Saturday, September 7, 2013

• HÀNH-QUÂN BIỆT-KÍCH Năm Khói-Lửa 1968

HÀNH-QUÂN BIỆT-KÍCH Năm Khói-Lửa 1968

Ngày 16 tháng Ba năm 2000CCN/FOB Phú-Bài
Posted by NhaKyThuat at 3:29 PM

Posted by 
Biên Hùng chuyển

Mở Đầu
Đầu năm 1968, Khe-Sanh là một trại biên phòng Lực-Lượng Đặc-Biệt. Đơn vị SOG xử dụng trại này làm căn cứ hành-quân tiền-phương. Nơi đây trở nên tiền đồn bảo vệ phía tây vùng phi-quân-sự. Trong căn cứ có 6000 quân thuộc trung-đoàn 26 TQLC/HK và tiểu-đoàn 37 Biệt-Động-Quân QL/VNCH. Bên ngoài có sự hiện diện của 20000 quân cộng-sản Bắc-Việt. Tất cả mọi hỏa lực đều tập trung xung quanh căn cứ, pháo binh, phi cơ, kể cả B-52 yểm trợ ngày đêm. Sự có mặt, cũng như hành quân vượt biên của đơn vị SOG được bảo mật, không ai biết đến.

Phần 2
Bên trong Khe-Sanh, đơn vị SOG gồm 50 quân nhân LLĐB/HK và khoảng 500 Dân-Sự Chiến Đấu sống dưới hầm cũng như binh-sĩ TQLC/HK chịu đựng 1500 quả đạn đại-bác, súng cối của địch bắn vào căn cứ hàng ngày. Bên ngoài Khe-Sanh, trên những ngọn đồi, tử thần rình rập, các toán biệt-kích SOG phát xuất từ căn cứ hành quân tiền phương 1 (FOB 1) ở Phú-Bài, xâm nhập tìm mục tiêu cho phi cơ oanh-kích, đặt máy nghe lén điện thoại, và đặt máy dò thám điện tử.

Nơi hướng tây căn cứ Khe-Sanh bên kia biên giới Lào-Việt, các toán biêt-kích SOG khác phát xuất từ 'cửa hâu' của đơn vị SOG, phi trường Nakhon Phanom (NKP) bên Thái-Lan. Tại đây, SOG có bẩy nhân viên làm việc với phi-đoàn 21 'Pony' Hành-Quân Đặc-Biệt thuộc Không-Lực Hoa-Kỳ, đơn vị anh-em của SOG phi đoàn 20 Green 
Hornets. Từ tháng Giêng 1967, Ponies yểm trợ cho các toán biệt-kích SOG hoạt động ngoài miền Bắc Việt-Nam, các hoạt động của cơ-quan CIA bên Lào và đến cuối năm thả các toán biệt-kích SOG xâm nhập vào đất Lào. Căn cứ bên Thái-Lan trở nên quan trọng từ đầu năm 1968 khi trực thăng của SOG không hoạt động được trên phi đạo bên trong căn cứ Khe-Sanh.

Một trong những mục tiêu thường xuyên của SOG bên Lào là rặng núi Cơ-Rốc, cao 1800 bộ về hướng tây Khe-Sanh, quân Bắc Việt, đào hầm hố, đục đá núi làm đường chuyển quân. Ngày 12 tháng Giêng năm 1968, toán biệt-kích Indiana bị phục kích trên một sườn núi. Toán chạy lạc, phân tán, toán phó là Trung-Sĩ Jim Cohron cùng hai biệt-kích Nùng tách rời khỏi toán. Phần còn lại chạy đến được một con đường mòn, tìm cách liên lạc với Cohron. Nhóm này thoát, còn nhóm Cohron mất tích.

Tình báo Hoa-Kỳ cho rằng, toán Indiana đụng phải trung-đoàn 'Đồng Nai' CSBV. Hệ thống kiểm thính bắt được tần số của địch cho biết Cohren bị địch bắt và bị hỏi cung. Cho đến nay, Hà-Nội vẫn trả lời không biết gì về người lính Mũ-Xanh Hoa-Kỳ, quê quán ở tiểu bang Iowa.

Cách căn cứ Khe Sanh năm dặm về hướng tây, trong bóng của rặng Cơ-Rốc bên kia biên giới là trại LLĐB Lang-Vei do Đại-Úy Frank Willoughby chỉ huy. Do áp lực của quân đội Bắc Việt vào đầu năm 1968, 282 quân biệt-kích người Thượng được tăng cường thêm một đại đội biệt kích Thượng và quân Mũ-Xanh Lực-Lượng Đặc-Biệt Hoa-Kỳ.

Phần còn lại của toán Indiana đến trại LLĐB Lang-Vei một buổi tối cuối tháng Giêng sau nhiều ngày bị địch săn đuổi trên ngọn núi Cơ-Rốc. Trưởng toán Rick Bayer thông báo cho người hạ-sĩ-quan LLĐB của trại Bill Craig rằng: Toán biệt-kích Indiana trông thấy dấu xích xe-tăng của địch! Thêm điều nữa, 
trong khi đi ngang qua sông Xe-Kong lúc trời xập tối, toán biệt-kích trông thấy quân Bắc Việt thăm dò mực nước sông và đánh dấu bãi chuẩn bị hành quân vượt sông. Bayer không hoài nghi chuyện quân đội Bắc Việt sẽ đem xe tăng vào chiến trường miền Nam.

Khi được đưa vào Saigon để báo cáo, Trung-Sĩ Bayer nhớ lại 'Họ cho tôi là thằng nói dóc!'. Cấp chỉ huy của anh ta trong FOB 1, Thiếu-Tá Ed Rybat cũng mất mặt không kém. 'Tụi tôi gửi báo cáo về, họ trả lời rằng không có gì hết, đó là dấu xe ủi đất'. T ôi đã phục vụ trong đơn vị Thiết-Giáp trước đây, tôi bìết thế nào là dấu xích xe tăng. 'Đó là dấu thiết vận xa lội nước PT-76 của địch'. Trong Saigon, trùm đơn vị SOG là Đại-Tá Singlaub tin rằng quân Bắc Việt chuẩn bị xe-tăng để tấn công. Bộ Chỉ-Huy Quân Viện Hoa-Kỳ MACV bỏ qua lời báo động của ông ta.

Vừa quá nửa đêm ngày 6 tháng Hai, binh sĩ TQLC nơi giao thông hào phiá tây căn cứ Khe-Sanh nghe tiếng động cơ theo gío đưa tới, nghe như tiếng cưa máy - Xe Tăng! Trong trại LLĐB Lang-Vei, mặt đất rung chuyển khi mười một chiến xa PT-76 cùng một tiểu đoàn bộ-binh Bắc Việt được pháo binh 152 ly yểm trợ tràn vào trại. Đại bác 76 ly trên chiến xa bắn xập các pháo đài bên trong. Hơn nửa Dân Sự Chiến Đấu Thượng chết tại vị trí chiến đấu, sau khi bắn hết đạn súng Carbine, đại liên vào các chiến xa đang tiến tới của địch. Lính Mũ-Xanh Hoa-Kỳ dùng súng cối 106 ly tiêu diệt hơn nửa số PT-76.

Trùm đơn vị SOG thông báo về vụ tấn công trại LLĐB Lang-Vei cho cơ-quan MACV, vị tướng trưởng phòng Nhì cơ quan vẫn từ chối không tin. 'Làm gì có xe tăng ở Việt-Nam'. Trong khi trận đánh nơi Lang-Vei vẫn đang tiếp diễn, đơn vị SOG trong Khe-Sanh chuyển lời cầu cứu của trại LLĐB cần viện binh. Đại-tá David Lownds chỉ huy trưởng căn cứ Khe-Sanh từ chối ' Tôi không muốn hy sinh sinh mạng người Hoa-Kỳ'. Biệt-kích SOG kể rằng 'Ông ta liếc qua tụi tôi chớp nhoáng như máy quang tuyến, rồi khước từ một cách dã man'.

'Đúng vậy, chúng tôi có thoả thuận rằng sẽ đi tiếp cứu trại LLĐB Lang-Vei trong trường hợp căn cứ này có thể bị dứt điểm' Thiếu-Tá Jim Stanton, sĩ quan điều hợp pháo-binh TQLC trong căn cứ Khe-Sanh đã xác định bằng lời nói trên. 'Tình trạng chiến đấu trong căn cứ đã xuống thấp, không ai dám bảo đảm vấn đề an-toàn cho họ'.

Phần 3
Sĩ-quan tùy viên cho tướng Westmoreland đánh thức ông ta dậy hai lần trong đêm cho biết trận tấn công trại LLĐB Lang-Vei. Đại-Tá Francis Kelly, chỉ huy trưởng Liên-Đoàn 5 LLĐB/HK yêu cầu ông gửi quân tiếp viện cho Lang-Vei, nhưng tướng Westmoreland ngần ngại ra lệnh cho bộ tư-lệnh TQLC/HK. Cá nhân tướng Westmoreland xem chuyện từ chối không tiếp viện cho trại LLĐB do sự mâu-thuẫn giữa bộ chỉ huy MACV của ông ta và bộ tư-lệnh TQLC/HK. Ông ra lệnh triệu tập một buổi họp với các vị tướng lãnh TQLC/HK tại Đà-Nẵng sáng hôm sau.

Trong trại LLĐB Lang-Vei, quân Bắc Việt đã hoàn toàn làm chủ tình hình. Sĩ quan quân đội Bắc Việt ra lệnh tất cả quân nhân LLĐB/Việt-Mỹ mở cửa hầm chỉ huy và ra đầu hàng. Sĩ-quan Việt-Nam ra trình diện dường như bị bắn tại chỗ. Quân Bắc Việt dùng chất nổ phá cửa hầm, sức nổ làm tám quân Mũ-Xanh Hoa-Kỳ bất tỉnh.

Đến Đà-Nẵng, Tướng Westmoreland ra lệnh cho Trung-Tướng Robert Cushman cung cấp trực thăng đưa một đơn vị cấp cứu SOG trong căn cứ Khe-Sanh vào Lang-Vei ngay tức khắc. Sau này tướng Westmoreland biết được lệnh của ông ta không được thi hành. Ông ta viết 'Đó là điều xẩy ra trong thời gian tôi phục vụ tại Việt-Nam. Chuyện đó làm tôi muốn xin về hưu'.

Tại Khe-sanh, Thiếu Tá George Quamo, Thượng-Sĩ Charles 'Skip' Minnicks có thể nhìn thấy khói bốc lên từ trại LLĐB Lang-Vei. Quamo nói về sự nguy-hiểm đang chờ đợi họ, và hỏi 'Ai muốn đi?'. Một tá lính Mũ-Xanh Hoa-Kỳ xách tiểu-liên CAR-15, tập họp ba mươi biệt-kích Nùng, Thượng rồi leo lên trực thăng TQLC/HK ra đi.

Sự thờ-ơ của TQLC ảnh hưởng viên phi công lái trực thăng, không nhiệt tâm đi cứu. Kinh hoàng trông thấy xe tăng cháy, doanh trại đổ nát ở dưới, mất tay phi công CH-46 lái bay vòng vòng trên không. Cuối cùng Thiếu-tá Quamo ra lệnh 'vào' lúc đó họ mới hạ cánh.

Xuống tới đất, toán biệt-kích SOG, chia ra lục xoát các hầm hố, công sự phòng thủ tìm người sống sót. Hàng ngàn quân Bắc Việt trú ẩn xung quanh Lang-Vei sợ không-lực Hoa-Kỳ oanh-kích không tấn công tiếp. Hầu hết người Hoa-Kỳ sống sót nhờ Trung-Sĩ Nhất Eugene Ashley, chết sáng hôm đó trong những đợt phản công đẩy lui quân cộng sản ra khỏi Lang-Vei. Anh ta được ân thưởng huy chương Danh-Dự cao qúy nhất của chính phủ Hoa-Kỳ. Vài lính Mũ-Xanh Hoa-Kỳ thoát nhờ Thiếu-Úy Qúy lái xe Jeep xông vào trại đem họ đi.

Toán biệt-kích SOG gom tất cả những biệt-kích Hoa-Kỳ sống sót và đem thêm với khả năng của họ những biệt-kích quân Thượng bị thương ra bãi đáp chờ trực thăng bốc. Khi đoàn tầu bay lên, trưởng toán Alabama John Allen trông thấy một quân nhân Hoa-Kỳ chạy ra bãi đáp vẫy tay. Không thể quay trở lại, anh ta bị bỏ rơi cho số mệnh. Người biệt kích Hoa-Kỳ đó tên là Dennis Thompson, bị tù năm năm trước khi được trả tự do. Trong số hai mươi bốn quân nhân biệt-kích Hoa-Kỳ ở trại LLĐB Lang-Vei, Thiếu-Tá Quamo đem về được mười bốn, trong đó có một bị thương.

Đơn vị SOG đóng góp trong trận bao vây Khe-Sanh, cũng là thành quả lớn nhất của họ thâu thập bên Lào trong năm 1968, khám phá được căn cứ lớn, bộ chỉ huy, kho chứa đạn dược của địch gần rặng núi Cơ-Rốc. Phi vụ B-52 Arc Light được lệnh tiêu hủy mục tiêu này kết qủa gây ra nhiều tiếng nổ phụ trong vòng hai tiếng đồng hồ. Trong nhật ký của tướng Westmoreland, ông ta tin rằng trận đánh bom B-52 trúng bộ chỉ huy đầu não của địch trong trận bao vây Khe-Sanh. Hệ thống truyền tin của địch bị mất liên lạc trong vòng hai tuần lễ, chứng tỏ có sự bối rối trong hệ thống chỉ huy của địch, do đó quân Bắc Việt không mở trận tấn công lớn vào căn-cứ Khe-Sanh trong kỳ Tết Mậu-Thân.

Cuối tháng Ba, trong khi sư-đoàn 1 Không-Kỵ Hoa-Kỳ bắt đầu hành quân giải tỏa áp-lực của địch xung quanh căn cứ Khe-Sanh. Toán biệt-kích Asp xâm nhập khu vực cách Khe-Sanh 25 dặm về hướng tây bắc, theo dõi sự triệt thoái của các đơn vị Bắc Việt. Trưởng toán Asp là Trung-Sĩ Nhất George Brown, có Trung Sĩ Charles Huston và Alan Boyer. Toán Asp bị một đơn vị lớn của địch tấn công bất thần.

Một chiếc Kingbee vào cứu Brown và Huston bị hỏa lực địch bắn vào không được. Một chiếc Kingbee khác trông thấy Alan Boyer, thả thang dây xuống cứu anh ta, đạn bắn đứt thang dây, anh này rơi xuống vào giữa địch quân. Tất cả đều mất tích.

Hai trăm lẻ năm TQLC Hoa-Kỳ tử trận trong bẩy mươi bẩy ngày bao vây căn-cứ Khe-Sanh. Thiếu-Tá Quamo chỉ huy cuộc cứu nguy trại LLĐB Lang-Vei, lên máy bay của đơn-vị SOG bay về Đà-Nẵng. Chiếc máy bay cũng biến mất luôn vì thời tiết xấu. Xác Thiếu-Tá Quamo tìm được năm 1974. Vài tuần sau, căn cứ hành quân tiền phương (FOB) ở Khe-Sanh đóng cửa. SOG dời FOB qua trại LLĐB Mai-Lộc đông bắc Khe-Sanh.

Trong khi trận chiến dịu dần xung quanh căn cứ Khe-Sanh, các toán biệt-kích SOG khác vượt biên qua Cambodia, dò thám xem địch quân đã rút qua đất Miên hay chưa, sau trận Tổng-Công-Kích. Ngày 2 tháng Năm 1968, toán biệt-kích do Trung-Sĩ Nhất Leroy Wright làm trưởng toán xâm nhập vùng Lưỡi Câu. Trong toán có Trung-Sĩ Lloyd 'Frenchie' Mousseau, Brian O'Connor và chín biệt-kích Nùng.

Phần 4
Buổi sáng lúc toán ra đi từ căn cứ Quản-Lợi, Trung Sĩ Nhất Roy Benavidez bạn của Wright ra tiễn đưa, cảm phục những người ra đi hoạt-động trong lòng địch. Chẳng bao lâu, khi xuống bãi đáp, toán chạm địch và chạy trở lại bãi đáp. Địch đuổi theo sát đuôi, bắn không cho toán biệt-kích ngóc đầu dậy và đuổi những chiếc trực thăng cấp cứu ra chỗ khác. Một trực thăng võ trang bị bắn rớt.
Địch đem thêm quân đến bao vây toán biệt-kích đang nằm chịu trận dưới hỏa lực súng cối, B-40, AK-47. Một loạt đạn AK trúng Wright vào đầu, anh ta chết ngay tức khắc. Mousseau và O'Connor bị thương nhiều chỗ. Tất cả các biệt-kích Nùng đều trúng đạn, nằm la liệt, bị thương hoặc chết. Không chạy được, hết thuốc chữa, toán biệt kích sắp sửa bị địch thanh toán.

Trong một túp lều dã chiến dựng lên nơi căn cứ hành quân tiền phương Quản-Lợi, Roy Benavidez lắng nghe những chuyện xẩy ra từ máy truyền tin, điện đàm giữa các phi công trực thăng võ trang, và phi công lái máy bay quan sát điều hành không yểm (FAC). Roy sốt ruột lo cho các chiến hữu của mình, Leroy Wright trúng đạn, Frenchie Mousseau trúng đạn, Brian O'Connor cũng trúng đạn và tất cả biệt-kích Nùng đều trúng đạn chết hoặc bị thương nặng. Một lữ-đoàn thuộc sư-đoàn 1 Bộ-Binh Hoa-Kỳ đang hành quân gần đó nhưng họ không được phép vượt rào qua Cambodia. Toán cấp cứu Bright Light cũng không có sẵn. Mình phải làm gì đây! Roy đứng ngồi không yên.

Bị mất nhiều máu, Brian O'Connor yếu đi, anh nghe tiếng trực thăng đến nhưng không di chuyển được. Chiếc máy bay hạ thấp rồi Roy Benavidez xách túi đựng dụng cụ y-khoa nhẩy xuống chạy thật nhanh vào bụi rậm nơi các biệt kích SOG nằm la liệt. Roy tình nguyện đi cứu toán một mình. Địch trông thấy trực thăng đáp xuống, bắn ra tới tấp, một viên trúng vào đùi Roy, chàng vẫn tiếp tục chạy, không dám ngừng lại. Vào đến nơi, Roy liếc thật nhanh, vị trí chiến đấu của toán biệt-kích, Wright đã chết, Mousseau trúng đạn vào đầu, nằm thẳng cẳng nhưng chưa chết, O'Connor bị thương nhưng vẫn còn bò lết được. Roy Benavidez băng bó cho bạn, phân phối đạn còn lại từ những biệt kích quân đã chết. Chàng lãnh thêm một viên AK nữa vào đùi phải trong khi điều khiển trực thăng oanh kích và trực thăng vào đem những người còn sống ra.

Khi chiếc trực thăng hạ cánh, Roy đưa khẩu AK cho O'Connor, chàng vác theo xác Wright. Một viên AK khác trúng vào phổi, Roy ngã xuống gần ngất đi. Chiếc trực thăng trúng đạn súng cối tiêu hủy, viên phi công và người xạ thủ đại liên chết. Roy lết lại chiếc trực thăng, giúp những người còn sống ra khỏi máy bay trúng đạn trước khi bốc cháy. Chàng tiếp tục điều khiển phản lực Phantom F-4 oanh kích, và lãnh thêm hai viên AK nữa. Địch bắn rớt thêm một chiếc gunship.

Rồi một chiếc Huey khác vào bãi đáp, trên máy bay có y-tá LLĐB Trung-Sĩ Ronald Samsons, anh ta giúp Benavidez kéo, dìu phi hành đoàn chiếc trực thăng trúng đạn, xác biệt kích quân lên máy bay. Trên đường về Benavidez bất tỉnh vì mất nhiều máu và kiệt sức, Mousseau chết vì vết thương quá nặng nơi đàu. Wright và Mousseau (chết) được lãnh huy chương Ngoai-Hạng (Distinguish Service Cross). Benavidez nằm bệnh viện gần một năm chữa bẩy vết thương đạn AK, hai mươi tám miểng B-40, cối 61 ly của địch. Roy Benavidez cứu tám người, tuy nhiên giấy tờ thất lạc. Mười ba năm sau, đã về hưu, Thượng-Sĩ Benavidez được máy bay quân đội đưa đi Washington và được tổng thống Reagan gắn huy chương Danh-Dự (Medal of Honor).

Sau ngày Benavidez cứu toán biệt-kích trong tháng Năm 1968 bên Miên. Toán Alabama xâm nhập Lào cách thung lũng A-Shau 15 dặm để gắn máy nghe lén điện thoại. Trưởng toán là Trung-Sĩ John Allen, cùng với Kenneth Cryan, Paul King và sáu biệt kích Nùng. T oán Alabama xâm nhập vùng tình nghi có sự hiện diện của một sư-đoàn Bắc Việt, đơn vị này rút qua Lào khi sư-đoàn Đệ Nhất Không-Kỵ Hoa-Kỳ mở cuộc hành quân càn quét khu vực xung quanh thung lũng A-Shau.

Khi trực thả toán biệt-kích bay gần đến bãi đáp, Allen trông thấy hầm hố, công sự phòng thủ của địch dưới rặng cây. Không thấy bóng dáng quân Bắc Biệt tại đîa điểm thả toán, Allen ra hiệu 'xuống' và toán biệt-kích bắt đầu làm nhiệm vụ. Họ di chuyển khoảng một tiếng đồng hồ, giác quan thứ sáu báo động cho Allen biết (Allen đã có kinh nghiệm đi 20 chuyến qua Lào và một chuyến Bright Light ngoài miền Bắc). Chàng hút-gió báo cho toán phó Ken Cryan biết 'Có điều gì nhìn không bình thường, ngửi cũng khác thường, có chuyện khác thường'. Allen cùng một biệt kích Nùng tiến tới đằng trước quan sát.

Hai người lên trước khoảng 250 thước, họ trông thấy khoảng đất rộng đã được dọn dẹp, những nhánh cây cao trên đầu cột lại che dấu khoảng đất trống ở dưới. Ở giữa có một căn nhà làm bằng tre, rõ ràng là bộ chỉ huy của địch với lính Bắc Việt ra vào. Xa hơn chút nữa có đường hầm rộng đủ hai người cùng đi đào sâu vào trong núi. Allen chụp mấy tấm ảnh rồi lùi về chỗ toán Alabama.

Toán phó Ken Cryan cho biết vài địch quân đi ngang qua, có lẽ toán lùng biệt-kích. Allen quyết định 'cắt đuôi', rồi cả toán nghe tiếng la lối, tiếng xục-xạo trong các bụi rậm trên lộ trình họ vừa di chuyển qua. Toán biệt-kích 'dọt', vài phút sau, biệt-kích hướng đạo (đi-đầu - Point man) dẫn toán băng qua một con đường mòn lớn, có lẽ dẫn tới bộ-chỉ-huy. Âm thanh truy kích của toán lùng biệt-kích chỉ cách phiá sau chừng 50 thước, Allen quyết định tăng tốc độ di chuyển. Họ băng qua một đường mòn nữa rồi nghe tiếng gọi nhau của địch phiá bên phải, và tiếng trả lời phiá sau. Toán biệt kích chạy 'hết tốc lực' lên một ngọn đồi. Súng AK của địch nổ vang dội, một biệt kích đáp lại một tràng CAR-15. Cryan qụy xuống ôm lấy đùi bên phải, Allen chạy lại xốc nách Cryan dìu đi mặc dù Cryan nói hãy chạy đi để chàng ở lại. Một biệt-kích Nùng trúng một viên AK ngay ngực gục xuống đất chết, được đồng đội cõng theo.

Phần 5
Trong khi Paul King gọi máy cấp cứu, Allen tìm chỗ để phòng thủ, chàng thấy một hố bom chừng 50 thước trên đường lên núi. Ra lệnh cho toán viên bắn yểm trợ, Allen dìu Cryan di chuyển đến hố bom, rồi phần còn lại theo sau. Allen trải tấm Pa-nô (Panel) mầu cam giữa lòng hố bom đánh dấu vị trí toán biệt-kích cho phi cơ. Paul King lo cứu thương, người biệt kích Nùng đã chết, Cryan trúng đạn vào đùi bể xương, hèn chi anh ta đứng lên không nổi. Sợ phải cưa chân, King chích morphine cho Cryan đủ cho anh chàng này đỡ đau và còn tỉnh táo.

Allen cùng mấy biệt-kích chuẩn bị tuyến phòng thủ xong thì quân Bắc Việt xuất hiện tiến lên đồi. Nhờ vị trí trên cao, toán biệt-kích ném lựu đạn xuống làm địch phải lui lại. King gọi Allen 'Đã có phi cơ FAC lên vùng' và đưa máy cho anh ta liên lạc, King bước ra miệng hố thay cho Allen, một viên AK bắn trúng King ngay đầu, chết ngay tức khắc. Toán Alabama giờ có hai người chết.

Máy bay quan sát điều khiển các phi tuần đánh bom đẩy lui quân Bắc Việt ra xa, hết Phantom F-4, đến lượt Super Sabres F-100, rồi đến A-1 Skyraider. Rồi trực thăng đến, nhưng viên phi công nhát không dám xuống mặc dầu Allen đã trải pa-nô đánh dấu vị trí toán biệt-kích và đưa tay vẫy, sau đó chiếc trực thăng bay về vì hết nhiên liệu, hẹn hôm sau sẽ trở lại. Toán Alabama đành phải đợi sáng hôm sau, đêm đó họ phải chiến đấu suốt đêm, thêm một biệt kích Nùng bị thương nhẹ.

Sáng hôm sau, quân Bắc Việt vẫn tiếp tục bò lên tấn công, rồi một tiếng nổ lớn rung động hố bom. Allen định thần nhìn quanh, toán Alabama chín người lúc xâm nhập giờ đây còn lại mình chàng và một biệt-kích Nùng, số còn lại chết bị thương nằm la liệt trong hố bom. Đêm qua quân Bắc Việt đã đem súng phòng phông 12 ly 7, đại bác 37 ly đến xung quanh khu vực toán biệt-kích, họ biết máy bay Hoa-Kỳ sẽ đến tiếp cứu toán, nên đã chuẩn bị chiến trường.

Một chiếc Phantom bị bắn rớt, các chiếc khác phải lo tiêu diệt các ổ phòng không của địch. Đến chiều trực thăng cấp cứu CH-53 Jolly Green đến bốc toán Alabama. Sườn núi dốc chiếc CH-53 không đáp được thả dây cấp cứu xuống, Allen đặt Cryan lên một dây, dây bên kia cho một biệt-Kích Nùng ngồi vào, chàng nói 'Hẹn gặp ở Phú-Bài'. Chiếc CH-53 từ từ bốc lên, đạn AK bắn theo trúng cả hai, máu nhiễu xuống vào mặt Allen, chiếc trực thăng hoảng bay đi luôn. Q uân địch vẫn bắn theo, nhằm vào lính biệt-kích chứ không phải trực thăng. Hai xác chết buông xuôi tay, vẫn còn dính dây cấp cứu được trực thăng đem đi.

Allen nổi điên, chửi thề um-xùm. nói với FAC là sẽ tìm đường khác. Viên phi công lái FAC rất bình tĩnh 'John, anh định tìm đường nào?'. John Allen lấy thêm đạn từ những biệt kích chết, rồi ra khỏi hố bom chạy xuống núi, quân Bắc Việt không ngờ, không bắn không đuổi theo. Chạy được một quãng, chàng gọi FAC.

- Tôi đã ra khỏi. Trực thăng có chưa?
- Tôi vẫn theo bạn, sẽ có Kingbee đến đón.
- Còn mấy ông bạn của tôi sao?
- Y-tá nói họ OK! Họ OK! (Phi công FAC trấn an Allen)
Cuối cùng chiếc Kingbee do phi công tài ba Việt-Nam thuộc phi-đoàn 219 bốc Allen đưa về căn cứ hành-quân tiền-phương Phú Bài. Nhờ tài bình tĩnh của viên phi công lái FAC, nói dối để trấn an Allen, Cryan và biệt kích Nùng lãnh mỗi người ba mươi viên AK khi được trực thăng CH-53 bốc. Toán biệt-kích SOG Alabama còn mỗi mình Allen sống sót. Người biệt-kích ngồi ghế sau chiếc FAC là Trung Sĩ Nhất John Robertson tử trận khoảng 15 ngày sau khi đi theo Kingbee trong một sứ mạng cách toán Alabama xâm nhập khoảng 10 dặm. Quân Bắc Việt bắn rớt Kingbee bằng hỏa tiễn SA-7.

Ba ngày sau toán Idaho xâm nhập cách đó khoảng 5 dặm. Chiều hôm đó, trưởng toán Glen Lane, toán phó Robert Owen nói vắn tắt cho Covey (FAC) biết họ không báo cáo được vì quân Bắc Việt đã bao vây toán. Đó là lần cuối cùng toán Idaho báo cáo, không ai biết chuyện gì xẩy ra cho toán biệt-kích. Toán Oregon vào tìm toán Idaho, họ tìm được dấu vết lựu đạn nổ, chứng tỏ có chiến đấu và toán Idaho bị địch bắt. Đến phiên toán Oregon bị đơn vị chống biệt-kích tấn công, tất cả mọi người trong toán đều bị thương nhưng thoát hiểm.

Mùa Hè năm 1968, xếp mới đơn vị SOG là Đại-Tá Cavanaugh, Đoàn Nghiên-Cứu Quan-Sát dồn nỗ lực qua Lào và Miên. Trong nội điạ, chỉ để ý thung lũng A-Shau, cách Đà-Nẵng 40 dặm về hướng nam. Thung lũng A-Shau rộng 25 dặm qua biên giới Lào về hướng tây bắc. Trong vùng này, quân đội Hoa-Kỳ bỏ rơi hai phi đạo ngắn và ba trại LLĐB.

Ngày 3 tháng Tám, toán Idaho mới lập lại do Wilbur Boggs làm trưởng toán xâm nhập vào thung lũng A-Shau cách chỗ toán Idaho cũ biến mất ngày 20 tháng Năm chừng mười dặm. Toán phó là John Walton, anh này rất thông minh, chơi xì-phé giỏi (sau này trở về hưởng gia tài do cha ông để lại những tiệm Wal-Mart), ngoài ra có thêm Tom Cunningham, biệt-kích Thượng.

Xâm nhập không lâu, toán bị tấn công, trưởng toán Boggs bị thương nặng, hai biệt-kích Thượng chết. Toán bị bao vây, không lối thoát. Walton gọi oanh kích ngay trên đầu toán. Nhờ vậy quân Bắc Việt lui ra, Walton lo cấp cứu những biệt kích bị thương, kể cả Cunningham, tất cả đều thoát.

Cùng trong tháng Tám, 3 giờ sáng ngày 23, đặc công cộng sản tấn công bộ chỉ huy Bắc (CCN), trận tấn công kéo dài ba tiếng đồng hồ. Kết quả, 15 sĩ-quan, hạ-sĩ-quan LLĐB/HK chết, con số tổn thất lớn nhất từ trước đến giờ, 16 biệt-kích quân Việt-Nam, Nùng, Thượng chết. Địch bỏ lại 38 xác, 9 bị thương làm tù binh. Trong số xác địch để lại có tên làm trong bếp, nội tuyến của địch gài vào.

Sau vụ Đà-Nẵng, toán biệt kích SOG vẫn tiếp tục xâm nhập qua Lào. Trong mùa Thu, không ai may mắn hơn Trung-Sĩ Lynne Black Jr. Ngày 5 tháng Mười toán của anh ta xâm nhập miền trung Lào, vào vùng đụng ngay, toán trưởng Trung-Sĩ James Stride chết trong loạt đạn đầu. Toán phân tán để chạy, Black cùng với hai biệt kích Thượng chạy ngang qua bộ chỉ huy quân Bắc Việt, chuyện xẩy ra nhanh chóng địch không phản ứng kịp.

Một chiếc CH-53 Jolly Green đến từ Thái Lan, Black cho hai người Thượng, và Mũ-Xanh thất lạc vừa tới lên trước. Nghe tiếng trực thăng, hai lính Bắc Việt chạy ra đụng Black, hai bên giằng co. Không hiểu sao, Black thoát được và được câu lên trực thăng. Đúng lúc đó chiếc trực thăng chao đi vì trúng B-40, viên phi công đáp an toàn xuống một rặng núi khác, rồi một chiếc CH-53 đến bốc tất cả về căn cứ an toàn. Xác trưởng toán Stride không tìm được.

Kết Luận
Bill Copley không được may như Lynne Black. Vài tuần sau khi Black thoát hiểm, toán biệt kích khác xâm nhập vùng nam Lào, bị rượt. Copley bị thương, anh ta cầu cứu 'Giúp tôi, Tôi bị thương!'. Một toán viên cõng Copley chạy đến khi kiệt sức phải bỏ lại vì địch đuổi theo bén gót. Sau đó toán cấp cứu Bright Light vào tìm, chỉ thấy dấu máu nơi Copley nằm. Tổng kết năm 1968, ngoại trừ vụ đặc công tấn công bộ chỉ huy Bắc. CCN mất 18 Mũ-Xanh tử trận, 18 mất tích.

Ngày 16 tháng Ba năm 2000CCN/FOB Phú-Bài

Posted by NhaKyThuat at 3:29 PM
Posted by 
Biên Hùng chuyển

No comments: