(Tặng bạn tôi, Biệt kích Nguyễn Thanh Châu)
“Phong trần xuôi một bước lưu lạc
Đầu xanh theo một chuyến Xuân tàn”
(Tản Đà)
“Phong trần xuôi một bước lưu lạc
Đầu xanh theo một chuyến Xuân tàn”
(Tản Đà)
I. Sống ở xứ người buồn nên cuối tuần anh em thường tụ họp uống trà tán gẫu; Ôi thôi đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, toàn thiên hạ sự. Nhưng lần nào cũng vậy, chu du khắp năm châu bốn bể rồi sau rốt họ cũng trở về với câu chuyện của mảnh đất quê hương hình chữ S xa xôi ngàn dặm.
Lớp trẻ ngạc nhiên khi nghe người lớn luôn nhắc đến đề tài chiến tranh và ngục tù cũ rích mà không bao giờ biết chán. Họ nói với chút ngậm ngùi cay đắng; Có kẻ ủ ê thở dài nhưng cũng có người bộc phát lòng căm ghét và khinh miệt. Làm sao giải thích cho lớp trẻ hiểu rằng đó là hoài niệm, là sự tìm kiếm quá khứ, là vốn liếng cuộc đời của cả một cuộc bể dâu tang thương mà thời đó những người trong cuộc bị cuốn hút, có khi không còn nhận ra được ngay cả chính bản thân mình. Làm sao cho lớp người trẻ biết rằng sau những năm tháng tăm tối của định mệnh, sau thời gian đăng đẳng đầy rẫy tai ương gai góc, những con người ngày xưa may mắn còn sống sót, quây quần cố nhóm lên đóm lửa tưởng chừng đã bị vùi lấp, chìm khuất trong bão giông quên lãng. Hiện tại họ đã già, vết thương bom đạn đục khoét làm bạc nhược thân xác. Cái đầu thì cằn cỗi lão hóa thiếu chất xám, họ chấp nhận làm bất cứ công việc gì để giải quyết cấp thời chuyện cơm áo qua ngày. Quá khứ đối với họ như món đồ cổ trân quý dẫu rằng có bị sứt mẻ, méo mó vì thời gian tàn nhẫn nhưng vẫn luôn được săm soi, nhìn ngắm bằng tấc dạ bồi hồi lẫn xót xa. Họ nâng niu trau chuốt như tìm kiếm đời mình ở trong đó, như để gạn lọc chuyện đúng sai, phải trái cuộc đời.
Chúng ta hãy lắng nghe lời tâm sự của một người lính già còn sống sót sau cuộc chiến…
Anh bảo là không thể bình thản tiếp tục con đường học vấn khi chiến tranh bùng phát như ngọn lửa táp ngang mày, khi bạn bè lần lượt lên đường và xã hội miền Nam như bị nén chặt trong không khí bức bối, lo sợ với những cuộc xuống đường biểu tình của bọn tả khuynh đội lốt tôn giáo, của bọn hoạt đầu chính trị đang xâu xé, tranh dành quyền lực. Tuổi trẻ sống với nhiều thắc thỏm, ưu tư, hoài nghi và đau khổ. Chiến tranh, bạo loạn và suy đồi đã đưa họ đến cùng cực chán nản. Anh gia nhập quân đội, tốt nghiệp trường Hạ sĩ quan thông dịch, anh tình nguyện về đơn vị Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ. Một năm hành quân bình an khắp mặt trận vùng I chiến thuật. Năm sau – 1967, anh xin chuyển về binh chủng Biệt Kích Lôi Hổ.
Người lính trẻ đầu đội beret đỏ, vai áo mang phù hiệu cọp trắng và cánh dù đó tên là Nguyễn thanh Châu, vỏn vẹn chỉ nhảy được ba chuyến công tác thì kết thúc cuộc đời binh nghiệp. Trong lần hành quân hiểm nghèo tại vùng biên giới Hạ Lào cùng với ba chiến binh VN và hai lính Mỹ, anh không may sa vào tay giặc. Cuộc đọ sức quá chênh lệch giữa các tay súng trong cuộc chơi sinh tử và tất nhiên phần thua sẽ thuộc về phe nào có tay súng ít hơn. Địch đông gấp nhiều lần, do vậy số phần những người lính cảm tử lẻ loi đã được an bày. Hai người lính Mỹ và một quân nhân truyền tin VN bị bắn hạ ngay từ loạt đạn đầu tiên. Toán ba người còn lại vất bỏ ba lô tháo chạy về phía rừng sâu biên giới.
Sau nhiều ngày chiến đấu cam go đơn độc, đói khát và căng thẳng, cuối cùng kiệt sức họ bị bắt. Người sĩ quan trưởng toán không chịu khai ra mật lệnh truyền tin bị địch xử bắn ngay tại chỗ. Còn lại anh và một người bạn bị trói dong về nơi chạm súng lúc ban đầu, chỗ có xác hai quân nhân Mỹ và người lính truyền tin VN. Đến nơi họ phát hoảng khi nhìn thấy hình hài các bạn bị xé banh tan nát nhầy nhụa đầy máu, ruột gan tim phổi bị tha đi mất, cái đầu bị liếm gần như trọc lóc, chỉ còn lơ thơ vài mảng tóc dính bết vào xương sọ. Ba người lính xấu số đã bị hùm beo móc ruột tan nát. Số phận không cho họ được tiếp tục làm “cọp sấm sét” ngược lại bị “cọp ăn thịt” đúng nghĩa. Thân xác họ bị rỉa rói tàn nhẫn bởi thú dữ, kên kên ở trên rừng chết chẳng toàn thây. Riêng Châu thì may mắn hơn. Sau ba tháng mỏi mòn không tin tức, cha mẹ anh được lãnh tiền tử tuất và đành lấy ngày ra đi công tác làm ngày kỵ cơm anh hàng năm. Không ai biết là Châu vẫn còn sống lây lất trên trần gian để trả nợ thua trận.
III. 17 năm sau
Năm 1985, trên đường phố quen thuộc của thành phố Đà Nẵng bỗng xuất hiện một quán nhậu bình dân. Thực khách đa số là dân mánh mung, chợ trời. Đứng tên đăng ký ngôi quán là một bà già ngoài diện tuổi lao động, đủ điều kiện hợp pháp để nhà cầm quyền Cộng sản cấp giấy phép mở quán, nhưng thật tế chủ nhân điều hành lại chính là đôi vợ chồng trung niên, con trai của bà lão. Vợ là người đảm đang, nấu ăn giỏi, tính tình hòa ái. Chồng là mẫu đàn ông lịch lãm, tháo vát, vừa ở tù về.
Công an địa phương quản lý người chặt chẻ, nhất là thành phần chế độ cũ. Vô phương làm ăn, túng cùng bạn bè bày kế để cho bà già đăng ký tên chủ quán, còn vợ chồng anh là người giúp việc kiếm cơm. Dần dà khi vỡ lẽ ra thì chuyện đã rồi nên cũng phải làm ngơ bỏ qua.
Quán nhờ món nhậu ngon, giá bình dân, chủ yếu lấy công làm lời nên chẳng bao lâu khách đến viếng mỗi ngày một đông. Gia đình chủ quán năm người, vợ đứng bếp có cô con gái lớn phụ giúp. Chồng lo tiếp khách, bán bia rượu, ghi sổ, thu tiền. Đứa con trai cả và bé út 13 tuổi chạy bàn phục vụ. Những hôm đông khách quá, người ta thấy có vài dân nhậu tự động bỏ bàn đứng dậy, giúp cha con chủ quán một tay như người trong nhà. Cũng có hôm quán ồn ào vì có kẻ say sưa quậy phá hay muốn nhậu chạy làng, thì lập tức xuất hiện ngay vài tay giang hồ tứ chiếng, kịp thời giải quyết ổn thỏa mọi việc. Trước sau, người chủ quán vẫn giữ thái độ bàng quang của kẻ ngoại cuộc, thản nhiên đứng nhìn như chẳng hề mảy may dính dáng đến mình.
Riêng mấy tay anh chị nầy thì dân giang hồ Đà Nẵng không ai là không biết đến. Ngày trước họ đã một thời lừng lẫy như Phước Mèo nổi danh giỏi võ, với cây dao “tàng chiêu quái đao” đã từng đụng độ lính Đại Hàn có đai đen Taekwondo; hay Hoàng Rouleau, trắng trẻo đẹp trai giống thư sinh nhưng quay súng và bắn nhanh như phim cao bồi Django, đã có lần thử súng với tài xế Mỹ lái xe ẩu đụng người bỏ chạy. Một Đề “đầu bạc” gan to bằng trời, một thân một mình tung hoành nhiều năm ở thành phố lớn miền Trung nầy. Ngoài ra còn có Khiếu râu, Sang què, hai sĩ quan BĐQ độc thân, thường ngâm nga thơ phú mỗi khi tửu hứng. Sau 75, họ bị nhốt tại địa phương vì bị thương tật và các trại tù chứa đầy người quá. Các anh làm đủ nghề, chạy áp-phe, buôn bán. Riêng Đề “đầu bạc” thì hành nghề xe ôm, nhưng không chở người, chở hàng mà chỉ chuyên chở những thứ lậu thuế, quốc cấm.
Những người bạn nầy tuy mang tiếng giang hồ nhưng họ sống như những “hảo hớn thảo dã Lương sơn Bạc” đầy khát vọng công lý, phóng khoáng và nhất mực thủy chung với bạn. Thời gian người chủ quán còn ở trong tù, thỉnh thoảng họ xúm nhau giúp gạo, giúp củi cho vợ bạn nuôi con chờ chồng. Những lúc gia đình bạn gặp cơn khốn đốn đều có mặt họ bên cạnh. Ngày bạn ra tù, họ rủ đến vầy cuộc nhậu, chén tạc chén thù, say túy lúy càn khôn suốt một ngày. Biết hoàn cảnh bạn khó khăn, họ gợi ý giúp mở quán nhậu rồi phân công người mua xốp về làm thùng đựng nước đá, người giúp gỗ đóng bàn ghế, sau đó dẫn bạn đến giới thiệu các đề-pô bia, rượu, thuốc lá mua trả gối đầu với giá đặc biệt. Sau cùng họ góp tiền lại cho bạn mượn vốn làm ăn. Vợ người chủ quán nhìn họ bằng ánh mắt cảm động, biết ơn. Riêng với họ chẳng bao giờ nhọc lòng bận tâm. Họ làm nghĩa cử giúp bạn một cách thản nhiên như uống một ly rượu, hút một điếu thuốc.
IV. Một buổi sáng mùa hè năm 1986, trong ngôi quán bất đắc dĩ được cải biến từ căn nhà ở nằm trên đường Huỳnh thúc Kháng, một người đàn ông cao gầy, đội nón lá rách toe vành, mặc chiếc áo bạc màu sờn vai đẫm ướt mồ hôi, có những quầng muối trắng loang lổ còn in lại trên lưng – Người đi bán củi dạo. Thấy chủ quán bước ra, ông khẻ chào. Bà vợ chủ quán nói:
– Củi ông nầy bán đượm lửa mà giá lại rẻ hơn mấy mối trước. Anh vào lấy tiền trả giúp em. Khi người chủ quán trở ra ngồi đếm tiền trả ông bán củi mà trong lòng anh cứ ngờ ngợ, hình như quen thuộc với ông nầy lắm. Khuôn mặt xương xương, cái miệng hay cười toét, vầng trán rộng hơi vồ đầy vẻ bướng bỉnh với mái tóc lờm xờm biếng chải, muối nhiều hơn tiêu… Tất cả dường như gần gũi lắm nhưng người chủ quán cố nhớ mãi vẫn không ra. Chợt nghĩ ra được một điều. Chủ quán bước đến chổ quầy hàng, vói tay lấy chai rượu và hai chiếc ly nhỏ. Anh rót mời người bán củi và nói:
– Rượu gạo 100%, uống không bị nhức đầu. Anh dùng thử một ly nhé.
Đón ly rượu, ông bán củi không khách sáo chiêu thử một ngụm. Cái miệng bỗng nở toét ra vẻ khoái trá. Người chủ rót thêm và gợi chuyện:
– Anh ở đâu? Sao ít thấy qua lại đường nầy.
– Tôi ở Nại Hiên. Mới hành nghề bán củi dạo, kiếm cơm qua ngày.
Giọng nói dửng dưng, khuôn mặt bình thản, ông tiếp tục uống rượu đốt thuốc. Chủ quán lại nói tiếp:
– Tôi cũng có vài người bạn nhà ở Nại Hiên, trước đây học cùng trường Tây Hồ.
– Tôi cũng học Tây Hồ. Bạn anh tên chi?
– Tên Châu… Nhưng đã chết lâu rồi.
– Tôi cũng tên Châu, Nguyễn thanh Châu.
Chủ quán mở to mắt nhìn chăm chăm người đàn ông ngồi đối diện, miệng hỏi dồn dập:
– Châu “Lôi Hổ”?
Khuôn mặt ông bán củi chợt thoáng buồn:
– Hổ lôi thì có, chứ làm gì còn hổ sấm sét nữa.
Người chủ quán xô ghế đứng bật dậy, dang hai tay chụp vào vai ông bán củi lay mạnh, giọng thảng thốt, ướt sũng xúc động:
– Đúng là Châu, Châu điên đây rồi. Mi còn sống hả? Tau là Luyến, Luyến lồi đây.
Nghe tiếng la lớn, vợ người chủ quán bỏ bếp chạy vội lên nhà trên. Đôi bạn ngày xưa đang ôm choàng nhau cảm động, thổn thức trước cặp mắt ngơ ngác của bà.
Chín giờ sáng hôm sau. Trong ngôi quán bất đắc dĩ đã diễn ra một khung cảnh tình nghĩa, ấm cúng. Bảy người đàn ông trung niên thuộc đủ mọi thành phần buôn bán, làm thuê, mánh mung hay mới ra tù, ngồi quây quần quanh chiếu nhậu, bên những chai rượu, chai bia và một mâm thức nhắm thịnh soạn do chính tay bà chủ nấu ra để chồng chiêu đãi người bạn thưở xưa, mang bản án 17 năm lưu đày mà cứ ngỡ đã chết mất xác từ lâu. Họ là những tay giang hồ anh em thường xuyên có mặt ở quán nầy như: Phước mèo, Đề đầu bạc, Hoàng rouleau, Sang què, Khiếu râu. Trong ngày hội trùng phùng, họ nâng ly với tấm lòng dạt dào nỗi nhớ niềm thương của những kẻ may mắn còn sống sót sau chiến tranh và tù ngục.
Rượu đầy rồi cạn, men thấm dần, họ thúc hối người bạn Biệt kích vào chuyện. Ánh mắt mênh mang, một thoáng buồn suy tư, chậm rãi nhả những vòng khói thuốc mờ nhạt, Châu bắt đầu câu chuyện 17 năm về trước …
V. Trên cõi đời nầy ngoài tôi ra, chắc chắn không còn ai biết câu chuyện định mệnh năm xưa. Sẽ không bao giờ có ai nhớ đến cái tên Mỹ Missouri của toán chúng tôi.
Sau trận chạm súng bất ngờ, ba bị cọp ăn, một tử hình, toán sáu người chúng tôi chỉ còn sống sót lại hai đứa. Tôi và Lô viết Cầu bị bắt trói quặt cánh khuỷu, rời khỏi vùng tử địa có bốn xác chiến hữu chết không toàn thây. Ngày đi đêm nghỉ, chúng tôi phải gồng mình chịu cái nóng ngột ngạt, khô cháy của gió Lào ban ngày và cái rét kinh khủng, buốt xương của núi rừng Trường Sơn ban đêm. Cuộc hành trình về nơi lưu đày tưởng chừng bất tận. Ban đầu còn khỏe, ý nghĩ đào thoát cứ lởn vởn trong suốt đoạn đường đi qua. Dần dà bị đói khát, gian khổ, bệnh tật hành hạ, cái chết không còn là nỗi ám ảnh ghê gớm nữa. Tôi nghĩ, đôi khi cái chết đòi hỏi phải có ý nghĩa, nhưng trong tình thế hiện tại thì cái chết chẳng còn nghĩa lý gì nữa khi phải sống với hoàn cảnh nhục nhã, tồi tệ như thế nầy. Có thể cái chết sẽ làm chúng tôi bớt đau khổ hơn là sống hèn, sống nhục. Nhưng kẻ địch không để chúng tôi có cơ hội. Hiếm lắm chúng mới bắt được một người lính quốc gia chứ đừng nói chi là thứ Biệt Kích đặc biệt. Do vậy không những chúng canh phòng nghiêm ngặt ngày đêm, mà còn tỏ thái độ thù hằn căm ghét đến thậm tệ nữa là khác.
Một tháng sau chúng tôi đến Quảng Bình, vùng đất khô cằn sỏi đá của địa đầu “Xã hội chủ nghĩa”. Tôi thấy người dân ở đây cũng thiếu thốn, khổ cực như người tù, chỉ khác là họ không bị trói thúc ké như chúng tôi. Kế tiếp, xe bộ đội chở hai đứa về Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Đông. Ngày xưa, nơi đây đã một thời nổi tiếng bánh cuốn Thanh Trì và bài thơ “Áo lụa Hà Đông” được Ngô thụy Miên phổ thành nhạc, đã thâm nhập sâu sắc vào lòng mọi người và dòng văn học nước nhà. Tất cả những ấn tượng đẹp đẽ của xứ sở nhiều giai thoại nầy bỗng chốc tiêu tan trong lòng người tù binh trẻ khi nhìn thấy hàng chữ “Xà lim Bộ Công an” đập vào mắt. Đó là khởi đầu của năm tháng lưu đày kinh hoàng, là thời gian của cùm gông đọa đày, là triền miên trong đói rét nhục hình.
Từ đó, cuộc đời hai đứa tôi hầu như có mặt cùng khắp ở các địa ngục trần gian như: Nhà tù Vỉnh Quang, Tân Lập, Hồng Thắng, Thanh Phong. Những nơi đi qua, tôi đã thấy hàng ngàn bộ xương còn thở, còn đi, đứng, nằm, ngồi, ăn uống. Những thây ma biết cử động, những cái bóng im lìm mỗi ngày một gày gò tiêu hao, từ thể xác đến tâm hồn.
Cứ thế cho đến một lúc, những kẻ bất hạnh bỗng biến mất vĩnh viễn trên cõi đời. Họ ra đi lặng lẽ cũng như họ đã sống cuộc đời lặng lẽ. Tất cả bình thường, tự nhiên từ cái chết đến cả sự mơ ước một ngày được trả tự do, dần dần rồi cũng dửng dưng, bình thản chẳng hề bận tâm suy nghĩ.
No comments:
Post a Comment