ĐỠ ĐẠN CHO ÔNG THẦY.....
MX Phan Công Tôn
Nguyen Anh-Vu
MX Phan Công Tôn
Nguyen Anh-Vu
Trong bài “Như Áng Mây Trôi” do tôi viết và được đăng vào Đặc San Sóng Thần 2014,tôi có nhắc đến chuyện “bốn thầy trò chúng tôi” trong thời gian Tiểu Đoàn 1/TQLC tham gia “Cuộc Hành Quân Bình Định Gò Công” vào năm 1964, một trong ba “chú đệ tử” rất thân thiết với tôi thời đó là chú Nguyễn Văn Bẹt, người Tuy Hòa.
Năm sau (1965), Tiểu Đoàn 1/TQLC tham dự cuộc hành quân tại vùng thung lũng Suối La Tinh, vùng giáp ranh giữa Quảng Ngãi và Bình Định. Đây là một cuộc hành quân đặc biệt, vì vùng này mới được lực lượng trực thăng Hoa Kỳ rải thuốc khai quang (Agent Orange hay Herbicide Orange) nằm trong Chiến Dịch “Operation Ranch Hand” – một phần của Chiến Tranh Hóa Học trong Quân Đội Hoa Kỳ – với mục đích làm rụng lá cây và rừng trở nên trơ trụi, để lực lượng du kích Việt Cộng hoặc “Lực Lượng đi B” của bộ đội Cộng Sản Bắc Việt xâm nhập vào miền Nam không có chỗ đóng quân hoặc ẩn nấp.
Phía Việt Nam Cộng Hòa, chúng ta thường dùng chữ “Rải Thuốc Khai Quang” nhưng Việt Cộng thì gọi là “Chất Độc Màu Da Cam” (tên của nó được lấy từ Màu của những Sọc được vẽ bên ngoài các thùng “phuy” đựng chất hóa học này). Thường thường, vùng rừng núi nào được trực thăng rải thuốc khai quang thì khoảng hơn tuần lễ sau, lực lượng quân sự tại địa phương mở cuộc hành quân vào vùng đó sục tìm vị trí đóng quân hoặc ẩn nấp của Việt Cộng để tiêu diệt chúng và đặc biệt là để quan sát và báo cáo tác dụng và hiệu quả của thuốc khai quang như thế nào?
Vào mùa Xuân năm 1965, trong khi đang hành quân trong vùng Quảng Ngãi, Tiểu Đoàn 1/TQLC được điều động đến vùng thung lũng Suối La Tinh để tham dự cuộc hành quân đặc biệt trong vùng mới được rải thuốc khai quang. Sau hơn một tuần trèo đèo lội suối và lùng sục, chỉ đụng độ sơ sơ với Việt Cộng nên coi như không có chiến thắng lớn nào được ghi nhận, ngược lại toàn thể Tiểu Đoàn bị … “lãnh cái búa”
Số là, sau hai, ba ngày leo rừng và lội suối, mỗi người kiểm soát lại đôi chân của mình, ai cũng thấy bị lở loét dưới bàn chân và giữa các ngón chân. Hỏi thì Bác Sĩ Quân Y cùng đi với Tiểu Đoàn cho biết:
- Suốt mấy ngày lội nước, thuốc khai quang đã bị thấm vào đất hay bị trôi và hòa tan vào các suối nước, trong thuốc khai quang có chất độc Dioxin đã làm cho da mình bị lở loét như vậy …Thế là, mọi người chỉ biết bôi thuốc đỏ hoặc Cho Ông Thầy alcohol để … cầm hơi, như một kiểu trị bệnh tâm lý cho an tâm vậy thôi! Sau hơn 10 ngày, được lệnh rút ra khỏi vùng thung lũng Suối La Tinh, ai cũng mừng húm!
Một ngày, trên đường hành quân rút lui vào khoảng xế chiều, Đại Đội tôi đi đầu cánh A,phải vượt qua một con suối khá rộng, nước ngập đến bụng, bên kia bờ là một giải đất có mô cao, tiếp theo là sườn đồi thoai thoải chạy lên đồi cây xanh. Tôi ra lệnh cho hai trung đội vượt suối trước và bố trí tại các mô đất cao. Tới lúc Ban Chỉ Huy Đại Đội vượt suối, chú Bẹt sợ tấm bản đồ tôi đang cầm bị ướt nên lấy nhét vào ba lô của mình, hai tay cầm ba lô đưa lên cao để lội qua suối. Khi tôi lội qua gần tới bờ bên kia thì súng nổ chát chúa. Chú Bẹt đang nâng ba lô lên cao và lội suối phía sau tôi vài thước, tôi không kịp lấy lại tấm bản đồ, chạy ào lên khu mô đất cao để quan sát.Súng Việt Cộng trên đồi cây xanh bắn xuống vị trí chúng tôi rất ào ạt và hai trung đội qua bờ trước đang bắn trả. Tôi điều động hai khẩu đại liên vào vị trí, bắn lên đồi và ra lệnh cho Trung Đội thứ 3 tiếp tục vượt suối. Hai bên bắn qua lại hơn 15 phút, tôi điều động trung đội bên trái (được tăng phái một khẩu đại liên M30) chạy lên chiếm vùng có nhiều ụ đất, cách vị trí tôi khoảng 50 thước. Khi chiếm xong, dùng đại liên bắn lên đồi cây xanh để yểm trợ cho trung đội thứ hai chạy lên chiếm vùng ụ đất bên tay phải. Tôi chạy lên cùng với trung đội thứ hai này. Khi trung đội thứ ba đã vượt qua suối, tôi cho lệnh toàn thể Đại Đội tấn công lên đồi cây xanh dưới sự yểm trợ hỏa lực của đại đội bạn đi đầu Cánh B (bên phía trái). Sau hơn nửa tiếng đồng hồ, Đại Đội 2 của tôi chiếm được đồi cây xanh này, Việt Cộng đã tháo chạy, để lại một số tử thương và chúng tôi tịch thu được một số chiến lợi phẩm.
Trong khi đang lăng xăng tại mục tiêu vừa chiếm được thì chú Nho chạy đến báo cho tôi biết là chú Bẹt bị thương nặng, đang nằm dưới sườn đồi cách đỉnh đồi cây xanh khoảng 20 thước. Được tin, tôi hốt hoảng chạy xuống vị trí chú Bẹt đang nằm. Chú bị thương vào vùng bụng và ngực. Cái bản đồ hành quân của tôi (mà chú Bẹt giữ dùm khi lội qua suối) cũng bị lũng vì một vết đạn và đang nằm dưới đất, bên tay trái chú Bẹt.Thấy tôi chạy đến, chú nhìn tôi với đôi mắt đầy lo âu nhưng với thật nhiều trìu mến, rồi chú liếc xuống phía bên trái của mình, nơi có tấm bản đồ hành quân của tôi và nói thều thào:
- “Tấm bản đồ của ông Thầy, em chạy theo đưa cho ông Thầy, đây nè!”
Nói xong, hình như quá mệt, chú nhắm mắt lại và im lặng.Sau khi tôi báo cáo về Tiểu Đoàn số lượng tổn thất của Đại Đội (2 chết và 5 bị thương),Tiểu Đoàn ra lệnh phải mang tất cả xuống đồi, qua bên kia bờ suối, ở đó mới có bãi đáp an toàn cho trực thăng đáp xuống tải thương. Tôi điều động đơn vị chuyển anh em bị thương và bị chết xuống bãi đáp bên kia suối. Trước khi nháy mắt cho hai anh lính khiêng chú Bẹt đi, tôi nắm và vỗ vào bàn tay trái của chú rồi nói:
- “Chú Bẹt ơi! Em chỉ bị thương nhẹ thôi, có tải thương liền, Không sao đâu!”
Rồi chú được khiêng xuống đồi, đưa qua bên kia suối và cuối cùng được trực thăng tải thương về Quảng Ngãi! Đêm đó, giữa vùng đồi núi, Tiểu Đoàn tạm dừng quân để ngày hôm sau rút ra quận Ba Tơ. Chú Nho, người “đệ tử” thân cận của tôi và cũng là “bạn nối khố” với chú Bẹt, ngồi nói chuyện với tôi xoay quanh trận đụng độ lúc chiều. Khi nói đến vết thương của chú Bẹt, tôi thấy không yên tâm vì theo kinh nghiệm, những quân nhân khi bị thương mà máu me ra tùm lum, coi vậy mà ít nguy hiểm hơn những người ít bị ra máu. Lúc chiều, tôi thấy những vết thương nơi bụng và ngực của chú Bẹt chỉ có một ít máu nên bây giờ tôi đâm ra lo! Chú Nho buột miệng nói:
- “Do đó, hồi chiều em nói với ông Thầy, thằng Bẹt nó bị thương nặng mà!”
Rồi chú tiếp tục nói như lời kể lể hay lời tâm sự:
- “Ông Thầy biết không? Hồi chiều, thằng Bẹt cầm cái bản đồ, ráng chạy theo để giao lại cho ông Thầy. Việt Cộng nhắm bắn vào nó vì Việt Cộng tưởng nó là cấp chỉ huy! Hồi chiều, nếu ông Thầy cầm cái bản đồ, thì có thể ông Thầy đã bị … lãnh đạn! Thôi! Cứ coi như thằng Bẹt đã đỡ đạn để cứu mạng cho ông Thầy đi!”
Nghe đến đây, tôi bật khóc thành tiếng và khi nhìn qua chú Nho, chú cũng đang ràn rụa nước mắt! Hai thầy trò chỉ cầu xin, nhờ Ơn Trên phù hộ cho chú Bẹt để chú được an lành và ba thầy trò sẽ được quây quần bên nhau như hai năm vừa rồi! Tôi không bao giờ quên được những lời tâm sự của chú Nho và những giọt nước mắt của hai thầy trò khi nhắc đến chú Bẹt trong đêm dừng quân trên đường lui binh về Ba Tơ năm đó! Lời chú Nho như vẫn còn văng vẳng bên tai:
- “Thôi! Cứ coi như thằng Bẹt đã đỡ đạn để cứu mạng cho ông Thầy đi!”
(Thời đó, bản đồ hành quân của các sĩ quan chỉ được bọc trong một bao plastic trắng nên khi được nhét vào dây “bretelle” (tiếng Pháp: đai đeo quần) hay cầm trong tay thì tấm bản đồ bị nhá sáng lên, do đó từ xa, Việt Cộng sẽ “phát hiện” được vết nhá sáng này và biết chắc đó là cấp chỉ huy nêu nhắm bắn vào người cầm bản đồ.
Mấy năm sau, các sĩ quan đã “tối tân hóa” cách bọc các tấm bản đồ hành quân: bản đồ được bọc trong một bao, mặt trong là plastic trắng để dễ đọc bản đồ, nhưng mặt ngoài là vải ngụy trang TQLC để bớt bị nhá sáng và bớt bị phát hiện).
Ngày hôm sau, khi Tiểu Đoàn ra đến quận Ba Tơ, tôi liên lạc được với toán hậu trạm của Tiểu Đoàn tại Quảng Ngãi và nhận được tin rụng rời như sét đánh bên tai: chú Bẹt đã chết ngay đêm đầu tiên khi được đưa vào bệnh viện Quảng Ngãi và hậu trạm đang lo thủ tục chuyển quan tài của chú Bẹt và các quân nhân tử trận khác về hậu cứ!
Biết bao nhiêu lần tôi đã từng ôm xác của bạn bè hay thuộc cấp bị chết ngay tại trận địa, và tôi đã từng biết cái cảm giác đau buồn và nhức nhối như thế nào! Còn với chú Bẹt? Không lẽ cái nắm và vỗ vào bàn tay của chú hai ngày trước đây là động tác cuối cùng của tôi để chia tay và vĩnh viễn giã từ chú? Và bây giờ, tôi ghi nhận được cái cảm giác đau buồn và nhức nhối trong tôi càng … dâng cao! Tôi đã dùng mọi phương cách qua truyền thông để nhờ Trung Sĩ Tham -người phụ trách hậu cứ của Đại Đội 2 thuộc Tiểu Đoàn 1/ TQLC tại trại Phạm Khắc Dật ở Thủ Đức- liên lạc với người bạn gái của tôi tại Sài Gòn để nhờ cô bạn này lo liên lạc và tiếp xúc với gia đình của chú Bẹt tại Tuy Hòa.
Gia đình chú Bẹt vào Sài Gòn hơn 10 ngày và cô bạn của tôi đã lo cho họ tươm tất mọi thứ, kể cả các thủ tục hành chánh và tài chánh liên hệ. Và cô cũng giúp một tay với đơn vị hậu cứ để lo mọi vấn đề liên quan đến việc chôn cất chú Bẹt tại Nghĩa Trang Quân Đội ở Gò Vấp, trong vùng Hạnh Thông Tây (năm đó chưa có Nghĩa Trang Quân Đội tại Biên Hòa).Cô bạn của tôi tên thật là T.V. và có nickname (biệt danh) là M.T. Nhóm bạn thân của tôi trong đơn vị và các chú đệ tử của tôi thường dùng ám danh đàm thoại của truyền tin để gọi tên cô. Do đó thời gian đầu họ thường gọi là “Mạnh mẻ, Tư tưởng”, về sau rút gọn lại chỉ còn: “Mạnh Tư” và cuối cùng đổi thành “Mợ Tư” để gọi cô. Đó là lý do tại sao cô M.T. lại có cái “chết tên” là “Mợ Tư” từ đó mà đi …
Mợ Tư đã gặp chú Bẹt và chú Nho nhiều lần. Từ khi biết hai chú thường lo lắng và săn sóc cho tôi rất chu đáo trong lúc hành quân, nên Mợ Tư càng quý mến hai chú nhiều hơn. Đặc biệt, khi chú Bẹt chết, Mợ Tư đã khóc thật nhiều, một phần vì thương tiếc chú, phần khác, có thể bị rơi vào nỗi xót xa và ân hận như lời kể lại của chú Nho:
- “Thôi! Cứ coi như: thằng Bẹt đã đỡ đạn để cứu mạng cho ông Thầy đi!”
Khoảng hai tháng, sau ngày chú Bẹt tử trận, Tiểu Đoàn 1/TQLC được về hậu cứ nghỉ dưỡng quân. Thời gian này Mợ Tư đã trở thành nữ Tiếp Viên Phi Hành cho Air Viet Nam và Mợ Tư hướng dẫn tôi lên thăm và thắp nhang nơi mộ của chú Bẹt mấy lần.
Tôi đang ngồi viết bài này là thời gian sắp rơi vào Mùa Giáng Sinh 2016 tại xứ Núi Utah,nơi tôi đang sống, vì bài “Đỡ Đạn Cho Ông Thầy” là một kỷ niệm buồn liên quan đến người đệ tử thân yêu của tôi đã hy sinh trong chiến trận của một thời binh lửa bên quê nhà!
Qua câu chuyện, có nhắc đến người bạn gái của tôi: “Mợ Tư”, do đó tôi muốn thêm vào phần cuối của bài này một vài kỷ niệm và sự kiện có liên quan đến tình thương và nỗi niềm của những nhân vật liên hệ.Vào cuối năm 1965, Tiểu Đoàn 1/TQLC hành quân tại Pleiku, Mợ Tư thường bay với Air Viet Nam lên Pleiku để mang quà và thức ăn cho tôi. Thức ăn và quà cáp này được gởi qua một trực thăng tăng phái cho Tiểu Đoàn để đưa vào vùng hành quân và Tiểu Đoàn sẽ chuyển dùm đến cho tôi.
Một hôm từ Sài Gòn, Mợ Tư mang thức ăn nóng lên Pleiku cho tôi, hôm đó trực thăng tăng phái bị hư máy nên không thể vào vùng hành quân được. Mợ Tư nhờ một vị sĩ quan Không Quân giúp, gởi các thức ăn này qua một trực thăng khác, đem vào cho Tiểu Đoàn trong vùng hành quân, để chuyển đến cho tôi. Vì việc nhờ mang thức ăn vào vùng hành quân cho tôi, mà Mợ Tư và vị sĩ quan Không Quân này đã trở thành bạn của nhau từ đó!
Sau khi được thả ra khỏi tù vào cuối năm 1984, tôi vượt biên ba lần trong hai năm 1985 và 1986 nhưng không thành. Và vượt biên thành công lần thứ bốn vào tháng giêng/1987 từ Rạch Giá đến Thái Lan bằng đường biển. Tôi bay từ Bangkok, Thái Lan sang đến Salt Lake City, Utah ngày 25 tháng 8/1987 và sống tại tiểu bang này cho đến bây giờ!
Vợ chồng Mợ Tư và ba người con sang Mỹ năm 1991 theo diện H.O. Chúng tôi thường liên lạc với nhau qua email và điện thoại và có nhắc đến những “kỷ niệm ngày xưa”, có nhắc đến những bạn bè cũ thời Tiểu Đoàn 1/TQLC và dĩ nhiên, không thể không nhắc đến các chú: Đại truyền tin, chú Nho, và đặc biệt là chú Bẹt!
Đùng một cái, tin buồn đến với chúng tôi: Mợ Tư bị “coma” phải đưa vào bệnh viện trong tháng 9/2013 và qua đời vào ngày 9 tháng 11 năm 2013. Sau khi biết tin Mợ Tư chết, cá nhân tôi, đã nhiều lần ngồi cầu nguyện và nói chuyện riêng với Mợ Tư. Và qua những lần chuyện trò đó, tôi cũng có nói chuyện thêm với chú Bẹt:
Chú Bẹt ơi! Sau hơn 48 năm, bây giờ chú mới có dịp gặp lại Mợ Tư một cách tự nhiên và thoải mái! Nhớ lại ngày xưa, mỗi lần Mợ Tư ghé thăm mấy thầy trò mình, tại hậu cứ hay tại các vị trí đóng quân vùng ven đô Sài Gòn, v.v… Chú thường hốt hoảng và vội vàng tìm chỗ mang đi “ém” hay dấu mấy cuốn “Nhât Ký Đời Tư Của Ông Thầy”.
Vì ông Thầy thường hăm: “Chú nào mà để cho mấy cô đào của tui chốp và đọc được mấy cuốn nhật ký này, thì chú đó … chỉ có nước “thác” với tui!”
Bây giờ thì đã khác với “thời xưa” dưới trần thế này rồi, phải không chú Bẹt?
Bây giờ, chú không cần phải lo đi dấu, đi ém gì nữa rồi! Bù lại, chú được tha hồ tiếp và chuyện trò vui vẻ với Mợ Tư nơi vùng trời yên bình. Tít tắp Trên cao...
MX Phan Công Tôn
No comments:
Post a Comment