CUỘC PHẢN-CÔNG CHỚP-NHOÁNG CỦA LỮ-ĐOÀN 3 KỴ-BINH Ở ĐỨC-HUỆ
Cựu Chuẩn-tướng Trần-Quang-Khôi
Cựu Tư-lệnh Lữ-đoàn 3 KB.
(Trích Đăng)
LTS.Bài này đã dự trù đăng vào số 14, nhưng không kịp vì nhận được quá trễ - Hiện đã được đăng trên báo khác - Tuy nhiên chúng tôi nhận thấy đây là một tư liệu về quân sử có giá trị, do chính vị Tướng Tư Lệnh mặt trận ghi lại (cũng giống như trường hợp trận Ia-Drang, Pleime, do chính người đã tham dự kể) - Hơn nữa, vì có liên quan nhiều đến binh chủng BĐQ chúng ta, và rất có thể nhiều người chưa xem qua, Do đó chúng tôi vẫn đăng để quý độc giả thêm tài liệu tham khảo.. . . . . .
2. Tình-hình đặc-biệt : Cuộc chiến-đấu anh-hùng của Tiểu-đoàn 83 Biệt-Động-Quân
Căn-cứ Đức-Huệ nằm gần biên-giới Việt-Miên thuộc quận Đức-Hòa, tỉnh Hậu-Nghĩa do Tiểu-đoàn 83 BĐQ Biên-phòng trấn giữ với quân-số trên dưới 420 người, cùng với gia-đình vợ con binh-sĩ vào khoảng 80 người, sống trong căn-cứ nguyên là một trại Lực-lượng Đặc-biệt của Mỹ để lại. Tiểu-đoàn-trưởng là thiếu-tá Hoa-Văn-Hạnh. Khi xảy ra trận chiến thì thiếu-tá Hạnh đi nghỉ phép vắng mặt. Thiếu-tá Nguyễn-Văn-Bảo, tiểu-đoàn-phó thay-thế chỉ-huy.
Tiểu-đoàn 83 BĐQ có 4 Đại-đội tác-chiến và 1 Đại-đội Chỉ-huy và Công-vụ:
- Trung-úy Thạch-Thông chỉ-huy Đại-đội 1
- Trung-úy Hiền chỉ-huy Đại-đội 2
- Trung-úy Thất chỉ-huy Đại-đội 3
- Trung-úy Tuội chỉ-huy Đại-đội 4
- Thiếu-úy Vạng chỉ-huy Đại-đội Chỉ-huy và Công-vụ.
(1) Đêm 27-3-1974, một Đại-đội Đặc-công CS xâm-nhập được vào bên trong căn-cứ Đức-Huệ. Vào lúc 02:00 giờ sáng ngày 28-3-1974, chúng chiếm được một góc trong căn-cứ. Ngay từ những phát súng nổ đầu tiên, thiếu-tá Bảo bị thương ở chân, gọi được 3 Đại-đội tác-chiến bên ngoài gấp rút trở về. Tiểu-đoàn tập-trung lại phản-công quyết-liệt. Bên ngoài căn-cứ, Sư-đoàn 5 CS (Công-Trường 5) bao-vây chặt. Pháo-binh địch tập-trung hỏa-lực pháo-kích vào căn-cứ rất dữ-dội. Bên trong căn-cứ Biệt-động-quân và Đặc-Công CS cận-chiến giành nhau từng vị-trí một, đánh nhau bằng lưỡi lê và lựu đạn. Đến sáng thì Đại-đội Đặc-công CS bị quân ta tiêu-diệt hết.
Tiểu-đoàn 83 BĐQ làm chủ tình-hình bên trong căn-cứ, tổ-chức lại phòng-thủ chặt-chẽ và sử-dụng pháo-binh của Tiểu-khu Hậu-Nghĩa bắn yểm-trợ hỏa-lực chung quanh căn-cứ. Trong khi đó, các đại-đội tác-chiến BĐQ bố-phòng bên trong chặn đứng các đợt xung-phong bên ngoài của các đơn-vị Bộ-binh Sư-đoàn 5 CS. Hai bên giao-chiến ác-liệt ngày đêm không ngừng nghỉ.
Tiểu-đoàn 36 BĐQ do thiếu-tá Lê-Quang-Giai chỉ-huy, tăng-phái cho Tiểu-khu Hậu-Nghĩa, vượt sông Vàm Cỏ Đông ở Đức-Hòa tiến về hướng căn-cứ Đức-Huệ, bị phục-binh của các đơn-vị thuộc Sư-đoàn 5 CS ở Giồng Thổ Địa, thuộc xã Đức-Huệ tấn-công, buộc Tiểu-đoàn phải thối-lui lại gần bờ sông Vàm Cỏ.
(2) Bộ Tư-lệnh Quân-đoàn III liền điều-động Bộ Chỉ-huy Liên-đoàn 33 BĐQ do Trung-tá Lê-Tất-Biên phụ-trách sang Đức-Hòa, cùng với Tiểu-đoàn 64 BĐQ do Thiếu-tá Nguyễn-Chiêu-Minh chỉ-huy.
Ngày 31-3-1974, Đại-đội 3 thuộc Tiểu-đoàn 64 BĐQ (khoảng 50 người) do trung-úy Anh chỉ-huy được trực-thăng-vận xuống căn-cứ Đức-Huệ, tăng-cường cho Tiểu-đoàn 83 BĐQ. Đồng-thời Tiểu-đoàn 64 BĐQ (-) vượt sông Vàm Cỏ Đông ở gần nhà máy đường Hiệp-Hòa, nhập với Tiểu-đoàn 36 BĐQ, làm 2 cánh quân tiến song-song về hướng căn-cứ Đức-Huệ ở cách đó chừng 10 cây-số đường chim bay về hướng Tây. Tiến được chừng 2 cây-số, khoảng hơn 1 Trung-đoàn Bộ-binh thuộc Sư-đoàn 5 CS, từ những vị-trí hầm-hào đào sẵn, xông lên tấn-công mạnh, đồng-thời pháo-binh địch tập-trung hỏa-lực bắn xối-xả vào đội-hình của hai cánh quân này gây tổn-thất nặng. Cuối cùng Tiểu-đoàn 64 BĐQ (-) và Tiểu-đoàn 36 BĐQ buộc phải gom quân rút lui về lại bên này bờ sông Vàm Cỏ.
(3) Sư-đoàn 25 BB hành-quân giải-tỏa. Tiếp theo, Bộ Tư-lệnh QĐIII giao nhiệm-vụ cho Sư-đoàn 25 BB do Đại-tá Nguyễn-Hữu-Toán chỉ-huy, tổ-chức hành-quân giải-tỏa căn-cứ Đức-Huệ. Đại-tá Toán liền điều-động các đơn-vị thuộc Sư-đoàn đang hành-quân trong vùng lân-cận biên-giới từ phía Bắc đến giải-tỏa (xem hình 1). Một căn-cứ hỏa-lực được thành-lập tại làng Phước-Chỉ thuộc tỉnh Tây-Ninh. Căn-cứ này nằm cách biên-giới khoảng 2 Km về phía Nam đồn biên-giới An-Hòa và cách căn-cứ Đức-Huệ khoảng 13 Km về phía Bắc. Ngoài Tiểu-đoàn Pháo-binh 105 ly cơ-hữu Sư-đoàn, phối-trí trong căn-cứ Phước-Chỉ, còn có Trung-đoàn 46/SĐ25 BB, được tăng-cường Chi-đoàn 3/10 Thiết-kỵ. Chi-đoàn-trưởng Chi-đoàn này là Đại-úy Trần-Văn-Hiền. Tất cả lực-lượng liên-binh này được đặt dưới quyền điều-động của Trung-tá Cao-Xuân-Nhuận, Trung-đoàn-trưởng Trung-đoàn 46 BB và được giám-sát chỉ-huy bởi Bộ Tư-lệnh Sư-đoàn 25 BB ở Củ-Chi.
Để đối-phó với đoàn quân giải-tỏa của Sư-đoàn 25 BB, quân địch đã chủ-động tổ-chức địa-thế, bố-trí quân kín-đáo chờ đánh quân tiếp-viện. Chúng đặt các chốt chặn trên trục tiến quân của ta không vượt qua được, đồng-thời pháo-binh tầm xa của chúng nằm sâu bên kia biên-giới mở những trận địa-pháo chính-xác, liên-tục và ác-liệt gây nhiều thương-vong cho Trung-đoàn 46 BB, làm tê-liệt các cánh quân không điều-động được, nên kế-hoạch giải-tỏa của Sư-đoàn 25 BB thất-bại. Một phi-cơ quan-sát L19 bị phòng-không địch bắn rơi gần đó. Trung-đoàn cũng không tiếp-cứu nổi phi-hành-đoàn. Sau đó quân địch pháo-kích tập-trung hỏa-lực thẳng vào căn-cứ Phước-Chỉ bằng hỏa-tiễn 107 ly và 122 ly, khiến Trung-tá Cao-Xuân-Nhuận, Trung-đoàn-trưởng Trung-đoàn 46/SĐ25 BB bị tử-thương. Trong suốt thời-gian gần một tháng trời, quân bạn không đem lại một kết-quả khả-quan nào, hàng ngày vẫn bị pháo-kích dồn-dập, trực-thăng tản-thương và tiếp-tế bị bắn rớt ngay trong căn-cứ. Một khu trục cơ Skyraider yểm-trợ hành-quân và 1 phi-cơ DC3 thả dù tiếp-tế bị hỏa-tiễn SA-7 bắn rớt. Những cánh dù mang lương-thực và đạn-dược cho căn-cứ Đức-Huệ thường bay ra ngoài vòng rào và lọt vào tay quân địch. Như vậy là cả hai nỗ-lực từ phía sông Vàm Cỏ Đông của BĐQ qua và từ phía Bắc của Sư-đoàn 25 BB xuống đều bị thất-bại trong việc tiếp-cứu Tiểu-đoàn 83 BĐQ.
(4) Những "Anh-hùng Alamo Việt Nam". Bên trong căn-cứ, trong lúc đó, các chiến-sĩ Tiểu-đoàn 83 BĐQ và Đại-đội 3 của Trung-úy Anh thuộc Tiểu-đoàn 64 BĐQ, dưới quyền chỉ-huy của Thiếu-tá Nguyễn-Văn-Bảo chiến-đấu vô-cùng dũng-mãnh. Càng đánh càng hăng, từ lúc đầu cận-chiến với Đặc-công địch bằng lưỡi lê và lựu-đạn, bên trong căn-cứ cho đến về sau này phải chiến-đấu đẩy lui các đợt xung-phong của địch ngày đêm không ngừng nghỉ. Cuối cùng, lương-thực và đạn-dược bắt đầu cạn, căn-cứ bị cô-lập không được tiếp-tế, không tản-thương được, nhưng không vì thế mà tinh-thần chiến-đấu của các chiến-sĩ BĐQ bị suy-giảm. Họ thề quyết tử-chiến với quân thù. Gia-đình vợ con của các chiến-sĩ BĐQ trong căn-cứ cũng tích-cực tham-gia chiến-đấu bên cạnh chồng cha họ. Họ cổ-võ, họ giúp tản-thương, cứu-thương, tiếp-tế đạn-dược và lo cơm nước. Có người còn cầm súng chiến-đấu vô-cùng dũng-cảm. Mặc dù tỷ-lệ quân-số giữa ta và địch quá chênh-lệch, quân địch không sao dứt điểm được. Xác địch chồng-chất ngổn ngang bên trong và bên ngoài căn-cứ Đức-Huệ.
So-sánh sự tử-thủ nổi tiếng của Quân-đội Mỹ ở Đồn binh "Alamo" năm 1836 do trung-tá William Barret Travis chỉ huy với quân-số 189 người chống lại sự bao-vây và tấn-công của hơn 2,000 quân Mễ, với tỷ-lệ quân-số hai bên là 1/11. Sau 13 ngày đêm tử-chiến, đồn binh bị quân địch tràn-ngập ngày 6-3-1836. Tất cả 189 chiến-sĩ trong đồn binh đều tử-trận, chỉ còn sống sót 14 người là đàn bà và trẻ con. Khoảng 1,600 quân Mễ bị giết.
Hoặc so-sánh sự tử-thủ nổi tiếng của quân Lê-Dương Pháp ở làng "Camerone" ngày 30-4-1863 với 65 chiến-sĩ do đại-úy Danjou chỉ-huy chống lại sự bao-vây và tấn-công của 2,000 quân Mễ với tỷ-lệ quân-số hai bên là 1/34. Sau 11 giờ tử-chiến, quân Lê-Dương Pháp giết hơn 300 quân Mễ, vị-trí phòng-thủ bị tràn-ngập, 62 quân Lê-Dương Pháp bị giết, chỉ còn sống-sót 3 người bị trọng-thương.
Tiểu-đoàn 83 BĐQ phòng-thủ trong căn-cứ Đức-Huệ với quân-số khoảng 420 người được tăng-cường 50 người của Đại-đội 3 thuộc Tiểu-đoàn 64 BĐQ. Tổng-cộng quân-số là 470 người chống lại sự bao-vây và tấn-công của hơn 6,500 quân của Sư-đoàn 5 CS, với tỷ-lệ quân-số đôi bên là 1/13. Sau hơn 1 tháng chiến-đấu quyết-liệt, từ ngày 27-3-1974 đến ngày 28-4-1974, giữ vững vị-trí phòng-thủ, giết hơn 200 quân địch và gây thương-tích cho khoảng 500 tên khác. Tổn-thất bên BĐQ là 24 chết và hơn 100 người bị thương.
Mặc dù thời-đại có khác nhau, mẫu-số chung của những anh-hùng ở Alamo, Camerone và Đức-Huệ là sự quyết-tâm tử-thủ bằng mọi giá. Với tỷ-lệ quân-số đôi bên chênh-lệch như thế, họ vẫn hiên-ngang chiến-đấu đến viên đạn cuối cùng, đến hơi thở cuối cùng. Có thể nói không quá đáng là những chiến-sĩ Biệt-Động-Quân chiến-đấu ở Căn-cứ Đức-Huệ đích thật là những "Anh-hùng Alamo Việt-Nam".
Sự chiến-đấu kiên-cường và dũng-cảm của BĐQ ở Căn-cứ Đức-Huệ còn chứng-minh hùng hồn cho thế-giới thấy rằng tinh-thần và khả-năng chiến-đấu của quân-lực chúng ta không thua bất cứ quân-đội tân-tiến nào trên thế-giới. Một số người thiển-cận và một số dư-luận báo-chí kỳ-thị của Mỹ cho rằng khi Quân-đội Mỹ rút đi khỏi Miền Nam Việt-Nam thì Quân-lực VNCH thiếu tinh-thần chiến-đấu đưa đến việc mất Miền Nam Việt-Nam. Nhận-định này là vô-lý và hoàn-toàn sai sự-thật. Mất Miền Nam Việt Nam rõ-ràng là vì quân ta thiếu phương-tiện chiến-đấu chứ không phải thiếu tinh-thần chiến-đấu.
Sinh Tồn chuyển
No comments:
Post a Comment