Saturday, April 27, 2024

Người lính Tiểu Đoàn 34 Biệt Động Quân ngày 30/4/1975 - fb Son H Cao

Người lính Tiểu Đoàn 34 Biệt Động Quân ngày 30/4/1975

Son H Cao
Người lính Biệt Động Quân ngày 30 tháng Tư 1975.
Dương Văn Minh đã đầu hàng từ lâu, nhưng chiến sĩ này vẫn chưa muốn buông súng. Đơn vị của anh đã được giải tán, đồng đội của anh đã tìm đường về nhà, còn anh thì chưa biết đi đâu, và cũng chưa quyết định phải làm những gì. 
--------------
 
---------------
 
Binh chủng Biệt Động Quân có ba lời thề, và lời thề thứ ba là QUYẾT TÂM TIÊU DIỆT CỘNG SẢN ĐẾN GIỌT MÁU CUỐI CÙNG.
 
Vì vậy mà anh còn đứng một mình suy nghĩ. Đối với anh, thất hứa thì có thể bỏ qua, nhưng bội thề thì lại là một trọng tội. 
 
Nhìn anh, tôi lại nhớ đến anh tài xế xe Jeep trong đơn vị tôi, anh Lý Vĩnh Phước. Anh là một quân nhân bình thường, nhưng nói về trung nghĩa thì anh không thua bất cứ một ai.
 
Vào cuối tháng 11 năm 1972, đơn vị của tôi đang ở An Lộc, còn tôi thì vì vết thương chưa khỏi hẳn nên vẫn còn nằm ở quân y viện. Trong thời gian đó, tôi hay ghé qua hậu cứ để theo dõi tình hình ngoài mặt trận. Một hôm, sĩ quan chỉ huy hậu cứ là Trung Uý Phan Hữu Triệu bận việc gấp, có nhờ tôi đánh máy một sự vụ lệnh cho ông và anh tài xế để đi công tác. Biết rằng chẳng bao giờ Quân Cảnh chận lại xét hỏi nhưng chúng tôi làm việc rất có nguyên tắc, làm sự vụ lệnh để khi lãnh nhiên liệu thì người ta có chứng từ để lưu hồ sơ cho minh bạch mà đơn vị thì cũng có bản lưu để sau này có thể cần đến. Tôi để ý cái tên họ của anh tài xế khá đẹp, Lý Vĩnh Phước.
 
Đến lúc hai người lên đường thì tôi mới biết anh Phước này là ai. Tôi đã gặp anh khá nhiều lần nhưng không để ý đến tên anh ấy. Tuy vậy, tôi vẫn để ý thấy một điều là anh mặc quân phục rất chỉnh tề, tóc gọn gàng, ngôn từ đứng đắn, gặp sĩ quan thì chào kính rất nghiêm minh. Nói chung, đó là một quân nhân có tác phong rất tốt và có một vóc dáng oai nghiêm.
 
Cuối tháng Hai 1973, đơn vị chúng tôi từ An Lộc trở về Long Bình. Một hôm, tôi đem bộ quân phục mới lãnh ra Tam Hiệp nhờ thợ may sửa lại vài chỗ. Anh Phước chạy xe Jeep ra đó mua thêm một ít thức ăn cho bộ chỉ huy, thấy tôi, anh dừng xe lại, dặn tôi đứng chờ một lúc rồi anh quay xe lại chở tôi về hậu cứ. Khoảng hơn một tháng sau, tôi lại bị thương nhưng lần này nhẹ hơn. Trong thời gian tôi ở hậu cứ, có cần đi đâu thì anh cũng sẵn sàng chở tôi đi. Anh Phước rất tốt với tất cả mọi người.
 
Không bao lâu sau đó, thành phần nhân sự của tiểu đoàn thay đổi rất nhiều. Ông đại đội trưởng của tôi là Đại Uý Lê Văn Lắm về làm sĩ quan chỉ huy hậu cứ, thay cho Trung Uý Triệu. Anh Phước vẫn làm tài xế cho sĩ quan chỉ huy hậu cứ như trước. Rồi vị tiểu đoàn trưởng của tôi là Thiếu Tá Đỗ Văn Mười đi học khoá liên đoàn trưởng rồi thuyên chuyển ra Quân Khu 2. Không bao lâu sau đó, tôi cũng bị chuyển sang một đơn vị khác. Rồi Thiếu Tá Trịnh Trân lên làm tiểu đoàn trưởng.
 
Một thời gian sau đó, Liên Đoàn 6 Biệt Động Quân được tăng phái cho chiến trường Quân Khu 2. Nếu cứ ở lại hậu cứ Long Bình, anh Phước được nhàn rỗi, gần gia đình, lại có thể đi làm thêm ngoài giờ làm việc, nhưng anh lại đi theo tiểu đoàn ra miền Trung, lái xe cho anh Trân.
 
---------
---------
Khi Quân Đoàn II được lệnh triệt thoái, Tiểu Đoàn 34 Biệt Động Quân và một đơn vị Kỵ Binh mở đường. Vì thế nên không bị kẹt đường, chỉ đụng địch mấy lần, cả tiểu đoàn chưa tới chục người bị thương. Sau đó, tình hình tồi tệ hơn, Tiểu Đoàn 51 Biệt Động Quân thì được tăng phái cho phòng tuyến Khánh Dương, còn Tiểu Đoàn 34 Biệt Động Quân nhận nhiều nhiệm vụ khác mà quan trọng hơn cả là bảo vệ các sinh viên sĩ quan Trường Võ Bị Quốc Gia di tản.
------------
 
-------------------
 Ai trong đoàn sinh viên sĩ quan này thì còn nhớ rằng Tiểu Đoàn 34 Biệt Động Quân rất có kỷ luật dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.
------------------- 
 -------------------
Sau đó, về đến Hàm Tân thì cả tiểu đoàn được lệnh lên tàu về Vũng Tàu và cuối cùng thì tăng phái cho mặt trận Long An.
 
Anh Lý Vĩnh Phước cùng chiếc xe Jeep bị kẹt lại Hàm Tân. Sau đó, anh lái xe theo đoàn người xuôi nam. Về đến hậu cứ thì anh mới biết là tiểu đoàn đang giao tranh dữ dội tại Long An. Vậy mà anh vẫn lái xe xuống đó tìm đơn vị thay vì nằm lại hậu cứ, nhưng lúc đó Sư Đoàn 22 Bộ Binh chịu trách nhiệm Quốc Lộ 4 đã ngăn lại, không cho lưu thông nên anh lại phải quay về Long Bình.
 
Trưa ngày 30 tháng Tư 1975
, các chiến sĩ Tiểu Đoàn 34 Biệt Động Quân đang bắn hạ địch quân, xác trôi đầy sông, thì có lệnh buông súng. Tất cả anh em họp lại bàn về việc thi hành lệnh đầu hàng. Các cấp chỉ huy đã thu xếp để mọi người trong đơn vị đều có phương tiện về với gia đình, rồi họ mới chia tay.
 
Tại hậu cứ của tiểu đoàn, anh Phước vẫn chờ cho đến khi có lệnh tối hậu, rồi mới rời đơn vị. Từ đó, anh vẫn giữ liên lạc với các thượng cấp và đồng đội cũ của mình. Khi các vị tiểu đoàn trưởng đi tù về thì anh đến thăm ngay.
 
Một người có trung nghĩa như thế nên thầy trò anh em chúng tôi suốt 45 năm nay vẫn giữ trọn tình nghĩa với nhau qua bao nhiêu thay đổi. Chúng tôi không bao giờ quên anh, anh chiến binh tài xế Lý Vĩnh Phước. Anh lái xe cho tất cả 7 đời tiểu đoàn trưởng, chưa từng bị khiển trách một lần nào. Ngay cả những vị tiểu đoàn trưởng rời Tiểu Đoàn 34 Biệt Động Quân sang đơn vị khác từ lâu cũng vẫn còn nhớ đến anh.
 
Chúng tôi hãnh diện có một chiến hữu, một đồng đội như anh Lý Vĩnh Phước.

No comments: