Wednesday, October 26, 2022

Người Tù Binh Nguyễn Tấn Dũng và Những Ngày Tháng 4 (Triều Dương)

Người Tù Binh Nguyễn Tấn Dũng và Những Ngày Tháng 4

 Viết theo lời kể của sĩ quan VNCH KBC 4906 - sư đoàn 7 bộ binh - Triều Dương
Những ngày đầu tháng 4 cánh đồng chó ngáp như thiêu đốt, từng cánh rừng tràm phơi dưới ánh nắng chói chang của bầu trời sắp cuối xuân đầu hạ, chúng tôi vẫn miệt mài hành quân truy quét mặc dù quân số còn lại cũng chẳng là bao, một đại đội cả lính cả quan chưa đến 40 người.
 ------------------------------------------
 
 
Chúng tôi xuất phát từ quận lỵ Hậu Mỹ thuộc tỉnh Định Tường xuyên qua mật khu Tri Pháp của đối phương mà chỉ mới đây trước một năm không biết bao đồng đội nằm xuống khi tìm cách san bằng giành lại với đối phương, cũng vào ngày này năm trước 07/4/1974 xác bạn xác thù nằm ngổn ngang trên chiến trường, mùi tử thi bốc lên ngùn ngụt, hàng hàng bóng quạ cánh diều tụ về tìm xác thối của kẻ thù chạy tháo chạy, bỏ lại thoát thân.

Một năm trước tôi về đơn vị này khoảng chừng hơn 5 tháng (09/11/1973 đến 08/4/1974) với cấp bậc chuẩn úy trung đội trưởng, cũng tại cánh đồng này một tháng sau tôi và đại úy Sơn tiểu đoàn phó bị thương do B40 của địch tấn công trước khi phòng tuyến của họ bị chúng tôi phá vỡ.

15/6/1974 tôi trở lại đơn vị sau hơn tháng dưỡng thương.
- Thiếu úy!
Tôi giật mình quay lại, tiếng gọi của viên truyền tin cắt ngang dòng hồi tưởng của tôi nửa chừng
- 18 gọi (tên gọi tiểu đoàn trưởng)
Tôi cầm combiné từ tay gã:
- 15 tôi nghe 18 (15 tên gọi đại đội trưởng)
- Anh cho con cái*¹ gọn gàng lên đường
- Nghe rõ 18
- Chúng tôi đi xuyên qua vùng đất quận Kiến văn thuộc tỉnh Kiến Phong, hướng về ngã Kiến Bình quận lỵ giáp ranh tỉnh Kiến Tường và Định Tường.

Khoảng 9h sáng 8/4/1975, lúc này chuẩn úy Huỳnh Tuấn Đức làm đại đội phó kiêm trung đội trưởng trung đội 2 thay Hùng đã mất, cùng trung đội 3 của thượng sĩ Chôm đi đầu.
- 15 đây 20 (20 tên gọi đại đội phó).
- 20 tôi nghe
- Chúng tôi phát hiện có tiếng chèo ghe trong rừng dừa nước trước mặt.
- 20 cho dừng lại, sẵn sàng chiến đấu, tôi đang đến các anh đây!

Vừa đến nơi Đức điều trung đội thượng sĩ Chôm tiến lên xa, bung rộng cùng các trung đội còn lại sẵn sàng phòng thủ chiến đấu. 

Chúng tôi im lặng nằm chờ, tiếng mái chèo khuấy nước càng lúc càng gần hơn.

Trung sĩ Hưng và hạ sĩ Minh hai tiểu đội trưởng xuất sắc và gan dạ nhất của đại đội, họ đợi xuồng của đối phương đến gần và bắt sống, trên xuồng chỉ có mỗi một thanh niên tay đeo đồng hồ orien nam mặt trái xoài, áo thun trắng ngắn tay, quần xà lỏn màu xanh nước biển còn mới, loại quần màu này lính chúng tôi cũng được cấp phát mỗi khi nhận quân trang quân dụng.

Hưng và Minh dẫn gã đến gặp tôi, gã nhìn tôi không hề sợ sệt như bao tù binh khác, điều thú vị là từ trước đến nay tôi chưa thấy một tên VC nào khôi ngô tuấn tú, đẹp trai như gã.

Hưng và Minh bắt gã nằm sấp trói 2 tay ra phía sau, tôi lấy chiếc đồng hồ của gã định khi nào về hậu cứ giao lại cho phòng An ninh quân đội (nhưng ngày 14/4/1975 tôi và đại úy tiểu đoàn trưởng bị thương khi ông và tôi phối hợp lập tuyến phòng thủ đêm tại Trà Lài Cái Bè lúc 16h, chiếc đồng hồ đó tôi giao lại cho một người lính ban tư của đại đội).

Quay lại vấn đề tên tù binh, sau trận tổn thất nhân mạng quá nhiều của đồng đội trên chiến trường Hậu Mỹ đêm 30 rạng sáng, 31/3/1975 phần đông anh em đều căm phẫn VC, họ đồng loạt hô to: “bắn nó đi thiếu úy”, máu nóng hừng hực trong tôi, tôi rút cây col 45 đeo bên hông cho đạn lên nòng và dí vào đầu gã.
- Mày tên gì? Gã nhìn tôi không chớp mắt
- Dũng
Họ và lót
- Nguyễn Tấn Dũng
- Bao nhiêu tuổi?
- Sinh 1951
Tôi đưa mũi súng sát vào ót gã, gã nhìn tôi và nhấm mắt. 

Đôi mắt bản lĩnh, thái độ ngoan cường của gã làm lòng tôi dịu lại, tôi rút mũi súng khỏi gáy gã, lấy đạn, bảo lính canh phòng cho có lệ, vì nếu gã cố tình trốn thì chẳng ra cho chúng tôi bắt làm gì.
- 15 có 18 gọi
- Alo! Tôi nghe đây 18
- Anh vừa mới bắt vẹm*², không được giết và chuyển giao về tiểu đoàn cho phòng nhì thẩm vấn
- Vâng 18
Câu chuyện tưởng chừng qua đi...

Sau 1975
Tháng 11/1982 tôi đang phụ vợ bán trái cây tại chợ Xuân Đà, huyện Long Khánh, tỉnh Đồng nai, bất chợt một bàn tay vỗ vai tôi
- 15 anh còn nhớ em không?
Tôi quay lại nhíu mày
- Em là trung sĩ Vũ thuộc đại đội 1 của đại úy Bường, em có bà con nơi đây
- À, xin lổi, em biết trung úy - đại đội trưởng đại trưởng đại đội 4
- Tôi thiếu úy. Tôi đính chính lại.
- Hồi đó ban 1 có đề nghị thăng trung úy cho anh vì anh có anh dũng bội tinh nhành dương liễu và huy chương ngôi sao vàng vào ngày quân lực (ngày quân lực 19/6/1975, nhưng ngày 30/4/1975 Dương Văn Minh đầu hàng)

Có một lần Vũ hỏi tôi ông muốn vào chiến khu không, nghe đâu ông Nguyễn Tấn Dũng nào đó thành lập mặt trận Việt Nam Phục Quốc tại miền tây vùng 4 chiến thuật.

Lúc bấy giờ tôi đã có vợ và con thơ mới 15 tháng tuổi nên tôi không thể bỏ họ trong khi họ cần tôi bảo bọc, vả lại tôi không muốn bàn tay mình vấy máu một lần nữa.

Vì thế vào ngày 28/12/1982 tôi âm thầm bàn tính với vợ trốn lên vùng kinh tế mới Tân Khai, Bình Long, Sông Bé, nay là huyện Hớn Quãng, tỉnh Bình Phước.

Gia đình tôi sinh sống chủ yếu làm nông nghiệp theo kiểu truyền thống lạc hậu chỉ dựa vào nước trời, trong 10 năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, lúc này vợ chồng sinh thêm 3 đứa con, tổng thể 4 con thơ 3 trai, 1 gái út.

Sau 30/4/1992 vì điều kiện học hành của các con, gia đình chúng tôi lại di dời lần nữa về đất Cam Ranh chật vật nuôi con lên bờ xuống ruộng, vợ bán hàng rong, tôi đi châm cứu trị bịnh, làm kế mưu sinh.

Đa số là gia đình các chú bộ đội bắc Việt họ rất tin tưởng trị bệnh bằng khoa châm cứu của tôi.

Vào một ngày của năm 2002 một chú bộ đội Bắc Việt thường xuyên đến tôi, nhiễm trùng da 2 bàn tay lỡ loét, sau gần 1 năm thì cậu ta khỏi hẳn và cũng từ đó họ truyền miệng càng ngày càng nhiều người trị, họ luôn coi gia đình tôi như người thân thích, trong số này có cả người của tổng cục 2 của chế độ, vì từ sau 1975 tôi luôn cung khai lý lịch một cách rõ ràng, không che giấu bất cứ một việc gì của bản thân khi còn là một sĩ quan trong quân đội VNCH trước 1975.

Đầu năm 2007 một vị sĩ quan tới yêu cầu tôi cung cấp lý lịch bản thân tôi trên một tờ giấy họ ghi sẵn những câu hỏi và tôi chỉ có trả lời không giấu giếm.

Gần một tháng vị an ninh này mới đến lại, lần này anh ta vui vẻ và thân mật hơn, hình như anh ta đang muốn điều tra hành tung của một người mà tôi từng bắt trong chiến tranh nơi tôi:
- Hình như 1975 chú có bắt 1 người tên Nguyễn Tấn Dũng?
- Tôi còn nhớ là tôi bắt tên này lúc 9h30 ngày 08/04/1975 tại Kiến Văn, tỉnh Kiến Phong, tên Dũng
- Có phải ông Dũng đương làm phó thủ tướng hiện tại không chú?
- Ông Dũng tôi bắt cũng cao to và đẹp trai, nhưng sinh 1951, còn ông Dũng phó thủ tướng hiện tại sinh 1949, hơn nữa lâu lắm rồi mặt mày của ông ta tôi cũng không nhớ rõ lắm.

Anh ta nhìn tôi cười thân thiện rồi chào tôi đi về.
Và cũng từ đó anh ta thường xuyên đến nhà chơi xem vợ chồng tôi như người thân thuộc, thường tham khảo tôi nhiều việc.

Một lần anh ta hỏi tôi:
- Trong hiệp định Paris 27/01/1973 theo chú ai vi phạm?
- Hà Nội vi phạm
Anh ta có vẻ bất bình, một lúc anh ta dịu giọng:
- Sao chú quả quyết là Bắc Việt vi phạm?
Tôi ôn tồn giải thích:
- Hiệp định này mới đầu gồm bốn bên:
1/ Hoa kỳ
2/ Việt Nam dân chủ cộng hòa
3/ Việt Nam Cộng hòa
4/ Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam

Hiệp định được 4 bên chính thức ký và 8 nước khác giám sát ngừng bắn ký lúc 08h00 ngày 28/01/1973
Sau 90 ngày Mỹ và đồng minh rút ra khỏi miền Nam VN chỉ còn lại ủy ban liên hiệp quân sự 2 bên gồm:
- Việt Nam Cộng Hòa
- Mặt trận giải phóng miền Nam
Sau 120 ngày kể từ ngày ký thì tổng tuyển cử:
- Nếu bên nào thắng trong cuộc tổng tuyển cử thì quân đội 2 bên sáp nhập làm một, được Hoa kỳ tài trợ lập nền Đệ tam cộng hòa.

Nếu tổng tuyển cử thành công thì Hà Nội bị Mỹ đánh lừa vì 150 ngàn quân lính chính qui của Hà Nội bị sáp nhập vào quân đội miền Nam VN, và Hà Nội phải nai lưng trả nợ cho Trung Quốc vì vậy Hà Nội cố tình phá hoại.

Anh ta có vẻ bớt căng thẳng.
Vào năm 2011 anh ta lại hỏi tôi:
- Chú nhận xét ông Dũng hiện tại như thế nào?
Tôi nói:
- Đối với các nước tư bản thì vai trò thủ tướng của ông ấy hạng bét, nhưng với các nhà nước cộng sản thì ông ta là số một
- Tại sao chú cho ông ta là số một trong các đời thủ tướng?
- Ông ta chính là người tạo điều kiện cho người vô sản thành hữu sản, cũng chính ông ấy bỏ thuế nông nghiệp, người nông dân chỉ còn đóng thuế đất phi nông nghiệp ít ỏi so với trước kia, hơn nữa từ ngày có công nghệ thông tin cũng nhờ ông mà người dân tiếp cận tin tức, công khai, không bị che giấu, lấp liếm như trước đây nữa, mặc dù cũng không có ít hệ lụy như: tham nhũng, lạm quyền của các viên chức hạ tầng, phân chia đẳng cấp giàu nghèo và tội phạm xã hội tinh vi hơn.

Trong nhiệm kỳ đầu Nguyễn Tấn Dũng với vai trò thủ tướng “2007 đến 2012” Việt Nam bị Nhật cắt viện trợ nguồn vốn ODA, đến năm 2009, sáng ngày 21/2/2009 vị sĩ quan tổng cục 2 đến gặp tôi và đưa tôi một tờ giấy với dòng chữ in đánh máy sau:
- Bác có cách nào giúp chúng cháu nối lại nguồn vốn ODA với Nhật Bản hay không nhân dịp có thái tử Nhật bản sang thăm VN, còn vài hôm nữa bộ trưởng bộ kế hoạch đầu tư Võ Hồng Phúc sẽ đi Nhật, tôi nói lại với viên sĩ quan tổng cục 2, anh ta mở điện thoại ghi âm, cũng có thể anh ta bấm số điện thoại có ai đó nghe trực tiếp:
- Chúng ta yêu cầu Nhật cũng như phía Việt Nam cùng thành lập ban thanh tra “Liên hợp” để quản lý, kiểm soát nguồn vốn này cho có hiệu quả.
Một lúc lâu anh ta hỏi tôi:
- Đây là nguồn vốn của Nhật thì phía Nhật kiểm tra, tại sao Việt Nam cũng có thanh tra?
Tôi bảo:
- Nguồn vốn này là của người dân Nhật đóng góp nên phía Nhật phải có thanh tra để giữ gìn mồ hôi và nước mắt của công dân họ.
Anh ta hỏi:
- Thế còn Việt Nam?
Tôi đáp:
- Tuy là nguồn vốn của công dân Nhật cho vay, nhưng lại là công dân Việt Nam vay, chính phủ Việt Nam chỉ đại diện cho công dân Việt Nam vay, sau này hoàn vốn thì chính người dân Việt Nam phải trả, hơn nữa Việt Nam yêu cầu thành lập thanh tra “Liên hợp” là muốn Nhật Bản và Việt Nam cùng giữ thể diện cho nhau.

17h ngày 23/02/2009 Việt Nam Bộ trưởng kế hoạch đầu tư Võ Hồng Phúc thông báo Việt Nam và Nhật Bản đã nối lại nguồn vốn ODA sau khi hai bên thành lập thanh tra “Hỗn hợp” chứ không “Liên hợp” như tôi đề nghị.

Cuối năm 2012 đầu 2013 viên sĩ quan tổng cục 2 lại hỏi tôi:
- Giả sử ông Nguyễn Tấn Dũng chú bắt ngày xưa và ông Nguyễn Tấn Dũng thủ tướng là một thì chú nghĩ như thế nào?
Tôi nhìn ông ta:
- Tuy 2 người cao to có vóc dáng giống nhau, nhưng ông Dũng ngày xưa tôi bắt sinh năm 1951, còn ông Dũng thủ tướng hiện tại sinh năm 1949, nhưng giả thử nếu hai người là một thì việc chúng tôi không giết ông ấy là hoàn toàn lương tâm không có lổi với oan hồn chiến hữu mình bị VC sát hại, vì ông ta rất có lòng với quốc gia dân tộc, mặc dù chúng tôi và ông ta khác chiến tuyến.

Hiện tại nhóm người đó từ khi ông Nguyễn Phú Trọng làm tổng bí thư lần 2 thì đám người này không tới nữa.

Hết
Ghi chú:
*¹ Con cái = tiếng gọi của cấp trên nói với lính tráng
*² Vẹm = Việt Cộng
 
 --------------------------------
the End
 
Comment:
Người lính hướng về phía cái đầu, súng sẵn sàng nhả đạn. Anh lính đi khoảng 30 thước, rồi 50 thước, cái đầu bỗng nhô cao lên và đứng dậy. Thì ra là một cô gái. Anh đưa cô gái về gặp tôi. Cô bé vào khoảng 15 hay 16 tuổi; nét mặt xinh xắn; hồn nhiên với bộ bà ba đen của miền ruộng nước. 
.................
... Cô nhìn tôi tỏ vẻ lúng túng. Người lính nói:
- "Du kích đó ông thầy. Em nói không sai đâu." 
.................
... - "Trả cô bé trở lại vị trí cũ, và theo dõi cô ta rời khỏi vùng này."
- "Dạ."
Anh ta đưa cô bé đi, trước sự ngạc nhiên của nhiều người lính xung quanh tôi.

Chiếc bóng nhỏ thó; đen đen; dần dần mất hút khỏi ánh nhìn của chúng tôi; chìm trong ánh sáng mờ mờ, tỏ tỏ, của buổi hoàng hôn ảm đạm. Tôi đã thả đi một tên du kích con. Đúng hay Sai ? 
--------------------------------
 
More:
 

No comments: