Saturday, January 21, 2023

TẾT MẬU THÂN (1968) TẠI BẮC BÌNH THUẬN – Cao Hoài Sơn

TẾT MẬU THÂN (1968) TẠI BẮC BÌNH THUẬN
Xuân An – Cao Hoài Sơn
Son H Cao

Xuân này nhớ xuân xưa, dân Nam ta, hậu duệ VNCH phải nhìn thấy cái tàn bạo của quân xâm lược +phỉ .
Tôi chợt nhớ về mùa Xuân Mậu Thân năm đó khi tôi đang còn học tại Phan Thiết, được vài ngày nghỉ nên về quê Chợ Lầu ăn tết. 

 --------------------------

Đây là thời gian vui vẻ và hạnh phúc nhất trong năm của mọi người, dù lúc bấy giờ miền Nam đang trong thời kỳ chiến tranh khốc liệt nhất, do Cộng Sản Bắc Việt mang súng đạn từ Nga Tàu về tàn phá quê hương. Trong đêm Giao thừa tiếng pháo vang rền đón xuân, xác pháo nhuộm đỏ con đường làng dẫn ra phố chợ quê tôi dọc theo QL1. Lợi dụng giây phút thiêng liêng đó giặc cộng mò về chiếm cứ những vị trí trọng yếu trong xã Chợ Lầu. Trong khi những chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa vì tin tưởng vào hiệu lực của ba ngày hưu chiến mà bọn Việt Cộng đại diện là Bắc Bộ Phủ đã ký cam kết, nên việc phòng thủ có phần lơ là, không ngờ chúng vô liêm sỉ đến mức cam kết mà chúng ký chưa ráo mực đã trở mặt. Chính tên cáo già Hồ Chí Minh đọc trên đài phát thanh Hà Nội bài thơ có câu: “Tiến lên toàn thắng ắt về ta” để phát động cuộc tấn công trơ trẽn đáng khinh bỉ này.

Xã Chợ Lầu thuộc quận Hòa Đa, nằm về hướng Đông Bắc Bình Thuận. Quanh quận có nhiều mật khu Việt cộng như Lê Hồng Phong, Cà Lon, Đá Giá, Lệ Nghi, Bá Ghe... Lực lượng VC trong vùng ở đây gồm Du kích và Chủ lực như C440A, C440B (Hòa Đa), C470 (Phan Lý Chàm), C130 pháo, Tiểu Đoàn 840 Địa Phương.

Trong tiếng pháo giao thừa năm ấy có hòa lẫn tiếng súng của quân xâm lăng mà không ai ngờ đến. Làng tôi tối hôm đó ngủ yên trong giấc ngủ xuân êm đềm cho đến gần sáng thì choàng tỉnh giấc vì những tiếng nổ kinh hoàng làm lay động đất trời từ hướng Sông Mao vang lại. Tôi mở cửa sổ sau nhà nhìn về hướng quận Hải Ninh thấy lửa cháy sáng rực cả một góc trời, đạn nổ ầm ầm, văng lên bầu trời những tia lửa dài sang như chớp giăng, tôi hiểu ngay kho đạn tại Sông Mao đã bị đặc công VC đốt cháy. Tiếng súng nổ râm rang vang động của những khẩu đại liên trên các xe Tăng của Thiết đoàn kỵ binh Mỹ đóng tại đây đáp trả, tiếng súng nổ thật kinh hồn, phối hợp với tiếng nổ của kho đạn tạo thành một âm thanh hỗn độn. Đêm giao thừa năm đó thật khó mà quên được, tiếng súng của giặc thay tiếng pháo trên quê hương tôi, máu đỏ của dân lành vô tội chảy dài thay xác pháo, không còn bi thiết nào hơn. Chỉ vì muốn làm tên xung kích cho quốc tế cộng sản mà Bác và Đảng đã không còn chút liêm sỉ nào, xé bỏ lệnh ngưng bắn, nổ súng trong giờ phút thiêng liêng nhất, giờ phút mà đất trời giao hòa, đem niềm hoan lạc đến cho loài người và vạn vật. 

Điều tệ hại nhất lệnh tổng tấn công miền Nam lại xuất phát từ “Cha già dân tộc” qua Đài phát thanh Hà Nội.
Tiếng súng của trận chiến giữa đặc công VC và thiết giáp Mỹ tai Sông Mao chừng nửa tiếng thì im bặt, chỉ còn tiếng nổ ì ầm của kho đạn nhưng không còn dữ dội như trước. Bình minh đã đến, ánh mặt trời sáng rực chân trời đông, con đường làng bằng đất trước nhà vắng vẻ một cách đáng sợ, nếu không có những tiếng súng khi đêm thì giờ này đường quê lại rộn ràng tiếng pháo chuột nổ đì đùng của những đứa trẻ thơ. Chúng hồn nhiên xúng xính trong bộ quần áo mới lên chợ để mua quà ăn cùng đánh Bầu cua, Tài xỉu. Tiếng trống thùng thùng của đội Lân múa rộn ràng trên đường phố, thay vào đó một sự yên lặng đến ngẹt thở.

Tất cả mọi nhà đều đóng chặt cửa, tôi nhẹ gót lần đến bên khe cửa nhìn ra ngoài đường thấy các anh lính Nghĩa quân Chợ Lầu đang dựa theo bìa rào hai bên dãy nhà cẩn thận tiến bước về hướng Trụ sở ấp Xuân An. Khi Trung đội Nghĩa Quân đến trước Trụ sở ấp, ngang với ngã tư đường ra bến xe trên QL1 thì hàng loạt đạn AK từ gốc me ngang cua xóm Bún bắn xối xả vào đội hình của các anh Nghĩa quân, một viên đạn cắm ngay vào cánh cửa sổ cách mặt tôi vài tấc làm tôi hoảng hốt ngồi thụp xuống, đến khi tìm cách dòm lại các anh Nghĩa quân thì thấy có hai anh bị trúng đạn ngã nằm trên đường máu me đầy mình.

Tiếng súng giao tranh giữa anh em Nghĩa Quân và đám VC vang lên từng chập, chừng mười phút sau, những chị đàn bà trong xóm Me không kể gì nguy hiểm đang khiêng võng chạy nhanh đến bên hai thương binh bỏ họ lên võng khiêng chạy lui về hướng Chi khu Phan Lý Chàm để trực thăng tải thương. Trận đánh càng lúc càng khốc liệt, ngoài Quốc lộ 1, Đại đội 118 ĐPQ đang dàn đội hình tiến chiếm lại khu chợ và đánh thốc vào xóm Bún tiếp viện cho Trung đội Nghĩa Quân Chợ Lầu vừa bị phục kích bị thương hai chiến sĩ.
Pháo binh bắt đầu nã vào vòng đai xóm yểm trợ cho đoàn quân ĐPQ đang tiến chiếm lại từng nhà, lùa Cộng quân lùi dần về miếu Xuân An và Xuân Hội, kế tiếp là trực thăng võ trang đến tham chiến phóng những trái hỏa tiễn xuống trận địa. Ngày mồng một Tết trở thành ngày máu lửa và nước mắt, vì cái gì đây? Miền Nam đang thanh bình, dân Nam đang phú cường đâu cần cái thứ giải phóng này, thì lại bị tai họa này, tất cả đều do bạo quyền Cộng sản gây ra.

Lúc này cả xóm đang bồng bế nhau đào thoát khỏi vòng lửa đạn, ai biết đâu trận chiến kết quả ra sao, chạy thoát khỏi nơi đây tìm chỗ an toàn là biện pháp tốt nhất. Cả nhà tôi chạy qua Hòa Thuận lánh nạn, chỉ còn ông bà ngoại ở lại giữ nhà vì còn phải chăm sóc đàn heo nái mấy chục con với bầy heo con. Khi qua đến Hòa Thuận thì đã 10 giờ trưa, lúc này trận đánh tại Sông Mao đã có kết quả, bên ta không có ai bị thương kể cả quân bạn Thiết đoàn M48 & M41 của Mỹ, Trung đội bảo vệ kho đạn rút lui an toàn khi kho đạn phát nổ vì đặc công VC. Xác địch nằm la liệt vì đạn và bị nghiến nát bởi chiến xa, gây cho địch ôm mối hận ngàn đời, lại thêm những xác người sinh Bắc tử Nam. Thế mà ngày hôm sau trên Đài phát thanh của cái gọi là “Mặt trận Giải Phóng Miền Nam” huênh hoang ca ngợi là đã diệt gọn một Thiết đoàn xe chiến xa Mỹ tại Sông Mao, không còn gì trơ trẽn bằng.

Tôi thấy ở Hòa Thuận không an toàn khi về đêm, vì tôi cũng đã lớn có thể bị VC bắt đi dân công, tải đạn cho chúng một khi chúng lọt vô Hòa Thuận nên dùng xe đạp đi về Phan Rí Cửa cho an toàn thì thấy một vùng khói lửa cháy rợp trời đang thiêu rụi hai thôn Phú Ninh & Phú Hải, hai làng nằm bên kia Sông Lũy sát cửa biển. Khi tôi đến Phan Rí Cửa thì tiếng súng bên kia sông vang rền, trực thăng võ trang VNCH đang bắn yểm trợ các cánh quân đánh bật cộng quân ra thôn xóm. Khói lửa cuồn cuộn bốc lên bên bờ bên kia, những cặp mắt thất thần đứng bên này bờ đê dõi theo hướng nhà mình đang ngập tràn trong biển lửa. Đau thương tột cùng, ngày Xuân không còn manh áo miếng ăn, chỉ còn hai bàn tay trắng, ôi đau xót quá, từng giọt lệ chảy dài trên gương mặt của mẹ già.
Sau này xem lại các tài liệu do Cộng Sản Bình Thuận đăng trên các tạp chi lá cải tại Phan Thiết để ca tụng cho cái gọi là chiến thắng Mậu Thân 1968 . Chúng ta thấy một giọng cường điệu láo khoét một cách lố bịch, mặc dù chiến tranh đã qua đi hầu che giấu thảm bại và tội lỗi của chúng đối với dân Bình Thuận . Coi mọi người đều ngu xuẩn dễ bị lừa như chúng, với 3 lần tấn công vào Phan Thiết, chúng bị Địa Phương Quân Bình Thuận, và một tiểu đoàn của Trung Đoàn 44/SĐ23 đánh cho tan tác không còn manh giáp . Không có một xe tăng nào của Mỹ bị bắn cháy như lời tuyên truyền láo khoét sau đây :
“Bộ Chỉ huy tiền phương do đồng chí Năm Ngà (Nguyễn Minh Châu) Chỉ huy trưởng, đồng chí Lê Văn Hiền - Bí thư Tỉnh ủy - Chính ủy mời họp hỏa tốc BCH Mặt trận Phan Thiết, phổ biến lệnh tổng tấn công và nổi dậy toàn miền Nam và quyết định của Quân khu ủy 6: Bình Thuận tập trung tấn công vào Phan Thiết với lực lượng 3 cánh quân đã được bố trí và bộ máy quản lý quân quản Phan Thiết
- Cánh 1 do lực lượng Quân khu 6: D840 và C3/481 do Phan Văn Hược Chỉ huy trưởng và Phạm Kha chính ủy, Hoàng Minh - Phó Bí thư Thị ủy, Phó chính ủy. Có lực lượng C485 và C486 tham gia
- Cánh 2 do D482 (tỉnh) và C2/481 do Phạm Hoài Chương, chỉ huy trưởng và Nguyễn Văn Bốn - Bí thư Thị ủy làm Chính ủy, có C430 tham gia
- Cánh 3 gồm C480, C481 do Nguyễn Anh Dũng - Chỉ huy trưởng, Nguyễn Hội - Chỉ huy phó, đồng chí Nguyễn Như - Phó Bí thư Thị ủy - Chính ủy. Có C2/430 tham gia.

Ngày và giờ tổng tấn công và nổi dậy toàn miền thống nhất, nhưng do lịch 1968 ở Hà Nội và Sài Gòn chênh lệch 1 ngày nên các tỉnh phía Nam từ Khu 6 trở vào Nam bộ phải ra quân sau 24 tiếng đồng hồ .

Chấp hành đúng mệnh lệnh cấp trên, lực lượng cánh 2 tiếp cận vào vùng Phú Bình - Xuân Phong thì đã nghe radio báo tin ở Huế, Đà Nẵng, Pleiku, Quy Nhơn…đã nổ súng tấn công và chiếm giữ. Gần 12 giờ đêm 31/1/1968 giao thừa ở miền Nam, các mũi đã tiếp cận các mục tiêu đồn Trinh Tường, tôi đang trực tại Chỉ huy sở mở đài Hà Nội nghe thơ chúc Tết của Hồ Chí Minh:”

“Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua
Thắng trận tin vui khắp nước nhà
Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ
Tiến lên toàn thắng ắt về ta” .

Chúng không đánh mà khai, chính tên đao phủ thủ HCM này đã ra lệnh tàn sát đồng bào miền Nam bằng 4 câu thơ đẫm máu, được lưu lại ngàn đời cho con dân Việt hiểu rõ về bản chất của “cha già dân tộc” một tên tay sai của Đệ Tam Quốc Tế CS, Thiếu tá tình báo Hồ Quang của Quân Đội CS Trung Hoa do Mao sáng lập, ra lệnh giết đồng bào mình trong giờ phút thiêng liêng nhất . Hãy nghe bọn vô lại nói dóc làm như dân Bình Thuận không còn ai sống sót để làm nhân chứng cho sự thảm bại không ngóc đầu lên nổi của các lực lượng VC Bình Thuận cho đến ngày tàn cuộc chiến . Chúng ta hãy nghe chúng nói dóc tiếp :
“Đến ngày 19/2 chiến đoàn 3/506 của Mỹ dùng xe tăng pháo 6 nòng từ Căng Esépic tiến vào để giải tỏa vòng vây của quân ta. Lực lượng cánh quân của ta đánh trả quyết liệt, gây thiệt hại nặng, buộc quân Mỹ phải lui, tháo chạy! Trận quyết chiến này đã ghi lại tấm gương dũng cảm chiến đấu như đồng chí Võ Hữu bám trụ trên đường Hải Thượng Lãn Ông diệt 2 xe tăng Mỹ, đồng chí Từ Văn Tư đánh vào biệt khu Bình Lâm áp sát diệt 2 xe tăng và 6 tên Mỹ, đồng chí bị thương 2 chân vẫn tiếp tục chỉ huy chiến đấu, động viên nhau: “Nếu chết hãy quay đầu về hướng giặc mà chết”, tổ đồng chí Phương Đông đã bám 2 xe bọc thép Mỹ đánh cháy tại nhà thờ Tin Lành. Đồng chí Tra chiến sĩ thông tin Sở chỉ huy cánh 2, 1 mình đã đẩy lui 1 toán địch diệt ngót 20 tên tại bờ sông Cà Ty” .
“Hình xác VC chết như rạ tại bờ sông Cà Ty Phan Thiết trong trận Mậu Thân 1968”

Thật sự giống như Sông Mao, quân Mỹ không phản kích trong trận tấn công đầu tiên đêm giao thừa trừ khi bị CS đánh trực tiếp nên không có xe tăng nào bị cháy, và trong đợt tấn công lần hai vào Phan Thiết, vài lính Mỹ đã bị thương vì những quả đạn pháo của VC trong khi đóng quân tại vườn hoa . Hãy nghe tiếp :
“Qua 45 ngày đêm tấn công, nổi dậy tại Phan Thiết, quân ta đã đánh 144 trận lớn nhỏ, diệt trên 4.885 tên địch, trong đó có 886 tên Mỹ, bắt sống 108 tên và 860 lính địch bỏ ngũ, diệt 2 tiểu đoàn ngụy, 19 đại đội (có 6 đại đội Mỹ), 32 trung đội… Ta thu 729 súng các loại, bắn rơi và cháy 34 máy bay, phá hủy 28 xe quân sự (19 xe tăng), đánh diệt 2 chi đoàn xe bọc thép (tư liệu lịch sử Phan Thiết)” .

Trong khi đó toàn bộ Phan Thiết lúc đó chưa đến 1000 quân thì lấy đâu ra chết 4.885 lính thật khôi hài và máy bay chứ phải diều giấy hay sao mà rớt tới 34 chiếc, đúng là miệng lưỡi của bọn Vẹm không biết xấu hổ ……

Ngoài trời mưa vẫn bay, đưa tôi quay về với dĩ vãng, hơn bốn mươi năm rồi mà lòng còn vương vấn, qua mùa xuân đẵm máu đó tôi lên đường nhập ngũ, và quay về phục vụ tại Bình Thuận, cùng các chiến sỹ VNCH chiến đấu chống kẻ thù chung cho đến ngày tàn cuộc chiến, giờ đây bên bến bờ tự do, thoát khỏi gông cùm Cộng Sản, nhớ lại mùa xuân đen tối đó tôi vẫn còn thấy bàng hoàng . Tôi ước mong mùa xuân thật sự đến với quê tôi, ngày nào trên quê hương tôi còn sự thống trị của Cộng Sản, ngày ấy vẫn chưa có mùa xuân thật sự .
Xuân An – Cao Hoài Sơn

No comments: