Chiến Đoàn B/TQLC - Cuộc hành quân đổ bộ Deck House V/Sóng Thần 1/67
MX Tôn Thất Soạn - fb Son H Cao
MX Tôn Thất Soạn - fb Son H Cao
Trong suốt cuộc chiến Việt Nam, các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam đã tham dự nhiều cuộc đổ quân bằng đường thủy rồi đổ quân lên bờ để tiến chiếm các mục tiêu, nhưng thật sự chỉ độc nhất cuộc hành quân đổ bộ Deck House V, Sóng Thần 1/67 tại cù lao Thạnh Phú, tỉnh Kiến Hòa mới đúng ý nghĩa và tiêu chuẩn của một cuộc hành quân đổ bộ.
Chẳng khác gì một cuộc hành quân đổ bộ của các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, chính quy và hiện đại, một binh chủng tinh nhuệ của một cường quốc số một trên thế giới.
A. Chuẩn bị Tham mưu
Tháng 1/67, Trung tá Tôn Thất Soạn, Chiến đoàn trưởng Chiến đoàn B Thủy Quân Lục Chiến, Thiếu tá Đỗ Kỳ trưởng Phòng 3 Bộ Tư lệnh Lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam và 2 Sĩ quan cố vấn Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ (USMC), nhận được lệnh của Bộ Tư lệnh Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam và Ban Cố vấn rời Saigon sang hải cảng Subic ở Phi Luật Tân, để soạn thảo một kế hoạch hành quân đổ bộ cho một Chiến đoàn Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam.
1. Ngày N. rời Tân Sơn Nhứt
Rời Phi trường Tân Sơn Nhứt, đoàn 4 người dùng riêng một phi cơ quân sự Hoa Kỳ đi đến phi trường Manila, Thủ đô Phi Luật Tân. Sau 2 giờ bay, phái đoàn đến nơi và tại đây, một chiếc trực thăng đậu sẵn đưa chúng tôi về Tòa Đại sứ Mỹ để các Cố vấn Mỹ làm thủ tục nhập cảnh. Sau một tiếng đồng hồ chúng tôi dùng xe về căn cứ Hải quân Subic, và di chuyển ra Soái hạm X. gặp Bộ tham mưu hành quân thủy bộ, do Tướng 1 sao của Hải quân Hoa Kỳ chỉ huy, đang thả neo tại bến cảng.
Phái đoàn vừa đặt chân lên cầu thang Soái hạm thì được chào đón bằng nghi lễ của Hải Quân Hoa Kỳ: Một hồi còi kéo lên và tiếng phát thanh trong loa “Chào đón Chiến đoàn trưởng Thủy Quân Lục Chiến, Tư lệnh Lực Lượng Đặc Nhiệm lên tàu". Đoàn cũng theo nghi lễ dừng lại đứng nghiêm đưa tay chào, hướng về cờ một sao trên kỳ đài Soái hạm và tiếp tục bước vào sàn tàu, trong lúc này còi vẫn tiếp tục hụ để báo cho tất cả thủy thủ trên tàu biết là có khách đến.
Một Sĩ quan đã chờ sẵn để hướng dẫn phái đoàn vào gặp Tướng chỉ huy và Đại tá Hạm trưởng Soái hạm. Sau đó tiếp tục gặp gỡ các Sĩ quan liên hệ trong Bộ tham mưu để chuẩn bị làm việc vào ngày hôm sau.
Chúng tôi được sắp xếp chỗ ăn, ở ngay trên Soái hạm để tiện việc phối hợp soạn thảo kế hoạch hành quân. Chương trình làm việc diễn tiến tốt đẹp từ kế hoạch chuyển quân, đến kế hoạch đổ bộ, v.v... vì tất cả chúng tôi đã tham dự các khóa học tham mưu đổ bộ (AWS) tại Quantico, Hoa Kỳ.
2. Tổ chức Lực Lượng của Chiến đoàn B Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam
* Bộ chỉ huy Chiến đoàn: Chiến đoàn trưởng, Trung tá Tôn Thất Soạn
* 3 Tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến gồm:
- Tiểu đoàn 3 Thủy Quân Lục Chiến: Tiểu đoàn trưởng, Thiếu tá Nguyễn Thế Lương
- Tiểu đoàn 4 Thủy Quân Lục Chiến: Tiểu đoàn trưởng, Thiếu tá Nguyễn Thành Trí
- Tiểu đoàn 6 Thủy Quân Lục Chiến: Tiểu đoàn trưởng, Thiếu tá Phạm Văn Chung.
3. Phương tiện Yểm trợ
Lực lượng Đặc nhiệm Thủy bộ của Hải quân Hoa Kỳ cung cấp tàu để chuyển quân, từ vùng tập trung Vũng Tàu đến vùng đổ bộ Kiến Hòa. Đơn vị thủy xa của Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ chở các Đại đội Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam tiến chiếm các bãi đổ bộ làm đầu cầu. Trực thăng của Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ trực thăng vận vào các mục tiêu sâu trong đất liền. Hải pháo và phi pháo yểm trợ khi cần. Vùng hành quân của Chiến đoàn B Thủy Quân Lục Chiến:
Mật khu Thạnh Phong, cù lao Thạnh Phú thuộc tỉnh Kiến Hòa nằm trong lãnh thổ Quân Đoàn 4, Quân Khu 4. Đây là một vùng sình lầy ngập nước, sông rạch chằng chịt, dân cư thưa thớt. Lợi dụng địa thế hiểm trở, Việt cộng đã lập các Công binh xưởng, căn cứ hậu cần, và địa điểm trú quân cho các đơn vị của chúng. Vì địa thế hiểm trở, và không đủ phương tiện yểm trợ nên Vùng 4 ít khi tổ chức hành quân vào mật khu Thạnh Phong này.
4. Đoạn cuối của việc chuẩn bị tham mưu:
N + 1 — N + 5
Sau 5 ngày phối họp tham mưu, lệnh hành quân cho Deck House V Sóng Thần 1/67 đã hoàn tất, với các phụ bản chi tiết, đầy đủ, đặc biệt là các phụ bản chuyển quân (các Tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam), phân phối theo từng tàu Hải quân Hoa Kỳ trong đó có Hải vận hạm: Vancouver và Henrico. Phụ bản ghi rõ từng đợt đổ bộ bằng thủy xa LCM, LCVP (tàu nhỏ chỉ chở cấp Trung đội từ tàu lớn vào bờ), và phụ bản trực thăng vận từ tàu vào mục tiêu trên đất liền.
5. Hải trình từ Subic bay về Vũng Tàu :
ngày N + 6
Đoàn 4 người cùng với đoàn tàu của Lực lượng Đặc nhiệm Thủy bộ gồm khoảng 25 chiếc rời quân cảng Subic đêm N+6 để dự trù đến vùng biển Vũng Tàu đêm ngày N+7 để bốc Chiến đoàn Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam lên tàu.
Ngoài Soái hạm, nơi Bộ chỉ huy của Lực lượng Đặc nhiệm Thủy bộ còn có hai tàu chở quân khổng lồ: Vancouver và Henrico, những tàu khác là tàu chở trực thăng, tàu chở nhiên liệu, tàu chở thực phẩm, đạn dượt, tàu rà mìn, tàu hộ tống, tàu tuần dương, v.v... Đặc biệt tàu Henrico, theo danh từ quân sự Hải quân Hoa Kỳ còn gọi là LPH. Ngoài thủy thủ đoàn, tàu này có nhiều tầng có thể chở khoảng 1500 bộ binh với đầy đủ tiện nghi ăn ở, lênh đênh nhiều ngày trên biển. Dưới hầm tàu chở các thủy xa, tàu LCM và LCVP. Thủy Quân Lục Chiến xuống tàu nhỏ sau đó mở cửa trước nước tràn vào làm ngập hầm tàu, và từ trong lòng tàu lớn, các tàu đổ bộ cở nhỏ chạy ra miệng tàu lớn để ra biển...
B. Diễn tiến
1. Bốc quân ngày N+7
Đúng theo dự trù, đoàn tàu đến vùng biển Vũng Tàu vào ngày N+7 và dừng lại ngoài khơi, chỉ có hai chiếc Vancouver và Henrico tiến vào Bãi trước Vũng Tàu chờ lệnh bốc quân.
Bộ chỉ huy Chiến đoàn B Thủy Quân Lục Chiến và các Tiểu đoàn 3, 4, 6 đã tập trung sẵn sàng tại Bãi Dừa, chuẩn bị ra cầu tàu Alaska sau đó được các tàu LCU cũng của Hải quân Hoa Kỳ lần lượt chở ra tàu lớn trong đêm.
Bộ chỉ huy Chiến đoàn Tiểu đoàn 4 và 2 Đại đội Tiểu đoàn 6 lên tàu Henrico, Tiểu đoàn 3 và phần còn lại của Tiểu đoàn 6 lên tàu Vancouver theo đúng kế hoạch hành quân.
2. Rời khu vực bốc quân đến khu vực hành quân ngày N+8
Sau khi thực hiện công tác bốc quân một cách nhanh chóng và gọn gàng, sáng ngày N+8, đoàn tàu bắt đầu rời vùng biển Vũng Tàu hướng về khu vực hành quân, vùng biển Kiến Hòa.
Theo kế hoạch hành quân, ngày N+10 là ngày đổ bộ các Lực lượng Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam, nhưng vì thời tiết thay đổi bất ngờ, biển động, sóng dữ dội, sương mù, không phù hợp cho một cuộc hành quân đổ bộ. Do đó đoàn tàu phải lênh đênh ngoài khơi để chờ đợi. Mãi đến 7 ngày sau tức ngày N+15 mới chính thức đổ quân.
3. Sinh hoạt của các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến trong thời gian lênh đênh trên biển ngày N+8—-N+14
Theo đúng truyền thống của các Lực lượng Đổ bộ Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, trong lúc tàu lênh đênh trên biển, họ cũng phải có một chương trình sinh hoạt hàng ngày như đang ở trong doanh trại trên đất liền, nghĩa là ngoài giờ ăn, nghỉ ngơi, giải trí và ngủ ban đêm, ban ngày họ có những kế hoạch huấn luyện như tập thể dục có súng, tập cơ bản thao diễn, lau chùi và khám xét vũ khí cá nhân, hay tập leo lưới đổ bộ, v.v...
Trong thời gian này, các Tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam được huấn luyện leo lưới đổ bộ ban ngày, rồi ban đêm cho thuần thục, sắp xếp đội hình khi ngồi trong LCM, LCVP, hoặc Thủy xa.
Đối với chúng ta đây là lần đầu tiên được chuyên chở trên Hạm đội Hoa Kỳ, mọi cái đều bở ngỡ, không những chỉ đối với các anh em binh sĩ mà còn rất xa lạ đối với số đông Sĩ Quan, ngoài trừ một số ít được đi tu nghiệp tại Quantico.
Toàn bộ Sĩ quan Thủy Quân Lục Chiến được sắp xếp ăn, ngủ, ở tầng giữa của chiều cao chiếc tàu, nên không bị say sóng nhiều như các tầng trên và dưới cùng. Biển động là một cực hình cho toàn thể anh em Thủy Quân Lục Chiến, lại còn phải ngày đêm huấn luyện leo lưới. Tiếp theo là thực phẩm, những ngày đầu, khi biển còn yên lặng, mọi người thích thú với món ăn lạ miệng, nhưng vài ngày sau cơm sấy nước tương trở thành khoái khẩu. Sĩ quan ẩm thực Hải quân Hoa Kỳ phải khiếu nại vì số lượng dư thừa quá nhiều. Tàu quá rộng rãi nên từ chỗ ngủ đi ra cửa hàng (PX) là không biết đường về. Các Sĩ quan trẻ gặp nhiều trở ngại về việc xử dụng phương tiện trên tàu. Ví dụ như trong hành lang chật hẹp chỉ có thể tránh được một người, trước khi vào phòng ăn anh em đứng một hàng dọc chờ rửa tay, nhưng người đi trước loay hoay mãi mà không mở được vòi nước, tay vặn lên vặn xuống nước vẫn không ra, may mắn thay một người lính Hải quân, gốc người Phi Luật Tân, tình cờ đi ngang qua thấy vậy anh ta bèn đưa chân đạp đâu dưới bồn nước thế là nước vọt lên. Mọi người ai cũng học được trong chuyến hành quân này nhiều điều thú vị.
4. Hai vị Tư lệnh đến thăm các đơn vị hành quân
Ngày N+15, thời tiết đã quang đãng, Bộ chỉ huy Lực lượng Đặc nhiệm Thủy bộ quyết định đổ quân. Trước giờ đổ bộ, Tư lệnh Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, Tướng Green, 4 sao, và Trung tướng Lê Nguyên Khang, Tư lệnh Binh Chủng Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam, đáp trực thăng đến thăm các đơn vị hành quân và nói chuyện với các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam trên sàn tàu Henrico. Ông ngợi khen tinh thần chiến đấu anh dũng của Binh chủng Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam, một Binh chủng được huấn luyện thuần thục và trang bị hiện đại. Cuối cùng ông chúc các đơn vị đạt nhiều thắng lợi trong cuộc hành quân Deck House V.
5. Đổ bộ ngày N+15
* Tiểu đoàn 4 Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam
Từ tàu Henrico, toàn bộ Tiểu đoàn 4 Thủy Quân Lục Chiến được đổ bộ bằng tàu nhỏ để tiến chiếm đầu cầu trên cù lao Thạnh Phú.
Đợt đổ bộ đầu tiên bằng 10 Thủy xa của Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, mỗi chiếc chở một Trung đội tác chiến.
Đợt thứ nhì bằng 10 chiếc LCVP sức chứa mỗi chiếc là một Trung đội.
Và đợt cuối cùng bằng tàu LCM, chở số quân còn lại của Tiểu đoàn và Bộ chỉ huy Chiến đoàn B Thủy Quân Lục Chiến. Cuộc đổ bộ này không dùng Hải pháo và Không quân dọn bãi vì không ảnh và tin tức tình báo cho biết không có dấu vết lực lượng địch và công sự phòng thủ địch tại nơi đổ bộ, chỉ sử dụng đại liên trên các Thủy xa bắn dọn khi tiến sát bờ.
Đợt đổ bộ đầu tiên hoàn tất chiếm bãi đổ làm đầu cầu mà không gặp sức kháng cự nào của địch. Lúc này là 09 giờ sáng ngày N+15
* Tiểu đoàn 6 Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam
Tiểu đoàn 6 Thủy Quân Lục Chiến được trực thăng vận từ tàu lớn đổ xuống 3 tuyến án ngữ cực Bắc của giai đoạn 1 để chận đường rút lui của địch cũng cùng lúc 9 giờ sáng trong ngày. Cuộc đổ bộ hoàn tất và không chạm súng với địch.
* Tiểu đoàn 3 Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam
Tiếp theo Tiểu đoàn 6 là Tiểu đoàn 3 Thủy Quân Lục Chiến được trực thăng vận đổ vào hai mục tiêu quan trọng sâu vào hướng Tây trong đất liền cách bãi đổ bộ đầu tiên của Tiểu đoàn 4 khoảng 5 cây số. Cuộc đổ bộ hoàn tất và không chạm súng.
Hai cánh quân A và B của Tiểu đoàn 3 chiếm và lục soát các mục tiêu, chỉ thấy vài căn nhà lá bỏ trống được ngụy trang trong rừng tràm và dừa nước. Không phát hiện dấu vết địch.
Trong thời gian này trực thăng chỉ huy của Chiến đoàn trưởng Chiến đoàn B bay quan sát và điều động cuộc hành quân cùng với 2 trực thăng võ trang yểm trợ.
Cánh A và B Tiểu đoàn 4 Thủy Quân Lục Chiến sau khi chiếm đầu cầu để cho các lực lượng bạn đổ quân an toàn giờ đây đang lục soát các mục tiêu dọc theo bờ biển. Trong ngày đầu tiên, Tiểu đoàn 4 phát giác một công binh xưởng của địch nằm trong rừng dừa nước, với những dụng cụ thô sơ không quan trọng. Các đơn vị đã hoàn tất nhiệm vụ kiểm soát các mục tiêu thuộc giai đoạn 1, không có cuộc chạm súng nào.
6. Tiến quân ngày N+16—N+18
Trong giai đoạn này, đội hình tiến quân như sau: hai cánh A và B Tiểu đoàn 3 đi cánh trái, Tiểu đoàn 6 và Bộ chỉ huy Chiến đoàn đi giữa, Tiểu đoàn 4 đi cánh phải Chiến đoàn dọc theo bờ biển, tiến về hướng Bắc lục soát và tiêu diệt địch trong vùng hành quân. Vùng hành quân chiều ngang khoảng 10 km và chiều sâu khoảng 20 km. Địa thế khu vực hành quân là sình lầy, với sông rạch chằng chịt nên cuộc tiến quân rất khó khăn và chậm chạp. Nhất là mỗi khi phải vượt qua những con kinh rạch, khi nước ròng có thể lội qua, thường thì phải căng dây hoặc làm bè poncho. Đặc biệt có những giòng rạch khi thủy triều xuống nước chảy xiết, hơn nữa chiều ngang quá rộng nên gây khó khăn nhiều cho cuộc hành quân. Chiến đoàn trưởng Chiến đoàn Thủy Quân Lục Chiến đưa ra đề nghị dùng trực thăng của Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đến bốc một vài cánh quân qua sông rạch để cuộc tiến quân nhanh chóng hơn, sau khi xảy ra một tai nạn cho cánh quân Tiểu đoàn 4, một quân nhân đã bị giòng nước cuốn trôi mất tích khi lội qua một con rạch sâu và chảy xiết.
Tiến quân về hướng Bắc, lác đác vài căn nhà lá nằm giữa đồng, chỉ có ông bà già, hỏi con cháu đâu cả họ chỉ trả lời là đi câu cá, hoặc làm ruộng ngoài đồng, đa số đều trả lời là không thấy, không biết. Một vài cụ già, sau một lúc cởi mở cụ cho biết đã mười mấy năm qua không thấy một người lính quốc gia nào vào đây.
Dọc theo bờ biển, khu vực lục soát của Tiểu đoàn 4, phát hiện thêm 2 công binh xưởng của địch nằm trong rừng dừa nước, hai nơi này địch dùng để chế tạo lựu đạn chày, mìn, bẫy. Tiểu đoàn 4 phá hủy 2 súng cối 61 ly và các công binh xưởng trên. Các đơn vị hoàn tất các mục tiêu và không chạm địch.
7. Rời vùng hành quân ngày N+19
Bộ chỉ huy Chiến đoàn nhận được lệnh kết thúc cuộc hành quân sau khi hoàn tất nhiệm vụ.
Kế hoạch rút quân:
a. Tiểu đoàn 4 Thủy Quân Lục Chiến được trực thăng vận từ vùng hành quân ra tàu lớn và từ đó cùng đoàn tàu di chuyển về hướng Vũng Tàu. Vùng đổ quân là Bãi trước, sau đó Tiểu đoàn về nghỉ dưỡng quân tại Hậu cứ trại Hoàng Hoa Thám, chuẩn bị lên đường trong những cuộc hành quân kế tiếp.
b. Bộ chỉ huy Chiến đoàn, Tiểu đoàn 3, Tiểu đoàn 6 Thủy Quân Lục Chiến di chuyển bộ ra vùng tập trung gần quận lỵ Thạnh Phú, từ đây các đơn vị di chuyển bằng quân xa về Hậu cứ ở Saigon và Thủ Đức.
c. Nhận xét về cuộc hành quân Deck House V/Sóng Thần 1/1967
Tuy cuộc hành quân không mang lại chiến thắng lớn hoặc thành quả quân sự nào đáng kể như các cuộc hành quân những năm sau này của Binh chủng Thủy Quân Lục Chiến, nhưng nó đã nổi bật với những yếu tố sau đây:
1. Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, đây là một cuộc hành quân đổ bộ duy nhất của một Chiến đoàn Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam với đầy đủ tầm vóc, chuyên môn, hiện đại của một Binh chủng Thủy Quân Lục Chiến.
2. Các cấp chỉ huy hành quân và tham mưu có dịp phối họp hành quân soạn thảo kế hoạch đổ bộ thật sự và có tầm vóc quốc tế.
3. Các Tiểu đoàn tác chiến, anh em quân nhân có cơ hội học hỏi được nhiều điều bổ ích trong sinh hoạt cũng như trong chuyên môn của Binh chủng Thủy Quân Lục Chiến, như leo lưới, đổ bộ trên các loại tàu tối tân, Sĩ quan các cấp có được khái niệm về hành quân Thủy bộ thật sự.
4. Chứng tỏ cho địch biết rằng, không có địa thế nào là “bất khả xâm phạm” đối với đoàn quân lưỡng thế và tinh nhuệ như chúng ta - Binh chủng Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam
---------------
More:
* ÂM THOẠI VIÊN THEO CHÂN CÁC ĐẠI BÀNG…. Tr/Sĩ Nguyễn Thế Thụy
No comments:
Post a Comment