Saturday, August 31, 2013

• Kẻ Săn Vàng Hồi Ký của Vương Mộng Long

Kẻ Săn Vàng 

Hồi Ký 

của Vương Mộng Long

Tân Sơn Hòa chuyển

BĐQ Vương Mộng Long tốt nghiệp khóa 20/TVBQGVN. Anh phục vụ tại LĐ2/BĐQ từ khi ra trường cho đến đầu tháng 4-75.Cấp bậc, chức vụ sau cùng: Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng, TĐ82/BĐQ - Anh đã bị CS giam giữ 13 năm, qua các trại tù từ Nam ra Bắc.

        Anh chị được 4 cháu, gia đình hiện đang sinh sống tại Seattle, WA - Ngoài những chiến công thời trai trẻ, điều đáng khâm phục nơi anh là tuy định cư muộn, anh vẫn theo đuổi việc học và đã tốt nghiệp B.A. Social Science & Communication tại University of Washington năm 2003. (Hình chụp tháng 10-74)

***
       Một chiều đầu mùa hè 1989, bên bờ hồ đập thủy điện Trị-An, gió nhẹ và mây quang, mặt hồ gợn sóng, tôi ngồi hàn huyên cùng một ông bạn già cựu hạ sĩ quan QLVNCH. Chúng tôi ngồi nhâm nhi đôi ba chung. Rượu vào lời ra, ông ta biết tôi đã từng đơn thương độc mã vào rừng đào vàng, đào thiếc kiếm cơm trên mỏ vàng Suối-Nho, Gia-Kiệm, mỏ vàng K3, Đơn-Dương và mỏ thiếc Nắp-Bắc (Lap Bé Nord) Đà-Lạt. Thế là tối hôm ấy thằng Hai Thanh, con trai lớn của ông bạn tôi, bái tôi làm thầy, nó đề nghị tôi qui tụ và chỉ huy một "mũi" (tổ làm việc) đi kiếm "xái" (quặng mỏ) trong rừng Hiếu-Liêm. Tôi đang lúc thất nghiệp, nên nhận lời làm đầu lãnh một mũi gồm hai anh thanh niên trốn nghĩa vụ quân sự là Thanh và Hòa (bạn Thanh) và một cậu bé mười lăm tuổi, thằng Út, em của Thanh. Vì tình trạng trộm cắp nơi mỏ vàng, với sự hiện diện của hàng trăm tay chơi anh chị tứ chiếng đủ loại, tôi phải gởi cái bóp giấy tờ tùy thân tại nhà ông bạn già. Lý lịch của tôi được dấu. Trong chuyến đi này bọn bộ hạ gọi tôi là Bác Hai, đôi khi chúng gọi tôi là Bác Hai Bắc-Kỳ. Thằng Ba Chiến, em của thằng Hai Thanh, đang chạy xe thồ và bạn thồ của nó sẽ lo việc chuyển vận chúng tôi vào vùng mỏ. 

       Chúng tôi trang bị hai chỉ vàng rồi lên đường vào Hiếu- Liêm một sớm mai rực rỡ nắng hè. Trong những lần "ra quân" trước đây ở Suối-Nho, Đơn-Dương, Nắp-Bắc, tôi thấy những khu vực khai mỏ đều được xem như "vùng oanh kích tự do" của dân kiếm xái. Chúng tôi đến, đi, chặt rừng, đào núi, lọc quặng, khai mương, ngăn suối, chẳng ai đòi hỏi giấy tờ khai báo phép tắc rườm rà. Lần này chúng tôi cũng được tự do đi về không ai cấm cản, duy có việc chặt rừng, phá núi phải cần một cái giấy phép khai thác rừng của Ủy Ban Nhân Dân xã Hiếu-Liêm (Đồng Nai). Lệ phí chính thức cho một tờ giấy phép chỉ có năm ngàn. Nhưng phải chờ hai, ba tháng sau đơn xin mới được chấp thuận. Trong khi đó giấy phép tuôn ra bên cửa hông thì chỉ một buổi hay một ngày là có kết quả, giá "chui" hơi đắt một chút, hai phân vàng! Tờ giấy phép của UBND xã chỉ có mấy dòng : Cấp cho đương sự quyền khai thác diện tích 10 mét x 10 mét trong rừng Hiếu-Liêm trong thời hạn 30 ngày. 


       Mỏ vàng Hiếu-Liêm cách đập Trị-An (Biên-Hoà) khoảng hai giờ xe thồ, nằm trong một khu rừng nhiệt đới đất đỏ, cây cao, tàn rộng. Nơi này ngày xưa là phần địa đầu chiến khu D của Việt Cộng. Đường lên dốc, xuống đồi quanh co. Ngày chúng tôi lên đường trời trong, gió nhẹ. Trên không có những cánh diều hâu bay lượn vòng vòng. Những con ve sầu đã bắt đầu rả rích bài ca mùa Hạ. Tiếng ve rên rỉ được giữ nhịp bằng tiếng lốc cốc của chim gõ mõ từ trên thân cây bằng lăng mốc thếch. Đàn sẻ rừng ríu rít trong đám cỏ non. Bọn chích choè, chèo bẻo đang xòe đuôi, chí choé chuyền cành đuổi nhau. Trong rừng sâu âm u, vẳng lại tiếng róc rách suối rừng ngọt ngào. Tiết tháng Năm, hai bên đường hoa khoe sắc. Bướm đủ màu bay lượn chập chờn trên hoa. Đường càng lên dốc càng hẹp dần, hương rừng càng ngất ngây. Chỉ cần đưa tay, tôi đã vớt được một cành hoa rực rỡ bên vách núi. Tôi cảm thấy mình đang lạc vào nơi thiên đường bừng bừng sức sống. Ngồi sau lưng thằng Chiến trên yên xe thồ, lòng tôi phơi phới. Miền Nam đang trong mùa hoa nở. Quê hương yêu kiều rực rỡ. Quê hương ta đẹp quá! Lâu lắm rồi tôi mới có cảm giác về vẻ đẹp của quê hương. Tôi hát nho nhỏ một mình nghe, câu ca cũ, "Hoa vẫn nở trên đường quê hương. Ôi! quê hương ta đó!..." 


       Trước khi tới khu khai thác, chúng tôi phải xuống xe vượt bộ qua một cái dốc khá cao. Trời chợt đổ mưa, đường dốc, trơn trượt, phải mất cả nửa giờ chúng tôi mới lên tới đỉnh dốc. Nơi đỉnh dốc, thằng Thanh chỉ cho tôi thấy một nấm đất to như cái lô cốt và gọi đó là mả cậu Linh. Có vài người đang thì thụp khấn vái trước mả ra chiều thành khẩn lắm. Hoa quả, vàng mã, chất đầy mặt đất, mà đèn nhang thì nghi ngút mịt mù. Thanh giải thích rằng hiện tượng này mới có cách đây chừng một tháng thôi. Số là một hôm có cậu bé 16 tuổi trúng mạch được cả chục cây. Bạn cùng mũi với cậu ra về ngay sau khi chia chác. Cậu còn nấn ná đãi đằng bạn bè vài ngày sau mới dứt áo ra đi. Giầu rồi, cậu không hẹn trở lại. Cậu ôm vàng trước bụng và thuê riêng một chuyến thồ về Biên-Hòa vào buổi chiều mưa to gió lớn. Mấy ngày sau, đội xe thồ không thấy anh bạn thồ trở lại. Trên đỉnh dốc có mùi thối bay xa. Người ta tìm thấy xác cậu bé chết rữa trong rừng, ruột gan bị heo rừng moi ra ăn lê lết trên mặt đất, mùi thịt thối nồng nặc cả một khu. Cậu bé bị trấn lột, hạ sát, thủ phạm là anh bạn thồ. Dân kiếm xái thương tình đồng nghiệp nên đã lấp lớp đất mỏng che tấm thân lạnh lẽo của cậu bé đào vàng vắn số. Vài ngày sau mối đất ùn lên khiến cho mộ cậu bé thành một núi đất khổng lồ trong rừng. Khách qua đường ghé thắp nén nhang cầu cho hương hồn cậu sớm phiêu diêu... 


       Người ta đồn với nhau rằng cậu linh thiêng lắm! Ai có thắp nhang, cúng quảy, khấn vái cậu, đều được cậu phù hộ mau trúng mạch, khấm khá ra về. Rồi người ta gọi cậu là cậu Linh. Vì thế cái mả ấy có cái tên là Mả Cậu Linh. Từ dạo ấy, con đường qua dốc đổi hướng, tạt sang bên trái đỉnh dốc vài chục mét để người qua đường tiện ghé thắp nhang vái cậu Linh xin phù hộ độ trì. Một chị bán quán ngoài xã, đã bỏ xã, bỏ quán, vào đây bán nhang đèn, hương hoa, ngay dưới dốc. Chẳng mấy chốc chị phất to, cổ có kiềng vàng, chuyền vàng, tay có nhẫn vàng, vòng vàng. 


       Ở cái mỏ vàng Hiếu-Liêm này mỗi ngày tôi khám phá thêm một điều mới lạ. Mới dẫn "quân" vào vùng được một vài giờ, ăn xong bữa cơm, uống xong bát nước chè tươi, tôi đã thấy ruột mình sôi lên rột rột... rồi thì bụng quặn đau, đi cầu. Đi cầu xong vừa về tới lều, bụng lại lâm râm, lâm râm đau. Thằng cu Hòa dẫn tôi đi gặp ông bác sĩ An để xin thuốc. Ông bác sĩ đóng đô bên bờ suối. Cái chòi của ông chia làm hai ngăn, ngăn ngoài là nơi hành nghề y khoa vỏn vẹn chỉ có một cái chõng tre trên để một cái rương gỗ chứa thuốc men, bông, băng, alcohol, thuốc tím thuốc đỏ. Ngăn trong là tư thất với một cái giường tre, một cái bàn tre đặt cạnh cái bếp làm bằng ba cục đá suối xếp châu đầu thành ông táo. Bếp nhà bác sĩ An lúc nào cũng khói lửa nghi ngút, nồi nước nấu kim chích sôi o...o... suốt ngày. Trước chòi treo một cái biển gỗ cỡ 20 x 40 cm, nền xanh, chữ trắng, "Phòng Mạch Bác Sĩ An". Tụi nhỏ truyền khẩu với nhau, nào là bác sĩ rất giỏi, bệnh gì ổng cũng rành, cũng trị được dứt nọc. Thêm vào đó, nếu bệnh nhân là dân đào xái bị ngã bịnh trước khi chạm xái, bác sĩ cho nợ tiền công và tiền thuốc cho đến khi xái đã lọc xong thành vàng. Bịnh nhân con nợ có thể trả công bác sĩ An bằng vàng hay tiền cũng đựơc. Nếu anh nào "mo" thì ông chữa thuốc thí công (mort, tiếng Pháp có nghĩa là chết, ý nói thất bại). Ông bác sĩ An là người sinh ra ở quê hương của Bác nên giọng ông nói nặng lắm. Năm tôi có cơ duyên gặp ông nơi rừng thiêng nước độc này thì ông đã ở tuổi trên năm mươi. Bà vợ của bác sĩ lại là người miền Nam, còn rất trẻ và trông thật hiền hậu. 


       Sau vài câu xã giao, bác sĩ An nhận ra tôi là người Bắc, ông liền vồn vã hỏi han huyên thuyên: "Này đằng ý ơi! Nhìn cái phong thái của đằng ý, tớ đoán chắc rằng đằng ý không phải tay xoàng. Bộ "bảng đỏ" hả? (bảng đỏ nói lái thành bỏ Đảng) - Vô Nam lâu chưa? Gia đình vợ con ra răng? Bởi lý do chi mà đằng ý phải đày đọa như ri? Tớ cũng là dân "bảng đỏ" (bỏ Đảng) đây! Anh hùng mấy khi gặp gỡ. Ngồi đây tâm sự với nhau chơi, đừng ngại!" Ông bác sĩ bỏ Đảng đâu có biết rằng người đứng trước mặt ông lại là một cựu sĩ quan Tiểu đoàn trưởng Biệt Động Quân của QLVNCH, vừa mới được tha ra từ trại tù cải tạo. Phần thì đang bị đau bụng tháo dạ, phần thì e ngại buổi sơ giao, tôi chỉ ậm ừ cho qua câu chuyện. Sau khi cặp nhiệt, bác sĩ An hỏi tôi rất kỹ về dạng phân, triệu chứng lâm sàng. Anh nói rằng tôi là một trong số ít người có cơ thể nhạy cảm với đồ ăn thức uống có hàm lượng kiềm cao. Tại các mỏ vàng, nước giếng, nước suối có chứa hàm lượng kiềm rất cao (?) Nước suối ở đây uống hơi chát. Nếu pha trà thì nước trà cũng có màu xám xịt. Nước uống chính là nguyên nhân gây ra cái bệnh đường ruột của tôi. Muốn tránh, tôi chỉ cần ngưng uống nước trong khu này thôi, không phải dùng thuốc thang gì cả bệnh sẽ tự nó chấm dứt. Nghe theo lời chỉ dẫn của ông bác sĩ, đêm đó tôi uống nước ngọt loại chứa trong bình hai lít thay cho nước trà. Sáng hôm sau tôi hết bị Tào Tháo rượt. Thế là, cứ vài ngày thằng Chiến lại thồ vào cho Bác Hai một bình nhựa 20 lít nước suối lấy từ ngoài xã.


       Tuy xa thành phố, nhưng trong khu mỏ vàng Hiếu-Liêm này không thiếu thứ gì, từ nước ngọt, bia, rượu, thuốc lá, bánh kẹo, tới rau cỏ, thịt cá, kể cả dụng cụ đào vàng như xẻng, khiên, xà beng, cuốc chim, thuốc nổ C4 dùng phá đá, và thủy ngân (để tách vàng khỏi các kim loại khác). Có cả chục cái quán cóc cung ứng đủ mọi mặt hàng nhu yếu cho dân đào vàng. Thậm chí khi bạn trúng lớn, cần có vũ khí để áp tải số vàng kiếm được về nơi an toàn, bạn cần thuê vài khẩu K54, AK 47, bạn cứ hỏi quán cô Nghĩa là có ngay. 


       Bất cứ "mũi" nào có "bãi" đều có thể mở một trang trong sổ nợ của cô Nghĩa. "Mũi" là một tổ thi công (tổ làm việc), quân số tùy nghi. Có mũi quân số đông cả chục người, khai thác hai ba giếng. Có mũi chỉ có hai cha con của một gia đình. "Bãi" là một khoảnh đất vuông mỗi chiều mười mét không hơn không kém. Muốn có bãi thì dân lùng xái phải đăng ký với xã. Thủ tục đăng ký thì như tôi đã tả ở phần trên: hai phân vàng. Thời buổi này cái gì cũng chi bằng phân, bằng chỉ. Vào tới vùng hành sự, tôi mới phát giác ra rằng chẳng cần ghé văn phòng xã xin giấy đăng ký cho phí thời giờ, mua trao tay tại hiện trường một cái giấy phép với con mộc đỏ chói cũng chỉ ba, bốn phân là cao. Ngay khi chúng tôi vừa hoàn tất công việc phát quang cái bãi mà tôi đã chọn thì một người đàn bà trung niên, giọng nói rặt Bắc-Kỳ 75 tới tìm tôi để ký giao kèo tiếp tế. Từ gạo, thịt, mắm, muối, kem đánh răng, khăn mặt, xà bông cho tới cái lều vải tiểu đội cho bốn thày trò tôi đều được thím Xuân cung cấp. Phí khoản đều ghi vào sổ nợ tên Bác Hai có đóng ngoặc (Bác Hai Bắc- Kỳ). Thím Xuân đồng ý cho chúng tôi thanh toán sau khi cạn giếng, nghĩa là sau khi đã bán xong số vàng dưới lòng đất của cái diện tích mà tôi đang căng lều hạ trại. Mười bốn năm sau chiến tranh, tôi đã sống như một tay săn vàng chuyên nghiệp trong những phim Cao-Bồi Viễn-Tây của Mỹ. Đây là chuyến trở về chiến trường xưa lần thứ tư của tôi. Oái oăm là chuyến đi nào cũng có chuyện buồn, chuyện vui để nhớ. 


* * *
       Quả thực, chuyện đào vàng chẳng có gì nên thơ, mơ mộng. Ngoài nỗi khổ vì muỗi mòng, lo sợ sập hầm, lo "xái rỗng" (quặng chứa ít vàng quá) không thu hoạch được chút bụi vàng nào, phí công. Ngoài ra còn cái nguy cơ bị sang đoạt bởi những tay hảo hán thương phế binh VC có vũ khí. Khác với đất Đà-Lạt và Đơn-Dương, những nơi tôi đã kinh qua trong các lần đi khai mỏ trước đây. Cấu trúc các tầng đất ở Hiếu-Liêm làm cho dân đào vàng đổ mồ hôi, sôi nước mắt, vất vả hơn nhiều so với đất vùng cao. Sau bốn, năm thước đất mùn đen thì tới đất đỏ pha đá cuội, đá tổ ong. Hết đá cuội và đá tổ ong lại tới đất pha đá giăm. Xuống sâu gần hai chục thước mới thấy đất chuyển sang màu trắng nhờ nhờ. Lúc này cũng là lúc "hi vọng vươn lên. "Đất sét mầu xám pha lẫn từng cục quặng sắt rỉ là dấu hiệu phần vỏ của lớp đất trộn quặng vàng. Đoạn đường từ miệng giếng tới lớp đất xám là đoạn đường đứt ruột, rã rời hai tay. Tôi là trưởng mũi nên không phải thay phiên "mõi" đất (đào sâu xuống lòng đất, chuyền đất lên miệng giếng). Tôi chỉ phải tản số đất đã moi lên cho gọn ghẽ. Công việc này cũng không nhẹ nhàng mà rất tốn sức, tốn công. Lớp đất đào lên trong những ngày đầu phải gánh ra đổ nơi bờ suối, cách lều cả trăm mét dưới dốc. Những ngày cận xái thì tôi chỉ việc đổ đất mới moi lên ngay nơi chúng tôi ăn ngủ. Chúng tôi làm việc gần như suốt đêm ngày. Chỉ nghỉ, ngủ vài giờ rồi lại tiếp tục công việc. Tôi phải bấm giờ để ba đứa nhỏ thay nhau mõi cho công bằng. Hai thằng đào dưới giếng, một thằng ngồi trên miệng giếng kéo gầu đất xái. Cứ hai tiếng đồng hồ chúng lại nghỉ giải lao. Thằng Thanh làm một điếu 555 thì hai đứa kia cũng gắng rít mỗi đứa một điếu. Thằng Hòa chơi một chai bia Chương Dương thì hai đứa kia cũng chơi theo ngay, mỗi đứa một chai. Chẳng đứa nào chịu phần thua lỗ cả.Tóm lại tinh thần đồng đội của dân đào vàng rất cao. Tinh thần tranh đấu cũng rất cao. Bắt tay vào việc là ăn hút cái đã! Ăn hút đồng đều, không ai ganh tị. Chỉ có cô Nghĩa và thím Xuân là lời thôi! Tôi nghĩ thầm không biết tới ngày cân lọc xong xuôi, số vàng thu được có đủ để thanh toán tiền ăn hút cho bốn người chúng tôi hay không? 

       Công việc đãi xái cũng rất là vất vả. Người đãi phải cúi khom lưng cả buổi trên dòng suối, tay lắc cái khiên chao qua chao lại, giữ làm sao cho nước mới vào khiên thay nước cũ, nhả đất xuống dòng mà đừng để bột quặng trôi đi. Tụi nhỏ gọi công việc này là "múa nước". Tôi thì tuyệt đối không có đủ cái khéo tay để làm công việc này. Tôi đành làm nghề chuyển vận và bốc xái trong bao đổ vào khiên để đồng bạn làm công việc còn lại. Khi công tác múa nước hoàn tất, thì bọn nhỏ vác bao bột quặng đi tới chòi ông Lâm Thầu người Tàu Chợ-Lớn nơi cuối dốc để mua thủy ngân và làm công tác lọc tinh vàng. Tôi lo thu dẹp rửa ráy đồ nghề, khiên, chảo, bao bì, cuốc xẻng rồi chuyển vận chúng về lều. May thay, sau khi thanh toán sòng phẳng sổ nợ cho cô Nghĩa và thím Xuân, giếng vàng đầu tiên cũng đem lại cho chúng tôi đủ số vốn hai chỉ lúc đầu tới bãi. 


        Hôm sau tôi cho quân nghỉ mệt ba ngày trước khi khởi công một giếng mới. Trong ba ngày nghỉ dưỡng quân này, thằng Hòa và thằng Út thay nhau nấu cơm. Ăn sáng xong, đứa thì đi phụ đãi ngoài suối lấy công, đứa thì đi nhập sòng. Cờ bạc ở đây chỉ có món xóc dĩa. Những con bạc đặt cược bằng tiền, vàng, đồng hồ, dụng cụ khai thác mỏ. Thẻ chứng minh nhân dân đôi khi cũng có thể dùng làm vật cầm cố. Có vài ổ bán dâm dọc bên bờ suối. Trong những cái lều che bằng vải nhựa, những người con gái trẻ bán dâm trên những cái chiếu trải dưới đất. Những cô gái hành nghề ở đây không phấn son lòe loẹt. Họ cũng là những người đào xái một thời, đã "mo" nên không thèm đào nữa, đành đem thân xác cho đàn ông "đào" để kiếm cơm sống qua ngày. Họ đi la cà các bãi. Móc ngoặc được khách thì dẫn về lều. Tiền trả trước, trôn trao sau. Ra khỏi lều, người bán dâm và kẻ mua dâm lại trở thành đôi người không quen. 


       Buổi trưa, tôi thả bộ lang thang dọc bờ con suối đục ngầu đất đãi xái. Dân đãi vàng làm việc cần cù, bất kể đêm, ngày. Ban ngày chúng tôi đãi xái dưới đèn mặt trời. Ban đêm, dọc hai bên bờ suối có hàng chục ngọn măng sông và đèn khí đá. Đôi khi, đêm vui hơn ngày. Nhạc từ những cái máy thu băng oang oang, bốn hướng tám phương. Nhạc vàng, nhạc kháng chiến, nhạc disco, bi kịck, hài kịch, vọng cổ xen lẫn nhau. Cùng lúc người nghe có thể thưởng thức cả giọng ca nữ đang lên Cẩm Vân, cùng giọng ca nam đang xuống Quốc Hương, xen lẫn điệu ngân xàng xê bất hủ của Thành Được và Bạch Tuyết. Lúc này khúc Lambada Nam-Mỹ đang thịnh hành. Khúc ca này đã lần mò vào tới tận rừng xanh. Mỏ Hiếu-Liêm đang ở vào thời kỳ đông đảo nhất. Lều trại đó đây, ước lượng dân số đào vàng nơi này cũng cỡ bốn, năm nghìn người là ít. Họ đến từ Phát-Diệm, họ gọi con trâu trắng là "con tâu tắng". Họ đến từ Móng-Cái, từ Tuyên-Quang, họ nói tiếng Nùng, tiếng Tày. Họ đến từ miền Trung, giọng Quảng, giọng Huế. Họ đến từ Cà-Mau, họ chuyện trò với nhau bằng tiếng Miên... 


       Mặt trời hừng hực tháng Năm. Dòng nước đầu nguồn trôi xuôi, càng về cuối nguồn càng đục. Dòng nước thành mầu cà phê sữa đặc. Người ta lội tới mắt cá, bắp chân, đầu gối. Tay khiên chao nhanh, mắt không rời những hạt vàng óng ánh trong đáy khiên. Lượng cát óng ánh nhiều hay ít là niềm vui, là nỗi thất vọng. Đủ loại người tìm sống nơi chiến trường xưa, trên con suối đục ngầu đất đỏ. Những tiếng hát cất cao, ngây ngô, giọng Bắc, Trung, Nam chen lẫn nhau. Những giọt mồ hôi đọng trên trán, trên má những khuôn mặt cháy nắng xạm khô. Những tiếng cười vô tư bên những tiếng thở dài chán chường...
       Tới cuối đồi, tôi ngừng bên những giếng vàng cũ. Dăm em bé gái trai, tuổi cỡ lên chín, lên mười, thân mình gầy guộc đang chuyền từng gàu đất xái chúng mót được lên mặt đất. Tôi tò mò hỏi, "Có khá không các em?" Một bé gái trả lời, "Tụi con mót cả ngày không đủ ăn chú ơi! Họ 'cạo' láng quá! 'bợn' còn ít lắm chú à!" Tôi xoa đầu bé cảm thông. Thương cho bé, mới tí tuổi đầu đã vất vả vì đời. 


Tôi theo cái thang dây xuống thám hiểm vùng đất thế giới của Diêm-Vương. Sâu hai, ba chục thước dưới lòng đất, ở tầng quặng mỏ, vách ngăn giữa các giếng được đánh thông để lấy xái. Lớp đất sét có quặng chỉ dày chừng ba, bốn thước. Tôi đứng giữa một căn hầm rộng mênh mông. Mặt đất dưới chân tôi bị cạo sạch sành sanh. Trên trần là lớp đất sét trộn đá giăm, dưới nền cũng là đất sét pha đá giăm. Không khí dưới đáy giếng lạnh lẽo vô cùng. Ánh sáng mặt trời từ trên cao theo những lỗ giếng chiếu xuống đáy như những ngọn đèn pin trắng. Ngửa mặt nhìn lên, chỉ thấy một khoanh trời xanh xa tít, lâu lâu bay qua vài sợi mây trắng.


       Những em bé đang mót xái cách tôi không xa, vậy mà tôi không nghe được tiếng chúng nói chuyện. Xái dưới chân không còn. Chúng dùng xẻng đâm ngược lên tầng vách đất trên đầu, hi vọng tìm được những cục quặng vàng lẫn trong đất đá trên trần hầm. Những bé con đang tìm miếng cơm dưới chân Thần Chết! Có lúc đất đá sụp từng khối trên đầu chúng khiến bọn nhỏ hoảng sợ chạy dang vội ra xa. Chờ vài giây, chúng trở lại bới vét đống đá tìm những cục xái còn sót, gom thành từng cụm rồi chuyển vận lên mặt đất. Khi bọn nhỏ đi khỏi, căn hầm im lặng như tờ, không cả tiếng côn trùng. Tôi chợt nghĩ, chỉ cần một chấn động nhỏ trên mặt đất là cả khu rừng nặng hàng triệu tấn trên kia sẽ đổ xụp xuống lấp kín căn phòng khổng lồ này trong giây phút. Tôi đảo người quan sát một vòng, tôi có cảm tưởng như đang đứng dưới một bầu trời đầy mây đen kịt mênh mông. Đất dưới chân tôi bốc hơi lành lạnh. Tôi thấy hai ống chân mình có vẻ như muốn mềm nhũn từ từ. Quanh tôi không có ai. Quanh tôi im lặng quá. Tôi chợt rùng mình. Tôi tìm sợi dây thang, vội vàng leo nhanh lên miệng giếng. 


       Mặt trời xế bóng, có ba người đàn ông đeo mỗi người một cái túi đựng đầy hàng hóa bên hông. Họ đang đứng trước lều của ông bác sĩ An hỏi han điều gì đó. Tôi thấy bác sĩ An và họ nói chuyện với nhau bằng tay, miệng bốn người xí xô om xòm. Khi tới gần tôi nhận ra ba người lạ là người Thái-Lan. Họ nói chuyện bằng Anh Ngữ, họ hỏi xem có ai biết tiếng Anh thì giúp việc họ bán những cái poncho line hoa hòe. Họ sẽ trả công mười lăm nghìn một ngày. Thấy không có ai lãnh việc này, tôi tình nguyện làm việc với họ. Giao kèo chỉ có một ngày thôi vì ngày kia tôi đã bắt đầu một giếng mới không thể đi theo họ được. Sáng hôm sau tôi nhận tiền thù lao trước, làm việc thông ngôn sau. Ngày hôm ấy chúng tôi đã đi qua hết cái diện tích của mỏ vàng Hiếu-Liêm, từ đầu dốc Cậu Linh cho tới triền đồi hướng tây, nơi những cây nọc phân khu mới đóng ranh. Giấy phép khai thác khu đất này chưa được phổ biến. Chúng tôi la cà từ giếng này sang giếng khác. Tôi thông dịch chuyện mua bán thì ít, mà thông dịch những câu hỏi về thời thế, gia cảnh của dân mõi xái thì nhiều. Những người Thái có vẻ thích nghe chuyện lạ bốn phương hơn là việc mời chào khách hàng. Người Thái-Lan lớn tuổi nhất cẩn thận ghi chép những điều ông ta nghe được vào quyển sổ tay dày. Lâu lâu ông lại dở ba lô lấy cái máy ảnh nhỏ chụp hình hoạt cảnh đang diễn ra trên khu khai thác mỏ. Đi từ sáng tới chiều chúng tôi chỉ bán được vài cái mền. Ban đêm ở đây cũng lạnh lắm, nhưng những kẻ đào vàng khốn khổ như chúng tôi thì đâu có thời giờ để ngủ mà cần tới mền? Trước khi chia tay chiều hôm ấy, tôi chỉ dẫn cho những người Thái thương buôn con đường lên cao nguyên để bán chăn nylon. Họ có vẻ không thiết tha lắm với việc lên Đà-Lạt rao hàng. 


       Hỏi ra, tôi được biết người cao niên nhất trong bọn họ là một cựu chiến binh thuộc Sư đoàn Mãng-Xà-Vương của Quân đội Hoàng-gia Thái-Lan, một đơn vị đồng minh đã có lần hiện diện ở Long-Thành thời chiến tranh. Chuyến đi này của ông không có chủ đích buôn bán, mà chỉ mượn cớ về thăm nơi chiến trường xưa thời tuổi trẻ. Ông ta đang trên đường tìm hứng để viết lại hồi ký đời ông. Ông ta hi vọng thiên hồi ký này có thể đem về một số tiền nhuận bút lớn lao, đủ cho ông sống dưỡng già. Tôi không thiết tha lắm với đám người này, vì tôi vào lại chiến trường xưa chỉ với mục đích tìm gạo sống qua ngày, tôi không có gì hứng thú với việc trở về rừng tìm ý viết văn như họ. Chiều ấy chúng tôi chia tay. 


       Tôi về tới lều thì thằng Út kể cho tôi nghe chuyện chị bán nhang đèn bị cướp. Chiều qua trên đường về nhà chị bị phục kích giữa rừng. Lúc chiếc Honda hai bánh của chị đổ dốc thì kẻ gian đã giựt một sợi dây dù căng ngang con đường xe be vừa hẹp vừa rậm rạp. Chiếc xe bổ nhào. Từ bìa rừng, hai người đàn ông bịt mặt bằng áo thun đen ào ra lôi chị và chiếc xe vào sâu trong bụi lau. Chúng trói chị lại, nhét giẻ vào miệng chị, lột hết nhẫn, vòng, kiềng, cà rá và cả đôi bông tai vàng của chị. Chúng vứt chị nằm trên đám cỏ lác cho kiến tha, rồi leo lên xe Honda của chị nổ máy chạy đi mất tiêu. Chị hì hục suốt đêm mới tự cởi trói được. Chị lết ra tới giữa đường nằm chờ người đến cứu. Gần sáng, có mấy tay bảo tiêu có súng, sau khi chuyển xái về nhà thân chủ, trên đường trở lại rừng, họ thấy chị nằm giữa đường bèn cứu chị về bãi. Chuyện chị nhang đèn bị cướp chắc cũng được truyền khẩu trong dân gian vùng mỏ này được vài ngày. Ngày sau, tuần sau người ta lại quên chuyện ấy thôi. Ở đây, mỗi ngày xảy ra cả trăm vụ lộn xộn. Đủ thứ chuyện tào lao.Tôi nghe tụi nhỏ kể lại, tôi cũng chỉ ậm ừ cho qua! Chẳng hứng thú tìm hiểu thêm làm gì. Đụng độ trong cái chợ trời này là chuyện thường ngày. Qua đường, vô ý chạm vai một yêng hùng, nếu không có lời xin lỗi kịp thời có thể gây nên cảnh sứt đầu lỗ trán. Vô tình ném cái tàn thuốc lá trước mặt một tay chơi cũng là hành động châm ngòi cho một cuộc chiến tranh. Ngoài ra, còn cả ngàn nguyên nhân gây ra ẩu đả. Đánh nhau vì gái, vì cờ bạc, vì chia chác phần hùn, vì mõi xái lấn lằn ranh, và vì vân vân... Cái khó bó cái khôn, cái khổ làm con người dễ dàng nổi khùng, rồi trút cái khùng ấy lên đầu đồng loại. 


       Một hôm, tôi vừa đổ gầu đất xuống bờ suối, quay lưng định trở về giếng làm chuyến kế tiếp thì nghe có tiếng đàn ông quát tháo,"Mày không nộp hết túi vàng cục đó cho tao thì tao vặn họng mày!" Tò mò tôi dừng lại quan sát. Bên bờ suối, một hảo hán to lớn đang kẹp cổ một cô gái cỡ mười bốn mười lăm tuổi. Tay anh ta lần mò trước ngực cô giành giựt cái gì đó. Cô gái vừa cố ôm chặt cái túi áo vừa khóc lóc, "Em lạy anh, vốn liếng đào đãi cả tháng nay, em chỉ có ba chỉ. Mẹ em đang bịnh nặng chờ ở nhà. Anh mà lấy hết thì em không còn tiền thuốc thang cho mẹ em. Mẹ em chết mất! Em lạy anh ngàn lạy. Em làm đứt dây lều của anh, em đã thay bằng dây dù loại xịn đền cho anh rồi. Anh tha cho em, anh ơi! hu..hu...hu..." Người đàn ông nắm tóc cô gái mà quay, hắn nghiến răng,"Tổ mẹ mày! Dây lều của tao, mày phải đền bằng thứ dây 'gin'. Tao không chịu cái thứ dây dù đó. Ở đây cái gì cũng tính bằng vàng. Không đền tao giết!" Vừa nói hắn vừa đấm đá túi bụi vào ngực, vào mình cô gái đáng thương. 


       Cuối cùng, hắn chộp được cái túi nylon dấu trong áo ngực của cô gái. Người thanh niên bỏ bao vàng vào túi rồi buông cô bé ra. Cô bé mặt mũi đầy máu, ôm lấy chân anh thanh niên, nắm chặt vạt áo hắn, cô cố gắng giựt lại cái túi nylon. Người đàn ông liên tiếp đấm đá cô gái. Hắn tìm đủ mọi cách thoát khỏi bàn tay cô gái. Cuối cùng hắn quật cô bé lăn quay ra đất rồi nhổm mình định chạy đi. Cô gái vội nhào vào ôm chặt chân chàng hảo hán, miệng cô la bải hoải," Bà con cô bác ơi! Cứu con! Người ta ăn cướp vàng của con. Ăn cướp! bà con ơi!" Thấy tôi đứng nhìn, cô bé cầu cứu, "Chú ơi! cứu con với! anh này cướp vàng của con chú ơi!" Tôi chưa biết tính sao, thì tay hảo hán đã hăm he, "Này! Đừng có dính vào nghe cha! Coi chừng lỗ mũi ăn trầu đó!" Tôi xua tay, nhẹ giọng,"Chuyện đâu còn đó. Anh cứ thủng thẳng mà giải quyết. Sao lại nặng tay với phụ nữ như thế, ngó sao được." Nghe vậy, người thanh niên nộ khí xung thiên,"Đ.M! Mày có phải ông nội tao không mà lên mặt dạy khôn tao? Tao uýnh chết mẹ mày bây giờ!" Đúng là cái ách giữa đàng! Tôi phân bua với những người đồng cảnh đang đãi xái dưới suối,"Bà con nghe có được không? Tôi thấy đàn ông ăn hiếp đàn bà thì tôi có ý kiến. Anh này hàm hồ, hỗn hào như vậy thì bà con tính sao?" Bà con chưa nói gì thì anh hảo hán đã dấn cho tôi một bạt tai khiến mắt tôi nổ đom đóm. Anh co cẳng bồi thêm một cái đạp ngay hông tôi; tôi té bò càng bên bờ suối. Tôi vừa lồm cồm bò dậy lại bị thêm một cái tát ngay má phải. Thế là, tôi chẳng còn nghĩ hơn thiệt, phải trái gì nữa. Tai tôi đã ù, mắt tôi đã đổ lửa. Tôi không kìm được tiếng rú man rợ thoát ra từ miệng mình, "A! ...A!...A!...!!!".


       Tôi hất đôi quang gióng xuống đất. Cái đòn gánh trở thành cây côn. Cái đầu côn thốc lên một đòn rất nhuyễn và thuần thục. Bài côn Bình-Định do một võ sư xuất thân từ quê quán của vua Quang-Trung truyền dạy cho tôi ở Pleiku thời 1966-67 đã bị bỏ quên nhiều năm, nay được đem ra thi thố giữa rừng xanh. Mũi côn vừa thọc trúng hàm đối phương thì tôi tự động tạ người xuống thấp, tay tôi xoay cây côn một vòng trên đầu lấy đà. "Vèo!" cây côn chúc xuống quét sát mặt đất, cắt ngang ống quyển tên thảo khấu. Bị liên tiếp hai đòn chí tử, chàng hảo hán qụy gối xuống. Phát côn thứ ba, bổ xuống từ trên cao trúng vai anh ta, kết thúc bài học vỡ lòng "Tam Côn Khai Môn"- Đó là bài đầu trong ba mươi sáu bài "Đoạt Mệnh Côn" Bình-Định, bài nào cũng kết thúc bằng một thế sát thủ. Theo đúng bài bản, thì phát bổ xuống phải nhắm ngay đỉnh đầu địch thủ, nhưng tôi chợt hồi tâm, nhích tay cho nó chệch sang bên, dù sao thì anh ta cũng không phải là một tên lính Mãn-Thanh! Lúc này vị hung tinh rũ người xuống như cọng bún. Tôi bước lên một bước, tay phải vặn ngược tay trái anh ta ra đàng sau. Anh đang cố gượng đứng lên, nhưng đành tự động quỳ xuống, khi tôi xoay tay anh một vòng chín chục độ theo chiều kim đồng hồ. Mặt anh nhăn nhúm vì đau. Mồ hôi anh chảy ròng xuống má. Tôi nghe anh ta rên, "ư! ư! ư!..." trong họng. Bà con tụ tập kín xung quanh la ó như cái chợ, "Đánh chết mẹ nó đi! Đồ ăn cướp!" Tôi móc túi anh lấy cái túi nylon đựng mấy cục vàng ròng đưa cho cô bé. Cô bé vội vã bỏ vàng vào túi, miệng lúng búng "Cám ơn chú!" rồi cô ta cắm đầu vụt chạy về hướng dốc cậu Linh khuất bóng. Đợi cho cô bé chạy đã xa, tôi mới buông tay anh thanh niên ra. Tôi đẩy nhẹ, anh ta ngã chúi về phía trước. Tôi chống một đầu đòn gánh sát mũi chân phải. Bàn chân phải sẵn sàng hất cái đòn gánh lên cao phòng hờ một đòn phản ứng cấp thời. Nhưng anh thanh niên không còn hung hăng nữa. Anh lết mình trên cát như con chó đánh hơi thấy mùi cọp. Anh ta gắng lết cho xa đầu ngọn côn. Anh nhìn tôi với đôi mắt lạc thần. Anh lượm vội đôi dép râu Trường-Sơn rồi ù té chạy về phía con dốc hướng tây, nơi đầu nguồn con suối. Tôi đứng nhìn theo bóng anh ta, lòng chùng xuống, man mác buồn. Tôi tự cảm thương cho cái thân tôi! Cạn ao, bèo xuống đất, tôi đang tranh sống trong một thế giới không luật pháp, không cả tình người. Đâu có ngờ, cuộc đời tôi lại có ngày bị đẩy đưa đến cái khúc quanh thê thảm này! 


       Đấy! Cuộc sống của dân Gold-seeker miền Nam vào thời 88-90 đại để là như thế đấy! Muốn nghĩ rằng nó nên thơ, thì nó nên thơ. Nếu cho rằng nó thảm sầu, thì quả thực nó quá thảm sầu. Thời gian thì cứ trôi. Mặt trời lặn rồi lại mọc. Ngày nào cũng là quá dài, đối với những kiếp người sống đọa đày trầm luân trong tăm tối, không tương lai. Tôi nghĩ đến thân phận mình và đồng bào mình. Chỉ vì cái ngày ba mươi tháng Tư năm ấy, chúng tôi đã đánh mất đất nước, mà cả đất nước tôi thành một trại tù khổng lồ. Năm 1988 ra khỏi cái nhà tù con, tôi lại cùng những người khốn khổ nhất của đất nước này tranh sống trong một nhà tù lớn. 


* * *
       Chúng tôi khởi công đào giếng vàng thứ nhì vào một buổi sáng trời u ám lất phất mưa rơi. Mặt trời bị mây che kín mà rừng già thì tối om. Tôi gắng chuyền nhanh từng gầu đất, nặng như những gầu bùn khi đi tát ruộng đào ao thời còn lao động khổ sai trong trại cải tạo Nam-Hà A, Z30C, hay Z30D. Mồ hôi che mờ con mắt. Mồ hôi chảy ròng ròng xuống má, qua cằm, xuống ngực. Mồ hôi làm nóng lớp da bụng. Mồ hôi chảy xuống ướt cả cạp quần. Đúng Ngọ, gió chợt ngừng, tôi nghe như có ai đó vãi từng đợt đá sỏi trên tàng cây cao. Mưa đá! Những cục nước đá nhỏ bằng hạt ngô nhảy tưng tưng từ đọt lá này xuống đọt lá khác, rơi vãi trên nền đất mới. Thoáng chốc, mặt đất đã trắng xóa vì mưa đá. Hạt mưa đá lớn dần, bằng hạt đậu, bằng trứng cút, rồi bằng trứng gà. Trời tối thui, và nhiệt độ hạ rất nhanh. Da bàn tay tôi săn lại vì lạnh. Những vết vân tay nổi rõ lên màu bạc nhợt nhạt. Tôi thấy gai ốc nổi cùng người. Tôi cảm như bầu trời là một tảng băng khổng lồ đen kịt đang phà khí lạnh xuống những tàn cây trên đầu. Ôi! Sao trời lạnh thế! Giữa trưa, tháng Năm...

       Trên đồi, những dòng nước bắt đầu len lách quanh gốc cây. Những dòng nước đỏ ngầu tìm đường xuống dốc. Nước bắt đầu đổ ào ào vào miệng giếng đang đào. Tôi cho quân tạm nghỉ. Chúng tôi dùng một tấm vải nhựa che trên miệng giếng. Khi ba đứa nhỏ đã leo lên khỏi miệng giếng chui vào lều, tôi mới theo chân chúng ngồi bó gối nơi cửa ra vô. Tôi mồi một điếu thuốc Cửu-Long, nhìn những hạt mưa đá lăn trên mặt đất, nghĩ ngợi mông lung... 


       Nhớ chuyện cũ, ở chân núi hướng đông của ngọn Lap Bé Nord, Đà-Lạt, một ngày đầu hạ năm 1965, cũng có trận mưa đá bất chợt như hôm nay. Những viên nước đá to như quả trứng gà vãi trên tàn thông năm lá, rồi lăn tưng tưng trên nền cỏ, bên miếu Thần-Hổ, trời lạnh quá, giữa trưa, tháng Năm... 


       Một thằng bạn sinh viên sĩ quan cùng đại đội còn điếu Oakland cuối cùng, chuyền tay nhau năm đứa. Khói thuốc ngọt như mật. Điếu thuốc được chuyền nhanh qua những ngón tay ướt và trắng bệch vì lạnh. Hình như hôm ấy không một sợi khói nào kịp bay thoát trong không trung. Khói thuốc chui vào buồng phổi tuổi trẻ. Những lá phổi còn trẻ khỏe đầy sức sống. Những lá phổi hút từng ngụm khói thuốc gọn gàng dứt khoát, như tấm giấy thấm loại thượng hạng ép trên giọt mực tím rơi trên giấy trắng học trò ngày thơ ngây tiểu học. Điếu Oakland qua tay năm chàng tuổi trẻ, sinh viên sĩ quan khóa 20 Đà-Lạt. Trời lạnh quá! Khói thuốc chưa kịp bay thì điếu thuốc đã tàn... 


       Ngày ấy, sau cơn mưa, chúng tôi tiếp tục bài chiến thuật "Tiểu Đoàn Phản Phục Kích" trên đoạn cua chữ "U" bên đồi 1441 đất đỏ, thông xanh. Con đường uốn khúc quanh co. Những anh lính "Kà" giả địch dấu mình dưới bụi sim hoa tím, lúc nào cũng chuẩn bị câu, "Tôi đầu hàng rồi ! Đừng bắn nữa ông Thiếu úy ơi !" khi chúng tôi oai dũng tiến về phía họ ẩn nấp, sau một pha xung phong phản phục kích tuyệt vời qua màn khói đỏ, khói vàng, khói trắng, khói tím, khói xanh, và khói đạn mã tử! 


       Rồi Đại úy Mỹ phê bình trận đánh một cách tổng quát. Rồi Trung úy Đức rút ưu khuyết điểm. Cứ thế, hai năm dài, lặp đi, lặp lại . Những bài lý thuyết với những trường hợp xử lý, những câu giải đáp a, b, c khoanh. Những buổi thực hành trên đồi thông Đà-Lạt, đương đầu với địch giả, trong màn khói đạn mã tử. Những buổi dạ hành, xuyên đêm. Những chuyến di chuyển địa hình tìm cọc mốc dưới trăng. Những phiên gác đêm đông sương mù lạnh lẽo trên đồi Bắc. Tất cả những kinh nghiệm tự tin đó đã gom góp lại làm vốn liếng hành trang cho những người trẻ tuổi lớn dần, rồi trưởng thành, vững tâm đi vào chiến trường. Ôi thời gian qua như tên bay! Đã có biết bao nhiêu lần mưa đá kinh qua trong đời. Năm thằng tuổi trẻ chuyền tay điếu Orland ngày nào, thì một thằng thành phế binh, ba thằng đền nợ nước. Hai mươi bốn năm sau lần mưa đá ấy, còn lại mình tôi, một Kẻ Săn Vàng... 


       Trời gầm trên ngọn cây. Chớp giật liên hồi. Mưa như cầm chĩnh đổ. Cứ như vậy suốt đêm và kéo dài cho tới chiều hôm sau, mưa mới nhẹ hạt dần. Nước đã tràn qua bờ be miệng giếng. Nước cuốn trôi xuống chân đồi những gì cản đường. Dòng suối hiền hòa hôm qua, nay trở thành con sông nhỏ chở đầy củi cành rác rến, nước đỏ ngầu. Tôi cứ ngồi bó gối nhìn ra ngoài trời. Điếu thuốc này tiếp nối điếu thuốc khác trên môi, tôi ngồi nghĩ vẩn vơ toàn những chuyện ngày xưa. Trời càng về chiều càng lạnh hơn. Đêm đó tôi bị cảm lạnh. Trong lúc cơn sốt rét rừng hành hạ tôi, thì ngoài kia mưa vẫn rơi. Nhưng rồi chuyện gì cũng qua. Mấy hôm sau mặt trời lại trở về soi những tia nắng ấm trên cuộc đời những kẻ bất hạnh nhất trần gian. Chúng tôi bắt đầu trở lại. Những giọt mồ hôi lại đổ xuống mảnh đất chiến trường xưa. Những gầu đất tiếp tục khơi sâu lòng giếng. Từ quán cô Nghĩa vang vọng lại giọng hát ngọt ngào thuở nào, Khánh Ly,"Trời ươm nắng cho mây hồng... Mây qua mau, em nghiêng sầu...Ngoài kia lá như vẫn xanh ..." Tôi chợt thấy một niềm vui nhỏ nhen nhúm trong lòng, nơi rừng thiêng nước độc này, chợt phút giây, tìm lại được cái gì đó gần gũi, ấm cúng ngày cũ. Giếng đã cạn đá sỏi, bắt đầu vào lớp đá giăm, chúng tôi mừng vui vì sắp tới ngày "hi vọng vươn lên" của giếng vàng thứ nhì. 


       Đã đến ngày chúng tôi bắt đầu công việc gom xái. Xái chuyển tới mặt đất thì được đóng thành bao, chất quanh lều. Sau đó chúng tôi mới từ từ chuyển xái xuống suối để đãi lấy tinh. Với dân đào vàng thì ngày này là ngày hạnh phúc nhất. Tôi cầu mong đợt thu hoạch kỳ này sẽ khấm khá hơn lần trước. Giếng bên cạnh của hai cha con ông người Quảng mới trúng bảy cây. Giếng của chúng tôi sát nách giếng cha con nhà ấy, có rẻ cũng được năm cây! Tôi nhẩm tính trong đầu, chi phí đâu đó xong xuôi, mỗi người chắc mẩm có cả cây bỏ bọc! Tôi nghĩ đến đàn con đang ở Sài-Gòn chờ tin tôi, như những con chim non đang trông chờ con chim mẹ kiếm mồi... Tôi mơ màng hình dung trước mắt, một mâm cơm gia đình có canh, có cá. Tôi nghĩ tới tuần sau, khi tôi mang vàng về, các con tôi sẽ có tiền trả tiền học. Tôi sẽ mua thêm vài tấm tôle nhựa để che những lỗ dột trên lầu cho lũ con đỡ ướt lúc gió mưa. Tôi sẽ mua dự trữ một số chỉ thêu để con gái tôi có sẵn chỉ mà thêu hàng cho khách đặt hàng thêu. Tôi sẽ mua một cái máy thu thanh cho bọn nhỏ học Anh Văn. Vợ tôi sẽ mua để dự trữ sẵn trong nhà một tạ gạo, vài chai nước mắm, phòng đói cho con... 


       Trời hừng đông, người ta bàn tán với nhau rằng, ngày mười chín tháng năm, ngày sinh của "Bác", Huyện đội sẽ cho cán bộ bất thần vào kiểm tra an ninh khu vực khai thác vàng này. Tin tình báo nhân dân nhanh thật! Hèn nào mới gà gáy sáng, tôi thấy đã có mấy anh thanh niên hì hục chuyển hai thùng súng đạn từ cái quán của cô Nghĩa đem phân tán đi đâu đó không ai rõ. 


       Sáng sớm, thím Xuân đem lên một con gà trống đã luộc chín và một nồi xôi đậu xanh. Chúng tôi lần lượt thắp nhang khấn vái cám ơn Thổ địa đã phù hộ. Sau khi ăn sáng, chúng tôi chuẩn bị đánh giây đai những bao xái để dễ dàng chuyển vận. Khoảng mười giờ sáng, nơi đầu dốc cậu Linh có tiếng súng bắn chỉ thiên, một cái loa cầm tay oang oang ra lệnh, "A lô! A lô! Ai ở đâu ở tại chỗ! Có đoàn kiểm tra an ninh kinh tế của huyện thi hành nhiệm vụ thanh lọc. Yêu cầu bà con sẵn sàng xuất trình giấy phép khai thác củi cho nhân viên chính quyền. Đây là công việc bảo vệ an ninh và quyền lợi cho bà con. Xin bà con cứ yên tâm sinh hoạt bình thường, đừng gây lộn xộn. Hãy tiếp tay với chính quyền củng cố an ninh huyện nhân dịp kỷ niệm ngày sinh của Hồ Chủ-Tịch! A lô! A lô!" Thằng Thanh ghé tai tôi nói nhỏ, "Con với thằng Hòa phải tránh mặt, vì tụi con trốn nghĩa vụ. Bác Hai và thằng Út ở lại trông coi bãi xái. Hết động, tụi con trở lại." Sau đó nó và thằng Hòa lủi vào rừng mất hút. Tiếng loa oang oang tiến lại gần. Nhạc vàng vụt tắt. Trên đồi, vài dân mõi vàng dấu vội những bao xái trong lùm bụi. Có người ném các bao xái xuống giếng rồi ném cành lá lên trên che đi. Tôi chưa biết phải làm gì thì những cái nón cối xanh đã nhấp nhô đó đây. Dẫn đầu đoàn bộ đội là một sĩ quan cấp lớn của quân đội nhân dân. Đầu hắn đội cái nón cối rất mới, sao vàng sáng chói, bên hông có K 54, tay có đổng (đồng hồ), vai có đài (radio), có cặp, mắt có kiếng râm. Miệng hắn toe toét cười khi đi ngang qua các quán lều. Cái quân hàm màu đỏ trên cổ áo hắn với một ngôi sao và hai gạch vàng (Thiếu tá) cho tôi biết lực lượng kiểm tra hiện diện trong vùng này cũng phải cỡ trên dưới một tiểu đoàn. Như vậy là vòng ngoài, vòng trong đều có bộ đội, không rõ tụi thằng Hoà, thằng Thanh có lọt thoát không? 


       Hai hàng quân triển khai dọc hai bên bờ nam bắc của con suối. Những tên lính Cộng sản, AK cầm tay, lưỡi lê đầu súng, mặt lạnh như tiền. Chúng đóng trụ, từng tổ hai đứa. Tổ này cách tổ kia khoảng hai chục thước, trải dài theo con đường mòn bên bờ chờ lệnh. Công việc kiểm tra bắt đầu với việc trình giấy phép khai thác rừng. Từng toán ba người đến mỗi bãi hỏi giấy phép. Sau đó họ làm biên bản, bắt người trưởng mũi ký tên. Có vài người bị đưa đến tập trung hướng bên kia đồi, nơi cuối dốc, ở đó có một khoảng đất bằng phẳng với những súc gỗ cũ mục. Mỗi toán kiểm tra gồm ba bộ đội thì có một tên là sĩ quan, từ một sao một gạch, tới bốn sao một gạch, tức là từ Thiếu úy tới Đại úy. Tôi nhủ thầm, "Gớm! Sao mà quân đội nhân dân có nhiều sĩ quan dữ vậy!" Một Thượng úy Cộng Sản và hai tên bộ đội tiến tới lều tôi. Mắt chúng sáng lên khi thấy hai dãy gần ba chục bao xái đã đóng bì gọn ghẽ. Với giọng Miền Trung tên Thượng úy trưởng toán hỏi tôi, "Giấy phép khai thác rừng của anh mô? Đưa tui coi!" Tôi trình cái giấy phép mới mua lại tại bãi tuần trước với cái giá ba phân vàng. "Chứng minh nhân dân của anh mô?" Tôi nhỏ nhẹ, "Vì ở đây không an toàn nên tôi để chứng minh nhân dân ở nhà." Người sĩ quan Cộng-Sản nhăn mặt, "Anh nói năng chi lạ rứa? Anh ở ngoài Bắc mới nhập phải không?" Tôi chống chế, "Không, tôi ở trong Nam lâu rồi, nhà tôi ngoài bến phà mà! " Hắn không để ý gì tới lời tôi nói. Quay qua một tên tùy tùng, hắn ra lệnh,"Dẫn anh này ra bãi tập trung, giao cho đồng chí Quang." Tôi quay qua định dặn dò thằng Út đôi điều thì thằng nhỏ đã trốn mất tự lúc nào! Tôi đi trước, khẩu AK và cái lưỡi lê đi theo sau lưng. Trên đoạn đường tới bãi, tôi còn gặp cả chục người cùng hoàn cảnh nên lòng cũng không lo lắng lắm. 


       Khoảng gần hai trăm người chúng tôi bị tập trung nơi bãi cây. Nơi đây có một cái lều vải dã chiến vừa được dựng lên vội vã. Có một cái bàn gỗ đặt trước cửa lều. Một Đại úy Cộng-Sản đang ngồi trên ghế nhâm nhi ly cà phê đen. Tên bộ đội đẩy tôi về phía bàn giấy và ra lệnh, "Anh trình diện Thủ trưởng Quang đi! " Tôi chưa kịp bước lên thì tên sĩ quan Cộng-Sản đã xua tay, "Thoải mái! Thoải mái! Anh cứ thoải mái ra nghỉ ngoài kia, chờ chúng tôi nghiên cứu vấn đề rồi sẽ giải quyết sau. Nhớ đừng tìm cách thoát ly đó nhé! " Sau đó hắn to giọng để những người khác cùng nghe, "Các anh chỉ được di chuyển trong vòng đai đánh mốc bằng dây thừng này thôi! Ai tìm cách thoát ly thì chúng tôi không chịu trách nhiệm bảo toàn tính mạng đấy nghe không!" Đám người bị câu lưu nghe lời hăm dọa mà xanh mặt. Những tên lính Cộng Sản canh gác bốn góc bãi thì vẻ mặt khó đăm đăm. Những họng AK lúc nào cũng lăm lăm chĩa vào đám đông như sẵn sàng nhả đạn. Gần hai trăm người chúng tôi ngồi trên cát, trên cỏ, nhịn đói, nhịn khát trong thời gian năm, sáu tiếng đồng hồ. Tới xế chiều thì viên Thiếu tá trưởng đoàn kiểm tra xuất hiện. Hắn vẫn toe toét cười, "Thế nào? Bà con có khoẻ không? Chờ đợi lâu thế này chắc là bà con đói bụng rồi đấy! Thôi nhé! Mình tranh thủ làm nhanh nhanh công tác kiểm điểm để bà con về nghỉ mệt. Thì giờ là vàng ngọc mà! hì! hì! hì!..." Mọi người thở ra nhẹ nhõm. Tình hình có vẻ không đến nỗi căng lắm! Vài người trong bọn tôi bạo gan giở thuốc lá ra hút trong khi chờ đợi viên Thủ trưởng đoàn kiểm tra giải quyết vấn đề. Viên Thiếu tá Cộng-Sản đưa từng xấp giấy có in sẵn mẫu cho bốn tên đàn em đem phân phát cho mỗi người chúng tôi một bản. Đó là mẫu tự khai và kiểm điểm, trong đó chúng tôi phải ghi rõ họ tên, quê quán, nghề nghiệp, ngày sinh, tháng đẻ. Về mục kiểm điểm thì tùy từng người; người không có chứng minh nhân dân thì hứa lần sau sẽ đem theo giấy tờ theo mình khi đi xa nhà; người không có giấy khai thác củi thì hứa lần sau sẽ xin giấy phép trước khi vào rừng. Nhiều ông trưởng mũi không biết đọc, biết viết, phải nhờ người khác giúp đỡ. Tôi khai tên mình là Nguyễn văn Hai, sinh quán Hà-Đông, nghề nghiệp thợ mộc. Tôi nộp tờ tự kiểm của anh chàng Nguyễn văn Hai, Hà-Đông, thợ mộc trên bàn rồi lui ra đứng lẫn vào đám đông. Những tên bộ đội canh gác an ninh lúc đó đang tháo gỡ căn lều dã chiến. Chúng nó chuẩn bị thu quân. 


       Sau khi dồn đống giấy kiểm điểm của chúng tôi vào ba lô, tên Đại úy phụ tá xách cái ba lô đó đi về hướng dốc Cậu Linh. Hắn vừa nhún nhảy đi, vừa huýt sáo miệng điệu nhạc Lambada Nam-Mỹ. Viên Thiếu tá Cộng-Sản trưởng đoàn trịnh trọng hắng giọng lấy hơi rồi tuyên bố, "Nhân danh trưởng đoàn kiểm tra nhân dân, tôi khen ngợi các anh đã thành khẩn nhận lỗi và hối lỗi. Nhân ngày kỷ niệm sinh nhật của Bác Hồ, tôi châm chước cho các anh ra về. Nhớ lần sau chấp hành nghiêm chỉnh mọi quy định khai thác rừng của huyện và không được vi phạm nữa nghe không!" Mọi người vỗ tay cảm động. Đôi người còn đến mời thuốc lá và xin bắt tay tên sĩ quan trưởng đoàn. Tôi cũng thở phào nhẹ nhõm. Tôi nói với một người đồng cảnh trên đường trở về bãi, "Chắc lệnh trên ban xuống, bắt tụi nó kiểm tra, thì tụi nó cũng làm cho có lệ vậy thôi, chứ ăn cái giải gì mà khó dễ tụi khố rách áo ôm như mình!" Ông đồng cảnh của tôi cười khẩy, "Chắc tụi nó có nhận trà nước chia chác của xã, nên mới dễ dãi với mình. Lần trước tụi nó dọn sạch cả đồ nghề, khiên, bao, xẻng, cuốc, chẳng còn gì. Để về bãi mới biết kết quả ra sao anh ơi!" 


       Tôi về tới bãi cũng là lúc tụi thằng Thanh chạy bát nháo đi tìm tôi. Thằng Thanh và thằng Hòa cùng vài trăm người không giấy tờ khác trốn trong khu hầm mỏ cũ suốt bốn, năm tiếng đồng hồ. Chẳng có ma nào thèm tìm đến vây bắt bọn họ. Khi bộ đội đã rút đi, có người thông báo, tụi nó mới về lều. Nghe thằng Út nói Bác Hai bị điệu ra bãi tập trung thì tụi nó lo lắng cuống quýt chạy đi tìm. Thằng Út nói lúc bộ đội dí súng bắt tôi đi thì nó chạy sang lều bác sĩ An, giả đò đau bụng để theo dõi diễn tiến ra sao. Chờ yên việc nó mới dám mon men về lều. Rồi nó mếu máo,"Bác Hai ơi! Xái của mình bị tịch thu hết rồi! Bộ đội đã khiêng đi hết rồi!" Tôi nhớ lại, khi lên nộp tờ kiểm điểm trên bàn của tên Thiếu tá Cộng sản trưởng đoàn, tôi tình cờ nghe y dặn dò tên Đại úy phụ tá, "Đồng chí nhớ cho người khẩn trương đãi xái ngay tối nay, bên huyện ủy chia cho cánh mình nột nửa số thu hoạch kỳ này đó!" Thì ra cuộc càn quét này, mục đích của huyện là lấy vàng. Trong thời gian chúng tôi bị giữ ngoài bãi súc sau đồi thì lực lượng vũ trang huyện đã lùng sục khắp các bãi. Tất cả xái đã khai quật đều bị tịch thu đóng bao khiêng đi hết. Có cả chục cái xe tải chờ sẵn ngoài dốc cậu Linh để chở đi những tấn hàng béo bở. Cán bộ giải thích với dân đào vàng rằng, huyện cho giấy phép "khai thác rừng" chứ không phải để khai thác quặng mỏ. Quặng mỏ là tài sản của nhân dân, đào vàng là xâm phạm tài sản của nhân dân. Những người trưởng mũi đều bị gán tội xâm phạm tài sản nhân dân. Họ bị làm biên bản và phải làm tờ tự kiểm điểm. Tất cả xái vàng họ đã khai thác được đều bị tịch thu giao nộp về văn phòng huyện. Mẹ kiếp! Cái giấy phép, giá chính thức là hai phân, giá chui là ba, bốn phân. Trên thực tế, khai thác một diện tích vuông, mỗi chiều mười mét, cho dù là rừng cẩm lai cũng không được một phân! Thêm tiền công, tiền di chuyển xe cộ, ăn uống, thuốc men. Lại một trò "chơi chữ"! Cái đồ ăn cướp cạn! Tôi chợt bật cười, nhớ lại cái thông cáo tháng Năm 1975 của Ủy Ban Quân Quản Sài-Gòn Chợ-Lớn ra lệnh cho Quân Cán Chính của chế độ Sài-Gòn phải "đem theo 30 ngày tiền ăn khi trình diện học tập cải tạo"- Rồi một tháng sau,"Nhà nước ra lệnh cho các anh mang theo 30 ngày tiền ăn, chứ nhà nước có hứa sẽ thả các anh về sau một tháng đâu ?"- 


       Thế rồi từng tờ lịch lật qua, theo nhau, mười ba tập lịch được bóc đi, tôi về. Tôi về, vợ tôi đã sắp đuối, bốn đứa con tôi còn nhỏ dại. Tôi bắt đầu lại cuộc đời với hai bàn tay trắng. Mới đó mà đã mười bốn năm trôi qua. Thời gian trôi, nhưng chính sách của Đảng và nhà nước thì lúc nào cũng tàn ác, dã man, "trước sau như một"- Tôi tự trách, "Mình đúng là thằng tối dạ! Kinh nghiệm đau thương mười mấy năm rồi mà chưa sáng mắt ra. "Thế là công cốc! Cái lều của thày trò tôi vẫn còn nguyên, nhưng những bao xái vàng chất xung quanh lều đã biến mất. Giờ này xái trong những bao bì ấy đã được những "đầy tớ trung thành của nhân dân" đem đi đãi, vàng sẽ được chia cho những người có công chỉ huy công tác "bảo vệ an ninh và quyền lợi cho bà con" trong cuộc hành quân kiểm tra sáng nay. Đúng như tên Thiếu tá Cộng-Sản đã tuyên bố, "bộ đội không tơ hào đến tài sản của nhân dân!"- Chứng cớ là bao, bì, khiên, cuốc, xẻng, đòn, đồ nghề khai mỏ vẫn nằm yên chỗ cũ, có ai đụng tới đâu? Chúng chỉ hớt tay trên miếng ăn của những kẻ đói khổ nhất trần đời. Trong rừng chiều, tôi nghe đây đó vang vọng tiếng khóc than, tiếng nguyền rủa của những nạn nhân vừa bị cướp. 


       Chiều đầu hạ 1989, nắng vàng lóng lánh trên những đọt lá giữa rừng già. Trời quang và mây tạnh, nhưng trong lòng tôi cảm thấy lạnh lẽo vô cùng, lạnh hơn là khi trời đang mưa đá trên miếu Thần Hổ, Đà-Lạt ngày nào. Quán cô Nghĩa lại vang lên một bài ca xưa, nhưng giọng ca rất lạ, cuộn cassette được lén gởi về từ bên kia nửa vòng trái đất:

"Một ngày tàn chinh chiến ấy,
 chim đã xa bầy...
 Một ngày tả tơi hoa lá,
 ngóng trông về xa,
 nhớ thương hình bóng qua..."
Tân Sơn Hòa chuyển

• Chiến Sĩ Tiểu Đoàn 62 BĐQ và Vợ Con Tử Chiến Giữ Căn Cứ Lệ Khánh

Chiến Sĩ Tiểu Đoàn 62 BĐQ và Vợ Con 

Tử Chiến Giữ Căn Cứ Lệ Khánh

Sinh Tồn chuyển

Từ trại dân sự chiến đấu Polei Kleng đến tiểu đoàn 62 BĐQ Biên phòng ở căn cứ Lệ Khánh:
Tháng 8/1970, theo kế hoạch của bộ Quốc phòng VNCH, tất cả thành phần Dân sự Chiến đấu trực thuộc Lực lượng Đặc biệt được chuyển sang binh chủng Biệt động quân để thành lập các tiểu đoàn Biệt động quân Biên phòng. Theo lịch trình cải tuyển, ngày 31 tháng 8/1970, trại Dân sự chiến đấu Polei Kleng được tổ chức thành tiểu đoàn 62 Biệt động quân với quân số ban đầu là 403 quân nhân, trong đó 2/3 là người Thượng. Trại còn có tên Việt là Lệ Khánh.

Về mặt địa lý, Polei Kleng là tên một ngọn đồi lớn nằm về phía Tây Bắc Kontum, cách tỉnh lỵ này hơn 20 km. Từ hạ tuần tháng 4/1972, Cộng quân đã gia tăng áp lực nặng tại hai tiền cứ Ben Het và trại Polei Kleng (Lệ Khánh) bằng các trận pháo liên tục để khống chế quân trú phòng, vì rằng vị trí của hai tiền cứ này đã án ngữ trục di chuyển tiếp vận của Cộng quân vào các khu vực mà các sư đoàn CSBV đang tập trung để chuẩn bị tấn công Kontum.

Chiến sĩ Tiểu đoàn 62 BĐQ và vợ con binh sĩ tử chiến với CSBV:
Trong 10 ngày cuối của tháng 4/1972, các cuộc triệt thoái tại Tân Cảnh, Dakto và Võ Định đã ảnh hưởng đến các đơn vị tiền đồn. Tại căn cứ Lệ Khánh, Cộng quân đã tung 1 trung đoàn bao vây quân trú phòng, hàng ngày địch đã pháo liên tục vào căn cứ. Dù bị cô lập, nhưng tiểu đoàn 62 Biệt động quân Biên phòng vẫn giữ vững tiền cứ với sự yểm trợ mạnh mẽ của Không quân Hoa Kỳ. Đại úy Bửu Chuyển, tiểu đoàn trưởng, trung úy Phan Thái Bình, tiểu đoàn phó, và các đại đội trưởng của tiểu đoàn này đã điều động quân sĩ chống trả các đợt tấn công của CQ.

Đầu tháng 5/1972, Cộng quân gia tăng mức độ pháo kích và số lần tấn công. Thông tin tình báo kỹ thuật ghi nhận là trung đoàn 64 CSBV và 1 đơn vị chiến xa T 54 đang bao vây Lệ Khánh được lệnh phải san bằng tiền đồn này với bất cứ giá nào. Theo tài liệu nói về cuộc chiến Mùa Hè 1972 do cựu trung tướng Ngô Quang Trưởng và một cựu số sĩ quan cao cấp QL/VNCH biên soạn cho Ủy ban quân sử Hoa Kỳ, trận tấn công cường tập của Cộng quân vào căn cứ Lệ Khánh diễn ra vào ngày 6 tháng 5/1972. Khởi đầu trận đánh, pháo binh đối phương đã pháo liên tục trong hơn 4 giờ với hàng ngàn đạn pháo 82 ly và hỏa tiễn 122 ly. Tiếp đó, cả trung đoàn 64 CSBV với hơn 20 chiến xa T 54 dẫn đầu tung cuộc xung phong biển người vào các vị trí phòng ngự của Biệt động quân. Trong những đợt tấn công biển người, Cộng quân dàn hàng ngang, mỗi đợt địch quân tiến cách nhau khoảng 50 mét. Dù bị áp đảo về quân số và hỏa lực, nhưng tiểu đoàn 62 BĐQ đã đẩy lùi được được các xung phong của địch quân. Trong thời xảy ra trận chiến, vợ con của anh em binh sĩ trong căn cứ được phát súng, phụ giúp đơn vị trong các nhiệm vụ quan sát, canh gác, chuyển đạn từ kho ra đến tận chiến hào, đưa anh em bị thương vào trạm xá.

Ngày 7 tháng 5/1972, Cộng quân mở đợt tấn công ở hướng Tây Bắc, một chi đội gồm 5 chiếc T 54 đã trúng bãi mìn khi đang dẫn bộ binh CQ tấn công vào tuyến phòng ngự của Biệt động quân ở hướng này. Trong ba ngày từ 6 đến 8/5/1972, tiểu đoàn 62 Biệt động quân và gia đình binh sĩ trong trại đã chịu đựng hàng loạt trận mưa pháo của Cộng quân. Trong những ngày này, các phi tuần B 52 chiến lược của Không lực Hoa Kỳ đã oanh tạc dữ dội vào đội hình của Cộng quân đang khai triển quanh căn cứ và đối phương đã phải trả giá rất đắt trong các đợt tấn công vào tiền đồn này.

Lúc Cộng quân tiến hành cuộc tấn công vào Lệ Khánh thì trung tướng Ngô Du vẫn còn giữ chức vụ tư lệnh Quân đoàn 2 (ngày 10/5/1972, thiếu tướng Nguyễn Văn Toàn được Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cử thay thế ông). Để tưởng thưởng cho quân nhân hữu công của tiểu đoàn 62BĐQ trong suốt thời gian bị CQ bao vây và tấn công căn cứ, ngày 7 tháng 5/1972, vị tư lệnh Quân đoàn 2 đã bay trực thăng trên trại Lệ Khánh để thả lon thiếu tá cho đại úy Bửu Chuyển-tiểu đoàn trưởng, lon đại úy cho trung úy Phan Thái Bình. 20 quân nhân cũng được thăng cấp và tưởng thưởng huy chương trong dịp này. Lon của các quân nhân tân thăng được thả dù từ trực thăng phi cơ xuống đã bị rơi ở giữa hàng rào.

Cuộc triệt thoái đầy bi tráng của tiểu đoàn 62 BĐQ và gia đình binh sĩ trại Lệ Khánh:
Trở lại với cuộc tấn công của Cộng quân, dù bị tổn thất nặng, nhưng đối phương vẫn cố đánh chiếm tiền cứ này. Ngày 9 tháng 5/1972, bộ tư lệnh B3 (chỉ huy lực lượng Cộng quân tại Cao nguyên) đã tăng viện cho trung đoàn 64 CSBV 2 tiểu đoàn bộ binh và 1 tiểu đoàn chiến xa để mở thêm cuộc tấn công biển người. Dù B52 đã nhanh chóng can thiệp, nhưng tiềm lực cố thủ của tiểu đoàn đã bị giảm do số quân nhân thương vong cao. Trước tình hình này, Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 cho lệnh tiểu đoàn 62 tùy nghi hành động.

Chiều 9/5/1972, tiểu đoàn trưởng Bửu Chuyển đã họp với ban chỉ huy và các đại đội trưởng để bàn thảo. Cuối cùng vị chỉ huy căn cứ quyết định rút. Tiểu đoàn phó Bình báo động là nếu rút ra sẽ bị đụng nặng, nên cần phải tìm hướng rút để có thể tránh giao tranh. Theo nhận xét của vị tiểu đoàn phó, trong số 13 lô cốt quanh căn cứ, chỉ có lô cốt 13 là cụm điểm ít bị pháo nhất, do đó tiểu đoàn nên rút theo hướng này. Khó khăn đầu tiên là phải phá hàng rào kẻm gai ở hướng lô cốt 13. Hạ sĩ quan thủ kho đạn được lệnh kiểm kê tất cả các đoạn bangalo để nối thành một ống dài đủ sức công phá những lớp hàng rào chằng chịt trên hướng rút quân. Đêm 9/5/1972, tất cả quân nhân tiểu đoàn và gia đình binh sĩ được lệnh chuẩn bị sẵn sàng. Ba lô gọn nhẹ, cần nhất là súng đạn và lương thực đi đường. Rạng sáng, tiểu đoàn trưởng cho lệnh triệt thoái. Chùm bangalo nổ tung trong tiếng pháo của địch, cả lớp hàng rào kẽm gai bị xé một đường dài cho đoàn quân rút ra.

Theo phân nhiệm, thiếu úy Kchong, đại đội trưởng đại đội 1 dẫn đại đội mở đường. Tiểu đoàn trưởng Chuyển và ban chỉ huy tiểu đoàn theo sau tiến về hướng Đông. Tiểu đoàn phó Bình dẫn 1 cánh quân cùng với gia đình binh sĩ rút sau cùng. Vừa ra khỏi căn cứ, cánh quân của tiểu đoàn phó chiếm ngay một ngọn đồi gần đó, phá được tổ đại liên của địch để yểm trợ cho cánh quân của tiểu đoàn trưởng. Sau đó, tiểu đoàn tách ra làm hai, cánh của tiểu đoàn phó đi về hướng Bắc. Vừa khi tiểu đoàn ra khỏi căn cứ, phi cơ quan sát L 19 của Không quân VNCH đã bắt được liên lạc với tiểu đoàn phó Bình. Quan sát viên trên phi cơ thấy chiến xa và bộ binh CQ đã tràn ngập căn cứ, quan sát viên đã gọi oanh tạc cơ đến dội bom ngay vào tiền đồn này, CQ tổn thất nặng.
Về phía tiểu đoàn 62 BĐQ, tiểu đoàn phó Bình tiếp tục liên lạc với L 19 để nhờ dẫn đường nhưng không nhận được hồi đáp. Nhìn lên, anh thấy phi cơ đã bị trúng đạn và bốc cháy. Cánh dù bung ra. Đoàn quân lên đường với những gian nguy chờ ở phía trước. Phải đến buổi chiều, hai cánh quân của tiểu đoàn trưởng Chuyển và tiểu đoàn phó Bình mới gặp nhau. Xem bản đồ, cả tiểu đoàn mới rời căn cứ được khoảng 5 km. Sau khi kiểm lại quân số, tiểu đoàn trưởng nói với tiểu đoàn phó: Tiếp tục đi, anh vẫn theo hướng Bắc và giữ mặt Bắc cho cánh của tôi.

Hai cánh quân lại chia tay lên đường. Di chuyển được khoảng 500 mét thì cánh quân của tiểu đoàn trưởng bị Cộng quân bao vây. Nghe tiếng súng nổ rền, tiểu đoàn phó Bình chụp máy gọi tiểu đoàn trưởng Chuyển hỏi có bị đụng nặng không và có cần tiếp ứng không. Tiểu đoàn trưởng Chuyển trả lời: Tôi bị vây, nhưng anh cứ dẫn anh em đi đi. Sau đó, thì cả hai không còn liên lạc được với nhau nữa. Cánh quân của tiểu đoàn phó Bình lại bị địch chận đánh. Anh vừa điều động quân, vừa chống trả vừa di chuyển tiếp. Đoàn người đến bờ sông Poko, lúc bấy giờ vào mùa khô, nước cạn. Cả đoàn quân và gia đình binh sĩ cố vượt qua sông. Tiểu đoàn phó Bình và một toán quân ở lại bên này bờ để bảo vệ. Một phụ nữ Thượng đai đứa con trước ngực bị trúng đạn của Cộng quân, người mẹ nằm chết bên bờ sông, trong khi đứa bé vẫn còn ngậm vú mẹ. Trước cảnh tượng đau thương đó, anh Bình ra lệnh cho một người lính Thượng ẳm đứa bé qua bên kia sông, tìm một nhà người Thượng để gửi.

Khi đoàn người bắt đầu vượt sông, Cộng quân tràn đến, bắn đuổi theo, nhiều phụ nữ, trẻ em gia đình quân nhân của tiểu đoàn đã ngã xuống trên dòng sông Poko. Rất may là bên kia bờ có liên đội 385 Địa phương quân đóng quân. Đơn vị này đã kịp thời yểm trợ cho đoàn quân dân qua sông. Qua khỏi sông Poko, tiểu đoàn phó Bình kiểm soát lại quân số. Khi rời trại, cánh của anh có 360 người, giờ chỉ còn lại 97 người. Một số bị thất lạc, một số bị thương, một phần bị địch bắt. Đại tá Nguyễn Văn Đương, chỉ huy trưởng Biệt động quân Quân khu 2 đón đoàn người trở về ở ngay tại căn cứ của liên đội Địa phương quân. Đại tá Đương ôm chầm anh Bình, ông ngạc nhiên khi thấy tiểu đoàn phó 62 BĐQ vẫn còn mang lon trung úy, anh Bình giải thích: Cặp lon rơi giữa hàng rào nên không ra lấy được. Sau đó, đại tá Đương đã gắn 3 bông mai vàng cho người tiểu đoàn phó dũng cảm này rồi ra lệnh đưa 97 người về Kontum. Tuy nhiên, đại úy Bình xin cho anh và một số anh em ở lại vào ngày để chờ đón số anh em còn thất lạc. Ba ngày sau, có thêm một số quân nhân trở về, trong đó có hạ sĩ quan truyền tin của tiểu đoàn trưởng. Người lính này cho đại úy Bình biết là thiếu tá Chuyển bị thương, Cộng quân bắt dẫn đi, nhưng ông không đi, bị địch bắn chết tại chỗ.

Trước khi về Kontum, tiểu đoàn phó Bình gọi máy báo cho đại tá Đương, giọng nghẹn ngào: Bửu Chuyển chết rồi. Cuối tháng 5/1972, quyết định chính thức của đại tướng Tổng tham mưu trưởng về việc thăng cấp cho tiểu đoàn trưởng Bửu Chuyển và tiểu đoàn phó Phan Thái Bình được ban hành để hợp thức hóa quyết định thăng cấp tại mặt trận của tư lệnh Quân đoàn. Trong buổi lễ tưởng thưởng quân nhân hữu công trong cuộc chiến Mùa Hè 1972 tổ chức tại bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 vào thượng tuần tháng 6/1972, tiểu đoàn phó Phan Thái Bình được thiếu tướng Nguyễn Văn Toàn-tư lệnh Quân đoàn 2, gắn cấp đại úy một lần nữa. Còn thiếu tá Bửu Chuyển đã vĩnh viễn ở lại với rừng núi Cao nguyên.

Sinh Tồn chuyển

• 2 Tiểu Đoàn 32&35 BĐQ Tăng Viện Nhảy Dù Mỹ Đánh Chiến Khu C

2 Tiểu Đoàn 32&35 BĐQ Tăng Viện 

Nhảy Dù Mỹ Đánh Chiến Khu C

Sinh Tồn chuyển

Cuộc hành quân hỗn hợp Toledo tấn công CQ ở chiến khu C:
Như đã trình bày, kể từ khi thành lập vào giữa năm 1960 cho đến cuối tháng 4/1975, các đơn vị Biệt động quân thường được biệt phái, tăng viện cho các sư đoàn Bộ binh, các biệt khu và tiểu khu. Trong giai đoạn từ 1963 đến 1966, khi binh chủng Biệt động quân chưa thành lập cấp liên đoàn tại các Vùng chiến thuật, nhiều tiểu đoàn Biệt động quân đã được các bộ tư lệnh Quân đoàn, Sư đoàn sử dụng làm nỗ lực chính trong các cuộc hành quân tiếp ứng đơn vị bạn. Chính từ những chiến tích lẫy lừng của các đơn vị Mũ Nâu, nên trong nhiều cuộc hành quân do các đơn vị Đồng minh đảm trách, các vị tư lệnh lực lượng Hoa Kỳ tại các Vùng chiến thuật đã yêu cầu các tư lệnh Quân đoàn VNCH tăng phái vài tiểu đoàn Biệt động quân cùng tham dự, nhiệm vụ của các tiểu đoàn này trong các cuộc hành quân hỗn hợp là tấn công thẳng vào các vị trí trọng yếu của đối phương. Cuộc hành quân của 2 tiểu đoàn 33 và 35 Biệt động quân tăng viện cho 1 lữ đoàn Hoa Kỳ hành quân ở chiến khu C thuộc Miền Đông Nam phần vào tháng 8/1966 là một trường hợp điển hình.

Diễn tiến về cuộc hành quân trong bài viết này được biên soạn dựa theo tài liệu của tác giả Rob Krott, phổ biến vào tháng 12/1994 và được giới thiệu trong tạp chí KBC vào năm 1995. Một số nhận xét về Biệt động quân VNCH nhìn từ phía người Mỹ đã nói lên sự thán phục của các đơn vị Hoa Kỳ trước khả năng chiến đấu và kinh nghiệm trận mạc của các tiểu đoàn Mũ Nâu VNCH. Sau đây là phần tường trình về cuộc hành quân theo ghi nhận của ông Rob Krott:
Chiến đoàn Biệt động quân tiến vào mật khu Mao Tào:
Ngày 8 tháng 8/1966, theo đề nghị của bộ Tư lệnh lực lượng Hoa Kỳ tại Vùng 3 chiến thuật (Miền Đông Nam phần), bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 đã điều động 1 chiến đoàn đặc nhiệm gồm 2 tiểu đoàn 33 và 35 Biệt động quân tăng viện lữ đoàn 173 Nhảy Dù Hoa Kỳ. Lữ đoàn này đang điều hợp cuộc hành quân mang tên Toledo nhằm truy kích các đơn vị Cộng quân tại “chiến khu C” ở phía Đông Tây Ninh.

Theo phân nhiệm, ngày 14 tháng 8/1966, chiến đoàn Biệt động quân được giao nhiệm vụ làm nỗ lực chính tảo thanh địch quân trong mật khu Mao-Tào thuộc chiến khu nói trên. 10 giờ cùng ngày, chiến đoàn tăng viện đã hoàn tất cuộc đổ quân. Theo kế hoạch, hai tiểu đoàn 33 & 35 BĐQ tiến quân về mục tiêu 1. Từng trung đội, đại đội được bung rộng để lục soát khu vực hành quân. Thời gian này đang ở vào giữa mùa mưa và núi rừng ở mật khu Mao Tào chứa đầy muỗi truyền bệnh sốt rét. Ngày 16 tháng 8/1966, một thành phần của tiểu đoàn 35 Biệt động quân đã chạm súng lần đầu tiên với 1 toán Cộng quân. Binh sĩ Biệt động quân bắn hạ 2 Cộng quân, bắt sống 7 sĩ quan CSBV, tịch thu trong người các tù binh này bản đồ và sơ đồ đóng quân của các đơn vị CQ. Các tù binh bị bắt rất xanh xao vì bị sốt rét. Những người này cho biết rằng khả năng tham chiến của các đơn vị CQ đã giảm đi 50% vì bị bom B 52 và mức độ sốt rét cao lan rộng toàn đơn vị.

Trong cuộc thẩm vấn của sĩ quan tình báo chiến trường, các sĩ quan CSBV trình bày kế hoạch hoạt động của CQ. Theo đó, một tiểu đoàn chủ lực được giao nhiệm vụ đánh phá bãi đáp trực thăng và tổ chức phục kích trục lộ giao thông. Các tù binh cũng khai thêm về một điểm hẹn của đơn vị họ vào ngày hôm sau với một đơn vị CSBV đang hoạt động trong mật khu Mao Tào. Các sĩ quan cố vấn của 2 tiểu đoàn Biệt động quân rất hứng khởi trước tin tức tình báo vừa thu thập được, họ thông báo ngay cho ban Tình báo tác chiến của lữ đoàn 173 Nhảy Dù Hoa Kỳ, đồng thời gởi các tài liệu tịch thu được về đơn vị 172 tình báo Hoa Kỳ để tiếp tục khai thác và điều tra.

Theo phân tích của sĩ quan tình báo của chiến đoàn BĐQ, thì Cộng quân đang xâm nhập vào vùng hành quân từng toán nhỏ từ 5 đến 10 người. Nếu bộ chỉ huy lữ đoàn 173 Nhảy Dù Hoa Kỳ phổ biến và khai triển nhanh chóng các tin tức của Biệt động quân VNCH thu thập được, các đơn vị Hoa Kỳ có thể tiêu diệt hàng chục đơn vị CQ bằng các cuộc phục kích cấp trung đội. Thế nhưng bộ chỉ huy lữ đoàn Hoa Kỳ này vẫn do dự, chưa bao giờ đưa ra những quyết định dựa theo tin tức tình báo do Quân đội VNCH lấy được, họ cũng không tiến hành kế hoạch ngăn chận các đơn vị CQ xâm nhập vào mật khu, cũng như phục kích các điểm hẹn của đối phương. Mặc dù sĩ quan tình báo của Biệt động quân đã chứng minh là địch quân đã xuất hiện tại nhiều vị trí khác nhau, nhưng bộ chỉ huy lữ đoàn 173 vẫn yêu cầu các đơn vị tăng phái tiếp tục nhiệm vụ dựa theo kế hoạch hành quân ban đầu, và sau đó tiến sang mục tiêu 2.

Trong 5 ngày liên tiếp, Biệt động quân tiếp tục truy lùng địch, chạm súng bất ngờ với Cộng quân trong các trận tao ngộ chiến. Trong các trận đụng độ này, chiến binh Biệt động quân đã chứng minh khả năng tác chiến vượt trội so với đơn vị Hoa Kỳ, hạ sát được nhiều Cộng quân, tịch thu, tiêu hủy rất nhiều vũ khí, nhiều hơn cả tổng số vũ khí địch mà các đơn vị của lữ đoàn 173 đã tịch thu và gom lại. Trong kỹ thuật lùng và diệt địch, các đơn vị Biệt động quân di chuyển thận trọng, dù bị bắn sẻ hàng ngày do địch quân lẫn trốn trong các xóm làng quanh vòng đai mật khu CQ. Chiến đoàn Biệt động quân bung rộng lục soát các ngôi làng này, tịch thu nhiều hầm chứa vũ khí, thực phẩm, quân dụng, vật liệu của địch, nhiều tài liệu quan trọng. Riêng về gạo của CQ cất giấu lên đến hàng trăm tấn.

Cuộc hành quân thứ hai của BĐQ với lữ đoàn 173 Nhảy Dù Hoa Kỳ:
Sau hai tuần lễ hành quân, chiến đoàn Biệt động quân được trực thăng bốc ra khỏi bãi đáp Yankee đưa về An Lộc để nhận thêm tiếp liệu. Nhiệm vụ tăng phái của hai tiểu đoàn đã kéo dài hơn dự trù trong kế hoạch mà lữ đoàn 173 Dù soạn thảo là chỉ có 10 ngày. Sau đó, hai tiểu đoàn Biệt động quân nhận lệnh hành quân mới cho một chiến dịch lùng và diệt địch khác cũng do lữ đoàn 173 Nhảy Dù điều phối chỉ huy tổng quát, cả chiến đoàn sẽ được trực thăng vận vào vùng hành quân vào sáng hôm sau.

Ngày 23 tháng 8/1966, các phi đội trực thăng đưa hai tiểu đoàn Biệt động quân vào vùng hành quân mới. Chiến đoàn Biệt động quân đổ quân xuống bãi đáp Đỏ, sau đó khai triển đội hình tiến quân lục soát khu vực xung quanh. Tối hôm đó, một số binh sĩ Biệt động quân đang ngồi quanh bếp lửa, phi cơ quan sát của Hoa Kỳ bay ngang qua trông thấy, thay vì phải liên lạc trung tâm hành quân của lữ đoàn 173 Nhảy Dù để biết vị trí quân bạn, nhưng quan sát viên và phi công Hoa Kỳ trên phi cơ này đã gọi phi tuần phản lực đến oanh kích “lửa trại của địch” bằng bom napalm vào chỗ đóng quân của tiểu đoàn 33 BĐQ trước khi cố vấn tiểu đoàn, đại úy Stanley Shaneyfelt liên lạc được với phi cơ quan sát để ngưng cuộc oanh kích. Việc ném bom lầm này đã làm cho 4 chiến binh Biệt động quân bị thương. Chuyện không may xảy ra cho tiểu đoàn 33 Biệt động quân đã khiến cho đại úy Hồ Văn Hòa, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 35 BĐQ lo ngại. Vị tiểu đoàn trưởng 25 tuổi này đã phải yêu cầu pháo đội 175 ly Hoa Kỳ ngưng các tác xạ quấy rối đối phương để tránh tình trạng pháo lầm vào đơn vị bạn.

Hai ngày sau, tiếp tục nhiệm vụ lùng và diệt địch, nhiều binh sĩ tiểu đoàn 33 BĐQ bị sốt rét hành. Một vài sĩ quan trẻ trình bày với thiếu tá Văn, tiểu đoàn trưởng, rằng binh sĩ của họ không muốn biệt phái nữa, chỉ muốn trở về hậu cứ ở Biên Hòa để tránh bị sốt rét rừng. Trong vòng 1 tuần lễ, 92 binh sĩ của chiến đoàn đặc nhiệm Biệt động quân bị sốt rét nặng phải chuyển về quân y viện, 6 người bị tử vong. Sau đó, các đơn vị của chiến đoàn BĐQ đã báo cho bộ chỉ huy lữ đoàn 173 Nhảy Dù Hoa Kỳ là số quân nhân tham chiến bị sốt rét ngày càng tăng, nên không thể tiến quân sâu nữa. Tư lệnh Quân đoàn 3 lúc bấy giờ là thiếu tướng Lê Nguyên Khang (thăng trung tướng vào 1/11/1966) đã phải bay ra vùng hành quân, thuyết phục chiến đoàn Biệt động quân hãy tiếp tục cuộc hành quân. Sau đó cả hai tiểu đoàn Biệt động quân được trực thăng Hoa Kỳ đem đến quân dụng tiếp liệu cùng thực phẩm bồi dưỡng cho những ngày hành quân kế tiếp.

Hai tiểu đoàn Biệt động quân tiếp tục cuộc hành quân cho đến ngày 31 tháng 8/1966. Tiểu đoàn 35 Biệt động quân được giao nhiệm vụ cuối là giải tỏa áp lực CQ trên đoạn đường số 2 từ Bắc Ngãi Giao đến phi đạo tại xã Cam Mỹ. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ với kết quả xuất sắc, hai tiểu đoàn Biệt động quân trở về Quân đoàn 3, kết thúc sự tăng viện cho cuộc hành quân Toledo do lữ đoàn 173 Nhảy Dù đảm trách trong tháng 8/1966.

Trong cuộc hành quân nói trên, hai tiểu đoàn Biệt động quân đã chạm súng 36 lần, mặc dù đối phương đã cố tình tránh né. Điều quan trọng là các đơn vị Hoa Kỳ đã học hỏi được nhiều điều trong vấn đề phối hợp với các đơn vị Việt Nam trong lúc hành quân.

Sinh Tồn chuyển

• 2 Liên Đoàn Biệt Động Quân Tử Chiến Với CQ ở Vùng Đèo Chu Pao

2 Liên Đoàn Biệt Động Quân Tử Chiến 

Với CQ ở Vùng Đèo Chu Pao

Sinh Tồn chuyển

Chu Pao, ngọn đèo chiến lược ở Cao nguyên:
Là một ngọn núi có đỉnh cao 1059 mét, cách Pleiku khoảng 17 km về phía Bắc, đỉnh núi là pháo đài quan sát để bảo vệ đoạn Pleiku-Kontum trên quốc lộ 14, Chu Pao là một vị trí chiến lược mà Cộng quân đã nhiều lần tung quân cố chiếm giữ bằng mọi giá. Do địa thế quá hiểm trở có lợi cho địch quân trong thế thủ, nên mỗi lần vùng đèo này bị lọt vào tay Cộng quân, bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 đã điều động lực lượng hùng hậu để tái chiếm. Từng trung đoàn, liên đoàn bộ chiến có chiếm xa yểm trợ, với các phi tuần oanh kích liên tục và cả B 52 dội bom, trận chiến kéo dài nhiều ngày, Cộng quân mới bị đánh bật ra khỏi vùng đèo.

Do tầm quan trọng về chiến lược của vùng đèo này, nên trong cuộc chiến mùa Hè 1972, Chu Pao trở thành một trong những mục tiêu trọng điểm của Cộng quân tại Cao nguyên. Như đã trình bày trong bài viết giới thiệu trận chiến giữa Sư đoàn 22 Bộ binh và Cộng quân tại mặt trận Dakto-Tân Cảnh, ngày 23 tháng 4/1972, Cộng quân đã tung quân tấn công cường tập vào bộ chỉ huy hành quân Sư đoàn 22 Bộ binh. Ngày 24 tháng 4/1972, sau khi các cứ điểm trọng yếu tại Dakto và Tân Cảnh thất thủ, đối phương đã tung quân gây áp lực quanh thị xã Kontum. Ngày 28 tháng 4/1972, trung đoàn 95CSBV đã đánh chiếm một khoảng đường ngắn trên Quốc lộ 14 nối liền Pleiku-Kontum và tổ chức các cụm chốt cố thủ trên vùng đèo Chu Pao. Khi Cộng quân chiếm đèo thì cũng vào lúc Sư đoàn 23 Bộ binh vừa hoàn tất cuộc chuyển quân từ Ban Mê Thuột theo Quốc lộ 14 về phòng thủ Kontum, do đó không xảy ra giao tranh trên lộ trình di quân.

Lực lượng đặc nhiệm Biệt động quân kịch chiến với CQ quanh Kontum và Chu Pao:
Việc trung đoàn 95 CSBV CSBV lập các chốt chận tại vùng đèo Chu Pao đã khống chế trục lộ giao thông huyết mạch này, đồng thời cô lập thị xã Kontum với các tỉnh phía Nam vùng Cao nguyên. Trong khi đó, ở phía Bắc thị xã Kontum, sau khi lữ đoàn 2 Nhảy Dù được lệnh rời khu vực Võ Định để tăng cường cho Quân đoàn 1, ngày 20 tháng 4/1972, liên đoàn 6 Biệt động quân đã được điều động từ chiến trường Trị Thiên vào thay thế để phòng thủ khu vực này. (Liên đoàn 6 BĐQ thống thuộc bộ chỉ huy Biệt động quân Quân đoàn 3, vào thượng tuần tháng 4/1972, đã cùng với liên đoàn 3 BĐQ tăng phái cho mặt trận Quảng Trị).

Theo kế hoạch, các tiểu đoàn của liên đoàn 6 BĐQ đã bố trí quân trên các dốc đứng án ngữ Quốc lộ 14 về hướng Nam căn cứ Võ Định. Do bị áp lực nặng của địch, ngày 27 tháng 4/1972, bộ chỉ huy liên đoàn được trực thăng vận lui về hướng Đông Nam 12 km, căn cứ Đồi Chiến Lược, hướng Bắc Kontum. (Trong liên lạc Không-Lục với các phi cơ của Không quân Hoa Kỳ, căn cứ này còn có danh hiệu là căn cứ hỏa lực November). Ngày 1 tháng 5/1972, một đơn vị của liên đoàn 6 BĐQ bị địch tấn công cường tập. Để bảo toàn quân số, tiểu đoàn này được liên đoàn trưởng cho lệnh triệt thoái. Như thế, tuyến phòng thủ của lực lượng VNCH đã lui lại vài km, chỉ cách thị xã Kontum 13 km về hướng Tây Bắc.

Sau khi Cộng quân bị thất bại trong 2 đợt tấn công vào thị xã Kontum (đợt 1: 14/5/1972, đợt 2: 20/5/1972), Quân đoàn 2 quyết định tung quân dể giải tỏa áp lực tái khu vực nhằm tái lập giao thông trên Quốc lộ 14 và vòng đai tỉnh ly Kontum. Để thực hiện kế hoạch này, một lực lượng đặc nhiệm đã được thành lập gồm 2 liên đoàn Biệt động quân được tăng cường Thiết giáp và Công binh chiến đấu, do đại tá Nguyễn Văn Đương, chỉ huy trưởng Biệt động quân Quân khu 2 tổng chỉ huy.

Cũng cần ghi nhận rằng liên đoàn 2 BĐQ được thành lập từ 1967 sau cải danh thành liên đoàn 23 BĐQ, gồm các tiểu đoàn: 11, 22, và 23 BĐQ. Còn liên đoàn 6 BĐQ được thành lập từ 1969 với các tiểu đoàn 34, 35, 51 BĐQ. Tất cả 6 tiểu đoàn của 2 liên đoàn nói trên là những đơn vị kỳ cựu của binh chủng Mũ Nâu, đã có mặt trên chiến trường từ thời kỳ 1963-1964.

Trong 10 ngày cuối của tháng 5/1972, lực lượng đặc nhiệm đã nỗ lực tung các cuộc tấn công quyết liệt để triệt hạ các cụm chốt của đối quanh đèo chiến lược này. Tuy nhiên, do đối phương đã xây dựng được một hệ thống cụm điểm kháng cự liên hoàn rất kiên cố trên các dốc đá hướng Nam núi Chu Pao, và các cụm chốt cố thủ hai bên Quốc lộ 14, nên các đơn vị Biệt động quân đã gặp rất nhiều khó khăn trong tấn công, dù được sử yểm trợ mạnh mẽ của hỏa lực Pháo binh và Không quân chiến thuật, cùng B 52 và sử dụng cả chùm địa lôi CBU-55.

Từ các vị trí cố thủ, Cộng quân đã chống trả quyết liệt để cố chận cuộc tiến quân của lực lượng đặc nhiệm. Phối hợp với hỏa lực hung bạo của các trận địa pháo do các tiểu đoàn pháo CQ mở ra với hàng loạt đợt hỏa tập, các cụm chốt cản của Cộng quân dọc hai bên đường đã gây tổn thất cho các đơn vị Biệt động quân và tiếp tục cản trở sự lưu thông tiếp vận từ Pleiku về Kontum.
Cuối tháng 5/1972, sau khi Cộng quân bị đánh bật khỏi thị xã Kontum trong trận tấn công đợt 3 (ngày 28/5/1972), Quân đoàn 2 gia tăng nỗ lực giải tỏa áp lực Cộng quân tại đèo Chu Pao. Cùng lúc đó, địch quân cũng tăng cường lực lượng để cố bám giữ ngọn đèo này. Thế trận giằng co giữa Biệt động quân và Cộng quân. Giữa tháng 6/1972, bộ chỉ huy Biệt động quân điều động liên đoàn 22 Biệt động quân nhập trận. Liên đoàn này nhận khu vực do đơn vị bạn bàn giao.

Theo kế hoạch của bộ chỉ huy Biệt động quân Quân khu 2, tiểu đoàn 62 thuộc liên đoàn 22 Biệt động quân và tiểu đoàn 71 BĐQ là những nỗ lực chính để triệt hạ các chốt cố thủ của Cộng quân quanh đỉnh Chu Pao. Cùng lúc đó, 4 tiểu đoàn Biệt động quân tiếp tục hành quân giải tỏa áp lực Cộng quân ở vòng đai ngoại vi đèo Chu Pao. Trong cuộc tấn công tái chiếm vùng đèo Chu Pao, từng đại đội Biệt động quân được giao nhiệm vụ làm sạch từng cụm chốt liên hoàn của Công quân. Từ đội hình đại đội tấn công, mỗi trung đội của từng đại đội Biệt động quân lại là một mũi tấn công vào từng chốt địch quân. Sau các đợt pháo yểm trợ dập vào các vị trí trọng điểm của địch- được ghi nhận là có đặt súng cối 82 ly, từng toán Biệt động quân cầm lựu đạn bò sát đến các hầm và đánh từng hầm một. Các hầm ở Chu Pao, Cộng quân đều đào theo kiểu hầm Triều Tiên. Bom và đạn đại bác có đánh trúng ngay trên hầm thì mới có kết quả. Với lối đánh bằng lựu đạn, cuối cùng lực lượng Biệt động quân đã đánh bật Cộng quân ra khỏi vùng đèo Chu Pao.

Chiến binh Biệt động quân nói về trận Chu Pao:
Sau khi hai tiểu đoàn 71 và 62 Biệt động quân đã “dứt điểm” khu vực trung tâm đèo Chu Pao, giao thông trên trục lộ 14 được tái lập. Cuối tháng 6/1972, một số phóng viên báo chí đã đến thăm các đơn vị Biệt động quân thuộc lực lượng đặc nhiệm. Khi được hỏi về về trận địa Chu Pao, đại tá Nguyễn Văn Đương, chỉ huy Biệt động quân Quân khu 2 chỉ một vết mẻ trên phía đá lớn gần đó và nói:

- Bom B 52 mà chỉ làm trầy xơ xịa hòn đá như vậy thì mong gì dùng bom trục địch quân ra khỏi hầm được.
Tại ban chỉ huy tiểu đoàn 71 BĐQ, thiếu tá Đồng Văn Khoa, tiểu đoàn trưởng đã nhắc lại những hình ảnh hãi hùng của những trận cận chiến:
- Chúng tôi thanh toán từng mục tiêu bằng lựu đạn, đánh từng hầm một, không còn cách nào khác để làm im tiếng tiếng súng của đám xạ thủ đã bị xiềng chân vào hầm.

Một hạ sĩ quan của tiểu đoàn 71 đứng gần thiếu tá Khoa kể lại trận đánh:
- Chiếm được hầm rồi, còn phải kéo súng lấy được xuống núi. Muốn vậy, buộc phải chặt chân cái xác chết để tháo súng ra. Nhưng địch quân bố trí hầm theo hình chữ V, tử thần hẹn gặp chúng tôi ở khắp bốn phía.

Một phóng viên nhìn lên đỉnh Chu Pao, Chu Thoi đã ngán ngẩm:
- Leo được lên đó và leo dưới hỏa lực của địch quân thật không phải là chuyện đi dạo.

Đại úy Lê Thanh Phong, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 62 Biệt động quân gật đầu xác nhận:
- Cam go lắm anh ạ. Nhưng cũng may lúc này có sương mù buổi sáng. Sương mù dày dặc đến mức cách nhau khoảng 10 thước là không nhìn thấy gì nữa rồi. Cũng nhờ sương mù mà chúng tôi bò lên đánh được những vị trí súng của địch.

Sinh Tồn chuyển

• Trung Tướng Ngô Du - Thế Trận QĐ 2 Tại Cao Nguyên

Trung Tướng Ngô Du, 

Thế Trận QĐ 2 Tại Cao Nguyên 

Sinh Tồn chuyển


Trung tướng Ngô Du và chiến trường Quân khu 2 trước 1972
Tháng 8/1970, Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu ban hành sắc lệnh tái tổ chức an ninh lãnh thổ VNCH. Theo đó, các Vùng chiến thuật được đổi thành Quân khu, mỗi Quân khu do một Quân đoàn đảm trách. Cũng theo sắc lệnh này, các Khu chiến thuật do Sư đoàn đảm trách được bãi bỏ, tuy nhiên mỗi Sư đoàn vẫn được phân nhiệm hoạt động trên một địa bàn rộng theo tình hình và địa thế của từng Quân khu. Cùng với sắc lệnh này, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã bổ nhiệm 2 tân tư lệnh Quân đoàn: thiếu tướng Ngô Quang Trưởng, nguyên tư lệnh Sư đoàn 1 BB được bổ nhiệm giữ chức tư lệnh Quân đoàn 4 & Quân khu 4 thay thế thiếu tướng Ngô Du; tướng Du được cử giữ chức tư lệnh Quân đoàn 2 & Quân khu 2 thay thế trung tướng Lữ Lan. Vài tháng sau, cả hai vị tân tư lệnh Quân đoàn 2 và 4 đều được thăng trung tướng.

Cũng cần ghi nhận rằng thiếu tướng Ngô Du đã nhận chức tư lệnh Quân đoàn 4 vào tháng 5/1970 thay thế thiếu tướng Nguyễn Viết Thanh bị tử nạn trực thăng. Trước khi được giao phó trọng trách chỉ huy Quân đoàn, tướng Ngô Du đã từng đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng. Theo tài liệu của Khối Quân sử/Phòng 5 Bộ Tổng Tham mưu QL.VNCH và tài liệu về các Sư đoàn VNCH do Trung tâm Quân sử Lục quân Hoa Kỳ biên soạn, vào tháng 4 năm 1957, khi Quân lực VNCH trong giai đoạn hình thành và phát triển với 4 Sư đoàn Dã chiến và 6 Sư đoàn Khinh chiến, tướng Ngô Du đã được Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm cử giữ chức tư lệnh Sư đoàn 4 Dã chiến khi ông còn mang cấp trung tá. Ông giữ chức vụ này từ tháng 4/1957 đến tháng 3/1958 (trong năm 1958, Sư đoàn này được cải danh thành Sư đoàn 7 Bộ binh). Cuối tháng 1/1964, khi mang cấp đại tá, ông được cử giữ chức tư lệnh Sư đoàn 2 Bộ binh (từ 30 tháng 1 đến 29/7/1964), thăng chuẩn tướng vào tháng 5/1964. Năm 1968, Ông được thăng thiếu tướng khi đang phụ trách kế hoạch Hành quân Bình định của Bộ Tổng tham mưu QL.VNCH.

Nhận chức tư lệnh Quân đoàn 2 vào mùa thu 1970, đúng vào lúc CQ đang gia tăng nỗ lực tại chiến trường Tây nguyên. Trong 3 tháng cuối của năm 1970 và trong suốt năm 1971, dưới quyền chỉ huy của tướng Ngô Du, Quân đoàn 2 với sự tăng cường của các đơn vị Sư đoàn Nhảy Dù QL.VNCH và các đơn vị Đồng minh Mỹ, Đại Hàn, đã nỗ lực đánh bại nhiều cuộc tấn công cường tập của CSBV tại các mặt trận lớn trên địa bàn các tỉnh Kontum, Pleiku, Quảng Đức, Bình Định...

Phối trí lực lượng của Quân đoàn 2/Quân khu 2 đầu năm 1972
Đầu năm 1972, các đơn vị Hoa Kỳ lần lượt rút quân khỏi Cao nguyên, Quân đoàn 2 đã tái phối trí lực lượng để bảo vệ lãnh thổ. Lực lượng chính của Quân đoàn 2 gồm Sư đoàn 22 BB và Sư đoàn 23 BB được phối trí như sau.
-Sư đoàn 22 Bộ binh chịu trách nhiệm phía Bắc Quân khu 2 gồm 5 tỉnh: Bình Định, Phú Yên, Phú Bổn, Pleiku và Kontum.

-Sư đoàn 23 Bộ binh trách nhiệm 7 tỉnh và 1 thành phố còn lại của Quân khu 2 gồm có: Ban Mê Thuột, Tuyên Đức, Quảng Đức, Lâm Đồng Khánh Hòa, Cam Ranh, Ninh Thuận và Bình Thuận.
Ngoài 2 sư đoàn Bộ binh, lực lượng Lục quân tác chiến của Quân đoàn 2 còn có 1 liên đoàn Biệt động quân tiếp ứng, 12 tiểu đoàn Biệt động quân biên phòng, 1 lữ đoàn Kỵ binh, một số tiểu đoàn Pháo binh trực thuộc Quân đoàn, 1 liên đoàn Công binh Chiến đấu.

Trước khi trận chiến Hè 1972 xảy ra, tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh là thiếu tướng Lê Ngọc Triển, tư lệnh Sư đoàn 22 Bộ binh là chuẩn tướng Võ Văn Cảnh. Trong thời gian làm tư lệnh các sư đoàn nói trên, tướng Triển và tướng Cảnh đã chỉ huy có kết quả trong các cuộc hành quân thuộc khu vực trách nhiệm của mình. Thế nhưng vào tháng 2/1972, ông John Paul Vann, cố vấn trưởng Quân đoàn 2 yêu cầu trung tướng Ngô Du phải thay thế hai vị tướng này. Ông Vann nguyên là trung tá cố vấn trưởng Sư đoàn 7 Bộ binh VNCH trong thời kỳ đại tá Huỳnh Văn Cao làm tư lệnh (1961-1962); ông đã giải ngũ với cấp bậc trung tá, một thời gian sau trở lại Việt Nam và giữ nhiều chức vụ quan trọng, chức vụ cuối cùng của ông trước khi tử nạn vào cuối năm 1972, là cố vấn trưởng Quân đoàn 2 với quyền hạn và lương bổng dành cho một thiếu tướng Hoa Kỳ.

Giải thích về yêu cầu của mình, ông Paul Vann nêu ra lý do như sau: Mặt trận sắp tới sẽ sôi động và gay cấn, cần có các tư lệnh sư đoàn năng động, trẻ tuổi, còn tướng Triển và tướng Cảnh thì đã lớn tuổi (năm 1972, các tướng Cảnh và Triển chưa đến 50 tuổi). Sau đó, ông Paul Vann đã đề nghị đại tá Lý Tòng Bá và đại tá Lê Minh Đảo thay thế hai vị tướng trên. Theo hồi ký của cựu chuẩn tướng Lý Tòng Bá thì ban đầu ông Vann đề nghị đại tá Bá làm tư lệnh Sư đoàn 22 BB còn đại tá Đảo làm tư lệnh Sư đoàn 23 BB.

Theo lời kể của cựu đại tá Trịnh Tiếu, trưởng phòng 2 Quân đoàn 2 thì trung tướng Ngô Du bị bất ngờ trước ý kiến của ông Paul Vann và đã nói với vị cố vấn này rằng việc bổ nhiệm tư lệnh Sư đoàn là do Tổng thống Thiệu quyết định, tư lệnh Quân đoàn không có quyền. Trung tướng Du cũng cho biết là hai tướng Triển và Cảnh không có lỗi gì nên không thể đề nghị thay thế được. Tuy nhiên Paul Vann nhất quyết đòi phải thay thế hai vị tướng này.

Tướng Triển và tướng Cảnh biết được những khó khăn của trung tướng Ngô Du, tư lệnh Quân đoàn 2, nên hai vị tướng này đã nói với trung tướng Ngô Du rằng “vì đất nước và quân đội”, hai ông sẽ sẵn sàng làm đơn lên Tổng thống xin từ chức vì lý do sức khỏe để tướng Du tiện sắp xếp nhân sự cao cấp tại các sư đoàn. Khi trao đổi ý kiến với ông Paul Vann, tướng Du hỏi: Quân đoàn 2 có nhiều sĩ quan trẻ và giỏi như đại tá Lê Đức Đạt, đại tá Tôn Thất Hùng và nhiều đại tá khác, tại sao ông không đề nghị. Ông Paul Vann trả lời: đại tá Đạt bị tai tiếng khi còn ở Quân khu 3, nên tôi không đề nghị, còn đại tá Hùng tôi chưa có cơ hội biết được khả năng của ông ta.

Do tình hình chiến sự tại Cao nguyên càng ngày càng sôi động, Quân đoàn 2 cần đến sự hỗ trợ của Không lực Hoa Kỳ qua trung gian của ông Paul Vann nên trung tướng Du cần phải thỏa mãn gấp các đề nghị của vị cố vấn này. Tuy nhiên tướng Du chỉ thỏa mãn 50% đề nghị. Với cương vị của một tư lệnh Quân đoàn, trung tướng Ngô Du đề nghị Tổng thống Thiệu bổ nhiệm đại tá Lý Tòng Bá làm tư lệnh Sư đoàn 23 (lúc đó, đại tá Bá là phụ tá Lãnh thổ Tư lệnh Quân khu 2); đại tá Lê Đức Đạt, tư lệnh phó Sư đoàn 22 BB, giữ chức tư lệnh Sư đoàn này. Trước đề nghị của trung tướng Ngô Du, ông Paul Vann không hài lòng. Cũng trong sự sắp xếp mới này, thiếu tướng Triển được thuyên chuyển về làm tham mưu phó Hành quân bộ Tổng tham mưu, còn chuẩn tướng Võ Văn Cảnh thì sau đó được cử giữ chức chỉ huy trưởng Huấn khu Dục Mỹ (gồm 3 quân trường: trung tâm huấn luyện Lam Sơn, trường Pháo Binh và trường Biệt động quân).

Chiến trường Cao nguyên trong tháng 2 và tháng 3/1972
Theo loạt bài của trung tướng Ngô Quang Trưởng và một số cựu sĩ quan cao cấp VNCH viết cho Trung tâm Quân sử Hoa Kỳ và tài liệu của tác giả Trần Phan Anh trong cuốn Chiến Trận Mùa Hè, thế trận của Quân đoàn 2 trong những tháng đầu năm 1972 được ghi nhận như sau.

Vào cuối tháng Giêng và đầu tháng 2/1972, phi cơ quan sát của Không quân Việt-Mỹ đã liên tục phát giác các dấu hiệu di chuyển về người và tiếp liệu của CSBV trong vùng. Các dấu xích chiến xa, cả một đoàn quân xa cũng được khám phá tại vùng Đông Căn cứ địa 609. Cùng lúc đó, tài liệu CSBV bị tịch thu bởi các toán tuần tiễu, xác nhận sự hiện diện của sư đoàn 320 CSBV tại vùng hoạt động của mặt trận B-3 và đồng thời khám phá CQ đem được các súng đại pháo tầm xa 122 và 130 ly vào vùng Tam biên Việt-Căm Bốt-Lào. Trước những tín hiệu trên, theo yêu cầu của trung tướng Ngô Du, Không lực Hoa Kỳ đã thực hiện tối đa các phi tuần B- 52 và Không quân chiến thuật, các cuộc hành quân tuần tiểu của các đơn vị bộ chiến đã được khai triển rộng để truy tìm địch quân. Cùng lúc đó, tướng Ngô Du cũng đã cho tăng cường phòng thủ hai tỉnh lỵ Pleiku và Kontum.

Đầu tháng 2/1972, trung tướng Ngô Du đã khởi động kế hoạch tái phối trí lực lượng để bảo vệ Cao nguyên. Ông đã ra lệnh di chuyển bộ Tư lệnh Tiền phương Sư đoàn 22 BB cùng với 1 trung đoàn cơ hữu, Trung đoàn 47, và một thành phần yểm trợ quan trọng của Sư đoàn từ căn cứ chính tại Bình Định di chuyển đến khu vực Tân Cảnh-Dakto. Tại đây, bộ Tư lệnh Sư đoàn 22 BB đặt chung với bộ chỉ huy Trung đoàn 42 BB, một binh đoàn cơ hữu của Sư đoàn đã hoạt động tại khu vực này từ trước. Ngày 8 tháng 2/1972, cuộc di chuyển đã hoàn tất. Ngoài lực lượng Bộ binh, một thành phần của Thiết đoàn 19 Kỵ binh cũng được lệnh đến Tân Cảnh để tăng cường cho Thiết đoàn 14, đơn vị thống thuộc Sư đoàn 22 Bộ binh.

Để tăng cường lực lượng bộ chiến cho mặt trận Cao nguyên, bộ Tổng Tham mưu đã điều động Lữ đoàn 2 Nhảy Dù đặt thuộc quyền điều động của Quân đoàn 2. Bộ chỉ huy Lữ đoàn đặt tại căn cứ Võ Định, các đơn vị Nhảy Dù thống thuộc được phối trí phòng thủ các căn cứ hỏa lực tại vùng Đồi Chiến Lược (Rocket Ridge) bao vùng cho anh ninh tỉnh lộ 511 về hướng Tây và sông Poko về hướng Đông, tạo thành một màng lưới bảo vệ Tân Cảnh và thị xã Kontum từ hướng Tây và Tây Bắc, hướng tiến của CQ. Tất cả lực lượng đã được báo động và trong tư thế sẵn sàng chiến đấu để chận đứng cuộc tấn công của CQ, và trong tháng 2 và tháng 3, trận chiến vẫn chưa diễn ra trên chiến trường Cao nguyên.

Sinh Tồn chuyển