* TRONG CUỘC ĐAO BINH (1-6) - Nguyễn Hữu Thời
* TRONG CUỘC ĐAO BINH (7-...) - Nguyễn Hữu Thời
* TRONG CUỘC ĐAO BINH (7-...) - Nguyễn Hữu Thời
---------------
NHỮNG NGÀY THẤM MỆT
Khi
thức dậy tôi thấy mình đang nằm trên chiếc giường ngoài bìa gần lối ra
vào. Phòng sĩ quan ở trong cùng, không rộng lắm, khoảng 20 giường, rất
ít giường trống. Buổi sáng im ắng. Các thương binh ngủ vùi. Tôi nhìn
xuống đùi mình, băng trắng dầy cộm đẫm máu. Căn phòng nặng mùi trụ sinh
và thuốc sát trùng lẫn với mùi tanh tưởi của da thịt đã ung thối vì hoại
tử.
Tôi nằm ngữa, nhìn lên cái quạt trần đang quay. Lại mừng khi biết mình còn sống và không bị cưa chân. Vết thương râm ran chưa gây đau nhức.
Tôi nhớ lại chuyện đêm qua. Khi được đưa vào giường, người thương binh kế bên đã lần mò ngồi dậy, bước qua và quay đầu giường của tôi lên cao cho vừa tầm. Sáng nay, tôi hỏi thăm anh. Tôi tự giới thiệu mình và được biết anh là Tín, chuẩn úy, khóa 5/73 (Đồng Đế). Tín là nạn nhân sống sót của đại đội 2 tiểu đoàn 464 sau trận phục kích “đội mồ” trên cánh đồng lúa bên ngoài khu trù mật Cái Sơn trưa hôm kia. Tín kể lại: Đặc công Việt Cộng núp bên dưới đám lúa chưa gặt, bất ngờ xuất hiện, đánh bằng lựu đạn, rồi cận chiến bằng dao và mã tấu…Cả đại đội tan tác, không kịp phản ứng. Giữa cơn hoảng loạn, Tín bị một quả M79 do quân bạn ở phía sau bắn không nổ “thoi” trúng lưng làm thủng một lỗ to hơn quả cam. Khi Việt Cộng lục soát trận địa, Tín đã ngã xuống, nằm úp mặt trong đám lúa. Anh giả vờ chết; một tên Việt Cộng nói: “Thằng này chuẩn úy; để tao thí cho nó một viên”.
Viên K54 trượt qua đầu nên anh sống sót. Tôi nhìn thấy một vết xước nhỏ trên màng tang của anh. Vậy là chúng tôi cùng bị thương trên một mặt trận. Tín vào đây trước tôi một ngày. Tôi bị trên đùi trong, phải nằm ngữa, còn Tín bị trên lưng, phải nằm sấp. Chúng tôi chỉ có thể cử động rất nhẹ và chậm. Gần trưa, có một đại úy bác sĩ đến nhìn tôi một chút, rồi đi ra.
Hôm sau, tôi mới biết thế nào là đau đớn. Buổi sáng, một trung sĩ và một nữ y tá đẩy chiếc xe chở thuốc đỏ thuốc tím cùng với băng bông dao kéo vào phòng và dừng lại bên giường tôi. Tín xoay trở ngồi dậy, lấy một cái khăn tay nhét đầy miệng tôi, một thương binh khác cũng lò dò bước sang, đè 2 chân tôi xuống để tôi khỏi vùng vẫy. Tôi được khuyên phải dùng hai bàn tay bóp chặt hai thanh giường để có sức chịu đựng. Người y tá tháo băng, lấy kéo răng cưa gắp một miếng gạc to đùng, anh xịt thuốc đỏ, thuốc tím lên miếng gạc rồi thọc vào lỗ vết thương của tôi. Anh vừa “quậy” liên tục, rất nhanh, vừa hỏi: “Chào chuẩn úy đẹp trai quá! Có người yêu chưa? Dân Saigon à? Chuẩn úy ra trường được bao lâu rồi…?”. Quá đau đớn, tôi rú lên, nhưng miệng bị cái khăn chặn lại, hai tay tôi bóp mạnh hai song sắt thành giường đến mức như…mềm đi ! Mồ hôi trán vã ra cùng hai dòng nước mắt, không phải do khóc mà do nỗ lực bất thành muốn chấm dứt cơn đau đớn. Người y tá rành nghề, thao tác rất mạnh và nhanh để rút ngắn cơn đau, vừa làm vừa hỏi chuyện để thương binh phân tâm. Cơn đau có ngắn đi nhưng nó sẽ không chấm dứt... Nó sẽ trở lại, người y tá nói, vào ngày kia, khi lại rửa vết thương. Thật khiếp đảm khi da thịt con người bị…mổ sống! Tôi tự nhủ “Phải bị, ít nhất là một lần, cho biết, nghe con!”
Ngày hôm sau nữa, không phải đau, mà là nhức, khi tôi được chích trụ sinh liều mạnh vào mông (Penicillin…một triệu rưỡi đơn vị). Y tá vừa rút mũi kim ra là cả người tôi…xệ đi, nhất là cái mông. Cơn nhức nhối âm ỉ cả ngày.
Ở đây, một ngày rửa vết thương, một ngày chích thuốc. Cứ 2 ngày bác sĩ đến thăm một lần. Đại úy bác sĩ đến từng giường, xem lại vết thương, hỏi thăm thương binh có sốt không, ngủ được không, dặn dò uống thuốc…v…v…Vào ngày rửa vết thương, buổi sáng, không làm gì được. Nghe tiếng cái xe thuốc, được đẩy vào phòng, với tiếng dao kéo khua lanh canh, thương binh nào cũng xanh mặt. Cả phòng lại tràn ngập tiếng…rống! Người nào được rửa thì…la hét; xong, nhìn người khác la hét lại…cười. Chuẩn úy hay thiếu tá gì cũng vậy, ai cũng rống to như heo bị chọc tiết. Mỗi ngày được ăn cơm 2 bữa, trọng cái plate, dùng muỗng múc. Cơm có 3 món: mặn, xào và canh, 1 quả chuối tráng miệng. Rất nhiều thương binh bỏ ăn vì quá yếu, không tự múc được. Nếu không có người nuôi thì coi như…nhịn. Nằm được 2 ngày, tôi bắt đầu quan sát quanh phòng. Chếch bên dãy bên kia có một ông chuẩn úy già khó tính, nói huyên thuyên và phàn nàn đủ thứ chuyện. Ông bị đạn xuyên qua ống chân, mỗi lần rửa vết thương phải đẩy miếng compress xuyên qua cái lỗ trống để “kéo cưa” hay “thông nòng”. Lần nào cũng vậy, ông la bai bải và chửi thề liên tục. Hàng ngày, có một cô bé khoảng 15 tuổi vào phòng giúp đỡ các thương binh. Cô thay drap giường, lấy quần áo dơ bỏ giặt, đỡ thương binh ngồi dậy, cho uống thuốc hay giúp đi tiêu tiểu. Cô còn mang mấy cái bô đi đổ và rửa sạch rồi để lại chỗ cũ. Được biết cha cô cũng là một quân nhân phục vụ ở tiểu khu và cô tình nguyện vào đây làm việc không lương. Cô hay đến bên giường tôi, hỏi thăm và kể đủ chuyện. Ban đêm cô cũng vào, hát cho chúng tôi nghe. Cô thường đứng giữa phòng, hát “Một Mai Giã Từ Vũ Khí”, một ca khúc quen thuộc. Tôi nhớ ở Thủ Đức, Nguyễn Văn Thanh, biệt danh là Thanh “phù-sa”, hay hát bài này, rất tha thiết. Cô bé này hát không hay lắm, nhưng cũng ru được vài anh thương binh vào giấc ngủ. Riêng tôi không thích cô bé hát mà chỉ muốn cô thủ thỉ trò chuyện. Cũng có anh không thích bài hát chút nào và muốn cô im cho, như ông chuẩn úy già. Không hiểu bực tức điều gì, ông gay gắt với cô bé: “Mày hát cho tụi tao nghe cũng tốt, nhưng hát bài gì cũng được, đừng có hát bài này. Mẹ…Cứ giã từ vũ khí suốt cả ngày!”.
Cô bé tiu nghĩu, cụt hứng. Rồi nước mắt chảy quanh. Cô không hát nữa, lặng lẽ gom mấy cái bô rồi đi ra khỏi phòng. Tôi hơi buồn nhưng nàng đã trở lại ngay hôm sau.
Một tối, lại một đêm mưa, một chuẩn úy trẻ được đẩy vào phòng. Anh mang bảng tên nền đen chữ đỏ, bị thương ở chân. Màu bảng tên cho thấy anh thuộc tiểu đoàn 1 SV trong Thủ Đức, tôi tin anh là bạn cùng khóa. Đó là Phan Tiến Bình, ở đại đội trinh sát 746. Trong trường, anh ở đại đội 12, còn tôi bên 11. Bình cũng mừng khi biết tôi cũng 3/73. Bình nằm giường phía bên kia, ưa nói chuyện. Rãnh rỗi, Bình kể cho tôi nghe chuyện bào huynh của anh đã tử trận Hoàng Sa trên HQ10 ra sao.
Mỗi sáng, sau khi rửa vết thương hay chích thuốc, tôi đều bị cơn đau nhức hành hạ. Lần nào rửa vết thương, theo phản xạ trong cơn đau đớn, tôi cũng gào rú không thành tiếng, cứ ú ớ trong chiếc khăn tay mà bạn thương binh đã nhét vào miệng. Rồi nhắm mắt chịu đựng…Sau đó là nằm bẹp. Tôi như một võ sĩ hạng ruồi bị cú knock-out, không gượng dậy nỗi vì đang thấm đòn.
Người đầu tiên vào thăm tôi là Ông Địa, thường vụ đại đội. Tôi hỏi thăm tình hình tiểu đoàn. Ông cho hay sau khi tôi bị thương, tiểu đoàn bị chặn đánh. Đại đội có thêm trung sĩ Tuấn chết, Phi bị thương, phải cưa mất chân phải, đang nằm bên Phan Thanh Giản. Ông nói hôm sau, đại đội 2 đi đầu, tiến sâu vào cũng bị 2 chết, 3 bị thương, nhưng diệt được 4 “chuột”, lấy được 2 AK. Ông nói hiện giờ tiểu đoàn đang dưỡng quân một tuần lễ ở hậu cứ và sân vận động quận. Tôi im lặng nghe, không nói gì. Ông trao cho tôi một món tiền ủy lạo.
Rồi đến Tĩnh (khóa 8b/72) trên đường về phép Saigon, cũng ghé thăm tôi. Nhà Tĩnh trên đường Đỗ Thành Nhân, Q4, không xa nhà tôi. Tôi biên mấy chữ, nhờ Tĩnh đến nhà tôi báo tin cho anh Nguyên hay.
Hai ngày sau, anh Nguyên, cùng bà bác, mà tôi coi như mẹ, từ Saigon xuống Vĩnh Long thăm tôi. Anh bảo anh đi về khuya, không thấy gì trong nhà; sáng sôm sau anh mới nhìn thấy mảnh giấy được nhét qua khe cửa. Vài ngày sau nữa, từ Cần Thơ, anh Lý và anh Lưu cũng sang thăm tôi; lúc này tôi đã có thể xuống giường và đi vài bước chầm chậm. Vết thương còn hở miệng nhưng đã bớt đau.
Một buổi trưa, có phái đoàn của một nhà dòng đến thăm. Mấy bà soeur đi từng giường, hỏi han các thương binh rất ân cần. Được mấy bà soeur cho một hộp sữa và bịch kẹo. Cảm thấy chút an ủi.
Sau khi phái đoàn nhà dòng ra về, căn phòng lại yên ắng.
Viên chuẩn úy già, nằm trên giường, nhìn sang phía giường tôi, nói to: “Đ.m! Sao trong này toàn là chuẩn úy? Tao cũng chuẩn úy đây!”; rồi tiếp: “Cấp bậc này là chết nhiều nhất trong hàng sĩ quan!”. Rồi ông nói thêm: “Tao không chết, nhưng bị thương lần này là lần thứ ba!”.
Tôi lò cò sang chào hỏi ông; được biết siêu huynh trưởng này thuộc khóa 27, rất ba gai; vi phạm kỷ luật nặng nên phải ra tòa án binh, bị giáng cấp từ trung úy xuống chuẩn úy. Thảo nào, ông luôn bất mãn, lúc nào mặt cũng khó đăm đăm.
Một sáng, thức dậy, tôi thấy mấy móng tay bên bàn tay trái của mình bị ai sơn màu hồng đậm. Tôi ngạc nhiên nhưng cũng không buồn dò hỏi hay tìm hiểu làm gì. Buổi trưa, cô bé đến giường tôi, miệng cười tủm tỉm. Cô này nghịch ngợm thật. Như để xin lỗi, cô hỏi: “Chú có cần mua món gì không? Để cháu đi mua cho, nhé?”. Tôi nhờ cô ra phố mua dùm tôi vài tờ báo. Mấy tháng nay, tôi chẳng biết tin tức gì cả. Những ngày qua chỉ…nằm trên giường, nghe văng vẳng tiếng ca, tiếng nhạc từ cái truyền hình trong câu lạc bộ bên ngoài. Tôi thầm nghĩ…Vài ngày nữa khỏe lên một chút, tôi sẽ mượn cái nạng, để đi xuống câu lạc bộ uống cà phê.
Thi vào thăm tôi. Thi là người lính hậu cứ nhưng rất mến tôi. Nhà Thi ở ngay Vĩnh Long, nên có thể xin phép về thăm nhà, tiện thể vào bệnh viện thăm tôi. Tôi nhờ Thi mượn dùm tôi cái nạng. Tôi chống nạng, gượng đi lọc cọc theo Thi xuống câu lạc bộ uống cà phê. Xuyên qua dãy giường bệnh của lính và HSQ, tôi thấy đủ loại thương tật. Lính tác chiến bị thương đủ kiểu: trên đầu, trên mặt, trên mắt, chân, tay, lưng, bụng… Cũng giống như phòng sĩ quan; phòng này nặng mùi rất khó thở. Tuy nhiên, nhờ các cánh cửa sổ to mở rộng, cùng đám quạt trần luôn quay tít, lính và dân có thể ráng chịu được. Một vài thương binh còn khỏe giơ tay chào tôi khi tôi đi ngang qua. Bệnh viện này không cấp phát đồng phục bệnh nhân, nên thương binh phải mặc quân phục của mình. Cấp bậc gì cũng còn nguyên vẹn trên cổ áo và trên cánh tay. Có một trung sĩ sư đoàn 9BB bị mất 2 chân sát háng và 1 tay, nằm im trên giường như một cái gối…
Tôi hiểu tại sao có nhiều “em gái hậu phương” đi theo các đoàn ủy lạo thương bệnh binh, đã vội ôm mặt chạy ra khỏi phòng, có cô còn ngất xỉu khi nhìn thấy cảnh tật nguyền của các thương binh.
Trên đời này, tình thương sẵn có là chưa đủ. Cần có thêm một điều kiện nữa để có thể thực sự thương yêu người khác; đó là lòng can đảm. Thiếu đức tính này, khó lòng…
Câu lạc bộ của bệnh viện dân quân Nguyễn Trung Trực nhỏ nhưng cũng có nhiều món. Ở đây bán cà phê, hủ tíu, bánh bao và một ít thứ lặt vặt như thuốc lá, kim chỉ, khăn mặt, kem đánh răng, bàn chãi, sữa hộp…Tôi và Thi ngồi uống cà phê, nghe nhạc. Một giai điệu thời thượng… “…Đến lúc biết mơ mộng như những cô gái xuân nồng, nàng yêu anh quân nhân Biệt Động trong một ngày cuối đông...”. Rời câu lạc bộ, Thi nói chiều nay về tiểu đoàn và hẹn tôi tuần sau sẽ lại đến đưa tôi ra phố uống cà phê ngon hơn.
Vừa lóc cóc về đến phòng, tôi thấy một thương binh rất nặng được đẩy vào. Người ta yêu cầu ông chuẩn úy già nhường cái giường bìa của ông cho người thương binh mới đến. Các y tá nhanh nhẹn dọn lại giường, trải drap mới, rồi đặt vị này lên. Nghe nói đây là một thiếu tá tham mưu phó hành quân, toàn thân ông bị băng kín trắng toát, chỉ để lộ đôi mắt, cái mũi và cái miệng. Trên đầu ông, “ăn ten dù” treo lủng lẳng: chai máu, chai nước biển, chai truyền dịch, dây nhợ chằng chịt, y hệt như “người tình không chân dung” của nữ tài tử điện ảnh Kiều Chinh. Từ khi ông vào, căn phòng im lặng hơn. Chúng tôi giữ ý, bớt nói chuyện ồn ào, cả ông chuẩn úy già cũng vậy.
Ông thiếu tá qua một đêm trong phòng. Đến sáng, người ta đẩy ông đi; chiều, đẩy trở vào lại; nhưng sáng hôm sau nữa, khi chúng tôi thức dậy thì thấy cái giường trống. Ông đã tắt thở trong đêm.
Cái chết của vị thiếu tá để lại một không khí ảm đạm trong phòng suốt mấy ngày sau. Ông chuẩn úy già cũng bớt ồn ào. Dù sao ông cũng sắp xuất viện.
Một chuyện ngộ nghĩnh xảy ra: Một chuẩn úy nằm ở cuối phòng, bị thương nhẹ ở tay và sắp sửa xuất viện. Sáng nay anh đi vào toilet và không thấy trở lại. Mãi đến chiều tối, chúng tôi thấy anh trở lại, trên băng ca, chân bó bột! Anh bị té trong toilet vì nền nhà trơn trợt. Vậy là thay vì về nhà nghỉ phép dưỡng thương trước khi trở lại đơn vị, anh sẽ…nằm ở đây thêm một thời gian dài nữa. Sướng không?
Đây là lúc ông chuẩn úy già lên tiếng: “Mẹ! Thằng này giỏi! Mày té kiểu nào hay quá! Mày chỉ tao té một phát giống như mày coi!”. Cả phòng cười rần, vui vẻ.
Chàng chuẩn úy méo mặt, chống chế: “Em bị tai nạn huynh trưởng ơi; em đâu có cố ý”.
Thi lại đến, mang cho tôi một chục cam và 4 hộp sữa, nói : “Má em gửi cho ông thầy”. Tôi cảm động, cảm ơn Thi. Tôi lén chuồn ra phố, đi uống cà phê với Thi. Bây giờ tôi đi với nạng đã khá hơn. Chúng tôi không đi đâu xa, chỉ ra đến góc phố. Cảm giác dễ chịu được trở lại với đời sống phố phường, đời sống của sắc màu và sự bình yên. Trên đường trở về bệnh viên, tôi được một cô gái hỏi thăm. Cô này tự giới thiệu là nữ sinh Tống Phước Hiệp, học lớp 11. Thấy tôi có vẻ phân vân, Thi kín đáo nhét vào tay tôi một món tiền, để tôi có thể mời cô gái đi ăn kem. Đấy! Tình huynh đệ chi binh như thế! Lẽ ra, là quan, tôi phải đãi đằng và cho tiền lính của mình; đằng này…Thi giơ tay lên chào tôi và mau lẹ quay đi, miệng cười rất tươi như chúc tôi được vui vẻ.
Những ngày đau nhức trong bệnh viện cũng dần trôi qua, vết thương của tôi đã kéo da non, chưa kín hết khoảng hở, nhưng tôi cảm thấy mình từ từ khỏe lại. Thấm thoát đã gần một tháng từ buổi chiều mưa ấy. Hôm qua, bác sĩ bảo tôi hồi phục khá, vì “thịt cũng hiền”. Có thể, nay mai tôi sẽ được xuất viện. Bạn cùng khóa của tôi, Bình, đã xuất viện tuần trước. Tín, kế bên giường tôi, có thể phải ở lại thêm 10 ngày nữa, vì vết thương của anh bị nhiễm trùng.
Đúng ngày thứ 30, tôi được về nhà. Buổi sáng, một trung sĩ hành chánh vào phòng đưa cho tôi giấy xuất viện, cùng tờ giấy phép trên đó ghi: Nghỉ phép 29 ngày trình diện đơn vị. Anh trung sĩ cũng trao cho tôi một cái túi trong đó có nhiều khăn mặt, băng bông, thuốc tây và một bao thư bên trong có 1.000 đồng kèm một tờ giấy in sẵn mấy lời của trung tá bác sĩ giám đốc bệnh viện cảm ơn “sự phục vụ, hy sinh và lòng can đảm” của tôi. Người ta bảo khi trở lại đơn vị, cần nộp giấy này cho Ban 1 để xin “Chiến Thương Bội Tinh”.
Dù vết thương chưa lành hẳn, còn một mãng hở nhỏ đang kéo da non, chút máu còn rỉ ra khi cử động mạnh, nhưng đã đến lúc tôi phải xuất viện. Cần giường trống cho nhiều thương binh nữa đang được đưa về.
Từ giã bệnh viện, tôi bước chầm chậm ra ngoài đường, đứng đợi xe đò. Tôi vô tình đứng gần một cô gái, chắc cũng đang đợi xe. Cô mỉm cười chào tôi, cất tiếng:“ Chuẩn úy mới xuất viện ?”. Tôi gật đầu. Cô gái niềm nở: “ Chuẩn úy khỏe hẳn chưa ? Chuẩn úy về Saigon?” Tôi lại gật đầu và nói “Cảm ơn cô”. Cô gái nhìn tên tôi: “Chuẩn úy tên họ đầy đủ là gì?” Tôi đáp: “Nguyễn Hữu”. Cô gái khen: “Chữ lót đẹp quá!”. Rồi cô tự giới thiệu mình đã học xong trung học, nhà ở Chợ Lách, có vườn cây ăn trái, sẽ xin làm cô giáo”. Tôi khen: “Vậy là giỏi lắm”. Cô nói cô đang đợi xe lôi để về Chợ Lách. Tôi nhìn lại cô gái, khuôn mặt sáng, dễ nhìn…Cô hỏi xin tôi địa chỉ. Tôi im lặng. Cô gái không nói gì thêm.
Cô gái muốn làm quen, muốn biết địa chỉ quân bưu của tôi để viết thư. Nhìn lại y phục đơn giản và cách ăn nói thật thà của cô gái, tôi biết cô là “gái nhà lành” đúng nghĩa như cách gọi thông thường dành cho những cô gái miền Tây con nhà gia giáo.Tôi tin cô gái này không giống như những nữ sinh Saigon, chỉ muốn quen lính để đóng vai em gái hậu phương theo trào lưu nhất thời.
Không biên cho cô gái họ tên, đơn vị và kbc của mình, tôi đã phụ lòng cô…Chắc là cô thất vọng và không hiểu tại sao anh lính này lạnh nhạt như vậy. Điều này thật bất thường. Tôi biết làm sao; vì sự thật là trong tập thể những con người mặc quân phục trong cái thế giới đặc biệt của chúng tôi, có những anh rất kỳ quặc, bất bình thường; và có thể tôi cũng ở trong số đó, với cái tâm trạng thường xuyên ngỗn ngang, bất định.
Tôi chợt nhớ lại một truyện ngắn tựa là Chiếc Bóng Thoáng Qua của nhà văn Nguyên Vũ. Một đêm, trên đường đi làm về, cô gái là vũ nữ bị một đám thanh niên sàm sỡ quấy rối. Người lính biệt kích xuất hiện đúng lúc, tả xung hữu đột, đấm đá túi bụi đám thanh niên, khiến họ phải bỏ chạy. Hai người đi ra bờ sông gần đó, nói chuyện, làm quen nhau. Cô gái đưa người lính về phòng trọ của mình để qua đêm. Cô gái chờ đợi được trả ơn người lính. Không có chuyện gì xảy ra. Sáng sớm, nàng thức dậy thì người lính đã ra đi. Cô gái hoang mang không hiểu thái độ của người lính. Cô tự hỏi phải chăng anh đã bị…bất lực vì một mảnh đạn nào đó? Cô bâng khuâng…Thật là bất thường!
Cô gái trong truyện và cô gái này…Làm sao các cô hiểu được nhiều khi, người lính cảm thấy tình nước, tình dân còn sâu nặng hơn cả tình yêu nam nữ và tình dục. Tình yêu, rồi tình dục, rồi…lấy nhau…trong chiến tranh…sướng thật đấy; nhưng có thể chỉ dẫn đến một kết thúc không có hậu: cô nhi quả phụ; điều mà người lính trận không bao giờ muốn.
Làm lính tác chiến thì tiền lính, tính liền; sống nay, chết mai. Cái thế sống đó khiến cho người lính nào, từ sâu kín, cũng mang một mặc cảm, cái mặc cảm nghèo nàn, chết chóc. Từ mặc cảm này dẫn đến những cách xử sự khác nhau: có người yêu cuồng sống vội, hưởng thụ cho qua ngày; có người cứ yêu, rồi tới đâu hay tới đó; cũng có người nghĩ xa hơn cho người con gái, không nở làm điều gì đó gây thêm đau khổ.
Nhìn vẻ mặt hơi buồn của cô; tôi cũng ái ngại. Xe đò đến. Chúng tôi nói lời tạm biệt nhau. Ngồi trên xe, tôi cứ phân vân, không nhớ mình đã quên một điều gì. A ! Cô gái nhỏ trong bệnh viện ! Lúc đó, tôi mới nhớ mình đã vội vã rời bệnh viện mà quên từ giã cô, người đã giúp đỡ tôi rất nhiều suốt tháng qua. Cô gái đó là bông hoa nhỏ cuộc đời trao tặng cho chúng tôi, những chiến binh ngã ngựa, giữa đổ nát của chiến tranh.
Thôi nhé! Giã từ người em gái nhỏ hậu phương. Cô hãy ở lại và tiếp tục làm những công việc cần thiết mà, nếu không có tình thương, và lòng can đảm, không ai có thể làm được, cho lính.
Nguyễn Hữu Thời
(Viết muộn- 11/1/ 2021)
Comments:
* Nghia Nguyen
Khúc
nầy “hỉ nộ ái ố “quá , đọc nhớ lại hồi tôi nằm Phan thanh Giản, Cần thơ
năm 1970 … phòng bịnh tấn đầy bao cát , tử khí, hét la…!
* Nguyễn Thị Ngọc Mai
Mong
đến thứ 7 để được đọc bút ký của anh như ngày xưa các chị nữ sinh mong
chiều thứ 7 để được các anh đón những ngày về phép,đọc để biết đời lính
gian khổ mà oai hùng ,ko biết giờ này các anh ở đâu với tuổi thất thập
cổ lai hy,chắc cũng có nhiều anh đã ngã xuống trên chiến trường ,ngày
nhỏ em thuòng mơ uóc khi lớn lên sẽ là Nữ Quân Nhân để được như chị ấy
vào BV quân y chăm sóc các chú các anh ,nhưng chưa kịp lớn thì ngày
30/4/75 đến.
* Lua Nguyen
Những tình người cao thượng trong cuộc chiến
* Phan Văn Nhẫn
Cũng là “Buồn Vui đời linh “nhưng Hữu Thời..thực..hơn Hữu Hạnh!
*Hoa Nguyen
Đọc
mãi vẫn thấy buồn ! Chiến tranh đã qua rất lâu , nhẩm lại mà cũng nửa
thế kỷ.. Những người lính năm xưa giờ đã và đang sắp xuống lỗ nhưng vẫn
còn nhớ như in cái cảm giác vô cùng khó chịu khi cơn đau của những vết
thương hành hạ, nhất là bị thương vào những ngày cuối cùng của đất
nước.. không bệnh viện không thuốc men, tự vật lộn với đau đớn, hoang
mang mà sống ! Thà đau một lần, tử trận mà hay.
--------------
Sáng ngày 23 tháng Chạp, đại đội tôi được 3 chiếc GMC chở qua Trà Ôn, quận giáp ranh Vĩnh Bình. Đoàn quân xa ngừng trên tỉnh lộ 54, thả chúng tôi xuống một con đường đất đỏ. Đại đội xuất phát từ đây, mục tiêu là một tiền đồn trong xã Vĩnh Xuân. Chúng tôi được lệnh đến thay thế cho một đại đội thuộc TĐ 467 đã ở đó 2 tháng qua. Đồn này gọi là đồn Vĩnh Tắc. Nhìn vào bản đồ, tôi biết phải đi bộ 15 cây số mới đến nơi. Càng vào trong, con đường càng hẹp dần, dân cư càng thưa thớt.
Chúng tôi, súng cầm tay, đi hai hàng dọc hai bên đường. Gần 1 giờ trưa, lính tráng mệt mỏi; đại đội trưởng cho anh em dừng lại để ăn cơm. Quan sát chung quanh, tôi thấy dường như từ đây vào trong không còn nhà dân nữa. Con kênh nhỏ trên bản đồ, bên phải con đường, đã thấy hiện ra, chảy từ phía ngoài vào trong, song song với con đường. Bên kia con kênh là cánh đồng khô, trơ gốc rạ. Bên trái con đường là rừng thưa xen với trảng trống. Rất xa, ở cuối tầm mắt, có vài mái nhà tranh.
Ăn trưa xong, chúng tôi lại di chuyển. Nhơn và tôi giục lính đi thưa ra và nhanh lên, vì sợ trời tối. Lưng áo dính nhớp. Chúng tôi quệt mồ hôi trên mặt, tiếp tục đi. Nẻo đường vắng ngắt tạo cảm giác bất an. Anh Trường liên lạc được đơn vị bạn. Tôi nghe trên máy tiếng nói của đại đội trưởng bạn cho hay họ đang chuẩn bị xuất phát. Đã 2 giờ trưa, chúng tôi còn phải lội thêm 6 cây số nữa. Vẫn không nhìn thấy người dân nào trên đường. Gần 4 giờ chiều, tôi thấy phía trước có toán quân đi ra. Đoàn quân tiến đến gần chúng tôi, rõ dần. Từ khi ra trường, mỗi lần đi đâu, tôi đều mong gặp các đơn vị bạn trên đường. Đi ngang một đoàn quân, tôi luôn nhìn kỹ, xem có gặp người bạn cùng khoá nào không. Khóa tôi có 56 anh về TK Vĩnh Long, đa số về các tiểu đoàn, một ít về đại đội biệt lập hoặc các phân chi khu. Hơn một năm qua, tôi biết được một số tổn thất của khóa. Có Nguyễn Văn Thanh, cùng tiểu đoàn với tôi, tử trận sau 2 tháng ra trường, có Tô Văn Sơn bên TĐ 463, mà tôi gặp một lần tại bến phà Cái Tư, Chương Thiện, cũng đã hy sinh. Lần này cũng vậy, tôi nhìn từng người lính đang tiến đến gần. Vì chúng tôi đi hai bên đường, nên quân bạn đi ngang qua chúng tôi ở giữa. Tôi mừng rỡ trông thấy Đinh Ngọc Quyết, cùng trung đội với tôi trong Thủ Đức. Quyết cũng trông thấy tôi, mắt nó sáng lên. Chúng tôi bắt tay nhau, hỏi thăm. Quyết là con trai Bắc di cư, da ngăm đen, hiền lành. Hơn một năm lặn lội, trông nó chắc đậm thêm, rất phong trần, đã là đại đội phó. Quyết dặn tôi: “Đi uống cà phê, coi chừng bị bắn tỉa nhé!”. Quyết bảo đã có hai lính của đại đội nó chết vì bị bắn sẻ khi ra ngoài. Chúng tôi chia tay, tiếp tục đi, mỗi thằng một hướng. Anh Trường cũng dừng lại dăm phút để nhận “bàn giao”, đúng hơn là “bắt tay” với đại đội trưởng bạn, một trung úy. Thật ra, ngay giờ này, tiền đồn đó đang bỏ trống, chờ chúng tôi vào.
Nắng chiều tắt dần khi tôi nhìn thấy phía trước mặt có một mái lá. Tôi đoán đó là quán cà phê mà Quyết nhắc đến. Vậy là sắp tới rồi, chỉ còn khoảng 500 mét nữa. Đi ngang qua căn nhà duy nhất đó, ai cũng nhìn vào. Một cô gái khoảng 15 tuổi ngồi trên chiếc giường tre, nhìn ra. Vài ba cái ghế đẩu cũ, một cái bàn tre, trên có tủ thuốc lá, mấy chai nước ngọt và ly cốc. Phía sau quán là con kênh. Có lẽ đây là nơi “vui chơi” duy nhất của chúng tôi trong những ngày ở đây.
Đi thêm 200 mét, bên trái có một tiền đồn nhỏ trên một lũng rộng, khô ráo. Có 2 ụ gác chắn bằng bao cát, dăm ba hố cá nhân rải rác. Trung đội của An được giao trấn giữ chốt này. An, khóa 1/74, mới về tiểu đoàn từ tháng 11, nắm trung đội 2 thay tôi. Sau 29 ngày dưỡng thương ở Saigon, trở về đơn vị, tôi nắm lại trung đội vũ khí nặng. Chúng tôi tiếp tục đi, bên phải là dòng kênh, trên bờ có vài bụi lau sậy và mấy vuông cỏ, bên trái là bãi hoang, xa phía trong, có nhiều lùm cây, đã xẫm màu. Buổi chiều xuống nhanh. Đã hơn 5 giờ chiều khi chúng tôi đến nơi. Trung đội của Hiền được lệnh di chuyển qua bên kia con kênh để giữ một chốt nhỏ có sẵn hầm hố phòng thủ. Vào bên trong, chúng tôi nhìn ngó chung quanh, quan sát lại vị trí tiền đồn. Mặt trái trống trải, cuối tầm mắt là cái quán lá. Mặt trước nhìn ra con đường, một xe jeep hư hỏng, tàn tích của một trận đánh, bên kia là bãi hoang khá thoáng. Mặt sau là dòng kênh, có một chiếc xuồng do đại đội bạn để lại. Hai mặt này không nguy hiểm; vì vậy, chúng tôi đặt cây đại liên chĩa vào mặt phải có mấy lùm cây rậm cách xa khoảng 100m và đặt súng cối tại ụ súng có sẵn được che 3 phía bằng bao cát. Việc đầu tiên phải làm trước khi đêm xuống là cho gài mìn claymore và lựu đạn để phòng thủ, ở mặt phải, nơi có nhiều bụi cây khá rậm. Việc kế tiếp là gọi chi khu Trà Ôn báo tin chúng tôi đến nơi. Phải lắp antenna 7 đoạn. Ngày mai chúng tôi sẽ cung cấp các hỏa tập tiên liệu, để pháo binh diện địa có thể yểm trợ khi cần.
Đại đội trường ở căn hầm chỉ huy, đặt máy truyền tin ở đó. Nhơn và tôi chia nhau giữ 2 mặt: Nhơn lo bên phải và mặt sau có con kênh; tôi lo mặt trước và bên trái. Chúng tôi dành căn nhà tường gạch ở giữa để chứa nồi niêu, lương thực và đạn dược.
Vậy là tạm “an cư”. Sau cả ngày đi bộ, chúng tôi mệt quá, ngủ thiếp đi trong những căn hầm lạ, sau khi đã chia phiên gác cho lính.
Sáng hôm sau, đại đội trưởng họp anh em lại để dặn dò, lính không nên ra khỏi đồn trong lúc này, không được đi uống cà phê. Chúng tôi dành cả ngày xem lại các hầm hố, công sự; tất cả còn xử dụng được. Chúng tôi cũng thu dọn rác do đại đội bạn để lại. Anh Trường cũng gọi các trung đội, dặn dò. Đại đội trưởng hứa sẽ cho lính ra ngoài sau khi đã thám sát quanh vùng. Hai ngày kế tiếp, chúng tôi chỉ nằm trong hầm, nghe nhạc thời trang phát ra từ 2 cái radio của lính. Đến ngày thứ năm, lính được phép mang súng, đi từng tổ 3 người đến quán cà phê, để mua nước đá, mỗi lần nửa tiếng. Sáng ngày thứ sáu, Nhơn, tôi, cùng 3 người lính cũng đi ra đó uống cà phê. Cô bé chủ quán dễ nhìn, ăn nói nhỏ nhẹ. Cô bảo cô ở đây cùng mẹ, bà đã chèo ghe đi chợ ngoài tỉnh lộ. Giữa chốn đồng không mông quạnh, sự hiện hữu của cái quán và cô bé trở nên đặc biệt, bất ngờ như một món quà. Chúng tôi ngồi, chậm rãi uống từng ngụm cà phê vừa nhạt vừa chát, một cách nhàn nhã. Ngày thứ bảy, Nhơn và tôi, mang theo 4 người lính, đi thám sát chung quanh. Chúng tôi đi về phía khu vườn thấp thoáng một mái nhà thờ nhỏ. Tôi nhớ trong quán lá của cô gái, có ảnh Chúa treo trên cột. Đây là một xóm đạo, gọi là giáo xứ La Ghì, nhưng không còn một mái nhà nào, không còn một giáo dân nào ở lại, ngoại trừ cô gái và bà mẹ.
Đến gần ngôi nhà thờ, chúng tôi dừng lại, quan sát. Mặt tiền nhà thờ bị hư hại nặng, cánh cửa đổ sập, nằm chắn ngang lối vào, mái nhà trống hoác, tường chi chít lỗ đạn. Có một tấm bảng treo trên khung cửa ghi dòng chữ bằng sơn “Đề nghị quân đội hai bên tôn trọng giáo đường”.
Vì quân đội hai bên không tôn trọng giáo đường nên cha xứ đã bỏ đi, cùng với những giáo dân của ông.
Chúng tôi thận trọng bước vào bên trong. Bàn thờ vẫn còn nguyên vẹn. Nhơn và tôi, dù ngoại đạo, cũng quỳ xuống, nhìn lên tượng Chúa. Tôi đoán, cũng như tôi, Nhơn đang cầu xin sự bình an cho mình và mọi người, xin hòa bình thực sự cho quê hương. Cầu xin như vậy kể cũng cao xa, nhưng để hy vọng. Cầu nguyện xong, chúng tôi bước ra ngoài. Tôi ngoái đầu nhìn lại. Cảnh một ngôi nhà thờ đổ nát bao giờ cũng gây xúc động. Chợt nhớ mấy câu thơ đã thuộc từ hồi nhỏ:
“Lâu quá không về thăm xóm đạo
Từ ngày binh lửa cháy quê hương
Khói bom che lấp chân trời cũ
Che cả người thương nóc giáo đường…”
Từ ngày binh lửa cháy quê hương
Khói bom che lấp chân trời cũ
Che cả người thương nóc giáo đường…”
Ngôi giáo đường đã đổ nát trong cơn binh lửa; hẳn một người con gái áo tím đã đi theo chồng. Tôi bâng khuâng nhớ lại giai điệu của bài hát phổ từ những câu thơ rất giàu tình cảm. Lời thơ vẫn hay nhưng tình thơ đã không còn gợi lên xúc cảm thuở nào. Tác giả của bài thơ, một người thân phía bên kia, đã cầm đầu đoàn biểu tình “ký giả đi ăn mày” hồi năm ngoái ở thủ đô, cùng với nhiều nhà báo nằm vùng khác.
Ra ngoài vườn, tôi thấy Bé, người lính đi theo tôi, cầm trên tay mấy nhánh mai rừng. Bé nói: “Mang về đồn chưng, cúng giao thừa, ông thầy”. Hôm nay là chiều 30.
Về đến đồn, vừa lúc Ông Địa, viên thượng sĩ thường vụ đại đội, cùng 2 người lính, chuyển supply đến bằng ghe máy, đang cặp bờ kênh phía sau. Lính mang đồ tiếp tế lên bờ. Chúng tôi có nếp, thịt heo, bánh mứt, thuốc lá, bia, 3 con gà, 3 chai rượu, 1 tờ báo và một ít đạn dược. Đồ tiếp tế được chia cho 3 trung đội.
Buổi chiều, Nhơn cặm cụi lựa ra những viên đạn lửa, để bắn lên trời mừng giao thừa. Tôi lấy mấy dây đạn M60 xếp thành dòng chữ Mừng Xuân 1975 treo trên bờ đất phía ngoài, cạnh cổng chính. Xong việc, tôi rủ 2 người lính đi uống cà phê. Buổi chiều cuối năm bao giờ cũng khiến lòng người nao nao, dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào. Chúng tôi ngồi trong quán gần một tiếng, chỉ uống cà phê, hút thuốc lá, và nhìn ngó vẫn vơ. Rời quán ra về, chúng tôi mở khóa an toàn các khẩu súng đã lên đạn. Lúc đó khoảng 4 giờ chiều. Đoạn đường chỉ có 500 mét. Đi được chừng 200 mét thì…Chéo ! Chéo ! Chéo ! Từng viên AK, từ bên trái, tỉa vào chúng tôi ! Nằm xuống đất, bắn mấy tràng liên thanh trả lại, vào các lùm cây. Bò hỏa lực, được một đoạn, mệt; chúng tôi vùng dậy và chạy thật nhanh về đồn. Trong khi chúng tôi chạy, chúng lại bắn tiếp. Từng tràng đạn đuổi theo chúng tôi. Đầu đạn, như những mũi tên, cắm phập vào mặt cỏ dưới chân. Chúng tôi cắm cổ chạy. Tôi nghĩ thầm…Chẳng lẽ lại chết vào chiều 30 ?
Chúng tôi ngồi trong hầm của anh Trường, uống trà, hút thuốc, tán gẫu, đợi giao thừa. Đúng nửa đêm, Nhơn lấy M16, bắn hết số đạn lửa lên trời, về 4 hướng. Trong đêm tối, từng lằn đạn bay vọt lên không trung, nối tiếp nhau, như pháo bông. Tôi ra ụ súng cối, bảo xạ thủ bắn 3 quả soi sáng tiền đồn. Anh Trường đứng giữa sân, thắp nhang, cầu nguyện. Xong, chúng tôi vào hầm, mỗi người uống mấy chung rượu. Lính cũng uống trong hầm của họ.Tôi và Bé ra chốt gác bên trái, mở radio, nghe nhạc xuân. Đêm giao thừa của chúng tôi trôi qua bình an.
Nhưng địch không muốn như vậy. Sáng mùng 1, anh Trường, Nhơn và tôi đi thăm 2 trung đội. Tại mỗi chốt, chúng tôi uống trà, ăn mứt và ở lại nửa tiếng. Trở về, anh Trường lại ra ngoài lộ, thắp hương, cúng vái Trời Đất. Gần giờ ngọ, khi lính đang bày con gà luộc, cơm nếp, rượu…ở giữa sân đồn để cúng, các cây nhang chưa tàn thì…“Tắc tắc ! Cùm cùm !”. Địch bắn đại liên vào đồn. Tiếng đạn 12 ly 8 nổ vang. Lính dáo dác chạy vào hầm trú ẩn. Tôi về hầm của mình, chụp nón sắt lên đầu, ngồi mọp xuống…Cát bụi bay mù mịt. Bức tường ở nhà giữa trúng đạn, tiếng vỡ ầm ầm…Gạch rơi tung tóe. VC từ lùm cây bên kia bãi đất, hạ nòng đại liên phòng không, bắn từng tràng vào đồn, một mục tiêu cố định lồ lộ. Chúng tôi không làm gì được ngoài việc gọi xin pháo binh chi khu bắn dập vào các lùm cây đó, cách chúng tôi 300m. Tiếng đạn 105mm đi nhanh; tôi đếm đủ 3 quả. Rồi im. Đại liên của địch cũng ngưng. Chúng tôi ra ngoài, nhìn cảnh đổ vỡ. Mâm cúng ngã xuống đất, xôi, rượu, con gà luộc nằm lăn lóc, dính đầy bụi cát…Lính tức tối văng tục: “Đ.m ! Tết cũng không để yên!”. Chín, hỏa đầu vụ của đại đội trưởng, đứng trên lô cốt cao nhất, dùng tay làm loa, hét: “Đ.m mày Việt Cộng!” “Đ.m mày Việt Cộng!” Nỗi căm giận được trút bỏ, không bằng những viên đạn, mà bằng lời chửi rũa.
Trưa mùng 2 và mùng 3 cũng vậy. Cứ đúng 12 giờ, chúng lại nã 12 ly 8 vào đồn. Lại ẩn núp, lại đổ vỡ, lại gọi pháo binh bắn trả. Chúng tôi nghĩ chúng chỉ bắn quấy rối. Nếu muốn đánh, chúng sẽ đánh ban đêm, bằng tiền pháo hậu xung, và dùng đặc công xâm nhập. Đó là chuyện đáng ngại nhất. Với quân số ít ỏi và hỏa lực kém, chúng tôi sẽ chỉ cầm cự, rồi xin phi pháo yểm trợ. Ở đây, không thể trông chờ tiếp viện, vì đường xa. Nếu đánh, mục tiêu của địch là tiêu diệt chúng tôi, chứ không phải chiếm giữ, vì đâu còn nhà cửa và dân chúng nữa.
Mấy ngày tiếp theo, địch để chúng tôi yên. Chắc chúng chỉ muốn gửi cho chúng tôi mấy viên kẹo 12 ly 8 làm “quà Tết”. Hết Tết, chúng không gửi “quà” nữa.
Hôm nay đã là mùng 10. Ngày mai, tôi sẽ về hậu cứ báo tình hình và xin vật liệu để sửa chữa những hư hại. Sắp tới, sẽ có thêm một chuyến supply với đồ tiếp tế. Tôi cũng cần đổi chứng chỉ tại ngũ đã quá hạn từ lâu.
Sáng sớm, Hiếu, trung đội phó vũ khí nặng của tôi, chèo ghe đưa tôi ra tỉnh lộ. Nhơn đã cho lính đi mở đường một đoạn. Ngồi trên ghe, trôi đi chầm chậm, nhìn khoảng trời rộng, hít thở không khí buổi sáng, tôi cảm thấy thoải mái. Hiếu cao hứng hát to một khúc tình ca. “…Nẻo đường cũ giăng đầy mưa, khuất mù lối khiến nên tình đành lỡ…".
Vậy là tôi đã trải qua cái Tết lính năm thứ 3…Tôi nghĩ ngợi vu vơ. Rồi nhớ người phụ nữ bên kia sông Hậu, đã thương tôi, trong sự chịu đựng.
Nẻo đường cũ ấy, giờ này trời có giăng mưa?
Nguyễn Hữu Thời
20/10/2020
(Viết muộn)
-------------
Comments:
* Camvu Lethanh
Gio nhìn lại
Không hiểu sao mình không là tử sĩ trong cuộc đao binh này
* Nguyễn Hữu Thời
Camvu Lethanh
Đúng rồi; có rất nhiều lúc, tôi và bạn bè tôi đã nghĩ thế. Một bạn cùng
khoá, tiền sát Pháo Bình SĐ9 cũng nói với tôi” Nhiểu khi nghĩ giá mà
mình chết trận như nhiều anh em lại hay, còn hơn là phải sống đến già để
chết bệnh”
* Nguyễn Hữu Thời
Lê Đức Thành Cảm Ơn chiến hữu đã chia sẻ.
* Trịnh Minh Châu
Đôi
khi trong cuộc sống hôm nay Tôi gặp chuyện buồn không giải toả được ,
tôi nghĩ phải chi tay DK " cắc bùm " tôi khi bị bắt trên chiến trường
thì ...có Kết cuộc buồn nhưng...rồi sẽ qua đi .
* Nguyễn Hữu Thời
Trịnh Minh Châu
Tôi thông cảm với anh. Sau cuộc chiến, mà người lính bị đày đọa, trả
thù… chỉ vì thuộc về bên thua cuộc… thì quả thật là một sai lầm rất lớn…
chỉ gây thêm oán thù, nghiệt ngã… mà nạn nhân nhiều lúc không sống nỗi,
chỉ tiếc sao hồi đó không hy sinh cho rồi…
* Trịnh Minh Châu
HT viết Bút ký rất hay , sống động . Tôi ngưỡng mộ .
* Nguyễn Thị Ngọc Mai
Người
phụ nữ bên kia sông Hậu có phải là Chuẩn Úy phu nhân ko anh? Cô gái và
bà mẹ trong quán cafe liệu có phải là VC ko ?.các anh thật là nhân hậu
với địch. Chuyện xãy ra đã 1/2 thế kỷ mà anh nhớ rõ từng chi tiết ,thật
là ngưỡng mộ.chúc anh và gia đình vui đón tết nồng ấm ngọt ngào hạnh
phúc
* Nguyễn Hữu Thời
Nguyễn Thị Ngọc Mai
Người phụ nữ bên kia sông Hậu và tôi đã mất liên lạc từ sau 1975. Nàng
là nhân vật trong hầu hết những bài thơ của tôi sau này. Cô gái và bà mẹ
trong quán lá có thể đã là liên lạc viên của VC nhưng chúng tôi bất
chấp. Cảm ơn em gái hậu phương đã đọc kỷ. Khỏe luôn nhé!
* Nguyễn Thị Ngọc Mai
Nguyễn Hữu Thời
vậy là từ giờ đến tết ko được đọc bút ký của anh ,cũng buồn ,nguòi con
gái bên kia sông Hậu chắc là đẹp lắm ,(1 giai nhân )nên diễm phúc đuọc 1
Chuẩn Úy viết thành thơ. Anh có thể cho em được đọc thơ ko ạ ?
* Nguyễn Hữu Thời
Nguyễn Thị Ngọc Mai
Có thể search trong fb của tôi các bài gần đây: Nhớ buổi chiều chia tay
trên bến bắc Cần Thơ, Khi trở lại Hậu Giang, Chút lạnh tàn năm…
* Hoa Nguyen
Không
biết nói sao, những cái tết của mình ngoài mặt trận, có buồn có vui! Có
thể trước đây mình chưa hề hối tiếc, nhưng bây giờ ngẩm lại, mình hối
tiếc thật vì đã đánh mất đi một cách vô cùng chóng vánh đến độ bàng
hoàng. Tết này mình cũng ăn tết ở biên giới thuộc Tỉnh Kiến Tường ! Lúc
nào cũng súng đạn bên mình kể cả khi ngủ..
No comments:
Post a Comment