Friday, June 23, 2023

TÔI HỌC NHẢY DÙ - Hùng Bi - fb Hung Kieu

 TÔI HỌC NHẢY DÙ
Hùng Bi - fb Hung Kieu

Xin nói trước là bài viết dành cho những ai…rảnh mới đọc bị nó hơi dài dòng văn tự, với lại chẳng ăn nhập gì với mình nên…dễ chán. Để tôi kể cho nghe câu chuyện trôi qua hơn nửa thế kỷ là đã được liệt vào loại chuyện cổ tích, cái giai đoạn từ một thằng lính ngực áo ngoài bảng tên ra đến khi được gắn thêm một cái bằng chuyên nghiệp quân sự danh giá đầy hãnh diện mà không phải người nào muốn có cũng được.
-------------------- 
 
--------------------

Trên thực tế, chỉ người lính nào thật sự dùng cái sở trường trong cuộc binh đao cần phải nhảy ra khỏi máy bay giữa trời xanh mây trắng bằng chiếc dù đáp xuống đất trong tiếng súng đì đùng mới cần phải học vì nó mất rất nhiều công sức và tiền bạc của quân đội. Dù rằng giai đoạn sau của cuộc chiến tranh Việt Nam hay đổ quân bằng trực thăng vận, nhưng biết đâu có lúc chiến trường bị phòng không địch đan chéo dầy đặc trực thăng không vào được phải đổ quân bằng cách nhảy dù?
 ------------------
 
 ------------------
 
Có là lính Nhảy Dù mới cần phải học nhảy dù chứ!
Vì sao người ta gọi những người lính Nhảy Dù là Thiên thần mũ đỏ? Vì đó là những người lính đầu đội chiếc bê-rêt đỏ đến từ trời cao như thiên thần bay xuống mặt đất để chiến đấu. Vậy mà rồi có những người té nước theo mưa, cứ hễ binh chủng nào đội bê-rêt cũng gọi là thiên thần. Lội sình ngâm nước chết mẹ mà thiên thần cái nỗi gì?
 
Trở lại câu chuyện. Chúng tôi trình diện TTHL Nhảy Dù đồn trú trong Bộ Tư Lệnh Sư đoàn Nhảy Dù là trại Hoàng Hoa Thám đóng sát phi trường Tân Sơn Nhứt chỉ cách một hàng rào và được xếp theo học khoá 158 nhảy dù.
 
Đầu tiên phải khám sức khoẻ. Thực tế là sau 9 tháng dầm mưa dãi nắng cộng thêm được chích một nhát TAB thì thằng nào cũng thừa sức khoẻ rồi. 
 
Không đến nỗi gay gắt như mấy anh chàng pilot ngoài sức khoẻ ra phải có ngoại hình...tương đối đẹp trai để giữ nét hào hoa cho binh chủng, cách khám sức khoẻ của Nhảy Dù cũng xêm-xêm như bên Không quân, nhưng dù có xấu trai cỡ như tôi thì cũng ô-kê vì đối với mấy con chim con vượn trên rừng thì không có yêu cầu cao về mặt ngoại hình.
“Xếp ơi! Đừng đẩy em xa
Chim kêu vượn hú biết nhà Má đâu?”
 
Sau khi nghe tim, nghe phổi, đo huyết áp, đo chiều cao, đo mắt…linh tinh các cái thì không phân biệt là quan hay lính, tất cả đều phải lần lượt tụt quần chổng mông trước mặt bác sĩ quân y để xem hậu môn có lông không? Dường như đó là một yếu tố sức khoẻ bắt buộc đối với những người lính phải hoạt động trên trời để giữ được trạng thái tinh thần tỉnh táo cho có hiệu quả.
 
Tóm lại, mấy anh lính Không Quân phi hành và những người lính binh chủng Nhảy Dù đều có sức khoẻ...rất tốt!
 
Tất cả quân nhân tình nguyện gia nhập binh chủng Nhảy Dù không phân biệt cấp bậc, ngành chuyên môn kể cả các vị Tuyên Úy tôn giáo đều phải qua giai đoạn huấn luyện nhảy dù và được cấp bằng nhảy dù.
Trước khi nhập khoá, các quân nhân phải trải qua một cuộc trắc nghiệm sức khoẻ trong 2 ngày và phải đạt được số điểm ấn định tối thiểu, nếu ai bị thương tật về chân, tay hoặc mắt kém đều bị loại.
 
Ngày đầu trắc nghiệm 8 món ăn chơi bao gồm:
- Chạy 100 mét nước rút có Ba lô và súng
- Cõng bạn chạy 100 mét
- Hít đất 50 cái
- Nhảy xa
- Nhảy xổm 50 cái
- Leo dây 3 mét
- Uốn bụng 50 cái
- Hít xà ngang 50 cái
Những chuyện đó thì chúng tôi qua...cái rọt vì ở quân trường bị phạt giống vậy quài! 
 
Tuy nhiên, sau khi thưởng thức đủ 8 món đó thì trong 3 ngày sau có cho kẹo cũng chẳng thằng nào dám cười do hậu quả của trò uốn bụng để lại.
Sau đó thì tập họp ngay ngắn và hô lớn: - Nhảy Dù! Cố gắng! rồi tan hàng. Đó là câu khẩu hiệu thường xuyên của chúng tôi, luôn luôn cố gắng chứ không tự mãn với những gì đã đạt được.
Hẹn 5:00 sáng mai gặp lại.
 
Ngày thứ hai chạy dã chiến 3.000 mét với trang bị hành quân, sau khi nghỉ 30 phút, tiếp tục chạy tốc độ 100 mét theo vành đai phòng thủ phi trường Tân Sơn Nhứt. Thằng nào dại dột trang bị đúng điều lệnh thì chỉ có nước về trại bằng xe cứu thương. Tụi tôi ma-le bằng cách lấy mấy miếng giấy tổ ong (honey comb) của Mỹ nhét phía dưới, bên trên chỉ để một bộ quân phục…làm màu. Vậy chớ khi chạy về đến trước cổng TTHLND cũng phải thở ra khói ở lỗ tai.
 
Lý do lính Nhảy Dù bắt buộc phải chạy nhiều là để tập cho cơ bắp hai chân khoẻ mạnh và cứng cáp với mục đích khi tiếp đất sẽ chắc chắn để tránh tai nạn bị gãy chân, và giày của lính Nhảy Dù được cấp phát là botte de saut (giày da cao cổ để nhảy). Khi đi nhảy dù, tuyệt đối cấm mang giày MAP của Mỹ có phần vải bố bên trên cổ chân để tránh bị trẹo mắt cá chân vì lực tiếp đất rất nặng. Hơn nữa, đây là binh chủng tổng trừ bị rất linh hoạt, đụng trận thường xốc lên phía trước phản công nên sức bật đôi chân rất quan trọng và cần thiết.
 
Hồi học quân sự giai đoạn 1 ở TTHL Quang Trung, thấy những tân binh quân dịch của Sư đoàn Nhảy Dù là tiểu đoàn Vương Mộng Hồng, mỗi khi ra khỏi cửa vì bất cứ lý do gì cũng phải chạy thấy mà…phát sợ!
Xong hai ngày trắc nghiệm sức khoẻ bắt đầu vào giai đoạn huấn luyện thực thụ.
 
Sáng nào cũng vậy, khi những ánh đèn xanh bên phi đạo còn chớp tắt như những con đom đóm trong bóng đêm mờ mịt, chúng tôi đã bắt đầu một cuộc chạy bộ trường chinh theo đường vành đai phòng thủ của phi trường Tân Sơn Nhứt để luyện rèn cho chân cứng đá mềm. Những tiếng giày chạy đều nện xuống đất rầm rập trong tiếng hô Nhảy Dù! Cố gắng! ba lần cách khoảng thiệt…bắt mệt.
 
Mấy thằng sĩ-quan-học-trò chúng tôi được sắp xếp chung với số tân binh của tiểu đoàn bổ sung chia thành từng trung đội do một hạ sĩ quan cao cấp có bằng huấn luyện viên dù vàng phụ trách.
 
Học nhảy dù thì không phân biệt quan với lính, tất cả đều học giống như nhau vì chiến tranh vốn rất tuỳ tiện, những đầu đạn AK đều có thể găm vào người của bất cứ ai không có lựa chọn. Chúng tôi cùng đứng chung trong một cuộc tử sinh, mồ hôi ai cũng mặn và máu ai cũng đỏ giống như nhau.
 
Huấn Luyện giai đoạn I :
Tuần thứ nhất: Huấn Luyện dưới đất, gồm các môn:
- Học về dù lưng, dù bụng, dù có bao nhiêu dây, bao nhiêu múi, sức chịu đứt là bao nhiêu, cách mặc dù lưng, dù bụng và các trang bị hành quân.
- Học cách thức nhảy ra khỏi phi cơ để tránh tai nạn có thể xảy ra.
- Học cách điều khiển 4 sợi đai thượng thăng treo dù với người lính để kiểm soát hướng gió và lái dù theo ý muốn.
- Học các thế đáp (té bên phải, bên trái, đàng trước, đàng sau) để tránh bị thương tích hay gãy chân (là tai nạn thường xảy ra nhất) khi từ trên không tiếp đất.
- Học cách xử trí những tình huống tai nạn dù khi nhảy ra khỏi cửa máy bay mà dù không bọc như bị cụp dù, dù xoắn đuôi nheo không mở ra được, dù bị hụp gió khi vô tình rơi chồng lên dù của người khác. Sử dụng dù bụng đúng cách để thoát hiểm, tránh lúng túng bị lá dù bụng úp lên mặt không bung ra được thì…tiêu đời trai sương gió.
- Thu lượm và bảo trì dù sau khi đáp xuống đất.
Tuần thứ hai: Huấn Luyện trên các đài nhảy,
- Đài 2 mét để làm quen với những va đập và cảm giác khi tiếp đất.
- Đài 12 mét (thường gọi là chuồng cu) giống như khi nhảy ra khỏi cửa phi cơ đang bay để làm quen với cảm giác mạnh và tư thế bắt buộc khi nhảy ra.
- Đài 14 mét (thường gọi là đi dây tử thần khô) để tập làm quen với các tư thế đáp xuống đất với tốc độ va chạm mặt đất từ trung bình đến mạnh.
- Cách tránh bị dù lôi khi trời có gió lớn lúc vừa đáp xuống đất.
 
Lúc chuẩn bị nhảy ra khỏi chuồng cu, thốt nhiên trong lòng tôi bỗng trỗi dậy một niềm ao ước. Ước gì được cô bạn học cùng lớp có nước da ngăm đen và nụ cười có lúm đồng tiền ít nói, thấy được tôi trong tình cảnh nầy. Tất nhiên là tôi không có tình cảm riêng tư gì với cô, bởi đó là người yêu của một thằng bạn cùng lớp đã bỏ mình vì tổ quốc, đơn giản là cô thuộc nhóm “chị đại” của lớp, trong mắt họ tôi chẳng có giá trị gì, chỉ là thằng bạn học nhỏ con xấu trai loi choi với những trò nghịch ngợm tuổi mới lớn mà thôi. Do vậy, hình như tôi muốn chứng tỏ cho cô thấy khi bước chân vào cõi binh đao, tôi cũng là một “chàng tuổi trẻ gan dạ trên chiếc đu bay”, vẫn thừa đởm lược hơn người. 
 
Khỉ thật!
Có một chàng chuẩn uý nhỏ con mới ra trường ngành Sĩ quan trợ y tình nguyện về Tiểu đoàn Quân y của Sư đoàn Nhảy Dù cùng học chung khoá. Khi lên đài nhảy chuồng cu, anh chàng cứ cười khúc khích khi thấy những tân binh nhát gan không dám nhảy ra sau khi huấn luyện viên hô GO đến lần thứ ba, buộc phải đạp ra khỏi cửa. Đến lượt mình thì sau mỗi tiếng GO, chàng níu hai bên khung cửa ngồi xuống quay lại nhìn huấn luyện viên mà tủm tỉm cười. Sau ba lần GO thì chàng cũng phải rơi tọt vào không trung bằng một cú đạp như trời giáng. Tôi chợt nhớ tới nhân vật Chuẩn “gà ướt” trong một tiểu thuyết của Phan Nhật Nam. Cao lớn, đẹp trai, tình nguyện đi Nhảy Dù mà không dám nhảy chuồng cu mới bị gắn cho cái biệt danh mất mặt đó.
 
Huấn Luyện giai đoạn 2 :
Thực tập nhảy dù từ trên phi cơ ở độ cao 400 thước (1200 feet) xuống đất gồm 5 sauts:
- 4 lần nhảy ban ngày trong đó có 1 lần trang bị hành quân với vũ khí.
- 1 lần nhảy ban đêm. 
 
Saut đêm nầy được gọi là saut đỏ vì trong sổ Không vụ cá nhân sẽ được ghi bằng mực đỏ. Những năm sau nầy vì tình hình an ninh không bảo đảm nên đã bỏ saut đêm và thay thế bằng saut ngày.
Cuối cùng thì thời khắc quan trọng được mong đợi nhất cũng đã đến: Đi nhảy dù thật!
 
Chúng tôi tập họp ở đường pist chờ của những chiếc vận tải cơ đậu lầm lũi trong bóng tối nhập nhoạng khi ánh bình minh chưa hé lộ ở đàng đông. Đó là thông lệ của lính Nhảy Dù chỉ xuất phát trong bóng đêm để giữ bí mật hay do sáng sớm trời ít gió thì không biết.
 
Sau khi nhận dù cá nhân, trang bị xong và được các huấn luyện viên kiểm soát thật cẩn thận sự an toàn cho từng người, lần lượt từng hai trung đội bước vào khoang. Máy bay cất cánh khỏi phi trường Tân Sơn Nhứt khi trời vừa mờ sáng.
 
Đến bãi thả, trong lúc chuẩn bị nhảy ra khỏi cửa phi cơ, không khí thật khẩn trương làm thần kinh rất căng thẳng bởi đây là giai đoạn khá nguy hiểm dễ xảy ra tai nạn làm ảnh hưởng tới máy bay, nhất là đối với những chàng ngỗng con mới nhảy lần đầu. 
 
Nhìn khuôn mặt huấn luyện viên thò ra khỏi cửa để quan sát bãi nhảy, gió thổi sát thịt da trên mặt của ông lộ rõ hộp sọ chứng tỏ gió rất mạnh khiến xui tôi nghĩ tới khuôn mặt của Tử thần. 
 
Thời gian chờ đợi ngọn đèn tín hiệu gắn trên cửa máy bay chuyển từ đỏ sang xanh và tiếng GO! vang lên quá hồi hộp.
 
Đã xảy ra một tai nạn ngoài mong muốn. Thường khi chuẩn bị nhảy, những ai thuộc pass nhảy phải đứng dậy kéo dây S.O.A ra khỏi khoen buộc để móc lên sợi câble trên trần máy bay, vòng dây ra sau lưng rồi giữ trên tay. Nhảy cửa trái thì giữ bằng tay trái, nhảy cửa phải thì giữ bằng tay phải để khi nhảy ra khỏi cửa dây S.O.A sẽ không bị vướng vào cổ.
 
Một chú tân binh luống cuống lại để sợi dây S.O.A choàng qua cổ. Do nhịp nhảy quá dồn dập nên huấn luyện viên không phát hiện kịp thời. Thế là anh chàng cứ bị treo toòng teng phất phơ sau đuôi máy bay khi đang bay. Những người còn lại trong khoang cố hết sức để lôi vào nhiều lần nhưng không được vì gió kéo mạnh quá!
 
Máy bay đã vòng lại lần thứ ba nhưng không thể đưa được anh chàng vào. Phi công quyết định cắt dây S.O.A cho người lính rơi tự do, huỷ bỏ phi vụ để trở về vì không thể cho nhảy tiếp và máy bay cũng không thể đáp xuống phi đạo với một cục nợ lơ lửng sau đuôi như thế.
 
Không đành lòng, mọi người đề nghị được phép cố gắng lần nữa. Cuối cùng bằng tất cả sức lực cộng chung thì cũng lôi được vào. Anh chàng đã bất tỉnh nhân sự từ lúc nào rồi, phần da một bên cổ đã bị sợi dây S.O.A kéo tuột hết lớp da ngoài máu đổ ròng ròng. 
 
Mạng thằng đó còn lớn nên mới thoát nạn được, không thì chết chắc vì bị rơi tự do từ trên mây xuống đất thì…còn gì là của?
 
Chiếc nón sắt của lính nhảy dù cũng gồm hai lớp như lính bộ binh, nhưng chiếc nón nhựa bên trong có điểm đặc biệt hơn là đính thêm cái quai chữ A. Khi đội lên đầu thì quai nón sắt bên ngoài sẽ luồn vô quai chữ A. Với chiếc nón sắt có một bộ hai quai sẽ giữ tuyệt đối nón không bao giờ rời khỏi đầu của người lính để đề phòng khi vừa bung dù thì bị bốn sợi đai thượng thăng giật mạnh có thể làm rơi nón, khi tiếp đất tránh trường hợp bị đập cái đầu trần xuống đất đưa đến chấn thương sọ não. Đó là một trong những tai nạn nhảy dù dễ xảy ra.
 
Nói về những tai nạn trong khi nhảy dù thì lắm kiểu, xin kể ngắn gọn tai nạn của tôi trong saut nhảy đầu tiên nghe chơi.
 
Đó là lúc cùng là khoá sinh nên không có sự phân biệt giữa quan và lính. Chúng tôi cứ xếp hàng theo từng trung đội nên tôi được nhảy khoảng giữa pass.
Úi trời! Lúc nhảy ra khỏi cửa máy bay lần đầu, cảm giác rơi tự do như bị té giếng và mắt thì cứ nhắm tít và đếm thầm 351, 352, 353, 354, 355. Hết 5 giây mà không nghe cái “bựt” do sợi chỉ 80 lbs kéo lá dù ra khỏi túi dù khi căng với sợi dây S.O.A móc trên dây cáp máy bay cho đứt thì coi như…hốt xương.
 
Khi dù vừa no gió sẽ bị giật rất mạnh lên một cái. Anh chàng nào lơ đễnh không siết chặt hai dây đai đùi thì sẽ bị một cú đau thốn xanh mặt ở hạ bộ và khi về nhà kiểm tra lại chắc chắn sẽ bị những vết bầm tím ở hai bên háng.
 
Lần đầu tiên nhảy dù thì ai cũng luống cuống như cô dâu đêm động phòng. Chả biết phải nàm rì?
Thế quái nào mà giữa lưng chừng trời tôi lại thấy hai chân mình đang đúng ngay trên viền nhả gió của dù một thằng khác. Đương nhiên là dù của tôi bị hụp gió mà tuột nhanh xuống làm thụng lá dù của thằng kia luôn. Nguy hiểm cận kề nên tôi cố đạp lá dù của nó cho rời hai thằng ra. Nhưng lá dù bằng vải nylon trơn phập phù gió nên dễ gì mà được như ý. Cố bơi ra được tới viền bắt gió của lá dù nó thì do dù của tôi bị hụp gió nên trọng lực kéo tôi rơi nhanh hơn, một chân lại bị xỏ vào dính trong dây dù của nó mà không có phương cách gì thoát ra được, trong đầu thầm nghĩ kiểu nầy chắc…tiêu rồi! 
 
Rốt cuộc thì hai thằng phải bị dù dính xà nẹo nhau rơi xuống đất chỉ bằng một cái dù của nó.
 
Dù nhảy cá nhân T10 người ta chế tạo chỉ nâng được trọng lượng từ khoảng 90 kg trở xuống là an toàn, đàng nầy hai thằng thanh niên vai u thịt bắp cộng lại chắc phải trên 120 kg. Hậu quả là hai thân mình bị dính chùm rơi xuống một cái bịch tung bụi lăn cù đau điếng, sau hơn 30 giây choáng váng mới tỉnh hồn lại nắn bóp tay chân coi có nghe tiếng rào rạo và còn cử động được không? Thở mạnh phì một cái coi tim gan phèo phổi có hề gì không?
Nó hết hồn quạu lên chửi tôi:
- Đậu xanh rau má! Ông nhảy kiểu gì dzậy?
- Xin lỗi nghen! Tại xui thôi! Tui cũng đâu có muốn dzậy.
 
Lúng túng như gà mắc tóc, thoát khỏi đám lùng bùng dây nhợ quấn xà nẹo cũng mất cả 10 phút, rời ra được đứng lên uốn éo thân mình thấy “nô xì-ta que” nên cả hai nhăn nhó phủi đít lo gom dù lại để tập họp.
 
Hú hồn chim én!
Thằng nào xếp dù gặp dù hai đứa tụi tôi phải gỡ rối mớ dây bị lẹo thế nào cũng chửi thề.
 
Tới saut nhảy thứ ba thì…cái rủi nó lại đuổi cái may. Rủi cho tôi khi đó vị trí tiếp đất là một bờ đất nghiêng mà tôi quan sát được từ trên cao khi còn cách mặt đất khoảng 40 mét. Khi nhảy dù mà hai chân tiếp đất không cân bằng chân cao chân thấp thì chắc chắn đầu gối của cái chân xuống trước sẽ chỏi vào ống quyển của chân xuống sau. Hậu quả gãy chân là cái chắc!
Trong lúc dù đang rơi xuống ào ào, tôi dùng cả hai tay níu mạnh một sợi đai thượng thăng xoay dù lại để thay đổi hướng té. Rốt cuộc khi tiếp đất thì cả hai chân cùng trượt theo hướng nghiêng của bờ đất, dộng mông xuống đất cái bịch rồi té lộn cù mèo ra đàng trước. Cứ tưởng là phải về bằng xe Ambulance, nhưng chắc bộ có Bà đỡ nên…hổng có siu!
 
Trừ những hôm có gió to, hai tay phải kéo căng mấy sợi đai thượng thăng để chống gió bắt mỏi, những hôm thời tiết tốt chỉ có những cơn gió nhẹ thì cánh dù sẽ điềm đạm từ từ rơi xuống. Không khí trên cao loãng hơn dưới mặt đất nên cách khoảng hai mươi mét nói chuyện nghe lồng lộng như đứng kế bên thích lắm!
 
Lơ lửng giữa trời xanh mây trắng với những cơn gió mát vờn quanh, ngó quanh quất nhìn mây bay gió thổi rồi nhìn xuống đám cây cối xanh rì phía dưới và những con chim còn bay thấp hơn mình, càng dày dạn thì khoảnh khắc ấy càng tột đỉnh khoái trá. 
 
Đáp xuống đất rồi ngước lên bầu trời xanh quan sát những pass sau, nhìn từng cánh dù no gió lần lượt nở hoa giữa không trung khiến cho một niềm tự hào và tâm trạng rất đẹp dậy lên trong lòng. 
 
Tôi biết kể từ giây phút đầu tiên lao ra khỏi cửa máy bay để bay lượn trên bầu trời bao la xanh ngát bằng đôi cánh chim non rồi sẽ trưởng thành dần theo ngày tháng của mình là bắt đầu đánh đu với số mệnh, tôi thực sự đặt số phận mình đong đưa trên làn ranh sinh tử và những khổ luỵ trần gian đang đón chờ tôi phía trước trong chảo lửa chiến tranh đang hồi sôi sục nhất.
 
Mà suy cho cùng trong gần cả triệu người lính đang tham chiến thì tôi cũng chẳng có mấy giá trị nên thôi cũng chẳng nghĩ ngợi gì nhiều.
 
Rồi cũng hoàn thành chương trình học. Ngày cuối cùng mấy trăm thằng xếp hàng nghiêm chỉnh trước sân cờ của TTHLND để nghe Trung Tá Nguyên Văn Vinh CHT/TTHLND công bố kết quả khoá học và hiệu triệu tinh thần chiến đấu của chúng tôi rồi gắn bằng nhảy dù tượng trưng cho hàng quân đứng trước, đồng thời các sĩ quan và hạ sĩ quan của Trung Tâm huấn luyện trao tấm bằng nhảy dù cho tất cả khoá sinh. Trong lòng rất hãnh diện là kể từ nay đã chính thức trở nên thành viên của một binh chủng bộ binh tinh nhuệ nhất, nghe tâm hồn thơ thới…khoẻ re như bò kéo xe!
 
Chỉ số chuyên nghiệp quân sự của tôi là 151.7 Trung đội trưởng binh chủng Nhảy Dù, trong khi chỉ số chuyên nghiệp quân sự Trung đội trưởng Bộ binh là 151.0. Quả tình là tôi rất hãnh diện với con số 7 phía sau lắm!
 
Sau 5 saut nhảy bắt buộc để được gắn bằng Dù, cứ mỗi năm bất kỳ người lính Nhảy Dù nào cũng phải nhảy đủ 4 saut bồi dưỡng tính cả những saut hành quân để được ăn lương bằng Dù (trừ những thằng ăn gian). Cấp uý mỗi tháng được cộng thêm 4.500₫ chớ ít đâu! Giá trị bằng 1,5 chỉ vàng bốn số 9 lúc đó chớ bộ.
 
Nguy hiểm là vậy, bạt mạng là vậy, nhưng được tận hưởng cái cảm giác mạnh giống như hồi mới lớn thích đua xe nên tôi chẳng có chút e ngại khi thấy có tên mình trên danh sách nhảy dù của đơn vị thông báo. 
 
Trong sổ Không vụ cá nhân lưu ở ban 1 đơn vị ghi lại ngày giờ thực hiện các saut nhảy của tôi đã lên đến con số 56 với tất cả các loại máy bay đang có, kể cả nhảy bằng trực thăng với Lôi Hổ.
 
Kể ra thì quãng đời binh nghiệp của tôi cũng rất chi là…tưng bừng sôi nổi theo một cách nào đó đấy chứ?
----------
 
Comment:
* La Trinh Tường
Tui xin bổ túc . Saut đêm không phải là saut đỏ . Saut đỏ là saut nhảy dù trận . 1 saut đỏ bằng 4 số thường bồi dưỡng . Từ năm 67-68 SĐND không còn nhảy dù trận . Khi lực lượng Hoa Kỳ tăng cường vào VN họ xử dụng trực thăng vận .
* Vinh Tấn Nguyễn
La Trinh Tường TĐ 9 năm 74 về học bổ túc 4 tuần tác chiến trong thành phố tại Quân Trường Vạn Kíp Bà Rịa Phước Tuy sau khi học xong cả TĐ nhảy dù có ba lô súng đạn xuống bải nhảy rồi nhìn những cột khói màu của Đại Đội các chiến binh chạy về đại đội mình và Đ/đội trưởng ban lệnh hành quân cho các tr/đội trưởng tiến chiếm mục tiêu bắn đạn thật có phi cơ yểm trợ cũng đánh bom nổ và pháo binh cũng đạn nổ thật vào mục tiêu là núi Ông Tịnh ( sân bắn của quân trường Vạn Kíp . Hôm đó có tướng vùng và tướng TL cùng các vị SQ cao cấp thị sát mặt trận. Đại đội 94 có một binh sĩ gãy chân lúc đáp dù xuống trúng lỗ chân trâu ..! Nhờ vậy mà ZZ94 tôi mới biết ý nghĩa của các màu trên phù hiệu sư tử núi của các đại đội trên cầu vai . Mục đích để nhảy dù trận chiến xuống bải đáp binh sĩ nhìn màu khói của đại đội mình mang trên cầu vai mà gôm quân .! Và show nhảy hôm đó được cho là Saut đỏ nên nguyên năm 74 cả TĐ 9 KHÔNG cần nhảy bồi dưỡng 4 Saut .! ZZ94
 
Huấn luyện viên có dạy mà ?
Chắc tối qua nhậu xỉn không còn sức để barre de traction !
Dù rơi xuống tốc độ lẹ. Tại sao anh này không mở dù bụng, đưa hết một chân vắt qua hết những dây của dù bụng, rồi túm gọn hết tất cả dây của dù bụng lại là một để đáp xuống thẳng hầu tránh đáp xuống đất bằng lưng.

No comments: