Sunday, November 5, 2023

QUA MẤY DẶM ĐƯỜNG - Trần Bạch Thu

QUA MẤY DẶM ĐƯỜNG

Trần Bạch Thu - fb Son H Cao

Nửa đêm một đoàn xe tải Molotova mui trần chở hơn hai trăm năm mươi người, từ trại tập trung Long Thành xuống cầu Tân Cảng ngoài xa lộ. Trời hơi thấm lạnh, gần hai tiếng đồng hồ di chuyển mới đến nơi. Cả đoàn người ăn mặc xốc xếch xuống xe đi khập khiễng.
 ----------------
 

Đèn pha rọi một vệt sáng, xuyên thủng qua màn sương đục trên bến nước loang loáng. Trước khi bước xuống bờ xi măng cặp sát con tàu, mọi người mới được tháo còng và sau đó xếp hàng dọc nối đuôi nhau bước lên tấm ván bắc làm cầu đi lên boong tàu.
Lần theo ánh sáng mờ mờ soi dọc theo lối đi để tới một chiếc thang sắt nhỏ, chỉ vừa đủ cho một người bước xuống hầm tàu tối thui. Tàu Sông Hương. Một anh bạn tù trước kia là Trung tá Hải quân từng là hạm trưởng nói đây là khoang chứa hàng hóa của tàu viễn dương.
 
Người người chèn chật cứng dưới hầm chỉ đủ chỗ ngồi dựa vào nhau trên sàn tàu rịn ướt, ban đầu là vụn than đá sau đó hòa lẫn với mồ hôi người tạo thành một thứ mùi khó chịu. Tàu lắc lư rời bến, chỉ nhìn thấy một khoảng trời phía trên màu đen đặc quánh. Được một lúc, công an ra lệnh đóng nấp hầm lại chỉ chừa một lỗ hổng nhỏ, vừa đủ để chuyền lần lượt những chiếc xô nhựa buộc bằng dây thừng kéo lên, xuống. Tất cả chỉ còn tiếng quay đều của cái ròng rọc, để điều tiết sự sống của con người. Mì gói, nước uống, phân và nước tiểu. Thỉnh thoảng cũng có trục trặc vì đầy quá nên rơi vãi ra ngoài.
 
Tàu ra khơi được một ngày, mọi người mệt lả nằm la liệt và bắt đầu có người ói mữa, vì không có đủ xô nhựa chứa chất thải loại nầy nên cứ tự do tràn lan ra sàn tàu. Ông Thẩm phán già yếu ngộp thở, sắp xỉu, được kéo lướt lên trên thân người dầy đặc, nằm cong queo bít kín sàn tàu, để tới được đầu cầu thang phía bên dưới, bám chắc vào chờ tù trật tự kéo lên boong. Run rẩy.
 
Lát sau lại có người sắp ngất nên càng lúc càng có nhiều người xin được cấp cứu kéo lên boong tàu, đến nỗi anh tù trật tự gọi loa xuống báo:
- Thiên đường đã hết chỗ.
Đến lúc nầy công an mới ra lệnh cho mở toang nấp hầm tàu. Gió biển thổi lùa vào xua bớt đi mùi nồng nặc của phân người. Dưới hầm tàu, mọi người thay vì hít thở được chút không khí trong lành thì lại tuyệt vọng, rã rời khi có tin truyền tai nhau. Tàu đang di chuyển ra miền Bắc. Đem tù hàng binh về nước.
 
Đi suốt bốn ngày đêm, cho đến khi nghe thấy trời im, gió lặng và tàu chuyển động chậm lại. Thủy thủ cho biết là tàu đang cặp cảng Chùa Vẽ, Hải Phòng. Đợi qua đêm cho đến hừng đông rạng sáng, công an mới ra lệnh cho mọi người lên bến. Trong khi còn đang ngơ ngác nhìn quanh, chưa kịp hoàn hồn thì dọc đường từ bến cảng đến bãi đậu xe khách, dân chúng tụ tập bên đường la hét, chửi bới. Có người trong số họ còn ném đá vào đoàn người đang cúi đầu lầm lũi né tránh ra một bên. Công an quơ súng thúc đoàn người đi nhanh chóng để bước vội lên xe.
 
Dọc đường lần đầu tiên trên đất Bắc, nhìn trộm qua kẽ hở của tấm màn che cửa sổ, cảnh vật vắng lặng xơ xác chỉ thấy vài chiếc xe trâu đi trên đường phố, khi đoàn xe chạy ngang qua tỉnh lỵ Hải Dương. Hàng quán bên đường lụp xụp, nhỏ xíu treo lơ lững vài nải chuối và một xâu bánh gói lá chuối. Trên bàn nhỏ trước quán thấy có bày một ống điếu cày và một ấm nước. Thỉnh thoảng có vài tiệm trưng bảng hiệu “Gia công bánh quy lạt.”
 
Xế chiều xe tới Thái Nguyên dừng lại một đỗi ở ngoại ô thành phố để mọi người đi vệ sinh giữa đồng trống, sau đó thẳng đường đi lên phía Bắc khoảng chừng nửa tiếng đồng hồ thì rẽ phải, theo con đường nhỏ trải đá bazan là tới khu trại giam chơ vơ, nằm giữa một vùng đất bao la, vây quanh núi đồi trùng điệp. Trời nắng nhạt cùng với màu đất đỏ ánh lên những tia sáng yếu ớt, làm thành một buổi chiều thật ảm đạm.
 
Nhìn xa xa đi lại rải rác là những người tù hình sự mặc quần áo vải mỏng màu xanh nhạt, may theo kiểu người Tày, có cổ đứng cài khuy, sau lưng áo có hàng chữ in, đóng dấu mực đen đã bạc màu, “Phú Sơn 4”
Bấy giờ thời tiết đang vào mùa đông. Không có quần áo ấm nên mọi người quấn tất cả những thứ gì đang có, trùm lên người từ đầu tới chân, nhưng cũng không chịu nỗi. Có một anh tù hình sự người địa phương mách bảo, dùng vải mùng thưa mà quấn vào sẽ “ấm như cuộn trong ổ rơm”. Sau đó trại bắt đầu phát cho mọi người áo bốn túi rằn ri màu xám đen, đỏ đậm của lực lượng Cảnh sát Dã chiến trước đây còn mới tinh.
Buổi sáng thức dậy sớm sau tiếng kẻng, chờ công an đi lần lượt mở cửa từng buồng, điểm số xong, mọi người mới nhanh chóng ra làm vệ sinh cá nhân. Sau đó chuẩn bị xếp hàng ra ngoài trời, ngồi giữa sân lạnh thở ra khói, chờ xuất trại đi lao động. Khác với tù hình sự địa phương, đoàn tù đặc biệt nầy rất dễ nhận ra, đầu đội mũ nan bằng lá, mặc toàn áo lính rằn ri, chân mang dép đủ loại đi thất thểu. Hình ảnh thật sự của một đoàn quân thất trận. Tủi nhục.
 
Dọc theo bờ tường trại giam là con đường mòn dẫn đến cây cầu treo lắc lẻo, bắc ngang qua một con sông nhỏ nằm ở dưới sâu, xa xa là một guồng xe nước cổ lỗ xỉ đang quay đều, chuyển nước tự động theo máng chảy vào trong đội trồng rau xanh. Phân người và nước tiểu toàn trại được thu dọn đầy đủ mang về đây pha trộn để bón cho chủ yếu là rau muống.
 
Khu lao động phân chia cho các đội nằm rải rác theo mấy ngọn đồi chung quanh, bán kính chừng non 5 cây số. Tất cả chỉ trồng khoai, sắn năng suất rất thấp. Đồi đá bazan đào thành từng hố sâu khoảng vài gang tay phủ lót phân xanh. Trời mưa phùn lất phất, gió tạt lạnh thấu xương, toán tù nhân đội nón nan, bưng từng rỗ phân xanh dưới chân đồi, run rẩy cố lê bước lên đồi cao để lấp đầy các hố đã đào sẵn, trong đó có cụ Thẩm phán từng ngất xỉu trên tàu khi di chuyển ra miền Bắc. Hình ảnh nầy đã in sâu vào trí nhớ của mọi người.
 
Hàng ngày tù nhân được phát mỗi bữa ăn một chén sắt tráng men của Trung quốc, có khi là bo bo còn nguyên vỏ, khi thì sắn lát phơi khô mốc xanh. Đến thời giáp hạt, lương thực không có, cả ngày chỉ được phát hai chén rau muống với nước muối, kéo dài có khi đến một hoặc hai tuần lễ. Không có thứ gì khác. Không có quà thăm nuôi. Tù nhân bệnh không có thuốc, bệnh gì cũng chỉ có “xuyên tâm liên” hay lá ổi phơi khô nấu trong chảo đụn lá sen dưới bếp. Lao động về, mỗi người được nhà bếp phát cho một chén nưóc đậm đen để trị bệnh kiết lỵ. Sống chết chỉ còn trông vào mệnh trời.
 
Tan tầm lao động buổi chiều, cả đội tập họp đứng xếp hàng nghiêm chỉnh nghe công an quản giáo giảng giải đôi điều về sự khoan hồng của đảng và nhà nước, để qua đó mà cố gắng lao động cải tạo tốt, đạt chỉ tiêu sẽ được tha cho về sớm. Điều đáng nhớ ở đây là tất cả công an đều giảng giải và nói giống nhau, y như thuộc lòng từ trước. Không có gì khác và cũng không có gì mới. Tha chết cho sống là vậy.
 
Buổi tối, một tuần hai buổi họp kiểm điểm và bình bầu cá nhân yếu kém. Căng thẳng nhất là tố giác những vi phạm nội qui hay phát biểu sai trái về chủ trương của đảng và nhà nước. Người tù đau khổ phải giơ tay lên biểu quyết các cụ già, lao động không đạt chỉ tiêu là người yếu kém. Cán bộ quản giáo thường hay lởn vởn bên các cửa sổ buồng giam để nghe lén. Không thể nào làm khác được. Cả đội đều đói khủng khiếp cho nên các vi phạm như ăn sắn sống hay tranh thủ giờ giải lao đi hái rau dại, mót củi nấu nướng lén lút trong trại đều bị qui cho là phá hoại tài sản nhà nước hay học tập cải tạo chưa tiến bộ. Hình thức kỷ luật nhẹ là giảm phần ăn, chỉ còn nửa chén sắn lát phơi khô hay trầm trọng hơn là bị giam vào nhà kỷ luật cùm hai chân.
 
Ngày ngày lặng lẽ trôi qua, đêm không có tiếng động nào ngoài tiếng thở dài. Tất cả đều âm thầm và cam chịu. Chỉ có hai người được thả ra sau vài năm cải tạo trên đất Bắc, một là Bác sĩ Hải quân và một là Dân biểu tỉnh Quảng Nam. Vậy thôi. Mọi người còn lại đều hy vọng là còn sống sót để trở về, dù không biết là đến bao giờ.
 
Đã bao lần năm tàn tết đến. Vắng bặt tin nhà. Qua khung cửa nhỏ, người tù mong ngóng từng cánh chim trời, hồn thả mộng về Nam.
“Đoái thương muôn dặm Tử phần
Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa”
 
Đến khi xảy ra cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, đoàn tù chính trị ở Phú Sơn 4 được chuyển đa số về trại Ba Sao, Nam Hà. Một số khác về Vĩnh Phú hay Thanh Hóa. Đường về Ba Sao buồn lắm, đoàn người ốm đói, rạc xương, áo quần rách rưới vá chằng vá đụp. Đoàn xe vượt qua cầu Long Biên vào buổi trưa, dừng lại nghỉ ở bên đường dọc theo bờ đê Yên Phụ. Một anh bạn tù gốc người Hà Nội nhận ra nơi nầy với vẻ buồn não nuột khi đi ngang qua đây. Ngày về quê cũ. Tang thương.
 
Về đến trại Nam Hà vào buổi tối, qua đêm ở trại Mễ chờ sáng để chuyển đi các phân trại A, B, C. Trại A có tường cao kín mít, phòng giam kiên cố quần tụ thành một khu rộng lớn trên đồi cao, chia ra làm nhiều khu giam giữ hơn 10 vị tướng, một số linh mục, thượng tọa tuyên úy và trên 40 viên đại tá quân lực VNCH. Thành phần dân sự khoảng độ gần 500 người gồm có nghị sĩ, dân biểu, đảng phái và các viên chức trong chính quyền cũ. Trại B ở sâu sát bên vách núi giam giữ hơn 200 sĩ quan. Trại C nằm giữa đồng trũng thấp chỉ rào bằng dây kẽm gai giam gần 300 người, gồm các thành phần hổn hợp sĩ quan cấp tá trở xuống và viên chức từ phó quận cho đến giám đốc trong chế độ cũ.
 
Đến lúc nầy trại mới bắt đầu có chế độ thăm nuôi. Trước đây chỉ người tù có thân nhân ở miền Bắc mới được thăm. Khi có lệnh chính thức thì lúc đó thân nhân người tù miền Nam mới ồ ạt đổ xô ra thăm người thân ở các trại cải tạo ngoài miền Bắc, thậm chí các khu vực dân cư xung quanh trại, đa số đều trở thành là nơi chuyên sống bằng nghề cung cấp các dịch vụ như đưa đón, chuyển vận, nấu nướng, nghỉ trọ … 
 
Ngoài việc giúp người tù vượt qua cơn đói và bệnh tật, thăm nuôi còn mang lại một số tin tức ở bên ngoài như ai còn ai mất, ai đi ai ở trong những chuyến vượt biên, vượt biển.
 
Từ khi có tin tức qua các buổi thăm nuôi, người tù thường hay trông ngóng để biết thêm tin tức ở bên ngoài. Đến bấy giờ mọi người mới biết chắc rằng cộng sản sẽ giam giữ tù nhân cho đến chết, trừ phi có các tổ chức quốc tế hay các quốc gia nhân đạo giúp đỡ can thiệp. Do đó những người già yếu, bệnh tật hay giữ các chức vụ cao trong chế độ cũ có thể sẽ không bao giờ thấy được tự do. Nếu trước đây số người chết vì thiếu ăn và bệnh tật đã nhiều trong suốt gần 5 năm trời đói rét đã đành rồi, bây giờ số người chết vì tuyệt vọng hoặc lo buồn hoàn cảnh gia đình tan nát ở bên ngoài cũng không kém. Đói cũng chết mà no cũng chết.
 
Tình hình giam giữ cải tạo lâu dài đã là chính sách chung. Không còn những bài giảng về sự khoan hồng của đảng và nhà nước. Ban đêm không còn họp kiểm điểm, bình bầu gì nữa cả, còn nếu có thì cũng chỉ qua loa, cán bộ trại giam cũng làm lơ. Dân chúng quanh trại cải tạo đã biết nhiều về những người tù hàng binh của chế độ cũ. Họ thường xuyên giao dịch, mua bán đủ thứ hàng hóa cần thiết cho tù nhân. Công an bắt đầu thu lợi từ những dịch vụ nầy.
 
Ngoài tù nhân có thân nhân trong nước thăm nuôi, những năm sau nầy còn có cả thân nhân ở nước ngoài về thăm, quà cáp có khi nhiều lên đến hàng trăm kí lô đựng trong từng bao tải lớn. Nhưng quan trọng hơn cả là có tin đồn tù nhân sẽ được ra đi đoàn tụ với gia đình hoặc qua các chương trình nhân đạo khác. Hy vọng lóe lên, còn sống là còn có cơ hội ra đi. Công an truy lùng, kiểm tra người nhà thăm nuôi để tìm xem ai đã tung tin đồn thất thiệt.
- Cải tạo chưa tiến bộ, vẫn còn mơ ôm chân đế quốc.
Thư từ gởi chui bắt đầu nở rộ lên trong trại. Tin tức dồn dập về số lượng người vượt biên, vượt biển ra nước ngoài ngày càng đông đã khiến cho cả thế giới phải kinh ngạc và số phận của người tù chế độ cũ cũng được nhắc đến nhiều hơn. Nhưng để tin rằng Mỹ sẽ bảo lãnh những người tù thuộc chế độ cũ còn rất mơ hồ.
 
Mãi cho đến khi có một số người được ra đi theo diện đoàn tụ gia đình sang Pháp, thì mọi người mới biết rằng các tổ chức và chính phủ nước ngoài đã can thiệp thật kiên trì và mạnh mẽ. Danh từ nhân đạo thật sự có ý nghĩa hơn hết trong lúc nầy. Tin phấn khởi nhất là khi Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Tương, nguyên Bộ trưởng, bị giam ở Nam Hà, được xuất ngoại sang Pháp và đi dạy lại ở trường Đại học Luật Poitiers, Paris.
 
Vị Thẩm phán già nua ốm yếu năm xưa, tưởng sẽ chết rũ trong tù, nhưng nào ngờ được vợ con cứu sống, khi họ liều mình vượt biển đến nơi an toàn và đã bảo lãnh ông sang Pháp đoàn tụ với gia đình. Trời cao còn ngó lại. Bấy giờ tin tức khả tín nhất từ nước ngoài gởi về cho biết chính phủ Mỹ, đích thân Tổng thống Reagan đã gởi Tướng Vessey làm Đặc sứ sang Hà Nội để điều đình, can thiệp với nhà cầm quyền thả hết tù nhân thuộc chế độ cũ và Mỹ sẵn sàng đem họ sang định cư tại Hoa Kỳ.
 
Bác sĩ Trương văn Quýnh, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đô thành Sài gòn, đang trông coi trạm y tế dành cho tù nhân ở trại. Sau nhiều năm giam giữ, ông đã bị mù cả đôi mắt mà cũng không được thả. Mấy năm trước lúc chưa bị mù, ông thường hay xuống nhà bếp mỗi chiều chờ lấy một ít cơm cháy gánh về trạm xá, phát thêm trong khẩu phần ăn dành cho người bệnh. Bác sĩ Quýnh là anh ruột của ông Trương Như Tảng, nguyên Bộ trưởng Tư pháp trong chánh phủ lâm thời miền Nam Việt Nam.
 
Mặc dù đã có chương trình HO dành cho người tù chế độ cũ đi Mỹ, nhưng cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục giam cầm, nhiều người ở đến 17, 20 năm mới được thả. Những người tù không bản án. Và còn nhiều nữa, những người tù đã tản lạc khắp nơi từ miền Thượng du cho đến vùng đất trũng, đầm đùn Ba Sao, không có kiểm kê là có bao nhiêu người đã nằm lại vĩnh viễn ở những nơi nầy. 
Họ cùng ra đi trên những chuyến tàu đêm năm xưa, nhưng không bao giờ về lại nữa, giờ đã “mồ xiêu mã lạc” oan hồn phảng phất đâu đó trên đất Bắc. Thương thay.
Trần Bạch Thu

 

No comments: