Monday, November 28, 2022

Hồ Ngọc Hoàng K19 và Người chinh phụ: Chị Nga

Hồ Ngọc Hoàng K19 và Người chinh phụ: Chị Nga
NT Hồ Ngọc Hoàng và Người chinh phụ: Chị Nga
Tôi chưa hề cùng chung Đơn vị với NT Hồ Ngọc Hoàng, anh xuất thân khóa 19 Võ Bị Đà Lạt, thỉnh thoảng sau ngày hành quân trở về tôi gặp anh thời gian này anh phục vụ ở Trung tâm huân luyện TQLC, tuy có ít gặp gỡ nhưng chúng tôi rất mến nhau, có lần 2 anh em ngồi ăn cơm tối gần chợ Thủ đức NT tâm sự: 
------------------------------------
anh không mấy vui vẻ và may mắn trong đời sống quân ngũ, anh không hiểu hình như có chuyện gì đó cấp trên không thích anh thì phải và anh không nói nhiều về chuyện này…chỉ buồn buồn thở dài, anh khuyên tôi cẩn thận xử sự với các sĩ quan trong đơn vị, nhất là các người cấp lớn hơn, phiền toái lắm em biết không…Tôi nhìn người đàn anh của mình lòng buồi rười rượi, dạ, em nhớ rồi, mà niên trưởng cũng không nên buồn nhiều nghe.

Tháng 7 năm 2007, Hội TQLC Georgia mở Đại hội TQLC khắp nước Mỹ và thế giới. Hội đưa lên báo chí đăng bài thông báo và mời các chiến hữu TQLC cùng gia đình có liên hệ với TQLC về tham dự. Bất ngờ trong số quý chiến hữu khắp nơi về tụ hội, tôi đã gặp chị Hồ Ngọc Hoàng nơi mở Hội, qua sự giới thiệu của vợ tôi, tôi vô cùng vui mừng chào hỏi.Chị nói, đọc trên báo thấy bài thông báo của Hội TQLC ở Georgia chúng tôi mừng rỡ cùng đến tham dự hội với các cháu. Chị đến đây với 3 người con: 2 trai, 1 gái các cháu đều đã trưởng thành khôn lớn và đã lập gia đình, có đến 5 đứa cháu nội ngoại, có công ăn việc làm tốt.

Hôm đại hội rất tiếc đông đảo TQLC tham dự, có luôn cả Thiếu tướng Tư lệnh Bùi Thế Lân và Đại tá Tư lệnh phó Nguyễn Thành Trí cùng nhiều NT và chiến hữu từng sống trong cùng với đơn vị với NT Hồ Ngọc Hoàng, vì quá bận rộn với công việc, tôi đã quên một chuyện cần thiết là lên máy vi âm giới thiệu sự có mặt cuả chị Hoàng và các cháu trong Đại hội. Sau Đại hội vài tháng thu xếp xong công việc còn lại, theo địa chỉ chị cho, vợ chồng chúng tôi tìm đường tới thăm chị. May mắn tôi lại được gặp đầy đủ chị và các cháu vào một ngày chủ nhật. Chị vui vẻ đón chúng tôi ở căn nhà vùng Stones Mountain, thủ phủ Atlanta- Georgia.

Đặt đĩa trái cây lên bàn thờ người đàn anh và nhìn tấm hình chụp ngày anh còn là Sinh viên sĩ quan trường Võ Bị Đà Lạt, lòng tôi quá buồn phiền, chua xót. Tôi thầm khấn nguyện” Hôm nay vợ chồng em đến thăm Niên trưởng và gia đình, em đốt nén nhang cầu mong anh được luôn an vui nơi cõi vĩnh hằng, hộ trì cho vợ con gặp nhiều may mắn và hạnh phúc trong cuộc sống ngày nay nơi xứ người. Còn em, em không hiểu lần gặp nhau của chúng ta 32 năm về trước có phải đó là lỗi lầm của em không, có phải là nguyên nhân để đưa tới cái chết của NT trong chiến trận ngày đó bởi vì em không đứng trên nóc cao của chủng viện để quan sát làm sao thấy được đoàn TQLC/TĐ6 của NT mà liên lạc gọi vào ráp tuyến chiến đấu, để xảy ra sự mất tích của NT. Nếu đúng vậy, hay dù là do mạng số, em cũng đều nhận lỗi trước Niên trưởng. Ôi, chuyện một người lính ngậm ngùi khấn nguyện trước một người lính trận đã trả xong nợ cho Tổ quốc, thực quá đỗi xót xa cho thân phận của những người lỡ làm lính trận”.

Cắm nén hương lên bát nhang, tự dưng tôi thấy chung quanh tôi đang có một sự tĩnh lặng đến mức lạ lùng, tôi quay lại hai người đàn bà nhìn nhau đầy nước mắt và các cháu cúi đầu im lặng. Tôi thở một hơi dài thực mạnh, ngồi xuống bên cạnh vợ và lên tiếng :
- Hôm nay không ai đi làm phải không chị ? Chị dạ nho nhỏ và gậc đầu. Với giọng nói người Nam, vui vẽ thoải mái và dễ thân thiện, chị lần lược kể cho vợ chồng tôi nghe về chuyện ngày xưa khi anh chị mới gặp nhau, về tính tình và sự thương yêu vợ con cuả NT Hồ Ngọc Hoàng, về con cái, về những ngày vui, về chuyện chị và các con vất vã cực nhọc gần mười mấy năm trời trên chính quê hương mình cũng như khi bước chân lên đất Mỹ xa lạ, thực quá xa lạ. Và hôm nay các cháu đã trưởng thành có vợ có chồng con cái với đời sống êm đềm vững vàn. Chị cám ơn trời đất đã dung rũi để chị và các cháu có ngày hôm nay. Tôi thở ra, nhẹ nhàng như vừa tìm thấy được điều mình muốn tìm.
Và bất ngờ chị hỏi tôi:
- Anh Tịnh ngày còn ở đơn vị anh có biết anh Hoàng không?
- Dạ có, không những biết mà còn rất thân thiện vì anh là NT của tôi, anh ấy rất mến và thương tôi, hôm nay tới đây thăm chị và các cháu tôi có vàì chuyện cần nghe chị nói.
- Chuyện chi vậy anh.
- Chuyện về sự mất tích của Niên trưởng.
- Ồ, sao anh biết?
- Ngày đó…” lúc 1giờ 30 ngày 29 tháng 3 năm 1975

Theo sự quyết định của Thiếu Tá Tiểu đoàn trưỏng kéo quân về chủng viện Sơn Trà bố trí và lập đội hình chuẩn bị Trận đánh mất còn giữa TĐ9/TQLC với quân Bắc Việt. Tôi đứng trên sân thượng của chủng viện để quan sát điều động bố trí và theo dõi tình hình địch, thấy một đơn vị TQLC đang di chuyển xa xa từ phía tây, sau khi liên lạc được biết đây là một cánh quân của TĐ6 do thẩm quyền Hồ Ngọc Hoàng chỉ huy, liên lạc NT cho tôi biết gần 1 đại đội, NT nói, cách chừng 1 giờ trước đây thấy có một đơn vị lớn TQLC đi về phía này nên NT đang đi tìm, tôi nói với NT cho dừng lại nghỉ ngơi và bố trí tại chổ chờ. Tôi dặn người lính truyền tin cứ ở trên sân thượng và tôi xuống lầu 2 báo cho thiếu tá Thạnh biết, sau một hồi hội ý anh Thạnh đồng ý đưa toán quân của TĐ6 vào vị trí phòng thủ mặt bắc, nơi mà chúng tôi đánh giá không nặng nề khi lâm trận và như vậy là chúng tôi có sự vững vàn phòng ngự, chỉ thiếu lực lượng tiền đồn và lực lượng trừ bị là hoàn chỉnh ( Xin xem lại bài viết Trận chiến sau cùng của TĐ9 Mãnh hổ trên trang Web của TQLC)…

2 giờ30 địch tiến đánh bằng Thiết giáp và bộ binh yểm trợ, đang giao tranh, lúc trời sắp tối có 2 chiếc tàu từ ngoài khơi chạy vào bờ biển, đại đội 2/TQLC sau nhiều lần xin lệnh, cuối cùng TĐT bằng lòng cho đạp hàng rào di chuyển về phía bãi nước để xuống tàu, nhưng không thành vì tự dưng tàu de lui và giông ra khơi…Đơn vị tan hàng, số đông anh em lội theo tàu ra biển khơi và chết nhiều lắm.Chúng tôi, số còn lại chừng 40,50 người quay về phía Nghiã trang An Hải bố trí và tiếp tục chiến đấu, và cũng từ đó tôi và NT Hoàng không còn gặp nhau nữa.
- Anh Tịnh, tôi có thể kể chuyện này với anh không? Tôi vui vẻ: chị cứ kể, gần 32 năm mới gặp lại cố nhân tôi vừa nói vừa chỉ tay lên tấm hình của anh.
-“Những năm sau ngày mất nước, tôi và các con vẫn tiếp tuc ở lại trong trại Nguyễn Văn Nho, vì anh biết một mẹ 3 con còn quá nhỏ thì tôi có thể đi đâu, về đâu để mà kiếm sống… Ngày tháng cứ trôi qua trong đợi chờ. Kiếm đường sinh sống đã vô cùng khó khăn vất vã, mà sự đợi chờ ngày càng mòn mõi vô vọng. Nhưng tôi và các con không thể và không nên rời đây lỡ anh ấy có về thì biết đâu mà tìm, tôi cũng biết rằng không hy vọng, nhưng anh ấy là người chồng thân yêu của tôi, người cha kính mến của các con tôi, nên cứ như vậy tôi cố chạy ngược chạy xuôi, những ngày không không lại về ngoại, về nội xin giúp đỡ để nuôi con chờ chồng.

…Hơn 10 năm trôi qua, bất ngờ một hôm tôi không nhớ ngày tháng nào của năm 1986, chị ngừng lại môt chút suy nghĩ cố nhớ, hình như là tháng 4, phải rồi tháng 4 năm 1986, một buổi chiều chị Liên vợ anh Trung tá Tùng ghé thăm tôi và chị kể cho tôi nghe: “…Tôi có một người quen, ngày xưa anh ấy cũng là thuộc cấp và đàn em của anh Tùng, anh cho biết vào chiều ngày 29 tháng 3 năm 1975, sau khi chiến trận ở chủng viện Sơn Trà chấm dứt ,có 2 người lính TQLC đã tự sát bằng lựu đạn gần chủng viện, tôi nghĩ rằng chắc là anh Tùng và anh Phúc rồì, nên tôi đã vội vàng về Đà nẵng, tôi và các em tìm đến chủng viện hỏi thăm, các dì Phước hướng dẫn tôi đến gặp lại bà Xơ Trưởng viện nhân hậu năm xưa và tôi kể cho bà nghe câu chuyện đau lòng của mình, để bà thông cảm và chỉ dẫn …
- “Đúng, có chuyện đó thực, bà Xơ già dáng mặt có quá nhiều nét hằn cuả thời gian chậm rãi kể cho chúng tôi nghe: “ngày đó năm xưa cũng ngày này đây, ngày 29 tháng 3 năm 1975 chúng tôi còn nhớ, một đơn vị quân đội lớn lắm, nhiều người lắm, họ kéo về đây đào hầm hố chung quanh chủng viện, người đơn vị trưởng cho chúng tôi biết họ là Thủy Quân Lục Chiến, ông xin phép chúng tôi được bố trí quân ở đây, vì chủng viện có vị trí và lầu đài kiên cố cũng như hàng rào vô cùng thuận lơi để tác chiến và quân Bắc Việt sắp tấn công vào đây. Chúng tôi vui mừng vì sự quyết tâm chiến đấu của họ, dù biết rằng khi chiến trận xảy ra chủng viện rẽ tan tành hư hại nhưng không còn cách nào khác hơn, chúng tôi đã điều động tất cả các Xơ, các Dì nấu cơm và thức ăn cho các anh ăn uống để các anh có sức mà chiến đấu, lúc đó khoảng 3 giờ trưa của ngày 29 tháng 3 năm 1975.

Trời ơi khiếp đảm, súng nổ vang trời những quả đạn lớn từ thiết giáp VC liên tục dội vào chủng viện cùng những tiếng nổ lớn từ những khẩu súng của TQLC bắn trả, tiếng la hét thất thanh của đàn bà, tiếng òa khóc của con nít núp trong chủng viện, ôi kinh hoàn như ngày tận thế, cứ thế cuộc giao tranh kéo dài đến khi trời sắp tối, sau đó TQLC rút ra khỏi chủng viện, tôi không biết họ đi đâu, về đâu giữa đêm tối hôm đó… , Mọi người trong chủng viện còn đang bàng hoàn run sợ, lúc đó khoảng gần 8 giờ tối có 2 người lính ăn mặc như những người lính TQLC hồi trưa, bước vào cửa chủng viện và xin gặp cha Trưởng viện để yêu cầu được cha làm phép trước khi họ tự tử, tôi nói với các anh:
- Nhà thờ không làm phép đó, Thiên Chúa không chấp nhận tự tử.
Nhưng người lính có dáng dấp cao lớn, trẻ lắm bảo tôi rằng:
- Họ là người ngoại đạo, cha không làm lễ chúng con cũng tự tử mà thôi, cuối cùng Cha hỏi ý chúng tôi, tôi trả lời:
- Xin cha cho họ rước lễ, chúng ta không có thì giờ nữa đâu, sẽ gặp nguy hiểm với VC và cha chấp thuận.
Chị biết không, họ vô cùng bình tỉnh và quá can đảm, họ đã quì trên bậc thềm này đây im lặng cúi đầu nhận lễ, sau lễ xong họ lễ độ chào và cám ơn cha cùng mọi người và đi ra cửa nhà nguyện, đến khu vườn bên hông nhà thờ, các anh dặn chúng tôi đừng theo họ nguy hiểm… 

Sau đó 2 tiếng nổ dữ dội gần như một lúc, người săn sóc vườn nhà thờ chạy vào cho biết họ đã tự sát, mọi người trong nhà thờ từ tôi đến cha đều rưng rưng khóc. Tôi cho mấy Dì và anh giữ vườn ra săn sóc cho các anh. Tới nơi, giữa vùng khói bụi mù mịt tôi thấy thân xác họ nằm 2 nơi không xa nhau mấy ngực rách nát, máu me tung tóe. Tôi nhanh chóng cho đẫy bộ bàn ghế đá đào huyệt và chôn họ vội vàn với 2 tấm khăn trải giường, rồi đẩy bộ ghế đá trở lại vị trí cũ. Vì tôi nghĩ rằng họ có phúc duyên với nhà thờ và nhà thờ muốn họ được yên tỉnh, an nghĩ nơi đây với hy vọng sẽ có một ngày thân nhân họ sẽ tới đây tìm họ. May mắn điều tốt lành đó hôm nay đang xảy ra, chúc chị và gia đình tìm lại được người thân của mình.”
Bà Xơ đồng ý cho chúng tôi khơi mộ, nhưng bác giữ vườn bảo với mọi người công việc này không nên thực hiện bây giờ có thể nhà thờ và mọi người sẽ gặp khó khăn, theo bác nên chờ đến tối thì hay hơn, tốt nhất là khoảng 3, 4 giờ sáng, là khoảng thời gian vừa đào mộ vừa di chuyển ra khỏi nhà thờ thuận lợi nhất, mọi người đồng ý với bác.

Chị Liên và gia đình trở về nhà sửa soạn những đồ cần dung, theo ý chị sau khi khơi mộ xong sẽ đưa anh Tùng và anh Phúc an táng một nơi khác theo kế hoạch dự trù cẩn thận.

Đoàn người trở lại chủng viện lúc 2, 3 giờ sáng ngày 30 tháng 3 năm 1986, chủng viện đã sẵn sàng công việc đào mộ, thuận lợi vì ngày đó nhà thờ an táng các anh quá vội vàn hơn nữa đây là vùng cát pha nhiều hơn đất, nên chỉ khơi chừng 9 tấc hay 1 thước là đã thấy tấm khăn giường,và họ cẩn thận chuyển từng mãnh quần aó trận còn đầy màu máu thâm đen và toàn bộ phần xương cốt từng người lên 2 tấm vải trắng trải trên cát, mọi người vội vàn bỏ hài cốt từng người vào 2 chiếc quách nhỏ bằng gỗ, chị Liên chấp hai tay cám ơn bà Xơ già cùng mọi người, họ nhanh chóng rời khỏi chủng viện lúc đó hơn 4 giờ sáng, trong đêm tối đoàn người di chuyển bằng xe tới một nơi cách xa đó hơn cả chục cây số, nơi đó là một gò đất cao rộng lớn theo kế hoạch dự trù, họ ngồi xuống nghỉ ngơi chờ sáng.

Màu hồng của ánh nắng ban mai dần lên cao ở chân trời, đoàn người lại bắt đầu công việc, mở quách và đem hai tấm vải trải lên thảm cỏ còn đọng sương mai và sắp xếp những mẫu xương đúng thứ tự. Chị Liên ngồi xuống cạnh hài cốt thầm nguyện chồng cho chị tìm được xác thân anh. Sau một hồi chăm chú cẩn thận từng dấu vết ở phần xương sọ, hai hàm răng và tay chân của các bộ hài cốt, chị ngẫn mặt đầy nước mắt nhìn lên khoảng trời cao đau đớn kêu lên: không phải anh, không phải xác thân anh, Tùng ơi. Chị khóc ngất…trong niềm tin tưởng và hy vọng đã bay cao. Mọi người cúi đầu ngậm ngùi chua xót.

Hai huyệt mộ đã đào sẵn, một lần nữa đoàn người lại làm lễ an táng cho những người Chiến sĩ vô danh trên một ngọn đồi xa lạ với lời nguyện cầu của người đàn bà đau khổ: “mong các anh được bằng an nơi cõi vĩnh hằng và xin tha lỗi cho tôi “.Chị đứng lên nhìn về phía trời xa thăm thẳm qua màn nước mắt, chị mơ hồ thấy anh và người bạn đang nối gót đoàn quân…

Nơi đây, người ta cho tôi biết là Gò Cà. Chị diễn tả một người quá cao và một người quá thấp, không thể là anh Tùng hay anh Phúc. Cuối cùng chị khuyên tôi, chị ra đó thử coi có thể nào là anh Hoàng không?

Những gì chị Liên kể, tôi cẩn thận uống vào trong trí nhớ, trong tôi niềm hy vọng sống dậy một cách mãnh liệt, tôi thầm nói nhỏ với mình, vậy là em có thể gặp anh rồi , em sẽ về nơi đó ngay, anh yên tâm, em và các con suốt đời thương yêu anh, Hoàng ơi. Từng giây, từng phút từ đêm đó tôi và các con thao thức không ngủ được, chờ trời mau sáng mẹ con tôisẽ về nội về ngoại, về những ai có thể giúp cho chúng tôi có đủ phương tiện tìm chồng.

Tất cả thu xếp nhanh chóng gọn nhẹ, rút kinh nghiệm của chị Liên tôi mang theo những trang bị cần thiết để tìm dấu vết chồng. Ngày đó ngày mười mấy tháng 5 năm 1986 tôi lên đường về Đà nẵng với cháu đây, chị đưa tay chỉ vào người con trai đầu, cháu tên Hồ Lê Trấn Quốc hồi đó Trấn Quốc được 14 tuổi…với chuyến bay vào buổi chiều. Chừng 8 giờ đêm máy bay hạ cánh ở phi trường Đà Nẵng, hai mẹ con tìm nhà trọ nghỉ ngơi, cho cháu ăn uống. Còn tôi, tôi đang sống trong niềm hy vọng bao la, với những diễn tiến như thực sự đang trải dài trước tầm nhìn với vô vàn hạnh phúc: Anh Hoàng, chúng ta sắp gặp nhau, anh chờ em, chỉ sáng mai thôi.

Mới 8 giờ sáng, tôi và cháu đã có mặt trước căn nhà trên phố Hoàng Diệu. Vợ chồng người em gái chị Liên đã tiếp đón mẹ con tôi vui vẻ và nhiệt tình. Sau đó mọi người cùng lên đường tiến về ngọn đồi thấp và rộng, nơi an táng hai bộ hài cốt của hai người lính TQLC vô danh. Tôi nhìn quanh trên khoảng đồi rộng lớn này, vô số những nắm mộ lớn nhỏ san sát cạnh nhau, những tấm mộ bia bằng đá, bằng xi- măng, cũng có những tấm bia bằng gổ tạm, tự dưng lòng thấy quạnh hiu không biết họ có nhìn anh, những người lính màu áo rằn ri xa lạ không. Chịu khó chút nữa thôi, em và con sẽ đưa anh về Nam, nơi đó anh sẽ thường xuyên có các con và có em bên cạnh, tội nghiệp anh quá.

Hai mẹ con tôi theo vợ chồng cô em gái chị Liên quanh co một hồi tiến tới trước 2 ngôi mộ nhỏ, đất còn mới. Người con gái cho biết đây là hai ngôi mộ của các anh ấy. Tôi gật đầu đặt đồ đạc xuống, thắp vội nén hương đưa nén hương lên ngang tráng kính cẩn nguyện cầu: ”hôm nay chúng con nguyện cầu ân trên cho chúng con may mắn tìm được chồng, được cha, chúng con xin thành kính biết ơn.Anh Hoàng, phù hộ và thương yêu con và em nghe anh, mẹ con em dù có cực nhọc thế nào em cũng luôn hạnh phúc, vui mừng tìm được anh và đưa anh về nam. Xin phù trợ cho em. và cho phép em được khai mộ.”

Hai người đàn ông vừa cuốc vừa xúc đất nhanh chóng, chắc sắp tới áo quách họ đào cẩn thận và xúc chậm hơn. Một người leo xuống huyệt mộ, còn một người đứng trên họ chuyền tay nhau lần lược đưa hai chiếc quách lên mặt đất, mở nắp quách và sắp hai bộ hài cốt lên hai tấm drap và mời chị nhận diện. Chị ngồi xuống trước từng bộ hài cốt và nhận diện, đúng một bộ cao và một bộ thấp hơn nhiều, chị nghĩ bộ hài cốt cao hy vọng đúng là anh, chị cẩn thận dùng khăn lau chùi thực sạch sẽ, nhất là phần xương sọ và hai hàm răng. Xong, chị mở tuí xách lấy bàn chải và kem đáng răng, chị bóp kem vào bàn chải và đánh răng cho bộ hài cốt cao, chị đổ nước sạch sẽ, cúi đầu thực thấp nhìn cẩn thận từng chiếc răng. Chị im lặng một hồi và lắc đầu nhẹ. Chị thở ra và tiếp tục với bộ hài cốt thấp chị cũng làm như vậy, cuối cùng chị đứng lên quay lại nhìn con và chị òa khóc: “con ơi, không phải ba con”. Hai Mẹ con ôm nhau và họ cảm thấy tự dưng vô cùng cô đơn, xa lạ vì nơi vùng đất này chắc chắn không có anh Hòang, không có người chồng thân yêu của chị. Chị nhờ người an táng lại cho những người chiến sĩ đau khổ này.

Một nén hương thắp lên với lời tạ lỗi khẩn thiết của người chinh phụ đau thương nguyện cầu mong các anh được an vui nơi cõi Vĩnh hằng.

Một lần nữa các anh lại trở thành chiến sĩ vô danh, không biết các anh có nghĩ gì không nơi cõi xa xôi nào đó, hởi những người chiến sĩ vô danh.

Chị rưng rưng ngừng câu chuyện kể, một vài giọt nước mắt nóng lại lăn xuống trên má người đàn bà đã quá dạng dày đau khổ, chị nói nhỏ.
- Anh Tịnh, không hiểu tại sao khi tôi ngồi xuống bên cạnh những bộ hài cốt này, rõ ràng tôi không có một chút feeling nào hết đó là chồng tôi.
Tôi hỏi chị:
- Xin lỗi chị, làm sao chị xác nhận không phải là Niên trưởng.
- Bởi vì: người này cao lắm, măc dù anh cũng cao nhưng không cao bằng, anh Hoàng có cái răng khểnh lớn, rõ ràng, còn hàm răng của người này gần như đều đặng có thể có tí khểnh nhưng không rõ ràng. Lại nữa, như tôi nói với anh, khi tôi ngồi xuống bên cạnh người này, tôi không có chút feeling nào hết đó là chồng tôi.
- Chị Nga, còn áo quần và tấm thẻ bài ở đâu?
- À, anh hỏi tôi mới nhớ, không thấy có tấm thẻ bài nào hết, còn những mãnh áo quần phải khó khăn lắm mới nhận ra có những bệt màu sóng biển, gần như nó đã trở thành màu đất, phải cẩn thận vì nắm hơi mạnh là nó mũn nát.

Tôi nghĩ rằng có lẽ sức công phá của trái lựu đạn đã làm tan nát hoặc bay mất tấm thẻ bài. Nhưng tôi không nở giải thích chỉ gây thêm nỗi đau đớn cho người sống.

…Và cũng từ ngày đó, người chinh phụ tội nghiệp và đáng thương này chừng 2, 3 năm một lần chị trở lại cố hương. Chị về nơi đó, nơi dãi cát trắng dài, trước mắt có vùng biển xanh bao la đến chân trời vô tận, như một cuộc ước hẹn với chồng: “Hoàng, em lại về thăm anh đây, đốt nén hương với những lời thầm nguyện: yên vui cho chồng nơi cõi xa xôi, có cần chi xin cho em được biết”. Và chị tiếp tục cuộc hành trình về quê hương chồng- Huế, để thăm người thân và trên đường về nam chị lại cũng ghé nơi vùng biển đó chào từ giả chồng trước khi về Mỹ, về với cuộc sống tha phương nơi quê người. Chị bảo, đó là niềm an uỉ còn lại chị có thể tạo cho anh niềm an vui, những người con của chị cũng đồng ý thông cảm với tâm trạng của mẹ, nên các cháu vui vẻ giúp thêm phương tiện cho những chuyến đi của chị.

Nghe xong câu chuyện của chị Nga kể, tôi ngẫn người, hình dung trước mắt những sự việc và hình ảnh quá sức thảm thương của những người chinh phụ phụ lặn lội tìm chồng, và thầm trách mình: “ôi, sao ngày đó mình vô ý một cách đáng trách và không nhớ gì hết khi nói với chị Liên về 2 người lính đã tự sát bằng lựu đạn ở gần khu vực chủng viện.”

Tôi nhớ, buổi sáng hôm đó là ngày 30 tháng 3 năm 1975… vì quá mõi mệt sau đêm chiến trận, chúng tôi đã ngủ quên thức giấc quá trể, lúc đó đã gần 9 giờ sáng mới rời khỏi căn nhà ngủ tạm, bốn thầy trò định tìm đường về nam, trước khi về chúng tôi muốn tới chủng viện, nơi xảy trận chiến hôm qua, một lần được nhìn lại tàn tích của trận đánh cuối cùng một đời làm lính, nhưng vừa rời khỏi nhà chừng cây cố chúng tôi đã bị bắt… và họ dẫn chúng tôi tới chủng viện, nơi đó họ đã tập trung những người lính TQLC bị bắt còn lại… vừa TĐ6, vừa TĐ9/TQLC. Anh em nói nhỏ cho tôi biết “tối qua có 2 người lính của mình tự sát, hình như một người là Thiếu úy Hùng mới về ĐĐ2 và một người lính mang đồ ăn cho Thiếu úy”…như vậy đó, trong lúc gặp chị Liên có quá nhiều việc và những xúc động tôi chỉ nói với chị, có 2 người lính đã tự sát gần chủng viện mà không nói rõ phần sau, sự hớ hên của mình đã đưa tới công chuyện vất vã kiếm tìm. Tôi không ngờ chị Liên lại lẳng lặng lên đường về nơi đó tìm anh Tùng. rồi chị Nga…

Tôi thở dài nói cho chị Nga biết về chuyện mình đang suy nghĩ. Chị im lặng một lúc và nói thôi chuyện qua rồi, nhưng lúc đó anh cũng chưa rõ ràng, và bọn này cũng sẽ đi tìm mà thôi, tôi cám ơn chị. Như vậy tôi đã rõ những bộ hài cốt này và 2 người lính tự sát năm xưa là ai rồi, cũng nhờ sự thiếu sót của mình mà tôi đã biết ra Hùng đang phiêu bạc nơi đâu, âu cũng là mạng số.Chị lập lại nhiều lần, nơi đó gọi là Gò cà, Gò cà …thời gian qua quá lâu và chị không sống ở Đà Nẵng nên chị không biết gò Cà nằm ở nơi nào, khi tôi hỏi chị.

No comments: