Friday, September 8, 2023

CHẠM MẶT “NGƯỜI CỦA NÚI RỪNG” - Sài Gòn trong tôi/CCBM/VDH/TX

 CHẠM MẶT “NGƯỜI CỦA NÚI RỪNG”
Sài Gòn trong tôi/CCBM/VDH/TX - fb Son H Cao

Trong tháng Ba 1970, hành quân Delta vẫn còn trên căn cứ hành quân tiền phương Bunard, thám sát những khu vực dọc theo giòng sông Đồng Nai. 
------------------
Toán biệt kích của tôi được trao cho nhiệm vụ thám sát những nhánh sông nhỏ, nơi chân những rặng núi sát vùng trách nhiệm của Quân Đoàn II, Vùng 2 Chiến Thuật. Khu vực hành quân xâm nhập này nằm xa nhất của tầm bay của loại trực thăng đổ quân UH-1, và toán biệt kích do tôi chỉ huy là toán đầu tiên phải xâm nhập, dò thám khu vực xa xôi đó.
 
Những chuyến xâm nhập trước đó, toán của tôi thường được trao cho trách nhiệm dò thám những khu vực dọc theo biên giới Việt-Miên. Trong phần thuyết trình hành quân cho chuyến xâm nhập mới này, tôi được cho biết, có một đơn vị cấp lớn của địch đóng quân trong khu vực và toán biệt kích có nhiệm vụ nhận diện đơn vị này.
 
Sau khi nghe thuyết trình, tôi cùng với phi công O-1 bay thám sát khu vực hành quân và tìm bãi đáp đê xâm nhập, triệt xuất. Trên đường đến mục tiêu, chúng tôi bay trên cao độ 2000 bộ. Khi đến không phận mục tiêu, từ trên cao nhìn xuống, tim tôi muốn ngừng đập. Dưới đáy thung lũng, nơi những nhánh sông nhỏ sẽ đổ vào sông Đồng nai, có bề rộng 15 cây số và cả vùng thung lũng có chiều dài khoảng 40 cây số và những vách núi dựng đứng hai bên.
 
Khu vực thám sát quá rộng, và điều tôi để ý nhất là có nhiều đường mòn chạy từ trên những sườn núi xuống thung lũng. Cả khu vực được những cánh rừng nhiệt đới, cây cối rậm rạp che phủ. Những con đường mòn chạy từ trên xuống theo hướng bắc nam dọc theo thung lũng và ngang dọc từ đông sang tây, và có dấu hiệu địch quân xử dụng, di chuyển rất thường trên những con đường mòn.
 
Kể từ lần xâm nhập vào thung lũng A Shau, tôi không thể nhầm được, những con đường mòn này phải cỡ cấp sư đoàn của địch di chuyển mới bị nén xuống như thế. Nếu ai có hỏi, sau khi chiến khu C bị khai quang, quân VC, Bắc Việt di chuyển đi đâu, thì hôm nay tôi đã tìm thấy câu trở lời. Tôi yêu cầu phi công lái chiếc máy bay thám thính O-1 bay thấp một vòng để tôi quan sát cho kỹ hơn, nhưng anh ta “lạnh cẳng”, từ chối, trả lời địch quân đầy trong thung lũng.
 
Tôi chọn bãi đáp xâm nhập là một khoảng đất trống, có một con đường mòn chạy ngang qua, nơi tận cùng phiá đông rặng núi làm thành thung lũng. Tôi chọn điểm xâm nhập này để trực thăng đưa toán biệt kích vào mà không phải bay ngang qua khu vực thung lũng, an toàn hơn. Thêm nữa, chuyến xâm nhập này tôi định “vào” vùng khi tia nắng đầu tiên thay vì lúc hoàng hôn như những lần trước.
 
Trở về căn cứ hành quân tiền phương Bunard, tôi thuyết trình lại cho toán viên. Sau khi kể rõ những điều mắt tôi trông thấy, cả toán biệt kích xanh mặt, không dè toán biệt kích bọn tôi lãnh nhiệm vụ xâm nhập vùng “Thung lũng Tử Thần”. Lần này chúng tôi chuẩn bị đem theo thật nhiều đạn dược, mìn Claymore và lựu đạn... để chiến đấu. Và đem theo ít lương thực hơn những chuyến đi trước. Phải lo chuyện tìm đường sống trước nhất. Trung sĩ nhất William R. “Grit” Pomeroy Jr., toán phó, nên dành thì giờ cầu nguyện, nên chúng tôi đi ngủ sớm.
 
Yêu cầu ra đi trước rạng đông được chấp thuận và toán biệt kích lên đường vào buối sáng sớm hôm sau, khi trời vẫn còn tối. Chiếc trực thăng chở chúng tôi tách khỏi đội hình, khi ra khỏi căn cứ hành quân khoảng mười cây số, sau đó bay dọc theo sông Đồng Nai lên bãi đáp. Khi qua khỏi rặng núi nơi hướng đông, phi công trông thấy bãi đáp và thả xuống toán biệt kích.
 
Trực thăng vừa là là xuống, tôi đã phóng ra khỏi phi cơ chạy vào bià rừng và dẫm lên ngay một bãi phân voi, ngập đến đầu gối. Cả toán biệt kích chạy đến bìa rừng, chúng tôi bố trí quan sát con đường mòn, vừa ngạc nhiên bớt lo âu. Cả bãi đáp lẫn con đường mòn đều có dấu vết của loài voi, phân của chúng vương vãi tùm lum, khắp nơi trên con đường mòn.
 
Thì ra con đường mòn này không phải do người tạo nên, đi lại mà chủ nhân ông của con đường là một đàn voi rừng... và như vậy mấy tên vi xi (vc) cũng phải tránh né khu vực này, kiếm chỗ khác “làm ăn”. Cả đôi ta, địch và bạn, “tránh voi chẳng xấu mặt nào”.
 
Đã có nhiều váo cáo trước đây, địch quân xử dụng voi để chở đồ tiếp vận, những chiến cụ nặng, nên chúng tôi vẫn phải cẩn thận, có địch trong khu vực. Toán biệt kích thận trọng di chuyển sâu vào trong rừng, khu vực thung lũng. Không bao lâu, chúng tôi biết rằng, không có dấu vết địch quân trong khu vực hành quân, dò thám. Và cũng không có dấu vết chứng tỏ có sự xuất hiện của loài người trước khi toán biệt kích đặt chân đến.
 
Những đàn khỉ, vượn, chim chóc chưa từng có kinh nghiệm về loài người, chưa biết sợ, nhìn toán biệt kích dò xét. Chúng tôi nghe được tiếng động, tiếng kêu của đàn voi di chuyển đi xa chúng tôi. Những con voi đánh hơi người lạ xâm nhập vào giang sơn của chúng thật tài tình. Chúng tôi không thể đoán được đàn voi có bao nhiêu con, nhưng chắc phải nhiều lắm, mới đủ khả năng “xây dựng” những con đường mòn trong khu vực thung lũng.
 
Đến buổi chiều hôm đầu tiên xâm nhập, chúng tôi mới gặp “Người của núi rừng” (Forest People). Tôi đã nghe nói về họ từ những binh sĩ Thượng và LLĐB/VN nhưng đây là lần đầu tiên mới được gặp. Một lần trước đây khi còn chỉ huy một đại đội DSCĐ hoạt động trong khu vực đông bắc tỉnh Bình Long. Lúc đó vào mùa khô, những giòng suối nhỏ đã cạn nước, chỉ có một con suối có nước, nằm sâu trong cánh rừng rậm. Để giữ an ninh, tôi chỉ cho mỗi tiểu đội một người đại diện đi xuống suối lấy nước, phần còn lại bố trí phòng thủ.
Vài phút sau, có những tiếng la hét từ dưới suối vọng lên, rồi những người đi lấy nước, xách những bi đông không quay trở về. Tôi hỏi và được binh sĩ người Thượng trả lời “Con suối thuộc quyền sở hữu ‘Người của núi rừng’, họ không cho phép lấy nước và mình phải ra khỏi khu vực này”. Câu trả lời, tôi không hiểu nổi, nhưng các DSCĐ có vẻ rất “nể nang” họ.
 
“Người của núi rừng” bỗng xuất hiện trong khu vực hành quân xâm nhập của toán biệt kích, họ ở trên cây, và xung quanh chúng tôi. Chúng tôi không nghe được sự di chuyển của họ... tự nhiên xuất hiện. Họ xuất hiện nhanh chóng, chúng tôi không biết được có bao nhiêu người.
 
Rồi một con đực to lớn nhất nhẩy từ trên cây xuống, đến gần toán biệt kích quan sát. “Người của núi rừng” cao khoảng năm bộ (không tới 1m60), hai cánh tay dài, lông lá trông như đười ươi, khỉ đột, có lẽ cùng họ với loài khỉ đột cam (Orangutan, sống ở Indonesia). Con này nhe nanh gầm gừ như muốn nói, toán biệt kích nên cuốn gói ra khỏi giang sơn của chúng, rồi cả đàn biến mất nhanh chóng như lúc xuất hiện.
 
Toán biệt kích tiếp tục di chuyển êm thấm đến ngày triệt xuất. Trong cánh rừng có nhiều thú lạ, một nơi chưa có loài người đặt chân đến. Khu vực hành quân xâm nhập của chúng tôi là một “Hố Cạn”, không có bóng dáng địch quân. Xin cảm ơn Thượng Đế một lần nữa. Toán biệt kích như lạc vào thiên thai, rất tiếc phải về sớm vì chúng tôi chỉ mang theo ít đồ ăn. “Thung lũng Tử Thần” trở thành “Thung lũng của tôi”.
 
Sau khi chúng tôi quay về, hành quân Delta chấm dứt hoạt động trên căn cứ hành quân Bunard. Tất cả được đưa về Nha Trang nghỉ ngơi ít hôm trước khi được không vận ra ngoài vùng 1 chiến thuật, thiết lập căn cứ hành quân Mai Lộc.
 
Toán biệt kích chúng tôi đã đem về tin tức, không có bóng dáng những tên cộng phỉ, bọn lính bắc việt trong khu vực “Thung lũng của tôi”, và bọn chúng không phải là chủ nhân của núi rừng thung lũng, không phải là những kẻ đã xây dựng những con đường mòn trong khu vực.
 
Năm 1975, những đoàn xe chuyển quân của bọn cộng phỉ bắc việt về hướng Saigon cũng không đi ngang qua, tàn phá “Thung lũng của tôi”. Sau này, một tờ báo ở Hoa Kỳ có bài viết cho biết tìm thấy một giống tê giác lạ trong khu vực thung lũng gần sông Đồng Nai. Tôi xem lại tấm bản đồ cũ... Và đúng ý chang, trong “Thung lũng của tôi”. Khu vực thung lũng này bây giờ có tên là Nam Cát Tiên, một khu rừng nguyên sinh, được chính quyền bảo vệ.
 
Trong tháng Tư năm 1970, hành quân Delta “dọn nhà” ra khỏi Bunard, về Nha Trang nghỉ ngơi và trong tháng Năm, di chuyển ra Quảng Trị, thiết lập căn cứ hành quân tiền phương bên ngoài trại Lực Lượng Đặc Biệt Mai Lộc. Nhiệm vụ cho hành quân Delta ngoài Vùng 1 lần này, thám sát khu vực biên giới Lào-Việt, từ vùng phi quân sự về hướng nam đến căn cứ Khe Sanh.
 
Trại LLĐB Mai Lộc là tiền đồn xa nhất về phiá bắc VNCH, “Địch quân có thể ném đá vào căn cứ thay cho đạn pháo kích”. Đây cũng là chuyến hành quân Delta thứ hai sử dụng căn cứ hành quân tiền phương Mai Lộc, và các toán biệt kích đều biết rằng, khu vực hành quân mới này không phải “dễ ăn”. Có rất nhiều đơn vị cộng phỉ bắc việt trong khu vực hành quân, và nhiệm vụ cho các toán biệt kích Delta, đi tìm và nhận diện các đơn vị này trong mỗi chuyến hành quân xâm nhập kéo dài năm ngày. Cứ mỗi lần toán biệt kích xâm nhập vào khu vực Khe Sanh, Lang Vei đều rất có thể sẽ phải triệt xuất khẩn cấp.
 
Sau khi đến Mai Lộc ít lâu, toán biệt kích của tôi được mời vào trung tâm hành quân nghe thuyết trình và nhận lệnh. Khu vực hành quân xâm nhập được giao phó cho toán biệt kích nhìn trên bản đồ trông có vẻ rất gay go. Khu vực này sát biên giới Lào-Việt, phiá nam trại LLĐB bỏ hoang Lang Vei, tây nam căn cứ cũng bỏ hoang, trại LLĐB và căn cứ Khe Sanh của TQLC/HK. Và nằm dưới con đường 616 chạy từ bên Lào qua phần đất Việt Nam.
 
Đường 616 là một nhánh tẽ ra từ hệ thống đường mòn hcm trên đất Lào, để bọn cộng phỉ bắc việt chuyển quân, chiến cụ, đồ trang bị tiếp vận xâm lăng Miền Nam Việt Nam qua tỉnh Quảng Trị. Địch quân sử dụng con đường này rất thường xuyên, những toán biệt kích Delta xâm nhập trước đây đã báo cáo, trông thấy xe cộ của địch di chuyển trên đường 616 tại nhiều toạ độ. Toán biệt kích của tôi sẽ xâm nhập vào khu vực có hình dáng “Lưỡi câu” do giòng sông Tchépone uốn quanh rặng núi Cơ Rốc, cao hơn 1000 bộ trên đất Lào.
Chỉ cần nhìn khu vực hành quân trên bản đồ, tôi có linh cảm “chuyện lớn” sắp xẩy ra. Toán biệt kích đã được sĩ quan ban 2 thuyết trình, nói rằng trong khu vực có sự hiện diện của nhiều đơn vị cộng phỉ bắc việt, cùng với các binh trạm, kho tiếp vận. Nhiệm vụ chính cho toán biệt kích, tìm các kho tiếp vận dấu kín trong rừng già của địch và chứa những “món hàng” nào? Nhận nhiệm vụ tôi biết ngay, chuyến đi này sẽ rất nguy hiểm hay “trời thương”.
 
Sau đó tôi đi bay thám sát khu vực hành quân, điểm xâm nhập, triệt xuất. Đúng như trên bản đồ hành quân, từ trên máy bay thám thính FAC nhìn xuống, khu vực xâm nhập trông như hình lưỡi câu do dòng sông Tchépone uốn cong. Ba mặt bao quanh “lưỡi câu” thuộc về nước Lào, mặt còn lại thuộc về Việt Nam và có rất nhiều hố bom, lỗ chỗ ở dưới, chứng tỏ khu vực này đã bị oanh kích nặng nề. Tôi chọn được một điểm xâm nhập là một hố bom ngay bên cạnh khu vực xâm nhập, điểm triệt xuất dưới chân ngọn núi Cơ Rốc.
Phi công lái chiếc O-2 cũng xác nhận với tôi, khu vực xâm nhập “rất nóng” (nguy hiểm) và toán biệt kích có cơ hội chạm địch ngay tại nơi bãi đáp xâm nhập.
 
 Chúng tôi quyết định xâm nhập vào lúc trời vừa sáng và được chấp thuận. Trong lúc chờ đợi, cả toán biết kích thực tập “tao ngộ” chiến, đề phòng trường hợp chạm súng bất ngời với địch quân. Tiếp theo là kiểm soát lại ba lô hành trang cho chuyến “công tác” đặc biệt này. Và toán biệt kích lên đường vào sáng sớm ngày hôm sau, khi ánh mặt trời chưa lên cao.
 
Trực thăng đưa toán biệt kích vào bãi đáp dễ dàng, khi còn cách mặt đất khoảng sáu bộ, chúng tôi nhẩy ra khỏi trực thăng chạy nhanh vào bờ rừng, gom lại và bắt đầu di chuyển. Vào bên trong chúng tôi gặp ngay một hàng rào làm bằng tre cao đến bụng, lúc đó mới biết bãi đáp trực thăng xâm nhập là một khu vườn canh tác của một đơn vị hậu cần Bắc Việt và một qủa bom 500 cân Anh, không quân Hoa Kỳ đã phá hủy khu vườn.
 
Toán biệt kích đi sâu vào khoảng năm mươi thước, khám phá ra được một binh trạm cấp đại đội đã bỏ hoang của địch. Trong căn cứ bí mật có khoảng mười dẫy nhà sàn, có mái che, có thể chứa mười người, hầm trú ẩn tránh bom. Binh trạm này có lẽ được dùng làm nơi nghỉ chân cho các đơn vị Bắc Việt di chuyển ngang qua, không thấy có hệ thống phòng thủ, chiến đấu, giao thông hào. Quan sát những cây cỏ hoang, giây leo mọc lên khắp nơi, chúng tôi đoán rằng địch đã bỏ hoang căn cứ này hơn sáu tháng.
 
Từ trong binh trạm này có hai đường mòn, một dẫn đến đường 616, ngã kia đi về hướng tây nam. Cũng như binh trạm, cả hai đường mòn đều đã không xử dụng từ lâu, cỏ dại đã lan lên trên đường. Toán biệt kích di chuyển song song, dọc theo con đường mòn cho đến khi ra khỏi khu vực dò thám nhưng chẳng thấy gì khác thường. Chúng tôi quay trở lại binh trạm và theo con đường mòn kia, đi về hướng tây nam. Cũng chẳng tìm thấy gì, chúng tôi hơi ngạc nhiên, không lẽ lại vào một “Hố Cạn”.
 
Trên lộ trình di chuyển về hướng tây nam, chúng tôi đến một ngã rẽ, trái phải dẫn đến khu chứa hàng, những nhà kho nơi địch quân xây những sàn lớn kích thước 10x20 bộ, cao hơn mặt đất 3 bộ. Chúng tôi lục soát xung quanh, tìm thấy khoảng hai mươi kho hàng trống rỗng, có lẽ địch quân đã di chuyển đi chỗ khác. Cả ngày lục soát khu vực chỉ thấy căn cứ, kho hàng đã bỏ hoang, chúng tôi nghĩ rằng địch quân đã di chuyển đi nơi khác.
 
Qua ngày hôm sau, toán biệt kích di chuyển về hướng biên giới Lào Việt để triệt xuất. Ra khỏi khu vực binh trạm bỏ hoang, chúng tôi di chuyển trong thung lũng dưới những ngọn đồi, bóng cây rậm rạp của khu rừng nhiệt đới. Tôi dự trù cứ tiếp tục di chuyển cho đến khi gặp giòng sông Tchépone cắt ngang, đó cũng là đường biên giới Việt Lào.
 
Đến cuối ngày thứ hai, bốn quân nhân LLĐB/VN trong toán, tin rằng chúng tôi đã được Thượng Đế ban cho một “Hố Cạn” và bắt đầu lơ là. Tôi phải cho họ biết, mới được nửa đoạn đường, vẫn phải cẩn thận.
 
Đến sáng ngày thứ tư, toán biệt kích thức dậy trong một buổi sáng yên bình, khu rừng yên tĩnh. Chúng tôi di chuyển đến bãi đáp để được triệt xuất, ngọn núi Cơ Rốc sừng sững như thách đố. Đến gần trưa, chúng tôi đến một giòng suối cắt ngang lộ trình di chuyển.
Chợt từ phiá bên kia bờ suối, tôi trông thấy ba tên lính bắc việt cũng đang đi xuống suối. Tôi định nổ súng nhưng chần chừ, chờ Grit vì ba địch quân nằm trong hướng bắn của anh ta. Grit đang dấu mình trong đám cỏ tranh ngay sát bờ suối. Tôi định quạt một băng, nhưng sợ có viên trúng Grit, nên kiên nhẫn nằm chờ.
Rồi ba tên lính Bắc Việt đột nhiên quay trở lại, hình như bọn chúng đang đi săn trong giang sơn của chúng nên rất tự tin đến độ thản nhiên. Trong khi đó, Trung Sĩ William R. “Grit” Pomeroy Jr. “đang làm gi?”. Tôi giận điên lên... nhưng sau này tôi được biết, Grit là một người rất nặng vấn đề tín ngưỡng. Sau khi trở về Hoa Kỳ, anh ta theo học trong một trưòng “dòng”, tốt nghiệp về Thần Học, trở lại quân đội làm Tuyên Úy. Grit vẫn nhớ đồng đội, xin làm việc trong binh chủng LLĐB.
 
Trên chuyến trực thăng triệt xuất về căn cứ hành quân tiền phương Mai Lộc, chúng tôi được biết hành quân Delta sẽ chấm dứt và tất cả sẽ di chuyển về Nha Trang để được phân phối ra các đơn vị khác. Đó cũng là chuyến hành quân xâm nhập cuối cùng của tôi trong hành quân Delta.
Sài Gòn trong tôi/ CCBM/ VDH/TX

No comments: