Wednesday, March 16, 2022

30/4/1975 và Người Lính Trẻ Võ Bị vào Giờ Thứ 25 by Nguyễn Văn Thành

------------------
 ------------------
Sau khi buông súng, lìa xa những người lính Nhảy Dù vô danh; anh dũng và trung kiên của tôi; trong thương tiếc và uất nghẹn, thì đời tôi bắt đầu thay đổi. Đời tôi không kết thúc bằng một cái chết oanh liệt như những gì tôi đã từng ao ước khi còn ngồi ở ghế nhà trường, mà kết thúc bằng một chuỗi dài đớn đau vô tận, không biết cho đến bao giờ.    
Bây giờ, tôi là người Không có nhà, Không có gia đình, Không có vợ con, cũng Chẳng có người yêu. Và nhất là Không có đất nước. Tôi là một sĩ quan trẻ, cho đến bây giờ; được 9 ngày và mấy tiếng đồng hồ. Tôi xuất thân từ Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, và đang ở vào giờ thứ 25 của một cuộc chiến; vừa mới chấm dứt. Sau cuộc chiến đẫm máu, những gì còn lại trên thân xác; như chết rồi của tôi, chẳng có gì đáng giá. Tất cả là con số Zero to tướng, ngoài chiếc Nhẫn còn giữ lại trên ngón tay.
----------------
 
 ----------------
Binh sĩ của tôi không phục, thì làm sao tôi phục. Tôi thà bị đầu rơi, máu đổ. Tôi nhất định không phụ lòng kính yêu của họ. Dù tôi có làm được gì to lớn hay không, tôi phải là một Sĩ Quan Đà Lạt, xứng đáng mà họ đã từng mong ước. Lệnh đầu hàng là trò chơi của kẻ hèn nhát, kẻ ham danh, ham lợi, ham sống, sợ chết. Đó là trò chơi của những tên chính trị gia bất lương.
 
Tôi đi mãi không biết bao lâu. Mệt lã người, và ngồi xuống bên lề đường bên phải của một con đường lớn. Không biết đây là con đường mang tên gì. Người, xe tấp nập như muốn dành phần gì đó sau cơn khủng hoảng của đất trời. 

Hôm nay là ngày 30/4/1975, trời đã về chiều. Người ta như đua nhau. Đua nhau chiếm lấy điều mà họ muốn chiếm, và mang về nhà. Những băng Xanh; băng Đỏ, tràn ngập nơi nơi; ra vẻ hân hoan, như đã làm được một việc gì vĩ đại cho quốc gia dân tộc. Quanh tôi là bãi rác. Một bãi rác khổng lồ. Quần áo thường dân; đủ màu; đủ sắc, đồ trận của binh sĩ VNCH, giấy lộn, lá cây úa màu, sắt vụn, miểng chai vỡ từ những va chạm ngoài ý muốn... Và nhất là Rắn Rít Xanh Đỏ lấp lánh. Xe đạp thồ cồng kềnh của những khuông mặt non choẹt, ngốc ngếch, mang những vật dụng quái gỡ mà tôi không đoán được; tạo cho vùng đất này thành một bãi rác trên thân xác bà mẹ Việt Nam.

 
Nhìn lại mình. Tôi là một cộng rác trên đất nước Việt Nam mới, mà tôi không thuộc về nó. Tôi với chiếc áo sơ mi cũ kỹ, rộng thùng thềnh cùng màu sắc xanh trắng; không làm cho người ta dễ chịu khi nhìn. Chiếc quần tây ngắn ngủn, và chật ních của thằng bé 15, 16 tuổi. Nhìn đôi dép Nhật lẹp xẹp đang mang mà lòng tôi se lại.

Tại một ngã tư, bên phải lề đường, dọc theo một bức tường có nhiều người tụ lại. Có lẽ họ là dân chạy giặc từ khắp miền đất nước; tránh làn sóng Cộng Sản; về đây tạm nương náu sau cơn kinh hoàng. Tôi đến với làn sóng người này, và dựa lưng vào tường. Hai tay tôi ôm đầu, và gục xuống đầu gối dơ bẩn của mình.

Một ông lão trạc tuổi 70 mấy đến cạnh tôi, đưa tôi về thực tế, ông nhã nhặn hỏi:
- Cậu là người ở miền nào? Sao ngồi ở đây?

Tôi ngước mặt nhìn ông, và trả lời trong chua chát, thất vọng:
- Dạ. Tôi người miền Trung.
- Cậu là lính Cộng Hòa phải không? Tôi nhìn ông và không trả lời. Ông tỏ vẻ cảm thông, nói:
- Tôi có 2 người con trai lớn. Một đứa là Đại Úy Thuỷ Quân Lục Chiến. Còn thằng nhỏ là Trung Úy Biệt Động Quân. Ông ngồi sát gần tôi, và dựa lưng vào bức tường, cạnh tôi. Nói trong đau đớn, nghẹn ngào;
- Không biết bây giờ anh em chúng nó ở đâu?

Tôi đưa mắt nhìn vào cặp mắt đỏ hoe của người cha đáng thương. Ông đã khóc. Ông khóc không ra lời. Những giọt nước mắt của bậc sinh thành thật đáng yêu. Có lẽ má tôi ở ngoài Trung cũng đang nằm trong tình cảnh của ông lão này. Tôi thở dài, nói:
- Xin bác chớ đau lòng. Rồi từ từ 2 anh sẽ tìm về với bác.

Tôi thở dài. Một hơi thở dành cho ông lão, dành cho 2 người sĩ quan anh dũng của tôi, cũng là hơi thở dành cho chính bản thân mình. Tôi ngước nhìn về bên kia đường, và rồi nhìn về phía xa xa. Không biết phía xa kia là nơi nào. Ông đưa tay phải lên, và chùi vội mấy giọt nước mắt; như không muốn cho ai nhìn thấy. Ông hỏi nhỏ bên tai tôi:
- Cậu có phải là sĩ quan Đà Lạt không?

Bỗng tôi giật nẩy mình. Nhìn ông lão mà lòng buồn khó tả. Tôi đưa tay trái lên, và nhìn vào chiếc nhẫn còn sót lại sau cuộc chiến. Tôi nói:
- Sao bác biết được tôi là sĩ quan Đà Lạt? Ông nói trong sự thương cảm:
- Đứa con lớn của tôi đi khóa 23 Đà Lạt.

Trời đất mênh mông, ông lão và tôi trở thành 2 kẻ cùng chung số phận, một số phận đau lòng. Trong khi chúng tôi nhỏ to với nhau, một chiếc xe Hồng Thập Tự chạy chậm chậm và dừng lại bên cạnh lề đường. Nhân viên Hồng Thập Tự kéo ra khỏi xe nhiều thùng đồ. Và sau đó, dân tị nạn kéo đến vây quanh chiếc xe.
Ông lão bỗng đứng dậy, vừa đi về phía xe Hồng Thập Tự, vừa nói với tôi:
- Để tôi xem việc gì xảy ra. Một lúc sau, ông về bên cạnh tôi và nói:
- Nhân viên Hồng Thập Tự phát đồ ăn, đồ uống. Cậu đi với tôi không?

Ông vừa đi về phía chiếc xe vừa quay lại nói:
- Đi. Đi. Cậu đi không?
Tôi lắc đầu, nói nhỏ:
- Dạ. Không.

Mười lăm phút sau, ông trở lại với 3 bịch gạo sấy và một ít nước uống trên tay. Vừa vui mừng vừa nói:
- Cậu hãy lại đó. Người ta sẽ cho gạo sấy và nước uống. Đi. Đi.
Tôi nhìn ông lão, lắc đầu:
- Cảm ơn bác.

Ông lão tỏ vẻ thất vọng trước một cậu trẻ cứng đầu, cứng cổ. Ông nói:
- Sao thế.
Thế là ông chạy nhanh về phía xe Hồng Thập Tự một lần nữa. 
 
Khi ông lão chạy về phía xe Hồng Thập Tự, thì một cô bé đứng dựa vào bức tường; gần tôi khoảng 4 hay 5 thước, từ từ bước về bên tôi và ngồi xuống cạnh tôi. Tôi không buồn để ý. Cô ta trạc tuổi 18 hay 19, nước da trắng trẻo hồng hào và ánh mắt
sáng sủa, đượm nét lo âu; buồn thảm và hoảng sợ. Bổng cô nhích gần sát hơn cho đến khi chạm vào người tôi. Tôi cũng chẳng buồn lưu tâm.

Hai phút sau, một cô bé khác; đứng phía trái cách tôi 3 hay 4 thước, có lẽ nghe câu chuyện của tôi và ông lão; cũng từ từ bước tới. Và, một lần nữa, cô ngồi xuống cạnh tôi. Thế là giữa trời chiều ảm đạm của một thủ đô Sài Gòn; tan tác; có một hình ảnh tuyệt đẹp. Một người lính trẻ; thất trận; ngồi ở giữa tựa lưng vào tường, và sát bên cạnh là 2 cô bé trạc tuổi đôi mươi. Tôi đưa mắt nhìn 2 cô. Họ đưa mắt nhìn tôi. Chúng tôi không nói với nhau 1 lời nào. Và cứ như thế chúng tôi ngồi tựa vai nhau một cách tự nhiên; cho dù thiên hạ đảo điên; người người cấu xé. 
 
Ông lão quay trở lại, miệng cười tươi hớn hở, cùng với bịch gạo sấy trên tay. Ông tiến bước đến bên tôi và nói:
- Đây này. Phần của cậu.
Tôi nhìn ông, và nhẹ nhàng lắc đầu. Ông nói với sự ngạc nhiên đầy tình thương; một tình thương dành cho một người trai trẻ; nằm trong hoàn cảnh của con ông:
- Cậu lấy đi. Ăn để có sức khỏe về với gia đình. 
Tôi nhìn ông ngầm cảm ơn, và im lặng, mắt nhìn về phía xa xa. 
 
Bây giờ là lúc ông lão nhìn 2 cô bé bên cạnh tôi một cách ngạc nhiên. Ông dúi bịch gạo sấy vào tay một cô bé, không nói, nhưng tỏ vẻ như:
- "Lấy đi. Cả 3 người cùng ăn."
Cô bé tiếp bịch gạo sấy từ tay ông lão, kèm theo ánh mắt cảm ơn. 
 
Hai cô bé đi xin nước và đổ vào bịch gạo sấy. Thế là 3 chúng tôi có 1 bữa ăn thần tiên. Chúng tôi chỉ có 1 cái muổng nhựa nhỏ. Tôi đưa muổng cơm sấy vào mồm mà lòng như muốn khóc. Nhưng làm sao tôi khóc được. Tôi chẳng còn nước mắt để khóc. Tôi đưa cái muổng ấy cho 1 cô bé, và rồi cái muổng đến phiên cô bé kế tiếp. 
 
Chiếc muổng nhỏ thó đến tay tôi. Tôi cầm chiếc muổng, và có cảm giác như chiếc muổng nặng ngàn cân. Tôi đưa chiếc muổng vào bịch cơm sấy. Tôi ngần ngà, ngần ngừ, rồi đưa qua cho cô bé bên kia mà lòng trĩu nặng ưu tư. Cả 2 cô ngạc nhiên, nhưng chẳng mở lời. Họ đưa mắt nhìn nhau rồi nhìn tôi như van lơn, khuyến khích. Tôi dúi chiếc muổng vào tay họ. 
 
Bữa cơm thần tiên và đạm bạc cũng xong. Tôi tiến về phía bên kia con đường. Tôi lục lội trong đống rác tại 1 gốc cây cổ thụ và tìm được 1 tấm chăn rách nát. Tấm chăn nhỏ thó, cỡ khổ 1 thước và 1 thước rưỡi.
 
Ba chúng tôi đến với nhau trong vô tình vì chinh chiến. Chúng tôi không hề nói với nhau lời chào hỏi nào khi gặp mặt. Chúng tôi cùng nhau ăn chung 1 bịch cơm sấy.  
 
Đêm hôm ấy, 30 tháng 4 năm 1975, ba chúng tôi cùng ngủ chung trên tấm chăn nhỏ bé, trên sàn đất, cạnh bờ tường của một nhà thương nào đó mà tôi không biết tên. Tôi nằm giữa, 2 cô nằm 2 bên. Chúng tôi cảm ơn Trời Đất vì giữa 3 chúng tôi có 1 thứ tình cảm trong sạch và tinh khiết mà Trời Đất đã ban cho loài người. Ấy là tình người. Tình giữa người và người trong cơn loạn lạc. Và đây cũng là một kỷ niệm đẹp; khó quên của đời người.
 
Sáng hôm sau, ngày 1/5/1975, tôi nhìn 2 cô cùng nhau xếp tấm chăn, và gật đầu. Tôi bước đến chào tạm biệt ông lão, và cất bước.
Và rồi chúng tôi chia tay nhau cũng trong vô tình, không một lời từ biệt. Cho đến bây giờ, tôi không có cơ hội gặp lại 2 cô bé dễ thương ấy nữa.
 
Không biết giờ này, năm 2022, hai cô khỏe mạnh hay không? Chồng con thế nào? Còn ở quê nhà hay lưu lạc chân trời góc biển nơi nao? Tôi chỉ mong 2 cô sống trong hạnh phúc gia đình.  
 
Tôi bước về phía trước, nhưng chẳng biết mình đi đâu. Làm sao để xuôi Nam tìm gặp tướng Nguyễn Khoa Nam, trong khi không còn một xu dính túi. 
 
Nhớ lại thời kỳ huấn luyện 8 tuần huấn nhục cho khóa 31. Thật là khó khổ. Có bỏ công sức huấn luyện đàn em, tôi mới hiểu được công lao của khóa 25 đã bỏ ra cho chúng tôi; khóa 28.
 
Hành xác khóa 31 là để giúp họ có cơ hội trở thành 1 sĩ quan xứng đáng, và hữu dụng cho dân tộc sau này. Muốn như thế, không phải là điều dễ dàng. Khóa 31 chạy bao nhiêu, thì tôi chạy bấy nhiêu. Họ lắc la lắc lư, thì tôi có kém gì. Họ chạy nhừ tử, thì tôi cũng nhừ tử như họ. Không biết họ có hiểu cho không? 
 
Họ hiểu, hay không hiểu không quan trọng lắm. Điều quan trọng là; tôi phải hoàn thành bổn phận của một Sinh Viên Sĩ Quan Cán Bộ Tân Khóa Sinh; một cách xuất sắc mà tôi có thể. Tâm hồn và thể xác của tân khóa sinh khóa 31 nát như tương. Nhưng được bồi thường bằng cơm Phạn Xá, và tình yêu thương và trách nhiệm mà chúng tôi, khóa 28, 29 và 30 dành cho họ. Còn tôi, chỉ có mỗi ông ba râu tiếp sức. Cứ mỗi lần thăm ông, là bị ông móc túi. Thế là bao nhiêu tiền dành dụm cả nửa năm, để về phép, không cánh mà bay.
 
Bây giờ làm sao đây? Làm sao đi tìm tướng Nguyễn Khoa Nam. Thật là thiên nang vạn nang.
 
Tôi đang mơ màng về quá khứ và tương lai, chưa tìm được giải đáp, thì trước mắt tôi một ông niên trưởng xuất hiện; với một hình hài của một người lính thất trận. Đó là niên trưởng Thủy, khóa 27. Tôi không nhớ được họ của niên trưởng Thủy. 
 
Hồi ấy, năm 1974, tôi và niên trưởng Thuỷ cùng ở đại đội C. Một hôm; tôi bước đi trên hành lang lầu một trên đường trở về doanh trại từ lớp học, hai cái đầu chòm ra, nhìn tôi và ân cần nói:
- Anh Thành. Vào đây.
Tôi ngạc nhiên, và chẳng biết làm sao. Tôi có lỗi gì đây? Hai ông niên trưởng khóa 27 này muốn phạt tôi về điều gì? Tôi chậm rãi tiến đến cửa phòng của họ, và đứng nghiêm chào. Tôi nói:
- Chào hai niên trưởng. Tôi đưa tay phải lên chào theo đúng lễ nghi quân cách.
Niên trưởng Thủy, vui cười, đưa tay kéo tôi vào trong khi tôi chẳng biết trời trăng mây nước gì cả:
- Được rồi. Không cần.
Nhìn hai ông niên trưởng mà lòng không yên, tôi nói:
- Thưa hai niên trưởng, tôi có lỗi gì sao?
- Anh mà có lỗi gì. Niên trưởng Thủy nói thế, và tiếp:
- Chúng tôi sắp ra trường. Chúng tôi học Nhu Đạo. Có thể nào anh làm ơn dạy cho chúng tôi một ít võ Bình Định để lận lưng được không?
Tôi thở phào nhẹ nhỏm. Thì ra là như thế. Tôi nhìn hai ông niên trưởng đầy lòng thành khẩn. Tôi hỏi:
- Sao hai niên trưởng biết tôi biết võ Bình Định?
- Ông niên trưởng cạnh niên trưởng Thủy nói:
- Chúng tôi nghe các khóa đồn nhỏ to như thế. Anh giúp chúng tôi đi.
Tôi trả lời không suy nghĩ:
- Được. Tôi sẵn lòng. Không có gì quan trọng.
Thế là tôi và họ có được một cái duyên tao ngộ trời cho.
 
Và giờ đây, trên đường phố Sài Gòn loạn lạc, tôi gặp lại người mà tôi yêu qúy và kính mến; tại giờ thứ 25 của cuộc chiến. Niên trưởng Thủy tiến thật nhanh về phía tôi, và tôi dường như cũng đi nhanh về phía niên trưởng.

Chúng tôi mặt đối mặt, không như tại trường Võ Bị, hay tại một chiến trường đẫm máu nào đó mà chúng tôi từng ao ước. Chúng tôi lại gặp nhau tại Địa Ngục Trần Gian này. Mắt niên trưởng Thủy đỏ hoe, như muốn khóc. Tôi có khác gì. Không ngờ chúng tôi phải trải qua một hoàn cảnh quái ác như thế này. Chúng tôi chỉ nói với nhau bằng ánh mắt, chứ không phải bằng lời. Ánh mắt chúng tôi chất chứa bằng hàng ngàn lời nói.
 
Một lúc sau, niên trưởng Thủy, hỏi:
- Bây giờ anh muốn làm sao?
Tôi lắc đầu nhè nhẹ, tỏ ý không biết làm sao. Niên trưởng Thủy tỏ vẻ thân mật:
- Hay là anh cùng tôi về quê tôi?
Tôi hỏi trong ngạc nhiên:
- Quê niên trưởng ở đâu:
- Hà Tiên.
 
Một phút ngần ngừ suy nghĩ, tôi nói:
- Chắc không được đâu, niên trưởng.
Ông kiên nhẫn, khuyến khích:
- Về quê tôi đi. Việc gì tính sau.
- Dạ. Cảm ơn niên trưởng. Tôi không có quyết định gì trong lúc này. Cảm ơn niên trưởng.
Có lẽ niên trưởng Thủy biết không khuyên được tôi, ông tỏ vẻ ân cần:
- Anh có còn tiền trong túi không?
 
Câu hỏi này làm tôi biết rõ mình trong thực tế hiện tại, tôi ấm a ấm ớ:
- Uh. Uh...  
Ông rút ra một xấp tiền khá lớn từ trong túi, và đưa về phía tôi:
- Nè. Lấy đi.
Tôi giật mình, lùi ra sau nửa bước. Ông tiếp:
- Lấy đi.
Tôi không có một xu dính túi, nhưng vì tự ái, tôi từ chối:
- Niên trưởng giữ số tiền này để về quê.
 
Ông ra vẻ không hài lòng, nói như ra lệnh của một đàn anh Võ Bị còn tại trường:
- Lấy đi. Lấy đi. 
Tôi nhìn ông với lòng biết ơn. Tôi đưa tay tới xấp tiền, và dùng mấy ngón tay ngắt 1 phần nhỏ. Ông đẩy xấp tiền về phía tôi. Thế là chúng tôi giằng co với nhau về cái xấp tiền. Ông muốn tôi nhận cả số tiền. Tôi thì không nỡ nhận hết. Cuối cùng ông đành nhường tôi, và tôi nhận một phần của số tiền ân tình ấy. Sau đó, tình cảm và duyên phận của chúng tôi trôi nổi theo dòng đời bạc phước; của một xứ sở điêu linh. 

Số tiền nhận được từ niên trưởng Thủy là một kỳ diệu cho tôi, vì đó là phương tiện cần thiết mà tôi cần dùng để đi Cần Thơ. 
Lúc ấy, trên đường tấp nập ngược xuôi, kẻ qua, người lại. Đủ mọi loại xe cũng đua nhau lăn bánh. Họ không kể luật lệ giao thông. Kẻ nào lấn trước được, là phóng trước. Họ băng qua băng lại; không kể đến sự sống chết cho chính họ, cũng như cho người khác. Thật là 1 xã hội vô pháp, vô thiên. Tôi không biết tìm ai trên đường để hỏi thăm đi Cần Thơ bỡi vì mọi người đều vội vã. Tôi đành bạo gan chận đứng một người đàn bà, hỏi, trong khi bà ta đang tiến bước:
- Thưa bà. Làm cách nào đi Cần Thơ? 
Bà vừa đi vừa trả lời:
- Anh đến xa cảng miền Tây.
Bà tiếp tục bước tới, không cần biết tôi hỏi với mục đích gì. Và bà cũng không cần biết tôi là ai mà khờ khạo đến thế.
Tôi thầm nói:"xa cảng miền Tây ở đâu? Làm cách nào đến đó?"
Tôi tiếp tục rảo bước theo đoàn người, nhưng tôi không biết là họ đi về đâu. Tôi cứ lần mò theo họ, và rề rà bên cạnh một cô bé 14 hay 15 tuổi, bắt chuyện:
- Anh muốn đến xa cảng miền Tây, nhưng anh không biết đường. Em có thể chỉ giúp cho anh được không?
Vừa đi cô bé vừa trả lời:
- Anh đi lộn đường rồi. Anh quày lại, và quẹo trái.
Tôi đi ngược lại con đường tôi đang đi, và quẹo trái. Tôi đúng là một tên ngáo, vừa ngáo, vừa mù. Theo sự chỉ dẫn của một vài người, tôi đã lò mò đến chợ An Đông. Trước mặt tôi là chợ An Đông. Qua khỏi chợ An Đông, tôi tiếp tục rảo bước, nhưng lòng không chắc chắn là đúng đường. 
 
Tôi không còn nhớ tôi đã dùng bao nhiêu thời gian để lội bộ và tìm đường đi đến xa cảng miền Tây. Khi tôi đến đó, mặt trời đã xuống thấp.  
 
Chiếc xe lăn bánh rời khỏi xa cảng miền Tây với một cảm giác nặng nề, mệt mỏi. Tôi gục đầu ngồi phía sau cùng; như kẻ chết rồi; chết nhưng chưa được chôn. Trong xe có trên dưới 10 người. Mặt mày họ hốt hoảng, lo âu, trao đổi nhau những tin tức chiến sự. Một bà tuổi vào khoảng 50; phía trước mặt tôi, ra vẻ giận dữ, quát tháo:
- Bà mẹ nó. Chúng nó zô rồi. Chỉ có chết thôi bà con ơi!
- Các nhà giàu, các tiệm vàng, ..... khổ tới nơi rồi.
- Cần chi nhà giàu, chúng ta đây sẽ mệt với đám Việt Cộng này.
- Chuẩn bị đi. Chuẩn bị sức khỏe để đi làm lao công không lương đi....
 
Họ cùng nhau, kẻ nói người tiếp. Một hoạt náo trên xe như thiên hạ này sắp chìm vào một địa ngục trần gian. Tôi thỉnh thoảng đưa mắt nhìn họ mà lòng đầy u uất, phân vân. Tự hỏi:
- "Cần Thơ hiện giờ ra sao? Có điều xấu nào xảy ra chưa?" Nhưng tôi không dám hỏi một ai.

Người dân hiền hòa, bây giờ đang lo sợ. Họ trao đổi với nhau nhiều lắm. Họ cùng nhau giận dữ, nguyền rủa:
- Mẹ bà nó. Thằng Dương Văn Minh ăn hại.
- Thằng chó chết này chạy trốn qua Pháp ăn nhờ, ở đậu, sao bỗng dưng trở thành Tổng Thống? Sao mày không chết mẹ mày đi.

Những âm thanh than vãn, lo âu, nguyền rủa, lo sợ như rên siết, ... bỗng im bặt khi chiếc xe vừa qua khỏi một chiếc cầu nhỏ, và dừng lại. Ông tài xế xuống xe, và nói lớn:
- Xuống xe đi bà con ơi. Không đi tiếp được. Phía trước người ta chận lại rồi.

Tôi là người rời khỏi xe trước nhất. Tôi đưa mắt nhìn quanh. Và trước mặt tôi, hiện rõ:
- "Bến xe Mỹ Tho."
Thế là tôi đang đứng tại bến xe Mỹ Tho. Tôi lo lắng:
- "Làm sao bây giờ?"
 
Mặt trời đang lặn mất nơi đây, dù rằng ánh sáng vẫn còn vương vấn chưa đi. Một vài căn quán bắt đầu lên đèn. Tôi tiến đến một mô đất lô nhô, và ngồi xuống. Bụng tôi đói như cào, miệng tôi khô như cánh đồng ruộng khô mà trung đội 1 của đại đội 151 Nhảy Dù đã đóng quân cách đây vài ngày.
 
Tiếng người đến bên tôi. Tôi ngước mặt lên và ánh mắt tôi bắt gặp ánh mắt của người đàn bà, ngồi đối diện tôi trên xe và một cô gái vào tuổi đôi mươi bên cạnh. 

Người đàn bà vừa ngồi xuống cạnh tôi, vừa hỏi:
- Cậu là người vùng nào, và muốn đi về đâu?
Tôi nhã nhặn trả lời:
- Dạ. Tôi người miền Trung, Bình Định.
 
Tôi đưa mắt nhìn quanh bến xe Mỹ Tho. Đây là một bến xe nhỏ; nằm bên trái cạnh con đường lộ xuôi Nam. Tôi nhìn bà và cười mỉm cho qua chuyện.
 
Bà bảo cô cháu nhỏ đi mua một ít thức ăn, nước uống, và hướng về tôi hỏi:
- Cậu ăn uống gì chưa?
Tôi không trả lời và chỉ lắc đầu nhè nhẹ. Bà nhìn tôi như cảm thông cho một kiếp người. Không hiểu sao bà lại muốn làm thân với tôi, ngay giữa cơn đại hồng thủy đang trút xuống đầu bà.
 
Cô cháu bé mang 3 ổ bánh mì thịt và nước trà đá về đến. Bà chia cho mỗi người một ổ. Tôi không nhận ổ bánh mì; đầy tình thương mà bà dành cho tôi; như dành cho đứa con lưu lạc của bà. Tôi chỉ lắc đầu khi tay bà vẫn còn giữ ổ bánh mì ở trước mặt tôi. Hai cô cháu ngạc nhiên trước sự từ chối lòng tốt của họ. Bây giờ cô bé mới mở lời từ khi gặp tôi:
- Anh cố gắng ăn chút gì đi. Việc gì còn có đó. Anh đừng lo nhiều quá.

Sau một vài câu thăm hỏi đơn sơ, tôi đứng dậy và đi theo hai cô cháu người miền Tây.

Họ đưa tôi đi về phía bên kia con lộ, và đi dọc theo con sông mà tôi không biết tên. Chừng 70 hay 100 thước, họ rẽ trái và đưa tôi vào một ngôi chùa. Tôi cứ lầm lì theo họ như kẻ mất hồn. Bà thở nhẹ và đặt túi hành lý đơn sơ xuống một khoảnh đất nhỏ; được tráng lớp xi măng, nói:
- Xong. Tối nay chúng ta ngủ nghỉ ở đây.
Bà đưa mắt nhìn tôi; ra vẻ xem phản ứng của tôi. Tôi nhìn bà thầm cảm ơn.

Chiếc đèn cầy leo lét được cô gái thắp lên. Cô nhìn tôi với sự lo lắng cảm mến. Đến cạnh tôi, và chìa ổ bánh mì cho tôi, cô nói:
- Anh cố ăn đi. Ăn càng nhiều càng tốt. Giữ sức khỏe để về với gia đình.

Không hiểu tại sao tôi có cảm giác là cô gái này đã biết it́ nhều về tôi, dù rằng tôi và cô chỉ là bèo mây gặp gỡ. Tôi đưa tay nhận ổ bánh mì mà lòng cảm ơn người dân miền Nam.

Một người đàn bà tuổi trạc trên dưới 30 vừa đến, tay bồng một bé trai 2, 3 tuổi. Vừa ngồi xuống cạnh chúng tôi, vừa nói:
- Cho tôi ở đây với.

Rồi bà đưa gì đó cho đứa bé ăn. Và không buồn nói thêm điều gì nữa. Bụng tôi đói cồn cào, nhưng miệng không muốn ăn. Tôi nhìn người thiếu phụ, nói:
- Ổ bánh mì lớn quá. Tôi ăn không hết. Chị làm ơn giúp tôi ăn một phần được không?

Người thiếu phụ, ngạc nhiên nhìn tôi; một người thanh niên xa lạ, và vui tươi nói:
- Đâu có lớn gì đâu. Ừ. Cũng được.

Thế là tôi cắt ổ bánh mì thành hai phần. Tôi lấy phần nhỏ, và phần còn lại trao cho chị. Cả ba người đàn bà đều kinh ngạc, và đều nói:
- Ủa. Sao như zậy?

Tôi nhìn từng người, và nói:
- Tôi ăn không hết được.

Những tiếng thở dài được tuông ra từ ngững người dân hiền lành, chất phát. Người thiếu phụ tìm cách ru con ngủ, thì bà cô 50 tuổi lân la đến gần tôi, hỏi nhỏ:
- Cậu là lính Cộng Hòa phải không?

Một lần nữa, tôi giật thót mình, và tự hỏi:
- "Sao người đàn bà bình dân này đoán được tôi là lính Cộng Hòa, và hỏi một cách trực tiếp như thế?"

Tôi nhã nhặn trả lời cho sự lo lắng của bà:
- "Dạ. Tôi là lính Cộng Hòa." Bà tiếp với niềm kính mến:
- "Cậu là sĩ quan Đà Lạt phải không?" Tôi đi từ sự kinh ngạc này, đến sự kinh ngạc khác. Tôi hỏi:
- "Sao cô biết tôi là sĩ quan Đà Lạt?" Bà đưa mắt nhìn tôi, lòng đầy cảm phục, lo lắng:
- "Tôi không biết." Bà đưa mắt về phía cô cháu, và nói một cách chắc chắn:
- "Nó biết." Cô gái nhìn tôi, rồi đưa tay chỉ vào tay trái của tôi, cô nói vớ sự ngưỡng mộ:
- "Chiếc nhẫn trên tay anh đó." Tôi nhìn bà cô mà lòng đầy ưu tư:
- Dạ. Phải

Bà cô nhìn tôi tỏ vẻ lo lắng:
- "Cậu đang muốn đi đâu?" Tôi nhìn bà mà lòng không ổn, trả lời:
- "Tôi muốn đi Cần Thơ." Bà nói tiếp như lo lắng cho đứa con trai lưu lạc của bà:
- "Cậu đi Cần Thơ làm gì? Quê cậu ở ngoài Trung mà. Sao không về tìm gia đình?"

Bà hỏi liên tiếp chẳng cần tôi trả lời. Tôi gục đầu nói nhỏ:
- "Tôi muốn tìm tướng Nguyễn Khoa Nam." Bà giật mình, và nói nhỏ bên tai tôi:
- "Tìm tướng Nguyễn Khoa Nam làm gì?"

Người thiếu phụ ngồi bên cạnh, im lặng một lúc lâu, nhưng chị bỗng lên tiếng khi nghe chúng tôi nói đến tướng Nguyễn Khoa Nam:
-"Tướng Nguyễn Khoa Nam đã tự sát rồi."

Tôi như từ trên trời rơi xuống. Một nguồn tin làm tim tôi tê lạnh. Thế thì còn gì? Hết rồi. Hết đường cho tôi rồi. Tôi bình tĩnh và nhã nhặn hỏi chị:

- "Chị nghe tin này từ đâu?" Người thiếu phụ nhìn tôi, kính cẩn nói:
- "Dạ em chạy ra từ trại gia binh của quân đoàn bốn ở Cần Thơ." Tôi hỏi:
- "Tướng Nguyễn Khoa Nam tự sát lúc nào?" Chị trả lời trong đau khổ:
- "Dạ. Sáng nay." Có nghĩa là tướng Nguyễn Khoa Nam ra đi sáng ngày 1 tháng 5 năm 1975. Tôi hỏi:
- "Chồng chị đâu? sao chị bồng cháu đi một mình?"
- "Dạ. Chồng em bị thất lạc. Bây giờ em cũng không biết anh ấy ở đâu."Người thiếu phụ quay lại dỗ con ngủ.

Bà cô nói với tôi như khuyên lơn:

- "Cậu có còn tiền trong người không?" Tôi ngạc nhiên với câu hỏi quá riêng tư của bà, nhưng tôi trả lời:

- "Dạ còn." Nhưng tôi không nói tôi còn bao nhiêu. Bà mỉm cười ra vẻ không tin, và lấy ra từ trong túi đưa đến trước mặt tôi một cọc lớn tờ giấy 500 đồng, và nói:

- "Tôi bán hàng ở chợ An Đông. Việt Cộng zô, tôi phải mang tiền và đứa cháu gái tôi về nhà." Bà đưa tay chỉ về phía đứa cháu gái, tiếp:

- "Nó đang học năm thứ 2 Văn Khoa, nhưng tình cảnh này không ổn. Tôi phải đưa nó về nhà. Mọi việc tính sau." Bà đưa cọc tiền ấy vào tay tôi, nói:

- "Tôi cho cậu. Tôi còn nhiều lắm." Bà đưa tay vào mấy cái túi khác, và đập đập vào đó, ra vẻ như là bà còn nhiều tiền hơn nữa so với số tiền bà muốn cho tôi.

Tôi ra vẻ tự ái, và lẩm bẩm không trả lời. Cô cháu tiếp lời bà cô:

- "Anh lấy đi. Anh cần tiền để về quê mà."

Thật là điều oan nghiệt cho tôi. Hôm trước, tôi là người khuyên binh sĩ của tôi, bây giờ tôi lại được hay bị những người dân hiền lành này khuyên tôi. Không muốn phụ lòng tốt của họ, tôi đưa tay chọn một số ít tiền từ tay của bà. Bà cô dúi cả cọc tiền vào tay tôi, nói:

- "Lấy hết đi. Tôi còn nhiều lắm. Đừng lo. Xài không hết, vài hôm nữa số tiền này là đồ bỏ. Nó sẽ trở thành đồ giấy lộn. Lấy hết đi." Tôi nhất định không bằng lòng, và chỉ nhận một số ít từ tay của bà thôi.

Biết không khuyên được thằng trẻ cứng đầu cứng cổ này, bà bỗng đổi giọng:

- "Hay là cậu theo chúng tôi về quê của cháu tôi. Ba nó ở trong ruộng, cách Mỹ Tho khoảng 5 hay 7 cây số. Tôi gả nó cho cậu. Cậu thấy thế nào?"

Đúng là một chuyện lạ đời. Bà đã đưa tôi đi từ sự ngạc nhiên này đến một sự ngỡ ngàn khác. Tôi nhìn cô cháu. Ánh mắt của cô thoáng qua tôi thật nhanh nhưng tôi cảm giác được má cô đang rực đỏ dưới ánh sáng leo lét của ngọn đèn cầy sắp tắt. Tôi chưa trả lời câu hỏi của bà cô, thì cô gái mạnh miệng:

- "Anh đi không? Về với em đi?" Tôi thầm cảm phục lòng yêu thương của họ, nhưng làm sao tôi có thể theo họ được. Tướng Nguyễn Khoa Nam là người tôi cần, và phải gặp cho chuyến đi này. Không thể vì nguồn tin của người thiếu phụ mà tôi bỏ cuộc. Tôi nói nhỏ nhẹ, như muốn không làm buồn lòng cô cháu họ:

- "Dạ. Cảm ơn lòng yêu thương của cô. Tôi không thể theo cô và em được. Tôi chưa quyết định điều gì cả." Tôi nói nhỏ vào tai cô gái:

- "Cảm ơn. Anh không thể đi với em được."

Đêm hôm ấy, đêm ngày 1 tháng 5 năm 1975, cả ba chúng tôi không ngủ. Hai cô cháu khuyên tôi mãi, nhưng không được... Tôi nghĩ nếu giữ chiếc nhẫn trên tay thì khó mà lọt qua những chốt chận của quân du kích trên đường về Cần Thơ. Thế là tôi đứng dậy, và ra phía trước nhà chùa. Nơi đây có một số chậu hoa. Tôi bỗng có ý nghĩ là chôn chiếc nhẫn nơi đây để tránh những điều phiền phức xảy ra không cần thiết. Tôi lập tức moi một lỗ nhỏ kế chân cây hoa, và bỏ chiếc nhẫn mà tôi coi là sự sống vào chậu hoa và lấp đất.

Sáng hôm sau, ngày 2 tháng 5 năm 1975, tin tướng Nguyễn Khoa Nam tự sát loan truyền khắp bến xe Mỹ Tho. Thế là hết. Thật sự hết. Và đời tôi được bao phủ bỡi một màng đen u tối từ đây. 

Hôm nay là 47 năm sau cái ngày chôn chiếc nhẫn ấy. Không hiểu chậu hoa; mà tôi đã chôn chiếc nhẫn tại chùa có còn nguyên vẹn hay không? Hay đã có một sự đổi thay nào đó? Và ai đã có duyên thấy được vật qúy này. Tôi xin tặng nó cho người có duyên, như là kỷ niệm của một thời chinh chiến. Một chiếc nhẫn có ghi rõ: "TRƯƠNG VO BI QUOC GIA VIET NAM - Nguyễn Văn Thành - 28 - (71-75)".

Cảm tạ ngôi chùa; nơi đã một lần cho một sĩ quan trẻ Đà Lạt ngủ nhờ.

Tôi cũng cảm ơn lòng yêu thương của hai cô cháu, mà tôi không còn nhớ tên. Cầu mong hai cô cháu vạn phúc an khang, cho dù còn ở quê nhà, hay trôi dạt nơi đâu.

Các anh em binh sĩ Nhảy Dù thuộc trung đội 1, Đại Đội 151 thân mến;

Tôi đã làm điều mà tôi đã nói với anh em, trong lúc chia tay năm nào, một cách nhiệt thành. Tôi đã làm hết sức. Tôi đã dùng hết khả năng của mình. Tôi đã tận nhân lực. Bây giờ, các anh đã thành ông nội, hay ông ngọai rồi. Tôi chỉ mong ơn trên chăm sóc cho anh em và gia đình. Chúc Vui và hạnh phúc.   

*****

Cứ vào mỗi tháng 3 và tháng 4 mỗi năm là tôi có cảm giác không yên
. Tim tôi đau nhói, dù rằng áp suất huyết của tôi hiện tại đo được 117/79. Đó là áp suất huyết lý tưởng cho một người khỏe mạnh. Bụng tôi cồn cào. Nhất là năm nay, tháng 3, và 4/2022. Sau khi thưởng thức món ăn thức uống mà vợ tôi lo lắng, tôi vào phòng, và đóng cửa lại. Vợ tôi nhìn tôi mà lòng xót xa:"Thôi đi anh. Lâu rồi mà. Mình cũng được. Không cần tự hành hạ mình nữa đâu." Tôi biết chứ. Có ai lại khờ khạo đến mức tự hành hạ mình đâu. Tôi vẫn còn tráng kiện và tỉnh táo mà. Tôi cứ mãi đi ra, đi vào; thẩn thờ như kẻ mất hồn. Tự tìm kiếm và hỏi cao xanh, nhưng tôi vẫn không tìm ra PHƯƠNG THUỐC để chữa VẾT THƯƠNG năm xưa. Vết Thương gì mà không tìm được thuốc chữa, dù rằng cơ thể của tôi vẫn còn nguyên vẹn, và đã qua 47 năm rồi?
*****************
4. Nguyễn Văn Nhành K27 (TĐ1/Dù) & TTAnh by Nguyễn Ngọc Trân is with Tri Nguyen and 4 others
 
Hôm nay Chủ Nhật 10/4/22 đi thắp nhang giỗ bạn lần thứ 47: Nguyễn Văn Nhành K27 (TĐ1/Dù) - Tử trận 21/4/1975 tại Long Khánh (Nhành mất sau TTAnh 1 tuần lễ). Ngày 21/4/75 trùng với ngày 10/3 Âm Lịch, là ngày giỗ tổ Hùng Vương. Năm nay ngày Âm Lịch và Dương Lịch trùng nhau.
 
* Cuong Pham
Thương tiếc người bạn cùng khoá 27. Ra trường cuối cuộc chiến; nhưng đã có 5 người chết ngoài mặt trận, 6 người chết trong tù cải tạo, 26 người chết vì tai nạn bệnh tật; vô cùng thương tiếc cho các bạn đã ra đi sớm
 
 
5. HAI NGƯỜI LÍNH NHẢY DÙ
Nguyễn Minh Thanh
 
  
Hình nầy là hai thầy trò Đích Thân Ngọc Trọng ĐĐtrưởng/ĐĐ91/TĐ9/ND!
Anh Trọng hiện ở Houston TX. NDCG
***
Khoảng 8 giờ sáng ngày 1/5/1975, tôi đi từ bến Bạch Đằng lên bến Chương Dương
Sau lưng tôi là đoàn quân CSVN chỉa súng dọc hai bên đường. Họ với tôi đi cùng hướng Gần tới bến Chương Dương Tôi hoảng hồn khi thấy hai anh lính Nhảy Dù ngược chiều trên đường Quân phục thẳng nếp: một Trung Sĩ Nhứt và một Hạ Sĩ
 
Có vài người đi trước và sau tôi la lên báo động cho hai anh lính Nhảy Dù:
- “Tụi nó tới rồi đó... Tụi nó đang đi đằng sau kìa...!”
- “Việt Cộng ở đằng sau kìa...!”
Hai anh lính Nhảy Dù hơi ngẩng cao đầu một chút rồi thản nhiên bước tới...với vẻ mặt như cười cười...Tôi lạnh người...khi chợt hiểu ra hai anh toan tính gì...Nhiều người cũng chợt cùng ý nghĩ...
Một phụ nữ đi trước tôi níu tay anh lính:
- “Đừng!...Đừng làm vậy...!!”
Anh lính Nhảy Dù gở tay chị ra rồi tiếp tục bước tới...
Chị khựng lại bật khóc:
- “Trời đất ơi!... Trời đất ơi!...”
Mắt tôi mờ đi...và chạy vội về phiá trước...để khỏi nghe thấy những cái hãi hùng...
Thế là,
LÍNH NHẢY DÙ !!
Hai anh lính Nhảy Dù
Lẫm liệt vào...thiên thu...
Rồi,
Những năm dài...”cải tạo”
Hốc hác đói chao dao
Lao nhọc dưới đòn thù
Hình ảnh bi hùng tráng...
Hai anh lính Nhảy Dù
Chúng tôi cùng... lang thang...!!
Trải qua lắm trại tù...
Đêm mơ... chờ trời sáng...!!
Sư Đoàn Nhảy Dù
Lính Nhảy Dù
Áo anh hoa màu máu
Chiến trường lên cơn bão
Nón sắt đội mưa pháo
Lính Nhảy Dù nhảy vào
Diệt thù... ngưng đạn đạo
Bến Hải... đến Cà Mau
Giữ an cho đồng bào
Em thơ vui đi học
Những cặp tình yêu nhau...
Sư Đoàn Nhảy Dù
Lính Nhảy Dù
Thế cờ... vào cơn bĩ...
Nợ nước còn nặng mang
Hải hồ chưa thỏa chí
Lã chã... mưa... tan hàng...!!
Ngùi... giã từ vũ khí
Trăng khuyết... sầu mang mang
Khói thuốc vờn... suy nghĩ
Chiến hữu... thời dọc ngang
Tây Nguyên chiều... chiến lũy
Sương trắng bay ngút ngàn...
Sư Đoàn Nhảy Dù
Lính Nhảy Dù
Mất Nước
Mất Sư Đoàn Nhảy Dù
Trường Sơn nghiêng... điạ chấn
Xót... Sư Đoàn Nhảy Dù...!!
Cửu Long cau mặt sóng
Khóc... tử sĩ Nhảy Dù...!!
Hỡi ôi...!!
Núi Sông hồi mạt vận
Chiến mã hoài... công phu
Bao năm trời lận đận
Sông Núi chuỗi... mịt mù
Trắng mây về... vô tận...
Trường hận...ngùi... thiên thu...!!
Nguyễn Minh Thanh
(Cảm xúc theo “Hai Người Lính Dù...” tác giả - Bùi Anh Trinh)
 
*****************************
 
  
 
 
*****************************
Tham Khảo - Nghiên Cứu:
 
 

1 comment:

ĐàLạtNgàyVề said...

Vinh Tấn Nguyễn - https://www.facebook.com/photo/?fbid=626156470908514
94 tôi nhớ ngày 22 tháng 4/75 tôi tiếp nhận 2 tân Th/úy khóa 29 về đại đội 94 tại núi ông Tịnh gần sân bắn của quân trường Vạn Kiếp Bà Rịa Phước Tuy. Lúc khoảng 4-5 giờ chiều và ngay sau đó mấy phút Tr/úy Thăng Đ/Đ.trưởng 94 lên xe Jeep ra BCH tiểu đoàn và tôi Th/úy Vinh được lệnh TĐ. lên XLTV chức Đ/Đ.trưởng 94. thế anh Thăng. và tôi ra lệnh đưa hai ông Th/úy Đà Lạt về tr/đội 2 thế tôi . và một ông Th/úy tiểu khu Pleiku về tr/đội 3. Tôi nhớ khóa 29 Đà Lạt có người bạn cùng Đ/Đ 93C ở Quang Trung lúc chúng tôi học giai đoạn 1 tên Nguyễn Thanh Long mang danh số 2 sau tôi danh số 001. Anh nhận được sự vụ lệnh là đã đậu vào Võ Bị nên được rời quân trường Quang Trung lên trình diện học Võ Bị anh ta rất vui mừng và nói tôi vậy tao sẽ nhập khóa 29 VBĐL. Lúc đó chúng tôi thuộc khóa 9B/72 SQTB Thủ Đức . Từ đó không biết Long như thế nào ??? Vinh94