Tuesday, August 13, 2024

Người Việt Vượt Biên Qua Mỹ tại Biên Giới Canada-Mỹ-Mễ Theo RFA - fb Xuan-Huong T Nguyen

 Người Việt Vượt Biên Qua Mỹ tại Biên Giới Canada-Mỹ-Mễ
Theo RFA - fb Xuan-Huong T Nguyen

Theo số liệu từ Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới (CBP) của Mỹ gửi cho RFA cho thấy từ tháng 10/2022 đến tháng 10/2023, có gần 3.300 người Việt Nam vượt biên bằng đường bộ dọc biên giới phía Tây Nam nước Mỹ. Và từ tháng 10/2023 cho đến hết tháng 2/2024, con số này là 2.400 người.
---------------
 
Hầu hết những người di dân Việt Nam hàng rào biên giới vào Mỹ đều tìm cách nhập cảnh vào Mexico. Từ đây, đường dây đưa người đi sẽ hướng dẫn họ vào Mỹ bằng cách vượt hàng rào biên giới giữa Mexico và các tiểu bang phía Tây Nam nước Mỹ.
 
Từ Tijuana, chị Trúc cùng với ba người nữ khác đi cùng nhóm được hai người Mexico chở tới biên giới với San Diego của Mỹ.
 
Sau đó, hai người dẫn đường đưa cả nhóm tới một gò đất cao sát hàng rào biên giới, bắc thang cho cả bốn người leo qua.
 
"Đêm đó, đường dây đưa bốn chị em gái tụi em thôi. Lên tới cái cổng để mình vào trại là 12 giờ đêm. Bọn em tới đầu tiên chưa có ai hết. Sau khoảng 30 phút, một tiếng đồng hồ thì bắt đầu thấy người đi lên từ nhiều nước lắm, có cả trẻ con, gia đình. Cho tới sáng là người ta ầm ầm đi lên cả mấy trăm người.”
 
Nhóm chị Trúc ngồi đợi cho đến 6 giờ chiều ngày hôm sau thì đến lượt mình được đưa đến một cơ sở tạm giữ người nhập cư ở San Diego.
 
Khi đã đến được Mỹ, chị Trúc hướng dẫn lại đường đi nước bước cho người yêu của mình là anh Ngữ. Một tháng sau, anh cũng đã vượt biên thành công vào đêm 25/5/2023:
“Khi tôi vào trại là có khoảng 30 - 40 người Việt Nam cũng đang ở đó. Lúc mới vào họ lăn dấu vân tay, họ làm mỗi người một hồ sơ rồi trước khi mình ra trại thì nó đưa cho mình một bộ hồ sơ và hẹn ra toà ở tiểu bang mà mình sẽ ở.”
 
Những người di cư sau khi vào đất Mỹ sẽ bị cảnh sát biên giới đưa vào cơ sở giam giữ gần San Diego. Ở đây, nhân viên thuộc Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ (US Department of Homeland security) sẽ kiểm tra lý lịch và phỏng vấn người di cư. Quá trình làm thủ tục này mất từ 2 đến 7 ngày. Sau đó, người di cư sẽ được ra khỏi trại tạm giam và bắt đầu quá trình nộp đơn xin tị nạn.
 
Những di dân từ Việt Nam cho biết tổng chi phí mà họ phải trả cho đường dây đưa người đi vào khoảng từ 60 đến 75 ngàn USD tuỳ theo con đường mà mỗi người tới được Mexico.
 
Thông thường, người vượt biên sẽ phải ứng trước khoảng 5 - 10 ngàn USD để nhận được thẻ thường trú nhân giả của Nhật Bản. Với thẻ này, người Việt có thể nhập cảnh Mexico mà không cần visa. Qua được hải quan Mexico, họ tiếp tục đóng thêm 30 ngàn USD, và khi đã trả hết số tiền còn lại, tầm khoảng hơn 30 ngàn USD nữa, họ sẽ được dẫn đường qua Mỹ:
“Nhập cảnh vô Mexico một cái là tụi nó bắt em phải đóng 30 ngàn trước, nghỉ ngơi ở đó 1-2 đêm gì đó là nó cho bay xuống biên giới rồi khi nào mình đóng ổn thoả hết là người ta sẽ cho mình vượt biên, vượt hàng rào qua Mỹ.” - chị Trúc cho biết.
 
Tuy nhiên, con đường này cũng tiểm ẩn rủi ro rất cao. Nếu hải quan các nước mà họ đi qua, đặc biệt là Mexico phát hiện ra giấy tờ giả và từ chối cho nhập cảnh thì những người nhập cư lậu sẽ phải quay trở về Việt Nam và mất tất cả số tiền cọc đã đưa cho đường dây.
 
Chị Trúc kể rằng phải cọc trước cho đường dây 2 ngàn USD để được nhận thẻ cư trú giả của Nhật, sau đó đóng thêm gần 4 ngàn USD để bắt đầu hành trình. Ngày 10/4/2023, chị Trúc cùng nhóm 3 người nữ khác bay từ TPHCM sang Singapore, tới Tây Ban Nha rồi bay qua Chile; dự tính từ đây sẽ bay sang Mexico. Tuy nhiên, khi cả nhóm đến Chile thì nhận được thông báo của đường dây buôn người rằng “đang bị kẹt” chưa đi được.
 
Mọi người có 3 lựa chọn: một là tiếp tục ở Chile chờ đợi, hai là đi đường bộ qua một số nước Nam Mỹ để vào Mexico và thứ ba là về Việt Nam đợi. Cuối cùng, chị Trúc liên hệ được với một đường dây khác sau 7 ngày chờ đợi ở Chile:
“Lúc đó mình hụt hẫng không còn tin tưởng gì với người ta nữa. Sau đó, em tìm một con đường khác và trong đêm hôm đó, 3 giờ sáng là mấy chị em rời khỏi tòa nhà ở Chile.
 
Đường dây mới tiếp tục mua vé cho em bay về Brazil, từ đó tụi em bay qua Mexico, nhập cảnh vô Mexico là tụi em phải đóng thêm 30 ngàn. Đường dây mới nói là đưa tụi em từ Chile qua Mỹ mất 62 ngàn.”
 
Chị Trúc đều nói với phóng viên RFA rằng chừng hơn một năm nay, quê nhà của họ truyền tai nhau lời đồn về con đường vượt biên qua Mỹ để làm việc và có thể được ở lại lâu dài.
 
Chị Trúc năm nay 20 tuổi. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, chị vào Sài Gòn kiếm sống bằng đủ thứ nghề, từ phụ quán nước cho đến giúp việc nhà… dự tính dành dụm tiền để đi lao động ở nước ngoài.
“Trước khi đi thì em bán nước ép, làm nail, phụ việc nhà… Làm vậy thôi chứ em chỉ nhắm đường mà đi thôi. Sau này cứ nghe nói là do Tổng thống Joe Biden lên cho nên việc đi dễ hơn, người ta cứ truyền tai nhau như vậy cho nên em cứ đâm đầu vào đi.”
 
Anh Ngữ tiếp lời người yêu của mình cho biết, sở dĩ họ bất chấp rủi ro để đến Mỹ với hy vọng đơn xin tị nạn của họ sẽ được chấp thuận, họ sẽ được sinh sống hợp pháp ở Mỹ trong tương lai:
“Theo em nghĩ là qua Đài Loan, Hàn và Nhật Bản thì sau này không có giấy tờ để ở lại. Còn em đi qua đây xác định là ở lâu dài, sau này có con cái thì con cái được học hành ở lại bên này. Em nghĩ vậy.”
 
Anh Ngữ cho biết mình đã bị chính quyền gây khó khăn, cản trở công việc làm ăn khi anh mở một quán ăn nhỏ để mưu sinh:
“Cuộc sống của mình ở Việt Nam thì mình không hài lòng với cách làm của chính quyền. Việc làm của mình bị chèn ép nhiều quá, khó phát triển. Nếu mình làm việc tay chân, đi làm thuê, phụ hồ thì thôi chứ còn như mình mở hàng ăn, quán xá là người ta cứ đến vòi tiền, phạt rồi đủ thứ, giống chèn ép mình.”
 
Theo một luật sư di trú ở bang California, người đang đại diện cho một số di dân Việt Nam xin tị nạn ở Mỹ nhận định sở dĩ hàng ngàn người vẫn bất chấp mọi rủi ro để đến Mỹ theo con đường này là vì tổng thời gian của quá trình xét duyệt hồ sơ tị nạn là khoảng 5 - 6 năm.
 
Trong trường hợp tệ nhất là người di dân bị bác đơn tị nạn thì còn được kháng cáo và có thêm 2-3 năm ở Mỹ cho đến khi có phán quyết sau cùng. Trong thời gian đó, người xin tị nạn được cấp giấy làm việc và được học lấy bằng lái xe:
“Chuyện những người xin tị nạn cho tới lúc có lệnh tòa để trục xuất họ là cũng đã kéo dài tới 5-6 năm rồi. Nhưng mà khi đã có lệnh tòa họ cũng đâu có đi về đâu, bởi vì không có đủ người để lại bắt từng người bỏ lên máy bay, thành ra họ lại tiếp tục ở đây bất hợp pháp. Thủ tục chung nó là như vậy.”
 
Tuy nhiên, luật sư này đánh giá khả năng những người vượt hàng rào từ Mexico vào Mỹ được chấp thuận là người tị nạn là rất thấp:
“Phải nói là thấp, trừ những trường hợp mà những nhà tranh đấu mới có đủ những những cái bằng chứng để thuyết phục được Sở di trú rằng họ bị bách hại. Còn những người dân thường họ khó chịu, họ bị đe dọa, dù rất là sợ nhưng mà không tới cái mức để đủ tiêu chuẩn để được chấp thuận tị nạn.”
 
Trả lời yêu cầu bình luận của RFA về thực trạng này, người phát ngôn CBP cho biết hiện có rất nhiều lý do khiến mọi người chọn di cư đến Hoa Kỳ, bao gồm những biến động về kinh tế, chính trị cũng như thiên tai… Những kẻ buôn người tiếp tục truyền bá những thông tin sai lệch và thể hiện sự coi thường đối với sự an toàn và phúc lợi của những người di cư vốn dễ bị tổn thương.
 
CBP ra tuyên bố “Hoa Kỳ tiếp tục thực thi Luật di trú. Biên giới của chúng tôi không mở cửa cho những người không có cơ sở pháp lý để được vào Hoa Kỳ. Những người di cư cố gắng nhập cảnh mà không được phép sẽ phải chịu các hậu quả theo quy định, bao gồm bị trục xuất, cấm tái nhập cảnh tối thiểu 5 năm và bị truy tố.”
 
Không rõ những tin đồn này bắt nguồn từ đâu và có phải do đường dây đưa người đi tung ra hay không, nhưng các video giới thiệu về dịch vụ đưa người qua Mỹ làn tràn trên một số nền tảng mạng xã hội, đặc biệt là TikTok, trong gần 2 năm qua.
 
Các video ghi lại hình ảnh đoàn người vượt biên đang đi bộ trong rừng hoặc dọc hàng rào biên giới. Thậm chí, trong một video, một người đàn ông hét to “giấc mơ Mỹ”
 
Nói về nguyên do khiến họ phải từ bỏ quốc tịch Việt Nam, có người thừa nhận do cuộc sống ở Việt Nam quá khó khăn nên chỉ muốn tìm cơ hội đổi đời ở xứ Mỹ; nhưng cũng có người cho biết do chính quyền địa phương thường xuyên gây khó khăn, cản trở công việc mưu sinh của họ. Cả 3 đều là lao động phổ thông khi ở Việt Nam, có người mở quán ăn nhỏ, người làm nông, công nhân, giúp việc nhà…
 
Để có được 75 ngàn USD, tương đương giá trị một căn nhà phố ở Nghệ An hiện nay, họ thậm chí phải đi vay nóng số tiền trên để đổi lấy cơ hội được vào Mỹ, dù bằng con đường bất hợp pháp.
 
Hiện nay, chị Trúc và anh Ngữ đã chuyển về tiểu bang Maryland. Sống cùng nhà với họ còn có khoảng hơn 10 người Việt cũng qua Mỹ theo ngả này. Tất cả đều đang làm những công việc tay chân như làm nail, phụ bếp trong nhà hàng Việt Nam hoặc sửa chữa nhà cửa cho người Việt trong vùng.
 
Chị Trúc vui mừng khoe rằng chỉ sau sáu tháng làm việc ở Mỹ, chị đã gửi về Việt Nam trả nợ được gần 400 triệu đồng tiền vay nóng để vượt biên qua Mỹ, còn anh Ngữ thì để dành được hơn 100 triệu đồng.
 
Tuy nhiên, khi được hỏi nếu biết trước tất cả những gì sẽ xảy ra và được lựa chọn lại thì họ có đi không. Câu trả lời của cả hai là “không”. Anh Ngữ nói:
“Không. Bởi vì đường đi thì nó bình thường nhưng qua đây thì khó khăn quá, mình không được thoải mái. Ở đây không có giấy tờ và mình cũng không tự tin. Nếu có giấy tờ thì mình sẽ thi bằng lái.”
 
Chị Trúc chia sẻ thêm: Nếu là em thì cũng không. Bởi vì giấy tờ khó khăn và không mong chờ gì ngày về Việt Nam. Đi đường này nó cũng nhiều tiền thật nhưng mà cũng hên xui.”Anh Ngữ cho biết mình đang làm nail trong tiệm của một người bà con ở đây. Dù thu nhập mỗi tháng hiện nay trung bình được khoảng 5 ngàn USD. Tuy nhiên, anh Ngữ cũng sẽ không đi con đường này nếu được lựa chọn lại:
“Với số tiền đấy thì mình sẽ không đi con đường này, vì số tiền mình bỏ ra nhiều với lại cũng nguy hiểm chứ không phải như người ta nói là cứ ngồi đi máy bay. Mình nghĩ lại thấy có nhiều cái nguy hiểm. Mình tìm hiểu thì với số tiền mình bỏ ra thì mình có nhiều cái để sang Mỹ một cách chính đáng hơn.” *
Theo RFA
( Tên của các nhân vật được thay đổi )
-------------

fb Xuan-Huong T Nguyen
Theo tin trên Detroit Free Press cho hay :
  Đêm 7/8. Husain Al Kawwaz 34 tuổi-người Canada gốc Iran, là một tài xế xe tải nộp giấy tờ để nhập cảnh vào Mỹ để vận chuyển hàng nông sản còn tươi từ Canada đến Kho hàng Fort Street ở Detroit. Nhân viên Cục Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ đã kiểm tra xe đầu kéo container của ông ấy bằng thiết bị chiếu tia X, không thấy gì khả nghi . 
 
Nhưng qua nửa đêm 8/8, các nhân viên an ninh vòng ngoài phát hiện 10 người trốn trong bãi đỗ xe của khu vực kiểm tra xe, sau đó, họ được xác định là công dân Việt Nam. Ban đầu, do bất đồng ngôn ngữ, các viên chức Mỹ không thể hỏi đáp với họ về cách thức họ đến Mỹ. Theo hồ sơ tòa án, hộ chiếu của họ không có visa của Mỹ hoặc các giấy tờ khác cho phép họ nhập cảnh vào Mỹ. Khoảng 2h sáng 8/8, nhân viên của Cục Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ đã xem lại video của camera an ninh và thấy một nhóm đông người bước ra khỏi xe tải của Al Kawwaz. Khoảng 25 phút sau, Al Kawwaz bị yêu cầu quay lại trạm kiểm soát và ông ta đã tuân thủ. Husain Al Kawwaz khai với điều tra viên rằng :Hôm 7/8 ở TP Detroit, ông nhận đưa lậu vào Mỹ 10 người ở TP Windsor và giấu họ trong thùng xe container của mình.Nếu trót lọt chuyển số người nêu trên vào Mỹ, Husain Al Kawwaz sẽ được trả 5.000 đô la khi trở về Canada 
 
Sau khi ra hầu tòa lần thứ nhất hôm 9/8, Al Kawwaz bị xác định là là phạm tội về hành vi vận chuyển lậu người nước ngoài để thu lợi tài chính cho cá nhân. Dù Luật sư Elizabeth Young, đại diện cho Al Kawwaz trong lần ra tòa đầu tiên biện hộ rằng Al Kawwaz không có tiền án tiền sự và đề nghị trả tự do cho ông ấy trong khi các thủ tục về vụ án vẫn tiếp tục.Nhưng toà tuyên án ông ta vẫn phải bị tạm giam và sẽ phải ra toà một lần nữa vào ngày 13/8 để nghe phán quyết 
 
Hồ sơ của tòa án không tiết lộ tình trạng của 10 người Việt Nam hiện ra sao.
 

No comments: