Nguyễn Ngọc Ẩn
Kính dâng hương hồn người chiến sĩ vô danhTrời trên đầu vẫn nắng chang chang. Dưới chân là sỏi đá khô cằn. Đất ở đây như không đủ sức mời mọc cho cây đâm rễ nên quang cảnh mang một vẻ trơ trụi, hoang sơ thế nào.
Đoàn tù vẫn lầm lũi bước. Cách từng quãng một là cán binh CS miền Bắc, vai mang khẩu AK-47, đầu đội mũ tai bèo, chân dép râu cũng tiếp nối từng bước như đoàn tù nhưng chắc chắn là mang trong họ một trạng thái tinh thần hoàn toàn khác. Họ là những kẻ chiến thắng, đang giải đoàn tù binh, sản phẩm của chiến bại, về Bắc. Trước là họ có dịp phô trương cái “anh hùng” của họ ở trong B, sau là biết đâu họ có thể có dịp tạt qua thăm nhà một lần sau bao nhiêu năm gia nhập bộ đội để đi “giải phóng miền Nam ruột thịt, đang oằn oại dưới ách thống trị bạo tàn của Mỹ Thiệu” và quan trọng và chắc chắn hơn hết là họ được tránh xa vùng lửa đạn có thể làm họ “đi gặp HCM” bất cứ lúc nào...
Trước đó không lâu mà tưởng chừng như ở vào thế kỷ khác, quân CS đã bất ngờ vượt vùng phi quân sự để tràn xuống tấn công miền Nam. Trở tay không kịp, các căn cứ hoả lực ở vùng phía Nam Phi Quân Sự bị đánh tan vỡ, quân đội VNCH đã lập tức gởi ngay quân ở trong miền Nam ra cứu viện và các đơn vị Biệt động quân gồm 3 Liên Đoàn Tổng Trừ Bị được đưa ra và trong đó, Liên Đoàn 5 BĐQ là đơn vị ra tới đầu tiên mà trong đó có tôi với tư cách Y sĩ điều trị của Liên Đoàn.
Tôi là một bác sĩ, tính tới hôm ra tới Quảng Trị là ngày 5/4/72 thì tôi mới ra trường chưa được 5 tháng, do đó tôi còn ở dưới quyền một đàn anh là Y Sĩ Trưởng của đơn vị, hiện anh đang trở về làm việc ở hậu cứ khi có tôi ra thay ở mặt trận (hai anh em chúng tôi thay phiên nhau đi hành quân mỗi người nửa tháng).
Tuy tôi không được dự các cuộc họp hành quân nhưng theo tin tức tôi thu nhặt được từ các sĩ quan trẻ trong BCH Liên Đoàn thì tôi biết, Chuẩn Tướng Vũ Văn Giai, Tư Lệnh SĐ3BB là sĩ quan cao cấp nhất được trên chỉ định làm Tư Lệnh mặt trận và ông đã điều quân như sau: LĐ5 chịu tuyến cực Bắc của mặt trận là thị trấn Đông Hà chạy dài về phía Nam ở hướng Tây của quốc lộ 1. Kế tiếp là LĐ4 BĐQ rồi tới LĐ7 BĐQ tiếp tục phòng thủ và chiến đấu để giữ gìn phía Tây QL 1. Còn về hướng Đông là phía biển thì mặt trận chắc chắn sẽ nhẹ hơn sẽ do SĐ 3 BB, sau trận đánh mấy ngày trước đã mỏi mòn trấn giữ.
Nhưng tới trận phục kích chót của quân CS vào BCH/LĐ trong đêm 30/4/72, trên đường rút quân của đơn vị tôi sau khi thành phố Quảng Trị đã thất thủ thì đơn vị tôi chính thức cũng đã bị xoá tên trong trận chiến. Hỏi làm sao không xóa tên tại chỗ được khi một Liên đoàn BĐQ như đơn vị tôi mà có những 18 sĩ quan bị bắt làm tù binh trong đó phải kể đến: Tiểu Đoàn Trưởng và TĐ phó TĐ 38 BĐQ, sĩ quan trưởng ban 3 LĐ, sĩ quan trưởng ban Truyền Tin LĐ, bác sĩ (tôi), Đại Đội Trưởng Trinh Sát của LĐ và bao nhiêu sĩ quan cấp thấp khác ở các ban ngành của cả BCH LĐ cũng như của TĐ 38 là TĐ đi bọc hậu cho LĐ trên đường rút quân. Dĩ nhiên tôi được biết sau nầy là sau khi tập trung lại ở Huế, LĐ được đưa về để “làm máy lại,” tái tạo. bổ sung các cấp từ sĩ quan đến binh sĩ và tung vào hành quân 2 tháng sau đó. Còn chúng tôi, 18 sĩ quan xấu số, trên con đường định mệnh không biết sẽ đi về đâu, đang bị xỏ xâu vào nhau và lầm lũi bước đi về hướng Bắc.
Tôi viết hồi nãy là LĐ tôi có 18 sĩ quan bị bắt là do về tới chỗ tạm giam gặp nhau chớ còn lúc giải đi trên đường thì làm sao tôi biết được? Cá nhân tôi thì trừ một số ít sĩ quan trong đơn vị là tôi biết mặt, hầu như tất cả anh em tù binh ở Quảng trị tôi mới gặp đều như gặp lần đầu, tôi mới biết mặt họ mà họ cũng mới biết mặt tôi. “À, anh là bác sĩ mới về đó hả? Tui có nghe mà chưa gặp, không dè mình gặp trong hoàn cảnh nầy, thiệt xui!!”
Nãy giờ tôi mãi nói về đơn vị tôi, thực sự ra, đoàn tù binh bị giải đi về hướng bắc nầy hàng mấy trăm người là ít gồm sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ của mọi binh chủng có mặt trong trận Quảng Trị hồi tháng 4/72: TQLC, BĐQ, Thiết Giáp, Bộ Binh, Địa Phương Quân, Nghĩa Quân và cả dân sự là mấy anh ở các ngành gọi là “ác ôn” dưới con mắt của CS như Chiêu Hồi, Xây Dựng Nông Thôn ...
Tôi biết mình đi về hướng Bắc là vì dễ thôi, mặt trời bao giờ cũng mọc và ở suốt ngày bên tay phải tôi, có điều đi tới đâu thì mình không biết được, chỉ biết đôi chân quen mang giày dép, nay phải để trần dẩm lên sỏi đá, mỗi bước chân là hai hàng nước mắt chảy ra. Tôi không khóc đâu, nước mắt chảy là do cái đau đớn buốt lên từ lòng bàn chân bắn thẳng lên óc làm nước mắt tự động chảy thôi chớ phải nói, lòng căm giận đầy ngập trong tim thì dễ gì tôi khóc được?
Cái bụng thì cồn cào, từ hồi bị bắt tới giờ cũng đã 5, 6 ngày rồi còn gì mà tôi chỉ được có mấy nắm cơm vắt nhỏ xíu bằng bàn tay (mỗi bửa ăn là nửa vắt!), còn khát thì còn nói gì! Nắng, nóng, hoạt động (đi bộ ròng rã) mà không hề có nước uống, nhìn chung quanh mình, tôi thấy ai cũng ở vào tình trạng gọi là khát rã họng là đúng chữ nhất!
Đã vậy mà thôi đâu, trong khi hạ sĩ quan hay binh sĩ thì cứ chậm rãi đi thành hàng một, còn chúng tôi, sĩ quan đâu được như vậy. Chúng dùng sợi dây dài cột tay trái người đi trước vào tay trái người đi sau thành từng hàng dài cho tới khi nào sợi dây hết thì chúng dùng sợi dây khác nên không có con số nhất định mỗi xâu là bao nhiêu người mà chỉ do độ dài ngắn của sợi dây...
Tôi thì đi lọt vào áp chót của một sợi dây, vừa bước đi khập khiểng do đau hai lòng bàn chân tột cùng, vừa đau đớn cho số phận của riêng mình kể gì nói cho hết.
Tuy lúc đầu lệnh của bọn cán binh là tù binh phải đi thành hàng một nhưng phải nói, do bị xâu chùm lại với nhau (với không biết có phải do lòng hai bàn chân của các sĩ quan thì “tiểu thơ” hơn anh em hạ sĩ quan và binh sĩ hay không?) mà đám tù sĩ quan đi chậm hơn đám tù đa số kia nhiều nên việc chúng tôi đi hàng xâu bên nầy song song với những anh lính của chúng tôi cách đó vài mét là thường. Có khi tên bộ đội đi gần đó mở miệng quát tháo, có khi chúng cũng mặc kệ mấy thằng tù, đi kiểu nào thì đi, miễn cứ đi là được rồi...
Từ lúc bị bắt đưa về cái nhà lá làm nơi tập trung đám tù binh mới bắt ngoài mặt trận cho tới ngày hôm nay, tôi đã bị đưa đi qua không biết bao nhiêu là cảnh vật thay đổi đủ kiểu. Chỗ gần nơi tôi bị bắt (sau nầy tôi mới biết là quận Hải Lăng) thì có ruộng lúa, lúa cao ngang ngực như lúa sạ ở Đồng Tháp Mười, còn giải đi thì lúc qua xóm Cửa Việt, chúng tôi đi dọc dài theo bờ biển cát êm mịn xinh đẹp với tiếng sóng vỗ rì rào. Nhưng cảnh vật khi họ dẫn chúng tôi từ phía đông QL 1 băng dần về phía núi rừng phía tây thì thay đổi hẳn, những đám rừng lúc trước giờ chỉ là những cây với những cành trơ trụi vì bom đạn làm tôi nhớ tới bài hát "Sương Trắng Miền Quê Ngoại" có 2 câu thơ:
Gio Linh ơi, đất thiêng chừ run rẩy
Tội lũ chim rừng không chỗ đậu vì bom...
Tội lũ chim rừng không chỗ đậu vì bom...
Con đường càng đi về hướng Tây Bắc càng trơ trụi, sỏi đá khô cằn. Chỉ vài ngày đi bộ là tôi đã thấy thấm mùi đời lắm rồi nhưng ở trong tư thế không biết làm sao nên tôi cứ nhắm mắt mà bước theo những bước chân của những người bạn xấu số đồng cảnh của mình.
Tới buổi trưa hôm đó thì đoàn tù (hay đúng ra là cái xâu của tôi) đang bước chân qua một dòng nước nhỏ bề ngang chừng 1 mét. Ai cũng cố dừng lại để cúi người xuống hầu ké một ngụm nước và vì chúng tôi bị xâu lại với nhau nên sự bò xuống uống nước không thể làm cùng lúc bao nhiêu người được. Vì thế mới có sự trùng trình ở chỗ lạch nước nầy. Lúc tôi vừa uống nước xong thì có tên bộ đội nhóc đứng gần đó cất tiếng:
- Chúng mầy có biết dòng nước nầy có tên gì không?
Khi không nghe ai trả lời cả (hoặc bận uống nước hoặc không bận cũng chẳng buồn trả lời làm gì) hắn ta nói tiếp, giọng oang oang đầy vẽ tự hào:
- Sông Bến Hải đấy chúng mầy ạ! Hễ chúng mầy bước qua nó là chúng mầy đã chính thức đặt chân lên miền Bắc XHCN của chúng tao rồi đấy!
Trong lúc tôi còn bàng hoàng vì đây chỉ là một lạch nước nhỏ xíu mà người ta có thể bước ngang được dễ dàng mà lại là thượng nguồn của một con sông lịch sử, con sông chia cắt hai miền Nam Bắc của nước mình từ mấy mươi năm qua bổng, hết sức bất ngờ ngoài sự tưởng tượng của tôi hay bất kỳ ai, một anh lính TQLC, chúng tôi biết anh là TQLC do tù binh vẫn còn bộ đồ lính trên người tuy lon lá đều đã bị tháo gở, anh ở trong đám binh sĩ đi gần chúng tôi, nhào lên bóp cổ tên bộ đội nhóc, vừa bóp cổ vừa gặc gặc cho cái siết cổ thêm mạnh trong khi miệng anh bật lên bao nhiêu là tiếng Đức, tiếng Đan Mạch, và đối tượng để anh chửi rủa là HCM, là “cha già kính yêu” của bọn bộ đội. Anh chửi rủa rất to tiếng trong khi nắm tay siết chung quanh cổ tên bộ đội như hai gọng kềm căm thù đã nung nấu từ hồi nào đến giờ, giờ mới có dịp phát huy.
Tên bộ đội cố hết sức dãy dụa, tuy tay còn cầm khẩu AK nhưng mọi thứ đều thành vô dụng trong lúc nầy. Rồi một tên bộ đội khác nhanh chân chạy đến, bắn ngay một phát súng vào chân anh lính TQLC, anh đau đớn nên lỏng vòng tay và tên bộ đội vùng thoát ra được, hắn không ngần ngại đá một phát vào anh lính lúc nầy đã nằm xuống đất...
Sự việc viết lại tưởng như dông dài nhưng thực ra đã diễn ra trong chớp mắt trước sự ngỡ ngàng của đám tù binh chúng tôi. Rồi đám bộ đội đã tụ tập đến chung quanh anh lính miền Nam, một tên có vẻ là cao cấp nhất trong bọn đã nói gì không rõ với lũ thuộc cấp, sau đó hắn quay sang chúng tôi, ra lệnh mở trói xâu cho 2 sĩ quan tù binh ở cuối xâu và... tôi là một trong hai sĩ quan tù binh đó. Hắn ra lệnh cho đám bộ đội kia rồi không biết lấy ở đâu ra mà ngay sau đó vài phút là một tên đã đưa đến cho chúng tôi một cây đòn dài, một tên khác thì đưa chúng tôi một cái võng rồi tên chỉ huy ra lệnh cho hai anh em chúng tôi “cáng” anh lính đi tiếp.
Tôi thì vì phản xạ nghề nghiệp nên khi vừa được “mở xâu” là đã chạy ngay đến anh lính TQLC đang nằm dưới đất để xem xét vết thương của anh nhưng ngay lập tức, một tên bộ đội đã xua tôi đứng dậy để làm nhiệm vụ cáng anh TQLC. Tuy nhiên trong một tích tắc đó, tôi cũng đã thấy được anh lính thần sắc đã tả tơi sau mấy ngày làm tù binh cho bọn chết đói, bộ quân phục sọc ngang cố hữu của binh chủng oai hùng ngày nào giờ cũng xác xơ giống như chủ nó, và viên đạn đi vào đùi anh lính, tôi đã không nhìn kịp coi có lỗ đạn ra hay không cũng như không thử mạch nên không biết có trúng động mạch đùi không và hơn hết, không biết cái chân có còn nhúc nhích được không nữa. Tuy nhiên, tôi cũng đã xé được từ cái áo thun của chính tôi được một miếng vải để cột ngay phía trên vết thương trong khi miệng thì nói với mấy thằng bộ đội:
- Mấy anh muốn cáng anh nầy thì ít ra cũng phải để cho tôi băng bó sơ anh ấy cái chớ......
Một tên bộ đội thì nói:
- Thường ngày chúng mầy là sĩ quan quen nạt nộ lính, hôm nay cho chúng mầy cáng lính của chúng mầy để đền tội......
Trong khi tôi băng bó cho anh lính TQLC thì anh bạn tù sĩ quan của tôi (anh thuộc SĐ3BB, rất tiếc tôi không còn nhớ tên anh) đã nhanh nhẹn cột hai đầu cái võng vào cái đòn dài để hoàn thành cái cáng tức là có sau đó, chúng tôi sẽ gánh anh thương binh nằm trên đó. Nhưng khi chúng tôi mở cái võng ra cho ngay ngắn và sửa soạn để khiêng anh thương binh đặt lên thì anh đã nói:
- Tui cám ơn mấy ông lo cho tui nhưng tui làm là tui chịu, tui hổng có làm phiền tới mấy ông đâu. Mấy ông cứ đi đi, tui hổng để mấy ông khiêng tui đâu......
- Anh nói gì lạ vậy, tôi nói. Anh để chúng tôi khiêng anh đi, ít ra tới chỗ nào đó mình mới có thể có phương tiện chữa cho anh được chớ.
Nói qua nói lại gì thì nói, hai lần chúng tôi đặt anh thương binh lên võng, hai lần anh đều lăn ra khỏi cái võng. Bọn bộ đội quay quần chung quanh nóng ruột, chúng hối thúc chúng tôi liền miệng nhưng - tôi nhớ đời câu nói nầy - anh thương binh nói:
- Mấy thằng VC nầy nói cái gì sinh Bắc tử Nam, tui thì dốt thiệt nhưng quyết sinh Nam tử Nam, tui không phải như mấy ông để tụi nó dẩn ra ngoài Bắc để hành hạ rồi chết ngoài đó đâu. Đây nè, tay tui còn xâm 2 chữ “Sát Cộng”, mấy ông tưởng tui sợ chết mà chịu sống chung với tụi chó đẻ nầy hả?
Tới đó thì bọn bộ đội chịu hết nổi, tên chỉ huy bèn quát:
- Thôi hai thằng nầy về hàng trở lại đi để thằng nầy lại cho chúng tao!
Bọn bộ đội đưa 2 thằng tù sĩ quan trở về xâu trở lại rồi ra lệnh tiếp tục lên đường. Tôi còn cố nhìn lại anh thương binh TQLC đang nằm dưới đất, cổ còn cố ngểnh lên để nhìn theo chúng tôi như tiển, như đưa... Bọn cán binh CS thì bàn soạn xì xào...
Được một khoảng xa vài trăm thước, tôi nghe một tiếng súng nổ ở phía sau. Chỉ một tiếng súng nổ phá tan cái yên tỉnh của buổi trưa hè mà như đã phá nát cái định kiến cố hữu vẫn có trong lòng tôi, anh lính TQLC, tuy vì lý do thiếu văn hoá một chút nên dùng toàn những từ ngữ máy nước để chửi bọn CS nhưng đã đánh thức dậy trong tôi, đã nói vào tri thức tôi rằng, những tự hào tôi đã và đang có là một người ngang tàng không biết sợ, với cái học vấn hơn người thường một chút để tự cho mình là một người trí thức. Hay nhìn xuống những người không được may mắn có cái học vấn của tôi hay các sĩ quan khác, phải đi hạ sĩ quan hay binh sĩ và cho họ là những người không đáng được kính trọng, họ chỉ là để phục vụ cho chúng tôi, các sĩ quan ăn trên ngồi trước, tất cả những suy nghĩ đó đều sai hết.
Chỉ có một kết luận duy nhất, tôi là một thằng hèn, tôi đã vì sự sống của chính tôi, vì gia đình và vì... tiếc của đời, tôi đâu có dám làm như một anh lính thường ở đơn vị TQLC, không chấp nhận sinh Nam tử Bắc, thẳng tay chửi bới già Hồ để ung dung đi vào cõi chết!
Cái chết của anh là một bài học lớn cho tôi mà suổt đời, tôi đã không bao giờ dám quên. Từ đó, tôi đã không bao giờ coi lon lá nhà binh, bằng cấp bỏ trong túi hay tiền tài vật chất có trong cuộc sống là thực sự giá trị con người (có ở hoàn cảnh khốn cùng mới thấy lon lá hay ông lớn chừng nào lại dễ thành thằng hèn, thằng ăng-ten chừng nấy).
Chỉ có Danh Dự, xin dùng chữ hoa ở đây, mới xác định giá trị con người. Xin cám ơn anh, một người tôi đã không được hân hạnh biết tên biết tuổi, đã dạy cho tôi một bài học vô cùng thắm thía mà suốt đời tôi sẽ ghi nhớ trong lòng.
Nước mắt chảy dài trên má tôi, lần nầy không phải vì cái buốt đưa lên từ hai bàn chân đi đất mà là từ trái tim, khối óc chợt nhận ra cái hèn không dám chết của mình.
Tác giả: Nguyễn Ngọc Ẩn
Tác giả: Nguyễn Ngọc Ẩn
------------------------
GIÒNG SÔNG BẾN HẢI VẪN CÒN
KHA TRẦN
Ngày 20-7-1954, đất nước VN đã bị chia đôi theo vĩ tuyến 17 ký giữa Pháp và Việt Minh. Sau biến cố đau thương tháng Tư 1975, dĩ nhiên theo con mắt bình thường xem như giòng sông Bến hải chia đôi bờ Nam-Bắc Việt Nam không còn nữa. ĐCSVN từng vỗ ngực tự hào có công "thống nhất tổ quốc VN " thế nhưng, những sự thực trân tráo và phũ phàng của hiện trạng đau thương đủ mọi mặt của quê mẹ Việt Nam đang quằn quại rên xiết dưới bàn tay cai trị độc tài của cái đảng tham tàn CSVN đã và đang dẫn đưa dãi đất hình chữ S thân yêu của con dân nước Việt tới bờ mất nước! Trong những biến thái đau khổ chung của dân tộc có nhũng hố sâu ngăn cách, "Gìòng Bến Hải" vẫn còn đó, dù vô hình cho đất nước chúng ta khi còn bóng cái đảng bán nước hại dân CSVN mà quốc Tặc Hồ Chí Minh đã đưa đường dẫn lối về tàn hại dân mình:
Quá khứ chập chùng đưa tôi về lại hình ảnh ngày xưa, những ngày còn bé một thuở tạm gọi thanh bình dưới thời Đệ nhất Cộng Hòa của Cố TT Ngô Đình Diệm cứ mỗi năm dịp kỷ niệm 20 tháng 7 đất nước chia đôi, tôi khi đó chỉ là một thằng bé được cả nhà đưa ra quận Trung Lương cùng đồng bào Quảng Trị làm lễ Mit tinh kỷ niệm ngày chia đôi đất nước lần 5, lần 6 gì đó .
Quá khứ chập chùng đưa tôi về lại hình ảnh ngày xưa, những ngày còn bé một thuở tạm gọi thanh bình dưới thời Đệ nhất Cộng Hòa của Cố TT Ngô Đình Diệm cứ mỗi năm dịp kỷ niệm 20 tháng 7 đất nước chia đôi, tôi khi đó chỉ là một thằng bé được cả nhà đưa ra quận Trung Lương cùng đồng bào Quảng Trị làm lễ Mit tinh kỷ niệm ngày chia đôi đất nước lần 5, lần 6 gì đó .
Hồi đó muốn ra tới Cầu Bến Hải xe phải qua đèo Ba Dốc. Đèo này không cao nhưng muốn xuống đèo xe phải lái rất cẩn thận, xuống được 3 cái dốc rất ngặt nên cũng rất nguy hiểm . Hết đèo là xe có thể ‘bon bon’ chạy trên một đoạn đường thẳng trên một đồng bằng hiếm hoi của quận Trung Lương để đến chân cầu Bến Hải, nơi này có trụ sở kiểm soát đình chiến kết hợp cảnh sát Trung Lương làm việc ở đây. Tôi nhớ rõ nhất là hai lá cờ to lớn có thể là ‘vĩ đại’ nhất trong trí nhớ của tôi, dĩ nhiên cờ vàng ba sọc đỏ bên 'miềng’ (tiếng gọi MÌNH của dân Quảng Trị chúng tôi) và cờ đỏ sao vàng bên “tê” (kia). Hai là cờ to lớn theo trí nhớ của tôi thì nó có thể phủ kín một cái nhà một cách dễ dàng. Cái cầu cũng bị chia đôi, mỗi bên mỗi màu và sơn đúng một nửa bên mình thì màu xanh. Nhân viên 2 phía đi lui đi tới trên cầu thỉnh thoảng đi qua mặt nhau cũng đôi lúc cả 2 cùng nói gì đó và cùng ngó xuống mặt nước sông Hiền lương. Bề mặt của chiếc cầu rất hẹp và nó chẳng cần chi cho chuyện xe cộ, mà để trao đổi nhân viên 2 miền qua lại làm việc hàng ngày. Gia đình tôi còn kể rằng mỗi ngày cảnh sát quận Trung Lương cũng qua làm việc bên kia và đổi lại bên kia cũng có một người qua ‘làm việc’ bên mình. Văn phòng làm việc của mỗi bên đều gần sát cầu, kế cột cờ mà là cờ Vàng đang phất phới bay theo gió .
Đến giờ hành lễ, đồng bào tới sát cầu, mặt hướng về bờ sông bên kia, tai thì nghe ban tổ chức đọc diễn văn và cáo trạng Cộng Sản miền Bắc đang đày đọa đồng bào ruột thịt miền Bắc, khi họ cố tâm xây dựng cho được Chủ nghĩa Xã hội áp đặt lý thuyết Cộng sản lên đầu dân chúng miền Bắc. Xen kẽ còn có những bài hát đề cao tự do no ấm của miền Nam như "Khúc hát thanh bình - Chuyến đò vĩ tuyến - Nắng đẹp miền Nam…"
Lúc này phía bên kia đâu có chịu yên, họ đem một đội quân nhạc bận complet trắng, cùng hướng về bờ Nam hợp tấu những bài “hùng ca” gì đó nhưng phía bên mình ồn quá làm sao nghe được, hơn nữa họ chỉ muốn phá đám buổi lễ của đồng bào mình mà thôi.
Bỗng có những tiếng la hét và một đám đông đồng bào hốt hoảng chạy ngược lùi lại phía sau, và những hoảng loạn đó lan truyền rất nhanh làm tôi cũng chạy mất luôn đôi dép "nhựa" (hồi đó ít ai mà có giày). Sau đó mới vỡ lẽ là một "ông cán bộ VC" đang trực trên cầu vô ý vứt tàn thuốc xuống một đám cỏ khô bên cầu, có gió nó bắt lửa lên khói làm đồng bào hoảng sợ tưởng chuyện gì. Những đám đông khác thấy chạy thì cứ chạy nên hoảng loạn mới lan nhanh như thế.
Tội nghiệp mấy chú cảnh sát Trung Lương vất vả giải thích một hồi lâu, thì đồng bào mình mới yên tâm. Hết lễ, bà con chia thành từng tốp nhỏ đi theo men sông để ngắm phía "bên tê".
Trí nhớ của tôi còn ghi lại một giòng sông nhỏ bé, nước lặng lờ trôi . Bên tê sông hình dáng những người dân miền Bắc kham khổ chịu đựng, những cánh áo nâu khom khom người "lùng sục" dưới đáy sông kiếm từng con cá; hay những chiếc thuyền nan bé tí teo, những chiếc nón lá chỉ biết im lặng, câm nín cúi đầu với công việc kiếm ăn. Họ im lìm tuyệt đối không có một cử chỉ tò mò gì khi bên này sông, đồng bào mình đang đi như trẩy hội. Bên kia sông chỉ một khoảng cách ngắn ngủi mà thôi, thế mà đồng bào bờ Bắc như không thấy không nghe, không dám ngẫng đầu nhìn. Một sức mạnh vô hình đang bắt họ phải điếc, phải mù. Ôi! gớm ghiếc thay bạo quyền Cộng sản, một sức mạnh khủng bố mà tôi đã cảm nhận ra ngay, dù lúc đó còn bé xíu.
Men theo bờ Hiền Lương, cứ cách chừng một cây số mỗi bên bờ đều có một trụ phát thanh, mỗi trụ gắn khoảng gần 20 cái loa đều mở hết "volume" hướng về bờ kia để phát thanh cùng ca nhạc tuyên truyền cho chế độ mình. Bên nào cũng mở hết cỡ âm thanh làm huyên náo cả một vùng, khiến tôi quên cả sợ hãi phập phồng. Hình như tôi cũng biết sợ bị Việt Cộng bắt qua phía bên kia thì phải, kiểm soát lại ký ức của tôi ngay từ thuở bé xíu cũng tâm trạng chung đồng bào phía Nam nghe hai chữ Việt Cộng thì sợ lắm.
Qua năm sau, cũng dịp này lần này tôi có dịp đi ra phía Cửa Tùng, cửa sông Hiền Lương. Cửa Tùng dáng vẻ đìu hiu buồn bả vô cùng. Bên “tê” chỉ lác đác vài ba cái thúng của dân đánh cá miền Bắc, không có dân. Còn phía bờ Nam cửa Tùng thì tuyệt đối đồng bào mình không có làm ăn ở đây. Sau này tôi có thể hiểu rằng, bên kia tuy đóng vai dân chài làm ăn vậy nhưng toàn là cán bộ Việt Cộng ngụy trang cả mà thôi.
Rồi chiến sự leo thang, cường độ cuộc chiến càng ngày càng ác liệt. Những năm sau 1960, Trung Lương càng ngày càng hoang vắng, Cộng sản miền Bắc xé hiệp định Geneve tăng quân ngang nhiên xâm lăng miền Nam. Trung Lương và Ủy Ban Kiểm Soát Đình Chiến bất lực, quận Trung Lương xoá sổ, 1967 toàn bộ dân Gio Linh di tản hết lên Cam Lộ, vào Nam tái định cư. Tuyến MacNamara ra đời. Chiến tranh không tập miền Bắc gia tăng mức độ cường tập đến cái cống trên trục lộ giao thông miền Bắc. Và chuyện đi chơi dự Míting ở cầu Bến Hải đã thực sự nằm trong dĩ vãng.
Cầu Bến Hải phân chia hai miền Nam Bắc đánh dấu một khúc quanh lịch sử dân Việt tưởng chừng như nó đã là một danh từ trong sử Việt. Thế mà khi nhìn lại những gì ĐCSVN đã di họa cho toàn dân Việt sau 47 năm cưỡng chiếm miền Nam “thống nhất” đất nước chỉ là hố phân cách sâu thăm thẳm giữa khối dân bị trị và một đảng cầm quyền. ĐCSVN qua máu xương dân tộc đã nghiễm nhiên cướp lấy bộ máy cầm quyền đáng lý là do dân, vì dân và của dân, trái lại cái đảng cướp này dùng bộ máy này để làm một công cụ đàn áp, khống chế và bóc lột dân lành. Rõ ràng "giòng sông Bến Hải" vẫn còn đó ngăn chia giữa dân và kẻ cầm quyền, nó chỉ lấp được khi tất cả đều trở về lại quyền sở hữu của dân tộc Việt Nam, phục vụ cho ý muốn và quyền lợi toàn dân tộc.
"Giòng sông Bến Hải" vẫn còn, khi trong xã hội Việt Nam hố phân chia sâu vời vợi giữa quần chúng lao động nghèo nàn, rách nát, đầu tắt mặt tối làm không đủ ăn. Cái đói, cái nghèo đến mức phải bán máu, và bán máu trớ trêu trở thành một cái nghề nuôi sống cho chính họ và gia đình. Trái lại giai cấp cầm quyền, quý tộc Đỏ thì tiền bạc thừa mứa, giàu nứt đố đổ vách, ăn chơi sa đọa , trụy lạc đến mức tận cùng của trụy lạc, không còn bút mực nào tả xiết. Những thành phố xa hoa một cái "bung tay" cho ticket thưởng “boa’ cho các em “cave” vũ trường hộp đêm, thì số tiền đó các em nhỏ đánh giày, lượm nylon trong những đống rác thành phố hay những ông già kéo xe, đạp xích lô không bao giờ dám mơ tưởng đến. Đó là chưa kể đến các "ông" thái thương hoàng Cộng Sản Việt Nam, các "ông" cán bộ cấp trung ương thì của chìm của nổi không biết bỏ đâu ( chuyện này hỏi ở Hoa KỲ và Thụy sĩ ).
Làm sao mà hết "giòng sông Bến Hải" chia đôi hai giai cấp nghèo giàu, khi mà những thảm trạng ở miền Nam bộ những em gái tuổi còn dưới 10 mà phải bị bán qua Campuchia làm điếm. Hàng trăm ngàn thiếu nữ nông thôn phải "tự nguyện lấy chồng ngoại" rồi trở thành những "đồ chơi" rẻ tiền và lắm lúc phải bỏ xác quê người cũng vì hoàn cảnh nghèo nàn đều đã xảy ra ở khắp chốn nông thôn nước Việt. Còn còn nữa, những hố sâu “BẾN HẢI’ vẫn hằn sâu trên đất mẹ Việt Nam, khi bạo quyền Cộng Sản vẫn còn. Hãy nhìn những cụ già đói khát bệnh tật khắp mọi miền đất nước, đảng giàu đảng sang thế mà họ đang ngày ngày chờ lòng hảo tâm của "Việt kiều" hải ngoại động lòng về giúp đỡ cho từng ký gạo từng tấm mền. Nội tình trong lòng dân Việt vẫn còn một "giòng Bến Hải" khi những tên "cán bộ" từ Bắc vào Nam đem theo gia đình, họ hàng ngang nhiên cướp đất, cướp nhà của người dân miền Nam, người sắc tộc Tây nguyên làm giàu phục vụ cho đầy túi tham của chúng.
Thế là lòng căm thù miền Bắc càng lúc càng dâng trào chất ngất trong lòng họ, và đã tạo nên lòng ác cảm chung Nam Bắc, đó cũng do chính sách ĂN CƯỚP của đám cầm quyền CSVN là nguyên do to lớn nhất.
Làm sao lấp được một giòng sông khi những tiếng nói đòi hỏi tự do, công lý, dân chủ, nhân quyền hàng ngày bị CSVN dùng bạo lực công an quân đội khống chế, đàn áp, bịt miệng bỏ tù giam giữ ngày đêm trong tù ngục.
Những tập thể trí thức tranh đấu cho người dân thấp cổ bé miệng thì bị lũ côn đồ CSVN trù dập khủng bố ngày đêm, ngăn sông cấm chợ, áp bức trăm bề .
Đối với mấy triệu người dân Việt bỏ xứ ra đi thì "Giòng sông Bến Hải" vẫn mãi mãi còn trong lòng của họ, khi chính sách của CSVN hiện tại vẫn coi "Việt kiều" là con bò sữa vĩ đại, phải "VẮT" cho được khối đô la này, nhưng trong lòng bọn cầm đầu Bắc bộ phủ tại Hà Nội vẫn canh cánh thành kiến là "âm mưu diễn tiến hòa bình" sẵn sàng còng tay bỏ tù những ai về lại Việt Nam không hợp ý chúng.
"Hai bờ Bến Hải" vẫn còn khi đảng CSVN càng ngày càng trân tráo, ngang ngược, dựa vào thế và lực của Tầu và súng đạn chúng đang có trong tay, nên cứ chà đạp dân quyền và nhân quyền toàn thể dân tộc Việt. Ngày nào tập đoàn của ĐCSVN còn tồn tại, thì đất nước Việt Nam vẫn còn điêu linh, thống khổ.
Hoa Dân Chủ Tự Do cho dân Việt chỉ nở khi cái Đảng bán nước CSVN bị triệt tiêu và chỉ ngày đó, "giòng sông BẾN HẢI" mới thực sự được khỏa lấp để cùng hòa ca khúc nhạc tình thương của ba miền đất Việt.
No comments:
Post a Comment