Saturday, October 22, 2022

TÌNH YÊU THỜI CHINH CHIẾN (1) - Tuyết Thu (Bồng Sơn Bùi TSQ/K21/TĐ1/TQLC)

TÌNH YÊU THỜI CHINH CHIẾN (1)

Tuyết Thu (Bồng Sơn Bùi TSQ/K21/TĐ1/TQLC)

  Thuy Nhien Nguyen:"Vậy ra cô Tuyết Thu lớn hơn Thuỳ Nhiên có 5 tuổi thôi. TN sinh sau đẻ muộn thành ra không có duyên làm người yêu của Lính. Ngày đó mới 17 mà các bà trẻ đã biết yêu rồi, lớp dậy thì sau tháng 4/75 như TN hơi bị khờ vì cứ lo chuyện vượt biên, chuyện bị bắt đi làm thuỷ lợi (mẹ TN toàn đóng tiền để mượn người đi đào kênh thay) chuyện xếp hàng mua khoai sắn bột mì than đá .... 

----------------------------------------

mệt mỏi, hồi hộp, hoảng hốt ... mụ cả nguời nên không biết thế nào là tay trong tay dạo phố ăn kem bên người yêu lý tưởng như thời của bà trẻ .. Tuổi 17 của bà trẻ đúng là một thời để sống một thời để yêu Tuổi 17 của TN là một thời khốn khổ, nước mất nhà tan, mất nước đúng là mất tẩt cả .... Trái đất vẫn quay, mọi khổ đau rồi cũng qua, trong TN chỉ còn một tiếc nuối, tiếc nuối một Miền Nam VN hưng thịnh, tiếc nuối quân lực VNCH một thời bảo quốc an dân .... Giờ thì tóc đã phai màu, điều mơ ước lớn nhất trước khi nhắm mắt là thấy đảng csvn tan rã, quê hương VN thoát được kiếp nạn cs để anh linh các chiến sĩ Cộng Hoà được an nghỉ." 

Phần 1. 

Tuyết Thu quen ông xã trong một lần đi uỷ lạo vào khoảng tháng 4 năm 1972, khi thăm viếng thương binh TQLC, mới được chuyển về bệnh viện Lê Hữu Sanh từ vùng địa đầu giới tuyến, bệnh viện LHS/SĐ/TQLC, tọa lạc tại Thủ Đức, được trang bị những y cụ khá tối tân so với bv Cộng Hòa và bv của binh chủng ND. Năm đó TT mới 17 tuổi đang theo học tại trường Lê Văn Duyệt, được tuyển chọn vào toán học sinh uỷ lạo, thăm viếng Chiến Sĩ VNCH cùng với 19 bạn khác từ các lớp Đệ Nhị, Đệ Nhất khác. Hằng ngày xem TV, đọc báo theo dõi tin tức chiến sự trên khắp Nước, TT biết một cách mơ hồ về cuộc chiến đang xảy ra vô cùng khốc liệt, tỷ lệ thuận với thời gian từ Tết Mậu Thân 1968 tăng dần theo chiến trân Hạ Lào - Lam Sơn 719-1971, rồi đến Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, những năm 1968, 1971 TT còn bé, nên không được tuyển chọn cho đến khi lên Đệ Nhị thì TT đã là thiếu nữ 17 xuân xanh và đủ lớn để được đi thăm viếng ,uỷ lạo thương binh, trước năm 17 tuổi thì TT chỉ có thêu khăn, viết thư và làm thiệp chúc Tết để gửi đến chiến sĩ tiền tuyến mà thôi, nghe mấy chị kể lại những anh thương binh rất vui vẻ và cảm động khi được các em nữ sinh đến thăm viếng, làm cho mình cảm thấy nao nức, mong mỏi được một lần đến thăm viếng, uỷ lạo các Anh chiến sĩ. Gia đình TT có một ông anh ruột đi lính Hải Quân, một ông được hoãn dịch và hai ông anh rể ,anh rể thứ ba là TQLC, anh rể thứ năm là HQ, anh rể đầu là cảnh sát Quốc Gia. Ngày hôm đó ngày định mệnh, trường được Bộ Thương Binh-Xã Hội gửi giấy mời, yêu cầu bảo trợ một buổi thăm viếng TPB thuộc SĐ/TQLC tại bv Lê Hữu Sanh/TQLC, bà Hiệu Trưởng bước vào lớp, cả lớp đứng lên nghiêm chỉnh chào bà theo tiếng hô của chị Trưởng lớp, bà nhẹ nhàng nói:

- Trường chúng ta được yêu cầu tổ chức buổi thăm viếng, tặng quà cho các Anh TBB binh chủng TQLC đang điều trị tại bv Lê Hữu Sanh(tên của vị Bác sĩ thuộc TĐ5/TQLC đã tử trận ở Mộ Đức-Quảng Ngãi năm 1966), trường chúng ta được cử 20 nữ sinh, tôi quyết định phân phối cho 2 lớp Đệ Nhị 10 em, 2 lớp Đệ Nhất 10 em như thế mỗi lớp được 5 em, áo quần phải là đồng phục của trường, áo dài trắng, quần dài trắng và trên áo phải có tên trường thêu vào cổ áo, tôi tuyển 5 nữ sinh nào tình nguyện, nếu không đủ số thì tôi sẽ chỉ định. 

- Bây giờ em nào tình nguyện đi thì đưa tay lên, chưa dứt câu thì cả mấy chục cái “họng" la to lên em..em em.điếc tai luôn, tôi cũng nằm trong số những “bà" trẻ đó mà còn có lẽ la to hơn ai hết., không khí trở nên ồn ào, tiếng vỗ tay xen lẫn tiếng cười nói tạo nên âm thanh náo nhiệt, vui nhộn nhưng hơi mất kiểm soát, bà hiệu trưởng cũng phải nói to hơn: 

- Các em im lặng, giữ gìn trật tự nào, nếu đông quá thì nhờ cô giáo cho các em bốc thăm để được công bằng. Cô giáo vội bảo bạn Trưởng lớp làm 30 cái thăm, trong đó 5 cái đánh dấu từ số 1,2,3,4 và 5, còn lại 25 cái trắng, ai bắt được cái có ghi số là được đi, những thăm được bỏ vào cái hộp, cô giáo cầm chiếc hộp lắc qua lắc lại, đi đến từng bàn, cho mỗi người bốc 1 cái và người bốc không được nhìn vào hộp đựng thăm mà phải quay đầu sang hướng khác, trời ơi là trời thấy mọi người ai cũng đặt tay lên trái tim để nén sự hồi hộp, còn hồi hộp hơn đi lãnh phần thưởng nữa à nha. Phần TT không dám nhìn thẳng vào hộp thăm mà chỉ âm thầm khấn vái với Ông Trời cho con bốc được cái thăm có số để được đi thăm các anh TB. Thật đúng là Trời cao có mắt, lời cầu nguyện của TT đã được hiển linh, TT bắt được cái thăm mang số 1, con số định mệnh vì sao gọi là con số định mệnh TT sẽ giải thích sau nhé. TT mừng quá nhảy dựng lên la to: - Em trúng rồi cô, em trúng rồi Cô ơi. xen lẫn tiếng cười giòn dã sung sướng. Mấy đứa bạn quay nhìn TT với vẻ mặt lạnh lùng xen lẫn chút ganh tị, thì thầm: 

- Con Thu sao nó hên thế, không biết đến lượt mình thì sao đây hay lại bắt trúng cái hột vịt thì lúa đời!! Lần lượt mọi người đều được bốc thăm nhưng cuộc bốc thăm không được trọn vẹn vì lẽ mới chỉ có 4 bàn mà đã 4 người trúng rồi chỉ còn 1 vé duy nhất cho 4 bàn còn lại, thế là các cái họng chưa được bốc lại ré lên: 

- Cô ơi, cô xóc mạnh lên, cô đảo thăm đi cô, Cô giáo dừng lại trộn và lắc thăm theo sự yêu cầu của các “bà trẻ” đó, phần TT thì không chú ý tới nữa, tay thì giữ cái thăm mang số 1 đó thật chặt như thể sợ bị ai cướp hay giật mất và tự nghĩ “giấu nó đàng sau lưng cho chắc ăn, cuộc bốc thăm hoàn tất, 5 khuôn mặt trúng số rạng rỡ thoả thích, số còn lại thì tức tối buồn hiu thấy thảm thương quá chừng!!! Bà Hiệu Trưởng nhắc lại cho cô giáo và học trò về giờ giấc, trang phục và đặc biệt nhắc các nữ sinh phải hiền dịu, lịch sự, duyên dáng khi thăm hỏi các Anh TB, không được lí lắc, đùa giỡn, bỡn cợt với các Anh. Bà Hiệu Trưởng dặn dò thêm, 

- Các em nhớ mang theo thức ăn nhẹ vì có thể sẽ đói bụng mà trong bv người ta không bán thức ăn đâu, họ sẽ cung cấp cho chúng ta 1 chiếc xe GMC có thang cho các em leo lên leo xuống. Một “bà trẻ"nhanh nhẩu hỏi: 

- Thưa Hiệu Trưởng các em có thể mời các anh ấy ăn chung không ạ? Bà Hiệu trưởng nghĩ ngợi một lúc rồi nói: 

- Thầy cũng chưa nghĩ ra điều này, thôi đến nơi rồi Thầy sẽ hỏi, các em phải có mặt tại trường sáng thứ Bảy trước 10 giờ sáng, 10:30am chúng ta sẽ lên xe đến bv. Hôm nay là thứ 5, còn hai hôm nữa là bắt đầu cuộc hành trình lần đầu tiên trong cuộc đời, mình thật sự hồi hộp, lo âu, không biết phải chào hỏi, ăn nói như thế nào để an ủi các Anh, nói làm sao cho dịu dàng, duyên dáng hay ho, mấy lần đứng trước tấm gương bự trong phòng ngủ để tập dượt cách nói, âm thanh, cử chỉ và nụ cười như thế nào để cho được hoàn hảo, cuối cùng rồi cũng cảm thấy tạm được. Sáng thứ Bảy thức sớm, tắm gội, sấy tóc, trang điểm sơ sài không son phấn, mình không biết mang thức ăn gì, tính mình thì thích ăn ngon và ăn nhiều nói cách khác là hơi tham ăn nhưng nếu may mắn được ngồi ăn chung với ai đó mà cứ ăn thả giàn như ở nhà thì ôi thôi chắc chắn nét duyên dáng e lệ của phận hồng nhan sẽ biến mất, câu nói Nam thực như Hổ Nữ thực như Miêu chắc chắn phải được sữa lại là Nữ thực như Triệu Miêu thì đúng hơn, nếu mang bánh mì thịt thì phải há miệng lớn để gặm bánh mì trước mặt các Anh ấy thì kỳ chết, cuối cùng thì mình nhờ ông anh chạy xe đến nhà hàng Thanh Thế mua cho 5 cái Pate' chaud, với 2 trái cam sành, ăn uống như thế là ổn rồi, mọi thứ được bỏ vào xách tay Air Vietnam nho nhỏ của mình, gọn gàng nhất, không sợ lẫn lộn, mình thích mặc áo dài màu xanh thiên thanh nhưng không được, đành phải mang áo dài trắng của trường, ông anh đã rồ máy chiếc Honda Dame, mình lên xe để anh đưa đến trường, mình sinh ra và lớn lên là dân Sài Thành chính cống mà không dám lái xe gắn máy, đi đâu cũng phải nhờ người chở, may mà có ông anh được hoãn dịch chở đi chở về khi đi học. Đến trường thì đã thấy mấy “bà trẻ" tề tựu đầy đủ rồi, mình là người đến sau cùng nên bị mấy cái họng chì chiết: 

- Làm gì mà điệu thế “bà", bộ muốn kiếm bồ hả, ôi trời ơi còn mang nhiều Pate' chaud nữa cơ chứ.. mời Chàng ăn hả?. Mấy con nhỏ lắm chuyện này, mình nghĩ vậy nên không cần đối đáp gì hết nhưng cũng không để bị tấn công hoài mãi được nên phải đáp trả: 

- À nha, trên vai các “bà" mang vác cái gì mà nhiều thế hả, chân mình lấm đất bết bê, lại cầm bó đuốc đi rê chân người, Cả đám nín khe luôn, mình cười thoải mái, đúng lúc nghe cô giáo nói: 

- Các em lên xe, mỗi bên 10 người, Đệ Nhị bên Phải, Đệ Nhất hàng ghế bên Trái, khi xuống xe đồ đạc xách theo và sẽ có chỗ cất giữ trước khi vào thăm viếng uỷ lạo, các em thay phiên nhau bưng quà và trao quà nhé., đừng canh nạnh nhau mấy anh cười cho đó, nghe chưa? Anh tài xế đứng cạnh cầu thang giúp chúng tôi leo lên xe vì loại xe nhà binh cao hơn các xe đò hay xe Bus, cô Giáo được mời lên ngồi ghế trước bên cạnh tài xế, xe mở máy chạy về hướng cầu Bình Lợi, trực chỉ thị trấn Thủ Đức hướng về căn cứ Sóng Thần, nơi đây là hậu cứ của nhiều tiểu đoàn TQLC. Chiếc xe lính này kêu to quá nên lấn át âm thanh phát ra từ ‘họng" của các “bà trẻ", không giống như những chiếc xe khác, nên bọn Thu phải nói thật lớn mới nghe được nhau, tiếng cười nói vang lên một cách thoải mái, tự nhiên như người “Hà lội phố”, không e dè, e lệ, e ấp như người ta thường ví von,” 2 người phụ nữ với một con vịt sẽ thành cái chợ”, ôi thôi thật lắm chuyện phải như thế này, như thế kia mới hoàn hảo, nhưng ngược lại cũng có những nét âu lo, đăm chiêu hiện lên trên khuôn mặt của một số ‘bà trẻ" đang trầm ngâm suy nghĩ, tự đặt cho mình câu hỏi rồi tự tìm câu trả lời, trong số đó có T. Nào là mình sẽ chào như thế nào?, bằng tiếng chú, bác hay anh, câu hỏi cứ loanh quanh mãi trong đầu óc mình, cuối cùng thì mình cũng có được một quyết định sẽ gọi bằng Chú nhưng rất riêng tư, tự đáy con tim mình nếu mình cảm thấy có ai đó đặc biệt thì mình sẽ liều lĩnh gọi bằng “Anh", đúng hay sai?, có táo bạo lắm không? mình tự nghĩ. Đang miên man theo dòng suy tư đeo đẳng mình suốt khoảng đường thì xe chậm lại, quẹo vào chiếc cổng to lớn BV Lê Hữu Sanh rồi dừng lại trước sân cờ, cô giáo xuống xe cùng với chú tài xế, đến sau xe mở bửng, kéo cầu thang ra cho bọn mình xuống, các “bà trẻ bây giờ tự nhiên im bặt như hến”, không ai mở miệng, im lặng suy tư, cô giáo nhắc nhở, dặn dò mang theo đồ đạc cá nhân và quà tặng các anh TB, quà tặng thật ra chẳng có gì đáng giá, mỗi phong bì có 500$ và kem, bàn chải, khăn lau mặt nhưng được gói ghém cẩn thận khá đẹp mắt do các em lớp Đệ Tứ, Đệ Tam làm. 20 “bà trẻ" và cô giáo được Ban giám Đốc mời vào phòng họp, được thuyết trình hướng dẫn cách thức thăm viếng, ưu tiên cho những TB chưa có thân nhân thăm viếng và cũng chưa được uỷ lạo lần nào và những TB bị thương nặng, sau đó nếu còn quà thì sẽ tiếp tục cho đến khi nào hết quà. Sau phần hướng dẫn cách thức thăm viếng uỷ lạo, các “bà trẻ" được phân phối thành 5 toán, đi theo các anh Y tá mang blouse trắng đến khu vực nhà thương, nhà thương xây dựng giống như hình ngôi sao, nên mổi toán đi khác hướng nhau nên các “bà trẻ “bị chia đàn xẻ gánh, vì thế nhìn vào khuôn mặt nhau đều biết không ai còn tự tin được với chính mình, khi đông người thì còn dựa dẫm vào nhau để tác yêu tác quái nhưng bây giờ cô đơn chỉ một mình ta thì chao ôi sao trông em hiền như masoeur, mà hiền thật, các “bà" mất đi vẻ lí lắc thuở xưa, bây giờ giống như con nai vàng ngơ ngác đạp trên lá vàng khô của nhà thơ kiêm nhà văn Thế Lữ mà tên thật là Thứ Lễ. Toán của mình gồm 2 Đệ Nhất và 2 Đệ Nhị, tuy mình là Đệ Nhị nhưng trông mình có vẽ ngầu nhất trong đám xuân xanh ấy vì lẽ gì có ai biết không?, vì mình đã có nhiều điều kiện tiếp xúc với các anh lính nhiều hơn các “bà trẻ” kia, đây là lí do, gia đình TT có một quán bán thịt rừng, do Má và chị Hai làm đầu bếp, có thuê hai cô chạy bàn và TT sau giờ học phải về phụ với me và chị hai làm việc thâu tiền(cashier), nên hằng buổi chiều đều gặp mấy anh lính đến quán nhậu, TT phải ngồi ở quầy tính tiền nên thường bị mấy anh lính chiếu tướng kỹ lắm, nhiều lúc không dám ngước mặt lên nhìn đời là màu Hồng hay màu Đen nữa trời ạ, để chắc ăn khi ngồi ở quầy TT thường hay đọc mục Gỡ Rối Tơ Lòng do bà Tùng Long phụ trách, Quỳnh Dao với Hải u Phi Xứ, Mùa Thu Lá Bay hay Đoạn Tuyệt của Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, Gánh Hoàng Hoa của Khái Hưng, thỉnh thoảng cũng có đọc Nguyễn Thị Hoàng với Vòng Tay Học Trò và những tác phẩm về lính như: Chân Trời Tím của Văn Quang, Người Tình Không Chân Dung v..v.. để giết thời gian và có cớ để tránh những ánh mắt nhìn mình như xuyên suốt của khách hàng. Anh y tá dẫn bọn T đến vị trí và anh dặn: các cô tự nhiên đến uỷ lạo đi, những ai đang có thân nhân thăm viếng thì các cô không cần uỷ lạo, các cô chú trọng những TB đang cô đơn và cố giúp họ tìm được tình thương yêu gia đình và tình cảm tiền tuyến hậu phương nhé, chúc các ô thành công, sau khi hết giờ mời các cô trở lại phòng thuyết trình. 3 bà trẻ kia và TT nữa, bây giờ mới quýnh quáng không biết phải làm sao bây giờ, mọi lời hướng dẫn bay đi đâu mất tiêu, giờ không biết phải xử trí như thế nào?, bỗng nghe tiếng nói vang lên, với âm sắc đậm nét miền Trung. 

Các cháu đến đây, quay đầu nhìn lại thì thấy anh chàng phát ra tiếng gọi đó đang ngồi trên giường, đưa tay vẩy bọn Thu, không đứa nào dám bước tới, anh chàng đó lại nói: Đến đây đi các Cháu, có gì phải sợ, lính thôi mà không phải Việt cộng đâu “em". Đúng là “lính “ thứ thiệt rồi, chưa quen biết mà đã xưng bằng em ngọt lịm như mía lụi Sài Gòn, các “bà trẻ" như gà mắc nước không phản ứng gì được để đối lại với cú đánh hớp hồn của anh lính “ba gai" kia, à nhưng TT thì lại khác nhé, chú đã như thế thì cháu của chú cũng không phải vừa đâu, nghĩ như thế làm TT có động lực tự tin hơn, TT kéo tay nhỏ cùng lớp xăm xăm đi tới, đối diện với ông ta một cách khá hiên ngang nhưng trong lòng thì đánh loto, không biết phải ứng phó với ông ta như thế nào đây, khi diện kiến trực tiếp với ông ta, TT không dám ngước mắt nhìn chỉ lén liếc thôi, ông ta chẳng có gì hấp dẫn cả nhưng khi nghe ông ta nói: 

- Chào các cháu, các cháu đi uỷ lạo TB phải không?, Thật quái lạ sao âm thanh lúc này nghe nhẹ nhàng êm tai thế, sao hồi nãy ông nói mình nghe mà khớp luôn, hai đứa lí nhí trong miệng, 

- Dạ chú, các cháu thuộc trường Lê Văn Duyệt, chưa nói hết câu thì đã nghe:

- Biết rồi, tên trường ở trên áo rồi nhưng xin đừng gọi Anh bằng ‘Chú". TT và nhỏ bạn chưa kịp trả lời thì đã nghe những tràng cười giòn dã của những chú TB nằm bên cạnh 

- Gặp ông Thầy tui thì không chết cũng bị thương thôi mấy cháu ạ. Tuyet Thu chẳng hiểu mấy chú lính nói có nghĩa gì vì lỗ tai lùng bùng, tâm trí bấn loạn nhưng nghe chết và bị thương, TT liên tưởng đến các chú lính ngày đêm gian khổ, kề cận cái chết trong gang tấc, để bảo vệ cho người miền Nam không bị Việt cộng sát hại, nên TT thương các chú Lính lắm. TT trả lời: 

- Dạ các cháu rất thương các Tử sĩ và thương binh, các chú chịu quá nhiều gian khổ cho các cháu được yên bình ở hậu phương lo ăn học . Nói chưa hết ý thì tiếng cười càng lớn hơn của hai chú lính bên cạnh cái ông “bagai", càng cười to nhưng ông"bagai" không cười và nghiêm nghị liếc nhìn hai chú lính bên cạnh, tiếng cười im bặt, 

- Các Chú cảm ơn các cháu đã đến thăm viếng uỷ lạo các chú, thế mới thể hiện được tình Quân, Dân như cá với nước, thể hiện được tình cảm “Anh tiền tuyến, Em hậu phương do Trung Chỉnh và Hoàng Oanh thường song ca , phải không các Cháu? Mình và nhỏ bạn lí nhí: 

- Dạ đúng rồi đó chú. 

- Ok bây giờ các cháu làm nhiệm vụ đi. uỷ lạo và thăm viếng TB, làm sao cho các chú Thương bệnh Binh vui vẻ và nâng cao tinh thần chiến đấu của họ là các cháu hoàn tất nhiệm vụ, chúc các cháu thành công. Nói xong ông “ba gai" nằm xuống có vẽ mệt và buồn ngủ. Mình và nhỏ bạn bắt đầu đi từ vị trí ông “bagai"vòng lên chỗ ban đầu rồi vòng lại chỗ ổng mà trong tay vỏn vẹn chỉ còn hai phần quà mà ông"bagai"và 2 người nằm bên cạnh ổng chưa có quà, đang phân vân chưa biết tính toán như thế nào thì lại được ông"bagai" gỡ rối"tơ lòng". 

- Thiếu quà phải không các Cháu?, trao cho hai chú đó trước đi, phần chú ,chú cho thiếu, khi nào có trả cũng được, hay trao quà cho chú bằng một bài hát được không? 

- Ừa ý của ông Thầy hay đó, các cô hát đi, mỗi cô một bài thôi, các chú không có quà cũng được không sao cả, Hai chú bên cạnh nhanh nhẩu chen vào, đồng thời các chú khác cũng cà nhắc đến đứng bao quanh hai đứa để nghe nhạc, trời ơi cái mục này thì các “bà trẻ" chưa có nghĩ tới bao giờ, làm sao bây giờ trời. 

- Các cháu đâu có chuẩn bị gì đâu mà các chú bảo hát, muốn hát phải có đàn để đệm chứ chú, hát không nghe sao được. 

-  Ê Hùng mầy mang đàn đến, đệm cho các cháu hát đi, nhanh lên. Chú TB khác lên tiếng, Người TB tên Hùng, nở nụ cười thật tươi, cầm đàn Guitar đi cà nhắc đến, ngồi xuống ở chỗ hai chú nằm bên cạnh ông “ba gai”, bắt đầu dạo bài “ngày xưa mỗi lần em buông tiếng hát thì anh tay phím nắn nót cung đàn, từng nhịp nhặt khoan anh ..ru hồn theo tiếng tơ…và rồi thời gian không còn như ngày trước và rồi hờn yêu anh trong mỗi lần em hát sai, cung lỡ dây chùng, mấy ai đàn đừng sai. 

- Hát đi các cháu, Tiếng yêu cầu vang lên xen lẫn tiếng vỗ tay của các chú, các anh TB, không khí có phần sôi động, đang hình thành một buổi văn nghệ bỏ túi, nhỏ bạn đùn cho Thu hát trước vì nó nghĩ mình “ngầu", ngược lại sao mình thấy ngại quá, lỡ trật nhịp một cái thì chỉ còn nước độn thổ, mà cái ông “bagai" lại đang nhìn đăm đăm thì làm sao mà hát đây, chuyến này chết chắc. Tiến thối lưỡng nan, may quá trong lúc vỗ tay ầm ỷ thì mấy toán kia nghe được nên kéo tới xem cái gì đang xảy ra, thế là cả bọn nhập lại, được l/l tiếp viện nên mình mạnh dạn hẳn lên, các bà trẻ bắt đầu khua môi múa mép, nói cười có vẻ tự tin hơn. 

-  Chú đề nghị như thế này nhé, để được công bằng ai hát xong thì có quyền chỉ định người kế tiếp hát, nếu ai không hát được thì phải kể chuyện, ông “bagai" lên tiếng, 

- Ừa , ý kiến ông Thầy hay đó nha, chúng tôi đồng ý 100% luôn, còn các cô thì sao? Các “bà trẻ" cũng lí nhí bàn luận, cuối cùng cũng đưa ra được quyết định, một bà trẻ mạnh dạn nói 

- Các cháu đồng ý, vậy các Cháu là người đi uỷ lạo các cháu sẽ hát trước. Sau khi hội ý, chị lớp Đệ Nhất trưởng ban Văn Nghệ của trường hát bài “Những đóm mắt Hoả Châu”, anh TB đệm đàn hình như rất quen thuộc với bản nhạc này, rất thành thạo anh ta dạo ngay khúc đầu, lấy tone cho vừa với “bà trẻ ca sĩ’ thế là buổi văn nghệ bắt đầu, giọng hát nghe rất ấm cúng, phảng phất đâu đó vẻ lãng mạn của cuộc tình thời chiến chinh, thật hay, mọi người trong căn phòng này như lịm dần theo tiếng hát, thả hồn theo tình tiết đậm sắc niềm thương cảm quê hương và nỗi nhớ gia đình, vợ con và người yêu bé bỏng đang ngóng đời ngày về của chinh nhân, nhớ gia đình và yêu da diết người mình yêu, mỗi người đang theo dõi niềm suy tư riêng, tiếng hát càng cất cao thì nỗi nhớ niềm thương dâng trào. 

- Cháu hát xong rồi các chú ơi, Mọi người cả TB và người đi uỷ lạo chợt bừng tỉnh, quay về với thực tại, tiếng vỗ tay giòn dã vang lên thật lâu, đâu đó vang lên tiếng bis, bis.. nhưng cô cháu từ chối và chỉ định ngay chú TB Hùng , đang ôm cây Guitar hát kế tiếp, (sau này khi đi chung một đường với ông bagai TT mới biết chú TB Hùng rất có khiếu văn nghệ văn gừng nên hát rất hay và điêu luyện, mấy lần được khuyến khích về các tiểu đoàn Tâm Lý chiến nhưng chú yêu màu áo rằn ri Cọp Biển, ở lại cùng chiến hữu tiếp tục chiến đấu rồi bị thương trong cuộc tấn công mùa Phục Sinh 1972 của Bắc Việt vào vùng địa đầu giới tuyến với ông ba gai.) 

- Hùng, hát đáp lễ đi em, ông bagai nói,
- Dạ ông Thầy, ông Thầy muốn em hát bài gì?
- Bài mà mỗi khi anh em mình lai rai chú thường hát đó, anh quên tựa đề bài hát rồi,
- OK. Em nhớ rồi ông Thầy, hướng về các cô cháu Hạ Sĩ Hùng :

- Chú sẽ hát bài Rừng lá Thấp để tặng các cháu nhé, Tiếng vỗ tay lại vang lên, thế là đến lượt TB Hùng đáp trả, xoay mặt qua ’ông bagai' như có ý ngầm hỏi, không biết ông ấy tính toán như thế nào mà nhanh chóng ngầm ra hiệu cho chú Hùng chọn tui, Tuyết Thu, tui choáng váng và phản đối quyết liệt vì không đúng quy định đã giao hẹn, là người đã hát mới được chỉ định người kế tiếp, tôi yêu cầu chú TB Hùng chỉ định chứ không phải ông bagai, 

- Được rồi nếu cháu không chịu cho chú chỉ định, Hạ Sĩ Hùng chỉ định thì cháu có còn từ chối không?
- Nếu chú Hùng chỉ định thì cháu sẽ hát ngay, không ngần ngại,
- Cảm ơn cháu mong là cháu giữ lời hứa nhé,
- Chắc chắn mà chú, cháu không nuốt lời đâu, đừng lo,

- Hùng ơi cô cháu này không cho anh thay thế em để chỉ định người hát kế tiếp, vậy thì cứ theo quy định em chỉ định đi, dầu sao anh cũng cảm ơn chú đã dành cho anh vinh dự đó nhưng cô cháu này quá khó khăn, bướng bỉnh không chấp nhận thì em cứ tự nhiên như người Sài Gòn, chỉ định đi em, chỉ định cho “đúng” người nhé, nói xong ông ta cười lớn.. Chú TB Hùng quay về hướng chúng tôi, nhìn sát mặt từng người rồi quay về hướng ông bagai cười, đưa tay chỉ ngay tôi, nói: 

- Chú chọn cháu là người hát kế tiếp. Tôi ú ớ không nói nên lời hỏi lại,
- Ủa vì sao chú chọn cháu?, cháu đâu biết hát,

- Cháu không biết hát thì cháu kể chuyện, đừng hỏi vì sao chọn cháu, nói xong chú TB Hùng lại quay về hướng ông bagai cười mím chi. Linh tính báo cho tôi biết mình đã bị sập bẫy ông bagai rồi, hoá ra ông bagai chỉ điểm cho chú TB Hùng chỉ định mình, bằng tính toán của ông ấy, nếu ông chỉ định thì chắc chắn mình sẽ phản đối và khi mình phản đối thì ông bắt mình hứa sẽ không được từ chối khi chú TB Hùng chỉ định, mình ngu quá lại còn hăng tiết vịt hứa là sẽ hát ngay, nếu được yêu cầu, thế là ông giao quyền được chỉ định lại cho chú TB Hùng, sau đó chú ấy chỉ định ngay mình không chút đắn đo, nghĩ ra được cái bẫy của ông bagai, quay qua ông ấy với đôi mắt hình viên đạn mình nói: 

- Được rồi cháu hát đây, không hay thì cũng ráng mà nghe nhe các chú. ai không thích nghe thì bịt lỗ tai lại nha. Cháu hát bài Hoa Trinh Nữ, Tiếng vỗ tay rào rào vang lên, có vẻ to hơn những lần trước, mình cảm thấy như thế nhưng không biết các chú ấy hoan hô mình thật hay hoan hô cái bẫy của ông bagai giăng ra cho mình mà mình lại hăng hái lao vào bẫy, nhưng thôi sao cũng được. Mình thích nhất bài hát này, thường nghêu ngao hát một mình hay những lúc trình diễn văn nghệ của trường, nó đã tiệm tiến rất sâu vào tâm hồn của cô gái tuổi trăng tròn, mơ làm hoàng hậu e ấp bên cạnh quân vương , một quân vương yêu say đắm hoàng hậu của mình..”qua một rừng hoang, gió núi theo sang rũ bụi đường trên vai, hái cây hoa dại lẻ loi bên đường gọi hoa Trinh Nữ, hoa Trinh Nữ không mặn mà bằng nàng Hồng kiêu sa, hoa không bán hương thơm như nàng Dạ Lý trong vườn nhưng hoa Trinh Nữ...chuyện tình hai chúng ta, xưa thật là xưa, nhớ mấy cho vừa nhớ mẹ kể đêm mưa, có ông vua trẻ xuất binh qua rừng dẹp quân xâm lấn, khi vua kéo quân về tình cờ gặp một giai nhân...

- Cháu chỉ định chú…(ngón tay mình rà rà qua lại trước những khuôn mặt đối diện, từ trái sang phải rồi từ phải sang trái, mấy chú TB không ngờ cô cháu này lì thế, chú nào cũng bị căng thẳng vì không biết mình chỉ ai, ngón tay trỏ vẫn đưa qua đưa lại như đang tìm người, khi đến trước mặt ông bagai thì mình nói lớn, 

- Chú, chú này, chính chú này. À hoá ra tưởng ngầu lắm nhưng cũng biết run trước đám “bà trẻ"này à, 

- A à chú đâu biết hát, 

- Chú không biết hát thì chú kể chuyện chiến trường cho tụi cháu nghe, chứ đâu phải chỉ có hát không đâu chú, quay sang các “bà trẻ" mình hỏi 

- Đúng không các bạn, Hai chục cái miệng nhao nhao lên, đúng rồi, đúng rồi không hát thì kể chuyện đi chú, kể đi chú ơi. 

- Chú kể đây, lắng nghe, cấm không được khóc hay lệ rơi nha: Khi toàn bộ các căn cứ ở phía Bắc, Tây Bắc và Tây của thị xã Đông Hà và thành phố QT bị Cộng Quân tràn ngập. Ái Tử là một căn cứ lớn của quân đội Mỹ bàn giao lại cho SĐ3/QLVNCH, phía Đông sát cận QL1, phía Nam tiếp giáp hướng Bắc cầu Thạch Hãn, phía Tây hướng về rặng Trường Sơn còn phía Bắc là hướng Nam của thị xã Đông Hà. BCH/LĐ 258, BCH/TĐ 1/TQLC/VNCH đặt ở trong căn cứ khi BTL/SĐ3/BB di chuyển về Cổ Thành Đinh Công Tráng. “Trong cương vị của một ĐĐT chú chỉ biết sự phối trí quân ở mức độ đó thôi, còn ở mức cao hơn, chú thật sự không nắm vững chỉ cố gắng tóm gọn làm sao có thể nói lên sự can trường và sự hy sinh vô bờ bến của QLVNCH, điển hình là những đơn vị đã trực tiếp tham gia vào trận chiến bảo vệ vùng địa đầu giới tuyến Quảng Trị”, sau khi tên Trung Tá Đính của SĐ3/BB/QLVNCH đầu hàng bọn cộng sản Bắc Việt tại căn cứ Carroll phía Bắc thuộc thị xã Đông Hà và sau đó tái chiếm lại thành phố Quảng Trị, thành phố vùng địa đầu giới tuyến, một thành phố bị tàn phá thảm khốc nhất trong những thành phố bị tàn phá vì chiến tranh của miền Nam thân yêu. Đơn vị mà chú muốn đề cập đến là lực lượng TQLC và Thiết Giáp, những Chi Đoàn Chiến Xa M48 và Thiết Quân Vận M113 đã tăng phái cho SĐTQLC ngay từ ngày đầu của cuộc chiến, đã cùng với những chiến sĩ TQLC chung lưng đấu cật, chặn đứng thế tiến công như chẻ tre của Cộng quân, khi chúng tung ra mũi tấn công chính diện “face attack” 

- Mà chú ơi face attack có nghĩa là gì vậy chú?, tụi cháu không hiểu. 

- Là đánh chính diện, Chúng vượt vùng DMZ(Demilitarized Zone) băng qua sông Bến Hải(con sông này là ranh giới chia cắt Việt Nam do bọn Việt cộng hcminh và thực dân Pháp, ký hiệp định Geneve Accord ngày 20 tháng 7 năm 1954, chia đôi Đất Nước Việt Nam chúng ta tại vĩ tuyến 17). 

- Các cháu học lịch sử có nhớ không? 

- Dạ các Cháu nhớ kỹ lắm, 

- OK, các cháu giỏi và tốt lắm chú thành thật khen ngợi. Bọn Bắc cộng trực chỉ phía Nam, tấn công thẳng vào các căn cứ C1, C2, Carroll, Fuller, Cồn Thiên, tiến thẳng về thị xã Đông Hà, để uy hiếp thành phố Quảng Trị, mũi cạnh sườn “flank attack” phát xuất từ biên giới Lào Việt, từ phía Tây tràn qua A Lưới, A Shau Valley, Khe Sanh, Lao Bảo để khống chế Quốc Lộ 9, làm con đường tiếp vận lương thực và khí cụ từ Lào sang, đồng thời tấn công dữ dội các căn cứ Hỏa Lực như là Sarge, Holcomb, Ann, Bá Hô và Bastogne uy hiếp thành phố Quảng Trị và Cố Đô Huế, với ý đồ tiến xuống vùng đồng bằng, cắt đứt Quốc Lộ 1 huyết mạch, chia cắt và cô lập Vùng 1 chiến thuật, hầu tách Quảng Trị và Cố Đô Huế ra khỏi vùng lãnh thổ Quân Đoàn 1 để đầu và đuôi không thể tiếp cứu lẫn nhau. SĐ/TQLC và SĐ1/BB cùng các LĐ/BĐQ, ĐPQ buộc phải di tản chiến thuật, lui về tử thủ các căn cứ tại đồng bằng, tái trang bị để phản công chận bước tiến của địch. Trong khi TĐ1/TQLC phòng thủ phía Tây căn cứ Ái Tử, cùng với Chi Đoàn M113 của Thiết Đoàn 11 Kỵ Binh, trong một lần hoạt động bên ngoài phía Tây căn cứ, ĐĐ1 do chú chỉ huy được tăng phái 2 Chi Đội M113 gồm 6 chiếc, do Th/Úy Sơn làm Chi đội trưởng, tiến ra khỏi căn cứ, dàn đội hình hàng ngang lục soát mục tiêu, ĐĐ4 do Đ/Úy Việt chỉ huy tiến ra sau và ép về bên trái, khi ĐĐ4 đã dàn hàng ngang xong, chúng chú bắt đầu tiến, khoảng được 500m thì tao ngộ chiến với địch ngay, hỏa lực địch rất mạnh gồm cả DKZ 82mm không giật “recoilless”, pháo binh 130mm cùng các loại hỏa tiễn 122mm,107mm cùng với SA7, AT3 và súng cối 120mm. Chú cho lực lượng bộ binh “Infantry” ngừng lại bố trí, đồng thời lệnh cho Th/Úy Sơn điều động Thiết Quân Vận M113 dàn hàng ngang, sử dụng hỏa lực khối yểm trợ cho bộ binh chuẩn bị tấn công nới rộng vùng kiểm soát, đồng thời gọi Pháo Binh phản pháo bắn vào vị trí đầu não của chúng, Th/Úy Sơn ngồi bên cạnh, luôn luôn nhắc nhở con cái tác xạ cẩn thận tránh gây thiệt hại cho đơn vị bạn, chú đứng lên dùng ống nhòm quan sát, điều chỉnh pháo binh bắn cắm chỉ thật chính xác vào mục tiêu và lệnh cho M113 tiến lên ngang hàng với bộ binh để chuẩn bị chuyển xạ pháo binh rồi phối hợp bộ binh với thiết quân vận, tùng thiết tấn công, dùng hoả lực khối đẩy lùi địch quân ra xa, nới rộng vòng đai phòng thủ căn cứ, “vì bọn CS áp dụng chiến thuật Nắm Lấy Thắt Lưng Địch mới đánh, hòng vô hiệu hóa yếu tố ưu thế hỏa lực Phi Pháo của ta, nên chúng liều chết bám sát lực lượng ta như đỉa”. Nhưng không may cho chú khi chiếc M113 mà chú đặt BCH cùng với BCH của Th/Uý Sơn tiến lên tuyến đầu thì bị quả DKZ 82mm của địch bắn trực xạ, trúng ngay vào khẩu ĐL 50, chiến hữu xạ thủ bị tan xác phần trên, bụng và hai chân còn lại trong xe, Th/Úy Sơn ngồi kế bên thịt da nát tan, hiệu thính viên của chú và toán Tiền Sát Pháo Binh đều bị thương và rơi xuống đất, phần chú thì vẫn đứng như trời trồng, cái nón sắt bay mất tiêu, mặt mày dính đầy máu thịt của những chiến hữu mũ nồi Đen, màu của Binh Chủng Thiết Giáp và máu của chính chú nữa, đứng bất động được một lúc thì chú ngã nhào xuống xe, cho đến lúc Đ/Úy Việt và Tr/Úy Trọng chạy đến, chú chỉ kịp nói “Việt coi luôn ĐĐ1, Tr/Úy Trọng tuyệt đối tuân lệnh điều động của Đ/Úy Việt” rồi ngất đi. Khi tỉnh lại chú thấy đang nằm trong bệnh viện Quảng Trị, cảm thấy thèm điếu thuốc, sờ vào túi áo giáp tìm bao thuốc nhưng áo giáp đã được các cô Y Tá cởi ra đang mắc ở chiếc ghế, không ngồi dậy được buộc lòng phải nhờ cô Y Tá lấy giùm, chú chợt nghe tiếng kêu nho nhỏ: 

- Trời ơi, cái gì vậy nè? cô y tá la lên, Nhìn kỹ lại thì đó là một miếng thịt không biết của chiến hữu xạ thủ ĐL50mm hay là của Th/Úy Sơn Chi Đội Trưởng Thiết Quân Vận M113 của Thiết Đoàn 11 Kỵ Binh văng vào túi áo giáp của chú. Lần này thì lại có cơ hội cùng hành quân với Chi Đoàn 1/20 Chiến Xa M48, khi chú có lệnh rút bỏ căn cứ Phượng Hoàng để về phòng thủ Ái Tử thì đơn vị chú bị thiết giáp địch truy đuổi, khoảng 15 chiếc T54 và T59 dàn hàng ngang, dương cờ đỏ sao vàng nghênh ngang chạy trên những ngọn đồi trọc, dốc lài lài, lúc ẩn lúc hiện truy đuổi chúng chú từ hướng Tây xuyên thẳng về Đông trong khi đó đơn vị chú đang cố gắng rút thật nhanh để tránh thiệt hại, chú dùng hỏa lực pháo binh và các tổ chống chiến xa như là lực lượng cầm chân chúng và chờ đợi thiết giáp tăng viện. Tiểu Đoàn gửi tăng viện đến cho chú 4 tank M48 do Trung Úy Tôn Thất Đàn chỉ huy. Khi M48 đến, chú chỉ rõ mục tiêu cho Tr/Úy Đàn với một yêu cầu duy nhất là phải “rang muối" được nhiều cua, Rang có nghĩa là bắn cháy, Cua có nghĩa là xe tank” và ngược lại Trung Úy Đàn yêu cầu bảo đảm an ninh cạnh sườn được an toàn, sau khi tìm được vị trí thích hợp, Tr/Úy Đàn báo cho biết thiết giáp sẵn sàng tác xạ để chúng chú khỏi bị giật mình, theo lệnh của Tr/Úy Đàn 4 M48 khai hỏa cùng lúc, thật là thần kỳ và vô cùng may mắn, 4 viên đại bác 90mm của M48 vừa ra khỏi nòng thì cũng vừa đúng lúc 4 T54 và T59 của bọn CSBV bùng cháy như những ngọn đuốc, khói đen bốc cao cùng với những tiếng nổ long trời lở đất vang lên từ những đạn dược dự trữ chất chứa trong xe, chặn đứng sự ngông nghênh của thiết giáp địch, chúng khựng lại ngay và quay đầu rút lui. Toàn thể binh sĩ TQLC đồng loạt đứng dậy reo hò vang trời và hoan hô lực lượng Thiết Giáp Binh, Chi Đoàn 1/20 Chiến Xa. Liếc qua thấy cháu nào cháu nấy nước mắt lưng tròng, cúi đầu im lặng, ông bagai cười, nói: 

-  Thôi đã bảo trước là không được lệ rơi mà các cháu không vâng lời, chú không kể nữa đâu, các cháu “bướng bỉnh” không biết nghe lời gì cả, làm sao là học trò ngoan được phải không cô giáo?, ông bagai quay qua cô giáo, thấy cô giáo mắt cũng đỏ hoe 

- Trời cô giáo mà cũng rơi lệ nữa thì làm sao học trò lệ không rơi. Mình nghĩ, cái ông bagai này ngay cả cô giáo của mình mà ông cũng không kiêng nể thì huống gì bọn tép riu mình, tức thật.. 

- Tại chú đó, sao không kể chuyện gì vui mà lại kể chuyện buồn thì làm sao người ta không khóc được, mình nói. 

- À cháu ơi, đời lính làm gì có chuyện vui, nếu có vui chăng chỉ là gượng vui mà thôi cháu ạ, quanh năm suốt tháng, làm bạn với chết chóc với đói lạnh, với rừng thiêng, nước độc với nỗi cô đơn tột cùng của kiếp nhân sinh, yêu không dám nói yêu, cưới vợ thì không dám cưới, sợ người con gái yêu mình , mình yêu bị trở thành góa phụ khi tuổi đời còn quá trẻ. 

- Thật vậy sao chú?, 

- Có thể không đúng hoàn toàn với ai đó nhưng riêng với chú, đó là sự thật hoàn toàn. 

- Đã 12h trưa rồi, các TBB phải dùng cơm, xin mời cô giáo và quý cháu trở về hội trường dùng cơm với chúng tôi, một y sĩ lên tiếng. 

- Các cháu có đem theo thức ăn trưa, các cháu được phép ngồi ăn chung với các chú TBB được không bác sĩ?, tui mạnh dạn hỏi vì tính cho đến giờ này tôi không còn cảm giác mắc cở nữa mà cảm thấy gần gũi với các chú nhiều hơn. 

- Được thôi, chúng tôi xem các cháu như là thân nhân của TB, các cháu có quyền. Nói xong ông y sĩ và cô giáo cùng quay về, đa số các bà trẻ đều ở lại và đến từng giường ngồi ăn chung với các chú, nói chuyện đời lính và học trò, chú Hùng và 2 chú nằm gần ông bagai ngoắc tôi đến ngồi với các chú, không kiêng dè tôi mạnh dạn đến, quan sát mâm cơm của các chú có đủ 3 món, canh, xào và mặn, tráng miệng bằng quả chuối, nhà thương phục vụ khá chu đáo., tôi lấy thức ăn trong túi xách ra, thật may mắn có đúng 5 cái bánh Pate chaud, vừa đủ cho 5 người, ông ba gai cũng có được một cái, ông cầm cái bánh đưa lên miệng cắn một miếng . 

- Cháu mua bánh này tại nhà hàng Thanh Thế đúng không? 

- Dạ đúng rồi chú, sao chú biết? 

- Vì khi Tiểu Đoàn về dưỡng quân, chú thường ăn sáng tại nhà hàng Thanh Thế, chú thích bánh Pate chaud và bò kho, trứng opla và bánh mì ở đó. Chắc cháu thường đến đó ăn sáng với bạn trai lắm nhỉ? 

- Không, đâu có, cháu chưa có bạn trai mà cũng ít khi đến ăn sáng tại đó lắm, anh trai cháu mua cho, con gái ai mà đi ăn sáng một mình ở đó chú, người ta nhòm dữ lắm, mắc cỡ chết. 

- Cháu định bao giờ thì có bồ? 

- Trời, chú nói gì kỳ vậy, bộ dễ kiếm “bồ lắm hả chú, chú kiếm dùm cho cháu được không? Tui nhìn ông bagai với đôi mắt đượm vẽ tinh nghịch, vừa cười vừa nói. 

- Thật ạ, cháu chưa có bồ thật sao?. 

- Thật đó chú, cháu chưa có vì cháu còn nhỏ mà cũng chưa có ai để ý và ngỏ lời với cháu nên làm sao có bồ được, còn chú thì sao?, người ta có người đến thăm hà rầm mà chú thì không thấy ai vậy.

- Chú có chứ tại sao lại không?, chú đang có cháu đây mà, cháu đang thăm chú.

- Chú à, cháu khác với người ta, cháu chỉ là em gái hậu phương thôi, chứ đâu là bồ hay người yêu của chú đâu mà chú so sánh như thế.

- Thế là chết chú rồi, từ nãy tới giờ chú cứ ngỡ cháu là người yêu của chú, chú cứ nghĩ mình yêu nhau từ tiền kiếp, đến bây giờ mới được gặp nhau, ôi chú đã quá mơ mộng hảo huyền. xin lỗi cháu nhé. 

- Không có gì đâu chú, ai cũng có quyền ước mơ mà, cháu cũng có những mơ ước nhưng không biết có được toại nguyện không?, cháu luôn khấn nguyện cùng trời cao cho những khát vọng của cháu được viên mãn nhưng sao khó quá. 

- Các trò chuẩn bị ra về, 2pm rồi, về cho các anh TB nghỉ ngơi, hẹn gặp lại, tiếng cô giáo vang lên, mình cảm thấy hụt hẫng, buồn bã đứng dậy nói: 

- Thôi cháu về nghe các chú, chúc các chú sớm bình phục, hẹn gặp lại. 

- À cháu có thể cho chú biết tên không?, và nếu được cho chú luôn địa chỉ, khi xuất viện, chú xin phép được đến thăm cháu, được không? ông bagai nói. Như một cái máy, không ngần ngại tôi lấy giấy bút vội vàng ghi tên và địa chỉ rồi trao cho ổng, 

- Cháu cho phép chú đến thăm cháu sau 5pm mỗi ngày, nếu chú muốn. Tôi gật đầu chào tất cả các chú TB và bước ra nhưng không quên quay đầu lại nhìn thêm một lần nữa. Trên đường về mình không buồn nói chuyện với các bạn, trở nên im lặng một cách khác thường, các bạn thấy vậy bắt đầu chỉ mũi dùi vào mình xì xầm: 

- Xem kìa bà con, người"Ngầu” nhất lại bị “coup de foudre” at the first sight, bắt thăm được số 1 thì bây giờ cũng là người số 1 fall in love, Những cái miệng bắt đầu rống lên, tiếng cười vang lên từng chập khiến mình khó chịu nhưng mình không muốn cãi lại làm gì, mình cứ yên lặng để cho niềm suy tư tự nhiên tuôn trào và tự hỏi tại sao lại ghi tên và địa chỉ cho ông bagai một cách vội vàng, dễ dãi vậy, lại còn nói cho phép ông ta đến thăm mình nữa chứ, như thế hoá ra mình muốn ông ta đến lắm rồi còn gì, ông ta sẽ nghĩ gì về mình đây, có coi thường mình không, mà ông ta là ai?, tại sao mấy chú TB nằm bên cạnh gọi ông ta bằng ông Thầy, ông ta dạy về môn học gì? Cả khối câu hỏi đang xoay quanh trong đầu mình, nặng óc quá, ông ta đâu có gì đặc biệt, ngoại trừ âm điệu và cách ăn nói thẳng thừng như xoáy vào tim người ta, thế thôi. Xe ngừng lại trong trường, mình xuống xe thì đã thấy ông anh với chiếc Honda Dame chờ sẵn, chào cô giáo và mấy bà trẻ rồi leo lên xe mà vẫn nghe văng vẳng bên tai tiếng hát của mấy cái họng “đáng ghét" 

- Buồn mà chi em Thu..., khi Nước Non đang cần trai hùng, buồn mà chi Thu, làm nản chí Nam Nhi….
- Em mệt hay sao mà ít nói vậy em gái, ông anh mình hỏi.
- Không đâu anh, xe nhà binh ,kêu lớn và xốc lắm, làm em hơi mệt thôi, không có chi, mau về nhà cho em tắm rửa, em nóng quá. 

- Trưa nay có mấy ông lính TQLC và Hải Quân đến quán, ăn thịt rừng, uống beer, họ cứ hỏi em hoài, anh phải nói cho họ biết là em đi theo trường để uỷ lạo TB ở Thủ Đức rồi, anh tôi nói.
- Sao anh không nói là em đi thăm ‘bồ", đang nằm tại nhà thương, cho họ đừng hỏi nữa
- Ủa em có bồ rồi hả, mà lính à?,
- Mới quen thôi, không biết có bồ được không đây, em đã cho họ địa chỉ và tên em rồi và mời anh ấy đến thăm khi thuận tiện, ông ấy hứa, khi xuất viện sẽ đến thăm em.
- Bộ em quen lâu rồi à, sao anh và gia đình không ai biết gì hết, anh trai tôi vặn hỏi,
- Em đã nói là mới quen mà, không biết như thế nào đây?, mong anh ấy sẽ đến thăm sau khi xuất viện, thế nào em cũng giới thiệu anh ấy với gia đình, lúc đó anh sẽ biết. Về đến nhà, vội vàng phóng lên lầu, tắm gội để chiều nay phụ mẹ và chị Hai, bán hàng, chiều thứ Bảy nên hứa hẹn là tiệm sẽ đông khách, trang điểm sơ sài là phải chạy xuống quầy tính tiền. Không hiểu sao mà chiều nay tính tiền lộn lung tung, cảm thấy quá mệt mỏi và là chiều thứ Bảy vô vị nhất mà mình chưa từng có, mong sao khách đừng đến và về sớm, để mình được lên phòng riêng, một mình trong căn phòng tĩnh lặng có thể làm mình dễ chịu hơn.
 

- Chị Thu, khách họ nói chị tính lộn tiền đó, chị làm ơn tính cho đúng đi, sao hôm nay chị kỳ vậy, chị người làm nói, 

- Thu.. không hiểu sao hôm nay lại như vậy, xin lỗi họ hộ Thu.. đi, cảm ơn, chị vui lòng gọi anh Bảy xuống thay cho Thu, Thu mệt quá. Anh trai mình xuống ngồi thay, nhanh chóng mình chạy lên phòng, ngả người xuống tấm nệm, nhắm mắt, hít một hơi thật sâu, thở ra chầm chậm, cảm thấy dễ chịu hơn, mình lập đi lập lại như thế vài lần nữa rồi từ từ rơi vào giấc ngủ với bao mộng mị buồn vui lẫn lộn, mình mơ thấy chiến tranh, thấy lính mình bị chết, bị thương, mơ thấy cùng người ấy đi dạo phố, đi ăn, xem cinema và rồi chia xa để chàng ra đi làm tròn bổn phận người trai thời chinh chiến trong khi Quốc Gia hữu sự. Người đi một nửa hồn tôi mất, một nửa hồn kia bổng dại khờ. Ôi thời chiến chinh mấy Người đi trở lại!!!

----------------------------------
More:
1. TÌNH YÊU THỜI CHINH CHIẾN (1) - Tuyết Thu (Bồng Sơn Bùi TSQ/K21/TĐ1/TQLC)
2. TÌNH YÊU THỜI CHINH CHIẾN (2) - Tuyết Thu (Bồng Sơn Bùi TSQ/K21/TĐ1/TQLC)
3. TÌNH YÊU THỜI CHINH CHIẾN (3) - Tuyết Thu (Bồng Sơn Bùi TSQ/K21/TĐ1/TQLC)
4. TÌNH YÊU THỜI CHINH CHIẾN (4) - Tuyết Thu (Bồng Sơn Bùi TSQ/K21/TĐ1/TQLC)
5. TÌNH YÊU THỜI CHINH CHIẾN (5) - Tuyết Thu (Bồng Sơn Bùi TSQ/K21/TĐ1/TQLC)
6. TÌNH YÊU THỜI CHINH CHIẾN (6) - Tuyết Thu (Bồng Sơn Bùi TSQ/K21/TĐ1/TQLC)
7. TÌNH YÊU THỜI CHINH CHIẾN (7) - Tuyết Thu (Bồng Sơn Bùi TSQ/K21/TĐ1/TQLC)
8,9. TÌNH YÊU THỜI CHINH CHIẾN (8, 9) - Tuyết Thu (Bồng Sơn Bùi TSQ/K21/TĐ1/TQLC)


 
 

No comments: