* MORE: Cao Hoài Sơn ( Son H Cao)
* CHUYẾN SĂN ĐÊM
-------------------
NGƯỜI LÍNH TRẺ
Truyện Đời Cao Hoài Sơn
Son H Cao
Truyện Đời Cao Hoài Sơn
Son H Cao
Dòng hồi ức dẫn tôi quay về với những ngày tháng tôi là lính mới tò te, mới ra trường Bộ Binh Thủ Đức. Giờ đây tan tác muôn phương, nhưng tất cả dường như chỉ mới hôm qua đây thôi… Những cuộc tấn công của cộng quân, những ẩn nấp của bọn VC chém vè chuyên nghề chui rúc… Tôi đã hòa vào cuộc sống mà nhịp thở của nó là các chiến trường, âm thanh của nó là tiếng bom nổ đạn bay, tiếng ồn ào bổ bã lính tráng… Tuy tiếng là sĩ quan nhưng thực sự tôi còn quá non trẻ, và đã được rất nhiều quân nhân Hạ sĩ quan nhưng già dặn chiến trường không những chỉ dạy thực tế, mà còn “bảo bọc” tôi trong các tình huống nguy hiểm nữa. Trong số đó có ông thượng sĩ Tồn.
Từ khi bước chân về Đại đội 118/ĐPQ này, tôi được rất nhiều thiện cảm của mấy ông Thượng sĩ già người Chàm. Tôi còn nhớ những lần đi hành quân trong Động Thái An, vùng Đồi Lạc Sơn, hay trong những trận phục kích địch tại Xuân Quang, Hiệp Thành, Cà Nuôi v..v.. tôi đều được các ông Thượng sĩ già Trung đội phó chỉ bảo những kinh nghiệm tác chiến quý giá mà không có quân trường nào hướng dẫn cả. Tôi rất nghiêm chỉnh trong việc ghi nhận những chỉ bảo này, coi đó là những bài học thiết thực mà người Chỉ huy mới ra trường chưa có đầy đủ kinh nghiệm chỉ huy một đơn vị chiến đấu cần phải có để giảm bớt tối thiểu máu xương của binh sĩ dưới quyền. May mắn cho tôi là về được một đơn vị thiện chiến nhất nhì của Tiểu Khu Bình Thuận và tôi biết chắc rằng với Đại đội này khi lâm trận chỉ biết có xung phong giết địch chứ không hề có tư tưởng tháo chạy, và chắc chắn một điều là khó có nội tuyến VC nằm vùng trong đại đội này. Đó là nhận xét riêng của tôi sau một thời gian ở đây.
Có những lúc trầm ngâm một mình, tôi như nghe lại rất rõ những âm thanh năm xưa đã đi vào ký ức đầu đời của tôi, nó vào sớm hơn cả những ký ức tình yêu nên nó sâu đậm có khi còn hơn cả một ký ức tình yêu… Đó là một ngày ít việc của một đoàn quân tác chiến.
….Hôm nay ông Thiếu úy đi uống với tôi ít chai!
Tôi chần chừ nhìn ông Thượng sĩ già Tồn bận bộ đồ lính nhưng rất luộm thuộm, bèo nhèo. Sáng nào nếu không đi hành quân, Đại đội thường tập hợp vào 8 giờ sáng tại sân cờ Chi khu Phan Lý Chàm để điểm danh sau đó mới tan hàng sau khi nhận lệnh phân công từ Đại Đội Trưởng Trung úy Ngư. Ông Thượng sĩ già này đã nhiều lần mời tôi nhưng tôi đã khéo léo từ chối, hôm nay thì chắc không thể nữa rồi, vì Đại đội hôm nay không có công tác quan trọng, vả lại quán nhậu cũng gần đây, nếu có gì thì cũng có thể về ngay Chi khu để nhận công việc, nếu tiếp tục từ chối nữa có thể làm mất lòng người HSQ già này thì không tốt. Tính của tôi ít khi bỏ đơn vị để đi rong chơi, lúc này tôi còn độc thân, nên ít khi vắng tại đơn vị. Vì vậy Chi khu PLC một lần nhận được nguồn tin từ một người Chàm Hậu Quách cho biết có khoảng một Tiểu đoàn Cộng quân đang tập trung bên đường rày xe lửa bên kia xóm Hậu Quách, chúng tôi đã vội vã tập hợp đầy đủ sau một hồi kiểng đánh và lên đường truy kích cộng quân ngay bằng hai chuyến xe GMC đổ xuống bên xóm Chàm Hậu Quách. Lần đó có Cố vấn Mỹ Chi Khu PLC cùng đi với Đại Đội, đến nơi thì cộng quân đã chém vè nên không có đụng độ xảy ra.
Thật tình tôi cũng muốn có dịp để tâm sự với ông Thượng sĩ già người Chàm gốc Ma Lâm Thiện Giáo tên Tồn này để tìm hiểu về người Cha quá cố của mình vì ông ta thường nói Thiếu úy (tức tôi) giống ông già y hệt, mới nhìn đã biết Thiếu úy là con của ông Sếp. Ông ta cũng thường thố lộ là mình và một vài bạn đồng ngũ hiện đang có mặt trong đơn vị Đại đội 118/ĐPQ này lúc trước đã từng là lính dưới quyền của ông già tôi. Tôi rất muốn tìm hiểu để biết thêm về người Cha quá cố của mình, nhưng tại quê tôi rất ít người biết chỉ trừ ông Quế Râu, người ông bà con bên Ngoại của tôi, là còn nhớ chút ít vì ông đã từng làm Thông Ngôn (Thông Dịch Viên) cho ông già tôi khi ông ấy còn làm Sếp ở cầu số 4 Xóm Lụa, chiếc cầu duy nhất bắc qua con Sông Lũy khi băng qua QL1 ở Chợ Lầu, tại đây có một đồn rất lớn của lính Pháp đồn trú. Còn sau đó khi ông già đổi vào Thiện Giáo thì chính má tôi cũng không còn rõ nữa.
Riêng Thượng Sĩ Tồn này mặc dù là người Chàm nhưng cũng khá đẹp trai, mặc dù tuổi đã lớn sắp phải về hưu. Ông ta có màu da cũng sáng sủa, với chiếc mũi cao đẹp, nếu ông không nói với giọng hơi cứng của người Chàm nói tiếng Việt thì không ai nghĩ ông là người Chàm. Tôi để ý thấy ông ta không bao giờ cười, với gương mặt lầm lì trước binh sĩ trong Trung đội, nếu là người lạ chắc cũng ớn ông Thượng sĩ này lắm. Tôi cũng muốn tìm hiểu về người Trung đội phó của mình nên vui vẻ đồng ý đi làm vài chai với ông ta. Nhưng tôi nói trước, tôi chỉ làm vài chai chơi thôi, chừng nào thấy hết uống nổi nữa thì tôi xin về, đồng ý như vậy thì tôi mới dám đi lai rai với bố già. Vì tôi biết rằng, bố này ít khi uống bia mà khi đã uống rồi thì uống tới ba ngày ba đêm, không cần mồi nhậu, chỉ uống một mình không bao giờ uống với người thứ hai và ngủ luôn tại quán, tỉnh dậy lại uống với chỉ độc nhất thứ La Ve con cọp loại chai lớn không cần đá. Hôm nay đơn vị mới đi hành quân dài ngày về lại được phòng thủ Chi Khu PLC một nơi an toàn nhất trong lãnh thổ Bình Thuận vì từ hồi có chiến tranh đến giờ, nơi đây chưa từng bị tấn công hay đột nhập kể cả trong xóm Chàm Hựu An nơi đặt BCH Chi Khu PLC. Thôi thì cứ để ổng say vài hôm cho đã, có gì tôi lo Trung đội Vũ Khí Nặng này cũng không có gì khó khăn, trở ngại.
Lần này có lẽ là đầu tiên, bố già Tồn uống bia với người thứ hai nên trông ông ta rất mừng rỡ vì thật sự quý mến tôi vì thế ông ta kêu thêm dĩa mồi cho tôi. Người chủ quán biết ý khỏi cần kêu đem ra hai chai bia con cọp loại lớn nhưng chỉ một ly đá cho tôi. Sau khi uống vài hớp lấy giọng, tôi liền vào đề ngay hỏi về ông già của tôi thì được ông cho biết cũng giống như những tin tức mà tôi hỏi được từ ông Thông Ngôn Nhạn, người Phan Thiết, trước cũng làm Thông Ngôn cho ông già tôi lúc ông làm Sếp đồn Thiện Giáo. Trước đó không lâu, cũng có lần Bố già Tồn cho biết ông Đại Úy Đồn Trưởng tức Ba Tôi, một đại úy người Pháp đã chết trong một lần quân Việt Minh Cộng Sản phục kích đoàn quân do ba tôi chỉ huy, may mắn là bố già Tồn không chết trong trận đó. Nhớ lúc đó tôi đã hỏi bố già Tồn là “Bố ơi, mặt mũi ông này ra sao hở bố?” thì ổng cười ha hả nói “Thiếu úy về coi kiếng là thấy mặt ổng liền, hỏi tôi làm chi”.
Thế là tôi đã kiểm chứng chính xác về ông già của tôi. Thực sự ông đã chết không còn nghi ngờ gì nữa, dù trước đó có người nói ông ta đã về Pháp. Nhưng cho tới lúc đó tôi vẫn còn lấn cấn về mối quan hệ giữa má tôi với ba tôi. Trong hoàn cảnh thời bấy giờ, những quan hệ như vậy thường bị cho là cưỡng ép, cưỡng hôn, dồn hết mọi xấu xa lên đầu những ông lính Pháp, và cả tôi, tôi cũng suy nghĩ như vậy, nên dù hỏi thì hỏi, tôi cũng không tha thiết lắm với việc tận tường về cha ruột của tôi, một đại úy Pháp.
Sau một vài chai coi bộ nóng máy, tôi mới hỏi qua chuyện khác, như chuyện bố già đi lính hồi mấy tuổi, nhà chính thức ở đâu mà sao tôi không thấy vợ con của bố già đâu cả?
Đưa tay bưng chai uống một hơi cạn búng tay ra hiệu cho chủ quán đem hai chai khác, đưa ngón tay trỏ vào miệng chai búng một cái phát ra tiếng “Bóc” rồi mới tu một hơi lấy trớn xong rồi ông mới nói:
“Mời Thiếu úy làm đi chớ, (tôi mới Chuẩn úy, nhưng ông ta đã phong lên Thiếu úy), chuyện vợ con của tui không có gì đặc sắc…Mà tui thấy chuyện vợ con của ông sếp Cao của tui mới là đáng nói đây….”
Rồi với một giọng trầm buồn, bố già kể lại câu chuyện mà tôi đang cần nghe…
“Lúc bấy giờ Việt Minh đang nổi lên mạnh lắm, tụi tui lớp thanh niên Chàm ở Thiện Giáo đa số là đi lính cho Pháp và Quốc gia để chống lại Việt Minh. Như Thiếu úy biết người Chàm không ưa cái tụi Việt Minh Cộng Sản này và mấy ông Sếp người Pháp chỉ tin vào đám lính người Chàm vì bảo đảm không có nội tuyến. Cái vùng Ma Lâm Thiện Giáo, Việt Minh rình mò phục kích đánh nhau với Pháp nhiều trận lớn lắm vì địa thế hiểm trở lại dễ dàng rút lui vào rừng. Hàng tháng quân Pháp đều tổ chức các cuộc hành quân lục soát trong các làng xã nằm dọc Tỉnh lộ 8 bây giờ. Tui vào lính năm đâu 18 tuổi, có đi tham gia hầu hết những cuộc càn quét Việt Minh trong vùng”.
Ông Thượng sĩ già để mạnh cái chai xuống bàn, đưa đôi bàn tay lên xoa mặt vài cái rồi như xúc động vì nhớ về chuyện cũ. Với giọng đều đều, có chút lè nhè bố già kể cho tôi nghe về câu chuyện mà ông cho là quan trọng hơn cả câu chuyện tình sử của chính ông:
“Một ngày đó, (khoảng năm 1950-1951), 2 Đại đội lính tại Thiện Giáo do Sếp Cao người Pháp chỉ huy tổng quát trong đó hơn một nửa là lính Pháp còn một sồ là lính người Chàm đang hành quân ngang qua một cái làng trên Tỉnh lộ 8 (bố không nói rõ tên làng) thì bị quân Việt Minh phục kích núp từ trong những nhà hai bên đường bắn ra làm tử thương rất nhiều lính người Pháp và lính người Chàm chúng tôi. Đây là lối đánh của Việt Minh thời đó, dựa vào nhà dân để phục kích bất ngờ, đánh xong là bỏ chạy mặc kệ. Pháp vì tức giận mấy cuộc đột kích này nên sau khi VM rút sau khi giết được vài tên Pháp, cướp được vài khẩu súng để lấy công dâng đảng, báo cáo thành tích, thì Pháp nổi cáu nên làng xã, người trong xóm bị lính Pháp tàn sát, hãm hiếp để trả thù VM, nhưng oan gia tội báo lại đổ lên dân lành vô tội”.
Nghe đến đây đôi mắt của tôi bỗng dưng cay xè, vì thấy thương cho những người dân trong vùng đó quá, và tôi nhìn vào đôi mắt của bố già thấy như có lửa trong đó, tôi hỏi nhỏ:
- Rồi sao nữa bố?
Tôi đã biết câu chuyện đến hồi gay cấn. Bố già Tồn ngưng lại tu một hơi lấy trớn kể tiếp:
-Tui không theo đoàn quân trả thù bằng cách bắn giết, đốt nhà trả thù đó, tui chợt buồn, đi với một tiểu đội lục soát lọt vào một vườn cây vắng vẻ sau xóm nhà hồi nào không biết để cho lòng lắng xuống….Và tui đã chợt thấy một chuyện kinh người, trời ơi, là ổng… là Sếp Cao… người chỉ huy kính mến.
Tôi chồm dậy dù chưa nghe kể hết câu…Tôi vẫn ám ảnh bởi những mẩu ký ức không đầu không đuôi mà khi rượu vào lời ra ổng nói, nhưng chưa bao giờ nói hết:
-Sao lâu nay ông không chịu nói?
Tôi chợt nhận ra là tôi đang chồm người lên túm lấy hai vai Bố già lắc mạnh một cách thô bạo với sức lực của một chàng trai trẻ. Nhưng tôi đã bị hất trở lại, bởi một cái hất tay thật mạnh, ông Thượng sĩ già đã dư sức bắt tôi trở lại xuống ghế, phải ngồi nghiêm chỉnh mà nghe cho hết một câu chuyện nghiêm chỉnh.
- Ngồi yên đó ông Thiếu úy con ông Sếp.
Ông ta như ngấm hơi men rất nặng rồi, nói như quát.
- Thiếu úy không hiểu tại sao tui không nói hả? Tui giữ lại cho ông một ký ức mù mờ về chuyện này thì tốt hơn, tốt hơn là cho ông biết chuyện của ông Sếp mà giờ này xương tan thịt nát như thế nào cũng chưa biết rõ… Lúc đó, thấy ổng, tui hết hồn, tôi không biết tại sao ổng lại nằm yên nơi này một mình, không người lính cận vệ nào, nhìn kỹ, ổng chết thật rồi, hai lỗ đạn còn mới nên đỏ hoét bên sườn…Hình như ổng trúng đạn, ráng lê vào nơi hoang vắng này rồi mới gục chết, mới chết không lâu, gương mặt hơi tái trong đám cỏ dại mênh mông, nhưng nhìn không thấy ghê chút nào…. Mà lại giống như một cậu trai nhỏ xíu đang đau ốm, vành môi nhẹ nhếch cái cười mơ hồ nũng nịu, người thì đã chết nhưng mái tóc vàng nâu dường như chưa chết….Nó còn phất phơ nhẹ khi một làn gió thoảng qua.
Tôi không nói gì nữa. Không uống nữa. Không thấy gì chung quanh tôi nữa. Lúc này nếu có đạn pháo rơi xuống ngay đây chắc cũng không nghe thấy luôn.
- Là chính tui đã bế ổng vào trong vòng tay, thất thểu quay trở lại nơi đánh nhau, mùi khói súng còn nồng cay, những căn nhà tranh còn đang bốc cháy với làn khói mịt mờ. Trong tay tui là cái xác vô hồn, nhưng đó là cả một trời bi thương, nặng trĩu… Cây thánh giá bằng cây rừng do chính tay tui làm đặt trước thi thể trên chiếc băng ca vì biết Sếp là người có đạo. Rồi sau đó là một buổi lễ truy điệu cho ông Sếp, Đại úy De L’afforce, lá cờ Tam Tài được phủ lên chiếc quan tài sau một hồi kèn với 21 phát đạn tiễn đưa. Chiếc quan tài của Sếp được đưa về đâu tui không rõ. Sau đó, chiến tranh dằng dai, tui thì theo đơn vị đi khắp đó đây, vợ con còn ít gặp, nhưng chuyện này tui không bao giờ quên, mỗi khi nghe tiếng súng nổ, tui vẫn thấy bóng hình ông Sếp như ẩn hiện đâu đây …
Tôi cũng còn nín thinh, cây thánh giá hoang sơ ấy cũng đã cắm luôn vào tim tôi ngay lúc này. Tôi không nhớ bằng cách nào tôi đã ra khỏi quán, bằng cách nào tôi đã gạt mạnh tay ông Thượng sĩ già chạy theo sau vừa chạy vừa nói. Hơi rượu, nỗi buồn… làm ổng chẳng còn gọi tôi một cách lịch sự tôn ti nữa:
- Nè con ông Sếp, ông đừng có mà dại dột kể lại những thứ này cho má ông nghe đó nha…
Tôi trở về đồn với nỗi ám ảnh về một cây thánh giá lẻ loi trên chiếc băng ca người tử sĩ Pháp, và đã lại cắm sâu hơn nữa trong tim tôi. Nó làm tôi rơi vào một trạng thái kỳ lạ. Mấy bữa sau, dường như tôi và Bố già đã trở lại trạng thái bình thường với lu bù việc là việc. Nhưng ít nhất tôi đã nghe lời khuyên chí lý của một người lớn tuổi, tôi đã không bao giờ nói lại với má tôi về điều này. Tôi để nó trong lòng một cách cố chấp để nghĩ về một tình yêu của má tôi dành cho ba tôi, thôi vậy đi cho khỏe, bề nào cũng chết rồi…
Rồi cơn lốc lịch sử tàn bạo đã quét ngang qua lãnh thổ VNCH thân thương của tôi, qua quê hương Bình Thuận, qua quãng đời ở trại tù cộng sản… Cuối cùng cơn bão xiêu dạt ném tôi lên xứ Mỹ này. Tôi chấp nhận sự yên ổn, ngoài tầm nanh vuốt cộng sản, rồi thêm viết lách đỡ buồn… Một hôm tôi vô tình đọc được một bài thơ tiếng Pháp “Le Dormeur du val” của Arthur Rimbaud, bản dịch Việt rất hay. Đây là một bài thơ có thể làm cay mắt người đa cảm ngay khi tiếp xúc lần đầu:
Bám cỏ non những mảnh vải trắng lòa
Từ ngọn núi cao mặt trời gieo ánh bạc
Lũng nhỏ bừng ngàn tia nắng ngân nga
Một anh lính trẻ đầu trần, miệng hé
Chiếc gáy đầm trong lá cải xanh tơ
Trên thảm cỏ, dưới trời mây, anh ngủ
Mặt xanh rờn, ánh sáng trút như mưa
Anh thiêm thiếp, chân trong hoa, cười mỉm
Như hững hờ đứa trẻ ốm cười duyên
Thiên nhiên hỡi..Ru anh đi, anh lạnh
Hương thơm không giúp cánh mũi phập phồng
Anh ngủ dưới mặt trời, tay co trên ngực rộng
Rất lặng yên. Hai lỗ đỏ bên sườn.
Bài thơ này làm trong bối cảnh chiến tranh Pháp- Đức 1870- 1872. Nói về một người trai trẻ Pháp đã chết như ba tôi đã chết trong chiến tranh Việt Nam năm xưa, chắc cũng ở trong một thung lũng vắng hoang sơ như chàng trai này…
Bài thơ hay ở chỗ tất cả những gì của chiến tranh bạo liệt đã bị đẩy ra xa. Chàng trai trẻ tử trận nằm lại yên bình trong thiên nhiên yên ả.
Chàng nằm tay để lên ngực, ngủ giấc ngủ bình an giữa những luống rau thanh bình, giữa làn hương mà chàng không còn cảm nhận, như đứa trẻ ốm hơi nũng nịu trên giường, vẻ mặt tái xanh lại chan hòa ánh sáng của nắng gió.
“Thiên nhiên hỡi, ru anh đi, anh lạnh…”
Tôi cũng đã là một ông già, mệt mỏi với lập luận, cảm nhận, phân tích… tôi chỉ sống với ký ức của mình, tôi lục lại tập ảnh gia đình. Đây má tôi bế tôi trong tay lúc mới một tháng tuổi. Ngoài việc nhận ra là bức hình rất đẹp, và một câu nói của má mà tôi chợt nhớ ra từ ký ức mịt mờ, là “cái ót của nó in như cái ót của cha nó vậy”….
Gương mặt người mẹ trẻ bế con tươi cười rạng rỡ trông thật xinh đẹp, đẹp lắm. Điều này cho thấy đây không phải là một cuộc cưỡng hôn, mà là một tình yêu thực sự, tôi là kết quả của tình yêu đó. Một người đàn bà nhớ mãi một nét riêng của người đàn ông đã từng đi qua đời mình thì má tôi không thể nào không từng yêu người ấy, dù mối tình do thời cuộc có bị phủ lên một màu sắc nào đi nữa….
Ngọn gió vô thường của thế gian có thể thổi cuốn tất cả bay đi. Nhưng dù sao, tôi cũng đã được ba tôi di tặng một ngoại hình đẹp đẽ thời thiếu niên, một thể trạng khỏe mạnh để có đủ sức đi qua các cuộc chiến khốc liệt, các trại tù cộng sản tàn bạo… và một tuổi già khỏe mạnh.
Nhưng thực sự có một điều tôi thừa nhận, là sau khi viết lại truyện này, tôi thấy nhẹ nhàng hơn hẳn, như đã thực sự trả xong một món nợ ân tình, nhất là từ đây mỗi khi rửa mặt, chải đầu, cạo râu, nhìn vào gương, tôi lại nhớ lời của ông thượng sĩ già năm xưa:
“Thiếu úy nhìn vào gương là thấy mặt ổng liền…”.
Thực sự, ba tôi chưa bao giờ lìa xa tôi trong chừng ấy năm từ khi tôi trẻ tới lúc tôi già. Bóng dáng của ông hãy còn đây, ngày ngày vẫn bên tôi mà xưa tôi đâu có biết, nay mới biết, dù là rất muộn màng…
Xuân An Cao H Sơn
------------
Son H Cao
CHUYẾN SĂN ĐÊM
Cao Hoài Sơn
Sau khi về nhậm chức Tỉnh / Tiểu Khu Trưởng / Tiểu khu Bình Thuận cuối năm 1969, việc đầu tiên của vị Tiểu Khu Trưởng, Đại tá Ngô Tấn Nghĩa, là bằng mọi giá phải lập lại an ninh trên toàn lãnh thổ Tỉnh. Con đường huyết mạch QL 1 xuyên qua Bình Thuận được khai thông hoàn toàn, vào năm 1970 những chuyến xe đò có thể hoạt động trở lại, những đoàn Quân xa di chuyển hằng ngày mà không bị phục kích. Đời sống dân chúng toàn Tỉnh trở lại bình thường. Việt cộng bị đẩy lùi về hang ổ của chúng đó là các mật khu.
Bằng vào cái gì mà Đại tá Tiểu khu trưởng Ngô Tấn Nghĩa làm được kỳ công này? Cũng chừng đó các đơn vị cơ hữu chiến đấu, nhưng dưới sự chỉ huy quả cảm, đầy tài năng, biết dấn thân mình tới các tiền đồn heo hút. Sự có mặt của vị chỉ huy đứng đầu Tỉnh là liều thuốc kích thích tinh thần Binh sĩ chiến đấu lên cao độ. Họ không còn mặc cảm bị bỏ rơi, vì biết cấp chỉ huy cao nhất của mình cũng đang có mặt nơi nào đó, nơi tiền đồn heo hút, hoặc đang có mặt ở một Thôn Xã hẻo lánh như La Gàn, Lương Sơn, Chợ Lầu, Cây số 25, Gió Ngàn Phương, hay Vĩnh Hảo.
Những đêm thăm viếng bất ngờ như thế làm cho các Đơn vị trưởng ở mỗi địa phương không dám lơ là bỏ đơn vị và quân số phải luôn luôn đầy đủ, trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Trong cuộc đời binh nghiệp, tôi chưa thấy vị chỉ huy nào mà tận tụy phục vụ như thế. Nói thì nghe rất dễ, nhưng mấy ai làm được. Thường thì khi đã leo lên đến chức vị cao, thì việc đầu tiên là lo vơ vét, coi mạng sống của mình quan trọng, không ai dám đem nó ra mà giỡn mặt với tử thần.
Tôi đã được chứng kiến nhiều lần Đại tá Ngô Tấn Nghĩa đến với đơn vị tôi trong âm thầm lặng lẽ, nhiều lúc vào lúc tám chín giờ tối, làm các vị Tiểu Đoàn Trưởng, hoặc Liên đội trưởng phải ngạc nhiên. Sau khi ông đã đi qua Chợ Lầu bằng chiếc xe Jeep do con trai ông là Lễ lái, anh cũng là người cận vệ của Cha mình, với hai âm thoại viên. Đường Từ Chợ Lầu đến Phan Rí Cửa băng ngang qua Quán Mía, Khu ba Liêm Bình, khi trời xụp tối là vạn phần nguy hiểm, thế mà ông vẫn đi một cách bình thường. Đây cũng là cách nói cho các đơn vị trưởng tại những nơi này biết là phải luôn luôn cảnh giác và phải thường xuyên có mặt ở những nơi nguy hiểm nhất.
Một lần vào mùa hè năm 1971, khoảng 8 giờ tối Đại tá Ngô Tấn Nghĩa đến Yếu khu Phan Rí Cửa trên chiếc xe Jeep do chính anh Lễ lái cùng hai âm thoại viên. Đại úy Nguyễn Đình Thụy, Liên đội trưởng Liên đội 2/8/ĐP ra tiếp đón mời vào BCH. Đại úy Thụy hỏi Đại tá và anh em đi theo đã ăn uống gì chưa để lo cơm nước thì Ông cho biết khỏi phải lo vì đã ăn rồi. Đồng thời ông hỏi tình hình bố phòng trong khu vực như thế nào, nhất là vùng Lâm Lộc, Thượng Văn. Dĩ nhiên là Ông Liên đội trưởng phải nói là rất tốt, các mũi đột nhập vào Lâm Lộc đã bị chận đứng, với bốn Trung đội Nghĩa quân bảo vệ Lâm Lộc và Đại đội 730/ ĐPQ bảo vệ Hội Tâm thật an toàn.
Nghe xong Đại tá Ngô Tấn Nghĩa rất lấy làm hài lòng và nói tiếp: “hôm nay tôi muốn đi săn ở Dốc Hội Long, anh chuẩn bị cho tôi một Tiểu đội, chiếc xe Dodge và anh nếu muốn thì đi với tôi cho vui”. Nói thì nói vậy chứ Đại tá Tiểu khu trưởng đến vùng mình trách nhiệm mà không đi thì coi sao được, thế là Đại úy Thụy ra lệnh cho Tiểu đội Tình Báo Liên đội là một đơn vị thiện chiến cùng tháp tùng. Tài xế là Thiếu úy Cầu, không biết ông nghĩ sao mà bảo Thượng sĩ Giáo Ban 2, và tôi, Thiếu úy Cao Hoài Sơn trưởng ban 5, đi theo. Sở dĩ ông chọn Thiếu úy Cầu lái xe vì tài lái xe của Thiếu úy Cầu rất giỏi.
Trước khi đi, Ông thông báo cho Chi khu trưởng Tuy Phong Thiếu tá Trung biết có thể tối nay ông ngủ lại Tuy Phong. Như ta đã biết đường từ Dốc Hội Long ra tới Ngã ba Long Hương dài gần hai chục km toàn rừng cây gai thấp, không có làng xóm nên không có đơn vị Lính nào trú phòng, rất nguy hiểm dù là ban ngày chứ nói chi về đêm. Nhận được tin Thiếu tá Trung điều động lực lượng đi ngược vào Dốc Hội Long đón Đại tá Tiểu khu trưởng.
Xe tôi mở đường hướng về Dốc Hội Long, theo sau là xe của đại tá Nghĩa, đường ra thì tôi không sợ vì còn sớm Việt cộng chưa có thể mò về Lâm Lộc sớm quá được, có sớm lắm theo kinh nghiệm thường ngày thì VC đột nhập phải trên mười giờ đêm. Ấp Lâm Lộc trải dài trên bốn Km với bốn Trung đội Nghĩa Quân nằm đường giữ an ninh thì quá thưa. Nhưng lúc trở về thì tôi vô cùng lo lắng, vì những lần VC mò về chúng bị phục kích bắn chết, hoặc bị mìn Claymore tự động giết chết rất nhiều nên chúng vô cùng thận trọng mỗi khi đột nhập, và khi đột nhập được rồi thì chúng âm thầm lặng lẽ lấy đồ tiếp tế xong là âm thầm lặng lẽ rút êm không dám làm lộ đường xâm nhập, vì sợ ăn mìn sau này.
Trên đường đi với hai xe nên đèn xe chiếu sáng đã báo cho VC biết là ta có vấn đề gì đây nên xe mới đi ra, chúng sẽ tổ chức phục kích đoàn xe trên đường về, nếu chúng đột nhập được vào Lâm Lộc. Trên đường ra rất an toàn, khi qua khỏi Dốc Hội Long chừng 3Km thì Đại tá Nghĩa ra lệnh dừng lại và bắt đầu tổ chức Đêm săn bắn. Xe của Đại tá Nghĩa chạy trước càn qua những buội cây thấp, một anh Lính rọi đèn pha quét ngang dọc, khi thấy con mồi thường là con mễn, hay thỏ thì xe Jeep dừng lại và Đại tá Nghĩa bóp cò khẩu súng săn, đầu đạn nhỏ bằng đầu đũa có máy nhắm và ống hãm thanh.
Thật là thiện xạ, mỗi một phát là một con mồi ngã gục, lính của Tiểu đội Tình Báo đi theo đem con mồi lên xe chúng tôi. Cuộc đi săn đầy hào hứng vì vùng này mễn và thỏ rất nhiều, mỗi khi đèn pha chiếu qua là bắt gặp những cặp mắt sáng ngời phản chiếu lại và chỉ bóp cò vào giữa hai mắt là con mồi ngã gục. Đến mười giờ đêm thì Thiếu tá Trung đến và xe thì cũng đã đầy mồi săn được. Tôi đếm được vào khoảng mười con mễn và chừng hơn hai mươi con thỏ, sau khi lấy vài con giao qua xe cho thiếu tá Trung chở về Chi Khu Tuy Phong để ăn tối nay, Đại tá Nghĩa bảo chúng tôi đem tất cả về Yếu Khu Phan Rí Cửa giúp làm sạch sẽ, ngày mai ông trở lại lấy vài con, còn bao nhiêu thì cho chúng tôi làm gì thì làm.
Đoàn xe Chi Khu Tuy Phong đưa Đại tá Tiểu khu trưởng trở về Long Hương vừa khuất dạng, chúng tôi lên xe Dodge trở về Phan Rí Cửa. Linh cảm tôi như báo trước VC sẽ tấn công chúng tôi trên đường về, nên với cương vị Liên đội trưởng Nghĩa quân Phan Rí Cửa tôi liên lạc với bốn Trung đội đang có mặt ở Lâm Lộc là cố gắng mở đường giữ an ninh trong phạm vi trách nhiệm, chú ý đến những dãy nhà bên phía núi vì VC không bao giờ dám băng qua đường để phục kích.
Sau khi nghe Liên đội NQ tại Lâm Lộc báo cáo đã hoàn tất lục soát trong phạm vi trách nhiệm và an toàn, chiếc xe Dodge chở chúng tôi do Thiếu úy Nguyễn Cầu trưởng ban 4 lái lao hết tốc lực về phía trước. Băng ghế trước có Đại úy Liên đội trưởng và Thượng Sĩ Nguyễn văn Giáo tự Giáo già phụ tá ban 2 và tôi thì đứng ngoài bửng xe, một tay vịn chặt cửa, một tay chỉa khẩu súng M79 về phía trước. Tiểu đội Tình Báo do Thượng sĩ Bằng chỉ huy chỉa súng ra hai bên hông sẵn sàng nhả đạn.
Xe lao vun vút trong bóng đêm với hai đèn pha sáng chói, qua Dốc Hội Long, xe băng qua Hội Tâm tiến về Lâm Lộc. Tất cả chúng tôi thật căng thẳng cao độ, thực tâm không thể tin hoàn toàn vào các anh em Nghĩa quân mở đường, vì đoạn đường quá dài không thể kiểm soát trong đêm tăm tối như đêm nay. Ngoài mặt đường nhựa bị nuốt chững phía trước vì tốc độ xe quá nhanh, nhìn ra hai bên chẳng thấy gì ngoài bóng đêm đen như mực.
Xe qua khúc cua có ngôi Trường Tiểu học Lâm Lộc, bên kia đường đối diện là ngôi Chùa cổ, chỗ mà tôi sợ nhất vì địa thế rất thuận lợi cho VC phục kích, nhưng xe cũng vượt qua an toàn, chỉ còn một Km là đến Cầu Nam ở đó là nơi an toàn vì có một Trung đội NQ đang đồn trú tại đó, và cũng đang cho một Tiểu đội lục soát phía dưới xóm nhà chừng 200 mét. Xe đi qua Trụ sở Ấp Lâm Lộc mà không thấy có gì, chỉ còn chừng hai phút nữa là an toàn. Chẳng lẽ linh cảm tôi đoán sai, xe vượt qua xóm nhà chỉ còn chừng 300 mét là an toàn thì bất ngờ những loạt đạn AK và B40 bắn ra như mưa vào xe chúng tôi.
Nhưng vì tốc độ xe quá nhanh, nên những quả B 40 bay vụt qua trúng những nhà bên kia đường, lúc này tôi không biết những viên đạn AK có trúng vào xe và có ai bị trúng đạn hay không? Tiếng súng bắn trả của toán Viễn thám vang lên dữ dội làm lùng bùng lỗ tai. Sự việc xảy ra nhanh quá tôi chỉ kịp quay họng súng về những lằn chớp dưới các hiên nhà bóp cò. Tiếng nổ còn đuổi theo xe mặc dù nó đã thoát khỏi nơi bị phục kích. Xe lao vào đứng lại giữa cầu, tôi nhảy xuống bửng xe chạy ra sau hỏi nhanh có anh em nào việc gì không? tôi nghe tất cả trả lời không có, tôi mới thật sự vui mừng. Tôi lấy cây đèn Pile rọi khắp thân xe tìm coi có vết đạn nào không thì lạ quá không có một lổ đạn nào, mặc dù bọn VC nổ súng trước và khoảng cách chừng hai chục mét nhưng không trúng phát nào thật quá tệ.
Thì ra VC không phải là không có đầu óc, khi xe của chúng tôi chạy ra hướng Dốc Hội Long VC thấy được vì đèn xe chiếu sáng, chúng đoán là chúng tôi ra Duồn có việc gì đó và sẽ trở lại, và nếu phục kích chổ khác thì sẽ bị Nghĩa quân lục soát sẽ bị lộ ngay vì vậy VC mới nghĩ ra tuyệt chiêu là phục kích sát chân cầu gây sự bất ngờ vì không ai nghĩ chúng dám đến gần Cầu như vậy.
Phải đáng khen ngợi tài lái xe Thiếu úy Cầu, rất bình tĩnh nên mới vượt qua nguy hiểm. Trung đội Nghĩa Quân gần đó nhanh chóng tràn tới bắn tới tấp làm toán VC phục kích chạy tán loạn, và chúng tháo chạy về hướng Động Bà Ban. Tôi cho anh em Nghĩa Quân biết chúng tôi không sao cả để anh em an tâm. Đây không phải là lỗi của các anh, không ngờ VC lại có một sáng kiến hay như vậy, đây là một bài học đáng nhớ cho lần sau.
Chúng tôi cũng không báo cáo về trận phục kích cho Đại tá Ngô Tấn Nghĩa biết vì sợ ông không vui. Việc bảo vệ xóm làng không cho VC đột nhập lấy thực phẩm của nhân dân nuôi sống bọn chúng là nhiệm vụ của những người Lính Địa Phương Quân và Nghĩa Quân chúng tôi. Cũng cám ơn Phật Trời đã hộ trì cho chúng tôi thoát khỏi cơn nguy biến này. Chúng tôi về đến Yếu Khu PRC lúc 11 giờ đêm, và cho lột da làm sạch ruột các con vật săn được, tôi về nhà gần đó lấy cái nồi đồng thật lớn dùng để nấu trong dịp cúng giỗ đem vô Yếu khu nấu một nồi cháo lòng rất ngon mời tất cả anh em trong đơn vị phòng thủ cùng ăn.
No comments:
Post a Comment