Sở dĩ tôi lấy tựa đề nghe có vẽ to tát này, để đăng cho bài viết chia thành nhiều phân đoạn cuộc đời bay bỗng của mình, là muốn làm vui lòng sự đề nghị của một hậu duệ group QĐVNCH mà tôi rất lấy làm hãnh diện quý mến ngưỡng mộ . admin Đặng Minh Tâm.
Thật ra đây chỉ là những thoáng hồi ức góp nhặt và viết lại về những vui buồn đời thường, của một cựu phi công F5 trong quá khứ . Tui tình nguyện vào quân chủng KQ ngay sau Tết Mậu Thân khi nhìn thấy cảnh tàn phá xứ Huế thân yêu, và chỉ thật sự góp phần vào cuộc chiến sau khi du học ở Hoa Kỳ về kể từ mùa hè đỏ lửa tháng tư năm 1972, cho đến khi miền Nam bị rơi vào tay cọng sản miền Bắc một cách tức tưởi đau đớn của bối cảnh lịch sử nghiệt ngã!…
Phần 1- Tuổi thơ và mộng ước!…
Tôi lái chiến đấu cơ A37 rồi F5 chuyện thật mà tưởng như đùa!
Ngày còn là thẳng bé sống trên chót vót xóm Thượng Thành cống Lương Y của xứ Huế . Tui và thằng Út con ông Khai thổi kèn cho ban nhạc trong đại nội, hai đứa tuổi suýt soát nhau, nhưng trong khi Tui đã biết mắc cở với con gái , rứa mà hắn còn ở truồng tồng ngồng, đi học về vừa vô tới nhà là cởi quần dù đã học tới lớp ba , lúc nớ tui khoảng 11, Cặp giò hắn đen thui thủi , miệng luôn bi bô bóp còi đến phun cả nước miếng, hắn lim dim mắt tưởng tượng đang lái xe chạy khắp xóm , tui chưa lần mô thấy thằng Út đi bước một. Nhà hắn có thềm xi măng , cửa gỗ vách ván . Hắn mê xe đến độ lấy phấn vẽ khắp nơi. trên cao thì bắt ghế không chừa chỗ nào . Niềm đam mê lái xe của thằng Út không cản được, ba mạ hắn lại quá thương nuông chiều nên thả luống và do rứa mà căn nhà đã trở thành bức tranh khổng lồ có cả hằng ngàn chiếc xe to nhỏ khác nhau đủ loại , xe hàng xe nhà binh v.v…
Tui thì mê bay cao, mỗi ngày xé vở tập, lấy giấy xếp không biết bao nhiêu chiếc phi cơ đủ loại , tìm bãi trống thẩy lên trời rồi mê mẫn nhìn nó liệng , mỗi lần chị sai xuống đường mua mỡ, nước mắm , một tay tui cầm chén , tay kia cầm máy bay vừa đi vừa tưởng tượng ! Thỉnh thoảng có chiếc L19 máy bay đầm già hay trực thăng, thích nhất là “ ca ra bu “ loại to bự bay ngang khu xóm, tiếng máy bay nổ kêu lạch bạch có nghĩa là chuẩn bị về đáp sân bay Tây Lộc. Tôi nhìn theo chạy bộ trối chết cho kịp để ngồi bên ni bờ con lạch cống Vĩnh Lợi, coi cho được ông người ngồi trên máy bay.
Thế rồi trận giặc Tết Mậu Thân, súng đạn nổ rền khắp nơi, phá tan nát khu xóm Thượng Thành, năm đó tui thi đậu Tú tài cũng vừa đúng 18 tuổi là tỉnh nguyện vào Không Quân mặc cho ba mạ tìm mọi cách ngăn cản , cuối cùng tui đã thoả được ước nguyện, còn gia đình thằng Út chuyển nơi ở về tận dưới làng Mậu Tài , không còn liên lạc .
Mùa hè đỏ lửa 1972, tái chiếm cổ thành Quãng Trị , đúng lúc tôi ra trường được Bồ sung về phi đoàn Phi Hồ 516 đóng ở Đà Nẵng, một đôi lần nghịch ngợm tui mang cả chiếc A 37, mà mình tự đặt tên là con dơi khổng lồ đâm xuống nóc nhà hù doạ bạn gái nhỏ Ngọc Như ( bà xã hiện tại) trong xóm , tui nhìn thấy cả bộ đồ lụa hồng của cô bé đứng bên gốc cây đào, và sau này còn cao hứng rủ bạn ( F5) bay sóng đôi men theo bờ hữu ngạn sông Hương, thăm trường xưa Quốc Học, ngắm những tà áo trắng Đồng Khánh !…
Trong lúc không biết thằng Út ở truồng bạn của tui có còn mơ và có được ngồi sau “ vô lăng”, dù là lái xe hàng, xe chở khách để thoả mộng ước một thời tuổi thơ!…
Trên đây là khái quát phần mở đẩu và đoạn kết những thằng bạn nhỏ chung xóm ngày xưa . Có thằng đã chết trong chiền tranh ( Bửu, Khiêm) thằng thì đi theo Việt cọng ( Bốn ) mà tui có viết trong hồi ký xóm Thượng Thành . Bây chừ tui chỉ cố gắng nhớ và kể từng giai đoạn để chia sẻ cùng các bạn về những vui buồn cuộc đời lính tráng một thời đã qua …
Từ một giấc mơ lái máy bay trực thăng…
Nhớ hồi nớ chỉ chừng 10 tuổi , tui mô biết phân biệt được giàu nghèo, suốt ngày đi chân đất kể cả đi học trường Bồ Đề, tư thời mặc quần tà lỏn, cái áo “ mi dô” rộng thùng thình. Rồi từ khi chị đầu đi lấy chồng không ai tắm gội trông càng thêm dơ dáy !
Nhà bên cạnh có anh em thằng Hoà Rít, ba nó làm cảnh sát lương bao bố mua cho chiếc xe đạp ba bánh, nhìn thấy hai đứa chở nhau chạy vòng quanh xóm, tui trông theo mê mẫn cả người ! Chỉ biết lấy chiếc thúng đựng gạo của mạ dựng ngồi lên , một tay vịn cửa sổ rồi lấy chân chọi lên chọi xuống cả buổi không chán !
Dù vậy anh tui vẫn được học Hàm Nghi và chị học Đồng Khánh, ba có nghề thợ mộc đi làm nhà cho người ta suốt ngày, mạ bán nón ngoài chợ Đông Ba tối mò mới về. Và cứ khoảng 3 giờ chiều là mấy anh chị em hay lên cơn đói bụng bất thường quái ác! ngồi nhìn nhau, anh tôi ham học lắm! suốt ngày bên cuốn sách nhưng hình như đói, học cũng khó vô .
Vậy là tui thỉnh thoảng được giao nhiệm vụ xách chiếc giỏ mây có hai quai lớn đi gặp mạ, đoạn đường từ cống Lương y ra chợ Đông Ba chừ thì thấy mô có xa nhưng hồi nớ đi “ oải” cả cặp giò, tui còn nhớ phải tưởng tượng ra cái giỏ mây là chiếc trực thăng mà mình đang lái, bay trên thành cầu, xuyên ngang đám cỏ, bay qua đường phố cho tới khi gặp mạ còn lượn một vòng mới đáp xuống.
Hôm mô ế hàng, mạ lộ vẽ hốt hoảng nói lẩm bẩm khi nhìn thấy tôi xuất hiện, mà về sau này tui mới hiểu và nhận ra nỗi khổ của người lớn , chiếc máy bay trực thăng của tôi lái trở về, khi thì chở theo một xâu bánh ú hoặc vài ký bún tươi, gặp lúc mạ trúng mánh thì có thêm miếng thịt heo , con cá v.v …
Chuyện xảy ra và khung cảnh một thời nghèo khó xa xưa, nay là cả một giấc mơ Huyền ảo mà không thể mô tìm lại được… ôi! Nhớ quá Huế thương ơi !…
Phần 2 . Tiễn chân con trai
Chuyến tàu chợ chạy từ Huế vô Đà Nẵng êm xuôi...hôm đó là ngày gần cuối tháng 5 năm 1969, vào thời ấy bất đắc dĩ người ta mới di chuyển bằng phương tiện này chứ bất an lắm rất dễ bị đặt mìn. Tôi và ba mẹ cuối cùng được ngồi chung băng ghế dài, sau một hồi rất vất vả chen lấn với đám đông hành khách ô hợp, mà mẹ cứ nhìn canh chừng từng bước chân thằng con trai út vì sợ vấp té. Mẹ luôn săn sóc lo lắng dù tôi đâu còn nhỏ dại , và hôm qua mẹ tôi đã thức khóc rấm rức suốt đêm cho buổi chia tay ngày hôm nay. Còn ba thì ngồi trầm ngâm không nói chi hết, nhưng tôi biết ba cũng buồn lắm!
Thi đậu ngang tú tài là tôi quyết định bỏ học, nhất quyết tình nguyện gia nhập Không Quân để được thành phi công, mặc cho mẹ tôi hết lời khuyên ngăn vì mẹ chỉ muốn sau này tôi làm bác sĩ, ba thì không ý kiến, nhưng cuối cùng biết không lay chuyển được mộng không gian của thằng con, hai ông bà đảnh khăn gói, gom góp tiền bạc tiễn đưa “ thằng bé” vô tới phi trường Đà Nẵng để đáp máy bay quân sự đi Sài Gòn nhập ngủ Khóa 4/69 KQ, Lúc đó tôi chỉ vừa tròn 19 tuổi...
Ngồi trên tàu hỏa nhìn từng cụm đất, lùm cây chạy ngược lùi dọc theo đồi núi đèo Hải Vân. Trong khi mẹ tôi luôn miệng căn dặn đủ điều mà tôi có nghe chi đâu ! đầu óc cứ miên man với bao bao ý nghĩ... chừ mới thấy buồn, nhớ cái xóm nhỏ Thượng Thảnh có con bé Ngọc Như xinh xắn!. Tàu chạy chỉ mới nửa đoạn đường mà đã thấy xa vời vợi...buồn ướt cả con mắt nhưng tôi cố nín không lẽ khóc!? Một ý nghỉ chợt đến trong đẩu mà trước đây tôi không bao giờ nghĩ tới ... vẫn đưa mắt nhìn cảnh vật chạy ngược lùi, tôi tự hỏi không biết mươi năm sau, (một khoảng mốc thời gian lúc đó nghe sao khủng khiếp dài lê thê ) có những gì thay đổi và mất mát xảy ra !? tôi lướt nhìn trộm ba mẹ và nhận ra nhiều nếp nhăn mà nghe lòng chùng xuống.
Ở tạm nhà ông chú họ số 34 đường Đống Đa chỉ hai ngày , chợ nằm ngay trước mặt nhưng không ai thiết gì ăn uống , lòng buồn nôn nao ! Qua ngày thứ ba thì tôi lên đường, ba mẹ tôi tiễn chân vào tới trạm tiếp liên, đứng yên lặng như pho tượng nhìn theo lớp trẻ xếp hàng hai, những phi công tương lai mặt mày còn non choẹt lần lượt bước lên chiếc C119, ai cũng cười vui , riêng tôi đã không dám ngoảnh mặt lại …cuộc đời bước sang một trang sử mới, kể từ đây con chim non đã vỗ cánh bay xa …
Sau thời gian thụ huấn căn bản quân sự và miệt mài học anh ngữ để du học mất chừng một năm, hầu hết khoá 4/69KQ đã đào tạo ra nhiều phi công trẻ, lái đủ các loại máy bay tác chiến trực thăng , khu trục skyraider, A 37, F5, vận tải cơ C7, C47, C119 , C123, C130 không thiếu thứ chi , ngoài ra còn có một số sĩ quan kỹ thuật ưu tú, đóng góp sự phát triển quân chủng KQ trên nhiều lãnh vực khác nhau.
Thời gian chính thức phục vụ trong Quân Đội VNCH, tham dự hầu hết các trận địa trên toàn lãnh thổ miền Nam, chỉ trong vòng 3 năm tính đến ngày đất nước rơi vào tay cọng sản, một số lớn đã hy sinh tại mặt trận , Không Quân ra đi không ai tìm xác rơi! Chỉ duy nhất một bạn Trịnh Kim Sơn đã không may bị tử nạn trong lúc huấn luyện tại Hoa Kỳ, một số bị bắn rơi đưa ra Bắc mà nhiều năm sau , sau 30-4-1975 mới được thả ra ( Trịnh Hữu Văn, Huỳnh Hồng Dũng) bị đưa đi tù khồ sai cái gọi là “ cải tạo “, vượt ngục bị bắn chết ( Tăng Trọng Vinh , Trần lưu uý) đặc biệt bạn Trần Quốc Khánh đã cùng mẹ và 1 em gái 3 em trai, tất cả tự sát bằng súng ngay trưa 39-4-75 lúc cọng quân vài tiếp quản Sài Gòn, đồng lòng thà chết chứ không chịu sống chung với quân thù , bên cạnh đó thật khốn nạn ! Nguyễn Thành Trung tên phi công F5 phản trắc vì mưu cầu cá nhân hèn hạ, lại đi thả bom dinh Độc Lập lúc cuộc chiến đã đến hồi kết thúc.
Những dữ kiện trên đây tôi đã đều có những bài viết riêng.
( còn tiếp)
No comments:
Post a Comment