Monday, October 31, 2022

30/4/1975 và Người Lính TĐ15 Nhảy Dù VNCH (6, 7) - Nguyễn Rạng Ban 5/TĐ15/ND

30/4/1975 và Người Lính TĐ15 Nhảy Dù VNCH (6, 7)

Nguyễn Rạng SQ/Ban 5/TĐ15/LĐ4/ND
Vu Lan kính dâng Mẹ, part 6,
mùa Covid19 Vũ Hán 2020.
Giặc từ miền Bắc vô đây, bàn tay dính máu đồng bào
Giặc từ miền Bắc vô đây, bàn tay vấy máu anh em.
Hận thù đó! chất cao trong lòng người
Hận thù đó! chất cao trong lòng tôi, lòng anh

 
----------------------------------
Tuy nước đã rút, sông Bồ cũng còn chảy xiết không thể qua bằng dây Cáp.  Phải mất nhiều giờ đồng hồ hai chiếc ca-nô  của Công Binh cơ hữu Dù mới đưa hết Đại Đội 2 Trinh Sát chúng tôi qua sông, với trang bị nhẹ, balô để lại bờ Nam với toán hậu cần tiếp tế.

Hai ngày đầu  bận rộn lập và sửa tuyến phòng thủ, để từ đó làm bàn đạp đánh ba cái chốt hình tam giác hổ trợ lẫn nhau, mà Bắc quân đã lợi dụng cơn lụt chiếm được từ TĐ3 Dù khi cánh quân này rút ra ngoài hướng quốc lộ 1 tránh lụt.

Bắc quân biết ý định chúng tôi nên bắn phá rối bằng những trảng đạn súng cối 61 và 82 ly, bất chấp lịnh ngừng bắn Hiệp Định Ba Lê được ký kết trước đó, có hiệu lực bắt đầu từ ngày 27 tháng 1 năm 1973.
Cơn mưa phùn nhiều ngày vẫn chưa chấm dứt, suốt ngày hầu như chúng tôi trầm mình dưới các giao thông hào, nước ngang ngực, tránh pháo của địch.
Dù lạnh căm căm, trong bộ quân phục lúc nào cũng ướt, nhưng bản năng sinh tồn và tuổi trẻ đã giúp chúng tôi vượt qua tất cả.

Giờ G đã điểm, hai giờ sáng, cả 4 toán Viễn Thám chúng tôi bắt đầu xuất quân cùng một lúc, trang bị gọn nhẹ với cấp số lựu đạn tăng cuờng, sau khi được hướng dẫn rất kỷ của DĐT Út Bạch Lan và Trung Uý Thông DĐP trên sa bàn lúc ban  chiều, mục tiêu là 2 cái chốt nằm dọc sông, trong 3 cái chốt của chúng. Hai Trung đội Trinh Sát còn lại có nhiệm vụ yểm trợ, đồng loạt khai hoả cho chúng tôi an toàn rút về nếu kế hoạch không thuận như ý.

Trời tối đen như mực, gió mưa lạnh câm câm, toán 1 của Chuẩn Uý Bình khoá 3/72 và toán 3 của Chuần Uy Truyện khoá 4/72 Thủ Đức vạch tranh đi trước, đọc theo mé sông làm chuẩn, nhiệm vụ chiếm mục tiêu 2 xa nhất, nơi Bắc quân đặt cây thuợng liên 12.8.

Toán 2 của Chuẩn Uý Em, khoá 3/72 và toán 4 của tôi, khoá 4/72 đi sau 7 phút cho mục tiêu 1, để cả 4 toán đến mục tiêu cùng lúc. Bên kia sông, trung đội súng nặng của TĐ5ND sẳn sàng yểm trợ chúng tôi khi có lịnh của DĐT Út Bạch Lan.

Như Kinh Kha, chúng tôi qua sông lần này để dành lấy lại vùng đất thân yêu bị Bắc quân chiếm giữ, mà Trung Đội Viễn Thám chúng tôi được vinh dự nhận lãnh trách nhiệm cấp trên giao phó, từ vị Đại Tá Lữ Đoàn Trưởng LĐ2ND.

Toán 2 của Em và toán 4 của tôi đã đến mục tiêu, chúng tôi bò nằm cặp sát các mô đất tuyến phòng thủ của địch, chỉ chừa hướng Bắc, nơi cái chốt thứ 3 sẳn sàng nổ để yểm trợ cho chốt 1 và 2. Lựu đạn đã rút chốt, sẵn sàng thanh toán mục tiêu, khi có lịnh.

Chúng tôi sốt ruột chờ lịnh, cãm thấy khác thường không như kế hoạch hành quân lúc ban đầu. Tôi âm thầm cầu nguyện, không thể nằm lại chổ này, Mẹ tôi sẽ không sống nổi nếu tôi không trở về.

Súng AK của Bắc quân ở mục tiêu 2 bắt đầu nổ dòn, hoà lẫn tiếng nổ cuả lựu đạn M67 của ta và lựu đạn Chày của địch, chúng tôi được lịnh rút lui gấp. Tôi ra thủ hiệu cho Khôi, toán phó và các toán viên, một hai ba, tất cả cùng thẩy lựu đạn vào hầm địch cùng một lúc, rồi cùng nhau chạy nhanh ra mé sông, lũi vào đám cỏ tranh cách đó không xa, để rút lẹ về.

Súng cối địch bắt đầu rót đều để yểm trợ cho cả hai mục tiêu, bên kia sông cối của TĐ5 thi nhau phản pháo địch, và cây đại liên 50 ly nổ dòn yểm trợ cho chúng tôi rút.

Thì ra toán 1 do Bình dẫn đầu đã đi lố mục tiêu khá xa, lúc quay trở về thì bị địch phát hiện.

Kế hoạch hành quân chiếm mục tiêu địch thất bại, chúng tôi rút về trong hối tiếc, khối huy chương tưởng thưởng trong tầm tay, tưởng sẽ được gắn trên ngực, đã vổ cánh bay xa.

Cũng may chúng tôi chỉ bị xay sát nhẹ với mãnh lựu đạn Chày, chỉ có Hạ sĩ nhất Ban còn chút nữa mất bộ đồ nghề, khi bị quả lựu đạn Chày lăn từ lưng xuống đít phát nổ.

Tôi biết hắn sẽ rất vui với những ngày ở bịnh viện dã chiến Sư Đoàn, đặt tại căn cứ Hoà Khánh, cây số 17, Huế.


Vu Lan kính dâng Mẹ, part 7, mùa Covid19, Vũ Hán 2020.
Binh chủng Nhảy Dù Quân lực Việt Nam Cộng hòa là lực lượng tác chiến đổ bộ đường không của Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Khởi đầu là các đơn vị Nhảy Dù được quân đội Liên hiệp Pháp huấn luyện, sau phục vụ cho Quân đội Quốc gia Việt Nam, từ khi thành lập đến ngày mất nước 30 tháng 4 năm 1975, đơn vị Nhảy Dù phát triển quân số đến quy mô cấp sư đoàn với tên gọi chính thức: Sư đoàn Nhảy dù Việt Nam Cộng hòa- (hay tên gọi tiếng Anh: Vietnamese Airborne Division, VNAD) và trở thành đơn vị Tổng Trừ Bị trực thuộc Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Đây là binh chủng có tính cơ động cao nhất của Quân lực Việt Nam Cộng hòa vì được hỗ trợ không vận từ máy bay vận tải DHC-4 và C-130 của Không lực Việt Nam Cộng hòa với khả năng đổ bộ trên mọi vùng chiến sự thuộc toàn bộ lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa. Khác với Thủy quân lục chiến được yếm trợ hỏa lực tối đa hay Biệt động quân được hỗ trợ quân vận liên tục, binh chủng Nhảy Dù ngoài kỷ năng thiên về kỹ thuật chiến đấu cá nhân với sở trường phá chốt phòng ngự, Binh Chủng Nhảy Dù chuyên được sử dụng để đụng độ với các Đại đơn vị bộ binh Cộng Sản Bắc Việt trên mọi chiến trường.

Bộ Tư lệnh Sư Đoàn đặt tại trại Hoàng Hoa Thám ngay cạnh Sân bay Tân Sơn Nhất.

Một hối tiếc lớn lao nhất trong đời Trinh Sát Nhảy Dù của tôi là chưa bao giờ cùng toán nhảy vào lòng địch, một trong những sứ mạng của người lính Viễn Thám Nhảy Dù.

Những lần được cấp trên xử dụng để theo dõi, ghi nhận hoạt động trong lòng địch là tôi không có mặt, lúc thì tăng phái về tập dợt cho đội bóng Sư Đoàn tranh giải vùng trong ngày Quốc Khánh, khi thì đi phép, lúc dưỡng thương, để Toán phó, Trung Sĩ nhất Khôi phải vất vả thay thế đưa toán đi.

Mấy anh lính trong Toán thì cứ xuýt xoa uổng quá, nếu có ông Thầy thì vui biết mấy.

Trời ạ, thật ngây ngô đời lính, nhảy vào tử lộ, nếu bị địch phát giác thì không có đường về, vậy mà mở miệng là uổng quá, mất vui, đúng là Trinh Sát Nhảy Dù!!!

Khúc quanh đời lính đến với tôi thật tình cờ, không lựa chọn, như một cơ duyên.

Tháng Năm 1974, một phái đoàn gồm Thiếu Tá Trần Hoài Châu (nhà thơ Thế Hoài) , Trưởng phòng Tâm Lý Chiến Sư Đoàn, Khoá 14 Võ Bị, Đại Đội Trưởng Trinh Sát đầu tiên khi Sư Đoản chỉ có một Đại Đội Trinh Sát duy nhất, Trung Uý Vương Thế Sung, Sĩ quan Báo Chí Sư Đoàn, xuất thân Khoá 2  Trường Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt, và Trung Sĩ nhất Hai, nhiếp ảnh viên, đến gặp vài quân nhân trong các toán Viễn Thám để làm phóng sự cho chương trình phát thanh định kỳ 45 phút mỗi tuần cuả SĐND ở Đài Phát Thanh Huế.

Hai toán viên của Toán tôi được chọn phỏng vấn cho thiên phóng sự.

Lúc Trung Uý Sung và Trung Sĩ nhất Hai đang làm việc, Thiếu Tá Châu lang thang bước vào lều tôi.
- ”Chuẩn Uý Rạng, quyển sách này của ai đây?” 
 
Tôi nhìn quyển Lịch Sử Báo Chí Việt Nam trên tay ông rồi trả lời: 
- dạ thưa của em Thiếu Tá.
Ông hỏi tiếp: 
- “làm sao anh có nó?”  
- Dạ thưa em đang học môn Báo Chí ở Đại Học Vạn Hạnh.

- “Năm thứ mấy?” dạ năm thứ Ba.
Ông quay về hướng Trung Uý Sung la to: 
- Sung ơi, ông Chuẩn Uý này cũng đang học Vạn Hạnh với anh này.

Làm xong phóng sự, Thiếu Tá Châu, Trung Uý Sung và tôi cùng nhau trò chuyện, thì ra Trung Uý Sung cũng đang học năm thứ Ba môn Chính Trị Học, Vạn Hạnh.
Mãi sau này tôi mới biết Viện Đại Học Vạn Hạnh chấp nhận vào thẳng năm thứ Ba Chính Trị Học cho tất cả các Sĩ Quan tốt nghiệp trường CTCT với chương trình huấn luyện hai năm, văn hoá và quân sự.

Một tháng sau, tháng 6 năm 1974, tôi được điều về Bộ Tư Lịnh, chính thức là Sĩ Quan Báo Chí của Sư Đoàn Nhảy Dù, bỏ lại sau lưng những kỹ niệm buồn vui vào sanh ra tử của cuộc đời Trinh Sát Nhảy Dù, mà tôi vẫn hãnh diện trả lời khi được hỏi anh ở đơn vị nào của Nhảy Dù.

Như một giấc mơ, chẳng lẻ lời nguyện cầu hằng đêm của Mẹ tôi đã được Thiên Chúa và Đức Mẹ nhậm lời?

 
 

No comments: