Sunday, October 23, 2022

Ngày Tháng Không Quên - Tango Nguyễn Thành Trí, Đại Tá Tư Lệnh Phó/SĐ/TQLC

 * Ngày 20-3-75.
Một buổi họp để duyệt xét tình hình phía Bắc Hải Vân được triệu tập tại BCH nhẹ SĐ/TQLC tại Hương Điền. Hiện diện trong buổi họp này gồm cóTrung Tướng Trưởng, Tướng Thi, Tướng Lân, Chuẩn Tướng Nguyễn Văn Điềm, Tư Lệnh SĐ1BB và tôi. Sau khi được nghe trình bầy tình hình tại Khu vực SĐ1BB và Mỹ Chánh, Tướng Trưởng ra lệnh phải giữ Huế.
 --------------------------------
Trong khi tình hình tại tuyến Mỹ Chánh tương đối lắng diụ thì địch lại mở các cuộc tấn công mới vào phòng tuyến của LĐ147/TQLC dọc theo hành lang sông Bồ và khu vực Cổ Bi. Nhưng chúng đã bị đẩy lui với nhiều thiệt hại.

Tình hình tại Nam Phú Lộc, khu vực trách nhiệm của SĐ1BB, cũng xẩy ra tương tự.  Ý đồ của địch cho thấy rõ chúng quyết tâm cắt đứt lãnh thổ Thừa Thiên ra từng đoạn tại khu vực Nam Phú Lộc, núi Mỏ Tầu và An Lỗ. Thực hiện được điều đó trong lúc này, chúng sẽ làm tê liệt quốc lộ 1 huyết mạch, kiểm soát phi trường Phú Bài, gây xáo trộn, sợ hãi trong dân chúng và nhất là tạo được ảnh hưởng tâm lý hoang mang đối với các đơn vị đang chiến đấu. Nhưng những nỗ lực của chúng, với các Sư Đoàn 324, 325 tại khu vực SĐ1/BB và Trung Đoàn 4 Biệt Lập tăng cường tại khu vực LĐ147/TQLC, nhắm vào các mục đích trên đều bị ta bẻ gẫy.     
      
* Ngày 21-3-75:
 Lợi dụng tình hình tương đối yên tĩnh, tôi đã hướng dẫn Tướng Thi thăm khu vực cầu Mỹ Chánh và trình bầy cho ông rõ quan niệm phòng thủ ngoài
điạ thế như thế nào. Tôi vẫn nêu lên nhược điểm về việc không có lực lượng trừ bị.  Ông lưu ý tôi cần tìm cách sắp xếp để có một thành phần trừ bị được tăng cường chiến xa, khai thác tối đa hoả lực phi pháo và triệt để sử dụng lực lượng ĐPQ/TKQT.  
        
Nhớ lại muà Hè Đỏ Lửa 1972, khi quân CSBV chiếm xong thị xã Quảng Trị, chúng đã dè dặt dừng lại phía Bắc sông Mỹ Chánh. Có thể chúng sợ phản ứng của  Mỹ, có thể vì không quân và hải pháo của Mỹ còn quá mạnh và nhất là Đệ Thất Hạm Đội còn lảng vảng ngoài khơi biển Đông, nhưng điều chắc chắn khiến quân CSBV phải dừng lại là vì đối diện với chúng, trên tuyến Mỹ Chánh, đã có sẵn một Lữ Đoàn thiện chiến Tổng trừ bị: Lữ Đoàn 369/TQLC, được sư yểm trợ  hoả lực hùng hậu của Không Quân và Hải Quân Hoa Kỳ, đã nhiều lần chận đứng địch mưu toan phá vỡ tuyến phòng thủ Mỹ Chánh. Không Quân của ta cũng sẵn sàng cất cánh bất cứ lúc nào để oanh kích. Nhiều đơn vị pháo binh của ta cũng đang hướng về phía Bắc, sẵn sàng để nhả đạn. Phòng tuyến Mỹ Chánh ngày ấy thật vững vàng.

 Nhưng giờ đây đứng trước tuyến Mỹ Chánh, tôi không tìm thấy được những khả năng và ưu thế tương tự nữa. Khi LĐ/258/TQLC rời Quảng Trị để vào Đà Nẵng thì họ cũng đã mang theo tinh thần và niềm hy vọng của dân chúng, kể cả các anh em Điạ Phương Quân. Điều này cũng không có gì là khó hiểu, kinh nghiệm muà Hè Đỏ Lưả 1972 là một bài học với những thực tế thương đau khi ngưòi dân phải kẹt ở giữa những trận pháo vô nhân đạo của quân CSBV. Hình ảnh  “Đại Lộ Kinh Hoàng” vẫn  còn và sẽ mãi mãi là một ám ảnh trong tâm trí người dân Quảng Trị.

Đối với anh em ĐPQ, họ chưa có kinh nghiệm đơn phương đảm trách một tuyến phòng thủ mà đối diện họ là cả hơn một trung đoàn địch tăng cường chiến xa, đại pháo yểm trợ và sau lưng chúng còn có cả Sư Đoàn 308. Trong khi ấy trước mắt ngưòi lính ĐPQ, từng đoàn người rời bỏ xóm làng, gồng gánh, bồng bế con cái ra đi, trong đó có cả vợ con và gia đình họ!
Trước tình cảnh này, thử hỏi làm sao người lính ĐPQ không khỏi bị giao động. Kỷ luật và tình cảm bỗng trở thành mối giằng co găy gắt đối với các cấp chỉ huy trực tiếp, những người đã từng sống với họ trong những năm tháng ngay chính trên mảnh đất quê hương này, vốn đã điêu tàn giờ lại càng tan nát thêm. Anh em ĐPQ không phải là kẻ chạy trốn trước địch, vì nếu hèn nhát thì ngay cái ngày 19-3-75 Cộng quân đã có thể dễ dàng vượt qua tuyến Mỹ Chánh trên phần đất trách nhiệm của họ.  Họ cũng như các anh em BĐQ,TQLC và LĐ1KB, đã nằm lại trên tuyến Mỹ Chánh, và chính điều đó đã khiến địch quân phải chùn bước. Tuy nhiên việc tự ý rời bỏ đơn vị của một số quân nhân ĐPQ để về lo cho gia đình di tản, cũng đã gây tác động tâm lý tiêu cực đối với  những quân nhân khác.

Tiểu Đoàn 7/TQLC được tăng cường chiến xa M48, M41 và M113 cộng thêm Tiểu Đoàn 121ĐPQ, phòng thủ từ cầu Vân Trình đến bờ biển  Đông làm tôi yên tâm. Nếu Tiểu Đoàn 7 TQLC không kịp kéo về để bố trí trên tuyến ấy thì chiến xa địch lúc bấy giờ đã có thể xuống đến tận Hương Điền. Ngoài ra tại cầu  Mỹ Chánh cũng đã có một trung đội TQLC được tăng cường chiến xa M48 cùng với các anh em BĐQ chiếm giữ, chiến xa địch cũng khó có thể vượt qua cầu này  để tiến về An lỗ.

* Ngày 22-3-75.
Khoảng 1630 giờ, Thiếu Tướng TL/TQLC và Trung Tá Hiển, Trưởng Phòng  3 Sư Đoàn/TQLC, đã đáp trực thăng xuống thăm BCH nhẹ SĐ/TQLC tại Hương Điền. Ông đã tỏ ra rất lo ngại trước những diễn biến mau lẹ của tình hình tại Quảng Trị. Trong khi tôi đang trình bày tình hình tại tuyến Mỹ chánh và khu vực hành lang sông Bồ cho Tướng Lân thì địch pháo kích trúng vào kho đạn của Quân Đoàn tại An Lỗ, gây ra tiếng nổ long trời. Ông lưu ý tôi là tình hình trong Đà Nẵng rất nặng nề và Bắc Hải Vân cũng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.

* Ngày 23-3-75.
 Khoảng 0800 giờ, Liên Đoàn 913ĐPQ báo cáo địch tấn công mạnh vào khu vực giữa xóm Chùa và cầu Vân Trình trên tuyến Mỹ Chánh. Trong đêm qua địch đã vượt sông tại một vài điểm để chờ sáng tấn công vào các đơn vị ĐPQ. Điều này cho thấy do quân số thiếu hụt nên các đơn vị ĐPQ không thể kiểm soát được tuyến phòng thủ trách nhiệm. Một số binh sĩ đã phải rời tuyến phòng thủ trước áp lực của địch. Trong khi phi cơ lên vùng để oanh kích các mục tiêu phía Bắc tuyến Mỹ Chánh, tôi ra lệnh cho Liên Đoàn 913 ĐPQ cố gắng giữ vững các vị trí còn lại. Tôi dự trù sử dụng một đại đội TQLC thuộc LĐ147/TQLC, cùng với chiến xa và thiết quân vận M113 thuộc BTL/LĐ1KB, thành lập một lực lượng hỗn hợp nặng về chiến xa để phản công chiếm lại các vị trí đã mất, hầu lấy lại tinh thần cho các đơn vị đang phòng thủ trên tuyến Mỹ Chánh. 

Nhưng ngay lúc bấy giờ LĐ147/TQLC cũng đang bị pháo kích và tấn công. Cũng khoảng thời gian này, Tiểu Đoàn 7/TQLC phát hiện 5 tầu đổ bộ Bắc Việt đang di chuyển về hướng Nam. Tiểu Đoàn 7 đã ra lệnh cho chiến xa M48 trực xạ vào các tầu nói trên khiến chúng vội quay lại về hướng Bắc. Có thể đây là kế hoạch nghi binh hoặc biểu dương lực lượng của địch nhằm gây cho ta có cảm tưởng là chúng sẽ đổ bộ tập kích vào hậu phương của ta.

Khoảng 1300 giờ, Liên Đoàn 913/ĐPQ báo cáo mất liên lạc với 2 tiểu đoàn đang chạm súng trên tuyến Mỹ Chánh.  Một lực lượng CSBV đã vượt sông Mỹ Chánh đánh thủng một vài vị trí của 2 tiểu đoàn này và thọc sâu về hướng quận Quảng Điền, dọc theo bờ Tây Nam Phá Tam Giang.       
     
Lúc 1500 giờ ngày 23-3, địch gia tăng pháo kích và tấn công vào các vị trí của LĐ147/TQLC dọc theo hành lang sông Bồ. Một vài vị trí của TĐ5/TQLC đã bị chiếm.  Tôi hỏi Đại Tá Lương tình hình có nghiêm trọng lắm không, ông cho biết là nghiêm trọng, nhưng TĐ5 sẽ phản công chiếm lại, dù bất cứ giá nào. Đúng như lời Đại Tá Lương nói, TĐ5/TQLC đã tổ chức phản công và chiếm lại được các vị trí đã mất.  
          
Nhận thấy lúc này LĐ913/ĐPQ không còn khả năng giữ được tuyến Mỹ Chánh trong khi ta không có một lực lượng trừ bị nào để phản công, tôi đề nghị với Trung tướng Tư Lệnh QĐ1TP kế hoạch trì hoãn chiến về tuyến An Lỗ. Kế hoạch này đưọc chấp thuận, theo đó LĐ14/BĐQ sẽ phòng thủ từ phía Đông cầu An Lỗ ra đến Ấp Mỹ Thạnh, Phá Tam Giang, LĐ91/ ĐPQ tập trung về phía sau LĐ14/BĐQ, sau khi chỉnh đốn lại các đơn vị, sẽ tăng cường phòng thủ tuyến An Lỗ. LĐ1 KB (-) có nhiệm vụ yểm trợ cho các đơn vị trì hoãn chiến từ tuyến Mỹ Chánh và sẽ rút sau cùng về cầu AnLỗ, phối hộp với LĐ147/TQLC và LĐ14/BĐQ để phòng thủ khu vực này.   
         
LĐ1KB (-) để lại một lực lượng bộ binh và thiết giáp để bảo vệ cho sườn phải của LĐ147/TQLC.
TĐ7/TQLC, TĐ121/ĐPQ cùng với các lực lượng chiến xa và thành phần phòng thủ kho đạn Kế Môn, sẽ trì hoãn chiến về Chợ Cạn, thôn Thế Chi Tây, cách BCH nhẹ SĐ/TQLC khoảng 3 cây số về hướng Tây Bắc.  Thiếu tá Phạm Cang, Tiểu đoàn trưởng TĐ7/TQLC chịu trách nhiệm chỉ huy tổng quát và tổ chức phòng thủ tại khu vực ấn định. Cầu Vân Trình và kho đạn Kế Môn phải được phá hủy trước khi rút đi.  Pháo đội B/TĐ1PB/TQLC yểm trợ trực tiếp cho TĐ7/TQLC và các đơn vị tăng phái. 
           
Lực lượng ĐPQ chi khu Hương Điền chịu trách nhiệm bảo vệ an ninh trục hương lộ 555 từ quận lỵ Hương Điền về tới cửa Thuận An, tổ chức các toán thám báo hoạt động tại các nơi có dân chúng di tản tập trung đông để kịp thời phát hiện địch trà trộn tổ chức tuyên truyền, phá hoại, gây thêm tình trạng bất ổn.            
 
* Ngày 24-3-75:
Áp lực địch gia tăng trên toàn tuyến phòng thủ, vào sáng sớm trước tuyến TĐ7/TQLC có 5 chiến xa T54 địch xuất hiện và di chuyển xuống huớng Nam, TĐ7 đã điều động chiến xa M 48 tác xạ, 2 chiến xa địch bị bốc cháy, 1 bị hư hỏng nằm yên, 2 chiếc còn lại quay đầu bỏ chạy.

Tôi lưu ý LĐ147/TQLC cần đề phòng địch có thể tấn công từ hướng Mỹ Chánh xuống.  Tôi không yên tâm vì nếu tình trạng này kéo dài, địch có thể tấn công vào phía sau của LĐ147/TQLC, từ hướng quốc lộ 1. Nhưng nếu LĐ147/TQLC phải thu hẹp phòng tuyến trong lúc này để có thêm quân phòng thủ bên sườn phải thì càng rối loạn hơn và rất tối kỵ.  
        
Trong lúc này tình hình bên SĐ1/BB cũng không kém bi đát.  Một vài vị trí đã bị chọc thủng và địch đã xâm nhập vào cả Phú Lộc và Phú Thứ.  Pháo binh địch đã tác xạ vào thị xã Huế, dân chúng hoang mang hoảng sợ.           
 
Khoảng trưa, tôi trình cho Tướng Thi về tình hình không được sáng sủa tại tuyến An Lỗ. Chắc ông cũng đã theo dõi và nắm vững được tình hình qua trung tâm hành quân của Quân Đoàn rồi, nên khi tôi chưa kịp đề nghị gì thêm thì ông ra lệnh cho tôi hay di chuyển BCH nhẹ SĐ/TQLC về căn cứ Thuận An ngay và đúng 1430 giờ thì đến họp tại BCH Hải Quân cũng đóng gần căn cứ này.

Buổi Họp Ngày 24-3-75, lúc 1430 giờ:
Hiện diện trong buổi họp gồm có:
- Trung Tướng Lâm Quang Thi, TL/QĐI/TP.
- Chuẩn Tướng Nguyễn Văn Điềm, Tư Lệnh SĐ1BB.
- Đại Tá Lê Ngọc Hy, Tham Mưu Trưởng QĐI/TP.
- Đại Tá Nguyễn Hữu Duệ, Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Thừa Thiên.
-Trung Tá Chỉ Huy Trưởng căn cứ HảiQuân Thuận An.
-Đại Tá Nguyễn Thành Trí, TLP/SĐTQLC, Tư Lệnh mặt trận Tây Bắc Huế.

Sau khi các Tư Lệnh mặt trận và TỉnhTrưởng trình bầy về tình hình trong khu vực và điạ phương trách nhiệm, nhận định chung được đúc kết như sau: 
 
1/ Ta không còn lực lượng trừ bị để phản công để chiếm lại các vị trí đã bị mất, trong khi đó tuyến phòng thủ phải thu hẹp dần khiến tinh thần binh sĩ giao động.
2/ Địch đang chuẩn bị các cuộc tấn công mới có tính cách quyết định hơn, theo tin tức tình báo kỹ thuật.
3/ Mức độ pháo kích gia tăng vào thị xã Huế khiến dân hoảng sợ bỏ nhà di tản, tình trạng an ninh không kiểm soát được.
4/ Con đường di tản huyết mạch từ Huế ra Thuận An đã bị tắc nghẽn bởi  hàng ngàn dân chúng, xe cộ đủ loại chết máy nằm ngổn ngang.
5/ Nhiều quân nhân có gia đình tại Huế đã rời bỏ đơn vị để về lo cho gia đình di tản, gây tác động dây chuyền.

Nhận định chung cho thấy khó có thể bảo vệ được Huế, Tướng Thi quyết định đề nghị kế hoạch rút quân khỏi Huế lên Tướng Ngô QuangTrưởng như sau:
a/ Lực lượng Tây Bắc Huế do tôi chỉ huy sẽ rút về Thuận An, sau đó di chuyển về cửa Tư Hiền.
b/ Tại cửa Tư Hiền, Hải Quân và Công Binh QĐ1 sẽ phối hợp thiết lập cầu phao để các cánh quân vượt sông nhanh chóng và dễ dàng.
c/ LĐ468/TQLC từ đèo Hải Vân sẽ cho một đơn vị đến chiếm núi Vĩnh Phong để bảo vệ điểm vượt sông, đồng thời làm thành phần tiếp đón.
d/ SĐ1BB do Tướng Điềm chỉ huy sẽ rút theo trục quốc lộ 1 và sẽ tập trung về điểm vượt sông, song song với cánh quân TQLC.
e/ Tất cả vật liệu nặng, pháo binh, chiến xa không thể di chuyển hay vượt sông được, đều phải được phá huỷ tại chỗ. 

Tướng Điềm và Đại Tá Hy được Tướng Thi chỉ định bay trực thăng ngay vào Đà Nẵng để trình kế hoạch rút quân khỏi Huế lên Trung Tướng Trưởng, TL/QĐI.
Sau buổi họp tôi thông báo các đơn vị trực thuộc hay để chuẩn bị, tổ chức gọn gàng và sẵn sàng thi hành kế hoạch rút quân khi có lệnh. Hậu trạm SĐ/TQLC đóng tại Mang Cá nhỏ do Thiếu Tá Nguyễn Vĩnh Duyệt chỉ huy, thì di chuyển ngay về Thuận An để gặp BCH nhẹ SĐ. Kế hoạch rút khỏi tuyến An Lỗ như sau:
LĐ1KB (-) đang bố trí tại cầu An Lỗ sẽ yểm trợ cho các đơn vị rút lui theo thứ tự LĐ147/TQLC, LĐ14/BĐQ và LĐ913/ĐPQ, rồi tới LĐ1KB(-)

Giai đoạn 1 tập trung về Thuân An.
Giai đoạn 2 di chuyển về cửa Tư Hiền.
Kế hoạch hoả lực ngăn chặn phải được áp dụng tối đa trong khi rút quân.

LĐ1KB sẽ rút sau cùng, một toán Công Binh TQLC được tăng phái cho LĐ1 KB để phá huỷ cầu An Lỗ (giờ chót vì lý do kỹ thuật nên cầu không bị giựt sập).
 
* Ngày 24-3-75, lúc 1730 giờ:
Đại Tá Hy đáp trực thăng đến và trao cho tôi công điện mang tay. Ông nói thêm là công điện này xác nhận việc thi hành kế hoạch rút quân như đã bàn thảo khi trưa tại BCH Hải Quân.

Tôi ra lệnh cho các đơn vị sẵn sàng thi hành kế hoạch như đã được thông báo. Lệnh thi hành bắt đầu vào lúc 1800 giờ.

Suốt đêm theo dõi từng cánh quân rút về mà lòng se lại. Những người lính Mũ Xanh vẫn nắm vững tay súng tới cùng, đẩy lui từng đợt xung phong của quân thù mưu toan lấn chiếm. Chưa có một vị trí nào đã bị mất trên hành lang sông Bồ hay Hiền Sĩ, Cổ Bi…Địch chưa hề thực hiện nổi mộng cắt ngang An Lỗ để ngăn đôi Quảng Trị – Huế! Nhưng giờ đây mọi người đã phải rút đi như những kẻ thua cuộc!

Làm sao họ biết được là miền Nam sẽ chỉ còn lại phần đất từ Phan Rang trở xuống Quân Khu IV theo như Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã bàn thảo và quyết định cùng với Hội Đồng Tướng Lãnh ngày 11-3-75.
Bạn bè của họ, một số người mới vừa nằm xuống hôm qua, trước khi trút hơi thở cuối cùng, họ vẫn nghĩ rằng sẽ phải giữ Huế cho bằng được theo như lệnh của Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư Lệnh QĐI.  Nhưng trên thực tế Quảng Trị giờ đây đã thật xa phía sau lưng họ. Số phận của Quảng Trị gần như  đã được định đoạt từ khi LĐ258/TQLC rút đi khỏi thị xã này, và với nhiều sư đoàn CSBV vây ép, mất Huế là điều sẽ đương nhiên xẩy đến.

 Giữa không trung tĩnh mịch, những trái hỏa hiệu xanh, đỏ, tím…thỉnh thoảng chợt nở hoa, chừng như  để các cánh quân thông báo cho nhau vị trí của mình hay để cho những “đứa con” bịi lạc lõng lấy đó định hướng nhập đoàn cùng cánh quân mẹ. Đôi khi trong tình hình cấp bách, các đơn vị cũng đã bỏ qua nguyên tắc giữ bí mật bằng cách hạn chế hay không được sử dụng hoả hiệu.

Xung quanh căn cứ Trần Ba tại Thuận An, nơi BCH nhẹ SĐ/TQLC đang tạm đặt bản doanh, những loạt súng vu vơ vẳng lên từng lúc, có thể xuất phát  từ các binh sĩ ĐPQ đang canh gác kho xăng hoặc từ các tầu Hải Quân đang tuần tiễu trên Phá Tam Giang, nhưng cũng không thể loại trừ khả năng các toán du kích trà trộn trong dân chúng đã về gần…

Tôi mừng thầm khi các cánh quân càng lúc về gần hơn, họ đang ở đâu đó: thôn An Hà, Diện Đai hay Xuân Ổ bên kia Phú Thứ, đang tìm về điểm vượt đầm Hạ Trung để qua bên này bờ biển Đông sau khi đã trải qua hành trình dài hơn 30 cây số. 

Long Mỹ, danh hiệu truyền tin của Đại Tá Lương, LĐT/LĐ147/TQLC, đã báo cho tôi yên tâm là kế hoạch rút quân được thi hành đúng đắn, không có gì trở ngại. Khi tôi hỏi về LĐ14/BĐQ và LĐ913/ĐPQ thì ông cho biết họ vẫn theo sau TQLC. Riêng Đại Tá Hường, Tư Lệnh LĐ1KB, thì cho tôi biết là các chiến xa không thể về đến Tân Mỹ được do trực lộ bị tắc nghẽn bởi đoàn người di tản cũng như nhiều xe cộ chết máy ngổn ngang trên đường, cách phà Tân Mỹ độ 5 cây số. Các đơn vị thiết giáp buộc lòng phá hủy chiến xa khi không còn lối rẽ nào để vượt qua. Tiểu Đoàn 7/TQLC cùng các đơn vị tăng phái cũng đang trên đường rút quân theo trục Hương Lộ 555 để về cửa Thuận An một cách an toàn.

Từ lúc lệnh rút quân của QĐ1TP được ban hành, BCH nhẹ SĐ/TQLC không còn liên lạc vô tuyến được với SĐ1BB như đã giao hẹn. Sự kiện này khiến việc theo dõi tình hình bên kia Phú Thứ rất khó khăn. SĐ1BB dù sao cũng là lực lượng có thể giữ an toàn bên hông phải cho các cánh quân di chuyển dọc theo bờ biển. Nếu như địch đã tràn xuống vùng Phú Thứ, vượt đầm Thuỷ Tứ, thì chúng có thể chận đường rút quân của TQLC và các đơn vị tăng phái trước khi tới cửa Tư  Hiền.

* Ngày 25-3-75:
 Sáng sớm, LĐ147/TQLC báo cáo đã hoàn tất việc tập trung bên bờ biển, cách của Thuận An khoảng 9 cây số về hướng Đông Nam.

Khoảng 0800 giờ, cánh quân của Tiểu Đoàn 7/TQLC và các đơn vị tăng phái cũng đã bắt đầu tổ chức vượt qua cửa Thuận An để di chuyển về phía Nam, sát nhập với LĐ147/TQLC.

Chờ cho đoạn cuối của cánh quân TĐ7/TQLC sắp qua hết, tôi mới cho lệnh BCH nhẹ SĐ/TQLC bắt đầu xuống chiếc quân vận đỉnh LCM8 để ra biển, tiếp tục theo dõi và chỉ huy các cánh quân trên bờ. Đại Tá Hường, Tư Lệnh LĐ1KB, cùng đi chung với BCH nhẹ SĐ/TQLC.  

Chiếc LCM8 này được tăng phái thường xuyên cho SĐ/TQLC và được sử dụng như chiếc phà với nhiệm vụ chuyên chở các quân xa tiếp tế cho BTL/SĐ và các đơn vị yểm trợ đóng tại Hương Điền, từ Tân Mỹ qua bờ phía Tây cửa Thuận An và ngược lại. Riêng chiếc tầu Hải Quân dự trù được đặt dưới quyền sử dụng của BCH nhẹ SĐ/TQLC để làm phương tiện chỉ huy theo tinh thần buổi họpngày 24-3 với Tư Lệnh QĐ1/TP và HQ, thì chẳng bao giờ thấy đâu cả. Chiếc LCM 8 bỗng nhiên đã trở thành “cứu tinh”, nếu không thì BCH nhẹ SĐ sẽ phải di chuyển theo cánh quân sau cùng của TĐ7/TQLC và trở thành gánh nặng cho họ phải tốn quân để bảo vệ an ninh.

Ra khỏi cửa Thuận An thì con tầu được tiếp đón bởi những con sóng to dữ dội. Nó chồm lên hụp xuống và cứ như thế tiếp tục mãi. Độ nửa giờ thì mọi người trên tầu đều ngất ngư say sóng, mệt nhoài, chỉ có viên hạ sĩ quan thuyền trưởng là người duy nhất vẫn lái con tầu một cách bình thản.

* Ngày 25-3-75, khoảng 1030 giờ:
Qua tần số không lực, LĐ147/TQLC nhận được lệnh của Bộ Tư Lệnh QĐ1TP là hãy dừng quân chuẩn bị tại chỗ để tầu đến bốc. Kế hoạch di chuyển về cửa Tư Hiền bị huỷ bỏ vì HQ và Công Binh không thể thực hiện được cầu phao do tình trạng an ninh và thuỷ triều bất lợi.

Điều này xẩy ra là việc tất nhiên:  Làm sao có thể thực hiện được cầu phao chỉ trong một đêm, khi mà phương tiện chưa sẵn sàng, điạ thế, thủy triều chưa được nghiên cứu kỹ, tình trạng an ninh điạ điểm thiết lập cầu phao chưa được bảo đảm.

Tôi yêu cầu thuyền trưởng lái tầu cách xa bờ ít nhất 2 hải lý để chiếc tầu không trở thành mục tiêu tốt cho các loại súng không giật hay hoả tiễn AT3 của địch.  Để có thể liên lạc truyền tin dễ dàng với các đơn vị, tôi yêu cầu cho tầu di chuyển chậm, tới, lui, hoặc vòng tròn ngoài khơi đối diện với điểm tập trung quân trên bờ.

* Ngày 25-3-75, khoảng 1300 giờ:
Một chiếc hải vận hạm (LSM) di chuyển đến bãi bốc LĐ147/TQLC, nhưng lại đậu cách bờ 200 thước!
Làm sao binh sĩ lội ra đến được tàu trong tình trạng sóng to gió lớn, vả lại còn phải mang theo gần trăm thương binh và tử sĩ. Nếu có thêm được vài chiếc LCM để chuyển quân từ bờ ra tầu lớn thì mọi việc đã có thể giải quyết tốt đẹp, vì loại tầu LCM có thể vào sát bờ hơn. Thấy không thể giúp được gì nên chiếc tầu LSM  di chuyển đi nơi khác sau khi hứa sẽ gọi tầu LCU đến để bốc quân.

Tôi yêu cầu LĐ147/TQLC nên tìm cách tách rời khỏi dân chúng và chọn một bãi bốc xa hơn về phía Đông Nam để có được trật tự và an toàn. Nhưng việc này cũng đâu phải dễ, hễ thấy quân đi đâu thì dân đi theo đó. Những người dân thiệt thòi và đáng thương này chẳng còn biết trông cậy vào ai hơn là quân đội, vì quân đội đã bao năm cưu mang, bảo vệ họ khi chiến tranh giầy xéo quê hương. Và điều này quả là một tát tai nhục nhã đối với Cộng Sản, để chúng không còn to mồm khoe rằng “nhân dân miền Nam nổi dậy cùng bộ đội đánh tan ngụy quân ngụy quyền”.

BCH nhẹ SĐ/TQLC vẫn lênh đênh trên biển, theo dõi và đón chờ từng giờ tin tức về các tầu HQ sẽ đến bốc quân dân đang chờ từng giây từng phút trên bờ biển. Thời gian nặng nề trôi qua và bóng chiều đã nhạt dần, rồi tím sẫm, cuối cùng chỉ còn là bóng tối bao trùm trên biển cả mênh mông.

BCH nhẹ SĐ/TQLC không còn liên lạc được với nơi nào bằng vô tuyền để có thể chuyển đến các đơn vị trên bờ những tia hy vọng nào đó hầu giúp họ có thêm kiên nhẫn và nghị lực đợi chờ. Tôi rất khổ tâm và cảm thấy mình như bất lực, nhưng tôi rất hiểu họ, những chiến hữu của tôi, những chiến sĩ có thói quen sẵn sàng chấp nhận hy sinh, không từ nan trước nguy khốn vì danh dự của đoàn “Thuỷ Thần Mũ Xanh” mà quân thù đã từng kiêng nể.

* Ngày 26-3-75:
Sáng sớm ngày 26-3-75, qua đài truyền tin trung gian của BTL/SĐ/TQLC đặt trên đèo Hải Vân, tôi được tin sẽ có 2 chiếc giang vận hạm (LCU) đến bốc quân, tôi vội thông báo ngay cho LĐ147/TQLC để sẵn sàng cho “con cái” lên tầu, ưu tiên số 1 phải là thương binh và tử sĩ.

Khoảng 0830 giờ ngày 26-3-75, 1 chiếc LCU  bắt đầu ủi bãi và bốc được BCH/LĐ147/TQLC cùng với khoảng 800 quân nhân trong đó có khoảng 100 thương binh và tử sĩ. Địch bắt đầu tấn công và sử dụng hoả tiễn AT3 nhằm vào chiếc LCU đang khi còn đậu tại bãi. Chiếc LCU bị trúng hoả tiễn và Đại Tá Lương bị thương nơi một bàn chân, chiếc LCU vội vã rút ra khỏi bờ và di chuyển về Đà Nẵng.

Theo kế hoạch, tôi đã bàn với Đại Tá Lương, LĐT/LĐ147/TQLC:
-“Khi nào ông lên tầu xong thì sẽ chờ tôi và chiếc LCM8 đến để chuyển BCH/LĐ147 sang chiếc LCM 8 và cùng với BCH nhẹ SĐ tiếp tục phối hợp chỉ huy việc bốc nốt số quân còn lại trên bờ, số thương binh, tử sĩ và các thành phần còn lại trên tầu LCU sẽ di chuyển thẳng về Đà Nẵng”.

Nhưng vì Đại Tá Lương bị thương nên kế hoạch đó không thể thi hành được.  Tôi liền chỉ định Thiếu Tá Phạm Cang, Tiểu Đoàn Trưởng TĐ7/TQLC, chiụ trách nhiệm chỉ huy toàn thể lực lượng trên bờ thay thế  Đại Tá Lương.

Khoảng xế trưa ngày 26-3-75, trên tần số không lục, Trung Tướng Thi đã ra lệnh cho hai chiếc LCU đang ở đâu đó bằng bất cứ giá nào cũng phải ủi bãi để bốc các lực lượng còn lại trên bờ.

Một chiếc LCU có thể chở khoảng từ 800 đến 1000 quân nhân với đầy đủ trang bị, như vậy ít ra cũng phải có 3 chiếc mới đủ để bốc tất cả quân nhân các đơn vị còn lại, (vì lúc này số người chờ tầu HQ vào bốc không phải chỉ riêng TQLC, mà còn rất nhiều quân nhân các đơn vị bạn và dân chúng).Nhưng có còn hơn không…Điều quan trọng là làm sao phải giữ được an ninh bãi bốc.

Thiếu Tá Phạm Cang đã nhanh chóng cho đổi bãi bốc cách xa bãi bốc cũ khoảng 1 cây số để tương đối được an ninh hơn đối với lực lượng địch, nhưng vấn đề trật tự thì vô cùng phức tạp, những quân nhân đơn vị bạn không còn cấp chỉ huy và nhất là dân chúng, cái chết trước mặt thì TQLC di chuyển đi đâu họ theo đó, không cách nào tách riêng ra được, TQLC đối với họ lúc này như “hình với bóng”. Thiếu Tá Phạm Cang đành cho lệnh các đơn vị TQLC làm an ninh vòng đai ngoài, phòng thủ bãi bốc, để dồn đám đông hỗn tạp vào giữa, vì VC cũng đang bám theo.

Khi chiếc LCU thứ nhất bắt đầu vừa ủi bãi, thì đám đông hỗn tạp ùa tới tàu, rồi cảnh hỗn loạn đã xẩy ra, mọi người đã tranh nhau lên tầu. Chiếc LCU chiụ quá mức trọng tải nên bị mắc cạn nằm yên và khi thuỷ triều xuống dần thì tầu càng bị lún sâu. Chiếc LCU thứ hai cố gắng tiến vào để tìm cách kéo chiếc thứ nhất ra bằng dây cáp, nhưng mọi nỗ lực đều vô vọng mặc dù các chiến sĩ Hải Quân đã rất tận tình, bất chấp hiểm nguy trước hoả lực địch.

Nếu không bị hoảng hốt và giữ được trật tự, lớp lang như đẵ sắp xếp, chỉ cần một phần ba số người chiụ rời khỏi tầu, thì phần còn lại trên tầu đã được bốc đi. Cuối cùng, trước tình hình hỗn loạn, chiếc tầu LCU thứ hai buộc lòng phải rút đi sau khi đã mang theo được thuỷ thủ đoàn của chiếc LCU thứ nhất, còn tầu thì nằm lại.
Chiều  đã xuống, BCH nhẹ SĐ/TQLC đã gọi bất cứ mọi hệ thống vô tuyến nào có thể xen vào được để xin tiếp tục gửi tầu HQ đến bãi bốc, nhưng mọi trả lời nhận được đều bi quan và tuyệt vọng…

Một chiếc trực thăng cô đơn nào đó đã bay cặp theo bờ biển từ hướng Đà Nẵng qua ngang các lực lượng trên bờ rồi sau đó vội vàng trở ngược lại về hướng Đà Nẵng mất dạng (sau này tôi được biết chiếc trực thăng nói trên đã chở Đ/Tá Lê Đình Quế, TMT/SĐ/TQLC, trong nhiệm vụ tìm cách liên lạc và tiếp tế cho LĐ147 /TQLC).

Trước khi trời tối tôi đã báo cho Thiếu Tá Cang biết sẽ không còn phương tiện nào đến đón nữa, tuy nhiên tôi yêu cầu chiếc LCM 8 tiếp tục di chuyển tới lui ngoài khơi để duy trì liên lạc với các đơn vị trên bờ.
 
* Đêm 26-3-75:
 Lúc 2345 giờ, tôi thấy nhiều trái hoả hiệu xanh, đỏ, vọt lên trên không gian đen tối! Tôi gọi Thiếu Tá Cang để hỏi thăm tình hình. Sau vài câu trả lời vội vã, Cang đã xin đóng máy vì tình hình rất nghiêm trọng. Tôi chúc Cang và các anh em được nhiều may mắn…
Chiếc LCM 8 vẫn âm thầm di chuyển ngoài khơi…còn nước còn tát. Viên thuyền trưởng vẫn điều khiển con tầu không mệt mỏi. Trong giờ phút nguy kịch, viên thuyền trưởng và người phụ tá vẫn kiên trì thi hành nhiệm vụ trong tinh thần kỷ luật rất đáng khen.  Có lẽ vào giờ phút ấy, chỉ có chiếc LCM 8 là chiếc tầu đơn độc còn lạc lõng xa nhất về phía Bắc của hải phận miền Nam.

* Ngày 27-3-75:
Khoảng 0300 giờ sáng ngày 27-3-75, viên thuyền trưởng báo sẽ có một chiến hạm đến đón tôi và BCH nhẹ SĐ về Đà Nẵng, tầu này đang tiến về vị trí của chiếc LCM 8. Họ đã thông báo cho nhau ví trị bằng đèn báo hiệu và hoả hiệu.

Tôi yêu cầu truyền tin gọi các đơn vị trong bờ lần nữa và đó cũng là lần cuối cùng khi không còn đơn vị nào trả lời trên máy truyền tin. Trong bờ cũng không còn một trái hoả hiệu  nào soi sáng, tất cả đều yên lặng và đen tối một mầu…

Từ tầu LCM 8 chúng tôi phải leo lưới đổ bộ để lên một chiếc dương vận hạm (LST) vì trời tối nên không ai rõ là loại tầu gì. Tầu chở chúng tôi quay đầu .. ..xa dần về hướng Nam, qua cửa Tư Hiền và… tôi cảm thấy lòng mình đau xót khi phải bỏ lại  sau lưng biết bao chiến hữu thân yêu trước sự bó tay và bất lực!Tôi khâm phục sự can đảm và lòng hy sinh của các anh em.

No comments: