Monday, November 6, 2023

NGUỒN GIAO CẢM - Nguyễn Hữu Thời

NGUỒN GIAO CẢM

Nguyễn Hữu Thời
Đã có những nụ cười tự nhiên, chân chất…Đã có những giờ phút ấm lòng vì sư sẻ chia…Những niềm vui cuối cùng.
Mặc dù, những thơ văn đó…buồn…rất buồn và trĩu nặng lịch sử riêng chung.
 
-------------------
NGUỒN GIAO CẢM
Tâm bút
Ngày xưa đó, đất nước chiến tranh…như được diễn tả ngắn gọn qua 2 câu lục bát của Nguyễn Tư:
“…Mấy năm lần lửa can qua
Đi đâu cũng thấy quê nhà điêu linh”
“Quốc gia hưng vong- Thất phu hữu trách”. 
Từ tấm bé, chúng tôi đã được học thành ngữ này.
----------------
 
-------------------
Nguyễn Tư đã là một giáo sư dạy triết lớp 12, và anh cũng đã đi lính (tác chiến) thì kể gì anh em chúng tôi mà đa số mới xong trung học hay chỉ 1-2 năm đầu đại học. Trai thời loạn thì phải lên đường.
Hoàn cảnh chung là thế; nhưng về tâm trạng thì cũng có chút khác biệt.
 
Các chàng trai vào trường Võ Bị để làm sĩ quan hiện dịch, nghĩa là chọn binh nghiệp; thì ngoài lý tưởng bào vệ tổ quốc, vẫn còn một suy nghĩ chung là tìm công danh trong quân ngũ. Điều này là dễ hiểu. 
“Đã mang tiếng đứng trong trời đất- 
Phải có danh gì với núi sông” 
(Nguyễn Công Trứ).
 
Mặc dù không ngại gian khổ, chấp nhận hy sinh, không màng hiển vinh…“Quyết nuôi chí sống hiên ngang- Không ngại gian khó, không màng hiển vinh” là 2 câu châm ngôn của các sinh viên Võ Bị…nhưng…trong thâm tâm, một cách thành thật, ai cũng muốn sống sót và thăng tiến.
 
Những chàng trai trừ bị như chúng tôi; tức là xuất thân từ Trường Bộ Binh (Thủ Đức) hay Trường HSQ Đồng Đế thì dĩ nhiên chỉ nhập ngũ vì “đáp lời sông núi”, đúng nghĩa câu thơ đã là châm ngôn: “Cư An Tư Nguy”. Chúng tôi đi lính vì đất nước đang cần sức trai và tinh thần của mình. Không nhập ngũ theo tiếng gọi, để góp sức, đem thân giữ nước; thì để cho giặc tự do dầy xéo quê hương hay sao?
 
Thế là từ giã học đường; hàng hàng lớp lớp, hội tụ về các quân trường, đông đến mức không còn chỗ chứa. Đó là mùa hè đỏ lửa 1972.
 
Chúng tôi, những chàng trai đồng cảnh ngộ, đồng lứa tuổi đã có mặt. Và mặc dù là trừ bị, không phải là chúng tôi không nghĩ đến, dù một thoáng thôi, vinh quang đời lính. “Một là xanh cỏ, hai là đỏ ngực”.
Trong chiến tranh, sự hy sinh là vô cùng. Sau chiến tranh, sự mất mát là vô lượng. Bao nhiêu người đã chết, bao nhiêu đứa không về…
Những anh em sống sót; nếu đã chưa từng gặp và quen nhau trong các quân trường, ngoài đơn vị, trong nhà tù của bên thắng cuộc…thì có cơ hội gặp nhau lúc…về già!
 
Sự tìm đến nhau, gặp gỡ…giữa các cựu binh, để chia sẻ niềm vui nỗi buồn, cả để hỗ trợ nhau, rõ ràng chỉ vì một động lực duy nhất còn lại: nguồn giao cảm.
Chúng tôi như những kẻ “đồng bệnh tương lân” dù có khác biệt kiểu gì thì cũng có chung một tâm tình.
 
 
Những người thua cuộc. Dù muốn dù không, chúng tôi không thể phủ nhận thân phận của mình. Là lính, chúng tôi chỉ nghĩ đơn giản thế thôi, và đã chấp nhận tất cả.
 
Cái tâm tình ấy, nguồn giao cảm, vốn thuộc về tình người, một phần của nền giáo dục chúng tôi (nhân bản), và còn “nặng” hơn nữa: tình chiến hữu. Cái tình chiến hữu này, được gọi một cách súc tích là “huynh đệ chi binh”. Những người lính là anh em của nhau.
Tình cảm đó không nói là thiêng liêng hơn những thứ tình khác, nhưng cao thượng, vì có sự đồng cam cộng khổ, sống chết với nhau, nếu cần thì hy sinh cả máu xương, sự sống.
 
Tình cảm đó là có thật, như những tình cảm thật khác giữa con người với con người.
 
Cũng vì nguồn giao cảm đó, mà chúng tôi, 3 chàng trai trừ bị đã gặp nhau, như tấm ảnh kèm theo đây.
Bên ly rượu đơn sơ, trên lề đường ở một góc phố ngồn ngộn những đổi thay, vẫn là những câu chuyện cũ, của một thời đã qua và sắp hết (?!) Một thời trai trẻ dấn thân.
 
Trong khi vô số những anh em đồng đội đã chết, chúng tôi đã “thành công” trong việc giữ lấy mạng sống của mình; nhưng sự “thành công” này nào có nghĩa gì, khi mà đất nước đã mất, cùng với sự đau thương, mất mát, hy sinh vô lượng của đồng bào miền Nam…
Vì thế, đã có những câu thơ;
“…Rồi gặp lại vài thằng bạn cùng khóa
Trên những con đường đã đổi thay tên
Hỏi nhau ít câu, nhìn nhau xấu hỗ
Còn sống sót đây mà thấy mình hèn…”
(Tàn Chiến Cuộc- thơ Nguyễn Hữu Thời)
 
“…Tháng Tư dài hơn đời thua cuộc
Dẫu chết già hay đã chết non
Vẫn nghe hoài bài ca chiến thắng
Làm muộn phiền để lại cháu con.”
(Những tháng Tư- thơ Nguyễn Hữu Thời)
 
Từ trái qua phải: Trương Ngọc Thủy, sĩ quan trợ y tiểu đoàn 520 ĐP/ Vĩnh Long, Nguyễn Hữu Thời, sĩ quan không trợ tiểu đoàn 469 ĐP/Vĩnh Long, Trần Văn Minh, đại đội trưởng trinh sát tiểu khu Phong Dinh.
 
Trương Ngọc Thủy, đồng môn, khóa 9b/72 SQTB…đã tìm tôi sau khi đọc cuốn bút ký Trong Cuộc Đao Binh, Trần Văn Minh, đồng môn, cũng khóa 9b/72 SQTB đã nhắn tin cho tôi sau khi đọc mấy bài thơ của tôi trên facebook...Thơ văn…quèn…của một cựu binh chưa bao giờ là nhà văn, nhà thơ…đã là nguồn giao cảm đưa anh em đến với nhau…
 
Đã có những nụ cười tự nhiên, chân chất…Đã có những giờ phút ấm lòng vì sư sẻ chia…Những niềm vui cuối cùng.

Mặc dù, những thơ văn đó…buồn…rất buồn và trĩu nặng lịch sử riêng chung.
Nguyễn Hữu Thời
7/11/2023

No comments: