 
- Là đám sâu bọ, dòi mọt, cặn bã của một Quân Đội hào hùng. 
 
Quân Đội “cao số” đã bị lịch sử cận đại trao cho một sứ mạng oan khiên, một “Mission impossible” .. Những tên né tránh, đánh bóng chữ thọ, những bụi chùm gởi nặng trĩu trên thân cây gầy yếu Nam Việt Nam trước cơn giông bão, không có tư cách mở mồm về đoàn quân này…
 
Các cụ thường nói “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Các ông suốt đời chỉ trích ta bà thế giới. Sao các ông không dám nói, chính các ông mới là thủ phạm, mới là tội đồ thiên thu, làm Miền Nam nước Việt sụp đổ vào tay Cộng sản.
 
Nhân vô thập toàn, ai cũng có lúc lầm lỗi. Vả lại, cái “lỗi lầm” của Miền Nam Việt Nam, nếu có, là phần chính do cái thân phận nhược tiểu mà ra. Hàng trăm nước nhỏ trên thế giới, đã và còn đang đau khổ về cái “lỗi lầm” này. Miền Nam Việt Nam không còn nữa. Bây giờ đây, trách nhiệm đối với Lịch sử và Dân tộc, đang treo trên đầu bọn cầm quyền ở Hà Nội.
 
Năm 1965, tôi đi học khóa “Tác Chiến Trong Rừng” ở Mã Lai, Singapore. Việt Nam lúc bấy giờ đang khói lửa mịt mùng, nhưng tôi thấy vẫn còn “văn minh” hơn năm nước Đông Nam Á. Bây giờ, các nước đó đã là “Ngũ Long Thái Bình Dương”. Cộng sản chiếm trọn lãnh thổ hình chữ “S” đã một phần ba thế kỷ qua, không còn chiến tranh, lại được “Việt Kiều Phản Động” hằng năm giúp nhiều tỉ đô-la. Vậy mà bọn cầm quyền Cộng sản đã đưa Việt Nam, cũng vào thứ hạng số 5 trên thế giới: nhưng là thứ năm, đếm từ dưới lên trên!
Tiếng nói của Hải ngoại rất cần thiết. Quý Vị nào có sức, có trí, có “gu”, muốn phân tách, muốn sửa sai, muốn dạy dỗ, thì Hà Nội mới là hướng để quý vị trổ tài. Xin hãy thôi đè Miền Nam Việt Nam ra mà xỉa xói, mà kiêu binh cái mồm! Thê thảm thay, chỉ vì một lý do: dối gạt luôn chính lòng mình. Tôi không dám nói là, dối gạt chính lương tâm mình! Vì chỉ có trời, họa chăng mới biết, các ông có lương tâm hay không!
Tội nghiệp cho Miền Nam Việt Nam, đã bao năm tháng cưu mang, nâng niu, đãi ngộ các ông, kaki cũng như dân chính! Hít thở không khí tự do của Miền Nam, Trịnh Công Sơn đã dệt lên được những tình khúc bất hủ. Ngày Miền Nam sụp đổ, Trịnh Công Sơn lên đài phát thanh, phừng phừng Guitar hát bài “Nối Vòng Tay Lớn”. Rồi lặn ngụp trong vòng tay lớn của Xã hội Chủ nghĩa một thời gian, Trịnh Công Sơn đã rặn ra một ca khúc, chưa bao giờ nghe thấy trong Âm nhạc nhân gian: “Tiến Thối Lưỡng Nan”!
 
Sau cùng, trên đỉnh cao trí tuệ của thời trang mạt sát Miền Nam Việt Nam, là các … Chiến lược gia.
Thôi thì, Xuân Thu nhị kỳ, luận đủ thứ chuyện chiến lược Thiên trời địa đất. Cũng chỉ cùng một kiểu: mạt sát hết mọi sự của Miền Nam Việt Nam. Để mình cố nhón cao lên. Vì biết chắc rằng mình không đủ cao. Để tỏ ra mình là người thức giả. Vì biết mình đang tơ lơ mơ, không thức thật. Càng phải trực diện với việc áo cơm thân phận hằng ngày, nổi nuối tiếc mất mác thời vàng son, càng điên cuồng gào thét, dằn vặt, gậm nhắm.
 
Khổ một điều, không biết đọc địa bàn, nên không phân biệt nổi hướng Đông với hướng Tây, để mà bắn cái hỉ-nộ ái-ố vô duyên đó đi. Và cứ nhằm mọi thứ của Miền Nam Việt Nam mà phang …
 
Đại Sứ Graham Martin, không như vậy. Ông đâu có muốn sự nghiệp Ngoại giao trọn đời của ông, kết thúc cái kiểu này. Giờ phút cuối của Miền Nam Việt Nam, ông cũng chỉ kịp cuốn lấy lá cờ hoa. Bộ Tư Lệnh Quân Sự Mỹ (MACV) tại Sài Gòn, thì đã nhanh chân “Rút lui trong danh dự” ra soái hạm của Đệ Thất Hạm Đội từ năm trước!
 
Cho nên, xin lỗi Quý Vị, ông Đại Sứ cũng chạy sút quần, ra tàu USS Blue Ridge ngoài biển Đông, bước đến boong tàu ngồi thở. Được cái là, ông Đại Sứ biết đọc địa bàn. Ông biết rõ phương, để mà ngậm ngùi. Ông biết rõ hướng, để mà trách móc. Thở xong, ông chỉ vào lá cờ hoa, mà mắng cho mấy mắng:
“That’ s not the way I saw American Honor”!
Trung Tá Lê minh Ngọc – Thiếu Tá Nguyễn đức Tâm
Tháng tư 2007.
-----------------------
 

No comments: