Tuesday, June 27, 2023

NGƯỜI ĐÀN BÀ BÊN BỜ SUỐI - Cao Hoài Sơn (fb Son H Cao)

NGƯỜI ĐÀN BÀ BÊN BỜ SUỐI

Son H Cao
Truyện Có thật trong Trại Tù Cải Tạo Cà Tó́t của Cao H Sơn.
Rừng Cà Tót âm u, bốn bên là núi cao sừng sững, hoàn toàn che khuất ánh nắng mặt trời. Chỉ đến gần trưa, người ta mới thấy được chút ánh sáng vì không còn gì che cản. Những cây Gáo, Bằng Lăng cổ thụ vươn cao khỏi ngọn tre già. Hết lán Lồ ô kế tiếp là lán cây Le trải dài một màu xanh thẩm. Vài lán cỏ tranh cao tới ngực chạy dọc bờ Sông Quao như những cánh đồng lúa bất tận.
------------------
Một tiếng chim kêu cũng làm vang động cả rừng vì dư âm vọng lại. Không gian tĩnh mịch quá, nếu có ai vô tình lạc vào đây thì cứ ngỡ là chốn Đào Nguyên, vì cảnh sắc thật đẹp và có vẻ như có chút huyền bí, nhưng có ai biết thung lũng Cà Tót này đang ẩn tàng sự chết chóc đáng sợ. Con Sông Quao nhẹ nhàng chảy lượn quanh khu trại Tù mà VC Bình Thuận dùng để nhốt các sĩ quan VNCH sau ngày 30/4/75 với làn nước trong veo, nhưng nó như cuồng nộ khi cơn mưa rừng đổ xuống chỉ trong tích tắc. Những cụm tre già mọc hai bên bờ sông uốn mình xuống dòng nước lắc lư theo con nước chảy, chỉ thiếu vắng con đò là tạo nên bức tranh tuyệt mỹ.
 
Bên kia bờ, trên một lán trống lớn, ba dãy nhà thật lớn lợp cỏ tranh được cất theo hình chữ U, dùng để cho tù binh VNCH ở. Giữa ba dãy nhà là cái sân rộng dùng để tập họp đám tù trước khi đi làm. Trước sân là con lạch lớn với chiếc cầu gỗ cũ kỹ bắt ngang. Ẩn mình bên dưới các tàn cây lớn là ba cái nhà nhỏ lợp cỏ tranh, BCH trại tù Cà Tót đặt bản doanh tại đây. Trước ngày 30/4/75 nơi đây đặt Bộ Chỉ Huy Tỉnh ủy Bình Thuận của Việt Cộng.
 
Trước mặt trại chừng năm chục mét là bến tắm dành cho tù cải tạo. Nước trong veo thấy từng viên sỏi và cá lội dưới đáy sông, tuy nhiên nước lạnh buốt nên ít người dám tắm. Chếch phía trên một chút, một cây cổ thụ ngã đổ bắt qua sông như chiếc cầu thiên nhiên. Hàng ngày toán đào khoai mì, sắn, măng rừng của chúng tôi phải đi qua chiếc cầu này để qua bờ bên kia mới đến rừng khoai mì, hướng bên trái là hai đám bắp thật lớn, không biết gieo trồng từ khi nào mà đã cao quá gối.
 
Từ cái ngày mới lên đây, tôi đã tình nguyện vào toán đào mì sắn măng cho trại để hy vọng có thể cải thiện thêm những thứ lá, củ rừng ăn được, giúp cho cái bao tử được no, chống chọi qua cơn bịnh tật sốt rét ác liệt tại nơi đây, đa số anh em chết tại đây là vì đói.
Như mọi ngày, sáu thằng chúng tôi khiêng ba cái giỏ cần xé với vài cái cuốc rựa đi hàng một qua chiếc cầu cây cổ thụ này để qua bên kia sông. Không phải ai cũng được phép qua vùng cấm địa này, bên kia là rừng khoai mì được VC trồng lâu lắm rồi, nghe tay Hợi cán bộ VC nói thì khoai mì ở đây đủ nuôi một Sư đoàn ăn một tháng mới hết.
 
Dùng chữ rừng khoai mì mới đúng vì nó vô cùng lớn, không biết nó được trồng từ lúc nào mà gốc mì gần bằng bắp vế, thân mì cao gần năm mét. Mỗi ngày chỉ cần đào vài gốc là đủ số lượng cung cấp cho nhà bếp luộc xong tán nhỏ trộn với cơm cho trên 4 ngàn người ăn. Nói cho đúng, nếu không được chỉ cách đào chắc phải vất vả lắm mới thanh toán được nó. Có củ to và dài hơn quả đạn pháo 155 ly, ăn thứ khoai mì Ấn Độ dùng cho trét hồ vải trong kỹ nghệ này lâu ngày thì không chết cũng có chuyện.
 
Gần đó ẩn mình dưới rừng Le là một Công Binh Xưởng của VC, dấu tích còn lại là những bễ rèn và dụng cụ lò rèn bỏ ngỗn ngang. Rải rác đâu đó là các nhà sàn, hầm hố dùng làm nơi chôn cất lúa tịch thu của nhân dân quanh vùng Thiện Giáo. Loại lúa này làm ra thứ gạo ẩm mốc trộn với khoai mì cho tù ăn.
 
Thật quá là tiện, nhà nước ta đâu có tốn xu nào để nuôi đám “Ngụy quân Ngụy quyền” mang danh cải tạo này. Thức ăn thì có sẵn, măng ở rừng ăn mãn đời cũng không hết, đọt khoai mì thì hầu như vô tận. Đọc báo VC thời “Giải phóng”, các nhà khoa học của Đảng ta “quy” ba ký đọt mì chất lượng đạm bằng một ký thịt bò. Thật là khôi hài cho cái đám mang danh học giả Xã Hội Chủ Nghĩa lại phát minh ra cái trò bịp bợm lừa dối dân nghèo.
 
Cũng nơi này biết bao Chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa can trường bị đầy ải, chết vì bệnh tật đói khát. Những nấm mồ hoang lạnh nằm rải rác bên bờ sông, dưới gốc Sao già đâu đâu cũng có. Nỗi oan khiêng trùng trùng biết bao giờ mới rửa sạch.
 
Chúng tôi, toán đào mì đang hì hục đào cho xong ba giỏ cần xé khoai mì để còn về nghỉ ngơi, chiều còn phải đi sắn măng, hái đọt mì. Tôi bất chợt thấy thoáng một bóng người rồi mất hút, tôi nghĩ thầm chắc có lẽ tên Thượng Sĩ Hợi cai tù răng hô VC đang kiểm tra bọn mình chứ gì. Nhưng nhìn kỹ thì không phải, một bóng trắng ẩn hiện sau các bụi khoai mì với tiếng sột soạt của bước chân giẫm trên cành lá khô làm chúng tôi quay lại. Một người đàn bà trẻ mặc bộ bà ba trắng với dáng vẻ thị thành, nhìn chị thật đẹp, mái tóc buông dài đang đứng dưới bụi khoai mì, ánh sáng mặt trời chiếu xuyên qua kẽ lá chập chờn trên chiếc nón lá đang cầm trên tay.
Sau một lúc định thần tôi hỏi nhỏ:
- Chị làm sao vào được nơi này và chị đi tìm ai ? Chị đáp:
- Tôi là vợ Bác sĩ T. Tôi muốn gặp anh ấy, các anh làm ơn giúp giùm. Tôi trả lời:
- Chị lên đây một mình hay nhiều người? chị trả lời:
- Tôi mướn xe Honda thồ chở lên đây chỉ một mình, có chuyện rất quan trọng cần hỏi ý kiến anh ấy. Tôi hỏi tiếp:
- Sao chị không vào trại xin gặp ảnh có phải tốt hơn không? Chị thở dài nói:
- Tôi không muốn vào trại, lỡ mấy ổng không cho gặp thì làm sao? và chuyện tôi nói người khác không nghe được, chuyện riêng. Tôi chỉ muốn gặp anh vài phút rồi về ngay, tôi gấp quá.
 
Chúng tôi thật khó nghĩ, nếu chuyện này bị tên Hợi cai tù răng hô biết được thì có mà bị cùm còn không giúp chị thì hèn quá. Sau khi bàn thảo với anh em trong toán, chúng tôi quyết định giúp chị cho dù nguy hiểm trùng trùng. Tôi đưa chị men theo lùm bụi rậm rạp tiến sát bờ sông và bảo chị ngồi núp trong một lùm bụi kín đáo. Tôi dặn chị nói ngắn gọn đừng để bị lộ mà gây bất lợi cho chồng chị và chúng tôi.
 
Thanh toán nhanh mớ khoai mì, chúng tôi về trại giao cho nhà bếp và tôi tìm anh BS T. trong số hơn ba ngàn người lố nhố không phải chuyện dễ, may mà tôi biết mặt anh nên tìm ra được. Khều nhẹ anh ra ngoài sân tôi nói nhỏ: “Vợ anh, chỉ ngồi bên lùm bụi bên kia sông đợi anh”, lúc đầu anh có vẻ không tin, nhưng thấy vẻ nghiêm trang của tôi thì anh tin ngay nhưng nét mặt thoáng lo lắng, tôi giải thích ngắn gọn anh mới hiểu. Tôi giải thích thêm:
- ”Anh theo tôi đi tắm, tôi canh chừng cho anh chị nói chuyện, nhớ nói ngắn gọn thời gian vài phút”.
 
Anh theo tôi ra bến sông, được cái lúc này không có ai tắm và toán đào mì của tôi đi tắm thì không ai để ý. Tôi chỉ vị trí chị ẩn núp cho anh xong, tản ra chỗ khác để anh chị nói chuyện tự nhiên và cũng canh chừng để báo động. Chừng năm phút tôi ra hiệu cho anh rút lui, tôi và anh vẫy tay chào từ biệt chị mặc dù không thấy, nhưng tôi tin chắc Chị dõi theo từng bước chân anh. Trên đường về anh T. nói nhỏ cho tôi nghe mặc dù tôi không hỏi.
- Bả hỏi ý kiến và xin phép tôi dẫn hai đứa nhỏ vượt biên tối nay.
Ý anh ra sao tôi hỏi lại.
- Cầu cho mẹ con nó ra đi bình yên còn thân mình ra sao cũng được, với giọng nói bùi ngùi nhưng nét mặt anh thật rạng rỡ. Tôi chia vui cùng anh, anh nắm tay tôi lắc nhẹ và nói lời thành thật cám ơn chúng tôi.
Tôi hình dung một người đàn bà dũng cảm, giờ này đang một mình len lõi giữa rừng già tìm ra nơi hẹn để về nhà cho kịp chuyến đi tối nay. Vĩ đại quá những người vợ lính VNCH thà chấp nhận hy sinh trên biển cả còn hơn sống với Cộng sản bạo tàn. Trong lần ra đi này có thể là vĩnh viễn không gặp nhau nữa, nên bằng mọi giá chị phải gặp anh lần cuối. Theo tôi được biết, chuyến đi thành công và anh chị đã trùng phùng trên đất Mỹ sau ngày anh đi diện H.O.
 
Trong cảnh nước mất nhà tan, người vợ lính VNCH và gia đình cũng bị dày vò đày đọa trong cái Xã hội Chủ nghĩa cuồng loạn này, cùng chịu chung số phận đắng cay của cả dân tộc Việt Nam, có người nói, nếu cây cột đèn biết đi nó cũng đi thoát khỏi cái đất nước này. Riêng tôi cảm thấy lòng mình nhẹ nhõm vì vừa làm được cái gì đó, dầu không lớn lắm.

No comments: