Thursday, October 24, 2024

CHUYỆN CHÍNH DANH - Nguyễn Hữu Thời

CHUYỆN CHÍNH DANH

Nguyễn Hữu Thời
Phiếm
Có học trò đến gặp Khổng Tử hỏi: “Thưa thầy, sau này con muốn làm chính trị, thầy bảo con phải làm gì?”. Khổng Tử đáp: “Trước hết, phải chính danh cái đã”. Khổng Tử nói thêm: “ Không cứ phải làm chính trị mới cần chính danh; làm gì cũng vậy, quân tử thì phải chính danh”.
-----------
Danh chính ngôn thuận. Lời lẽ của người quân tử bao giờ cũng dễ nghe, có tình lý, vì nói lên sự thật. Còn kẻ tiểu nhân, vốn hay giả danh, mạo danh, ẩn danh, thường có cách ăn nói lươn lẹo, trí trá, gọi là ngoa ngôn, xảo ngữ. Đó là nói về cá nhân; còn nói rộng ra, chẳng hạn nói đến nhà nước, một nhà cầm quyền, nếu không do dân bầu thì không phải là chính quyền, mà chỉ là tà quyền, vì không chính danh. Một nhà cầm quyền như thế chỉ phát ra những tuyên truyền dối trá: “Nói vậy mà không phải vậy !”. 
 
Nhưng, ở đời, nói dóc hay nói xạo cũng chẳng lừa được ai. Abraham Lincoln, tổng thống thứ 16 của Mỹ, từng nói “You can fool all the people some of the time and some of the people all the time, but you can not fool all the people all the time” (Bạn có thể lừa dối mọi người một vài lần và lừa dối vài người mọi lúc nhưng bạn không thể mọi lúc lừa dối tất cà mọi người được). Chắc chắn, sẽ có lúc nào đó, chuyện dối trá bị vạch trần. 
 
A lie might take care of the present but it has no future.
Lời nói dối có thể giải quyết được hiện tại nhưng nó không có tương lai.
 
Chính danh thì phải xác định tên tuổi, danh phận của mình như nó là, không bịa đặt, thêm bớt. Kẻ tiểu nhân ưa nói xạo vì thiếu tự tin, vì hèn yếu, và đầy mặc cảm, mặc cảm thấp kém. Trái lại, người quân tử tin ở bản thân mình nên khi thất bại cũng giữ lòng trung thực và hào hiệp. 
 
Trong một số báo Tiền Phong cũ (báo dành cho sĩ quan QLVNCH), có bài phóng sự kể chuyện một sĩ quan Biệt Động Quân bị địch bắt trên chiến trường. Sau một hồi bị đe dọa, viên sĩ quan Biệt Động Quân đã to tiếng quát lại kẻ địch thẩm vấn anh: 
- “Tôi nhắc lại; tôi: Nguyễn X...trung úy, đại đội trưởng đại đội 1 tiểu đoàn 4...Biệt Động Quân, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa! Tôi không thể khai thêm gì khác; các anh muốn bắn tôi cũng được!”
 
Trường hợp này, không chỉ chính danh, người sĩ quan còn tuân thủ quân lệnh và cung khai đúng mực theo công ước về tù binh của Liên Hiệp Quốc. Anh đã được dạy, nếu bị bắt, chỉ khai: họ tên, cấp bậc, chức vụ, đơn vị; ngoài ra không được phép khai thêm gì khác, dù có bị tra tấn. Vì thế, anh đã từ chối trả lời các câu hỏi “Đơn vị anh có bao nhiêu lính ? Trang bị những vũ khí gì? Lần họp sau cùng nhận lệnh gì? Tiểu đoàn trưởng tên gì? Cấp bậc ? Nhà ở đâu ? Vợ mấy con ?”..v..v...
 
Trong giao tiếp xã hội, nếu là câu chuyện hằng ngày, thì cứ thoải mái, không câu nệ câu chữ. Chẳng hạn, trước 1975, thời chiến tranh, trong tiểu thuyết Nhang Tàn Thắp Khuya của Nguyễn Thị Thụy Vũ, có cô gái miền Nam nới với bạn: 
- “Tao không dám mơ sĩ quan Đà Lạt; tao chỉ mong quen được một anh sĩ quan Thủ Đức cũng hãnh diện rồi”. Đó là cách gọi thân thương của người dân miền Nam dành cho các anh sinh viên sĩ quan đang học ở 2 quân trường nổi tiếng của miền Nam. Cách gọi trìu mến và đầy ngưỡng mộ. Khỏi cần phải gọi đầy đủ là “sinh viên sĩ quan Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam (không có địa danh Đà Lạt) hoặc sinh viên sĩ quan Trường Bộ Binh ( không có địa danh Thủ Đức). Bạn bè nói chuyện thân mật mà bắt phải gọi chính xác như thế thì bất tiện quá. Mệt lắm !
 
Về chuyện danh xưng, giới nghệ sĩ là “sướng” hơn cả. Ngoài tên họ cha mẹ đặt cho, người nghệ sĩ còn có quyền chọn cho mình vô số những bút danh hay nghệ danh rất đẹp; cũng được xem là chính danh, được dùng trong sáng tác, trình diễn…Nhưng, sử dụng bút danh để tự mình viết sách ca ngợi chính mình thì không còn chính danh nữa. Chuyện này tồi tệ và ít có ai dám làm, trừ những thằng mặt mo.
 
Trong văn bản hành chánh, cũng như trong thông tin liên quan đến thân thế của một người, một tổ chức, cần được ghi cho đúng.
 
Trong bản thảo tập THƠ LÍNH CHIẾN MIỀN NAM do tôi thực hiện năm 2012, tôi đã ghi tựa tiếng Anh của tập thơ là SOLDIERS’ POEMS; rất gọn. Cái tựa tiếng Anh này được cố giáo sư Nguyễn Ngọc Bích sửa lại là ARVN SOLDIERS’ POETRY (Thơ lính QUÂN ĐỘI VNCH). Tôi không hề phiền lòng gì về sự chỉnh sửa này. Tôi thấy như thế cũng hay, vì đã nói rõ là thơ của lính nào. Tôi nghĩ, có thể nhờ thay đổi này mà tập thơ đã được nhiều độc giả tiếng Anh tìm đọc hơn. 
 
Tuy vậy, khi thực hiện tập thơ thứ hai: THƠ NHỮNG NGƯỜI THUA CUỘC- POEMS OF THE LOSERS sắp được phát hành, tôi đã dè dặt khi dịch các danh xưng là danh từ riêng chỉ một tập họp những người lính Việt Nam Cộng Hòa, vì tên gọi chính thức của tập thể đó đã thay đồi qua từng thời kỳ.
 
Lúc tôi đi lính (1972) thì tập thể đó đã được gọi là QUÂN LỰC VIỆT NAM CỘNG HÒA
. Cái tên này được xử dụng trong 10 năm sau cùng của cuộc chiến kề từ ngày khai sinh là 19/6/1965 sau khi Chính Phủ dân sự được Quốc Hội cho phép trao quyền lãnh đạo đất nước lại cho quân đội để sẽ bao gồm cả lực lượng Cảnh Sát và Nhân Dân Tự Vệ. Trước đó- thời đệ nhất cộng hòa- tập thể này được gọi là QUÂN ĐỘI VIỆT NAM CỘNG HÒA  không bao gồm Cảnh Sát). Trước đó nữa- thời vua Bảo Đại- thời kỳ phôi thai- tập thể này được gọi là QUÂN ĐỘI QUỐC GIA.
 
Vì danh xưng khác nhau nên khi chuyển sang tiếng Anh, các dịch giả trước 1975 đã dịch rất đúng, cho từng danh xưng, như sau:
Nếu là Quân Đội Quốc Gia thì chỉ đơn giản là National Army.
 
Nếu là Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa thì là Army of Republic of Việt Nam (ARVN- cách dùng của cố gs. Nguyễn Ngọc Bích; người Mỹ cũng thích cách gọi này).
Nếu là Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa thì có dài dòng hơn một chút; được dịch là Republic of Vietnam Armed Forced (RVNAF, tôi dùng từ này vì đa số các tác giả của tập thơ đều phục vụ trong thời kỳ này) 
 
Ngoài ý nghĩa của danh xưng, thấy có sự cân đối giữa 2 ngôn ngữ; ngôn ngữ gốc ngắn gọn thì ngôn ngữ đích cũng ngắn gọn; và ngược lại. Sự cân đối này cho tôi cảm giác an tâm khi dịch. Ví dụ:Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam đã được các dịch giả hồi xưa dịch là Vietnam National Military Academy, rất oai nghiêm và chính xác. Còn Trường Bộ Binh, ngôi trường thân yêu và “bình dân” của tôi thì được dịch gọn là Infantry School, thật “bình dân” và chính xác.
Đó cũng là chính danh.
 
Tôi đã học được nhiều điều bổ ích từ các dịch giả, giáo sư cũ trước 1975; và cho đến bậy giờ, tôi cũng không thấy mình quá già để học nữa, nhất là học dịch thuật.
Nguyễn Hữu Thời
25/2/2019
----------

No comments: