Ba mươi tám năm trôi qua thật nhanh.
Mới ngày nào, tôi chỉ là một đứa bé học lớp Hai của trường Tiểu Học Bàn Cờ, nay đã là một trung niên 44 tuổi đầu. Tuy tôi đã có gia đình riêng, đang có việc làm và vẫn sống ở khu Bàn Cờ này, nhưng tương lai không biết đi về đâu!
Khi còn nhỏ, tôi nghe rất nhiều người chung quanh tôi, mỗi khi nói về thời gian, họ thường dùng chữ . . . “Trước ngày giải phóng” hoặc “Sau ngày giải phóng”. Lúc đó tôi còn nhỏ quá, chẳng hiểu giải phóng là cái gì? Trước giải phóng là ngày tháng năm nào? Sau giả phóng là ngày tháng năm nào? Khi lớn lên, đã hiểu được chữ giải phóng, đám chúng tôi không dùng những chữ đó, mà chỉ nói: “Thời Cộng Hoà” và “Thời bị đô hộ” mà thôi. Nhắc như vậy để nhớ thân phận của mình.
Vào thời điểm tháng Tư năm 1975, tôi mới được bẩy tuổi đầu, đang học ở trường Tiểu học Bàn Cờ. Với số tuổi đó, tôi không nhớ nhiều những chuyện xẩy ra chung quanh tôi, chỉ nhớ là vào những ngày tháng cuối cùng của thời Cộng Hoà, anh em tôi và đám bạn bè chòm xóm hàng ngày đều cắp sách vớ đến trường học. Tôi có sách in để tập đọc và những cuốn vở giấy trắng để tập viết. Tôi tập viết bằng bút chì và dùng bút bi để tô lại những giòng chữ đã viết bằng bút chì trước đó.
Vào một buổi sáng, khi anh em tôi sửa soạn đi học thì chợt nghe những tiếng nổ lớn thật gần, lúc thì nghe như ở ngoài đường và khi thì đường như ở trên không. Má tôi dặn hai anh em tôi ở trong nhà, không được đi đâu, để má chạy ra ngoài ngõ xem xét tình hình. Anh Trung, anh lớn của tôi lúc đó đã lên học trung học rồi, anh hiểu biết hơn tôi nhiều lắm, anh chạy ra cửa sổ nhìn lên trời một lúc rồi la lên thật lớn:
“Máy bay trực thăng bay nhiều quá! Lại đây coi nè Nam, không biết lính mình bay đi đâu mà nhiều vậy cà?”
Tôi chạy lại chỗ anh Trung, nhìn theo hướng anh chỉ, thấy ba chiếc máy bay trực thăng đang bay xát với nhau ở trên trời, phía sau lại có thêm ba chiếc nữa. Anh tôi đã lớn, có thắc mắc là phải, còn tôi thì đâu có biết gì đâu mà hỏi. Một lát sau thì mẹ tôi chạy trở về, nói với anh em tôi:
“Ngoài đường người ta chạy đông lắm. Có người nói máy bay của mình đã ném bom vào phi trường Tân Sơn Nhứt, khói đen bay đầy trời. Thôi, bữa nay tụi con nghỉ học đi, để mai mốt coi ra sao.”
Má tôi quay trở vào bếp ngồi lui cui sửa soạn gánh hàng đem ra chợ bán. Tôi thấy má tôi ngồi đó thôi chứ không làm được gì, một hồi, bà lên nhà trên nói với anh Hai tôi:
“Hổng biết ba mày lúc rày đang ở đâu nữa? Đánh tới Sàigòn rồi!”
Đi tới đi lui trong nhà một hồi, má tôi lại nói với anh em tôi:
“Hai đứa bay ở nhà, má qua nhà Bác Bẩy để hỏi coi bả có đi chợ bán hông?”
Hai anh em tôi lại trở lại cửa sổ đứng nhìn máy bay bay, một hồi vẫn chưa thấy má tôi về, anh Trung biểu tôi lấy mấy cuốn tập ra để anh chỉ tập đọc. Tới gần trưa má tôi mới trở về nhà, mặt má buồn rầu rầu, nói với tụi tôi:
“Má đi ráp xóm, hổng ai muốn ra chợ hết trơn. Dì Tám thì lo xếp quần áo đồ ăn khô đặng lỡ Việt cộng đánh vô như hồi Tết Mậu Thân, còn có đồ mà chạy, có đồ mà ăn. Để má cũng xếp cho tụi con đứa một bọc đặng lo thân. Má có hỏi, nhưng bác Bẩy Trai với dương Tám cũng còn ở đơn vị, không có về, chắc đánh lớn lắm.”
Thế là gánh cháo lòng má tôi nấu từ hồi khuya không đem ra chợ bán được, má tôi múc ra cho hai anh em ăn no cành hông. Ăn đã rồi, dòm chừng vô trong nhà, thấy má tôi còn lụi hụi lo xếp đồ, anh em chúng tôi lén chạy ra ngoài ngõ thăm chừng tụi bạn. Đâu có gì lạ đâu, tụi tôi lại ráp nhau chơi đá banh om xòm.
Buổi tối, cả nhà chúng tôi lại ăn cháo lòng. Đêm tối tôi nằm ngủ không yên vì máy bay trực thăng bay tới bay lui đầy trời. Má tôi lo cho ba tôi còn phải đánh trận miền xa nên cũng không ngủ được.
Sáng hôm sau, anh em chúng tôi thức dậy binh thường, ăn sáng xong, chạy ra ngoài ngõ kiếm bạn chơi đá banh tiếp.
Không có đứa nào ngoài ngõ hết.
Anh em tôi chạy ra ngoài đường, quang cảnh thật là khác với ở trong xóm: Người ta chạy tới chạy lui đông thật là đông, có người xách giỏ, có người chạy Honda chở cả gia đình ở trên xe rồ ga chạy thục mạng. Trong đám người đó, có cả . . . lính mình nữa, đông lắm, ai nấy mặt mày thật là ngầu, đứng hờm súng ở những bót gác của Cảnh sát hoặc kế bên cột điện cao thế. Anh em tôi hoảng hồn, chạy trở vô nhà nói cho má tôi hay. Má tôi hoảng hồn, vội vàng đưa cho anh em tôi đứa một bao lớn, dặn tụi tôi:
“Đây nè, gói quần áo và đồ ăn của các con đó, đứa một bao. Hễ có chạy thì ráng mà nắm tay má, đừng để bị lạc . . .”
Anh Trung hỏi má:
“Có chuyện gì vậy má? Mà mình chạy đi đâu bây giờ?”
Má tôi đáp hối hả:
“Thì . . . Việt cộng đánh tới Saìgon rồi, mình chạy về nhà ngoại ở dưới Mỹ Tho đặng tránh đạn chớ chạy đâu bây giờ!”
Ba má con tôi mỗi người một giỏ chạy vội ra ngoài ngõ kêu xe xích lô máy chạy ra bến xe. Ngoài đường nghẹt người ta hết, không có một chiếc xe xích lô đạp, nói chi tới xích lô máy. Đứng hoài mà hổng đón được xe, má tôi suy nghi tới lui rồi chợt la lên:
“Má con mình chạy về ngoại, lỡ ba về, làm sao ba biết mình đi đâu? Thôi . . . về nhà chờ ba. Chừng nào ba về, mình cùng đi một lượt.”
Tụi tôi vừa mới xách bọc dợm trở vô nhà thì thấy cả đám nhà dì Tám đang chạy trở lại. Dì Tám nói lớn cho má tôi nghe:
“Dìa . . . dìa nhà . . . Đầu hàng rồi . . . Nghe nói phe mình đầu hàng trên ra dô rồi . . . Hết đánh rồi . . . Thôi dìa nhà chờ ba thằng Tèo.”
Má tôi hỏi dồn:
“Đầu hàng hả . . . Dì Tám nghe ai nói trên ra dô vậy? . . . Chắc hông? Lính mình còn đông lắm mà . . . dễ gì đầu hàng . . .?”
Dì Tám bỏ bọc xuống, chỉ xung quanh mà nói:
“Thì Dì Hai coi đó . . . lính mình buông súng . . . hết trơn rồi kìa. Chính mấy ông lính nói với tui vậy mà . . .”
Tôi nhìn chung quanh, thật sự thấy trước mắt mấy người lính đã gỡ nón sắt, vừa khóc vừa cởi bỏ dây đạn, buông súng để dựa cột đèn mà bỏ đi. Nhưng vẫn có nhiều người lính khác không làm như vậy, mà họ gom hết súng lại, dàn hàng bắn về phía xa, dân chúng túa ra hai bên đường chạy tìm nơi ẩn núp. Tôi ngạc nhiên nhìn anh Trung, hỏi:
“Anh Hai . . . lính mình . . . bắn ai vậy?”
Anh Trung nhìn hồi lâu về phía đạn bắn, nói với tôi:
“Lính mình bắn Việt cộng đó . . . tụi nó đánh tới đây rồi . . . Phải có ba ở đây . . . ba đánh Việt cộng cho mình coi . . . anh dám phụ ba bắn tụi nó lắm à . . .”
Tôi nhìn anh Trung, thán phục:
“Anh . . . ngon lành quá ha! Ba mình cũng . . . là lính há anh? Mà ba đang ở đâu? Sao ba không về đây đánh Việt cộng cho tụi mình coi?”
Anh Trung sung sướng vì lời khen của tôi, anh hất cái mặt lên:
“Anh nghe ba nói đang đóng quân ở Rừng Lá Long Khánh, hổng xa Saigòn lắm đâu . . . thế nào ba cũng về đây đánh Việt cộng cho mình coi mà . . .”
Hết tiếng súng, người ta lại túa ra chạy, tôi không biết những người này chạy đi đâu mà có người chạy tới, lại có người chạy lui, chen lấn, xô đẩy làm anh em tôi phải nắm chặt tay với nhau mới khỏi bị lạc. Chen lấn một hồi thì coi lại không thấy má tôi đâu hết, chỉ còn hai anh em tôi thôi. Tôi nhìn chung quanh, toàn là những người lạ, tôi muốn khóc, nắm chặt bàn tay anh Trung:
“Anh Hai . . . mình về nhà đi . . . để má kiếm”
Trái ngược với tôi, anh Trung không có vẻ gì sợ hãi cả, anh nhìn về phía xa, nơi những người lính Cộng Hoà còn đang cầm súng gác giặc. Anh Trung nắm tay tôi kéo đi:
“Đi . . . đi coi lính mình đánh giặc . . . “
Anh Trung cứ thế kéo tôi đi . . .
Dọc đường, tôi thấy thật nhiều những người lính mình đội nón sắt, mặc đủ thứ quần áo mà lần đầu tiên tôi mới được thấy: Có đám mặc đồ mầu xanh đậm, có đám mặc đồ mầu rằn ri nâu đỏ đậm, có đám mặc đồ rằn ri đen xanh đậm . . . ai cũng mang súng ống đầy mình, coi oai hùng lắm, coi ngầu lắm . . . Nhìn những người lính này, tôi tưởng tượng ra ba tôi, cũng là Lính Cộng Hoà, cũng cầm súng oai hùng như những người lính này đánh lại Cộng sản. Nhìn những người lính này, tự dung tôi cảm thấy yên lòng, cứ thế mà theo anh Trung đi, không cần biết là đi đâu . . .
Bất chợt có thật nhiều tiếng la hét, rồi đạn bắn đầy trời . . . Những người lính nón sắt bắn về phía sau, nơi có những người lính khác bận đồ mầu xanh lục đội cái nón gì kỳ cục, không phải nón sắt.
Anh Trung kéo tôi vào lề đường núp sau một thân cây lớn, nói với tôi:
“Việt cộng đó . . . Mấy thằng Việt cộng đội nón cối đó . . . tụi nó tới nơi rồi . . . lính mình đang bắn tụi nó đó . . . núp xuống . . . “
Tôi hoảng hồn nằm sát xuống đất, lén nhìn lên . . . Tôi thấy một chiếc xe thật lớn có dây xích đang rú ga chạy về phía tôi, trên xe cũng có những người lính đội nón cối . . . súng từ phía lính nón sắt bắn ra thật nhiều về chiếc xe tăng, làm chiếc này khựng lại, không chạy được nữa, nó dừng lại, quay mũi súng thật bự về phía lính Cộng Hoà. Anh Trung dựt tay tôi:
“Chạy . . .”
Anh em tôi cứ thế cắm đầu chạy . . . chạy cho tới khi hết chạy nổi mới vừa đi bộ vừa thở. Đi một hồi, tới một cái bùng binh thật bự, có một đám lính đội nón sắt bận đồ rằn ri nâu đỏ đang đứng. Anh Trung kéo tôi lại gần . . . tôi thấy một người lính có mang dấu mầu đen trên cổ áo đang ra dấu cho dân chúng đang đứng chung quanh đó dạt về đằng sau . . . Anh em chúng tôi và đồng bào hồi hộp nhìn đám lính đang đứng quây thành một vòng tròn nhỏ . . . Bất chợt, tôi nghe đám lính cùng đưa tay lên cao, hô lớn:
“VIỆT NAM CỘNG HOÀ MUÔN NĂM . . .
Anh Trung và dân chúng cũng bắt chước đưa tay lên cao mà hô theo:
“VIỆT NAM CỘNG HOÀ MUÔN NĂM . . .
VIỆT NAM CỘNG HOÀ MUÔN NĂM”
“ẦM . . . ẦM . . .”
Mấy tiếng nổ thật lớn vang lên từ trong vòng tròn của những người lính . . .
Không đợi anh tôi la, tôi đã có kinh nghiệm, biết khôn nhào xuống đường mà tránh đạn . . .
Khi tiếng nổ đã hết, tôi lén quay đầu dòm lên, khói đen bay đầy trời . . . Trong đám đông có nhiều tiếng khóc vang lên:
“Chết hết rồi . . . Mấy người Lính đã rút lựu đạn tự tử chết hết rồi.”
Anh Trung kéo tay tôi đứng lên . . . người ta chen lấn nhau chạy về phía mấy người Lính . . . người ta kéo đến đông lắm, anh em tôi chen vô không lọt, tôi chỉ thấy xa xa những khúc thân người lính, máu chẩy đầy hết mọi nơi . . .
Dân chúng có người chắp tay về phía những người lính đã chết mà tụng kinh . . . những người khác làm dấu thánh giá . . . ai cũng xụt xùi nước mắt, tiếng la tiếng khóc vang lên khắp nơi:
“Tội nghiệp quá! Lính của mình không chịu đầu hàng. Họ nói thà chết chứ không đầu hàng . . . Tôi tưởng họ chỉ nói thôi . . . Ai dè họ tự tử chết hết trơn rồi . . .”
“Lính như vậy mới là Lính . . . Thà chết chứ không đầu hàng . . . Cầu mong linh hồn những người Lính Cộng Hoà này được lên Thiên Đàng . . .”
Anh em chúng tôi cũng bắt chước quỳ xuống mà chắp tay cầu nguyện cho những người lính. Đám đông còn đang tụ họp thì đâu đó có những tiếng la hét vang lên:
“Bà con tranh thủ giải tán đi, còn ở đây làm gì . . . bộ muốn chết theo cái đám lính Nguỵ đó hả . . .”
Anh em tôi dạt vào lề đường, tôi nhìn về phía có tiếng nói, thấy một đám ba bốn người thắt khăn đỏ trên tay đang cầm súng la hét mọi người. Trong đám đông có tiếng la trở lại:
“Tụi bay là ai mà dám nói Lính Cộng Hoà là Nguỵ . . . Không có mấy người này, tụi bay chết mất xác từ lâu rồi . . .”
“Mấy thằng đó toàn là cái thứ trốn quân dịch không hà . . . Thấy Việt cộng vô, tụi nó làm bộ lăng xăng lượm súng của lính mình đi nạt nộ dân đặng lấy điểm với đám Việt cộng đó . . .”
“Đồ mấy thứ . . . Ba Mươi . . . Cái đám này coi bộ còn nguy hiểm hơn đám Nón Cối đó nha . . . Coi chừng tụi nó chỉ điểm mình đó . . .”
“Vậy thì . . . làm tụi nó trước đi . . . khỏi lo hậu hoạn về sau . . .”
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Ba mươi tám năm qua rồi . . . Tôi đã ráng học hành để có một tương lai vững chắc và quên đi những gì ở quá khứ . . .
Sau khi học hết bậc trung học, thấy khả năng của má tôi không thể nào nuôi nổi tôi lên học đại học (mà dù má tôi có cố gắng, tôi cũng khó mà đủ điểm vào học đại học), tôi đã ráng đi học thêm Anh ngữ để hy vọng kiếm được một công việc tạm gọi là khá. Cuối cùng, tôi trở thành tài xế lái xe bus cho một công ty du lịch, chuyên chở khách đi thăm các thắng cảnh từ Saìgon cho tới Lục Tỉnh.
Một hôm, tôi lái xe chở một nhóm khách – gồm cả dân du lịch Tây lẫn người Á Châu - đi thăm Vũng Tầu. Tới địa điểm là Dinh Thành Thái (nơi mà người Pháp đã giam giữ Vua Thành Thái khi ông chống lại sự đô hộ của họ áp đặt lên Việt Nam), tôi đậu xe ngay kế bên dinh, xuống xe ngồi chờ. Khoảng một lúc sau, hướng dẫn viên du lịch đưa một du khách ra ngoài, nói với tôi cho cô lên xe nghỉ vì cô bị ngộp thở (ở trong dinh chia làm nhiều phòng nhỏ, có hầm ở dưới).
Ngồi nghỉ một lúc, người du khách đã khoẻ lại, bước xuống xe ngồi nói chuyện với tôi. Gần Tết, có rất nhiều người Việt trở về Việt Nam để thăm gia đình và ăn Tết luôn, tôi chắc người khách này cũng ở trong trường hợp đó, nên tôi chào hỏi bà bằng một câu xã giao thông thường:
“Chào cô, cô về Việt Nam ăn Tết hả?”
Người khách tươi cười gật đầu:
“Cô về Việt Nam có công chuyện, sẵn dịp cần tới Vũng Tầu, nên đưa bà chị đi chơi thăm thắng cảnh cho vui. Con có biết rành về vùng này không?”
Tôi tưởng bà muốn hỏi tôi về những thắng cảnh ở Vũng Tầu, nên trả lời chắc ăn:
“Dạ, con cũng thường lái xe tới đây, nên cũng tạm gọi là rành hết mọi nơi du lịch, cô muốn đi thăm chỗ nào nữa, cho con biết, con sẽ đưa cô tới.”
“Nghe con nói giọng Nam, chắc là con sanh đẻ ở Miền Nam này phải hông? Con còn trẻ, chắc hồi đó chưa phải đi lính đâu hả?”
“Dạ, con sanh ở Bàn Cờ, Saìgon. Hồi thời Cộng Hoà, con còn nhỏ lắm, nên chưa có đăng lính, nhưng mà ba con có đi lính Cộng Hoà.”
“Ủa! Con nói . . . “Thời Cộng Hoà”, chứ không nói . . . “Thời Trước giải phóng” giống như những người khác hả?
“Giải phóng gì cô! Đô Hộ thì có, chớ giải phóng ai!”
“Sao con dám nói vậy? Lỡ có tai mắt đâu đó, người ta nghe, có phải là phiền cho con không?”
“Con biết cô là từ ngoại quốc về, nên mới nói sự thật cho cô nghe, để cô biết cái dân Miền Nam này cỡ nào, lòng dân Miền Nam suy nghĩ về nước Việt như thế nào? Chứ không phải con nói lấy lòng cô đâu. Mà cái điều này là thật sự, dù có “tụi nó” ở đây, con cũng nói hà.”
“Thiệt không?”
“Thiệt mà cô! Con nói cho cô nghe, trên internet, trang Sử Việt nào cũng có ghi:
“Nước Việt Nam ta, bắt đầu từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau. Dân tộc Việt Nam đã tồn tại qua hơn bốn ngàn năm văn hiến, trong đó có một ngàn năm bị làm nô lệ cho giặc Tầu, một trăm năm nô lệ giặc Tây.”
Tới hồi tụi con đi học tiểu học, mấy thầy giáo dạy thêm cho con rằng:
“Sau năm 1975, nước Việt Nam được thống nhất bởi đảng Cộng sản Việt Nam.”
Nhưng, tói khi lớn lên, tụi con hiểu thêm về đời sống, về thực tế, đã tự sửa lại cuốn sử này, gọi là “Lịch Sử Sàigòn”.
Lịch Sử Sàigòn không ghi ra giấy, không khắc trên bia đá, mà chỉ khắc vào bia miệng. Sử của tụi con ghi rằng:
“Kể từ năm 1975, Miền Nam Việt Nam . . . bị đô hộ bởi giặc Cộng sản, xuất phát từ Miền Bắc . . .”
Bởi vì bị đô hộ bởi giặc Cộng, nên người dân Miền Nam mới bị tiêu diệt, hành hạ, trả thù và chèn ép tới độ chỉ còn một con đường sống là đi làm công, làm những công việc mà lớp người đô hộ cho phép dân miền Nam làm thôi hà. Cô đi khắp mọi nơi, có cơ quan nào, có cơ sở nào mà không có người Miền Bắc làm công việc điều hành hay không?”
“Con có nghe vụ . . . Nhạc sĩ Việt Khang sáng tác hai bài hát “Anh Là Ai” và Việt Nam Tôi Đâu” Rồi bị bắt, bị ở tù không?”
“Dạ biết chớ! Đó, dân Miền Nam của mình là vậy đó cô! Mấy bài hát này tụi con thuộc nằm lòng, ca hoài à. Mới đây nhất, là cái vụ tụi nó cấm dân không được nghe băng DVD của Asia, trong đó Nhạc Sĩ Trúc Hồ thúc đẩy ngay đám bộ đội nổi lên chống lại chính sách độc tài mà. Tụi nó cấm, nhưng tụi con coi láng hết trơn hà . . .
Thế nào cũng có ngày mà cô!”
“Làm sao mà con nghe được những bài hát này? Làm sao mà con có dĩa ASIA 71 Triệu Con Tim Một Tiếng Nói?”
“Cô nhớ là thời buổi . . . “Chấm Cơm, A Còng này” làm sao mà dấu nổi, làm sao mà cấm nổi! Hơn nữa, tụi con hàng ngày gặp những người từ ngoại quốc về, chính họ đem về cho tụi con chớ đâu.”
Ghi chú: Chấm Cơm là từ “.com” mà ra, và A Còng tức là @ dịch ra tiếng Việt.
“Hồi nãy, con có nói, ba con hồi trước có đi lính Cộng Hoà, chắc ba con cũng chiến đấu oai hùng lắm, phải không?”
“Ba con làm lính Cộng Hoà, có chiến đấu. Nhưng cuối cùng, ba con . . . đổi mầu rồi cô ơi .”
“Đổi mầu là sao?”
“Hồi Việt Nam mình bị thất thủ, chính con và anh con đã chứng kiến cảnh chiến đấu oai hùng của người Lính Việt Nam Cộng Hoà, và chính con, lúc đó còn nhỏ lắm, nhưng đã thấy trước mắt mình cảnh những người Lính tự sát bằng lựu đạn sau khi hô “VIỆT NAM CỘNG HOÀ MUÔN NĂM” thì con cũng tưởng tượng ra rằng, ba con cũng chiến đấu oai hùng như thế. Nhưng mà sự thật không phải vậy, ba con trở về, mang băng đỏ trên tay, dẫn tụi Việt cộng đi từng nhà có Lính Cộng Hoà để chỉ điểm, rồi chính ba con còn đi gỡ mìn cho tụi nó vô chiếm kho súng của lính mình mà cô. Buồn quá đi!”
“Thì đó là sự lựa chọn của ba con mà, có thể ba con đã theo Việt cộng từ lâu rồi, lúc đó mới lộ diện.”
“Thà ba con theo Việt cộng từ đầu, con không nói, vì có thể ổng có niềm tin vào chế độ Cộng sản. Nhưng mà ổng hoàn toàn là Quốc Gia, tự dung tới ngày đó ổng về, ổng mang cái khăn đỏ trên tay, đi làm những cái việc mà ai cũng khi dễ.”
“Nhưng có thể vì thế mà ba con được huởng những đặc ân gì đó của Việt cộng?”
“Đặc ân gì! Hổng có một cái gì hết á! Ba con là lính mà, đâu có bị đi tù cải tạo như Sĩ Quan đâu mà phải sợ để ra lập công với tụi nó. Rốt cuộc, chính gia đình con cũng bị đuổi đi “Kinh Tế Mới” Anh hai của con bị bắt đi đánh Căm Pu Chia rồi chết ở bển hỗng thấy được xác.”
“Nhưng mà ổng cũng còn có những đồng đội trong Lính Cộng Hoà, chắc họ cũng giúp đỡ ổng lắm phải không? Cũng như cô, kỳ này cô về là cô đem tiền do những anh em Lính Cộng Hoà ở bên Úc gom lại để tặng cho những người Thương Phế Binh Cộng Hoà nhân dịp đầu năm Quý Tỵ đó. Ba của con cũng bị thương mà, phải không? Cho cô biết địa chỉ của ba con, cô sẽ đem tiền đến tặng cho ba con.”
“Hổng được đâu cô ơi! Ba con cũng có bị thương, nhưng là bị thương là vì đi dẫn đường cho tụi Việt cộng đi hại lính mình, chứ đâu có phải bị thương vì đánh với Việt Cộng đâu! Ba con đã . . . đổi mầu rồi . . . Ba con đã làm nhục mầu áo lính rồi, anh em bạn bè của ba con đã khai trừ ba con ra khỏi danh sách rồi. Con hỗng biết ở bên đó, những chú lính Cộng Hoà gặp nhau ra sao? Nhưng ở bên đây, những người Lính Cộng Hoà gặp nhau ít nhất một năm hai lần: Một lần Lễ Lớn là Ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà. Ngày kia là ngày kỷ niệm “Thành Lập Binh Chủng” của mỗi sắc lính. Ba con bị tẩy chay, hổng ai cho ba con vô họp hết trơn á. Chính con chở ba con đi họp, bị đuổi ra mà. Nhục lắm cô ơi!”
“Còn phần con, những người con của bạn ba con, tụi nó có . . . nói gì con không?”
“Đâu có đứa nào thèm chơi với con đâu cô! Tụi nó nói “Ba mày làm nhục Binh Chủng” nên không có chơi với con. Cô biết hông, tụi nó có ba, đứa nào cũng có bộ đồ Lính bận vô hết trơn, đứa thì bận đồ Nhẩy Dù, đứa thì bận đồ Thuỷ Quân Lục Chiến, đứa thì bận đồ Biệt Động Quân, Không Quân, Hải Quân, Sư Đoàn 18, Sư Đoàn 21 . . . Nhiều lắm. Mỗi lần đưa ba tụi nó đi họp, tụi nó bận đồ Lính Cộng Hoà không hà. Mỗi lần nhìn thấy tụi nó, con thèm lắm cô ơi . . . Con thèm được là một người Lính Việt Nam Cộng Hoà lắm cô ơi.”
“Bộ tụi bạn con, tụi nó … dám bận đồ Lính Cộng Hoà đi khơi khơi ngoài đường đó hả? Tụi nó không sợ bị bắt sao?”
“Bắt gì cô! Đồ Lính Cộng Hoà bây giờ là Fashion đó! Ngay cả đám con bộ đội cũng còn bận đồ Lính Cộng Hoà mà. Chồng của cô đi lính gì vậy hả cô?”
“Chồng của cô đi lính Biệt Động Quân.”
“AH! Lính Biệt Động Quân là oai hùng nhất, đánh trận hay lắm đó cô ơi. Mấy thằng con bộ đội tụi nó kể cho con nghe, ba nó là bộ đội, mỗi lần đụng với lính “Cọp Đen” là ba nó sợ chết mụ nội. Nghe mấy ổng hô “Biệt Động Sát” là ba nó rung lập cập bắn hổng nổi, chỉ cắm đầu chạy thôi hà. Chắc con của cô hãnh diện về chú lắm, phải không cô?”
“Ừ! Tụi nó khoái lấy quân phục của ba nó mặc vô, hô “Biệt Động Quân SÁT” um xùm hết.”
“Cô . . . cho con đi ra ngoài này một chút nghe cô . ..”
Tôi phải đi ra chỗ khác, tôi không muốn khóc trước mặt một người vợ lính có chồng là LÍNH CỘNG HOÀ KHÔNG ĐỔI MẦU.
NGUYỄN KHẮP NƠI.
Viết theo lời kể của một tài xế xe bus ỏ Việt Nam với một tình nguyện viên đem tiền về tặng các Thương Phế Binh Cộng Hoà nhân dịp Tết Quý Tỵ.
No comments:
Post a Comment