Sunday, November 5, 2023

HỒI KÝ VỀ TƯỚNG LÊ VĂN HƯNG VÀ MẶT TRẬN AN LỘC - Trung Tá Nguyễn Văn Dưỡng

HỒI KÝ VỀ TƯỚNG LÊ VĂN HƯNG VÀ MẶT TRẬN AN LỘC

Trung Tá Nguyễn Văn Dưỡng - fb Son H Cao
 
 


----------------
-------------
Trích đoạn HỒI KÝ VỀ TƯỚNG LÊ VĂN HƯNG VÀ MẶT TRẬN AN LỘC, được viết bởi Trung Tá Nguyễn Văn Dưỡng/Trưởng Phòng Tình Báo/SĐ5BB quê Cà Mau tốt nghiệp Khóa 5 Sĩ Quan Thủ Đức 1954.
 
Trong đời, đôi khi ta gặp những hoàn cảnh chạnh lòng. Khi bước chân vào Quân trường Thủ Đức tôi đã mang nỗi buồn riêng, tủi cho thân phận mình. Không biết nói cùng ai. Lúc đó tôi là một cậu học trò, độc thân, gia đình nghèo. Tôi nhập trường vào tháng 5, đến tháng 7, 1954, sau Hiệp định Genève, đất nước chia đôi. Thị trấn Cà mau nhỏ bé thân thương của tôi biến thành nơi tập trung của các lực lượng vũ trang bộ đội và du kích Việt Minh trong nhiều tháng, trước khi họ tập kết ra miền Bắc. 
 
Cha và anh tôi là tiểu công chức phải rời Cà mau lên tỉnh lỵ Bạc liêu làm việc; gia đình ăn ở tạm bợ, nghèo khó. Với số lương tháng ít oi của một SVSQ tôi phải gởi bớt về giúp thêm cho cha mẹ, đứa em gái còn đi học, và người chị quả phụ và hai đứa cháu cô nhi. Ngày thường, nhất là khi tập ở ngoài bãi, tôi lấy thêm phần ăn sáng mà các bạn cùng bàn không đến ăn, thường là bánh mì với mấy thỏi chocolate hoặc fromage đầu bò –ở Nhà Ăn Sinh viên– mang theo để ăn trong buổi giải lao, trong khi các bạn sinh viên khác bao quanh các gánh bán thức ăn hàng rong ở các bãi tập đó. 
 
Buổi chiều, khi ăn cơm xong, tôi thường mang về một ga–men (gamelle) cơm trắng để đến tối trong khi các bạn đi ăn uống ở các Câu lạc bộ Sinh viên hay ở những gánh hàng rong đủ loại thức ăn mà vợ con binh sĩ ở trại gia binh mang đến tận hành lang ngoài phòng ngủ của sinh viên, tôi lặng lẽ đem phần cơm đó và một chai xi dầu, ra ngồi ở bậc xi–măng đầu chiếc cống xây trên lạch nước gần dãy trại của Đại đội chảy ra bãi tập thể dục quân sự, ăn dưới ánh trăng, hay trong bóng tối bao quanh. Tôi đã nuốt những hạt cơm nguội lạnh đó trong nhiều đêm cùng với nỗi tủi thân của mình. Rồi một đêm nào đó, tôi không nhớ rõ, Thiếu úy Nguyễn Hưng Chiêu, Trung đội trưởng của tôi, trong buổi trực đêm của ông, bắt gặp tôi đang ngồi ăn cơm đêm trong bóng tối như vậy. Khi ông rọi đèn pile thấy rõ ga–men cơm đang ăn dang dở và chai xì–dầu, trong khi tôi đứng thẳng ở tư thế nghiêm của một sinh viên trước thượng cấp của mình. Ông không nói gì, để tôi đứng đó và đi vào dãy phòng ngủ của Đại đội. 
 
Tôi âm thầm trở về phòng với nỗi lo sợ lớn lao trong lòng. Tôi sợ mình đã vi phạm một lỗi lầm quân kỷ nào đó của Trường. Mấy ngày sau tôi chờ đợi nhận phần phạt. Nhưng không, ngược lại, tôi nhận được tờ giấy bạc 100 Đồng, một số tiền khá nhiều lúc đó, xếp giữa hai trang giấy trong tập bài học của tôi sau khi Thầy khám duyệt và hoàn trả các tập vở đó lại cho các sinh viên Trung đội. Thầy đã kín đáo cho tôi tiền như đã hiểu rõ hoàn cảnh của tôi. Đã gần sáu mươi năm rồi, tôi mang ơn Thầy Chiêu đã đào tạo tôi trở thành một sĩ quan QLVNCH và về đức độ và lòng nhân hậu của Thầy... 
 
 
Vào trung tuần tháng hai năm 1972, trong một cuộc hành quân thám sát ở vùng đồi thấp cách phía bắc Lộc Ninh chừng 5 cây số và ở hướng tây Quốc lộ 13 chừng hơn 3 cây số, Đại đội Trinh sát của Chiến đoàn 9 chạm súng với một Tiểu đội quân Công sản Bắc Việt, bắn hạ 4 tên và bắt một cán binh mang súng ngắn và hai cán binh khác. Các cán binh này được đưa về Biệt đội Quân báo Sư đoàn thẩm vấn. Chính tôi, lúc đó là Trưởng Phòng 2 Sư đoàn cũng trực tiếp tiếp xúc với các cán binh này. Được biết người cán binh mang súng ngắn là một sĩ quan của Bộ đội Bắc Việt, đã xâm nhập vào miền Nam trong hai năm trước, đầu tiên được bổ sung cho Sư đoàn Công trường 7 Bắc Việt, sau cùng được chuyển sang Tiểu đoàn Trinh Sát của Sư đoàn 69 hay 70 Pháo, trực thuộc TWC/MN. 
 
Người sĩ quan trinh sát pháo binh Cộng sản này, cấp bậc Trung úy, khai rằng anh tháp tùng tên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Trinh Sát Sư đoàn 69 Pháo của TWC/MN và hai sĩ quan khác với một Tiểu đội cận vệ hôm đó đến vùng đồi phía tây lộ 13 là để điều nghiên các vị trí đặt pháo tiêu diệt căn cứ của Bộ Chỉ huy Chiến đoàn 9 Bộ binh đóng ở cuối sân bay Lộc Ninh, Bộ Chỉ huy Chi Khu Quận Lộc Ninh gần đó, và tiêu diệt căn cứ của Thiết đoàn I Kỵ binh thuộc Sư đoàn 5 Bộ binh và Tiểu đoàn 74 Biệt Động Quân biên phòng ở Ngã ba Lộc Tấn, và Căn cứ A, hay Alpha, trên Quốc lộ 13, nối liền với Quốc lộ 14A ở phía bắc Lộc Ninh, trong trận Tổng Công Kích sắp diễn ra. Trận Tổng Công Kích này sẽ lớn lao vì đơn vị của anh được học tập là sẽ hợp đồng tác chiến giữa “bộ binh, pháo binh và chiến xa vào thành phố. 
 
Cũng trong ước tính trình Tướng Hưng, sau khi biết rõ trận liệt về lực lượng CSBV ở bên ngoài biên giới có thể sử dụng trong chiến dịch sắp đến gồm các đại đơn vị cũ như Sư đoàn 5, 7, và 9, kể cả Trung đoàn 429 Đặc công, cũng như sự cải biến của Sư đoàn 69 Pháo và sự thành lập Sư đoàn Bình Long. Mặc dù không tìm được dấu vết về các đơn vị chiến xa, tôi cho rằng TWC/MN có hai khả năng chiến thuật tấn công tỉnh Bình Long vì tổng số lực lượng của chúng ước lượng từ 40,000 đến 45,000 quân tác chiến, cả bộ lẫn pháo. Rồi chuyện gì phải đến đã đến. Chiến dịch Nguyễn Huệ của CSBV ở QĐIII & V3CT thực sự mở màn. Đêm 4 rạng ngày 5, tháng 4, vào khoảng 3 giờ khuya, tôi bị đánh thức bởi tiếng điện thoại reo vang. 
 
Bên kia đầu giây là tiếng của Tướng Hưng. Ông cho biết, Đại tá Nguyễn Công Vĩnh, Chiến đoàn trưởng Chiến đoàn 9, vừa báo cáo là căn cứ của Bộ Chỉ huy Trung đoàn 9, Tiểu đoàn 53 Pháo binh và Bộ Chỉ huy Chi Khu Lộc Ninh ở cuối và cặp theo sân bay Lộc Ninh đang bị pháo kích dữ dội và chắc chắn sẽ bị tấn công. Tiểu đoàn 3/9 (–) hành quân ở tây nam thị trấn Lộc Ninh, được lệnh rút về căn cứ của Chiến đoàn, đang bị địch bám sát tấn công liên tục. Đơn vị Thiết kỵ 1 của Trung tá Nguyễn Đức Dương và Tiểu đoàn 74 BĐQ/BP ở Ngã ba Lộc Tấn và Căn cứ A cũng đang bị pháo kích nặng. Ông ra lệnh cho tôi lên ngay Trung tâm Hành quân Sư đoàn (TTHQ/SĐ). Ông cũng nóí thêm là: Tụi nó đánh lớn rồi. Chiến dịch của tụi nó mở màn... 
 
Sau khi trực thăng chỉ huy đổ đầy xăng, Tướng Hưng và chúng tôi lại bay trở lên vùng trời An Lộc, ở độ cao trên 3,500 bộ, vì phòng không của địch bắn rất rát. Trong suốt buổi chiều chính Tướng Hưng một mặt liên lạc trực tiếp với các cấp chỉ huy quân trên mặt đất để nghe báo cáo và điều động họ đồng thời trực tiếp xin KQVN đánh yểm trợ. Tướng Hưng có biệt tài về sử dụng không yểm dù điều động các chiến đấu cơ xạ kích vào địch quân chỉ cách quân bạn một con đường hay đánh bom với các tọa độ chính xác mà không cần nhìn vào bản đồ khi ngồi trên trực thăng. Sở dĩ được như vậy là vì trên bản đồ mà ông sử dụng hằng ngày ông ghi tọa độ tất cả các ngã ba, ngã tư của các con đường, các ngã ba sông, các thị trấn, thị xã, các cao điểm, và các điểm–nhớ quan trọng. 
 
Gần như ông thuộc lòng tọa độ địa hình các nơi đó trong toàn lãnh thổ trách nhiệm. Ngày thường, khi thuyết trình tình hình cho ông nên thận trọng về địa điểm và tọa độ. Cách “đọc bản đồ trong trí nhớ dựa trên các điểm chuẩn” này rất khoa học và cần thiết cho mọi cấp chỉ huy. Đó là ưu điểm để nhanh chóng đánh trả đũa quân địch bằng pháo binh hay không quân, hoặc hướng dẫn điều động quân nhanh chóng và chính xác, nhất là khi chỉ huy trên trực thăng, từ khi ông còn làm Trung đoàn trưởng ở SĐ21BB. 
 
Làm việc với ông, tôi đã cố gắng học nghệ thuật tác chiến này. Thế nhưng, với trận đánh buổi chiều đó của CSBV trên khắp nơi mà chúng bao vây hay bám đánh các cánh quân của Chiến đoàn 9, từ căn cứ của Chiến đoàn, căn cứ của Tiểu đoàn 53 Pháo binh, của Chi khu, cặp theo sân bay Lộc Ninh, hay những cánh quân đang vừa đánh vừa di chuyển về các điểm tập trung như các đơn vị Thiết đoàn 1 Kỵ binh của Trung tá Nguyễn Đức Dương, TĐ74/BĐQ/BP, TĐ2/9, TĐ3/9 và Đại đội 9 Trinh sát, thì Tướng Hưng cũng không thế nào cứu vãn được các “đứa con” của mình thoát khỏi tình trạng nguy ngập. 
 
Một phần vì KQVN cho biết là phòng không của CSBV quá mạnh, nên một số chiến đấu cơ không thể đánh yểm trợ cho các đơn vị đang di chuyển, ngoại trừ các căn cứ ở thị xã cặp theo sân bay Lộc Ninh. Phần khác, vì lực lượng địch quân quá đông. Trong suốt ngày đó lực lượng phòng thủ của các căn cứ này đã chống trả hữu hiệu nhiều đợt tấn công bộ binh dữ dội của CSBV và KQVN đã yểm trợ đắc lực cho các căn cứ này. Tuy nhiên các căn cứ cấp Đại đội Địa Phương Quân và Trung đội Nghĩa quân ở các xã chung quanh thị xã đều bị tràn ngập, hay không chịu nổi phải rút bỏ hay tản lạc. Hai Đại đội ĐPQ 293 và 294, rút về bảo vệ Bộ Chỉ huy Chi khu. 
 
Chợ Lộc Ninh và Nhà Thờ bị địch chiếm trong ngày. Đêm tối, các căn cứ trên trục lộ sân bay tiếp tục bị pháo dữ dội. Tổn thất càng nhiều hơn. Binh sĩ trú phòng kinh hoàng vì địch pháo kích với cường độ và sức công phá của các đầu đạn đại pháo pháo khủng khiếp. Nhất là các vị trí đặt pháo 155ly và 105ly cố định của TĐ53/PB bị tê liệt không thể phản pháo vì nhiều khẩu pháo bị phá hủy vì pháo binh địch rót vào chính xác. Các mục tiêu pháo của ta lộ diện dễ bị trinh sát pháo của địch điều nghiên từ trước trận đánh. Các căn cứ của Chi Khu Lộc Ninh, của Tiểu đoàn 53 Pháo binh và Bộ Chỉ huy Chiến đoàn 9 của Đại tá Nguyễn Công Vĩnh bị pháo kích dữ dội nhiều đợt suốt đêm 5 rạng ngày 6 này. 
 
Căn cứ Chiến đoàn 9 ở cuối sân bay bị pháo nặng nhất, hầm cứu thương sập, tất cả Trung đội Quân y bị chết gần hết. Trong ngày quân CSBV mở nhiều đợt tấn công vào căn cứ nhưng đều bị đẩy lùi. Sự thực căn cứ này đứng vững được là nhờ vào yểm trợ của KQVN với các khu trục phản lực đánh sát bờ rào đất khá cao chung quanh. Cộng quân tổn thất rất lớn về nhân mạng. Căn cứ Tiểu đoàn 53 Pháo binh gần đó của Trung tá Thông cũng bị pháo giập nặng; các ụ pháo và các khẩu pháo của Tiểu đoàn hoàn toàn bị... câm tiếng, không còn một khẩu nào sử dụng được. Thương binh ở hai căn cứ này lên quá cao. Không một trực thăng nào của KQVN hay Hoa Kỳ đáp xuống được để tải thương hay tiếp tế suốt hai ngày đêm liền vì phòng không của địch quá dày và quá mạnh. 
 
Tiều đoàn 3/9 (–) (không nhớ tên Tiểu đoàn trưởng) hành quân ở phía nam thị xã, trong buổi chiều đó tuy bị Cộng quân bám tấn công nhưng bảo cáo là đã về được cuối sân bay, ở bìa rừng cao su hướng đông phi đạo và của căn cứ Chiến đoàn 9. Tướng Hưng trực tiếp liên lạc với Tiểu đoàn trưởng và chỉ thị cho giữ quân tại chỗ để bảo vệ mặt ngoài cho Chiến đoàn chỉ trừ một Đại đội vào căn cứ tăng cường cho Đại tá Vĩnh và một Trung đội khác cho TĐ53/PB của Trung tá Thông. Tất cả các đơn vị của Chiến đoàn nằm chịu trận tại chỗ, suốt đêm 6 rạng ngày 7, kể cả hai đơn vị dã ngoại là TĐ2/9 (–), ĐĐ9TS và TĐ3/9 (–), hứng pháo của địch quân. Đến 4 giờ sáng ngày 7 thì mất liên lạc với Đại úy Nguyễn Quang Nghi, Tiểu đoàn trưởng TĐ2/9 và cả Trung úy Thái Minh Châu, Đại đội trưởng ĐĐ9TS. 
 
Coi như cánh quân cuối cùng ở phía bắc Lộc Ninh kéo về thị xã Lộc Ninh bị tan rã. Khởi đầu ở buổi sáng, khoảng 6 giờ, khi binh sĩ ở mặt tiền của căn cứ của Chiến đoàn 9 thấy chiến xa CSBV lù lù tiến vào cổng của căn cứ, chừng bốn chiếc T–54 của chúng tiến vào con đường dốc và bắn đại bác vào căn cứ. Đại tá Nguyễn Công Vĩnh trong hầm chỉ huy được báo cáo tin này. Ông báo cáo lên Bộ Tư lệnh nhẹ của Tướng Hưng là căn cứ bị chiến xa tấn công. Đó là báo cáo cuối cùng của của Đại tá Vĩnh trước khi cùng mấy sĩ quan tham m ưu và toán Cố vấn Hoa Kỳ của Chiến đoàn, bỏ căn cứ và có ý định chạy ra với TĐ3/9 đang ở đầu sân bay ngoài căn cứ. 
 
Tuy nhiên tất cả đều bị CSVN bắt. Trung tá Thông, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 53 Pháo binh gần đó, cũng chạy về hướng Tiểu đoàn 3/9 và cũng bị bắt. Bên trong căn cứ của Chiến đoàn, Thiếu tá Trần Đăng Khoa, Trung đoàn phó, điều động binh sĩ củng cố lại tuyến phòng thủ. Quân phòng thủ dùng M–72 bắn vào mấy chiến xa, nhưng không hiệu quả và chiến xa T–54 địch bắt đầu nhả đạn và tiến lên căn cứ. Bộ binh địch tràn vào theo chiến xa, Thiếu tá Khoa trở xuống hầm chỉ huy gọi vô tuyến báo cáo với Tướng Hưng là Đại tá Vĩnh đã ra với TĐ3/9 nhưng không liên lạc được nữa. 
 
Chiến xa địch còn bên ngoài cổng, nhưng bộ binh địch đã vào trong căn cứ, đang đánh nhau ở phía trên hầm. Tướng Hưng, Trung tá Đăng Trưởng phòng 3, Thiếu úy Tùng tùy viên của Tướng Hưng, và tôi đang ở trên trực thăng chỉ huy, đều nghe rõ đối thoại của Tướng Hưng với Thiếu tá Khoa, trừ Đại tá Miller, Cố vấn trưởng không biết chuyện gì đang xảy ra. Ông ngơ ngác nhìn chúng tôi và hỏi gì đó, nhưng không ai trả lời. Thiếu tá K. yêu cầu “Xin dội bom trên đầu tôi, chúng đã tràn ngập căn cứ và đang bắn vào hầm chỉ huy, xin 45 đừng do dự….” Tướng Hưng nói: “Khoa, đây 45 nghe rõ, tôi sẽ làm đúng lời yêu cầu của anh. Tôi sẽ lo chu đáo cho gia đình anh....” Mấy tiếng sau cùng của Thiếu tá Khoa: “Xin cám ơn và vĩnh biệt 45...” nghe rõ kèm theo một tiếng nổ. Mắt Tướng Hưng hoen đỏ, đầy nước mắt, chúng tôi đều rơi lệ, nhìn xuống căn cứ chỉ thấy màn khói mỏng. 
 
Thảm kịch kéo đến, tôi nghe Hưng chuyển qua tần số gọi yêu cầu KQVN đánh bom trên căn cứ của Chiến đoàn 9, phá hủy chiếc nôi của con mình để tàn sát địch quân đang tràn vào chiếm lĩnh nó. Tướng Hưng mất gần 2 nghìn quân, hơn 80 chiến xa và quân xa, và hơn hai chục khẩu pháo 105 ly và 155 ly. Màn đêm sắp phủ trùm lên sự nghiệp làm tướng của Tướng Hưng. 
 
Đêm 6/4/1972 đó ngồi với Tướng Hưng ở căn cứ của Bộ Tư lệnh Hành quân nhẹ của SĐ5BB ở An Lộc, (căn cứ trên mặt đất, với các công sự khá chắc chắn, nhìn ngang hông của tư dinh tỉnh trưởng, chưa dời sang hầm ngầm mà Đại tá Lê Nguyên Vỹ đang tu bổ), ông kể lại cho tôi nghe từ ngày ông về phục vụ ở SĐ21BB khi còn là Trung úy, từ đầu năm 1964 cho đến năm 1968, do Tướng Nguyễn văn Minh làm Tư lệnh với bao nhiêu công trận và Tướng Minh đã mến thương, nâng đỡ ông như thế nào cho đến ngày Tướng Minh lên làm Tư lệnh QĐIII & Vùng 3 CT và đưa ông lên Tư lệnh SĐ5BB và thăng cấp tướng, Bước ra khỏi phòng hành quân vào phòng ăn khi đầu bếp dọn thức ăn lên cho ông và tôi, Tướng Hưng chỉ yêu cầu cho nước uống, tôi cũng vậy làm sao nuốt nổi cơm trong hoàn cảnh đó, tổn thất quá lớn lao. Ông lập lại ý định quyết giữ An Lộc bằng sinh mệnh của ông và cho rằng cái nghiệp làm tướng của ông đã không còn gì nữa. Thân làm tư lệnh Sư đoàn mà mới trận đầu tiên đã mất mát quá to lớn, gần một nửa Sư đoàn. 
 
Buổi cơm thật buồn vì chúng tôi mất mát, tổn thất lớn lao, mà chính tôi cũng có trách nhiệm là không hiểu tường tận về khả năng to lớn của CSBV ở biên giới tây bắc, vùng Lưỡi Câu, nơi tập trung quân trước trận đánh và các căn cứ địch trên dòng sông Chllong trong tỉnh Kratié của Kampuchia. Sau buổi cơm toàn uống nước lã, Hưng chỉ thị cho họp tham mu mời Đại tá Trần văn Nhật, Tỉnh trưởng Bình Long, Đại tá Lê Nguyên Vỹ, Phụ tá Hành quân của Tướng Minh, Trung tá Lý Đức Quân, Chiến đoàn trưởng Chiến đoàn 7, các cố vấn Hoa Kỳ Sư đoàn và Tiểu khu, các sĩ quan tham mu của Bộ̣ Tư lệnh nhẹ Sư đoàn và Trung tá Nguyễn văn Biết, Chiến đoàn trưởng Chiến đoàn 3 Biệt Động Quân được Trung tướng Minh cho tăng viện vào An Lộc, vừa mới được trực thăng vận vào sân bay Đồng Long ở phía bắc thị xã trong buổi sáng (đơn vị này mất mấy sĩ quan trong ngay buổi đầu tiên đổ quân vào An Lộc vì khi phi cơ chỉ huy của Trung tá Biết vừa đáp xuống đã bị pháo kích, may mà ông không hề hấn gì). Buổi họp hành quân này tổ chức trong villa duy nhất trên mặt đất ở khu vực của Bộ Tư Lệnh nhẹ mới chuyển sang (Bản đồ #1). 
 
Lúc đó vào khoảng 2:30 giờ trưa ngày 7, tháng 4, sau khi hai boxes B–52 xin buổi sáng đã được Không lực Chiến lược Hoa Kỳ thực hiện ở phía bắc cầu Cần Lê cặp theo Sông Bé như đã đề nghị. Lúc đó Tiểu đoàn 1/7 (–) cũng đã rút từ sân bay Quản Long ở phía đông về và các TĐ2/7, TĐ3/7, ĐĐTS7, hành quân dã ngoại cũng đã rút về đóng quân án ngữ ở phía bắc và ven sườn tây bắc thành phố còn Bộ Chi huy Chiến đoàn 7, ở căn cứ Charlie, đã rút hết vào khu vực tòa nhà Hành chánh của Tỉnh lỵ. 
 
Chỉ trừ Chiến đoàn 52 và đơn vị hỗn hợp của Trung tá Hòa ở Căn cứ Cần Lê chưa rút về được mà chỉ có những đơn vị nhỏ của Chiến đoàn 52 vượt được qua suối chạy về thị xã. Giờ đó Đại đội 7 Trinh sát, một toán nhân viên của Phòng 2 HQ Sư đoàn và Tiểu khu đang ở ngoài cổng sân bay Đồng Long, phía bắc thị xã, đón nhận các toán quân này và chờ đón những toán khác chạy về. Hai điều quan trọng trong buổi họp này là: 
 
Thứ nhất, Tướng Hưng yêu cầu Đại tá Trần văn Nhật (sau này thăng cấp Chuẩn tướng, Tư lệnh SĐ2BB) với tư cách là Tình trưởng ra lệnh trưng dụng tất cả các loại xe be kéo gỗ và tất cả các loại xe chuyên chở bốn bánh khác hiện có trong giờ đó tại tỉnh lỵ và Chiến đoàn 7 của Trung tá Lý Đức Quân trách nhiệm đem các loại xe kéo gỗ và xe đò làm chướng ngại vật lập tuyến phòng thủ án ngữ trục QL–13 dẫn vào thành phố và các trục lộ cổng Phú Lố ở phía tây và cổng xe lửa trên trục lộ từ sân bay Quản Lợi đổ vào. Thứ hai, Tướng Hưng yêu cầu Đại tá TVN thông tri cho dân chúng thành phố biết nên di tản vì CS sẽ tấn công lớn vào tỉnh lỵ. 
 
Chọn giữ lại các nhân viên công chức cần thiết về điều hành điện nước, y tế, chiêu hồi hay nhân viên bán quân sự ở lại, kỳ dư cho di tản khỏi thành phố để tránh tổn thất nhân mạng thường dân vô ích. Buổi chiều trời chưa sụp tối khi Tướng Hưng trở lại An Lộc, thì thành phố đã hứng một số đạn pháo của Cộng sản và còn đang tiếp tục bị pháo tuy không nhiều lắm, nhưng đã có một số khá lớn cư dân –cả vài trăm người– được đưa đến điều trị ở bệnh viện thành phố chỉ cách Bộ Tư lệnh nhẹ một con đường. Ở phía bắc thành phố, là khu vực phố buôn bán và chợ An Lộc, binh sĩ các đơn vị của Chiến đoàn 9 ở Lộc Ninh bị thất tán cũng chạy về, kể cả dân chúng. Chiến đoàn 52, sau khi chạm súng ở phía tây bắc cầu Cần Lê và mất luôn cả hai căn cứ Hùng Tâm, cũng đã rút về, được đưa vào tuyến phòng thủ của phía bắc thành phố. 
 
Tổn thất của đơn vị này khá nặng, chỉ còn hơn bốn trăm quân có thể tác chiến được. Khoảng chừng gần 9 giờ đêm đó, Tướng Hưng cùng Đại tá Miller đi xe lên tuyến phía bắc gặp Trung tá Quân, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 7 Trong khi Tướng Hưng và Cố vấn Miller đi cùng Trung tá Quân xem bố phòng của Chiến đoàn, tôi ra trạm kiểm soát và tiếp nhận binh sĩ từ mạn bắc chạy về. 
 
Hơn một giờ tiếp xúc với một số hạ sĩ quan và binh sĩ của Chiến đoàn 9, TĐ53 Pháo binh, Chi khu Lộc Ninh và những chiến binh thất lạc của Chiến đoàn 52 vượt qua được cầu Cần Lê chạy về thành phố vào chập tối. , nhiều người chạy từ Lộc Ninh về trên trục quốc lộ này đã lẩn trốn ở các bụi rập bên đường khi nghe tiếng động cơ chiến xa, nhìn thấy nhiều chiến xa CSBV với bộ đội mặc quân phục xanh lá cây ngồi trên tháp pháo và bộ đội nắm súng AK–47 và vác B–40 chạy bộ –vượt qua nơi ẩn trú của họ– về hướng cầu Cần Lê. 
 
Có những binh sĩ trốn chạy về trễ hơn cho biết đã mục kích phi pháo của KQVN oanh kích vào đoàn chiến xa và bộ đội CSVN ở quãng đường cách Lộc Ninh về phía nam chừng bảy, tám, đến mười cây số. Tổn thất của chúng rất lớn đến đỗi chúng bận rộn thu dọn xác chết và cứu thương đồng bạn không lu ý đến dân chúng có quân nhân lẫn lộn chạy qua khu vực này. Nhiều binh sĩ của Chiến đoàn 52 cho rằng đơn vị của họ ở Căn cứ Hùng Tâm bị pháo kích từ trong đêm đến sáng thì bị bộ binh tấn công, nên khi có lệnh rút ra ngã ba QL–13 thì bỏ căn cứ, di chuyển ra chưa đến mục tiêu đã chạm địch từ hướng QL–13 tiến vào. 
 
Chiến đoàn đã bắn hạ được những toán quân trước nhưng hình như bộ đội CSBV càng lúc càng đông hơn với nhiều loại súng nổ càng lúc càng dữ dội hơn. Đơn vị tuy chạm súng mạnh trong mấy giờ liền, tổn thất lớn, nhưng sau đó có tiếng bom B–52 nổ ở phía đông bắc khu chạm súng thì trận đánh thư giãn hơn nên nhiều đơn vị của Chiến đoàn lần lượt rút được về An Lộc. 
 
Một số thường dân, người Stiêng, cư ngụ ở một sóc nhỏ gần bên bờ Sông Bé cho biết khi thấy đông đảo bộ đội Công sản suốt đêm trực kéo qua sóc của họ đến khu vực khá rộng và cao gần bờ Sông Bé, đến sáng tinh sương họ mở kéo cần dựng máy liên lạc lên, nên biết sắp đánh lớn, sợ nguy hiểm một số gia đình lẻn trốn về hướng quốc lộ và chạy cặp theo đường về thị xã. Chạy hết một buổi sau khi qua khỏi cầu Cần Lê thì nghe máy bay lớn bỏ bom, họ tin rằng “bụt” cứu họ thoát chết. 
 
Quân CSBV đã động viên toàn lực, kể cả việc động viên thiếu niên ở tuổi 16, đưa vào tấn công miền Nam ở ba mặt trận chính: Quảng Trị ở Vùng 1 Chiến Thuật, Kontum ở Vùng 2 Chiến Thuật và Bình Long ở Vùng 3 Chiến Thuật. Trong chiến dịch lớn lao, sống còn, này CSBV đã tung vào chiến trường tất cả trên dưới 200,000 quân tác chiến, không kể nhân lực phục dịch hậu cần và vận chuyển, thường bằng hoặc gấp hai lần nhân số tác chiến. 
 
Nếu tính thành đơn vị thì chúng đã sử dụng 14 Sư đoàn bộ binh, 4 Sư đoàn pháo binh và phòng không cơ giới, từ 4 đến 6 Trung đoàn chiến xa, 26 đơn vị chuyên môn cấp Trung đoàn. Tính chung chừng 22 Sư đoàn với các loại vũ khi tân tiến nhất của Liên Xô và Trung Quốc, chia thành ba mũi dùi tấn công vào Quảng Trị và Thừa Thiên ở V1CT vào Kontum và Bình Định ở V3CT và vào Tây Ninh và Bình Long ở V3CT. Mặt trận nào cũng nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu QLVNCH để mất một tỉnh nào ở Vùng 1 hoặc Vùng 2 thì tình trạng chung vẫn chưa thể gọi là nguy ngập. Một ước tính rộng lớn hơn cho rằng nếu CSBV thắng cả ở hai mặt trận ở các Vùng Chiến Thuật này miền Nam vẫn còn tồn tại từ Nha Trang trở vào. 
 
Như vậy, vẫn là chưa mất hẳn. Nhưng nếu mất Bình Long hay Tây Ninh ở Vùng 3, sát cạnh Sài Gòn thì tình trạng vô cùng nguy ngập, vì Sài Gòn có thể bị mất ngay sau đó. Vì vậy, chiến trường Bình Long vô cùng quan trọng cho sự sống còn của miền Nam trong năm 1972. Trong trận tấn công này, các đơn vị phòng thủ của Tướng Hưng không thể tản thương, thay quân và tiếp tế đạn dược hay thực phẩm được nữa vì đã mất sân bay Đồng Long, một phần thành phố phía bắc thị xã trong khu thương mãi, và hai ngọn đồi quan trọng ở đông nam thị xã là Đồi Gió và Đồi 169. 
 
Hệ thống tiếp tế bằng C–47 Chinơks ở sân bay Đồng Long hoàn toàn đình chỉ. Cư dân vẫn sống trong các dãy phố chung với binh sĩ các đơn vị ở những khu vực của tuyến phòng thủ mới và một số lớn chạy về sống tạm bợ cạnh dòng suối cặp đường rầy xe lửa ở khu đông nam thị xã. Trong khu vực hành chánh phía nam Đại lộ Hoàng Hôn, ở khu vực suối nói trên và ở các khu vực phòng thủ binh sĩ chia xẻ gạo, cơm xấy và thực phẩm với dân. 
 
Cũng ghi nhận là trước đó, trong ngày 8 tháng 4, cư dân trong thành phố chừng hơn ba ngàn người tị nạn chia làm hai đoàn do một linh mục Công giáo và một đại đức Phật giáo hướng dẫn di chuyển theo QL–13 về Chơn Thành, nhưng vừa qua khỏi đồn điền Xa Trạch bị Sư đoàn Công trường 7 pháo kích, hàng trăm người chết, bị thương. Xác chết nhầy nhụa trên mặt đường và khu vực chung quanh. Một số chạy ngược về An Lộc, kỳ dư đều bị chúng bắt không còn biết tung tích gì nữa sau đó.
 
Từ ngày 14 tháng 4 trở đi An Lộc chỉ được tiếp tế bằng thả dù không vận của KQVN và Không lực Hoa Kỳ. KQVN, trong hai ngày đầu, sau mấy đợt thả đạn dược và thực phẩm khô cho các đơn vị phòng thủ bằng các loại vận tải cơ Faichild C–123 và C–119 bị phòng không CSBV bố trí dày đặc bao quanh thành phố xạ kích dữ dội làm thiệt hại 2 chiếc C–123 và mấy chiếc khác bị hư hại, vả lại vì bay cao nên các dù đạn và thực phẩm phần lớn rơi vào khu vực địch kiểm soát. Vì vậy, KQVN đã phải đình chỉ các hoạt động thả dù tiếp tế cho An Lộc sau 27 phi vụ. Cứu tinh của binh sĩ phòng thủ và số lớn cư dân là nguồn thả dù tiếp tế của đơn vị 347 Tactical Airlift Wing (U.S. 347th TAW). Do hệ thống phòng không của CSBV rất mạnh với tầm tác xạ kiến hiệu cao nên các vận tải cơ C–130 H.K. phải bay trên 10,000 bộ khi thả dù tiế́p tế. 
 
May mắn là đơn vị này đã tìm được nguyên tắc cho dù mở chậm sau khi thả ra khỏi phi cơ và dù chỉ mở ra cách mặt đất từ 10m đến 20m. Nhờ cách thả dù tiếp liệu này nên các lực lượng của Tướng Hưng từ ngày 16 tháng 4 trở đi nhận hơn 95% thực phẩm và đạn dược trừ đạn đại pháo 155 ly và 105 ly, vì cả Tiểu đoàn pháo của Sư đoàn trong thị trấn hoàn toàn bị pháo địch phá hủy trong ngày tấn công đầu tiên của chúng; không còn một khẩu nào sử dụng được, nên không tiếp tế đạn pháo.
 
Tuy nhiên lối thả dù tiếp liệu này cũng rất nguy hiểm cho binh sĩ trú phòng, sức nặng của mỗi bọc dù thực phẩm hay đạn dược cũng phải từ hai đến ba, bốn, tấn. Dù vừa thả ra khỏi máy bay, chỉ là một chấm nhỏ, chừng chưa đầy ba mươi giây đã xuống đến mặt đất. Mỗt lần thả dù như vậy ít́ nhất cũng phải có đôi ba cộng sự phòng thủ bị dù rớt xập hay mấy chiếc hầm cá nhân bị dù chôn luôn xuống đất lẫn người chiến sĩ trong hầm vì có những chiếc dù chưa kịp mở đã đâm thẳng xuống mặt đất. Và ở tất cả những bãi thả dù này luôn có sự hiện diện của Đại tá Bùi Đức Điềm. 
 
Chính ông là người phân phối thực phẩm, đạn dược theo nhu cầu của các đơn vị. Cấp bậc Đại tá của ông dĩ nhiên đầy đủ uy quyền đối với các toán tiếp tế của các đơn vị đến bãi nhận phần súng đạn và thực phẩm khô cho đơn vị. Không hề có vấn đề giành giựt thực phẩm bắn nhau ở bãi thả dù, bất cứ khu nào trong thành phố.
 
Đứng chỉ huy thu nhặt và phân phối thực phẩm ở bãi thả dù nghĩa là phải vừa đội pháo CSBV vừa có thể bị đè bẹp, chết tức khắc, bởi những chiếc dù nặng rơi nhanh không thể tưởng. Tôi hiện diện ở chính chiến trường đó, chỉ thấy những người câm nín làm việc như vị Đại tá này hay một hạ sĩ Truyền tin của Sư đoàn, tên Lê văn Sáu, dù ngày hay đêm, pháo vừa dứt đã thấy anh hết trèo lên trụ điện này đến trụ điện nọ nối lại những mạch điện thoại bị đứt vì pháo kích hay vì bất cứ lý do nào đó, suốt cả một trăm ngày của trận chiến. Tiếc rằng không có một thẩm quyền nào đó cầm chiếc “Đệ Tam Đẳng Bảo Quốc Huân Chương” dúi vào tay Tổng Thống để gắn cho Đại tá BĐĐ hay một Anh dũng Bội tinh với nhành dương liễu gắn cho Hạ sĩ Sáu...
 
Sau khi họp xong với Đại tá Dù Lê Quang Lưỡng, Tướng Hưng chỉ thị cho tôi vẽ mười boxes B–52 (mỗi boxe dài chừng hơn 2km và rộng 1km) chuyển cho Đại tá Miller, yêu cầu Không Quân Chiến lược Hoa Kỳ thực hiện; trong đó có hai boxes đánh xuống Ấp Phú Lố cách thị xã chừng hơn ba dặm, và Ấp Phú Bình chỉ các vòng đai phòng thủ của quân bạn ở hướng tây chừng 800m. Xin thực hiện ngay trong ngày hôm đó. Buổi trưa trước khi Tiểu đoàn 6 Dù đổ quân vào LZ ở đông nam thị xã thì KQ Chiến lược Hoa Kỳ đã đánh xong hai boxes B–52 vào các ấp Phú Lố và Phú Bình ở tây thị xã. 
 
Tám boxes khác đánh xa hơn trên trục chuyển quân của chúng. Cư dân ở hai ấp này đã hoàn toàn di tản vào thành phố ngay trong những ngày 7 và 8 tháng 4. Ở các nơi đó chỉ còn vườn không nhà trống tuy nhiên vẫn còn là nơi thích nghi cho các đơn vị CSBV với các nước giếng ngọt, rau cải và cây trái, nhà cửa. Chúng có thể tạm dừng trên lộ trình tiến quân, lo cơm nước, để chuẩn bị tấn công vào thị xã. Sau này chúng tôi được biết chính hai boxes B–52 ngày 14 tháng 4 này ở hai ấp nói trên đã tiêu diệt trọn Bộ chỉ huy Trung đoàn 271, hai Tiểu đoàn bộ binh của Trung đoàn này và các đơn vị phòng–không tháp tùng, là cánh quân lớn của Sư đoàn Công trường 9 TWC/MN, và là mũi tấn công chính vào mặt tây và tây bắc An Lộc. 
 
Nhưng ngày 15/4, mũi nhọn chủ lực này đã... không bao giờ vào thành phố mà đã phơi thây ở hai ấp Phú Lố và Thanh Bình rồi. Các chiến xa vào thành phố trong ngày này không có bộ binh tháp tùng đã chạy lang bang trên các con đường phố, không biết bạn ở đâu, ví trị của quân phỏng thủ ở đâu, thì chỉ là những con mồi ngon cho loại súng chống chiến xa M–72 mà thôi. Trong ngày đó, 10 chiếc T–54 và PT–76 cùa CSBV bị hạ trong thành phố). Cũng trong ngày 15 tháng 4 này, vì giữ được LZ nên Bộ Chỉ huy Lữ đoàn 1 Nhảy Dù, các Tiểu đoàn 5 và Tiểu đoàn 8 Dù cũng đã đổ quân an toàn ở bãi đổ quân vùng sóc Srok Ton Cui.
 
 Tuy nhiên vì thành phố đang bị tấn công nên Tướng Hưng liên lạc chỉ thị cho Đại tá LQL tạm giữ lực lượng Dù ở khu vực vùng ba ngọn đồi đông nam đó, chưa vào thành phố trong ngày hôm đó. Ngày hôm sau Đại tá LQL chia quân Dù làm hai cánh vào thành phố. 
 
Cánh thứ nhất, gồm có Tiểu đoàn Bộ Chỉ huy Lữ đoàn, các Đại đội Trinh sát và Công binh cùng với Tiểu đoàn 5 của Trung tá Nguyễn Chí Hiếu tiến vào vòng đai phòng thủ của Tiểu khu theo ngã ấp Sóc Gòn. Cánh quân thứ hai do Trung tá Văn Bá Ninh, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8 Dù chỉ huy, tiến vào mục tiêu chỉ định là đầu xa lộ phía nam tỉnh lỵ, gần Bộ Chỉ huy Tiểu khu theo ngã ấp Phú Hòa chỉ cách vòng đai phòng thủ thị xã chừng 1 km về hướng đông. 
 
Ấp Sóc Gòn cách ấp Phú Hòa hơn một km về hướng đông bắc. Cả hai cánh quân này đều chạm địch. Tuy cánh quân do Trung tá VBN chỉ huy là TĐ8ND vào ấp Phú hòa trước, chỉ chạm nhẹ, nhưng đã đóng quân đêm 16/4 tại ấp này để yểm trợ cho cánh quân của Tiểu đoàn 5 và các Đại đội Trinh sát và Công binh Dù do chính Đại tá LQL chỉ huy, chạm súng nặng với một Trung đoàn của SĐ–5/CS trong suốt ngày và đêm 16 đó ở ấp Sóc Gòn. 
 
Địch quân tấn công vị trí dã chiến của Dù ở Sóc Gòn nhiều đợt, rất mạnh. Chúng xung phong biển người với cả bộ binh và chiến xa, nhưng đều bị Dù đẩy lui. Kết quả cuộc chạm súng này các đơn vị của Đại tá LQL đã bắn hạ 4 T–54, tịch thu 7 súng cộng đồng, 20 súng AK–47, và địch quân bỏ lại tại trận 85 xác chết. Lực lượng Dù có 3 tử thương và 13 bị thương. 
 
Điều đáng nêu lên là cả trong ngày và đêm 16/4 đã có hơn 20 phi tuần yểm trợ của KQVN cho đơn vị Dù của Đại tá LQL. Đặc biệt là trong các đêm này lần đầu tiên ghi nhận Không Quân Chiến Thuật Hoa kỳ đã đưa một loại vũ khí mới diệt chiến xa địch ban đêm vô cùng hữu hiệu gọi là “Spectre” –tức là loại máy bay C–130 cải biến thành chiến đấu cơ, trang bị hồng ngoại tuyến, với các loại sensors dò tiếng động của động cơ và tự động điều khiển dàn súng đại bác 105 ly không dật, cộng thêm 18 khẩu đại liên 50 ly, đặt ở ba vị trí khác nhau mỗi nơi 6 khẩu, và hai dàn hỏa tiễn gồm 12 ống, tùy theo loại mục tiêu di động hay gây tiếng nổ trên mặt đất nhiều ít hay nặng nhẹ đến mức độ nào các loại vũ khí đó sẽ tác xạ thẳng tiêu diệt mục tiêu, chính xác trăm lần như một, không trật. 
 
Đây là loại vũ khí vô cùng lợi hại, bao vùng và diệt chiến xa và các loại xe chuyên chở pháo, hay các khẩu pháo di động của CSBV nhiều nhất trong trận chiến An Lộc –nhất là bên ngoài thành phố. Nên ghi nhận rằng tại An Lộc và vùng bao quanh, từ khi chiến trận diễn ra, toàn bộ chiến xa và các loại xe của các đơn vị phòng thủ hoàn toàn không còn nữa, chỉ còn một ít xe jêp không hề được sử dụng di chuyển trong đêm, do đó khi tiếng động cơ nổ ban đêm thì chỉ là chiến xa và các loại xe chở pháo và chở quân hay tiếp liệu của quân CSBV. 
 
Hai động cơ nổ là hai máy điện của BTL/SĐ5BB và của BCH/Tiểu khu Bình Long, cố định và có tọa điểm chính xác, nên các chiến đấu cơ Spectres, thường gọi là Hoả Long –xuất phát từ căn cứ Không quân Hoa Kỳ Utapao ở Thái Lan– không thể bắn nhầm vào vị trị của các đơn vị phòng thủ. Hàng nhiều chục chiến xa và các loại quân xa của CSBV bị Hỏa Long bắn hạ trên các trục giao thông ngoài An Lộc ở những ngày đêm sau đó, đã triệt mất đường tiếp vận của chúng. QLVNCH chiến đấu anh dũng với chính nghĩa cao cả là bảo vệ quần chúng với tư tưởng bao dung, lòng vị tha, không thù hằn khát máu như những cán binh Bộ đội Nhân Dân CSBV, mà chúng thường tự cho là “Bộ đội Cụ Hồ”. 
 
Những người cầm súng “sinh bắc tử nam”
đó đã từng giết người tập thể dã man ở Huế Tết Mậu Thân, ở khắp mọi chiến trường mà họ mở những cuộc tấn công với chủ trương tiêu diệt tất cả mọi người dù là chiến sĩ hay thường dân, người già cả, đàn bà và trẻ con trên mục tiêu mà họ tấn công. Nghĩa là không chừa một ai trước họng súng của chúng. Và đó là chủ trương của Đảng Lao Động Việt Nam. An Lộc mùa Hè này cũng là một điển hình về sự giết chóc vô tội vạ của “Bộ đội cụ Hồ”. 
 
An Lộc là một thành phố của một tỉnh, không có hệ thống phòng thủ kiên cố như Điện Biên Phủ, như Khe Sanh. Trong thành phố đó nếu tính theo tỷ lệ nhân số thì chỉ có một quân nhân trong năm hoặc sáu cư dân. Vậy nếu An Lộc được bảo vệ bằng bốn, năm, hay sáu nghìn chiến sĩ thì có từ hai mươi nghìn thường dân hay nhiều hơn. Khi trận chiến khởi diễn, mấy nghìn cư dân, từng đoàn, chạy theo xa lộ về Chơn Thành, hay Bình Dương, bị “Bộ đội cụ Hồ” bắn thẳng bằng súng trường AK–47 hay pháo kích pháo, thây chết đầy đoạn đường dài mấy cây số quãng từ đồn điền cao su Xa Cam trở về hướng nam.
 
 Ngày đầu tiên, khi tấn công An Lộc từ hướng đông, chúng đã lùa hàng trăm thường dân ở Quản Lợi làm mộc che phía trước bộ đội của chúng tiến theo ở phía sau. Hèn nhát và vô nhân. Chúng tôi thà chịu đựng cuộc tấn công đó một cách khó khăn và tránh làm thiệt hại cho thường dân, tránh không sử dụng hỏa lực tập thể của pháo binh hay không quân. Ngược lại cũng trong ngày này, chúng pháo kích vào nhà thương tỉnh lỵ, và nhiều lần khác trong các ngày sau, quần chúng bị thương hàng mấy trăm người đến đó, bị chết gần hết. Rồi thây người chết bị chúng dập thêm pháo, tan xác, mất đầu, cụt tay chân. Rồi đợt pháo khác nữa... thây người biến thành những đống thịt nhầy nhụa hay văng vãi tứ tung khắp trong ngoài bệnh viện. 
 
Đại tá Bùi Đức Điềm, Tham mu trưởng hành quân của Tướng Hưng phải tự mình lái xe xúc đất buldozer đào các đường rãnh sâu dài nhiều chục thước và rộng trên ba thước rồi chiến sĩ Đại đội 5 Trinh sát phụ chôn xác tập thể dưới các đường rãnh đó, như nói trên. Những ngày tiếp theo chúng pháo kích liên tục và vô cùng dữ dội, mỗi ngày hàng nghìn quả đạn. Chiến sĩ chết đã đành, nhưng hàng nghìn thường dân chết theo với một thành phố sụp đổ gần như toàn diện. Không một ngôi nhà nào đứng vững, không một bức tường nào, con đường nào, hay thân cây nào không mang dấu vết mảnh đạn lớn nhỏ của các loại trọng pháo, đại pháo, lớn nhỏ của bộ đội cụ Hồ. 
 
Xin nhớ... 
An Lộc chỉ là một thành phố nhỏ, không phải là một hệ thống chiến lũy, chiến hào. Đó là nơi cư trú của thường dân không phải là nơi để chúng dập thành bình địa như những công sự chiến đấu của binh sĩ. Như lối đánh thí quân “biển người” của Trung Cộng, nên đã chuốc lấy thất bại ở An Lộc. Từ đó chúng đã hoàn toàn thất bại trong chiến dịch mùa Hè năm 1972. 
Đáng lẽ các tướng Bắc Việt phải biết hỏa lực của Không Quân Hoa Kỳ rất hùng hậu và QLVNCH đã trưởng thành, rất kiên cường. Dùng chiến thuật đánh “thí thân” là thua...

 

No comments: