Nghe danh và được đọc những tác phẩm của chị từ thuở mới lớn.
Ấn tượng nhất chính là ba chữ "Lính mà em!", tựa một bài thơ của chị trở thành một "thành ngữ, câu thích dùng" của hầu hết những người "mặc đồ Nhà binh chân mang Botte de saut". Bài thơ nổi tiếng này của chị sau đó cùng lúc được hai nhạc sĩ tài danh là Y Vân và Anh Thy phổ nhạc, và cả 2 ca khúc đều có sức phổ biến lan rộng khắp nơi.
Ấn tượng khác với riêng tôi, chính là ba chữ Y trong một bút danh đẹp và đầy nữ tính của chị (Với tôi, chữ Y luôn là mẫu tự đẹp nhất của tiếng Việt).
Vậy mà mãi đến giữa năm 1995 tôi mới được gặp chị, ấy là dịp tôi quyết định cho in lại nguyên vẹn tác phẩm Ngoài Song Mưa Bay của chị trong Tủ sách Hoa Niên.
Chị đến, thân thiện như đã từng quen biết nhau đủ lâu, thoải mái trong chuyện trò đúng kiểu chị em "hiểu nhau không cần nói nhiều". Tính cách nghệ sĩ ấy giúp tôi hiểu được vì sao chị vẫn luôn ngẩng cao đầu và vượt qua rất nhẹ nhàng những "khổ nạn và tù đày của oan và nghiệt".
Mỗi lần chị ghé thăm thằng em, văn phòng làm việc của tôi luôn có được sự ấm cúng vì được cảm thông và chia sẻ. Tính cách nghệ sĩ và bề dày sinh hoạt văn nghệ của chị dạy cho chúng tôi nhiều điều, đắt giá nhất là bài học "Bao dung nhưng không thỏa hiệp", rất nữ sĩ!
Thế rồi... Vừa tạm thoát dịch Covid, các loại lệnh cấm đã được gỡ hết, nhịp sống Sài Gòn dần trở lại nhịp bình thường sau khi ai cũng có một khoảng lặng cần thiết để nhìn lại mình, chị nhắn: "Qua nhà cà phê với chị, có việc cần em làm dùm!".
Việc chị giao "đơn giản" lắm: Gom hết tác phẩm Lý Thụy Ý về một chỗ và chị giao hết tác quyền tất cả tác phẩm của chị cho thằng em chỉ vì "Nhà chị chẳng ai khoái văn nghệ văn gừng cả"! Trời đất, "đơn giản" ghê!
Việc lớn và hệ trọng như vậy mà chị nói nhẹ tênh. Đó cũng chính là một trong những tính cách nghệ sĩ của chị mà tôi rất quý trọng: Chẳng có gì là quan trọng trên đời này cả và "thương ai thương cả đường đi lối về"!
Tác quyền là chuyện quá lớn và rất tế nhị nên tôi phải giải thích cặn kẽ để chị không phật lòng. Toàn bộ tác quyền của chị luôn thuộc về người thân trong gia đình chị, tôi chỉ có thể thay mặt gia đình trong việc khai thác bản thảo và theo dõi tác quyền cho từng sự vụ, sự việc cụ thể.
Còn việc gom hết tác phẩm của chị về một chỗ, tưởng dễ mà... trần ai khoai củ! Đây là ca "khó đỡ" nhất trong nghiệp làm xuất bản của tôi từ trước đến giờ!
Chị viết báo, viết văn, làm thơ... Tung hoành ngang dọc đủ cả! Ngoài trách nhiệm chính là Thư ký tòa soạn Văn Nghệ Tiền Phong, chị còn cộng tác với hằng chục báo khác với không biết bao nhiêu là bút danh khác nhau... Chị viết tiểu thuyết feuilleton cho vài nhật báo và là một trong những cây bút chủ lực của tủ sách Tuổi Hoa... Chị làm thơ và nổi tiếng rất sớm với thi phẩm Khói Lửa 20, trong đó có bài Lính Mà Em, một trong những bài thơ tiêu biểu của Thi ca Hiện đại Việt Nam thời kỳ chiến tranh...
Thật tình, không biết gọi chị là nhà báo, nhà văn hay nhà thơ!? Thôi thì gọi chị là NỮ SĨ, đúng với tính cách và lối sống của chị hơn là gọi theo những loại hình nghiệp chữ cho dù ở loại hình nào chị cũng "dệt tơ dầu dãi thân tằm"!
Viết nhiều, viết đa dạng thể loại và đề tài nhưng chị không có thói quen... lưu giữ những tác phẩm của mình! Ô hô hai tai... Thậm chí có những bút danh chị đã sử dụng mà giờ chị cũng không nhớ. Đó là khó khăn lớn nhất khi Văn Tuyển Sài Gòn truy tầm, sưu tập lại những gì chị đã viết!
Công việc "đơn giản" chị giao biết chắc là sẽ rất mất thời gian và kỳ công, nhưng cần thiết phải làm và phải làm thật kỹ. Được chị tin tưởng đã là vinh hạnh, tôi ý thức việc này là trọng trách, nếu làm được dù chỉ tương đối thôi, sẽ là vinh hạnh nhân đôi. Khó đấy, nhưng phải làm. Thôi thì cứ lần tới từng chút một...
Sơ bộ, chúng tôi đã chia cái "tổng kho chữ nghĩa" của chị thành 4 "kho":
- Phần 1: Trong Tủ Sách Tuổi Hoa
- Phần 2: Thơ
- Phần 3: Truyện ngắn, tản văn và ghi chép
- Phần 4: Tiểu thuyết
Trời ạ, khi note lại những đề mục cho từng "kho", đã thấy "choáng" về số lượng tác phẩm của mỗi "kho", bảng liệt kê tác phẩm cần truy tầm của "kho" nào cũng "vạm vỡ" quá chừng!
Công việc khởi đi từ "Trong Tủ Sách Tuổi Hoa", bước đầu chúng tôi tìm được chỉ 3 cuốn ký tên Lý Thụy Ý nhưng có đến 7 cuốn ký Thụy Ý. Biết chắc cả 10 cuốn đều là của chị nhưng kỹ một chút, hỏi và được chị xác nhận "Là chị luôn, thỉnh thoảng cũng muốn gọn gọn cái tên mình! Với lại, cái tên Lý Thụy Ý lúc ấy nó đang "nặng nề" trong cõi thơ văn người lớn, chị muốn mình ở Tủ sách Tuổi Hoa phăi luôn nhẹ nhàng, hồn nhiên".
Cặn kẽ truy tập từ mọi nguồn, đinh ninh là chị đã viết cho Tủ sách Tuổi Hoa 10 cuốn, cơ bản là xong phần "nhẹ nhất" trong bốn phần "gia sản" của chị. Thế nhưng một hôm, NNT - người chịu trách nhiệm chính trong việc truy tập bản thảo lần này - nói với tôi: " Trong Tủ sách Tuổi Hoa có mấy cuốn ký tên là Ý Yên, văn phong y như của chị ấy, anh hỏi xem có phải của chỉ không?". Hỏi và được đáp: "Đúng rồi, một bút danh khác của chị đó!", hic, chị ơi là chị! Vậy là có thêm 4 cuốn "châu về hợp phố". Thở phào!
Khoảng 2 tháng sau sau khi sơ kết phần 1, khi bộ phận thiết kế đã dàn trang xong 14 cuốn đã tìm được, cũng NNT nói với tôi: " Trong cuốn Mưa Hạ, chị Ý có đặt tên cho một nhân vật của mình là Nguyễn Thị Duy An. Trong các tác giả viết cho Tuổi Hoa, có 2 cuốn ký tên này, em nghĩ cũng là của chị ấy". Lại hỏi và... lại đúng! Tương tự như vậy, qua cuốn Bức Tranh Màu Xám, chúng tôi tìm được một cuốn ký tên Du Uyên. Từ tên nhân vật của cuốn này trở thành tên tác giả của một cuốn khác, chị đã yêu nhân vật của mình như máu thịt.
Vậy là tìm được tổng cộng 17 cuốn chị đã in trong Tủ sách Tuổi Hoa, một con số quá ấn tượng. Khi dàn trang, chúng tôi buộc phải chia phần này thành hai tập (Tập 1A và tập 1B) vì đến hơn 1.400 trang sách khổ lớn 16 x 24 cm.
Ngoài 17 cuốn tìm được, NNT còn báo cho tôi một thông tin: Chị Ý còn một cuốn được Tuổi Hoa quảng cáo là sắp phát hành nhưng mãi mãi là "sắp" vì biến cố 30/4/1975. Đó là cuốn Xin Hãy Quên Nhau (Tủ sách Hoa Tím). Và chị, cách gì chị có thể có lại được bản thảo cuốn này?! Đành chịu thôi!
Cũng lạ, chị viết cho Tủ sách Tuổi Hoa đến 18 cuốn trong vòng hơn 3 năm (1972 - 1975) nhưng lại không viết cho báo Tuổi Hoa một bài nào, dù nhỏ. Có lẽ công việc Thư ký Tòa soạn và viết tiểu thuyết feuilleton đã ngốn hết thời gian của chị.
Dù sao, với 18 cuốn cho Tuổi Hoa, cũng đã quá đủ để biểu đạt tình yêu thương và kỳ vọng của chị dành cho thế hệ trẻ.
Sơ kết danh mục tác phẩm của chị trong Tủ sách Tuổi Hoa:
* LÝ ThỤY Ý
1. Mưa cuối mùa
2. Hoa cườm thảo
3. Chắp cánh
4. Xin hãy quên nhau (chưa in)
* THỤY Ý
5. Chiếc bẫy kỳ nhông
6, Về với mẹ
7. Trăng 30
8. Phượng
9. Mái tóc
10. Mưa hạ
11. Chị em khác mẹ
* Ý YÊN
12. Người điên không biết nhớ
13. Ngoài song mưa bay
14. Bức tranh màu xám
15. Bên hàng giậu
* NGUYỄN THỊ DUY AN
16. Xanh như mây trời
17. Như bóng mây qua
* DU UYÊN
18. Hoa đỗ quyên
Phần 1 làm xong cũng đã gần 1 năm nhưng nay chúng tôi mới dám giới thiệu với bạn đọc Văn Tuyển Sài Gòn, chỉ vì "lo và mong" sẽ phát hiện được thêm những "Đúng rồi, là của chị...".
Chúng tôi đang làm phần 2 của công việc: THƠ LÝ THỤY Ý. Và bạn ạ, phần này khó gấp trăm lần phần 1 vì chị không lưu giữ những gì mình đã viết, đã vậy đa số các nơi in thơ chị đều là "dị bản" vì tam sao thất bổn! Hy vọng sớm được giới thiệu đến độc giả phần quan trọng nhất trong sự nghiệp văn chương của chị: THƠ LÝ THỤY Ý.
(Trích LÝ THỤY Ý - NỮ SĨ CỦA TRIỀN THƠ KÝ ỨC)
@ Được sự cho phép của tác giả, bạn nào cần tìm đọc "LÝ THỤY Ý - TRONG TỦ SÁCH TUỔI HOA" hãy gởi yêu cầu, Văn Tuyển Sài Gòn sẽ chuyển tác phẩm này (định dạng PDF) qua mail cho bạn! Trân trọng.
No comments:
Post a Comment