Tôi dự định không viết nhiều về chính trị và thời cuộc chiến tranh của quê tôi, để tôi được bình yên hơn và để nguôi ngoai phần nào những gì đã và đang xảy ra nơi quê nhà. Nhưng tôi lại phải viết, nó như một khối u trong lòng, muốn nguôi ngoai nhưng vẫn đau ngấm ngầm ngày này qua tháng nọ...
----------------------
như nhắc nhở tôi vết thương vẫn còn đó, vẫn còn làm tôi nhức nhối, vẫn còn ăn sâu trong ký ức. Để phải nhớ, phải trăn trở, phải nói ra.
Gần 6 tháng nay, tôi liên tục nhận được e-mail hầu như hàng ngày của 1 cựu sĩ quan quân lực VNCH do cái duyên bất ngờ, khi ông thấy lá cờ vàng 3 sọc đỏ treo trên cột cờ trước nhà ba má tôi cùng chung với lá cờ Canada, bay phất phới trước gió trong ánh nắng của mùa hè. Ông lặng người trong giây lát, vì lá cờ thân yêu 3 sọc đỏ lại hiện hữu nơi này, nơi thành phố ông đã ở vài năm nay, nơi con đường ông đã từng đi qua vài lần. Nhưng bây giờ ông mới thấy. Chẳng lẽ ông vô tình đến thế sao? Hay một hội đoàn nào đó của VNCH mới thành lập, hoặc hội Cựu quân nhân mới dời đến đây? Ông ngạc nhiên và thắc mắc nhiều lắm...
------------------
------------------
Sau một hồi lưỡng lự, ông quyết định sẽ vòng xe lại để ghé thăm, vì lá cờ đó là dấu hiệu của người Việt đồng hương, người của VNCH năm xưa, người của miền Nam tự do, người của lá cờ chính nghĩa, người của đồng bào cùng phe với ông. Tự nhiên ông cảm thấy ấm áp trong lòng với ý nghĩ đó.
Đây là căn nhà trung bình, không lớn lắm, nhưng khu đất xung quanh nhà khá rộng, không có cổng như hầu hết mọi căn nhà ở đây, với chỗ đậu xe khá rộng rãi, đủ cho khoảng 10 chiếc xe hơi,với hai cây cột cờ cao khoảng hơn 7m,một cho lá cờ Canada, một cho lá cờ VNCH nằm ở gần phía tay phải trước nhà.
Việc đầu tiên ông làm sau khi đến và vừa ra khỏi xe là đứng trước lá cờ vàng ba sọc đỏ, đưa tay lên Chào trong tư thế đứng nghiêm trang,mặt ngước lên nhìn lá cờ thân yêu, như ông đã từng làm từ ngày xưa đến nay, khi còn học ở nhà trường đến lúc đi lính, rồi sang đến trại tỵ nạn, và sau này khi được định cư ở Canada. Hồn thiêng lá cờ đã nuôi dưỡng ông từ khi còn bé cho đến bây giờ vẫn chưa phai nhạt, có khi còn đậm tình hơn xưa...
Vì ông đã già, đã đuối sức về thể chất, không còn được tung hoành của đời lính chiến như xưa. Một quá khứ hào hùng không thể nào quên được,để bảo vệ tự do, tổ quốc. Cái mơ ước con cháu mình sẽ nối nghiệp, để tạo dựng cơ đồ,đã thúc đẩy ông tin tưởng mãnh liệt hơn vào lá cờ linh thiêng sẽ làm được điều đó.
Một lần tôi gọi điện thoại cho ông:
---Dạ chào chú Sang,cháu là người Chú đã gởi e-mail thường xuyên vài tháng nay, chú an mạnh không?
--- À,tôi nhớ ra rồi. Tôi vẫn khỏe, có gì không cháu?
--- Dạ,cháu muốn đến thăm chú, khi nào được ạ?
--- Nhà cửa tôi bê bối lắm, vì ở có một mình, lại ít dọn dẹp, nên tôi rất ngại ngùng khi có ai đến chơi. Cháu là người đầu tiên tôi mời đến, thứ Bảy này được không?
--- Dạ được ạ.
--- Từ trước đến giờ, tôi rất ít cho ai biết nơi tôi ở, nhất là người tôi chưa gặp mặt lần nào, cháu là người duy nhất và ngoai lệ đấy! Vì tôi sợ Việt cộng nó "thịt" tôi.Nếu sau này có gì xảy ra, cháu là người tôi nghi ngờ đấy!
Tôi mỉm cười, sau một giây đắn đo suy nghĩ,tôi chắc vẫn có thể đến thăm chú được nên nói:
--- Chú nói làm cháu hơi ngại,thế cháu vẫn có thể đến thăm chú được chứ?
--- Được, tôi tin tưởng cháu.Tôi nói vậy để cháu cảnh giác và biết mà thôi. Tụi việt cộng nó ghét tôi lắm, nếu có cơ hội, tụi nó cũng "làm thịt" tôi chứ chẳng tha đâu!
--- Dạ vâng, sáng thứ bảy cháu sẽ đến thăm chú,cháu sẽ phone cho chú trước khi đi.
Gác máy xong, tôi thừ người suy nghĩ rồi mỉm cười một mình. Dường như cái quá khứ kinh hãi khi ở tù ngày xưa vẫn còn ám ảnh bám lấy chú Sang, để lúc nào chú cũng lo sợ cho bản thân chính mình khi còn sống dưới chế độ cộng sản.Mặc dù chú đang ở Canada, đang được bình yên, được tự do, được sống với đúng nghĩa con người. Không là ngục tù cộng sản, không là đe dọa hàng ngày, không là hận thù chất ngất...Đã xa, đã thoát được hơn 25 năm rồi!
Ký ức tôi lại quay trở về với hơn 6 tháng trước, lúc chú Sang nhìn thấy lá cờ, và vô nhà gặp ba má tôi:
--- Hai ông bà là người Việt phải không?Tôi thấy trước nhà có lá cờ vàng ba sọc đỏ nên tôi nghĩ vậy, ghé vô thăm mặc dù chưa quen biết.
--- Vâng, gia đình chúng tôi là người Việt. Thế ông ở đâu đi ngang qua đây, hay nghe ai nói mà vào đây thăm chúng tôi?
--- Tình cờ đi ngang qua đây, thấy lá cờ Việt nam, tưởng là hội đoàn nào đó của người việt mình mà tôi chưa biết, có phải vậy không?
--- Không phải hội đoàn nào cả, con trai tôi nó thích cờ vàng ba sọc đỏ nên nó tự dựng cây cột và gắn cờ vào. Đã có vài người Việt mình ghé vào để hỏi chúng tôi, họ rất vui mừng khi thấy lá cờ thân thương đó, như bác sĩ Huy, bác sĩ Khôi, đại úy Tân...Có lẽ xung quanh thành phố này,ít nhà nào ở mặt đường lớn lại treo cờ như chúng tôi, nên ai cũng thắc mắc và ngạc nhiên...
--- Vâng, ông bà nói đúng. Rất ít người treo cờ trên cột trụ cao như này, chắc có lẽ họ chỉ treo trong nhà như tôi mà thôi. Thế con trai ông bà ngày xưa có đi lính không?
--- Nó là con trai út, chưa đi lính ngày nào,vì lúc mất miền Nam,nó chưa đầy 1 tuổi. Con tôi treo cờ VNCH vì nó thích, nó ngưỡng mộ lá cờ.Có thế nó muốn cho mọi người thấy lá cờ VNCH vẫn còn sống, vẫn còn trong trái tim của người Việt yêu chuộng tự do, dù có đi đâu xa quê hương chăng nữa. .
--- Con ông bà vậy mà hay, cậu ta là niềm tự hào và an ủi của tuổi già chúng mình, khi vẫn còn có những thế hệ kế tiếp nhớ đến quê hương tự do ngày xưa.
Cậu em tôi đang ở trong phòng gần đó, nó nghe hết những gì chú Sang nói với ba má tôi. Nó mỉm cười vui sướng vì có người khen ngợi những việc nó làm. Nó hãnh diện lắm, vì đây không phải lần đầu tiên có người khen nó, đã có vài ba người rồi. Nó nghiệm ra rằng, đôi lúc có những việc nho nhỏ, lại làm cho bao nhiêu người cảm thấy phấn khởi, thấy vui sướng, thấy hy vọng, thấy cả một quá khứ quay trở về với bao nhiêu buồn vui lẫn lộn. Đó là biểu tượng lính thiêng của cả một quốc gia, một dân tộc. Bao nhiêu xương máu đã thấm vào lá cờ ấy, là sức sống cho bao nhiêu thế hệ nối tiếp nhau gầy dựng và bảo vệ. Bất cứ công dân quốc gia nào cũng nghiêm trang và tôn trọng lá quốc kỳ trong mọi nghi lễ,mọi nơi, mọi hoàn cảnh.
Sau đó, chú Sang và ba má tôi nói chuyện với nhau thật lâu về mọi chuyện như đời sống, xã hội, chế độ,.,Cả một quá khứ sống lại với những người lớn tuổi với bao thăng trầm trong đời sống từ trước đến nay. Ai cũng ngậm ngùi khi nhắc đến quê hương, đến những người còn ở lại nơi quê nhà,đến những đau thương dưới chế độ cộng sản bạo tàn. ,,Sau cuộc gặp gỡ này, ba má tôi đưa số điện thoại để chú Sang và tôi liên lạc với nhau,nhờ thế mà tôi nhận được e-mail của chú Sang hàng ngày.
Sáng thứ Bảy như đã giao hẹn, tôi điện thoại cho chú Sang trước khi đến. Khi bấm chuông, chú bảo tôi chờ ở cửa của tòa nhà cao vài tầng,chú sẽ ra đón vô, làm tôi cảm động quá khi thấy dáng đi chậm chạp và yếu ớt của chú đang đi đến đón tôi. Chú dẫn tôi vào hành lang tầng trệt để đi tới căn phòng cuối dãy.Vừa bước vào cửa, chú lại xin lỗi tôi vì nhà bề bộn,rồi vào bàn nhỏ ngay giữa phòng. Căn phòng khá nhỏ, vừa đủ cho một người ở với phòng bếp kế bên.
Nhìn chú Sang như đã gặp ở đâu đó, một nơi chốn nào không xa lắm,rất gần. Tôi cố nhớ nhưng không chắc chắn lắm, có thể ở những cuộc hội họp mà thỉnh thoảng tôi có tham dự,hoặc lễ thượng kỳ ở city Hall Toronto, Mississauga?
Chú mời tôi uống nước và bắt đầu vào chuyện;
--- Nhà có một mình nên bê bối,ít dọn dẹp. Tôi cũng chẳng tiếp ai nên cứ để vậy,chỉ có một hai người thân thỉnh thoảng đến thôi. Căn phòng này mới được chính phủ cấp cho hơn 1 năm nay,tuy có nhỏ và chật chội, nhưng tôi thấy yên tịnh và bình an lắm.
--- Nghe nói chú có đi tù sau 1975, sao chú không đi điện H.O qua Mỹ?
--- Vừa ra khỏi tù năm 1989, tôi tìm đường đi vượt biên ngay, vì chỉ còn mình tôi ở vn, vợ con tôi đã vượt biên trước đó vào năm 1979,đang sống ở thành phố London, Ontario. Tôi không thể nào chờ đi diện H.O, vì sợ nguy hiểm đến tính mạng. Vì vượt biên trễ, nên tôi phải chờ thanh lọc ở trại tỵ nạn mất hơn 3 năm mới được định cư ở Canada theo diện vợ bảo lãnh. Ngày mới đến, con gái tôi đã hơn 16 tuổi, nhìn tôi như người xa lạ và ngỡ ngàng, mặc dù con bé đã được mẹ cho biết tôi là ai. Có lẽ vì hình dáng tôi quá tiều tụy, cằn cỗi và già nua, không như nó nghĩ về cha nó với số tuổi 50 của người bình thường. Mà cũng đúng thôi, lúc mới sanh con thì tôi đi tù, cha con đâu biết nhau.Hai mẹ con lưu lạc phương trời xa xôi, cả gia đình được đoàn tụ là cả một sự may mắn hiếm có. Rồi tôi đi làm ngay khi sang đây cho đến tuổi về hưu.
---Thế chú có mong muốn đi Mỹ không?
---Bạn bè của tôi hầu như ở Mỹ, khắp các tiểu bang.
Thỉnh thoảng tôi có làm một chuyến sang Mỹ gặp nhau, vui lắm!Nhưng tôi vẫn thích Canada hơn Mỹ, bình yên và quyền lợi nhiều về mọi lãnh vực. Tôi vẫn hài lòng và an tâm hưởng tuổi già nơi cuối đời sau bao nhiêu những gian truân và đau khổ đã trải qua dưới chế độ cộng sản nơi lao tù. Nhưng suy nghĩ cho cùng,mình vẫn còn may mắn hơn biết bao người khác. Nhìn những hình ảnh về những thương binh còn ở quê nhà, làm tôi đau lòng lắm,gần 40 năm qua đi, họ phải lê lết cuộc đời tàn tật với bao nhiêu tủi hờn,đau khổ, đói nghèo. Họ vĩ đại quá cháu à, vì họ phải chịu đựng đau khổ hơn tôi rất nhiều, nhưng họ vẫn sống, vẫn can đảm chịu đựng cảnh địa ngục ở trần gian với chế độ cộng sản. Tôi đã thấy phần nào thiên đàng nơi cuộc sống, nhưng họ thì chưa, và có lẽ chẳng bao giờ.
Nói đến đó, chú Sang tháo cặp mắt kiếng ra,chùi nước mắt, nét mặt đăm chiêu với đôi mắt đỏ hoe, nghiêm trang nhìn vào lá cờ vàng ba sọc đỏ, treo trên tường, Rồi chú nói:
--- Tôi sống chết với lá cờ này đây. Mấy chục năm rồi, đi đâu tôi cũng hướng về lá cờ này,Cả cuộc đời tôi cho lá cờ này,là lẽ sống, là hy vọng, là thăng trầm, là thiêng liêng hồn sông đất nước.
Tôi nhìn thấy nét mặt chú thật cảm động, nước mắt chú vẫn còn rưng rưng. Giọng của chú trùng xuống như đang vương vấn tình cảm với quê hương qua lá cờ để giãi bày lòng mình.Phía tay phải của lá cờ là vòng hoa màu xanh,chú cho tôi biết đó là vòng hoa tưởng niệm chiến sĩ trận vong, dịp 30 tháng 4 hàng năm.
Sau khi uống ngụm nước, chú nói tiếp:
--- Tôi đi lính vào năm 1961, dưới thời tổng thống Ngô đình Diệm,ngành thiết giáp. Ra trường, được chuyển ra miền Trung, gần Huế và Quảng trị.Sau vài năm, chuyển về miền Tây. Cả cuộc đời lính 14 năm, đi từ miền Trung vào Nam với nhiều địa danh nổi tiếng, tôi bị thương cả thảy 7 lần,lần nặng nhất là viên đạn xuyên thủng từ sau lưng ra trước ngực, nhưng may mắn không trúng tim hoặc xương.
Những lần khác bị chân, tay, đùi. .Nhưng tính sổ sách lại, tôi vẫn còn lời, lời nhiều lắm. ..
--- Lời cái gì hả chú?
--- Lời vì tôi chưa mất mạng, cả đơn vị cũng lời giống như tôi, bên mình chết rất ít mà bên địch chết rất nhiều, có thể nói lời gấp 10 lần. Trong trận đánh lớn, đơn vị tôi loại trừ hơn 100 cây súng của địch bỏ lại, lần khác gần 50 súng. Còn rất nhiều những trận khác nữa, từ vài cây đến vài chục cây bỏ lại..lời là vì vậy.
Để thay đổi không khí chút đỉnh, tôi hỏi về gia cảnh của chú. Chú hãng say kể tiếp:
--- Vì binh nghiệp nên hơn 30 tuổi mới lấy vợ. Con gái của tôi sanh vào đúng ngày 30 tháng 4,1975 nên rất dễ nhớ ngày sanh của nó. Vừa là niềm vui, vừa là nỗi buồn. Vui vì con được sinh ra, nhưng buồn vì mất nước, chế độ tự do bị chết. Đúng là sinh tử trùng phùng. Đâu ai biết được ngày con tôi sinh ra lại là ngày tôi mang khăn tang cho đất nước. Tôi buồn nhiều hơn vui vì ngày ấy chỉ có con tôi sinh ra, trong khi hàng triệu người khác bị chết, chết vì mất hơi thở tự do,bị chết ngạt như nhà tù của Đức với dân tộc Do thái ngày trước.
Nói xong,chú Sang lại nhìn lên lá cờ, lại trầm ngâm,nét mặt thẫn thờ. Bây giờ tôi mới thấy được phần nào tâm tư của những người yêu nước khi về già, Chú Sang chỉ là một, còn có cả hàng ngàn, hàng triệu người lính khác nữa.
Giây lát sau, chú Sang nhìn tôi, cảm động nói:
--- Sau khi vợ tôi mất, tôi xin nhà chính phủ, ở một mình nơi thành phố này. Cuộc đời lưu lạc như hàng triệu người Việt Nam khác. Không ai ngờ mình phải bỏ quê hương để ra đi. Không ai muốn, chẳng ai thích. .Việt nam ơi, tôi xin sống chết với lá cờ vàng ba sọc đỏ thiêng liêng này. ..
Tôi thấy chú rưng rưng nước mắt khóc và đưa tay vuốt lá cờ. ..
Chờ cho chú nguôi ngoai sau khi uống miếng nước, tôi chào chú Sang ra về,lòng vẫn còn ngậm ngùi, tiếng chú Sang như vẫn còn văng vẳng bên tai tôi. Tôi biết tôi phải làm gì khi về đến nhà.Vì thế.tôi đã viết ra đây, cho vết thương của tôi và chú Sang bớt nhức nhối...
Tháng 4/2014.
No comments:
Post a Comment