Lời Tựa
Tôi không phải nhà văn; tôi chỉ là người lính, một người lính bình thường như bao thanh niên cùng thế hệ, đem tuổi thanh xuân để tham dự vào cuộc chiến mang đầy ý nghĩa phân chia ý thức hệ.
Nhưng do những oái ăm của lịch sử, chúng tôi buộc phải buông súng, cả tin vào vào những lời hứa hẹn của những người chiến thắng là hoà giải, hoà hợp Dân Tộc trong một Đất Nước không còn chiến tranh. Vâng chiến tranh thì không còn, nhưng sự thù hận, sự phân biệt đối xử với những người miền Nam còn còn đằng đẵng dai dẳng hành hạ chúng tôi. Do lòng tự kiêu hung hăng hơn mùi bọ xít, những người gọi mình là chiến thắng đã thực sự đẩy xa thêm hố ngăn cách của người Việt trên chính Đất Nước và cả những người Việt ở hai bên bờ Đại dương. Cái hố ngăn cách đó cho đến bây giờ cũng chưa thu ngắn cách biệt.
Xuyến Trịnh
Có lẽ cách nay chừng hơn ba năm về trước, tình cờ tôi đọc thấy bài viết của Thụy Vi trên trang
Người Việt Boston với tựa đề "Mộc Hoá Một Thuở Chúng Mình“. Tôi vội lắng đọng tâm tư, chậm đọc kỹ xem người của Mộc Hoá viết gì về Kiến Tường. Thụy Vi cho biết cô là người dân của Kiến Tường, nhưng chỉ sống quanh quẩn ở thị xã. Cô có ông ngoại gốc miền Trung, vào làm việc ở Mộc Hoá, có lẽ từ những ngày đầu thành lập Tỉnh của thời đệ nhất Cộng Hoà. Bà ngoại cô gốc Mộc Hoá, nhà ở gần chùa Tường Vân, có sạp bán hàng trong lòng chợ. Tuổi thơ cô sống với ngoại, lớn lên tại đó cùng với tuổi học trò, cô là nữ sinh một thời áo trắng của trường công lập Kiến Tường.
Năm 1967 cô lên Sài-gòn để tiếp tục học, cô bước vào ngưỡng cửa Đại học trường Văn khoa và đã hoàn tất chương trình Cử nhân Văn chương. Thời gian còn là sinh viên, có những dịp về Mộc Hoá, cô ra phụ ngoại bán hàng tại sạp trong lòng chợ, và chính nơi đây cô đã có mối lương duyên với ‘người hùng bên cảnh sát’, anh chàng còn đầy vẻ thư sinh mỗi buổi sáng sang nghe thuyết trình bên tiểu khu.
Anh tên Trình, là một biên tập viên lúc bấy giờ, vẫn gắn bó với chị cho tới ngày nay, và anh chị hiện đang cư ngụ tại tiểu bang Michigan, Mỹ Quốc.
Trong bài viết, chị nhắc đến các thầy cô và đến những bạn bè mà một thời áo trắng tươi vui dưới mái trường công lập, trong đó có những cô nữ sinh mà tôi cũng quen biết, tôi cũng có những lời đong đưa, chỉ để tình cảm thăng hoa cho đời lính vui vui thôi. Cô cũng gợi nhắc về những thầy cô mà tôi cũng từng quen biết ở nhà anh chị Hoà là Hiệu trưởng lúc bấy giờ. Khi tôi mãn khoá sĩ quan trường Thủ Đức xuống tá túc tạm nhà anh chị, lúc này chị Hoà còn ở trên Sàigòn. Chị Vi nói về những kỷ niệm ở Kiến Tường, làm sống lại trong tôi cả một thời tôi phục vụ ở đó, nên tôi cũng có ý viết về những chuyện lẩm cẩm của những tháng ngày tôi làm việc ở BCH/TKKT. Tôi không phải ông Văn Quang, nhà văn chữ nghĩa bề bề trong những mục "Lẩm Cẩm Thiên Hạ Sự." Tôi chỉ là tay mơ ghi lại cho vui những gì mình còn nhớ về cấp chỉ huy và bạn bè cùng lứa tuổi mình từng làm việc dưới quyền và giao tiếp. Những tháng ngày tôi làm việc ở đó có những chuyện vui buồn nhiều lắm. Tôi xin ghi lại những gì còn nhớ được trong trí óc của người lính già năm xưa.
Tôi ra trường mãn khoá 21 Trừ bị Thủ Đức vào tháng Sáu năm 1966. Trước ngày mãn khoá tôi được biết gần 1900 sĩ quan "babylac" sẽ được đưa về các tiểu khu để thi hành kế hoạch bình định nông thôn. Tôi biết mình là con vịt đẹt có số điểm thấp lè tè nên tôi an phận lắm.
Số là lúc nhập học được hơn hai tháng, trong lần thực tập tác xạ về, từ trên xe GMC với balô, súng đạn và nón sắt trên đầu, tôi nhảy đại xuống thì thấy đau nhói khụy ngã, mấy người bạn nằm kế cận dìu tôi về buồng, một người bạn tên Nẫm đến sờ khám, tôi chỉ vùng chỗ đău quặn, anh sờ nắn và cho biết tôi bị chứng sa ruột, vậy là cả buồng ồ lên kêu tôi là thằng sa tử cung, tôi chịu cứng với cái biệt danh từ đấy. Sáng hôm sau lên bệnh xá khám tôi được chuyển về Tổng Y Viện Cộng Hoà chữa trị. Gần tới ngày gắn ALFA tôi được trả về lại quân trường với mẫu số tám cho làm việc nhẹ, thế là tôi lè phè, được miễn những buổi thực tập dạ hành và các buổi thực tập chiến thuật v.v....
Cuối khoá học số hạng tôi lên chọn đơn vị xa lắm. Tôi nghe bạn bè kháo nhau, nếu là vùng Một thì cạch Tam Quảng, nếu là vùng Hai thì Quảng Đức đừng chọn, nếu là vùng Ba thì chừa Bình Long, Tây Ninh, Hậu Nghĩa, còn vùng Bốn thì Tam Kiến chớ vào. Đến lượt tôi lên chọn thì các tỉnh trù phú và an ninh thì đã được ghi đầy cả. Vùng một thì còn Quảng Nam, Quảng Trị, vùng ba thì còn Tây Ninh, Hậu Nghia, vùng bốn thì còn Tam Kiến, Chương Thiện, Ba Xuyên xa lắc xa lơ, Côn Đảo thì còn Đặc khu Côn Sơn, tôi ngắm nghía nơi này. Lên trước tôi là anh bạn cùng đại đội, anh gốc giáo chức, có lẽ không quen lớn hay sao đó mà anh không được biệt phái về nhiệm sở cũ, anh chọn Côn Sơn, tôi năn nỉ hoán đổi, anh nói tớ buồn đời muốn đi xa cho quên lãng, vậy là chạy trời không khỏi nắng tôi đành chọn về Kiến Tường. Bù lại tôi có người bạn nối khố ra trường khoá 18 trước tôi ba khoá đang phục vụ ở đó, thôi thì dù sao cũng có bạn có bè cũng bớt đi được cái bỡ ngỡ thuở đầu mới về, anh tên Rao hiện đang ở Houston. Với mười ngày phép tôi cũng cố tìm chỗ nhờ vả xem có cách gì để có thể về Tiểu khu Gia Định phục vụ cho gần nhà, loay hoay mãi chẳng có hy vọng thôi thì đành quẩy ba lô xuống Kiến Tường vậy.
Tôi như con thoi nuôi xe lô Sàigòn Minh Chánh cả tháng trời mà chưa vào được Môc Hoá. Đi đường bộ thì hai mươi ngày hoặc cả tháng mới có chuyến mở đường lãnh đồ tiếp liệu. Phương tiện máy bay thì hàng tuần vẫn có chiếc máy bay chở Quân Bưu cho Mộc Hoá, tiện dịp rải truyền đơn kêu gọi chiêu hồi từ sân bay L.19 tại Bình Đức. Cũng may có lần ra sân bay này thì tôi gặp Trung uý Tài lúc này là Trưởng ban 1 của Tỉnh đoàn và Thiếu Tá Tri Tỉnh đoàn Trưởng ra Mỹ Tho họp đang đợi máy bay về Mộc Hoá, máy bay không đủ chỗ, tiện dịp tôi trình diện nhị vị của Tỉnh đoàn để khỏi bị phạt quá hạn trình diện. Tôi phải đợi hai ngày nữa mới có máy bay vào Mộc Hoá. Kiến Tường ơi, tôi bơ phờ tìm lối vào để phục vụ thuở ban đầu sao mà đa đoan đáng ghi nhớ lắm vậy.
Chiếc Cessna đang bay vào gần tới thị xã Mộc Hoá, từ trên cao độ, tôi ngoái nhìn xuống, cả thị xã sao chỉ to như chiếc tô phở Tàu Bay ở ngã Bẩy, nhà cửa thì ngói đỏ cũ rích, xen lẫn những mái tôn tranh, những tấm tôn cũng đã cũ, nơi sẽ ghi dấu những tháng ngày của tôi đây. Máy bay đang hạ thấp cao độ lựa phía thuận lợi hạ cánh cho bánh xe chạm đất êm êm và an toàn. Phi cơ tiến dần về phía nhà chờ đợi và rồi tôi cũng đã đặt chân lên đất của Mộc Hoá sau một cơn mưa rào buổi sáng, đất sét của phi trường quện lẫn đất phèn nhầy nhụa, làm đôi giày bốt xi ra đen bóng ngại ngùng dấn bước. Cũng tại nhà chờ đợi người đầu tiên tôi gặp là chị Trân làm cho cơ quan CORD tại Mộc Hoá, thấy tôi ngại ngùng bước đi trên bùn đất, chị bảo Chuẩn uý đợi tôi chút để cùng tôi về tòa Hành Chánh là cơ quan hỗn hơp Quân và Dân sự. Lúc sau người bạn đến chở tôi về tá túc tạm ở nhà thầy Hoà.
Lúc này chị còn ở trên Sàigòn chưa xuống, anh Hoà và vài thầy cùng nhau tiêu khiển vài canh chắn cho qua ngày, thế nên tôi quen biết và nhớ rõ các thầy là giáo sư tại Mộc Hoá. Mò lên trang mạng THKT tôi nhận được hình bóng của các thày cô tôi quen biết hay qua một lần gặp gỡ nhưng chưa thân thiện lắm. Cả những cô nữ sinh như cô Nguyên, cô Quyến lúc đó tôi quen gọi là Luyến có chị là cô Xuyến, cô Thủy có em là cô Dung bây giờ. Lúc mà Thuỷ còn phụ má bán tại Câu lạc bộ, Thủy và tôi thường hay có những thì thầm trìu mến và cô Thuỷ nay là phu nhân của thày Hoà. Thấy được hình bóng nhưng sao tâm tư cũng lâng lâng niềm luyến nhớ thật thân thương, âu cũng là cảnh cũ người xưa mà.
Tôi đến trình diện hai vị thẩm quyền trong lúc cải tổ hệ thống chỉ huy đồng nhất của Quân lực giữa Tỉnh Trưởng Nội An và Tỉnh đoàn Trưởng Bảo An, Bạn của tôi thân thiện với Thiếu Tá Khang Phó Nội An đưa tôi vào trình diện trước, ông bảo cho về bên Biệt Đoàn Xây Dựng Nông Thôn. Sau đó tôi sang trình diện Thiếu Tá Tri Tỉnh đoàn Bảo An bút phê về ĐĐ 154 trú đóng ở Tuyên Nhơn. Tôi biết thi hành lệnh của ai bây giờ. Tôi được biết hai vị đang găng nhau vì ai cũng tự cho mình nắm trọn quyền chỉ huy bên Quân sự, chả ai muốn nói chuyện với ai về phương vị của tôi.
Lúc này thì nước lũ đang tràn về làm Mộc Hoá nước dâng lên lênh láng, tôi nhận CVL của tỉnh do Trung Tá Lợi Nguyên Tấn ký ra Mỹ Tho nhận vật phẩm cứu trợ của Bộ Xã Hội chuyển xuống qua trung gian của tỉnh Định Tường. Tôi xách gói ra Mỹ Tho gặp đại diện Bộ Xã Hội, ông to con, tóc xoăn xoăn, nước da đậm mầu chà và. Ông dẫn tôi tới địa điểm chứa hàng, không thân thiện mấy bảo đem xe mà chở.
Tôi lại làm con thoi giữa Mỹ Tho và Cai Lậy dẫn đoàn xe của tỉnh đoàn đi công tác phải ở lại đây vì đường lộ 29 bị ngập nước. Thế là hàng tuần có mở đường, tôi lại dẫn đoàn xe ra Mỹ Tho lấy đồ cứu trợ, mướn tác ráng chở về tỉnh giao cho kho của Xây Dựng Nông Thôn. Công việc kéo dài cho đến trung tuần tháng 11 mới xong. Lẽ tất nhiên những lúc vận chuyển đồ cứu trợ như vậy, có sự thất thoát khi nhập kho so với biên nhận của đại diện Bộ Xã hội và tôi đồng ký. Tôi như con nai tơ, Chuẩn uý mới ra trường ngu ngơ so với mấy ông tài xế dầy dạn sương gió, tôi để ý và cũng tìm ra thủ phạm, trong buồng xe của tài xế anh nào cũng cất dấu vật cứu trợ đáng giá, tôi ghi số xe có đồ cất dấu trình cho tỉnh giải quyết.
Lương Chuẩn uý mới ra trường còn khiêm nhượng lắm, nên tôi lao đao thiếu hụt. Trên nguyên tắc đi công tác có CVL sẽ được lãnh công tác phí, khổ nỗi tôi không có giấy bổ nhiệm, không là nhân viên Toà Hành Chánh nên sai nguyên tắc chi trả. Và tôi đành chịu làm công tác chùa vậy. Hết đồ cứu trợ, tôi ra Văn phòng BĐPT xem có ai sai gì làm cho bớt thừa thãi, tôi không có Văn thư bổ nhiệm nên chả ai nhờ làm gì cả. Tôi như với trời bơ vơ, tôi nằm lì ở nhà tề gia nội trợ cho tôi, cho bạn, cho thầy Hoà và Trung uý Ty ăn ké.
Lúc này nước ngập cao gần tới cửa sổ đang chựng lại để đổ về Đai dương, làm cho đệ tứ khoái của mỗi người cũng lắm khi bối rối, đợi tối leo lên mái ngói nhà bếp, nhìn trăng thanh, có gió mát mới thấy câu ví von thứ nhất Quan Công, thứ nhì…đồng sao thấy nên thơ quá. Hai vị thẩm quyền vẫn găng nhau chả ai giải quyết về trường hợp của tôi. Tôi bị hiểu lầm ỷ lại, tỉnh đoàn đe dọa báo cáo đào ngũ dầu vẫn biết tôi luôn hiện ở đâu đó. Đợi nước rút xuống tôi sang trình diện tỉnh đoàn lấy SVL xuống Tuyên Nhơn nhận đơn vị cho xong. Nước rút cạn, quận cho phát quang lập đồn mới, đồn Rạch Chùa. Tôi và Thiếu uý Cẩn thay phiên nhau trấn thủ lưu đồn. Trong thời gian phục vụ gần hai năm tại Tuyên Nhơn có hai sự kiện mà tôi nhớ mãi trong đời.
Khoảng tháng 9 năm 67, một sáng tinh sương, vào lúc bốn giờ, Trung uý Hội Đại đội Trưởng kéo lính xuống đồn đánh thức tôi dậy, bảo gom lính đi hành quân. Tôi chuẩn bị lính tráng phối hợp với đại đội để di hành.
Anh Hội trải bản đồ có phóng đồ hành quân trao cho tôi một bản, tôi nhìn trực tiến quân hỏi sao mình dùng xuồng di chuyển dọc hai bờ sông ở thế bất lợi, có giao tranh làm sao xoay xở. Hội trầm ngâm nhìn xa xăm như có điều gì linh ứng, anh chửi thề bảo tôi "c…. tao này, tao đâu ngu, mày dẫn trung đội xuống cây gòn tàng tàng ở đó mười giờ tao cho rút về, ở xa khu nước trong tụi Biệt Kích nó đi hồi sáng đang lục soát, nó ra bờ sông, mình kéo về, tao ở lại coi đồn cho mày".
Tôi cùng trung đội chèo xuồng cách xa đồn khoảng chừng 800 mét, tôi thấy ghe máy cánh quân của đaị đội bên mặt bờ, đang vội di chuyển gần ngang cánh quân của tôi, hiệu thính viên trao ống liên hợp, tôi nghe Hội nói tụi Biệt Kích chúng nó ở khu nước trong, hối tôi di chuyển xuống bắt tay với họ. Chúng tôi vượt lên cách xa cánh của đại đội chừng hai trăm mét thì lọt ổ phục kích từ bên sông bắn xối xả gây cho toán chúng tôi ba người bị thương, chúng tôi nhào lên bờ bắn trả lại thì cũng vừa lúc cánh quân của Hội trờ tới, chúng dồn hỏa lực bắn bừa vào toán của Hội rồi chúng vội chém vè. Kết quả phía của Hội bốn tử thương trong đó có Hội, năm bị thương, bên tôi ba bị thương, hai nhẹ một trung bình. Cụôc hành quân chỉ có tôi và Hội, nên tôi được lệnh Chi Khu cho gom lính về quận có Thiếu uý Cấm là Đại đội Phó cũng là cột chèo với Hội quán xuyến.
Tại sân trước quận đường bao trùm bầu khí thê lương, một dẫy bốn thi hài, năm sáu thương binh đang đợi trực thăng đến tản thương về tỉnh chữa trị. Trại gia binh vợ con lính tử trận đang rên khóc thảm thiết cộng thêm tiếng khóc bằng tiếng Miên của vợ con lính và bằng hữu càng não nùng thêm.
Sáng hôm sau Trung uý Hội lên lon dưới lá cờ phủ kín đưa về quê an táng, thi hài hai người lính Miên cận vệ cho Hội được hỏa thiêu ngoài cánh đồng phía sau quận đường. Buổi tối gom quân về đồn, tâm trí tôi chưa khỏi bàng hoàng, tôi liên tưởng đến cái nhìn xa xăm của Hội và lời chê bất lợi khi tiến chiếm mục tiêu hồi sáng của tôi có phải số phận quện chặt vào định mệnh của Hội không, cả đêm tôi mất ngủ. Buổi trưa hai ngày sau, các thủ tục ma chay đã xong, cảnh thê lương trong trại gia binh như vợi bớt, tôi về hậu cứ đồn trú chung trong doanh trại của quận, tưởng mọi chuyện đã qua, nhưng khi tôi bước chân vào giữa sân quận đường, một bà vợ lính người Miên chạy ra nắm ghì áo tôi, giọng lơ lớ tiếng Việt, “Sau mươi phải tra chồng cho tôi”đại ý Thiếu uý đem chồng tôi đi hành quân để chồng tôi chết thì phải trả lại.
Tôi điếng người bàng hoàng đứng như trời trồng, giá chị hiểu được tôi cũng như chồng chị do Trung uý Hội điều động mà lúc đó tôi phụ trách trung đội của tôi dưới đồn, tôi vô can với cái chết của chồng chị, có điều tôi là cấp chỉ huy còn lại gom lính về cho đại đội, chị tưởng tôi là người trách nhiệm về cái chết của chồng chị nên mới ra nông nỗi.
Cũng thời gian tôi thay Thiếu uý Cẩn xuống đồn trấn thủ, có anh Ninh ngạch Tham Sự được tỉnh cử xuống làm Phó Quận tạm thời đợi có người ngạch Đốc Sự sẽ là Phó Quận chính thức, anh dáng thư sinh, cao ráo, hiền lắm. Do công việc phải tiếp xúc với thương buôn, anh quen ông Sáu Hậu là chủ trại hòm gần nơi đồn tôi trú đóng, anh hay được ông Sáu mời xuống nhà chơi và hay mời ăn uống. Mỗi lần như vậy, anh hay xuống tận đồn rủ tôi đi cho có bạn và an tâm về an ninh.
Ông Sáu Hậu có năm người con, cô con gái đầu lòng khoảng mười bảy tuổi khá xinh, cô có nét đẹp giống mẹ hiền hoà, phúc hậu làm xiêu lòng ông phó. Anh đem lòng si mến, sau một thơi gian tìm hiểu chỉ qua ánh mắt nhìn nhau say đắm mà chưa nắm tay nhau sánh vai dạo phố, anh quyết định đi đến hôn nhân, Anh tâm sự ít bữa, về Sàigòn mời ba má xuống xin cầu hôn, tôi thấy vui vui thầm chúc mừng anh.
Thế rồi vào một buổi chiều của tháng 9 khoảng năm giờ chiều mặt trời chưa xuống thấp, tôi từ trên quận về, mới bước vào tới cổng đồn, người lính gác báo Thiếu uý, tôi thấy ba chiếc xuồng có người mặc đồ đen bơi qua rạch Cả Kính cách đồn chừng 800 trăm mét, tôi táy máy lấy ba trái đạn súng cối phóng xuống nơi nghi có VC, sau khi ba trái đạn phát nổ thì một chập từng tràng AK và súng liên thanh bắn xối xả lên đồn tưởng chừng chúng mở cụôc tấn công. Để phản ứng tôi cho trung liên vá súng cối bắn ào xuống làm chúng im bặt. Thầy trò chúng tôi còn đang bàn tán thì phía đầu ấp ông Sáu Hậu hớt hải te te chạy tới cổng đồn, với cử chỉ giận dữ hung hãn, ông vung tay xỉa xói sao Thiếu uý cho súng bắn lên nhà dân làm con gái tôi bị thương, tôi sẽ lên tỉnh thưa ông. Trời đất, tôi điếng lặng như trời trồng, VC từ dưới bắn lên, chúng tôi bắn trả về phía chúng, nỡ lòng nào bắn ngược vê phía nhà dân. Tôi sắp đặt cho lính canh phòng, tôi vội lên nhà ông, Cô con gái một tay bụm mắt phải, máu dịn ra đau đớn, chòm xóm vây quanh thương cảm. Tôi vào phân bua cùng ông, ông vẩn giận dữ không để tôi giải thích. Tôi chạy về đồn báo sự việc về Chi Khu, xin tản thương gấp cho cô gái. Anh Ninh nghe tin người yêu bị nạn, anh đứng ngồi không yên, đốc thúc xin tản thương cho nàng. Tôi chạy lên nhà ông Sáu nói ông đưa cô gái lên quận chờ, sẽ có máy bay đưa đi chữa trị, khoảng mười giờ đêm trực thăng đến chở cô ra Mỹ Tho cứu cấp.
Cô bị mù mắt, một mảnh đạn bằng nửa hạt ngô đã cướp đi cửa sổ linh hồn cô. Cho xuất viện bác sĩ gởi cô miểng đạn oan nghiệt làm dấu ấn kèm theo lời phê trong giấy chứng thương, miểng đạn thuộc loại “"ourdoum" cổ lỗ sĩ thời Pháp thuộc mà chỉ đối phương mới có và xử dụng. Tôi nghe tin từ ông cho biết thở phào nhẹ nhõm, lời phê của BS đã minh oan cho tôi, sự giao tế giữa ông và tôi được vãn hồi tuy kém sự ân cần của lúc trước. Cô mang thương tật suốt đời, anh Ninh cũng xa dần cụôc tình từ đó. Cho đến tận bây giờ tôi vẫn tự hỏi, có ai phủ nhận "Điển Tích Vi Cố" từ xa xưa có còn được lưu truyền mãi không. Tôi cũng không biết anh Ninh ở đâu đó trên đất Mỹ hay còn ở lại bên Việt Nam có ghi nhớ nỗi oan khiên của cô gái quê ngày nào không.
Sang tháng 3 năm 1969 tôi có lệnh đổi về Tỉnh làm ở phòng 3 điền khuyết chỗ Trung uý Lai Trưởng Phòng, chạy sang làm Trưởng Ty Chiêu Hồi thời Trung Tá Lợi Nguyên Tấn, Trung uý Tiến lên thay, tôi là Phụ tá kiêm Sĩ quan Hành quân. Thời gian này những cụôc hành quân từ cấp QK, SĐ, TK vùng lên truy lùng VC sang tận Cao Miên, tôi mệt nhoài với những cụôc hành quân trong nội địa tỉnh Kiến Tường, có ngày theo BCH/HQ trên Bộ, có ngày bay trên trực thăng chỉ huy với Trung Tá Tri là Tiểu khu Phó điều động hành quân liên tục tôi như ná thở. Trung Tá Tri tính nóng nảy mỗi khi liên lạc với các đơn vị dưới đất, ông hay chửi thề trên máy, một lần gọi Pháo Binh bắn yểm trợ điều chỉnh không vừa ý, ông đ ..m Trung uý Tuệ là Pháo đội Trưởng, Tuệ nó có ngán đâu nó cũng chửi đ ..m lại, ông nổi đóa trên trực thăng, ông đòi thò chân đá chết mẹ, nó thách ông xuống, mặt ông giận tím đập mạnh ống liên hợp xuống sàn máy bay, tụi Cố vấn Mỹ ngơ ngác, tôi ngồi xếp re e ngại.
Có sự bàn giao giữa Trung Tá Lợi Nguyên Tấn và Trung Tá Lý Trọng Mỹ từ Sư đoàn 21 về. Ông dáng đi khệ nệ, không gặp khó khăn về an ninh lãnh thổ nhưng gặp phiền toái mỗi khi có lệnh phối hợp hành quân với lực lượng Biệt Kích do Thiếu Tá Kiểm chỉ huy LLĐB của B.18, ông ỷ vào mầu mũ, sắc áo kênh lắm, coi thường lực lượng diện địa, làm ngơ cho Biệt Kích quậy phá. Dân thị xã nhiều phen khiếp vía mỗi khi lính Biệt Kích đi hành quân về ra diễu phố, còn lính địa phương cố tránh cho dĩ hoà vi quý, vì né voi chẳng hổ mặt. Tuy nhiên nhiều khi cũng không tránh khỏi những lần gay cấn, từng giàn binh bố trận trước dinh Tỉnh Trưởng, tưởng như vô phương dàn xếp, cũng may các bên biết chế ngự, mọi việc tạm lắng dịu.
Thời gian ông đảm nhận chức Tỉnh Trưởng có vụ xì-căng-đan tựa như cô thư ký Monica Lewinsky dưới thời Tổng thống Clinton còn di lại hình hài cho đến tận ngày nay, biết cháu có đi check DNA để truy tìm phụ hệ không. Năm 70 có sự bàn giao tỉnh giữa Trung Tá Lê Khánh và Trung Tá Lý Trọng Mỹ mới lên Đại Tá, Trung Tá Khánh dầy dạn tham mưu, ông nguyên là Tham Mưu Trưởng LLĐB, ông trông hiền hoà, nói năng nhỏ nhẹ nhưng nghiêm lắm, các cấp thi hành lệnh răm rắp. Nhớ buổi họp đầu tiên, ông nói ông đến đây một mình và ra đi cũng một mình, như minh định tinh thần phục vụ không thiên vị một ai. Lúc này ba tỉnh Kiến Phong, Kiến Tường và Châu Đốc nằm trong zone của BK/44 được thành lập từ năm nào tôi không biết vì lúc đó tôi còn ở đơn vị tác chiến. Về làm ở Phòng 3, tôi có nhiều lần cùng Trung Tá Tri bay trực thăng chỉ huy đổ quân trực thăng vận gọi là diều hâu truy lùng VC khắp lãnh thổ Kiến Tường từ Tà-Nu sông trăng trên Tuyên Bình xuống tận Tuyên Nhơn, vùng Trị Pháp giáp ranh hai tỉnh Long An và Định Tường nên các địa danh của Kiến Tường còn ghi rõ trong tôi. Biệt khu 44 chịu trách nhiệm ngăn chặn và tiêu diệt VC dọc theo biên giới ba Tỉnh Châu Đốc, Kiến Phong, Kiến Tường do Đại Tá Nguyễn Hữu Hạnh là Tư Lệnh. Ông chỉ huy đạt được nhiều chiến công. Tôi được thấy ông nhiều lần sang Kiến Tường duyệt xét, dự các buổi thuyết trình hành quân. Ông trông hiền lành, cao mảnh khảnh, nói năng nhỏ nhẹ. Có công trạng, ông được thăng Tướng và đổi đi, ông cũng chính là người ra lệnh cho chúng tôi buông súng ngày 30 tháng 4 năm 1975, hào quang chiến thắng của ông năm xưa đổ ập xuống đầu chúng tôi bằng những năm tháng tù đầy nghiệt ngã.
Đại Tá Phú thay Tướng Hạnh làm Tư Lệnh, ông nhỏ con, bề cao thấp như tôi, ông hách lắm, quan liêu, xách mé gọi thuộc cấp ê liền với tên trống lổng, hay cầm cây can dứ dứ trên bản đồ hành quân khi ra chỉ thị cho thuộc cấp. Làm Tư Lệnh ông cũng có những chiến công so với vị tiền nhiệm, ông được lên Tướng bàn giao chức vụ cho Đại Tá Võ Hữu Hạnh, tác giả quyển sách "Vui Buồn Đời Lính". Ông rời chức Tỉnh Trưởng Hậu Nghĩa đi mò lon. Ông có chiều cao trung bình, hơi mập, mắt đeo kính cận dầy cộm, thời ông là tư lệnh, chiến công thật khiêm nhượng nên không được thăng Tướng, ông nổi tiếng được gắn cho nước mắt cá sấu lúc còn là tư lệnh, dịp mà sinh viên, sư sãi trên Sàigòn biểu tình ì xèo làm khó Tổng Thống Thiệu, ông đã chắp tay khóc van xin họ đừng biểu tình nữa, người ta kháo nhau, ông làm vậy để mong Tông Tông thưởng công. Ông ra đi để chức Tư Lệnh cho Đại Tá Hoàng Đức Ninh là anh ông Hoàng Đức Nhã, ông cũng gọi Tổng Thống Thiệu bằng cậu, ông cũng đeo kính cận có giọng nói hơi nhanh tưởng như cà lăm, ông coi Biệt Khu 44 chẳng được bao lâu thì có lệnh giải tán.
Cũng thời gian tôi làm ở Kiến Tường, có những vị Tư Lệnh Quân khu hay xuống thị sát và thăm viếng. Tướng Thắng trong bộ đồ Xây Dựng Nông Thôn, ông đến thăm ông thường đặt nặng về công cụôc bình định, đi công tác ông hay ăn bánh mì một mình ngoài trực thăng trong lúc phi hành đoàn ra chợ ăn trưa. Tướng Ngô DZU, Tướng Thanh khi đến thăm, tôi chuẩn bị chart và bản đồ thuyết trình các ông ít vặn hỏi tình hình quân số các đơn vị, chỉ chú trọng về dân sự và bình định. Tướng Nghi mỗi lần xuống tỉnh, ông dềnh dàng nặng về chào kính, chart thuyết trình phải đồng nhất và nhiều chi tiết. Ông trách nhiệm vùng Bốn có hai kế hoạch ông cho thi hành quá gấp và chậm trễ. Kế hoạch chỉnh đốn và kiện toàn lực lượng lãnh thổ lẽ ra phải có từ ba năm về trước, để lúc này đưa ra, các đơn vị tổn thất gãy gọng không kịp bổ sung quân số nên chỉ có trên giấy tờ. Việc đào tạo sĩ quan đưa làm PCK/trưởng một hình thức gánh trách nhiệm an ninh trong phạm vi xã có tiếng mà không có miếng. Tôi được cử sang Chi Lăng đào tạo cách thức điều hành NQ, NDTV và các thành phần bán quân sự trong xã. Tuyên Thạnh được coi là PCK kiểu mẫu nên tôi đã vẽ sơ đồ phòng thủ có NQ, có NDTV, có nhân viên cuộc cảnh sát trông đẹp mắt.
Một hôm Tướng Nghi có cuộc đi thanh sát mà không báo trước, máy bay gần đáp xuống phi trường ông mới cho biết để Tiểu khu Trưởng ra đón ngỏ ý muốn đến thăm một PCK. Tôi được thông báo nên đốc thúc nhân sự chào đón. Tôi thuyết trình tình hình, chỉ rõ các nơi đồn trú của các trung đội NQ, thấy sơ đồ phòng thủ đẹp, cách trình bày của tôi mạch lạc, ông gật gù tỏ ý hài lòng. Ông hỏi tôi về những trở ngại trong điều hành, Tôi trình bày về phòng thủ đêm, Chi khu chỉ định điểm phục kích cho NQ và NDTV, nhân viên cuộc Cảnh Sát làm việc trong giờ hành chánh, tối họ rút về tỉnh, tôi như người múa gậy vườn hoang đến thừa thãi, ông lắng nghe, hơi mím môi ghi nhận, chỉ thị cho Tieu Khu Trưởng và Chi Khu trưởng phải áp dụng đúng huấn thị điều hành căn bản về PCK. Ông đòi đi đến một PCK nữa kéo tôi đi cho các nơi thấy mà noi theo. Thạnh Trị là nơi ông sẽ tới vì vừa gần và vừa an ninh, là giờ trưa nên lính tráng chả còn mấy, thấy trực thăng đến bất ngờ, Thiếu uý Tòng PCK trưởng từ nhà dân gần đó, vội mặc đồ chạy vào ngơ ngáo thấy phái đoàn tới, vội lôi vài cái ghế ra mời ngồi, bản đồ và giá thuyết trình chả có, ông Nghi hai tay chống nạnh lạnh lùng quay quả ra máy bay, chỉ thị cho Đại Tá Huy có cả Trung Tá Mẫn đi theo, các nơi phải tổ chức như PCK Tuyên Thạnh, tuần sau ông sẽ trở lại thanh tra. Lúc trả chúng tôi xuống phi trường, ông bay tuốt về Cần Thơ.
Thời gian Trung Tướng Ngô Quang Trưởng làm Tư Lệnh, kế hoạch hành quân Đồng Khởi và Phượng Hoàng được tổ chức rầm rộ khắp nơi, lại có chỉ thị cho Tỉnh Trưởng, Quận Trưởng phải xuống ngủ đêm tại các đơn vị hoặc đồn bốt tuần một lần, phải báo cáo lịch trình về cho QK. Ông Trưởng hay có những viếng thăm bất ngờ không kể ngày đêm nên các nơi cảnh tỉnh sẵn sàng trong tư thế nón sắt, dây ba chạc có súng đạn. Tôi lại càng bận dữ dội, ban ngày thì túi bụi với kế hoạch từ trên đưa xuống, ban đêm thì nhiều khi thức trắng yểm trợ cho các đơn vị bị tấn công hay chạm địch. Rồi nhiều tối đi bay đêm với các toán Không Kỵ tăng phái, bay vòng vòng ngăn ngừa pháo kích vào thị xã hoặc đi theo các toán giang tốc đỉnh (BPR) dọc theo sông Vàm Cỏ Tây từ Cái đôi xuống tuốt Tuyên Nhơn ngăn chặn xâm nhập. Tôi cũng khá bận rộn tháp tùng Đại Tá Khánh đi thăm viếng hoặc ngủ đêm tại tám đồn bót mới thành lập trong kế hoạch bình định xã Trị Pháp.
Mùa Hè Đỏ Lửa, Kiến Tường được Cộng quân chọn lựa làm mục tiêu tiến chiếm, làm ung thối an ninh của vùng Bốn, ý định cầm chân lực lượng QK4 tăng phái giải tỏa cho An Lộc, thế nên Kiến Tường cũng bùng lên những trận đánh dữ dội trên Tuyên Bình từ Thái Tri chạy doc xuống Bình Châu, Cái Đôi, Bình Hiệp, Thạnh Trị phải nhờ sư đoàn 7 giải tỏa. Các cuộc phản công chiếm lại các nơi bị lấn chiếm gây cho Cộng quân những tổn thật nặng nề, vũ khí và tù binh bị bắt giữ khá nhiều. Có vụ diễu phố chợ cho dân chúng Mộc Hoá thấy sự tàn ác cấp chỉ huy của Cộng Sản khi một tù binh bị bắt chân bị khoá xiềng vào đế khẩu 12.7 mà lính tráng hay gọi lái đi là mười hai ly lết so với lòng nhân ái của chúng ta. Chiến công đó vang về đến phủ Tổng Thống nên một lần đi thị sát mặt trận Tổng Thống Thiệu đã tới Mộc Hoá có buổi thuyết trình trong dinh Tỉnh Trưởng, sau phần thuyết trình của Tướng Nam Tư Lệnh SĐ7BB, tới phần trình bày của Tiểu khu, tôi đứng lật chart thuyết trình, bản đồ phối trí lực lượng. Ông Thiệu chỉ hỏi về trở ngại của địa phương, lẽ tất nhiên phần an ninh lãnh thổ đang được SĐ7BB lo nên Đại Tá Khánh trình bày không có gì trở ngại. Tuy các nơi bị xâm nhập đã được giải tỏa, nhưng áp lực của địch vẫn còn bởi những lần hoả tiễn réo hú từng đêm và cả ban ngày vào thị xã, có BCH tiền phương SĐ7 Trú đóng tại đây.
Một hôm buổi thuyết trình sáng có Tướng Nam chủ tọa chấm dứt khoảng hơn chín giờ, tôi đang loay hoay dẹp mấy chart thuyết trình, tiếng ré èo èo rồi nổ ầm nơi bờ rào Trường Trung học sau phòng hội, trái hoả tiễn 122 ly làm bay mái tôn đất cát bay rào rào. Tôi hoảng hồn chui vào TTHQ né tránh, tôi nhìn ra thấy Tướng Nam đang trầm tĩnh đứng giữa phòng họp, tôi vội ra mời Thiếu Tướng vào né tạm trong hầm của TTHQ, ông nói nó nổ rồi sợ chi. Ông bước ra cửa phòng họp, thấy Đại Tá Chi TMT, Thiếu Tá Chữ phòng 3 đang lom com trong áo giáp, nón sắt, ông chậm rãi nói các anh lấy áo giáp may thêm cái quần mà mặc, nghĩ mà thấm thía.
Lúc này tình hình vẫn còn căng thẳng, ông Khánh cho lập BCH nhẹ bên dinh, hàng đêm tôi vào ngủ trong đó phòng hờ sự cố xảy ra còn có nơi khác để điều khiển. Ông cũng đưa tôi giữ chức bí thư quân ủy Đảng dân chủ phụ trách kết nạp đảng viên bên Quân đội cho có con số kịp ngày ra mắt Đảng bộ từ trên Sàigòn xuống. BS Tùng đại diện trung ương xuống chủ tọa, ông là Giáo sư dạy môn Vạn Vật năm tôi học lớp đệ nhị trường tư thục Trung Thu. Đại tá Khánh thấy tôi làm việc cần mẫn, ông nói Tổng Quản Trị xin thăng cấp nhiệm chức cho tôi, vậy là tôi lên Đại uý tương đối nhanh so với các bạn cùng khoá.
Năm 1973 thi hành hiệp định Paris, tổ kiểm soát đình chiến (ICCS) phụ trách giám sát thi hành lệnh ngưng chiến tại hai tỉnh Kiến Phong và Kiến Tường. Tôi được Đại Tá Khánh đưa sang làm sĩ quan liên lạc tạm thời lúc đó ban Liên Hiệp của Trung Tá Hiền chưa thành hình. Tổ có bốn thành viên, hai phe Nam Dương và Gia Nã Đại thân VNCH, phe Hung Gia Lợi và Ba Lan thân VC đối chọi nhau. Có vụ VC nã pháo 82 vào thị xã, tôi đến báo mời họ đi điều tra, phía Hung và Ba Lan từ chối nói mình dàn cảnh không đi, chỉ có Nam Dương và Gia Nã Đai ra đo đạc. Tôi quen thân với đoàn Nam Dương, tôi còn nhớ tên Đại uý Sokotjo, Thiếu Tá Suhartoro hay đến nhà tôi nói tôi dẫn đi coi đá gà gần quận Châu Thành, thăm chùa Tường Vân, thăm thắng cảnh đình Tuyên Thạnh. Bốn thành viên này chả làm được con mẹ gì, họ biết trước Mỹ bỏ ngỏ cho VC tiến đánh, tụi Nam Dương cho tôi hay tháng Bảy này họ rút để cho lực lượng Cách mạng Lâm thời vào. Tôi về báo lại cho Đại Tá Khánh kèm theo một lô hình chụp đường phố Hà Nội, cảnh Vịnh Hạ Long, quang cảnh Hồ Gươm nghèo nàn xơ xác, của Thiếu Tá Dupuy Gia Nã Đại cho mượn, ông giữ lấy những hình ảnh này luôn và thản nhiên trước tin tôi báo Mỹ bỏ ngỏ cho VC vào và đoàn Nam Dương họ rút, có lẽ tin chẳng bao giờ Mỹ đểu như vậy.
Khi toán ICCS rút đi, tôi về lại Phòng 3, Đại uý Tiến tưởng tôi thân nịnh ông Khánh, định hất cẳng ông để làm Trưởng phòng 3. Ông hay uống rượu say chửi xiên xỏ, tôi nản trình với ông Khánh và Thiếu Tá Soạn là TMT, tôi xin đổi nơi khác, hai ông bàn bạc sao đó, ông Soạn từ bên văn phòng Tỉnh về bảo tôi, Đại Tá kêu cậu sang làm tùy viên cho Đại Tá, tôi phàn nàn với ông Soạn, tôi là Đại uý đâu có cấp số Tuỳ viên cho Tỉnh Trưởng, ông ngoay ngoáy sang báo ông Khánh, thằng Xuyến nó chê làm Tuỳ viên. Lúc ông từ bên tỉnh qua, ông vẫn tươi tỉnh, trong phòng ông Soạn, ông nói với tôi thôi toa lên làm thanh tra với thằng cha Tri. Ông không tỏ ra giận lẫy khi biết tôi chê làm tuỳ viên cho ông, thế đấy ông lịch lãm làm tôi kính trọng. Từ nay tôi được rảnh rang, tôi về bộ TTM theo hoc khoá thanh tra, hơn tháng xả hơi. Trước ngày ông bàn giao chức vụ tỉnh cho Đại Tá Nguyễn Văn Huy, có lần tôi sang trình ký văn thư gì đó, ông cười cười bảo tôi, toa thích đi đâu không, tôi ngại mang tiếng ôm chân mấy ông lớn nên tôi xin ông cho đi phép 7 ngày, ai cũng tưởng tôi xách gói theo ông Khánh, nghĩ lại tôi thấy mình quân tử tầu rởm không chịu uấn lưỡi cầu vinh để thời ông Huy tôi đổi vị thế làm việc ì xèo. Đại tá Huy đưa tôi sang làm CKP cho ông Mẫn chưa nóng chỗ, tôi bị đẩy ra làm PCK chạm nọc đại uý Cẩn chi an ninh xử dụng một số NQ làm việc riêng và lính kiểng mà đã từ lâu có liên quan trên ty. Tôi chấp nhận làm bung xung cho ông vòi tiền Xã Trưởng Tình là khi tôi về làm PCK sẽ bãi chức xã để tôi kiêm nhiệm, vậy là tiện việc sổ sách cả hai đàng.
Làm chưa yên, ông lại kéo tôi về Phòng 3 thay ông Tiến, ông chịu không nổi bị xì nẹt hoài, ông Tiến xin ra làm PCK trưởng Bắc Hoà, tính chương trình hậu chiến tay cầy, tay súng. Về làm với ông, tôi thấy ông không thi thố được tài năng quân sự mà ông đạt thành tích lên lon nhanh so với các bạn cùng khoá. Có những vụ chạm địch với kết quả được ông Monter báo lấy tiếng, tổ chức hành quân giả đưa TST hoạt động khu Thạnh trị báo đụng độ nặng với địch đòi bắn pháo binh yểm trợ, tôi cho bắn vài trái sáng ừ hứ cho xong. Kết quả báo cáo địch chết nhiều được đồng bọn mang đi, vũ khí thì thu cả chục, toàn súng xuất kho trước cửa nhà tôi ở Quách Đình Độ, cách đó vài chục mét. Ông mang tiếng nhũng lạm và tình ái với cả nữ nhân viên dân chính và ăn chơi trác táng.
Có tin tức từ TTM, QK và SĐ là Cộng quân sẽ tiến đánh Mộc Hoá vào sau dịp Tết đầu tháng 3 năm 1975 vào lúc mười hai giờ đêm. Lúc này SĐ9 phụ trách thay SĐ7 rút về bảo vệ QL4 phối hợp với TKLA đối đầu với Cộng quân đang gây áp lực bao vây đánh chiếm Sàigòn. Tôi được lệnh làm kế hoạch phòng thủ và có những LZ phòng hờ một khi không chống đỡ nổi thì có điểm tập trung cho trực thăng đến bốc. Tin ghi nhận, trước khi Cộng quân dùng Bộ binh và cơ giới tiến đánh ba hướng từ khu cửa Đông, hướng Tây từ rạch Bào môn, hướng Bắc từ phía ông Nhan. Cộng quân sẽ nã khoảng 2000 trái pháo đủ loại làm tê liệt thị xã để tiến chiếm dễ dàng. Tôi làm kế hoạch mà nặng trĩu âu lo, cả thị xã chỉ to như cái tô, quân dân nằm gọn trong đó mà lãnh số lượng pháo như vậy sức gì chịu thấu. Thế nên QK chở đạn dược tiếp tế sì xèo cho Mộc Hoá tồn trữ lộ thiên ngoài trung tâm huấn luyện cũ. Cộng quân như biết vậy chúng cho pháo kích chủ yếu phá huỷ đạn dược có tiền sát viên nằm vùng là TS Thảo làm ở TTQT/TV, các pháo hủy cũng gây ra các vụ nổ làm thiệt hại đáng kể. Chỉ còn vài bữa nữa là tới ngày chúng mở đợt tấn công, tôi bồn chồn lo lắng không yên, năn nỉ đưa vợ con về Sàigòn để mình tôi ở lại không vướng bận dễ xoay xở. Sinh hoạt trong dân chúng sau dịp Tết vẫn tấp nập yên bình, vợ tôi ở lại nói sống chết có nhau làm tôi bối rối lo âu.
Sau lần đi kiểm soát các yếu điểm phòng thủ xong lúc mười giờ, tôi về TTHQ ngồi chờ đợi suy nghĩ mung lung, ông Huy bồn chồn đảo qua đảo lại hỏi tôi có động tĩnh gì không, tôi nói các nơi còn yên cả, không biết đang trong giấc ngủ an bình, có ai hiểu tôi đang bồn chồn lo lắng ngồi chờ những tiếng pháo oan khiên chụp xuống phá nát địa danh này không? 12 giờ yên tĩnh, 12 giờ 10 vẫn không có tiếng pháo réo tới, 12 giờ 30 qua đi trong yên tịnh. Một lúc sau Thiếu Tá Chúc phòng 2 BCH tiền phương của SĐ9 có Chuẩn Tướng Huỳnh Văn Lạc đang ở TTHQ kế cận và Thiếu Tá Điểm phòng 2 TK trình cho Tướng Lạc và Đại Tá Huy mật điện của tin tình báo kỹ thuật bắt được CQ bỏ mục tiêu đánh chiếm Môc Hoá, chúng chuyển các đơn vị về cắt QL4 đánh Long An bao vây đánh chiếm Sàigòn. Tướng Lạc và ông Huy mừng ra mặt, tôi bớt âu lo. Mộc Hoá thoát cuộc tàn phá tan hoang trong giây phút. Thần linh cụ Đốc Binh Kiều phù hộ chăng?
Lúc này tình hình Mộc Hoá nói riêng và các quận nói chung khá yên tĩnh VC có những hoạt động nhưng không đáng ngại. Vùng Nhơn Ninh, Trị Pháp nặng nề với chiếc Spooky đến soi sáng yểm trợ cho đồn Nhơn Ninh 2 bị tấn công, bay từ Sàigòn xuống bắn che chở cho trung đội. Gần sáng phi cơ báo cho đơn vị dưới đất, chúng tôi sắp hết xăng phải quay về. Tôi nghe trong máy, hiệu thính viên năn nỉ thẩm quyền ơi, giúp xả cho em một tràng nữa, tụi chuột nó đang cắn em từ phía Tây Nam, thương tình lính dưới đất, tôi nghe phi công nói OK đô, tôi giúp vòng nữa tôi về nhé. Máy bay vừa vòng trở lại tôi nghe báo phi cơ bị SA7 bắn hạ. Hỡi ơi sao mà oan nghiệt quá vậy, nếu không có lời năn nỉ của đơn vị dưới đất chắc chi máy bay bị bắn rơi, có phải định mệnh chăng? Ít lâu của trung tuần tháng Tư chiếc phi cơ vận tải của nhà thầu tư nhân Đại Hàn chở đồ tiếp tế từ Thái Lan cho DAO ở Sàigòn bị bắn hạ giống chiếc Spooky khi bay ngang qua vùng Phụng Thớt, đó là những máy bay sau cùng rơi ở Kiến Tường. Những thay đổi cấp lãnh đạo ở Sàigòn làm tinh thần tôi sa sút, vẫn tin vùng bốn là điểm tựa còn lại. Từ những ngày 28 tháng 4 tôi thấy máy bay phản lực của Mỹ bay vòng xa tuốt tận Sông Vàm Cỏ vùng Tuyên Nhơn Thủ Thừa, ngày 29 tháng 4 cũng thế. Buổi tối nghe đài BBC bình luận Sàigòn như bông hoa tàn héo trong cơn hấp hối làm tim tôi se thắt.
Sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975 sau buổi thuyết trình và hội tham mưu như thường lệ, chúng tôi còn đang túm tụm trước cửa phòng hội lúc này có Trung Tá Hiền tà tà sang chuyện gẫu, bỗng xôn xao có tin quan trọng từ Sàigòn phát đi trong ít phút. Lúc sau có lời hiệu triệu của Tướng Hạnh ra lệnh các đơn vị quân đội ở yên tại chỗ, không được di chuyển, tránh giao tranh chờ lệnh Tổng Thống. Khoảng hơn 10 giờ có tiếng của ông Minh nghe không được bình thường ra lệnh buông súng, bàn giao chính quyên cho Cách mạng.
Dân chúng Mộc Hoá hân hoan nhảy mừng, công chức, quân nhân hốt hoảng rủ nhau rời nhiệm sở, chúng tôi còn chưa biết tính sao thì từ bên dinh ông Huy truyền lệnh của tướng Nam bảo tôi ra lệnh các đơn vị tự thủ, và bảo mời họp tất cả các trưởng phòng các ty sở bên hành chánh, tôi nói TTHQ báo lệnh tử thủ cho các nơi. Tôi gọi phôn mời các đơn vị trưởng đến họp, buổi họp tương đối còn đông đủ, ông Huy tỏ ra lạc quan, nói sẽ có hoà hợp hoà giải của chính phủ ba thành phần, mình sẽ có giải pháp tốt đẹp, mọi người lắng nghe mà tâm trạng ngổn ngang, có gần nhau trong lúc này mới thấy tình bạn, tình quân cán chính thật đáng quý.
Có chiếc trực thăng từ Đồng Tâm ghé vào đổ xăng, đại uý Bé là ALO cùng khoá vào hỏi tôi có bản đồ tới Thái Lan không, tôi nói tôi chỉ có bản đồ tới Nam Vang thôi, nó rủ tôi ra vần 2 phuy xăng lên máy bay mình đi Thái Lan, tôi giải thích từ đây đi Nam Vang phải ghé Neakluong đổ xăng, đem hai phuy xăng cách chi bơm vào cho máy bay đi tiếp, nó ra phi trường rồi đi mất. Cũng có một chiếc trực thăng ghé vào lấy xăng, ông Huy nhờ Thiếu Tá Điểm chở hai người con và chiếc Samsonite thương lượng với pilot chở hai đứa nhỏ về Cân Thơ, việc bất thành, chiếc cặp suýt bị chôm. Đến hơn 3 giờ ông Huy xuống TTHQ, tôi đứng kế cận, ông gọi về Cần Thơ nói chuyện với Tướng Nam, ông hỏi bây giờ Thiếu Tướng cho lệnh tụi em như nào, ông Nam nói thôi bàn giao cho người ta tránh đổ máu. Thiếu Tướng có chiếc trực thăng nào cho em mượn một cái cho mấy đứa nhỏ về Cần Thơ. Máy bay của tôi chúng cũng đã đi Thái Lan tôi không còn chiếc nào cả. Thiếu Tướng ở lại hay thiếu tướng đi, tôi là người VN tôi ở lại tôi không đi đâu cả. Ông bỏ máy buồn buồn bước ra khỏi TTHQ, dáng ông đã cao bây giờ ông lều khều chậm bước về dinh, tôi nhìn theo ái ngại mà trong tôi cũng rối như tơ vò. Các đơn vị vào máy, tôi nói xả lệnh tự thủ, tuỳ quyền đơn vị, xin chào.
Buổi tối khoảng bẩy giờ hơn, đơn vị chủ lực của VC vào tần số TK, đòi nói chuyện với cấp quân sự cao nhất, hắn xưng là Xích Điểu, chính trị viên của tỉnh. Ông Huy bắt máy nói tôi là Đại Tá H..Tỉnh Trưởng, liền bị hắn chặn họng sửa lưng các anh là Ngụy không được xưng Đại Tá với Cách mạng, xong hắn ra lệnh sáng ngày mai lúc 9 giờ cho ba chiếc tầu lên Cái Rưng đón Cách mạng, mỗi tầu chỉ có hai người, một lái và một nói máy, đích thân anh dẫn ba tầu này, trong tầu không có súng đạn, mọi sai phạm sẽ bị xử lý. Ông Huy tái mặt, mồ hôi vã ra nói vài câu sẽ thi hành.
Tôi đi theo, ông nói mời họp ngay, tôi thông báo cho các nhân vật còn lại đa số các trưởng phòng bên quân đội, có ông phó Đức và vài người bên Toà Hành Chánh tôi không nhớ rõ. Ông Huy cho biết nội dung mới nói chuyện với tên chính trị VC, hỏi ý kiến mọi người bây giờ minh giải quyết như nào, cả phòng họp yên lặng. Tôi đề nghị đằng nào mình cũng tan hàng, mình tập họp BCHTK, có ba xe cơ giới của Đại uý Kiệt hộ tống kéo xuống Kiến Bình gặp Thiếu Tá Đạo lấy tiểu đoàn Đại Nguyễn Thành Điểm đồn Cà Nhíp mở đường máu ra Cái Lậy mình tan hàng. Ông không chịu, nói tất cả ở lại bàn giao, lệnh cho phó Đức làm ba mươi phần cơm có cá kho, canh chua bông lau đãi Cách mạng. Các trưởng phòng, ty sở, Tôn giáo, nhân sĩ có mặt trước dinh lúc mười giờ đón Cách mạng.
Trong lúc đứng chờ họ tới, một cảnh tượng kinh hoàng xảy ra, nhìn xéo sang cổng Toà Hành Chánh, tôi thấy TS Hồng Ty ANQĐ cỡi xe Honda, một chân chống trên bờ hè, máy xe vẫn nổ tìm lối đi, kẹt nỗi, từ Bến Nước ông Huy và đám xây lố cố từ rừng Tràm ra đang nghênh ngang tiến về dinh. Hồng nó không có đường chạy bị một phụ nữ được thả ra từ TTCH cùng mấy tên mang súng AK và dây nhợ từ Ty ANQĐ bước ra đang nhớn nhác kiếm TS Hồng. Thoáng thấy Hồng mụ la nó đó nó đó, chợt một tràng AK nổ chát chúa Hồng gục chết không lời trăn trối, tôi bàng hoàng hoa cả mắt. Họ tới dinh, có một tên VC mặc đồ đen, vai quàng chiếc khăn rằn, mũ tai bèo chột một mắt vung tay hô to đả đảo Mỹ Ngụy, Đảng CSVN quang vinh muôn năm, tôi nghe ù tai bởi những lời lẽ ghê rợn sắt máu. Ông Huy giới thiệu từng người đứng dàn chờ với Xích Điểu và mấy người theo hắn. Chả biết khi giới thiệu tôi với họ, ông dỡn hay cố ý nói tôi là Đại uý chuyên vẽ kế hoạch hành quân đánh Cách mạng, một tay có lẽ phụ trách quân sự gương mặt dữ dằn nhìn tôi như thầm bảo chút nữa tao sẽ gặp mày làm tôi ơn ớn.
Xong chúng ra lệnh có mặt tại phòng sở lúc 2 giờ bàn giao, ra về tôi thầm mong đừng gặp hắn. Đúng giờ thầy trò tôi lên bàn giao, may không gặp hắn, có một tên mặt choắt trông cù lần đến nhận bàn giao, tôi đưa cho hắn cây Colt và khẩu P.38 của cảnh sát. Chúng ra lệnh 5 giờ chiều từ cấp phó cho tới binh sĩ phải hành binh ra khỏi thị xã lên tập trung trên Bắc chan, không ai còn lảng vảng trong thị xã. Tôi quơ vội mùng mền và bộ quần áo lên tập trung giã từ vũ khí từ nay.
Tập trung tại đây được một tuần họ cấp giấy cho lính tới cấp Chuẩn uý về địa phương, các thành phần còn lại chờ. Vật vờ cả tuân lễ sau, họ lập danh sach cho một số cấp Thiếu uý ra về, một vài người thân quen cầm tờ giấy hân hoan chào từ giã và an ủi tôi, chắc ít bữa tới anh ba thôi, tôi ậm ừ chia tay trong lưu luyến, biết còn dịp nào gặp lại nữa không. Cung cách làm việc à ới, ngày hôm sau họ giải quyết có vài cấp Trung uý ra về. Đột nhiên họ chựng lại đến khó hiểu, cho đến một hôm họ tập trung lại nói các anh gom đồ đoàn đi hành binh, tôi chơi vơi mình đi hành quân sao. Họ dẫn bộ chúng tôi diễu qua chợ xuống gần Chùa Tường Vân đợi đò đưa qua sông, tất cả đồ đạc để lại ngoài sân, họ lùa chúng tôi người không vào hết trong nhà máy xay lúa, buộc chúng tôi cởi quần áo để chúng sờ nắn xem có gì cất dấu.
Xong xuôi họ cho chúng tôi ra nhận đồ, họ nói tìm thấy một địa bàn, một khẩu Colt, ba lưỡi lê bằng chứng các anh còn dấu lại để đánh phá Cách mạng. Tang vật đó là của hai sĩ quan bên SĐ9 mới nhập về thì có lệnh di chuyển chưa kịp giao nộp, nội vụ họ để yên, họ cũng cấp giấy cho ba bốn người vừa Thiếu uý và Trung uý ra về địa phương. Cả tuần chả động tĩnh gì, tuần sau nữa, họ tập trung nói lệnh trung ương các anh ở lại cải tạo tại địa phương chừng nào tiến bộ thì được về. Đâu được ít hôm tên Xích Điểu từ bên tỉnh sang nói chuyện có cả anh Sáu Huy đi theo, đại ý hắn trấn an, giải thích chính sách của Cách mạng là nhân đạo, không thù giết các anh, cứ yên tâm cải tạo, nói tạm đủ, Anh Sáu Huy trên ngực áo dân sự, có tấm ảnh nhỏ Hồ Chí Minh cầm micro nói như khuyên chúng tôi là bây giờ ông đã giác ngộ quyết cống hiến hết đời mình phục vụ Cách mạng, tên Xích Điểu vội tắt máy làm nhiệt huyết ông tan loãng.
Chúng tôi thuộc hệ quân đội được di chuyển sang khu trại Gia binh Bến Nước, họ chỉ định phân chia theo cấp bậc ở chung, cao nhất có Trung Tá Tài, các Thiếu Tá có quận Đạo của Kiến Bình, quận Quang của Tuyên Nhơn, quận Hoàng của Tuyên Bình, ông Quận Mẫn của Châu Thành vù về Sàigòn từ trước, ba bốn thiếu tá của SĐ9 và đại diện Hải Quân, cấp Đại uý còn cả chục, cấp Trung uý và Thiếu uý chia đều ở hai dẫy nhà, cấm ngặt không được liên hệ lẫn nhau. Còn ông Huy và Phó Đức ở chung trong một connex ở cổng TK bị canh giữ nghiêm chặt. Chúng tôi bị đưa làm tạp dịch vớ vẩn chẳng ra ngô cũng chẳng ra khoai so với chữ đao to búa lớn "Lao Động Là Vinh Quang".
Có một đêm khoảng 1 hay 2 giờ sáng, tôi vừa mãn canh chừng bên hệ tá, Hui nó lên ca canh chừng bên hệ uý, tôi còn đang vật vờ tìm trong giấc ngủ bỗng nghe tiếng của hai trái B.40 chạm cạnh tấm tôn nổ đoàng đoàng, rồi từng tràng AK từ sau tường nhà bếp từng căn nhà của trại gia binh xỉa sang, tia lửa xanh đỏ của các viên đạn đan chéo nhau cao cách thêm xi măng chúng tôi đang nằm trong gang tấc. Tôi thấy trái sáng phụt lên từ trại Đốc Binh Kiều, có tiếng xe cơ giới ục ục di chuyển xuống đầu trại Gia binh. Sau tiếng nổ có tiếng la ơi ới có người bị thương, vệ binh chạy rần rật xuống từng buồng soi đèn bin xem có ai trốn chạy, chúng tôi được lệnh nằm yên tại chỗ, nghe láo nháo hai bị thương. Tên quản giáo xuống xem xét, xác nhận Cách mạng làm nổ gây bị thương, Cách mạng phải đưa đi chữa trị. Hui nó bị thương vào đùi do mảnh đạn B.40 găm xương hơi nặng và ai nữa tôi không biết tên. Sáng sớm hôm sau, tôi nghe lõm tụi đặc công sau nhà bếp kháo nhau đ…m hồi đêm tao bắn vậy mà chẳng có đứa nào chết. Tôi điếng người suy nghĩ, chúng dàn cảnh, nếu trong lúc súng nổ, có vài người chạy trốn, chúng có cớ để tàn sát thảm cảnh sẽ khôn lường. Một lần nữa cụ Đốc Binh Kiều đã che chở cho chúng tôi. Ít lâu sau chúng chuyển chúng tôi sang TTHLCao Lãnh, bên Kiến Phong để đi vào nơi gió cát bao nỗi chuân chiên tù đày nghiệt ngã đang chờ đợi.
Cho đến bây giờ sau ba mươi tám năm xa cách Kiến Tường, tôi vẫn còn nhiều thiện cảm với người dân của Mộc Hoá, dù gần mười năm tù đày ngoài Bắc, tôi chả buồn, cả tuổi thanh xuân tôi phục vụ ở đó để bảo vệ cho người dân Kiến Tường mong được an bình trong thời chinh chiến. Vận mệnh của Đất Nước như vậy biết oán trách ai bây giờ. Tôi vẫn ví mình theo cách nói của Tôn giáo, tôi là người ngoại đạo của Kiến Tường nhưng tôi tự hào biết rõ các địa danh của Kiến Tường hơn bất cứ ai là cư dân tại đó. Nhiều khi bay trực thăng chỉ huy các cuộc hành quân trực thăng vận, nhìn bản đồ đối chiếu trên địa thế, tôi đọc được những địa danh ngộ nghĩnh nào là Kinh Cò, Kinh Xáng Bọ Cạp, Kinh Trời Đảnh, Rạch Ba Thằng Minh, Cánh Đồng Chó Ngáp mà mỉm cười một mình.
Chắc chẳng bao giờ còn ngồi lại trên trực thăng để thấy những địa danh năm xưa. Xin vĩnh biệt Mộc Hoá một thời tôi ghi nhớ.
Xuyến Trịnh
Share Lại Người Lính Già TQLC
No comments:
Post a Comment