------------
Barry R. Mccaffrey đại tướng (4 sao) lục quân Hoa Kỳ. Khi còn là sĩ quan trẻ, đã phục vụ tại Việt Nam năm 1966-1967 với tư cách sĩ quan cố vấn trong binh chủng Nhảy dù VNCH. Năm 1968-1969 ông được chuyển qua Sư đoàn 1 không kỵ (kỵ binh không vận) làm đại úy đại đội trưởng xung kích thuộc tiểu đoàn 2, trung đoàn 7 kỵ binh không vận. Khi về hưu, ông tham gia chính phủ Tổng thống Clinton, và là bình luận viên an ninh quốc gia cho NBC News.
Bài viết đăng trên báo The NewYork times ngày 8 tháng 8 năm 2017, nói lên cảm tưởng của ông về những chiến sĩ Nhảy dù của Quân Lực VNCH.
Đại úy Mccaffrey tham chiến tại Việt Nam và Đại tướng Mccaffrey
Tôi đến Việt Nam vào tháng 7 năm 1966, qua năm sau đổi sang sư đoàn Nhảy dù VNCH với tư cách là sĩ quan cố vấn. Đó là năm cuối cùng chúng tôi nghĩ chúng tôi đã chiến thắng. Cũng là năm cuối chúng tôi có thể định nghĩa thế nào là chiến thắng. Một năm đầy lạc quan, quân đội Hoa Kỳ gia tăng sức mạnh và tham chiến nhiều hơn người Việt, đồng thời cũng bị thiệt hai nhiều hơn.
Cuối năm 1967, có 486.000 quân Mỹ trong trận chiến. Số lính Mỹ tử trận tăng gấp đôi năm 1966. Trong mọi chuyện, sự hy sinh, can trường và tận tụy của quân đội Nam Việt Nam hầu như không được nói đến ở chính trường Hoa Kỳ, cũng biến mất khỏi sự hiểu biết của báo chí và truyền thông.
Sư đoàn Nhảy dù của Nam Việt Nam là đơn vị tinh nhuệ, ưu tú, tôi tham chiến với vai trò phụ tá cho cố vấn trưởng của tiểu đoàn. Vào năm 1967 binh chủng nhảy dù với đồng phục ngụy trang và chiếc beret màu đỏ nổi bật, quân số tăng lên 13.000 người, tất cả đều tình nguyện.
Những ai trong bọn tôi được vinh hạnh chiến đấu bên họ, phải kinh ngạc vì họ can đảm và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ chiến thuật. Các sĩ quan cao cấp và hạ sĩ quan đều có năng lực và được rèn luyện ở chiến trường. Người ta quên rằng những quân nhân nầy từng tham chiến từ 1951, trong khi chiến trường Việt Nam còn mới mẻ đối với người Mỹ.
Là sĩ quan cố vấn, bọn tôi vừa là sĩ quan tham mưu, vừa là sĩ quan liên lạc từ cấp tiểu đoàn lên đến cấp lữ đoàn.
Một năm trời chuẩn bị ở California, bao gồm 16 giờ mỗi ngày học về văn hoá và ngôn ngữ Việt Nam tại Học viện Ngôn ngữ Quốc phòng. Sau cùng, tuy không lưu loát, tôi nói được tiếng Việt đàm thoại.
Tại Fort Bragg, N.C., chúng tôi phải học chiến thuật chống nổi dậy và được huấn luyện các loại võ khí thời kỳ thế chiến II, quân đội Việt Nam đang dùng.
Huy hiệu binh chủng Nhảy Dù: Trên nón, vai áo, túi áo.
Vai trò chúng tôi trải rộng từ phối hợp pháo binh và không yểm (gọi phi cơ yểm trợ), sắp xếp các chuyến trực thăng vận và không vận tản thưởng, cung cấp tin tình báo cũng như yểm trợ tiếp vận.
Chúng tôi không ra lệnh, và cũng không cần làm thế. Bọn tôi ngưỡng mộ các sĩ quan Việt Nam ngang cấp, họ rất vui khi người Mỹ và hỏa lực mạnh mẽ của Mỹ bên cạnh.
Chúng tôi ăn chung và nói cùng một ngôn ngữ với họ.
Bọn tôi hoàn toàn tin tưởng vào người Việt. Tôi thường có một lính dù cận vệ cũng là hiệu thính viên truyền tin.
Thông thường, nhóm cố vấn cấp tiểu đoàn gồm một đại úy bộ binh Hoa Kỳ, một trung úy và một hạ sĩ quan cao cấp, thường là trung sĩ. Các trung sĩ là thành phần nòng cốt. Trong khi sĩ quan luân chuyển ra vào, nhiều anh trung sĩ ở lại với các đơn vị Việt Nam được giao phó đến khi chiến tranh kết thúc, hoặc đến khi họ tử trận, hay bị loại ra khỏi cuộc chiến.
Tôi biết Việt Nam qua kinh nghiệm đẫm máu. Các tàu xung kích Hải quân và trực thăng của Lục quân Mỹ rảy quân chúng tôi vào châu thổ đầm lầy phía Nam Sài Gòn. Cuộc chiến không vinh quang, chiến đấu và chết chìm trong trong dòng nước mặn dơ bẩn. Không phải là cuộc phiêu lưu tôi nghĩ đến khi còn trong trường Biệt động quân. Đại úy (xếp của tôi), sĩ quan cố vấn thâm niên, một quân nhân nhà nghề và đầy khả năng đã tử trận. Khi trở về căn cứ, tôi giúp mang thi hài ông ra khỏi trực thăng. Chỉ mới bắt đầu.
Bốn tháng bên cạnh lính dù, tôi tham gia trận đánh lớn đẫm máu, yểm trợ các đơn vị TQLC Hoa Kỳ bắc Đông Hà, gần duyên hải phía bắc của Nam Việt Nam. Hai tiểu đoàn trong số bốn tiểu đoàn của tôi được trực thăng vận vào vùng Phi quân sự, mục tiêu để kiểm soát lực lượng đáng kể của Bắc Việt đang xâm nhập miền Nam.
Ba ngày chiến đấu dữ dội và đẫm máu, cố vấn cao cấp của tôi tử trận. Thượng sĩ Rudy Ortiz bị đạn bắn lỗ chỗ từ đầu tới chân, anh là hạ sĩ quan có can đảm phi thường. Anh kêu tôi nạp đạn vào cây M16, rồi để trên ngực hầu anh cùng mọi người "chiến đấu cho đến chết" (anh may mắn sống sót sau đó).
Tổn thất lên số hàng trăm và chúng tôi hầu như bị cộng quân tràn ngập. Nhưng lính dù Việt Nam vẫn bền chí chiến đấu.
Vào thời điểm nghiêm trọng, chúng tôi đã phản công với yểm trợ của không quân và hải pháo (pháo binh từ tàu bắn vào). Vị tiểu đoàn phó người Việt đứng thẳng lưng, băng qua lằn đạn súng máy đang bắn dữ dội, tới hố cá nhân của tôi nói:
‘Trung úy, giờ chết đã điểm rồi’.
Tôi thấy ớn lạnh khi nhớ những lời nói đó.
Trong chiến đấu, lính Việt Nam không chấp nhận bỏ lại đồng đội ngoài chiến trường dù chết hay bị thương, cũng không bỏ mất vỏ khí.
Trong một trận khác, Tommy Kerns bạn học cùng lớp ở West Point (trường võ bị của Hoa Kỳ tương tự như Võ bị Đà lạt của VNCH), anh là cầu thủ khổng lồ của đội football (bóng bầu dục) Lục quân, bị thương nặng và kẹt trong chiến hào, trong khi tiểu đoàn dù của anh đang cố gắng phá vòng vây đông đảo của quân Bắc Việt.
Những người lính dù chung quanh Tommy đều nhỏ con, không kéo nổi anh ra khỏi chiến hào chật hẹp. Thay vì rút lui và bỏ Tommy lại, họ bám chặt vị trí, giao chiến quyết liệt và đánh bại quân Bắc Việt. Tommy sống sót nhờ những người lính can trường.
Lính Dù tại mặt trận Khe Sanh.
Sư đoàn Dù và các cố vấn Mỹ đóng căn cứ trong Sài Gòn hoặc hoặc vùng ngoại biên. Chúng tôi thích năng lực và niềm vui của thành phố, yêu thích văn hóa, ngôn ngữ và người dân Việt.
Bọn tôi rất hãnh diện về vai trò bên cạnh các Mũ đỏ.
Chắc chắn cả thế giới đang khao khát được công tác như bọn tôi - chúng tôi cùng chiến đấu với đội quân ưu tú của nước Việt. Xem ra tụi tôi có rất nhiều tiền nhờ tiền lương lính dù và tác chiến. Được sống trong khu nhà có máy điều hòa không khí. Đám sĩ quan trẻ rất ngông cuồng và hiếu thắng.
Các đại tá và trung tá điều khiển sĩ quan cố vấn, lớn tuổi hơn, trầm tĩnh hơn và chai sạn trên chiến trường, họ là lính dù đã trải qua những trận đánh ác liệt hơn hồi đại chiến thứ II và chiến tranh ở Đại hàn.
Cuộc sống của sĩ quan cố vấn Sư đoàn Dù khó đoán trước. Sư đoàn Dù là đơn vị trừ bị chiến lược, sẽ được tung vào chiến trường khi các chỉ huy trưởng thấy cần. Giữa đêm khuya cả tiểu đoàn hoặc có khi nguyên lữ đoàn Dù được báo động hành quân khẩn cấp.
Chúng tôi ngồi chật nứt trong lòng phi cơ vận tải của Hoa Kỳ, hay của Không quân Việt Nam với đông cơ nổ ầm ỹ, đậu nối đuôi hàng dài trên phi đạo Tân sơn Nhất, gần Sài Gòn. Cấp số đạn được giao cho từng người, đôi khi cấp cả dù đeo lưng. Kế hoạch tác chiến được vội vàng thông báo.
Và sau đó là trận chiến dữ dội, các tiểu đoàn được chuyển tới bất cứ nơi nào cần. Nhảy Dù đi bất cứ đâu trên lãnh thổ quốc gia, và nhảy xuống giữa lòng hỏa lực địch. Sau những lần hành quân như vậy, trong đơn vị tôi, nhiều cố vấn Mỹ và hàng trăm lính Dù ra đi không trở lại.
Tôi thấy khuôn mặt trẻ của: Đại úy Gary Brux. Đại Úy Bill Deuel, Trung úy Chuck Hemmingway, Trung úy Carl Arvin, hiệu thính viên truyền tin rất trẻ Binh nhì Michael Randall. Tất cả đều chết. Can đảm. Kiêu hùng.
Việt Nam không phải là chiến trận đầu tiên. Sau khi tốt nghiệp West Point, tôi gia nhập Sư đoàn 82 Dù, can thiệp vào Cộng hòa Dominican năm 1965.
Chúng tôi chuyển quân lên đảo quốc và dẹp tan cuộc nổi dậy kiểu Cộng sản bắt chước theo Cuba, sau đó ở lại trong vai trò lực lượng gìn giữ hòa bình của tổ chức Các quốc gia Mỹ châu (Organization of American States)
Cứ tưởng như vậy là chiến đấu, lúc trở lại Fort Bragg, bọn tôi hăng hái xin đi Việt Nam. Một số thiếu úy cùng tiểu đoàn bộ binh với tôi, chạy xe đến tận Bộ tư lịnh Lục quân ở Washington, tình nguyện chiến đấu tại Việt Nam. Họ e bỏ lỡ cuộc chiến.
Giờ đây mọi người đều biết câu chuyện kết thúc như thế nào.
Hai triệu người Việt đã chết.
Hoa Kỳ tổn thất 58,000 và 303,000 người bị thương. Nước Mỹ rơi vào cuộc nội chiến chính trị rối loạn, cay đắng. Khi ấy, chúng tôi không hay biết gì về chuyện này. Tôi rất hãnh diện đã được chọn để phục vụ đơn vị Nhảy Dù Việt Nam.
Người vợ mới, xinh đẹp, người tôi yêu mến, biết tôi phải ra đi. Cha tôi, một tướng lãnh Lục quân sẽ lấy làm danh dự nếu tôi tử trận.
Mọi chuyện đã hơn 50 năm trước đây. Những người lính Dù Việt Nam sống sót sau sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam đã trốn thoát qua Campuchia, hoặc trải qua một thập niên trong các “trại cải tạo” rất tàn bạo.
Sau rốt hầu hết cũng tới được Hoa Kỳ.
Hiệp hội các cố vấn và chiến hữu Việt Nam được thành lập. Bia tưởng niệm về những nỗ lực của chúng tôi đặt tại Nghĩa trang Quốc gia Arlington. Hàng năm, bọn tôi quy tụ về đây tưởng nhớ lại lúc đã từng chiến đấu bên nhau. Chúng tôi đội những chiếc mũ beret đỏ. Cười vang chuyện xưa, nhưng cũng buồn sâu sắc vì quá nhiều mất mát, cuối cùng không còn lại gì.
Bia đánh dấu tại nghĩa trang Arlington dành cho chiến sĩ Nhảy Dù VNCH và các cố vấn đã hy sinh.
Dòng chữ trên bia tưởng niệm:
Thương tiếc những Anh Hùng Biệt Kích đi không về
Mục tiêu nóng Juliet – Nine, Attopeu, Lào
Dedicated to the memory of the paratroopers (Mũ Đỏ) of the Vietnamese Airborne Division (Sư đoàn Nhảy Dù) and their advisors (Cố vấn), The Red hats and Red markers of Advisory Team 162, Military Assistance Command Vietnam (MAC-V) who fought for freedom and democracy in Vietnam 1960-1975
"Airborne all the way"
"Nhảy Dù cố gắng"
Nhiều người hay hỏi tôi học bài học gì ở Việt Nam.
Ai đã từng chiến đấu bên cạnh Sư đoàn Nhảy Dù Việt Nam không bao giờ hỏi như vậy.
Mọi điều chúng tôi nhớ và biết là sự can đảm bền bỉ và quyết tâm của những chiến sĩ có cấp bậc khiêm nhường nhất của Nhảy Dù Việt Nam, luôn xông lên phía trước ở chiến trường.
Không có đền kỷ niệm nào dành riêng cho họ ngoại trừ trong tâm tưởng của chúng tôi.
Sĩ quan hành quân (S-3), tình báo tác chiến (S-2) thuyết trình hôm 19 tháng Mười Hai năm 1968, trên căn cứ hành quân tiền phương (FOB-2) Kontum, phác họa ra một số mục tiêu cho các toán biệt kích SOG xâm nhập, dò thám: T-7 “Ban Blade”, J-3 “Little June”, I-6 “Hip Shot”. Nhiệm vụ cho ngày hôm đó là đưa một toán biệt kích SOG 9 người, xâm nhập mục tiêu H-6. Toán biệt kích sẽ mang danh hiệu “Little John”.
Sau khi toán biệt kích xâm nhập, báo cáo về là khu vực hành quân an toàn. Phi đoàn trực thăng vũ trang 361 “Con Báo” (Panther) được lệnh bay đến mục tiêu Juliet-Nine phá xập một chiếc cầu gỗ trên đường 96.
Chiếc cầu này được bọn cộng quân ngụy trang rất khéo, phi cơ thám thính “Covey” (FAC) không thể nhận ra. Chiếc cầu dài khoảng 30 thước, bắc ngang sông Dak Xou, cách “The Bra”, nơi giòng sông uốn quanh khoảng 300 thước về hướng tây.
“The Bra” rất quen thuộc với phi công và các toán biệt kích trong đơn vị SOG. Vì điạ hình khu vực rất đặc biệt, trông rất rõ từ trên không, nên các phi công thường dùng “The Bra” để định hướng, khi bay trên những cánh rừng mênh mông trên đất Lào. Thêm vào nữa, khu vực này khuyến cáo các phi công, cũng như biệt kích phải cẩn thận, “The Bra” là một điểm nóng trên hệ thống đường mòn hcm, có nhiều hoạt động của quân đội Bắc Việt.
Toán biệt kích SOG xâm nhập vào mới khám phá ra chiếc cầu gỗ, được ngụy trang rất kín đáo dưới những tàng cây cao. Nằm cách vị trí (con đường) chính để băng qua sông chừng 200 thước về hướng bắc. Con đường chính băng qua sông là những lớp đá, bê tông, sắt đặt ngầm dưới mặt nước phi cơ quan sát không thể trông thấy được.
Đường 96, trước đó là một trong những con đường chính ở bên Lào nhưng sau này trở thành một phần trong xa lộ “Bắc-Nam” nối vào hệ thống đường mòn hcm. Đường 96 hiện ra rất rõ trên bản đồ, cũng như được nhìn thấy từ trên không, nên bị Không Quân Hoa Kỳ thả bom thường xuyên.
Nhưng con đường lại được bọn chúng sửa chữa (lấp hố bom) nhanh chóng cho những đoàn xe vận tải Molotova chở quân xâm lược Bắc Việt cùng với đồ trang bị tiếp vận vào xâm lăng miền Nam Việt Nam. Bọn chúng thường di chuyển ban đêm để tránh bị phi cơ oanh kích. Đường 96 đến giòng sông Dak Xou, tẻ ra nhánh đường 110, uốn quanh theo “The Bra”, đâm vào vùng cao nguyên, Nam Việt Nam.
Phi Đoàn 361 Trực Thăng đã làm việc hàng ngày với đơn vị SOG từ tháng Chín năm 1968 và đã quen với nhiệm vụ hành quân. Sau khi thả toán biệt kích xâm nhập, các phi công “Panther” bay tìm xe cộ của địch đang di chuyển trên đường, bãi đậu xe, thuyền bè di chuyển trên sông để tấn công. Trước đó một tháng tháng Mười Một), cà hai phi đoàn trực thăng 361 và 57 đã bay những phi vụ khó khăn nơi phiá bắc mục tiêu “The Bra”.
Cả hai Phi Đoàn 361 “Panther” và 170 “Bikini” đều rơi một trực thăng ngày 1 tháng Mười Hai. Ngày hôm đó sau trận B-52 thả bom trên binh trạm 37, BCH Tiếp Vận của địch gần chiếc cầu trên đường 96, trực thăng thuộc hai Phi Đoàn 361 và 170 đưa một toán biệt kích vào thám sát khu vực đánh bom.
Khi còn cách mục tiêu khoảng nửa dặm, các trực thăng hạ thấp cao độ bay trong đám bụi khói, hoang tàn đổ nát do B-52 gây ra, súng phòng không của địch bắn lên trúng trực thăng chở quân (Slick, Phi Đoàn 170), trong khi toán biệt kích SOG vẫn còn trên trực thăng. Chiếc “slick” phải đáp khẩn cấp xuống nơi hướng bắc cách mục tiêu chưa đến một cây số, và về bên trái con đường chính khoảng 75 thước.
Hai trực thăng võ trang “Panther” bao vùng tấn công mấy ổ súng phòng không của địch để cho chiếc “slick” (chase, bay theo dự trù) bay vào cứu phi hành đoàn cùng toán biệt kích. Chiếc trực thăng võ trang dẫn đầu (chính, chỉ huy) do Đại Úy Harold Goldman lái và Chuẩn Úy Mark Clotfelter ngồi ghế phụ, trúng đạn đại liên phòng không 12.7 ly rơi xuống đất.
Sau khi cứu được phi hành đoàn chiếc “slick” cùng toán biệt kích, tai tôi nghe những tiếng “bíp”, tín hiệu cấp cứu của đại úy Goldman đánh đi. Tôi bay dò theo tiếng tín hiệu cấp cứu, đúng lúc trông thấy Đại Úy Goldman cùng Chuẩn Úy Clotfelter được một chiếc “slick” đáp xuống đám cỏ tranh cứu thoát. Chiếc trực thăng võ trang Cobra còn lại có nhiệm vụ bắn tiêu hủy chiếc Cobra bị rơi, trước khi hộ tống mấy chiếc “slick” bay về căn cứ hành quân tiền phương Dak To.
Sau khi thả toán biệt kích “Little John” êm xuôi., toán biệt kích báo cáo “OK”, phi cơ quan sát FAC “Covey” cũng cho biết cả ba toán biệt kích đang hoạt động đều êm xuôi, cho lệnh chúng tôi bay đến tấn công mục tiêu thứ hai, chiếc cầu gỗ bắc qua sông Dak Xou. Ngoài hai chiếc Cobra (Phi Đoàn 361), có thêm một Huey “Bikini 29” (Phi Đoàn 170) bay theo, đề phòng trường hợp cấp cứu. Chúng tôi bay thấp, theo đường 96 lên hướng bắc, ngang qua những khu rừng bị bom đạn tàn phá đến mục tiêu.
Bay với cao độ thấp, chúng tôi nhìn rõ chiếc cầu gỗ nằm ẩn dưới những tàng cây lớn. Tua (tour, pass) đầu tiên, chúng tôi đánh xập một chân cầu. Đến tua thứ hai, khi tôi chúi mũi chiếc trực thăng xuống, thì nghe những tiếng súng tiểu liên bắn lên, có lẽ từ những tên lính gác cầu. Chiếc Cobra thứ hai do Trung Úy Paul Renner ngồi ghế phi công, báo cho tôi biết bẻ cua gắt, bay ra khỏi mục tiêu.
Tiếp theo, là hàng loạt súng đủ loại bắn lên, trong đó có cả phòng không 12.7 ly và 37 ly. Cả trăm tên lính Bắc Việt từ trong những đám cỏ tranh đứng dậy chiả súng AK-47 bắn xối xả lên trực thăng.
Khi tôi lấy cao độ, vòng lại chứng kiến chiếc Cobra của Paul Renner chúi xuống bắn hỏa tiễn, bọn lính Bắc Việt vừa chạy vừa bắn khắp nơi trong bãi cỏ tranh. Chiếc Cobra trúng đạn, tiếp tục đi xuống, cánh quạt trực thăng chém mạnh vào mặt đất, gẫy văng ra chỗ khác. Tôi điều khiển chiếc trực thăng bay thấp để tránh đạn phòng không, trong khi phi công phụ Mark khai hỏa khẩu đại bác 40 ly xung quanh chiếc Cobra bị rơi của Paul và Ben.
Tôi gọi chiếc “slick” trên hệ thống truyền tin, hy vọng có người nghe được “Bikini 29, đây Panther 16, chúng tôi có một chiếc bị rớt trong khu vực ‘Bra’, cần được tiếp cứu”. Và được phi công lái chiếc “slick” Ken Harper trả lời ngay tức khắc “Roger đang vào”.
Tôi vẫn phải tiếp tục bay vòng, bắn xung quanh chiếc Cobra bị rơi, ngăn ngừa lính Bắc Việt đang hò hét tiến đến chỗ chiếc trực thăng. Trong bãi cỏ tranh, Paul đang cố gắng lôi viên phi cộng phụ Ben ra khỏi chiếc trực thăng, rồi chiếc “slick” bay thật nhanh vào đáp bên cạnh, cứu cả hai viên phi công chiếc Cobra. Chiếc Cobra của tôi cũng trúng đạn, lúc đó hệ thống điện bị hỏng, không còn liên lạc được nữa.
Về đến căn cứ hành quân tiền phương Dak To, leo ra khỏi chiếc trực thăng, tôi trông thấy một lỗ đạn to khoảng 6 inches. Như vậy địch có đại liên phòng không 12.7 ly trong khu vực chiếc cầu gỗ. Nhìn xung quanh, chiếc “Bikini 29” đáp ngay trước ban Quân Y, không thấy Ben (phi công phụ của Paul), tôi nghĩ chắc có chuyện... lớn.
Tôi vào trong hầm Quân Y, tình trạng của Ben nguy kịch, bộ quần áo phi công của Paul dính đầy máu, kiệt sức. Bốn người gồm có bác sĩ, y tá xúm lại xung quanh Ben, cố gắng đủ mọi cách để cứu sống Ben... Đến lượt chúng tôi đứng xung quanh Ben, người buồn nhất có lẽ là Paul, đã mất biết bao sức lực để mong cứu sống người bạn.
Sau đó, tôi với cương vị phi công trưởng phi tuần, đi theo một nhân viên y tá... làm những thủ tục cuối cùng cho Ben, nhân diện, nhận những vật dụng cá nhân của Ben, để trả về cho gia đình anh... Nước mắt tôi tuôn ra, khó khăn mới ký xong mấy thứ giấy tờ cho Ben.
Khi chúng tôi ra khỏi hầm quân y, một đám đông đang bu quanh, xem xét chiếc Cobra trúng đạn, họ xầm xì bàn tán... Ben Ide mới xin đổi đến Phi Đoàn 361 Cobra được hai tuần, từ một đơn vị trực thăng Lục Quân, vẫn còn đang hoạt động trong khu vực Tân Cảnh, Dak To. Tánh tình Ben dễ thương, có nhiều bạn... Tôi định bước đi, bỗng một viên phi công cùng đơn vị cũ với Ben chạy lại hỏi tôi... Những điều bàn tán xôn xao có đúng không? Ben có bị nặng lắm không? Nhưng nhìn qua khuôn mặt của ba chúng tôi, chắc anh ta cũng hiểu...
Ngồi trên sàn chiếc “Bikini”, là hành khách đuợc đưa trở về căn cứ trong phi trường Holloway, Pleiku, nỗi buồn mới thấm thiá. Lúc ra đi bốn phi công trên hai trực thăng tấn công Cobras, lúc trở về chỉ còn ba người và phải đi “ké” trực thăng. Chúng tôi, ngồi lặng lẽ, không ai buồn lên tiếng, dầu chỉ một lời... Chúng tôi phải cám ơn phi công chiếc “slick” này, nếu không, sẽ không một ai quay trở về.
Phi công “slick” thả ba đứa tôi xuống trước Bộ Chỉ Huy Phi Đoàn 361. Bạn bè trong đơn vị đã chờ sẵn, bước lại an ủi, dẫn đầu là Thiếu Tá Robert “Jim” Rogers, cấp chỉ huy của chúng tôi, một người đáng kính phục, sẵn sàng “sống chết” với đàn em, thuộc cấp. Tôi đứng cách đám đông khoảng ba thước, với giọng nói nghẹn ngào, báo cáo về nhiệm vụ, chuyện xẩy ra cho hai chiếc Cobras, chuyện xẩy ra cho Ben...
Thiếu Tá Rogers lúc nào cũng hiểu, bao che cho đàn em, ông ta hiểu những chuyện xẩy ra trên chiến trường, rất nhanh chóng... không điều khiển được. Sự ra đi của Ben là điều... nặng nề nhất trong tim mọi người. Tiếp lời tôi, Thiếu Tá Rogers cũng bằng gịong nói buồn, nhỏ nhẹ, chậm chạp, ông ta nói rằng trong chiến tranh... phải chấp nhận sự mất mát... Đó là những điều chúng ta chẳng làm gì được hơn.
Cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ lại những chuyện xẩy ra hôm đó, thương tiếc Ben và thầm cảm ơn Thiếu Tá Rogers, cấp chỉ huy của tôi, rất bao dung, tử tế, rộng lượng đối với đàn em. Đó là những tổn thất trong chiến tranh, Ben là một trong những người đầu tiên ra đi, sau đó còn nhiều nữa. Mark và tôi lại có dịp... ngồi trên sàn trực thăng “slick” trong tháng Giêng sắp tới, nhưng đó là câu chuyện khác.
Có rất nhiều bài học cay đắng và Thiếu Tá Rogers lại phải an ủi, động viên tinh thần tôi trước sự... ra đi của phi công phụ Mark Clotfelter, và Michael Mahowald trong tháng Bẩy năm đó.
Garry S. Higgins – VDH
No comments:
Post a Comment