"QUÁN TRỌ CỦA SĨ QUAN TÁC CHIẾN"
Tôi giở cái beret màu xanh tím của trường Thủ Đức ra khỏi đầu. Mặc dù trên cổ áo có may cặp lon chuẩn úy màu đen tác chiến, nhưng với cái beret của nhà trường, tôi thấy mình...mới quá, non nớt quá. Tôi muốn tỏ ra già dặn.
Cầm mũ trên tay, tôi chậm rãi bước qua khung cửa nhỏ vừa đủ lọt một người. Phòng giam là đây. Vào đến bên trong, tôi ngập ngừng đội lại mũ lên đầu. Một thiếu úy Nhảy Dù tóc tai bờm xờm đang ngồi đánh cờ với một chuẩn úy Sư Đoàn 22 BB quân phục bụi bậm. Nhác thấy tôi, anh quay qua, đưa tay che ngang mày, nheo mắt hỏi:
- "Biết đánh cờ không?". Tôi giơ tay chào viên thiếu úy, trả lời tôi biết, rồi chào cả viên chuẩn úy. Huynh trưởng này to tiếng:
- "Mới ra trường mà khoái ở tù sao đàn em?". Tôi cười gượng, rồi lẳng lặng đến ngồi trên mép tấm phản bê tông mát lạnh. Bên trong gần vách tường, một chuẩn úy Thiết Giáp của Sư Đoàn 21 BB nằm chèo queo như đang ngủ. Hai chàng sĩ quan ba gai lại trở về với ván cờ lặng lẽ của họ.
Một lát sau, chàng trung úy phi công cũng được dẫn vào phòng. Nét mặt anh buồn buồn. Sáng nay, anh cũng bị Quân Cảnh tiểu đoàn 5 bắt tại khu vực gần rạp Hưng Đạo. Anh đã leo lên chiếc GMC và ngồi cạnh tôi. Tôi chào anh và qua bộ đồ bay màu đen có đủ bảng tên phù hiệu, tôi biết anh tên Toàn thuộc Phi Đội 259H của Sư Đoàn 4 Không Quân. Bây giờ anh cũng được đưa vào phòng giam, đang trầm ngâm trong góc. Một lát, anh đến bên chiếc phản, ngồi xuống cạnh tôi. Tôi hỏi:
- “Tưởng họ thả trung úy ra rồi chớ?". Anh đáp: - “Không, họ bảo vào phòng làm việc lập biên bản, giữ của tôi cây P38 và chiếc Lambretta".
- “Trung úy không có giấy phép sao?", tôi hỏi. Anh chán nản:
- " Tôi có sự vụ lệnh, nhưng họ đòi giấy phép mang súng!".
À, còn thế nữa ! Tôi chợt hiểu. Quân nhân không được phép mang vũ khí cá nhân bên ngoài quân phục trừ phi đang ở đơn vị. Như vậy, cả anh Toàn và tôi đều vi phạm quân kỷ. Thật ra, người lính nào bị Quân Cảnh đưa vào đây cũng vi phạm quân kỷ, nặng hay nhẹ; từ cái tội rời đơn vị không có giấy phép hay sự vụ lệnh hoặc giấy phép quá hạn như tôi, đến cái tội không mang theo căn cước quân nhân hoặc để chứng chỉ tại ngũ quá hạn; hoặc nhẹ hơn là những tội thuộc tác phong: tóc dài, không đeo thẻ bài, bảng tên mờ, không mang cấp bậc, không gom ống quần ( nếu là bộ binh), lại có cả tội đeo súng không giấy phép như trung úy Toàn...
Quân Cảnh tiểu đoàn 5 nổi tiếng hắc ám không tha bất cứ ai vi phạm. Sáng nay, tôi đã gặp Quân Cảnh tiểu đoàn 5 lúc đang thả bộ trên đường Trần Hưng Đạo. Họ luôn đi tuần trên 2 xe, một GMC dùng để chở lính bị bắt, xe này đậu một chỗ chờ đợi và một Jeep lùn chạy quanh quẩn để vồ bất cứ quân nhân nào trên phố. Trưởng toán tuần tiểu thường là một trung úy. Họ ít khi đụng đến cấp tá, chỉ "ăn hiếp" cấp úy trở xuống. Thường thì họ hốt đầy chiếc GMC rồi chạy về Quân Trấn.
Hôm nay là 27/12/1973, tôi vừa ra trường được 12 ngày. Lẽ ra tôi phải đến đơn vị ngày 25/12 nhưng vì ham chơi nên đã quá hạn 2 ngày. Tôi không có gì kêu ca khi bị hốt về đây. Cũng nơi này, tháng 9 năm ngoái (1972), hàng ngàn thanh niên sinh năm 1953 như tôi đã đứng co ro trong cơn mưa chiều, xếp hàng dài từ ngoài đường Lê Văn Duyệt, để lần lượt đi vào trình diện nhập ngũ. Hôm nay trở lại đây, tôi đã là một "sĩ quan ưu tú của QLVNCH" như cách gọi của Tướng Minh đờn, chỉ huy trưởng Trường Bộ Binh trong huấn từ của ông nói với chúng tôi tại vũ đình trường Diên Hồng mới cách đây hơn 10 ngày. Tôi lẩn thẩn nghĩ "Giờ này, đám bạn cùng khóa của tôi chắc đang đi khắp 4 vùng chiến thuật, để trình diện đơn vị; còn tôi- một trong số các "sĩ quan ưu tú" thì đang ở đây, phòng giam của Quân Trấn !
Chưa ra đơn vị đã nếm mùi lao tù, tôi linh cảm đời binh nghiệp của mình sẽ gay go lắm đây.
Buổi trưa, qua cái khung cửa sổ nhỏ, người lính trực gọi vào hỏi ai muốn ăn uống gì anh sẽ mua cho. Cả phòng gom tiền lại nhờ anh mua cho mỗi người một ổ bánh mì thịt và một ly cà phê đá. Tôi nghĩ, cũng còn an ủi khi được ăn uống như vầy. Viên thiếu úy Nhảy Dù vừa nhai bánh mì vừa nhìn tôi nói: "Mày yên tâm; không ai ở đây quá 72 tiếng. Nếu mày không đào ngũ, ngày mai mày sẽ được thả". Tôi im lặng gật đầu. Ăn uống xong, hai chàng ba gai tiếp tục ván cờ, còn huynh trưởng Thiết Giáp mệt mỏi kia lại lăn ra trên tấm phản đá sau khi hỏi tôi:”Khóa mấy?". Anh Toàn vẫn trầm ngâm. Lúc này, tôi có dịp quan sát chung quanh.
Căn phòng khá chật hẹp, chỉ độ 3mx5m, cuối phòng có một vách ngăn nhỏ, phía sau là một bồn cầu loại xí xổm và bể nước. Không có gì khác; đến cái móc treo khăn áo cũng không. Không biết làm gì, tôi bèn đến gần bức tường chi chít những dòng chữ viết bằng than, bút chì, bút nguyên tử. Tôi lẩn thẩn đọc kỹ từng dòng chữ, như đọc báo. Những câu thơ và tin nhắn. Nổi bật là dòng chữ in to, viết bằng than: QUÁN TRỌ CỦA SĨ QUAN TÁC CHIẾN. Tôi đọc hai câu thơ: Mấy thằng quân cảnh cà tàng,-Ăn no rửng mỡ ra đàng bắt quan. Những tin nhắn có ghi đầy đủ cấp bậc, họ tên, khóa, đơn vị...nhắn cho một người bạn cũng có đủ thông tin tương tự. Thiếu úy Nguyễn X khóa 4/71 TĐ 90 BĐQ nhắn tìm thiếu úy Lê Văn D. khóa 5/71 TĐ 2/45 BB...v..v..
Họ làm như chắc chắn những người bạn rồi cũng sẽ vào đây để đọc tin nhắn của họ (?). Đọc hết các tin nhắn, tôi bâng khuâng không biết những chàng trai này hiện đang ở đâu, có còn sống không? Nếu may mắn sống sót, việc gặp lại là một may mắn khác, rất hãn hữu. Chúng tôi, quả thật, một thế hệ lạc loài, the lost generation. Vào trại giam để tìm nhau, rồi mai lại ra chiến trường...
Tôi nhìn khắp căn phòng một lần nữa, nghĩ thầm" Quán trọ của sĩ quan tác chiến tồi tàn quá. Căn phòng kế bên dành cho lính lác chắc còn tệ hơn ".
Đêm đó, tôi nằm co người bên cạnh trung úy Toàn. Chúng tôi hỏi thăm nhau. Nhà anh ở trong một con hẽm gần Cầu Kho. Anh dặn tôi có ra trước thì đến báo cho gia đình anh hay tin.
Sáng hôm sau, thức giấc, tôi nhìn thấy những tia nắng đã tràn vào phòng xuyên qua cái ô cửa nhỏ. Khoảng 8 giờ, một trung sĩ mở ổ khóa cửa, thò đầu vào, gọi to: - "Chuẩn úy Nguyễn Hữu Thời, ra ngoài hớt tóc!"
Tôi chỉnh lại quân phục, bước ra ngoài, vươn vai hít thở vài cái. Anh quân cảnh nói:
- "Hớt tóc xong, chuẩn úy sẽ được ra". Tôi hỏi ngớ ngẩn:
- “Sao anh biết?". Anh ta đáp gọn lỏn:
- " Ai cũng vậy". A ! Đó là thủ tục cuối cùng. Tôi tin lời anh quân cảnh. Họ đã xác minh trường hợp tôi. Vì tôi chưa trình diện Tiểu Khu Vĩnh Long nên họ đã gọi về trường. Nhà trường đã xác nhận tên tôi trong danh sách sĩ quan mới tốt nghiệp. Tôi mới trễ phép có 2 ngày, chẳng ăn nhằm gì. Thiếu úy Nhảy Dù đã nói thế, còn bảo tôi có ra thì ở nhà chơi thêm ít ngày nữa rồi hãy đi trình diện (?).
Nhưng tôi không thể kéo dài cuộc rong chơi ở thủ đô thêm một ngày nào nữa. Họ cần thả tôi ra càng sớm càng tốt. Thành phố, chốn hậu phương này không cần những lính trẻ đi long nhong. Chỗ của chúng tôi là ở ngoài mặt trận. Nơi đó cần chúng tôi hơn.
Hớt tóc xong ( tóc của tôi đã quá ngắn rồi), viên trung úy quân cảnh trực bước ra, vừa gọi tôi vừa mắng: " Chuẩn úy Thời đâu ? Mới ra trường đã ba gai !". Ông trả lại tôi tờ giấy phép và thẻ căn cước quân nhân, rồi bảo tôi nhanh chóng đi trình diện đơn vị.
Ra đến cổng, tôi ngoái lại nhìn và thấy người phi công đang ngồi trên cái ghế hớt tóc. Anh vẫy tay chào tôi.
Tôi ghé về nhà để lấy đồ đạc. Anh Nguyên đã đi lang thang đâu đó tìm việc làm. Khóa cửa xong, tôi đến bên cửa sổ nhìn vào trong nhà một lần nữa. Tôi bồi hồi nhìn cái tủ thờ, ảnh Mẹ, bộ ghế sa lông bằng gỗ cũ, cái bàn học, tấm bảng trên tường...Tôi đã rời trường học gần 2 năm. Tôi cũng vừa rời một ngôi trường khác: Trường dạy làm người. Tôi quay gót, lòng hiu hắt như căn nhà.
Một cảm giác trơ trọi đến chạnh lòng. Tôi như con chim lạc đàn vỗ đôi cánh nhỏ bay vào bầu trời bão giông mù mịt.
Tôi đang đi trình diện đơn vị. Tôi sẽ ra Xa Cảng Miền Tây để đáp chuyến xe đò xuôi quốc lộ 4. Tôi biết mình sẽ đi qua sông Tiền trên một chiếc phà rất lớn. Tôi sẽ phải qua nhiều dòng sông lớn nhỏ trên nhiều chiếc phà khác nữa trong đời lính của mình.
Hôm nay là ngày ra đơn vị, ngày 28/12/1973. Tôi vẫn còn 20 tuổi.
Nguyễn Hữu Thời 2/6/2019 ( Viết muộn )
------------------
No comments:
Post a Comment