Saturday, September 7, 2013

• Sư Đoàn 5 BB ở Chiến Trường An Lộc, Bình Long, Hè 1972

Sư Đoàn 5 BB ở Chiến Trường An Lộc, Bình Long, Hè 1972 

Sinh Tồn chuyển


Thành lập ngày 10 tháng 2/1955 theo ND số 040 QP/ND với danh hiệu đầu tiên là Sư đoàn 6 Bộ binh. Tiền thân của Sư đoàn là lực lượng Nùng được thành lập tại Bắc Việt trước 1954. Đến ngày 1 tháng 7/1955, Sư đoàn được đổi tên là Sư đoàn Dã chiến số 41 với 3 trung đoàn: trung đoàn Bộ binh số 34 (các tiểu đoàn 57, 86, 87), trung đoàn Bộ binh số 35 (tiểu đoàn số 72, 75, 88), trung đoàn Bộ binh số 36 (tiểu đoàn 32, 72, 89). Ngày 17 tháng 9/1955, theo SVVT số 3975/TTM/1/1/SC, sư đoàn được cải danh thành sư đoàn Dã chiến số 3. Theo kế hoạch về quân số, hơn 2/3 quân nhân người Việt sắc tộc Nùng của Sư đoàn từ miền Bắc vào được phân bố cho các sư đoàn khác, đồng thời sư đoàn được bổ sung binh sĩ, hạ sĩ quan, sĩ quan từ các liên đoàn chiến thuật. Về danh hiệu đơn vị cơ hữu, các trung đoàn cải danh như sau: trung đoàn Bộ binh số 34 thành trung đoàn Bộ binh số 7, trung đoàn Bộ binh số 35 thành trung đoàn Bộ binh số 8, trung đoàn Bộ binh số 36 thành trung đoàn Bộ binh số 9. Cuối năm 1958, theo kế hoạch của Bộ Tổng Tham mưu, Sư đoàn dã chiến số 3 đổi thành Sư đoàn 5 Bộ binh, các trung đoàn Bộ binh số 7, số 8, số 9 đổi thành trung đoàn 7,8,9 Bộ binh.

* Lược trình về quân vụ của 17 vị tư lệnh Sư đoàn 5 Bộ binh:
Tư lệnh đầu tiên của sư đoàn là đại tá Vòng A Sáng, người đã sáng lập lực lượng Nùng tại Bắc Việt. Đại tá Sáng chỉ huy sư đoàn đến 24/10/1955 thì bàn giao chức vụ cho đại tá Phạm Văn Đổng. Từ 25 tháng 6/1955 đến 30 tháng 4/1975, Sư đoàn được chỉ huy bởi 16 vị tư lệnh sau đây:

- Đại tá Phạm Văn Đổng (25/10/1956 đến 17 tháng 3/1958; đại tá Đổng thăng chuẩn tướng tháng 5/1964, thăng thiếu tướng 1965, và giữ nhiều chức vụ quan trọng như: tư lệnh Biệt khu Thu đô, Tổng trưởng Cựu chiến binh).

- Trung tá Nguyễn Quang Thông (18/3/1958 đến 15/9/1958, chỉ được thăng đến đại tá)

- Đại tá Tôn Thất Xứng (16/9/1958 đến 18/11/1958, thăng thiếu tướng tháng 2/1964, khi vừa được bổ nhiệm chức vụ tư lệnh Quân đoàn 1 & Vùng 1 chiến thuật, chức vụ cuối cùng: chỉ huy trưởng trường Đại học Quân sự- sau này là trường Chỉ huy Tham mưu-từ tháng 11/1964 đến năm 1966).

- Trung tá Đặng Văn Sơn (19 tháng 11/1958 đến 2 tháng 8/1959, chỉ thăng đến đại tá)

- Đại tá Nguyễn Văn Chuân (3 tháng 8/1959 đến 19/5/1961, thăng chuẩn tướng tháng 11/1964 khi giữ chức tư lệnh Sư đoàn 1 Bộ binh, thăng thiếu tướng tháng 11/1965, tháng 3/1966 giữ chức tư lệnh Quân đoàn 1, tháng 4/1966 giữ chức tổng cục trưởng Quân Huấn, giải ngũ vào giữa năm 1966, cựu thượng nghị sĩ).

- Thiếu tướng Trần Ngọc Tám (20/5/1961 đến 15/10/1961, thăng trung tướng tháng 3/1964 khi giữ chức tư lệnh Quân đoàn 3/Vùng 3; tháng 9/1964, tư lệnh Địa phương quân & Nghĩa quân, giữa năm 1965, giữ chức chủ tịch Ủy ban điều hành Quốc tế Quân viện)

- Đại tá Nguyễn Đức Thắng (16 tháng 10/1961 đến 19/12/1962, thăng chuẩn tướng tháng 8/1964 khi đang giữ chức trưởng phòng 3 Bộ Tổng tham mưu, thăng thiếu tướng tháng 11/1965 và được cử giữ chức Tổng ủy viên (tổng trưởng) Xây dựng Nông Thôn; thăng trung tướng vào tháng 5/1968 khi đang giữ chức tư lệnh Quân đoàn 4 & Vùng 4 chiến thuật, chức vụ cuối cùng: phụ tá Kế hoạch Tổng tham mưu trưởng.

- Đại tá Nguyễn Văn Thiệu (20 tháng 12/1962 đến 1 tháng 2/1964, thăng thiếu tướng ngày 2 tháng 11/1963; tháng 2/1964 giữ chức Tham mưu trưởng Liên quân; tháng 9/1964, giữ chức tư lệnh Quân đoàn 4, thăng trung tướng tháng 12/1964; tháng 2/1965 đến tháng 6/1965, phó thủ tướng kiêm tổng trưởng Quốc phòng của nội các Phan Huy Quát; 19/6/1965 đến 30/101/1967: chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia; 31/10/1967: Tổng thống VNCH).

- Thiếu tướng Đặng Thành Liêm (2/2/1964 đến 5 tháng 6/1964, giải ngũ vào năm 1965).

- Chuẩn tướng Cao Hảo Hớn (5 tháng 6/1964 đến 20/10/1964, thăng thiếu tướng 1967, thăng trung tướng 1971, chức vụ cuối cùng: phụ tá thủ tướng, trung tâm trưởng trung tâm Điều hợp về Bình Định & Xây dựng Nông thôn).

- Chuẩn tướng Trần Thanh Phong (từ 21 tháng 10/1964 đến 18/7/1965, thăng thiếu tướng 11/1967, từng giữ các chức vụ quan trọng: tổng trưởng Xây dựng nông thôn, tư lệnh Cảnh sát Quốc gia, tử nạn do phi cơ rớt vào năm 1972 khi làm phụ tá cho trung tướng Cao Hảo Hớn).

- Thiếu tướng Phạm Quốc Thuần (từ 19 tháng 7/1965 đến 14/8/1969, nhận chức tư lệnh khi còn là đại tá, thăng chuẩn tướng tháng 6/1966, thăng thiếu tướng tháng 6/1968; thăng trung tướng 1972; các chức vụ kế tiếp: từ tháng 8/1969 đến tháng 11/1973, chỉ huy trưởng trường Bộ binh; tư lệnh Quân đoàn 3; từ tháng 11/1974: chỉ huy trưởng trường Hạ Sĩ Quan QL/VNCH).

- Thiếu tướng Nguyễn Văn Hiếu (từ ngày 15/10/1969 đến 13 tháng 6/1971, nhận chức tư lệnh khi còn chuẩn tướng, thăng thiếu tướng tháng 6/1970; chức vụ cuối cùng: tư lệnh phó Quân đoàn 3, tử nạn vào cuối tháng 4/1975).

- Chuẩn tướng Lê Văn Hưng (14 tháng 6/1971 đến 3 tháng 9/1972, nhận chức tư lệnh khi còn đại tá, thăng chuẩn tướng năm 1972, các chức vụ kế tiếp: tư lệnh phó Quân khu 3, tư lệnh Sư đoàn 21 BB, tư lệnh phó Quân đoàn 4-tự sát ngày 30 tháng 4/1975).

- Chuẩn tướng Trần Quốc Lịch (4 tháng 9/1972 đến 6 tháng 11/1973, nhận chức tư lệnh khi còn là đại tá, nguyên lữ đoàn trưởng Nhảy Dù, thăng chuẩn tướng tháng 11/1972, chức vụ cuối cùng: chánh thanh tra cấp Quân đoàn).

- Chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ (7 tháng 11/1973 đến 30/4/1975, nhận chức tư lệnh khi còn mang cấp đại tá, thăng chuẩn tướng năm 1974, tự sát ngày 30 tháng 4/1975).

* Sư đoàn 5 Bộ binh tại Bình Long hè 1972:
Trong suốt 20 năm chiến đấu trên chiến trường miền Đông Nam phần, Sư đoàn 5 Bộ binh đã tham dự nhiều cuộc hành quân quy mô, và đã lập nhiều chiến công lớn. Riêng trong cuộc chiến mùa Hè 1972, Sư đoàn 5 Bộ binh cùng các lực lượng Nhảy Dù, Biệt động quân, Biệt cách Nhảy Dù và các đơn vị tăng viện giữ vững phòng tuyến Phước Long. Sau đây là lược trình về sự phối trí của Sư đoàn 5 Bộ binh và các trận đụng độ đầu tiên tại tỉnh Bình Long, trước khi Cộng quân tấn công cường tập An Lộc.

Trận chiến xảy ra vào ngày 4 tháng 4/1972 khi một chi đội chiến xa tăng phái cho trung đoàn 9 BB từ biên giới rút về tăng cường cho lực lượng phòng thủ Lộc Ninh. Ngày 5/4/1972, Cộng quân bắt đầu tấn công vào bộ chỉ huy Chi khu Lộc Ninh và hậu cứ trung đoàn 9 Bộ binh đặt trong quận lỵ. Địch đã mở đầu trận tấn công bằng trận địa pháo và sau đó tung bộ binh và thiết giáp tấn công cường tập. Lực lượng trú phòng đã chống trả quyết liệt. Trưa cùng ngày, Cộng quân bị đẩy lùi khi cố đánh chiếm phi đạo.

Ngày 6 tháng 4/1972, Cộng quân mở đợt tấn công mới với sự yểm trợ của 1 tiểu đoàn chiến xa T 54 với khoảng 30 chiếc. Pháo binh VNCH tại Lộc Ninh đã phải hạ nòng bắn trực xạ vào các chiến xa CSBV đang tiến tới, nhưng do áp lực quá nặng của CQ, thị trấn Lộc Ninh vẫn bị tràn ngập. Một thành phần quân trú phòng đã vượt thoát khỏi vòng vây của địch và về đến An Lộc. Ngày 11 tháng 4/1972, An Lộc tiếp nhận 50 quân nhân đầu tiên từ Lộc Ninh vượt thoát về, ngày hôm sau, vị quận trưởng/chi khu trưởng và cố vấn trưởng chi khu Lộc Ninh về đến thị xã. Sau khi trận tấn công vào Lộc Ninh đã diễn ra, trung tướng Nguyễn Văn Minh, tư lệnh Quân đoàn 3, Quân khu 3 mới tin chắc là An Lộc sẽ trở thành mục tiêu trọng điểm của Cộng quân. Theo kế hoạch của tướng Minh, bộ Tư lệnh Hành quân của Sư đoàn 5 Bộ binh cho chuẩn tướng Lê Văn Hưng chỉ huy và hai tiểu đoàn của Liên đoàn 3 Biệt động quân-Quân khu 3 được trực thăng vận vào An Lộc. Cuộc chuyển quân hoàn tất vào ngày 5 tháng 4/1972.

Trong thượng tuần tháng 4/1972, thị xã An Lộc chưa bị tấn công nhưng phi trường Quản Lợi, cách thị xã tỉnh lỵ 3 km về hướng Đông thành phố bị pháo kích và sau đó bị tấn công cường tập vào tối ngày 7 tháng 4/1972. Trận chiến diễn ra ác liệt, hai đại đội trú phòng được lệnh phá hủy hai khẩu 105 ly và triệt thoái về thị xã. Hai ngày sau, thành phần nói trên mới về đến An Lộc. Sự mất phi trường An Lộc đã làm cho tỉnh lỵ tỉnh Bình Long hoàn toàn bị cô lập vì cả hai đường giao thông không vận và đường bộ bị cắt đứt. Ngày 7 tháng 4/1972, bộ Tổng tham mưu đã điều động lữ đoàn 1 Nhảy Dù do đại tá Lê Quang Lưỡng chỉ huy tăng viện cho Sư đoàn 5 Bộ binh. Lữ đoàn này di chuyển từ Lai Khê lên Chơn Thành bằng đường bộ. Từ đó, các đơn vị của lữ đoàn hành quân "dọn sạch" các cụm điểm kháng cự của Cộng quân về hướng Bắc Quốc lộ 13 về An Lộc. Vừa rời khỏi Chơn Thành 6km, lữ đoàn Nhảy Dù bị 1 trung đoàn của CT 7 CSBV chận đánh. Địch tổ chức các cụm chốt cố thủ liên hoàn tại Suối Tàu Ô. Cộng quân cố bám giữ con đường chiến lược này và cố chận các cánh quân tăng viện của lực lượng VNCH cũng như các đợt tiếp tế vào An Lộc.

Ngày 11 và 12 tháng 4/1972, trung đoàn 8/Sư đoàn 5 BB với 3 tiểu đoàn cơ hữu được trực thăng vận vào An Lộc. Quân trú phòng tại An Lộc vào lúc này là 3 ngàn quân Trước đó, sư đoàn 5 Bộ binh được bộ Tổng tham mưu tăng viện một trung đoàn Bộ binh của sư đoàn 18 Bộ binh ở miền Tây. Đó là trung đoàn 52 do trung tá Nguyễn Văn Thịnh làm trung đoàn trưởng. Trung đoàn 52 đóng ở khu vực cầu Cần Lê, sau cuộc tấn công của Cộng quân vào các ngày 6 và 7 tháng 4/1972 đã bị thiệt hại nặng. Trung đoàn 7 thuộc sư đoàn 5 do trung tá Lại Đức Quân làm trung đoàn trưởng cũng bị tổn thất trong các cuộc tấn công vào tháng 4/1972, đã được bổ sung quân số và là lực lượng trừ bị của sư đoàn 5 Bộ binh. 

No comments: