Wednesday, July 19, 2023

BÌNH THUẬN - VÙNG XÔI ĐẬU TRƯỚC NĂM 1970 - fb Son H Cao

BÌNH THUẬN - VÙNG XÔI ĐẬU TRƯỚC NĂM 1970:
fb Son H Cao

Vùng II chiến thuật bao gồm 12 tỉnh Cao nguyên và Duyên hải Trung phần, trong đó quan trọng và cũng có nhiều phiến cộng, nằm vùng nhất là Bình Thuận-Bình Ðịnh. Ðể xâm lăng miền Nam, cộng sản Bắc Việt cho mở lại con đường giao liên đã có sẵn từ thời toàn dân kháng chiến chống Pháp 1945-1954, thành con đường chiến lược mang đủ thứ tên trong đó có Hồ Chí Minh, xuất phát từ Hà Nội vào tới Cà Mâu dài trên 2000 cây số. 
 ---------------
Con đường khai sinh đồng thời với cái mặt trận ma GPMN sau khi vượt qua vùng phi quân sự ở Bến Hải , men theo rặng Trường Sơn, tới Ðổ Xá, Kòn Tà Nừng, Chulya, Khánh Hoà. Tại đây đường phân làm hai nhánh, một đi ngược lên Lâm Ðồng, Quảng Ðức, Phước Long về Sài Gòn. Nhánh hai tới Ninh Thuận,Bình Thuận, Rừng lá,Rừng sát, Biên Hòa...
 
Sau ngày binh biến 1-11-1963, VNCH gần như vô chính phủ rối nát bét tan hoang do hậu quả trên gây ra, mãi tới cuối năm 1967 khi tướng Nguyễn Văn Thiệu đắc cử Tổng Thống VNCH , tình thế mới tạm ổn định. Bình Thuận là một trong các tỉnh ở miền Trung cùng chịu nhiều nạn kiếp, khiến cho tình hình an ninh toàn tỉnh kể luôn thị xã Phan Thiết tồi tệ đến mức ai nghe tới cũng sợ, khi phải tới miền đất này. Dù Tết Mậu Thân 1968, Việt Cộng tấn công Phan Thiết ba lần bị thất bại, không có cơ hội tắm máu đồng bào như tại Huế theo mong muốn của một số VC nằm vùng và có thân nhân nhảy núi,tập kết nhưng hoàn cảnh lúc đó hết sức bi quan, 95 % lãnh thổ bị địch chiếm, vùng còn lại ban ngày là của ta và thuộc về giặc ban đêm.
Tại Phan Thiết, VC về ám sát, đốt và tấn công các trụ sở ấp Ðức Nghĩa,Phú Trinh,Hưng Long, Ðức Long.. coi như chỗ không người, thậm chí ngay trong Tòa hành chánh và Tiểu khu, Tỉnh trưởng khi di chuyển cũng phải có hộ tống và cận vệ.
(Đại Tá Ngô Tấn Nghĩa)
 
Các viên chức xã ấp,công chức, cảnh sát kể luôn các cấp chỉ huy XDNT,Nghĩa quân, ÐPQ .. ban đêm phải di chuyển chiến thuật tới các vùng tạm có an ninh ở Sông Mao, Phan Thiết, Mũi Né để ngủ giữ mạng. Các đồn bót trong tỉnh luôn bị tấn công, VC pháo kích bạt mạng vào thành phố, huyện lỵ và tàn nhẫn gài mìn khắp nơi, khiến cho thường dân vô tội bị chết oan hằng ngày khi di chuyển cũng như lúc ra đồng làm ruộng. (Hình ảnh đau thương của chiếc xe đò Mỹ Quang chạy đường Phan Thiết-Nha Trang, chở hơn 50 hành khách, bị trúng mìn chống chiến xa của VC trên QL1, trước trường Tiểu Học Long Hiệp (Long Phú, Thiện Giáo, Bình Thuận) vào năm1967, đứt làm hai đoạn, khiến cho gần hết người trên xe (kể cả tài xế và phụ xe) đều chết banh xác...Đây cũng chỉ là một trong muôn ngàn tội ác của VC Bình Thuận, làm sao quên được ?
 
Các trục giao thông tại quốc lộ 1, liên tỉnh lộ 8, tỉnh lộ Phan Thiết-Mũi Né.. bị tắt nghẽn, nhiều trạm thu thuế gần như công khai của VC tại cây số 25, Thiện Giáo, Tùy Hoà,Tà Dôn, Ðá Ông Ðịa,Vĩnh Hảo.. làm cho mọi người lo sợ, phải dùng phương tiện ghe thuyền thay vì đi xe đò. Ðã vậy trong tỉnh cònthêm vụ học sinh các trường trung học xuống đường biểu tình đòi Mỹ rút, kêu gào bảo vệ đạo pháp và các thầy cha, còn thêm màn mổ bụng rạch ngực viết huyết thư, tạo đủ đắng cay máu lệ cho người dân vô tội trong cảnh chiến tranh tận tuyệt. 
 
Bản đồ Phan Thiết và vùng phụ cận
Tóm lại theo lượng giá của Ðại Tá Ngô Tấn Nghĩa, trong ngày nhậm chức Tỉnh Trưởng vào mùa thu 1969 thế Đại Tá Ðàng Thiện Ngôn, thì Bình Thuận và Phan Thiết lúc đó sắp lọt vào tay VC. Theo Trung Tá Ngô Văn Xuân, nguyên Tiểu đoàn trưởng TÐ 2, Trung đoàn 44, Sư đoàn 23 BB từng tham chiến nhiều ngày tại Bình Thuận, thì chính Ðại Tá Ngô Tấn Nghĩa, một sĩ quan dầy kinh nghiệm trong chức vụ Trưởng Phòng 2 Quân Đoàn II nhiều năm, qua nhiều vị tư lệnh, đã thành công trong việc tách rời các cơ sở cũng như vô hiệu hoá Việt Cộng tại địa phương, từ đó cho tới ngày miền Nam bị sụp đổ vào tháng 4-1975. Chính các lực lượng Ðịa phương quân và Nghĩa quân đã góp phần lớn máu xương trong việc bảo vệ an ninh và mạng sống của đồng bào trong tỉnh, cho tới những giây phút cuối cùng trong đêm 18 rạng ngày 19-4-1975. 
 
Họ là những chiến sĩ của QLVNCH không tên với những chiến công hiển hách , đã dánh những trận để đời như sử gia Chánh Ðạo đã hết lòng khen ngợi trong tác phẩm “ 55 ngày đêm-cuộc sụp đổ của VNCH”. Tôn vinh cuộc chiến đấu thần thánh trên là cách trả lời cao thượng nhất để tri ân và lấy lại uy tín cũng như danh dự cho người lính Miền Nam, những người đã vì nước vì đời, mà tự tìm lấy cái chết bình thản tại chiến trường , ngay lúc giặc đã tràn ngập.
 
Ðến hành quân hay công tác vùng này, nhìn bản đồ chậm tọa độ, ai cũng muốn nổ tròng mắt vì những vị trí cóc nhẩy. Ðấy là xóm Cầu Rang ở tận cực bắc tỉnh, gối đầu trên một con dốc cao lở lói tràn bên phía tây quốc lộ 1. Rồi lại nằm mãi tận phiá nam trong xã Ma Lâm Chàm, địa phận quận Thiện Giáo, nơi người Chiêm rất hãnh diện vì còn giữ được mấy cái Dinh Ông, Dinh Cậu theo họ rất hiển linh. Ngay cái gọi là Quận Ðường Hựu An, có các xã Tịnh Mỹ, Hậu Quách, Lạc Trị..nhưng diện tích hẹp bó, bước qua phía bên kia quốc lộ đã là đất của xã Chợ Lầu, Hòa Ða. Còn sau lưng quận, qua vài đám ruộng nhỏ dùng để làm đồ gốm..thì đã đụng ngay giang san của người Nùng Hải Ninh.
 
Bình Thuận xôi đậu là vậy, ra khỏi cửa ô huyện ly là cảm thấy bơ vơ lạc lỏng lạ cảnh lạ người không cùng lối bước, dù khi đối mặt vẫn nói chung một ngôn ngữ, cười vui hề hà nhưng sau đó có dịp thì tắc cù lính ngay dù lính hết lòng thương và giúp đỡ họ chân thành. 
 
Trên cái vùng đất mà phần lớn là núi rừng, đồi cát và người dưng kẻ lạ, thật sự khó mà quy trách nhiệm cho bất cứ một cấp Tỉnh Trưởng nào, ngoại trừ người Tỉnh Trưởng VC nằm vùng, Trung Tá Ðinh văn Ðệ.
 
Ðây cũng là nơi lý tưởng của chiến thuật du kích qua cái thế đứng hai chân, chân đồng bằng, chân nông thôn có rừng núi, động cát và nằm vùng làm rào chắn tiếp tế che chở. Dùng vùng này để bao vây Phan Thiết, Huyện Lỵ, cắt đường bộ, thiết lộ, sông biển, khiến cho trục lộ cả nước bị đứt đoạn, coi như đã thành công chia cắt VNCH một lần nửa. Bình Thuận là hậu cứ của Trung Ðoàn chính quy 812 miền lâu đời,luôn có nhân lực và tiếp tế đầy đủ bổ sung băng một vựa lúa Tuy Phong, Thiện Giáo, Hàm Thuận, cùng cá mực, thuốc men, vải vóc đủ mọi thứ được bọn khoa bảng, hàm hộ bất nhơn giàu sụ người Bình Thuận nhưng muôn năm ở Sài Gòn, bán lậu, cho không và chở bằng tàu thuyền, xe đò tới giao cho kinh tài VC tại trạm thu thuế số 25, hay Mũi Ðèn, Quán Thùng, Hòn Rơm, La Gàn, Ðá Chẹt.
 
Ðôi lúc người lính đã nghiến răng quên đi lòng nhân đạo trước thực tế chiến tranh, khó quá làm sao cho trọn vẹn hỡi giời. Ði trong lòng quê hương lúc đó thật ngao ngán, dù Rạng,Mũi Né lối đi vẫn rợp bóng dừa nhưng làng xóm xác xơ, nhà cửa thu vén gần đồn lính, hàng quán lèo tèo, chỉ lính ít thấy dân. Ðường về Ma Lâm còn thảm thê hơn, khúc ngang Bình Lâm bì bầm như tương, xe đò, xe lam và cả người đi bộ .luôn lãnh mìn chông của VC hằng ngày.
 
Qua những ý đồ như lập Mặt Trận GPMN, chuyển quân trang, bộ đội và cán bộ mùa thu hồi kết về Nam, lập nhiều căn cứ hậu cần trên đất Lào, lãnh thổ Miên. Tất cả chỉ nhắm vào mục đích cưỡng chiếm VNCH bằng võ lực, bởi vậy Hoa Kỳ đã phải đổ quân vào giúp đồng minh ngăn chận cộng sản từ năm 1965. Kế hoạch “ Lùng và Diệt” liên hợp giữa lực lượng chính quy Ðồng Minh và QLVNCH đánh thẳng vào sào huyệt VC , lật lại thế cờ mà Hà Nội đã có trong mấy năm xáo trộn chính trị liên miên tại miền Nam từ sau ngày binh biến 1-11-1963.
 
Năm 1969 tướng Abraham thay tướng Westmoreland làm Tổng tư lệnh quân lực Hoa Kỳ và Ðồng Minh tại Ðông Dương, chuyển từ chiến lược “lùng và diệt” sang kế hoạch “ Bình Ðịnh Phát Triển” trên toàn lãnh thổ VNCH. Tóm lại đây là kế hoạch nhầm bình định lãnh thổ, phát triển lực lượng an ninh diện địa bao gồm ĐPQ-NQ và các Toán XDNT tỉnh. Cũng trong chiến lược này, từ đây các lực lượng Tổng Trừ Bi của BTTM cũng như các SĐ bộ binh, Thiết Giáp.. hành quân lưu động, còn công cuộc Bình Ðịnh Phát Triễn là nhằm thanh lọc và tiêu diệt hạ tầng cơ sở VC tới xuống Ấp, Xã tại nông thôn là những vùng xôi đậu.
 
Từ tháng 12/1960 thời Trung tá Nguyễn Quốc Hoàng, nguyên Tỉnh Trưởng Kiến Phong, ra nhận Tỉnh/ Tiểu Khu Trưởng Bình Thuận và Ðại Úy Lê Văn Phúc, người Quảng Trị, làm Tiểu Khu Phó (TKP) kiêm Phó Tỉnh Trưởng Nội An. Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu lúc bấy giờ đóng ở nhà lầu hai tầng cạnh cầu sắt Phan Thiết, đối diện với lầu nước. Lúc này cấp số Tiểu Khu chưa có Tham Mưu Trưởng, Ðại Úy Phúc kiêm cả Phòng 3 Hành Quân, Phòng 2 có Thượng sĩ Thìn, còn Thiếu úy Hoạt đóng vai trò Thường vụ cho BCH Tiểu khu mà thôi. Bởi vì mọi việc quản trị, hành chánh và tiếp liệu cho Tiểu khu, cũng như cả BCH/Tiểu đoàn Bảo An của Ðại Úy Dần, 7 Ðại Ðội Bảo An biệt lập, hoạt động rải rác trên toàn lãnh thổ TK, một chi đội cơ giới Commando-car của Trung úy Tuệ, đều do một Ðại đội Hành Chánh Tiêp vận của Ðại úy Nguyễn Văn Chung, đóng bên trại Hoàng Hoa Thám đảm nhiệm hết.
 
Ngoài ra còn có 7 Ðại đội thuộc Nha An Ninh Thiết Lộ chỉ huy, bảo vệ các ga xe lửa. Tỉnh/Tiểu Khu chỉ được một Ðại đội Trinh sát Tỉnh do Thiéu úy Kính chỉ huy, ông này bị tử trận trong lúc hành quân tại Mật khu Ðăng Gia. Về Lực Lượng Bộ Binh chỉ có Tiểu đoàn 3/43/23 BB tăng phái đóng chung với một Trung đội Pháo binh có hai khẩu đại bác 105 ly và hai khẩu 155 ly của Quân khu đồn trú tại đồn Trinh Tường. Tại Bắc Bình Thuận có Trung đoàn 43/BB (-) đóng chung với Hậu cứ và trại gia binh Sư đoàn 3 Dã Chiến của Ðại tá Wòong A Sáng, từ Bắc di cư vào, Sư Ðoàn đã di chuyển vào Nam năm 1955 và đổi danh hiệu thành SĐ5BB đóng tại Biên Hòa.. 
 
Số còn lại, khoảng bốn ngàn người đóng tại trại Sông Mao, lập quận Hải Ninh do thiếu tá Lý Thiều Quang làm Quận Trưởng, Trung tá Wòong A Thông chỉ huy TTHL/Sông Mao kiêm Quân vụ thị trấn. Tại vùng Lương Sơn có Trại Phi Hổ/ LLÐB với 4 Ðại Ðội Dân Sự Chiên Ðấu có 4 khẩu đại bác 105 ly và 2 khẩu 155 ly. 
 
Cũng như Duyên đoàn 28 Hải Thuyền và nhiều đơn vị đặc nhiệm khác, hoạt động trên lãnh thổ mà BCH/TK Bình Thuận không thể điều động được vào công tác an ninh bảo vệ cho hàng chục ngàn đồng bào ngoài Bắc đang định cư tại tỉnh này.
 
Từ năm 1959, Chính Phủ lập thêm một số Tỉnh mới, để thống nhất chỉ huy các lực lượng chính quy và bán quân sự hoạt động trong một lãnh thổ. Chính Phủ đã ban thêm quyền hạn cho các vị Tư Lệnh Sư Ðoàn và Quân Ðoàn kiêm luôn Tư Lệnh Khu Chiến Thuật và Tư Lệnh Quân Khu. Ðồng thời đặt các Sĩ quan giữ chức Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng để chỉ huy điều động các lực lượng thống thuộc an ninh lãnh thổ và hoàn thành Kế hoạch xây dựng Khu Trù Mật, Ấp Chiến Lược. Kể từ năm 1964, Trung đoàn 43BB/Biệt Lập di chuyển lên Lâm Ðồng, Trung đoàn 44BB và Chi đoàn 3/8 TVX M113 về thay thế hành quân, đặt dưới quyền điều động của BTL/Biệt Khu Bình Lâm do Ðại tá Nguyễn Bảo Trị chỉ huy, đóng tại Phi trường Phan Thiết, Hành quân trong ba tỉnh Bình Tuy, Lâm Ðồng và Bình Thuận. Bên Tiểu khu, được lệnh cấp trên chuẩn bị kế hoạch tiếp nhận LLÐB tại Lương Sơn, lập thành 4 Ðại Ðội/ ÐPQ do Thiếu tá Quân chỉ huy, lấy quân số bảy Đại đội BA/Biệt lập làm khung, đôn lực lượng NQ lên, tuyển thêm quân, lập thành các Tiểu đoàn ÐPQ và một số Ðại Ðội/ÐPQ/BL, các Trung đội NQ. 
 
Giữa năm 1964, Đại tá Ðàm Văn Quý, Trung Đoàn Trưởng TrĐ43Biệt Lập từ Lầm Đồng, về làm Tỉnh Trưởng/Tiểu Khu Trưởng Bình Thuận. Trong năm 1965, Tiểu Khu được Chiến Ðoàn 506 Hoa Kỳ, gồm một Tiểu đoàn Thiết kỵ có pháo binh, một Tiểu đoàn Công binh cơ giới nặng, để ủi quang hai bên quốc lộ. 
 
Một đại đội Không kỵ, (Cavalery), một Đại đội Trực Thăng Vận Tải, bốn trực thăng võ trang. Phía KQVN tại Nha Trang biệt phái một L19 và một trực thăng tải thương, về sau phía KQ/Mỹ cũng đặt hai L19 và 1 OV2 cho Phòng 3 sử dụng. Từ khi Chiến Ðoàn đến, BTL Biệt Khu Bình Lâm giải tán, một BCH Task Force South được thành lập, bao gồm Ðại tá Hawk, đại diện bên Chiến Ðoàn Mỹ. Ðại tá Võ Văn Cảnh, Tư Lệnh Phó SÐ23BB đại diện cho Lực Lượng Bộ Binh tăng phái, gồm Trung đoàn 44BB, Chi đoàn 2/8 TVX.M113 do Đại úy Hàn Phong Cao chỉ huy. Phía Tiểu khu Bình Thuận, Đại tá Ðàm Văn Quý đại diện, Trưởng phòng 3/TK được cử làm sĩ quan liên lạc của Tỉnh/Tiểu khu bên cạnh Task Force. Lúc này quốc lộ 1 được tu bổ lại, một hệ thống Ðồn bót và Căn Cứ Hỏa Lực được thiết lập tại các vùng hiểm yếu để bảo vệ trục lộ và an ninh các ấp Ðời Mới. Ðại Tướng Nguyễn Khánh đã tới khánh thành ấp Long Hoa và đồn Nora ngã ba Long Thạnh.
 
Tháng 6/1969, sau cuộc họp tại BCH Tiểu khu, gồm Đại tá Hawk, CHT/ Chiến đoàn Mỹ, Tướng Times BTL/HK, Trung tướng Lữ Lan, Tư Lệnh Quân Ðoàn II/ QK2, Đại tá Ngô Tấn Nghĩa Trưởng Phòng 2, và BTL/SÐ 23BB đến họp với Đại tá Ðàng Thiện Ngôn, Trung tá Phillip Cook, Ông Richardson Cố vấn Quân sự và Bình định Phát triển Tỉnh/Tiểu khu. 
 
Sau khi duyệt xét tình hình và kế hoạch đề nghị của Tiểu khu, phái đoàn Việt Mỹ đều chấp thuận tăng cường Chiến đoàn thuộc SÐ101 Mechanized Division, Tiểu đoàn Công binh Cơ giới Rumplow và thêm Liên đoàn 6CBCÐ của Quân đoàn, để giúp Tiểu khu thực hiện kế hoạch. Mục tiêu của Tiểu khu là dùng Lực Lượng Chiến Ðấu, hành quân lùng diệt địch và làm lực lượng trừ bị phản ứng khẩn cấp, bảo vệ công tác vô hiệu hóa các mật khu và trục giao liên di chuyển của địch. Ðồng thời dùng Công binh Liên đoàn 6 tái thiết quốc lộ 1.
 
Ngoài ra, Đại tá Nghĩa với tình quen biết Tướng Chức, Tổng Cục Công Binh tăng phái thêm Liên đoàn 5CBCÐ từ Biên Hòa, ra xây dựng mới con đường An Hải Mũi Né.
Bình Thuận có bảy quận và tỉnh lỵ Phan Thiết nhưng tình hình an ninh trước năm 1970 rất tồi tệ. 
 
Tại Tuy Phong có nhiều vùng xôi đậu, nguy hiểm như các Ấp Bình Long (Bình Thạnh), Vĩnh Hảo (Vĩnh Hoà) và Tuy Tịnh Việt. Các Ấp Vĩnh Hảo, Tuy Tịnh Việt được bình định hoàn toàn vào năn 1967. Riêng Ấp Bình Long vì tình hình an ninh, nên vào năm 1971, Ðại Tá Ngô Tấn Nghĩa, Tỉnh Trưởng BT đã cho dời vào vòng đai Thị Trấn Long Hương. Trong quận Hòa Ða, thời kỳ Ðại Uý Ðỗ Quang Mẫn làm Quận/Chi khu Trưởng năm 1967, đã bình định được các Ấp Duồng (Thượng Văn), Lâm Lộc 1,2,3 xã Phan Rí Cửa. Từ năm 1970, Ðại Uý Dụng Văn Ðối về làm Quận/CKT/Hòa Đa đã bình định được các Ấp xôi đậu Phú Hải (Phan Rí Cửa), Liêm Bình, Long Lễ (Phan Rí Thành).Quận Phan Lý Chàm hoàn toàn không có hạ tầng cơ sở VC nên không có vùng xôi đậu. 
 
Tại Hòa Đa chỉ có Ấp Xuân Quang mất an ninh nhưng cũng được vãn hồi sau năm 1970. Quận Thiện Giáo do vị trí địa dư đặc biệt, lại tiếp cận với các mật khu có từ thời kỳ Việt Minh kháng Pháp như Lê Hồng Phong, Ðộng Bà Hòe, Nam Sơn, Tam Giác, Dân chúng trong vùng ít nhiều có thân nhân nhảy núi tập kết, kháng chiến.. cho nên phần lớn lãnh thổ bị coi như là vùng xôi đậu tại Long Hiệp, Hòa Vinh, Tùy Hòa, Bình Lâm, Tân An, Tân Ðiền.. 
 
Từ năm 1972-1973, Thiếu Tá BĐQ.Hồ Quang Lượng về làm Quận/CKT/TG đã bình định hết các vùng xội đậu trên, kể cả Ấp Bình Lâm là sào huyệt của du kích, chấm dứt nạn đáp mô, đào đường, giật mìn, ám sát viên chức xã ấp, mang lại an ninh hoàn toàn trên Liên tỉnh lộ 8, từ Phan Thiết đi Ma Lâm lên tới Sông Quao, Cầu Trại, Gia Bát. 
 
Quận Hải Long nói chung tình hình an ninh tốt, nhờ các Quận/CKT như Trung Tá Kiều văn Ut, Thiếu Tá Hàng Phong Cao. Quận Hàm Thuận năm 1965 có nhiều Ấp Xã xôi đậu như Mường Mán, Phú Hội, Tường Phong, Ðại Nẳm. Riêng xã Kim Bình coi như mất an ninh hoàn toàn, ngoại trừ Ấp Kim Hải vùng xôi đậu, tuy nằm sát Ấp Ðức Long của Thị Xã Phan Thiết. Năm 1969 Ðại Uý Lê Văn Cậy về giữ CKT/Quận đã bình định tất cả các xã, ấp trên.
 
Cuối năm 1969, Ðại Tá Ngô Tấn Nghĩa về làm Tỉnh/TKT/TK Bình Thuận, thay đổi hoàn toàn chiến thuật chiến lược và vùng hoạt động của các đơn vị ĐPQ-NQ để chấm dứt nạn tình cảm hay nội tuyến.Lại sử dụng kế hoạch, dùng mìn Claymore làm hàng rào ấp chiến lược lưu động, giúp các đơn vị ĐPQ-NQ phòng thủ đêm rất hữu hiệu.
 
Nhờ vậy đã ngăn chận được sự xâm nhập của du kích về ấp hay thân nhân đem tiếp tế ra bưng bởi vướng mìn làm thiệt hại rất nhiều nhân mạng. Chiến thuật trên đã khiến các hoạt động của VC gần như khựng lại và an ninh được vãn hồi ngay tại xã ấp ,kể cả những nơi như Bình Thạnh, Long Hiệp, Bình Lâm, Ðại Nẳm.. những vùng mà VC coi như mật khu an toàn. Do trên dân chúng lần lượt hồi cư và sống yên ổn qua bảo vệ của ĐPQ-NQ cùng các Toán XDNT. Cũng từ đó, TK/BT không còn lo việc thiếu quân số như trước vì đã có mìn Claymore lớp trong lớp ngoài canh gác, yểm trợ cho người lính.
 
Ðơn vị đầu tiên gây chấn động và có kết quả cụ thể trong kế hoạch trên là ĐĐ238/ĐPQ/BT thuộc Liên Đội 2/8/ĐP biệt phái cho Chi Khu Hoà Ða do Ðại Uý Dụng Văn Ðối làm CKT. Do những chiến công đã thu được tại Liêm Bình, Thoại Thủy, Long Lễ, Minh Mỵ..nên ĐĐ238/ĐPQ lúc bấy giờ do Thiếu Uý Lê Văn Mùi làm ĐĐT và Thiếu Uý Ngô Trúc Khánh là ĐĐP, đã được Ðại Tá Ngô Tấn Nghĩa ,Tỉnh kiêm TKT/BT tuyên dương trước toàn thể ĐPQ-NQ tỉnh ngay sân cờ Toà Hành Chánh.. 
 
Ngày 1/10/1970 một buổi lễ được tổ chức tại sân cờ chi khu Hòa Ða, đón phái đoàn cố vấn Hoa Kỳ cạnh BTL/QĐ2. Trong dịp này, Tướng Cố vấn Trưởng Quân Ðoàn đã thay mặt Chính Phủ Mỹ, gắn huy chương Lục Quân Bội Tinh cho hai sĩ quan/ĐPQ là Lê Văn Mùi và Ngô Trúc Khánh.
 
Cũng từ đó tới ngày 18-4-1975, kế hoạch được phát triển toàn diện tới mọi cấp trong lực lương ĐPQ, NQ, XDNT kể cả CSDC với mỗi người một mìn claymore tự động, khiến cho tất cả các đơn vị đều kiêu hãnh về niềm tin quyết thắng. Ngược lại, các hoạt động của VC gần như hoàn toàn tê liệt , chấm dứt nạn khủng bố,kinh tài, xâm nhập, ám sát và khuấy động biểu tình làm loạn tại Phan Thiết như cơm bữa trước năm 1970. 
 
Tuy vậy nhờ có nội tuyến, nội thành, VC cũng đã thành công trong việc đặt mìn phá hoại Ty Bưu Ðiện /Bình Thuận và Ðài Phát Thanh/Phan Thiết đặt trên Lầu Nước vào tháng 3/1970, nhưng thiệt hại không có gì về nhân mạng lẫn cơ sở vật chất. Ngoài ra nhờ chương trình ủi quang hai bên quốc lộ 1, nên đã kiểm soát được an ninh hoàn toàn trên các trục lộ giao thông, nối lại các tuyến đường bộ với xe cộ đủ loại di chuyển nhộn nhịp ngày đêm từ ranh giới Bình Tuy ở cây số 25 ra tới cầu Ðá Chẹt, tiệp cận với Cà Ná,Ninh Thuận.
 
Tóm lại điều bi phẩn nhất mà “cách mạng 1-11-1963” mang tới cho VNCH là sự tàn hại những tinh hoa của đất nước được xem như chiếc chìa khoá đạt chiến thắng trong cuộc chiến chống cộng sản Bắc Việt xâm lăng Miền Nam. Ðó là những chiến sĩ chống cộng, rất am tường về các cơ sở VC trước đó tới ngày hôm qua, thì hôm nay đã trở thành tội đồ của sự tranh quyền đoạt lợi.
 
Tệ hại là gần hết hàng rào Ấp Chiến Lược kiên cố với bao công sức máu và nước mắt của muôn dân, phút chốc đã tan tành theo “ khí thế cách mạng”.Cũng từ đó, viên chức xã ấp, thanh niên chiến đấu.. tan tác làm mồi cho du kích cộng sản. Nhưng nguy hiểm hơn hết vẫn là mồi lửa chia rẽ tôn giáo luôn âm ỷ, nay theo cơ hội bùng cháy dữ dội từ Huế, được nối vòng tay lớn vào tận Phan Thiết, Bình Thuận.
 
Lúc đó bất cứ ai đang là công bộc của Quốc Gia, hầu hết đều bị gán tội “cần lao” mất chức, mất nhà,vào tù kể luôn mất mạng. Tại Bình Thuận, từ Trung Tá Tỉnh trưởng Nguyễn Quốc Hoàng tới Dân Biểu Ngô Hữu Thời, kể cả Hiệu trưởng Trung học Phan Bội Châu Phan Thiết là Lê Tá .. đều bị gán tội “cần lao”.
 
Ông Thời mất chức nhà bị niêm phong, Thầy Tá chẳng những mất chức còn bị GS Vĩnh Giên và nhóm học sinh đồng đảng hành hung, phá nhà và truy sát phải về Sài Gòn lánh nạn.Riêng Trung Tá Hoàng sau khi bàn giao xong, được “cách mạng” ân sủng “còng tay lên máy bay về trình diện trung ương.Cho dù như thế nào chăng nữa, thì lúc đó hay bây giờ, ông vẫn được các cấp thuộc quyền thương mến và nhìn nhận về khả năng lãnh đạo.Tóm lại Ông là một trong những vị tỉnh trưởng giỏi khi đem so sánh với những người trước và sau ông.
 
Đại tá Hoành trở lại nắm quyền đầu tỉnh lần hai không lâu thì bàn giao chức vụ cho Ðại Tá Ðàm Văn Quý : Trung Ðoàn Trưởng Trung Ðoàn 43 Bộ Binh Biệt Lập kiêm Biệt Khu Trưởng Biệt Khu Bình-Lâm (Bình Thuận, Bình Tuy và Lâm Ðồng). Ðại Tá Quý bước vào Tòa Hành Chánh với tiếng tăm đánh giặc giỏi nhưng đó cũng không phải là điều kiện “ắt có và đủ” để đem lại an bình hạnh phúc cho đồng bào đang mong đợi. Và tình hình khắp tỉnh càng lúc càng xấu hơn đến nỗi Khu 23 Chiến Thuật phải tăng phái cho Bình Thuận Tiểu Ðoàn 21 Biệt Ðộng Quân nhưng nông thôn vẫn là chốn VC thao túng ngày đêm như chỗ không có chính quyền.

No comments: