Má sinh tôi khi 30 tuổi đó là năm 1949 . Đất nước vẫn còn chiến tranh giữa ta và giặc Pháp, người dân thành phố Qui Nhơn phải tản cư về các miền quê xa để tránh bôm đạn.Gia đình tôi tìm về làng quê của làng Kim Châu, ở đây có nhà bảo sanh và cô nhi viện cũng cùng tên,chính nơi nầy cô bé Kim Châu đã ra đời. Khi làm giấy khai sinh cho tôi đi học,ba đã lấy tên Kim Châu đặt cho tôi để tôi nhớ về kỷ niệm của mình.
Chiến tranh đời sống khó khăn,má sinh tôi ra lại không có sữa cho con bú. Mỗi ngày đi dạy học về,ba phải ẵm tôi đến nhà những phụ huynh có con nhỏ còn cho bú để xin cho tôi được bú thép. Má kể lại :có lúc khó khăn quá, ba má đá bế tôi đến cô nhi viện xin gửi ở đó một thời gian nhờ các Sơ nuôi tiếp.
Trong chiến tranh nhưng các nơi từ thiện đều có sự giúp đỡ của quốc tế, chờ tôi lớn thêm một chút sẽ đến tạ ơn các Sơ bế tôi về. Dịu dàng các Sơ trả lời:”thưa ông bà (cách nói lịch sự của người tây phương), nơi đây Thiên Chúa dang tay đón nhận tất cả các cháu nhưng vì hoàn cảnh quá đông nếu có trường hợp đáng tiếc xảy ra, xin ông bà đừng buồn còn nếu cháu bình an, khoẻ mạnh ông bà cứ đón cháu về nơi đây chúng tôi không nhận một đồng thù lao nào cả. Nghe những lời chân tình của Sơ, ba má thương con đã bế tôi về.
Ngày tháng dần trôi,tôi lớn dần trong tình thương mẹ cha nhưng không quên những dấu ấn tuổi thơ của mình. Tôi nhớ ơn nhà bảo sanh nơi mình sinh ra,nơi đây các Sơ dịu dàng lo cho các sản phụ như người thân của mình. Người nữ tu của Thiên Chúa lúc nào cũng hiền lành ,dịu dàng dưới vành khăn trắng.Má kể lại :nơi chúng tôi tản cư là một miền quê nghèo gần núi.Làng nhỏ nhưng tiếng chuông nhà thờ lớn. Má nghĩ chắc nơi đây là xóm đạo,trong cảnh cô quạnh của núi đồi, nghe tiếng chuông nhà thờ cũng đỡ cô đơn trong lòng người tản cư.....
Người dân cứ mãi khổ trong cảnh bồng bế nhau chạy giặc cho đến năm 1954 mới kết thúc.Người Pháp rút khỏi VN,người cộng sản ra Bắc, miền Nam mới bắt đầu những ngày tháng độc lập ,tự do dưới nền Đệ nhất cộng hoà. Các anh chị tôi tiếp tục việc học còn tôi mới được đến trường.
Chiến tranh đã gây ra biết bao đau khổ cho nơi nào nó đến: thiếu ăn,thiếu mặc,đói nghèo. Vì chiến tranh ngày đó nếu ba má không thương con tôi đã thành con bà phước. Những ngày vui rồi cũng tàn, đất nước tôi lại chìm trong khói lửa của chiến tranh. Xem hình ảnh đứa bé thơ bú vú trên xác mẹ đã chết mới thấy nỗi đau không bút mực nào tả hết. Còn riêng gia đình tôi, nỗi đau của chiến tranh còn sót lại trong chúng tôi là tám năm rưởi tù tội của chồng mình, ngần ấy thời gian người vợ tảo tần nuôi ba đứa con, chờ đợi chồng mình trở về!.
Những ngày tháng đó là một vết thương không bao giờ lành trong lòng những người vợ Lính.Chiến tranh ơi,xin đừng đến!!!.......
Kim Châu
No comments:
Post a Comment