Wednesday, September 7, 2022

Người Lính Võ Bị - (Trần Công Đài K16/TVBQGVN)

- Người Chiến Binh Nặng Tình Nước, Đậm Tình Người -
-----------------
*** Bấm vào "Post a Comment" và bình luận,... 
 --------------------------------
 
  
... cho ai?
Trước hết, phải biết 2 chữ "Đà Lạt" ở trên muốn nói gì? Nếu chỉ đơn-thuần nói về 1 thành-phố Đà Lạt, nổi tiếng với hoa anh đào, với khí hậu quanh năm rất "lý tưởng", không nóng quá. Thường mát-mẻ. Thì chẳng ai muốn nghe tôi kể ra đây.
 
  Văn, thơ, nhạc quá phong-phú nói về Đà Lạt, thành phố sương mù.

Hai chữ trên đơn-giản là tiếng nói "thầm" đầu môi của hầu hết những "người lính" xuất thân từ quân-trường đào-tạo sĩ-quan hiện-dịch, với vài địa-điểm khác nhau, vài danh xưng khác nhau, nhưng bắt nguồn từ một mối.

Muốn biết thêm chi-tiết về quân-trường đó, độc-giả có thể lên online gỏ phiếm "Võ Bị Đà Lạt", sẽ có những bài viết về ngôi trường quân-sự đó.
  Và đặc-biệt hơn, ai muốn hiểu thêm chi-tiết, hãy vào blog sau :
 
Tôi viết 2 chữ "hầu hết" ở trên, vì dọn đường lui cho những bạn - tuy xuất thân từ Võ Bị Đà Lạt nhưng đã có những hành-động, thái-độ khước từ. Không ai ép!
Quân trường đào tạo sĩ-quan hiện-dịch này đã tùy tình-hình mà trước tiên thành-lập ở Huế, rồi di chuyển về Đà Lạt. Chính thức thì có 31 khóa. Về lịch-sử của trường - thì như tôi đã viết ở trên - độc giả nếu muốn, lên online thì tha-hồ có đủ loại tài-liệu.

Viết tiêu-đề trên "ĐÀ LẠT NGÀY VỀ" và blog đã được giới-thiệu, là ý tôi muốn cảm ơn một niên-đệ đang là owner của blog đó. 

  Chúng tôi là FB friends chừng nửa tháng nay, nhưng bạn ta đã nhiệt-tình giúp tôi đưa toàn-bộ những bài tôi viết từ 2 năm nay (2020-2022 - gồm 79 bài) vào blog. Độc-giả có thể - nếu muốn - đọc dễ-dàng các bài viết đó (tôi xin ghi ra đây blog đầy đủ) vào xem :

Phía trái xuất hiện "blog list", tìm blog nào thích thì bấm xem. Ví dụ (blog của tôi) :

Vậy thì, tôi trở lại phần đầu, "Đà Lạt Ngày Về" là niềm ao-ước của những đứa con cùng trường mẹ như đã nói trên - dù nay trên thực trạng, cơ-sở vật chất đã thay chủ - những đứa con đó vẫn duy trì mối tương-quan giữa họ và trường mẹ dưới các hình-thức :
- niềm nhớ khôn nguôi trong tâm tưởng, 
- kết chặt với nhau trong tình huynh-đệ giữa các khóa xuất thân từ trường, 
- dùng những kỷ-thuật tiên-tiến như email, FB, website, blog, v.v... làm những đầu cầu giúp họ duy-trì mối liên-lạc, 
- kết bạn và khuyến-khích họ biết đến quân-trường VBĐL để vinh-danh + đặt 2 nền Cộng Hòa của VNCH luôn trong sự tôn-trọng (và tưởng nhớ). VNCH vẫn còn sống. Sự sống không buộc phải là trong 1 body, 
- rất khó, nhưng đã có sự cố-gắng + nhẫn nại của những đứa con của trường mẹ, thuộc thế-hệ 1 muốn giao "đuốc" lại cho các thế hệ kế tiếp, - v.v...

Vậy, "NGÀY VỀ" chính là nỗi ao-ước mà chúng tôi đã phần nào viết ra ở trên.

( Lưu ý độc giả : khi vào blog, xuất hiện bên trái là BLOG LIST, tìm blog nào mình thích đọc, ví dụ, " Người Lính Võ Bị Năm Xưa - Trần Công Đài K.16/TVBQGVN) ")
(Stone Mountain GA - Sept. 13, 2022)

 
 
Đây là đề tài tôi chọn viết để kỷ niệm một thời điểm "rất đặc thù", vì nó để lại 1 âm hưởng, 1 dư hưởng "đặc quánh" không dễ loảng tan, hay biến thành hơi, khí mà bay mất.

  Tôi đã khởi viết vào ngày hôm qua. Vội xóa ngay. Vì lẽ hôm qua, theo thói quen người đời, được gọi "cá tháng tư". Một điều khôi hài như thế không thể xen lẫn vào "những chuyện của 47 năm trước" - liên quan 1 biến động lớn, tác động hết sức mạnh trên chính trị, xã hội, đạo đức, tập quán, văn hóa miền Nam VN kể từ sau tháng 4 năm 1975.

  Vậy, hôm nay viết.
Ngày 2 tháng 4, năm 1975, tôi vẫn từ Sài Gòn đi Biên Hòa.  Cứ sáng đi, chiều về như vậy đã gần 1 tháng nay.  Rời chức vụ tại Quảng Ngãi hôm 1/1/1975, tôi được cấp 15 ngày phép. Xong, đi Sài Gòn.

Về Sài gòn bằng máy bay thì mau. Hành lý không nhiều, hơn nữa tại căn hộ mua từ năm trước (1974), thuộc quận Phú Nhuận, đường Nguyễn Huỳnh Đức, đã có sẳn mọi vật dụng. Nhạc phụ, nhạc mẫu và 4 con trai của tôi đã ở đây. Vợ tôi còn đi dạy và đứa gái út mới sinh + căn nhà chưa bán được, nên còn ở lại Quảng Ngãi.

Phương tiện đi lại tại Sài Gòn rất dễ dàng. Đủ loại xe. Tuy vậy, con đường từ nhà đến Bộ Nội vụ, rồi từ nhà đến Bộ Quốc phòng, rồi từ nhà đến Bộ Tổng Tham Mưu, cả 3 hành trình này lại quá xa, mất gần 3 tháng.
Sau cùng, trung tuần tháng 4 về Tiểu khu Bình Tuy nhận nhiệm vụ, đã thấy ở đây quá vắng vẻ. Chiếc Chinook thả tôi và 1 vài quân nhân xuống sân Tiểu khu rồi vội vã bay đi. Đến Phòng Tổng Quản Trị, chỉ thấy 1 Hạ sĩ-quan ngơ-ngáo. Hỏi Trưởng Phòng đâu? Không biết. Cũng không gặp được Tỉnh + Tiểu khu trưởng. Thì tin tức nhận được, Phan Thiết mất. Bấy giờ khoảng hạ tuần tháng 4 (21-4-1975).

Thế là tản hàng. May mà gia đình xum họp. Vợ tôi + đứa con gái út được cháu Tài, người dạy kèm các con tôi suốt 4 năm nay, giúp đỡ,  đã an toàn rời Quảng Ngãi theo ghe biển về Vũng Tàu. Bỏ việc, bỏ nhà. Tuần sau thì Quảng Ngãi bị địch chiếm (khoảng 25/3/1975).

Kể từ lúc về Sài Gòn hạ tuần tháng 1/1975, tôi thường gặp bạn "nối khố" Lê Hữu Cương. Rồi từ Bình Tuy về lại đây vào những ngày cuối tháng 4/1975, tôi cùng Cương ngược xuôi tìm hiểu tình hình cho rõ hơn. VNCH dứt khoát cáo chung.

Cương cũng mới xin thôi làm việc với LM ? Viện trưởng Đại học Minh Đức. Gặp bất kỳ người thân quen nào, họ đều khuyên "tìm cách ra nước ngoài".
Bề ngoài, lý do đơn giản cho nền chính trị của VNCH (1954-1975) cáo chung, và QLVNCH tan rã, là việc mất Ban-mê-thuột khoảng 10/3/1975. Nhưng đó chỉ là "khói". Bề trong mới chính là "lửa", đã từ âm ỉ, rồi bộc phát lúc to lúc nhỏ, từ những năm trước. Đúng sai, thật giả thì đã có câu trả lời ngay chính từ "đồng minh thân thiết" của VNCH. Rất đơn giản, họ ngay từ đầu đã nặn từ đất nước VN (vốn đã là miếng bột của các siêu cường quốc tế) thành một nửa theo ý họ (miền Nam). Chừ, họ bán miếng bột đó với tiền lời lớn, thì tội gì họ không phủi tay? Hai mươi năm chỉ mất vài trăm tỉ đô-la, và hơn 5 vạn nhân mạng công dân của họ, thì "thấm béo" chi?

Chính trị ngoắt-ngoéo, ai muốn làm, ai muốn hiểu sao cũng được. Nhưng hệ quả từ nó thì xiết bao kinh-hoàng, khốn khỗ. Xã hội miền Nam VN sau 30 tháng 4 năm 1975 không biết làm sao mà diễn tả.

Cũng không cần nói đến "Bên Thắng Cuộc". Chắc chắn là vui quá, quá vui. Đến nỗi ăn quá no mà chết như Mười Vân (Đại Tá Công An Tỉnh Đồng Nai). Có người cười vui quá mà "đứt mạch máu" chết như ... (rất nhiều, tôi quên tên).

Nhiều hình ảnh của đời người, rút còn 3 sắc thái : - kẻ vui quá như đã nói ở trên, - kẻ buồn quá, là đa số gia đình "ngụy quân ngụy quyền" mất nhà, mất tiền của, mà thân nhân (cha, chồng, con ...) thì bị tù đày "không hẹn ngày về", - tất cả số còn lại.

Chuyện của hai tháng 3 và 4 năm 1975 thì bây giờ ai cũng biết. Rất nhiều, rất "Tang thương ngẫu lục" - chút khác-biệt, là "không tình cờ". Mà là có chủ ý : ý trời, ý người. Ai cũng có thể tìm kiếm trên online. Thế thì khi bài tôi viết "Mùa Xuân Nào Em Còn Nhớ", không chỉ ý nói về 1 nền chính trị cáo chung, cũng là muốn đề cập đến 1 tình người, 1 sinh hoạt xã hội phức tạp, 1 đối xử thô bạo, tàn ác của  những người, hở 1 tí là "đồng bào ruột thịt", 1 chút là "miền Nam trong trái tim tôi". Tim bẳng đồng bằng sắt, thì cũng như không!

47 năm trước. Người đã định đi tù thì đi tù. Hằng ngàn, vạn "kho" khổng lồ dân sự, quân sự đang được "tháo khoán", sẽ được vét sạch không lâu. Chuyện 16 tấn vàng được qui cho Cựu Tổng Thống Thiệu. Tiền tài, của cải ê hề. Thế là 1 ủy ban "đánh phá tư bản mại sản" từ Bắc vào Nam làm việc. Phải là từ miền Bắc mới "hiệu quả", mới "đáng tin". Ôm trọn gói!
Tất cả hiệu sách đều bị phong tỏa. Mọi sách của VNCH đều "đồi trụy". Chính sách "Tần Thủy Hoàng" được áp dụng! Vài tháng sau đó, sách cũ nửa kín nửa hở được bán trên mọi vĩa hè đường phố. 

  Rồi nhạc vàng, nhạc xanh.
Rồi đi kinh tế mới. Rồi chương trình văn hóa, giáo dục. Triết học là "xa xí phẩm". Ưu tiên là "luận lý Đảng". Văn hào, thi hào nay cũng được phân cấp, đứng đầu là Hồ Chí Minh. Leo trên cây đu đủ mà đái xuống cũng thành thơ, văn dạy trong trường. 47 năm trước!

  May mà Karl Marx & Engels không chết yểu, người trên 60, người trên 70 mới chết. Nếu sống vào thời kỳ 47 năm trước, nếu còn trẻ, chắc "cười vui" vì lý thuyết Mác-xít của mình thật giá trị, được áp dụng "thành công" mà cười vui quá khiến không đứt mạch máu chết, cũng trẹo quai hàm! Họ hãnh diện vì hiện nay chỉ còn VN, Trung quốc, và Bắc Hàn vẫn còn ôm "Tư bản luận", với đi sâu vào Mác-xít-thuyết. Họ cười mĩa Hegel, Kant, Socrate, v.v... Họ hỏi JC là ai, Phật Thích Ca rất xa lạ! Có lẽ họ thích "Hồi giáo" với Mô-ha-mét hơn. Chính trị, văn hóa 47 năm trước! Các phần khác chỉ 1 chút.

Chúng ta đau đớn thật nên chừ còn đau đớn. Dù đã 47 năm qua. Người ta quen miệng rồi, thì "con vẹt" lúc nào cũng chừng đó chữ. Nhà Tần "đốt sách, chôn học trò" chỉ có mấy đời tồn tại.

 
  
(Stone Mountain GA - April 2, 2022)
 ------------------------------------------

   
Cựu Trung Tá Nguyễn Xuân Phúc, Khóa 16 VBQGĐL, Lữ đoàn trưởng LĐ 369 TQLC. Ông đã cùng Cựu Trung Tá Đỗ Hữu Tùng, cùng khóa 16 VBQGĐL (Lữ đoàn phó LĐ trên) tử trận tại Non Nước, Đà Nẳng ngày 29/03/1975.

  Khóa 16 hiện còn sống khoảng 80 người trên tổng số gần 300 khi nhập học. Đều từ 80 tuổi trở lên. Rất tiếc, khi tôi vào xem 1 Group FB mới đây, thấy có bài viết ngắn nhắc lại Phúc cách hời-hợt. Họ đã già, viết không nỗi, hay quên Phúc rồi chăng? Mới có 46 năm từ ngày gãy súng, từ ngày Phúc, bạn ta vĩnh viễn ra đi, tôi không tin Phúc dễ bị quên lãng.

  Tôi cũng là bạn cùng quân trường, cùng khóa với Phúc. Đọc chủ đề về Phúc, trên Group FB nêu trên, với nội dung comment nghèo nàn như đã nói, tôi thật buồn. Phải viết. Phúc, không đáng được người ta nhắc thêm (một cách trân trọng) sao?
  Viết bài này, tôi cũng ao ước bạn tôi được nhắc mãi, muốn nhiều người chưa biết Phúc, thế hệ sau chưa biết Phúc, sẽ đọc biết về 1 chiến sĩ điển hình của 2 nền Cộng Hòa của Miền Nam VN - dù với kết quả thảm thương sau cùng - 

  Tôi ao ước nhiều người biết đến Phúc, không chỉ Phúc là bạn tôi, là cùng khóa với tôi, cùng ý chí + lý tưởng với tôi, là 1 chiến sĩ gan dạ, ..., mà là hơn tất cả thứ đó, chính là cuộc sống liêm khiết của Phúc, là tình chiến hữu luôn tỏa rộng từ Phúc, là tình đồng đội không phân cao thấp của cấp bậc, chức vụ trong cách đối xử của Phúc. Là tư cách của Phúc.

  Nhập học khóa 16 VBQGĐL, trong 8 tuần sơ khởi huấn nhục, tôi và Phúc cùng là Tân Khóa Sinh của Đại đội 1 TKS. Bối cảnh chúng tôi đa dạng, và Phúc đến từ 1 gia đình khá giả. Bố Phúc là cụ Nguyễn Xuân Dương, Giám đốc Nha Địa dư tại Đà Lạt. Phúc và các em đủ điều kiện học cao hơn. Phúc đã có tiếng học giỏi.

  Xong Tú Tài 2, lấy ngay Chứng chỉ Toán học đại cương (MG) - được xem cửa ải khó nhất cho việc hoàn tất bằng "Cử Nhân Giáo Khoa Toán" (các chứng chỉ phải thêm là, Calcul Différentiel et Intégral, Mécanique Rationel, và Physique ou Chimie Général). Nhưng không. Phúc "xếp bút nghiên", chọn binh nghiệp. Hai anh em, Phúc và em là Nguyễn Phú Thọ, đều nhập ngũ, cùng vào học khóa 16 tại Đà Lạt.

  Học trong quân trường VBQGVN (đổi tên từ 7/1959 từ tên cũ Võ Bị Liên Quân Đà Lạt), môn Văn Hóa là chính với 9 tháng học trong năm, và môn Quân Sự chỉ 3 tháng, Phúc rất xuất sắc. Sau hơn 3 năm thụ huấn, Phúc đỗ Á-khoa (Bùi Quyền đỗ Thủ khoa).

  Võ Bị Đà Lạt đào tạo sĩ quan hiện dịch. Nghĩa là suốt đời bọn tôi là "nghề lính". Vinh cũng là lính, và nhục (mất nước) cũng là lính. Và sống cũng là lính (như bọn tôi còn sống hôm nay), và chết cũng là lính (là các chiến hữu đã ra đi - có Phúc).

  Sau 37 tháng quân trường, chúng tôi vẫn còn nao nức với nghề mình đã chọn. Tương lai chúng tôi là nghiệp lính + được un đúc 1 lý tưởng, vì vậy ai nấy đều chấp nhận gian khổ, hiểm nguy làm tâm niệm cho con đường mình đang và sẽ đi. Quyền chọn Nhảy Dù, thì Phúc lại chọn Thủy Quân Lục Chiến. 

  Suốt 12 năm ra đơn vị, Phúc từng bước đi lên bởi sức mình và đồng đội, và bởi chính máu mình đã đổ. Huy chương đủ loại đều nhiều, nhưng Phúc chỉ nâng niu những "Chiến Thương Bội Tinh". Phúc từng nói rằng các huy chương khác đều có thể "mua được" (tuy pha trò nhưng cũng để ta có chút suy nghĩ về 1 thực trạng bấy giờ), nhưng chiến-thương-bội-tinh thì "không ai bán cho mình cả".

Với đàn em (tuổi lính), Phúc kiên nhẫn dìu dắt, nâng đở (Tô Văn Cấp, khóa 19 VBQGĐL đã có bài viết dài về Phúc vài thập niên trước). Với thuộc cấp như HSQ, Binh sĩ, Phúc luôn hỏi thăm, chăm sóc - nhất là đời sống gia đình họ, vật chất cũng như tinh thần.
  
Biết rõ hơn về Phúc, nhất là khả năng kinh tế của Phúc, chắc chắn có nhiều người (còn sống, khỏe mạnh). Tôi chờ tiếng nói của các bạn. (Các bạn, chúng ta đã không có cơ hội tiễn Phúc + Tùng khi 2 bạn chúng ta ra đi không lời từ giả vào ngày 29/3/1975, thì tiện bất cứ khi nào có thể, chúng ta hãy vinh danh bạn mình. Phúc đáng được nhắc đến, và nhắc đến mãi. Rất mong).
(Stone Mountain GA - Sept. 27, 2021 edited on Sept. 10, 2022)

 
 
14. MÁI NHÀ XƯA
"Mái Nhà" ở nước ngoài - nhất là ở Mỹ, có tính cách thực dụng. Gia đình chúng tôi qua Mỹ, 8/1992, ở California (92-94). Hai tháng đầu với thủ tục nhập cư + nhận trợ cấp tạm sống trong 1 căn nhà thuê tại Mountain View, CA. Quy chế cho phép chúng tôi nhận trợ cấp trong vòng 8 tháng. Nhưng phần đông đều kiếm việc làm, tự túc sớm hơn thời gian trên. Tôi có việc làm vào cuối 1992, và vợ tôi cũng có việc qua nhận đồ may gia công. Các con cũng có việc làm part time + học ESL + ghi tên college (qua chương trình financial aid). Cho tiện việc sinh hoạt, chúng tôi chuyển đến quận hạt Santa Clara, thành phố San Jose.

  Vậy là 1 "Mái Nhà" - dù là nhà thuê - qua đi cho tháng ngày đầu bở ngở đất khách. Thuê 1 duplex khá dơ bẩn, chật chội chỉ được ít tháng, gia đình chúng tôi lại move về gần hơn, tiếp cận San Jose. Một ngôi nhà do 1 người Việt làm chủ, cho thuê với giá rẻ. Sạch sẽ, khang trang, và gần những nơi cần đến. 

  Đó là những "mái nhà" chỉ làm đầy trang "nhà cho thuê", ngoài ra không còn ý nghĩa nào khác. Thế rồi, một cuộc họp gia đình do vợ tôi yêu cầu. Ở xứ dân chủ, gia đình tôi mau mắn hấp thụ "tinh thần dân chủ" đáng khen này. Gia đình có 7 người, thì khi tôi phản đối : công việc ổn định, cả tôi và vợ tôi đều tối tăm mặt mũi - tôi 1 job tay phải (full time) + 1 job tay trái (bỏ báo) ... thế mà "các anh" (danh xưng tôi dùng cho các "ông con") cứ lóng ngóng đòi đi khỏi ngay đây. Các con : "Đây là ý của me". Bỏ phiếu, tôi được 1/7. Thua.

Chiếc xe thuê U_HAUL duy nhất, 3 người ngồi trước, 4 người ngồi sau. Không có đồ đạc nhiều, chỉ 1 chiếc nệm Queen + mỗi va-li áo quần và vật dụng riêng cho mỗi người. Hành trang chưa bao giờ thấy nhẹ hơn! Tài xế - trừ vợ tôi chưa có bằng lái - thì thay phiên nhau lái suốt 3 ngày, 3 đêm. Khởi hành từ Cali, nơi đến New York, và 9 tiểu bang khác phải đi ngang qua. Một hành trình gần 2,800 miles.

Ở Rochester, 1 thành phố nằm mạn Tây-Bắc cách thành phố NY khoảng 350 miles. Từ đây đến Thác Niagara - cũng là biên giới Gia nã Đại - Mỹ, khoảng 100 miles. Chúng tôi đến đây rồi thích và ở luôn hơn 4 năm tại đây. Việc dễ, lương giờ cao, nhà thuê rẻ. Rồi cũng vì công việc nên chỗ ở cũng thay đổi. Vẫn là nhà thuê.

Lại một cuộc họp "bỏ túi". Dù ai cũng có việc làm, nhưng thời tiết quá lạnh về đông, và mùa đông kéo dài gần 6 tháng. Mà dù tôi có hết sức phản đối cũng bằng số 0. Đa số tuyệt đối về phe "nữ chủ". "Nam chủ" là tôi, hết thất bại này đến thất bại khác, chỉ biết thầm than "hổ xuống đồng bằng, ... chúng khinh".

  Hai xe + 1 U-HAUL, đồ đạc lỉnh kỉnh chiếm gần đầy ắp các xe. Mới 4 năm mà thu hoạch cũng khá! Lái xe 1 lèo gần 12 tiếng. Các xe khác đổi tài xế, riêng xe tôi, chỉ 2 vợ chồng tôi, mình tôi thủ vững, không thay tay lái. Nhà Ca-li, nhà New York, vẫn thế. "Ra đi không tiếc thương, không vấn vương". Đến Georgia vào cuối tháng 10-1998 mới thấy tiếc. Đã 4 lần ngắm mùa thu NY (94, 95, 96, 97) chỉ muốn ngắm tiếp "Autumn In New York". Mà thôi, đằng sau khu apartment tại Norcross, GA cũng là những cánh rừng. Và rừng cũng vào thu. Cũng có những thảm cây (nhìn từ xa) vàng ối.

Ít tháng sau, mua nhà. Down 5%, dùng credit card trả với lãi suất thấp 3%. Hồi xưa tai "điếc" vì quen nghe đạn, bom. Nay có chi mà sợ? Hóa ra, trả tiền nhà mỗi tháng lại cao hơn thuê apartment. Còn thêm những tổn phí khác. Mà nợ thì hàng chục năm sau mới trả hết. Vậy có hơn chăng, chỉ là chút "tự do, thoải mái", và danh xưng "renter" biến thành "owner". Chỉ vậy thôi.

  Mua rồi bán, không luyến tiếc. Từng năm trôi qua, con cái thì cũng lập gia đình. Nhiều bất tiện khi ở chung với gia đình chúng. Tôi thích yên tĩnh. Thế là mua 1 căn Mobile Home (Manufactured Home) thích hợp với túi tiền, nhất là khi về hưu. Rồi gần 4 năm với chiếc nhà MH đầu tiên để rồi bán đi, để sống gần con. Đàn bà hay cảm tính, vẫn không muốn xa con. Thích là 1 đằng, nhưng giải quyết những phức tạp tế nhị đối với dâu là chuyện khác. Do vậy mới có chiếc nhà MH thứ 2 đã 5 năm nay. 

30 năm qua tại xứ người, những "Mái Nhà" - tôi tạm cho chúng cái tên này, chỉ theo thói quen đối với những tiện nghi ăn ở, tránh nắng, che mưa. Chỉ thế thôi. Cả hằng chục "Mái Nhà" trong suốt 30 năm này - có thuê có mua, có khiến chúng tôi là renter hay owner chăng nữa, thì từng cái, có được dùng lâu hay mau, đều đi qua và dường như mất hút. Chúng là đám "lục bình" âm thầm theo dòng nước trôi mà bị lãng quên.

Trong 1 bài viết trước với đề tựa "NHÀ ĐỔI CHỦ", tôi kể lại chuyện trở về thăm ngôi nhà cũ đã có từ 1971. Năm 2020 về thăm lại nhà này, thì cũng được biết nhà đã qua tay nhiều ban bệ của chính quyền Tỉnh. Tôi được người chủ quản ngôi nhà cho phép chụp tấm ảnh kỷ niệm. Và tôi cũng kèm theo đây (1) ảnh chụp ngôi nhà đầu tiên mua được tại xứ người, (2) ngôi nhà tranh, chụp với con gái út trước khi giả từ VN và đi Mỹ, (3) chiếc nhà MH đầu tiên, (4) chiếc nhà MH hiện ở, (5) ngôi nhà xưa, 1971, (6) nhà cũ đã đổi chủ, chụp 2020, có mặt vợ tôi, 1 con dâu, 1 cháu gái, 1 "bà lão" là em vợ tôi.

Tôi thích các bài hát : "Trở về mái nhà xưa", "Về mái nhà xưa", "Trở về", "Trở về thôn cũ", v.v... Đó là nền văn hóa nước Việt, từ ngàn xưa đến ngàn sau, vẫn không thay đổi. Âu, Mỹ không có nền văn hóa giống như nền văn hóa nước tôi. "Mái Nhà" mà tôi muốn nói đến là "tình quê hương" luôn ấp ủ trong tim người Việt xa xứ. Dù rằng quê hương lắm đổi thay, nhà cũ có chủ mới, dù bề ngoài coi như xóa sạch, nhưng "hồn quê" còn đó. Không ai có thể lấy mất khỏi tim ta!

 
13. DẪU LÌA NGÓ Ý CÒN VƯƠNG TƠ LÒNG
Muốn nói lên lòng tiếc nhớ của mình, tôi suy nghĩ mãi đề tựa nào thích hợp. "Nuối Tiếc" ư? "Tiếc" thường song hành với "Thương", sao ta không chọn "Thương Tiếc"? Đây là 1 loại tình-cảm - không  lưu lại trước sau cùng 1 cường độ - tuy có vương vấn, miên man nhưng không nói lên được tính mạnh mẽ của ý chí, giận hờn. Hay phải dùng từ ngữ nào khác để thể hiện được một loại tình cảm?

Là thứ tình cảm có "độ dày", không chỉ của riêng mình. Nhiều người cũng có giống vậy. Là hằng ngàn, hằng vạn. Cũng có thể là hàng triệu người nữa đó!
"Nhạc Vàng" xưa, "Miền Nam" xưa, QĐVNCH xưa, VNCH xưa, "quê" cũ, "nhà" cũ, "mái nhà" xưa ... thì không chỉ mình tôi thốt ra lời tiếc nhớ. Chỉ trừ những ai "có mới nới cũ". Hay những kẻ "đi dạng 2 chân", thời nào cũng được, nơi nào cũng được, miễn là vật-chất đủ, thừa.

Thành ngữ Hán-Việt "Ngẫu đoạn ti liên", mà Nguyễn Du mượn để tả cảnh Kiều nhớ Thúc Sinh : "Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng". "Ngó" là ngó sen (không phải là nhìn, ngó). Nghĩa của thành ngữ trên là : ngó sen tuy gãy, nhưng dây (tơ) còn vương.

Trước kia, khi đọc "Việt Nho" của Kim Định, tôi để ý đến 2 nghiệp : Đế và Hoàng. "Đế" là cướp bóc, xâm chiếm (đế quốc), là "bá đạo". "Hoàng" là "vương đạo", dùng Nhân để trị quốc.

  Dân miền Bắc có khuynh hướng "nam tiến". Miền Nam luôn bị xâm lăng. Tam Hoàng của Trung Hoa sử, có Thiên Hoàng, Địa Hoàng, Nhân Hoàng. Hoàng Đế là vị vua lập truyền thuyết "Đế" (cướp). Ông lấy tên "Hoàng Đế" là muốn phối hợp 2 phép trị nước Hoàng (vương đạo) và Đế (bá đạo). Vậy các đời tiếp nối (Chuyên Húc, Cốc, Nghiêu, Thuấn) cùng với Hoàng Đế lập nên "Ngũ Đế".

  Miền Bắc thắng nhờ bạo lực, miền Nam thua nhưng khiến Bắc bị đồng-hóa bởi văn minh, văn hóa, đạo đức của mình.
Dài dòng như trên là ý tôi muốn nói, từ lịch sử (Trung Hoa và VN) qua hằng ngàn năm gần như cho 1 thông lệ : Bắc lấn Nam. Và điều này khiến ta có 1 suy tưởng : vận mệnh. "Vận nước mệnh trời".

Hàng ngàn, hàng vạn, hàng triệu người có cái buồn giống như nỗi buồn của tôi, là như "ngó sen" bị cắt đổ, mà những tia tơ trắng vẫn còn "bịn rịn" níu kéo, tiếc cho sự cách chia. Phần ở lại thản nhiên, nhưng phần buộc phải rời bỏ, luôn luyến tiếc.

Tôi loại trừ những người "bên thắng cuộc" khỏi số người trên. Tôi cũng loại trừ những kẻ biết rõ "thế chiến quốc", nắm quyền trong tay - với kết quả miền Nam VN ngã nghiêng, sụp đổ - họ đã không ít thì nhiều góp phần cho "cái chết" đau thương đó. 

Tôi cũng loại trừ luôn những người, những tập thể đã âm thầm hay công khai giúp kẻ xâm lấn, dù với bất kỳ lý do nào. Và còn rất nhiều thành phần, cá nhân hay tổ chức mà cứu cánh của họ chỉ là vật chất, tiền tài và những vui thỏa riêng.

Họ là những người từng là cánh chim buộc lòng xa xứ, hết lần này đến lần khác. Vốn họ chỉ mong sống yên ổn với hạnh phúc bình thường. Kẻ cướp đã trắng trợn "vừa ăn cướp vừa la làng", vu cáo họ với tội của ông bà, cha mẹ. Tội sở hữu nhiều đất đai, từ "địa chủ" đến "đại điền chủ", rồi "ác ôn". Và những tội khác : phản động, ...

Thái độ của Kiều có tính cách cá nhân. Mềm yếu, luôn nhượng bộ. Ý của thành ngữ Hán-Việt "ngẫu đoạn ti liên" cứng rắn hơn. Là tiếc nhớ trong tủi, hận. Đã làm hết sức mình nhưng "mệnh trời" không thể đối kháng, và "vận nước" buộc phải nổi trôi. 

  Họ buộc phải từ bỏ. Là "hải âu phi xứ". Nhưng họ còn "tốt số". Họ có điều kiện được ra nước ngoài, nơi không-khí có lượng Ốc-xy "tự do" nhiều hơn tại cố hương. Chỉ là số ít, chỉ vài triệu người.

 Tôi muốn nghiêng mình trước 1 đại đa số khác "trầm lặng". Không trầm lặng không được : họ thiếu mọi thứ. Sau khi mất nhà, mất đất - không thân với "bên thắng cuộc", bị coi có liên hệ với "ngụy" - xếp ưu tiên trên 10, chỉ đứng trước NQNQ (ngụy quân ngụy quyền) trong công ăn việc làm, trong việc học hành của con cháu, thì họ thiếu nhiều cơ hội vươn mình. Không có điều kiện ra nước ngoài.
 
  Họ kém học nên nói không giỏi như nhiều kẻ "làm thiện nguyện" - những người này lén lút ôm vào túi "kết quả đại-thành-công", là các món tiền khổng lồ.
  Họ không biết cách như tôi viết trên FB, trên email, viết sách "khoe khoang".

Dĩ nhiên còn nhiều dạng người nữa được gom vào "tập hợp" của những ai khi có tấm lòng - chính mình hay chính đất nước miền Nam VN ngày xưa, của trước 47 năm tự coi như phần "ngó sen" bị cắt rời.

Người đàn bà nước Trần (Trung Hoa, thời Xuân Thu) còn khóc vì đánh mất chiếc trâm bằng cỏ bồng. Khóc vì "thiên đường" bị mất là điều đương nhiên, nhưng nhiều người trong số tôi nhấn mạnh ở trên, đã khóc vì quá khứ. Quá khứ không đơn giản là "tiến trình thời gian", mà vì nó ôm theo nhiều bất đồng. Ai đã được, ai đã mất? Ai vui ai buồn?

Ngày nay, VN đã thống nhất. Lòng ai có uất ức, buồn tủi thì cứ việc. Lòng ai còn lưu luyến ngày cũ thì cứ việc. Còn tôi, đất nước phồn vinh, hay lại chúi mình trong khói lửa, thì tôi e không có cơ hội chứng kiến thêm. Vậy chỉ muốn nhìn thật xa, và mong cố hương có được những thành quả như đã nói trong các bài trước.
(Stone Mountain GA - June 8, 2022)

 
 
(Viết để edit bài đã viết hôm 27/3/2022) - và bài này sẽ thay thế bài cũ (bài cũ đương nhiên bị xóa)
Hôm nay lên FB - trước mặt là ly cà phê sữa. Những Group, Page - những tên người cứ theo ngón tay tôi mà lướt lên. Bấm "like" một số chủ đề. Vài comment. Vào FB một Group quen thuộc, đọc 1 chủ đề : "Yesterday at 8:09 - Hằng năm cứ vào ngày 26 tháng 3 giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế, tất cả các khối học sinh từ cấp 1 đến cấp 3 từ thành thị tới thôn quê đều tổ chức hội trại học sinh. Có những trường thì cho tổ chức cắm trại cho học sinh trước 1 tuần, có những trường thì cho học sinh cắm trại cùng ngày 26 tháng 3 chào mừng giải phóng quê hương".

Cà phê thực chất vốn đắng, nhưng rất nhiều người thích nó. Chính là thích uống, thích nhấm nháp. Tôi cũng đã nhiều lần uống cà phê Starbucks, mùi vị thơm ngon của loại cà phê này đã biến vị thành dễ chịu.
Suốt 12 năm kể từ lúc tôi nghỉ việc ở tuổi 70 thì sáng nào vợ tôi cũng làm 1 ly cà phê sữa cho tôi.
  "Sữa" là sữa bột "Nestle - coffee mate". Cà phê thì "Columbian product". Cả 2 thứ đều mua tại Costco. Mỗi tháng hết 2 pound sữa bột và 3 pound cà phê. Còn đường thì chỉ dùng đường hóa học SPLENDA đã gần 20 năm nay. Cứ vậy mỗi sáng.

   Đắng miệng nhưng không đắng lòng!
Tôi đang ráng nhớ mình lần đầu uống cà phê từ bao giờ. Thời học sinh, đôi lúc do bạn mời mọc hoặc có khi có tiền, cũng có thể có dịp uống cà phê, nhưng tính tôi "hảo ngọt" - nhất là ở Huế bấy giờ nổi tiếng về chè - nên tôi chỉ thích chè. Chè đậu ván, chè đậu xanh (có mấy loại), v.v... "Đậu hủ" với đường đen (thắng thành nước đường + chút gừng) từ những gánh bán hàng rong (thật hết sẩy!)

Mà sao tôi lại nói về cà phê? Sao tôi lại kể thời học sinh? Ở Huế? Thật tình trong thâm tâm tôi có suy nghĩ rằng, kể từ thuở "tò mò" học trò, rồi lớn lên và trưởng thành hơn -  thì những thức ăn, thức uống không đơn thuần chỉ là "bổ dưỡng" thân thể, mà còn thể hiện một khuynh hướng suy nghĩ, tâm lý, đối xử nữa.
Tôi không muốn nói đến những người quá "đặc thù", suốt đời chỉ muốn "ăn lạt", "ăn chay" - chỉ uống nước (trắng, thường) đun sôi mà thôi. Có nhiều người thích uống cà phê, trà, rượu, bia, v.v... Nhiều người chỉ thích trà. Chỉ thích rượu. Có người thích "đủ loại". Riêng phần tôi, có phân biệt. Thời học sinh chỉ "hảo ngọt", thích "chè". Những thay đổi, tôi sẽ tùy lúc mà giải thích.

Chỉ khi nhập ngũ, chân bước vào trường VBQG tại Đà Lạt, tôi mới làm quen với cà phê. Hai tháng đầu, dù trong trường có câu-lạc-bộ, tôi vẫn không  thích cà phê. Nhớ ra điều này, tôi sáng mắt ra mà suy rằng mình chưa từng uống cà phê trước kia (nghĩa là thời học sinh, ở Huế). Khám phá đó khiến tôi khen tôi quá. Bộ nhớ của mình thật super! Tôi vỗ vào đầu mà khen nó : "còn tốt".

Cuối 1959 (23/11) nhập học quân trường VBQG tại Đà Lạt - qua 2 tháng (8 tuần sơ khởi) chỉ bị "hành xác" theo "thủ tục". TÂN KHÓA SINH không dám "hưởng thụ", chỉ biết "vâng phục, tuân lệnh" không cần biết lý do. Rồi, đầu 1960, thư thả hơn khi Alpha được gắn, và được vào qui chế "chính thức". Ta có thể "dạo phố" (nếu không đến phiên trực, hay bị kỷ luật).

  Thế là tôi cũng như các bạn cùng khóa, "bát phố". Theo các bạn lần đầu dạo phố Đà Lạt đầu xuân (dương lịch). Ngoài những tiệm phở, hai tiệm cà phê "Kinh Đô" và "Tùng" đều đầy "phe ta". Bây giờ tôi không thể nhớ cảm tưởng của mình lúc ấy, khi bắt chước bạn, gọi ly cà phê đen. Nhưng mà chắc chắn đắng. Cà phê rõ ràng đắng!

  Vị đắng lúc nào vẫn còn với cà phê, nhưng uống quen dần, ta sẽ không còn thấy "khó chịu". Thì cũng như chất "cay nồng" của rượu - nhất là rượu "đế" với độ cao - vẫn có người ghiền. Nên ghiền cà phê cũng là một cách nói.

Thế là trong óc tôi nảy sinh 1 suy nghĩ. Còn trẻ, người ta hay nóng nảy, hành động thiếu suy nghĩ. Chỉ thích người khác khen mình, không chịu bị chê ... Nên tôi "hảo ngọt". Hoặc giả, đã quá quen, nên ghiền - hay, bị người khác thuyết phục, hết ngày này đến ngày khác, khiến ta thiếu suy xét. Than ôi, đã thành "quán tính" với độ cao "đỉnh", đến nỗi "vị giác" nguyên thủy của ta đã "không còn chính của nó nữa". Đó là cách "trồng người 100 năm của Bác Hồ kính yêu"!

Trở lại việc đọc trên FB một chủ đề viết hôm qua mà tôi trích 1 đoạn, nói về học sinh Huế những ngày giải phóng quê hương của họ là Thừa Thiên Huế vào ngày 26 tháng 3 hàng năm.

  Cô học sinh viết đoạn văn đó, nói lên nỗi lòng, suy nghĩ trên vị trí của 21 năm trước, từng là học sinh lớp 4. Nghĩa là lúc ấy, cô chỉ khoảng 10 tuổi - hẳn cô ta sinh vào 1990 trở về sau. Thì cô ta kinh nghiệm gì về chiến tranh VN? Đâu là sự thật?

  Ai cảm thấy đắng thì cô không biết, còn cô - con đường từ 1990 đến nay (2022) đầy "hoa thơm cỏ lạ", là "Thiên đường Cộng Sản" đúng nghĩa. Cháu ơi, cứ đi tiếp 6, 7 chục năm nữa đi, cho đủ 100 năm trồng người của bác Hồ, rồi viết tiếp!

Chuyện những tháng ngày của các tháng 3, 4 năm 1975 thì đã có 3 khuynh hướng rõ rệt :
(1) Bên Thắng Cuộc thì gọi là ngày "giải phóng quê hương" (còn bảo giải phóng khỏi Mỹ thì cần phải đặt lại vấn đề - chính họ + Mỹ cuối cùng hầu như là 1 phe, và Mỹ đã theo cam kết rút quân từ 1973 rồi - hơn nữa, nhiều người khác lại nói, "Bên Thắng Cuộc" chưa giải phóng quê hương khỏi Tàu - nghĩa là chưa giải phóng trọn vẹn), 

(2) Bên Thua Cuộc không đặt vấn đề cách gọi của bên kia, chỉ tự mình đặt cho nó cái tên "Tháng Tư Đen", hoặc vài tên khác tương tự - và sinh viên VN du học tại Pháp đã chít khăn tang trắng 3 ngày trước khi VNCH hoàn toàn sụp đổ, 

(3) Tôi tôn trọng khuynh hướng thứ ba - ai thắng ai thua, thì những người này (họ đứng giữa, chịu đựng nhất, tổn thất nhất) chính là nạn nhân đúng nghĩa.
Vậy, cảm thấy cà phê "đắng" có 2 trường hợp : (1) đắng nhưng vẫn cảm thấy dễ chịu, (2) đắng trong đắng ngoài - đắng cách khó chịu.

Tưởng đã quen và thích cà phê, thế nhưng 1 ngày đầu tháng 11 của năm 1963, tôi và 2 bạn thân : Cương và Gioang - từ 1 quán bar tại Đà Nẵng cùng ngậm ngùi. Hai tên kia đều dùng bia. Tôi uống cà phê đen. Thường thì tôi cũng uống bia như các bạn. Tôi không muốn say để quên. Tôi muốn cảm sự đắng để còn "tỉnh táo" nhìn.

  Nhưng đã quên nó đắng, thì nay cà phê trở nên đắng, và đắng hơn - ngoài thực chất chính nó. Đệ Nhất VNCH cáo chung với cái chết của 2 anh em họ Ngô Đình.

Cà phê thì vẫn uống, rồi cũng nhiều lần "đắng trở lại". Những xáo trộn trong nội bộ lãnh đạo VNCH những năm sau 1963, bàn cờ thế giới đổi thay mặc cho sự bóp thả trong bàn tay các siêu cường. Cuối cùng, cà phê "không đường" suốt các tháng 3, 4 của năm 1975 cho "Bên Thua Cuộc".

"Bên Thắng Cuộc" không uống cà phê. Họ "quá no" vì vật chất cướp, lấy được từ cả miền Nam VN đã giúp "Tư Bản Đỏ" có vài chục Tỷ Phú đô la Mỹ (trên danh sách thế giới), hàng ngàn "đại gia", tiền liên tục chất đầy các nhà băng Thụy Sĩ, và nhiều hình thức khác. "Bên Thắng Cuộc" chỉ "say máu quân thù", và chỉ biết "uống ... quân thù"

47 năm sau. 1 đoạn viết ngắn - thật vô tình - của 1 cô gái, vốn đơn thuần. Cô ta cũng không hẳn trong phe "Thắng Cuộc". Ngược lại, cô ta đang khốn đốn vì cuộc sống hiện nay.  Đối diện những bất công - và đang lên tiếng thở than.

(Stone Mountain GA - March 27, 2022, edited on June 28, 2022)
 -----------------------------------------
 
 
 
Cũng không phải mãi đến ngày 30/4/1975, khi Tổng Thống "ít hôm" Dương Văn Minh tuyên bố "đầu hàng", quân nhân các cấp của QLVNCH mới buông súng.
"Tinh thần" bỏ súng đã có, khi Ban-mê-thuột mất. Có từ thượng tầng. Không hiểu sao, tinh thần này lại bắt nguồn từ vị lãnh đạo cao nhất của VNCH. Không có câu trả lời chính xác.

  "Tinh thần" bỏ súng hẳn đã có với Cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, khi sơ khởi, ông là người đầu tiên biết rằng Mỹ sẽ bỏ Miền Nam VN - nghĩa là khi Mỹ thay đổi chiến lược toàn cầu của họ.
Vậy thì cuộc chiến tại Miền Nam VN những năm 71-75, quân nhân cấp dưới lăn lộn, quyết đấu, hy sinh ... chỉ là "đơn giản" dưới cái nhìn ái ngại từ thế lực bên kia Thái Bình Dương, và dưới tâm tư "dằn vặt" của vị Tổng Tư Lệnh QLVNCH. Ông đã thấy được hậu quả của chiến lược Mỹ thay đổi.

  "Nhìn ái ngại", khi dùng mấy chữ này, tôi đã thầm cảm ơn một nhóm người Mỹ "thiện tâm". Họ cũng thương cho số phận VN. Mà không phải tất cả. Cả 1 đa số + những kẻ biểu tình "phản chiến" tại Mỹ đã không chút thương tiếc chi dân VN, quân sĩ QLVNCH. Không những thế, họ còn "nguyền rũa", trách móc cuộc chiến đó đã lấy đi sinh mạng của hơn 5 vạn người thân của họ.

Này An Lộc, Kontum, Cổ Thành Quảng Trị. Bao nhiêu ngày đêm giành giựt từng tấc đất An Lộc. Từng tấc Cổ Thành Quảng Trị đổi lấy bao nhiêu sinh mạng người lính VNCH. Kontum kiêu hùng, Nguyễn Đình Bảo với Charlie, với bài hát để đời cho người ở lại.

Hơn 1 tuần tại Bình Tuy, tôi chỉ gặp Đại úy Triệu, thuộc Ty ANQĐ. Chúng tôi biết nhau khi cùng làm việc tại Quảng Ngãi những năm trước. Những ngày đầu tại Bình Tuy, tôi vào Tiểu khu mà "không gặp" những giới chức cần thiết. Gặp Triệu loanh quanh trong sân Tiểu khu. Đương sự nhìn ra tôi và gọi tên tôi. Triệu cho biết Phòng Tổng Quản Trị tạm đóng cửa. Vì không còn ai.
  Tôi nhờ Triệu chở tôi đến Trung Tâm Hành Chánh Tiếp Vận của TK để nhận lương. Tôi chưa có lương từ tháng 1/1975. Lương và hồ sơ cá nhân "chạy" không kịp tôi. Tôi ăn lương Tỉnh Quảng Ngãi. Rời Quảng Ngãi, trình diện Bộ Nội Vụ đầu tiên, thì lương chuyển về Bộ Nội Vụ. Tiếp, trình diện Bộ Quốc Phòng, lương chạy theo. Về Bộ Tổng Tham Mưu, lương chạy nước rút. Về Quân đoàn/QK III, chờ hơn 1 tháng ở đây, lương chưa tới. Về Tiểu Khu Bình Tuy, hỏi thử. Chắc là lương "mắc đổ xăng", nhưng câu trả lời "hiệu quả" nhất chính là, doanh trại TTHCTV đóng cửa kín mít.
Tôi ở tạm căn phòng thuê của Triệu ngoài phố. Triệu cho biết tuần trước, dân + lính chạy loạn về Bình Tuy rất nhiều. Có Tướng Nhựt và nhiều đơn vị của Sư đoàn 2 BB, của BĐQ. Những ngày đầu có cướp bóc ... nay tạm yên. Triệu chở tôi xuống chỗ tạm đóng quân của SĐ 2 và BĐQ.

  Tôi gặp Thiếu úy Thứ, làm việc tại BCH/BĐQ/V1CT. Trước kia Thứ là Trung sĩ I thuộc BCH/B20. Thứ di tản từ Đà Nẳng, đem theo chiếc Honda "dame". Tàu hải quân chuẩn bị bốc người về Vũng Tàu. Thứ hối hả không biết giải quyết chiếc xe Honda ra sao. Thấy tôi, Thứ giao mọi giấy tờ chủ quyền. Nếu còn gặp lại nhau thì tôi giao xe lại, nếu không, tôi toàn quyền. Tôi ghi địa chỉ của tôi tại Sài Gòn cho Thứ. Thế là chia tay.
Hôm sau, tàu và người đã rời Bình Tuy. Có tin Hàm Tân đã bị địch chiếm. Tôi đã rời nhà Triệu tối qua, và đến nhà A Tỷ, một người Tàu Chợ Lớn, đàn em (lính kiểng) của Triệu. Nhà ở sát bờ biển. Người ta ào ạt tìm thuyền rời Bình Tuy. Đổ đầy xăng chiếc xe Honda của Thứ, tôi chở A Tỷ dọc bờ biển đến 1 địa điểm khá vắng, kín đáo.

  A Tỷ là 1 thương gia buôn đồ biển. Cậu ta đã thuê sẵn 1 chiếc ghe máy. Chỉ có khoảng 10 người trên ghe, chờ chúng tôi.

Ghe máy đến Phước Hải, Vũng Tàu an toàn. Ở lại đây qua đêm. Làng chài tại Phước Hải cũng rục rịch. Sau này tôi mới biết, cả làng chài Phước Hải đều là công giáo, họ đã dùng thuyền bè vượt biển hầu hết cả làng.
A Tỷ chở tôi. Hành trang gọn, nhẹ. Chúng tôi đều mặc dân-phục. Nhiều trạm xét, nhưng cả hai đều có đủ giấy tờ hợp lệ. Ghé qua căn vườn tại cây số 74.5 mà tôi đã mua năm ngoái, hỏi thăm cha mẹ vợ (đang coi sóc vườn) về tình hình ở đây. Chúng tôi tiếp tục chạy về Sài Gòn.

Đưa A Tỷ đến nhà tại Quân 5, tôi về nhà tại Quận Phú Nhuận. Đã là ngày 21/4/1975. Mệt quá, nghỉ ngơi, và ngủ vùi.

  Gần 4 tháng qua, tôi chưa nhận đơn vị. Chưa được phát vũ khí, quân trang quân dụng. 

Hôm sau, tội vội đến nhà bạn thân, là Lê Hữu Cương. Ở quận Tân Bình (hình như đường Thoại Ngọc Hầu). Cương có nhiều bạn tại Sài Gòn. Chúng tôi cùng nhau đi thăm hỏi tình hình. Hình như Tổng Thống Thiệu vừa từ chức.

  Quanh qua La Pagode, Brodard, trước Quốc hội, trước Caravelle, từng nhóm người lớn tiếng bàn thời sự. Công khai chỉ trích chính quyền, chỉ trích nhiều nhân vật ...

Tôi tìm Đức (là Phạm Đức, con ông Phạm Tự - Ty trưởng Nội an Quảng Ngãi). Đức đã cho tôi biết chỗ làm việc. Chúng tôi vẫn duy trì liên lạc, sau khi Đức rời Quảng Ngãi năm trước. Đức đang là Sĩ Quan Cảnh Sát, làm việc tại phi trường Tân Sơn Nhất.

  Bây giờ là 24/4/1975. Thiên hạ quanh tôi đều chú tâm một việc : làm sao ra nước ngoài. Đức rất thích tôi. Và nói rõ chương trình ít ngày tới. Vợ chưa cưới của Đức là Tiếp viên hàng không VN. Cả 2 đều có thể rời VN bất kỳ lúc nào, kể từ hôm nay. Tôi nói về ý định ra nước ngoài của mình cho Đức. Đức offer tôi 4 chỗ. Thời gian để quyết định là từ 25-27/4. Chỉ trong 3 ngày này, tôi có thể rời VN.

Chiều tối 25, Đức đến nhà tôi. Đức và bạn gái sẳn sàng rời tối nay, nếu tôi quyết định. Tôi cho Đức biết, nhà tôi có 7 người (2 vợ chồng + 5 con), biết ai đi ai ở lại đây? Đức ra về, hẹn chiều mai.

  Vợ tôi thúc giục tôi đi 1 mình. Bà không nỡ xa con, dù bất kỳ đứa nào. Thế là trong ngày, tôi đi đổi lấy 1 ít tiền đô-la Mỹ (khoảng 100 bằng tiền lẻ 5$, 10$), ít vật dụng vừa chỗ 1 samsonite xách tay nhỏ.
  Đức lại đến, xẩm tối 26. Rồi tôi lại đổi ý định. Đức bảo sẽ chỉ chờ đến trưa mai, nếu tôi không đến gặp Đức, và cho biết quyết định, thì Đức sẽ rời tối đó.
Đức và bạn gái rời VN đêm 27/4/1975. Cũng ngày này, Cương và tôi chạy tìm phương tiện, đủ chỗ cho cả 2 gia đình chúng tôi. Lần lượt 2 ngày sau, chúng tôi tìm mọi nơi, nhưng thất bại.

Thế là sau 30/4/1975, 2 đứa tôi : - 1 Cương thương-phế-binh đã giải ngũ, đã trả súng - và tôi, 1 quân nhân chưa được đơn vị nhận, chưa được phát súng - thì súng đã gãy rồi.

  Đón chúng tôi, chỉ là trại giam khổng lồ trên cả nước VN, từ Nam chí Bắc, từ Cà Mâu đến biên giới Việt-Trung. 

Tôi vẫn còn nhớ việc Thứ và chiếc xe Honda. Giao giấy tờ chủ quyền xe cho vợ tôi và dặn, khi nào Thứ hay người được Thứ viết giấy xác nhận, đến thì giao xe. Vài ngày trước khi đi trình diện "học tập cải tạo", thì Thứ đến. Ra đầu ngõ, Thứ mời tôi "ly sâm bổ lường". Rồi chia tay.
Kỷ-niệm thứ 47 ngày "gãy súng"!
(Stone Mountain GA - April 18, 2022)

 
10.1. MỘT ĐÀN ANH, MỘT CHIẾN HỮU
(Bài này đã viết từ năm ngoái, 2021, để nhớ đến 1 vị Niên trưởng đáng mến. Bài đã có tiêu đề "MỘT NGƯỜI ANH", nay tôi đổi thành "MỘT ĐÀN ANH, MỘT CHIẾN HỮU" như trên - và có viết dài thêm)

Anh tên Phan Tấn Mỹ, khóa 13/TVBQGVN. Chúng tôi biết nhau cách nay 8 năm (giờ là 9 năm). Dù cùng quân trường, nhưng chưa hề gặp nhau. Anh trước tôi 3 khóa. Khi khóa chúng tôi vào trường (1959) thì khóa anh đã ra đơn vị từ 1958. Theo truyền thống Võ Bị Đà Lạt thì các khóa đàn em đều gọi các khóa trước là "Niên Trưởng".

  Chúng tôi quen biết nhau khi cùng có đóng góp comment trên Đàn Chim Việt online khoảng 2013. "Tri âm" không đợi nghe giọng nói nhau cả đời như vợ chồng, hằng chục năm như anh em, cha mẹ, bạn thân, v.v... Tôi với anh chỉ 1 lần qua phone. "Tri kỷ" cũng thế?

  Trong những comment với diễn đàn trên, tôi dùng 1 nickname. Anh có viết 2 bài, trong đó có bài "Bão Nổi Lên Rồi" với tên Ý Yên. Anh cũng hay làm thơ và dùng biệt danh đó.

"Qua rừng chợt thấy rừng vàng ối
"Thảm cỏ loang màu triền núi xa
"Cây hỏi ráng chiều, chiều chẳng nói
"Này thu sang đó tự bao giờ?
"Từ lúc mây dâng xám nẻo trời
"Ngỡ ngàng theo lá úa rời ngôi
"Buồn đi xa vắng về lay gọi
"Tà áo thu qua chẳng trả lời
"Ơi một tình thu hay ý thu
"Xôn xao trên ngưỡng cửa sang mùa
"Từ ly hoàng cúc len hồng cũ
"Để biết quen nhiều cuộc tiễn đưa
"Qua rừng chợt thấy rừng vàng ối
"Cỏ đã che mờ vết chiến xa
"Khói lửa đã tàn, thu vẫn đợi
"Vẫn một hành trang : nỗi-nhớ-nhà ""

(Ý Yên - Một Lời Thu Gọi - Bài 11 - SJ. 14-VII-2013)
Bạn tôi - Bùi Quyền - đến Atlanta có việc, cùng thăm tôi, 2013. Anh Phan Tấn Mỹ - theo yêu cầu của tôi - nhờ Quyền đưa cho tôi 11 bài thơ, anh mới làm. Tôi thật ái ngại vì đã không hỏi chi tiết về những tập thơ anh đã làm, đã cho in. Anh giỏi tiếng Anh. Một số bài được viết dạng song ngữ (tôi chỉ đưa lên bản tiếng Việt).

Vào ngày 30/4/1975, anh còn chiến đấu (là Tiểu đoàn trưởng thuộc SĐ 18 BB). Chỉ buông súng khi Cựu Tướng Dương Văn Minh, Tổng Thống "vài ngày" của VNCH kêu gọi đầu hàng "Bên Thắng Cuộc".

  Qua trao đổi, mới biết anh cũng đến Nghĩa Lộ, Yên Bái vào 1976, một lần với tôi. Cùng chuyến tàu thủy, cùng 2 chuyến tàu lửa (1 từ Bến Thủy, Vinh đi Hà Nội - 1 từ Hà Nội đi Nghĩa Lộ).

Anh cũng qua Mỹ cùng năm với tôi. Thế mà khi cùng ở San Jose, 1992, lại không gặp + tìm hỏi thăm nhau với anh.

  Gần 2 năm biết nhau trên diễn đàn ĐCV, mới từng bước biết nhau. Anh nhầm tôi với 1 bạn cùng khóa với anh. Người này cùng tên, họ, chữ lót với tôi. Là cháu họ gần của tôi (dù lớn hơn tôi 3 tuổi). Và tôi cải chính.
Một comment của tôi (11/05/2013 - ĐCV) viết "Thơ anh có hồn ... Mong anh thêm những bài thơ. Bỏ đi những chuyện thời sự ...". Không lâu, anh reply tôi "Cảm ơn bạn. Tôi như đang còn đứng trên đỉnh Langbian, nhìn ra 4 phương. Cũng như tôi đang ngồi bên song cửa của trại giam kia, nhìn ra ngày mai"
"Từ cửa trại giam "Hiện tại" nhìn
"Ngoài kia trời lặng nắng hoàng kim
"Tâm tư ào sóng lan vòng rộng
"Bắt gặp "Tương lai" chính lúc tìm "" (Ý Yên - 11/5/2013 at 11:06)

Chúng tôi có những thứ giống nhau. Là 1 quân nhân xuất thân từ quân trường Võ Bị Đà Lạt, ít nhất cũng có 1 lần đứng trên đỉnh Langbian (Lâm Viên). Ai tuổi trẻ không có những giấc mộng lớn? Họ, những sĩ quan trẻ đó, đã từng trên đường đời, lên 1 điểm thật cao, là đỉnh đồi, đỉnh núi ... mà nhìn về 4 phương.

  Rồi, "thua cuộc", rồi "súng gãy". Họ giống nhau : nghìn dặm lưu đày. Tôi đã từng "Sau song sắt, đón ánh trăng đêm rằm".

  Họ chỉ biết "Hiện Tại". Buồn cho "Dĩ Vãng", sợ "Tương Lai". Hà nhật quân tái lai? Tôi xin gửi đến mọi người bài hát "Ngày Nào Anh Trở Lại?". Chỉ mong tiếng hát của Đặng Lệ Quân.

27/5/2015 at 16:19, comment tôi viết (Đàn Chim Việt online) "Các bạn ... là những người đọc được bài "Khóc Ý Yên" của NTD. Bạn NTD khóc Ý Yên bằng 1 bài thơ, là những người sớm muộn có mối thân tình với Ý Yên. Tôi đọc từng chữ của những comment các bạn viết, không văn vẻ nhưng thấm thía trong tôi. Mới hơn 2 tuần trước, khi trò chuyện với NTD nhân bài Hoàng Hạc Lâu do Vũ Hoàng Chương dịch thơ, và có đề cập đến Ý Yên. Rồi 1 comment nào đó, bảo Ý Yên vừa bỏ cuộc chơi ..."

  Tôi sau đó hỏi Bùi Quyền, và được xác nhận anh PTM đã qua đời khoảng trung tuần tháng 5/2015. Anh là công giáo.

Những dòng này viết lên, thì lá vàng quanh nhà tôi đã đang rụng, chắc do "Thu phong". Bài thơ 4 đoạn trên của Ý Yên viết 8 năm trước (nay là 9 năm) nhắc tôi 1 "tình thu". Anh không cần phải viết "Vẫn một hành trang : nỗi-nhớ-nhà". Anh trở về tự bao giờ rồi. Là "Sinh Ký Tử Quy"!

Bài này để lưu niệm, nhớ về anh : 1 niên trưởng, 1 chiến hữu - tôi ghi lại 1 bài thơ khác, không buồn như bài "Một lời thu gọi" trên. Bài sau đây nói về "Pleiku, mùa chinh chiến"
"Phố hẹp đường vòng dan díu nhau
"Hàng cây trong gió bấc nghiêng đầu
"Bước đi chào bước về thân mật
"Tỉnh nhỏ thời gian chẳng đổi màu
"Khoác áo bốn mùa tôi đến đây
"Tình cờ tôi được chuốc men say
"Bốn phương trước lạ sau quen đó
"Góp lại niềm vui tỏa ứ đầy
"Thiếu nữ xem duyên trước kính đài
"Có mưa rây nhẹ làm run vai
"Nắng lên! Cho bụi hồng thoa phấn
"Cho áo người con của dặm dài
"Ta yêu tỉnh nhỏ, chim yêu rừng
"Cửa sổ đêm nào còn mở tung
"Phố xá làu tên tình quyến luyến
"Mời ta giang rộng đón tay vòng
"Mái ngói chạy dài ghé sát nhau
"Cao nguyên luôn ướp đậm hương màu
"Đèn vừa đủ sáng cho thư đọc
"Đủ sáng cho hồn không đêm thâu
"Bao số nhà ghi chiều chẵn, lẻ
"Bấy nhiêu tâm sự gửi cho em
"Hỡi người thanh nữ bên thành nhỏ
"Có cảnh đẹp nào không trái tim?
"Tôi sợ thời gian gây nhớ nhung
"Muốn yêu Hiện tại đến vô cùng
"Cố ghi âm lấy lời thầm ước
"Thu cả hương yêu tận đáy lòng ""

(Ý Yên - BÀI THƠ TỈNH NHỎ - Quà tặng Quê Hương)
Gần 6 năm rưỡi tính từ ngày anh qua đời. Với tôi, anh không chỉ là 1 đàn anh. Anh còn là bạn. Chưa tiếp xúc, nói chuyện với nhau nhiều, nên chưa là "tri âm". Nhưng hiểu anh, tôn trọng anh, và anh đã là 1 "tri kỷ" của tôi rồi! (Chớm thu 2021 - Stone Mountain GA - Sept. 23, 2021) 

Viết lại từ "MỘT NGƯỜI ANH" đổi thành "MỘT ĐÀN ANH, MỘT CHIẾN HỮU" - tôi ghi thêm 1 bài thơ nữa của anh, để giúp anh lưu niệm một thuở "Pleiku, mùa chinh chiến". Và cũng nhớ đến người đã mất, từ 7 năm qua (2015-2022)
(Stone Mountain GA - June 27, 2022)
 
 
10.2. MỘT HỘI NGỘ
Ngạc nhiên khi trao đổi câu chuyện với các bạn "Niên đệ". Bạn này bảo tôi đã 76, bạn kia 75. Tôi tự hỏi, hóa ra mình "còn trẻ?"

Có 3 niên đệ thuộc khóa 25 VBQG ĐL. Theo "tính nhẩm" thì họ phải nhỏ hơn tôi 9 năm. Các bạn "trẻ" của tôi, dĩ nhiên không trẻ chút nào. Vì rằng ngày xưa, họ đều là các cụ "thượng thọ" của những bậc thất tuần trở lên. Thế nhưng, gặp nhau đây, họ đều "hồi xuân". Dĩ nhiên đối với tôi, họ - ít nhất - rất kính nể. 

Các bạn trẻ này, ra nước ngoài, đều thành đạt. Trẻ, kiến thức rộng, học lực cao - họ dễ hội nhập và dễ thành công.

"Tình tự Võ Bị" là câu nói thường lặp đi lặp lại giữa những quân nhân xuất thân từ trường mẹ "Võ Bị Đà Lạt". Đến nay, "tình" đã lạt đi rất nhiều. Trong 1 bài viết mới đây của tôi trên Trang FB cá nhân - viết ngày 29/6/2022 - với đề tài "VẪN NÚI XANH, VẪN RÁNG CHIỀU HỒNG", tôi có nói về sự "hay thay đổi" và sự "bất biến"

Có phải Trang-tử đã kinh nghiệm nhiều về "tình đời" mà ông đã viết "Quân tử chi giao đạm nhược thủy"?
  Tác giả NAM HOA KINH chắc "chán đời"? Lúc thì quạt mồ vợ, để cỏ xanh sớm mọc cao, để ông an tâm "tìm người mới" - lúc thì "dở dở ương ương" không rõ mình là "bướm" hay "Trang sinh" đây?

Tôi và gia đình moving từ NY đến GA cuối 1998. Vội (1) tìm ngay các bạn đồng khóa (hiện ở GA) - mục này, tôi khi có dịp sẽ khai triển nhiều hơn - (2) tìm đến Thái Ồi Xiếng - cùng khóa, cùng Đại đội 1 SVSQ năm 1960, và nhất là hiện nay, bạn ta đang là Hội trưởng hội "Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Đà Lạt GA" - là chuyện 24 năm trước, là "vật đổi sao dời". Mong người "trường cửu", nhưng mấy ai tuổi đến 100?
Hội nào, tổ chức nào, đoàn thể nào mà không có bất đồng?

  Sinh hoạt với hội CSVSQĐLGA từ năm đó đến nay - dĩ nhiên có năm tôi không sinh hoạt vì lý do riêng - thì "tương đồng" vẫn nhiều hơn, và thắng "dị biệt".
Hôm qua, 2 vợ chồng tôi đến sớm nhà bạn Oánh. Bạn là khóa 30, đã thụ huấn tại Trường VBQGĐL 1 năm. Vẫn chưa phải là "đèn đỏ", vì còn khóa 31 mới gắn Alpha xong. Oánh mấy năm trước bị tai biến ? , và từng bước phục hồi - đã tình nguyện nhận nhiệm vụ "Hội Trưởng" đã khá lâu.

Tôi có lần viết về cơ sở Trường VBQGĐL - được xây dựng trên đồi 1515 từ 1960. Đầu năm 1961, chúng tôi (3 khóa : 15, 16, 17) từ vị trí trường cũ mà dời sang chỗ trường mới.

  Hơn 10 năm trước, tôi có dịp về VN - có lên thăm "ngôi trường cũ". Đã trở  thành "khu vực cấm", chỉ đứng xa xa mà chụp ảnh. Coi như trường cũ - không phải biến mất - mà đã được "đổi chủ". Thì cũng coi như "xong".

  Tôi biết còn rất nhiều người vẫn để lòng với quân trường cũ này, và dù trong nhiều hoàn cảnh - dù khắc nghiệt nhất , như trong tù - họ vẫn tìm đến nhau. Nói nhiều hay ít không quan trọng, nhưng mừng vì biết "bạn mình còn sống".

  Và rằng, trường cũ có BIẾN MẤT vì đổi chủ, thì trong lòng họ, quân trường đó vẫn BẤT BIẾN. Y như tôi đã viết với đề tài mấy hôm trước (Vẫn Núi Xanh, Vẫn Ráng Chiều Hồng), một đối tượng có thể có 2 trạng thái : "bất biến" và "đổi thay".

Trở lại với cuộc "hội ngộ" hôm qua tại nhà niên đệ Oánh. Đến sớm hơn tôi có 2 niên đệ : Thoại và Khoa (khóa 25). Họ kính nể tôi, chính yếu là "tình tự Võ Bị Đà Lạt", tôi là "đại, đại niên trưởng" của họ. Họ cũng "kính lão đắc thọ" - chưa ai trong số họ chạm đến cửa ngõ 80.

  Bình (khóa 25) đến tiếp sau. Bạn ta là cựu phi công chiến đáu (A37 hay F5). Rồi Lý (khóa 22B), rồi Ban (khóa 30). Dương (khóa 21 - nhà thơ, nhạc). Hiền (K30).

  Hội trưởng Oánh mời mọi người đến bàn dài, bắt đầu những thủ tục "hội ngộ". Có 7 "phu nhân" kể cả vợ tôi - "người tình trăm năm" của tôi cử tưởng mình còn trẻ, cười luôn miệng. (Chị KL! Trong số 7 "mệnh phụ phu nhân" này, chị là người lớn tuổi nhất đó - mới 80 thôi).

Mọi người ổn định chỗ ngồi. Oánh nhân danh "Hội trưởng" có vài lời.  Ngay sau dứt lời, Oánh mời mọi người "có thực mới vực được đạo", hãy đến lấy thức ăn, uống. Bạn Dương phản đối, yêu cầu thủ tục không thể như đi máy bay chợt "vù", mà phải lấy "đà". Nhìn quanh thấy không ai "già khóa, già tuổi" như tôi.
  Thế là khước từ không được, tôi vội "vài lời". Lẽ ra Niên trưởng Tâm (Cựu Trung Tá Hồ Tâm - khóa 11 VBĐL, trước ở LLĐB), là "lớn nhất" nhưng vì chưa đến kịp, nên tôi tạm thay mặt mà tiếp lời Hội trưởng. Tôi đề nghị chụp ảnh chung. Thế là chụp ảnh. Rồi lấy thức ăn, rồi nói chuyện. Niên trưởng Hồ Tâm - chắc với lý do đêm qua dancing mệt nghỉ, nên dậy trễ. Mọi thủ tục buổi sáng đều trễ. Và đến trễ. Nhưng kịp lúc "cùng mọi người lấy thức ăn, uống".

"Tình tự Võ Bị" không cần những nhiêu-khê. Muốn nhẹ nhàng thì rất nhẹ nhàng. Mà in sâu. Người ra trường từ 65 năm trước (anh Tâm), người từ 60 năm trước (tôi), và các niên đệ ... Chúng tôi "tương đồng" với nhau. Để từ 24 năm trước, lần đầu sinh hoạt với hội, chúng tôi vẫn "chi giao đạm nhược thủy" cho đến bây giờ.
(Ảnh chụp chung hôm qua xin được post lên)
(Stone Mountain GA - July 4, 2022)
 
10.3. "MÓN NỢ" KHÔNG TRẢ ĐƯỢC
Tôi thích bài hát "Tình Mùa Chinh Chiến" của Thục Vũ (Vũ Văn Sâm). Vị cựu Trung tá này cũng là "tù đi Bắc", cùng 1 lượt với chúng tôi vào 3/1976. Có điều, ông "thích" Sơn La hơn, còn tôi thì - ngày xưa mê truyện Giặc Cái hay Nữ Tướng Miền Sơn Cước của Hoàng Ly với các vùng núi cao miền Bắc VN, có Phăng-Xi-Păng - chọn Lào-Cai.

Tuổi già có cái thích-thú là, không vội "thức khuya dậy sớm" đi làm việc như những năm trước. Bất mãn với giấc mơ, thì dậy sớm chút đỉnh, khoảng 7:30 AM. Nếu tối qua lỡ thức hơi khuya, thì dậy trễ hơn, khoảng 8:30 AM. Dậy sớm hay trễ, cũng phải "đi bộ trên máy" đúng 20 phút. Rồi cà phê, rồi trà, rồi computer. "Yên sĩ phi lý thuần" (inspiration) nếu có, thì gỏ phím 1 bài. Chậm thì nửa ngày, nhanh thì 3 tiếng.

Lúc nào vào computer đều mở nhạc, đồng thời check FB, đồng thời viết bài, đồng thời đọc truyện ... Computer thật nhiều chức năng, khiến tôi : tai nghe, mắt đọc, ngón tay gỏ phím ... rất bận rộn.

Bài hát đang nghe "Tình Mùa Chinh Chiến" vốn được nghe rất sớm, khoảng 1962, 1963. Chuyện nữ thi sĩ Lệ Khánh với Thục Vũ thì bấy giờ (và lên online bất cứ lúc nào bây giờ) lứa bọn tôi đều biết. LK còn khá nhỏ khi khóa 16 bọn tôi nhập học tại Đà Lạt (23/11/1959), nên cô này phải chờ khóa 17 vào năm sau (cuối 11/1960) thì cô bước vào tuổi 16. Vậy là mối tình đầu của cô với T. (K17). 

  Bài hát trên, lại "bởi tình cờ" là dấu mở khóa cho câu chuyện với đề tựa "MÓN NỢ KHÔNG TRẢ ĐƯỢC"
Năm 1969. Ngay sau cuộc hành quân chiến thắng tại Cô-Tô (Thất Sơn), Trung tá Cố vấn Mỹ Callahan mời BCH/B20 LLĐBVN đi thăm 1 Tiểu đoàn BKQ tại XYZ1. Trung tá Nguyễn Quốc Ân, CHT bận họp tại Cần Thơ, nên tôi (CHP) theo vị SQ Cố vấn trên chiếc C&C (HU1B) - luôn trực sẳn tại sân bay.

  Gặp Đại úy Hùng, Tiểu đoàn trưởng (K17 VBQGĐL), chúng tôi ăn trưa tại doanh trại. Nói chuyện, từ trong quân trường đã biết nhau, rồi ra đơn vị cũng đã làm việc gần nhau. Cuối 1965, tôi là Sĩ Quan Phụ Tá B20 LLĐBVN (là XO - theo cách gọi của Mỹ về chức CHP - Danh hiệu SQPT được thay thế bởi CHP kể từ 1969). B20 LLĐBVN được thành lập tại Quảng Ngãi (1965), thì Hùng đang là Toán trưởng Toán A ? LLĐBVN tại XYZ2, kiêm Trại trưởng, với 1 Tiểu đoàn BKQ/BP.
  B20 bấy giờ chỉ huy 5 Tiểu đoàn BKQ/BP tại Quảng Ngãi. 

Câu chuyện được kể, muốn cho là "hư cấu" cũng được. Nhưng nếu là câu chuyện có thật, thì các nhân vật buộc phải dùng tên khác. Còn tôi, "đi không đổi tên, đứng không đổi họ", có chút liên quan với câu chuyện, nên bạn bè "biết rõ tôi".

Gia đình của cô gái rất nghèo. Bố là Thượng sĩ, mới tử trận khoảng 2 năm trước. Gia đình cô tại Hòa Khánh, Đà Nẳng. Nhà vách bằng ván gỗ, mái lợp tôn. Mẹ cô, không hiểu có phải bệnh tật hay vì khóc quá, mà cả 2 mắt bị "lòa", không nhìn thấy rõ.

  Anh trai lớn đã 20, giỏi âm nhạc, là 1 tay nghề Gui-ta điện, là lính "Tâm lý chiến" trong ban Nhạc của 1 đơn vị. 

  Qua 2 năm, tiền tử tuất cũng hết. Lương anh (Kiều Vũ) không đủ nuôi mẹ và các em : Kiều Thu Diệp và 2 em (trai 12, gái 7). Thu Diệp, 16 phải thôi học (học Đệ Tứ). Diệp được anh giới thiệu vào ban nhạc đơn vị. Không chính thức nhận lương, nhưng Trưởng ban nhạc du di, cấp cho cô ít tiền mỗi tháng.

Toán Tâm lý chiến (Ban Văn Nghệ) 1 lần đó được máy bay chở lên doanh trại của Hùng. Ban chỉ huy trại khoản đãi, và mở buổi khiêu vũ "bỏ túi" trong câu-lạc-bộ Toán Cố Vấn Mỹ, sau buổi trình diễn ngoài trời chiều ngày D trước toàn thể quân nhân Tiểu đoàn.
  Có 3 "nữ quân nhân" trong toán "Tâm lý chiến". Đều là ca sĩ trong ban nhạc. Đều nhảy giỏi (dĩ nhiên phải học dancing). Tuổi trạc nhau, từ 17-25. Cô Chân xinh nhất, hát cũng hay nhất, được Hùng săn đón, cùng nhau nhảy nhiều bản. "Vũ nữ" chỉ có 3, mà khách là 2 toán LLĐB Việt và Mỹ gần 20 quân nhân có mặt.
  Cũng nói rõ hơn về tổ chức Trại LLĐB. Có 2 Toán A LLĐB Việt và Mỹ. Mỗi toán khoảng 12 quân nhân (2 SQ + 10 HSQ, BS). Toán VN đều là quân nhân chính quy, hưởng lương Bộ Quốc Phòng. 

  Mỗi Trại có từ 3 đến 5 đại đội BKQ/BP, tên trước là DSCĐ (CIDG), do Mỹ (CIA) trả lương. Lương Biệt kích quân có cao hơn lương lính chính quy chút đỉnh.
Thu Diệp cũng xinh. Cô tuổi thật mới 16, sau phải khai "gian" 18 để chính thức được ăn lương (Mỹ). Cô thích Hùng. 

Hùng kể tôi nghe câu chuyện tiếp theo. Chúng tôi có các cuộc họp tại Đà Nẳng với BCH/C1 LLĐBVN, vào cuối 1965, đầu 1966. Tôi cũng đã tham dự nhiều lần. Hùng cũng đã rủ tôi đến nhà Thu Diệp. Hóa ra khi đến nhà mới biết, do mẹ của Diệp vô tình nói ra. Tên gọi ở nhà của Diệp là Nhớ (Kiều Thị Nhớ). Mẹ cô chỉ biết tên "Nhớ".

Một lần nào đó có dịp bay về Đà Nẳng, Hùng đến nhà Chân. Thất vọng vì nghe chính Chân cho biết cô đã có người yêu (sắp đám cưới), là 1 thông dịch viên, tên Lực. Hùng buồn tìm đến Thu Diệp. Diệp thì vẫn luôn hướng về Hùng. 

  Hùng cho tôi biết, lòng Hùng chỉ thương hại gia cảnh của Thu Diệp. Nhất là Vũ, anh trai lớn của Diệp lại vừa lấy vợ. Tiền kiếm được của 2 anh em không thể lo cho mẹ và 2 em còn nhỏ + còn đi học. Tôi cũng không ngờ khi nghe Hùng kể, và chính Hùng cũng không nghĩ rằng Hùng lại quyết định "việc" đó.

Đêm đầu tiên, chính Thu Diệp gợi ý với Hùng. Họ cùng ăn chiều. Chỉ uống bia, nhưng uống nhiều và cả 2 đều say. Họ thuê khách sạn tại Đà Nẳng. Thu Diệp nói lên quyết định của mình. Rằng anh Vũ của cô, trước đã không quán xuyến nỗi mẹ và các em, thì nay lại cưới vợ. Riêng cô, đồng lương cho cá nhân còn không đủ, làm sao giúp anh để lo cho gia đình.

  Cô quyết định chọn làm "vũ nữ chuyên nghiệp" + tiếp viên tại 1 quán "bar". Cô bảo, cô biết bước đường "phong trần" tương lai chỉ là 1 hình thức "bán dâm" không chính-thức.

Hùng kể lại rằng, Thu Diệp sẳn lòng trao lần đầu tiên con gái của mình cho Hùng. Biết Hùng không để ý đến cô - nói rõ hơn, không yêu - nhưng thật tình cô đã thầm yêu Hùng, kể từ hôm khiêu vũ tại doanh trại Tiểu đoàn năm ngoái (1965). Cô dứt khoát, vì cho rằng, đằng nào cũng sớm bước vào "cuộc đời mưa gió", thì không mất trước, cũng mất sau. Chi bằng tặng cho người mình yêu dấu.
  Diệp khuyên Hùng chớ lo lắng, thắc mắc. Cô sẽ không gây rắc rối cho Hùng.

Trước khi trao thân, Diệp chỉ nói rằng : em không "biếu không",  mà ước mong đây là "món nợ" ân tình, nhưng anh đừng lo - lúc nào có điều kiện thì trả.
  Hùng nói với tôi "Chắc vì tôi say quá. Mà cũng có thương Diệp. Hoàn cảnh cô ấy thật tội nghiệp. Mà cũng tại bài "Tình Mùa Chinh Chiến", 1 trong các bài cô hát tại câu-lạc-bộ Mỹ đó, là bài tôi thích nhất, và nay mãi không quên".

Thu Diệp không làm vũ nữ, không bán bar. Năm sau 1 sĩ quan làm tại BCH/C1 LLĐBVN đề nghị sống chung với cô. Anh ta có điều kiện giúp mẹ và 2 em của Diệp. Rồi Diệp mang thai.

  Rồi đứa bé còn trong bụng Diệp đã không thể nhìn được ánh sáng ngoài đời. Diệp đã uống thuốc tự tử.
Tôi đã rời BCH C1 đầu năm 1967, trước khi việc trên xảy ra. Hùng thì chắc chắn biết, chắc đã có mặt trong tang lễ Thu Diệp. Để đầu năm 1969, tôi lại gặp Hùng như bắt đầu câu chuyện.

Có thể một ít người - nếu đọc câu chuyện tôi viết hôm nay - nói :
"sao lại giống câu chuyện xảy ra tại BCH/C1 LLĐBVN hồi đó vậy?". Tôi xin đính chính, chỉ là sự trùng hợp 100%. Hơn nữa, tôi đã viết : "Muốn cho là hư cấu cũng được".

Còn nếu viết "MÓN NỢ KHÔNG TRẢ ĐƯỢC" có ý gì? Vì rằng, khi tôi gặp Hùng đầu năm 1969 đó, thì Hùng than, e rằng món "nợ ân tình" với Diệp chắc không trả nỗi - ý nói giúp đỡ mẹ và các em của Thu Diệp.
  "Chắc không trả nỗi" chỉ là sự hoài nghi, có nghĩa rằng, cũng "có thể trả được". Nhưng tôi thì cho rằng Hùng không trả được món nợ đó. Hùng không còn dịp nào.
Sau 30/4/1975, Hùng bị bắt làm "tù cải tạo" tại Xuyên Mộc, Phước Tuy. Không hiểu sao, Hùng bị cảnh vệ bắn chết đầu 1976.
(Stone Mountain GA - April 5, 2022).
 

1. THÁNG 9 DÒNG SÔNG (1)
Hôm nay, tháng 9 năm 2022 bắt đầu bước vào ngày 3. Độ nóng ban ngày vẫn ở mức trung bình 85 độ F. Lẽ ra tôi muốn "tạp ghi" cho tháng 9 từ hôm qua, nhưng "thiển nghĩ" cách đây gần 80 năm, người ta đã huênh-hoang cái ngày này - thực chất chỉ là che-dấu một sự cướp-đoạt, một sự trắng trợn lợi-dụng lòng yêu nước của đa số thanh niên VN bấy giờ. Lịch-sử đã đánh giá.

Tháng 9 tại Mỹ nói chung, tại Atlanta, GA nói riêng, đang nở nụ cười "bí hiểm", thầm bảo : "Đừng nhìn + cảm cái nóng hầm-hập hiện nay mà đánh giá "sai" về ta". "Mà chính các ngươi quá chủ quan, đã không để ý vài dấu hiệu : - mới tựu-trường tháng qua, - quyển động hạ nhật đích lôi vũ (cuốn đi sấm sét mùa hạ)"".
""Nghĩa là mùa hè đã qua, đã qua tự lúc nào rồi. Và khi "có ai" có ý tưởng đón "Thu", thì "thu phong diệp há Động đình ba". Thu đến không hay, mà đi thì không nói lời từ dả (Lưu ý "từ dả" : từ biệt mà đi [Đào Duy Anh/Hán Việt Từ Điển])""

Tránh hết sức mà vẫn dính COVID-19. Từ hơn 3 tuần qua, dù hết bệnh nhưng "mũi miệng" vẫn sụt-sùi. Người già bệnh lâu, dù COVID -19 đã xuống cấp, nhẹ hơn Flu bình thường. 

Tôi vẫn "sụt-sùi" - bây giờ tôi mới hiểu - là "Cảm Thu". Thật tình thì lòng tôi luôn nghĩ đến "Thu". Mới hết tháng 7, tôi đã hỏi con, cháu chừng nào trường "khai giảng". Trước kia tại VN, tựu trường thường vào cuối thu. Tại Mỹ, thời tiết khác hẳn. Tháng 5 dương lịch ở đây vẫn còn lạnh, không mang chút ý-nghĩa của "mùa hè".

Định cho bài viết hôm nay với tiêu-đề "TẠP GHI THÁNG 9", nhưng chỉ mới 3 ngày đầu thì không đại diện cho cả tháng được. Nhân tiện nghe bài hát (tôi luôn mở nhạc khi đọc sách, truyện trên online, hay khi gõ phiếm computer) "Tháng 9 Dòng Sông" của Tuấn Khanh, do Vũ Khanh ca, nên dùng tên bài hát làm tiêu đề bài viết.

Thích nhạc, thích ca hát, thì tên các nhạc sĩ không thể không biết đến - có Tuấn Khanh. Các bài "Chiều Biên Khu, Dưới Dàn Hoa Cũ, Hoa Soan Bên Thềm Cũ, Nhạt Nhòa, Quán Nửa Khuya, Tháng 9 Dòng Sông, v.v...", tôi đều thuộc và tập hát nhiều lần.

Tỉ-mỉ hơn, tôi lên online. Nhạc sĩ Tuấn Khanh sinh năm 1933. Là bậc đàn anh (so về tuổi tác) của tôi rồi.
  1964, tôi còn nhớ 1 lần tại 1 bar Đà Nẳng nghe qua máy thu thanh, tiếng hát của nam ca sĩ Trần Ngọc. Chuyện bẳng đi khá lâu, mãi đến năm ngoái, khi có chuyện bàn cãi với 1 bạn, về các ca sĩ (nam) của đầu thập niên 60 trở về trước. Chúng ta có Anh Ngọc, Ngọc Long, Hùng Cường, Duy Khánh, Duy Trác, Nhật Trường. Tôi thêm tên Trần Ngọc, bạn tôi cho biết anh ta chưa hề nghe. Tôi giận quá, lên online tìm. Không thấy, nên give up!

Chuyện thắng thua không thành vấn đề, nhưng vấn đề là "tôi nghi ngờ bộ nhớ của tôi".
Tuấn Khanh cũng đã là 1 ca sĩ. Ông trúng giải 2 thi tuyển ca sĩ, năm (?), lấy tên Trần Ngọc. Vậy, tôi đã không nhớ "sai".

"Rồi tháng 9 gió sông lần đầu. Níu bờ vai nhau bước mau qua cầu". Và thật tha-thiết với "Hỡi anh (em) dòng sông, có thương con đò. Tháng năm chờ mong, cuốn trôi theo dòng".

Tháng 9 năm 2022 chỉ mới mấy ngày đầu. Chưa tạp ghi được nhiều chuyện. Tôi định tìm xem "những tháng 9" trong đời mình, tìm lại những điều "đáng nhớ" mà viết ra.

  Thế nhưng, điều nhớ ra lại không phải những sự-kiện của đời mình xảy ra vào những tháng 9. Tại sao ta cứ vây-hãm chính mình bởi những quy-định, những công-thức, những ràng-buộc? Sao không giải-phóng chính mình? Không thể không thay-đổi được hay sao?
Vương An Thạch, Bắc Tống, Trung Hoa, trong "Tam Bất Túc" nằm trong chính-sách "cách tân" của mình, viết :
"Thiên biến bất túc úy - Tổ tông bất túc pháp - Nhân ngôn bất túc tuất" (Không cần sợ hãi thiên tai - Không thể mù-quáng làm theo pháp-quy của tiền nhân - Không cần băn-khoăn với lời người [đồn đại]).
(Stone Mountain GA - Sept. 03, 2022)

THÁNG 9 DÒNG SÔNG (2)
Có 2 việc : - (1) Edit lại bài trước. Vốn đã viết "Tháng 9 dòng sông" thì hôm nay sửa-đổi lại là "Tháng 9 dòng sông (1)".
- (2) Từ việc (1) trên mà có việc (2) này. Đơn-giản vì bài "Tháng 9 dòng sông (2)" có liên-quan chút chút với tác-giả bài nhạc mang tên "Tháng 9 dòng sông", dù rằng chuyện chỉ xảy ra 1 phía, và có lẽ chính tác-giả cũng không biết nội-tình.

Nhân chứng cho "chuyện nhỏ" đó có 4 người. Một người đã vĩnh-viễn ra đi cách nay 18 năm (2004), là Lê Hữu Cương. Chuyện Cương "cưỡi lửa" mà đi thì Nam Ca-li với cộng-đồng người Việt Hải-ngoại - nói riêng là nhóm "giang-hồ thứ thiệt" - thời-điểm đó, cũng khá bàn tán xôn-xao.

  2 người khác, là Trần Ngãi và Nguyễn Văn Gioang. Ngãi còn sống, hiện ở San Jose, tuổi đã 89 (thế mà đều khoe mình đã 90, mỗi lần nói chuyện với tôi. Y bảo, mình Á đông phải tính theo tuổi ta). Còn Gioang, mới 84, vẫn còn sống, hiện ở Texas.

Bài trước (1), tôi nhắc chuyện cũ (1964) tại 1 bar ở Đà-Nẵng, tình cờ nghe nam ca-sĩ Trần Ngọc hát qua máy thu thanh. Chuyện mãi cách đây 4 ngày, tôi mới biết Trần Ngọc chính là nhạc-sĩ Tuấn Khanh.
Chẳng phải là "tình cờ" chút nào, là cách viết cho ra vẻ "văn nghệ" mà thôi. Bà chủ bar tên Bích Ngọc, tuổi khoảng 30. Lần nào bọn tôi đến bar của chị, thì - tôi không nhớ rõ - chị mở thu thanh (đúng lúc ca sĩ Trần Ngọc trình diễn) hoặc mở cassette (mà chị đã thâu tiếng hát của ca sĩ này).
  Không cần bọn tôi đoán mò, chị nói thẳng ra quan hệ giữa chị và Trần Ngọc ...

Đó là khoảng tháng 9, năm 1964 - trước khi tôi nhận nhiệm vụ tại Khe Sanh, Quảng Trị vào 2 tháng sau, và 4 tháng kế tiếp là cuộc hành-quân dài ngày tại vùng tam biên Quảng Nam - Kontum - Lào.
  Ngãi, Gioang, và tôi đều thuộc Lực Lượng Đặc Biệt. Ngãi đang là Trưởng Toán A tại Khâm Đức, Quảng Nam. Ngãi về Đà Nẵng chờ nhận nhiệm vụ mới. Gioang đang là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 4 Biệt Cách Nhảy Dù. Trung úy Nguyễn Quang Vinh (Khóa 14 VBĐL) là Đại đội trưởng.

  Bấy giờ Đại đội 4 này trú quân tại Trung Tâm Huấn Luyện Hòa Cầm, Quảng Nam, đặt thuộc quyền sử-dụng của BCH/C1/LLĐB tại Đà Nẵng. Trung úy Vinh là Niên trưởng của tôi. Ông hiếm khi rời đơn vị. Chiếc xe Jeep của đại đội 4 này được sơn ngụy trang là xe dân-sự, mang số ẩn tế BP 746, thường được Gioang (xin phép Trung úy Vinh) dùng và chở bọn tôi "bát phố".
Tôi lâu nay cũng thường gọi phone cho Ngãi và Gioang. Biết nhau vì cùng binh chủng. Tôi có vất vả đi xa hơn, như có mặt suốt dọc biên-giới Việt-Miên từ Hà-Tiên đến Mộc-Hóa. Nghĩa là lội chán "vùng tràm Trà-Tiên", tham quan "7 núi" (hôn lên tảng đá trước cửa động Châu Kem và Tác Chụp của núi Cô-Tô + dạo quanh đỉnh núi Cấm + bay dọc núi Dài), theo thuyền máy, xuồng bay, quanh quẩn vùng Đồng Tháp, thơ thẩn từ Cái Cái đến Mỹ An ...

Thì cũng có lúc ghé thăm Nha Trang. Và gặp Ngãi (1965). Lại gặp Ngãi (Minh Long, Quảng Ngãi). Lại cùng Ngãi chia nhau điếu thuốc lào (Trại 8 Hoàng Liên Sơn, 1976-1978). Và gặp lại Gioang (Gia Ray, 1983-1984).

Tôi chợt có suy nghĩ : giả thử bài viết (2) này đến dưới mắt Tuấn Khanh, hoặc a/ Chị Bích Ngọc, bà chủ bar Đà Nẵng ngày ấy (1964) có thật lòng tâm-sự với bọn tôi hay không? Chị có cường điệu mối quan hệ của chị với ca sĩ Trần Ngọc không? b/ Có bao giờ nhà nhạc sĩ 90 tuổi Tuấn Khanh lại xác-nhận "âu cũng là chuyện xưa của mình" - đã gần 60 năm qua?

Và sau cùng, kết cho bài này : tôi cũng không cần gọi phone cho Ngãi hay Gioang để ướm hỏi các đương sự ... còn nhớ hay quên? Và tôi cũng không cần biết kết quả rằng chuyện của chị Bích Ngọc có là thật?
Tôi chỉ hoài-niệm bạn tôi, Lê Hữu Cương. Kèm theo đây là hình ảnh 2 đứa tôi của 60 năm trước.
(Stone Mountain GA - Sept. 7, 2022)
-----
 
2. TÌNH VẪN CHƯA YÊN
Đây chỉ "luận" về "tình" nói chung, là "sentiment, feeling (s)". Có thể là "tình đời", là "tình người", "tình quê-hương, tình dân-tộc" ...

Nghĩa là con người còn hơi thở thì còn chút cảm-nhận. Còn chút ưu-tư, quan-hoài. Khó - mà tôi tin là "không" - ai cho rằng lòng mình "thật yên-tĩnh"!
Hai tuần qua, tôi thử lòng mình. Vài việc mỗi ngày, mỗi tuần được thực hiện một cách máy móc. Trời không mưa thì ra sân tưới cây. Cắt những đóa hồng tàn, những lá hồng vàng, úa. (Có hình kèm).
  "Bà chủ nhà" bảo hôm nay đi chợ, thì trả lời "20 phút sau". Đơn-giản, mau chóng. Bảo sửa-soạn đi thăm con, cháu - thì trả lời "20 phút sau".

Giờ này, là 10 AM. Nghĩa là đã sau một số thủ-tục : - đi bộ trên máy đúng 25 phút, - 1 ly cà-phê sữa nóng, - 1 ly trà nóng, - vệ-sinh cá nhân ... Computer được mở. (Xem hình kèm theo).
Đã 23 năm đến và ổn-định tại tiểu-bang Georgia, Mỹ. Sau 8 năm vòng quanh nước Mỹ, từ cực Tây sang cực Đông, thì GA là nơi ta chọn cho tuổi già. 

  Nhưng từ 23 năm trước, với tuổi 60 - mà truyền thống Á-đông "xưa nay xuất xử thường 2 lối", đã không còn được áp-dụng. Và tôi vẫn tiếp tục làm việc cho đến tuổi 70.

"Tình vẫn chưa yên"! Tình đời thì chỉ còn chút khuấy-động nhỏ khi nhìn vào cuộc sống + gia đình con, cháu. Từ gần (Mỹ) đến xa (bờ kia của Thái Bình Dương).

  Suốt 10 năm từ khi nghỉ việc, lại là thời-gian "bận-rộn" nhất.
Khoảng 6 lần về VN. Cũng từng đó "lần" ra khỏi tiểu-bang GA. Và lần mới nhất cách nay đúng 2 năm rưỡi, về thăm VN ngay cao điểm của COVID-19. Đúng vào tuổi 80. Chắc-chắn không "yên tĩnh".

Từ 2 tuần qua, tôi muốn bắt đầu cho giai-đoạn "sau cùng" của đời mình - kể từ khi bài viết "TÌNH CÓ CÒN NỒNG ?" được post lên.

  Nghĩa là "rửa tay gác kiếm" - nếu là hiệp-sĩ, hay "quăng bút vất nghiên" - nếu là nghiệp "văn".
Điều buồn cười là, "nghiệp lính thì súng gãy", "mộng văn chương thì ' ống bình vôi đã đầy ' ". "Yên sĩ phi lý thuần" bế-tắc!

  Chỉ còn là "nửa người nửa ngợm nửa đười ươi".
"TÌNH VẪN CHƯA YÊN" là lý do cho bài viết này!
(Stone Mountain GA - August 13, 2022)
 -----
 
 
3. TÌNH CÓ CÒN NỒNG ?
Thời-gian mới là thước đo. Thì "Tóc mây một món chiếc dao vàng" mà Dương Quý Phi gửi cho Đường Minh Hoàng làm sao mà đủ? Huống gì "tình quân vương"? Và Lý Long Cơ (tên của Đường Minh Hoàng) - con người đầy thủ-đoạn. Giết con, giết cháu, rồi số phận cũng không khá hơn, chạy về Thành-Đô (Thục) mà bị giết ở đấy!

Có say đắm như chuyện tình Phạm Thái và Trương Quỳnh Như, nhưng thời gian chưa đủ dài, và "Chiêu Lỳ" chỉ vui với rượu, thì đó là "tình rượu", không còn là "tình yêu xưa".

Gặp lại Kim Trọng, tình cũ trong Kiều có còn nồng? Trao đổi giữa Kiều và Kim Trọng trong đoạn kết, thật chỉ có "trong tiểu thuyết", mà trong hiện-thực, rất khó xảy ra. Còn nếu Nguyễn Du muốn đưa ra một "nhân-sinh-quan" của ông, thì lại là chuyện khác. Hơn nữa, "Bất tri tam bách dư niên hậu - Thiên hạ thùy nhân khấp Tố Như?"

Những minh-họa trên là tình-yêu nam nữ. Một bài tôi viết ít tháng trước "TÌNH", đề-cập đến "tình yêu" nói chung (LOVE). 

  "Tình yêu nói chung" này bao gồm đủ loại tình-cảm. Chỉ biết yêu lấy chính mình, có PHILAUTIA (Tiếng Hy-lạp - love of the self) - Tình nhục-dục, ta có EROS (Hy-ngữ / sexual passion) - Tình gia-đình, có STORGE (Hy-ngữ / familial love) - Với PRAGMA (Hy-ngữ / longstanding love), ta có thể cho là tình quê hương, đất nước, dân tộc, tình chiến hữu, v.v...

Duy có 2 thứ "tình", tôi muốn nhấn mạnh ở đây :
(1) PHILIA (Hy-ngữ / deep friendship). Là tình bạn, là tri âm tri kỷ, muốn hiểu sao, tùy!

(2) AGAPE (Hy-ngữ / love for everyone ; selfless love). Là tình thánh-khiết, tình yêu tha nhân. Tôi không dùng cách giải thích của triết-học theo Plato hay Aristotle, mà sau này người ta gọi là thứ "platonic love". Có người lại dịch ra Việt-ngữ là "tình yêu thuần lý". Cái gì mà "tình yêu" lại là "thuần lý"? Thật vô duyên! 

Tìm hiểu AGAPE, tôi phải dùng "Theological Dictionary of The New Testament / Editors : Gerhard Kittel & Friedrich - Vol. I, pp. 21-55 ; Vol. IX, pp. 114-146". Tôi mới biết được quá trình hình thành từ ngữ trên với các ý-nghĩa khác nhau qua nhiều thiên-niên.
  Tóm tắt, 1 ý-nghĩa chính là : thứ tình yêu Agapé từ giữa thế-kỷ 3 trước công-nguyên (BCE) trở về trước, chỉ nói lên quan hệ 2 chiều, giữa Thượng-đế và con người. Khoảng sau 300 BCE, thì đã được nhóm 70 Dịch-giả (Septuagint) giải-thích, và nói rõ mối quan-hệ mà agapé duy-trì là 3 chiều : Thượng-đế, cá nhân, tha nhân.

  Chính vì ý nghĩa này mà JC đã tóm tắt 10 điều răn của Cựu ước thành 2 điều răn lớn, với nội dung chính : (1) Kính Chúa (2) Yêu người.
Vậy thì "platonic love" do chính Plato giải-thích hay do người khác suy diễn từ "agapé" thật nông-cạn!
Tôi đã đi quá xa khỏi phạm vi bài viết này. Ở đây, tôi chỉ nói chung chung về "tình yêu", xuyên qua những minh-họa tôi muốn đưa ra, đến từ những diễn-biến xã-hội mà tôi kinh-nghiệm (thấy được, cảm nhận được) trong đời mình.

  Và chỉ với 1 câu hỏi duy nhất : TÌNH CÓ CÒN NỒNG ?
Chuyện tình yêu nam nữ thì trăm, nghìn sắc thái - không hoàn toàn giống nhau. Ai có tâm-sự, hẳn tự hiểu. Tôi không đề cập ở đây.

Tôi đã có những bài viết, nói qua về "tình". Tôi cũng thường dùng câu nói của Trang Tử "Quân tử chi giao đạm nhược thủy". Chỉ là cách tôi "nói đùa". Với 1 người bình thường, ta không thể từ 1 câu nói của họ, mà cho rằng mình hiểu họ, hiểu ý họ muốn nói gì. Lời nói thường "quanh co". Ta cũng thường nghe "Nói vậy không phải vậy, mà là vậy đó". Thật không khác chi "bẫy rập"!.

  Mà với Trang Tử thì "rất không đơn-giản". Và tôi cũng không nói thêm về tác giả "Nam Hoa Kinh", ngại Nguyễn Duy Cần (tác giả "Trang Tử tinh hoa") kiện tôi tranh nghề!

Một bài viết trước đây "MỘT HỘI NGỘ", tôi lược thuật cuộc gặp nhau hằng năm của Hội Cựu SVSQĐL tại GA. Tôi có câu nửa đùa nửa thật, rằng "tình tự Võ Bị đã lạt nhiều". Nếu ta ví cuộc tình như ánh trăng, thì trăng có lúc tròn, khuyết, tỏ, mờ. Thì tình đời có lần buồn, vui, tan, hợp.
Không thể gượng ép. Mười mấy gia đình chúng tôi từ NY xuôi nam. Sớm thì có những gia đình đến GA vào 1996. Trễ hơn, gia đình chúng tôi đến Atlanta vào cuối 1998. 

  Để kỷ niệm những tháng ngày bên nhau tại Rochester, NY - cùng lo làm việc, cùng ở gần nhau, cùng vào hội "Cựu Tù Nhân Chính Trị", cùng góp mặt phục hồi "Cộng Đồng Người Việt" tại đây, cùng tổ chức họp mặt hàng tuần v.v... - chúng tôi cũng theo thông-lệ đó, mà mỗi tuần đều gặp nhau. Hết Conyers, Duluth, đến Lawrenceville, v.v... cùng tổ chức ăn uống, ca hát, nhắc chuyện xưa.

  Chừng hơn 5 năm sau, con cái tương đối lớn - chúng thích sinh hoạt riêng. Chúng không quen lối sinh-hoạt của người lớn. Thế là "nhóm chúng tôi" dần "rã ngũ". 10 năm trở lại đây, hết còn gặp nhau. Thế là "duyên bao năm đứt đoạn".

Có còn nồng? Hoa đã rụng tàn, thì ý nghĩa gì của "thắm-thiết"? Rượu đã đổ xuống đất, thì không bằng nước lã, nói gì "nồng"?
Ý của 2 câu trên muốn nhắc đến 1 thực-tại. "Hết là duyên gặp gỡ, mà chỉ là THÙ đấy thôi". Đọc câu này, có người hiểu, có người không. Đó là chuyện buồn trong hằng trăm, ngàn chuyện buồn "Người Việt Hải Ngoại".

Không biết đã bao nhiêu năm trước, khi xem video hay bài viết nói về Cựu (nay là Cố) Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu - hết đối diện lời "xỉa xói" của 1 người đàn bà ... đến 1 Cựu sĩ quan (Thiếu hay Trung úy) QLVNCH "hạch sách" vị Cựu Tổng Thống kia. Mấy ngày đó, tôi không ngủ được, mà đúng là thao thức!
Cũng không phải chuyện chỉ xảy ra ở Hải Ngoại. Cả ở trong nước. Là thời-điểm gì kỳ-quái thế này? Không lẽ ta lại đấm ngực trách mình vì không hiểu được Trần Tế Xương : "Văn minh Đông Á trời thu sạch - Này lúc cương thường đảo ngược ru?"

Không trách được những hội-đoàn, những đoàn-thể, những nhóm, những Group. Cái "đổi thay" đó chính là cái "bất biến". Thời nào cũng thế. 1000 năm trước hay 1000 năm sau. Chỉ có chút khác : chúng ta không còn nghe tiếng "ếch", vì ếch hầu như bị diệt chủng do sự sinh tồn của nhân loại. Và "đò" ngày xưa đã được tối-tân-hóa, và tiếng máy nổ át đi tiếng ếch, mong Thi sĩ Trần Tế Xương chớ buồn!

"Sông kia rày đã nên đồng - Bên thì ruộng lúa, bên trồng ngô khoai - Đêm nghe tiếng ếch bên tai - Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò""

"Liệu ưng yếm tác nhân gian ngữ", thì nhắc gì đến "TÌNH CÓ CÒN NỒNG" hay không?
(Stone Mountain GA - July 29, 2022)
 
4. MỖI NGÀY TÔI CHỌN MỘT NIỀM VUI ?
Nghĩa là tôi đang buồn? Và hơn thế, "ngày nào" tôi cũng buồn, nên tôi mới đi tìm "vui"? Hoặc giả, cả đời tôi "quá nhiều niềm vui" đến nỗi tôi không thể hưởng hết, và chỉ có thể "chọn lựa lấy một (1) mà thôi"?
Ngày xưa, người có chí cao, có tấm lòng rộng rãi thì "lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ". Không dễ kiếm!

Đem so sánh 2 "dạng" người trên, tôi :
(1) Hình như cũng thấy mỗi "dạng" trên có nhân vật điển hình - với suốt thời gian tôi đã sống qua và có chút trình độ "nhận xét", và không dưới 60 năm.
(2) Ao ước, nhưng biết mình - lòng chưa đủ rộng để chỉ nghĩ đến tha nhân. Chí chưa đủ lớn để "ôm" thiên hạ! Đó là "dạng" thứ hai. Người dạng này không tìm niềm vui cho riêng mình. Niềm vui sẽ "tự nhiên" đến, khi "thiên hạ" vui. Làm sao thiên hạ vui?

Thiên hạ đây thu hẹp lại là nước VN chúng ta. Suốt gần 80 năm qua, cuộc chiến tại VN, 1945-1975, "thời quá độ" (cách nói của Đảng CSVN), 1975-2022, ta thử suy nghĩ.

  Bỏ đi thời kỳ sau chiến tranh xảy ra tại VN (1975-2022) - quá mới, là hiện tại. Ai cũng thấy được, "xin rộng đường dư luận"!

  Những thảm cảnh giết nhau của 2 tên "bù nhìn", Bắc là làm tôi mọi cho "cái gì" là thành-trì Xã Hội Chủ Nghĩa, với búa và lưỡi liềm, và các "đàn anh" Nga và Tàu. Nam thì với ý chí sinh tồn, chống lại sự xâm chiếm từ Bắc, mà phải bám lấy "thực dân mới" Mỹ.
 Với dân số chừng 16 triệu tại miền Nam VN trong các thập niên 60, 70 cho đến 1975, chính quyền VNCH thật sự kiểm soát khoảng 2/3. Ra đi khỏi VN dưới mọi hình thức cho đến nay, không quá 3 triệu người Việt Hải Ngoại. Một phần trong số đó, do áp lực chính trị trong chính trường Mỹ, được định cư tại Hoa Kỳ. Thế nhưng, "tình không được yên". Sau gần nửa thế kỷ, đủ dạng người Việt ra xứ ngoài. 

Vậy suốt 1945-1975, VN đâu có thanh bình. Cuộc chiến đã lấy đi sinh mạng hằng triệu người.  Đến nay, chính quyền CSVN ra sức thay đổi mặt ngoài đất nước, cố xóa đi những tàn-tích chiến tranh. Nhưng "dân sinh, dân trí"?

Trở lại phần đầu. "Thiên hạ" chết chóc, nghèo đói, khốn khổ, ly tan thì làm sao "vui"? Bậc trí giả nói trên làm sao "vui sau cái vui của thiên hạ"? Họ không cần thiết phải tồn tại. Và họ chỉ là thứ chướng ngại mà kẻ thù + "bạn lớn" cần dẹp bỏ.

 Miền Bắc chắc khó có người có tâm tư của bậc trí giả mà tôi đề cập. Những vị lãnh đạo miền Bắc hình như lấy tôn chỉ "phải vui + hưởng" đi trước cái vui của người dân. Họ quan niệm, mình có vui sống, có thụ hưởng, mới yên tâm "lo cho đại sự".

  Tôi không là 1 khía cạnh nào của "kẻ có tâm sự" thuộc dạng đầu tiên. Có lúc đang buồn, nhưng không buồn mãi, và rằng vì nhiều lý do (vợ, con, cháu, bạn bè, v.v...) khiến tôi không thể cứ ngồi mãi mà "ôm" cục buồn. Phải có sinh khí. "Sinh khí" khác với niềm vui "ích kỷ". Nó là sự nhiệt tình, sự hăng hái - có pha lẫn chút vui sống. Không phải niềm vui "riêng tư" hay "ích kỷ" như vừa nói qua.

Đây là nói đến sự biểu lộ "thật sự", hay còn gọi là "chân tình". Kẻ "chuyên dối trá", chuyên "diễn kịch" không có chỗ đứng trong bài viết này.
Vậy thì, có 2 trường hợp cho "dạng 1" : dối trá và chân thực.

Khi biết người đã có lời nói (dưới hình thức 1 bài viết, hoặc lời thơ, hay lời nhạc) của dạng 1 trên, sau này đã được dư-luận, - ngoài số rất đông cuồng tín đã "thần tượng hóa" - là phần khác đã đánh giá và "lên án" một thời. Thì tôi loại trừ người đó khỏi "cuộc chơi" này.
Tôi không vì lúc nào cũng buồn mà đi kiếm niềm vui - cũng không phải quá nhiều niềm vui để chỉ chọn 1 mỗi ngày.

  Cả 2 dạng đều "siêu". Vì tôi là con người bình thường. Vui, buồn khi nào cũng có. Đương nhiên buồn khi người thân, bạn bè vĩnh viễn ra đi. Cũng có những nỗi buồn "vô cớ" - thấy lá vàng rơi, cũng buồn - thấy mây mù giăng kín, cũng buồn. Cơn gió nóng bức, cũng buồn, nhớ - khi nghĩ đến gió Hạ Lào năm xưa.
  Và niềm vui đôi khi bất chợt - không tìm mà có. Con, cháu đến thăm, "biếu ít tiền". Tôi và vợ tôi cũng đủ sống, không phải vì món tiền khiến cuộc sống vật chất chúng tôi thoải mái - nhưng là cái "cớ gần" khiến tôi vui. 

  Niềm vui của tôi "đơn giản", đến không khó-khăn!
Tôi cũng không thích "cứ vui mãi", mà cũng không muốn "cứ buồn hoài". Vui luôn thì chỉ là "tiên, thánh". Buồn mãi, thì "đi quách" cho rồi! Đó là lý do tôi luôn có mặt trên FB, mỗi ngày.
Tha hồ! Trăm hoa đua nở là đây - trăm nhà lên tiếng là đây! (Nghe nhàm quá, phải viết theo từ Hán-Việt : "Bách hoa tề phóng - bách gia tranh minh" - mới có vẻ "nho-gia")

Tôi không dám đi vào chi tiết trên FB (quá nhiều - muốn dài, ngắn đều tha hồ "lướt qua" hay "thấm thía").

Group, Trang, Cá nhân - rất nhiều! Muốn ngắm hoa, cũng "tha hồ". Dạng nghiên cứu hoa thì cả nam lẫn nữ đều thích. Nhất là "lan".
  "Lan, huệ" không sầu đời, nên "lan, huệ" không bao giờ héo. Sẽ có người tranh chỗ mà post lên những nhánh hoa "từ dịu dàng đến sặc sở", đủ sắc màu, nhiều quyến rũ. 

Du lịch. Người ta có thì giờ nên đi "cruise". Có nhiều người mới mấy tuần qua đi dọc bờ Tây nước Mỹ mà về phía Nam - rất nhiều hình ảnh. Rồi VN. Rồi Huế. Chỉ từng đó địa điểm "đại diện" là đủ rồi - không còn chỗ và thì giờ nói thêm. Qua mục khác.
Ăn uống vốn là điều kiện thiết yếu của con người. Nhưng mức độ thôi, nghe! Tôi lớn tuổi rồi, không thể áp dụng mãi "dĩ thực vi tiên".

  Đủ thứ ăn đạm bạc (biết rồi khổ lắm - post hoài!), rau, dưa - cách muối. Đúng là tuổi trẻ "ham ăn" - các con tôi đưa lên đủ loại đồ biển "mực, sò, ốc ...". Thôi, xin stop! Chỉ nhìn thôi, bụng tôi đã thấy khó chịu.
Hóa ra, cần gì tìm niềm vui đâu xa. Cứ lên FB. Không cần mỗi ngày. Mỗi phút, giờ - cứ lướt ngón tay - là mọi "niềm vui" cứ xuất hiện. Không ai muốn buồn, ấy thế, vô tình mắt cũng kịp lướt đọc mà thấy chuyện buồn đã đang xảy ra. Chỉ việc Thủ tướng Nhật hơn tuần trước bị ám sát. Cũng đúng tuần trước, bạn ta miên-viễn ra đi. Thì tôi đã có bài viết "VẪY TAY TIỄN NHAU LẦN CUỐI". Vì là lần cuối, nên rất buồn!

Câu trả lời cho : "có cần mỗi ngày tìm một niềm vui không", xét không cần nhắc. Ngày xưa tôi quen nói láo, nên thích Vương Sĩ Trinh "Cô vọng ngôn chi cô thính chi". Chừ, ân hận, vì khi muốn nói thật thì không ai tin!

  Lời nói thật là "tôi tầm thường, nên không siêu tuyệt hay đóng kịch quá hay - tôi chỉ muốn cùng vui, buồn như thiên hạ. Và cũng dễ thực hiện : lên FB, tôi thấy đủ dạng mà không cần phải khó khăn chọn lựa. Cứ thế mà tự nhiên nó đến, cứ thế mà tự nhiên nó qua"
(Stone Mountain GA - July 21, 2022)

5. Trịnh Công Sơn
Tôi biết Nguyễn Văn Lục - Ông là em ruột Nguyễn Văn Trung (giáo sư Triết, dạy Luận Lý Học, năm tôi học Đệ Nhất C2 Quốc Học Huế). Với Nguyễn Văn Lục, thì khoảng 9 năm trước, trên Đàn Chim Việt, tôi đã đọc nhiều bài của ông. Nhất là những lời qua lại giữa ông với Nguyễn Tường Tâm (con Nhất Linh).

  Ông Lục bênh vực Cựu Tổng Thống  Ngô Đình Diệm và bào đệ, ông Ngô Đình Nhu. Ông Lục là người có học vị (hình như Tiến sĩ - là Tiến sĩ thật, khác với "Tiến sĩ giấy" đã-đang-sẽ được "lạm phát" tại 1 nước rất "văn minh thời thượng" - là Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa VN).

  Hình như tôi có đôi lần tranh-luận với ông trên Diễn đàn ĐCV - dĩ nhiên tôi dùng 1 nickname (cũng không cần "trưng bày" - tôi, con người thấp kém, trí lực bình thường, không dám "khoe mình")

Cũng cần nói thêm, những năm ấy, tôi thường xuyên vào diễn đàn ĐCV, và 2 người tôi thích nhất : Trọng Đạt và bạn ta, Nguyễn Văn Lục. Có thể ông Lục nhỏ tuổi hơn tôi. Nhưng "nhằm nhè" gì chuyện đó, "tuổi tác" không phải là vấn đề. 

  Và cũng câu liền trước, đã nhắc tôi nhớ lại chuyện Hoàng Đức Nhã tiếp Trịnh Công Sơn ("Biến động miền Trung, 1966" của Liên Thành). TCS mong muốn HĐN ban 1 "đặc ân", đó là "khỏi đi lính". HĐN trả lời : "chuyện nhỏ mà!"

 
6. VẪY TAY TIỄN NHAU LẦN CUỐI
Là cái chào vĩnh biệt. Mình chào họ, và họ chào mình. Thường thì người ở lại, hay "chủ động" chào tiễn người "ra đi". "Ra đi" được dùng cho người vĩnh biệt dương-thế.

  Hiếm khi người "ra đi" chủ động. Suốt đời tôi chỉ 1 lần duy nhất được người "ra đi" nắm tay "an ủi".
Đúng 67 năm trước, bà nội già, 85 tuổi, biết "ngày mai" bà sẽ vĩnh viễn ra đi. Con, cháu đều bận rộn lo hậu-sự cho bà. Thật khuya, chỉ mình tôi bên cạnh bà. Bà vẫn mắt nhắm nghiền, hai tay bà nắm bàn tay tôi, đặt trên bụng bà. Bà vẫn tỉnh táo, an ủi + dặn dò tôi.
1944, bà rời Thanh Hóa mà vào Huế. Suốt 72 năm, từ lúc sinh ra đến giờ - hầu như toàn bộ tuổi thơ sống cạnh 2 cụ cố ngoại tôi. Ngoại trừ 2 năm, 1883-1885, bà theo cố ngoại tôi là Đề Đốc Thanh Hóa vào Huế. Cụ được lệnh vua điều về kinh đô chống Pháp, và khi phòng tuyến sau cùng tại cầu Đông Ba thất thủ, cụ tử-trận. Bà nội tôi bấy giờ mới 13 tuổi. Bà cưỡi ngựa, theo tàn quân đưa thi-hài cụ cố về Thanh Hóa (1885).
  Với tôi, chắc bà không "cường điệu" khi kể chuyện này. Bà học võ lúc thiếu thời. Khi còn là "tiểu thư", bà vẫn phải học chữ Nho. Bà thuộc làu nhiều thi, từ Trung Hoa. Nhất là khi lấy chồng, thì người Thanh Hóa xưng ông, bà nội tôi là "ông bà Nghè".

Mộ ông nội tôi cũng đã được "cô cả" (con lớn nhất) và bác ruột (thứ 4) bốc đem về Huế từ năm trước, được cải-táng trong khu mộ-địa họ Trần chúng tôi tại Châu Chữ (Hương Thủy, Thừa Thiên). Con, cháu của bà khá đông, sống rãi rác khắp nơi.

  Không còn tự lo được nữa, bà phải "xa quê", mà sống dưới sự bảo bọc của 2 đứa con có điều kiện nhất.
Hai năm sau, tôi gặp lại bà nội (1946). Và từ 1948 đến hôm nay (5/1955) - suốt 7 năm, bà cháu có nhau. Tôi còn chi để nói, chỉ biết khóc thôi!
Bây giờ khác trước. Xưa, đến tận nơi tiễn đưa linh cửu người chết đến mộ phần, mới gọi là "đưa tiễn". Nay văn minh hơn, sớm muộn không quan trọng - hình thức cũng không quan trọng (thư, thiệp đến, gửi đi) - người tham dự tang lễ, có cũng được mà không cũng không sao.

Mới nhất, bài viết "TIỄN MUỘN" của tôi - chỉ là tấm lòng nghĩ đến - là hình thức duy nhất, để tiễn 1 người mà trước kia không hề quen biết. Muộn còn hơn không. Biết muộn, nhưng lòng mến phục thì có, nên tôi "tiễn muộn" chị Phùng Thăng và cô con gái 9 tuổi. Hai mẹ con bị "thảm sát" 44 năm trước (1978).
Rồi những bạn cùng khóa 16 VBQGĐL trong vòng 2 năm nay - đã có trên 20, tới tấp "ra đi". Nào Nguyễn Văn Cảnh, Thái Ồi Xiếng, ..., Lê Minh Ngọc, Bùi Quyền, ... Và 1 lần duy nhất vào năm ngoái (2021), tôi đưa đến tận nơi, bạn tôi là Lê Hữu Tân. Tận nơi lại là ngọn lửa làm phương tiện để bạn tôi bắt chước Lê Hữu Cương, là chuyện của 18 năm trước (2004).
  Những bạn khác chắc không so-bì với Lê Hữu Tân, với Huỳnh Bá Vạn, với Hồ Văn Hòa? Là suốt 24 năm, tôi ở đây (GA).

Lần này là Đinh Văn Mễ, bạn đã cùng với tôi năm 1960, thuộc Đại đội 1 Sinh Viên Sĩ Quan. Bạn cho tôi niềm hãnh diện với tấm ảnh chụp năm 1972. Là thời điểm đánh lớn tại Vùng 2 Chiến Thuật. 

  Bức ảnh chụp Cựu Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu gắn huy chương cho 3 Trung đoàn trưởng, thuộc Sư đoàn 22 Bộ Binh.
  Cả 3 Trung đoàn trưởng đều là khóa 16 VBQGĐL :  Đại Tá Nguyễn Hữu Thông, Đại Tá Nguyễn Thiều, Trung Tá Đinh Văn Mễ.

Tin bạn mất vào ngày 14 tháng 7 (2022) vừa qua tại Dallas, TX do 1 niên đệ cung cấp. Bọn tôi không "bị khuấy động tâm tư" nhiều cho lắm. Ai là kẻ không đợi tàu? Bạn tôi thọ 88 tuổi. Bạn sinh năm 1934, lại khai 1940. Ai ở gần bạn, hội-đoàn nào ở gần bạn, hẳn "đưa bạn đến tận nơi"? Bọn tôi ở xa, thì chỉ trông cậy 2 bạn : Tôn Thất Lăng (đại diện khóa 16), và Nguyễn Anh (truyền thông "quốc tế"). Hai bạn này sẽ làm những thủ-tục.
  Riêng tôi, lòng thì vẫn có, vẫn nhớ đến bạn mình. Người bạn ít nói nhất, hiền-hòa nhất, của Đại đội 1 SVSQ năm nào (1960). 62 năm qua, tôi vẫn còn hình dung những sinh hoạt của bọn mình.

Thế thì tôi cũng không cần lái xe ra ngã tư, hay đứng trên cầu (dành cho bộ hành), mà vẫy tay. Ai có hỏi, tôi hẳn sẽ trả lời : tôi "VẪY TAY TIỄN NHAU LẦN CUỐI". Rằng tôi tiễn bạn mình, Đinh Văn Mễ. Hẹn gặp nhau. Mà giả thử, nếu lùi lại 62 năm trước, bọn mình có muốn làm lại cuộc đời - dống hay khác trước? Tôi khẳng định : tôi vẫn duy trì cuộc sống cũ - không ân hận, không nuối tiếc.
Nói vậy không hẳn vậy. Ai biết chuyện về sau? Ai hiểu "CUỐN THEO CHIỀU GIÓ" là như thế nào?

  Tôi post bản copy tấm hình chụp Đại đội 1 SVSQ (VBQGĐL) năm 1960. Những dấu chấm đỏ trong hình là : 
(1) dấu đỏ gần nhất, người thứ 3 từ trái, là Đặng Phương Thành (Cựu Đại Tá, Trung đoàn trưởng Tr/đoàn 12, SĐ 7 BB - bị hành hạ chết trong lao tù CS) - 
(2) dấu đỏ thứ 2, người ở giữa hàng thứ 2, là Đinh Văn Mễ (Cựu Trung Tá, Trung đoàn trưởng Tr/đoàn 47, SĐ 22 BB) - 
(3) dấu đỏ thứ 3, người số 1 hàng thứ 4 tính từ phải, là Nguyễn Văn Huy (Cựu Đại Tá Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Kiến Tường) - 
(4) dấu đỏ ở trên đầu của những hàng sau cùng, tính từ phải qua, là Nguyễn Xuân Phúc (Cựu Trung Tá, Lữ đoàn trưởng LĐ 369 TQLC - đã tử trận tại Non Nước, Đà Nẵng, 29/3/1975) - 
(5) dấu chấm đỏ sau cùng, người đứng ngay cột, ở giữa hàng cuối, là Nguyễn Đằng Tống (Cựu Trung Tá, Lữ Đoàn Trưởng LĐ 4 TQLC - mất trong lao tù CS năm 1976, Hoàng Liên Sơn).
Vĩnh biệt Mễ!
(Stone Mountain GA - July 16, 2022)

7. NGÀN NĂM MÂY TRẮNG BÂY GIỜ CÒN BAY
Tin buồn đến cho Group "Nữ Trung Học Quảng Ngãi", khi LTTHQN loan báo rằng Cô Nguyễn Thị Nga My, cựu giáo sư trường Nữ Trung Học Quảng Ngãi, đã mệnh chung vào thượng tuần tháng 11/2021. Dĩ nhiên đó cũng là tin buồn cho thân-nhân của bà. Và cũng là tin buồn đến cho riêng tôi, một bạn học cũ cùng lớp của bà vào 62 năm trước. Bà mất vào tuổi 80.

Đó là cô nữ sinh 18 tuổi ít nói, hiền-hòa, và đẹp. Lớp Đệ Nhất C2 Quốc Học Huế niên-khóa 1959-1960 có trên 10 nữ sinh. Bàn đầu của dãy sát cửa vào lớp, thì NGa My ngồi giữa. Người đầu tiên là chị Kim Cúc (khoảng 25 tuổi - đã có chồng, con). Tường Nhi ngồi bên phải Nga My. Bàn đầu của dãy trái bên kia (từ bục giảng nhìn xuống), có Kim Hải (KH - hiện ở Nam Ca-li - nếu bạn đọc bài này, biết rằng tôi không nói sai).
  Hai bàn tiếp theo của 2 dãy đều là nữ. Bọn nam sinh chúng tôi chia nhau ngồi phía sau 4 bàn nữ đó. Tôi ngồi ngay sau cô Thanh (và Thanh cũng ngồi ngay sau Nga My). Cả lớp chừng 26 học sinh. 

Đa số các cô đều xinh, và độ tuổi khoảng 18. "Các nàng" đều quyến rũ. Nam sinh cùng lớp không phải "thánh", nên "da-diết + cuồng điên" run after. (Mong các nam sinh cùng lớp đừng cho tôi bêu "tốt" - tôi có quan-niệm rằng "chạy theo" người đẹp là khuynh-hướng đàn ông, là điều tốt - thì trừ Tô Phạm Liệu đã mất vào 1997, còn các bạn khác : Phan Tường Tứ, Nguyễn Công Hào, Đặng Trần Chuyên, Đoàn Duy Hinh, Trương Thúc Cổn ... thế nào? Ai còn ai mất?).
Cuốn hồi-ức "CHUYỂN BẾN" của tôi in tại VN (3/2020) trang 5 có viết : "Không dám chọc giận Kim Hải, vì cô này hở tí là nước mắt đầm-đìa. Nga My chắc cùng tuổi tôi - (bây giờ mới biết, cô còn nhỏ hơn tôi 1 tuổi) ... , cô nghiêm trang, da bánh mật, đẹp gái. Tôi âm thầm mến, và tôn-trọng, thường lịch-sự chào hỏi, không dám quấy rầy".

Dĩ nhiên tôi cũng không phải "thánh", nhưng tôi đang có bạn gái, nên không dám "liếc ngang ngó dọc", ngại ai phá bỉnh mà "nói oan" tôi đến tai "cô bé 16 tuổi" đang ở Phủ Cam, "thì thật không đáng". Nhưng lòng tôi vẫn có ấn-tượng sâu-đậm về Nga My.

Tuổi già thường sống với quá khứ. Oct. 20, 2021, tôi có viết vào trang FB cá nhân về kỷ-niệm cũ, chuyện của lớp học niên-khóa 1959-1960 nói trên. Quốc Học Huế có thông-lệ họp mặt qua đêm của mỗi lớp, vào 1 ngày cuối tuần cuối tháng 10 hay đầu 11 hàng năm. Tôi không nhớ rõ là dịp nào, nên tạm cho là dịp lễ Toussaint (là lễ của công-giáo, nhưng bấy giờ thời Đệ I VNCH, lại cho phép các trường công và tư nghỉ học mấy ngày). Bài viết có tiêu-đề "Toussaint 1959".
Trong bài viết có đoạn nói : "Niên-khóa 1959-1960, tôi vẫn làm trưởng lớp (nghĩa là, tôi đã làm trưởng lớp năm ngoái, lớp Đệ Nhị C2, và rằng, tôi đã liên-tiếp có kết quả cuối năm học "ưu hạng" từ 2 lớp Đệ Tam C2 [1957-1958], Đệ Nhị C2 [1958-1959]) xét từ kết quả của năm trước.

Và sau khi trường khuyến-khích mỗi lớp họp mặt qua đêm nhân lễ Toussaint, tôi kêu gọi các bạn cùng lớp thảo-luận ... Ngày trường ấn-định là Thứ Bảy, 31/10/1959. Chúng tôi sau buổi học sáng Thứ Bảy, về nhà chuẩn-bị đồ ăn, bánh, trái, những thứ linh-tinh khác. Được lưu-ý về văn-nghệ, kể chuyện, ca hát, nhạc-khí, v.v... Hẹn có mặt tại lớp vào 6g chiều ...".
Đêm họp mặt kỷ-niệm đó có trên 12 nam và nữ sinh. Nữ có cô Thanh, Nga My, Kim Hải, Tường Nhi, và 2 cô khác (xin lỗi 2 bạn - 62 năm mài-mòn trí nhớ tôi, việc "không nhớ tên" mong tha thứ!).

  Về nam-sinh thì đủ 7 tên như đã nói trên (đều là bạn thân nhất) - trong số này, đương nhiên có tôi. (Lưu ý 1 điều rằng, tôi viết tên các bạn theo thứ tự độ cao - Tứ + Hào cao nhất [khoảng 1.8 mét], tiếp, Chuyên + Hinh + Cổn có chiều cao [ >1.7 mét], Liệu thấp hơn - và cuối cùng là tôi [chỉ 1.64 mét]. Các bạn "thương" tôi "thấp nhất" nên đều nghe lời tôi sắp xếp - hơn nữa, tôi là Trưởng lớp.

Lương-thực, thực-phẩm, trà, cà-phê, bánh ngọt, chè các loại, v.v... từ mỗi người đem đến, được giao cho ban "ẩm thực", đứng đầu là Nga My. "Bọn trai tráng" lo sắp xếp bàn ghế, và phần tôi làm chân "chạy vặt" khi "các nàng" sai ra khỏi lớp, đến "préau" có vòi nước mà lấy nước, v.v... Các thủ tục lấy gạch, đá làm bếp + củi, lửa thì giao cho Liệu (vốn là Hướng-đạo-viên) thực-hiện, và giao cho các cô nấu-nướng.

Trong bài viết này, tôi có nói đến số-phận của "những" 13 học sinh tham-gia buổi họp mặt (xin xác nhận lại : 6 nữ sinh + 7 nam sinh). Tôi thì còn sống - là điều hiển-nhiên. Liệu mất vào 1997. Các bạn nam sinh khác, ... nếu không lên tiếng, thì tôi coi như "thuộc về dĩ vãng". Tôi có nhắc đến 2 nhân-vật - vốn đã in sâu trong tâm-tư tôi - là Nga My và Kim Hải. Thì, mấy năm trước, tình cờ thấy trên online cuộc sinh hoạt của Cựu Học sinh QH & ĐK tại Nam Ca-li, có sự hiện-diện của 2 bạn cũ này. Tôi viết : "Lòng nôn nao. Mừng 2 bạn vẫn khỏe-mạnh, vui-vẻ với tuổi (bấy giờ) gần 80... Kim Hải "hay khóc" xưa, nay có còn "nhòe nước mắt"? Nga My nghiêm-túc có còn giữ dáng-dấp hôm nào?"

Nov. 13, 2021 từ Group "Liên Trường Trung Học Quảng Ngãi" báo TIN BUỒN : Cô Nguyễn Thị Nga My, cựu giáo sư Nữ Trung Học, Quảng Ngãi vừa qua đời". Đó là bài viết từ FB của cô Mỹ Anh, và phần chót, cô viết : "Hôm nay được tin cô Nga My qua đời, kỷ-niệm xưa hiện ra. Không còn khóc nữa, nhưng rất bồi-hồi thương nhớ ..." Và 1 tấm hình chụp gần 60 năm trước được post lên.

Đọc tin này, tôi vội gọi phone cho 1 bạn học cũ hiện ở Nam Ca-li. Yêu cầu xác nhận, vì người này cũng quen thân với Nga My. Thì 1 người cháu của Nga My tên TH, Admin. của Group LTTHQN cũng đã xác nhận về sự ra đi của dì mình. Nga My mất vào Nov. 4, 2021.

  Là bạn học cũ cùng lớp với Nga My, không thân, ngay cả lúc có dịp gặp nhau vào 1963, khi tôi đôi ngày ghé Quảng Ngãi. Bạn cùng lớp Đệ Tam C2 Quốc Học Huế là Phạm Hữu Trúc - cũng khá thân - đang dạy Anh văn lớp Đệ Nhị Trần Quốc Tuấn, báo tôi biết Nga My đang có mặt tại đây.

  Trúc biết tôi để ý VL (bài viết "Màu áo xưa thu vàng" nói về cô này), và VL cũng là bạn rất thân với 2 chị em Nga My và Kiều My. Trúc rủ tôi đến thăm Nga My. Tôi đã từ-chối. Không hiểu sao. Không thân nhưng cứ vướng mắc. Tôi vẫn thường nghe ngóng tin tức các bạn cũ (đương nhiên có Nga My và Kim Hải).
Đời người vô thường! Vui đó rồi buồn đó! Vừa vui vì mới 2 hay 3 năm trước thấy có sự xuất hiện của Nga My trong cuộc hội ngộ QH & ĐK tại Nam Ca-li. Rồi tháng trước, buồn khi biết VL đã qua đời tại Nam Ca-li (2019). Tôi biết Nga My và VL rất thân nhau. Định tìm cách hỏi Nga My về chuyện của VL, cùng hỏi thêm tình hình của riêng Nga My. Thì bàng hoàng với tin báo ngay đầu bài viết này.

Tôi đã mượn 1 câu dịch của Tản Đà từ bài "Hoàng Hạc Lâu" của Thôi Hiệu, nhà Đường, Trung Hoa. Người ta mô tả 1 cánh hạc vàng bay xa. Thì nay, tới tấp những cánh hạc vàng biến mất. Hết VL, thì nay NM. Nhưng tôi cả quyết, tôi không mất dấu bất cứ cánh hạc vàng nào : "Ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay".
Tôi cũng mượn 4 câu thơ "Màu Thời Gian" của Đoàn Phú Tứ.

  "Màu thời gian không thanh - Màu thời gian tím ngát - Hương thời gian không nồng - Hương thời gian thanh thanh"

  Tôi cho rằng "thanh thanh" không chịu "quản thúc" bởi định-luật thiên-nhiên, là sự đào thải như những màu sắc, hay mùi hương. "Thanh thanh" gây trong tôi 1 sự "bất biến" của 1 ý tưởng được nâng cao thành 1 sự-kiện tâm-linh - nếu là tôi, thì tôi gán cho từ-ngữ này "tính thánh-khiết". Dù Đoàn Phú Tứ có "giận" tôi, tôi xin cam chịu. Chắc nhà thơ không biết "thuyết hiện sinh". Tôi đang mượn "tính chủ thể" (subjectivity) dành cho độc-giả.

  Thì dù từ nghìn xưa, "tóc mây một món chiếc dao vàng" của Dương Quý Phi, cho đến thiếu nữ được nói đến trong tác-phẩm của Đoàn Phú Tứ, hay là 2 năm trước, chuyện ra đi của VL, và mới nhất, Nga My lặng lẽ vĩnh biệt, thì "hương thời gian thanh thanh" của những người đàn bà này là "muôn thuở".
Đặc biệt với Nga My, tôi viết riêng 1 bài "Vòng Tròn Sẽ Nối, Vết Đau Sẽ Lành". Đây là vòng tròn vô hình, không theo toán học. Vòng tròn này tôi muốn nói đến 1 sự liên hệ giữa người này với người khác. 

Tôi là bạn cũ cùng lớp với Nga My từ 62 năm trước. Tôi quý-mến và trân-trọng Nga My. Tôi vốn xem sự liên-hệ này như 1 vòng tròn. Những "đứt quãng" của 62 năm qua dưới nhiều dạng, khiến tôi chưa hề nói thêm 1 lời nói, chưa hề viết cho cô 1 dòng chữ, và không hề gặp lại cô, thì nay trong 1 cảm-nhận khiến "một sự nối lại vô hình" đem vòng tròn hoàn-thiện. Sự nối lại là 1 chiều, vì Nga My đã theo lửa mà về với hư-vô.

Và cũng vì về với hư-vô, Nga My đã quẳng xa mọi thứ về đằng sau, kể cả mọi vết thương lòng. Tôi có thói quen cảm-nhận những buồn vui của tha nhân. Tôi cũng thấy mình đau vì vết đau của người khác, huống gì của Nga My. Và cùng sự rũ bỏ mọi thứ từ nay của Nga My, trong tôi tựa hồ vết đau vô hình cũng biến mất!

(( Thời gian qua nhanh! Thế mà Nga My đã vắng bóng gần 1 năm qua. Thì như tôi đã nói : "Ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay", và  đặc tính "thanh thanh" của hương thời gian thì muôn thuở! ))
(Stone Mountain GA - Nov. 22, 2021, edited on July 14, 2022)

8. DỐNG NHƯ GẤM
Không lâu trước đây (khoảng 3 tháng), đọc "Thiều Quang Mạn" của Đông Thiên Đích Liễu Diệp, tôi chỉ thích có mỗi câu kết "Cổn Cổn Nhi Lai Cổn Cổn Nhi Thệ" cho 4 mùa luân chuyển :
  "Thiên phong quyển động xuân nhật đích thiều quang - Quyển động hạ nhật đích lôi vũ - Quyển động thu nhật đích hoàng diệp - Quyển động đông thiên đích băng tuyết".
Mà có bài viết "CUỒN CUỘN ĐẾN, RỒI CUỒN CUỘN ĐI". Để rồi điểm lại "ĐỜI TA BỐN MÙA LUÂN CHUYỂN".

Thiên nhiên là vậy, đời người thì sao? Suốt nửa năm qua, kể từ điểm nóng "COVID-19" cuối cùng cũng đến lúc nhường chỗ cho chiến sự Nga-Ukraine, thì tại Mỹ, stock hạ kinh khủng. Rồi giá xăng ... chưa biết đã tiếp cận "đỉnh", hay còn muốn đi lên?

"Tiếng đời" luôn "xô động", để - đa số là những U50, U60 - có chuyện để bàn cãi. Không phải là "trà dư", mà từ đầu đến cuối là "tửu". Tửu tiền tửu trung, tửu hậu! Bó 80 như tôi, không còn nhiều thì giờ để tìm hiểu câu "lo trước cái lo của thiên hạ - vui sau cái vui của thiên hạ". Khó có ai có tư cách lấy câu đó làm "châm ngôn" cho mình. 

Mà tôi cũng là "ly khách". Chợt nhớ 4 câu chót (nghe là được thêm vào sau này) của "Tống Biệt Hành" (Thâm Tâm/Nguyễn Tuấn Trình) :
"Mây thu đầu núi gió lên trăng
"Cơn lạnh chiều nao đổ bóng thầm
"Ly khách ven trời nghe muốn khóc
"Tiếng đời xô động, tiếng hờn căm ""
Là ly khách đã gần nửa đời người. Những người Việt Hải Ngoại cũng rất đa dạng. Đa dạng : - lý do tha hương, - tâm tư trước và nay, - v.v... Mấy ai trong họ "ven trời nghe muốn khóc"?

  Có ai "ngắm trăng" tại Mỹ? Cái lạnh tại những tiểu bang Bắc Mỹ được bao nhiêu phần trăm "thấm lạnh lòng người ly hương"?

Vậy, đời người như tôi đặt vấn đề ở trên, không quá rộng, không viễn vông. Trong mấy triệu người xa quê, mấy ai "lẩm cẩm" đặt câu hỏi đó, "cho tha nhân" hay "cho riêng mình"?

Tìm đọc tiếp các tác phẩm của Đông Thiên Đích Liễu Diệp, tôi đọc "TỰ CẨM". Đều là chữ Hán-Việt. Chữ kép trong từ điển Hán-Việt của Đào Duy Anh liên quan 2 chữ này chỉ thấy "Cẩm Tự", có nghĩa, "chữ thêu trên gấm". Vậy, "Tự Cẩm" là 2 từ riêng rẽ. Tìm nghĩa của mỗi từ để hiểu nội dung của cuốn truyện, thật cũng làm khó tôi không ít.

Chương cuối viết "Phồn Hoa Tự Cẩm" của cuốn "Tự Cẩm" đã cho tôi câu trả lời. Và đọc hết cuốn truyện (hình như 868 chương), tôi mới chọn đề tài cho bài viết này "DỐNG NHƯ GẤM" (Trước nay, tôi đều dùng chữ "giống nhau", thì từ điển của Đào Duy Anh viết rõ : Tự là "tựa như, DỐNG như". Tôi phải theo).
Khung cảnh là thời Nam-Bắc-Triều, Trung Hoa. Là chuyện xung đột trong cung-đình Bắc Chu (thuộc Bắc-triều). Thời gian từ 550-589, trước khi Dương Kiên thống nhất nước Tàu, và lập nên nhà Tùy kể từ 589.
  Tác giả dựa vào khung cảnh trên mà đưa ra những nhân vật + việc xảy ra theo hư cấu, nhằm tiểu-thuyết-hóa.

  Cảnh Minh Đế, vua Bắc Chu, có 7 con trai - đều là hoàng tử có vương-vị. Thế là các vương gia này cùng các vương phi (vợ các hoàng tử) tranh giành nhau chức "trữ quân" - là Thái tử. Thường thì Thái tử sẽ kế nghiệp vua.

Bước lên đế-vị - là ngôi vua - hẳn là từng bước mà bước lên "thềm gấm, đệm hoa". Tuy nhiên, không con đường nào là thanh bình cho "đường đời", nhất là "con đường phú quí". Kẻ thù ở khắp nơi, từ xa đến gần, từ sơ đến thân. Không hiếm kẻ phản ta lại là những người rất gần ta. Giá phải trả thì kinh khủng. Là mạng sống của chính ta, vợ con, thân bằng quyến thuộc ...
Cái gì mà chính sử? Cái gì mà lịch sử "sự kiện"? Lịch sử khách quan? Đều là những biện hộ. Thừa giấy vẽ voi. Càng hiện đại, càng lắm trò quái gở!

Lịch sử Việt từ 80 năm trở lại, e phải cần chờ rất lâu nữa - khi nào những vết đen "thay trắng" đã hết tác dụng, khi nào "cái rất dống như gấm" được thấy rõ "không là gấm" chút nào!
Và mọi "phồn hoa" tựa như "gấm", hay, "tựa như dệt trên gấm" - cũng là cách nói. Nhưng gấm dù đẹp, dù êm ái cũng có lúc vì biến đổi của thời gian mà thay đổi - theo đà đi xuống.

Nhưng "mệnh trời và số người" khắn khít nhau. Thiên nhiên với 4 mùa - có rực rỡ như xuân, có sấm sét như hạ, có vàng úa như thu, và đông băng giá - thì vẫn trở lại chu kỳ "miên viễn".

  Những câu chuyện được kể từ 1 ngàn 5 trăm năm trước, lại cũng y hệt chuyện 100 năm nay - tạm cho là riêng lịch sử VN.
Viết cho những tháng cuối hạ.
(Stone Mountain GA - July 12, 2022)


 
9. TIỄN MUỘN
Hai dịp biết về chị.
  - Một dịp cách đây ít năm, rảnh rỗi - tôi tìm cách liên lạc những bạn cũ từ 60 năm trước. Là hồi còn học sinh. Các website liên quan Quốc Học Huế về thời điểm đó hầu như không xuất hiện thêm. Rồi cũng tìm được, đó là bài viết của Thái Kim Lan nói về Phùng Thăng. (Hình như trong phần góp ý, tôi muốn điều chỉnh lại niên khóa mà cô TKL viết về lớp Đệ Nhất C2 Quốc Học, mà các cô đang học, không phải niên khóa 1959-1960 - Nhưng lâu không thấy reply, nên tôi lướt qua). Phần muốn điều chỉnh là : năm đó, tôi là Trưởng lớp - tôi đã kể ra nhiều bạn nam sinh + nữ sinh cùng lớp [được nói rõ trong 2 bài viết của tôi "Toussaint 1959" và "Chuyện Mới Chuyện Cũ"]
  - Dịp thứ 2 vốn là năm ngoái thấy ảnh các cô Đệ Nhất C2, niên khóa 1960-1961, có Nga My, Thái Kim Lan ... (và hình như có ghi chú : Phùng Thăng học cùng lớp).
Tôi lớn hơn chị 3 tuổi, hơn Nga My 1 tuổi. Chỉ là cách viết, khi đề cập đến tuổi tác. Không có chi quan trọng!
Hôm nay thoáng thấy trong FB "Trang Huế Online - HUẾ CỐ ĐÔ", bài viết của Xanh Doan nói về chồng cũ của chị (trước khi gia đình tan vỡ), và chị.
"Bất quá tam đa" - Tên chị, Phùng Thăng, lại xuất hiện trước mắt tôi. Thế là tôi tìm đọc những tài liệu nói về chị. Nào Thái Kim Lan, Trần Hoài Thư, ...
  Nhưng tìm biết để làm gì?
(( Về Phùng Thăng - tôi vì 1 lần tìm cách liên lạc những bạn cũ Quốc Học của những năm cuối thập niên 50 (1959) trở về trước, mà đọc được bài nói về cô (hình như là lời kể của Thái Kim Lan - bạn cùng lớp của Phùng Thăng, thì phải). Tôi rất mến + phục cô Phùng Thăng. Một thiên tài, nhưng "yểu mệnh". Mà thôi, thế là đủ. Sống lâu rồi cũng chẳng khác "ống bình vôi", có gì mà "ao ước"?
((
(( Năm ngoái, tôi - nhân "sự ra đi vĩnh viễn" của 1 bạn cùng lớp cũ (của 62 năm trước) là "nữ sinh lớp đệ Nhất C2 Quốc Học Huế, niên khóa 1959-1960", tên Nguyễn Thị Nga My - mà có viết trên FB cá nhân mình bài viết kỷ niệm "Ngàn Năm Mây Trắng Bây Giờ Còn Bay".
((
(( Rồi từ bài viết đó, tôi lại đọc được bài viết của Nguyễn Đắc Xuân từ FB của ông này. Có điều, FB của ông lại post bài viết của tôi khi kể chuyện liên quan Nga My. (Sau đó, vì không thể remove bài của mình từ FB của người khác, tôi đã có 1 comment trong FB tôi rằng, tôi chưa hề quen biết hay gặp gỡ NĐX, và tỏ ý không bằng lòng khi bài viết của mình lại share vào FB người khác. Thế là ít hôm sau, bài của tôi không còn ở FB của NĐX).
((
(( NĐX viết về Nga My, có post hình cô này và các bạn nữ sinh khác và ghi : Đệ Nhất C2 Quốc Học Huế, niên khóa 1960-1961. Bấy giờ tôi mới biết, Nga My hỏng Tú Tài 2 (năm trước,1959-1960) - tôi rời khỏi lớp Đệ Nhất C2 (1959-1960) vào tuần cuối 11/1959, lên Đà Lạt. Năm tiếp theo, 1960-1961, Nga My học chung Đệ Nhất C2 với Thái Kim Lan + Phùng Thăng + Nguyễn Đắc Xuân.
((
(( Tấm ảnh Phùng Thăng chụp chung các bạn lớp Đệ Nhị C tại Đồng Khánh (cùng với thầy Phan Văn Dật - ông này là anh họ tôi. Mẹ ông là cô họ tôi) là niên khóa 1959-1960, thì đúng hơn. Vì  năm sau, niên khóa 1960-1961, Phùng Thăng mới học Đệ Nhất C2 Quốc Học.
((
(( Có dịp, tôi sẽ viết riêng 1 bài nói về Phùng Thăng, khi gom nhiều hơn, những dữ liệu về cô này. Ít lâu trước đây, Thái Kim Lan muốn liên lạc nói chuyện với tôi (qua FB), nhưng tôi tiếc đã từ chối. Có lẽ tôi sẽ liên lạc với TKL để có thể có nhiều điều mình cần ))
Nhưng tìm biết để làm gì?
Chuyện về chị, người ta viết quá đủ về cuộc đời, sự nghiệp. Theo lý thì như vậy. Nhưng tôi không thỏa mãn. Nếu xuyên qua những tác phẩm viết hay dịch của chị mà cho rằng ta biết về chị, ta hiểu chị, thì còn "võ đoán" và khá là "nông cạn". 

Cứ truyền đời từ những Plato, Socrate hay Kant, hay Kierkegaard, hay Sartre, v.v... rồi "thần tượng hóa", rồi "thần thánh hóa" họ. Lại còn nói rằng "ta hiểu họ", rồi bắt chước ...
  Thượng Đế cho con người 1 cách biệt nhau "không quá lớn" - chỉ tương đối. Đọc những tác phẩm của họ, mới thấy thất vọng. Không phải họ "dở, kém", mà là không như đồn, thổi. Biết bao nhiêu thiếu sót, mà ta cứ "vô tình hay cố ý" cho qua? Định kiến thật tai hại.
63 năm trước, tập tửng học Triết. Cứ thấy câu "je pense donc je suis" của Descartes, là tự mình thấy như Triết-gia. 

  "Thế nào là sự hiện hữu? Thưa ông Descartes". Chắc đây là sự hiện hữu của loài khỉ mà Darwin muốn cho nó bộ óc "tư duy" của loài người? Để chúng biến thành người?

  Cái gì mà đối nghịch với chủ nghĩa Kinh viện (Scholasticism)? Cái gì mà nhị-nguyên thuyết? Vật chất với tâm trí?
  Trường phái Kinh viện khiến Thần học Cơ đốc dẩm chân tại chỗ, lúng túng từ Origen mãi nhiều thế kỷ sau đến nỗi Tertullian đã phải than phiền "Rô-ma có quan hệ gì với A-then"?

  Riêng tôi, đặc biệt tìm hiểu về nhà toán học kiêm ... triết gia Descartes này- nhân vật nòng cốt của phong trào Enlightenment. Phong trào này đã mãnh liệt đánh phá "thành trì giáo lý" Cơ đốc giáo. (Để mãi về sau, thế kỷ 20, Pannenberg mới "bình ổn" được. Và  không lâu, Eldon Ladd mới giải thích rõ hơn về ý nghĩa của "History")
Thảm cảnh đến với 2 mẹ con chị là tang chung cho "người thiện" đối diện với "cái ác" thấm quá đậm vào "những kẻ điển hình đó", để họ không còn "nhân tính". 

  Tôi không còn muốn đọc những dòng "ký thuật" về thảm cảnh đó.  Người viết những ký sự đó nên tìm việc ở các cơ quan điều tra (công an, cảnh sát) thì hơn. Thật là cách viết "tân thời".

Chị Phùng Thăng! Không một ai hiểu chị. Chị tin Phật, thì chỉ có Phật hiểu chị, hiểu tâm sự chị. Tôi tin Chúa JC, và chỉ tin mình Ngài hiểu được từng cá nhân con người - có chị.

Cho rằng "cát bụi trở về với cát bụi" thì chị và bé gái đã trở về với cát bụi từ 44 năm trước. Người thân, sơ đều đã tiễn chị từ bao giờ, riêng tôi hôm nay, xin tiễn chị Phùng Thăng và con. Dù là lời tiễn muộn.
(Stone Mountain GA - July 11, 2022)
-----------------------------
 
Số Thứ Tự
17. ĐÀ LẠT NGÀY VỀ
16. 47 NĂM TRƯỚC
15. NGUYỄN XUÂN PHÚC, BẠN TA
14. MÁI NHÀ XƯA
13. DẪU LÌA NGÓ Ý CÒN VƯƠNG TƠ LÒNG
12. CÀ PHÊ ĐẮNG TRỞ LẠI
11. GÃY SÚNG - fb Dai Tran
10.1. MỘT ĐÀN ANH, MỘT CHIẾN HỮU
10.2. MỘT HỘI NGỘ 
10.3. "MÓN NỢ" KHÔNG TRẢ ĐƯỢC
  
1. THÁNG 9 DÒNG SÔNG (1, 2)
2. TÌNH VẪN CHƯA YÊN 
3. TÌNH CÓ CÒN NỒNG ?
4. MỖI NGÀY TÔI CHỌN MỘT NIỀM VUI ?
5. Trịnh Công Sơn
6. VẪY TAY TIỄN NHAU LẦN CUỐI
7. NGÀN NĂM MÂY TRẮNG BÂY GIỜ CÒN BAY
8. DỐNG NHƯ GẤM
9. TIỄN MUỘN 
  

No comments: