Tuesday, July 11, 2023

Người Lính Dù Và Cô Gái Tên… Tui - TeaLan 26B

Người Lính Dù Và Cô Gái Tên… Tui

TeaLan 26B - fb Dương Bá Đương
Chắc là lúc Ba Má tui muốn chứng tỏ tình yêu của hai người mặn nồng tha thiết lắm cho nên lúc mới lấy nhau đã dự định trước sẽ đặt tên con là gì cho có nghĩa ý nghĩa tình của hai người. Anh Hai tui tên Thương, Lê Hoài Thương. 
-------------------
-----------------

Còn tui thay vì bị đặt tên là Lê Hoài Yêu nhưng may quá Ba Má tui bẻ quẹo qua tên khác đặt tên là Mến, Lê Thị Mến. Thôi vậy cũng được đi, tên Mến dù sao cũng dễ nghe hơn tên Yêu, yêu ma, yêu quái, yêu tinh, yêu nữ, chắc là tui sẽ khổ sở lắm nếu tui tên là Yêu, chúng bạn sẽ đem tên của tui ra mà chế diễu hoài. Mặc dù tui cám ơn Ba Má đã không đặt tên tui là Yêu, nhưng tui chẳng mấy khi thích tên Mến này lắm vì nó làm cho tui bị trở ngại cái miệng nếu nói chuyện xưng tên với ai nhất là đối với mấy người con trai, gì mà cứ Mến… Mến hoài nghe kỳ cục làm sao. 
 
 --------------
 
--------------------

Còn xưng em thì lại càng kỳ nữa, chưa chi mà đã lả lơi xưng em, người ta tưởng mình chịu người ta rồi người ta làm tàng với tui, tánh tui không thích con trai làm tàng với tui. Một đôi khi tui có xưng em với anh Hai, anh trai của tui thôi, những khi muốn nịnh muốn lấy lòng anh của tui, còn không thì xưng tui với anh nhiều hơn vì anh ấy hay làm mặt tài khôn rầy rà tui hoài. 
 
Anh hai của tui thích có người xưng em với ảnh lắm. Có lần anh Hai tui nói, “Mầy cao lêu ngêu, ốm nhôm ốm nhách, nói năng ngổ ngáo, cũng thời là tiếng tui mà tui của người ta nghe nhẹ nhàng êm ái làm sao, còn tiếng tui của mầy nghe như nặng ngàn cân! Tao định cua cô gái nào mà nghe cô ấy xưng tui nặng nề như mầy là tao gài số de, con gái gì mà nói năng nghe cộc lốc chẳng thanh tao gì hết. Tao là con trai tao nói tâm lý của đàn ông con trai ra chỉ dạy mầy, mầy không nghe nữa mầy sẽ ở giá, ráng mà chịu nghe em”. Với tất cả bạn cùng trường cùng lớp, lớn hay nhỏ tuổi hơn tui đều xưng tui hết, có sao đâu, tui là tui chớ có ai vô đây. Chỉ có một mình anh Hai tui chê tui thôi, chứ ngoài ảnh ra chẳng thấy ai xách mé gì tui cả.
 
Anh Hai của tui đi lính Biệt Cách Dù, coi bộ anh hảnh diện với binh chủng của anh chọn. Mấy người bạn trang lứa của anh cũng vậy, hình như mấy anh đó hẹn nhau cùng đăng một thứ lính nên họ thân nhau lắm. Má tui nói sao tụi con chọn lính thứ dữ dằng mà đi, làm Má lo quá. Mỗi lần mấy anh nào có dịp về phép là hay tụ tập tại nhà Ba Má tui, nghe mấy anh nói toàn là chuyện đánh đấm với nhau, trận này trận kia, không giống như bọn con gái chúng tôi lại hay nói về anh chàng nầy, anh chàng kia, chuyện tình yêu, chuyện bồ bịch, chuyện thích có người yêu ở binh chủng nào, lính nào mũ màu gì. Anh Thương hay lập đi lập lại câu dặn dò ngăn cản tui, sợ tui để ý mấy anh bạn của ảnh: “Mầy đừng để tụi nó… dê mày nghe, lính tráng sống nay chết mai, mầy lo đi học đi, đừng bày đặt yêu đương sớm sẽ khổ”. Tui nghĩ thầm, mới bữa hổm nghe ảnh nói với mình coi chừng bị ở giá, bây giờ lại biểu đừng để ai dê mình !
 
Trời Sàigòn mùa này hay mưa nhưng không mấy ai phàn nàn vì mưa làm dịu đi cơn nóng hực của thời tiếc lúc này, mưa đó rồi tạnh đó, chiều tối đến sẽ làm mọi người dễ chịu hơn. Chiều hôm nay tui vừa dắt chiếc xe đạp ra khỏi nhà thì cơn mưa đổ xuống như trút, thôi thì phải chờ cho tạnh mưa mới đi được chớ không ướt hết áo đẹp của tôi. Ba năm nay rồi, từ ngày làm bạn với Phượng năm nào tui cũng có đi dự tiệc mừng sinh nhật của Phượng tổ chức tại sân sau rộng rãi nhà của ba má Phượng. Phượng là cô gái xinh đẹp lại may mắn sinh ra trong một gia đình khá giả. Tiệc sinh nhật có ban nhạc do mấy anh chị của Phượng và bạn đến giúp vui, ca hát, ăn uống năm nào cũng vui lắm, tui thích và tui có hát một hoặc hai bài. Hát chắc cũng nghe tàm tạm được thôi, vui mà. Từ xa đã thoáng thấy màu sắc hồng đỏ của hai cái nơ to cùng với vài cánh hoa hồng nhạt gắn hai bên cột trước cổng nhà Phượng. Nhà giàu có khác, nhìn vào là biết nhà này đang có liên hoan tiệc tùng gì đây. Thấy có vài đứa bạn vừa rẽ vô cổng nhà Phượng, tụi nó chắc cũng bị trận mưa vừa rồi nên đến trễ như tui vậy.
 
Lòng thấy nôn nao vui lạ, vừa lúc chỉ vài bước nữa thôi là tới cổng vô nhà Phượng bổng dưng bên tai tôi nghe vừa như tiếng người nói trong máy, vừa như tiếng xe hơi chạy nhanh tông vào chiếc xe đạp của tui, tui té lăn nhào vào bên đường, chiếc xe đạp của tui bị quăng cách đó không xa. Tui cảm thấy đau nhẹ ở bên cánh tay trái thôi, không sao. Phản ứng tự nhiên, tui lồm cồm gượng đứng lên liền, sợ bị dơ áo.
– Cô ơi, cô có sao không? Tui không thèm nhìn lên, cúi xuống lấy khăn tay ra lau áo. Áo tui bị dính nhiều vết bùn bởi đất còn ướt sau cơn mưa vừa qua. Ông lính hỏi tui không thấy tui trả lời, ông dựng chiếc xe đạp lên. Lại hỏi một lần nữa, cô có sao không? Tui còn cúi xuống vừa lau áo vừa nói.- Có sao gì, áo tui dơ hết rồi.
– Có lẽ tại anh tài xế chạy hơi nhanh cô hốt hoảng nên bị ngã.
Tui nhủ thầm, cái anh chàng này chưa chi mà đã biện hộ, đúng là trai Bắc Kỳ khéo nói.
– Tui có đổ thừa ông đâu mà ông chối trước rồi. Ông thấy chưa, lái xe gì mà ẩu tả quá vậy!
– Xin lỗi cô, vì chúng tôi vội vã.
Tui nói, “tui đâu có thì giờ về thay áo, mặc áo dơ như vầy vô dự tiệc coi sao được”.
– Cô, khăn tay của cô lau từ giờ bị bẩn rồi, cô dùng khăn tay của tôi lau sạch vết bùn bên má trái của cô đi, mặt cô có lấm bùn. Tự nảy giờ tui lo cho áo của tui mà quên đi trên mặt tui, lấy vội khăn tay của người lính tui lau mặt lia lịa. Vừa lau tui vừa thoảng như có mùi thơm tưởng như là quen thuộc, không phải mùi dầu thơm đâu, chắc mùi da thịt của ông nầy, thấy ông lính này đang nhìn tui, tui hỏi:
– Bộ mặt tui dính dơ thấy ghê lắm sao mà nhìn dữ vậy? Ông lính chỉ nói gọn một tiếng, Không. Tui nhìn ra chiếc xe Jeep thấy có một người lính tài xế, và một người lính nữa ngồi phía sau, có máy móc gì đó với mấy cây cần câu dài. Hai ông lính ngồi trên xe cũng đang nhìn tui, bị tui bắt gặp họ quay mặt nhanh ra hướng ngoài đường kèm theo nụ cười giống như là đang chế diễu tui vậy đó. Tui vừa đưa trả lại khăn tay cho ông lính mặc đồ bông vừa nói, thôi tui chào ông nghen tui phải vào tiệc trong này, tui bị trễ giờ rồi.
– À, cô… Tui, tôi chỉ có một cái khăn tay này thôi, cô mang về nhà giặt sạch rồi hôm nào tôi đến nhà để lấy lại có được không cô?
– Cái ông này, tui có nợ nần gì với ông mà đòi đến nhà tui đòi?
– Chúng tôi đang hành quân không xa Saigon mấy phải có việc về đây gấp và tôi phải trở lại đơn vị ngay chiều hôm nay cho nên không đến nhà cô được vào ngày mai để chờ cô giặt nó xong trả lại tôi. Tui nói:- Ủa, sao kỳ cục vậy. Tui có mời ông đâu mà ông đến nhà tui? 
 
Trời lại đổ mưa. Mưa đủ làm ướt áo. Thoáng như không muốn xa rời. Vừa lúc đó mấy đứa bạn đã thấy bóng dáng tui trước khi vào nhà mà lâu không thấy tui đâu, tụi nó vài đứa đi ra ngoài cổng trông thấy tui, tụi nó um sùm la lên, mày làm gì nãy giờ ở ngoài nầy mà chưa thấy vào? mày đang nói chuyện với ai vậy, quen hả? “Không!” Nói rồi tui sợ tụi nó hỏi tới, tui vội quay vào cùng với mấy tụi nó để người lính dù nhìn theo. Trước khi sắp khuất cánh cửa nhà Phượng, tui quay lại thấy ông lính vẫn còn đứng đó, trời vẫn còn đổ mưa. Mưa chỉ vừa đủ ướt áo.
 
Thoáng chạnh lòng, tim tui bồi hồi. Tự dưng tui có cảm tưởng như tui đang đánh mất một thứ gì quý giá nhất trong đời; tui muốn chạy trở lại để đứng cạnh chàng mà nói… nói gì… tui cũng không biết nữa… Tui muốn gặp lại chàng lính này. Ngần ngừ một hồi, trong khi mấy đứa bạn vừa đang ngồi vào bàn, tui chạy vội ra ngoài cổng. Chiếc xe jeep đã rời… vừa khuất xa tầm mắt. Anh lính mặc đồ bông đã đi rồi. Tôi còn cố nhìn theo. Thoáng như có gì vấn vương. Thoáng như có gì lưu luyến. 
 
Cảm thấy bơ vơ lạc lỏng giữa đám bạn đang cười nói, tui định lấy lý do để rời sớm. Phượng hỏi, “Ông lính nào vậy? Lính gì vậy, mầy quen hả?” “Tui không biết lính gì, thấy anh chàng mặc đồ bông, trước ngực có hình dù, chắc là lính Nhảy Dù.” Con Hồng trờ tới nói, “Mi phải nhìn bên vai hắn mang huy hiệu gì, đội mũ màu gì chớ không phải ai đeo hình dù trước ngực cũng là lính Nhảy Dù đâu”. Tui nói, “Hình như tui không thấy mũ, mà bên vai cũng chẳng để ý coi cho nên không biết, hồi nãy tui chỉ lo ‘quạu’ thôi vì áo tui bị dơ. Bây giờ tui cảm thấy tiếc tiếc đã mất dịp làm quen với anh chàng.” Mấy đứa bạn tui nói…Tụi bây ơi, vậy là cô nàng cảm anh chàng rồi. 
 
Anh Hai tui lúc này về Saigon để học bổ túc cái gì đó trong vòng một tháng. Có anh về, Má tui bận rộn hơn vì lo nấu nướng mấy món ăn anh Hai tui ưa thích. Nhà có mặt đủ bốn người trong bữa cơm chiều nên ai cũng vui. Tui ngần ngừ hỏi:
– Anh hai, có phải lính mặc đồ bông mang hình dù trên túi áo là lính Nhảy Dù, phải không anh?
– Không hẳn vậy.Tui lại hỏi:- Làm sao mà mình biết đó là lính Nhảy Dù hả anh?
Anh vừa cười vừa nói:
– Bộ mày đang để ý anh chàng mặc đồ bông nào chớ gì? Sao mày không hỏi nó, đừng xưng tui nặng ngàn cân với nó là nó sẽ vui vẻ khai hết lý lịch ba đời của nó cho mày nghe.
– Tui quay mặt đi chỗ khác, anh thấy tui có vẻ giận, anh đến ngồi kế bên nói:
– Anh nói với em nhiều lần rồi… em yêu lính, lấy chồng lính khổ lắm, nó vắng nhà thường xuyên hoặc là em sẽ trở thành góa phụ. 
 
Em không biết chớ anh cũng đang có một cô người yêu lúc học năm cuối trường Võ Bị, anh muốn đưa về nhà giới thiệu với Ba Má người anh muốn lấy làm vợ, suy nghĩ tới suy nghĩ lui, ba hồi muốn, bốn hồi không vì anh không muốn người vợ anh sẽ lâm vào cảnh góa bụa và con anh là những đứa trẻ mồ côi cha. Hằng ngày anh đối diện với cái chết trong gang tấc. Nhiều lúc anh cũng sợ hãi cho chính bản thân mình, rồi lo cho những người liên hệ thân thuộc với mình sẽ ra sao khi mình chết đi. Lo học hành đi em. Tui nói,
– Thì vừa học vừa yêu có sao đâu. Em thấy mấy đứa bạn em, tụi nó yêu hết người này đến người kia, mà tụi nó vẫn học giỏi như thường. Còn em, em không có bồ mà em học có giỏi hơn ai đâu. 
 
Hơn một tuần nay, ngày nào tui cũng có nghĩ đến chàng, cứ tiếc làm sao là tiếc. Tui mất dịp làm quen với chàng. Ừ, mà không biết chàng ta có muốn quen với mình không hà. Hình như anh chàng thích mình thì phải. Mà thôi, nghĩ tới nữa mà làm gì, mình và chàng có biết gì nhau hơn, ngay cả tên mà chẳng ai biết rồi mất biệt luôn. Chỉ vài phút ngắn ngủi gặp nhau lúc ban đầu mà có thể phải mất ngàn giờ để quên nhau. Tui nghĩ tại sao tui tiếc nhớ gì mà cắc cớ thiệt, làm như đây là lần đầu tiên tui mới gặp và nói chuyện với người con trai trong đời thì phải. Thôi, quên chàng đi.
– Có người gửi thư cho bồ. Phượng vừa nói tay cầm cái thơ vờn vờn trước mặt tui. Tui nói:
– Thì bồ đọc đi.
– Này, không phải của tên đó nữa đâu nha, người khác, người này lạ lắm, chịu nhận không? Có phải tên bồ là Tui không?
– Bồ nói cái gì tui không hiểu? Tôi hỏi.
– Có một ông lính chiều qua đến nhà mình đưa lá thư này cho đứa em trai của mình nhờ đưa dùm đến cho một cô mà hơn tuần trước có đến dự tiệc tại nhà này, cô ấy bị ngã xe đạp nên mặc áo hoa bùn. 
 
Em mình đưa thư cho mình và nói, “Em không hiểu anh lính nói gì hết, chưa kịp hỏi lại thì anh ta vội lên xe chạy mất”. 
 
Ngoài bì thư phía sau có vẽ một hình hoa dù, tên người gởi tôi đoán là tên của chàng. Mà kỳ thiệt, chỗ tên người nhận tên là…Tui. Trong thư chỉ vài giòng chữ ngắn gọn: “Gửi cô Tui, cánh tay cô đã hết đau chưa? Cho tôi biết địa chỉ nhà, tôi sẽ đến thăm. Tôi muốn làm quen với cô Tui. À nhớ cho tôi biết tên nhé, chả lẽ cô để tôi gọi cô là Tui mãi sao!”. Dưới chỗ ký tên, chàng lại vẽ một hình hoa dù rất đẹp. Chỉ có mấy chữ cụt ngủn cụt ngẳn thôi mà làm tui cứ đọc tới đọc lui hoài. Tui cũng muốn quen với chàng vậy, nhưng tui phải “làm cao” một chút chớ. Tui thư trả lời chàng:
– “Gửi anh lính dù. Nếu anh muốn biết tên tui thì hãy đến nhà tui. Đây là địa chỉ của tui. Ba Má tui rất khó, ông anh Hai của tui cũng khó và dữ nữa. Nói cho anh bíết, anh hai của tui là lính Biệt Cách Dù đó nghen. Ký tên, Tui”.
 
Có lẽ vì hồi nhỏ ở dưới quê cây trái xung quanh nhiều, mỗi lần muốn ăn thứ trái cây nào là tui leo lên cây hái xuống ăn, riết rồi thành thói quen. Bên hông nhà, Ba tui có trồng một cây mận, mùa này mận ra trái nhiều đỏ cả cây, Má tui thường hay vói tay hay dùng lồng hái những trái mận đỏ ối đem chưng trên bàn thờ, còn tui thì ngày nào cũng leo lên cây, không hái trái thì cũng thích ngồi trên đó một mình nhìn ra ngoài, ngó xuống dưới, hoặc ngã người nhìn lên trời cao, bên tai nghe tiếng lá cây gọi nhau xào xạc thật là thú vị. 
 
Tui nghe tiếng xe Honda vừa ngừng lại trước nhà, nhìn xuống thấy người lính mặc đồ bông bước xuống xe. Ô, đúng là chàng. Vừa lúc đó, Ba của tui cũng vừa mới dắt chiếc xe đạp ra ngoài, gặp Ba tui chàng vừa gật đầu chào ú ớ chưa biết phải hỏi như thế nào thì Ba của tui vội vàng nói: “Cháu muốn gặp thằng Thương hả? Chút xíu nữa là nó về tới, vào nhà chờ đi. À, hay là cháu đi qua bên phía bên hông nhà có bác gái và em Mến đang ở ngoài đó. Bác có hẹn đến nhà người bạn có chút việc rồi bác trở về ngay.” Anh chàng cứ dạ vâng chớ có nói được tiếng nào đâu mà lại được biết tên tui nữa chớ, làm tui mất dịp làm khó chàng. Mà quên nữa, tui đang ngồi ở trên cây, không leo xuống nhanh được vì lần này tui có mang theo cái rổ đựng đầy mận. Anh chàng nhanh chân thiệt, làm tui đang lính quýnh chưa biết cách nào cho chàng không nhìn thấy tui, thì chàng đã bước qua bên hông nhà rồi, chàng đảo mắt nhanh qua một lượt không thấy tui, chàng đưa mắt nhìn lên cây. Mến. Tiếng gọi của chàng nghe sao mà đầm ấm và tha thiết quá làm tui đang ở trên cây nhìn xuống mà nhịp tim tui cứ đập thình thịch. Anh dang tay định đỡ tui xuống nhưng tui mắc cở vì con gái mà leo cây cho nên tui nói, “Anh quay mặt qua chỗ khác đi tui mới leo xuống được!” Nghe lời tui anh quay mặt đi chỗ khác. Xuống chưa tới đất, tui vội vàng nhảy xuống cái phịch, bị trật chân, tui bị đi cà nhắc. Chàng chạy lại nắm tay tui dìu vào nhà lấy dầu nóng xoa bóp chân rồi lấy băng quấn vòng quanh mắc cá chân cho tui. Chàng nói, bộ em hay leo trèo lên cây lắm à? Thôi đừng trèo lên đấy nữa, nhỡ em ngã từ trên cao xuống thì sao! Anh về phép chỉ được một tuần thôi, mục đích lần về phép này là để tiếp tục làm quen với em cho được, hôm lần đầu, lần gặp em đó, về vì công tác cần phải trở lại đơn vị liền cho nên anh không ghé về thăm Mẹ của anh được, anh còn bà mẹ và một người chị có chồng có được hai cháu, nhà chị ở gần bên mẹ nên chị gặp mẹ anh hàng ngày. Lần này, anh phải dành một ngày cho mẹ anh nhưng anh đến thẳng nhà em trước để biết cho chắc đây không phải là địa chỉ… giả. Anh nói đùa chớ anh bíết em không làm thế vì anh đã nhìn thấy trong mắt em. Tui hỏi, anh thấy gì? Anh thấy… em đã bán ánh mắt em cho anh rồi. Tui hỏi, vậy chớ anh có mua ánh mắt đó không? Anh nhìn tui âu yếm nói, anh mua đứt và anh đoán chắc phải vĩnh viễn là của anh, phải thế không, em Tui của anh? Rồi từ đó, có khi anh gọi tui bằng Mến mà cũng có khi anh gọi tui bằng Tui. Tui đoán, anh cũng thích tui xưng tui với anh lắm chớ bộ.
 
Khi trở về đơn vị anh thường thư cho tui. Có lần anh được ba ngày phép, cùng tui dạo phố, anh đưa tui về nhà gặp Mẹ và chị của anh. Mọi người trong gia đình anh đều có vẻ quí mến tui. Đối với bạn bè tui rất hãnh diện được có chàng, một người lính mũ đỏ có gương mặt nam tính, dáng dấp hiên ngang nhưng tình cảm thật là bao la. Tui yêu những cánh hoa dù do chàng vẽ. Chàng nói ở trên không gian có vương nhiều vết giày của chàng. Ở trên không gian có tiếng của chàng gọi tên tui. Tui hỏi anh gọi như thế nào. Anh cười vui nói: “Tui của anh ơi, Tui của anh ơi !” Nói xong, cả anh và tui cùng cười vang. Tui có đề nghị với chàng và cả hai đứa tui cùng đồng ý là sau này nhà của tụi tui ở mỗi phòng đều có chưng hình những cánh Hoa Dù, những cánh Dù em thích phải là màu xanh, xanh lợt, xanh đậm, xanh dương, xanh két, hay xanh gì cũng được, miễn là màu xanh, nghen anh. Anh nói, ừ, anh cũng thích màu xanh.
 
 
 
Hơn bốn tháng nay, kể từ ngày anh Hai tui trở lại đơn vị, Ba Má tui chỉ nhận được thư của anh có một lần. Trên bàn ăn, Má tui nhớ đứa con trai cưng, cứ nhắc anh Hai tui hoài, chỉ có cái chuyện lúc anh Hai tui còn đang học ở trường Võ Bị Đà Lạt, lần nào được về phép anh đều có mang quà từ Đà Lạt về cho Má, khi thì áo ấm khi thì khăn choàng cổ đan bằng tay nên Má tui rất thích và rất quý. Má tui hay nhắc đi nhắc lại, là đàn ông con trai mà anh Hai con biết lựa chọn biết mua quà về cho Mẹ của mình còn gì thương hơn. Ba tui nói, “Tụi Việt Cộng nó sợ lính Biệt Cách 81 lắm đó nghen, đánh giặc cừ lắm làm tụi nó thất điên bát đảo. Nghe nói đang có đụng trận lớn hình như ở Phước Long, Bình Long gì đó, vái trời đừng có con mình trong đó!” Nói xong cả Ba Má tui không ai nói thêm tiếng nào nữa, tui nhìn thấy sự lo âu trên gương mặt của hai người.
 
Hôm nay đi học về, thấy có mấy người hàng xóm bu lại trước sân nhà. Vào trong nhà. tui thấy Ba tui ngồi im lặng, cái im lặng chịu đựng sự đau khổ của người đàn ông, còn Má tui người đang vật vã, người đang khóc la. Trời ơi, chuyện gì vậy? Anh Hai của tui. Anh Hai của tui ơi! 
 
Ngày nào Ba của tui cũng ngồi hàng giờ trước bàn thờ anh Hai, bàn thờ hai bên còn thắp hai cây đèn cầy nhỏ với khói hương nghi ngút. Ba tui cứ ngồi đó nhìn hình anh Hai tui hoài, lâu lâu người lại thở dài. Còn Má tui cứ khóc nho nhỏ, có đôi lúc người như tức giận điều gì gào khóc kêu la lớn tiếng hơn. Cây mận không còn trái đỏ nữa. Tui ngồi ủ rũ trên băng ghế dưới tàng cây nhớ lại kỷ niệm, nhớ những lời dặn dò rầy la mà thương tiếc. Nhà chỉ có hai anh em mà lần này anh bỏ đi luôn rồi. Người ta nói anh Đền Nợ Nước, sao anh không sống để lo đền nợ, đền ơn cho Ba Má nữa chớ, phải không anh Hai? Tui nhớ thương anh Hai tui quá, tui không kềm giữ được những giọt nước mắt.
 
Nghe nói lúc này giặc từ miền Bắc cứ tràn vào tấn công miền Nam càng ngày càng đông hơn. Sau cái chết của anh Hai, tui lại càng lo sợ cho người yêu của tui nhiều hơn. Tui cứ thầm khấn vái, tui bị mất một người anh ruột thịt rồi thì đừng để cho tui phải mất thêm một người thân yêu nào nữa hết. Tui viết cho chàng… Tại sao kỳ vậy. Tại sao miền Nam của tui cứ bị người ta tham lam muốn chiếm lấy? Tại sao không ai ở đâu thì cứ ở đấy, phải dành giựt làm chi cho phải bị chết, kẻ xâm lăng người tự vệ làm cho máu đổ, chết chóc, làm cho cha con chồng vợ phải xa lìa vĩnh viễn người thân yêu của mình? Có lần trong thư anh viết, “những lúc không đụng trận anh mới có thời giờ nhớ tới em, rồi nghĩ tới em anh lại đâm ra sợ hãi cái chết đến với anh. Anh muốn thoát khỏi nơi nầy để chúng ta được mãi sống đời bên nhau. Thật đó em ạ, nhớ tới em, thương nhiều lắm, rồi anh sợ chết, anh muốn buông súng, nghĩ tới đấy anh lại thấy mình hèn nhát quá phải không em? Nhưng đến khi đụng trận anh không thấy sợ cái gì cả, lúc đấy anh cùng với các bạn đồng chiến đấu chỉ biết sát cánh bên nhau sống chết bên nhau. Lúc đấy anh không còn nhớ tới em, anh chỉ biết anh đang chạm mặt với kẻ thù, kẻ xâm lăng là phải chết và anh phải là kẻ sống. Trước kia, Ba Mẹ anh đã phải lìa xứ Bắc vì không chấp nhận sống chung với Cộng Sản, thế mà chúng vẫn không buông tha. 
 
Ở Sàigòn chỉ biết có chiến tranh. Ở Saigon không thấy có chiến tranh, biết có đánh nhau nếu khi đi ngang qua trên đường thấy những đám tang của những người tử trận từ mặt trận nào đó, xác họ được mang về cho thân nhân làm lễ an táng. Một nghĩa tử nghĩa tận. Một lần cuối cùng cho những người sống lo cho người chết đi vào lòng đất. Một lần rồi thôi. Con người ta có thể có nhiều lần làm đám cưới, nhiều lần lấy nhau, nhiều lần vui cùng nhau trong cuộc đời. Nhưng chỉ có một lần chết. Một lần đám tang trong cuộc đời. Những đám tang có hình người quá cố trong bộ quân phục đi ngang qua trên đường đủ để cho mọi người biết chiến tranh đang đến mức độ nào ở một nơi nào đó, rồi thôi. Có những đám tang không có người đội khăn tang vì người chết còn quá trẻ, trong gia đình của người lính tử trận kia không có người nào trẻ hơn để mang tang cho người nằm trong quan tài kia. Có nhiều đêm, đôi khi nhìn hỏa châu rơi sáng một góc trời, có phải chỗ đó là hai bên đang đánh nhau không? Trong trí tui không tưởng tượng được cảnh họ đang đánh nhau như thế nào, có giống như trong xi-nê không, mong cho đừng giống như vậy, đau thương lắm! Tui vái trời anh đừng có trong mặt trận đó, tui cầu xin bề trên cho người tui yêu được bình yên, một điều khẩn xin quá bình thường. Mong bề trên đừng hẹp lượng.
 
Mẹ và chị của chàng có nói cho tui biết là Mẹ rất mong anh lấy vợ, mẹ mong thấy anh được thành gia thất vì Mẹ già rồi, đó là điều mong muốn cuối đời của Mẹ! Có nhiều lần chính anh cũng kể cho tui nghe mà. Rồi anh im lặng nhìn tui một hồi lâu anh nói: “Em có nghe người ta nói lính Nhảy Dù, ‘đi đông về ít, đi khít về thưa’ không ?” Anh nói dối với mẹ anh rằng anh đi lính thường xuyên vắng nhà nhưng anh không có tác chiến cho mẹ an lòng. Khi mới gặp em lần đầu, anh cảm được trời sinh em ra là để làm vợ anh. Anh có em, chúng ta cùng yêu thương nhau đó là niềm vui, một diễm phúc nhất trong thời binh đao. Rồi đôi ta sẽ thành vợ chồng, nhưng chưa phải là lúc này em ạ. Cùng chung một thế hệ, lớn lên trong một đất nước có chiến tranh anh và em cùng bị thiệt thòi như nhau, có mấy ai được hưởng những gì mà tuổi trẻ cần được hưởng?
 
Tui đã dự tính rồi, khi anh về phép lần này, tui sẽ đòi anh đi cưới tui. Tui muốn làm vợ anh, tui muốn anh cưới tui. Đừng viện cớ, đừng nói sợ anh chết sớm bỏ em thành góa bụa. Lần nầy tui sẽ nói với anh. Tui không sợ tui làm góa phụ, thì tại sao anh lo sợ? Tui biết anh yêu tui mà, trong thư anh nói anh nhớ và yêu tui nhiều lắm, sao anh không cưới tui? Khi tui làm vợ anh rồi, tui sẽ đi theo anh khắp mọi nơi. Anh cười nói, đi khắp mọi nơi là đi đánh giặc đó em, có ai đi đánh giặc mà mang vợ theo bao giờ.
 
Nhỏ Hương bạn tui, nó là dân Bắc Kỳ, chồng nó là lính Sư Đoàn 9 Bộ Binh. Nó theo chồng về ở tận miền Tây xa lạ, mỗi lần nó trở về Sàigòn là nó kể tía lía về đời sống của người dân miền Tây như điều thích thú và hạnh phúc lắm. Ngày chồng nó tử trận, nó mới mang thai đứa con đầu lòng được sáu tháng. Xác chồng nó được mang về Sàigòn vì cả hai bên gia đình đều ở đây. Hôm dự đám tang, tui nhìn thấy nó rinh cái bụng nằm lăn qua bên này, rồi lăn qua bên kia, khóc la… ối giời ơi, ối giời ơi… Tiếng kêu rên của nó sao thật là thảm thương! Tui nhìn thấy nó vật vã mà tui dởn da gà. Tui khóc theo nó. Trời ơi lấy chồng lính là sẽ xảy ra như vậy đó sao!
 
Sau vụ con nhỏ Hương, tui rét quá, tui ngưng không dám đòi có chồng nữa. Tui không dám đòi anh đi cưới tui nữa. Nhưng tui vẫn luôn còn yêu anh!
TeaLan 26B

No comments: