Xuất thân Khoá 4 Cương Quyết Thủ Đức.
-Trưởng Khu Ngoại Thương Tổng Y Viện Duy Tân Đà Nẵng.
-Ngày 3/4/1976 Th/Tá Lương uống thuốc quyên sinh tại Trại Tù Tiên Lãnh.
-Hình chụp lúc còn cấp bậc Đại uý.
*Hình ảnh từ @dongsongxua.wordpress.com.
https://dongsongxua.wordpress.com/.../y-si-thieu-ta-pham.../
(Nguồn:Fb.Nguyễn Dân Việt).
Cố Y Sĩ Thiếu Tá Phạm Văn Lương là một sĩ quan trừ bị khóa 4 Thủ Đức, nhưng đến 1975 ông vẫn còn mang lon Thiếu Tá là vì tính cương trực của ông. Ông là người y sĩ gương mẩu của QL.VNCH, tận tụy với nghề nghiệp, trách nhiệm với những thương bệnh binh VNCH…
Thiếu Tá Phạm Văn Lương số quân 54/226-453, sinh vào tháng 11.1934 tại Quảng Trị, xuất thân khóa 4 Cương Quyết Thủ Đức, sau theo học ngành Quân Y. Nguyên Trưởng Khu Ngoại Thương Thương, Tổng Y Viện Duy Tân Đà Nẵng. Trước 1975, qua hệ thống truyền thông và báo chí khá đông người Miền Nam biết đến Thiếu Tá Phạm Văn Lương qua các việc ông đã làm:
– Mang lựu đạn đến tiền đình Hạ Viện yêu cầu Hạ Viện điều tra làm sáng tỏ việc bắn chết Y sĩ Đại Úy Hà Thúc Nhơn, người bạn cùng khóa Quân Y, phục vụ tại quân Y Viện Nguyễn Huệ Nha Trang đã can đảm đứng lên chống bọn tham nhũng giết một sĩ quan tố tham nhũng tại bãi biển Nha Trang.
– BS Lương từng thực hiện thành công cuộc giải phẫu lấy đầu đạn M-79 ghim trong gò má của một quân nhân có tên là Đinh Né ở Quãng Ngãi. Để cứu mạng sống cho người này, ông đứng mổ, nhưng không có dựng ụ cát như một Thiếu Tướng Quân Y Mỹ – từng mổ lấy lựu đạn ở bụng của một nạn nhân. Đêm đó ông tiến hành giải phẩu ngay, xung phong làm việc với ông có một Trung Úy Quân Y chuyên gây mê và một nữ Y Tá. Tới sáng không nghe tiếng nổ, vậy là Y Sĩ Thiếu Tá Lương đã gắp đầu đạn M79 thành công . Mọi người đều thở phào nhẹ nhõm vì đêm đó tất cả nhân viên lớn nhỏ trong bệnh viện đều thao thức cùng với ca mổ đặc biệt này của BS Lương . Sáng ra, cả Tổng Y Viện Duy Tân ai cũng mừng và bàn tán về sự thành công này.
– Trách nhiệm tổ chức việc gom tử thi trên đại lộ. Kinh Hoàng (mùa hè đỏ lửa 1972) đưa về mai táng, lập bia kỷ niệm tại Quảng Trị.
– Xây dựng làng Đồng Thạnh tại Hội An, Quảng Nam định cư đồng bào phía Bắc Quân Khu 1 lánh nạn Cộng sản (ngân khoản do Bác sĩ Phan Quang Đán, Quốc Vụ Khanh, tài trợ).
– Ngày 29-3-1975, Cộng Quân cưỡng chiếm Đà Nẵng, Bác sĩ Lương cùng một số bác sĩ khác ở lại nhiệm sở? Tổng Y Viện Duy Tân cứu chữa đồng bào và thương binh. Cùng lúc Đài BBC Luân Đôn loan tin Bác sĩ Phạm Văn Lương đã được Cộng sản cử làm Thị Trưởng Đà Nẵng.
– Ngày 5-4-1975, Cộng quân tập trung các Bác sĩ đưa vào giam tại Hội An, trong số có Bác sĩ Lương, rồi di chuyển đến Tổng Trại 2 Kỳ Sơn, Quảng Tín. Các Bác sĩ đều bị đưa về Trạm xá Kỳ Sơn làm việc chuyên môn ngoại trừ Bác sĩ Vương Ngọc Lâm cho đi lao động bởi gia đình ông chống Cộng triệt để.
– Ngày 25-8-1975, có thêm Y sĩ Trung Tá Nguyễn Văn Cơ (gốc Y sĩ Dù) nguyên Chỉ Huy Trưởng Quân Y Viện Nguyễn Tri Phương Huế từ trại giam Hiếu Đức chuyển lên Trạm xá. Qua một năm trong Trạm Xá Tổng Trại 2 tù Kỳ Sơn, Bác sĩ Lương cùng các bác sĩ khác tận tình cứu chữa các bệnh nhân gồm Bộ đội, tù binh và dân chúng trong vùng.
– Chủ Nhật 28-3-1976 bà Đỗ Khánh Niệm lên thăm chồng, trong dịp nầy Bác sĩ Lương ngồi bên vợ, bà Lương sắp thức ăn mời chồng. Ông không thiết tha việc ăn uống mà chỉ than cùng vợ: Chắc anh khó về lắm em ơi!!! Có người tố cáo anh cùng Bác sĩ Phan Quang Đán là CIA… Hai vợ chồng đang bịn rịn dặn dò việc nuôi dạy các con, bỗng có tiếng la lớn của vệ binh: Hết giờ thăm nuôi, về lại Trạm xá. Bác sĩ Lương và vợ đứng dậy, nước mắt bà Lương trào ra, chân ông Lương không giơ lên được, đàng sau lưng tên vệ binh mang súng AK hối thúc đi về, bà Lương lau nước mắt nhìn đồng hồ lúc ấy là 12 giờ trưa. Đó là giây phút biệt ly định mệnh của hai vợ chồng Bác sĩ Phạm Văn Lương. Khoảng cách giữa hai người mỗi lúc một xa thêm, rồi hình bóng Bác sĩ Lương khuất dần dưới ngọn đồi thăm nuôi trại Kỳ Sơn. Một tuần sau, vào ngày 3-4-1976, Y Sĩ Thiếu Tá Phạm Văn Lương quyết liệt sát thân tại trại Tiên Lãnh – Bác sĩ Lương đã uống nhiều viên thuốc ngủ cùng 10 viên cloroquine làm người ông quay cuồng, lăn lộn. Bằng mọi cách các bác sĩ tại trạm xá cố gắng cứu chữa nhưng ông Lương báo là đã uống quá nhiều thuốc nên không thể cứu được. Sau khi thốt lên lời từ biệt mọi người, mắt ông từ từ nhắm lại. Bác sĩ Lương đã thực hiện đủ thiện ý và bản lĩnh của một Quân Y Sĩ – Kẻ Sĩ dấn thân – qua lần tự nguyện ở lại cùng người và chế độ cộng sản với những thương bệnh binh cần sự có mặt của mình.
Tin Bác sĩ Lương tự tử được loan truyền nhanh chóng trong anh em tù, ngược lại Ban Chỉ Huy Trại cho biết Bác sĩ Lương chết vì trúng gió! Ít ngày sau, thân nhân thăm nuôi đưa tin về Đà Nẵng: Bác sĩ Lương đã tự tử chết. Nhận được hung tin, bà Lương lên Trạm xá khóc lóc đòi biết rõ nguyên nhân cái chết của chồng mình. Lúc đầu cán bộ Trạm xá cho biết không có chuyện Bác sĩ Lương chết nhưng bà tiếp tục than khóc và la ầm lên. Thiếu tá Việt Cộng Đinh Văn Nhất là Trưởng Trại 1 liền tới cho bà biết: Bác sĩ Lương chết vì trúng gió. Viên y sĩ Việt Cộng nói thêm là đã chôn cất Bác sĩ Lương cẩn thận. Số ván dự trù để đóng bàn mổ cho Bác sĩ Lương xử dụng lại được dùng vào việc đóng quan tài cho ông. Bà Lương xin chuyển xác chồng về Đà Nẵng nhưng Trại không chấp thuận.
– 1984, mộ phần Bác sĩ Lương được dời về Hội An, an nghỉ trong nghĩa trang gia đình người bạn thân.
– 1985 Bà Quả phu Phạm Văn Lương cùng 7 người con (4 trai, 3 gái) và các cháu được thân nhân bảo lãnh sang định cư tại Hoa Kỳ.
Nhân mùa gãy súng cách đây 44 năm, hậu duệ VNCH viết lại câu chuyện về một người quân y sĩ giỏi của Quân Lực VNCH – Thiếu tá Phạm Văn Lương, ông đã chết trong trại tù cộng sản, một nén tâm hương dâng lên người chiến sĩ QL.VNCH.
--------------------
Tài liệu tham khảo:
1.Thiếu Tá Phạm Văn Lương-Cái chào của vị niên trưởng
https://southvietnamstory.online/2018/01/06/thieu-ta-pham-van-luong-cai-chao-cua-vi-nien-truong
2.Cố Y Sĩ Thiếu Tá Phạm Văn Lương
https://vulep-books-links.blogspot.com/2013/06/co-y-si-thieu-ta-pham-van-luong.html
Hậu duệ VNCH Nguyễn Thị Hồng 16.3.2019
Nguồn: http://kimanhl.blogspot.com/search/label/Y%20S%C4%A8%20THI%E1%BA%BEU%20T%C3%81%20PH%E1%BA%A0M%20V%C4%82N%20L%C6%AF%C6%A0NG
No comments:
Post a Comment