Wednesday, August 28, 2024

MỘT NGÀY...MỘT ĐỜI... Sóc Cưng - LÝ THỤY Ý

MỘT NGÀY...MỘT ĐỜI...

Sóc Cưng - LÝ THỤY Ý
Đời người, có khi chỉ một ngày ! Một ngày cho đảo lộn tất cả! Một ngày cả Thánh thần cũng im tiếng...Một ngày cho một đời...!!
Tôi đã trôi vào giấc ngủ vùi đêm nguyệt tận!...Giấc ngủ nửa thế kỷ...Những lần trở giấc bàng hoàng giữa tỉnh và mơ...
Trăng biến mất trong mây và thanh xuân liêu xiêu trên quê Mẹ điêu tàn...
-------------
 
-------------
 
Một ngày tháng Tư- 50 năm trước !!
Hơn bốn giờ sáng ngày 28/4/1975! Đang ngủ, đột nhiên có tiếng nổ, rồi tiếng chân chạy...Vinh choàng dậy làm tôi cũng hốt hoảng ngồi bật lên...
- Anh...
- Suỵt...
Linh cảm có điều không lành, tôi ôm cứng Vinh:
- Anh đừng đi...
Vinh trừng mắt :
- Em điên à. Anh phải điều động Lính. Em cứ ở yên đó.
 
Anh khoác áo giáp và đội mũ sắt lên. Tôi run rẩy tuột chiếc áo ngủ, vơ vội đồ mặc đi chợ tròng vô. Tiếng súng nổ gần và nhiều hơn. Kẻng báo động dồn dập. Có tiếng la :"Việt Cộng!" Vinh nói nhanh :
- Theo anh...
- Trung úy...
 
Người lính vừa gọi vừa lướt ngang phòng, chạy băng qua phía dạ cầu. Tôi ríu cả chân, cố gắng chạy theo Vinh. Phía bên kia lố nhố nhiều bóng đen. Họ chạy nhanh nhưng rất êm ( sau nầy tôi mới biết vì họ mang dép râu! ). Súng ngừng nổ nhưng tình thế nguy hiểm hơn nhiều!
 --------------
 
 --------------
 
Hai bên gờm nhau! Rồi bỗng dưng súng nổ rộ lên cùng lúc. Vinh kéo tôi đến sau một cột cầu lớn, nói nhỏ :
- Em đứng đây nhé. Đừng chạy theo anh, nguy hiểm...
 
Rồi anh chạy băng theo đồng đội. Thật ra lúc đó tôi quýnh quáng không phân biệt được gì, chỉ biết núp sau thân cột như nhờ che chở. Không còn ai quan tâm đến tôi. Tôi run đến mức đứng không muốn vững nhưng sợ ngồi bệt xuống thì sẽ không đứng lên được nữa...
 
Súng nổ rát bên tai Có lúc tôi cảm tưởng có viên đạn đi lướt qua mình. Thời gian ngưng đọng trong giao tranh ác liệt. Máu dường như đông lại trong huyết quản. Tôi dang tay ôm cột cầu rồi lại rụt ngay lại vì sợ lộ diện quá nhiều! Tôi như dán chặt vào cột ciment, mắt hoa lên và không dám nhìn vào bất cứ cái gì trước mắt. Đột nhiên có tiếng la :
 
- Anh bị thương rồi...
Nhận ra tiếng Vinh, tôi thất thần hét lên :
- Anh ở đâu ??
 
Rồi thay vì lao về phía anh, tôi lại ngồi bệt xuống, rũ liệt như một tàu lá chết ! Tôi không cử động được! Tôi quá khiếp! Cho đến lúc Tuyên, một người lính cuả Vinh chạy ngang...
- Chạy, chị Đông.
- Tôi...
- Chạy...Anh Vinh gục rồi...
 
Tiếng "gục" khiến tôi muốn ngất đi. Tôi phải tựa hẵn vào cột cầu. Đến lúc nầy, Tuyên.mới nhận ra tôi không đủ sức đứng, đừng nói đến chạy...Tuyên đến xốc tôi, kéo lên:
- Cố lên. Tôi dìu...
Tôi thiểu não lắc đầu :
- Chắc không chạy được.
- Phải rời đây. V.C. tràn vô rồi ...
- Trời ơi !!!
 
Tuyên dìu tôi chạy xuống vọng một. Tôi không kịp mang dép, bàn chân trần chạm vào sắt đau và lạnh buốt! Tôi chạy khập khễnh, nghiêng bên nầy ngả bên kia. Tôi nghe Tuyên nói :
- Vinh kìa...
Tôi bò về phía anh. Người lính đang cõng Vinh, nằm rũ trên lưng, đi một cách khó nhọc. Thấy Tuyên và tôi, anh ta đứng lại :
- Phụ chút đi mày. Tao đuối rồi. Ổng bị thương nậng quá.
 
Tôi khựng lại, nhìn Tuyên. Người Tuyên ốm yếu làm sao cõng Vinh nổi ?! Tôi chợt hiểu người lính muốn trút gánh nặng để thoát thân. Đạn vẫn xé không khí lướt quanh họ. Những bóng đen lố nhố không biết bạn hay thù. Người lính đang cõng Vinh dợm đặt anh xuống. Tôi bỗng đứng thẳng người rồi bằng một cử động không ai ngờ, tôi giật khẩu súng
trên tay Tuyên, chỉa thẳng.vào người lính. Anh ta nẩy người như bị điện giật. Tôi đanh giọng
- Tôi yêu cầu anh tiếp tục đưa Vinh sang đầu cầu bên kia.
Anh ta lắp bắp
- Nhưng...
Tôi lạnh lùng
- Tôi và anh nầy không đủ sức. Nếu có, chúng tôi không phiền anh. Vì sinh mạng bạn tôi, tôi buột sẽ nổ súng nếu anh đặt anh ấy xuống.
 
Giọng nói dõng dạt khiến anh lính nổi gai ốc. Anh ta miễn cưỡng xốc Vinh gọn lên rồi bươn bả đi thật nhanh, cố tránh họng súng càng xa càng tốt.
 
Nhưng bây giờ tôi bỗng đi rất nhanh, quên cả mệt nhọc lẫn sợ hãi. Tôi có trách nhiệm bảo vệ cho hai con người, không chỉ lo cho mình nữa. Nỗi lo vết thương của Vinh không biết nặng nhẹ khiến tôi thêm can đảm. Tôi muốn sang đầu cầu A càng nhanh càng tốt. Sự yếu đuối biến đâu mất. Tôi ghìm súng hộ tống Vinh qua được bộ chỉ huy bên kia cầu. Người lính đặt Vinh như trút một gánh nặng lên chiếc divan nhỏ trong lô- cốt. Trước khi rời đi, anh ta nheo mắt nhìn tôi:
- Tôi biết chị không biết bắn! Đừng quên, tôi là Lính.
Tôi sững người! Nhưng anh ta đã đi mất.Tôi ào đến bên Vinh :
-Anh ơi !...
 
Tôi khóc! Nước mắt giờ mới tự do trào ra. Đại úy Phước gọi y tá đến xem vết thương cho Vinh: anh bị miểng đạn ghim lỗ chỗ trên lưng, một vết toác khá lớn gần bên cột sống. Tôi tái ngưới, hỏi cô y tá :
- Có nặng lắm không ?
- Chắc không đến nỗi...
Câu trả lời lấp lửng. Tôi quay sang Đại úy Phước cầu cứu. Ông trấn an :
-.Vào Cộng Hòa, họ gắp miểng ra là xong chị ạ.
.- Nhiều quá...
- Không sao đâu.
 
Họ ngừng nói, căng mắt nhìn hai người lính đang khiêng một người lính thứ ba vào. Mặt và người anh đầy máu ! Họ đặt anh xuống. Người lính bất động. Tôi nhìn thấy một hố mắt trống hoác. Anh ta đã chết! Tôi rú lên một tiếng, bất tỉnh.
Tuyên khẽ lắc đầu:
- Chị ấy quá căng thẳng.
Máy truyền tin kêu. Đại úy Phước bảo anh tài xế mới trình diện :
- Anh đưa các thương binh đến thẳng Tổng y viện Cộng Hòa rồi về gấp.
Người hạ sĩ đập gót đáp lại trong tư thế nghiêm. Anh đưa tay lên mũ chào kiểu nhà binh. Tuyên lên tiếng :
- Tôi đi với họ, thưa đại úy.
- Được. Khai cho nhập viện. Gặp Bác sĩ Đại úy Châu.
 
Tôi cựa mình. Đại úy Phước đưa một ngón tay ra hiệu. Tuyên gât. Anh đến xốc tôi lên :
- Ra xe đi Đông.
Tôi chớp mắt vài cái rồi mở ra. Nhìn quanh, ngơ ngác rồi rùng mình. Đây là cảnh thật. Vậy mà vẫn hy vọng mình găp ác mộng. Tôi lắp bắp:
- Đi đâu ?!... Vinh...
- Vinh đang đến nhà thương. Chị cũng thế. Chị cần nghỉ ngơi.
 
Tôi yên lòng. Tôi biết bây giờ không phải là lúc thắc mắc. Bịnh viện! Đó là nơi họ cần. Ít ra cũng cho Vinh. Tôi chập choạng bước theo Tuyên ra chiếc xe tải nhà binh không mui đậu trước sân đại đội. Vinh đã được khiêng lên trước...Và...Chúa ơi! Cả người lính đã chết!
 
Tôi nhắm mắt, khẽ rùng mình. Giọng Tuyên vang bên tai:
- Ráng bình tỉnh, Đông ạ. Người chết có gì đáng sợ đâu ?!
- Ghê quá ...
Tuyên cười khẽ :
- Chưa bao giờ Đông thấy cái chết rùng rợn phải không ? Tôi thì quen rồi. Lính mà ! Rồi như nghĩ ra điều gì, anh tiếp- nhưng tôi đào nhiệm không phải vì sợ những cái chết như thế mà vì sự phi lý của chiến tranh...
 
Tôi hiểu điều Tuyên nói. Tuyên là bạn học của tôi năm đệ nhị. Anh đậu tú tài một, vào Thủ Đức. Mấy năm không gặp, khi tôi đến thăm người yêu, trung úy Vinh ở Đại đội biệt lập 378 trấn thủ cầu SÀI GÒN thì gặp Tuyên ở đó, cấp bậc...hạ sĩ vì tội đào ngũ...Nghe nói gia đình Tuyên phải chạy dữ lắm cậu ấm mới được cho về làm lính kiểng ở đại đội 378, đại đội giữ cầu SÀI GÒN, thay vì phải đi lao công đào binh!
 
Tôi nhìn xéo qua Vinh đang nằm bất động. Anh đã được băng bó qua loa. Xe dằn ổ gà làm Vinh nhăn mặt. Có cảm tưởng anh rất đau đớn. Tôi hỏi Tuyên :
- Vinh nặng lắm không ?
- Chắc nhẹ thôi. Máu ra hơi nhiều nhưng không trúng chỗ nhược .
 
Tôi lại rùng mình. Nếu trúng chỗ nhược?! Có nghĩa là trên xe bây giờ không chỉ có xác người lính lạ. Tôi nhìn về phía anh ta, quân phục Nhảy dù. Cái mũ đỏ rơi đâu mất nhưng cấp bậc Trung sĩ vẫn còn trên vai. Có lẽ anh ta cũng trúng pháo như Vinh nhưng gần hơn. Miểng pháo đã làm lọt tròng mắt và hầu như nát bấy cơ thể. Một bên hàm bay đâu mất làm cho phần mặt còn lại thêm dễ sợ.
- Chị rất can đãm, nếu không, anh Vinh đã phải nằm lại bện kia cầu...
-Phản xạ tự nhiên thôi. Lúc đó tôi thấy mình có trách nhiệm và không thể quỵ xuống đất dù rất muốn...
Tuyên gật :.
- Biết chứ. Chị đã suýt lịm đi khi tôi nhìn thấy.
- Chúa ơi ! Tôi chưa bao giờ ở vào hoàn cảnh nầy.
Tuyên cười buồn :
- Một đời chỉ cần một lần là đủ !
Anh thở ra, nói thêm :
- Chắc tan hàng quá !!
- Anh nghĩ vậy à ??
- Không nghĩ cũng không được. Như thế nầy rồi thì còn đánh đấm gì nữa? Có ai nghĩ là họ dám đến SÀI GÒN...
- Hồi Mậu thân cũng tràn vô ì xèo rồi rút. Anh quên sao?
- Hồi đó khác. Lich sử ít khi lâp lại!
- Tuyên có về lại đơn vị không ?
- Nếu có thể được.
Tôi hốt hoảng :
- Vậy là sao ?
- Chị không nghĩ giờ nầy V. C đang ngồi trong lô cốt phòng thủ à ?! Sau một trận đụng độ như thế, chuyễn gì lại không thể xảy ra...
Tôi im lặng. Tuyên có lý. Họ đã vào. Mình đã bỏ! Tôi lắp bắp :
- Nếu...Nếu trở lại được, anh phá cái tủ nhỏ trong lô cốt của Vinh, lấy ít đồ đạc về dùm...- Tôi hơi ngập ngừng...- Anh Tuyên tìm dùm cái đồng hồ Rolex tôi để ngăn nhỏ trong tủ, và cái hộp...
Tuyên ngắt lời :
- Tôi sẽ mang về cho Đông mọi thứ; yên tâm.
 
Xe đến TYV Cộng Hòa, chạy vào con đường lớn rồi rẽ sang phòng cấp cứu. Tuyên phụ với người tài xế khiêng Vinh xuống. Tôi lóng ngóng đứng bên cạnh. Tôi đã thoát cảnh ngồi chung xe với xác chết, nhìn cái xác lạnh cứng đông đặc máu nghiêng qua lắc lại...
Vinh sắp được cấp cứu. Tôi thở môt hơi như trút được nỗi kinh hoàng! Nhưng một nỗi lo khác ập đến...Nặng nề hơn...Tối tăm hơn...
 
Tôi hỏi một cô y tá trong khi Tuyên đi tìm bác sĩ Châu:
- Bịnh nhân cấp cứu ở phòng nào, hả cô?
- Vào hôm nào ?
Tôi chỉ Vinh:
- Bạn tôi. Mới bị thương!
- Không còn chỗ cho bệnh nhân mới. Thương binh chuyển về tới tấp. Bây giờ phải đặt giường ở hành lang nằm đỡ.
Tuyên đã trở lại với Bác sĩ Châu. Ông nhăn nhó nhìn lớp thương binh vừa tải về nằm la liệt ngoài hành lang phòng câo cứu. Tuyên giới thiệu :
- Chị Đông, bạn gái trung úy Vinh. Chị ấy đã rất dũng cảm hộ tống Vinh chạy loạn.
- Nói nghe anh hùng quá. Lúc đó tôi sợ quá hoá liều, bác sĩ ạ.
- Tôi hiểu. Nhưng đó là một cú liều đáng nhận huy chương. Nào, ông xoa tay vào nhau, phòng không còn chỗ cho một...con gián! Nhưng yên tâm. Sẽ sắp xếp mọi thứ...
Ông nhìn lướt qua tôi:
-Chị có thể về nhà nghỉ ngơi. Cần lấy lại sức khỏe sau một chấn động như thế. 
 
Tôi dừng lại với Tuyên một phút. Rồi gọi xe ôm. Từ TYV Cộng Hòa về SÀI GÒN, không cyclo nào dám đi. Con đường Võ Di Nguy dài mút mắt. Gió thổi phần phật làm bay tóc. Bây giờ tôi mới thấy lạnh. Cái áo cánh mặc vội không đủ che gió. Tôi nhìn hai bên đường. Lâu rồi, tôi không đi con đường nầy. Ngày còn là cô nữ sinh trung học, tôi và bạn bè hay vào TYV CỘNG HÒA ủy lạo thương binh hoặc hiến máu giúp chiến sĩ. Trung tâm tiếp huyết nằm cạnh TYV...
 
...Trên mặt người qua lại đập vào mắt tôi là vẻ hoang mang, hốt hoảng! Xe đến nhà, tôi bảo dừng lại vô nhà lấy tiền vì chẳng có đồng nào trong túi! Mẹ và các em ùa tới quanh tôi. Thu kêu lên :
- Chị sao vậy?
Tôi nhìn Mẹ :
-Cho con hai ngàn trả tiền xe.
 
Tôi khoát tay ra hiệu đừng hỏi gì thêm....Nước mắt đột nhiên trào ướt má. Tôi ngồi sụp xuống divan rồi nằm soãi ra. Thu ra dấu cho mẹ đừng hỏi, để mặc tôi khóc!...Tôi như không còn biết có ai quanh mình. Con đường bằng những thanh thép tròn ghép nhau dưới dạ cầu SÀI GÒN...khẩu súng trường nặng trĩu trên tay.. Nói dại lúc đó muốn bắn cũng chẳng biết nhắm cho trúng đích! Vậy mà cũng hù được người ta cõng Vinh qua hết cầu. Rồi mới biết không phải người ta sợ. 
 
Người ta biết mình...không biết bắn !! Những bóng đen lố nhố chẳng phân biệt bạn hay thù!. Tôi đã tránh đạn pháo sau một cây cột cầu lớn...và nếu pháo rơi phía bên tôi núp ?!Có gì nữa nhỉ? Cũng như người lính tôi đã nhìn thấy...Có thể còn ghê hơn nữa...Nhưng nghĩa lý gì nữa đâu ??
 
Nhìn gương mặt mọi người đang lo lăng, tôi nói :
- Cầu SÀI GÒN bị đánh. Đơn vị anh Vinh tan hàng !
- Lạy Mẹ ! Cầu SÀI GÒN...
Tiếng kêu não nuột của Mẹ làm cảm xúc cuối cùng trong tôi òa vỡ! Sự rã rời ập đến...Tôi không còn trụ nổi nữa...
 

Đó là Một ngày trong đời tôi! Một ngày của nhiều cuộc đời người SÀI GÒN, Miền Nam 50 năm trước. Tôi đã trôi triền miên qua bao thăng trầm! Qua bao trại giam! Qua những ánh mắt hận thù của người cùng nòi giống ngay chính trên quê hương mình...
 
50 năm! Còn nguyên khát khao Một Thời SÀI GÒN yên bình, hạnh phúc ! 50 năm! Vẫn còn đó những đêm buồn mơ ánh hỏa châu. Giấc mơ thanh bình chỉ có trong chiến tranh...Tất cả trở thành ảo ảnh khi im tiếng súng...
 
Và bây giờ...Thỉnh thoảng đi qua cầu SÀI GÒN, tôi lại nhớ đến chiếc cột dưới dạ cầu, đã che tôi khỏi những mảnh đạn pháo. 
Nơi Đại đội biệt lập 378 trấn giữ SÀI GÒN... một ngày... 28/4/1975...4 giờ sáng...
Sài Gòn- Một ngày với ký ức -28/8/2024
Ảnh ST & Xin cám ơn

No comments: