Monday, July 15, 2013

• Tiểu Đoàn 51 Biệt Động Quân Và Các Kỷ Lục Chiến Trường

Tiểu Đoàn 51 Biệt Động Quân Và Các Kỷ Lục Chiến Trường



Những kỷ lục chiến trường:
Trong chiến sử của binh chủng Biệt động quân, tiểu đoàn 51 Biệt động quân là một trong những đơn vị có những thành tích đặc biệt nhất được ghi nhận như là những kỷ lục chiến trường:
- Tăng phái cho 5 Sư đoàn Bộ binh thuộc 3 quân đoàn (sư đoàn 21 và 7/Quân đoàn 4; sư đoàn 10 (18), 25/ Quân đoàn 3; sư đoàn 22/ Quân đoàn 2) và lập được nhiều chiến công lớn, chỉ riêng trong năm 1968, loại ngoài vòng chiến tổng cộng hơn 1 ngàn 200 Cộng quân, tịch thu hơn 300 vũ khí, bắt sống hơn 100 tù binh.
- Năm lần chuyển đổi hệ thống trực thuộc và thống thuộc các liên đoàn Biệt động quân để làm nỗ lực chính trong các cuộc hành quân quy mô; hơn 100 lần là lực lượng xung kích hành quân lưu động trên 20 tỉnh của 3 vùng chiến thuật từ Nam phần đến Trung nguyên Trung phần, tham gia hành quân ngoại biên.

* Chiến sử của tiểu đoàn 51 Biệt động quân:
Được chính thức thành lập tại miền Tây vào ngày 1 tháng 12/1963, tiểu đoàn 51 Biệt động quân quy tụ 4 đại đội ưu tú của binh chủng Biệt động quân tại chiến trường miền Tây Nam phần: 352, 335, 356 và 357 (Trước năm 1962, binh chủng Biệt động quân chưa thành lập các tiểu đoàn, chỉ có các đại đội biệt lập. Trong giai đoạn đầu, các đại đội Biệt động quân là thành phần xung kích tại các khu chiến thuật). Sau thời gian huấn luyện bổ túc tại trung tâm Huấn luyện Biệt động quân Dục Mỹ, tiểu đoàn 51 Biệt động quân được tăng phái cho Sư đoàn 21 Bộ binh hoạt động tại các tỉnh Kiên Giang, An Xuyên, Ba Xuyên, Phong Dinh... thuộc vùng Hậu Giang.

Tháng 6/1964, tiểu đoàn 51 BĐQ được điều động lên chiến trường Tiền Giang, đặt thuộc quyền chỉ huy của bộ Tư lệnh Sư đoàn 7 Bộ binh, hành quân tại khu tam giác Định Tường, Kiến Phong, Kiến Tường. Từ tháng 9/1954 đến tháng 6/1965, do tình hình chiến trường Vùng 2 chiến thuật sôi động, tiểu đoàn 51 được lệnh rời Miền Tây tăng phái cho Quân đoàn 2, tham gia các cuộc hành quân phối hợp với các tiểu đoàn Bộ binh truy kích CQ ở Khánh Hòa và Bình Định.

Từ tháng 7 đến tháng 9/1965, tiểu đoàn rời duyên hải miền Trung về chiến trường miền Đông tăng phái cho Sư đoàn 10 Bộ binh tân lập (sau đổi thành Sư đoàn 18 Bộ binh), hoạt động tại Bình Tuy. Tháng 10/1965 đến tháng 12/1966, tiểu đoàn tăng phái cho Sư đoàn 25 Bộ binh hoạt động tại các tỉnh Hậu Nghĩa, Long An, Tây Ninh. Năm 1967, tiểu đoàn trở thành đơn vị cơ hữu của Liên đoàn 3 Biệt động quân. Từ tháng 3 đến tháng 5/1967, tiểu đoàn đã tăng phái trung đoàn 50/Sư đoàn 25 Bộ binh hành quân tại Long An. Từ tháng 10 đến tháng 12, tiểu đoàn là nỗ lực chính của liên đoàn 3 Biệt động quân hành quân tảo thanh CQ ở Bến Lức, Tân Trụ, Thủ Thừa...

Trong năm 1968, từ tháng 1 đến tháng 8/1968, tiểu đoàn đã nhiều lần tăng phái cho Sư đoàn 25 Bộ binh hành quân tại Long An, Hậu Nghĩa. Tháng 9 đến tháng 11/1968, tăng phái cho tiểu khu Biên Hòa. Từ tháng 1 đến tháng 4/1969, trực thuộc liên đoàn 6 Biệt động quân hành quân tại tảo thanh CQ tại phía Tây tỉnh Biên Hòa; từ tháng 5 đến tháng 8/1969, thống thuộc liên đoàn 5 Biệt động quân, hành quân tại Gia Định; từ tháng 10 đến tháng 11/1969, được đặt thuộc quyền điều động của liên đoàn 6 Biệt động quân hành quân tại Gia Định. Năm 1970, trực thuộc liên đoàn 3 Biệt động quân tham gia hành quân ngoại biên ở Cam Bốt cùng với các tiểu đoàn 31, 36 và 52. Tháng 4/ 1972, đơn vị cơ hữu của liên đoàn 6 Biệt động quân, tiếp ứng cho chiến trường Miền Trung. Tháng 4/1974, cùng với 2 tiểu đoàn 34, 35 của liên đoàn 6 Biệt động quân án ngữ mặt trận phía Bắc Bình Định.

* Ba trận đánh lớn của tiểu đoàn 51 Biệt động quân tại Đức Hòa, Hậu Nghĩa:
Thành lập vào ngày 14 tháng 10/1963 gồm một số quận của ba tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Long An, tỉnh Hậu Nghĩa là một trong những khu vực trọng điểm mà Cộng quân đã tập trung nhiều đơn vị chủ lực, lập căn cứ địa để tiến hành các cuộc tấn công quy mô, áp lực vòng đai Sài Gòn. Riêng tại quận Đức Hòa, Cộng quân luôn luôn phối trí một lực lượng từ 2 đến 4 tiểu đoàn và một số đại đội biệt lập. Cũng chính tại quận này, chỉ trong vòng hơn 2 tháng từ 28/2/1968 đến 4/5/1968, tiểu đoàn 51 Biệt động quân đã ba lần lập chiến công lớn qua ba trận đánh ác liệt:

* Trận Giồng Lớn:
Ngày 28 tháng 2/1968, tiểu đoàn 51 Biệt động quân cùng với một thành phần bộ chiến của Sư đoàn 25 Bộ binh tham dự cuộc hành quân An Dân 66/88 tại Giồng Lớn, Đức Hòa. Theo kế hoạch của bộ chỉ huy hành quân, tiểu đoàn 51 BĐQ làm nỗ lực chính tấn công vào cụm tuyến phòng ngự của một đơn vị chủ lực CQ quận Đức Hòa. Địch quân đã thiết lập hệ thống địa đại kiên cố và xây dựng cụm kháng cự liên hoàn với hỏa lực mạnh. Trong hai đợt xung phong đầu của tiểu đoàn 51 Biệt động quân, trận chiến đã diễn ra rất ác liệt, hỏa lực địch mạnh, đối phương đã sử dụng đủ loại vũ khí cộng đồng để chống trả. Sau gần hai giờ giao tranh, ban chỉ huy tiểu đoàn cho mở đợt xung phong thứ ba với ba đại đội dàn hàng ngang, đồng loạt tấn công thẳng vào cụm tuyến trung tâm. Cuối cùng tiểu đoàn 51 Biệt động quân đã chọc thủng tuyến phòng thủ của đối phương, hạ tại chỗ 70 Cộng quân, trong đó có đại đội trưởng đại đội C2 CQ Đức Hòa (ước tính có khoảng 100 cán binh CQ bị chết hoặc bị thương được thành phần CQ còn lại mang đi), bắt sống 5 tù binh, tịch thu 24 vũ khí đủ loại.

- Trận Trầm Lạc:
Ngày 16 tháng 3/1968, tiểu đoàn 51 Biệt động quân lại tham gia cuộc hành quân tại Trầm Lạc, Đức Hòa, Hậu Nghĩa. Một tiểu đoàn chủ lực của Cộng quân đã dàn trận để “nghênh chiến” đơn vị Mũ Nâu này. Cũng như tại Giồng Lớn, Cộng quân đã xây dựng cụm phòng thủ với địa đạo liên hoàn. Đại đội tiền phong đã bị địch dùng đại liên bắn xối xả, nhưng với chiến thuật cá nhân chiến đấu trong đội hình đại đội tấn công, chiến binh Biệt động quân đã làm chủ trận địa ngay từ phút đầu. Kết hợp giữa vận động chiến và lối đánh đặc biệt của binh chủng trong tấn công, từng trung đội Biệt động quân đã “dọn sạch” các cụm chốt phòng ngự của địch, mục tiêu cuối cùng là ban chỉ huy tiểu đoàn Cộng quân được giao cho một đại đội. Sau 6 giờ giao tranh liên tục, tiểu đoàn 51 Biệt động quân đã loại ngoài vòng chiến 95 CQ, bắt sống 1 tù binh, tịch thu 19 vũ khí, phá hủy hệ thống địa đạo và hấm hồ quanh khu vực hành quân. Phía lực lượng VNCH có 10 chiến binh tử thương, 19 người bị thương.
- Trận Bình Thủy: hạ tại trận 203 CQ, tiểu đoàn 51 BĐQ được tuyên dương công trạng trước Quân đội:

Ngày 4 tháng 5/1968, tiểu đoàn làm nỗ lực chính trong cuộc hành quân Toàn Thắng 196/68 do bộ Tư lệnh Sư đoàn 25 Bộ binh tổ chức tại Bình Thủy, Đức Hòa. Theo tin tức tình báo, 3 tiểu đoàn chủ lực của CQ đã tập trung tại khu vực này để mưu toan đánh chiếm thị trấn Đức Hòa. Trận chiến đã diễn ra ác liệt khi đại đội đi đầu của tiểu đoàn tiến vào khu vực tiền tiêu của đối phương. Cộng quân huy động toàn lực lượng cố bao vây tiểu đoàn. Tuy nhiên, nhờ kinh nghiệm của vị tiểu đoàn trưởng, khả năng chỉ huy của các đại đội trưởng và tinh thần chiến đấu quyết tử của binh sĩ, tiểu đoàn 51 Biệt động quân đã mở đợt xung phong chiếm giữ các vị trí trọng yếu của trận địa, từ đó khởi động tiếp cuộc tấn công toàn diện vào tuyến phòng ngự trọng điểm của địch quân. Mất một số vị trí chính yếu, Cộng quân đã lập các cụm điểm kháng cự ở tuyến mới. Trận chiến trở nên quyết liệt hơn trong ngày thứ hai khi Cộng quân cố tung các cuộc phản công, nhưng đều bị đánh bật.

Để giải quyết nhanh chóng chiến trường, tiểu đoàn sử dụng hai đại đội làm nỗ lực chính tấn công từ hai hướng vào bộ chỉ huy của tiểu đoàn Cộng quân, toàn cụm kháng cự trung tâm của đối phương bị chọc thủng, các thành phần còn lại ở vòng đai đã rút lui trong hỗn loạn. Đến chiều ngày 5 tháng 5/1968, tiểu đoàn 51 Biệt động quân hoàn toàn làm chủ trận địa với kết quả: 203 Cộng quân bị bỏ xác tại chỗ, trong đó có 4 sĩ quan từ cấp thiếu úy đến thượng úy, bắt sống 3 tù binh, tịch thu:1 đại bác 75 ly không giật, 1 súng cối 82 ly, 3 đại liên phòng không, 1 đại liên Tiệp khắc, 8 B 40 và B 41, 21 vũ khí đủ loại. Lực lượng VNCH có 20 chiến binh tử thương, 1 bị thương.

Với chiến công lớn trong cuộc hành quân Toàn Thắng 196/68, tiểu đoàn được Tổng tham mưu trưởng QL/VNCH tuyên dương công trạng trước Quân đội, toàn quân nhân tiểu đoàn được ân thưởng tập thể Anh Dũng Bội Tinh với nhành dương liễu.
Sinh Tồn chuyển

No comments: