Sĩ quan Quân Y BCH/CT/LĐ81/BCND
"Chiến trường Phước Long có quá nhiều nguy hiểm so với chiến trường Bình Long, An Lộc năm 1972. Nhiệm vụ của chúng ta vào Phước Long là để giữ vững tỉnh lỵ này khỏi rơi vào tay Cộng quân. Chúng ta tới đó là để tử thủ và chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Chúng ta phải thi hành sứ mệnh này để không hổ danh người hùng 81 An Lộc với hai câu thơ đã đi vào huyền sử:
"An Lộc địa sử ghi chiến tích,
Biệt Cách Dù Vị Quốc Vong Thân."
Đó là lời nhắn nhủ cuối cùng của Đại Tá Huấn trước khi xuất quân.Cuộc chiến đã qua hơn 26 năm, một phần tư thế kỷ. Giờ đây hồi tưởng lại, tất cả những chiến sĩ QLVNCH vẫn không quên được một niềm đau chưa dưt!
Những ngaỳ cuối năm 1974, LĐ 81/BCND có mặt tại chiến trường Nuí Bà Đen, Tây Ninh, hành quân để giải toả áp lực của Cộng quân trong vùng, vì trên đỉnh nuí có đài tiếp vận truyền tin của nhiều đơn vị. Những toán Thám sát BCD xâm nhập vào những hang động trên núi để thăm dò và đẩy lui địch ra khoỉ những công sự chiến đấu kiên cố mà không quân và pháo binh đã không tiêu diệt nổi.
Nhiệm vụ thám sát và tiêu diệt địch đang tiến triển tốt đẹp. Đêm 01/01/75, ở BCH/HQ tại căn cứ Trảng Lớn, Tây Ninh, trong khi mọi người đang làm việc, hoặc nghỉ ngơi dưỡng sức, bỗng có điện thoại khẩn cấp cho Đại tá Huấn, nhìn sắc mặt khẩn trương của vị Chỉ Huy Trưởng, chúng tôi đoán ngay là có chuyện gì rất quan trọng. Sau khi buông điện thoại,phongkhong12.jpg (28741 bytes)Đại tá tiến lại nơi các sĩ quan đang tề tựu và chậm rãi ra lệnh cho sĩ quan ban 3 : " ngày mai, bằng mọi giá phaỉ rút tất cả các toán đang ở trong núi về vùng an toàn, chúng ta sẽ tham dự một chiến trường mới". Mọi người đều tá hỏa vì việc phối trí gài sâu các toán Thám sát vào những hang động hiểm trở nằm sâu trong núi đã là một việc cực kỳ khó khăn, mà bây giờ lại phải khẩn cấp đem các toán về an toàn, tránh không đụng độ với địch quân lại càng khó hơn. Nhưng rốát cuộc, lệnh của Đại tá CHT cũng đã được hoàn bị một cách tốt đẹp, và cũng may đã không bị một tổn thất nào.
Chiều 02/01/1975, tất cả các toán Thám Sát BCD và Bộ Chỉ Huy được trực thăng vận bằng Chinook từ Tây Ninh về căn cứ HQ Suối Máu tại Biên Hòa. (chỉ để lại một Biệt Đội để giúp trấn thủ Tây Ninh). Sau khi được nghỉ ngơi khoảng một giờ, mọi người phải ra sân tập họp để làm lễ xuất quân đầu tiên của Bộ Chỉ Huy Chiến Thuật : Trung Tá Vũ Xuân Thông được bổ nhiệm chức Chỉ Huy Trưởng Bộ Chỉ Huy Chiến Thuật, Chỉ Huy Phó là Thiếu Tá Nguyễn Sơn, riêng tôi là Trưởng Ban Quân Y Hành Quân. Sau khi Đại tá CHT Liên Đoàn 81 duyệt qua hàng quân và bắt tay từng người, chúng tôi vào phòng HQ để được ban 2 & 3 thuyết trình về tình hình tại chiến trường. Bản đồ Phước Long hiện ra, đây là chiến trường mới, thử thách mới của người chiến sĩ Biệt Cách Nhẩy Dù .
Thiếu tá Thọ (ban 3) thuyết trình về tình hình tại Phước Long, trên bản đồ chúng tôi thấy những dấu chấm màu đỏ của địch quân nhiều hơn những dấu chấm màu xanh của các đơn vị bạn. Phước Long đang bị bao vây! Nuí Bà Rá mất hẳn, Phước Long từng phút hấp hối đang trông chờ những người lính Biệt Cách nhẩy vào vòng chiến để tiếp cứu.
Bộ Chỉ Huy Chiến Thuật gồm : một Biệt đội đặc huấn với khẩu 90 ly không giật, Biệt đội 1 và Biệt đội 4 (tất cả khoảng 300 chiến sĩ tinh nhuệ BCD). Nếu tình hình đòi hỏi thì sau 10 ngày, toàn bộ Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù sẽ vào Phước Long để thực hiện một trận đánh ngoạn mục như tại An Lộc năm 1972.
Trở về Ban Quân Y, sau khi phân phối thuốc men cho các y tá trưởng Biệt Đội, tôi cảm thấy thật bình thản vì mọi việc đã sẵn sàng để sáng mai lên đường. Số tiền thưởng 10,000 cho ban quân y tôi giao lại cho anh em ra Biên Hòa thoải mái, riêng tôi tìm về thăm người anh, tại đây tôi thấy tờ Điện Tín phát hành cách đó vài ngày với tựa đề lớn nơi trang nhất : "Cộng quân đang bao vây tỉnh Phước Long, cách tỉnh 70 m. Tình hình Phước Long quá nguy ngập."
5 giờ sáng ngày 3/01/75, từng hàng xe GMC chở chúng tôi ra phi trường Long Bình. Cả BCH/HQ Biên Hòa tiễn đưa chúng tôi với hai ngón tay hình chữ V giơ cao chúc mừng chiến thắng. Nhưng phải đợi mãi tới 2 giờ chiều trực thăng trực thăng mới cất cánh trực chỉ Phước Long. Khoảng hơn một giờ sau, chúng tôi đã có mặt trên vùng trời Phước Long. Từ thân tàu, tôi nhìn thấy nhiều cụm khói trắng lỗ chỗ dưới đất, Cộng quân đang đổ mưa pháo vào Phước Long. Rồi bỗng nhiên không hiểu vì lý do gì, tất cả trực thăng đều quay đầu trở về, tôi đoán có lẽ vì phòng không của địch quá mạnh, nên không thể đổ quân được! Chúng tôi được đưa trở lại phi trường Long Bình để chờ đợi. Đêm đó, anh em 81 chúng tôi cố tìm sự thanh thản bên những ly cà phê và suy tưởng đến cuộc chiến tàn khốc trước mặt.
Sáng sớm hôm sau, ngày 4/01/75, từng đoàn trực thăng đáp xuống đậu tại phi trường, nhưng chờ hoài chẳng thấy lệnh lạc gì để bốc chúng tôi vào Phước Long. Mãi cho đến gần trưa, chúng tôi thấy một số sĩ quan cấp tướng, cấp tá đến noí chuyện cùng các phi công trực thăng, họ cố gắng thuyết phục phi hành đoàn thi hành lệnh đổ quân, mặc dù hỏa lực phòng không của địch tại vùng đổ quân rất mạnh.
Khoảng 11 giờ trưa, trực thăng cất cánh. Các chiến sĩ 81 BCND lên đường tiến vào tử địa Phước Long. Cuộc đổ quân được chia làm hai đợt : Đợt 1 do Tr/tá Thông chỉ huy gồm BCH và Biệt đội 4. Đợt 2 do Th/tá Nguyễn Sơn chỉ huy cùng với Biệt đội 1.
Cuộc đổ quân đợt đầu an toàn, chúng tôi được trực thăng vận về hướng Đông cầu Đak-Lung, bố trí đội hình và tiến vào tỉnh, Tr/tá Thông được BCH tỉnh đưa xe jeep ra đón, còn chúng tôi thận trọng tiến bước. Khi dừng chân tại đồn Cảnh Sát Dã Chiến, anh em Cảnh Sát rất vui mừng vì họ đã trông đợi đơn vị của "Người tình không chân dung" đã mấy hôm nay. Sự có mặt của anh em BCD khiến tinh thần của họ lên rất cao.
Tiếng trực thăng từ xa vọng tới, cuộc đổ quân đợt hai đang tiếp diễn, nhưng đã không được may mắn như đợt đầu. Th/tá Nguyễn Sơn và Biệt đội 1 được lãnh no pháo, c/u Lâm Ngọc Bảo bị thương nặng (Lâm Ngọc Bảo hiện ở Pháp). Máy truyền tin liên tục gọi QY đến. Pháo không ngừng nghỉ! Rồi bỗng nhiên ngưng bặt, rồi tiếng xích sắt ken két vang lên, tôi hỏi viên Tr/úy CSDC là có phải xe tăng không? Anh ta nói : "từ lúc cuộc chiến mở màn, chưa có xe tăng nào vào tỉnh". Tiếng xích sắt nghiến trên đường nghe càng lúc càng gần, anh em 81 tại đồn CSDC la lớn "Xe tăng tới". M72 dương lên để tác xạ, và 4 chiếc T54 lù lù xuất hiện. M72 thi nhau nổ, nhưng xe tăng chỉ khựng lại và rồi lại từ từ tiến tới (Cộng quân đã học được bài học ở An Lộc, nên chúng đã biến cải xe tăng với những bửng chắn đạn M72 dầy hơn), nòng đại bác hướng về phía chúng tôi khạc đạn. Mọi người phân tán, chạy xuống cầu Đak-Lung, dân chúng cũng ùn ùn chạy theo ! Đạn 57 trực xạ từ Núi Bà Rá bắn trên đầu, trên trời những chiếc F5 thả bom loạn xạ, rồi phòng không nổ đầy trời tạo nên những cụm bông trắng dị kỳ.
Cộng quân đã tung xe tăng vào chiến trường Phước Long đúng vào thời điểm mà LĐ 81/BCND tiến vào trận địa chắc không phải là một điều ngẫu nhiên. Sau đợt xe tăng lên công phá, địch lại pháo hàng loạt không ngừng nghỉ vào tỉnh lỵ nhỏ bé này, mọi phương tiện đều bị tê liệt như phi trường, pháo binh, và thiết vận xa. Tất cả đều nằm bất động dưới cơn mưa pháo của cộng quân.
Sau khi rút về hướng cầu Đak-Lung, chúng tôi bắt liên lạc lại được với BCH/CT, và bắt đầu tiến trở lại dinh tỉnh trưởng. Đoạn đường thật ngắn mà đầy rẫy những hiểm nguy! Chúng tôi phải chạy đua với đạn pháo của địch! Cuối cùng gặp lại được Tr/tá Thông và Đ/úy Thứ. Ban Quân Y được chỉ định cho một căn hầm chìm nằm kế dinh Tỉnh Trưởng để làm phòng Quân Y dã chiến. Anh em BCD bị thương khá nhiều ở đợt đổ quân thứ hai, và nhất là sau lần quần thảo với T54 . Thương binh được chuyển tới hầm Quân Y liên tục khiến chúng tôi làm việc không xuể.
Chiến trận mỗi lúc càng khốc liệt, chiều ngày hôm đó (4/01/75), 4 chiếc T54 và đặc công Cộng Sản lại mở cuộc tấn công vào dinh Tỉnh Trưởng. Anh em BCD quần thảo với địch thật anh dũng, một số đặc công CS từ xe tăng nhẩy xuống giao thông hào đã bị Tr/tá Thông thảy cho vài trái lựu đạn diệt gọn, một chiếc T54 bị bắn gẫy gọng, được 3 chiếc kia kéo đi khi rút lui. Trong trận này, anh em Đặc Huấn BCD bị thương nhiều! Hầm quân Y chật cả thương binh, chỉ khâu vết thương được xử dụng tối đa, dự trù được dùng cho 10 ngày, nhưng giờ phút này không còn lấy một sợi! Trong tình hình khẩn cấp, tôi ra lệnh cho Th/sĩ Dân, y tá trưởng, dùng dây điện thoại để thay chỉ khâu, miễn sao là cầm máu được vết thương, và sau đó dùng Penicilline để tránh nhiễm trùng.
Vừa có mặt tại Phước Long chưa được trọn ngày mà anh em BCD đã phải quần thảo với xe tăng và đặc công của địch tới hai lần. M72 bắn đã gần hết, thuốc men của Quân Y chẳng còn là bao so với nhu cầu! Xin tiếp viện, nhưng phải chờ lệnh!
Màn đêm vừa buông xuống, Đ/úy Thứ xuống hầm Quân Y nói nhỏ với tôi: "Tr/tá Thông ra lệnh sửa soạn rút quân, ban Quân Y và Biệt Đội Đặc Huấn rút theo một hướng, còn Biệt Đội 1 và 4 rút theo hướng khác". Tôi liền tập họp y tá và các thương binh, ai đi được thì ráng đi, còn ai bị thương nặng thì sẽ được cáng theo. Dân chúng ở trong hầm thấy tôi tập họp anh em 81, họ nghi là chúng tôi sẽ bỏ rơi họ, nên khóc lóc, năn nỉ để cho họ được cùng đi. Tôi phải cố trấn an mọi người, rồi cũng êm. Mọi người hồi hộp chờ động tĩnh, và lệnh triệt thoái, nhưng rồi đêm cũng chậm chạp trôi qua một cách yên tĩnh đáng ngờ vực.
5 giờ sáng ngày 5/01/75, mặt trời chưa kịp ló dạng thì đã ầm ầm, từng loạt pháo rót vào khu tòa Tỉnh Trưởng, pháo liên tục làm không ai ngóc đầu lên nổi, cơn mưa pháo không ngừng nghỉ suốt ngày cho tới tối, nhưng không thấy tăng và bộ binh của địch tấn công. Rồi màn đêm lại buông xuống một cách nặng nề, hầm Quân Y được tổ chức canh phòng cẩn mật để đề phòng sự đột kích của đặc công địch, chỉ cần vài trái lựu đạn thảy vào là chết cả đám! Tôi thường xuyên liên lạc với BCH/CT để theo dõi tình hình và lệnh rút quân, nhưng Đ/úy Thứ cho biết là vẫn chưa có gì thay đổi. Thêm một đêm thức trắng canh phòng, căn hầm nhỏ hẹp sực nức mùi tử khí, xác những chiến binh BCD đã hy sinh nằm bất động lạnh lùng. (đa số chết vì bị thương trong trận chiến với xe tăng của địch, bị mất quá nhiều máu).
Phước Long hấp hối, đang chờ tăng viện!
Ngày 6/01/75, tờ mờ sáng, Cộng quân đã nã hằng loạt pháo vào khu tỉnh lỵ, tôi nghe rõ tiếng de’part của đạn pháo, nên chắc là Cộng quân đã đến rất gần. Mưa pháo rơi liên tục khoảng vài tiếng đồng hồ, rồi tự nhiên ngưng bặt, rồi tiếng ken két của xích sắt xe tăng tiến lên. Mọi người ghìm chặt tay súng ở vị thế chiến đấu, chợt Đ/úy Thứ chạy vào hầm Quân Y thông báo là có lệnh rút quân. Một cảnh hỗn loạn diễn ra tại hầm Quân Y, vì dân chúng gào khóc, níu kéo đòi đi theo chúng tôi, thêm vào đó, một số anh em ở các đơn vị khác không có cấp chỉ huy chạy loạn xạ làm mồi cho đạn pháo đang nổ liên hồi chung quanh tòa Tỉnh, lớp chết, lớp bị thương trước cửa hầm Quân Y, thật là bi đát!
Sau khi rút ra khỏi dinh Tỉnh Trưởng, Tr/tá Thông cố gắng tập họp anh em 81 lại, mong mở trận phản công chiếm lại tòa Tỉnh Trưởng, nhưng thất bại! Trên trời, F5 vần vũ dội bom, chung quanh dinh Tỉnh Trưởng đã thấy xuất hiện nhiều bóng Cộng quân. Thế là hết! Phước Long sau bao ngày hấp hối chờ đợi viện binh, đã lịm chết lúc 9 giờ sáng ngày 6/01/75.
Phước Long thất thủ!
Rời khỏi dinh Tỉnh Trưởng, Tr/tá Thông hướng dẫn anh em 81 rút lui theo khe thông thủy tiến đến bờ sông. Nhiều anh em của các đơn vị bạn cũng chạy theo với hy vọng rút lui được an toàn. Máu nhuộm đỏ cả khúc sông! Bên này quân ta cố phá vòng vây, bên kia Cộng quân xả súng để ngăn chặn đường rút lui. Hạ sĩ Đình, y tá, nhiều lần giúp tôi qua sông nhưng không được. Tôi vẫn nhớ lời Đình nói với tôi: " Thôi ông thầy ở lại tìm đường khác mà rút, còn em phải ráng qua sông để theo kịp Trung tá. Nếu thoát được, em sẽ về báo tin với gia đình của ông thầy"
Màn đêm buông xuống thật nhanh, nhìn lại phía sau, Phước Long là một biển lửa, không quân đã dội bom hủy diệt tỉnh lỵ cùng với Cộng quân. Đêm đó, 6/01/75, tôi và một số anh em 81 bị bắt!
Cuộc đời tù binh bắt đầu!
Sau nhiều ngày di chuyển bằng đường bộ, Cộng quân đưa đoàn tù binh tới trại giam tại Lộc Ninh (tỉnh lỵ đã bị cộng sản chiếm năm 1972). Trại tù là nơi giam giữ các sĩ quan thuộc đủ mọi quân binh chủng, từ phó tỉnh trưởng, chánh văn phòng, tham mưu trưởng của tiểu khu Phước Long, đến chi khu trưởng Đồng Xoài, Bố Đức. Ngoài ra còn có sĩ quan BCH tiểu đoàn 1/7 (SĐ5BB), Trinh sát 18 (SĐ18BB), Trinh sát 25 (SĐ25BB). Riêng LĐ81BCD gồm có tôi, Ch/úy Cấp (truyền tin), Tr/úy Đức (ban 3), Th/úy Lịch, Th/úy Long, Ch/úy Bảo (BĐ1), Ch/úy Linh (BĐ4).
Đối với tù binh bị bắt tại Phước Long, cộng quân đã khai thác anh em BCD tối đa. Riêng tôi, qua các lần bị thẩm vấn, tôi không khai gì cả vì không muốn làm thiệt hại đến đơn vị. Tôi chỉ nhất mực nói là một sĩ quan Quân Y, được cục Quân Y tăng phái cho LĐ 81, tôi không biết gì về đặc lệnh truyền tin, cơ cấu và sơ đồ tổ chức của đơn vị Biệt Cách Dù. Có lẽ vì biết là không khai thác được gì, nên ngày 18/3/75 Cộng sản đã chuyển tôi, Ch/úy Bảo (bị thương nặng), Ch/úy Linh ra Bắc giam giữ. Còn Ch/úy Cấp, Th/úy Lịch, Tr/úy Đức, Th/úy Long bị giữ lại ở miền Nam để tiếp tục bị khai thác.
Đoạn đường dài áp tải tù binh Phước Long từ Nam ra Bắc qua ngõ đường mòn HCM thật đầy gian nan khốn cực! Ban ngày tạm dừng chân trong rừng sâu, ban đêm được chở bằng xe Molotova xuyên qua các trục lộ đường mòn. Vì sợ chúng tôi bỏ trốn, nên cộng quân đã xiềng nơi cổ chân mỗi người bằng một dây xích lớn, và cứ 4 người lại bị khóa dính chùm bằng một ổ khóa.
Đường mòn HCM xuyên qua Kampuchea và Lào, con đường mòn nhỏ hẹp giữa rừng già trùng trùng, điệp điệp phủ ngập bụi mù, từng đoàn quân Cộng sản Bắc Việt lũ lượt tiến vào Nam cùng với cơ giới nặng, xe tăng, trọng pháo và hỏa tiễn SAM. Đoàn tù binh bị giải qua địa phận Khe Sanh, rẽ vào thị xã Đông Hà (Quảng Trị), nơi mà Cộng quân đã chiếm giữ từ năm 1972. Mùa Xuân nơi vùng địa đầu giới tuyến trời giá rét mưa phùn. Trong thời gian chờ qua cầu Hiền Lương (sông Bến Hải), các bà mẹ già Quảng Trị mời chúng tôi mua bánh! Tôi thầm nghĩ, Quảng Trị đã rơi vào tay giặc từ 3 năm nay rồi, mà sao mẹ già Việt Nam vẫn còn nghèo khổ cơ cực, run rẩy trong chiếc áo tơi đi bán dạo từng miếng bánh như vậy?! Mẹ hãy thông cảm cho chúng con, thân tù làm sao có tiền mua bánh giúp mẹ! Mẹ hãy nhìn kỹ dưới chân chúng con để thấy những xiềng xích của một đời tù binh tủi nhục.
Xe bắt đầu tiến qua cầu Hiền lương, nhìn bức ảnh lớn của HCM được treo trên cầu đang đưa tay vẫy chào với hàng chữ lớn "Không gì quí hơn độc lập Tự Do". Thế là hết! Tự Do đã mất! Người chiến binh QLVNCH sa cơ thất thế đang bước vào chốn ngục tù đắng cay của một chuỗi ngày dài tăm tối!
Qua khỏi vĩ tuyến 17 là địa phận Vĩnh Linh (Đồng Hới), ổ khoá lớn xiềng chung 4 người được Cộng sản tháo ra để bắt chúng tôi phải đi bộ. Với xiềng xích nơi chân, chúng tôi được giong đi dưới làn mưa đá của dân chúng và trẻ nít đứng dọc bên đường! Đây là một đòn phủ đầu thâm độc đã được dàn cảnh cốt để làm nhục những chiến sĩ quốc gia. Con đường dài tủi nhục dẫn đến Vinh (Nghệ An), chúng tôi được xe lửa chở đến ga Hàng Cỏ (Hà Nội). Trong khi chờ đợi di chuyển tới nơi lưu đầy rừng thiêng nước độc Yên Bái, chúng tôi lại phải lãnh chịu thêm một màn sỉ nhục của người dân miền Bắc bằng gậy gộc và những màn đấm đá hận thù!
Chiều tối ngày 8/4/75, chúng tôi đến nơi lưu đầy, một trại giam ở sâu trong rừng cách thị xã Yên Bái khoảng 20km. Xiềng xích dính liền nơi chân trong suốt đoạn đường từ Nam ra Bắc dài hơn 3 tuần lễ được Cộng sản tháo ra. Tù binh bị bắt tại Phước Long được nhốt chung với các anh em chiến sĩ bị bắt ở Hạ Lào trong cuộc hành quân 719. Tại đây tôi gặp Đ/tá Thọ (Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 3 Nhẩy Dù) và nhiều anh em khác.
30 tháng 4 năm 1975, miền Nam thất thủ, QLVNCH bị bức tử một cách tức tưởi! Nhân dân miền Nam Việt Nam nằm trong sự thống trị bạo tàn của cộng sản, riêng các chiến sĩ oai hùng ngày xưa phải gánh chịu những tăm tối ngục tù! Rồi những năm tháng dài tăm tối qua đi, những người tù "cải tạo" được lần lượt thả về, và đưa đi định cư tại Hoa Kỳ hoặc đến các nước Tự Do để xây dựng lại cuộc sống.
Hôm nay, hít thở không khí tự do nơi đất nước tạm dung, hồi tưởng lại quá khứ, chiến trường Phước Long, kiếp lưu đầy tù tội nơi lam sơn chướng khí Việt Bắc, những ngày đói khát không có lấy một chén cơm cho đủ no để chống với cái lạnh cắt da, cô đơn không người thăm hỏi, và biết bao muôn vàn những cay đắng tủi hờn trút đổ thù hận trên người chiến sĩ Quốc Gia sa cơ thất thế. 26 năm đã trôi qua từ ngày Phước Long, tỉnh lỵ đầu tiên của miền Nam Việt Nam rơi vào tay Cộng Sản trong một chuỗi ngày khắc nghiệt của tháng Tư năm 1975 khi người chiến sĩ QLVNCH đã phải đơn độc chiến đấu trong một hoàn cảnh khó khăn khi phải đương đầu với một guồng máy chiến tranh của thế giới Cộng Sản, và khi các bạn Đồng Minh đã quay lưng trở cờ! Ngày 6/01/75, Phước Long thất thủ khởi đầu một trang sử đau thương cho những người yêu chuộng Tự Do, cho nhân dân Việt Nam!
Phước Long mãi mãi vẫn là một niềm đau chưa dứt trong tim tôi nói riêng, và trong lòng những chiến binh kiêu hùng của Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhẩy Dù.
Đàm hữu Phước
Sĩ quan Quân Y
BCH/CT, LĐ81BCND
No comments:
Post a Comment