Wednesday, October 26, 2022

Đứa Con Mồ Côi Của Người Tử Trận - (Triều Dương)

ĐỨA CON MỒ CÔI CỦA NGƯỜI TỬ TRẬN

(Viết theo lời kể của sĩ quan -KBC 4906 -Sư đoàn 7 bộ binh) - Triều Dương

Qua ngày 22/11/1973 chúng tôi trở lại vùng giao tranh, tìm và tải thương chiến hữu của mình mãi đến xế chiều, tiểu đoàn được lệnh tất cả trở về bộ tư lệnh sư đoàn lúc bấy giờ trú đóng tại căn cứ Đồng Tâm, cách thị xã Mỹ Tho, tỉnh Định Tường khoảng 10km đường bộ, để bổ sung quân số, đạn dược chuẩn bị cho một cuộc hành quân kế tiếp.
-----------------------------------
 Tuy thời tiết giữa mùa đông, nhưng vùng Nam bộ lẫn đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu hết mùa nước nổi báo hiệu thời điểm thuận lợi cho đối phương chuyển quân từ Lào, Campuchia lấn sâu vào vùng đất ven biên. 

Ngày 26/11/1973 chúng tôi tiếp tục lên đường, lần này tăng cường an ninh lãnh thổ cho vùng Mộc Hóa, Tuyên Nhơn thuộc tỉnh Kiến Tường ngăn phòng đối phương tập trung quân đánh chiếm các tiền đồn biên giới Việt Miên.

Nửa tháng sau khoảng 10/12/1973 tiểu đoàn lại nhận lệnh quay về tiểu khu Định Tường khởi đầu kế hoạch tái chiếm mật khu Tri Pháp như đã nói trong phần trước. 

Đoàn xe GMC đổ tiểu đoàn tại cầu Bà Tồn nằm trên quốc lộ 4, thuộc quận Bến Tranh giáp ranh tiểu khu Long An, ở đây chúng tôi tiếp nhận thêm tân binh, cùng với một sĩ quan chuẩn úy khóa 12/72 Đồng Đế Nha Trang, được trung úy Hưởng chỉ định làm trung đội trưởng trung đội 2 thay thế thiếu úy Lâm vừa bị thương ở Tuyên Nhơn, Kiến Tường. 

Tiểu đoàn chia làm hai cánh quân:
1/ đại đội 2 và đại đội 4 được đại úy Hà, tiểu đoàn Phó chỉ huy cánh tiền phương
2/ đại đội 1, 3 và đại đội chỉ huy do đại úy Loan tiểu đoàn trưởng điều động. 

Mục tiêu tiến quân xuất phát từ hai bên bờ kinh Bà Tồn đến ngã ba kinh Cây Gáo, mà bên kia bờ kinh Cây Gáo là hàng chốt liên hoàng phòng thủ mật khu Tri Pháp của đối phương, ước  chừng vài ba km chiều dài chính diện, mà ròng rã gần một tháng chúng tôi luôn bị thiệt hại  nhân mạng, hao tổn quân số hàng ngày, dù được pháo binh yểm trợ nhưng vô dụng.

Nửa  đầu tháng 01/1974 do đại úy tiểu đoàn trưởng làm tổn thất, thương vong nhiều, nên ông bị điều về trung đoàn, đưa thiếu tá Toại ở trung tâm hành quân trung đoàn 10 về thay thế, cùng lúc ở đại đôi 4 trung úy Hưởng và trung úy Tuyên cũng bàn giao đại đội cho trung úy Thành (quê Nha Trang)  và thiếu úy Dung từ sư đoàn 23 mới chuyển về, vài ngày sau đại đội 4 được bổ sung thêm một chuẩn úy Võ Công Văn khóa 1/73 sĩ quan Long Thành mới ra trường làm trung đội trưởng trung đội 1. 

10/2/1974, Trung úy Thành chỉ định chuẩn úy Võ Công Văn cùng trung đội 1 trực diện tấn công vào phòng tuyến chốt liên hoàn của đối phương, khiến chuẩn úy Văn bị tử thương cách phòng tuyến địch  chưa đầy 100m giữa đồng trống, làm mất thêm một số đồng đội khi bò lên lấy xác ông chuẩn úy này.
Chiến dịch giải tỏa khu mật khu Tri Pháp gần như thất bại, từng ngày từng giờ trung đoàn 10 từng tiểu đoàn thay phiên tấn công vào phòng tuyến đối phương nhưng không làm cho đối phương suy yếu, trái lại họ càng hung hãn hơn, mãi đến đầu  tháng 3/1974 tư lệnh sư doàn 7 bộ binh lúc bấy giờ là thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam xin tăng viện thêm liên đoàn 4 biệt động quân tiếp ứng về phối hợp với trung đoàn 10 chuẩn bị cho chiến dịch đánh chiếm mật khu, cùng lúc đó tôi được gọi về trung đoàn để đi phép đặc biệt vì tin mẹ chết. Khi về thăm nhà thì mới vỡ lẽ ra gia đình được biết tôi thoát chết trong trận Sầm Giang nên điện tôi về trong lúc chiến trường sôi động.

Một tuần lễ sau, tôi trở về đơn vị thì mật khu Tri Pháp đã bị san bằng và đối phương đã bị đẩy lùi về mật khu Mỏ Vẹt giáp ranh Campuchia. 

Tôi trở về trung đội cũ thì được lệnh trung đội nhận nhiệm vụ làm chốt chặn dọc kinh Bà Tồn, kiểm tra giấy tờ người qua lại khu vực này, nơi tôi đóng là nhà  dân cuối cùng cách mật khu Tri Pháp không xa.

Lúc này là cuối tháng 3, tôi đi họp trên ban chỉ huy đại đội về, vừa bước vào cửa, một người phụ nữ đẹp, rất thu hút , bên cạnh chị là  một đứa bé chừng bảy, hoặc tám tuổi, chị mỉm cười chào tôi, tay chỉ vào ông trung đội phó:
- Chuẩn úy, tôi vừa bị ông trung sĩ này giữ lại, đợi ông về giải quyết
- Vâng, chào chị
Tôi quay lại hỏi anh ta:
- Chị này ở đâu mà anh bắt họ, anh Mạnh?
- Cô ta và thằng nhỏ này đi từ trong vùng mất an ninh ra, chuẩn úy, tôi nghi họ Việt cộng nên giữ lại.

Chị nhìn tôi phân trần:
- Em đâu phải Việt cộng, em và con trai hôm qua về quê ăn giỗ, nay trở về Củ Chi, nói xong chị đưa giấy căn cước cho tôi:
- Chuẩn úy xem đi!
Chị tên Nguyễn Thị Tươi năm sinh 1944 , cư trú Quận Trảng Bàng. 

Tôi hỏi thật, chị là Việt Cộng nằm vùng, còn đứa nhỏ này là con của Việt Cộng trong mật khu Tri Pháp?
Chị thản nhiên trả lời:
- Chúng em về ăn giỗ, thật đó!
- Chị có biết trong đó là vùng giao tranh, làm gì có nhà ai? Bạn bè, lính tráng của tôi vừa bỏ mạng cách đây không lâu chị có biết không?

Đôi mắt chị nhìn tôi như cầu khẩn, còn đứa nhỏ như muốn khóc
- Chị yên tâm, dù biết chị là ai, tôi cũng không giữ chị lại sẽ mang tai tiếng
Tôi nói với anh Mạnh:
- Giờ này chiều rồi, thả cho họ đi dừng khó dễ họ làm gì. 

Chị cảm ơn rồi dắt đứa nhỏ xuống xuồng. Tôi dặn chị trên đường ra quốc lộ, lính có hỏi chị cứ bảo ông chuẩn úy Việt cho đi
- Em cảm ơn chuẩn úy
Chiếc xuồng xa dần, xa dần, chị quay đầu nhìn lại. 

Một tháng sau, viên hạ sĩ quan tiếp liệu đại đội theo đoàn quân xa tiếp tế cho đơn vị nói với tôi:
- Chuẩn úy có thư

Tôi nhìn địa chỉ người gửi:
Hạ sĩ nhất  Nguyễn Văn Nhiều
Chi khu Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh KBC...
Người nhận chuẩn úy Nguyễn Thái Việt.  
 Đại đội 4 tiểu đoàn 3 trung đoàn 10 Sư đoàn 7/BB, KBC 4906
Nhìn bìa thư lòng tôi phân vân, người này sao biết mình? 

Tôi đi tìm một nơi yên tĩnh xé phong bì lấy thư ngồi đọc:
Anh Việt, Tươi thành thật rất cảm ơn anh đã tha cho em và đứa nhỏ, nó là giọt máu duy nhất của vợ chồng anh của Tươi đã chết  trong mật khu Tri Pháp...nếu có dịp anh về Củ Chi thăm Tươi, hiện Tươi là chủ xưởng dầu phụng ỨNG NGUYÊN

Tạm biệt, mong anh hồi âm.

Tôi lấy bật lửa, đốt đi, mày hãy đốt đi Việt cộng, Việt cộng. 

Bốn mươi hai năm sau vô tình tôi đọc một đoạn viết trên  facebook của một nữ công an làm ở ngành an ninh báo chí, có đoạn viết:
Ngày...tháng 12 năm 2016 tưởng niệm lần thứ 42 của chị Nguyễn Thị Tươi chết do địch phục kích tại Bến Tre trong khi đi làm nhiệm vụ.
Tin đó hiện nay đã bị dở xuống
 
---------------------------------- 
More:
1. TRẬN CHIẾN CỦA NHỮNG NỮ BINH THOÁT Y - SĐ7/BB/QLVNCH (Triều Dương)
2. Đứa Con Mồ Côi Của Người Tử Trận - (Triều Dương)
3. Nỗi Đau Chiến Tranh - Những Ngày Tháng 4 của VNCH - (Triều Dương)
4. Người Tù Binh Nguyễn Tấn Dũng và Những Ngày Tháng 4 - (Triều Dương)

No comments: