Có nghĩa là còn những gì lưu dấu tình cảm, nhưng tình cảm kỷ niệm khi về nhìn mấy thằng công an trước mắt mình nó hoạnh họe dân chúng, đồng bào mình hay ngay cả chính mình. Nó bắt nạt con cháu mình trước mặt mình, những hành động ấy nếu bạn là người ngay chính thì có tức không ?
"Giữa đường gặp chuyện bất bình mà tha." Câu châm ngôn mình được thầy giáo, cô giáo thời Việt Nam Cộng Hòa dạy thấm sâu vào tâm hồn mình, bây giờ mà làm sao mình quên được. Trước những bất công, tồi bại của bọn cướp ngày cán bộ, công an Cộng Sản mà mình cúi mặt, lặng im thì con người mình đúng là kẻ hèn mạt.
Ngay hôm nay, sống trên đất Mỹ, Úc, Canada...hằng ngày nghe qua tin tức qua các mạng truyền thông về những cảnh cướp đất, cướp nhà, cảnh mấy thằng công an đánh đập những em học sinh, đánh chết những người dân như kiểu bà Nguyễn Phương Hồng và hai người tên gì đó mấy ngày qua trong tập đoàn Vạn Thành Phát đã làm mình tức ứa máu.
Tiếc rằng ta là những trượng phu, những trang anh thư mà đã đớn đau nhục nhã khi không làm gì được để cứu đồng bào mình. Đi về VN để hưởng thụ rằng ta là Việt kiều giàu có, lên xe xuống ngựa, để khoe khoang, để gái gú thì thật là một con người tệ lậu nhân cách.
Về Việt Nam để xài phí , du lịch là cách gián tiếp đóng góp dollar cho bọn VC mua thêm súng đạn, dùi cui để đàn áp đồng bào thì về làm chi ??!!!
( Q.L. )
Comment:
----------------------------------------
PLEIKU VÀ NỖI NHỚ (1)--Quý Lê
Đi đâu rồi cũng nhớ về chốn cũ...Một buổi chiều nao lòng bỗng bâng-khuâng...Mấy chục năm sống trên đất Mỹ không còn ưu tư, không còn lo lắng bất cứ thứ gì. Cuộc sống trên xứ Mỹ này của người Việt Nam tị nạn chúng tôi chẳng khác gì đã về được đất hứa , promise land mà ngày xưa người Hebrew đã tìm vào đất Canaan, để tìm mật ngọt và sửa tuơi.
Thế mà lòng mình thỉnh thoảng vẫn nhớ về cái xứ nghèo nàn Pleiku ngày nào. Cứ mỗi lần nghe ai cất lên hát 'phố núi cao, phố núi đầy sương..." là lòng mình nghe nhự quặn thắt thương nhớ. Thế là từng góc phố, từng đoạn đường Hoàng Diệu, Lê Lợi, Trịnh minh Thế hiện ra...Những ngõ nghếch ngày xưa vào những nhà người thân thương hiện rõ. Hẽm Lê Lợi bên trường Minh Đức. Hẽm Thanh Long nơi có lò vỏ của ông Thanh Long dạy. Góc nhà cạnh Phòng Thông Tin nơi có lớp học đêm của ông Thầy Vinh và Thầy Hồng nhà chị Tự mà hằng đêm tôi đã học để thi băng Trung học Đệ Nhất Cấp năm 1963.
Phố Núi Pleiku đã in đậm thời gian để soi bóng đời mình. Có thể nơi đây nhỏ nhoi, quê mùa, hẹp hòi của một miền quê hương xứ Thượng, nhưng đâu có ai sinh ra đã là to lớn vĩ đại bao giờ ?!!.
Con người không cần biết xuất xứ nơi đâu, không cần tìm họ đã xuất thân từ một gia đình thượng lưu , quý phái nào, nhưng đời sống người ấy được thể hiện từ một nhân cách cao vời, một lòng vì tha nhân tỏa sáng. Những thứ đó mới thật sự cần thiết cho con người. Chúng tôi may mắn được trưởng thành bên bờ nước của một Biển Hồ thầm lặng năm tháng im lìm soi bóng ngàn sao, giữa núi rừng hoang lạnh chứng tỏ một sự chịu đựng nhẫn nhục thâm trầm, một trơ gan cùng tuế nguyệt dù cảnh đời có dâu bể, đổi thay.
Bên cạnh một núi Hàm Rồng, nếu so sánh với Everest trên dãy Hy Mã Lạp Sơn thì cũng bình thường nhưng giũa một xóm làng đơn thuần mà mình biết vươn lên. Một đứa em nhỏ khi còn trong một làng quê nó là người tài tình, thông minh hơn những đứa trẻ khác. Khi hội nhập vào một xã hội, môi trường rộng lớn hơn, nó trở thành kẽ cao lớn hơn . Đó là điều chắc chắn.
Pleiku của chúng tôi đã nuôi lớn, đã mang đến trưởng thành cho bao người, là niềm kiêu hãnh đối với muôn phương khi Pleiku hội nhập vào môi trường sống ấy. Nên khi ai nhắc đến Pleiku, tôi thường tự hào : Đây là vùng địa linh sinh nhân kiệt đã có từ thế kỷ trước, hiện nay, và mai sau...!!!!
( Q. L. )
PLEIKU và NỖI NHỚ (2)--
Nói chuyện với bạn Pleiku về Pleiku.
Cafe Vị Thủy nằm cạnh khách sạn Thanh Lịch, cũng gần lớp học tư luyện thi của Thầy Vinh, Thầy Hồng. Cô Lan so với mình hơi nhỏ tuổi. Tôi biết rõ cả ba cô ta nữa mà. Ông cụ dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm làm chức Trưởng Cuộc Công An của tỉnh Pleiku. Cô lan thời đó cũng đẹp lắm.
Phải nói Pleiku thời đó là thành phố của các quán cafe. Trời Pleiku lạnh, mờ sương, nơi của những lính trận xa nhà. Từ các tiền đồn hay mặt trận khi ghé lại Pleiku là uống rượu hay caphê nhìn mấy giai nhân cho đỡ những năm tháng cô đơn nơi rừng sâu núi thẳm.
Pleiku là nơi nhóm hội của nhiều tao nhân mặc khách. Theo nhà thơ Nhất Tuấn chữ dùng của ông với Phố Núi miền cao này , nơi đây là nơi của những " Nai tơ nhóm hội " nẽo đường biên khu. Ý nói tất cả những lứa tuổi trên dưới hai mươi đều quân tụ về đây trong những chiếc áo lính phong trân. Họ là những kiếm khách dải dầu sương gió , lửa đạn trong thời đất nước lao lung. Nhưng thật ra, Pleiku là một trong bốn cứ điểm chiến thuật chiến lược quan trọng có bộ tư lệnh Quân Đoàn Hai đóng. vì thế tướng, tá, úy, hạ sĩ quan, binh sĩ tập trung về đây ở cũng nhiều. Dời lính đi đâu mang theo gia đình vợ con đến đó. Nên vào những năm trước 1975, nhiều nhân tài, tướng tá quân đội, những nhà thơ như nỗi tiếng như Dương Diên Nghị, Du Tử Lê, Kim Tuấn, Vũ Hữu Định, Định Giang, Đinh Vũ... Nhiều nhà văn cũng qua đây trong đời sống của người lính.
Có thể kể đến có hằng vạn nhà thơ, nhà văn một thời đã lên sống với đất này. Những sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa lúc ấy, đại đa số họ là những tao nhân mặc khách sinh ra trong thời loạn lạc nên họ phải đi lính. Bên cạnh cũng có những nhà thơ, nhà văn là thầy giáo ở các trường trung học nơi đây. Từ đó con cái họ " Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh" như Việt Dũng , một nhân tài cả nhạc lẫn thơ, văn là con của một bác sĩ đã từng phục vụ tại Quân Y Viện Pleiku. MC nỗi tiếng Thụy Trinh , một người đẹp vang bóng một thời đang sống ở Nam California , Mỹ cũng đã được sinh ra từ đất Phố Núi....
Từ đó bao cô nàng nữ sinh các trường, nhất là từ trường Trung học PleiMe là những người đẹp, những cánh bướm tinh khiết, thanh bai đã không hề thua kém các nàng của Đồng Khánh , Huế hay Bùi Thị Xuân, Đa lạt... cũng áo dài trắng e ấp bên mái tóc thề đen dày cuồn cuộn ngang vai, ngày hai buổi đi về trên con đường Trịnh Minh Thế, Lê Lợi, Quang Trung..Dù trong lửa đạn, dù trong chiến tranh với bao trôi nỗi nay còn mai mất, nhưng người Pleiku vẫn có một gương mặt đẹp, an bình trước bao thăng trầm với vận nước.
Pleiku muôn đời vẫn đẹp trong tôi.
( Q. L. )
PLEIKU và NỖI NHỚ (3) - Quý Lê
"Phố núi cao, phố núi đầy sương
Phố xá không xa nên phố tình thân..."
Không biết sao mỗi lần nghe ai cất lên những âm hưởng hay hát những câu hát trên, lòng tôi thấy bồi-hồi, xúc động lạ. Cả một thời kỷ niệm của những năm tháng thanh xuân, những ngày tươi trẻ hiện về trong tôi. Âm ba đó hầu như réo gọi, nhắc nhỡ về nơi chốn xưa, thành phố đã từng cho tôi hạnh phúc và đau buồn. Pleiku được mệnh danh " Phố NÚi CAO", nơi tôi hằng thương nhớ mỗi bận đi xa chưa kịp về. Hôm nay, dù tận bên ni bờ Thái Bình Dương, nơi vùng Bắc Mỹ xa xôi, tôi vẫn nhớ nhung khôn nguôi về nó.
Pleiku, một phố nhỏ miền cao nguyên Gia Lai, một vùng lãnh thổ phía tây đất Việt, dọc biên giới Lào, Kampuchia, quê hương của đồng bào thượng Jarai, Bana, Se-đăng...Pleiku cũng là tên của một làng Thượng gần kề bên thị-xã, theo tiếng Jarai "Plei" là cái đuôi và "ku" là trâu. Tên Pleiku là "đuôi trâu". Tục lệ của người Thượng Jarai, mỗi năm vào mùa thu hoạch lúa rẫy, họ tổ chức lễ cúng Giàng (Giàng=trời) để tạ ơn trời đất đã cho họ "cái lúa" , "cái ngô" để ăn nên họ cúng lễ lớn bằng những con trâu. Sau khi tiệc tùng, để lưu niệm họ gom bao nhiêu cái đuôi trâu lại và treo lên nhà rông (đình làng). Buổi lễ ấy cũng như lễ " Thanksgiving" của người Mỹ. Làng này đã cúng nhiều hơn các làng khác nên được có cái tên là Pleiku.
Trước thế kỷ hai mươi, rất ít người Kinh từ miền xuôi như Bình Định, Tuy Hòa lên đây làm ăn, buôn bán hay lập nghiệp. Pleiku lúc bấy giờ là nơi sơn lam, chương khí, núi rừng điệp điệp, trùng trùng, đường sá đèo cao suối cả đi lại khó khăn. Những ai từ miền xuôi mao hiễm lên mạn ngược này, ngày về chắc cũng xa vời như đường lên xứ Lạng ngoài Bắc, " Ai lên xứ Lạng cùng anh. Tiếc công cha mẹ sinh thành ra em." Khoảng cuối thế kỷ thứ mười tám, anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ từ ấp Tây Sơn, Bình Định dưới đèo An Khê, bất bình trước cảnh quân nhà Thanh xâm lược, đã chiêu binh mãi mã, vượt qua thác đèo, núi rừng hiễm trở để lập căn cứ quân sự tại An Khê. Từ đó, dân Kinh mới có vài làng mạc định cư ở miền cao nguyên này. Nơi đây trở nên đầu cầu để có sự tiếp giao với các buôn bản, bộ lạc người Thượng của người Kinh. Tuy An Khê cũng nằm trong lãnh thổ Tây Nguyên, nhưng An Khê vẫn còn cách xa Pleiku cả trăm cây số đường rừng. Vào một thời buổi mà mọi di chuyển chỉ nhờ vào đôi chân, thì Pleiku, An Khê vẫn còn cách xa diệu vợi.
Qua một vài văn kiện, chiếu chỉ của triều đình nhà Nguyễn, Pleiku là một nơi thuộc Hoàng Triều Cương Thổ. Dưới thờ Pháp thuộc, các vì vua nhà Nguyễn đã dành cho người Thượng vùng này một chính sách tự trị rộng rãi hơn bao giờ.
Pleiku nằm trên độ cao khoảng 1000 mét so với mực nước biển, bao quanh bởi núi rừng. Khí hậu Pleiku mát mẻ như Đà-Lạt, chỉ khác đất Pleiku là đất ba-gian, do phún xuất thạch của các thời đại địa chấn trước đây đã tạo thành một vùng cao nguyên màu mỡ. Thời tiết Pleiku có hai mùa mưa nắng thuận hòa. Khi cả nước hầu như đang chịu cảnh bão lụt hoành hành, cao nguyên Gia Lai vẫn bình an trong căn nhà sàn ấm cúng, bên ngọn lửa bập bùng với những ghè rượu cần thắm đượm tình quê. Pleiku nối miền duyên hải Quy Nhơn bằng con đường Quốc lộ 19. Con đường chạy qua hai đèo An Khê và Mang-Giang nguy hiểm. Mang-Yang theo tiếng người Thượng có nghĩa là "Cổng Trời". Nếu có một lần khách ghé về Pleiku qua đường 19 từ Quy Nhơn, đèo đầu tiên là An Khê, đèo thử thách. Con đèo này lên cao chót vót. Cứ sau vài phút xe chạy qua, nhìn trở lại con đèo, ta thấy dưới kia suối đồi, núi rừng sâu thẳm. Sau khi vượt qua đèo An Khê, mọi người tưởng như đã hú vía, không còn gì phải lo âu trước mặt; nhưng không, chỉ vài chục cây số nữa khách lại phải đối đầu với những kinh dị sững sờ: Mang Giang trước mặt. Trên chặng đường phía trước "Cổng Trời" , con đèo xuất hiện trên cao. Xe bắt đầu giảm vật tốc, gầm gừ nhả khói. Hành khách và tài xế im lặng theo dõi từng mét đường đi qua. Ngoài sự sợ hãi, e dè, không ai không tỏ ra khâm phục tạo-hóa vẽ nên cảnh hùng tráng của nước non, càng đi lên, càng sương khói mịt mùng; gió lạnh cao nguyên xua vào làm ai-ai cũng rờn-rợn. Một vùng thiên-la-địa-võng hiện ra. Không biết Từ Thức ngày xưa lạc vào thiên thai như thế nào, chứ khách về Pleiku chiều nay trên chuyến xe đò qua đèo Mang Giang cũng thấy mình đang lạc vào nơi chốn nào vượt xa thế-tục. Những ngày tháng chiến chinh thăm-thẳm, tuổi trẻ chúng tôi cứ tiếp nối những cuộc hành quân ngày nọ tháng kia, thui-thủi với núi rừng, suối đồi, đèo cao, dốc cả. Mỗi bận sáng mai sương khói hay đường chiều mưa đổ u buồn, kẻ chinh nhân chúng tôi đã từng ngâm lên những vần thơ trác hận:
"Mang Giang mưa đổ mỗi chiều.
Đoàn xe trổi nhạc về đèo núi xa.
Ta cười, ta khóc riêng ta.
Một vùng thế-kỷ, xót xa một mình"
Pleiku cũng còn có Quốc lộ 14 nối liền Đắc Lắc để đi Saigon. Hai tuyến đường 14, 19 cho Pleiku nối tình muôn phương bằng các chuyến xe đò sáng sáng, chiều chiều xuôi ngược hay những chiếc xe tải hàng hóa đi về. Miền xuôi cho Pleiku cá biển, cá sông, những hàng tươi giá hạ của vùng châu thổ. Pleiku hay Tây nguyên đổi lại bằng thơm, mít, chuối, đu-đủ, khoai, sắn, ca phê, trà, cao su.... Những loại gỗ quý như cẩm lai, hương...là những thổ sản của núi đồi cao nguyên thân thuộc. Nhiều, nhiều lắm, nhất là Pleiku là sản phẩm của yêu thương; người dân nơi đây dù Thượng hay Kinh luôn luôn hiền hoà, hiếu khách, thành thật, trung hậu.
Vùng đất thành phố Pleiku khu trú là gồm đồi và lũng, nên du khách có thể thấy có lúc các căn phố phô diễn trên đồi cao nhưng cũng có lúc bẽn-lẽn, e-ấp như nàng sơn nữ diễm kiều che khuất mình trong chòm cây bên suối. Con đường từ ngã ba nơi hai con lộ 14, 19 giao nhau, chạy về cầu Hội-Phú là khởi điểm hạnh phúc cho kẻ xa nhà sau bao tháng năm ngược xuôi giờ đây chờ giây phút trùng phùng hội ngộ. Gương mặt kẻ trở về ánh lên niềm rạng rỡ tươi vui hình ảnh mẹ già ra ngõ đón con về, em gái hân hoan ra xách chiếc va-li mừng anh trở lại làm cho ai đó sung sướng dâng trào. Những ngày ấy, hoặc trên chuyến xe đò của cuộc đời sinh viên từ Saigon về thăm cha mẹ, hoặc trên chiếc xe nhà binh từ trận địa trở lại gia đình thăm người vợ thân yêu và đàn con thương mến. Con đường trải nhựa láng tinh, hai bờ đất đỏ nâng cao hai vệ đường, mang lại cho tôi một nguồn suối ấm êm sau những ngày tháng cô đơn, gian nguy, cực nhọc.
Diệp Kính là khu vực vui nhộn của con phố nhỏ này, nơi đây có rạp chiếu bóng mang tên Diệp Kính và công viên đằng trước làm nơi hẹn hò cho bao trai thanh gái lịch. Thuở còn là một anh học trò nhỏ lớp 6, lớp 7, những chiều rãnh rỗi tôi cùng một hai đứa bạn ra đây, ngồi trên ghế đá để lắp ráp những hoài-bão, nói chuyện ước mơ về những chuyến đi xa của đời mình, xem những tấm bảng quảng cáo các phim, thèm rỏ-rãi, vì không được xem, đứa học trò nghèo tiền không có một xu dính túi. Chúng tôi cố tìm cách xin người thiếu nữ con ông chủ Diệp Kính người gốc Hoa, đẹp như mơ ngồi trong lồng kính quày vé tờ "Programme" giới thiệu truyện phim và đọc thuộc để khi có dịp "nổ" với bạn bè như là mình đã từng coi, đã từng thưởng thức những phim ấy và cũng để làm sưu tập (collection) các chuyện phim. Sau những biến cố, những di chuyển trong đời, không biết bộ sưu tầm các phim này, phần nhiều phim Ấn Độ, nay trôi dạt về đâu, nhưng kẻ hâm mộ ngày xưa bây giờ vẫn nhớ về, vẫn lâng-lâng với bao kỷ niệm êm đềm , nên thơ đó. Diệp Kính cũng là nơi có nhiều sinh hoạt của dân chúng thành phố này từ chiều đến khuya sau những sớm mai ngái ngủ. Nơi đây là khu chợ trời bán đủ thứ máy móc, đồ đạc, vật liệu tối tân, rồi các áo quần, giày dép, vật liệu quân đội do các chàng G.I. ( lính Mỹ) đem từ trong đồn ra bán cho các bà buôn bán chợ trời đây.
Khách viễn phương muốn biết mùi vị Pleiku, hãy dùng thử tô phở bò khô Bà Tư, phở bò viên Nam Viên, hay ăn vài chén lưỡi, gân bò, uống vài ly Bia 33 hay Bia Con-Cọp để sưởi ấm lòng đêm viễn xứ. Gió lành-lạnh, nắng nhè-nhẹ ban mai cùng những ly Cà phê Văn, Băng, Thiên Lý hay Dinh Điền tạo thêm nỗi niềm thân quen,tâm tình của Phố Núi.
Con đường Trịnh Minh Thế cây cao bóng mát, hai bên đường với những cây hoàng phượng chi-chít đan nhau. Con đường dài vốn thâm u này đã thêu nên nhiều trang tình sử. Những cô nữ sinh nõn-nà, áo trắng Plei Me trên con đường này ngày hai buổi đi về đã làm mê-mẩn bao nhiêu chàng trai hào hoa xa xứ. Những đóa hoa đẹp man dại của núi đồi đã làm xiêu lòng không biết bao nhiêu kẻ chinh nhân, anh kiệt dừng bước sau các cuộc hành quân, tụ họp về trên con đường Trịnh Minh Thế để chiêm ngắm, tán tỉnh, nói lời yêu đương với những đóa hoa rừng. Nhưng bạn ơi, nếu là một mình đơn côi, đêm về đừng bước chân lên con đường ấy làm chi, Pleiku vốn là đơn lẻ, u buồn, những đêm đen lạnh lùng thì nó càng làm cho khách viễn phương u buồn hơn vì đơn lẻ. Bởi thế, người nơi đây đã đặt cho nó là " Con Đường Mang Tên Cô-Đơn" .
Vào những năm 1960, Pleiku đã đón chào nhiều chục ngàn người từ nhiều nơi tới. Họ là những người đã sinh trưởng từ Bắc, Trung, Nam. Pleiku là một thành phố góp. Một vùng lịch sử lập cư còn non nớt, dân cư đủ mọi nơi đổ xô về. Người thì là những kẻ buôn bán làm ăn, nhưng đại đa số họ là lính theo chân đơn vị về đây để trấn thủ. Có điều rất đáng ca ngợi vì dân cư tại đây là dân góp nên tinh thần họ rất cởi mở, rất chân thành, ưa giúp đỡ người khác, không khác chi dân Saigon hay xa hơn là dân chúng ở California. Họ mang một tâm hồn open -mind.
Từ một cậu thiếu niên học vài năm trung học ở đây, tôi lớn lên với Pleiku theo thời gian cuộc đời. Nơi đây cũng là nơi đâm chồi, nảy lộc cho tôi những tình yêu mới lớn, nụ hôn đầu đời, cho tôi những mộng mơ, đau khổ., để biết đọc , " áo nàng vàng anh về thêu hoa cúc. Áo nàng xanh anh mến lá sân trường..." và cho tôi những kỷ niệm đau thương mất mát, những buổi sáng thẫn thờ bên ly café sửa đá ở quán Cafe Dinh-Điền để điểm danh bạn bè đứa nào bỏ xác đêm qua.
Pleiku cho tôi mộng mơ, cho tôi hoài bão ngông cuồng tuổi trẻ muốn làm kẻ trượng phu, đội đá vá trời, xòe đôi tay nắn những mắt tre già cong thành ngay thẳng, chỗ bất chính trở thành đàng hoàng. Lau khô những giọt nước mắt mẹ già bao năm tháng ngóng đợi con về, làm cho những thiếu phụ Nam Xương thôi chờ mong người chinh phu nơi quan ải.
Pleiku , gia tài kỷ niệm gần như một đời tuổi trẻ tôi bồi đáp không ngờ với ngày một, ngày hai tan tành, vỡ vụn. Năm 1975 trong một ngày mưa không nặng, nắng không vàng mà lại trong lát giây tiếng còi xua trận , thúc quân biến đi , nhường chỗ cho ngọn cờ tang thương, cờ đầu hàng trắng buốt. Khi giặc Cộng tràn vào phố Pleiku thân thương của tôi. Tôi cùng bao người trai khác đã rơi vào cảnh gông cùm, những người Chiến Sĩ Tự Do đã vào tù để ai đó khóc, " Tre làng ta mấy bờ xơ-xác. Ngóng trông chờ tay người Quốc Gia". Nhưng người Quốc Gia chúng tôi đã lâm vào mạt vận. Sau khi chịu hơn năm năm tù, tôi trở về với cha mẹ già, với vợ và những đứa con đói khổ. Nắng Pleiku bây giờ không còn vàng, bướm và hoa xưa không còn bay lượn. Những căn nhà đã thay ngôi đổi chủ. Tôi đứng bơ vơ, mắt ngậm ngùi ứa lệ, hình dung cảnh cũ người xưa. Tâm trạng Bà Huyện Thanh Quan hiện về , "Nền cũ tiêu đài bóng tịch dương" đau xót , tôi lảo đảo bước đi như người mất trí.
Bây giờ mấy chục năm trôi qua, không biết Pleiku thân yêu ngày xưa ra sao ?!! Đã lâu rồi không trở lại. Tôi chỉ giấu kín kỷ niệm và thương nhớ Pleiku trong lòng.
Những hạnh phúc ngày cũ và những hoang tàn sau 1975 đã mang đến cho tôi những nuối tiếc khôn nguôi. Thôi ta chỉ biết gọi tên Em: Pleiku ơi, những ngày xưa yêu dấu !!!
( Q.L. )
KỂ CHUYỆN NHỮNG NGÀY CHẠY LOẠN TRÊN TỈNH LỘ 7, nối liền Pleiku với Tuy Hòa với người Pleiku Mara Thanh Nguyễn. --Quý Lê
Anh lúc đó có bốn đứa con, vợ anh yếu đuối vì bị bệnh. Anh từ trên vùng hành quân về, xóm làng ai cũng đã chạy, chỉ còn vài gia đình lính tráng hay dân sự không có xe để đi. Tôi lấy chiếc honda dame của bà xã, nhờ chiếc xe có baga đằng sau và cái ghế suplement ở giữa. Anh đặt cho đứa con gái áp út, tên Lê Thể Tú, 2 tuổi, ngồi đằng trước. Kế đến thằng anh nó là Lê Vĩnh Linh ngồi trước bụng tôi. Sau lưng tôi là đứa con gái đầu tên Lê Vy Hà, lúc này cháu 5 tuổi. Kế đến là vợ tôi bồng cháu nhỏ nhất là Lê Vĩnh Thụy, chỉ mới sinh vài tháng.
Chiếc xe đèo sáu người, cái mền poncho light, hai cái giỏ để bình thủy nước sôi chế sửa, nước uống treo hai bên ghi -đông. Một thùng đạn đại-liên đựng xăng đằng sau. Vì đâu có biết cơ-sự phải bồng bế nhau chạy như thế này, nên không chuẩn bị thay lốp xe mới. Khi chạy đến đèo Chư- Sê, xe bị nổ lốp vào buổi chiều khoảng 4 giờ trên đèo, nơi đây là rừng sâu, không bóng dáng người sinh sống.
Giờ này xe lưu thông trên đường đã giảm hẳn. Người ta đồn phải đi gấp vì tuyến chia giữa VNCH với VC sẽ chia cắt tại Tuy Hòa. Với lòng hối hả, tâm can cào xé tơi-bời. Ai cũng đã đi rồi, thân phận mình, một vợ bốn đứa con nhỏ còn đứng bơ-vơ giữa trời đất hoang dã, trống trơn nơi đây. Lòng tuyệt vọng khốn cùng. Anh thấy đêm nay, đàn con anh lấy gì ăn, lấy gì bú vào giữa chốn rừng núi này. Ngay cả nước uống cũng không biết tìm đâu. Anh không thể lội xuống khu rừng để tìm khe nước dưới kia thì làm sao có nước cho con anh uống được. Đi tìm nước xuống đó thì đầy dẫy nguy hiểm nào cọp , beo, trăn, rắn. Đường đi tìm nước cũng mờ mịt mà đường về lại điểm cũ nơi vợ con đang đứng cũng không phải là chuyện dễ dàng,. Chưa kể là mình có thể chết khi chưa tìm ra nước cho vợ con.. La bàn phương hướng, bản đồ, và cây súng M.16, mấy trái lựu đạn anh đã vứt ở ngoài núi Hàm Rồng. Trong tay anh chỉ còn cây súng colt và vài băng đạn phòng thân. Không đi tìm nước thì không lẽ đứng nhìn cho con mình bốn đứa chết khát đêm nay sao ???!!!. Lại nữa, một mình vợ anh đang bệnh, làm sao trông coi nỗi bốn đứa con , trong khi đứa con gái đầu của anh chỉ 5 tuổi, đứa nhỏ nhất mới mấy tháng. Rõ ràng, mình bây giờ là đầu tàu, là chỗ dựa cả tinh thần, lẫn vật chất cho nàng giữa lúc khốn khó.
Một tình cảnh quá éo le. Chiếc honda dame đã xẹp bánh. Đàn con quá nhỏ thì làm sao di chuyển cho khỏi khung cảnh ngặt nghèo này. Chiều càng lúc càng càng xuống âm u. Trời càng thấp càng lạnh. Dù đã là một chiến binh, đã từng là một đại đội trưởng, từng nhiều lần vào sinh ra tử, nhiều lần mưu trí để tìm cách thoát hiễm cho đơn vị của mình. Nhưng giờ đây đành thúc thủ. Chỉ biết nhờ vào Chúa, Phật, nhờ vào các đấng thiêng liêng.
Cùng cực, bế tắc, anh ngữa mặt lên trời nguyện " Nam mô Đại từ đại bi , cứu khổ cứu nạn Quan Thế m Bồ Tát cứu nguy cho gia đình chúng con thoát khỏi cơn nguy khổn này ! " Sau một lúc tơi tả, lầm than, không ngờ đã được ơn trên đáp trả.
Một chiếc xe dodge trờ tới, ngừng lại chở gia đình anh. Họ còn cho anh mang chiếc xe honda theo vào tới cái xưởng cưa đầu tiên trước khi vào thị xã Hậu Bổn, Phú Bổn thì họ cho anh xuống.
Anh đi tìm lựa mấy bánh xe từ các chiếc xe hai bánh bỏ lại bên đường, lấy một chiếc, ráp vào xe honda anh dùng tạm. Một điều vô cùng linh hiển thần kỳ. Khi gia đình anh vào nằm căn chòi trống trước cửa xưởng cưa. Lúc đó khoảng bảy giờ, những đoàn xe từ phía Pleiku vẫn còn rải rác chạy về phía cầu sông Ba, đua nhau chạy mau về Tuy Hòa trên tỉnh lộ 7. Anh say ngủ như chết. Vợ anh thức anh dậy bảo, 'Anh ơi , người ta đi hết rồi" Em biết, là một sĩ quan chiến đấu, một đại đội trưởng mấy ngày trước đang cầm quân. Anh đâu bao giờ ngủ say như vậy. Một anh đại đội trưởng ham ngủ khi giặc đến không chỉ chết riêng mình mà cả trăm người cùng chết theo khi bị giặc tấn công mà người chỉ huy vẫn còn mớ ngủ. Thế mà hôm đó, mặc dù vợ anh khóc than. Anh chỉ trả lời "Kể họ, ai đi đâu thì đi, mình mai rồi tính !"
Thế là anh cứ ngủ. Không ngờ đoàn người đi xuống phía Sông Ba hôm đó phần đông đã lọt vào ổ phục kích VC ở các chốt trên đồi. Bà con mình kẻ chết, kẻ bị thương, người bị lạc…
Bốn đứa con, vợ, anh, và anh đã thoát nạn để trở về Pleiku sau đó, để đi ở tù, để sang Mỹ hôm nay.
( Q.L. )
CHUYỆN NGƯỜI LÍNH RỪNG--(1)--Quý Lê
Con đường tình ta đi. Một đoạn đường quốc lộ 14 dài không đầy năm cây số từ làng Mỹ Thạch đến dốc dài Plei Pô-Tao-Năng những ngày làm lính rừng.
Những chiếu mưa buớc chân chúng tôi thật quạnh quẻ. Ai cũng biết nơi cái dốc dài bụi đường đất đỏ vào trời nắng thì nóng, trời mưa thì cô đơn cô quạnh hắt hiu. Những ngày mở đường buổi sáng ra đi không cẩn thận, trung đợi tôi có thể bị phục kích hay bắn sẻ. Buổi chiều về sau một ngày mệt nhọc, vật-vờ người lính vác trên vai cây súng M. 16 không dài, nhẹ hều nhưng cũng thấy mỏi mê với bàn đôi chân lê từng bước dài khoảng hơn mười cây số trước khi về đơn vị. Chỉ hôm nào bị VC tấn công, phục kích hay bắn quấy phá thì anh em lính tráng mới hăng lên, nhanh như chớp tránh bên này , nép bên kia vì sợ trúng đạn và phải phản công để tìm đường sống. Cái cảnh này cứ một hai tuần xãy ra một lần. Nhưng với bọn du kích thì cũng không làm chúng tôi nao núng lắm, mà đôi khi còn thích thú, còn tăng hứng cho những ngày buồn tẻ , im lìm của những người lính rừng như chúng tôi.
!Có những buổi chiều, khi sắp đi hết dốc dài, đoạn đường đầu dốc làng, bọn lính tôi gặp mấy cô gái làng Plei Pô-Tao-Năng từ rẩy về, trong đó có cô H'lene trăng tinh, tươi đẹp . Mấy chú lính tôi đang tán gẩu, nói cười với các cô gái. Những câu điệp ngữ vu vơ, mỗi khi gặp các nàng sơn nữ.
" H'Lene ơi H'Lene, em có chịu làm vợ anh khộng ? Nếu em ừ với anh, anh sẽ đem mấy ghè rượu và vài cái chiêng tới cưới em vào cuối tháng này. " Câu nói của Cầm, anh chàng âm thoại viên của tôi làm mấy đứa bạn cũng cười nghiêng ngữa. Thỉnh thoảng tôi còn nghe đứa khác nói với một cô bạn của H'Lene ," Câu khắp chăng hò ? " Tiếng Jarai nghĩa là " ( Anh yêu em ha !). Cô gái đáp lại , "Anh nói xạo đó mà !" Mấy cô gái cùng nhìn nhau , nhìn mấy anh lính của tôi cười khúc khích.
Thật ra, mấy cô sơn nữ này cũng mê lắm mấy anh chàng lính Kinh. Tâm hồn họ đơn giản lắm. Họ chỉ biết yêu là yêu thôi. Họ không nghĩ nếu lấy mấy chàng lính Kinh làm chồng rồi một ngày mai sinh con đẻ cái, mấy chàng người dân Saigon, Tây Ninh, Bình Định, Quảng Ngãi... này rước các nàng về "dinh" ở tận vùng sông , nước xa xôi, thị thành sầm uất...xa rời rừng núi, suối đồi, bản làng thân yêu , làm sao các nàng sống được.
Hơn nữa, phong tục giữa Thượng và Kinh, giữa miền xuôi và mạn ngược khác xa nhau muôn chiều, thật vô vàn khó khăn, trắc trở. Tâm hồn các người con gái Thượng này đơn giản lắm. Họ đâu mường-tượng được ngày tháng tới đây sẽ ra sao khi nhận người lính Kinh ấy làm chồng.
Thời gian đại đội tôi đóng ở Thanh Bình , quận Thanh An, một chàng lính của đại đội cũng đã quyến rủ một em Thượng có đôi mắt to, làn môi đỏ hồng, da trắng bóc, tóc xanh huyền làm vợ bởi chàng thỏ thẻ với nàng trong một buổi chiều mưa tháng bảy buồn thấu ruột trong rừng Tây nguyên này khi chàng tỏ tình với nàng:" Câu khắp chong hò!" và nàng đã gật đầu thế là cậu ta kêu tôi làm chủ hôn cho cuộc tình và lễ cưới-xin đó. Tôi không biết cô nàng tên R'chom Cút và anh chàng trung sĩ Lộc, người ở tận ở một tỉnh miền Tây nào đó mà khi phát âm ruột thành ra 'guộc" sau ngày tan đàn, rẻ nghé cho đến bây giờ ra sao. Hay nàng bây giờ đang tràn trề nước mắt ôm con, khóc cho sự chia lìa chàng phải về Nam và nàng vẫn chôn vùi tấm thân thiếu phụ cô đơn nơi chốn núi rừng hiu quạnh…
( còn tiếp )
( Q.L. )
MỘT THỜI TAO LOẠN-(47)—Qúy Lê
Ba chúng tôi, những tù binh vừa ra trại, theo ý anh Cai ghé lại nhà người lính cũ trước đây thuộc đại đội của anh Lê Minh Cai làm đại đội trưởng. Căn nhà nằm phía tây cầu Phú Phong. Nhà anh lính này tuy cũng không khá giả, giàu sang gì. Căn nhà mái tôn, hai gian, mặt ngước ra phía quốc lộ. Phía đầu hồi có cơi thêm một mái che để nấu bếp , nuôi heo.
Thấy bóng ba người tù rách rưới, người đội mũ, kẻ đội nón đi vào, cũng may lúc ấy có anh chủ ở nhà, anh Cai lên tiếng :”Mày đó hả Ba ?” Người chủ nhà tuổi khoảng ba mươi, mặt đen do nắng cháy, tướng cao cao ốm nhom chạy ầm ra, ôm lấy anh Cai và gọi “ Ông thầy, ông thầy !!!” một cách thương mến , kính trọng. Xoay qua chào tôi và Trung và người chủ tay kéo anh Cai, miệng mời hai anh em tôi cùng vào nhà. Người vợ, chạy lên. Chị ta có vẻ ngạc nhiên khi nghe chồng mình gọi ‘ông thầy, ông thầy’ bà thắc mắc, ông thầy nào nên cũng vội vã bỏ việc sau nhà chạy vô xem thử. Hai đứa con, đứa khoảng mười tuổi, đứa bảy tuổi cũng theo mẹ chạy tuốt vô nhìn chúng tôi. Những ‘Ông Thầy Thất Cơ Lỡ Vận !’
Anh Ba, chủ nhà kéo ghế mời chúng tôi ngồi, sai vợ chế bình nước trà. Anh hỏi về chuyện anh Cai và hai chúng tôi mới được thả ra và năm điều bảy chuyện tình nghĩa với nhau. Sau khi uống vài ly nước. Anh hỏi ông thầy của ông và hai chúng tôi cần nằm nghỉ một tí không. Chúng tôi thấy không mệt mỏi gì nên lắc đầu và nói muốn đi xuống chợ Phú Phong một vòng xem người ta sinh hoạt ra sao.
Anh Ba để cho ba đứa tôi cùng đi và dặn khoảng tiếng đồ hồ trở về để dùng bữa, “ Em sợ các anh đã đói bụng rồi. Em sai vợ em sửa soạn bữa mau- mau đó nhe các anh !”
Bước ra khỏi nhà , lòng tôi thấy vui vui với tấm long tử tế của anh Ba, một người lính của anh Lê Minh Cai ngày trước. Không ngờ hôm nay chúng tôi là những người tù, trở về đây mà họ cũng đối xử với mình không đến nỗi quay mặt , sấp lưng.
Tối hôm ấy, quả là một buổi tối đặc biệt trong đời. Sau hơn một năm, cuộc đời mình thay đổi. Từ địa vị của ‘Ông’ bây giờ trở nên ‘Thằng’. Từ những người sĩ quan, đã từng chỉ huy trên một trăm binh sĩ.
Trong hàng ngũ , lính tráng kính trọng mình đã đành. Trong các thôn xóm với những bước quân hành đi qua, những cụ già gặp chúng tôi họ cũng đon- đả chào mời. Những lúc cúng đình, cúng làng, khi đơn vị chúng tôi còn trú đóng đó, các ông tiên chỉ, thủ chỉ, xã trưởng..bề nào cũng tìm cách mời chúng tôi tham dự. Những buổi tan trường, học trò và cô giáo ra về, tình cờ gặp chúng tôi, những sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa họ cũng cất nón, miệng cười, chào hỏi chúng tôi . Nhất là các cháu học trò, đứa nào cũng vòng tay, cúi đầu một cách lễ độ, làm chúng tôi thấy chúng nó rất thân thương.
Cuộc đời những người lính chiến như chúng tôi, tháng ngày sương gió dãi dầu. Lương phạn, trợ cấp tính ra chẳng tới đâu, trái lại nhận được những ân tình, những chân thật không giả dối từ người dân nên cũng thấy ấm lòng mát dạ trong công cuộc dấn thân của đời mình.
Bữa cơm nhà anh Ba dọn lên chiêu đãi ông thầy Lê Minh Cai của anh và hai anh em chúng tôi, nhìn ra cũng thịnh soạn, đàng hoàng lắm. Có lẽ, anh chị chủ nhà đã giết một con gà để đãi khách. Bên cạnh đó còn có một đĩa bàn thịt heo luộc và chén mắm cái ( mắm nêm). Trên dĩa thịt không quên có những lá rau răm thơm phức. Chiếc bánh tráng mè Phú Phong gạo đỏ,dày cui anh Ba bẻ ra. Miệng nói, tay dúi đũa vào tay Ba chúng tôi, anh mời gắp miếng thịt heo và uống chung rượu mừng hội ngộ.
Chung rượu trắng đầu tiên thấy trong người mình cũng lâng-lâng, khoái-khoái. Bữa cơm xong lúc ấy cũng khoảng 6 giờ chiều. Không biết anh Cai thấy sao, tôi thì cảm thấy nhớ vợ con gia đình. Cảm thấy có điều gì lỗi , đáng lẽ giờ này mình đã sum họp với vợ con mà còn nhẫn tâm lang thang nơi này, chốn khác. Riêng Trung , chàng là một sinh viên sĩ quan Đại Học Chiến Tranh Chính Tri Dalat chưa ra trường nên tâm tư chàng chẳng có ai để nhớ để thương ai cho lắm ! Ngay khi lên chiếc xe chở gạch từ Ngà Ba Ông Đồn lên Phú Phong, trong khi tôi và anh Cai đang nhìn trời, nhìn nước bâng khuâng, thì Trung và một cô gái Phú Phong khá đẹp ngồi đằng trước cabin xe, đã đá lông nheo, nói chuyện qua ra dấu với nhau đắm đuối ‘gần chết’ !
Mấy nàng gái quê không mê sao được với anh chàng Sinh viên sĩ quan Trương Đình Trung lúc này tuổi đời mới khoản 21. Người cao ráo, đẹp trai, học thức, cốt cách thanh cao. Các cô chắc chắn biết rằng, chúng tôi là sĩ quan bị ở tù trong các trại Cải Tạo ở An Trường được thả ra , khi thấy chàng thanh niên Trung này , bị thôi miên, “mết” là cái chắc.
Sáng sớm, ba đứa ra trước đường đón xe đò về. Anh Ba không quên tặng quà cho chúng tôi, mỗi người một bịch thuốc rê và giấy quyến để hút. Chiếc xe cỡ trung, như xe Dodge nhà binh ngày trước, cải trang chở khách hàng chuyến từ Quy Nhơn lên Pleiku. Dù xe đã chật. nhưng thấy chúng tôi là sĩ quan tù cải tạo được tha về, anh tài xế đã dừng lại. Chú lơ xe nhảy xuống xách ba lô cho chúng tôi lên xe. Và xe cũng tiếp tục lăn bánh
Bây giờ đây thật sự trên con đường trở về. Dù hôm nay nắng đẹp hay mưa buồn thì quãng đường này, con đường này cũng chất đầy kỷ niệm đối với cuộc đời tôi.
Vốn lớn lên, vốn xuất thân, học hành ở miền Cao Nguyên Pleiku đất đỏ. Tôi đã đi qua những con đèo An Khê, Mang Giang này rất nhiều lần kể từ khi còn là cậu học sinh cho đến những ngày làm lính. Tôi còn nhớ như in, vào mùa hè 1965, khi tôi cùng một số bạn bè xách cái xắc với vài bộ áo quần, sách vở về Quy Nhơn để dự cuộc thi Tú Tài phần thứ Nhất . Lúc này chiến cuộc đang leo thang. Tin tức chiến sự từ chiến trường bay về tới tấp. Từ những trận chiến ở Vicklum, Tân Cảnh, Đăk Tô, Kon tum. Những cuộc tấn công của Việt Cộng vào Đồng Xoài, Bình Giả…làm nóng thêm cho những cơn nắng mùa hè. Trên chiếc xe đò chúng tôi đi khi đến ngã ba Vườn Xoài trên đèo An Khê. Chiếc xe đò chúng tôi bị bắt buộc dừng lại. Nhìn thấy đằng trước, một con ngựa gỗ, trùm lên với những nhánh cây tươi và một tấm bảng viết bằng giấy carton bìa thùng mì gói,nguệch ngoạc, nhớp nháp của những kẻ chưa học tới lớp ba trường làng, báo rằng Măt Trận Giải Phóng Miền Nam ( Việt Cộng) ra lệnh cấm đường. Tài xế và dân chúng năn nỉ mấy, bọn Việt Cộng cũng không cho đi.
Chiếc xe phải quay trở về Pleiku. Chỉ còn hai ngày sau là khóa thi Tú Tài mở . Lòng chúng tôi buồn rười rượi. Nếu không được dự thi, hay rớt khóa thi Tú Tài này là bọn tôi phải đi lính trơn, phải vảo quân trường Lam Sơn , uổng công cha mẹ nuôi ăn học mười mấy năm trời.
Khi trở về, chúng tôi kéo nhau qua Tòa Hành Chánh tỉnh Pleiku nhờ giúp đỡ. Tòa Hành Chánh liên hệ các cơ quan Mỹ , họ chở chúng tôi sang phi trường Trực thăng Holloways , ở đó , phi cơ Mỹ chỉ mất hơn nữa tiếng đồng hồ đã chở chúng tôi về Quy Nhơn và tôi đậu Tú Tài phần I năm đó.
Đã nói, con đường Quốc Lộ 19, với những con đèo An Khê, Mang Giang với tôi, chúng tràn đầy kỷ niệm nhớ thương nói sao cho vừa. Tôi sẽ kể tiếp để hầu quý vị nghe về những thân thương, về những con người, những con đường, những địa danh vùng Cao nguyên nơi đã cho tôi những hạnh phúc, tủi nhục, cay đắng lẫn những nụ cười ..của cuộc đời mà ngàn năm sau tôi vẫn không bao giờ quên được….
( Q. L )
CHÂN-DUNG NGƯỜI LÍNH VIỆT- NAM CỘNG- HÒA- Qúy Lê
Bốn mươi mốt năm qua sau khi người lính Việt Nam Cộng Hòa đã giã từ vũ khí, đã mất nước, đã bị kẻ thù đày đọa, đã bị tù tội, đã cay đắng đủ điều trước thảm cảnh nước mất nhà tan. Nhưng trong lòng người lính Việt Nam Cộng Hòa bao giờ cũng thấy thanh thản, cũng thấy hãnh diện rằng mình đã làm tròn trách nhiệm, bổn phận của một người công dân, một người trai trong thời loạn lạc, một kẻ nói theo kiểu người xưa ," Làm trai cho đáng nên trai, xuống đông đông tỉnh, lên đoài đoài tan".
Nhưng thật ra, đông có tỉnh hay đoài không tan chăng nữa thì mình đã đem hết tài sức của một con người ra để làm việc, đem cả khả năng, tâm hồn của mình dâng hiến cho quê hương thì việc đời là " mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên." Nói theo một cách nào đó thì theo vận mạng hay duyên nghiệp cuộc đời để mà chịu những thành bại của nó.
Chúng tôi, những người lính Việt Nam Cộng Hòa đã đi vào chinh chiến theo tiếng gọi của quê hương khi còn rất trẻ. Khi ấy chỉ là những thanh niên mới lớn, tuổi đời vừa mới trên dưới hai mươi. Đầu hôm bù-khú với những cuộc hẹn-hò, của tình yêu đôi lứa . Bỗng sáng mai nhận được lệnh gọi lên đường nhập ngũ. Nhìn chiếc xe bắt đầu lăn bánh chia tay : " Em tiễn anh lên đường, chiều hôm nay mưa nhiều quá. Mưa giá buốt vai gầy, mưa xé nát con tim..." Bên kia đường tiếng hát buồn văng vẳng lại, bên này đường mắt người yêu tôi lệ rưng-rưng. Giờ phút cảnh tiễn biệt buồn-bã ấy, làm lòng mình se lại và gói gọn như một mớ hành trang mãi mãi trong đời. Ai bảo rằng người lính can trường nơi chiến trận mà không có những giọt nước mắt vấn vương!
Rồi những chiều hành quân nơi xóm nhỏ, hình ảnh mẹ già đang trông chờ người con trai cô-quanh. Ôi hắt hiu , ôi buồn nhớ khôn nguôi! Rồi những sáng mai cô đơn bên sườn đồi im vắng khi bước chân dừng lại của một chuyến quân hành. Hình ảnh người yêu dấu hiện về trong trí tưởng, những buổi hẹn hò ngày nao bây giờ em cũng xa xôi , cách biệt...!!!
Chúng tôi những người trai miền Nam, nhận được một nền giáo dục thủy-chung, nhân ái. Chúng tôi được đào tạo trong môi trường trí dục, đức dục...Nghĩa là một nền giáo dục: nhân bản , dân tộc, khai phóng..Từng bước chân chúng tôi đi là những gieo rắc niềm an lạc, yên vui cho đồng bào. Tâm chúng tôi, những người lính miền Nam luôn mong ngày- ngày không vọng về tiếng súng, những đêm trăng, nơi thôn làng tiếng hò giả gạo đồng-vọng lên cao, hay tiếng hò nên thơ theo nhịp chèo đưa trên những con sông quê hương hiền hòa, êm mát ...Cho em thơ có cuộc sống trong mộng mị, no lành. Cây súng trên vai của người lính miền Nam không phải trong chủ trương hiếu sát , mà chỉ là vật để bảo vệ bình yên , giữ gìn sự tự do, bảo đãm hạnh phúc, thanh bình cho những người dân lương thiện. Nên người bạn lính Nguyễn Bắc Sơn đã có lời thơ như thế này :
"Ta vẫn hiền-khô, ta là lính cậu,
Đi hành quân rượu đế vẫn mang theo
Mang trong đầu ý nghĩ trong veo
Xem chiến cuộc như tai trời , ách nước
Ta bắn trúng ngươi vì người bạc phước..."
Tâm trạng những người lính Việt Nam Cộng Hòa chúng tôi đều như thế cả. Với tình cảm như thế , quả tim như thế, nhưng đừng cho rằng nhu nhược, hèn yếu, !. Mà đó là những tấm lòng rất nhân bản, trái tim của chúng tôi lúc nào cũng đầy lòng nhân đạo, đầy ấp những yêu thương. Không yêu thương làm sao khi bắt được kẻ thù chúng tôi vẫn đem sự từ ái để đối xử với họ. Có những tù binh suốt năm, bảy ngày đói khát trong trận chiến , trời thi mưa mịt mùng mà họ chỉ trong một bộ đồ kaki Nam Định manh mỏng, te-tua. Chúng tôi thấy lòng mình se lại , bởi ai cũng thế, hay ở đâu thì cũng chỉ là một kiếp con người, Lời Chúa, Lời Phật dạy chúng tôi là từ bi, là nhân ái, nên chúng tôi sẵn sàng san-sẻ cùng họ những áo cơm. Cho họ những điếu thuốc chuyền hơi ấm trong nỗi cơ hàn những chiều đông giá lạnh. Chúng tôi không nhìn họ là kẻ thù và chúng tôi cũng chẳng kết hận thù với ai cả .Về sự can trường nơi chiến trận , thì người lính Việt Nam Cộng Hòa có thừa. Không có thừa thì làm sao sau hai lần Quân Cộng Sản lấy hết sức tấn công vào miền Nam ,như trận chiến Mậu Thân năm 1968 và trận chiến Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 mà Cộng quân gọi là chiến dịch Nguyễn Huệ thì chúng đã bị Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đánh cho tan-tác,tả tơi. Những tấm can trường, lòng nhiệt huyết thì đã được ghi chép nhiều trên các trang sử theo chiều dài trong cuộc chiến của quê hương. Từ đồi Charlie Kontum nơi anh Năm Nguyễn Đình Bảo đã nằm xuống trong tâm tình bất khuất của một kẻ anh hùng. Câu chuyện kể , ngày lên đường theo cuộc hành quân , trước khi ra đi anh không quên vài ngày tới là sinh nhật của vợ mình. Anh đã đặt mua tặng cho vị hiền thê chiếc bánh. Hẹn bằng mọi cách anh sẽ tranh thủ trở về. Nhưng "đến hẹn lại lên" thì anh không về nữa. Kẻ chinh phụ đợi người chinh phu, và sự trông chờ mỏi mắt và người đi thì biền biệt...Anh không về nữa và Anh đã ở lại Charlies trên ngọn đồi cao Tây Nguyên mây ngàn, mưa lạnh. Người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa, cũng như bao nhiêu người khác, cũng có trái tim biết thương yêu, cũng chắt chiu mái ấm gia đình . Từ tình yêu vợ con, cha mẹ , xóm làng nên chúng tôi phải ra đi. Nên cuộc chiến đấu của chúng tôi thì vô cùng nhân bản.
Một thí dụ thứ hai, là Đại úy Nguyễn Văn Đương, Người đã nằm lại trên đồi 31 Hạ Lào, để chúng ta có bài hát " Anh không chết đâu anh, Người anh hùng mũ đỏ tên Đương..." cũng không kém phần bi tráng. Như trong bài hát Ra Biên Cương mà chúng tôi thường hát khi còn trong quân trường " Người đi, người đi , không về chắc rằng có người nhớ ! Hương khói, hương khói câu thề hiu hắt những chiều tiễn đưa..." Hay rõ ràng , sống động nhất mà nhân vật chính của câu chuyện bi tráng này còn sống cùng chúng ta hôm nay. Đó là anh Trần Ngọc Huế, Trung Tá Trần Ngọc Huế. Cũng trên mặt trận Hạ Lào , Lam Sơn 719 dạo nọ. Lúc ấy anh là một Tiểu đoàn trưởng và đã bị thương nặng, máy bay trực thăng đến cứu sống anh. Nhưng anh đã từ chối và nhường những chuyến tản thương ấy cho thuộc cấp, cho bạn bè được cứu trước , còn anh ở lại chịu trận cho đến lúc bị bắt làm tù binh. Giữa sự sống và cái chết, giữa cái đau khổ và hạnh phúc, anh chọn cái tận cùng của đau khổ. Tôi xin thưa rằng, anh là thánh sống nên dám chấp nhận cái đau khổ để nhường hạnh phúc cho người khác. Anh đã dám hy sinh cuộc đời , hy sinh sự sống của mình cho người khác thì thật là cao cả khôn lường. Đọc kinh thành, trên Đồi Sọ 2016 năm về trước, ta thấy Chúa Giê-Su hy sinh mình trên cây thánh giá để cứu chuộc cho loài người. Tôi nay không dám ngả mạn lấy đàn anh mình để ví von. Nhưng cũng khó có từ ngữ nào để diễn tả lòng dũng cảm, sự hy sinh cao vời như thế ! Câu chuyện vị bác sĩ độc thân, nhường giấy ra trại cho một anh bác sĩ khác trong trại tù, vì anh này đã có vợ con cần về với gia đình trong câu chuyện Cầu Sông Kwai đã làm nức lòng người vô kể, thì chưa thấm vào đâu với người lính Việt Nam Cộng Hòa Trần Ngọc Huế . Hãy tưởng tượng rằng, trong một bối cảnh rừng núi Hạ Lào hoang dã,, bốn bề cô quạnh tiêu sơ. Một người chiến binh trên thân người đầy thương tích, máu me. Giữa lúc khói đạn mịt mờ và biết phe mình đang thất thế, mà anh dám ở lại để chịu chết chóc, xui rủi cho số phận mình. Nhường những gì có thể cho anh em thuộc cấp, đồng đội. Chắc rồi sau đó, trong cơn đau nhức trên thân thể mình, tiếng chim kêu vượn hú càng thêm quạnh quẽ cô đơn. Trần Ngọc Huế, anh can đảm thật. Anh hy sinh cho người khác, quả là một siêu nhân.. Tôi chưa bao giờ được đọc những trang sách anh hùng, can đảm vì tha nhân như thế! Nói chung, khó mà viết lên đây hết những câu chuyện một thời đầy bi tráng của người lính Việt Nam Cộng Hòa.
Phải thưa thật rằng, những người lính Việt Nam Cộng Hòa chúng tôi là những người có học thức. Chúng tôi được đào tạo, uốn nắn trong những gia đình mang tình thần Khổng Mạnh, đạo đức. Chúng tôi được học trong một nền giáo dục ở học đường lấy nhân nghĩa làm trọng. Chúng tôi đi ra với cuộc đời là nơi để đào luyện nhân-cách của mình. Những người lính chúng tôi từ cấp bậc cao cho đến thấp, ai cũng thi hành mỗi một nhiệm vụ được Tổ Quốc giao phó. Dù ở cấp bậc, địa vị nào chúng tôi đều có những vinh dự như nhau. Đó là phục vụ cho đồng bào mình, nhân dân mình, cho sự tự do, dân chủ. Nhũng cấp chỉ huy trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa là những kẻ thừa lệnh nước để chỉ huy. Họ là những người có trình độ, có khả năng, có phẩm hạnh cao . Chúng tôi tin tưởng và hãnh diện, thương yêu, và sống chết cùng họ. Những vị lãnh đạo của chúng tôi là những người tài ba, thương dân, thương nước. Một Ngô Đình Diệm, một con người học thức, đạo đức chu toàn. Ông là người tượng trưng cho nhân, nghĩa, lễ, liêm, sĩ Những đức tính của Ông đã chứng tỏ Ông là một vị quân tử cuối cùng còn sót lại của Việt Nam trong thế kỷ thứ 20. Đời sống liêm chính của Ông đã thể hiện trong những bữa ăn chỉ có bát cháo gà và tô nước chè xanh thanh bạch. Trước nghịch biến của thời cuộc, Đại sứ Mỹ tên Cabot lodge lúc bấy giờ mời Ông lên máy bay ra đi lánh nạn, Ông đã không chịu ra đi. Một lòng sống, chết với quê hương. Khi bào đệ của Ông là Ngô Đình Nhu thấy tình thế quá cấp bách cho sinh mạng, đã vấn kế yêu cầu Ông tạm lánh một nơi nào đó trước khi ổn định lại được tình hình. Ngài Tổng Thống đã từ chối và trả lời, " Đã là Tổng Thống thì không chạy trốn đi đâu cả." Ôi, cái lời nói ngắn gọn ấy nhưng đã gói trọn bao nhiêu tinh thần quân-tử, ý chí của kẻ anh hùng. Và vị Tổng Thống thứ nhì là Nguyễn Văn Thiệu của chúng tôi. Sau bao nhiêu thử thách oan nghiệt mà Người đã gánh chịu, từ kẻ thù dân tộc là Cộng Sản miền Bắc gây ra, rồi những áp lực từ phía người Mỹ suốt cả nhiệm kỳ. Đến lúc tình thế quá bất cập, sức cùng lực kiệt, người đành phải ra đi. Ra đi không phải là một sự hèn nhát. Ra đi để mang chí phục thù cho quê hương xứ sở. Nhưng hỡi ơi, Việt Vương Câu Tiễn trong câu chuyện Phạm Lãi và Ngô Phù Sai ngày xưa còn có ngày trở về với cố quốc. Còn Ông ra đi , rồi như Thành Thái, Duy Tân đã chôn vùi hoài bão muôn đời với hận vong quốc . Để khuya sớm mùa thu năm nao có người đã khóc cho đời cô quạnh của những kẻ anh hùng:
" Khô héo lá gan cây đỉnh Ngự
Đầy vơi giọt lệ nước sông Hương."
Tâm tình của những con người có nhân cách, phẩm hạnh thì bao giờ cũng như thế cả. Người chọn lối đi này. Kẻ chọn theo lộ trình khác. Hoài tưởng, tiếc thương muôn đời cho những vì sao rực sáng muôn phương khi những người lính, những cấp chỉ huy trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa như Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam, Thiếu Tướng Lê Văn Hưng, Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, Thiếu Tướng Lê Nguyên Vỹ, Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn, Trung Tá Phan Văn Long...vẫn muôn đời , vẫn bất diệt trong trái tim dân tộc.
Chúng tôi không phải là một đoàn cừu non ra đi , cầm súng là nghe theo lời của một đảng phái hay vì quyền lợi của một phe nhóm nào đó. Người lính Việt Nam Cộng Hòa chúng tôi ra đi theo tiếng gọi của Tổ Quốc mình.. Chúng tôi rất hãnh diện đã đem tuổi thanh xuân hiến dâng cho mẹ già, em dại, cho nền hòa bình trong tự do, dân chủ. Dù có ở tù , dù có đọa đày, dù thành, dù bại trước vận mệnh của giang sơn, chúng tôi vẫn tự hào, vẫn thấy mình đã phục vụ đúng lý tưởng, đã hành động đúng với trọng trách, nghĩa vụ của đời trai. Câu nói ngàn đời của người xưa còn vang vọng: Đừng đem thành, bại để luận anh hùng. Đến khi nhắm mắt xuôi tay. Chúng tôi thấy mình đã sống trọn một kiếp con người trong ý nghĩa chính đáng của nó.
( Q.L. )
GIÁO DỤC Ở MỸ--Quý Lê
Nói về nước Mỹ, về người Mỹ là những con người luôn quan tâm về tương lai của con cháu họ. Họ quan tâm con cháu họ là chú trọng vào giáo dục, cách răn dạy cho con cháu họ trở thành những con người tử tế sau này.
Người Mỹ giáo dục con cái họ bằng cách không bao giờ đánh đập con cái họ. Họ không bao giờ áp chế con cái họ bằng tính gia trưởng. Dù con cái họ chỉ mới vài ba tuổi, họ vẫn tôn trọng ý kiến của chúng. Điều gì chúng suy nghĩ hay làm sai thì họ nhẫn nại giải thích cặn kẽ cho con cháu họ hiểu. Lối giáo dục không áp đặt này đã giúp cho con cháu họ không cảm thấy tự ti. Chúng sẽ có những phát triển rất “spontaneous” tự nhiên ở mọi nơi, mọi chốn.
Ta thường thấy người Mỹ ở trước công chúng họ có thái độ rất cởi mở, ăn nói rất tự nhiên, lưu loát là nhờ vào sự giáo dục này. Trong lúc phần đông người Việt Nam chúng ta thường “khớp” khi đứng trước công chúng. Ngay chữ “lễ” trong nhân, nghĩa, lễ, trí, tín của nền văn hóa cũ của Việt Nam và Tàu đã không nhiều thì ít khống chế tài năng của con người.
Một trong những sự giáo dục của văn hóa Khổng giáo là dạy con người an phận đã kiềm chế những “vươn lên”, “vượt lên” của con người Việt Nam chúng ta.
Đối với người Tây , u, dù biết đỉnh núi Everest cao , đầy nguy hiểm, chết người, nhưng họ vẫn tìm cách chinh phục, leo lên đến đỉnh núi . Người Việt Nam, Tàu ít ai chịu,dám làm việc đó, và cứ bo bo ngồi chính trong nhà mình và cho như thế là khôn ngoan.
Người Việt Nam thường thỏa mãn với những thành công ở một mức độ nào đó. Chẳng hạn, khi kinh doanh giàu có đến một mức nào đó là cảm thấy cần hưởng thụ. Không như Steve Job hay Bill Gates của nước Mỹ dù đã giàu tột mức nhưng họ vẫn tiếp tục kinh doanh…
Văn hóa Việt Nam với chữ “an phận” là một cách để làm cho con người nhẫn nhục , nhận chịu …Nhận chịu trước nghèo khổ dù cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Nhận chịu trước xiềng-xích , lằn roi của kẻ giàu có hay người cầm quyền. Nhận chịu trước kẻ xâm lăng cướp nước.
Trong thời gian Tàu đô hộ một ngàn năm, chỉ có vài cuộc nổi dậy trong dân gian như Hai Bà Trưng, Lý Bôn, Lý Bí….Lê Hoàn…Đọc lịch sử nước nhà, cuộc đô hộ của Tàu một ngàn năm mà chỉ có vài chục cuộc nổi dậy chống lại chúng thì không thể cho rằng dân tộc ta anh hùng hay gan dạ được.
Cha ông ta còn dại dột đi học chữ nghĩa, văn hóa của chúng làm ‘di sản’ dân tộc. Văn hóa Khổng Tử là loại văn hóa nô lệ. Những lời dạy của Khổng Tử là dạy con người trở thành kẻ thần phục, bị trị.
Trong gia đình con phải hoàn toàn tuân theo lệnh của cha, dù ông cha là một người cờ bạc, rượu chè, trai gái, có một đời sống tha hóa. Ngoài xã hội, người dân phải tuyệt đối trung thành với ông vua, dù ông vua đó là một tay bê tha, bệ rạc. “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung” Dễ sợ chưa! Vua bảo chết mà không chết là bất trung. Bây giờ Đảng, Bác bảo gì thì nghe nấy, làm nấy, dù Đảng Cộng Sản Việt Nam đang cướp đất, cướp nhà, bán nước cho Tàu, đang vì sự ngu dốt, độc tài, độc ác làm cho tiêu ma đất nước mà một trăm triệu dân cúi đầu chịu trận. Chính nền văn hóa ấy đã dạy cho con người Việt Nam tuân phục, khiếp nhược vì hai chữ ‘an phận’ của Khổng Tử.
Người Mỹ họ thương con cháu họ bằng cách dạy cho con cháu họ hãy tự đứng vững trên đôi chân của chính mình. Tự sống theo nhân cách của mình. Tự chịu trách nhiệm với bản thân của mình. Lời của cha mẹ , thầy giáo hay những bậc cao minh như Chúa, Phật..với họ chỉ là lời khuyên mà thôi. Lời khuyên thì mình muốn hay không muốn nghe theo cũng được. Nhất là với những kẻ tuổi đời đã trên 18, họ sẽ sống theo lẽ phải mà con tim họ, lý trí họ mách bảo.
Nền giáo dục Hoa Kỳ là một bắt buộc cho tất cả mọi trẻ con dưới 18 tuổi. Những đứa trẻ không đi đến trường ,cha mẹ chúng sẽ bị cảnh sát bắt để hạch tội, phạt vạ. Những trẻ nghèo ở tiểu học và trung học, nếu nghèo, gia đình cha mẹ được cấp tiền Welfare (An sinh xã hội) đủ sống hằng ngày. Có bảo hiểm y tế để chữa bệnh như những người giàu có. Khi bà mẹ có bào thai thì được hưởng thức ăn , thuốc uống bổ dưỡng theo chương trình WICK. Chính quyền Mỹ nuôi đứa trẻ từ trong lòng mẹ. Nên khi sinh ra, mặt mũi chúng rất khôi ngô, dĩnh ngộ.Trẻ con đến trường được cho ăn bữa trưa không tốn tiền. Bữa ăn có thịt, có trứng, có sửa..đầy đủ chất dinh dưỡng để phát triển cho đứa trẻ.
Nhiều người Việt Nam khi mới qua Mỹ theo diện tị nạn, mà nhà có con nhỏ dưới 18 tuổi, là cha mẹ có thể sống nhờ vào trợ cấp của đứa nhỏ để đi học tới bằng cử nhân, …Có người dựa vào những con nhỏ của mình đi làm “chui” như may vá, làm những nghề thủ công, giúp nấu nướng , lặt rau tại các tiệm quán để kiếm thêm tiền…bỏ túi.
Lên đại học, sinh viên nghèo có thể xin tiền trợ cấp học hành gọi là tiền Financial Aid. Số tiền này cấp cho sinh viên khá đủ để mua sách vở, thuê nhà, và ăn uống một cách tần tiện trong thời gian học hành. Ngoài ra, sinh viên còn có thể mượn nợ để học sau khi tốt nghiệp sẽ trả lại..
Trường đại học ở Mỹ có hai loại: Loại community college dạy cho người từ 18 tuổi trở lên . Dạy cho những ai mới đặt chân đến Mỹ học Anh văn từ không biết gì cho đến đối thoại lưu loát. Trường này cũng dạy toán , sử , địa, sinh vật..cho sinh viên tới đậu bằng AA Degree hay chuyển tiếp lên đại học university. Những học sinh tốt nghiệp từ high school ( trung học) có thể tiếp tục học ở community college hay university tùy theo khả năng ghi trong bảng thành tích hay theo sở thích lựa chọn của sinh viên đó.
Đã nói nước Mỹ là nước rất chú trọng về tương lai con cái, nên giáo dục là một cánh cửa thênh thang đón nhận cho mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi trong xã hội. Có nhiều người tuổi đã 70 mà danh sách tốt nghiệp đại học vẫn có họ tham dự. Ngày ra trường cũng xênh-xang áo mũ cùng với những người tuổi bằng con cháu mình . Một trong những đề tài tranh cử của những vị tổng thống, dân biểu, nghị sĩ …là các chương trình thăng tiến giáo dục như xây dựng trường ốc, sách vở và chu cấp tiền học bổng cho sinh viên , cho con trẻ ….
Một trong những công việc quan trọng của Tổng thống, Nghị sĩ là lo lắng, quan tâm cho học sinh, sinh viên có cái ăn, cái mặc, có đủ phương tiện để được đến trường , để phát triển ươm mầm cho con cháu họ.
( Q.L. )
THỦ ĐỨC GỌI TA VỀ…--
Hỡi Những Người Trai Thời Chinh Chiến,---Lê Qúy
Từ khi những sinh viên chúng ta nghe lệnh :” Quỳ xuống , các Sinh Viên Sĩ Quan “ và lời tuyên đọc được dõng –dạc cất lên từ chỉ-huy đài ở Vũ-đình-trường Trường Bộ Binh Thủ-Đức :” Tuyệt đối trung thành với lý tưởng Quốc Gia tự do, dân chủ” và tiếng vang lên từ chúng tôi “ Xin thề! Xin thề...”
Kể từ đó cuộc đời chúng ta đã đổi đi một hướng khác. Kể từ đó màu áo trận tây di, đôi giày sô là trang phục thường dùng của chúng ta trong mọi sinh hoạt. Kể từ đó mái tóc chúng ta không còn dài mà phải húi cua. Kể từ đó bước đi của chúng ta không còn lờ-đờ , thờ thẩn như những anh chàng làm thơ, mà phải vững chắc trong dáng cách oai phong của nhịp quân hành : một , hai, ba, bốn. Chúng ta không còn ngồi sau những chiếc honda, vespa, những loại xe hai bánh để người khác chở. Mà là một sĩ quan, anh phải cầm lái phóng đi. Chúng ta không còn là một anh civil tà-tà dân- chính, không còn là một cậu sinh viên lơ thơ, tha thẩn trước các giảng đường. Ta không còn lêu lỏng, lang thang trên những đường đời hiu quạnh.
Bầu trời xanh mây vẩn- vơ bay trên đồi Tăng Nhơn Phú hôm ấy không còn vô định. và lời thề hôm ấy đã thắt buộc cuộc đời, dây cương ngựa hôm ấy đã kiềm tỏa đứa con trai 24 tuổi Lê Quý tôi!
Tuyệt đối trung thành với lý tưởng Quốc Gia,: Tự Do, Dân Chủ! Lời thề rạch ròi, tung hê, ngạo nghễ trong một không gian im-ắng, tỏ rạng, tỏa sáng muôn nơi. Vang-vang như tiếng của một sinh vật sơn lâm trong tiếng hú long trời oai phong, lẫm lẫm.
Những hàng cây chung quanh Vũ Đình Trường đang im phăng-phắc, nghiêm trang. Những lâu đài mái đỏ, tường trắng phía bên kia cũng như đang vào hàng tư thế nghiêm, những con đường hầu như nhựa đen hơn, im lìm, phẳng lặng. Và chúng tôi lưỡi kiếm bạc trong tay chĩa thẳng vào trời xanh sừng-sững với một tâm hồn nhất tâm chỉ còn “Tuyệt đối trung thành với lý tưởng Quốc Gia: Tự Do, Dân Chủ.”
Con đường ấy biết rồi đây sẽ muôn vàn gian khổ mới có thể vượt qua. Con đường ấy biết sẽ là vô-vàn khó khăn và Tổ Quốc Việt Nam –NGƯỜI—đã giao trọng trách cho chúng tôi gánh vác.
Trong nụ cười khi tan lễ. Cuộc tiếp tân bên mẹ cha, vợ, con, những người yêu dấu đối với chúng tôi trong những giọt mồ hôi nắng Saigon rớt xuống hình như có pha lẫn một chất gì mặn-mặn, cay –cay như những giọt nước mắt cuộc đời.
Tổ Quốc đã trao trọng trách cho ta, bây giờ ta chỉ biết tuân lệnh. Tổ Quốc bảo ta đi đâu: Quảng Trị, Đông Hà, miền Hỏa tuyến xa xôi, ta xin vâng.
Tổ Quốc bảo ta về Đồng Tháp, Cà Mau, nơi cuối cùng của quê hương, ta xin tuân. Tổ Quốc bảo ta lên Pleiku, Kon Tum, miền Tây Nguyên núi cao , rừng thẳm, u buồn, cô tịch. ta mang ba-lô, súng đạn lên đường.
Ta phải về Nhảy dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân, sư đoàn bộ binh , OK! Hay về Địa phương Quân, Tiểu Khu…bất cứ chỗ nào Tổ Quốc cần , ta phải có mặt.
Câu trả lời của vị Đại úy Trung Đội Trưởng Trung Đội FORT-BENNING tên Suarez trong trường Bộ Binh Thủ Đức khi tôi hỏi : “ Sir, Candidate Quy . Request permission to speak, Sir!” và tôi hỏi ông, khi ra trường nếu tôi không muốn về lại trường Bộ Binh Thủ Đức có được không ?
Ông trả lời ‘ Quân đội đặt đâu thì anh ngồi đó. Anh không có ý kiến”.( The Army assigns you where to go, You go. Where to serve. You serve. No idea, Sir).
Không lý lẽ, không đắn đo và cũng không thể từ chối, chàng sĩ quan Thủ Đức ơi!
Năm 1975 gãy súng, ta vào tù. Quê hương lầm lũi, quê hương u-hoài dưới làn roi quất bất nhân, bạo ngược. Mẹ già,vợ trẻ,con thơ, đồng bào Việt Nam gánh chịu bao nỗi đắng cay. Và những người con, những Sĩ Quan Thủ Đức xuất thân từ trường Mẹ dù chịu bao gian lao , tù tội của đòn thù cũng không thể lùi bước.
Hơn lúc nào hết,, lúc này càng phải trau dồi ý chí, thao luyện bản thân vì nợ nước chưa đền, chí trai chưa vẹn, chúng ta không thể thúc thủ, không thể thờ ơ trước cảnh đau thương , đàn áp, bóc lột và bán nước của bọn Cộng Sản hung tàn. Lá cờ vàng ngày nao, lưỡi kiếm thề vẫn trong tâm khảm người Sinh Viên Sĩ Quan Thủ Đức.
Khi lý tưởng Quốc Gia Tự Do , Dân Chủ vẫn còn trong nỗi ưu tư. Khi kẻ thù vẫn độc tài dày xéo trên đất nước thân yêu. Khi những người Sĩ Quan ngày nao còn sống thì lời thề ấy vẫn còn và ý chí xây dựng một Việt Nam tự do, dân chủ vẫn là một niềm hy vọng.. Lý tưởng ấy vẫn không hề nguôi cho đến khi chúng ta nhắm mắt , xuôi tay.. Dù ta đang sống tại quê nhà, hay ở Pháp, Canada, Mỹ quốc thì ta vẫn còn nợ.
Lệnh Tổ Quốc truyền xuống: Thủ Đức Gọi Ta Về. Mùa Hội Ngộ cuối năm nay là một nhật lệnh. Tất cả Sĩ Quan Thủ Đức “ Vào hàng, Phắc!!” Không được chần chờ, chậm trễ.
Nếu anh trong tâm còn vang vọng lời thề thuở nào. Nếu anh trong tinh thần còn là Sĩ Quan QLVNCH xuất thân từ NGÔI TRƯỜNG MẸ, thì hãy mau mau về dự cuộc Hội Ngộ tháng 10 năm nay.
Cuộc Hội ngộ cựu SVSQ Thủ Đức ngày 02 tháng 10 năm 2022 của Hội Ái Hữu SVSQ Trường Bộ Binh Thủ-Đức tại miền Nam Westminster, California, USA gọi ta về. Hãy cùng nhau tề tựu.
Xin liên lạc 714)-306-9195,
Web Site : www.kbc4100.com
kbc4100
Hội Cựu SVSQ Trường Bộ Binh Thủ Đức.
BIẾT ĐẾN BAO GIỜ ?!-- Quý Lê
Cho đến bây giờ đã gần nữa thế kỷ trôi qua kể từ khi chúng chiếm được miền Nam. Mọi việc đã thay đổi chóng mặt. Từ lúc Cộng Sản Liên Sô một thời hoạnh họe thế giới cho đến khi đế quốc Cộng Sản ấy đã sụp đổ. Kể từ khi Trung Quốc còn đi xe đạp Phượng Hoàng đến nay chúng đã chế tạo được máy bay, tàu bò, tiềm thủy đỉnh, súng cà nông, hỏa tiễn...Thế mà Việt Cộng vẫn còn tìm cách để làm chưa được cái quạt mày hiệu con sò. Chưa làm được những cái đinh ốc vít , hay bù loong…
Tại sao ? Bởi vì Việt Cộng chỉ chăm bẵm vào hai chữ "hận thù" chăm bẵm vào chuyện "Ngụy" và "Cách Mạng " ta. Cái đầu của bọn Việt Cộng là đầu chứa toàn bùn nên đâu có đề tài gì để suy nghĩ.
Bọn hắn chỉ là những tên nông dân vô học. Thử hỏi một anh hoạn lợn như Đổ Mười, anh làm phu ga xe lửa như Lê Duẩn, anh chàng chỉ biết làm vài bài thơ con cốc như Tố Hữu..Cái anh có cái đầu khờ khờ mà người làng tôi thường gọi hắn lá thằng "đệch", tức là thằng ngơ-ngơ, nghếch nghếch mà làm tới thủ tướng, chủ tịch nước chỉ đọc được kờ, lờ, mờ kiểu Nguyễn Xuân Phúc…
Một đất nước vô phước bị bọn vô học, vô đạo đức cai trị như thế nên phải chậm tiến, nghèo khổ, lạc hậu nhất thế giới là phải rồi. Nhìn đi , nghĩ lại thì thật tội cho đồng bào tôi.
Biết đến bao giờ đất nước tôi, quê hương tôi mới thoát ra cảnh này !?!?!...
( Q.L )
VỢ LÍNH VIỆT NAM CỘNG HÒA..
Tôi quen biết chàng khi anh ấy đã là lính. Cái lon Chuẩn úy chẳng là cái thá gì với tôi, một người con gái đầy nam tính. Tiếng nói miền Trung lơ lớ khó nghe, mặt chẳng đẹp trai và nhìn qua là biết chẳng phải con nhà giàu. Mấy cái đó và cả con người đó đáng lý ra chẳng dính dáng gì với tôi. Thế nhưng, trời bất dung gian tên Chuẩn uý người Huế đó không biết bằng cách nào lại có thể xin vào dạy giờ ở cái trường Trung học tư tôi đang dạy. Tôi phớt tỉnh Ăng lê, tới giờ dạy, hết giờ về không chuyện trò tào lao với người khác phái. Cái nhược điểm ấy bây giờ tôi mới biết là ở chỗ này. Thế là cứ tới giờ tôi đang dạy thì hắn lại sai học trò sang mượn khăn lau bảng, mà dạy toán thì lau bảng thường xuyên. Lại qua mượn phấn, hết phấn thường xuyên. Hết giờ lại tới chào và xin lỗi. Ngày khác lỗi vẫn hoàn lỗi, lại mượn phấn, mượn khăn.
Từ đó tôi ghét hắn. Mấy đứa học trò cũng biết tôi không thích hắn. Thế là tôi bảo học trò để sẳn một mớ phấn trong cái hộp và một cái khăn lau bảng. Học trò hắn qua mượn, tôi đưa luôn hộp và nói hãy giử lấy tôi tặng luôn, khỏi trả. Hắn tìm tôi xin lỗi và xin chở tôi về sau giờ dạy. Tôi từ chối, mặt lạnh như tiền đi thẳng. Buổi chiều, hắn tìm tới nhà để xin lỗi.
Hôm sau không giờ dạy, hắn lại tới nhà mượn sách và ngồi lì nói chuyện không đâu ra đâu. Cứ hể có dịp là hắn tới nhà tôi ngồi đồng, hắn nói đủ thứ chuyện bằng âm hưởng miền Trung nặng trình trịch. Một thời gian sau, tôi nghe miết rồi quen cái giọng khó nghe. Không tới trả sách thì lại thấy thiếu vắng một cái gì không phải là sách. Cái chiến thuật “mưa lâu thấm đất”, “Nói hay không bằng ngồi dai” đã khiến tôi phải lên xe hoa về nhà hắn và làm vợ hắn cho tới bây giờ.
Ông xã tôi là con trai một trong một gia đình hiếm hoi con trai. Cha chồng tôi là con trai một và đã mất sớm khi mẹ chồng tôi mới hơn 30 tuổi. Một nách 3 đứa con côi và cha mẹ chồng già yếu, mẹ chồng tôi đã ở vậy một nắng hai sương làm tròn nhiệm vụ làm dâu và làm mẹ. Do đó cái ao ước và hoài bảo của bà là có người thừa tự.
Tôi cô gái miền Nam tánh tình bộc trực, lại là một nữ hướng đạo hội họp, đi cắm trại liên miên, không nằm trong danh sách những người bà lựa chọn. Thế nhưng khi cậu con trai đã quyết thì bà phải bằng lòng. Trong thời buổi chiến tranh, người lính không thể biết trước ngày nào bỏ thây ngoài trận chiến. Và thế mẹ chồng tôi đã bỏ cái làng quê chôn nhau cắt rốn vào miền Nam để cưới vợ cho con, hầu mong tìm một mống cháu nội sau này.
Sau ba năm cưới nhau, tôi vẫn trơ trơ cho mẹ chồng tôi ngày đêm không yên giấc. Tôi biết trong tận cùng bà buồn lắm. Đôi khi bà nhìn tôi với đôi mắt thiếu tin tưởng. Câu “Cây độc không trái, gái độc không con” mà một lần tôi tình cờ nghe từ miệng bà khiến tôi buồn không ít. Thế nhưng là lính, vợ chồng không gần gũi nhau, làm sao có con được. Thế là bà bỏ Biên Hoà theo con trai ra Đà Nẵng và tuyên bố sắp đặt chỗ ở để tôi phải thuyên chuyển theo chồng.
Kỳ nghỉ tết năm 73, sau buổi họp cuối cùng, tôi đón xe đi Sài Gòn và lên chuyến bay đi Đà Nẵng thăm chồng. Đến đón tôi không phải mẹ chồng mà là người lính tùy tùng của anh. Thế là chiều hôm đó tôi có mặt ở nơi đóng quân của anh. Một ngọn đồi cao của vùng núi Quế Sơn thuộc tỉnh Quảng Nam. Đây là lần đầu tiên tôi chính thức sống đời vợ lính nơi tiền đồn.
Chúng tôi trú ngụ trong căn hầm chỉ huy đầy súng đạn và trang bị truyền tin. Tôi đang đan dang dở một tấm khăn trải bàn. Thế là tôi phải hoàn tất gấp tấm khăn đó để làm chiếc màn cách ly. Cuộc sống vợ chồng trong đồn lính thì có nhiều chuyện không thể cười mà cũng không thể khóc của một cô giáo kín đáo, nghiêm túc với cuộc sống xô bồ lính tráng ở đây. Tôi chỉ biết những ngày ở đó tôi thương lính hơn, tôi thông cảm nỗi cô đơn của chồng hơn và nhất là thật sự biết lo sợ cho chồng trong cuộc sống mà nơi đâu cũng có tai mắt của kẻ thù rình rập. Hết ngày lễ, chồng tôi giao đồn cho Đại đội phó đưa tôi về Đà Nẳng thăm mẹ chồng và ngay chiều đó tôi lên máy bay về lại Sài gòn vì ngày mai đã bắt đầu niên học mới.
Thế là tôi có mang đứa bé đầu lòng và tôi phải làm đơn xin thuyên chuyển để thật sự bắt đầu một cuộc đời mới. Mùa hè năm đó miền Trung đã thật không yên. Nhà tôi ở gần Phi Trường nên hàng đêm pháo dội về từng chập. Mẹ chồng tôi về lại Biên Hoà để lo cho con gái sinh nở. Tôi mang cái bụng bầu chui hầm thường xuyên. Mỗi lần có tin từ tiền đồn là tôi lo lắng hồi hộp.
Những cuộc đụng độ xảy ra liên tiếp. Đại đội phó, Hạ sĩ Quan, rồi lính bị thương liên tục. Cuối cùng người Đại đội phó mới đổi về cũng bị thương. Tôi như ngồi trên lửa nóng. Nỗi cô đơn, lo sợ, hồi hộp, mất ngủ khiến tôi xuýt bị sẩy thai.
Thế rồi mẹ chồng tôi cũng về kịp trước ngày tôi sinh nở. Con tôi mở mắt chào đời ở một nhà hộ sinh tư . Tôi mệt nhoài sau cơn vượt cạn, mẹ chồng tôi đón con bé với nụ cười gượng gạo.
Bà chỉ mong là trai để nối dõi tông đường. Còn anh, được tin tôi đã sinh con, anh về cùng người lính tùy tùng. Vào nhà thương, xoa đầu tôi, bồng con hôn vài cái là xe hậu cứ đã chờ để đưa anh lên lại đơn vị. Ngày đầy tháng con bé, họ hàng, bà con đầy nhà. Anh bươn bả bước vào, chào mọi người rồi tới bên tôi cười cười. Bồng con bé lên hỏi tôi “Sao mặt nó như dài ra” hôn con, ăn vội vã vài miếng. Xe hậu cứ trờ tới và anh lại lên đường.
Tôi ứa nước mắt, không thể giận anh, mà cũng không thể không trách anh. Chẳng nói gì được với tôi một câu ngọt ngào khi tôi vật lộn trong cơn đau đẻ, lại chịu sự chăm sóc cực kỳ quái đản của mẹ chồng tôi trong những ngày nằm cữ. Tôi nhắm mắt lại, thương con và thương mình quá đỗi.
Thế là cuộc chiến càng ngày càng khốc liệt. Anh được đổi về làm ở Trung tâm Hành quân. Tôi nghe thôi chứ cũng không biết ở đâu? Chỉ biết ít nguy hiểm tính mạng hơn ở Đại đội. Chồng tôi là một người sống chân thành và tốt với bạn bè, đồng đội. Tôi nhớ có một lần anh dẫn về nhà một người lính và một người phụ nữ. Anh nói với tôi đây là lính trong đơn vị, vợ nó tới thăm. Anh cho nó nghỉ phép và nói nhỏ với tôi lo ăn uống cho tươm tất. Đến tối, anh bảo tôi ôm con xuống nhà sau ngủ, nhường giường chúng tôi cho hai vợ chồng kia. Anh nói:
- Tội nghiệp tụi nó, gặp nhau như vầy nó mừng lắm. Hãy để nó trọn vui. Đời lính không biết sống nay, chết mai.
Và như vậy, sáng hôm sau anh lên đơn vị, người lính cùng vợ có 3 ngày phép đoàn tụ tuyệt vời. Một lần thấy anh không còn bộ đồ civil nào cho ra hồn, tôi bảo anh đi may một bộ đồ mới. Anh vốn là người khó tính và kén chọn. Mãi sau mới chọn được màu vải vừa ý mà may. Lấy đồ về chỉ một lần mặc thử cho tôi ngắm rồi mãi bận hành quân không có dịp mặc. Đại đội phó của anh gia đình ở tận miền Tây, anh ta lại phải lòng cô gái Đà Nẵng. Thế là một hôm anh về bảo tôi mở tủ lấy bộ đồ mới may, tặng cho anh chàng Đại đội phó của mình. Anh nói với tôi :
- Nó cũng trạc với anh. Nó mặc vừa đó em. Thôi tặng cho nó đi hỏi vợ. Hỏi vợ chỉ một lần chứ may đồ thì mình còn nhiều lần khác. Tội nghiệp gia đình nó ở xa, không có bộ đồ civil nào mặc cho ra hồn để coi cho được trong ngày quan trọng.
Tôi vừa tiếc vừa phục tấm lòng tốt của chồng. Không còn lời nào để nói tôi đành gói lại đàng hoàng, bỏ trong túi xách và bảo đem cho chú ấy. Ngày Đà Nẵng sắp mất, người người bỏ chạy ra ngoài bến tàu để thoát vào Sài gòn. Chồng tôi ở Trung tâm hành quân, biết sự sụp đổ đã đến, không liên lạc được với đại đội cũ của mình. Anh cấp tốc lên tận nơi trú đóng và kéo lính về trong làn sóng di tản khổng lồ của Đà Nẵng. Chúng tôi, mẹ già, con dại chờ đợi anh mỏi mòn. Trông thấy anh về với đoàn quân tan tác mà muốn xỉu.
Chồng tôi ruột để ngoài da. Lúc nào anh cũng lo cho bạn bè, đồng đội, anh em, ít khi nào lo lắng chuyện nhà. Mọi thứ mẹ chồng tôi cáng đáng điều khiển và tôi là người tuân lệnh thi hành. Có lẽ nói ra không ai tin, nhưng đối với tôi, tôi chưa hề cầm trong tay một đồng lương lính. Ngày chưa theo anh, tôi đi dạy, có lương, có nghề nghiệp, tiền ai nấy xài. Mà tiền lính thì tính liền anh cũng chẳng có gì dư dã. Theo chồng ra Đà Nẵng tiền lương anh có đưa cho mẹ chồng tôi không thì tôi không biết, còn tôi chẳng hề nghe nói đến tiền bạc. Ngày Đà Nẵng mất lẽ dĩ nhiên anh không có lương và anh đi cải tạo suốt 8 năm trời chấm dứt một thời kỳ lính tráng.
Như vậy thì làm vợ lính vui hay buồn, sướng hay khổ? Thưa các anh, người vợ lính chịu mọi thiệt thòi. Có chồng mà cũng như không trong suốt thời kỳ chinh chiến cũng như hoà bình. Những ngày tù tội đã đành không thể trách ai. Các anh trong bốn bức vách lao tù, số phận ai cũng như ai. Nhưng người vợ lính ở nhà cái vòng đai rộng hơn, bẫy rập nhiều hơn, con người tàn ác quỷ quyệt hơn đe doạ thân phận đàn bà. Tôi có những người bạn vì thương chồng, lo lắng chạy chọt để lo cho chồng về, để rồi sụp bẫy. Cả cuộc đời danh tiết, hạnh phúc bị mất tất cả. Có người lạc bước khi bươn chải kiếm đồng tiền lo cho con, lo cho chồng cải tạo. Thương tâm lắm, đau đớn lắm cho những cánh hoa trong biển lửa tàn ác của chiến tranh ý thức hệ.
Xin lỗi các anh cho tôi nói thật. Khi ở tù về, các anh thật sự quên đi tất cả, đem hết sức mình cùng sát vai vợ mà lo cho gia đình không? Đàn bà chúng tôi, ăn trắng mặc trơn, học hành trí thức, nhưng đến lúc phải lo miếng ăn cho con, cho chồng thì bất chấp sự cực khổ. Bán chợ trời, chạy hàng xuôi ngược Bắc Nam, Bán hàng rong, cày thuê, cuốc bẫm, bán thuốc tây, thuốc hút, làm công nhân… Bất cứ nghề nghiệp nào lương thiện để kiếm ra tiền thì không quản ngại khó khăn.
Các anh nhận những món quà đơn sơ, nhưng biết đâu rằng trong hoàn cảnh cả nước cùng đói, chúng tôi phải tính toán muốn bạc tóc mới đem được đến tay các anh một ít quà, nhưng là một biển yêu thương, một trời thương nhớ. Khi các anh được về nhà sau những tháng ngày bán đời mình cho đói khát, bệnh tật. Các anh không biết là đã mang theo trong mình một nỗi chán chường, một tâm hồn đầy bất mãn và nghi kỵ mọi thứ.
Các anh lính hào hoa, yêu đời, coi thường sinh mạng đã mất. Các anh bây giờ đã bỏ lại trên núi đồi Việt Bắc phân nửa cuộc đời hùng tráng của mình. Chồng tôi cũng vậy, anh chán đời, bất mãn và tự ái với vợ, với con và chính bản thân mình.
Tôi đã khóc nhiều đêm, nhiều ngày mà không biết làm sao kéo anh ra khỏi cái ám ảnh tàn khốc đó. CS thật quỷ quyệt, những bài học nhồi nhét cho các anh, nó như con ma kéo trì những chí hướng phấn đấu của chồng tôi. Người lính của tôi đã thật sự thất trận thảm thương.
Khi được sang Mỹ đinh cư, mẹ chồng tôi mang nhiều bệnh tật. Chồng tôi vui buồn, khoẻ mạnh hay suy nhược theo căn bệnh của mẹ chồng tôi. Anh có cảm giác mình phải làm cái gì trả hiếu cho mẹ mà bất lực. Ngày mẹ chồng tôi mất, chồng tôi như thân cây không còn mầm sống gục xuống đau đớn. Anh bị trụy tim, bị strock và đầu óc càng ngày càng suy nhược theo căn bệnh Parkinson.
Bây giờ sau 38 năm chồng tôi không còn là người lính, nhưng tôi vẫn làm người vợ lính hằng ngày theo từng sinh hoạt của chồng. Anh đang sống trong hồi ức những ngày bên anh em, bạn bè, đồng đội. Có món gì ngon là anh bảo kêu mấy đứa tới ăn.
Đừng tưởng anh kêu bầy cháu tôi. Không đâu, bạn bè lính tráng của anh đó. Khi thì kêu tôi chuẩn bị đồ nhậu, mấy thằng em tới chơi. Khi thì bảo thay đồ cho anh để anh đi họp Tiểu đoàn. Khi thì vui cười kể chuyện huyên thuyên như có người trước mặt.
Và như vậy tôi mãi mãi là người vợ lính, vui buồn chung với những suy tư và cảm giác của chồng. Những người chỉ huy, đồng đội của chồng dù không ở trước mặt, nhưng là những người bạn vô hình đem lại niềm vui cuối đời cho chồng tôi.
Mỗi buổi sáng lạy Phật tôi đều nguyện cầu bình an cho chồng, cho con cho tất cả mọi người xung quanh tôi. Cầu nguyện cho những anh hùng chiến sĩ đã nằm xuống được nhẹ nhàng siêu thoát.
Tôi rất ái mộ những chị cầm cờ theo chồng trong những cuộc biểu tình, hay sát cánh bên anh trong những lần sinh hoạt đơn vị. Màu áo các chị tung bay xinh xắn, gương mặt các chị rạng ngời hạnh phúc, đôi mắt các chị rực lửa đấu tranh.
Những người vợ lính ấy đã làm đẹp cuộc đời cho chồng, cho xã hội. Tôi không được may mắn ấy, chồng tôi bây giờ là một thương binh thật sự. Anh không thể sát cánh cùng đồng đội sinh hoạt, nhưng trái tim anh và đầu óc anh đầy ắp tình đồng đội và quê hương, lý tưởng của những người lính VNCH theo đuổi là vậy đó.
Và dù gì thế nào chăng nữa tôi vẫn mãi mãi là người vợ lính không bao giờ thay đổi. Tôi yêu họ những người lính chính nghĩa, luôn đặt Tổ Quốc lên trên tất cả kể cả mạng sống, họ chính là những người mãi mãi trong tim tôi và trong trái tim những người yêu quý họ.
Tác giả: Nguyễn thị Thêm
bảo rằng các ông anh, ông chú của anh ta ngày trước vừa đi "dê" gái vừa đi học mà cũng đậu tú tài.-- Qúy Lê
Tôi không tin lời bạn nói đúng. Nếu ông ta chuyện đi "dê" gái thì đầu óc đâu nữa để làm toán, học bài. Khi làm toán định đề, định lý không thuộc mà đầu óc cứ quay cuồng với mắt, môi em, với lời nói nụ cuời của em thì nhìn tam giác sẽ thành tứ giác, nhìn tỷ lệ thành ước lệ…
Ngày xưa là học thật chứ không học giả được đâu. Toán mà bạn không làm hằng ngày, hằng đêm thì làm sao bạn giải những bài phương trình bậc nhất, bậc hai, các đồ thị, hàm số..Đó là mới đại số là thuộc loại dễ, nhưng sờ đến hình học phẳng, không gian. Nếu người học không giỏi hình học phẳng thì khó mà mò lên được hình học không gian.
Ngay cả ở tiểu học, người học trò không giỏi phân số thì lên trung học sẽ gãy liền. Phân số là đầu câu chuyện của tỷ lệ, cho hằng đẳng thức quan trọng mà người học trò không nắm vững thì khi học lên nữa người ấy như lọt vào rừng chằng chịt với cây, mây gai giăng chi chít. Thế là đã mất căn bản thì đâu còn học hành gì được nữa.
Năm tôi thi tú tài phần một. Bài toán hình học không gian là một hình tứ trụ, mà đáy nội tiếp trong một vòng tròn. Tứ trụ có đỉnh vẻ xuống tâm chạy vòng vòng , bắt thí sinh tìm ra quỷ tích ....Bạn tôi, tthuộc loại toán khá, đã tìm không ra quỷ tích ở phần cuối bài, câu hỏi số 5, chỉ làm được 4 câu đầu, đã rớt tú tài kỳ thi ấy. Đó mới chỉ là toán.
Còn văn chương , phải học thuộc kiều từ năm đệ tứ. Nếu không thuộc cũng phải viết được tại sao Thúy Kiều phải bán mình chuộc cha. Khi viết phải nêu ra những đoạn thơ Kiều để chứng minh. Hay hai Kiều, Thúy Vân và Thúy Kiều đã gặp Kim Trọng trong trường hợp nào, và mội tình sét đánh (shock) ấy đã đem đến kết cuộc như thế nào. Phải mô tả cuộc hội ngộ đó, như " Hai Kiều e lệ núp vào dưới hoa. Vốn người quanh-quất đâu xa. Họ Kim tên Trọng vốn nhà Trâm anh..." ......, Tại sao Thúy Kiều phải gieo mình xuống sông Tiền Đường...
Học sinh muốn vượt qua kỳ thi trung học đệ nhất cấp , tú tài thời ấy phải học thuộc thơ của Nguyễn Cộng Trứ, Trần Tế Xương, Nguyễn Khuyến, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan....Phải hiểu Tự Lực Văn Đoàn của Khái Hưng, Nhất Linh, Thạch Lam , Hoàng Đạo viết các sách như Đoạn Tuyệt, Hồn Bướm Mơ Tiên..họ nói gì, mục đích họ muốn cải tạo xã hội Việt Nam vì sao ...
Anh văn nếu là sinh ngữ chính nếu học ban A , ban B thì phải học đến cuốn 4. Trình độ học tới quyển 4 English for Today là có thể giao tiếp bình thường được rồi. Nếu hoc trò học theo ban C ( ban văn chương) là phải học thêm quyển 5 và quyển 6 của English For Today. Trong quyển 6, những bìa học toàn là những truyện ngắn. Tôi còn nhớ có bài với tựa " Kẻ Dõm Đời" ( The Snob). Câu truyện tả một người cha một bữa vào nhà sách để mua sách. Ông ăn mặc xuềnh xoàng quá, tóc tai không chải, chiếc áo sơ mi trắng mà cũ quá đã thành vàng ( nhưng không dơ). Không may gặp đứa con trai đang dẫn người yêu cậu ta vào tiệm sách. Đứa con rất bối rối không biết nên giới thiệu cha mình với người yêu không vì hắn sợ mất mặt vì người cha trông nghèo nàn , xơ xác quá....Cậu ta trong lòng muốn né tránh để cha mình và người yêu mình khỏi gặp nhau. Nhưng họ đang trong một lối đi kẻ vào người ra, không thể nào tránh được..... Tâm tư chàng ta lúc này trống đánh dồn...Tôi đọc cho đến bây giờ đã gần 80 tuổi mà không trả lời nỗi cho mình ai là kẻ rỡm đời. Ông cha hay đứa con. Đó là văn chương Anh Mỹ.
Tôi chưa đề cập đến sử, địa. Sử địa chúng tôi phải học thuộc để khi vào trường thi phải viết thành trang một đề tài như : Cuộc chiến thắng của Nguyễn Huệ với Tôn Sĩ Nghị xãy ra lúc nào và năm nào ? Tại sao Nguyễn Huệ đã chiến thắng ?.
Tôi trình bày cho các bạn hậu sinh rõ chương trình học như thế thì có thời gian vừa "dê" gái mà thi đậu không ? Ngày xưa chuyện mua bằng là chuyện hầu như không có. Con của Phó Tổng Thống rớt tú tài phải đi trung sĩ. Các ca nhạc sĩ tài hoa, văn chương tót chúng cở Trần Thiện Thanh, Duy Khánh, nhạc sĩ Trúc Phương vì đầu óc mơ mộng không chịu học toán, học bài , không đậu nỗi tú tái cũng ngậm ngùi đi vào trường hạ sĩ quan để ra trung sĩ.
Làm được sĩ quan hải , lục, không quân của Việt Nam Cộng Hòa ra đời chỉ huy thiên hạ là một hảnh diện lớn cho gia đình, được xã hội kính trọng, nể vì...là người có học thức, có đạo đức, tư cách. Nền giáo dục Việt Nam Cộng Hòa nhắm đào tạo ra những người như thế.
( Q.L. )
----------------------
CHỦ THUYẾT CỘNG SẢN KHÔNG THỂ NÀO GỌI LÀ HAY ĐƯỢC--Quý Lê
Chủ thuyết và thực tế sai khác nhau cả ngàn dặm thì không thể gọi là hay được, nhưng do con người đọc không tới, đọc không kỷ nên mới hiểu nhầm cứ cho là hay.
Chủ thuyết Cộng sản bảo sẽ đem của cải chia đều khắp, làm tùy sức, ăn tùy cầu. Cuối cùng thằng siêng, thằng tài làm việc cật lực bị thằng gian, thằng lười, thằng ngu hưởng vì hắn không làm cũng được chia phần bằng thằng đem sức lao động và trí óc ra làm.
Nhiều người thời đó đã không đọc kỷ nên họ không nhận ra Tư Bản Luận của Karl Marx là một quyển sách thuộc loại vứt thùng rác mà tưởng là kinh thánh. Thứ sách ba-láp mà nhiều anh "trí thức" cho là hay.
Jean Paul Sartre, Bergson ...đều là thứ ngu của nhân loại mà người ta cho là học thức, trí thức...Nguyễn Chí Thiện nói các ông có học như Jean Paul Sartre, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo...ngốn không biết bao nhiêu sách vở của nhân loai vào đầu óc của mình nhưng rốt cuộc thua cái bà già trầu chèo đò ở Quảng Bình...
Thua tôi chỉ có mảnh bằng tú tài rách nhưng biết nhiều về sự gian tà, xảo quyệt của Cộng Sản hơn bọn họ.
( Q. L. )
ĐÔi LỜI với bọn Bò Đỏ bọn ăn bám ở Việt Nam muốn qua Mỹ sống...-Quý Lê
Chúng nó tưởng khi đến Mỹ là cứ tự nhiên ăn ngủ sáng ra đường lượm dollar vào dùng chứ chẳng cần làm lụng gì cả.
Hãy hiểu rằng từ một quê hương , từ một đất nước khác đến một đất nước mới là để lập nghiệp , làm lại cuộc đời. Mỹ là nơi dung thân cho những người cơ nhỡ, những kẻ bị thất sủng, bị hất hủi, bị trấn ải nghèo đói chứ không phải là thánh địa cho những tư tưởng" ngồi mát ăn bát vàng".
Những người đến định cư Mỹ nếu họ là những người bị bạc đãi trên đất nước Việt Nam như chúng tôi, là những người đã bị tù tội, dù là kẻ có học nhưng Việt Cộng không xử dụng dù cho là một chân giáo viên hay thư ký...thì khi sang Mỹ mới thấy đây là chân trời hừng đông rạng rỡ đang đón tiếp mình nhiều vận hội để làm lại cuộc đời.
Còn những kẻ có cái ăn, cái để, nhất là gia đình cán bộ trong chính quyền Cộng Sản VN vốn những người này là những kẻ ngu dốt, lười nhác quen ăn trên ngồi trốc, hút máu đồng bào, không có ý chí tiến thủ, không biết cách tự mình làm ra để ăn, để mưu cầu cho cuộc sống chân thật của mình, từ đó thiếu sức bật của lò-xo thăng tiến thì phải thất bại thôi.
Chúng tôi, những sĩ quan của chế độ miền Nam đã thất trận, đã bị tù đày, đã bị phân biệt đối xử bởi chính quyền Cộng Sản nên chắc chắn gia đình chúng tôi, con cái chúng tôi phải thành công trên vùng " Đất Hứa" này. Còn các người, con cái Cộng Sản hay những người đã từng trong ô dù, phe phẩy, nịnh bợ hay dựa lưng vào bọn chúng , những con người không có ý chí thì đừng nên sang Mỹ, Canada, Úc...làm gì vì các đất nước này không chấp nhận cho những người không có xương sống, không có lòng kiên trì, ý chí nhập vào đây.
( Q. L. )
CÁI HỌC NGÀY NAY--Quý Lê
Nói đi, nói lại thấy tội cho con cháu mình bây giờ, cũng cắp sách đến trường, cũng mài mòn đũng quần hơn 12 năm để lấy cái bằng tốt nghiệp trung học mà bây giờ bọn Việt Cộng cũng cho học sinh gọi là bằng tú tài để tỏ ra khỏi thua kém gì với những bằng cấp "Ngụy" ngày trước 1975.
Rồi cũng tốn cơm cha áo mẹ mất 4 năm thêm ở cái trường đại học còn gọi là học đại. Ở vào những cái trường đại học, học đại này. Chỉ có những con cha, cháu ông, con cán bộ lớn thuộc đối tựợng cao dù điểm tốt nghiệp lớp 12 chỉ 3 bốn điểm trên 20, nhưng là đối tượng thứ nhất, thừ nhì, thứ ba thì đều được nhận vào các trường đại học công an, đại học y khoa, đại học dược...Còn lại có vào được đại học cũng chỉ là giáo chức, dức cháo, nông nghiệp hay xây dựng hay gì gì đó mà thôi. Những trẻ em con các gia đình ngụy quân, ngụy quyền thì chắc hẵn phải bị phân biệt đối xử gấp nhiều lần vì ở vào đối tượng thứ 11. Như con bạn tôi chỉ là một trung úy quân y , đi tù cải tạọ hơn một năm. Thằng cháu đậu thủ khoa tuyển sinh của trường y khoa ở Saigon vào năm 1976, nhưng rồi vì đối tượng thứ 11 nên phải bị rớt. Thằng cháu phải về nhà vác cưa đục đi làm thợ mộc. Đây cũng là một hệ lụy vô cùng nguy hiễm cho bọn bác sĩ, dược sĩ do tuyển lựa theo đối tượng để lấy bọn dốt nát vào nghề cầm kéo, cầm dao để giết người vô tội vạ.
Theo bọn Cộng Sản có thể cho rằng chế độ Việt Nam Cộng Hòa là ngu bởi những ngày trước 1975 , bộ giáo dục Ngụy đã không hề phân biệt con hồ, cháu hói. cứ ai muốn học, ai học giỏi là chấp nhận thâu vào. Chỉ biết ai muốn học là cho vào học. Cứ có khả năng toán bút, văn chương..là được đậu tú tài, cử nhân , tiến sĩ và được mời vào ngồi các địa vị lương cao, bỗng lộc hào sảng.
Những anh em huynh đệ bạn bè tôi trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa , cha mẹ họ là những người đã từng đi tập kết hay đã nhãy núi, đang chiến đấu phía Cộng Sản nhưng họ vẫn làm tới chức Trưởng Phòng Nhi Tiểu khu Pleiku, đến ngày sắp đứt phim 1975, ông ta đã lên tới thiếu tá và được bổ nhiệm vào chức tham mưu trưởng tiểu khu Đắc Lắc. Vị sĩ quan ấy quý danh là Phạm Viết Gi...nhiều người biết ông ta. Người bạn tôi tên Huỳnh Văn L... có cha mẹ đều là người đi theo Việt Cộng , từng làm đến chức chủ tịch ủy ban hành kháng tỉnh Phan Rang. Anh L. cũng được vào trường sĩ quan Thủ Đức, tốt nghiệp ra sĩ quan và đã làm đại đội trưởng một đại đội chiến đấu của tiểu khu Pleiku. Năm 1970 trong một trận tấn công vào đồn do đơn vị anh làm đại đội trưởng. Anh đã đẩy lui cuộc công đồn ấy tại làng Plei Greo 2, ngã ba Mỹ Thạch với 39 mạng Việt Cộng để lại tại chiến trường. Anh được gắn huy chương bạc trong chiến trận ấy. Phải nói, trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa có cả hằng ngàn sĩ quan có cha mẹ, anh em ruột là Việt Cộng, chỉ khi nào các vị ấy có hành động gì đáng nghi ngờ không trung thành với lý tưởng quốc gia mới bị theo dõi, còn lại không ai bị phân biệt đối xử vì họ có cha mẹ anh em đã theo phía địch.
Quan niệm của Việt Nam Cộng Hòa trong luật pháp đối xử với công dân của mình : ai làm nấy chịu, không dựa vào lý lịch của cha mẹ, chồng con để xét về người đó. Phải nói, chế độ Việt Nam Cộng Hòa có một cái nhìn vô cùng đạo đức, nhân bản .
Khi vào ở tù cải tao trong trại giam Cộng Sản, tay nhà trưởng ( hay lán trưởng) tên Vỏ Đông L., nguyên là một trung úy Quân lực Việt Nam Cộng Hòa đang ở tù cải tạo với chúng tôi tại trại tù An Trường, trai 1, tổng trại 4, Quân khu 5. Hôm đó, ngày chủ nhật, ngày trại cho tù được gọi ra thăm nuôi. Khi ra, anh Vỏ Đông L. gặp người cha là một cán bộ Việt Cộng tập kết ra Bắc về. Nghe nói ông ta là đảng viên hạng khá, làm tới chức Trưởng Ty, Trưởng Sở Thương Mại gì đó ở Hải Phòng. Khi cha con gặp nhau thì một anh chàng bộ đội , nhìn vào hai cha con mà nói , " Cha dzậy mà con dzầy !' Ý nói cha là cán bộ cao mà con là sĩ quan "Ngụy".
Người cha vô cùng tức bực, quay sang chữi Vỏ Đông L. , "Mày thấy chưa L. à. Bọn hắn không ra gì , vì Mày mà hắn chữi tao !" Khi vào lại láng tù, Vỏ Đông L. vô cùng buồn bả, tức giận...Nghe nói ông ta cũng có vợ con ở Hải Phòng làm bà mẹ anh L. chờ đợi thờ chồng, nuôi con mấy chục năm trời không ngờ chỉ là công cốc, gặp người tình phụ. Từ đó, mối liên hệ gia đình vợ chồng, cha con đã cắt đứt.
Những niên trưởng, niên đệ, những chiến hữu của tôi là những sĩ quan, công chức "Ngụy" có liên hệ cha mẹ, anh em ruột thịt với các cán bộ Cộng Sản, phần nhiều trường hợp , như nhà văn Phan Nhật Nam có cha là đảng viên , họ đã thấy người Cộng Sản không có tình máu mủ, ruột thịt, chỉ biết danh lợi, tiền tài nên họ chẳng muốn dính dấp gì với nhau. Đường ai nấy đi , ý ai nấy giữ.
Đã là sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa ai cũng có học thức đủ để phân biệt phải trái, đúng sai nên từ khi Cộng Sản vào miền Nam đã cho mọi người trong này nhận ra bộ mặt thật đểu giả của chúng nên ai cũng né tránh, chạy trốn bộ mặt Cộng Sản càng xa càng tốt.
( Q.L.)
No comments:
Post a Comment