Wednesday, June 28, 2023

LÂM CHƯƠNG, CẦM SÚNG KHÔNG HẬN THÙ - Nguyễn Hữu Thời

LÂM CHƯƠNG, CẦM SÚNG KHÔNG HẬN THÙ

Nguyễn Hữu Thời
“Còn trông xa hút nẻo đường
Hồn ta vời vợi một phương giác sầu
Chân chiều xiêu vẹo về đâu
Quân đi, hồn rã, cờ chao, pháo gầm”

(Chuyển quân qua Giồng Lớn)
--------------- 
--------------

Bốn câu lục bát trên là bài thơ thứ nhất của Lâm Chương mà tôi đọc được. Tôi đã “chộp” ngay bài thơ này để đưa vào tập Thơ Lính Chiến Miền Nam - ARVN Soldiers’ Poetry mà tôi thực hiện vào năm 2011…Phải nói là “chộp” vì tôi mừng quá khi tìm được thêm một bài thơ phù hợp với chủ đề của tập thơ. Bài thơ của lính chiến thứ thiệt.
Có là lính chiến- và phải là sĩ quan-thì mới biết “phương giác” là gì, và tại sao lại là “phương giác sầu”.
 
Hình dung một đơn vị Biệt Động Quân di chuyển. Cuộc hành quân kéo dài quá lâu khiến lính tráng mệt mỏi; mà cái đích phải đến- ngay đầu mũi tên đỏ trên phóng đồ hành quân- nơi sẽ gặp gỡ để giao chiến với quân địch, lại cách xa điểm xuất phát đến 10 cây số! Đoàn quân vẫn đi. Lính tráng mặt mũi lấm lem bụi đỏ, mồ hôi chảy thành dòng; những chân bước chông chênh:
“…Chân chiều xiêu vẹo về đâu…”
 
Đã là buổi chiều. Tọa độ mục tiêu đã chấm sẵn, mà đường thì xa vời vợi. Ngọn cờ cắm trên chiếc xe thiết giáp đi đầu chao đảo theo chuyển động lắc lư của thân xe vì nẻo đường quá xấu…Đoàn quân lầm lũi đi, thể xác lẫn tinh thần rã rời; trên đầu, tiếng đại bác của Pháo Binh bắn dọn đường gầm vang như thôi thúc…
“…Quân đi, hồn rã, cờ chao, pháo gầm”
 
Chỉ một câu 8 kết thúc bài thơ lục bát ngắn, đã diễn tả được toàn thể cảnh tượng và con người trong đó…Thật tài tình! Thơ lính ngắn gọn như thế, bởi lẽ lính không có nhiều thì giờ để chọn lựa.
Tuy vậy, dọc theo bước đường hành quân, vẫn có những phút giây để người lính hồi tưởng… những thân yêu… đã là dĩ vãng:
“Ta đi làm kẻ không nhà
Sáng mai nhung nhớ chiều tà sầu vương
Tóc xưa đã nhuộm bụi đường
Hồn xưa đã gửi một phương trời nào
Nhìn về ký vãng buồn đau
Với môi trái mật với màu mắt em”
(Những ngày hành quân)
 
“Chuyện lính biết trước được đâu”, câu hát thời thượng mô tả cuộc đời bất định của lính. Cứ theo lệnh mà vác ba lô lên đường. Đi đến đâu thì người lính cũng là kẻ không nhà, như dân du mục rày đây mai đó. Lâm Chương đã là một người lính như vậy.
“Tôi đi giữa rừng cao
Bốn bề cây nhớ gió
Bóng lá vờn lao xao
Trên vai thằng bạn nhỏ
Mồ hôi đầm lưng áo
Đời mòn theo gót chân
Giầy mòn theo dốc núi
Nhìn nhau mà bâng khuâng”
(Lá xanh hồn du mục)
 
Trong chiến tranh, Lâm Chương cũng đem tuổi trẻ của mình để chung vai với những “thằng bạn nhỏ”; mà chỉ có họ, những đồng đội, mới có thể chia sẻ những nhọc nhằn khi sức lực bị bào mòn từng ngày, từng tháng, từng năm theo mỗi bước chân đi, và tuổi lính chồng chất.
 
Tuổi lính của Lâm Chương cũng xấp xỉ 10 năm, tương đương với…10 năm tù mà sau đó…anh phải trải qua khi cùng “thua cuộc” với những đồng đội QLVNCH khác. 
 
Mười năm lính, phục vụ trong binh chủng “dữ dằn” là Biệt Động Quân, mà tâm hồn Lâm Chương và những người lính của ông hồn hậu quá; đi đánh giặc mà lòng không một chút hận thù, cứ dừng quân thì chỉ nhớ nhà thôi…
“Ơi những thằng bạn nhỏ
Cầm súng không hận thù
Dừng quân ngồi tâm sự
Lòng nao nao nhớ nhà
Áo vương màu bụi đỏ
Ngụy trang lá hoa rừng
Thân còng ba lô nặng
Đường hành quân gian nan
Sáng mù sương thung lũng
Chiều đồi cao mây giăng
Lá xanh hồn du mục
Đời còn nhiều lang thang
(Lá xanh hồn du mục)
 
Rồi… để trả giá cho những tháng năm dài, gian lao; phục vụ một cách tự nhiên và vô tư…là những tháng năm dài tiếp theo bị… “đời hãm vây trong nỗi khốn cùng”:
“Tôi ở đây núi đồi Việt Bắc
Đời hãm vây trong nỗi khốn cùng
Vách núi ngăn tư bề chớn chở
Rừng âm u sương muối đại ngàn…”
(Hãm địa)
 
Lòng không thù hận, Lâm Chương chẳng buồn gọi đích danh “bên thắng cuộc”- những kẻ đã đầy đọa anh và các đồng đội. Anh chỉ xem đó như chuyện đời nó phải như vậy. 
 
Cùng cảnh ngộ đó, có thể, lại là “những thằng bạn nhỏ” của anh mà mới ngày nào đã cùng nhau sát cánh trên những nẻo “đường hành quân gian nan”, mà sau đó thì như thế này:
“Những bạn tôi ngồi như cổ thụ
Già trăm năm trước tuổi không ngờ
Mảnh áo vá che mùa gió chướng
Mặt hao gầy râu tóc xác xơ
Nay rướm máu sức người cùng tận
Buổi chiều về không đủ miếng ăn
Nỗi cơ cực gặm mòn sự sống
Cây khẳng khiu ngày tháng khô dần
Mùa Đông đến mưa phùn gió bấc
Suốt mùa Đông không thấy mặt trời
Đêm lán trại chìm trong nỗi chết
Tiếng cú kêu trù ẻo rợn người…”
(Hãm địa)
 
Bị cầm tù 10 năm chỉ vì là người của bên “thua cuộc”, dường như Lâm Chương, không như những chứng nhân khác, rất ít viết về những năm tháng đó của mình. Có gì đâu, nếu đã chấp nhân đời lính với những khổ nhọc của nó, như Lâm Chương đã trải qua, thì phải chấp nhận thất bại, và còn hiểu rằng…ở tù đâu phải là chiến công. Đó là cái giá của thất bại, một tai nạn, hay “cộng nghiệp” theo thuyết nhà Phật.
 
Trong chốn “hãm địa”, Lâm Chương chưa hề bày tỏ sự căm ghét gì đối với những người của “bên thắng cuộc”. Anh còn xem họ như có quyền năng của một thứ “quỷ thần” nào đó. Họ có quyền quay mặt trước những đau khổ mà họ- thừa lệnh những “quỷ thần” cấp trên của họ- gây ra.
“Thời mạt vận quỷ thần quay mặt
Nghiến chặt răng kình với tai ương
Người bỏ cuộc đi về với đất
Chiếu bó thây nằm lại rẫy nương
Hồn oan khuất la đà ngọn cỏ
Mộ không bia lạnh ngắt chân đồi
Mùa mưa lũ đất trôi nước cuốn
Xóa nhòa đi dấu tích một thời…”
(Hãm địa)
 
Đã có những đồng đội thua cuộc thực sự, trở về với đất, vì tinh thần và thể xác không đủ sức để vượt qua. Trong căm lặng chịu đựng, những người tù cố gắng “ngoi lên”:
“Trên ngàn xanh mồ hôi đổ xuống
Phá rừng già đốt rẫy khai hoang
Người với đất chung niềm đau nhức
Đất lặng thinh phơi bãi tro tàn
Những bạn tôi cây đời thiếu nước
Cố ngoi lên thân xác mỏi mòn
Bao nghiệt ngã xé lòng đau rách
Ngọn tre già lã xuống tang thương
(Hãm địa)
 
Quốc nạn của dân tộc đã kéo theo thảm cảnh, nghiệt ngã, đau thương đến xé lòng người.
 
Rồi người cựu binh sống sót cũng được phóng thích để trở về, trở về với quê hương xơ xác và cảnh nhà nghèo khổ. Như con chim được phóng sinh, đã yếu ớt rất nhiều, khi trở lại, với đời sống khó sống. Lâm Chương mô tả như sau:
“Ta ở nhà thuê. Nghèo. Thất nghiệp
Ít bạn bè lui tới làm thân
Lấy trà rượu một mình khuây khỏa
Dù không vui cũng tiếng cười khan
Ta ốm yếu thường hay bệnh tật
Mưa nắng nhiều sổ mũi ho hen
Trời trở gió đau xương, thấp khớp
Sức trói gà nên ngại bon chen
Đêm ngủ muộn. Nhà un khói thuốc
Mắt nhập nhòa chữ nghĩa. Đèn soi
Bài thơ viết nửa chừng, cạn ý
Vợ trong buồng ngái ngủ. Khuya rồi…”
(Đời ta rất tầm thường) 
 
Viết một bài thơ không xong, vì hết lời cạn ý. Ngày mai chưa chắc có thể tiếp tục; hay vẫn để đó, dang dở, vì cứ phải lẫn quẫn chuyện áo cơm.
 
“Mai thức dậy thấy mình vẫn thế
Vẫn rong rêu, râu tóc bờm xờm
Thân cũ quá, dường như đóng bụi
Trong cái vòng lẫn quẫn áo cơm…
(Đời ta rất tầm thường)
Trong khổ cảnh, Lâm Chương không than vãn gì cả; anh tự thấy mình bất tài, vô tướng. Cũng thất vọng. Có lúc chỉ muốn đi tu cho xong.
“Ta biết mình bất tài, vô tướng
Lại chây lười, lêu lỏng rong chơi
Tri thiên mênh đâu cần năm chục
Thuở đầu xanh ta đã biết rồi
Cũng có lúc buồn tình, ngẫm nghĩ
Muốn vô chùa, cạo trọc, đi tu
Nhưng còn tiếc cái mùi tục lụy
Dứt không đành nên khó làm sư”.
(Đời ta rất tầm thường)
 
Nhưng đi tu đâu có dễ ; vì con người mình…cũng như cuộc đời mình…tầm thường quá; nên còn luyến tiếc cái mùi thế tục. Một sự nhìn nhận chân thực. Đây là một bài thơ theo lối tự sự, mà Lâm Chương thường làm.
 
Tìm đọc thơ lính, làm ra trong và sau chiến tranh, tôi “gặp” Lâm Chương, rồi hoan hỷ đưa tất cả những bài thơ vừa trích trên đây, của anh vào trong 2 tập thơ, lần lượt : Thơ Lính Chiến Miền Nam-ARVN Soldiers’ Poetry, NXB Tiếng Quê Hương, Virginia, USA, 2016, và Thơ Những Người Thua Cuộc-Poems of The Losers, NXB Sống, Westminster, Cali, USA 2019. 
 
Lâm Chương làm thơ không nhiều, và in cũng ít. Lâm Chương chỉ có một tập thơ duy nhất in trước 1975, tên là Loài Cây Nhớ Gió, NXB Khai Phá năm 1971. Những năm lưu vong sau này, dường như anh tập trung viết văn, và có 3 cuốn đã in, đó là Đoạn Đường Hốt Tất Liệt, tập truyện, NXB Văn Mới, 1998 và Lò Cừ, tập truyện, NXB Văn Học 1999, Đi Giữa Bầy Thú Dữ, NXB Văn Mới 2004. 
 
Chỉ đọc sơ qua một vài đoản ký, tôi thích văn phong ngắn gọn, đơn giản của Lâm Chương. Tôi tiếc mình chưa có dịp đọc trọn vẹn một tập văn nào, vì không gian cách trở, vì sách báo bị cấm vận một chiều. Ngay cả thơ của anh, tôi cũng chỉ tìm đọc trên Internet.
Và tôi đọc được bài thơ “tình” rất nhẹ nhàng và đầy tiếc nhớ này:
“Em hẹn tôi về thăm quê cũ
Sau mấy năm lây lất xứ người
Tôi cũng muốn (Một lần thôi cũng đủ)
Về gặp em nhắc lại chuyện lâu rồi.
Chuyện lâu rồi mà như mới hôm qua
Tôi còn nhớ bàn tay em run nhẹ
Trong tay tôi lạnh buốt. Không ngờ
Em lí nhí nói câu gì rất nhỏ
Như nói thầm với cái rét se da
Của một chiều cuối Đông năm ấy…”
(Câu gì em nói nhỏ)
 
Đó là buổi chiều chia tay. Một chiều Đông. Tay trong tay mà vì xúc động nên hai đứa không nói được câu gì rõ ràng. Để rồi…một người ra đi “sáu năm trời chưa trở lại”. Nơi xa xôi đất khách, có những chiều Đông giá buốt kỷ niệm:
“Tôi ở đây những mùa Đông trắng
Lấy gì che đời vắng em xa
Em đâu biết bao lần tôi muốn hỏi
Ngày chia tay em nói nhỏ câu gì
Trong cái rét mướt một chiều Đông năm ấy?”

(Câu gì em nói nhỏ)
 
Cuộc đời vẫn lấy mất của chúng ta những hoài bão dở dang, những giấc mộng không thành. Chỉ câu hỏi nhỏ nhoi dễ dàng và dễ thương đó; vậy mà cũng không có câu trả lời. Không phải lỗi ở người con gái kia, người ở lại. Cũng không phải lỗi ở chàng trai, người ra đi. Sự đời nó như vậy! 
 
Những người thiếu thốn tình thương từ tấm bé, như Lâm Chương, thường là những người ít nói mà giàu tình cảm. Tôi thấy điều này ở tác giả của bài thơ ngắn trên.
 
Yếu tính của thơ hay là buồn. Thơ Lâm Chương buồn hơn thơ của những tác giả khác. 
 
Tôi có thể viết thêm nữa về Lâm Chương; mà thôi; tôi sợ sự dài dòng mà sáo rỗng…Tôi xin gửi chút ân tình và đồng cảm này đến tác giả và mong được sự chia sẻ, ủng hộ của những bằng hữu facebook; đặc biệt từ các huynh đệ khắp bốn phương trời.
 
“Khắp bốn phương trời từng đoàn người trai về đây…” 
Khúc quân hành đó, ngày nào tuổi đôi mươi, Lâm Chương và tôi (như hàng chục ngàn đồng môn khác) đã cao giọng hát lên, trên ngọn đồi Tăng Nhơn Phú, kẻ trước người sau; cách nhau…7 năm.
Nguyễn Hữu Thời
27/6/2023

 

No comments: