Sunday, October 23, 2022

PTL/TQLC Tango Đại Tá Nguyễn Thành Trí

 Thưa Tango: Sau 13 năm trong lao tù VC, học “Lao động là vinh quang” ngày ra khỏi trại, lại phải lang thang nơi hải ngoại để trả nợ đời ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”! Vậy mà Tango vẫn sát cánh cùng anh em trong mọi sinh hoạt khiến các Mũ Xanh chúng em cảm thấy “đời còn có ý nghĩa”. Vì lẽ đó đã nhiều lần chúng em muốn cầm bút để nói lời cám ơn đến Tango nhưng vì biết bản tính Tango chịu đựng và ẩn dật nên chúng em đành phải tạm ngưng.
--------------------------------
Nay vì một vài lý do…, chúng em đành phải thực hiện, dù cho Tango “Yes or No”. Xin Anh thứ lỗi.
Các Cọp Biển

 
 -----------------------------------------
Phần “Lời Mở Đầu” trong tác phẩm “Can Trường Trong Chiến Bại”, sau khi nói về người hùng HQ Trí tự nguyện chìm theo chiến hạm trong trận chiến Hoàng Sa, ông Tướng HQ Hồ Văn Kỳ Thoại viết về ông Tá TQLC Nguyễn Thành Trí như sau:

- Đúng một năm sau, một anh hùng Nguyễn Thành Trí, cấp bậc Đại Tá, Tư Lệnh Phó Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến cùng bộ chỉ huy nhẹ trên một tàu đổ bộ LCM8, chỉ huy cuộc rút quân của các lực lượng trực thuộc tại mặt trận phía Bắc An Lỗ gồm Lữ Đoàn 147/TQLC, Liên Đoàn 14/BĐQ, lực lượng Địa Phương Quân Quảng Trị và Lữ Đoàn 1 Kỵ Binh. Khi về tới Đà Nẵng, chiều ngày 27 tháng 3, điều hợp cuộc rút quân của 3 Lữ Đoàn 468, 369 và 258 Thủy Quân Lục Chiến phía Nam đèo Hải Vân để rồi sáng ngày 29/3, không tới 48 tiếng đông hồ sau, ông phải bơi ra biển cùng Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư Lệnh Quân Đoàn I để lên hải vận hạm Hương Giang (HQ 404).

Về trong Nam, Đại Tá Trí được lệnh chỉ huy hai Lữ Đoàn 258 và 468/TQLC cùng các chi đoàn Thiết Giáp tăng phái lập một phòng tuyến phía Đông Biên Hòa để bảo vệ thành phố này. Sáng ngày 30/4/1975, thi hành lệnh buông súng và chuẩn bị bàn giao cho địch của Tổng Thống Dương Văn Minh, Đại Tá Trí cùng hai Lữ Đoàn dưới quyền di chuyển về căn cứ Sóng Thần Thủ Đức. Đại Tá Trí chỉ thị quân sĩ trả súng vào kho và cho họ tự do về với gia đình. Đại Tá Trí đã làm tròn bổn phận của một cấp chỉ huy cho tới giờ phút cuối cùng. (Trích Can Trường Trong Chiến Bại .. trang 17)

Cám ơn ông Tướng Hải Quân-Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại đã có lời khen về một ông Tá TQLC, nhưng không phải chỉ có Tango Nguyễn Thành Trí đã làm tròn phận sự của cấp chỉ huy cho tới giờ phút cuối cùng, mà TQLC chúng tôi còn có nhiều “Tango” khác nữa như các Đại Bàng Bắc Ninh, Cao Bằng, Đồ Sơn, Saigòn và các cấp chỉ huy từ trung đội đến tiểu đoàn cũng đã làm tròn bổn phận của người lính TQLC.

Cuộc đời binh nghiệp của Tango đi từ Trung Đội Trưởng đến Tư Lệnh Phó Binh Chủng TQLC dĩ nhiên có nhiều khó khăn và cam go, nhưng đáng nhớ nhất là kể từ ngày 18/3/1975, khi Trung Tướng Lâm Quang Thi, Tư Lệnh Quân Đoàn I Tiền Phương chỉ định Tango giữ nhiệm vụ Tư Lệnh Mặt Trận Tây Bắc Huế mà lực lượng chính là Lữ Đoàn 147/TQLC để ngăn chân quân VC, cho đến ngày 30/4/1975, Tango đã sát cánh với thuộc cấp từng giờ từng phút trong mồ hôi, máu và nước mắt. Mọi diễn tiến cam go trong giai đoạn này đã được Tango ghi lại chi tiết trong tập tài liệu dài 40 trang giấy dưới tựa đề:
-Ngày Tháng Không Quên.
(Trang 526-566 Tuyển Tập 2- Hai Mươi Một Năm Chiến Trận của BC/TQLC).

Những ngày cuối tháng 4/75, toàn bộ SĐ/TQLC đóng quân ở một nơi: “Chân trên bờ, chân dưới nước” tại bãi biển Vũng Tàu, nếu muốn ra đi thì chả cần phải chạy đến DAO để được kéo vào! Chả cần tìm nóc nhà cao để nắm càng trực thăng Mỹ. Đi thì ai chả muốn đi nhưng bỏ lính lại cho ai? Nên tất cả TQLC đã quay lưng lại với đại dương để tiếp tục lên đường đánh địch, đúng như lời nhận xét của Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại về LĐ 147/TQLC trong hồi ký “Can Trường Trong Chiến Bại”:
- Đi là đi hết, không thì ở lại cùng chiến đấu tới viên đạn cuối cùng. (trg 212).

Cùng nhau chiến đấu tới viên đạn cuối cùng và rồi chúng tôi đi tù từ Tư Lệnh Phó đến các Lữ Đoàn Trưởng, Tiểu Đoàn Trưởng, SQ tác chiến, Tham mưu v.v.. Ôi thôi, “vui ơi là vui”! Để rồi tự tử và bị bức tử trong ngục tù CS, trong đó có 2 Lữ Đoàn Trưởng là các anh Tr/Tá Nguyễn Đằng Tống và Huỳnh Văn Lượm, Trưởng P4 Tr/Tá Nguyễn Văn Nhiều, Trâu Điên Trưởng Trần Văn Hợp v.v..và những bất khuất anh dũng vượt ngục tìm tự do.

Xin cám ơn ông Tướng HQ nhận xét về Tango Nguyễn Thành Trí, còn chúng tôi, những MX đã từng làm việc trực tiếp hoặc gián tiếp với Tango, xin kể một kỷ niện về Ổng.

Những cảm nghĩ viết về cấp chỉ huy khi còn tại chức thì khác, nhưng sau ngày gãy súng, “đã bị lột trần, ai cũng như ai”, thì thuộc cấp có khen chê không ngại bị trù ẻo, cũng không phải để được huy chương, tưởng lục nên tính trung thực của bài viết khá khả tín. Hơn 40 năm đã quá đủ để một tuổi trẻ năm xưa, nay là ông già có cái nhìn và nhận xét chín chắn hơn. Người phát biểu cảm tưởng xưng danh, danh có chính thì ngôn mới thuận.

Người đầu tiên tôi đặt câu hỏi là một MX trẻ nhất, đang sở hữu một bộ sưu tập các kỷ vật TQLC quý giá, đã và đang mang tất cả khả năng và tâm huyết để gây dựng đoàn Young Marines, đó là Ó Biển Lý Khải Bình.
 
Mũ Xanh Lý Khải Bình:
- Vào dịp tôi dẫn các em trong đoàn Young Marines đi tham dự đại hội TQLC tại Houston 7/2004, Tango đã đến thăm và an ủi các em như một ông nội, các em vui cười nhưng tôi cảm động muốn khóc! Đây là lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với Tango, nghĩa cử của ông tăng thêm sức mạnh cho tôi để tiếp tục hướng dẫn thế hệ 2&3/TQLC. Tại sao chúng ta không viết những kỷ niệm “vui buồn TQLC” để thế hệ sau xem như một tấm gương? Viết cả ưu lẫn khuyết, gương lành thì theo, gương vỡ thì tránh để lớp trẻ họi hỏi cho khá hơn. Bây giờ nếu các anh không nói, mai mốt đây các anh “đi rồi” thì chúng tôi biết hỏi ai?
Khiếp quá! Tuổi trẻ có khác, tôi mới hỏi có một câu mà anh bạn trẻ này đã muốn “các anh đi” cho rồi! Thôi, từ giã bạn trẻ Lý Khải Bình, tôi đi kiếm ông nào già già một tí mà hỏi, bất ngờ đụng ông có râu, người về từ Houston, đang hiện diện trong phòng họp TQLC Nam CA, đó là Ó Biển đầu đàn.
 
Mũ Xanh Nguyễn Văn Phán:

- Nếu có yêu tôi thì sao không nói bây giờ? Đừng để ngày mai...
Anh Phán Râu là “tu sĩ” kiêm ca sĩ nên mở đầu câu chuyện về Tango là một lời hát có ý nhắn nhủ, ủng hộ ý kiến của tôi là nên viết… Anh vốn là bậc thượng thừa môn phái “Bến Cũ” nên dù “tu tại gia hay tu tại bar” anh đều đắc đạo, “đê tử” khá đông. Ó-Biển đầu đàn 
- Trung Tá Nguyễn Văn Phán sửa giọng nói tiếp:
- Tạu làm Đại Đội Trưởng cho Tango từ hồi còn ở TĐ.1/TQLC. Nếu nói về ưu khuyết của Tango thì phải mất vài trang giấy, tau sẽ ghi lại và gửi cho mi sau, bi chừ chỉ có thể vắn tắt như thế này: “Mỗi khi đụng độ, dù nặng hay nhẹ, Ổng luôn bình tĩnh và ung dung trong bất cứ tình huống nào, điển hình như trong trận Phước Tân, Tây Ninh năm 1966, địch đang pháo kích dữ dội mà Ổng vẫn đứng quan sát.. ”

Tr/Tá Phán (Khóa 9TĐ) đang diễn tả thì một niên trưởng khác, Khóa 8TĐ là Đệ-Đức Trần Kim Đệ ngắt lời:
- Không những bình tĩnh mà Ổng Tango còn phán đoán rất nhanh tình hình địch để gọi hỏa lực yểm trợ phản pháo giúp cho thuộc cấp yên tâm ...

Ngồi kế bên Th/Tá Trần Kim Đệ là Th/Tá Quách Ngọc Lâm (K12TĐ), nguyên là ĐĐT/ĐĐCH của Tango cũng lên tiếng góp thêm ý.
 
MX Quách Ngọc Lâm:
- Quý anh khen Tango tựa như khen phò mã tốt áo đấy nhá, bất cứ cấp chỉ huy tác chiến nào cũng hành động như vậy cả, trừ những anh xách cạc táp mà lên tá, huống chi MX Tango đi từ Trung Đội Trưởng đến Tiểu Đoàn Trưởng, Lữ Đoàn rồi Tư Lệnh Phó.

Điều đó thì đúng, nhưng với riêng tôi, vì khả năng đánh đấm bình thường nên Tango giao cho tôi coi Đại Đội Chỉ Huy, trước khi Ông rời Tiểu Đoàn để lên Lữ Đoàn, Tango hỏi tôi có cần chi? Thú thật là nếu tôi mà chỉ huy tác chiến thì đồng đội “bị vạ lây”, vì thế sau này Ổng gọi tôi về giữ Ban 4/LĐ. Ai đã từng ở TĐ1/TQLC hồi đó đều biết Tiểu Đoàn Trưởng Tango chú ý đến từng cá nhân thuộc cấp và gia đình họ. Khi bà xã tôi sanh, chưa kịp nạp đơn xin thì Ổng đã gọi lên lấy giấy phép, trái với ông XXX, khi nhận được điện tín vợ tôi sanh khó, tôi xin nhưng lại không cho! Thôi thì đành tự ký 7 ngày phép trước rồi lãnh 15 củ sau! Cả hai kỷ niệm đều đáng nhớ.
Bổ sung cho nhận xét của Lâm-Quách về Tango, Facoto Phan Công Tôn, một Đại Đội Trưởng xuất sắc của Tango xen vào:
 
MX Phan Công Tôn:

- Nói về tính văn nghệ thì 99,9% dân cầm súng đều có máu đó, sau khi ngưng bóp cò, buông súng để nghỉ ngơi thì mỗi anh tìm cho mình một thứ gì đó để mà cầm thay cho cây súng hầu tinh thần bớt căng thẳng. Anh thì “tay lại cầm tay”, anh cầm bài, ngài cầm chai hoặc cầm đàn.., đàn nhiều dây hay ít đây thì tùy khả năng và ý thích. Tango tức nhạc sĩ Trang Thủy thì cầm đàn sáng tác những bản nhạc thật hay. Những lần đóng quân hoặc khi đơn vị làm công tác dân sự vụ, hành quân bình định năm 1964 tại Gò Công thì Tango đàn và hát cho các cháu thiếu nhi nghe, tập cho các cháu ca hát, từ thiếu nhi đến người lớn cùng ngồi quanh nghe tiếng đàn thay tiếng pháo kích. Tính văn nghệ của Tango đầy chất tâm lý chiến, trọn bề văn võ.
Ngoài các MX kể trên, người viết đi hỏi tiếp nhiếp ảnh gia MX Chu Trọng Ngư. Ông quan súng to và dài Pháo Binh (PB)
 
MX Chu Trọng Ngư:

- Một sáng đầu tháng 5/1975, tôi buồn nên đứng đón xe bus để đi lang thang thì thấy Tango từ trên xe bus bước xuống, tôi không đi nữa mà kéo Tango vào quán bên đường làm một cái “hắc-quẩy”, cả hai thầy trò có quá nhiều kỷ niệm để nói với nhau, nhưng không ai nói được điều gì vì café hôm đó quá đắng! Để không khí bớt buồn, tôi hỏi Tango rằng tại sao ông có nhiều bản nhạc hay mà trước đây không phổ biến? Uổng quá, nay thì lỡ .. thì rồi! Tango thở dài:
- Cũng mong lắm, nhưng ngày đó ưu tiên cho tay cầm súng, nay súng không còn và dây đàn cũng đứt, tiếc lắm nhưng biết làm sao!”

Nhắc lại chuyện cũ, PB Ngư nghẹn ngào, nuốt cục buồn rồi nói tiếp với người viết:
- Trong lần dự đại hội TQLC tại Seattle, tôi nhắc ổng về những bản nhạc hay thì nên phổ biến, Tango lại thở dài: “Phổ biến làm gì! Ước mong làm một CD để làm kỷ niệm mà còn chưa có điểu kiện để thực hiện!”
Người viết thấy họ Chu muốn gợi ý điều gì đó nên tôi đề nghị anh Ngư làm đầu tàu thực hiện thì sẽ có người tiếp tay ngay. Tôi hỏi anh Ngư:
- Xin anh kể cho nghe một vài kỷ niệm với Tango, anh nghĩ gì về Tango?

Anh Ngư nói:
- Năm 1962, khi TĐ4/TQLC xuất quân, Th/Úy PB Chu Trọng Ngư làm đề-lô cho Tr/Úy Nguyễn Thành Trí, khi nghe súng nổ, tôi vội tìm chỗ núp, lúc sau ngó lên thấy Tango đứng nhìn tôi mỉm cười, khiến tôi từ từ đứng dậy và .. quê ơi là quê! Đã gần nửa thế kỷ, tôi vẫn nhớ đến nụ cười bao dung ấy của Tango thay vì nói tiếng “đức” như một số cấp chỉ huy khác.
Năm 1972, khi Tango là phụ tá Hành Quân cho Tư Lệnh thì tôi giữ nhiệm vụ Trung Tâm Phối Hợp Hỏa Cực ở TTHQ/SĐTQLC (Hương Điền, Quảng Trị) nên mới thấy rõ lòng can đảm và khả năng quân sự của Tango.
Có thể kết luận từ thuở ban đầu (1962) cho đến bây giờ (2007) và mãi mãi về sau, Tango vẫn là một sĩ quan chỉ huy TQLC mà tôi mến phục.
MX Lê Văn Châm (K17 VK)- Phòng 2/BTL:

Trong những ngày cuối Tháng 4/1975, tại BTL/SĐTQLC nhẹ ở Long Bình, tôi (Châm) nhìn trên bản đồ hành quân ở TTHQ, lúc này chỉ thấy toàn chấm màu đỏ, cộng quân như sẵn sàng tràn ngập thủ đô Sài Gòn, các lực lượng TQLC ở phía Bắc và Đông-Bắc căn cứ Long Bình bắt đầu chạm địch mạnh, tình hình biến chuyển mau lẹ. Xe cộ, dân chúng và một vài đơn vị bạn rã ngũ chạy về Thủ Đức, Sài Gòn qua cầu Đồng Nai khiến tình hình càng thêm rối loạn.
Ngày 27/4/1975, khi Trung Tướng Toàn TL/QĐIII, đến căn cứ Long Bình thị sát mặt trận cùng với Đại Tá Trí (Tango) rồi sau đó mọi liên lạc với QĐIII hầu như chấm dứt.

Vào khoảng 10 giờ đêm 28/4, điện thoại liên lạc với BTL/SĐTQLC ở Vũng Tàu cũng bị cắt đứt! Những sĩ quan tham mưu chúng tôi (Đ/Úy Châm P2, Tr/Úy Sơn+Bá P3, Đ/Úy Lâm Xuân P4 v.v..) không ai rời TTHQ một phút nào cả, cố gắng theo dõi điện đàm từ các nơi. Đại Tá Tư Lệnh Phó, với điếu thuốc Camel trên tay, tôi thấy Ông bình tĩnh lạ thường, đôi mắt hầu như không rời tấm bản đồ hành quân. Trong lúc những tin tức dồn dập lọt đến TTHQ khiến chúng tôi vô tình biết được ông tướng này, ông tá nọ được trực thăng bốc ra tàu Hải Quân thì Tango ra lệnh cho các sĩ quan tham mưu phải theo dõi liên tục tình trạng các đơn vị TQLC, báo cáo từng giờ, từng phút cho Ông biết.

Nghe tiếng điện thoại reo, tôi (Đ/Úy Châm) vội nhắc máy lên thì bên kia đầu dây là bà Trí muốn nói chuyện với Tango, tôi trao máy cho Ông. Qua lời đối thoại, bà Trí cho biết “Các sĩ quan dưới này họ lên tàu HQ hết rồi, ông về về…” .

Giọng Tango có vẻ gay gắt (nguyên văn):
- Bà cứ đưa tụi nhỏ về Long Xuyên đi, tôi không thể bỏ các đơn vị mà đi được.

Theo chỗ chúng tôi biết, Long Xuyên là quê của bà Trí, nhưng bà muốn ông phải về gấp căn cứ Hải Quân ở Thị Nghè để lên tàu di tản vì nhà của Đ/Tá Trí ở trong cư xá Nguyễn Văn Nho, kế bên căn cứ HQ.
Một lúc sau bà Trí gọi lại và Tango vẫn giữ nguyên quyết định ban đầu.

Lúc này Ông thật cô đơn vì không thể liên lạc được với ai nhưng Ông vẫn bình tĩnh, một sự bình tĩnh đến lạnh lùng.
Sáng 29/4, Ông tâm sự thân mật với các sĩ quan tham mưu:
- Tụi bay đứa nào muốn về với gia đình thì cứ đi, nếu chần chừ sẽ không kịp, riêng tao, chưa bao giờ tao nghĩ đến hai chữ “ra đi”.

Nghe Ông nói vậy chúng tôi không mở miệng được với nhau lời nào, không một ai ra đi, chúng tôi là những sĩ quan tham mưu, đã từng theo chân Ông trong suốt thời gian ở Hương Điền rồi Thuận An, Đà Nẵng, Cam Ranh, Vũng Tàu, Long Bình cùng chia sẻ với Ông những cam go trong suốt hành trình gian khổ. Lúc này chúng tôi cần phải ở bên Ông vì lòng kính phục một cấp chỉ huy can đảm, tài ba và độ lượng./. (Lê Văn Châm)

Cuối cùng Ông cũng đã điều động các đơn vị TQLC về căn cứ Sóng Thần, bảo toàn lực lượng chiến đấu. Trước lệnh đầu hàng của Tổng Thống Dương văn Minh, Ông đã tập họp các đơn vị để nói lời chia tay trong uất hận nghẹn ngào.

Đừng đem thành bại để luận anh hùng, Đại Tá Nguyễn thành Trí xứng đáng được đứng trong danh sách những cấp chỉ huy anh hùng vì nước quên tình nhà.
Thực ra chuyện “không bỏ thuộc cấp” như Tango là tư cách buộc phải có của các cấp chỉ huy, QL/VNCH (nói chung) có hằng ha sà, mà TQLC (nói riêng) lại là đại đa số nên gần như toàn bộ cấp chỉ huy đều ở lại cùng anh em và rồi vào tù CS là một chứng minh cụ thể, nhưng ít ai muốn kể lại những trường hợp “bình thường” đó.

Chuyện khôi hài và không bình thường là hằng năm cứ vào Tháng Tư, báo ngoài đường lại đăng những câu chuyện mà các tác giả tả lại việc tìm đường ra đi vào những ngày cuối Tháng Tư ở phi cảng, phi trường nào đó. Ông thì bám mỏ neo, ông trèo lên đuôi L.19, ông lon to chạy đến DAO được cu-xê (QC) mũi lõ vạch rào kẽm gai cho chui vào, còn ông nọ, lon nhỏ không được vào, đứng ngoài gào thét đ.m. mày “thằng kia”. Rồi khi các ông tới bến bờ tự do, được anh mắt xanh lột lon, lột quần áo, tước vũ khí, xịt DDT lên đầu! Các ông hãnh diện kể lại tỉ mỉ gọi là những chuyện chưa ai biết!!!

Báo Người Việt tại Little Saigon đã đăng ít nhất 3 loạt bài với nội dung như thế này, nhưng tôi thấy không cần viết tên họ là những ai. Biết làm gì những sự thật lên men đó! “Đẹp tốt khoe ra, xấu xa che lại”, hay ho gì mà viết ra ?

Chuyện nên biết và phải biết là:
Sáng 30/4/75, hơn 60 người lính sống sót của TĐ.82/BĐQ từ Long Bình được lệnh kéo về phòng thủ SG, vừa di chuyển vừa chiến đấu. Trưa 30/4 trên đoạn cuối QL1, một cuộc hỗn chiến loạn đả xà bần với VC và cuối cùng TĐ.82/BĐQ hết đạn hết người vừa khi Tổng Thống 3 ngày ban lệnh đầu hàng! (Vương Mộng Long, tập san BĐQ số 20).

Chuyện nên biết là:
13 giờ trưa 30/4, một toán TQLC vẫn còn tiếp tục chiến đấu trên xa lộ SG-BH tại ngã ba Giồng Ông Tố rồi số phận họ cùng biến mất trong xóm đạo Phú Hữu.
Trở lại câu chuyện Đại Bàng Tango Nguyễn Thành Trí:
Ngày 29/4/2007, người viết được nghe ông Quốc Việt, trưởng đài SBS radio (the many voices of one Australia) phỏng vấn Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại về “Can Trường Trong Chiến Bại”, trong đó ông Quốc-Việt có nhắc tới Tango nên tôi xin phỏng vấn lại ông Quốc Việt, một người từ nước Úc xa xôi.
 
Quốc Việt-MX Trần Như Hùng:
- Chào ông Quốc Việt, xin hỏi ông quen biết Tango Trí trong trường hợp nào?
- Quốc Việt: Biết thì có chứ chưa được phép quen, nói chính xác thì tôi có dịp đến gần ông Tango hai lần, một lần “bị gần” và một lần “được gần”, hai lần cách nhau 30 năm.
- Ngôn ngữ nhà truyền thông có khác! Xin ông hé cho xem một tí hình ảnh cũ của ông và cho nghe một tí về cảm nghĩ của ông đối với Tango.
- Tôi tên thật là Trần Như Hùng, thuộc TĐ8/TQLC Ó Biển. Chuyện tôi “bị gần” Tango là vào cuối năm 1973, Phu Nhơn, Ó Biển đầu đàn, cho lệnh tôi đem trung đội về bảo vệ Bộ Tư Lệnh ở Hương Điền (Huế) với lời hăm he:
- Bất cứ xẩy ra chuyện gì để mấy “Mặt Trời” cự nự là tao cắt cổ mày.

Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng, một ông ở phòng ANQĐ thấy mình rất oai, kiếm chuyện “vui chơi” với tôi nên ông bị sặc máu mũi còn tôi vào cũi QC202.
Rồi tôi trình diện ông xếp ANQĐ, giải quyết không xong, QC202 còng tay dẫn tôi lên ông xếp khối CTCT. Chính trị cũng không trị được “thằng bất trị” nên tôi bị QC dẫn lên gặp Tango.

Đứng ngoài chờ ông CTCT vào trình bày, tôi nghe tiếng đập bàn:
- “Thằng nào về đây mà dám du côn, cao bồi? Đưa nó vô đây”.
Vào trình diện, Ông ngó tôi chằm chằm một lúc rồi phán:
- “Cái mặt học trò mà muốn có bộ giò ăn cướp hay sao mày?”
Nghe tôi trình bày xong thì Tango nhếch mép mỉm cười:
-“Đúng là thằng ngu hết cỡ, hết chỗ rồi sao mà về đây đánh lộn”?
Rồi Ông gọi Đ/Úy Triệu QC202:
- “Đem thằng Th/Úy cao bồi này nhốt nó 7 ngày cho tôi”.

Tới ngày thứ ba, Đ/Úy Triệu, theo lệnh ông “Phật sống” (lời ông Triệu) đến mở cửa ngục tha cho “quỷ sứ” tôi về đơn vị.

Tôi nhớ hoài cái nhìn và nụ cười mỉm của Ông. Không phải vì ông phạt nhẹ mà vì Ông “dạy” đàn em chứ không nạt nộ hù dọa như những bậc “tiền bố”. Từ đó trải qua bao sóng gió, sau 30/4, nghe tin Ông cũng ở lại và chịu cảnh tù đày tang thương, rồi nhận Houston làm quê hương tạm dung, tôi ước ao được một lần nhìn lại ông.

Hơn 30 năm sau, Tháng 7/2004, từ nước Úc xa xôi, tôi cố về tham dự đai hội TQLC tổ chức tại Houston, nhưng với mục đích chính là nhìn ngắm Tango.
Ông ngồi đó, hàng ghế đầu, trông Ông vẫn hiền từ như xưa nhưng có vẻ mệt mỏi hơn. Tới phần bầu Tổng Hội Trưởng để thay thế Đại Bàng Cao Bằng, chẳng ai bảo, chẳng ai nhắc, bất thình lình như cái máy, tôi dơ tay đề cử Tango và dĩ nhiên ông “bị” đắc cử. Tôi đến đứng nghiêm chào ông, tự giới thiệu là thằng Th/Úy “mặt học trò cặp giò ăn cướp”, Ông nhận ra và mỉm cười hiền lành hỏi thăm tôi đủ điều, cuối cùng Ông trách nhẹ:
- Anh giờ già yếu rồi, muốn nghỉ dưỡng bệnh thôi, vậy mà em kéo anh ra làm chi, sao không để người khác làm?

Trần Như Hùng tôi chỉ biết cười trừ, xin Ông hy sinh để anh em có đầu tầu dẫn dắt. Trong suốt buổi tiệc tiền đại hội, một TQLC khác, tục danh “Lạt Ma” đứng tại cửa ra vào xin tất cả MX đến tham dự ký tên vào tấm bản đồ Việt Nam, khi tấm bản đồ đã kín chữ ký, anh ta trịnh trọng mang tấm bản đồ tặng lại ĐB Tango. Thấy hành động có vẻ là lạ, tôi hỏi “Lạt-ma” Khá-Lạt thì Ma giải thích:
 
MX Nguyễn Kha Lạt:
- Ngày 30/4/75, tôi dẫn Tiểu Đoàn khóa sinh của Trung Tâm Huấn Luyện ra phòng thủ trước cửa căn cứ Sóng Thần, đến khoảng 1 giờ, Tango đi ngang, thấy chúng tôi còn đứng lớ ngớ, Ông hỏi sao các em không về đi, lúc đó chúng tôi mới rõ sự tình! Cảm động trước tấm lòng ưu ái ấy dẫu cho khi đó “bức dư đồ đã rách” nhưng Ông vẫn giữ tư cách của cấp chỉ huy, không quên thuộc cấp. Những người lính tân binh ngày xưa ấy nay không biết ở đâu nên tôi thay mặt họ xin những chữ ký này tượng trưng cho người vắng mặt để gửi lời cám ơn muộn màng lên Đại Tá Tư Lệnh Phó Tango.

Những “Th/Úy cao bồi Quốc Việt, Tr/Úy Lạt Ma Kha-Lạt” chẳng phải hiền lành gì, chỉ thua có Satan, những chuyện đã qua 30 năm mà họ còn để bụng!
Khiếp quá! Ai khuất phục được họ ắt phải là cao tay ấn hoặc có tấm lòng đại lượng.
Một MX khác, tuy không thuộc dạng “cao bồi” nhưng vốn thuộc lớp trẻ cứng cổ, đó là Long Hồ Lê Quang Liễn, đã gửi cho người viết một email nhu dưới đây:
 
 
MX Long Hồ Lê Quang Liễn:
Tango đã trên 70 rồi, đau nhức phải mổ gân vai mà vẫn phải đi làm, chứng tỏ Ông Tư Lệnh Phó của tôi cầm tinh tuổi “nghèo rớt mồng tơi”, nhưng vẫn gắn bó với anh em. Đầu tháng 7/2003, không quản ngại thân già đã cùng anh em TQLC lái xe từ Houston đến Washington D.C để đi diễn hành trên đại lộ Constitution dưới quốc kỳ VNCH. Vì đức tính hiếm quý của một cấp chỉ huy nên tôi không ngại ngùng mà “điếu đóm” cho ông. Điếu đóm không hẳn là chữ V “victory nằm ngang” của những chuyên viên thượng cấp vận, mà tôi chỉ biết mang café & donut lên tận phòng cho “Ông Thầy Tango”.

Cùng quan điểm với LQ Liễn là MX Nguyễn Cao Nghiêm, gốc TĐ1, thường có cái nhìn sắc như dao, nhận xét về người chỉ huy cũ của mình:
- Tango là một cấp chỉ huy thanh liêm, một đàn anh không biết trù dập thuộc cấp.
 
MX Quân Y Nguyễn Văn Dõng:
Nhớ thuở tôi còn theo chân đoàn Cọp Biển Quái Điểu với Đại Bàng Tango Nguyễn Thành Trí, xuôi ngược trên các dòng kinh rạch khu Vị Thanh, Hỏa Lựu (Chương Thiện) năm 1969, khi đổ bộ tại Năm Căn, và truy lùng VC từ Đầm Dơi, Cái Nước (Cà Mau), đến Rạch Sỏi, Rạch Giá, tôi vẫn còn là một tên “lính mới tò te” chưa bao giờ được sống cuộc đời lính chiến thật sự, nên rất rụt rè.

Tôi đến nhận trung đội quân y TĐ1/TQLC thay thế BS Trần Hùng Hải, sau trận Phước Tân, Tây Ninh, khi TĐ1 về nghỉ dưỡng quân ở một địa điểm (Tân Qui) ven biên Sài Gòn.

Trình diện Tiểu Đoàn Trưởng Tango xong, tôi cảm thấy nhẹ nhàng, vui vẻ, yên tâm. Vì Đại Bàng Tango là một người trẻ, trông rất thư sinh lại duyên dáng, nhỏ nhẹ và thân mật. Con Cọp Rằn đầu đàn nầy làm tôi bâng khuâng, trước đây tôi thường nghĩ: “Cọp Biển, cọp sông gì thì cũng vẫn là những “ông 30”, ai chạm mặt cũng phãi nổi da gà”. Nhưng nay chạm mắt mới thấy Cọp Biển nầy sao có vẻ hiền lành, hiền như mấy con mèo dễ thương của mấy bà học làm sang nuôi dưỡng, bồng bế, nựng nịu. Cọp Tango nầy quả thật là nho nhã, nhiều vẻ nghệ sĩ hơn chiến sĩ! Nhưng thật sự ông lại là hạng chiến sĩ thượng thừa chứ chẳng phải tầm thường. Thế mới biết sự đời thấy vậy mà không phải vậy...

Được phục vụ dưới trướng một cấp chỉ huy như thế còn đòi hỏi gì hơn khi về với một binh chủng mang tiếng là ba gai, ngang tàn, nhưng trứ danh là “con dì phước” vì quân nhân các cấp đều là

“Những người chinh chiến bấy lâu,
Nhẹ xem tính mệnh như màu cỏ cây”. 
(Chinh Phụ Ngâm)

Họ không khi nào lui bước trước cường địch trên khắp các chiến trường. Vì thế nên họ mới dựng lại Quốc Kỳ trên thành Huế, dựng lại Quốc Kỳ trên Cổ Thành Quảng Trị. Những chiến công của họ không bao giờ mờ phai trong sử sách, gương sáng cho hậu thế, không thẹn mặt với tiền nhân.

Được phục vụ dưới trướng một cấp chỉ huy như thế còn đòi hỏi gì hơn. Tango tuy trông vẻ thư sinh, đầy tính nghệ sĩ, tác giả những lởi ca :

... Dìu gót son ai, mộng bóng chương đài.
Thương yêu nầy xin gởi cho mây bốn phương trời...
Nhưng nếu có ai đó lỡ nghe qua những lời ca đầy mộng với mơ trên đây, lại tô thêm một tình cảm ướt át sẽ khó lòng tin rằng tác giả là một ông Cọp Rằn.
Nhưng đã bảo rồi, coi vậy mà không phải vậy, Đại Bàng Tango cùng với Đại Bàng Sài Gòn Tôn Thất Soạn (thời gian đó đang là Chiến Đoàn Trưởng CĐ B/TQLC) đều có cái phong độ mà Nguyễn Du mô tả qua câu thơ: “Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa”. Tuy phong nhã đấy, hào hoa đấy nhưng cả hai đều là những cấp chỉ huy tuyệt vời ngoài chiến trường, là những cây gai, những nỗi lo sợ, e ngại cho VC, nếu không muốn nói là những khúc xương rất khó nuốt. Một khi đã lỡ gặm vào là chúng bị nghẹn họng mà thác./.
 
MX Tô Văn Cấp:
Là một cấp chỉ huy tác chiến, luôn phải đối phó với hiểm nguy để duy trì bảo vệ mạng sống cho thuốc cấp nên rất cần duy trì kỷ luật đơn vị, vì thế chuyện có người thương kẻ ghét là việc bình thường, cấp chỉ huy nào đạt được 75% sự mến phục của thuộc cấp là đã thành công, xứng đáng mang trên ngực một huy chương “tài-đức”, một loại huy chương cao quý hơn bất cứ loại nào có hai mặt.

Theo tỉ lệ phỏng vấn ở trên thì có đến 90% đàn em MX, lúc nào và ở đâu cũng sẵn sàng đứng nghiêm, kính cẩn đưa tay chào Tango, chấp hành mệnh lệnh.
Phần còn lại là 1% thì thuộc về người viết, vì không biết thi hành lệnh của Tango.

Tôi chưa từng phục vụ trực tiếp dưới quyền Ông và hầu như không được tiếp xúc với Ông bao giờ nên không biết phải nói về Ông như thế nào? Tuy nhiên, có một lần, một lần đầu và cũng là lần cuối, Ông Tango ra lệnh cho tôi nhưng tôi đã từ chối thì hành:
Khoảng 10 giờ sáng ngày 30/4/1975, Tango đưa được toàn bộ các đơn vị TQLC về tới Căn Cứ Sóng Thần, Ông họp các đơn vị trưởng tại Bộ Chỉ Huy căn cứ, cho lệnh các đơn vị vẫn nắm vững tay súng. Sóng Thần là cứ điểm cuối cùng của TQLC. Khi ông Dương Tông Tông tuyên bố đầu hàng, ra lệnh Quân Đội VNCH buông súng và chờ đón người “anh em” phía bên kia đến để bàn giao thì Trời bỗng đổ cơn mưa rào, trong phòng họp tại BCH/CCST, Tango ngước mắt lên trần nhà trong giây lát rồi nghẹn ngào nói:
- Mọi chuyện đến đây đã xong, thi hành lệnh của Tổng Thống, anh em cho quân nhân các cấp buông súng về với gia đình. Chúc tất cả may mắn, bằng an.
Ông cho tìm CHT căn cứ (Tr/Tá Ân) nhưng không có, ông quay sang tôi ra lệnh:
- Cấp ở lại bàn giao căn cứ cho…”

Có lẽ Tango chưa biết Th/Tá H… đã thay tôi làm Chỉ Huy Phó, còn tôi thì đã được lệnh ra trình diện ngoài hành quân (ĐN) gấp vào ngày 19/3 để rồi 29/3 bám theo gót Tango bơi ra biển, lên tàu, xuôi Nam, Vũng Tàu, rồi lui về Sóng Thần. Tango tưởng tôi vẫn còn là CHP nên mới ra lệnh cho tôi: “Ở lại bàn giao”!

Bàn giao cái gì? Bàn cho ai!
“Cái nhà là nhà của ta, công khó ông cha làm ra, bỗng dưng nó vào cướp lấy”! Tại sao lại phải bàn giao cho chúng cái của tôi?

Tôi toan cãi lời, nhưng thôi, vì giọng Ông nghẹn ngào, ra lệnh xong Ông ngước mặt nhìn trần nhà như để nuốt trôi những đau thương! Gỗ đá trong hoàn cảnh này cũng còn phải đổ mồ hôi huống chi là người lính bị bắt buông súng nên tôi đành lặng câm.

Trong thâm tâm, tôi nghĩ Tango chỉ lập lại lời của Dương Tông Tông, người “hùng” vừa đòi trèo lên làm TT đã tụt xuống rồi ra cái lệnh bắt thuộc cấp tự trói tay để nạp mạng!

Thôi đành bất tuân lệnh của Tango, tôi bỏ đi cùng Trâu Điên Trưởng Trần Văn Hợp về hậu cứ của TĐ2, cũng nằm trong căn cứ Sóng Thần, để hai thằng dựa lưng vào nhau mà chờ “ở một nơi dễ tìm thấy Thiên Đàng” như lời nhà văn Huỳnh Văn Phú.

Súng nổ đì đùng ngoài căn cứ về hướng Đông (Dĩ An) và hướng Tây (Lái Thiêu) nhưng trong căn cứ thì “thanh bình” đến lạnh người! Anh em đã về nhà cả rồi,
Hợp và tôi nhìn quanh doanh trại lần cuối rồi cũng về nhà ở Thị Nghè vào khoảng xế chiều.

Đoạn đường Thủ Đức-Sàigon sao hôm ấy xa quá! Cái nắng gay gắt trên trời dội xuống, cái nóng từ dưới xa lộ bốc lên, chúng tôi lê lết đôi chân không giầy, mồ hôi và nước mắt bắt chúng tôi phải cúi mặt.

Nghe súng nổ, ngước lên thì đã tới ngã ba Cát Lái, “Giồng” Ông Tố, tôi giật mình ngước lên, nhìn thấy ai… hình như Tango đang lầm lũi đi phía trước trong cô đơn! Như vậy Tango và chúng tôi là những người sau cùng rời căn cứ Sóng Thần. Từ phía sau lưng, dù Ông không thấy, không biết có chúng tôi theo sau, nhưng tôi vẫn mạnh dạn đưa tay lên chào Tư Lệnh Phó theo đúng quân phong quân kỷ.

Xin cám ơn tất cả các MX đã cho tôi ghi lại những ý kiến của các anh về TQLC Tango Nguyễn Thành Trí để làm kỷ niệm. Đây là ý kiến của những nhân chứng sống, các anh đã và đang kéo cày ở ngay trên đất tạm dung này.

Đúng như lời chàng Lý Khải Bình nói:
- Nếu không hỏi bây giờ, một mai các anh “đi rồi” thì biết hỏi ai?
Cố quên đi những người đáng quên cho đời thêm vui, nhưng còn những Đại Bàng, điển hình như Tango mà cũng quên thì lấy gì để làm gương cho thế hệ mai sau?

TQLC Tango-Đại Tá Nguyễn Thành Trí
(Hình:L-R: Phạm Cang, Gia Quyết, ĐB Tango, G Nhân, Trần Hùng)

(Hình: L-R: Nam, Nguyễn Ngọc Loan Ninh, Tây Đô, Đồ Sơn, Phu Nhơn, Tango)

(Tango và gia đình MX diễn hành ngày độc lập Hoa Kỳ ở Washington DC - July 4th 2003)
 
Tình Người Viễn Xứ
Bình minh nắng ấm nơi này
Lạnh lùng băng tuyết rơi đầy phương nao
Nhớ người nhạc sĩ năm nào
Gửi vào ý nhạc biết bao là tình
Khoác lên mầu áo chiến binh
Vì yêu non nước, quên mình bao năm
Giờ đây lặng lẽ âm thầm
Đếm thời gian với dư âm thuở nào
Vùng trời kỷ niệm năm nao
Còn trong tiềm thức dạt dào tâm tư
Bên khung cửa những mùa thu
Lá vàng rơi nhẹ như ru vào hồn
Cho niềm cảm xúc trào tuôn
Lên từng cung bậc như nguồn suối êm
Du dương thánh thót bên thềm
Tiếng chim nào hót lòng thêm bồi hồi
Quê hương nay đã xa rồi
Bao năm vẫn nhớ một thời đã qua
Dù trong lòng mãi xót xa
Dù trong tim vẫn thiết tha nhớ về
Ra đi chưa trở lại quê
Gửi vào dòng nhạc lời thề núi sông
Tình quê mang nặng trong lòng
Người nơi viễn xứ vẫn mong ngày về
----------------------
Đỗ Chí Hiếu
Melbourne 28 tháng 2 năm 2021
Kính tặng Đại Bàng Tango Nguyễn Thành Trí (Nhạc sĩ Trang Thủy)
Bài thơ thể hiện hình ảnh can trường của một chiến sĩ hào hùng và cũng là một nhạc sĩ tài hoa sẽ còn mãi trong lòng của những người yêu mến Tango
 --------------------------------------------
 
More:
 

No comments: