Monday, September 25, 2023

TÌM THẤY LẠI NHỮNG MÙA THU - Trần Công Đài K16

TÌM THẤY LẠI NHỮNG MÙA THU

Trần Công Đài K16 - fb Dai Tran
“Quyển động thu nhật đích hoàng diệp” - Lá vàng rơi rụng, được gom đốt (video bài hát “Nhặt lá vàng”).
Thu cảnh có mất, nhưng thu tâm vẫn còn (trong trí, lòng ta - trên nhật-ký, tư-liệu). Chúng cứ chồng-chất thành kỷ-niệm suốt đời mình.
-------------- 
 
----------------

Tôi không “Nhìn những mùa thu đi” để mà thương vay khóc mướn. Tôi đã từng đón chúng, ôm lấy chúng.
Đón từng mùa thu đến trong đời mình. Thường là những mùa thu đau-thương của đất nước Việt, của đời tôi, của những người tôi yêu-mến …
Với những “thu rực-rỡ”, ta hưởng nhiều mà mau quên. Nỗi đau hay mang sâu dấu ấn khiến ta nhớ mãi không thôi.
 
Thật trùng-hợp khi những thu đầy kỷ-niệm của đất nước, lại xảy ra trong khoảng đời mình (1944-2023). Có những chuyện khi còn nhỏ, nhận-thức mới tập-tểnh nên mãi lúc “già đầu” rồi, qua tìm-hiểu mới biết.
Là suốt 80 năm qua. Những mùa thu đến với VN đầy thăng-trầm, thì tôi sẽ dành viết 1 dịp khác. Chúng liên-quan lịch-sử đất nước, những khuynh-hướng chính-trị, lá mặt lá trái, thủ-đoạn thâm-độc, hành-động bạo-tàn … 
 
 

Nay, VN dù có thống-nhất, bề ngoài với những phù vinh, nhưng bên trong đầy đấu-đá. Người dân sống trong lo-lắng, sợ hãi trước viễn cảnh bá quyền Trung-quốc.
 
“Vô sản chuyên chính” vẫn còn là lá bài của tập-đoàn cầm quyền CSVN, sau lưng là hệ-thống TƯ BẢN ĐỎ VN, hạn-chế quyền tự do dân chúng, bẻ cong nền dân chủ mà đại-đa-số dân chúng “tưởng rằng” họ có được sau rất nhiều hy-sinh !
 
Dù rằng sự “tự sướng” của Cộng-sản chủ-nghĩa chỉ còn là nhãn-hiệu, nhưng giới Tư-bản Đỏ VN vẫn dùng nó làm phương-tiện dập-tắt những “mưu-toan”, trấn-áp những “nhen-nhúm”.
 
Hình ảnh mùa thu 1944 trở lại với tôi. Là đói-rách tang-thương với gần 2 triệu người chết (bắc Trung Việt, và Bắc Việt) kéo dài đến gần giữa năm sau (1945).
 
Bà nội tôi bán nhà, chia tiền bán được cho các con. Bà theo cô cả (lớn nhất trong các con), và bác trai thứ 2 của tôi, vào Huế. Gia-đình 2 người này sung-túc, bảo đảm chăm-sóc mẹ hết tuổi già - bà đã 72.
 
Gia-đình bác trai thứ 1 của tôi lập nghiệp ở Bình Định, sống khá-giả với nghề may Âu-phục. Cô 2, em kế bác này, ở Hà Nội với chồng con. Cô út, với chồng con, ở Vĩnh Yên. Tất cả đều ổn-định.
 
Cô áp út - em kế ba tôi - có chồng tại tỉnh lỵ Thanh Hoá. Dượng tôi là 1 trong những lãnh tụ Việt Cách (Đại Việt Dân Chính đảng) - đảng này đang thân Nhật. Ông là Uỷ-viên kinh tài của đảng.
 
Gia đình tôi ở ngoại ô, cách tỉnh lỵ Thanh Hoá khoảng 6 km. Được chia 1 phần tiền bán nhà cũng không thể mua được thóc gạo bấy giờ. Tôi được cô, dượng đón ra tỉnh ăn + học (chỉ là học vỡ lòng).
 
Không lâu, chỉ vài tháng sau (khoảng 5/1945), Nhật thua và bị giải giới. Dượng (+ cô) và lực-lượng Việt Cách phải rời Thanh Hoá mà trở về Tổng-bộ tại Hà Nội. Và tôi thì trở về gia-đình.
 
Về lại nhà, nạn đói vẫn còn, mẹ và các chị, anh em tôi theo bà ngoại về “làng ngoại” - cách nhà khoảng 10 km đi về hướng Tây-Bắc.
 
Nơi đây cũng thiếu thóc gạo, nhưng sắn khoai thì nhiều. Mỗi ngày, chị cả và tôi theo trẻ làng đi mót lúa. Vùng này vẫn trồng lúa, không bị quy-hoạch trồng “đay” theo lệnh của Nhật-quân.
 
Những mùa thu tiếp theo không gây nhiều ấn-tượng trong tôi. Vì không lâu, cuối 1946 tôi đã rời Thanh Hoá mà vào Huế, theo bác trai thứ 2.
 
Sống trong gia-đình bác ruột, luôn được cô cả quan-tâm, được bà nội chiều-chuộng, tôi chỉ lo ăn + học … quên khuấy những khổ-ải cũ, không quan-tâm chi đến thời-cuộc quanh tôi.
 
Rồi từ 1955 trở đi …, những năm vàng son tại miền Nam nước Việt tưởng đã hàn-gắn các vết thương xưa của đất nước, thì đột nhiên mùa thu 1963 xảy ra.
Tôi sống gần suốt mùa thu này tại Sài Gòn. Bây giờ tôi mới biết, đó không chút nào là 1 khủng-hoảng chính trị. Là những thế-lực trong, ngoài - vì mục đích riêng, quyết đạp đổ Đệ Nhất VNCH.
 
Tôi về lại Đà Nẵng (đơn vị gốc) chỉ hơn 1 tháng trước ngày 1/11/1963. Tôi phỉ-nhổ ngày này ! Tôi cảm thấy tủi-hổ thay cho những người cầm đầu nền Đệ Nhị VNCH - đã dùng ngày đó làm ngày quốc-khánh (tôi sẽ không dùng chữ hoa).
 
Mấy ngày sau 1/11/1963, 3 đứa lính chiến : Lê Hữu Cương, Nguyễn Văn Gioang, và tôi - vùi say trong bia, rượu. Khóc cho ngày 1/11 đó. Khóc trước cái chết của 2 anh em họ Ngô Đình - họ đã “tuẩn quốc”. Dù là Mỹ thay ngựa giữa dòng, dù những tên tướng kia vì tham vọng, đố kỵ, … Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm và bào đệ Ngô Đình Nhu đã chết cách anh hùng !
 
“Thu tang” là cuối thu 1963 !
Và từ sau 1963, tôi đã không còn thì giờ tâm-sự với Thu. Vì rằng liên-tục từ 1964-1975 đều là “Thu khói lửa”, “Thu tang tóc”. Xuân, hạ, thu, đông đều “dống” nhau. Đều là nước mắt !
 
 
Tôi gần như quên đi những mùa thu trong tù cải tạo (1975-1984), tôi cũng không quan-hoài những thu “rực rỡ” với những thu NY hay GA (1994-2022), dù rằng có chút ấn-tượng với thu 1992 tại Mountain View (California) - là những ngày đầu đến Mỹ.
 
Một chút lóe sáng của “Lễ Hội 2023 Mùa Thu” tại Gwinnett, GA tổ chức đầu tháng 9 này - nay sự im lặng trở về. Còn chờ chi ? Đó là vài ngày nữa, Việt hải-ngoại tổ chức Trung thu … để rồi tháng sau sẽ là “lập đông” (7/11/2023).
 
Mùa thu trước (2022), mấy bài viết nói về thu : Tháng 9 Dòng Sông (1, 2) - Đếm Lá Vàng (1, 2) - Ao Thu Đầy là hồi-niệm của tôi 1 thuở.
 
Mùa thu này, cơn nóng kéo dài. Chỉ chớm lạnh về đêm và sáng sớm gần 2 tuần nay.
 
Sắp cuối thu. Lá vàng một số đã sớm rụng. Thiên hạ cũng sắp ngắm cảnh “Thu vàng” - giữa tháng 10 dương lịch. Nhớ bạn. Tôi nghĩ đến niên trưởng Phan Tấn Mỹ (khóa 13 VBQGVN) ra đi khoảng 10 năm trước. Tập thơ của anh thường để trước mặt tôi (bàn viết). “Một Lời Thu Gọi” : … Qua rừng chợt thấy rừng vàng ối. Thảm cỏ loang màu triền núi xa … Từ lúc mây dâng xám nẻo trời. Ngỡ ngàng theo lá úa rời ngôi. Buồn đi xa vắng về lay gọi. Tà áo thu qua chẳng trả lời”. 
 
Mà trả lời sao được ? Âm thanh con người sẽ làm mất đi tĩnh-lặng. “The sound of silence” muốn nói sự tĩnh-yên có thứ âm thanh của riêng nó !
 
Bài hát “Thu, hát cho người” tôi mượn đưa vào bài viết, nhưng với ý toàn diện. Xưa, người ta hát cho người đẹp. Nay, ta hát cho 1 quá khứ “thu” của 80 năm !
Stone Mountain, GA - Sept. 25, 2023
-------------
 
Comments:
* Myra Thu Nguyen
Dai Tran đọc bài của huynh mà buồn cho miền Nam của mình, thanh bình hạnh phúc không bao lâu để rồi đất nước nát tan
Dai Tran
Myra Thu Nguyen Có được có mất thì "cái được" mới có giá-trị và được nhớ mãi. Chỉ nhận vào mà thôi, như tập-đoàn CSVN từ 1975 đến nay đã ôm hết của-cải của miền Nam VN suốt 48 năm, sống trong hoan-lạc, phè-phỡn, tạo ra 1 giai-cấp thống-trị toàn là những TƯ BẢN ĐỎ. Vì vậy ý-chí ngày xưa "chống ngoại xâm" của chúng đã biến mất hoặc hao-mòn đến tủy xương. Chừ, lệnh-lạc từ CSTQ đã biến từ "tiếng thỏ thẻ của đồng chí" một thuở Diên An những năm 1940' thành "lệnh quan thầy" từ Tử Cấm Thành Thiên An Môn.
Cả VN bây giờ nói chung sợ "chiến tranh", nhất là đối với TQ. Họ đã quên đi những năm tháng của cuộc chiến biên-giới Tây-Nam với Kmer Đỏ (là TQ đứng phía sau), biên-giới Việt-Trung và hải-đảo liên-tiếp từ 1979 suốt đến Hội nghị Thành Đô (1990), là cái mũ "chư hầu" được đội lên VN - là VN của lịch sử chống Tàu cách thành-công qua những chiến-thắng ... 
 
Không rõ học-trò VN nay có học đúng "lịch sử Việt" chăng ?
Comment này tôi viết dài, vì tôi cũng như rất nhiều chiến-hữu - không tính hàng thập-niên vác súng bảo vệ (bất thành) miền Nam VN - đã ít (vài ba năm) nhiều (trên 8 năm đến 17 năm) để tuổi thanh xuân trôi mất trong lao tù CS. Nhà cửa, đất đai tư-hữu, tiền bạc bị chiếm đoạt. 50% gia-đình tan-tác (vợ bỏ chồng). Và gia-đình tôi cũng đóng-góp mạng sống của đứa con gái - dù chỉ là hòn đạn vô tình của bọn chúng.
Tôi không muốn viết thêm - vì chỉ khơi lại mối hận lòng mình. Tưởng nó được chôn trong tiềm-thức, dần biến thành vô-thức, thì cũng nên quên phức nó đi. Khi 2 tay buông xuôi thì mọi quá khứ cũng thành "dĩ vãng" !
* Myra Thu Nguyen
Dai Tran dạ em hiểu nỗi lòng của huynh
* Thanh Nguyen
Dai Tran Từ 30/4/1975, VC Cướp càng nhiều càng tốt cho việc TRỐN CHẠY. Nước MỸ là ưu tiên số 1. Tội cho dân VIỆT qúa.
 
* Kim Châu
Dai Trân
NT kể những mùa thu đi qua đời mình ,đi qua đất nước thật hay và cảm động.Theo em biết nạn đói đã xảy ra năm 1945 - Ất Dậu đã khiến một triệu dân MB chết đói vì thiếu lương thực .Đau thương lịch sử này đã được nhà văn DA ghi lại trong tác phẩm Chuyện thằng Côn.Câu chuyện kể lại đã lấy đi không ít nước mắt của người đọc thường cho hoàn cảnh chiến tranh của đất nước mình!.Xuân,hạ ,thu,đông chỉ đẹp khi đất nước thanh bình .Quê hương chìm trong khói lửa chiến tranh đâu còn ai lòng dạ nào ngồi xem hoa nở hay .....đếm lá vàng rơi!.!.!.
* Dai Tran
Kim Châu Duyên Anh hơn tôi 4 tuổi. Quê ông ở Thái Bình - nửa đường từ Ninh Bình đến Hải Phòng. Nạn đói thật sự bắt đầu vào tháng 10/1944, là lúc tôi được gởi đến nhà cô + dượng, và mãi đến 5/1945, nạn đói giảm nhiều.
Tôi chỉ nghe nói nạn đói bộc phát suốt từ Nam Định trở vô đến Nghệ An.
Tôi nghe nói những xác người rãi rác khắp nẻo đường từ thôn quê đến thành thị, và chứng kiến tận mắt những xe đẩy hay kéo chất đầy xác người đem hỏa thiêu. Chỗ hỏa thiêu cách nhà chúng tôi mươi phút chạy bộ (khoảng 500 mét). Tôi và bọn trẻ trong làng đều chạy ra xem.
Làng thôn chúng tôi cũng đói, nhưng đều dự trử sẵn khoai, sắn, bắp khô nên không ai chết đói.
Không biết Duyên Anh bấy giờ khoảng 10 tuổi, làm sao biết mà kể. Vùng Thái Bình gần Hải Phòng gần biển thì có cá nên không dễ chết đói.
Vanna Nguyen
Dai Tran bài này hay lắm chú !Ngày xưa nhặt lá rụng tàn …🎼🎼🎼, chú sưu tầm nhạc xưa tuyệt quá 
Dai Tran
Vanna Nguyen Hết ý ! Chờ chú uống thêm viên thuốc Losartan đã, và nằm nghỉ chút đỉnh. Bệnh già là vậy đó, nghe chê cũng nhức đầu, mà khen thì lại chóng mặt ! Anyway cảm ơn cháu !
Vanna Nguyen
Nhạc Hoài mong… ta hát vì xa người
Dai Tran
Vanna Nguyen Cảm ơn cháu cũng rảnh rang mà viếng vườn rau của chú. Nhà nghèo, vườn rau chỉ giàn mướp lưa thưa ít trái (thiếu chăm-sóc, thiếu phân), và ít bụi ớt. Nhưng ớt thì loại rất cay. Thêm vài khóm bạc hà.
Chắc năm sau sẽ thực hiện loại vườn với cây trồng …”dống” như thật, nhưng bằng đá, hay xi-măng, hay bằng nhựa !
Đố cháu biết vì sao ?
Vanna Nguyen
Chú ơi bên cháu năm nay thất thu luôn ! Bầu buồn bã , mướp loe que, còn ớt thì quá xá trời , cháu làm tương ót, ót ngâm chua và để đông ăn cả năm, cà pháo năm nay chắc nhớ kho Long Bình hay sao mà nổ toang hết , có vài trái , thôi thì để giống cho năm sau vậy
Dai Tran
Vanna Nguyen ha ha, đáng kiếp cháu ! Háu ăn thật khổ. Chú thím chỉ trồng làm cảnh, vừa nhìn màu xanh (không có trái cũng chẳng sao), vừa có mươi phút thể dục mỗi ngày.
Ở đây có nhiều trung-tâm giúp người già (Mỹ có, Việt có). Chỉ mất công mỗi tuần 1 lần, thì nhận đủ loại thực phẩm, trái cây, v.v… dùng hơn nửa tháng mới hết (phần dư thì bỏ thùng rác). Lại lái xe đi nhận tiếp …
Vanna Nguyen
Cháu cũng trồng cho vui là chính ! Phơi nắng khi làm vườn chú ạ ! Năm nay bên này ai cũng thất mùa , bên chú khí hậu tốt mà , làm sao bên cháu bì được , chúc Cô Chú bình an ạ ! ( chú hát hay đấy , cho cháu nghe vói nhé ! Nhạc xưa rất hay)

No comments: