-------------
Nguyễn Hữu Thời
Bút ký - Chương 1
“QUÁN TRỌ CỦA SĨ QUAN TÁC CHIẾN”
Tôi giở cái beret màu xanh tím của Trường Thủ Đức ra khỏi đầu. Mặc dù trên cổ áo có may cặp lon chuẩn úy màu đen tác chiến; nhưng với cái beret của nhà trường, tôi thấy mình…mới quá, non nớt quá. Tôi muốn tỏ ra già dặn. Cầm mũ trên tay, tôi chậm chạp bước qua khung cửa nhỏ vừa đủ lọt một người. Phòng giam là đây. Vào đến bên trong, tôi ngập ngừng đội lại mũ trên đầu. Một thiếu úy Nhảy Dù tóc tai bờm xờm đang ngồi đánh cờ với một chuẩn úy sư đoàn 22 BB quân phục bụi bậm. Nhác thấy tôi, anh quay qua, đưa tay che ngang mày, nheo mắt hỏi: “Biết đánh cờ không?”. Tôi giơ tay chào viên thiếu úy, trả lời tôi biết, rồi chào cả viên chuẩn úy. Huynh trưởng này to tiếng: “Mới ra trường mà khoái ở tù sao đàn em?”. Tôi cười gượng, rồi lẳng lặng đến ngồi trên mép tấm phản bằng bê tông mát lạnh. Bên trong gần vách tường, một chuẩn úy thiết giáp của sư đoàn 21 BB nằm chèo queo như đang ngủ. Hai chàng sĩ quan ba gai lại trở về với ván cờ lặng lẽ của họ.
Một lát sau, chàng trung úy phi công cũng được dẫn vào phòng. Nét mặt anh buồn buồn. Sáng nay, anh cũng bị Quân Cảnh tiểu đoàn 5 bắt tại khu vực gần rạp Hưng Đạo. Anh đã leo lên chiếc GMC và ngồi cạnh tôi. Tôi chào anh, và qua bộ đồ bay màu đen có đủ bảng tên phù hiệu, tôi biết anh tên Toàn thuộc phi đội 259 H của sư đoàn 4 Không Quân. Bây giờ, anh cũng bị đưa vào phòng giam, đứng trầm ngâm trong góc. Một lát, anh đến bên chiếc phản, ngồi xuống cạnh tôi. Tôi hỏi: “Tưởng họ thả trung úy ra rồi chớ?”. Anh đáp: “Không, họ bảo vào phòng làm việc lập biên bản, giữ của tôi cây P38 và chiếc Lambretta…”. “Trung úy không có giấy phép sao?”, tôi hỏi. Anh chán nản: “Tôi có sự vụ lệnh, nhưng họ đòi giấy phép mang súng!”. À, còn thế nữa! Tôi chợt hiểu. Quân nhân không được phép mang vũ khí cá nhân bên ngoài quân phục trừ phi đang ở đơn vị. Như vậy, cả anh Toàn và tôi đều vi phạm quân kỷ. Thật ra, người lính nào bị Quân Cảnh đưa vào đây cũng vi phạm quân kỷ, nặng hay nhẹ, từ cái tội rời đơn vị không có giấy phép hay sự vụ lệnh hoặc giấy phép quá hạn như tôi, đến cái tội không mang theo căn cước quân nhân hoặc để giấy chứng chỉ tại ngũ quá hạn, hoặc nhẹ hơn là những tội thuộc tác phong, chẳng hạn : tóc dài, không đeo thẻ bài, bảng tên bị mờ, không mang cấp bậc, không gom ống quần ( nếu là bộ binh ), lại có cả tội đeo súng không giấy phép như trung úy Toàn…Quân Cảnh tiểu đoàn 5 nổi tiếng hắc ám không tha bất cứ ai vi phạm. Sáng nay, tôi đã gặp Quân Cảnh tiểu đoàn 5 lúc đang thả bộ trên đường Trần Hưng Đạo. Họ luôn đi tuần trên 2 xe, một GMC dùng để chở lính bị bắt, xe này đậu một chỗ chờ đợi và một jeep lùn chạy quanh quẫn để vớ bất cứ quân nhân nào trên phố. Trưởng toán tuần tiểu thường là một trung úy. Tôi biết họ ít khi đụng đến cấp tá, chỉ “ăn hiếp” cấp úy trở xuống. Thường thì họ hốt đầy chiếc GMC rồi chạy về Quân Trấn. Hôm nay là 27/12/1973, tôi vừa ra trường được 12 ngày. Lẽ ra tôi phải đến đơn vị ngày 25/12 nhưng vì ham chơi nên đã quá hạn 2 ngày. Tôi không có gì kêu ca khi bị hốt về đây. Cũng nơi này, tháng 9 năm ngoái (1972), hàng ngàn thanh niên sinh năm 1953 như tôi đã đứng co ro trong cơn mưa chiều, xếp hàng dài từ ngoài đường Lê Văn Duyệt, để lần lượt đi vào trình diện nhập ngũ. Hôm nay trở lại đây, tôi đã là một “sĩ quan ưu tú của QLVNCH” như cách gọi của Tướng Minh đờn, chỉ huy trưởng Trường Bộ Binh trong huấn từ của ông nói với chúng tôi tại vũ đình trường Diên Hồng mới cách đây hơn 10 ngày. Tôi lẩn thẩn nghĩ “Giờ này đám bạn cùng khóa tôi chắc đang đi khắp 4 vùng chiến thuật, để trình diện đơn vị; còn tôi- một trong số các “sĩ quan ưu tú” thì đang ở đây, phòng giam của Quân Trấn!”
Chưa ra đơn vị đã nếm mùi lao tù, tôi linh cảm đời binh nghiệp của mình sẽ gay go lắm đây.
Buổi trưa, qua cái khung cửa sổ nhỏ, người lính trực gọi vào hỏi ai muốn ăn uống gì anh sẽ mua cho. Cả phòng gom tiền lại nhờ anh mua cho mỗi người một ổ bánh mì thịt và một ly café đá. Tôi nghĩ, cũng còn an ủi khi được ăn uống như vầy. Viên thiếu úy Nhảy Dù vừa nhai bánh mì vừa nhìn tôi nói: “Mày yên tâm, không ai ở đây quá 72 tiếng. Nếu mày không đào ngũ, ngày mai mày sẽ được thả”. Tôi im lặng gật đầu. Ăn uống xong, hai chàng ba gai tiếp tục ván cờ, còn huynh trưởng Thiết Giáp mệt mỏi kia lại lăn ra trên tấm phản đá, sau khi hỏi tôi: “Khóa mấy?” Anh Toàn vẫn trầm ngâm. Lúc này, tôi có dịp quan sát chung quanh. Căn phòng khá chật hẹp, chỉ độ 3mx5m, cuối phòng có một vách ngăn nhỏ, phía sau là một bồn cầu loại xí xổm và bể nước. Không có gì khác, đến cái móc treo khăn áo cũng không có. Không có việc gì làm, tôi bèn lại gần các bức tường chi chít những dòng chữ viết bằng than và bút nguyên tử. Tôi lẩn thẩn đọc kỹ từng dòng chữ, như đọc báo. Những câu thơ và tin nhắn. Ngay chính giữa là dòng chữ viết bằng than rất to: QUÁN TRỌ CỦA SĨ QUAN TÁC CHIẾN. Tôi đọc hai câu thơ: Mấy thằng quân cảnh cà tàng- Ăn no rững mở ra đàng bắt quan. Những tin nhắn có ghi đầy đủ cấp bậc, họ tên, khóa, đơn vị…nhắn cho một người bạn cũng có đầy đủ thông tin tương tự. Thiếu úy Nguyễn X, khóa 4/71, TĐ 90 BĐQ nhắn tìm thiếu úy Lê Văn D, khóa 5/71 TĐ 4/45 BB…v..v… Họ làm như chắc chắn những người bạn rồi cũng sẽ vào đây để đọc tin nhắn của họ (?). Đọc hết các tin nhắn, tôi bâng khuâng không biết những chàng trai này hiện đang ở đâu, có còn sống không? Nếu may mắn sống sót, việc gặp lại là một may mắn khác, rất hãn hữu. Chúng tôi, quả thật, một thế hệ lạc loài, the lost generation. Vào trại giam để tìm nhau, rồi mai lại ra chiến trường…
Tôi nhìn khắp căn phòng một lần nữa, nghĩ thầm “Quán trọ của sĩ quan tác chiến tồi tàn quá. Căn phòng kế bên dành cho lính lác chắc còn tệ hơn?”.
Đêm đó, tôi nằm co người bên cạnh trung úy Toàn. Chúng tôi hỏi thăm nhau. Nhà anh ở trong một con hẽm gần Cầu Kho; anh nhờ tôi có ra trước thì đến báo cho gia đình anh hay tin.
Sáng hôm sau, thức giấc, tôi nhìn thấy những tia nắng đã tràn vào phòng xuyên qua ô cửa nhỏ. Khoảng 8 giờ, một trung sĩ mở ổ khóa cửa, thò đầu vào gọi to: “Chuẩn úy Nguyễn Hữu Thời, ra ngoài hớt tóc!”.
Tôi chỉnh lại quân phục, bước ra ngoài, vươn vai hít thở vài cái. Anh quân cảnh nói: “Hớt tóc xong, chuẩn úy sẽ được ra”. Tôi hỏi ngớ ngẩn: “Sao anh biết?” Anh ta đáp gọn lỏn “Ai cũng vậy !” A, đó là thủ tục cuối cùng. Tôi tin lời anh quân cảnh. Họ đã xác minh trường hợp tôi. Vì tôi chưa trình diện tiểu khu Vĩnh Long nên họ đã gọi về trường. Nhà trường đã xác nhận tên tôi trong danh sách sĩ quan mới tốt nghiệp. Tôi mới trễ phép có 2 ngày, chẳng ăn nhầm gì. Thiếu úy Nhày Dù đã nói thế, còn bảo tôi có ra thì ở nhà chơi thêm ít ngày nữa rồi hãy đi trình diện (?).
Nhưng tôi không thể kéo dài cuộc rong chơi ở thủ đô thêm một ngày nào nữa. Họ cần thả tôi ra càng sớm càng tốt. Thành phố, chốn hậu phương này không cần những lính trẻ đi long nhong. Chỗ của chúng tôi là ở ngoài mặt trận. Nơi đó cần chúng tôi hơn.
Hớt tóc xong (tóc của tôi đã quá ngắn rồi), viên trung úy Quân Cảnh trực bước ra, vừa gọi tôi vừa mắng: “Chuẩn úy Thời đâu? Mới ra trường đã ba gai!”. Ông trả lại tôi tờ giấy phép và thẻ căn cước quân nhân, rồi bảo tôi nhanh chóng đi trình diện đơn vị.
Ra đến cổng, ngoái đầu lại, tôi thấy người phi công đang ngồi trên cái ghế hớt tóc. Anh vẫy tay chào tôi.
Tôi ghé về nhà để lấy đồ đạc. Anh Nguyên đã đi lang thang đâu đó tìm việc làm. Khóa cửa xong, tôi đến bên cửa sổ nhìn vào trong nhà một lần nữa. Tôi bồi hồi nhìn bộ ghế sa-lông bằng gỗ cũ, cái bàn học, tấm bảng trên tường…Tôi đã rời trường học được 2 năm. Tôi cũng vừa rời một ngôi trường khác: trường dạy làm người. Tôi quay gót, lòng hiu hắt như căn nhà.
Một cảm giác trơ trọi đến chạnh lòng. Tôi như con chim lạc đàn vỗ đôi cánh nhỏ bay vào bầu trời bão giông mù mịt.
Tôi đang đi trình diện đơn vị. Tôi sẽ ra Xa Cảng Miền Tây để đáp chuyến xe đò xuôi quốc lộ 4. Tôi biết mình sẽ đi qua sông Tiền trên một chiếc phà rất lớn. Tôi sẽ phải qua nhiều dòng sông lớn nhỏ trên nhiều chiếc phà khác nữa…trong đời lính của mình.
Nguyễn Hữu Thời
(2/6/2019- Viết muộn)
-----------------
Nguyễn Hữu Thời
Bút ký - Chương 2
NHỮNG PHŨ PHÀNG KHỞI ĐẦU
Những ngày rong chơi Tết ở Cần Thơ rồi cũng qua. Tôi về đơn vị, tiểu đoàn 469/ĐP có hậu cứ đóng ngay tại cầu Cái Vồn, quận Bình Minh, Vĩnh Long.
Ngày trình diện đơn vị của tôi; quả thật, đúng như Trinh, người bạn thân hồi trung học đã viết trong thư nó gửi về trường cho tôi: “Mày sẽ không được tiếp đón nồng hậu như lời của đại úy Quỳnh “sì-ke” nói đâu! Mày sẽ gặp sự lạnh nhạt rất ngỡ ngàng”. Đại úy Quỳnh là thầy dạy môn Chiến Tranh Chính Trị của chúng tôi ở trường Thủ Đức, một người Bắc cao ngồng, gầy nhom, nói chuyện duyên dáng. Dạy khóa nào, thầy cũng nói: “Tôi trân trọng báo tin cho anh nào thi tốt nghiệp chẳng may đậu…vĩ khoa mà bất đắc dĩ chọn về tiểu khu Quảng Tín (chữ Tín…thầy kéo dài cái giọng Bắc rất duyên) thì các anh sẽ được bổ nhiệm làm tư lệnh…cầu và sẽ được tiếp đón rất nồng nhiệt”. Tất cả chúng tôi đều nhớ mãi câu nói giỡn mà thật này của thầy Quỳnh. Bạn tôi-Trinh-Võ Thành Trinh, học giỏi, viết văn, làm thơ, dịch truyện ngắn…từ lúc còn đi học, con người rất nho nhã như bút hiệu của nó (Võ Nhã)-đã nhớ đến câu nói của thầy Quỳnh khi viết thư cho tôi. Trinh, khóa 8b/72 (khăn xanh) ra trường tháng 10 năm ngoái, trước tôi gần 2 tháng. Tôi nghĩ có lẽ khi chọn về Pleiku, Trinh may mắn được làm sĩ quan báo chí ở văn phòng gần mặt trời nên sự thân mật không được như tôi sẽ có ở đơn vị tác chiến.
Nhưng tôi đã lầm. Tôi không được tiếp đón gì cả; còn hơn cả sự dững dưng ngỡ ngàng, mà phải nói là quá phũ phàng! Trung úy Từ, sĩ quan Quản Trị, vừa thấy tôi trở lại đã mắng: “Đi chơi đã chưa chuẩn úy?”. Thấy tôi im lặng, ông bồi thêm: “Xuống kho lãnh súng đạn, rồi về đại đội 1 của trung úy Huệ; không cần gặp tiểu đoàn trưởng làm gì, kẻo ổng giận, ký “củ” là bỏ mẹ!”.
Tôi biết mình có lỗi. Đã trình diện rồi lại bỏ đi “ăn Tết” 4 ngày ở Cần Thơ, bên kia sông Hậu. Tôi biết mình có thể bị phạt 8 ngày trọng cấm (ghi trong quân bạ, sẽ bị giam lon 6 tháng) nếu gặp đơn vị trường hắc ám.
Gặp đại đội trường, trung úy Huệ, khóa 1/68, lại…khó chịu hơn! Buổi chiều tối, ông từ đâu trở về hậu cứ gặp tôi. Ông không hề hỏi thăm hoặc chỉ dẫn gì, chỉ trao cho tôi tấm bản đồ vùng Nam Vĩnh Long rồi bảo tôi đi đến cầu Ba Càng thuộc quận Tam Bình để nhận trung đội 1 đang đóng ở đó. Nói xong, ông quay đi liền. Tôi không kịp hỏi xin một cái địa bàn. Tôi thất vọng vô cùng!
Tôi tìm vị trí tiền đồn trên bản đồ rồi đeo ba lô trên lưng, xách súng đi. Tôi đón được một chiếc xe lôi khi trời đã tối. Xe lôi bỏ tôi dưới dốc cầu. Tôi hỏi thăm một người dân và được biết có cái chốt nhỏ của lính địa phương ở bên trong cách quốc lộ chừng 200 mét. Tôi biết mình chỉ đóng chốt chứ không phải làm “tư lệnh cầu” như lời của đại úy Quỳnh nói về các bạn đậu “vĩ khoa” phải về tiểu khu Quảng Tín. Trời tối thui, tôi lần mò trên con đường mòn, lội vào phía trong để đến trung đội cùa mình, lúc đó đã hơn 7 giờ. Đến gần “tiền đồn” tôi chỉ thấy các hố cá nhân rải rác; bên trong mỗi hố có một người lính, đang ngồi tựa lưng vào vách đất, hút thuốc. Giữa các hố cá nhân có một cái hầm nhỏ, trên nóc hầm có chắn bao cát. Tôi biết đây là hầm đặt máy truyền tin, chính là hầm của tôi, trung đội trưởng. Hầm có nóc quá thấp, rộng vừa đủ hai người ngồi hoặc nằm, không đứng được. Người lính đang nghe máy trong hầm, tiếp tục nói oang oang khi tôi vừa đến trước cửa: “30 đây Trung ! 30 đây Trung !”. Có tiếng gắt to trong máy: “Đ.m! Tao hỏi ông chuẩn úy tới chưa?”. Tôi biết đó là đại đội trưởng nói về tôi. Người lính nói: “Ổng mới tới, thưa trung úy”.
Câu chuyện trên máy truyền tin dứt. Người lính chui ra, chào tôi: “Chuẩn úy mới tới?” Tôi nói: “Ừ”, rồi hỏi thêm :“ Trung đội khỏe không ? Có bao nhiêu anh em tất cả?” .Người lính chưa kịp trả lời thì mấy người lính kia đứng dậy từ hố của họ, bước ra. Trong bóng tối, tôi không trông thấy rõ khuôn mặt của từng người. Một ông khoảng 35 tuổi, tự giới thiệu là hạ sĩ nhất, tên Út Lâm, trung đội phó. Tôi nói: “À; thôi, anh em về chỗ đi; sáng mai tâp họp”.
Tôi chui vào hầm có đặt máy truyền tin, người lính lúc nãy, tên là Tao, nhường cho tôi cái giường sắt cũ. Anh ta nói sẽ ra cái hố bên ngoài; khi nào cần thì vào. Anh ta nói mình chỉ mang máy tạm thay cho người âm thoại viên tên Đặng, đang đi phép.
Đêm đó, tôi nằm trong cái hầm đất nhỏ, đắp poncho, trằn trọc, tự hỏi sao cái số mình hẩm hiu quá đỗi!
Sáng hôm sau, tôi cho tập họp trung đội và đếm chỉ có 7 người lính, có 2 vắng mặt, một bị thương, một đang nghỉ phép, là người mang máy truyền tin. Tôi nói cho họ biết sơ qua về mình rồi hỏi thăm gia cảnh mấy người lính lớn tuổi…Tất cả đều là dân địa phương, đã có gia đình, trừ ít người là thanh niên trạc tuổi tôi thì chưa. Đặc biệt, người lính tên Tao, mới 18 tuổi, mù chữ, chỉ biết vạch một đường bút khi lãnh lương. Tôi cũng biết, danh hiệu truyền tin của đại đội là 30, của 3 trung đội lần lượt là : Trung, Hiếu, Nghĩa. Trung đội 1 của tôi là Trung. Tôi được biết trung đội 2 do chuẩn úy Nhơn, khóa 8b/72 chỉ huy, còn Vĩnh Khánh, cùng khóa với tôi, coi trung đội 3. Một bạn đồng khóa khác là Phan Hùng được chuyển về phân chi khu Tân Quới, riêng Thanh (cơ bẩm) thì ở đại đội 3; đóng ở đâu tôi không rõ. Tôi nghe nói Thanh chưa ra trung đôi, đang thực tập ở ban chỉ huy của nó.
Nói chuyện với trung đội xong, tôi đi ra quốc lộ uống cà phê. Không khí Tết vẫn còn lãng vãng ở vùng quê này. Trong các quán lá, lính địa phương, nghĩa quân và sư đoàn 9BB ngồi đông nghẹt, vừa uống cà phê hay bia vừa cười nói râm ran. Vài ba người tụ tập lại đánh bài. Tôi nhìn sang dãy phố nhỏ bên kia đường. Ngôi trường tiểu học cộng đồng mang tên Song Phú với sân trường rộng và lá quốc kỳ bay phất phới. Học trò chưa đi học lại. Năm kia, đạn pháo kích của Việt Cộng đã rơi vào sân trường này giết chết 2 cô giáo và hơn chục em học sinh. Tôi nghĩ, mục tiêu phải là cái tiền đồn nhỏ trong kia của tôi hoặc văn phòng xã gần ngôi trường.
Uống cà phê xong, tôi đi trở về trung đội. Lính đang vo gạo, chuẩn bị nấu cơm. Có người ngồi làm cá, người khác lặt rau. Tất cả đều ở trần, trên người chỉ có cái quần xà lỏn! Tôi nhìn họ, không biết nên nghĩ gì. Một trung đội đây sao, chỉ có 8 người kể cả tôi? Thực tế thật phũ phàng! Tôi nghe nói ở Biệt Động Quân và các sư đoàn bộ binh chủ lực, quân số cũng không khá hơn. Với quân số trung đội chưa bằng 1 tiểu đội trên lý thuyết, tôi không biết phải làm sao, chỉ huy họ thế nào? Thôi thì, tới đâu hay tới đó. Trước tiên tôi phải học cách sử dụng máy PRC25, nghe hiểu và nói chuyện bằng mật ngữ. Cái này trường sĩ quan không hề dạy chúng tôi. Ngoài ra, còn nhiều thứ nữa làm tôi rất bỡ ngỡ. Chiều tối, phải rời tiền đồn, dẫn quân đi “nằm điểm” cách xa khoảng 3 cây số, theo tọa độ đại đội trưởng cho. Không được đến ngay điểm mà phải dừng quân cách đó 300-400 thước để đánh lừa quân địch; đợi gần nửa đêm mới “mò” đến điểm. Đến nơi, bố trí phòng thủ, cắt gác, gọi máy báo về đại đội, dàn quân theo cách duy nhất là nằm theo hình chữ L, trông chừng 2 mặt; vậy thôi. Mọi lý thuyết chiến thuật đã học trong trường đều vứt, không áp dụng được ngoài thực tế, vì lý do không đủ quân số. Ở trường, chúng tôi học đủ các môn, 3 môn chính là chiến thuật, vũ khí và địa hình; các môn phụ là chiến tranh chính trị, quân pháp, tổ chức hành chánh binh đoàn, lãnh đạo chỉ huy và cơ bản thao diễn. Sau gần một năm học, những điều hữu dụng giúp ích cho chúng tôi ngoài đơn vị tác chiến chỉ là: đi bộ khá giỏi và đọc tọa độ trên bản đồ. Các bài học chiến thuật như đội hình tác chiến, tam giác, quả trám, cách lục soát, cách bố trí phòng thủ, cách tấn công…đều không áp dụng được. Ở miền Tây này, thương vong nhiều nhất, có khi không phải do giao tranh với địch, mà do đụng phải mìn bẫy địch gài khắp nơi, trong lùm, trong bụi, trên bờ đê, đường mòn, trên cây, dưới rạch, trên cầu…Không có bài học nào dạy chúng tôi tránh được những cái bẫy hiểm nghèo này! Còn đi hành quân, thì đội hình duy nhất là hàng dọc, nhắc lính đi thưa ra để khỏi…chết chùm, vậy thôi. Khi đang đi mà nghe súng địch bắn về phía mình, nếu từ đằng trước thì chuyển đội hình sang hàng ngang; nếu địch bắn từ bên hông thì tìm chỗ nấp rồi bắn trả, thế thôi. Kiến thức về quân sự của những tân sĩ quan quá trẻ như chúng tôi chỉ có bấy nhiêu. Đa số chúng tôi sinh năm 1953, ra trường ở tuổi 20; có bạn như Phan Thanh Long còn “sữa” hơn nữa; Long sinh năm 1955, vào quân trường năm 18 và ra trường vẫn hãy còn 18 tuổi. Sĩ quan trẻ nhất QLVNCH! Làm sao những tân sĩ quan quá non nớt, “yếu đuối” và “quờ quạng” (chữ của các huynh trưởng Thủ Đức mắng đàn em) như chúng tôi đây có thể thích nghi với thế giới lạnh lùng và tàn nhẫn của các đơn vị tác chiến để có thể vượt qua những thử thách quá khắc nghiệt của thực tế chiến trường? Làm sao có thể giữ mình để sống sót đây? Chưa nói đến chuyện phải bảo vệ lính của mình và giúp họ sống sót? Tôi thường tự hỏi mình trong những đêm nằm ngoài trận địa.
Cũng chẳng đợi bao lâu…
Hai tháng sau. Đêm, “nằm điểm” ngoài một cánh đồng, tôi nghe trong máy truyền tin nội bộ tiếng báo cáo của âm thoại viên thuộc đại đội 3 cho hay chuẩn úy Thanh- bạn cùng khóa với tôi- đã tử thương do vướng mìn Việt Cộng. Tội nghiệp Thanh, tôi đã định sẽ lên máy gọi cho nó, nói chuyện cho đỡ buồn mà chưa kịp!
Rồi lại một buổi sáng giữa tháng Tư có dịp về hậu cứ, tôi đi bộ xuống phố quận uống cà phê. Ngồi một mình, mua một tờ báo, đọc. Trời xuôi khiến sao tôi lại mở trang 8 ra đọc trước, trang này chuyên đăng tin cáo phó. Tôi giật mình khi thấy một cái tên quen thuộc đập vào mắt mình: Cố thiếu úy Phạm Ngọc Quân, khóa 3/73 SVSQ/TB, đã “đền xong nợ nước tại tiểu khu Phước Tuy”…Tôi lặng người nhìn thêm một lần nữa vào cái khung đen có in tên Quân, người sĩ quan á khoa của khóa tôi, cử nhân báo chí đại học Vạn Hạnh. Trong quân trường, Quân ở chung tiểu đội với tôi, anh nằm gần giường tôi nhưng tôi không thân với anh lắm. Anh lớn hơn chúng tôi 3 tuổi, thuộc lớp trí thức; còn chúng tôi chỉ có tú tài 1 hoặc 2.
Tin tức về cái chết của Quân làm tôi bần thần cả ngày hôm đó. Tôi định hôm sau sẽ gọi máy báo cho Vĩnh Khánh hay, nhưng biết Khánh tính tình yếu ớt, tôi lại thôi. Hôm sau nữa, đại đội tôi lại đi hành quân.
Đại đội được vận chuyển bằng GMC, đổ xuống đầu tỉnh lộ 904, để từ đây xuất phát, lội miết xuống tận Vĩnh Xuân, thuộc quận Trà Ôn, sát bên Thầy Phó của quận Cầu Kè thuộc tỉnh Vĩnh Bình. Thật lạ, chúng tôi đến đây chẳng để làm gì. Dừng quân nơi một xóm nhỏ, nhà dân thưa thớt, giữa các cánh đồng khô nẻ, rồi được lệnh bố trí tại đó, chờ. Đêm, nằm ngoài đồng khô, ngữa mặt nhìn sao trên trời, tôi nghĩ ngợi mông lung, rồi tự hỏi không biết địch có ở quanh đây không. Được 3 ngày 2 đêm, lại có lệnh chuyển quân trở về theo con đường cũ. Dịp này, đại đội có sự thay đổi. Một thiếu úy mới đến, thay trung úy Huệ chuyển qua sư đoàn 21. Đại đội trưởng mới của tôi là thiếu úy Tường, người miền Bắc, ăn nói nhỏ nhẹ, có vẻ hiền lành. Đại đội phó vẫn là chuẩn úy Kinh, khóa 4/72. Bạn tôi, Vĩnh Khánh, bất ngờ bị thương đêm hôm kia, đang nằm ở Phan Thanh Giản, Cần Thơ, được thay bằng chuẩn úy Tân, cùng khóa 8b/72 (khăn xanh) với Nhơn. Tôi mừng vì ngoài Nhơn, còn có Tân; chúng tôi dễ thân với nhau vì đã ở trong trường cùng một thời gian.
Vừa từ Vĩnh Xuân trở về hậu cứ, hôm sau chúng tôi lại đi tiếp.
Cuộc hành quân lần này với đại đội là lội bộ, từ sáng sớm, sau khi được GMC thả xuống ở đầu tỉnh lộ 70, để mở đường cho một đoàn công-voa chở 2 tiểu đoàn của sư đoàn 9 BB đi về phía quận Càng Long, Vĩnh Bình. Chúng tôi 2 hàng dọc, 2 bên đường, súng cầm tay, đạn lên nòng, bước chầm chậm theo sau người lính rà mìn của chi khu. Cuộc di hành dài, tôi cứ cầm súng bước đi, đầu óc trống rỗng. Rồi nhớ đến cái chết của của Quân, tôi buồn quá, cứ lầm lì đi giữa trung đội. Đoạn đường đất lẫn đá lồi lõm đã hư hỏng dài hơn 10 cây số hoàn toàn yên tĩnh. Chúng tôi không gặp trở ngại gì và trở về bình yên lúc 6 giờ chiều, tại điểm hẹn đầu tỉnh lộ, nơi sẽ có GMC đến chở chúng tôi về hậu cứ.
Đại đội được nghỉ qua đêm quanh sân vận động Bình Minh, sát quốc lộ, trên đường xuống bến bắc. Nghe nói, chúng tôi được nghỉ ngơi ở đây thêm 2 ngày nữa trước khi đi Chương Thiện, tỉnh hắc ám ở phía nam Phong Dinh, giáp Kiên Giang.
Hai ngày liền, đại đội ở tại chỗ, lính không được về thăm nhà. Thường vụ cùng mấy ông lính đi mua thực phẩm và nồi niêu. Trời tháng Tư nóng, không mưa, tôi tìm một chỗ có bóng mát, trải poncho trên bãi cỏ, nằm đọc báo chán lại ngồi dậy, nhìn ngắm các chuyến xe xuôi ngược trên quốc lộ. Buổi chiều, không gian sân vận động rộng rải, gió thổi mát rượi. Ngoài đường, các nữ sinh trường trung học Bình Minh tan học, đi bộ hay xe đạp ngang qua, từng đàn, nói cười ríu rít. Nhìn những khuôn mặt thanh xuân nam nữ trong màu áo trắng, thấy mình già đi.
Chợt nhớ lại lời của Trung trong thời gian đại đội C3C từ Quang Trung đi ứng chiến ở khu xóm đạo Bình An bên kia cầu Nhị Thiên Đường, quận 8. Những ngày đó, Trung hay than phiền: …“Nhìn con gái thì khoái thật; mà mình không dám yêu. Mình ngày nào…cũng ba lô nón sắt”
Không biết Trung bây giờ đang ở đâu, có còn sống không? Trung đã nói đúng, phần nào, về thân phận của anh em chúng tôi. Từ lúc vào lính đến giờ chỉ mới hơn một năm, mà sao tôi thấy mình cằn cỗi quá! Có phải, như lời ai đó nói, một năm làm lính bằng ba năm ở ngoài dân sự?
Ngày nào cũng ba lô, nón sắt …không biết đến bao giờ.
Nguyễn Hữu Thời
(Viết muộn, 29/1/2021)
-------------------------
Nguyễn Hữu Thời
Bút ký - Chương 3
CHƯƠNG THIỆN ĐÌU HIU
Nguyễn Hữu Thời
Bút ký - Chương 3
CHƯƠNG THIỆN ĐÌU HIU
Tiểu đoàn rời Bình Minh, Vĩnh Long, trực chỉ Chương Thiện. Khuya, lính thức dậy nấu cơm mang theo. Buổi sáng, đám sĩ quan chúng tôi chỉ có đủ thì giờ để đi vội qua bên kia đường, uống một ly cà phê trong cái quán lá ven quốc lộ. Điểm danh lại quân số, thường vụ đại đội xác nhận có 5 lính vắng mặt, trong đó có 2 anh thuộc trung đội của tôi. Họ sợ phải đi Chương Thiện, chiến trường ác liệt nhất miền Tây?
7 giờ sáng, 2 chiếc GMC của quân vận tiểu khu chạy tới, đậu ở ngoài đường. Đại đội trưởng cho lính lên xe. Tôi leo lên thùng sau một chiếc GMC cùng 6 người lính của mình, ngồi cạnh Tân và 10 người lính của nó. Các xe đã đầy nhưng chưa di chuyển, phải đợi bộ chỉ huy tiểu đoàn và các đại đội khác. Tôi nghe trên máy tiếng của Bravo, đại úy Hảo, tiểu đoàn phó, bảo chúng tôi chờ ông lên. Đại úy Hảo, khóa 19 Thủ Đức, là một sĩ quan cứng rắn, nóng tính. Mỗi lần đi hành quân, ông đều cầm cây gậy, xăm xăm tiến lên chỗ đại đội đi đầu, vừa đi vừa nói oang oang: “Thằng nào lạnh cẳng không dám lên đâu? Bảo nó đứng yên đó, đợi tao lên, tao lấy rechaud hơ chân cho nóng nha!” Là tiểu đoàn phó, ông chỉ huy 2 đại đội đi đầu.
Hai mươi phút sau, chiếc jeep của Bravo, cùng 3 chiếc GMC chở đại đội 3, từ từ qua mặt chúng tôi. Đoàn xe của đại đôi tôi cũng lăn bánh. Theo sau chúng tôi là chiếc jeep của Alfa và 5 chiếc GMC chở 2 đại đội 2 và 4. Từ đây đi Chương Thiện, chúng tôi phải qua sông, chạy ngang thành phố Cần Thơ, rồi theo tỉnh lộ 31 đi về phương Nam thêm 60 cây số nữa để tới Vị Thanh, thủ phủ của Chương Thiện. Nghe nói đại đội tôi phải đi đến Kiên Hưng. Các đại đội khác còn đi xa hơn nữa, đến tận Kiên Long, giáp ranh Kiên Giang. Ngoài tiểu đoàn tôi, có 2 tiểu đoàn của Vĩnh Long đã qua Chương Thiện từ trước, đó là 463 và 465. Được biết, tăng phái cho Chương Thiện, chúng tôi chỉ đóng đồn, thay cho các tiểu đoàn tại địa phương để họ rảnh chân đi lưu động.
Đoàn xe xuôi Nam, qua những cánh đồng lúa đang chín. Hai bên đường, nhà cửa thưa thớt. Đến một khúc quanh, tôi thấy con kênh Xà No dài và rộng, uốn khúc ngay chỗ rẽ, đã hiện ra, từ đây chạy song song với con đường. Ở đoạn này, dân cư đông hơn. Trên kênh, ghe thuyền không nhiều nhưng cũng làm nên sức sống một vùng sông nước miền Tây.
Tiếp tục di chuyển, chúng tôi gặp hai đoàn quân xa đi ngược chiều, lính của sư đoàn 21 và địa phương quân Chương Thiện. Con đường hẹp, hai đoàn xe phải ép sát lề, chạy thật chậm mới lách qua được. Lính tráng lặng lẽ nhìn nhau. Tôi nhìn những khuôn mặt trẻ, anh nào cũng đen đúa, dây ba chạc nặng trĩu trang bị: lựu đạn, trái khói, đạn súng cối, bi đông…Nhiều anh quấn mấy vòng dây đạn đại liên quanh cổ, bộ dạng nhọc nhằn. Hai đoàn xe chầm chậm qua mặt nhau. Những người lính cũng nhìn tôi, dững dưng. Tôi có khác gì họ. Cũng tuổi trẻ, cũng đeo mang khí giới, cũng lên đường. Mỗi chặng đường xuôi ngược làm tôi thêm xa cách những người thân yêu. Rồi cũng quen. Có gì lạ đâu. Đi lính là nhận cho mình một chuyến đi xa, có khi không trở lại.
Gần trưa, chúng tôi đến Vị Thanh. Thị xã đìu hiu nằm dọc con kênh, trước đây đã được gọi là khu trù mật. Con đường bờ kênh đầy thiết vận xa M113 án ngữ. Xe dừng lại nghỉ tại đây cho lính ăn cơm trưa, ngay trên xe. Tôi quan sát chung quanh. Khu phố chính hai bên nhà lồng chợ lèo tèo vài hàng quán. Mấy con đường nhỏ trông xơ xác vì ít bóng cây, nhà cửa thấp lè tè. Dân chúng lầm lũi đi lại giữa những người lính. Có lẽ đây là thành phố buồn nhất ở miền Tây tôi từng đến.
Ăn cơm xong, các đại đội chia ra nhiều hướng khác nhau để tiếp tục hành trình. Đại đội tôi phải rời xe, đón ghe, đi ra sông Cái Lớn để vào các tiền đồn của mình. Các đại đội 2 và 4 tiếp tục đi về Kiên Long, còn đại đội 3 và bộ chỉ huy tiểu đoàn đi qua Kiên Hưng về phía bến phà Cái Tư.
Ông Địa thuê được 2 chiếc ghe bầu. Chúng tôi cho cây súng cối và đại liên xuống trước. Cả đại đội chỉ có 55 người chất đầy 2 chiếc ghe, từ từ xuôi theo dòng nước. Con sông lớn, rộng hơn 60 thước. Hai bên bờ, dừa nước chen lẫn ô rô, cóc kèn dầy đặc, phía trong là lau sậy và cây cỏ hoang vu. Xa xa có vài mái tranh.
Ghe chở nặng, di chuyển rất chậm. Gần 2 tiếng sau, một chiếc tắp vào bên trái để đổ bộ trung đội của Nhơn lên một tiền đồn. Ghe không cặp bờ được vì nước ròng. Lính của Nhơn, tổng cộng 12 người, phải nhảy xuống bùn, lún tới đầu gối rồi lội lên bờ. Hai chiếc ghe tiếp tục chạy tới ngã 3 rẽ vào một con kênh nhỏ. Trung đội của Tân, có 11 người, đổ bộ xuống đây. Tiền đồn của Tân nằm trên một mô đất cao ráo, mặt trước cũng quay ra dòng kênh. Ghe tiếp tục chạy thêm 1 cây số để đến đồn của đại đội. Đồn của đại đội khá lớn, hình tam giác, mặt trước là một cạnh có chòi gác và cổng vào nhỏ. Có một cái cầu gỗ dẫn xuống kênh. Vì trung đội của tôi chỉ còn 6 người nên được chỉ định trấn giữ cái chốt nhỏ bên bờ đối diện đồn của đại đội. Chốt này nằm cách bờ khoảng 50 thước, chỉ có 5 cái hầm cá nhân nửa chìm nửa nổi, mái lợp lá. Có một chòi nhỏ để đặt máy truyền tin, tôi sẽ ngủ trong chòi này. Đây không thể gọi là tiền đồn, chỉ là chốt gác, rất mong manh yếu ớt vì không có đến một bao cát nhỏ để tránh đạn. Đại đội trưởng còn rút bớt của tôi người lính giỏi bắn súng cối về trung đội vũ khí nặng, tạm thời do anh Kinh, đại đội phó, trông coi. Đại đội trưởng bảo tôi ráng làm tiền tiêu cho đại đội, ở đây chừng 2 tháng để giữ mặt này, sau đó, nếu êm, ông sẽ rút về coi vũ khí nặng. Nhà binh thì phải tuân lệnh, tôi không có ý kiến gì.
Vậy là tôi ở đây cùng với 5 người lính. Hỏa lực của chúng tôi chỉ có 5 cây M16 và 1 cây M79. Nếu bị tấn công, làm sao tôi có thể giữ được cái chốt nhỏ này, tôi cũng không biết. Tuy cách đại đội chỉ 50 thước và một con kênh nhỏ rộng 7 thước, nhưng phải liên lạc bằng máy, chứ không dùng loa miệng được, trừ phi đứng sát bờ. Muốn qua bờ bên kia thì phải bơi, vì không có xuồng. Tôi thấy trước sự thất thế hoàn toàn của mình khi trấn thủ ở đây.
Chỗ này thuộc ấp Sóc Ven, xã Định An, quận Kiên Hưng. Một vùng hoang vu không có dân, cách chợ khoảng 4 cây số. Ờ đây, không ánh đèn, không một cục nước đá, và dĩ nhiên…thiếu bóng…đàn bà! Bây giờ tôi mới thấm thía tâm sự của anh tôi, cử nhân Công Pháp, khóa 1/72, qua lá thư anh gửi cho tôi từ một tiền đồn heo hút ở Vĩnh Bình, là nơi anh đã trú đóng lúc mới ra trường. Trong thư đó, anh viết: “…Tuổi trẻ bị chôn vùi một cách tàn nhẫn…” Chính là tình cảnh của tôi lúc này.
Do thiếu quân, tôi cũng phải gác. Tôi gác ca đầu tiên, từ 6g00 đến 8g00. Đêm, chong mắt 4 hướng, không nhìn thấy gì, dõng tai nghe ngóng từng tiếng động lạ, một con thú hoang hay con người? Bao nhiêu đêm như vậy đã trôi qua, cũng may là chúng tôi vẫn còn báo cáo trong máy từng giờ: “Vô sự”.
Không phải là không có niềm vui ở chốn “khỉ ho cò gáy” này. Buổi sáng, tôi theo lính đi hái rau, bắt cá; buổi chiều tôi đứng trên mõm đất cao, nhìn lên bầu trời rộng ngắm những con chim lạ thật to bay qua, chao lượn. Rồi nhậu với lính, uống rượu đế bằng chén, trong bữa cơm chiều. Nói đến cái ăn thì quả thật…lạ và ngon. Nhờ lính, tôi biết được nhiều “món lạ miền Nam”: Canh chua rau muống nước nấu lươn, chuột đồng xào lá cách, bông lục bình chấm nước cá kho, rắn bông súng nấu canh đu đủ…
Muốn ra chợ Sóc Ven thì phải đi tuần thám. Báo cho đại đội biết, mang theo 2 người lính và máy truyền tin, thêm 2 hoặc 3 lính của đại đội. Thường thường chúng tôi có 5 hay 6 người, súng đạn đầy đủ, đi bộ trên đường mòn, vừa đi vừa lục soát các bờ bụi và mấy căn nhà hoang dọc đường. Quanh đây có ít vườn cây nhưng nhiều đồng ruộng. Bây giờ là tháng 5, lúa đã gặt, các cánh đồng trơ gốc rạ. Vùng này là đất của người Miên, nhà nào cũng có một cái lu nhỏ đựng mắm “Bò hóc”.
Bộ chỉ huy tiểu đoàn đặt tiền cứ gần chợ Sóc Ven, nhìn ra con đường độc đạo đi về bến phà Cái Tư. Đại đội 3 đóng rải rác quanh bộ chỉ huy tiểu đoàn và trung đội pháo binh của sư đoàn 21, để giữ 2 khẩu 105 ly tại đây. Tất cả các tiền đồn của chúng tôi đều nằm trong tầm yểm trợ của 2 khẩu pháo này. Chúng tôi cần chúng giải cứu mỗi khi nguy cấp.
Mỗi lần đi chợ, lính đều mua cá khô, riêng tôi mua sổ tay, bút, nút áo và kim chỉ. Rồi, ngồi nhậu trong nhà lồng chợ. Thường thường, tôi cũng ghé bộ chỉ huy tiểu đoàn, nhập vào nhóm các sĩ quan tham mưu, ngồi uống cà phê hay rượu, cả giờ. Ở đây, có thiếu úy Long, sĩ quan tình báo, trung úy Bình, sĩ quan hành quân, thiếu úy Hùng, đại đội trưởng đại đội 3, các chuẩn úy Tĩnh, Mỹ…Thỉnh thoảng có trung úy Trung, sĩ quan tiếp liệu, và trung úy Khánh đại đội trưởng đại đội chỉ huy từ hậu cứ xuống, mang thêm cho chúng tôi chút ít đạn dược.
Ngồi uống cà phê trong cái quán nhỏ ở chốn đìu hiu này, giữa các sĩ quan và những người lính, vừa ngắm cô chủ quán, vừa nghe tiếng hát phát ra từ cái máy cassette :“…Từ khi anh thôi học, từ khi đôi lứa đôi đường…Mùa thu xuôi quân về biên khu, cho đến đông tàn chỉ nhận được một lần thư…”, chợt thấy lòng chùng xuống, như một nỗi buồn có thật, mới biết mình đã thực sự là lính.
Rồi đi bộ trở về, cũng vừa đi vừa tuần thám. Đi bên bờ có cái chùa Miên tên là Cà Nhung, chúng tôi cảm thấy an toàn hơn. Cũng mất hơn 1 tiếng chúng tôi mới về đến tiền đồn.
Một hôm, đại đội trưởng gọi máy cho tôi, nhắn lời của Alfa bảo tôi ra bộ chỉ huy tiền phương chơi vài đêm. Tôi biết Alfa muốn tôi “sinh hoạt văn nghệ” với ông cho đỡ buồn. Ông biết tôi chơi guitar và hát hỏng lai rai các bản nhạc tiền chiến. Tôi thu xếp, 3 ngày sau lại ra chợ theo lệnh của ông. Đêm, ông, trung sĩ Tài, và tôi, ngồi trong hầm của ông, uống rượu và hát. Alfa đặc biệt thích bài “Em tôi” của Lê Trạch Lựu. Tôi ở chơi 2 đêm rồi về lại tiền đồn.
Sau đó, tôi được rút về ban chỉ huy đại đội để nắm trung đội vũ khí nặng, như lời anh Tường đã hứa khi mới đến đây. Tôi nghĩ việc này được thực hiện sớm hơn một phần do ý của Alfa. Tôi rời chốt tiền tiêu, giao lại cho Út Lâm, trung đội phó. Tiểu đoàn thực sự cần thêm nhiều lính và chuẩn úy, phải chờ các khóa đàn em ra trường.
Hai tuần sau, tôi lại ra chơi với Alfa theo lời nhắn của ông. Tôi biết ông cũng buồn vì nhớ cô vợ trẻ và 2 đứa con nhỏ ở Bình Minh. Mặc dù ở đây còn có Bravo Hảo, tiểu đoàn phó, nhưng cũng không dễ xin nghỉ phép, dù là tiểu đoàn trưởng.
Một đêm, hát hò xong, tôi sang hầm Bravo chơi, để chào ông, gặp mấy sĩ quan đang ngồi nhậu. Tôi lại phải “chào sân” bằng mấy ly mới được ngồi xuống chiếu. Cuộc nhậu tàn, chúng tôi ra ngoài, đi uống cà phê. Bravo bỗng nổi nóng khi nghe tiếng phát thanh viên từ cái radio nhỏ ông mang theo bên người. Bravo chửi thề: “Đ.m! Mấy ngày nay, cứ ra rả vụ này! Liệt sĩ Bửu Phùng? Liệt sĩ Bửu Phùng?” Ông tiếp: “Đ.m! Nếu căm giận Cộng Sản quá thì cứ tình nguyện ra ngoài mặt trận mà cầm súng bắn Cộng Sản! Tại sao ở thành phố, rồi tự thiêu, rồi nói là để phản đối Cộng Sản?”. Chưa hết giận, Bravo chửi tiếp, giọng ông oang oang giữa đêm hôm: “Đ.m! Ai có quyền phong cho thằng này làm liệt sĩ? Liệt sĩ…con c…gì thứ đó!”
Chúng tôi chỉ biết nghe, rồi lắc đầu. Chuyện này đang được báo chí, đài phát thanh làm rùm beng mấy ngày nay, cũng đáng suy nghĩ.
Theo hiểu biết của tôi, liệt sĩ là một danh từ của lịch sử cận đại, nhưng ít được xử dụng. Trước giờ, tôi chỉ biết những anh hùng như Nguyễn Thái Học, Phạm Hồng Thái được gọi là liệt sĩ, chứ chưa nghe nói có ai khác. Gần đây, cũng có những tấm gương hy sinh trong chiến đấu rất anh dũng như Nguyễn Đình Bảo, Nguyễn Văn Đương, Trần Thế Vinh…nhưng họ cũng chưa được gọi là liệt sĩ…Liệt sĩ thì phải có tượng đài, phải không? Tôi thấy gọi anh chàng thương phế binh Bửu Phùng nào đó là liệt sĩ vì anh ta đã tự thiêu để “phản đối Cộng Sản vi phạm hiệp định Paris” là không đúng chút nào. Tôi nghĩ Bravo bực tức là phải. Cho dù anh ta thực sự có tự thiêu để phản đối Cộng Sản vi phạm hiệp định Paris, chắc gì cái chết của anh ta sẽ thức tỉnh được lương tri của đám Cộng Sản chóp bu và những đồng chí của họ trong ICCS? Tôi nghĩ có thể đây chỉ là chuyện bịa đặt hoặc là trò tuyên truyền của ngành chiến tranh chính trị. Biết đâu, anh thương phế binh kia không tự sát chỉ vì quẫn trí, bi quan trước hoàn cảnh cá nhân của mình? Biết bao nhiêu thương phế binh khác đã chấp nhận hy sinh, chỉ mong được chính phủ lo cho cái nhà ở, và phụ cấp đầy đủ; chứ đâu có tham gia biểu tình đòi hỏi này nọ. Lại còn “tự thiêu để phản đối Cộng Sản” nữa chứ! Ghê thật.
Bravo bồi thêm, vẫn giọng oang oang: “Đ.m! Có được cái radio để nghe nhạc cho đỡ buồn; cũng nghe tin tức để biết các mặt trận ra sao, mà cứ mở lên thì nghe ca ngợi liệt sĩ Bửu Phùng? Đ.m! Bửu Phùng, Bửu khùng thì có! Liệt sĩ gì thứ đó? Đ.m mấy thằng đài phát thanh, nhà báo lộng ngôn! Đ.m liệt sĩ, liệt sĩ cái con c…! Thứ đó chỉ là phường giá áo túi cơm!”.
Tôi nghĩ những lời của Bravo tuy có nặng nề, nhưng không sai.
Mà thôi, Bravo ơi! Bớt giận. Chúng ta để anh ta yên. Thầy trò huynh đệ mình vẫn tiếp tục.
“Phong trần mài một lưỡi gươm
Những phường giá áo túi cơm sá gì!”
Nguyễn Hữu Thời
(19/2/2021- Viết muộn)
Tôi về đến Saigon lúc 6 giờ chiều. Tôi thầm cảm ơn trung úy Từ, sĩ quan quản trị, về tờ giấy phép thường niên mà ông đã gửi đến BCH tiền phương, cho tôi. Có lẽ, chính tiểu đoàn trường đã nghĩ đến tôi, một chuẩn úy trẻ mới ra trường hơn 6 tháng đang trấn thủ một tiền đồn heo hút cách Saigon 270 cây số.
Gẩn đây, trong những buổi “văn nghệ” trong căn hầm của ông, tôi đã không hề xin xỏ hay tâm sự gì về chuyện nhớ nhà. Vậy mà, bây giờ, tôi đang thong thả bách bộ trên một vĩa hè thủ đô, tờ giấy phép trong túi áo. Saigon đây rồi, con đường Thành Thái, hai hàng cây dầu dần xẫm lại khi buổi chiều đang tắt. Một chiếc xe buýt chạy rề rề theo tôi, người phụ xe lên tiếng mời mọc. Đường vắng. Tôi quyết định đi bộ để tiết kiệm số tiền trong túi.
Khi ghé Cần Thơ, để thăm hai ông anh đang trú đóng tại đây, tôi có “ăn chơi” chút đỉnh khiến số tiền lương mới lãnh đã vơi đi nhiều. Vừa đến bến xe mới của Tây Đô, một chiếc xe lôi đã chạy đến, người lái xe đon đả: “Chuẩn úy đi đâu, mời chuẩn úy lên xe?” Tôi ném cái ba lô vào lòng xe, nói rõ ràng: “Đến khách sạn nào có em út!”. Xe lôi chạy về hướng bến Ninh Kiều. Tôi muốn tìm một chút lạc thú cuộc đời sau những ngày dài ở tiền đồn, rồi những giờ quá căng thằng phải ngồi bó gối bên trong một chiếc xe đò lỡ cũ kỹ chạy ì ạch từ Sóc Ven đến bến phà Cái Tư để về Vị Thanh. Ngồi trên xe đò, nhìn con đường bụi đen vắng ngắt, tôi đã lo sợ. Con đường này vẫn bị VC đào bới, đắp mô; thỉnh thoảng, chúng còn dừng xe cộ lại để “kiểm soát”. Lúc đó, trên xe là những nông dân, có cả người Miên, với quang gánh lỉnh kỉnh. Ngoài tôi, còn có một người lính SĐ 21BB, 2 người lính ĐPQ; tất cả đều mặc quân phục. Lính nghèo thường không có đồ civil, lúc nào cũng quân phục, đi đâu cũng quân phục, ăn tiệc, hỏi vợ, đám cưới. Mà có mặc đồ dân sự kiểu gì cũng lộ ra nét lính. Màu da đậm đà sương gió trên khuôn mặt. Mùi chua của đất phèn và nước mặn. Cái bật lửa Zippo cầm trên tay, cổ tay đeo cái vòng làm bằng vỏ đạn M72. Không thể nào che dấu thân phận người lính của mình. Nếu VC chặn xe, đến lúc đối đầu trực diện; tôi chẳng biết phải làm sao. Tôi chỉ lận theo khẩu Colt trong bụng, sẽ chẳng làm được gì. Nghĩ đến VC, tôi tự trách mình không biết lo xa, đã không hỏi xin ở BCH tiền phương một quả mini. Nếu có một quả lựu đạn, còn có cái mà xử dụng; đến đường cùng phải liều mạng thôi. Tôi mở to mắt nhìn dọc hai bên đường. Không có chiếc xe nào khác, không một bóng người. Xa xa là những lùm cây xanh lá. Tôi có mang theo tờ Thời Tập số tháng 6/1974, định lên xe sẽ đọc để giết thì giờ; nhưng chẳng còn lòng dạ nào. Lấy tờ báo ra, rồi bỏ lại vào túi quần. Tôi nghĩ miên man, mong mau đến được bến phà.
Rồi xe cũng qua phà và đến Vị Thanh bình an vô sự. Từ đây, tôi lên một chuyến xe đò khác đi Cần Thơ, nơi tôi đã ở lại hai ngày đêm. Sáng nay, từ giã hai ông anh, tôi lại lên xe đò về bến phà Mỹ Thuận, dừng chân tại đây để ăn cơm trưa. Tôi vào một quán, kêu một chai 33, vừa thong thả ăn vừa nhấm nháp chút bia. Hơi lạnh của bia và gió mát từ dưới sông thổi lên, tôi khỏe hẳn. Nhìn quanh, tôi thấy có hai người lính Quân Cảnh vừa ăn xong, đang rời quán. Tôi cũng tính tiền, bước ra đường, tìm xe về Saigon. Tôi ngạc nhiên thấy hai người lính Quân Cảnh đi bằng GMC, không phải Jeep lùn như thường lệ. Tôi bước đến cabin chiếc GMC, nói to: “Cho tôi quá giang về Saigon!”. Một anh đã ngồi trên băng ghế phía sau đáp: “Mời chuẩn úy lên”. Anh ta hạ cái bửng xuống để tôi leo lên. Thùng xe rộng rinh, không có hành khách nào khác ngoài anh Quân Cảnh và tôi. Khi xe đã xuống phà, anh lính không ngừng quan sát tôi. Bộ đồ trận bạc màu vàng sét của nước phèn miền Tây, cái nón đi rừng xơ xác. Khi xe đã rời phà, chạy bon bon trên quốc lộ 4 hướng về Long An, anh Quân Cảnh không dằn được lời nhận xét, nói một mình: “Chuẩn úy…bụi quá!”. Tôi nghe được, quay lại, mỉm cười. Anh lính thông báo: “Xe chỉ đến Tân An thôi, chuẩn úy”. Tôi nói: “Ừ! Được mà!”.
Xe chạy nhanh, tôi dở cái nón “bo” ra, cầm gọn trong tay. Gió thổi lồng lộng, những chùm tóc dài phất phơ trên mắt mũi. Tôi tự nhủ “ Ngày mai, phải đi hớt tóc, kẻo gặp Quân Cảnh tiểu đoàn 5”. Rồi tôi nhìn ngắm phong cảnh hai bên đường. Vùng quê miền Tây, vẻ hiền hòa bên ngoài, với những đám mạ xanh ngát dọc quốc lộ. Vào sâu bên trong, rừng thưa, rừng tràm, rừng đước, hoang vu với sông rạch, sình lầy, muỗi mòng, vắt, đỉa… mà tôi đã quen thuộc đến ngao ngán. Vậy mà, khi đang tạm rời bỏ những cánh rừng, những đồng, những bái… lặng lẽ nhưng ẩn chứa nhiều hiểm nguy đó, nhìn chúng loang loáng lùi xa theo vòng quay bánh xe, nghĩ đến cái đồn nhỏ bé vừa bỏ lại, tôi thoáng một cảm giác ngượng ngùng, như một người có lỗi, vì đang bỏ rơi đồng đội. Tôi nhớ lại trận phục kích 10 ngày trước, trên con kênh dọc theo tiền đồn. Sáng sớm, vừa thức giấc, đang nằm nướng, thì Lộc, lính mang máy truyền tin của đại đội, đã đến hầm tôi, nói vọng vào: “Đi chợ chơi, chuẩn úy ơi!” Tôi vươn vai ngồi dậy, còn mệt mỏi vì giấc ngủ không trọn đêm qua, từ chối lời rủ rê của Lộc: “Thôi, tôi mệt, đi cẩn thận nha!”. “Mà ai cùng đi đó?”, tôi hỏi thêm. Lộc đáp: “Thằng Giang và Bửu, chuẩn úy ơi, ông có mua gì không?”. Tôi không gửi mua món gì cả. Thế là họ ra đi, lần này bằng ghe tam bản, thay vì đi đường mòn, như thường lệ. Chợ Sóc Ven cách đó khoảng 4 cây số. Có lúc buồn, thèm cục nước đá, ly cà phê…tôi cùng vài ba người lính cũng đi bộ ra chợ; sáng đi chiều về, có mang theo súng đạn đầy đủ. Sáng hôm đó, Lộc mượn được chiếc xuồng, không biết của ai. Khoảng 8 giờ, chúng tôi nghe tiếng nổ của lựu đạn và AK. Biết lính đã bị phục kích, đại đội trưởng ra lệnh cho tôi đem trung đội (vũ khí nặng) đi tiếp cứu. Tôi dẫn 10 người lính, mang theo cây M60, đi ngã sau, băng cánh đồng, cặp theo các bụi cây để nhanh chóng đến mục tiêu. Trước khi xuất phát, tôi dặn xạ thủ súng cối hướng mũi súng về phía Sóc Ven và ở nhà trực máy vô tuyến bên cạnh đại đội trưởng. Đến nơi, khúc quanh của dòng kênh, tôi biết địch đã rút lui, để lại một mặt nước đỏ máu. Tôi bảo tổ đại liên đặt súng trên một ụ đất cao, hướng vào những lùm cây bờ bên kia, và cho 3 người lính lặn xuống kênh để tìm xác anh em.
Khoảng hơn chục vỏ đạn AK rơi lại . Tôi cho lục soát bụi cây rậm sát bờ. Địch để lại mấy hạt cơm rời, lá chuối, vài miếng xương cá khô. Vậy là chúng đã phục ở đây từ trước mờ sáng. Lính vớt được xác của Lộc, sũng nước, phân nửa hộp sọ đã bay mất, như trái dừa bị chặt đôi, lộ ra một lỗ thủng to, óc tràn ra, nhão như cháo…Đôi mắt Lộc hơi khép; trên cổ tay, cái đồng hồ lên giây, mặt nhựa bay mất, 2 cây kim ngừng lại ở 8 giờ 11 phút. Tôi ra lệnh cho lính tiếp tục lặn tìm Giang và Bửu. Ít phút sau, đại đội trưởng gọi tôi, báo rằng Giang và Bửu, bị thương nhẹ, đã gắng bơi về đồn. Tôi thở phào. Hồi còn ở Vĩnh Long, đi hành quân, tôi đã nhiều lần nhìn thấy máu đổ, khi lính của tôi bị thương, do đạp mìn, địa lôi, lựu đạn…Hôm đó, lẩn đầu tiên tôi nhìn thấy lính chết, lại là một người lính khá thân với tôi, chết thảm khốc…Vậy mà, không hiểu sao, tôi cứng rắn một cách kỳ lạ, có lẽ do nhiệm vụ khiến tôi quên đi nỗi sợ. Tôi mới ra trường có hơn 6 tháng.
Giờ đây, tôi đang trở về nhà, đã thấy thành phố ở trước mặt. Bình yên quá. Tôi không còn lý do gì để sợ. Vậy mà, hình ảnh buổi sáng đó, trên một dòng kênh không tên ở một nơi heo hút không ánh điện…cứ hiển hiện trong đầu tôi, chập chờn như một nỗi ám ảnh. Nhiều lần tôi tự hỏi, nếu mình đi với họ buổi sáng đó…? Ở chợ Sóc Ven, tiểu đoàn trưởng đã được báo ngay về trận phục kích và phản ứng của đại đội. Tôi nghĩ ông thật tế nhị khi cho tôi đi phép. Tôi cần một thời gian nghỉ ngơi, để xoa dịu tinh thần của chính mình. Tôi cần thấy lại thành phố của tôi, tôi cần về nhà; nếu may mắn sẽ có anh Nguyên ở nhà, hoặc nếu chỉ là một căn nhà lạnh lẽo, trống không, thì cũng là một chỗ cho tôi trở về. Tôi cần về quê thăm cha và mẹ kế. Tôi sẽ có vài ngày ở Saigon, để gặp bạn bè, và cô bạn gái nhỏ…Tôi cần quá nhiều thứ…
Rồi…dưới bóng mát của những tàn me già trên con đường Gia Long, chúng tôi, những người bạn hồi trung học gồm tôi, Vinh, làm việc ở Tổng Nha Tài Chánh, Xuân, tiểu đoàn 90 Biệt Động Quân biên phòng, và Bình, Thủy Quân Lục Chiến, trong lúc ngồi nhậu rượu thuốc, ăn khô mực ở cái quán cóc ven đường, đã làm bà chủ quán rơi nước mắt. Không hiểu vì sao bà cứ nhìn 4 đứa chúng tôi, rồi quay đi, thút thít. Chúng tôi đã có thái độ hoặc lời nói gì làm bà mũi lòng? Hay chúng tôi làm bà nhớ đến con trai của bà, đang ở đâu đó trên một vùng chiến thuật?
Những giọt nước mắt ấy, của một bà mẹ, lặng lẽ rơi trong buổi chiều Saigon, đã xoa dịu tinh thần tôi, sẽ là hành trang, để ngày kia, tôi lại lên đường, trở về đơn vị.
Nguyễn Hữu Thời
7/8/2020 (Viết muộn)
No comments:
Post a Comment