Thursday, November 2, 2023

Qua Cơn Mộng Dữ - Nguyễn Thu Hương (fb Yến Ngọc Hải Âu)

Qua Cơn Mộng Dữ

Nguyễn Thu Hương - fb Yến Ngọc Hải Âu
Cuộc sống của mỗi người tị nạn cộng sản như một giấc mơ dài lắm nỗi kinh hoàng, đầy cay đắng khó nhọc. Bản thân tôi và gia đình là những người tị nạn cộng sản đã đánh đổi sinh mạng tìm cái sống trong cái chết. Có lẽ tôi phải bắt đầu từ nơi chốn tôi đã được sinh ra để rồi có những tháng năm dài cứ như là mộng tưởng.
------------------
Thuở xưa, sau khi thôi học tại trường Đồng Khánh Huế, mẹ tôi ra Thanh Hoá cùng gia đình ở chung trong gia trang của ông cố tôi, tức là ông nội của mẹ tôi. Ba tôi, quê ở làng Dạ Lê Chánh, quận Hương Thuỷ, Thừa Thiên Huế, ra Thanh Hoá làm việc và đã gặp mẹ tôi kết duyên vợ chồng, sinh ra tôi vào năm 1948. Hai năm sau, em trai tôi ra đời. Kể từ khi Việt Minh lên nắm chính quyền, ông cố của tôi biết không thể sống chung với cộng sản, nên đã từ từ đưa tất cả các con cháu vượt tuyến vào Nam.
 
Con đường vượt tuyến đầy chông gai nguy hiểm. Mọi người phải im lặng tuyệt đối đi theo đường rừng trong đêm khuya. Ra tới biển là nhảy lên chiếc bè tre chèo suốt đêm và trưa hôm sau thì đến đảo Hòn Me, chờ tàu Pháp đưa vào Hải Phòng, và chờ đi Hà Nội đáp máy bay vào Huế. Ba mẹ tôi ở đây một thời gian trước khi vào Sài Gòn làm việc năm 1954. Năm 1956 thì ba tôi được lệnh ra Quảng Ngãi nhận nhiệm sở mới.
 
Tôi theo học từ lớp Ba cho đến xong chương trình Trung Học tại đây. Sau khi tôi thi đậu Tú Tài toàn phần, thầy cũ dạy tôi môn Pháp Văn đem trầu cau đến xin phép ba me tôi làm lễ đính hôn với tôi. Tôi về Huế ở nhà với cậu ruột để đi học. Học xong năm thứ nhứt trường Luật, chúng tôi làm lễ cưới. Ngày cưới của tôi là một ngày huy hoàng, cờ vàng bay khắp nước – ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Sau ngày cưới, tôi vẫn vừa học vừa sinh con. 
 
Năm 22 tuổi tôi tốt nghiệp Cử Nhân Luật Khoa vào năm 1970. Sinh được hai bé trai và mang một cái bầu ít tháng.
 
Tôi vừa tập sự luật sư vừa dạy học tại trường Đồng Khánh Huế. Sau khi mãn hạn tập sự và để chuẩn bị cho niên học mới 74-75 tôi xin thuyên chuyển theo chồng vào Sài Gòn dạy học và làm việc tại văn phòng Luật sư của ông tôi, tọa lạc ở đường Pasteur, trên lầu của Giao Thông Ngân Hàng. Chồng tôi thì làm chuyên viên tại Nha Sưu Tầm và Nghiên Cứu của Bộ Giáo Dục và chuẩn bị lên đường qua Pháp với học bổng của UNESCO là một học bổng lớn được cấp cho Bộ Giáo Dục lúc bấy giờ.
 
Cuộc đời tôi với những ngày tháng trôi qua êm đềm như một dòng sông với mặt nước trong xanh, với mây trắng nhẹ nhàng trôi trên bầu trời bao la xanh thẳm… Tất cả chỉ là phù du hư ảo! Tháng Tư đen đem đau thương chết chóc trùm xuống miền Nam. Chính tay tôi đã đốt tất cả “tàn dư” của nghề nghiệp Luật sư và học bổng đi Pháp của chồng tôi vào Tháng Năm 1975.
 
Tôi rời văn phòng Luật sư, trở lại nghề dạy học để được giữ chân “biên chế của nhà nước”. Chồng tôi không bị đi “cải tạo” vì chỉ là chuyên viên giáo dục. Chúng tôi không theo làn sóng người người chen lấn tìm cách ra nước ngoài vì tất cả gia đình hai bên của chúng tôi đều bị kẹt lại tại miền Trung, sống chết ra sao chưa biết.
 
Sau khi đưa ba mẹ và các em vào Sài Gòn, chồng tôi cũng nghỉ việc. Hằng ngày tôi nghe anh ấy kể chuyện khích bác mấy tên cán bộ cấp trên ngu dốt, e rằng có ngày sẽ bị hại nên tôi khuyên anh không nên tiếp tục công việc. Một tên cán bộ làm viện trưởng một nha sưu tầm và nghiên cứu của Bộ Giáo Dục mà huyên thuyên giảng giải về “Vol de nuit” của Antoine de Saint- Exupéry và dịch ra là “Trộm đêm” thì quả là một sự bôi nhọ ghê gớm, quá coi thường giới học thức của miền Nam. Đúng là như chúng nói: “Trí thức còn thua cục phân!”
 
Ngoài những ngày dạy học, hai vợ chồng tôi thay nhau theo mẹ về miền Tây buôn gạo. Ba đứa con của tôi lúc ấy được 7, 6, và 4 tuổi nên hai vợ chồng phải thay nhau ở nhà. Chồng tôi đi chuyến nào cũng bị tuốt sạch hết vốn, chấm dứt chuyện đi buôn. Tôi thì tỉ mỉ hơn, tôi lấy một cuốn tự điển dày móc ruột để vài lon gạo, mấy trái dừa khô cắt miệng bỏ ít gạo vô, đậy nắp lại, làm thêm ruột tượng mang thêm được vài lon. Gạo mang về đem ra chợ bán một nửa lấy vốn đi chuyến khác, một nửa để ăn. Cứ thế, cuối tuần nghỉ dạy học theo mẹ đi buôn, cho đến một ngày gạo bị tuốt sạch. Mẹ tôi đau lòng: 
- “Thôi con đừng theo mẹ nữa, tìm cách vượt biên đi”. Hai vợ chồng tôi theo người quen tìm đường, bỏ cây vàng nào thì mất cây đó. Tôi quyết tâm ra đi nên xin nghỉ dạy học.
 
Cho đến một ngày tôi gặp được một tổ chức làm ăn chu đáo và rất tin cậy
. Gia đình tôi bỏ ra một số vàng phải chăng cho cả gia đình và cứ đi mãi cho đến khi thành công. Mẹ tôi quyết định giúp tôi bằng cách tôi giao nhà cho mẹ để lấy số vàng nộp cho chủ tàu. Gia đình tôi cứ tiếp tục đi, và đã bị bắt ba lần, đàn bà trẻ con sau một tháng thì cho về, còn đàn ông thì tù vô thời hạn.
 
Ba lần bị bắt, chồng tôi đều vượt trại, lần đầu không đến nỗi ghê sợ lắm. Chuyến vượt trại lần thứ hai xảy ra khi tàu ra khơi, vừa ra cửa biển thì nước rút và tàu bị mắc cạn, đàn ông bỏ tàu ôm bình nhựa để bơi vào bờ mà không hề biết là bọn công an đã dàn trận để hốt. Chồng tôi không đi theo đoàn người vào bờ mà bơi theo hướng khác. Mọi người trên tàu chỉ về hướng anh bơi và nói: “Ông đó sẽ chết vì ông sẽ lọt vào vùng nước xoáy”.
 
Tôi nghe mà lòng buồn vô hạn. Mọi người trên tàu đều nhảy xuống lội vào bờ, nếu không thì chiều nước lên, tàu sẽ bị trôi ra biển và mọi người chết hết. Tôi, hai thằng con, và con gái út theo mọi người nhảy xuống tàu. Tôi và các con không biết bơi. Lúc đầu, chân chưa đụng dất được, tôi lo sợ cả ba mẹ con sẽ bị chết đuối, cứ ôm nhau vùng vẫy một lúc thì chân cũng đứng lên được. Ôm các con với hai hàng nước mắt, ba mẹ con lóp ngóp lội vào bờ, nơi đó mọi người đã xếp hàng một vào trại giam.
 
Tôi nhìn quanh không thấy chồng, lòng đầy lo lắng sợ hãi. Đàn bà và con nít được đưa vào ở chung trong một chòi lá. Đàn ông bị nhốt trong phòng có song sắt cẩn thận. Hai thằng con trai của tôi không được vào ở trong chòi, thả đi lang thang ở bờ ở bụi bên ngoài. Trời sáng, chúng được đến bên ngoài chòi thăm mẹ và em gái. Nhìn chúng vẫn vui vẻ nhưng muỗi cắn từ đầu đến chân. Hai thằng con nói chúng được ngủ trong xó bếp, được mấy chú nấu cơm cho ăn cơm cháy. Nhìn hai con mà lòng nghẹn ngào, tôi đã đưa các con vào con đường đầy khổ ải.
 
Hai ngày sau, đợt thăm nuôi đầu tiên cho chuyến vượt biên này. Mẹ tôi lặn lội vào thăm con và cháu ngoại. Mẹ tôi lặng lẽ đưa tờ giấy ghi những món đồ ăn gởi vào. Tôi lặng người! Nét chữ của chồng tôi! Lạy Ơn Trên, chồng tôi bình an. Tôi xin phép ban quản trại cho mẹ tôi dẫn ba đứa cháu ngoại về. Một tháng sau tôi được thả vì có con nhỏ. Về nhà, chồng tôi mới kể chuyện, anh đã ôm bình nhựa bơi tám tiếng đồng hồ, đến lúc đuối sức không bơi được nữa thì may thay vừa bỏ chân xuống thì đụng cồn cát vì nước rút. Một lúc sau có chiếc ghe nhỏ đi ngang, anh vẫy tay và chủ ghe ghé vào nói rằng: “May cho ông là đứng đây một mình nên tôi mới dám ghé chứ đông người tôi không dám”. Vậy là chồng tôi lột đồng hồ và chỉ vàng đem theo đưa cho chủ ghe, chỉ xin lại một ít tiền để đi xe đò về Sài Gòn.
 
Nghỉ ngơi chưa được bao lâu thì chủ tàu kêu đi tiếp. Thế là vợ chồng con cái lại lên đường. Chuyến đi lần này lại không thành công. Tôi và các con được về trước, sau một tháng tù. Mỗi lần bị bắt vô tù, hai vợ chồng tôi không bao giờ nhận nhau là vợ chồng, khai tên giả, địa chỉ giả. Sau khi được thả, vài ngày sau tôi ăn mặc đẹp, phấn son đàng hoàng xuống trại giam ở miền Tây thăm chồng.
 
Ai mà nhận ra được tôi vừa mới thả ra trại tù cách đây vài ngày. Vừa gặp mặt chồng là anh ấy bảo tôi trở về Sài Gòn gấp, chuẩn bị một số tiền sáng mai đem xuống cho anh. Thế là tôi trở về Sài Gòn ngay. Đến Sài Gòn, trời đã tối, mẹ tôi phải đi gom góp mượn tiền nhiều nơi. Tôi không nhớ số tiền là bao nhiêu, chỉ biết là nhiều tiền. Tôi nhét tiền đầy ruột tượng bao quanh bụng và đi chuyến xe sớm về miền Tây. Đến nơi, tôi nhét ruột tượng vào bao đồ ăn. Sau này tôi mới biết, chồng tôi và hai người khác đã đưa số tiền đó cho một công an lo chuyện vượt trại.
 
Đến ngày hẹn, chồng tôi và hai người khác ra bờ sông, dáo dác tìm người dẫn đường. Một tên công an chĩa súng vào ba người lớn tiếng: “Các anh đi đâu đây, có muốn tôi bắn không?” Ba người rất hoảng sợ, bỗng tên công an dịu giọng: “Các anh vào bụi cây kia đem chiếc ghe ra đây”. Bốn người leo lên ghe. Đi chẳng được bao lâu thì ghe bị mắc cạn. Ba người phải lội trong bùn vác ghe lên vai.
 
Vác cả ghe và máy mà đi trong bùn rất nặng, ba người thiếu đường ói mật xanh mật vàng. Qua vùng nước cạn, ghe tiếp tục chạy. Đến chỗ an toàn, tên công an thả ba người lội vào bờ tìm đường về Sài Gòn. Sau này chồng tôi gặp mấy người trong tù cho biết là tụi công an muốn dùng nhóm chồng tôi để làm bẫy nhử những người khác và chúng đã hốt được một mẻ lớn. Chúng lục soát và lấy hết tiền, đánh đập, bắt nhốt tất cả những người muốn trốn thoát vào chuồng cọp.
 
Trải qua không biết bao nhiêu lần thất bại, gia đình tôi đã muộn màng đặt chân đến trại tị nạn Galang Tháng Năm 1984 và đến Mỹ ngày 20 Tháng Một 1985 tại phi trường Manchester của tiểu bang New Hampshire. Sở dĩ gia đình tôi phải đến đây là vì trong thời gian chồng tôi còn ở trong tù, tôi đã cho em gái dẫn thằng con thứ hai đi trước, vì chủ tàu kêu đi mà không ai chịu đi thì lần sau họ không kêu nữa. Đến đảo, con tôi được phái đoàn Mỹ cho đi theo diện trẻ em vị thành niên không thân nhân. Cháu được hai vợ chồng Mỹ cư ngụ tại làng Enfield nhận nuôi.
 
Sau một tháng nghỉ ngơi, làm đủ mọi thủ tục giấy tờ, khám sức khoẻ, chúng tôi được nhà thờ đưa đi kiếm việc làm. Tôi được giới thiệu vào một xưởng may công nghệ, chuyên may áo lạnh cho mùa đông. Chồng tôi được giới thiệu cho tiệm bán phụ tùng xe hơi. Nơi đây quá nhỏ bé, lương tiền thì ít mà tiền thuê nhà, tiền sưởi quá cao, lại không có trường để học thêm. Sau bốn tháng ở đây, chúng tôi chuyển về Louisville, Kentucky để vừa làm vừa học.
 
Chồng tôi theo học chương trình Thạc Sĩ Pháp văn tại Đại Học Louisville. Anh ấy học trường Pháp cho hết chương trình Trung Học nên rất dễ dàng tiếp tục học lấy bằng Thạc Sĩ Văn Chương Pháp. Còn tôi theo học những môn căn bản về điện toán và thương mãi. Một năm sau, gia đình chúng tôi chuyển qua Bloomington, Indiana, nơi có Indiana University rộng lớn.
 
Năm 1987, chồng tôi xong chương trình Thạc Sĩ Pháp Văn và được tuyển dụng làm thầy giáo dạy môn Pháp Văn tại trường Trung Học Harlan, Kentucky. Tôi vẫn ở lại Bloomington để học cho xong chương trình hai năm của môn thương mại. Chồng tôi dạy học được một năm thì nhân mùa Hè, anh về Cali chơi, thấy khí hậu Cali lý tưởng, người Việt đông vui, nên anh quyết định không trở lại trường Harlan dạy học nữa. Sau khi tôi học xong, nghe lời anh, thu dọn hành lý chuyển về Cali để bắt đầu những năm tháng gian nan.
 
Muốn có việc làm nhanh tại Cali thì chỉ có mấy công việc với mức lương rất thấp. Thời ấy mấy xưởng may làm ăn được và rất thịnh hành, kiếm thợ may cũng không khó mấy. Ông anh họ của chồng tôi rủ ra hùn làm shop may, chồng tôi nghe theo. Thế là hai người đi kiếm shop may, gặp được bà chủ shop rất tốt, để hàng để thợ, để công ty cung cấp hàng cho làm vì họ kiếm việc khác làm, không thích nghề làm shop may nữa. Chồng tôi và ông anh, mỗi người bỏ vốn một nửa.
 
Tôi vay mượn em út bạn bè tiền mở shop may. Chủ cũ dẫn chúng tôi lên công ty cắt hàng, giới thiệu tôi là chị của họ để công ty may mặc giao hàng cho tôi. Mọi việc cứ như là bày cỗ ra, chúng tôi chỉ ngồi vào xơi. Tôi bắt đầu làm quen với máy móc, tôi chưa hề biết sử dụng máy móc nào của shop may, kể cả máy may công nghệ và máy vắt sổ. Những máy này đối với thợ may thông thạo thì dễ dàng. Chỉ một tháng sau, một người thợ may cho tôi biết, shop may mà tôi sang là của hai người hùn vốn; và bây giờ, hai người không muốn làm chung nên sang cho chúng tôi. Hai người họ mở riêng mỗi người một shop bên cạnh shop may của chúng tôi.
 
Thế là bà chủ cũ lôi hết tất cả thợ may của bà về shop mới. Tất cả những hàng đang may dở bà cho thợ trả lại cho tôi như một đống bùi nhùi. Lô hàng này tôi đã bị đền thê thảm. Bài học đầu tiên cho nhân tình thế thái của người Việt đối với người Việt trên đất Mỹ. Tôi chẳng hề gây gổ, tự mình xây dựng lại từ đầu, tìm thợ những vùng xa xôi, tìm những công ty cắt hàng mới đem về phân phát cho thợ may.
 
Đêm nào hai vợ chồng cũng lái xe đi giao hàng và lấy hàng về. Có những lúc hàng hư, tôi phải tháo rời ra từng mảnh và kêu gọi các con tiếp sức tháo hàng, tôi nằm lăn ra giữa sàn để sắp các mảnh hàng lại giao cho thợ may, đương nhiên là phải trả thêm tiền. Mỗi đêm tôi chỉ ngủ được vài tiếng đồng hồ. Có hôm, sáng thức giấc tôi không thể nào bước chân ra khỏi giường vì đầu óc quay cuồng. Chồng tôi hỏi người bạn là bác sĩ thì biết được là do tôi thiếu ngủ. Thế là tôi ở nhà ngủ tiếp ba ngày liền. Quả nhiên là tôi có thể đứng dậy ra khỏi giường đi làm việc bình thường.
__________
Nhờ Trời thương, chỉ cần một năm đầu là tôi đã sử dụng thành thạo tất cả máy móc trong shop may và các thợ cũng đã quen tay nghề, công việc càng ngày càng được thuận tiện. Chính công việc khó nhọc này đã đem đến công ăn việc làm cho những người Việt Nam mới qua chưa có công việc ổn định. Sau mười năm bươn chải khó nhọc và các con đã lớn, lần lượt lập gia đình, vợ chồng chúng tôi quyết định sang shop may, thi tuyển làm nhân viên Sở Xã Hội của quận Cam. Thật là may mắn, cả hai vợ chồng trúng tuyển làm công chức, giã từ những ngày khó nhọc.
 
Làm công chức, tôi tiếp tục học vì được sở trả tiền đi học. Ban ngày đến sở, phỏng vấn khách hàng, làm hồ sơ cứu xét cung cấp tiền trợ cấp cho những người đủ điều kiện; sau giờ làm, ngồi trên xe ăn tối xong là tôi lái xe thẳng đến Đại Học khá xa từ chỗ làm việc để vào lớp học, về đến nhà là cũng gần nửa đêm. Tôi cứ vừa làm vừa học cho đến lúc xong đủ các lớp thì ngưng. Kết quả, tôi tốt nghiệp Cử Nhân Xã Hội Học (Bachelor of Arts in Sociology) của Đại Học Fullerton (Cal State University of Fullerton) vào năm 63 tuổi. Sau gần 20 năm làm việc với Sở Xã Hội, tôi nghỉ hưu lúc 69 tuổi.
__________
Về hưu, tôi có thì giờ chăm sóc vườn tược, tham gia các công việc cộng đồng nhiều hơn. Mỗi ngày đến các lớp sinh hoạt tập thể dục. Trước khi về hưu, tôi cũng đảm trách việc làm đặc san cho các cộng đồng như liên trường Trung Học Quảng Ngãi và hội đồng hương Quảng Ngãi. Sau mỗi lần hội ngộ liên trường Trung Học Quảng Ngãi, tôi phụ gởi tiền về Việt Nam để giúp các thầy cô và các cựu học sinh Quảng Ngãi gặp khó khăn. Tôi đã hơn 70 nhưng vẫn năng động, sẵn sàng làm những công việc giúp ích cộng đồng trong khả năng của mình.
 
Tôi đã bao phen đi tìm cái sống trong cái chết nên biết quí trọng những gì tôi có được trên mảnh đất đã cưu mang tôi và cả gia đình. Gia đình tôi từ ngày đến Mỹ đầu năm 1985, gồm năm người, đến nay nhân số tăng gấp ba; người nhỏ tuổi thì lo học hành, người lớn tuổi thì lo làm việc chăm chỉ đóng thuế cho ngân sách quốc gia, chưa hề lạm dụng tiền đóng thuế để làm của riêng.
 
Tôi không bao giờ nghĩ đến chuyện trở về quê hương để làm ăn buôn bán tiếp tay với cộng sản. Làm như vậy là tôi đã phản bội lại đất nước đã cưu mang gia đình tôi và những người thân của tôi. Ngày nào, tôi đã nhiều lần quyết chí ra đi, đem sinh mạng của cả gia đình vào chốn hiểm nguy để đạt cho được ý nguyện, thì nay không thể vì một lý do gì mà tôi có thể từ bỏ xứ sở này để trở về chốn cũ an hưởng tuổi già.
 
Quả thật cuộc đời chỉ là một giấc mộng dài! Những mộng dữ hoang tưởng đã trôi qua! Cảm ơn nước Mỹ! Cảm ơn cuộc đời! Cảm ơn tất cả đã cho tôi và gia đình một cuộc sống bình yên trên đất nước tôi đã chọn làm quê hương.
 
Westminster, California; Tháng Bảy 2022
Nguyễn Thu Hương
[Các cháu ngoại trong lễ tốt nghiệp đại học của tôi tại California State University of Fullerton vào năm 2011, lúc tôi 63 tuổi (ảnh tác giả gửi)]

No comments: